THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

BÀI VIẾT MỚI

Ngày 3 tháng 12 THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Mc 16,15-20

 


Ngày 3 tháng 12
THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ
Mc 16,15-20


I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

  • Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê, thuộc Vương quốc Navarre, nay là miền Bắc Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc. Khi Ngài lên 5 tuổi, Navarre bị Tây Ban Nha thôn tính và sáp nhập, khiến gia đình Ngài rơi vào cảnh nước mất nhà tan. Với khát vọng học vấn để tiến thân, năm 17 tuổi, Ngài đến Paris theo học (1525-1536).

  • Ở Paris, Ngài sống cùng phòng với chân phước Phêrô Favre, sau đó là với thánh Ignatio. Dần dần, cả hai chịu ảnh hưởng và được thánh Ignatio thu phục. Năm 28 tuổi, Ngài cùng nhóm bạn của thánh Ignatio khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và dấn thân cho sứ mạng tông đồ. Năm 31 tuổi, Ngài thụ phong linh mục tại Venezia, miền Bắc nước Ý. Đến năm 35 tuổi, Ngài lên đường sang Đông Á theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Phaolô III để thực hiện sứ mạng truyền giáo.

  • Tháng 4 năm 1541, Ngài khởi hành từ Lisbon và phải mất 14 tháng mới đến được Goa (Ấn Độ). Trong 10 năm truyền giáo (1542-1552), Ngài đã đi hơn 100.000 km, hoạt động tại các vùng như Mũi Cormorin, Ceylon, Malaysia và Indonesia. Với tư cách là vị Giám tỉnh đầu tiên ngoài châu Âu, Ngài luôn gắn bó với Chúa Giêsu, trung thành với dòng và thánh Ignatio, đồng thời hăng say trong công việc truyền giáo. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn người và xây dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi, đạt được những thành tựu lớn trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội.

  • Trong hai năm (1549-1551), Ngài thành lập cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản và giao lại cho một linh mục Bồ Đào Nha trước khi rời đi. Hai mươi năm sau, cộng đoàn này đã phát triển đến 30.000 tín hữu. Khi muốn vào Trung Quốc để truyền giáo, Ngài đến đảo Thượng Xuyên gần Quảng Châu, nhưng do ngã bệnh, Ngài qua đời trong một túp lều nhỏ với chỉ một người thông dịch viên ở bên. Sau đó, thi hài Ngài được đưa về Goa để an táng.

  • Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3/12/1552. Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cho Ngài cùng với thánh Ignatio vào năm 1622, đồng thời đặt Ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Ngài là một nhà truyền giáo vĩ đại, tiên phong cho công cuộc truyền giáo thời hiện đại. Với lối sống hòa nhập cùng những người Ngài phục vụ, sống nghèo giữa những người lao động và luôn nỗ lực không ngừng, Ngài đã truyền cảm hứng cho nhiều người ở châu Âu tham gia vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

II. TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

1. Động lực thúc đẩy Ngài truyền giáo

Tình yêu mãnh liệt với Chúa và các linh hồn là động lực để Ngài dấn thân. Trong một lá thư gửi thánh Ignatio, Ngài viết:
“Có rất nhiều người tại những nơi này chưa trở thành tín hữu chỉ vì thiếu người hướng dẫn họ. Nhiều lần tôi nghĩ đến việc đến các đại học ở châu Âu, đặc biệt là Paris, để kêu gọi những người quá tập trung vào lý thuyết mà không thực hành rằng: ‘Khốn thay! Vì sự thờ ơ của các ông mà vô số linh hồn bị loại khỏi Thiên Đàng và phải sa hỏa ngục.’ Chớ gì họ chuyên tâm vào việc tông đồ như đã dốc sức cho văn chương, để họ có thể trả lời trước Chúa về trách nhiệm với các nén bạc đã được trao ban.”

2. Phương pháp truyền giáo của Ngài

Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa. Tại Yamaguchi, Nhật Bản, Ngài dựng một túp lều nhỏ làm nhà nguyện, nơi Ngài dâng lễ và cầu nguyện hàng ngày. Dù làm việc mệt mỏi, Ngài vẫn dành thời gian đêm khuya chia sẻ tâm tình với Chúa Giêsu. Một lần, quá mệt, Ngài ngủ gục ngay cạnh bàn thờ. Ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không thể tỉnh thức với Chúa, thì ít nhất, thể xác con vẫn muốn ở gần Chúa.”

3. Gương mẫu của một chứng nhân

Khi giảng đạo tại một thành phố ở Nhật Bản, có người kiêu ngạo đến nhổ nước bọt vào mặt Ngài. Không phản kháng, Ngài lặng lẽ lau mặt và tiếp tục trò chuyện. Hành động khiêm nhường này đã cảm hóa người ấy và nhiều người khác, dẫn họ đến với Chúa.

III. TÂM TÌNH MỪNG LỄ

Khi mừng lễ thánh Phanxicô Xaviê, chúng ta hướng về Ngài với những tâm tình:

  • Cảm phục: vì Ngài đã dấn thân hết mình cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng.
  • Cảm tạ: vì nhờ Ngài, các dân tộc Đông Á sớm được đón nhận Tin Mừng.
  • Cảm mến: vì gương sáng và lòng nhiệt thành của Ngài đã khơi dậy trong lòng chúng ta tinh thần truyền giáo.
  • Ngưỡng mộ: vì đời sống và sứ mạng của Ngài là nguồn cảm hứng lớn lao.

Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Xaviê, ban cho chúng ta lòng yêu mến Chúa và nhiệt thành sống đời chứng nhân, góp phần loan báo Tin Mừng đến mọi nơi.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT