THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

BÀI VIẾT MỚI

THÁNH NỮ MARIA MAGĐALÊNA

 


Ngày 22 tháng 7: THÁNH NỮ MARIA MAGĐALÊNA

A. Đôi Dòng Tiểu Sử

1. Trước khi theo Chúa: Cuộc sống phóng túng

Maria Magđalêna xuất thân từ một gia đình giàu có và quý tộc. Sau khi cha mẹ qua đời, bà thừa hưởng một lâu đài lớn ở Magdala, miền Galilê, do đó được gọi là Maria Magđalêna. Sở hữu tài sản lớn, Maria sống xa hoa và sa đọa, trở thành đối tượng bị dân vùng Galilê dè bỉu và khinh bỉ. Đời sống trụy lạc của bà khiến bà trở thành nô lệ của ma quỷ, bị chúng ám hại.

2. Sau khi theo Chúa: Can đảm thay đổi cuộc đời

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã thương yêu Maria và tạo cho bà cơ hội để gặp Người. Khi nghe tin Chúa dự tiệc tại nhà ông Simon biệt phái, bà đã nhanh chóng đến gặp Người.

Một phụ nữ tội lỗi trong thành, biết Chúa đang dùng bữa tại nhà ông Pharisiêu, đã mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Bà đứng sau lưng Người, khóc và dùng nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc mình lau, rồi hôn chân và xức dầu thơm lên đó.

Thấy vậy, ông Pharisiêu nghĩ thầm: "Nếu ông này là ngôn sứ, hẳn phải biết người phụ nữ đụng vào mình là ai, là người tội lỗi!" Chúa Giêsu bảo ông Simon: "Ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!" Simon thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói." Chúa Giêsu kể: "Một chủ nợ có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, người kia nợ năm mươi. Vì họ không có gì trả, nên chủ nợ thương tình tha cho cả hai. Vậy ai mến chủ nợ hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là người được tha nhiều hơn." Chúa Giêsu bảo: "Ông xét đúng lắm."

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, ông không đổ nước lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt rửa chân tôi, rồi lấy tóc lau. Ông không hôn tôi, còn chị ấy không ngừng hôn chân tôi. Ông không xức dầu ôliu lên đầu tôi, còn chị ấy xức dầu thơm lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." (Lc. 7, 37-48)

Từ đó, Maria Magđalêna nhiệt thành theo Chúa, sống đời đạo đức thánh thiện. Khi Chúa chịu đóng đinh, bà đứng dưới chân thập giá. Bà cũng có mặt lúc mai táng Chúa, là người đầu tiên thấy ngôi mộ trống và nhận ra Chúa phục sinh, loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ.

3. Sau khi Chúa về Trời: Hết lòng loan báo Tin Mừng Phục Sinh

Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả khen ngợi lòng yêu mến của thánh nữ như sau:

"Maria Magđalêna, sau khi ra mồ và không thấy xác Thầy mình, tưởng là người ta đã mang Thầy đi và báo tin cho các môn đệ. Các môn đệ đến, thấy và tin lời người phụ nữ nói. Sách Thánh viết: Các môn đệ trở về nhà. Nhưng Maria thì đứng lại ở ngoài cửa mồ mà khóc."

Trong câu chuyện này, tình yêu đã làm cháy lòng Maria như thế nào. Dù các môn đệ đã ra về, chị vẫn không rời mồ Chúa, muốn tìm Đấng mà người ta không thấy. Chị khóc lóc mà tìm, và bởi cháy lửa tình yêu mến Chúa, chị càng ao ước tìm Đấng tưởng đã bị mang đi. Chính vì vậy, chỉ có một mình chị thấy Người vì chị ở lại mà tìm. Ở đây nhớ lời Chúa đã nói xưa: "Ai kiên trung đến cùng sẽ được cứu rỗi."

B. Bài Học

1. Yêu mến và tha thứ luôn có liên hệ với nhau

Trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm sống, một phụ nữ kể:

"Ngày còn thiếu nữ, một lần cha mẹ dẫn tôi xem phim 'Ảo Ảnh Cuộc Đời'. Phim kể về cô gái bội bạc, khinh khi và làm khổ người mẹ yêu thương hy sinh cho cô. Sau nhiều biến cố, cuối cùng người mẹ chết, cô gái trở về thống hối tiếc thương.

Về nhà, gia đình bàn tán về ý nghĩa phim. Tôi bực bội phê bình: 'Bấy giờ trở về ăn năn làm gì nữa, vì mẹ đã chết rồi.' Tôi thấy mẹ định trả lời, nhưng cha dùng ánh mắt ngăn lại và nói: 'Không có sự trở về nào là trễ trong tình thương con ạ.'

Ngày đó, tôi không hiểu nhiều về câu trả lời của cha. Nhưng giờ là mẹ, tôi thấm ý nghĩa lời đó. Câu nói ấy giúp tôi luôn sẵn sàng yêu thương tha thứ cho con cái mình."

2. Sự trung kiên đến cùng bao giờ cũng mang lại kết quả tốt đẹp

Một tu sĩ trẻ được gửi đến làm việc với anh em khác, công việc là dệt một khung vải lớn. Ngày nọ, không chịu đựng nổi công việc nhàm chán, tu sĩ trẻ thốt lên:

"Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói về công trình nghệ thuật cao cả tôi sẽ góp phần. Giờ tôi chỉ thấy dùng kim đâm qua xỏ lại như cái máy, không thấy đâu là nghệ thuật."

Vị tu sĩ già nói: "Con ơi, sao con thấy được công trình nghệ thuật chúng ta đang thực hiện bởi những gì con thấy là mặt trái tấm thảm. Hơn nữa, việc con làm là một điểm nhỏ trong công trình."

Khi tấm thảm hoàn thành, người ta lật lại. Lúc ấy, tu sĩ trẻ mới thấy mình góp phần vào tuyệt tác: bức tranh Ba Vua triều bái Hài Nhi Giêsu. Những đường kim tu sĩ trẻ đút qua xỏ lại chính là hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều thầy cho là vô nghĩa giờ hiện lên như kỳ công.


Trong hàng Thánh nữ Công giáo, Thánh Maria Mađalêna là vị được đưa vào hội hoạ nhiều nhất. 

Đối với người Công Giáo, Thánh nữ Maria Mađalêna được biết đến nhiều có lẽ bởi có nhiều câu chuyện Kinh Thánh viết về Bà gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu; đặc biệt là chi tiết, Bà là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu sau khi Người sống lại. Đã có rất nhiều tranh vẽ về chi tiết này.

Tuy nhiên, với phần đông hoạ sĩ, nhất là từ thời Phục Hưng, dường như cảm hứng lớn nhất về chủ đề Thánh nữ Maria Mađalêna bắt nguồn ở chỗ: Không phải sinh ra Bà đã "là Thánh" rồi. Bà sinh ra trong tội lỗi và lớn lên trong tội lỗi. Bà "trở thành Thánh", bởi cái Tâm hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, và đã "vượt qua chính mình"...

Nổi tiếng nhất, trong những bức tranh về Thánh nữ Maria Mađalêna, là của Titian (Tizano Vecellio-1488-1576) - họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng - vẽ năm 1567, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Nazionale di Capodimonte, Naples.

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1567, Oil on canvas, 128 x 103 cm, Titian.

Nổi bật trong tranh là hình ảnh một người phụ nữ đẹp, có sức sống tràn đầy, nhưng tâm hồn đã hướng trọn về Thiên Chúa. Nó có thể, khiến gợi nhớ đến quá khứ tội lỗi, “bị quỹ ám” nơi Thánh nữ, nhưng, không tạo nên nghi ngờ về đức tin kiên định và sự thánh thiện hiện tại... Trong tranh, hoạ sĩ cũng đã sử dụng lại biểu tượng quen thuộc, gắn liền với hình tượng Thánh nữ Maria Mađalêna, có từ trong nghệ thuật Byzantium, đó là lọ nước hoa, nhưng ông đã thêm vào một biểu tượng mới, đó là chiếc đầu lâu người đặt ngay dưới Sách Thánh. Biểu tượng này được ông dùng như một cách “lý giải” hình tượng: Đón nhận Tin Mừng của Chúa, Thánh nữ đã vượt qua cõi chết để đến với cõi vĩnh hằng... Biểu tượng đầu lâu người được thêm vào tranh vẽ Thánh nữ Maria Mađalêna này, đã được nhiều hoạ sĩ về sau sử dụng lại.

Bức tranh thứ hai, cũng nổi tiếng không kém, là “Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon” của Pieter Pauwel Rubens, vẽ năm 1618-1620, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hermitage, thành phố Petersburg, Nga.

“Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon”, 1618-20, Oil on canvas, 189 x 285 cm, Pieter Pauwel Rubens

Hình ảnh trong tranh thể hiện câu chuyện Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon, khi Thánh nữ Maria Mađalêna đang quì ôm chân Chúa, dùng dầu thơm rửa chân Chúa, dùng tóc mình lau chân Chúa và xin được cứu rỗi... Bức tranh nổi tiếng bởi sự sinh động của hình ảnh. Người xem có thể nhận thấy: Chúa Giêsu dường như đang giải thích, không chỉ cho những người biệt phái, mà cho cả chúng ta, về ý nghĩa của Tin Mừng Thiên Chúa, về sự ăn năn và cứu rỗi... Theo nhiều nhà phê bình mỹ thuật, đây là một trong số rất ít tác phẩm của Rubens thể hiện sự quan tâm nhiều đến các biểu hiện tâm lý nhân vật, đến tư tưởng chủ đề hơn là các hình thức kiểu cách... Và, bản thân điều này cho thấy, với ngay cả một hoạ sĩ kiểu cách, ưa thích sự hấp dẫn hình thức (nhiều khi hy sinh cả khía cạnh tư tưởng) như Rubens, ý nghĩa hình tượng nơi Thánh nữ Maria Mađalêna cũng đã có giá trị hết sức đặc biệt.

Cả hai tác phẩm nêu trên đều đã đi vào lịch sử nghệ thuật như là những tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất của nghệ thuật Công Giáo. Đối với chúng ta, những suy ngẫm của các hoạ sĩ thể hiện trong tranh cũng rất nên được suy ngẫm lại...

Nguyên Hưng

Dưới đây là một số tác phẩm khác về Thánh nữ Maria Mađalêna:

“Gặp lại Chúa”, 1511-12. Oil on canvas, 109 x 91 cm, Titian (Tizano Vecellio) National Gallery, London

“Gặp lại Chúa”, 1525, Oil on canvas 130 x 103 cm, Correggio, Museo del Prado, Madrid

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, Oil on panel, 45 x 29 cm bởi Quentin Massys (1466–1529), Koninklijk Museum voor Schone Kunsten, Antwerp

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1596-97, Oil on canvas, 122,5 x 98,5 cm, Caravaggio, Galleria Doria-Pamphili, Rome

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1633, Guido Reni, Oil on canvas, 234 x 151 cm, Galleria Nazionale d'Arte Antica, Rome

“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1623-27, Oil on canvas, 241 x 171 cm, Simon Vouet, Galleria Nazionale d'Arte Antica, Rome

Cretan icon Thế kỷ 16

Icon Nga thế kỷ 15 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT