Mc
4,35-41
đức tin là nguồn hy vọng
Chúa
Giê-su ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển
lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa
có lòng tin ư?” (Mc
4,39-40)
Suy
niệm: Người làm nghề đi biển phải
thường xuyên đối mặt với cuồng phong bão tố, nên mỗi chuyến ra khơi, họ đều
chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những cơn hiểm nguy sóng to gió lớn. Thế mà,
các môn đệ, vốn là những ngư phủ lão luyện, hôm nay đã phải một phen kinh hoảng
tưởng chừng “chết đến nơi rồi” trước
cơn sóng gió dữ dội. Chỉ khi đụng phải giới hạn của sức người, họ mới gọi Thầy
mình. Trong tâm thế tuyệt vọng, họ vẫn nghĩ Ngài chỉ là một người bình thường
lại vô tâm nữa; họ đã đánh thức Ngài với giọng điệu trách móc: “Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì
sao?” Nhưng khi Chúa lệnh truyền cho sóng yên gió lặng, họ mới kinh ngạc và
nhận ra Thầy mình không phải là một phàm nhân mà là Đấng mà “cả gió và biển cũng phải tuân lệnh”.
Bạn
thân mến, chỉ vì kém lòng tin mà các môn
đệ tưởng mình không còn lối thoát trong lúc nguy nan.
Hẳn là không ít lần bạn cũng như các môn đệ, tưởng Chúa vắng mặt khi bạn đi qua
những khúc quanh tăm tối trên con đường đời của bạn. Thực ra Ngài vẫn đồng hành
với bạn. Bạn đừng vội thất
vọng nhưng hãy xin Chúa ban thêm đức tin cho bạn vì: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta
hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
Sống
Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn nhớ
tới Chúa và xin Ngài ban thêm đức tin cho bạn để bạn luôn vững lòng trông cậy vào
Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn trông cậy vào Ngài.
02/02/25 chúa
nhật tuần 4 tn – c
Dâng Chúa trong
đền thánh Lc
2,22-40
để nhận ra chúa
“Ông Si-mê-on là người công
chính và sùng đạo… Bà An-na không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng
Thiên Chúa…” (Lc 2,25.37)
Suy niệm: Khi thánh cả Giu-se và Đức Ma-ri-a dâng Con vào Đền Thờ,
ắt hẳn tại đó đã có đông đảo dân chúng cũng như các thầy tư tế, những thầy
thông luật và cả những người Pha-ri-sêu nữa. Hẳn họ cũng nhìn thấy Hài Nhi
Giê-su nhưng chỉ thấy Người giống như bao trẻ sơ sinh khác. Chỉ có hai cụ già,
ông Si-mê-on và bà An-na, nhận biết Hài Nhi này chính là “Đấng Ki-tô của Đức Chúa”. Để nhận biết và bồng ẵm Chúa Hài Nhi, dù
chỉ một lần, hai ông bà đã phải chờ đợi suốt cả một đời người đằng đẵng, một
cuộc đời công chính và “sớm hôm thờ
phượng Chúa” tại Đền Thờ. Thiên Chúa đến ở với con người, nhưng chỉ những
ai có tâm hồn đơn sơ bé mọn mới được diễm phúc nhận ra Ngài.
Mời Bạn: Đức Giê-su được “đem
lên Đền Thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa” nhưng thực ra khi Con Chúa giáng
sinh, Thiên Chúa đã đi bước trước để ‘dâng mình’ cho chúng ta. Ngài đã hạ mình
thẳm sâu để ở với chúng ta, thì chúng ta cũng phải hạ mình sống đơn sơ bé mọn
để có thể gặp và nhận biết Ngài. Ngày lễ dâng Chúa trong đền thờ được đặt làm
“Ngày Cầu Nguyện cho Đời Sống Thánh Hiến” tức là cho các tu sĩ. Các tu sĩ qua
đời sống dâng hiến của họ làm chứng cho chúng ta cũng biết dâng mình cho Chúa
bằng một đời sống tương quan cá vị và thân thiết với Ngài.
Sống Lời Chúa: Trong ngày, bạn dành thời gian dành riêng cho Chúa để
cầu nguyện thân tình với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết hiến dâng chính
mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.
03/02/25 Thứ
hai tuần 4 tn
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo Mc 5,1-20
giá trị một mạng người
Thiên
hạ đến xem việc gì đã xảy ra và thấy kẻ trước đây bị quỉ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn
hoi và trí khôn tỉnh táo. (Mc
5,14-15)
Suy
niệm: Thế là quá rõ Chúa Giê-su đánh
giá trị một con người cao như thế nào! Để cứu chỉ một mạng người, Ngài dám “xử”
luôn cả một đàn heo hai ngàn con cho đâm đầu xuống biển! Chưa hết, Ngài còn bị
dân địa phương trục xuất, chịu mất đi một cơ hội tốt để rao giảng Tin Mừng cho
vùng đất ngoại giáo này. Thế cũng còn quá rẻ bởi Ngài còn sẵn sàng trả giá đắt
hơn nữa để cứu thoát chúng ta: Ngài sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống Ngài
nữa, mạng sống của một vị Thiên Chúa!
Mời
Bạn thử liệt kê xem có bao nhiêu cách người ta coi
những thứ khác trọng hơn mạng sống và phẩm giá con người: Nhân danh công ăn
việc làm? Nhân danh sức khoẻ, sắc đẹp, lợi nhuận? Nhân danh sự an ninh và thịnh
vượng quốc gia? Bạn nhớ và nhắc người khác nhớ rằng nếu như một ‘người chẳng ra
người, ngợm chẳng ra ngợm’ như cái anh chàng bị quỉ nhập kia mà Chúa còn ra tay
cứu vớt thì người nào chà đạp lên phẩm giá con người - dù đó là phẩm giá một
thai nhi, một người tội lỗi - người đó đang chống lại chính Chúa!
Chia sẻ: Trong môi
trường nghề nghiệp, tại nơi bạn sinh sống đang có những hình thức hạ giá nhân
phẩm nào?
Sống
Lời Chúa: Bắt đầu thực thi sự kính trọng
con người qua lời nói: tuyệt đối loại bỏ những lời thô lỗ, cục cằn, tục tĩu;
trái lại luôn dùng những lời lịch sự, có văn hoá, có bác ái để nói với nhau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa coi trọng phẩm giá con người mà Chúa tạo dựng, vì thế, Chúa đã
xuống thế làm người chịu chết để ban ơn cứu độ; xin dạy con biết luôn tôn trọng
anh chị em con như tôn trọng chính Chúa. Amen.
04/02/25 Thứ
ba tuần 4 tn
Mc
5,21-43
lời quyền năng
“Này
bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được,
vì nó đã mười hai tuổi.
(Mc 5,41)
Suy
niệm: Sách Các Vua thuật lại việc Chúa
cho con trai của bà goá ở Xa-rép-ta đã chết được hồi sinh nhờ lời khẩn xin của
ngôn sứ Ê-li-a (x.1V 17,17-24). Phúc Âm Mác-cô cũng kể lại việc con gái ông
trưởng hội đường Gia-ia sống lại, nhưng lần này không phải nhờ lời khẩn cầu vị
ngôn sứ mà là do chính Đức Giê-su truyền lệnh: “Ta-li-tha kum, này bé, Ta truyền cho con trỗi dậy đi”. Quả thật,
Đức Giê-su đã khẳng định: “Chúa Cha làm
cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban sự
sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5,21). Chúa dùng chính lời quyền năng của Ngài mà
truyền cho em bé đã chết được sống lại để minh chứng rằng: Ngài là “sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Ngài
thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
Mời
Bạn: Cái chết là đáy cùng của tuyệt
vọng bởi vì người ta dù có làm gì đi nữa cũng không thể thoát khỏi nó. Thế
nhưng, khi chẳng còn gì để hy vọng chúng ta lại tìm thấy hy vọng (x. Rm 4,18)
trong Đức Ki-tô, Đấng đã chịu chết và sống lại để, những ai tin vào Ngài, sẽ
được sống muôn đời. Trong Năm Thánh “Những người hành hương của hy vọng”, chúng
ta được mời gọi đặt niềm tin và hy vọng vào Ngài, Đấng là nguồn hy vọng của
chúng ta. Dù có đau khổ, hiểm nguy, và ngay cả cái chết, chúng ta vẫn hy vọng,
vì “không có gì tách được chúng ta ra
khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô” (x. Rm 8,39).
Sống
Lời Chúa: Trước khi làm việc gì bạn đọc
kinh Sáng Soi và dâng việc sắp làm để làm vinh danh Chúa.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho
con luôn trông cậy vào Chúa, vì ở bên Chúa con sẽ không thất vọng bao giờ.
Amen.
05/02/25 Thứ
tư đầu tháng tuần 4 tn
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo Mc 6,1-6
phá bỏ bức tường thành kiến
Đức
Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình,
hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4)
Suy
niệm: Hóa ra, trong hành trình rao
giảng của Đức Giê-su, một trong những nơi ‘khó nhằn’ nhất lại là chính quê
hương của Người. Hình ảnh ‘bác thợ’ Giê-su quá quen mắt đối với dân làng
Na-da-rét lại trở thành bức tường che mắt khiến họ không nhận ra vị Thầy đang “giảng dạy như Đấng có thẩm quyền” (Mc
1,22) đó lại chính là Đấng Ki-tô. Hơn nữa, thành kiến ‘bụt nhà không thiêng’ ấy
còn thêm nặng nề vì những con mắt đố kỵ của những người đồng hương: “Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là
làm sao?” Thật đúng như lời trong Phúc âm Gio-an: “Người đã đến nhà
mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Bạn
thân mến, khi bạn tự nhốt mình trong bốn
bức tường thành kiến, bạn sẽ không thể mở được cặp mắt tâm hồn của bạn để nhận
biết những nét đẹp, những ưu điểm của anh chị em mình; hơn nữa bạn cũng đánh
mất niềm vui khi khám phá rằng tha nhân và cả chính bạn có khả năng biến đổi
mỗi ngày để trở nên hoàn thiện hơn; và tệ hại nhất là bạn có nguy cơ không nhận
ra Chúa hiện diện nơi tha nhân và nơi chính bạn nữa.
Sống
Lời Chúa: Để chữa trị căn bệnh thành kiến
nơi mình, mỗi ngày bạn tìm cho bằng được một ưu điểm, hay một điều tích cực nơi
người mà bạn khó ưa nhất và bạn cầu nguyện cho người ấy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin Chúa giúp con phá bỏ bức tường thành kiến nơi con
để con đón nhận tha nhân với một con tim quảng đại và khiêm nhường, và nhờ đó
con yêu mến Chúa hiện diện nơi họ. Amen.
06/02/25 Thứ
năm đầu tháng tuần 4 tn
Th. Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo Mc 6,7-13
được gọi để được sai đi
“Khi
ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.” (Mc 6,7a)
Suy
niệm: Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giê-su “kêu các môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông và gọi làm tông đồ”
(Lc 6,13). Chắc chắn Đức Giê-su hữu ý chọn ‘Mười Hai’ như đại diện Mười Hai chi
tộc Ít-ra-en để thể hiện mối liên hệ với sứ mệnh đặc biệt của họ trong việc
thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới của Tân Ước. Họ được chọn gọi làm ‘môn đệ’
Đức Giê-su để ở lại và học đòi theo gương Thầy Chí Thánh. Nhưng họ còn được đặt
làm ‘tông đồ’ để được sai đi với sứ mệnh loan báo Tin Mừng để những ai tin vào
Ngài thì được cứu độ.
Mời
Bạn: Sứ mệnh loan báo Tin Mừng được
Đức Giê-su ký thác cho Nhóm Mười Hai, nay được chuyển thông cho chúng ta qua Bí
tích Rửa Tội. Lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội không chỉ là
lời tuyên xưng ‘Tôi tin’ cách cá nhân mà còn là một lời đồng tuyên xưng trong
một Hội Thánh ‘công giáo và tông truyền’ để cùng tham dự vào sứ mệnh của toàn
Giáo Hội. Sứ mệnh đó là vinh dự và trách nhiệm cao cả mà mỗi người Ki-tô hữu
phải hy sinh dấn thân với sự xác tín và trung thành.
Sống
Lời Chúa: Mỗi lời nói, mỗi việc làm cũng
như mọi giao tiếp trong mối tương quan gia đình, xã hội của bạn đều có thể
chuyển biến thành một hành động loan báo Tin Mừng khi bạn thực hiện chúng với
tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, hay nói chung, theo giáo huấn của Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã gọi con tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin
Chúa ban cho con sức mạnh và lòng can đảm để sống đức tin, làm chứng cho tình
yêu Chúa mọi ngày trong suốt đời con. Amen.
07/02/25 Thứ
sáu đầu tháng tuần 4 tn
Mc
6,14-29
lắng nghe tiếng lương tâm
Vua Hê-rô-đê biết
ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông.
Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân.
(Mc 6,20)
Suy
niệm: Ca dao có câu: “Hùm giết người
hùm ngủ; người giết người thức đủ năm canh”. Đó cũng là tâm trạng dằn vặt của
vua Hê-rô-đê khi bị Gio-an Tẩy giả khiển trách về việc ông cướp vợ của anh
mình. Tuy đã bắt Gio-an tống ngục nhưng Hê-rô-đê vẫn ngầm che chở vị ngôn sứ.
Một đàng ông nhận thức hành động của mình là cực kỳ vô luân sai trái. Đàng khác
ông vẫn không từ bỏ lòng ham mê tửu sắc. Nhà vua vẫn dan díu với bà Hê-rô-đi-a,
lại còn đắm chìm trong ca vũ tiệc tùng. Trong một lúc cao hứng vui mắt vì điệu
vũ của con gái bà Hê-rô-đi-a, Hê-rô-đê đã lỡ lời: “Con xin gì, ta cũng cho, dù
một nửa nước của ta cũng được.” Một lời hứa liều trước mặt bá quan văn võ làm
sao rút lại, vua đành cho chém đầu Gio-an Tẩy giả theo lời xúi bẩy của bà
Hê-rô-đi-a. Gio-an Tẩy giả đã chết như một vị ngôn sứ, nhưng hành động táng tận
lương tâm đó sẽ cứ dày vò Hê-rô-đê mãi không thôi.
Mời
Bạn: Tiếng lương tâm là tiếng nói của
Thiên Chúa đặt để trong thâm tâm của mỗi người. Tiếng nói của lương tâm là mệnh
lệnh tuyệt đối: phải làm điều lành và xa lánh điều dữ. Vâng nghe tiếng lương
tâm đem lại bình an tâm hồn. Ngược lại, phớt lờ tiếng nói của lương tâm, để
chạy theo dục vọng thì sẽ chỉ nhận được dằn vặt và bất an.
Sống
Lời Chúa: Mỗi tối xét xem một ngày qua
mình đã nghe tiếng lương tâm thế nào và xin Chúa ban ơn hoán cải.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con có lương tâm phản ánh tiếng nói của Chúa. Xin
cho chúng con biết ngoan ngoãn vâng nghe, ngõ hầu chúng con chỉ làm điều lành
và lánh điều dữ.
08/02/25 Thứ
HAI TUẦN 4 TN
Th. Giô-sê-phi-na, trinh nữ Mc 6,30-34
theo nhịp điệu đời sống
“Chính anh em hãy riêng ra, đến một nơi thanh
vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”
(Mc 6,31)
Suy
niệm: Một người đốn củi thuê mải mê
làm việc, tưởng sẽ kiếm được nhiều tiền. Sau ba ngày làm việc anh bị chủ sa
thải. Lý do là vì mải làm, anh quên mất mài dụng cụ, khiến năng suất những ngày
sau suy giảm. Cũng vậy, đời sống gồm có hai nhịp: hoạt động và nghỉ ngơi, gặp
Chúa, thờ phượng Ngài và gặp gỡ, phục vụ con người. Ta không thể làm việc với
năng suất cao nếu không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Tương tự, ta không
thể sống đạo tốt nếu không có thời gian tiếp xúc với Chúa, sống mối tương giao
thân tình với Ngài trong thinh lặng. Sau khi các môn đệ kết thúc hành trình
truyền giáo, Đức Giê-su nhắc các ông thời gian “mài dụng cụ,” để công việc tông
đồ các ông sẽ khởi sắc hơn.
Mời
Bạn: Bạn chỉ có thể phục vụ người
khác trong vui tươi và với lòng yêu mến khi bạn tiếp sức với Đấng là nguồn sự
sống, để nhận sức mạnh nâng đỡ của Ngài. Bạn sẽ là môn đệ trung tín của Chúa
nếu bạn dành cho Ngài một chút thinh lặng với Ngài mỗi ngày. Mời bạn xem xét
làm sao để tạo sự quân bình giữa hai nhịp trong đời sống của bạn.
Sống
Lời Chúa: Duyệt xét lại đời sống, xem tại
sao mình hay nóng giận, dễ gắt gỏng; dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện
riêng, tâm sự với Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, khi bị rã rời vì trăm công nghìn việc, xin cho con quý chuộng những
lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và lo âu,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Ngài. Khi bị kéo
ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được nhờ mang đôi cánh thần kỳ cầu
nguyện.
(Rabbouni)
09/02/25 chúa
nhật tuần 5 tn – c
Lc
5,1-11
si-mon ‘đổi nghề’!
Thấy
vậy, ông Si-mon Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin
tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi…” (Lc 5,8)
Suy
niệm: Chàng ngư phủ Si-mon bị một cú
bất ngờ choáng váng. Trong thâm tâm, chàng ta nghĩ mình sẽ chẳng kéo được lấy
một con cá nhỏ. Kinh nghiệm nghề cá đầy mình như chàng mà “vất vả suốt đêm chẳng bắt được gì” nữa là mấy lời khuyên vu vơ của
một người chuyên nghề thợ mộc! Thế nhưng, chỉ vì vâng lời Thầy, vị Thầy mà
chàng một lòng kính phục, Si-mon mau mắn chèo thuyền ra “chỗ nước sâu” và thả lưới. Kết quả bất ngờ ngoài sức tưởng tượng: “hai chiếc thuyền đầy cá đến gần chìm”
đã quật ngã mọi kiêu hãnh, tự phụ trong con người Si-mon. Từ lời nói quyền uy
vô song của Thầy Giê-su, chàng nhận thấy thân phận tội lỗi của mình, điều đó
cũng có nghĩa là chàng tuyên nhận Thầy là Đấng Thánh, là chính Thiên Chúa. Và
cũng nhờ lời quyền uy ấy kêu gọi, chàng ngư phủ Si-mon dứt khoát ‘đổi nghề’ để
mãi mãi trở thành tông đồ Phê-rô, người chài lưới linh hồn.
Bạn
thân mến, trong ‘nghề’ tông đồ, Phê-rô có
thêm một kinh nghiệm quí giá nhờ biết làm theo lời Thầy Giê-su. Mời bạn học
nghề với thánh Phê-rô để hiểu thế nào là giá trị của đức vâng phục trong khi
hoạt động tông đồ. Bạn hiểu thế nào là sự trưởng thành trong đức vâng phục? Bạn
có thể tham khảo mẫu gương Đức Ki-tô vâng phục Chúa Cha.
Sống
Lời Chúa: Tập nhìn ra ý Chúa qua việc vâng
lời những vị bề trên hiện hữu của mình (cha mẹ, thầy cô, v.v…).
Cầu nguyện:
Đọc kinh Lạy Cha và xin ơn sống vâng phục thánh ý Chúa.
10/02/25 Thứ
hai tuần 5 tn
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ Mc 6,53-56
với tấm lòng thương xót
Đức Giê-su đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn
xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho
họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều
được khỏi. (Mc 6,56)
Suy
niệm: Chúa Giê-su không phải là thầy
thuốc, nhưng người đau ốm bệnh tật ở khắp nơi đều tuốn đến với Ngài. Không tự
mình đi được thì nhờ người khác cáng tới. Vì “bất cứ ai chạm đến Người – dù chỉ là tua áo choàng của Người – thì đều
được khỏi” (Mc 6,56). Đừng vội chê trách họ có đầu óc lợi dụng! Có những
người đã hằng chục năm tìm thầy chạy thuốc mà vẫn tiền mất tật mang. Có những
người đã từng nằm vô vọng chờ một phép lạ xảy đến cho mình nhưng nào có thấy.
Chúa Giê-su không chê trách nhưng đón nhận họ với lòng thương xót. Lòng thương
xót ấy biểu lộ qua cách Ngài thi thố quyền năng. Những ai đến
với Người, Người luôn mở rộng vòng tay chờ đón. Người luôn trao ban hết con
người, hết thời giờ, hết quyền năng Người cho họ. Điều quan trọng là Ngài không
dừng lại ở chỗ chữa lành bệnh thể xác mà còn ban cho họ ơn đức tin để được cứu
độ.
Mời
Bạn: Mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi là
tông đồ của Chúa giữa lòng thế giới. Muốn rao giảng lời Chúa thì cũng phải có
tấm lòng như Chúa, một tấm lòng biết thương xót. Trong mọi hoàn cảnh, người
tông đồ đích thực của Chúa không thể thiếu tính cách phục vụ yêu thương và quên
mình như Thầy Giê-su. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn làm gì để sống và thể hiện
lòng thương xót Chúa cho anh em?
Sống
Lời Chúa: Thăm viếng bệnh nhân hoặc phụ giúp
người già, khuyết tật neo đơn trong khu xóm của bạn.
Cầu nguyện:
Hát
Kinh Hòa Bình.
11/02/25 Thứ
ba tuần 5 tn
Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày quốc tế bệnh nhân Mc 7,1-13
thờ phượng chúa theo cách chúa muốn
“Dân
này tôn kính ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ
phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.”
(Mc 7,6-7)
Suy
niệm: Trong một vở kịch của G. Marcel,
chị vợ dự định tặng cho chồng món quà sinh nhật là một đôi giày thật đẹp. Chẳng
may anh chồng bị tai nạn phải cưa mất đôi chân. Chị vợ vẫn nhất quyết giữ ý
định cũ của mình bất chấp giờ đây chồng mình không còn chân để đi giày nữa. Đôi
giày thay vì là một món quà đem lại niềm vui thì lại trở thành một sự xúc phạm
nặng nề. Cách giữ luật theo kiểu người Pha-ri-sêu cũng thế. Thay vì thờ phượng
Chúa bằng cuộc sống “công bình, nhân ái
và thành tín” như Ngài mong muốn (Mt 23,23) thì họ chỉ dành cho Ngài những
lời lẽ ngoài môi miệng và tuân giữ “những
giới luật phàm nhân.” Như thế không phải là xúc phạm nặng nề đến Chúa hay
sao?
Bạn
nghĩ coi, chúng ta có thực sự thờ phượng
Chúa đúng như lòng Chúa mong muốn không? Chúng ta không thiếu những nghi lễ
long trọng nhưng chúng ta đã sống công bình và nhân ái chưa? Liệu chúng ta đã
đồng cảm với những người khổ đau, nghèo đói? Liệu chúng ta đã bênh vực, chia sẻ
với những người đang chịu bất công, bị loại bỏ bên lề xã hội? Nếu chưa sống như
thế, chúng ta mới chỉ thờ Chúa ngoài môi miệng, chưa đúng như lòng Chúa mong
muốn.
Sống
Lời Chúa: Xem-xét-và làm một việc theo
tinh thần Tin Mừng để chia sẻ với người đau khổ sống bên cạnh bạn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ
phượng Chúa với tất cả tấm lòng, không viện lý do này khác để tránh né việc
thực thi công bằng và nhân ái.
12/02/25 Thứ
tư tuần 5 tn
Mc
7,14-23
sạch từ bên trong
“Không
có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế
được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,14-23)
Suy
niệm: Chỉ mới gần đây thôi, người ta
cổ võ trồng rau sạch, ăn rau sạch. Để có rau sạch, không chỉ dùng nước rửa cho
khỏi đất cát bám vào mà đủ, thậm chí phải rửa bằng thuốc sát trùng để khử cả
những con vi trùng nhỏ mắt không thấy được. Nếu chỉ thế mà thôi thì mới sạch
bên ngoài, chưa ‘rửa’ được những dư lượng thuốc trừ sâu đã ngấm vào tận sớ mạch
của cây rau. Tiêu chuẩn ‘sạch’ ngày càng được nâng cấp tương ứng với chất lượng
cuộc sống ngày càng nâng cao. Về mặt tâm linh con người cũng thế, người ta
không thể trở nên sạch trước mặt Thiên Chúa chỉ bằng cách tẩy rửa bên ngoài
(rửa tay, rửa chén bát, v.v…) hay kiêng cữ một số thức ăn. Cái làm cho con
người dơ bẩn trước mặt Thiên Chúa xuất phát từ nội tâm con người chứ không phải
từ bên ngoài. Bởi thế để nên trong sạch con người phải thanh tẩy ý hướng, thanh
tẩy lòng muốn của mình.
Bạn
thân mến, nếu thân thể bạn cần tắm rửa
hằng ngày để được sạch sẽ thơm tho, thì tâm hồn bạn cũng thế. Bạn có thể giữ
sạch tâm hồn mình bằng cách thường xuyên kiểm điểm đời sống, sám hối ăn năn và
lãnh nhận bí tích giao hoà.
Chia sẻ: Bí tích giao hoà (mà ta hay gọi
là “xưng tội”) giúp bạn nâng cao chất lượng đời sống tâm linh thế nào?
Sống
Lời Chúa: Bạn hãy lên kế hoạch giữ gìn vệ
sinh tâm hồn cho chính mình: kiểm điểm đời sống mỗi ngày, thường xuyên lãnh
nhận bí tích giao hoà (1-2 tháng/lần chẳng hạn)
Cầu nguyện:
Đọc kinh Ăn năn tội.
13/02/25 Thứ
năm tuần 5 tn
Mc
7,24-30
những vụn bánh nhỏ
Một
người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Chúa Giê-su, liền
vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri.
Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (Mc 7,25-26)
Suy
niệm: Có vẻ như Chúa Giê-su mắc chứng kỳ thị chủng tộc nặng: người Do thái
được coi là “con cái trong nhà”, được
hưởng nguyên miếng bánh to; còn người phụ nữ Phê-ni-xi này không theo đạo Do
thái thì bị coi như “con chó con”,
chỉ trông chờ những vụn bánh nhỏ từ bàn ăn rơi xuống. Nhưng thực ra chính cái
gút khúc mắc đến cực điểm ấy lại được giải kết thật có hậu: người đàn bà ‘ngoại
giáo’ này đã được toại nguyện nhờ niềm tin mãnh liệt của bà. Ở nhiều nơi hành
hương như Trà Kiệu, La Vang chẳng hạn, chính những người lương dân lại chứng
kiến những phép lạ, được hưởng những ơn lành chẳng kém gì người công giáo. Phải
chăng đó là “những vụn bánh nhỏ” giúp
kiểm nghiệm những niềm tin lớn đang hiện hữu nơi tâm hồn biết bao anh em lương
dân?
Mời
Bạn: Chúa vẫn thực hiện những phép lạ
lớn lao một cách âm thầm như ngày nào. Và Ngài đang mời bạn tiếp tay với Ngài
dẫn đường cho những anh em đó trở thành “con
cái trong nhà” cách trọn vẹn để họ không chỉ hưởng một vài “vụn bánh nhỏ” của phép lạ mà còn được
cả tấm bánh to là chính Thánh Thể Đức Giê-su Ki-tô.
Chia
sẻ:
Có gì khác giữa niềm tin của một người lương dân và đức tin của người Ki-tô
hữu?
Sống
Lời Chúa: Đem “bánh Tin Mừng” đến cho anh
em lương dân bằng cách mỗi ngày làm một việc tốt cho họ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa muốn mọi người được cứu độ, xin cho chúng con biết nhiệt thành
chia sẻ tấm bánh Tin Mừng cho anh chị em lương dân.
14/02/25 Thứ
sáu tuần 5 tn
Th. Xy-ri-lô, đan sĩ và Mê-tô-đi-ô,
giám mục Mc 7,31-37
đến với đức giê-su
Người ta đem một người vừa điếc
vừa ngọng đến với Đức Giê-su và xin Người đặt tay trên anh. (Mc
7,32)
Suy
niệm: Người điếc thì không thể nghe,
người câm thì không nói được. Người vừa điếc vừa ngọng này bị trói buộc, bị
cách ly không thể tương giao với người khác. Để giúp anh nối lại mối tương quan
bị đoạn tuyệt đó, anh may mắn được nhiều người trợ giúp đưa đến với Đức Giê-su;
và Ngài đã thực hiện một loạt dấu chỉ để chữa lành anh: Ngài đưa anh ra khỏi
đám đông để anh ở một mình với Ngài và đụng chạm đến tai, đến lưỡi anh. Cuối
cùng nhờ lời Ngài nói: “Ép-pha-ta, [nghĩa
là: hãy mở ra]”,
tai anh mở ra, lưỡi anh hết bị buộc lại, anh nói được rõ ràng (x. Mc 7,32-35).
Bạn
có biết, bệnh câm thường là hậu quả của
bệnh điếc: một đứa trẻ vì tai điếc nên nó không biết nói hoặc nói một cách khó
khăn, ngọng nghịu. Chỉ khi ta mở tai để nghe được Lời Chúa, lúc đó miệng lưỡi
ta mới có thể mở ra để ca tụng tôn vinh Chúa, và làm chứng về Ngài. Trong Năm
Thánh này, Hội Thánh mời gọi chúng ta không bao giờ thất vọng vì sự bất hạnh
hay tội lỗi của chúng ta, nhưng đến gặp gỡ Đức Giê-su cách cá vị và cùng bước
đi với Ngài trên con đường hy vọng “để
tôn Ngài là Chúa ngự trị trong lòng bạn và sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất
vấn về niềm hy vọng của bạn” (x. 1Pr 3,15).
Sống
Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và
kiên trì làm chứng về Ngài mọi ngày trong cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, con đã
lãng phí thời gian cho những thông tin vô bổ hay những câu chuyện tầm phào, và
giả điếc làm ngơ trước lời yêu thương của Chúa. Xin cho con luôn khao khát đến
với Chúa và tìm thấy nơi Lời Chúa nguồn ánh sáng soi đường cho con.
15/02/25 Thứ
bảy tuần 5 tn
Mc
8,1-10
vượt quá lòng mong đợi
Đức Giê-su
gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương dân chúng, vì họ ở luôn với
Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về
nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” (Mc
8,2-3)
Suy niệm: Theo Tin Mừng
Mác-cô, có chừng bốn ngàn người đi theo Đức Giê-su và họ ở lại với Ngài “đã ba ngày rồi”. Hẳn là họ không ngờ
Chúa có sức cuốn hút đến nỗi họ quên cả thời gian để ở lại với Ngài lâu như
vậy; không dự kiến một chuyến đi kéo dài như thế, cho nên giờ đây họ không còn
gì để ăn!!! Chúa Giê-su không bỏ mặc họ, Ngài không để họ phải bụng đói ra về kẻo “họ sẽ bị xỉu dọc đường” chăng. Ngài đã
dùng 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ để cho họ ăn no nê. Đến với Chúa, họ say mê
lắng nghe Lời Ngài đến quên cả mệt nhọc, đói khát. Đáp lại,Chúa còn ban cho họ
vượt quá lòng mong đợi: Ngài đã cho họ no thoả cả xác với hồn.
Mời Bạn: Quả thật, Chúa đã
nói khi đối đầu với ma quỷ trong cơn cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ
cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Chúa
dạy chúng ta: “Trước hết, hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ
ban thêm cho” (x. Mt 6,33), bởi vì Ngài là Đấng vô cùng nhân hậu, Ngài biết
chúng ta cần gì, và ai đặt hy vọng nơi Chúa sẽ không bao giờ phải thất vọng.
Sống Lời Chúa: Trong Năm Thánh này, bạn sống tinh thần hy vọng của Tin
Mừng, đó là luôn vững lòng trông cậy nơi Chúa, hành hương và sám hối để canh
tân đời sống, đặc biệt nỗ lực “làm việc
thiện không sờn lòng nản chí” (2Tx 3,13).
Cầu nguyện: Đọc Kinh Năm Thánh.
16/02/25 chúa
nhật tuần 6 tn – c
Lc
6,17.20-26
nghèo là mối phúc
Phúc cho anh em là những kẻ
nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)
Suy niệm: Người đời tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang,
quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến
tương tàn khốc hại... Đang khi đó, Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài chống lại thứ nghèo làm tổn
thương nhân phẩm. Ngài muốn con người được sự giàu có vĩnh cửu: được cả Nước
Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu có chỉ đem lại niềm hạnh phúc
chóng vánh, tạm thời ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết
làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Nghèo có phúc là: - nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị
trái lại phục vụ trong khiêm tốn; - làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ
thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với
nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và
thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.
Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát
của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện
trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy
trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta
suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ
chọn lựa.
Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến cảm thông,
chia sẻ thay vì tư lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.
17/02/25 Thứ
hai tuần 6 tn
Bảy Thánh lập dòng
Tôi Tớ Đức Mẹ Mc 8,11-13
niềm tin đích thực
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật
cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,12)
Suy niệm: Trong năm rao
giảng, Chúa Giê-su làm không biết bao nhiêu phép lạ, mọi người đều xem thấy. Có
những người “đã thấy và đã tin vào Ngài”.
Thế nhưng, phải chăng phép lạ là bằng chứng không thể chối cãi về Thiên Chúa?
Phải chăng hễ ai cứ thấy phép lạ thì chắc chắn phải tin? Thực tế không phải
thế! Những người Pha-ri-sêu thấy phép lạ đã chẳng vu khống Đức Giê-su “dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun” để trừ
quỷ đó sao (Mc 3,22)? Họ đòi Chúa phải làm “dấu
lạ từ trời” theo ý họ, không phải để tin mà “để thử thách Người”. Chúa Giê-su đã không chiều theo đòi hỏi vô
lối đó, Ngài không cho họ “một dấu lạ nào
cả” ngoại trừ “dấu lạ Giô-na”, đó
chính là dấu lạ của cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.
Mời Bạn: Khi làm một phép lạ cho ai Chúa Giê-su đòi hỏi người ấy
phải có lòng tin, dù lòng tin còn yếu kém (x. Mc 9,24); hay ít ra, phép lạ có
thể khơi dậy niềm tin nơi người ấy. Niềm tin đích thực chính là sự phó thác hoàn toàn vào
quyền năng vô cùng và tình yêu vô biên của Chúa. Nhờ đó, bạn có thể nhận ra
Ngài vẫn làm phép lạ nơi bữa cơm gia đình của bạn, nơi những gặp gỡ tiếp xúc
hằng ngày của bạn. Và nhất là tại bàn tiệc thánh, nơi Đức Ki-tô vẫn làm hiện “dấu lạ Giô-na” qua hy tế Thánh Thể.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút tâm sự Chúa Giê-su hiện diện
nơi Thánh Thể và xin ơn nhận ra dấu lạ của Ngài trong đời thường của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở lòng con để con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những
điều bình dị của cuộc sống. Xin giúp con sống đức tin mạnh mẽ và làm chứng cho tình yêu
Chúa.
18/02/25 Thứ
ba tuần 6 tn
Mc
8,14-21
chúa luôn ở bên tôi
“Sao
anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu
sao?” (Mc 8,17)
Suy niệm: Chưa bao giờ Đức Giê-su đặt ra cho các môn đệ nhiều câu
hỏi dồn dập như vậy. Rõ ràng Chúa có ý dùng hình ảnh ví von khi dặn dò các môn
đệ “phải đề phòng ‘men’ Pha-ri-sêu và
‘men’ Hê-rô-đê”; thế mà các ông lại có cái nhìn hết sức thiển cận khi họ lo
lắng vì quên dự trữ bánh trên thuyền khi đi biển. Đức Giê-su rất đỗi ngạc nhiên
tưởng chừng như thất vọng với các môn đệ. Chỉ thiếu có vài chiếc bánh mà các
ông đã cuống cuồng lên, trong khi đã bao lần họ từng chứng kiến Ngài làm phép
lạ hoá bánh ra nhiều. Mới đó mà các ông
quên rồi sao? Hơn nữa, vị Thầy đầy quyền năng đang ở bên họ mà họ lo lắng
chuyện vặt vãnh như thế! Các ông còn chưa
hiểu sao? Và nhất là, Chúa mời gọi các môn đệ đề phòng lối sống đạo đức giả
của phái Pha-ri-sêu hay não trạng hưởng thụ vật chất của phe Hê-rô-đê thì họ
chỉ bận tâm đến những nhu cầu thế tục. Chúa than thở: “Lòng
anh em ngu muội thế sao?”
Bạn thân mến, Chúa vẫn hỏi chúng ta những câu
hỏi đó khi chúng ta quá xao xuyên trước những lo âu của cơm áo gạo tiền, khi
chúng ta muốn thoả mãn những nhu cầu hưởng thụ vật chất mà quên rằng “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl
3,20), nơi Đức Ki-tô đang ngự trị bên hữu Thiên Chúa (x. Cl 3,1). Bạn sẽ trả
lời sao với Chúa đây?
Sống Lời Chúa: Ôn
lại những ơn lành Chúa đã ban để sống tâm tình
tạ ơn và
phó thác trong mọi giây phút cuộc đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin ban cho con một đức tin vững chắc, một đức cậy vững vàng, một lòng mến sắt
son để con luôn trung thành với Chúa, vượt thắng mọi thử thách trong cuộc đời.
Amen.
19/02/25 Thứ
tư tuần 6 tn
Mc
8,22-26
để ngài chạm đến lần nữa
Chúa Giê-su
lại đặt tay trên mắt người mù, anh trông rõ và khỏi hẳn. (Mc
8,25)
Suy niệm: Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thường thấy Chúa Giê-su
chỉ cần quát một tiếng: “Im đi!” thì
tức khắc sóng gió liền câm lặng (Mc 4,39); hoặc Ngài chỉ nói nhẹ nhàng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”
là người mù ở Giê-ri-khô liền nhìn thấy được như lòng mong ước (Mc 10,52). Thế
nhưng lần này, Ngài phải khá là vất vả: nhổ nước miếng vào mắt người mù ở
Bết-xai-đa và đặt tay trên anh, thế mà anh chỉ có thể thấy lờ mờ. Phải đợi tới
lần thứ hai Chúa đặt tay trên mắt anh, anh ta mới nhìn thấy tỏ tường. Quyền
năng Chúa thì vô biên nhưng tội lỗi có khi đã “di căn” trầm trọng trong tâm hồn
con người. Chúa vẫn nhẫn nại không mệt mỏi để chạm đến chúng ta, đặt tay trên
chúng ta lần nữa, và lần khác nữa. Phần chúng ta muốn được Chúa chạm đến và
chữa tận căn tật bệnh tâm hồn, không phải chỉ đến lãnh nhận ơn tha tội một lần
là đủ mà phải kiên trì và nỗ lực để sám hối và thăng tiến mỗi ngày.
Mời Bạn: Bạn có chấp nhận thứ hoán cải nửa vời, để chỉ nhìn thấy
tha nhân “lờ mờ như cây cối biết đi”
thay vì nhìn họ rõ nét như những người anh chị em rất thân thương hay không?
Hay bạn nản lòng buông xuôi trước những nết xấu thâm căn cố đế của mình? Xin
bạn đừng ngại đến với Chúa trong bí tích hoà giải để Ngài chạm đến bạn lần nữa,
và chữa lành bạn.
Chia sẻ: Chúa nhẫn nại và bao dung với bạn.
Còn bạn đối với tha nhân thì sao?
Sống Lời Chúa: Sám hối về những tội
mình cứ tái phạm nhiều lần và thành tâm đến lãnh nhận bí tích hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa. Xoá tội con theo
lượng cả đức từ bi. (Tv 50)
20/02/25 Thứ
năm tuần 6 tn
Th. Phan-xi-cô Mác-tô và Gia-xin-ta
Mác-tô Mc 8,27-33
xác thực trong lời loan báo
“Họ
bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là
một ngôn sứ nào đo.” Chúa Giê-su lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?” (Mc
8,28-29)
Suy
niệm: Không phải hễ loan báo bất cứ
thông tin nào về Chúa Giê-su cũng là thi hành sứ mạng truyền giáo. Đã từng có
những lời loan báo sai lầm, khiến người nghe không thể gặp Chúa Giê-su đích
thực. Thời các Tông Đồ, người ta bảo Chúa là Gio-an Tẩy Giả, là ngôn sứ Ê-li-a,
hay là một ngôn sứ. Những lời này rốt cuộc đưa người nghe đến gặp một ai khác
chứ không phải Chúa Giê-su. Thời nay cũng không thiếu những sai lầm như thế.
ĐTC Gio-an Phao-lô II lưu ý trong Tông
Huấn Giáo Hội Tại Á Châu rằng “điều
nghịch lý là phần lớn người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giê-su, sinh ra
trong phần đất Á Châu, như là một nhân vật Âu châu hơn là Á châu” (số 20).
Theo ngài, sở dĩ Chúa Giê-su bị trình bày như xa lạ với Á châu là do một chuỗi
dài lịch sử, các tín hữu đã không chú ý đến hoàn cảnh người nghe và văn hóa
châu Á của họ. Việc thiếu học biết giáo lý cũng khiến người ta hiểu sai và loan
báo sai về Chúa Giê-su.
Mời
Bạn: Rất đông các tín hữu cho rằng
chỉ cần học giáo lý để lãnh nhận các bí tích (Thêm Sức, Hôn Nhân…) là đủ. Tệ
hơn nữa nhiều vị phụ huynh coi trọng việc cho con cái đi học thêm về văn hoá mà
bỏ bê việc học giáo lý. Bạn làm gì để khắc phục tình trạng này?
Sống
Lời Chúa: Ghi danh học lớp giáo lý hoặc
bắt đầu tìm đọc một sách trình bày giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần học hỏi giáo lý, nhờ đó, con trình bày Chúa
cách chính xác cho anh em con hiểu và sẵn sàng tin theo Chúa.
21/02/25 Thứ
sáu tuần 6 tn
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến
sĩ HT Mc 8,34-9,1
điều kiện làm môn đệ
Khi ấy,
Chúa Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng: “Ai
muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)
Suy
niệm: Đang khi vị tướng La Mã lừng danh Fabiô Maximô thảo luận với bộ tham mưu
về chiến thuật đánh chiếm một vị trí quan trọng, thì một cố vấn đề nghị phương
cách chiến thắng với số thương vong ít nhất có thể. Maximô nhìn thẳng vào vị cố
vấn ấy và hỏi: “Thế ông có sẵn lòng làm
một trong số ít người đó không?” Chúa Giê-su không phải là một vị tướng
ngồi từ xa đùa giỡn với sinh mạng con người như những con tốt thí. Nếu Ngài đòi
hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, chính Ngài cũng sẵn sàng đi bước trước
đối đầu với nó. Nếu Chúa Giê-su kêu gọi mỗi người chúng ta vác thập giá, bởi vì
chính Ngài đã từng vác một cây như vậy.
Mời
Bạn: Chúa Giê-su không
mời gọi bạn theo Ngài bằng cách hứa hẹn một con đường dễ dãi, nhưng bằng cách
thách đố bạn, khơi dậy chí khí đang ngủ trong tâm hồn bạn, cũng như đề nghị với
bạn một con đường ngày càng gian khổ hơn, nhưng vươn cao hơn. Ngài không hứa
hẹn sẽ làm cho đời bạn được dễ dàng hơn, nhưng sẽ giúp bạn trở thành vĩ đại
hơn. Muốn trở thành môn đệ thật sự của Chúa Giê-su, bạn phải luôn
luôn trả lời “không” với chính bản
thân và đáp “vâng” với Chúa.
Sống
Lời Chúa: Tôi xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống
trong tôi” (Gl 2,20).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin ở với
con lúc con gặp thử thách gian truân, để con có đủ sức mạnh và can đảm mà trung
thành theo chân Chúa đến cuối hành trình trần gian này. Amen.
22/02/25 Thứ
bảy tuần 6 tn
Lập Tông toà thánh Phê-rô Mt 16,13-19
“Abba!” [cha ơi!]
Ông
Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy
niệm: Nhân vật Ben Hur trong bộ phim
cùng tên đã thốt lên: “Tại sao Con Thiên
Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu Ngài làm khiến con
kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Ngài đủ hủy diệt sức mạnh Rô-ma. Thế mà Ngài
lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao trở thành vô ích?
Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rô-ma và để vũ khí mà ta khổ công
rèn đúc phải rỉ sét ư?” Anh cũng như nhiều đồng hương đã thất vọng về Đức
Giê-su, vì chờ đợi Ngài như Đấng Cứu Thế vinh quang bằng cách trừng phạt quân
đội Rô-ma, mang lại phồn vinh cho trần thế qua sức mạnh chinh phục. Ngài quả
thật là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Ki-tô Cứu Thế như Phê-rô tuyên xưng.
Thế nhưng, Ngài còn là Người Con hiếu thảo với Cha, cả đời Ngài chỉ canh cánh
một điều là làm đẹp ý Cha trong mọi sự. Thế mà ý Cha là sai Con mình đến, không
phải để luận phạt, nhưng để cứu thế gian và để thế gian nhờ đó được sống dồi
dào.
Mời
Bạn: Bạn không tin Thiên Chúa cách
chung chung như những tín đồ tốt lành của các tôn giáo khác. Bạn tin và đến với
Thiên Chúa qua người Anh Cả là Đức Giê-su, Đấng là Thiên-Chúa-thần-linh, nhưng
đồng thời cũng là con-người-xương-thịt như bạn. Nhờ sống trong tương quan thân
thiết với người Anh Cả là Thiên Chúa và là con người, bạn gặp được Thiên Chúa
và dám mở miệng gọi Thiên Chúa: “Abba!”
“Cha ơi”.
Sống
Lời Chúa: Xem lại cách tôi sống với Đức
Giê-su như thế nào: gắn bó thân thiết như nên “một” với Ngài hay hờ hững qua
loa? Và tìm mọi cách để Ngài thực sự sống trong tôi mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Đọc kinh Lạy Cha.
23/02/25 chúa
nhật tuần 7 tn – c
Lc 6,27-38
từ trái tim đến trái tim
“Anh em muốn người ta làm gì
cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.”(Lc 6,31)
Suy
niệm: Sách
Sa-mu-en thuật lại cử chỉ cao đẹp của vua Đa-vít tha chết cho vua Sa-un khi ông
có cơ hội giết nhà vua, kẻ đang tìm giết mình. Lý do buông tay của Đa-vít rất
rõ ràng: vì ông “không nỡ ra tay giết
đấng được Chúa xức dầu” (1Sm 26,23). Bài Tin Mừng giúp chúng ta chiêm
nghiệm lại những lời dạy cao đẹp của Đức Giê-su: yêu mến, làm ơn, chúc phúc, cầu nguyện cho những người xúc phạm,
làm tổn thương ta. Chúa mời gọi chúng ta thực hiện những nghĩa cử cao đẹp như
vậy vì ta là môn đệ của Ngài, thì cũng phải có trái tim nhân hậu, hiền lành,
quảng đại như Ngài. Không thể chiến thắng thù hận, cái ác, bạo lực bằng thù
hận, cái ác, bạo lực. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng sự dữ, và thù hận khi
nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, bởi vì: “Trên thập giá, Đức Ki-tô đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Mời Bạn: “Chúng ta có một
trái tim, một trái tim cùng tồn tại với những trái tim khác giúp làm cho nó
thành một “Bạn”... Mọi hành động của chúng ta phải được đặt dưới “quy tắc chính
trị” của trái tim” (Dilexit nos, số 12-13). Bạn nghĩ sao về những lời này?
Và trái tim bạn đang đập, thổn thức, được nuôi sống trong môi trường yêu thương
hay hận thù, cảm thông hay ghen ghét, đón nhận hay loại trừ?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi dâng lời cầu nguyện cho một người mà tôi
không ưa thích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa,
xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Vì chính khi thứ tha là khi được
tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.
(Kinh Hòa Bình)
24/02/25 Thứ
hai tuần 7 tn
Mc
9,14-29
học cầu nguyện như chúa
Các môn đệ hỏi riêng Chúa
Giêsu: “Tại sao chúng con đây lại không
trừ nổi tên quỷ đó?” Người đáp: “Giống quỷ đó chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện
thôi.” (Mc 9,28-29)
Suy niệm: Văn hào Dostoievsky trong bộ truyện
“Anh Em nhà Karamazov” mô tả tên quỷ cám dỗ Ivan không xuất hiện như một giống
vật đi hai chân, lông lá đen thui, đầu có sừng, sau lưng có đuôi, mà là một
người ăn mặc có vẻ bảnh bao. Quỷ cũng không vật Ivan “sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra,” trái lại, hắn cám dỗ
anh ta bằng những luận điệu đẹp đẽ và trí thức nữa. Các môn đệ hẳn đã vận dụng
nhiều ‘phép’ nhưng vẫn bó tay trước tên quỷ hôm nay vì đã không ‘chạy đúng thầy
đúng thuốc.’ Nhưng dù xuất hiện dưới dáng vẻ nào và tung ra chiêu bài cám dỗ
nào, quỷ cũng vẫn là quỷ. Chúa dạy muốn trừ quỷ, sức riêng ta không đủ, mà phải
có quyền năng của Thiên Chúa, nghĩa là chỉ
có thể trừ quỷ bằng lời cầu nguyện mà thôi.
Mời Bạn: Một bạn trẻ hỏi
thời nay có quỷ ám không, vị linh mục trả lời: “Quỷ hiện đại” “ám” người ta
bằng những cám dỗ cũng hiện đại. Khi để lòng ưng theo một ước muốn xấu xa, lúc
đó người ta đã bắt đầu bị quỷ ám rồi. Dù có làm việc bác ái, đi lễ đọc kinh mà
thiếu tinh thần cầu nguyện thì cũng chỉ làm trò cười cho quỷ. Khi cầu nguyện,
lòng người ta đầy Chúa, ma quỷ sẽ cao chạy xa bay.
Chia sẻ: Có người hiểu cầu nguyện chỉ là xin ơn này ơn khác. Có
người nói cầu nguyện không có lợi gì cho cuộc sống. Cả hai đều suy nghĩ theo
kiểu thực dụng. Còn bạn, bạn nghĩ sao?
Sống Lời Chúa: Tìm một chỗ riêng, quì gối, và tâm sự với Chúa một ít
phút.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện,
như Chúa đã cầu nguyện trên núi, hay như đêm xưa trong vườn Dầu.
25/02/25 thứ ba tuần 7 tn
Mc
9,30-37
lấy phục vụ làm
gốc
Đức
Giê-su nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người
phục vụ mọi người.” (Mc
9,35)
Suy
niệm: Chẳng ai xa lạ gì với châm ngôn:
“Vui lòng khách đến, vừa lòng khác đi”
hay “khách hàng là thượng đế” nơi các
cơ sở kinh doanh, buôn bán. Với tiêu chí tối thượng đó, các nhân viên ưu tiên
phục vụ khách tối đa, khiến cho khách hài lòng nhất có thể. Chúa Giê-su cũng
muốn các môn đệ lấy phục vụ làm tầm nhìn, làm “gốc” như thế trong cung cách
lãnh đạo của mình. Khi lấy phục vụ làm gốc,
ranh giới giữa chủ với tớ, hay vua với dân sẽ mất đi, vì “Thầy đến với anh em như một tôi tớ!” Hơn nữa, thay cho lợi ích
nhóm, tư lợi, phục vụ nhắm đến lợi ích chung, bởi cả hai cùng muốn ích lợi cho
nhau, giúp nhau lớn lên. Cung cách đó gây khó chịu cho các kinh sư nhưng lại là
lối đi đúng đắn phù hợp giáo huấn Tin Mừng Chúa Ki-tô, cũng là tinh thần môn đệ
của Ngài!
Mời
Bạn: Công Đồng Vaticanô II đã thay
đổi cái nhìn về quyền bính trong Giáo Hội: không còn theo mô hình kim tự tháp
áp từ thượng tầng xuống cơ sở, mà mọi phần tử đều qui về tâm điểm là Đức Ki-tô.
Lối nhìn ấy khiến mọi người đều “cùng”: cùng tham gia, cùng hoạt động và cùng
sứ vụ, để cùng hướng tới thiện ích chung thay vì chỉ “giao” cho một thành phần
nào đó. Bạn có đang giữ chức vụ nào trong giáo xứ hay ngoài xã hội? Bạn có nhắm
đem lại lợi ích cao nhất là ơn cứu độ cho những người mà bạn phục vụ không? Mời
bạn suy nghĩ về cách phục vụ lâu nay của mình.
Sống
Lời Chúa: Làm một việc phục vụ nho nhỏ giúp người thân trong gia đình.
Cầu
nguyện: Lạy Thầy Giê-su,
Thầy đã cúi xuống phục vụ người khác như một tôi tớ, xin cho con cũng phục vụ
tha nhân như chính Chúa đã làm. Amen.
26/02/25 Thứ
tư tuần 7 tn
Mc
9,38-40
như lòng chúa bao dung
“Ai không chống lại chúng ta là
ủng hộ chúng ta.”
(Mc 9,40)
Suy
niệm: Mới chỉ được Chúa sai đi rao
giảng với quyền trừ quỷ (x. Mc 6,7), các môn đệ đã ‘khoanh vùng’ dành độc quyền
“nhân danh Thầy mà trừ quỷ” và ngăn
cản “những người không đi theo chúng ta”
không được quyền làm điều tốt đẹp đó. Cách hành xử đó hoàn toàn đi ngược với
giáo huấn cởi mở bao dung của Đức Ki-tô. Quả thật mọi sự thiện hảo đều bởi Chúa
chứ nào phải là của riêng các ông. Thiên Chúa cho mặt trời soi chiếu cho mọi
người (x. Mt 5,45). Chúa không giới hạn tình yêu, ân sủng của Ngài cho riêng
một nhóm, hay một chủng tộc, một quốc gia nào. Mọi việc lành, nghĩa cử cao đẹp,
dù do ai hay do nhóm nào thực hiện, đều nhờ ơn tác động của Chúa Thánh Thần và
đều góp phần làm cho Nước Chúa được hiển trị.
Mời Bạn: Lời Chúa mời bạn sống bao dung.
Thay vì xét nét, kỳ thị người khác chỉ vì họ không đồng đạo, không đồng quan
điểm với mình, thì ngược lại hãy có một cái nhìn tích cực để nhận ra điều tốt
lành nơi họ. Thay vì ganh tỵ chia bè, kết đảng, hãy cộng tác với nhau với tinh
thần thiện chí để đem lại điều tốt đẹp cho nhiều người. Và nhất là nhận ra công
trình của Thiên Chúa đang được Ngài dùng bàn tay của họ để thực hiện.
Sống
Lời Chúa: Bạn tạo điều kiện gặp gỡ, đối
thoại với những anh em không cùng tôn giáo và cùng với họ thực hiện một việc
công ích, hoặc bác ái.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con
biết từ bỏ cái nhìn hẹp hòi để nhận ra điều tốt lành của Chúa nơi người khác;
và xin dạy chúng con sống bao dung, sẵn sàng cộng tác với những người thiện chí
để cùng nhau làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp theo như lòng Chúa ước
mong. Amen.
27/02/25 Thứ
năm tuần 7 tn
Mc
9,41-50
anh em thuộc về đức ki-tô
“…Vì
anh em thuộc về Đức Ki-tô.” (Mc
9,41)
Suy
niệm: Trong sân của một ngôi trường
phổ thông kia có những hàng phượng trồng đều tăm tắp. Giữa những hàng phượng
đó, có một cây đặc biệt được bao quanh bằng một hàng rào sắt sơn phết thật đẹp.
Lý do khiến nó được ‘ưu ái’ như vậy không phải vì nó là giống phượng quý đẹp
hơn những cây khác mà vì nó đã được trồng bởi chính tay vị chủ tịch nước khi
ông đến thăm trường. Chuyện cây phượng chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với việc các
môn đệ được thuộc về Chúa Ki-tô. Chẳng những họ coi như hiện thân của chính
Chúa Ki-tô –“Ai đón tiếp anh em là đón
tiếp Thầy” (Mt 10,40)– mà cả những ai tiếp đón họ, dù chỉ với một ly nước
lã, cũng được trọng thưởng nữa.
Bạn
ơi,
bạn vốn có phẩm giá cao quý vì bạn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ
bí tích Rửa tội, bạn trở nên con cái Thiên Chúa và được thuộc về Đức Ki-tô, bạn
lại càng trở nên cao quý hơn gấp bội phần. Ý thức như thế, chúng ta trân trọng
phẩm giá cao quý Chúa ban tặng cho mình để nhờ ơn Chúa, chúng ta sống cuộc sống
công chính thánh thiện. Đồng thời, chúng ta cũng biết nhìn nhận phẩm giá cao
quý của anh chị em và cư xử với nhau trong tình yêu thương và tương kính. Bạn
có biết lời cầu nguyện và các bí tích là những cánh cổng giúp bạn kết nối với
Chúa và được thuộc về Ngài không? Mời bạn liên lạc nối kết với Ngài để thuộc về
Ngài cách sâu đậm hơn.
Sống
Lời Chúa: Luôn dành riêng một thời gian
trong ngày để cầu nguyện với Chúa.
Cầu nguyện:
Tạ ơn Chúa đã kêu gọi con làm con Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với phẩm
giá cao quý này.
28/02/25 Thứ
sáu tuần 7 tn
Mc
10,1-12
hôn nhân: niềm vui và giá trị
“Vậy
sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,10)
Suy
niệm: Thủ tướng Anh W. Churchill có
lần tâm sự rằng thành tựu sáng chói nhất trong đời ông không phải là lãnh đạo
Nước Anh thành công chống lại Đức Quốc Xã, mà là việc thuyết phục được vợ ông
đồng ý cưới ông. Có lẽ đó cũng là cảm nghiệm của nhiều người khi nhìn lại hôn
nhân đời mình. Thế nhưng, cuộc đời thay đổi mau lẹ tựa chong chóng: niềm vui
của đôi vợ chồng ngày mới cưới, trải qua thời gian, trở nên bình thường, thậm
chí nhàm chán, nặng nề. Những lúc ấy, cần lắm hai người cùng ngồi xuống để lấy
lại tâm hồn bình an và cái nhìn tỉnh táo, để thấy được người bạn đời đang chung
sống với mình bấy lâu là hồng ân vô cùng quý giá Chúa ban, quý đến nỗi Ngài đã
thiết định thể chế hôn nhân, một thể chế kết hợp bền vững “loài người không được phân ly”.
Mời
Bạn: Tình trạng ly hôn ở nước ta đang
ở mức báo động với 60.000 vụ/năm, nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn thì một cặp ly hôn,
và độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân ly hôn thì có nhiều
nhưng trong đó lý do sâu xa là hôn nhân không được đặt trên nền tảng tình yêu
đích thực mà bị coi như “một cuộc chơi”
và “nhân danh sống cho chính mình” để
chia tay khi gặp điều không vừa ý. Phải có một cảm thức đức tin (sensus fidei) nhạy bén để nhận ra hôn
nhân là hồng ân quý giá mà Thiên Chúa tặng ban và chúc phúc cho con người ngõ
hầu có thể sống đời vợ chồng trong tình yêu thương, chung thủy.
Sống
Lời Chúa: Gia đình cầu nguyện chung với
nhau để có Chúa luôn ở cùng và gia đình được hạnh phúc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin ở lại với gia đình chúng con nhờ đó, chúng con trở nên một
gia đình thánh.