Hiến
Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Lumen Gentium
Lời Giới Thiệu
Căn cứ vào những
vấn đề đã được trình bày, ngày nay ai cũng công nhận Hiến Chế tín lý về Giáo Hội
là then chốt của cả Công Ðồng Vaticanô II. Là vì, sau thế chiến thứ nhất, vấn đề
bản tính Giáo Hội đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về thần học.
Quả thực các Công Ðồng trước, như lịch sử chứng minh, đã luôn cố gắng đưa ra những
giải đáp thích hợp với nhu cầu thời cuộc; nhưng vấn đề bản tính sâu xa của Giáo
Hội vẫn còn là trọng tâm cho các cuộc tranh luận và cho các quyết định của Công
Ðồng Vaticanô II.
Người ta có thể
viện dẫn nhiều lý do lịch sử, xã hội, thần học để giải thích cho sự tập trung
chủ đề ấy về Giáo Hội.
Công Ðồng
Vaticanô I, do những đòi hỏi của thời cuộc, đã khởi sự suy tư về bản tính thần
học của Giáo Hội. Tuy nhiên, chương trình quá rộng rãi và hoàn cảnh chính trị bất
lợi đã không cho phép công cuộc khẩn thiết ấy được kết thúc tốt đẹp. Bởi vậy,
những chương trình dang dở của Vaticanô I cần phải được bổ túc cấp thời, nếu
không, khoa Giáo hội học có nguy hiểm là quá thiên về một phía, tức về quyền tối
thượng của Giáo Hoàng Rôma và các quyền bính của Ngài, dễ làm phương hại đến những
giá trị khác trong Giáo Hội.
Hơn nữa, sau thế
chiến thứ nhất, một tình trạng mới đã nảy sinh, lôi kéo theo một lối nhìn mới về
Giáo Hội và một cách thức cảm nghiệm mới về những thực tại của Giáo Hội. Ðể có
lối nhìn mới đó - ngoài những yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội mà chúng ta không
muốn nhắc tới ở đây - chúng ta hãy nêu lên những động lực sau đây thuộc khoa
Giáo hội học đã gây nên một ảnh hưởng không nhỏ:
a) Phong trào
Công giáo Tiến Hành hoặc những phong trào tương tự trong giáo dân đã cổ võ một
tinh thần tông đồ mới và đồng thời làm cho họ tin tưởng cách chính đáng là họ
thuộc về Giáo Hội nhiều hơn. Sự ý thức "thuộc về" sâu xa hơn ấy tiến
triển dần dần trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội không được coi là một thực tại
dành riêng cho các giáo sĩ nhưng cho hết mọi người cùng sống, cùng khổ và cùng
làm việc trong đó. Như thế, khoa thần học về giáo dân được phát huy một cách đặc
biệt và sống động, nêu ra mối suy tư thần học về Giáo Hội.
b) Sự suy tư thần
học này đã giúp nhiều cho lối nhìn mới về Giáo Hội, vì đã áp dụng những tiến bộ
của các khoa Thánh Kinh, lịch sử và nhân văn. Thật vậy, thần học phô bày ý
nghĩa xã hội gắn liền với chính nhân vị. Sự liên hệ giữa đặc tính xã hội hóa
đang vươn lên và ý thức mãnh liệt về địa vị con người không thể không bày tỏ mối
suy tư thần học về Giáo Hội. Do đó mà khoa Giáo hội học ngày nay có những khía
cạnh xã hội và nhân loại, huyền nhiệm và tượng trưng dễ đối kháng với một khoa
Giáo hội học nặng tính cách pháp lý trước đây.
c) Phong trào hiệp
nhất cũng ảnh hưởng đến sự biến đổi này. Ước nguyện hiệp nhất tạo nên những cuộc
đối thoại về thần học, trong đó các vấn đề không được thảo luận đặt trong tình
trạng tương phản biện chứng với các ý kiến khác nhau. Nhờ thế mà những trực
giác về bản tính Giáo Hội nhất thiết phải phát hiện.
Những điều đó đặt
ra cho Giáo Hội hai việc cần thực hiện: làm sáng tỏ và tìm hiểu các vấn đề của
Giáo Hội trong toàn bộ. Ðã đến lúc Giáo Hội càng ngày càng phải nghiên cứu, đào
sâu và diễn tả chân lý về chính mình. Ngoài ra, ý thức về chính mình cũng cần
được xếp đặt cho có hệ thống theo tính cách năng động cổ truyền.
Cần nói thêm rằng
"trực giác minh bạch về sự kiện này là: cộng đoàn Kitô giáo chắc chắn sẽ
không theo kịp bước tiến của thế giới ngày nay và phải chịu tăng triển chậm chạp
dù đã đi tiên phong về vấn đề Giáo hội học", trực giác ấy không thể không
buộc Giáo Hội suy nghĩ về những trách vụ cấp bách của mình, cũng như không thể
không buộc Giáo Hội phải làm cho tổ chức của mình không còn bị cô lập, sự cô lập
mà Giáo Hội có thể rơi vào.
Những điều nói
trên cho ta thấy một hình ảnh khá chính xác của một khoa Giáo hội học tiền Công
Ðồng:
a) Trước hết nó
mang tính chất đối thoại. Ðối thoại chân thành và cởi mở với mọi thực tại thụ tạo,
trong đó ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất. Giáo Hội không thể chỉ tự
giải thích về bản chất của mình, nhưng còn cần phải tự đả thông với người khác:
với các Kitô hữu không công giáo và với một thế giới thờ ơ với ơn cứu rỗi.
b) Tuy nhiên, cuộc
đối thoại - dù cần thiết - cũng không thể tự hạn chế vào việc thông cảm đơn thuần
nhằm mục đích hiểu biết. Nhưng Giáo Hội còn phải đi sâu vào những nguyện vọng của
mọi người. Giáo Hội phải hiện diện với mọi thực tại và với những nỗ lực của mọi
người để làm cho xã hội nên tốt đẹp hơn. Bởi vậy, khoa Giáo hội học cũng mang
tính chất nhập thể vì Giáo Hội hiện diện sống động theo kiểu Chúa Kitô, hầu có
thể cứu chuộc thế giới.
c) Muốn thế, cần
phải có sự canh tân tận bên trong, phải cải tổ cơ cấu, phải mở rộng tới những
cách thức hiện hữu mới, mà không làm Giáo Hội mất sự canh tân và cải tổ. Khuynh
hướng cải tổ, tuy đôi khi đi đến tận căn và thái quá, nhưng nói chung vẫn có giới
hạn chính đáng, rõ ràng, theo câu châm ngôn cổ truyền: "Giáo Hội phải được
cải tổ không ngừng".
d) Khuynh hướng
cải tổ trong khoa Giáo hội học nói lên một tính chất tiêu biểu khác: tính chất
hiệp thông. Giáo Hội phải là trung tâm hiệp thông nhân loại trong các hoạt động
thế tục cũng như trong các hoạt động tôn giáo. Bởi vậy, Giáo Hội như là bí tích
tạo nên sự hiệp thông ấy.
Những đặc điểm
trên của khoa Giáo hội học ngày nay được thu thập và chấp nhận trong văn kiện
mà chúng ta sẽ giải thích sau đây. Chắc hẳn, văn kiện chúng ta hiện có không phải
chỉ được soạn thảo một lần. Trong Giáo Hội vẫn còn nhiều chống đối với lối nhìn
vấn đề theo cách thức mới mẻ này: Có hai khuynh hướng xuất hiện trong các cuộc
thảo luận ở Công Ðồng: khuynh hướng thứ nhất ủng hộ quan niệm hiện tại mới mẻ
và sống động hơn về Giáo Hội mà yếu tính là như một sự hiệp thông với mầu nhiệm
đời sống Ba Ngôi; khunh hướng thứ hai coi Giáo Hội như một thể chế, một xã hội
hoàn hảo giữa lòng thế giới, có những bổn phận và quyền lợi riêng. Ðấy chỉ là
những vấn đề được nhấn mạnh vì không bên nào cho quan điểm đối lập là sai.
Chính vì đó mà giai đoạn khởi đầu của văn kiện đã trở nên rất sôi nổi, lâu dài
và đôi khi bi đát. Chúng ta sẽ cố gắng rút ra những đường nét chính từ việc soạn
thảo này.
Lược đồ đầu tiên
gồm một tập dầy 123 trang đã được gửi đến các Giám Mục vào tháng 11 năm 1962.
Lược đồ gần như là một bản toát yếu các vấn đề mà trước khi họp Công Ðồng, Ðức
Gioan XXIII đã hỏi ý kiến cả thế giới. Lược đồ gồm 11 chương và một phụ trương,
trong đó không thấy có những tiêu chuẩn rõ rệt. Ðây là những vấn đề được bàn đến:
về bản tính của Giáo Hội chiến đấu ở trần gian; về những phần tử của Giáo Hội
chiến đấu và về việc Giáo Hội cần cho ơn cứu rỗi; về chức Giám Mục chính tòa; về
các bậc sống theo đường lối hoàn hảo của Phúc Âm; về giáo dân; về quyền giáo huấn
của Giáo Hội; về uy quyền và sự vâng phục trong Giáo Hội; về liên quan giữa
Giáo Hội và chính quyền; về sự cần thiết của Giáo Hội để loan báo Phúc Âm cho mọi
dân tộc trên khắp mặt đất; về sự hiệp nhất. Trong phần phụ trương còn thêm lược
đồ về "Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại".
Lược đồ đầu tiên
ấy được thảo luận trong kỳ họp thứ nhất (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 12 năm 1962
trong 6 phiên họp: phiên họp khoáng đại thứ 31 tới 36). Tất cả đồng thanh dành
ưu tiên cho đề tài về Giáo Hội nhưng cũng có đôi điều chỉ trích: lược đồ thiếu
liên kết và tổng hợp, không nêu ra những đường nét chủ chốt. Người ta còn mong
muốn một lược đồ có tầm mức mục vụ hơn. Về nội dung, nhiều Nghị Phụ nhấn mạnh cần
phải lưu ý tới những viễn tượng rộng lớn hơn của khoa thần học hiện đại, bởi vì
cái gọi là "mới", thường chỉ là một ý thức sắc bén hơn về một chân lý
đã quá xa xưa. Cần nhấn mạnh khía cạnh Giáo Hội là cộng đoàn thiêng liêng, là
hiệp thông và mầu nhiệm, hơn là khía cạnh Giáo Hội là một xã hội hoàn hảo. Một
cách tiêu cực, người ta chỉ trích lược đồ đầy vẻ phô trương thanh thế (trình
bày Giáo Hội như một thế lực đi từ chiến thắng này tơi chiến thắng khác), quá
thiên về giáo sĩ (giản lược đời sống Giáo Hội vào hoạt động của giáo phẩm mà gạt
giáo dân ra ngoài), có tính cách pháp lý (quá nhấn mạnh những yếu tố pháp lý,
vì dù có cần thiết và chính yếu thật, chúng không phải là những yếu tố duy nhất
trong Giáo Hội). Một cách tích cực, người ta muốn lược đồ đề nghị phải trình
bày một Giáo Hội thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, nghĩa là một tinh thần cởi mở và
phổ quát, một tinh thần truyền giáo, một tinh thần khiêm tốn và phục vụ. Có lưu
ý đến những điều đó rồi mới thấy việc sửa chữa lại lược đồ là việc làm không thể
tránh được.
Theo sự chỉ dẫn
của Công Ðồng, ủy ban thần học bắt tay vào việc trong thời gian giữa kỳ họp nhất
và kỳ họp hai. Ủy ban lưu tâm vào phần trên của lược đồ sơ khởi: phần dưới, ủy
ban chỉ giữ lại một vài đoạn và đưa lên một trong các chương trên. Văn thể cũng
được sửa lại hết. Tất cả chỉ còn lại 4 chương và được gửi tới các Nghị Phụ vào
mùa hè năm 1963. Bốn chương đó bàn về:
I. Mầu nhiệm
Giáo Hội.
II. Cơ cấu phẩm
trật Giáo Hội, đặc biệt về chức Giám Mục.
III. Dân Chúa, đặc
biệt về giáo dân.
IV. Lời kêu gọi
nên thánh trong Giáo Hội.
Trước kỳ họp
hai, theo sự gợi ý bằng giấy viết của nhiều Nghị Phụ, thứ tự này đã được sửa đổi.
Ủy ban chấp thuận. Và đây là thứ tự mới: các đoạn mà toàn thể có đặc điểm về
Dân Chúa đều được rút ra khỏi các chương I và III. Những yếu tố này được đặt
trong một phần khai triển mới, nằm ngay sau phần trình bày về mầu nhiệm Giáo Hội
và trước phần nói về phẩm trật. Chương III không còn đề cập đến Dân Chúa, nhưng
chỉ bàn về những phần tử của Dân Chúa trên toàn thế giới, tức là giáo dân. Sau
cùng là tu sĩ được đề cập rõ ràng trong tựa đề của chương IV.
Trong nghị trường,
các Nghị Phụ thảo luận theo cách chia sơ khởi là bốn chương. Các thảo luận kéo
dài từ ngày 30 tháng 9 đến 31 tháng 10 năm 1963. Bản trình bày mới được tiếp nhận
nồng hậu. Hầu như toàn thể các phiếu (2,301 chống với 43) đều chấp thuận coi nó
như nền tảng cho việc tranh luận. Nhưng hai khuynh hướng thần học, như chúng ta
đã nói trên, tiếp tục biện hộ cho quan điểm của mình. Phần đông các Giám Mục
hoan hỉ và hài lòng về lối trình bày tỉ mỉ và nhận định rằng toàn bộ từ đây đã
được xây dựng vững chắc hơn. Các ngài vui mừng đón nhận những ý kiến gợi lên việc
hiệp nhất và mục vụ. Các cuộc thảo luận trở nên gay go khi bàn về Giám Mục Ðoàn
(chương II). Người ta sợ Giám Mục Ðoàn sẽ phương hại tới quyền tối thượng của
Giáo Hoàng. Một cuộc bỏ phiếu để làm sáng tỏ đã được tổ chức ngày 30 tháng 10
năm1963. Kết quả là đa số nghiêng về Giám Mục Ðoàn. Tuy nhiên các cuộc thảo luận
vẫn tiếp diễn và cũng nhờ có thảo luận mà cơ ấu của lược đồ thay đổi dần dần. Một
cơ cấu mới hình thành. Chủ đề Dân Chúa làm thành chương II và tiếp theo sau là
chủ đề về Phẩm Trật. Các tu sĩ xin Công Ðồng bàn về họ trong một chương biệt lập.
Chương IV của lược đồ phân thành hai: lời kêu gọi nên thánh (chương V) và các
tu sĩ (chương VI). Sau các cuộc thảo luận khá sôi nổi và sau một cuộc bỏ phiếu
với kết quả sát nút, Công Ðồng quyết định cho xen lược đồ về Ðức Mẹ vào Hiến Chế
về Giáo Hội (Chương VIII). Sau cùng, Công Ðồng còn thêm một chương khác (chương
VII) nói về đặc tính cánh chung của Giáo Hội, về sự liên lạc giữa Giáo Hội dưới
đất và Giáo Hội trên trời. Ðó là diễn tiến của bản văn chung quyết như chúng ta
hiện có.
Theo cách sắp xếp
hiện thời, thì cứ hai chương một đi với nhau, theo một thứ tự hợp lý, có lẽ
không ngờ tới, nhưng dễ biện minh:
1) Hai chương đầu
nói về mầu nhiệm Giáo Hội, trước hết theo chiều hướng siêu việt, sau đó theo
hình thức lịch sử. Những đặc điểm căn bản của Giáo Hội như phương tiện cứu rỗi
đều thấy xuất hiện trong suốt cả hai chương. Cách mô tả giản dị nhưng không một
ai có thể nghi ngờ về ý tưởng phong phú của chúng.
2) Hai chương kế
tiếp mô tả cơ cấu hệ thống của cộng đoàn được Chúa Kitô thiết lập. Các mục tử
giảng dạy, thánh hóa và cai trị. Còn giáo dân, dưới sự chỉ dẫn của các ngài,
tham gia vào một công trình cứu độ: đó là hai mặt của một bức hình: một mặt là
chương III nói về Phẩm Trật và mặt kia là chương IV, về Giáo Dân.
3) Sau đó, lược
đồ chú ý tới sứ mệnh cốt yếu của Giáo Hội tức là việc thánh hóa mọi phần tử
trong Dân Chúa. Ðời sống tu trì gắn liền với mục đích ấy và đó là lý do khiến
Giáo Hội coi nó là quan trọng và rất lưu tâm đến. Xét trên bình diện này, người
ta không còn để ý tới sự phân biệt giữa giáo phẩm và giáo dân. Ðức ái hoàn hảo
là luật sống độc nhất cho mỗi người, trong khi đó không phải ai cũng giữ qui luật
đời tu. Phản đối nguyên tắc này có nghĩa là không biết đến giá trị Kitô giáo của
hôn nhân và gia đình.
4) Chúng ta đi
hai chương cuối cùng: chương VII trình bày sự bành trướng cánh chung của Giáo Hội
trong huy hoàng và trong cộng đoàn các Thánh; chương VIII và cũng là chương sau
cùng, bàn về địa vị và sứ mệnh của Ðức Trinh Nữ, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, ở
trong cộng đoàn có Ngài là kiểu mẫu và là Ðấng bảo trợ. Nhờ có chung nền tảng
mà hai chương này liên kết được với nhau. Cả hai cùng hướng về cuộc kết thúc
huy hoàng, lúc đó bóng đêm của mầu nhiệm sẽ nhường chỗ cho ánh sáng.
Sau các cuộc thảo
luận gay go và nhiều lần bỏ phiếu, người ta đã đi đến kết thúc. Nhưng một thiểu
số ngoan cố không chịu khuất phục. Ðể xoa dịu và để mọi người đồng thanh chấp
nhận một vấn đề quan trọng như thế - một sự đồng thanh cần thiết trong tất cả
các quyết định của Công Ðồng - ngày 16 tháng 11 năm 1964, Ðức Giáo Hoàng đã đề
nghị với Công Ðồng để thêm một phần "chú thích sơ khởi" cho chương
III của Hiến Chế. Giáo lý của chương III trong Hiến Chế phải được giải thích và
được hiểu theo phần chú thích này. Một số đông các Nghị Phụ bối rối về phần chú
thích, nhưng dường như không có lý do. Thật vậy, phần đó không chứa đựng điều
gì thực sự mới mẻ nhưng chỉ giải thích rõ rệt hơn một vài ý niệm pháp lý, vì có
một số Nghị Phụ dựa vào những ý niệm này để bênh vực cho những thắc mắc của các
ngài. Cũng nên biết rằng, phần chú thích sơ khởi ấy tương ứng với phần giải
thích rất tỉ mỉ về 5 vấn đề đặt ra ngày 30 tháng 10 năm 1963, phần giải thích
mà ngay cả những vị bây giờ thắc mắc với phần chú thích cũng đã không ngần ngại
bỏ phiếu chấp thuận. Lời diễn tả ở hai phần kể là như nhau. Khi mây đen dần dần
tan biến, người ta đã xóa tan được những ngộ nhận sau cùng, nhờ xem kỹ lại phần
chú thích sơ khởi. Trong cuộc đầu phiếu ngày 19 tháng 11 năm 1964 về toàn bộ lược
đồ, chỉ còn 10 phiếu chống; trong cuộc đầu phiếu chung quyết trọng thể ngày 21
tháng 11 năm 1964, số phiếu chống trụt xuống còn 5. Như thế kể là mọi người đã
đồng thanh chấp nhận.
Sau phần phác họa
về lịch sử các biến cố, chúng ta sang phần phân tích bản văn, đi theo thứ tự của
Hiến Chế. Mục đích mà chúng ta muốn nhằm tới là: qua những chú thích đơn sơ vắn
tắt, chúng ta sẽ trung thành hết sức có thể với điều Công Ðồng giảng dạy. Chúng
ta nhằm đến phần chính yếu, tìm cách xác định nội dung những điều Công Ðồng quả
quyết và bỏ qua những điều giải thích sâu rộng hơn cũng như những vấn đề đang
được các thần học gia tranh luận.
Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa V Ngày 21
tháng 11 Năm 1964
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Hiến Chế Tín Lý Về
Giáo Hội
Lumen Gentium
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Chương I: Mầu Nhiệm Giáo Hội 1*
1. Giáo Hội, bí tích trong
Ðức Kitô. Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp
trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của
Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo
vật (x. Mc 16,15). Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và
khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể
nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm
sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những
hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày
nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn
hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô. 2*
2. Ý định cứu chuộc phổ
quát của Chúa Cha. 3*
Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu
đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần
linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Adam, nhưng luôn ban sự trợ
giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, "là hình ảnh Thiên
Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật" (Col 1,15). Thực vậy, từ muôn thuở
tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha "đã biết trước và đã tiền định
cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được trở nên Trưởng Tử
trong nhiều anh em" (Rm 8,29). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin
kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội. Từ nguyên thủy, Giáo Hội được phác thảo bằng
hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ 1,
được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự
xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta
đọc thấy nơi các Giáo Phụ, mọi người công chính từ Adam, "từ Abel công
chính đến người được tuyển chọn cuối cùng" 2 sẽ
được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha.
3. Sứ mạng và công cuộc của
Chúa Con. Thế là Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, Ðấng đã tuyển chọn chúng
ta nơi Người trước khi tạo dựng vũ trụ và tiền định chúng ta làm dưỡng tử, vì
Ngài mong ước cải tạo tất cả trong Chúa Con (x. Eph 1,4-5 và 10). Bởi thế, để
chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên nước trời nơi trần gian, mạc
khải cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài, và thực hiện việc cứu thế bằng việc vâng
phục Chúa Cha. Giáo Hội hoặc nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, nhờ thần
lực Thiên Chúa, phát triển trong thế gian cách hiển nhiên. Sự khai nguyên và
phát triển đó được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu
đóng đinh (x. Gio 19,34) và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người
trên thập giá: "Và Ta, khi bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên
cùng Ta" (Gio 12,32, bản Hy lạp). Mỗi lần hy lễ thánh giá được cử hành
trên bàn thờ, nhờ đó "Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế"
(1Cor 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Bí tích Thánh Thể
cũng biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các tín hữu, là những kẻ hợp thành một
thân thể, trong Chúa Kitô (x. 1Cor 10,17). Mọi người đều được mời gọi kết hiệp
cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người,
sống nhờ Người và hướng về Người.
4. Việc thánh hóa Giáo Hội
của Chúa Thánh Thần. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện
trên trần gian đã hoàn tất (x. Gio 17,4) Chúa Thánh Thần được phái đến trong
ngày lễ Hiện Xuống để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được
tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong một Thần Khí duy nhất (x. Eph 2,18).
Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x.
Gio 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi
đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x. Rm 8,10-11).
Chúa Thánh Thần ngự trị trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa
đền thờ (x. 1Cor 3,16; 6,19). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng
tử (x. Gal 4,6; Rm 8,15-16 và 26). Ngài dẫn đưa Giáo Hội trong hiệp thông và phục
vụ. Ngài huấn luyện và dẫn dắt Giáo Hội bằng muôn ơn theo phẩm chức và đoàn sủng,
trang điểm Giáo Hội bằng hoa quả của Ngài (x. Eph 4,11-12; 1Cor 12,4; Gal
5,22). Nhờ sức mạnh Phúc Âm, Ngài là tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa
Giáo Hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình 3.
Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền Thê nói cùng Chúa Giêsu rằng: "Xin hãy đến"
(x. Kh 22,17).
Như thế Giáo Hội
phổ quát xuất hiện như "một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" 4.
5. Nước Thiên Chúa. 4*
Mầu nhiệm Giáo Hội thánh thiện được biểu lộ trong chính việc thành lập. Thực thế,
Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên
Chúa đã đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa: "Thời gian đã trọn,
Nước Thiên Chúa gần đến" (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Nước này chiếu sáng trước
mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô. Lời Chúa ví
như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin nghe lời Chúa và gia nhập
đàn chiên nhỏ của Chúa Kitô (x. Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài; rồi
tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29). Các
phép lạ của Chúa Giêsu cũng chứng minh rằng Nước Ngài đã đến thế gian: "Nếu
Ta dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ ma quỉ, ắt Nước Thiên Chúa đã đến nơi các
ngươi rồi" (Lc 11,20; x. Mt 12,28). Nhưng trước tiên, Nước ấy biểu lộ
trong chính con người Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và Con loài người, Ðấng đã đến
"để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thiên hạ" (Mc 10,45).
Vì sau khi chịu
chết trên thập giá cho nhân loại, Chúa Giêsu đã phục sinh, nên Người được phong
làm Chúa, làm Ðấng Kitô và làm Linh Mục muôn đời (x. CvTđ 2,36; Dth 5,6;
7,17-21); và Người đổ tràn Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa trên các môn đệ Người
(x. CvTđ 2,33). Vì thế, với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành
tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh
rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc;
Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Ðang lúc từ từ phát
triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết
hợp với Vua mình trong vinh quang. 5*
6. Hình ảnh diễn tả Giáo Hội.
Trong Cựu Ước, việc mạc khải Nước Thiên Chúa thường được trình bày bằng hình
bóng; cũng thế, ngày nay bản tính thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng nhiều
hình ảnh lấy từ đời sống du mục, canh nông, kiến trúc, hoặc gia đình và hôn lễ.
Sách các tiên tri đã phác họa những hình ảnh đó.
Thực thế, Giáo Hội
là chuồng chiên mà Chúa Kitô là cửa vào duy nhất và cần thiết (x. Gio 10,1-10).
Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài là mục tử (x.
Is 40,11; Ez 34,11 tt). Tuy được các mục tử phàm nhân chăn dắt, những chiên ấy
luôn được chính Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành và Thủ Lãnh các mục tử, dẫn dắt và
nuôi dưỡng (x. Gio 10,11; 1P 5,4). Người đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên
(x. Gio 10,11-15).
Giáo Hội cũng là
thửa ruộng hay cánh đồng Thiên Chúa (x. 1Cor 3,9). Trong cánh đồng ấy, mọc lên
cây dầu cổ thụ mà các Tổ Phụ là gốc rễ thánh. Nơi cây cổ thụ này, sự hòa giải
giữa dân
Giáo Hội cũng thường
được gọi là tòa nhà của Thiên Chúa (x. 1Cor 3,9). Chúa Kitô đã tự ví Người như
viên đá mà các thợ xây loại bỏ, nhưng đã trở thành viên đá góc (x. Mt 21,42
song song; CvTđ 4,11; 1P 2,7; Tv 117,22). Trên nền móng này, các Tông Ðồ đã xây
dựng Giáo Hội (x. 1Cor 3,11), và Giáo Hội được bền vững, liên kết nhờ nền móng
đó. Tòa nhà này còn được gọi bằng nhiều tên khác: Nhà Thiên Chúa (x. 1Tm 3,15),
nơi gia đình Ngài cư ngụ. Nhà Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần (x. Eph
2,19-22), "Lều Tạm của Thiên Chúa giữa loài người" (Kh 21,3), và nhất
là Ðền Thánh, tiêu biểu bằng các cung thánh bằng đá, đã từng được các Thánh
Giáo Phụ ca tụng, và được Phụng Vụ sánh ví rất chính xác với Thành thánh, thành
Giêrusalem mới 5.
Thực vậy, trong Giáo Hội tại thế, chúng ta là những viên đá sống động dùng vào
việc xây cất (x. 1P 2,5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Thành thánh ấy từ trời
nơi Thiên Chúa mà xuống trong ngày cải tạo vũ trụ, "sẵn sàng như hiên thê
trang điểm để đón tân lang mình" (Kh 21,1tt).
Giáo Hội còn được
gọi là "thành Giêrusalem trên trời" là "mẹ chúng ta" (Gal
4,26; x. Kh 12,17), được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố
(x. Kh 19,7; 21,2 và 9; 22,17) được Chúa Kitô yêu mến "và hiến thân để
thánh hóa" (Eph 5,25-26), được Người kết hợp bằng một giao ước bất khả
phân ly, được "nuôi dưỡng và săn sóc" không ngừng (Eph 5,29). Sau khi
thanh tẩy hiền thê, Chúa Kitô muốn hiền thê ấy kết hợp và vâng phục mình trong
tình yêu và trung tín (x. Eph 5,24). Sau cùng, Người vĩnh viễn ban cho dư tràn
ơn thiêng trên trời để chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Thiên Chúa và Chúa
Kitô đối với chúng ta, tình yêu ấy vượt trên mọi hiểu biết (x. Eph 3,19). Bao
lâu còn là lữ hành trên dương thế xa cách Chúa (x. 2Cor 5,6), Giáo Hội nhận
mình bị lưu đày, nên luôn tìm kiếm và nếm hương vị trên trời, nơi Chúa Kitô ngự
bên hữu Thiên Chúa; nơi tiềm ẩn sự sống của Giáo Hội cùng Chúa Kitô trong Thiên
Chúa, cho đến ngày xuất hiện với Phu Quân mình trong vinh quang (x. Col 3,1-4).
6*
7. Giáo Hội, thân thể Ðức
Kitô. Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bằng cái chết và phục sinh, trong
nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo
vật mới (x. Gal 6,15; 2Cor 5,17). Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em
Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh
Thần cho họ.
Trong thân thể ấy,
sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được
kết hợp thực sự và cách mầu nhiệm với Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển 6.
Quả thực, nhờ phép thánh tẩy chúng được nên giống Chúa Kitô: "Vì tất cả
chúng ta được tẩy rửa trong một Chúa Thánh Thần để nên một thân thể" (1Cor
12,13). Nghi thức thánh thiện ấy diễn tả và thực hiện sự hiệp nhất với cái chết
và sự phục sinh của Chúa Kitô: "Nhờ phép thánh tẩy, chúng ta được mai táng
cùng Người trong cái chết"; và nếu "chúng ta liên kết với Người trong
cuộc tử nạn thế nào thì cũng sẽ được sống lại với Người như vậy" (Rm
6,4-5). Khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa nên
chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. "Chúng ta tuy
nhiều, nhưng là một tấm bánh, một thân thể, vì hết thảy chúng ta đồng thông hưởng
cũng một tấm bánh" (1Cor 10,17). Thế nên tất cả chúng ta trở thành chi thể
của Thân Thể ấy (x. 1Cor 12,27), "vì mỗi người là chi thể của nhau"
(Rm 12,5).
Thật vậy, tất cả
các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu
hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1Cor 12,12). Trong việc xây dựng
thân thể Chúa Kitô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa
Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn
của Ngài và tùy nhu cầu của công việc (x. 1Cor 12,1-11). Trong các ân sủng ấy,
ơn ban cho các Tông Ðồ đứng hàng đầu: chính Chúa Thánh Thần đặt dưới quyền các
ngài cả những người lãnh nhận những ơn đặc biệt (x. 1Cor 14). Cũng chính Thánh
Thần ấy tự mình hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh
thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái
giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể
khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể
khác cùng chung vui (x. 1Cor 12,26).
Chúa Kitô là Ðầu
của Thân Thể này. Chính Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, và trong Người mọi
vật được tác thành. Người có trước mọi người và mọi sự được bền vững trong Người.
Người là Ðầu của Thân Thể là Giáo Hội. Người là nguyên lý, là anh cả của những
kẻ phải chết, hầu nắm quyền thủ lãnh mọi sự (x. Col 1,15-18), Người thống trị mọi
vật trên trời dưới đất bằng thần lực lớn lao, và ban dư tràn sự vinh hiển phong
phú của Người cho toàn thân thể nhờ sự toàn thiện và hoạt động siêu đẳng của
Người (x. Eph 1,18-23) 7.
Mọi chi thể phải
nên giống Chúa Kitô cho đến khi Người hình thành trong họ (x. Gal 4,19). Vì thế,
chúng ta được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Người, trở nên giống Người,
cùng chết và sống lại với Người, cho đến khi cùng cai trị với Người (x. Ph
3,21; 2Tm 2,11; Eph 2,6; Col 2,12; v.v.). Ðang khi còn là lữ hành trên mặt đất,
bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp
với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, hiệp với sự thương
khó của Người để được cùng Người vinh hiển (x. Rm 8,17).
Trong Người,
"toàn thân tìm được lương thực và sự liên kết nhờ các mối dây ràng buộc cấu
kết với nhau, để lớn lên trong Thiên Chúa" (Col 2,19). Trong thân thể Người
là Giáo Hội, Người luôn ban ơn huệ là các chức vụ, nhờ đó, với thần lực Người,
chúng ta giúp nhau cứu rỗi, hầu khi thực hiện chân lý trong bác ái, chúng ta lớn
lên về mọi phương diện trong Người, là Ðầu của chúng ta (x. Eph 4,11-16, bản Hy
lạp).
Ðể chúng ta
không ngừng canh tân trong Người (x. Eph 4,23), Người đã cho thông dự vào Thánh
Thần Người, cũng một Ðấng duy nhất hiện hữu trên Ðầu cũng như trong các chi thể,
làm sống động, liên kết và thúc giục toàn thân, đến nỗi các thánh Giáo Phụ đã
ví nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần với công việc mà nguyên lý sự sống, tức là linh
hồn, hoàn thành trong thân xác 8.
Chúa Kitô yêu
thương Giáo Hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người chồng
yêu vợ mình như yêu chính bản thân (x. Eph 5,25-28); phần Giáo Hội thì tùng phục
Ðầu (n.v.t, 23-24); "Vì tất cả sự sung mãn về bản tính Thiên Chúa ở trong
Người cách hữu hình" (Col 2,9), nên Người đổ tràn ơn thiêng trên Giáo Hội,
là thân thể, là sự sung mãn của Người (x. Eph 1,22-23) để Giáo Hội cố gắng đạt
tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa (x. Eph 3,19). 7*
8. Giáo Hội, thực tại hữu
hình và thiêng liêng. 8*
Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng
đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian mà
Người không ngừng bảo vệ 9.
Qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là xã hội
có tổ chức qui củ, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn
thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời không được
quan niệm như hai thực thể nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu
tố nhân loại và thần linh kết thành 10.
Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời
nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu
rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ
cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống
động để tăng triển thân thể (x. Eph 4,16) 11.
Ðó là Giáo Hội
duy nhất của Chúa Kitô mà trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là duy nhất,
thánh thiện, công giáo và tông truyền 12.
Sau khi phục sinh, Ðấng cứu chuộc chúng ta đã trao phó cho Phêrô chăn dắt Giáo
Hội đó (Gio 21,17); Người phó thác cho Phêrô cũng như cho các Tông Ðồ khác truyền
bá, cai quản (x. Mt 28,18tt), và thiết lập Giáo Hội nên "rường cột và nền
tảng chân lý" đến muôn đời (x. 1Tm 3,15). Như một xã hội được thiết lập
qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế
vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển 13,
và mặc dù bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân
lý, nhưng những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, thúc bách đến
sự hiệp nhất công giáo.
Như Chúa Kitô đã
hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời
gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu
Kitô "vốn có hình thể Thiên Chúa... tự hủy mình, tự nhận thân phận tôi tớ"
(Ph 2,6-7), và "vốn giàu có, Người đã hóa ra nghèo hèn" vì chúng ta
(2Cor 8,9): cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh
mình, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng
để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình. Chúa Kitô
được Chúa Cha phái đến "rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng... cứu chữa các
tâm hồn đau khổ" (Lc 4,18), "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất"
(Lc 19,10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu
hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh
Ðấng Sáng Lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm
phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô "thánh thiện, vô tội, tinh
tuyền" (Dth 7,26), không hề phạm tội (x. 2Cor 5,21), chỉ đến để đền tội lỗi
dân chúng (x. Dth 2,17), còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên
vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc
sám hối và canh tân.
"Lữ hành giữa
cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa" 14,
Giáo Hội rao truyền cái chết và thánh giá Chúa, cho đến khi Người trở lại (x.
1Cor 11,26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng
các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và
kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu
trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau
hết.
Chú Thích:
1* Hai chương đầu
của Hiến chế tín lý về Giáo Hội nhằm trình bày mầu nhiệm Giáo Hội trong ý định
cứu rỗi của Thiên Chúa như Thánh Kinh đã mạc khải, trước khi phân tích cơ cấu
phẩm trật (ch. III) và tác động siêu nhiên.
Sau khi đã xác định
Giáo Hội khai sinh từ Mầu Nhiệm Ba Ngôi, chương I của Hiến Chế tìm hiểu những
danh xưng và những hình ảnh khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để chỉ Giáo Hội, đặc
biệt nhấn mạnh tới danh xưng của Thánh Phaolô gọi Giáo Hội là "Thân Thể
Chúa Kitô" (các số 5-7), nhưng không tuyệt đối theo cách gọi đó. Sau cùng,
chương I còn cắt nghĩa thực tại Giáo Hội trong tình trạng cụ thể (số 8).
2* Số 1: Nhập đề
Ðây là phần nhập
đề tổng quát, nói lên chiều hướng riêng biệt của Hiến Chế. Công Ðồng quả quyết
sứ mệnh cứu rỗi phổ quát của Giáo Hội đã được Chúa Kitô trao phó, qua ý niệm bí
tích phổ quát của ơn cứu rỗi. Ở đây, sự cứu rỗi được quan niệm dưới hình thức hợp
thông với Ba Ngôi.
3* Các số 2-4:
Giáo Hội từ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Các số này có sự
thống nhất khá chặt chẽ về đề mục và cơ cấu, nói lên hoạt động của Ba Ngôi
trong đời sống Giáo Hội. Giáo Hội khai sinh từ ý định tự do của Chúa Cha hằng hữu
(số 2), ý định đó được thực hiện qua sứ mệnh của Chúa Con (số 3), và được bổ
túc nhờ sự thánh hóa mà Chúa Thánh Thần đem đến (số 4). Như vậy chúng ta thấy
rõ Giáo Lý Công Giáo về Giáo Hội được xây dựng trên tín điều căn bản của Kitô
giáo. Công Ðồng nói theo kiểu nói của Thánh Kinh chứ không theo kiểu nói thần học.
Và không muốn giải quyết vấn đề: phải hiểu những hoạt động của Ba Ngôi như thế
nào. Câu sau cùng của số 4 bao gồm chủ đích và nội dung của số đó.
1 Xem T.
Cyprianô, Epist. 64,4: PL 3,1017; CSEL (Hartel), III B, trg 720. T. Hilariô
Pict., In Mt. 23,6: PL 9,1047. T. Augustinô, nhiều chỗ khác. T. Cyrillô Alex.
Glaph. in Gen. 2, 10: PG 69, 110A.
2 T. Gregoriô Cả.
Hom. in Evang. 19,1: PL 76,1154 B. Xem T. Augustinô, Serm. 341, 9,11: PL
39,1499t. T. Gio. Damascenô, Adv. Iconoct. 11: PG 96,1357.
3 Xem T. Ireneô,
Adv. Haer. III, 24, 1: PG 7, 966 B;
4 T. Cyprianô,
De Orat. Dom. 23 : PL 4, 553: Hartel, III A, trg 285. T. Augustinô, Serm. 71,
20, 33: PL 38, 463t. T. Gioan Damascenô, Adv. Iconocl. 12: PG 96, 1358 D.
4* Các số 5-7:
Giáo Hội trong lịch sử cứu rỗi.
Các số này trình
bày sự hiện diện và hoạt động siêu nhiên của Thiên Chúa qua Giáo Hội trong công
cuộc cứu độ. Công Ðồng muốn giải thích ý định cứu rỗi của Ba Ngôi thực hiện qua
Giáo Hội (các số 2-4) tiến triển như thế nào trong lịch sử cứu rỗi. Việc đó phải
nhờ vào sự phân tích tỉ mỉ những cách diễn tả của mạc khải Thánh Kinh. Như thế
trong số 5, Công Ðồng nói về Giáo Hội như một Nước Thiên Chúa ở trần gian; số 6
trình bày những hình ảnh và những hình bóng khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để
mô tả Giáo Hội như là việc của Thiên Chúa; và sau cùng, trong số 7, Công Ðồng
giải thích sâu xa hơn về Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, theo sát với giáo lý của
Thánh Phaolô.
5* Số 5: Giáo Hội
là Nước Chúa.
Nước phải hiểu
theo nghĩa Thánh Kinh chứ không chỉ nguyên nghĩa xã hội, tức là phải hiểu như
là một hành động cai trị (chính sự thống trị) hơn là sự nới rộng đất đai (hiệu
quả của hành động thống trị). Trong viễn tượng ấy, Công Ðồng quả quyết có hai sự
kiện tạo nên Giáo Hội, tức là Nước Thiên Chúa: hoạt động của Chúa Kitô trước Phục
Sinh trong đó Nước Thiên Chúa (theo ý nghĩa đã giải thích) đã được biểu lộ, và
việc Chúa thiết lập qua Mầu Nhiệm Phục Sinh. Như thế, ngay cả những yếu tố giúp
Nước Thiên Chúa thực hiện cũng đã được phác họa:
a/ Yếu tố siêu
nhiên: Là những hồng ân mà Vị Sáng Lập Giáo Hội ban cho (tổng kết: là ơn trọng
đại của Chúa Thánh Thần);
b/ Yếu tố luân
lý: Chấp nhận những đòi hỏi tinh thần về việc Chúa thống trị trên con người, một
cách tự do và toàn vẹn;
c/ Yếu tố thừa
sai: Giáo Hội lãnh nhận từ Ðấng Sáng Lập sứ mệnh loan báo và tạo lập sự thống
trị này của Thiên Chúa trên mọi người;
d/ Yếu tố cánh
chung: Việc thống trị ấy còn bất toàn trên trần gian, bởi vậy khuynh hướng cánh
chung của toàn thể Giáo Hội hướng tới một Nước hoàn hảo phải được thực hiện
trong thời sau hết (x. số 48c).
5 Xem Origenê,
In Mat 16,21: PG 13, 1443 C. Tertullianô, Adv. Marc. 3,7: PL 2, 357 C; CSEL
47,3 trg 380. Về tài liệu phụng vụ, xem Sacramentarium Gregorianum: PL 78,160
B. Hoặc C. Mohlberg, Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg
111, XC: "Thiên Chúa không bị ràng buộc đã ban cho ngươi nơi cư ngụ vĩnh cửu
của các thánh...". Ca ngợi Urbs Jerusalem beata trong sách kinh nhật tụng
đan viện, và Coelestis urbs
6* Số 6: Những
hình ảnh về Giáo Hội theo Thánh Kinh.
Sau đây là những
khẳng định của Công Ðồng:
a/ Những hình ảnh
và hình bóng ấy là mạc khải thực về Giáo Hội nhờ đó chúng ta hiểu rõ hơn bản
tính sâu xa của Giáo Hội. Hơn nữa chúng ta còn bầy tỏ sự thống nhất và tiến triển
của một mạc khải được chuẩn bị trong Cựu Ước và được hoàn tất trong Tân Ước.
b/ Giáo thuyết đại
cương trong số 5b được giải thích rõ rệt hơn theo tiến trình tiệm tiến và năng
động. Những hình ảnh về đời sống du mục bày tỏ sự khởi xướng của Thiên Chúa
trong Giáo Hội, luôn tiến triển để đạt tới kết quả sau cùng, những hình ảnh về
xây cất chứng tỏ sự kiên cố, và những hình ảnh gia đình nói lên sự kết hợp thân
mật giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.
6 Xem T. Tôma,
Summa Theol. III, q. 62, a.5, ad 1.
7 Xem Piô XII:
Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 208.
8 Xem Leô XIII,
Tđ. Divinum illud, 9-5-1897: AAS 29 (1896-97), trg 650. Piô XII Tđ. Mystici
Corporis, n.v.t., trg 219-220; Dz 2288 (3808). T. Augustinô, Serm. 268, 2: PL
38, 1232, và nơi khác. T. Gioan Kim Khẩu, In Eph. bài giảng 9, 3: PG 62. 72.
Didymô Alex., Trin, 2, 1: PG 39, 449t. T. Tôma, In Col. 1, 18, lect. 5: x.b. Marietti,
II, số 46: Thân thể được tạo thành nên một do sự thống nhất của linh hồn, cũng
thế Giáo Hội được tạo thành nên một do sự thống nhất của Thánh Thần..."
7* Số 7: Giáo Hội
là thân thể Chúa Kitô.
Người ta có thể
nhận thấy rằng, để khai triển ý niệm này, những bản văn của Phaolô đã được lập
lại một cách phong phú, chứ không chỉ được sắp xếp theo thứ tự. Những nhà soạn
thảo lưu tâm đến việc trưng dẫn cho "hòa hợp" hơn là đến việc khai
triển cho hợp lý. Bởi vậy người ta đã đi theo tiến trình lịch sử của tư tưởng
Phaolô: các đoạn a-c trích những thư lớn nhiều hơn; các đoạn khác trích các thư
thời lưu đày. Nhưng cũng nên lưu ý Công Ðồng không muốn trực tiếp gọi Giáo Hội
là "nhiệm thể", nhưng quả quyết rằng Chúa Kitô phục sinh đã tạo cho
các anh em mình thành thân thể riêng mình, theo một cách thức bí nhiệm. Có hai
lý do:
a) Thánh Phaolô
không bao giờ nói về nhiệm thể. Ngài chỉ quả quyết là các tín hữu trở nên cùng
một thân, một người, một thân thể của Chúa Kitô.
b) Ý kiến Thần học
bất đồng về vấn đề này.
Ðây là tư tưởng
chính yếu hướng dẫn tất cả tiến trình: ơn cứu rỗi biến cải con người thành một
tạo vật mới. Chính Chúa Kitô là tạo vật mới ấy trong thân xác vinh hiển của Người,
trong đó Người triệu tập và nối kết mọi anh em nhờ sức mạnh của Thần Khí Người
(7a).
Ý tưởng ấy được
khai triển trong hai chủ đề:
a) Chủ đề
"thân xác": (7b-c): nhấn mạnh tới hai đặc điểm:
- Một cộng đoàn
sinh hoạt thiêng liêng được bí tích nuôi dưỡng (7b).
- Sự khác biệt
giữa các chi thể nhưng cùng "hiệp sức" trong sinh hoạt nhờ cùng một
Thánh Thần khích động, vì lợi ích toàn thể (7c).
b) Chủ đề
"Ðầu" (7d-g). Ðiều khẳng định chính yếu là sự trổi vượt của Chúa
Kitô, Ðấng tạo thành và cứu chuộc, theo như đoạn đầu của các thư gửi tín hữu
Ephêsô và Colosê, sự trổi vượt được Người trang bị cho toàn thân (7d).
Chúa Kitô là
Nguyên Lý, là Thủ Lãnh Giáo Hội được trình bày dưới ba khía cạnh:
- sự hòa hợp các
chi thể với Ðầu nhờ tham dự cuộc tử nạn và phục sinh của Người (7c).
- sự tăng triển
của toàn thân hướng về Chúa Kitô là Ðầu: như vậy Chúa Kitô là Nguyên Lý hợp nhất
và tăng triển có cơ cấu và có hòa hợp (7f).
- sự tăng triển
này là công trình của Thánh Thần Chúa Kitô, luôn làm sống động, nối kết và hướng
dẫn Giáo Hội (7g).
Vài hàng kết luận
nói lên chủ đề Giáo Hội là một Hiền thê (7h).
8* Số 8: Bản
tính nhân thần của Giáo Hội.
Trong Giáo Hội,
phải phân biệt - nhưng không được phân tán - hai khía cạnh, có thể so sánh với
hai bản tính của Ngôi Lời nhập thể: một khía cạnh nhân loại và một khía cạnh thần
linh. Giáo Hội như một mầu nhiệm thực sự xuất hiện trên trái đất dưới hình thức
cụ thể và hiển nhiên, và Giáo Hội vẫn hiện diện, nếu không chúng ta không thể
nói tới mầu nhiệm (Giáo Hội là bí tích cứu rỗi, là dấu hiệu hữu hình của ơn cứu
rỗi vô hình và là dụng cụ của quyền năng Thiên Chúa, xem số 1). Mầu nhiệm là
chương trình cứu rỗi được Chúa mạc khải ở trần gian này dưới những tấm màn
trong suốt (8a).
Vậy Giáo Hội được
Thiên Chúa triệu tập và qui tụ, phù hợp với Chúa Kitô, là thân thể của Chúa
Kitô và được Chúa Thánh Thần làm cho hoạt động. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn là nơi
qui tụ mọi người với tất cả những yếu tố mà nơi qui tụ đó bao gồm, không những
về tổ chức, cơ cấu, thế lực xã hội, mà cả những yếu đuối và tội lỗi. Thực tế phức
tạp của Giáo Hội là như thế, nhưng cũng đừng nên tách biệt hay đối kháng mà phải
nhìn với con mắt đức tin như một công trình của lòng nhân hậu Chúa muốn xử dụng
mọi yếu tố nhân loại, không khinh chê sự yếu hèn của nó. Sự thống nhất có tính
cách nền tảng của Giáo Hội sống động được xác quyết qua ba cách thức khác nhau:
không thể có sự đoạn giao giữa từng hai ý niệm đi với nhau:
"Xã hội phẩm
trật - Nhiệm thể Chúa Kitô";
"Công hội hữu
hình - Cộng đoàn thiêng liêng";
"Giáo Hội
trần gian - Giáo Hội tô điểm bằng hồng ân thiên quốc".
Chúng ta đứng
trước một thực tại phức tạp không chia cắt, nhưng lại bao gồm một yếu tố nhân
loại và một yếu tố thần linh. Trong thực tại phức tạp này, Giáo Hội là dấu hiện
có Chúa Thánh Thần hiện diện và chính Ngài sẽ hoàn tất trong Giáo Hội và nhờ
Giáo Hội ơn cứu độ của những người được tuyển chọn.
Sự kiện vừa là dấu
hiệu vừa là lý do sinh ra ơn thánh cấu tạo nên chính yếu tính của bí tích hay mầu
nhiệm: dấu hiệu hữu hình của thần lực vô hình (8b).
Giáo Hội thánh
thiện thật, nhưng một trật cũng luôn đòi được thanh tẩy; tội lỗi tồn tại trong
Giáo Hội, nhưng Giáo Hội lại được Chúa Thánh Thần thánh hóa sâu xa. Do hai đặc
tính này mà công cuộc cứu độ luôn được thực hiện dưới dấu chỉ khó nghèo và bách
hại: đó chính là con đường mà Giáo Hội phải dấn thân để theo gương Chúa Giêsu;
đường riêng của Chúa luôn là đường Thánh Giá. Giáo Hội là Giáo Hội của tội nhân
nên luôn luôn cần được thanh tẩy. Nhưng nếu từ đó mà vội kết luận rằng Giáo Hội
như thế không còn thánh thiện là kết luận sai, bởi vì như vậy là chỉ nhìn toàn
bộ con số những chi thể chứ không nhìn đến một cái gì khác trong Giáo Hội. Giáo
Hội là một xã hội do Chúa Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động
chỉ với mục đích tranh đấu và chiến thắng tội lỗi. Ðó chính là lý do và là cách
thức thánh thiện tinh tuyền của Giáo Hội: Chắc hẳn không phải nơi chi thể hay
thủ lãnh, nhưng là trong chính yếu tính. Giáo Hội là Hiền thê không tì ố, không
bụi nhơ, nhưng chỉ hiện hữu nơi trần gian này trong tình trạng chuẩn bị (8c).
Giáo Hội sẽ toàn
thắng trên chặng đường nguy khó này, nhưng chỉ có thể nhờ sự bác ái và nhẫn nại
của Thánh Thần mới có thể lướt thắng được những trở ngại dồn dập. Những yếu đuối,
những khó khăn, những thiếu sót của Giáo Hội, của một xã hội trần gian, không
phải là những ảo tưởng, nhưng chúng có thực. Cuộc chiến thắng của Giáo Hội Chúa
trên tất cả những nghịch cảnh này cũng không phải là giả tưởng, nhưng là cuộc
chiến thắng thực sự cho người có lòng tin. Như vậy, Giáo Hội thực sự mạc khải mầu
nhiệm Chúa Kitô dù vẫn còn mây đen mờ tối cho tới khi có ánh sáng huy hoàng chiếu
soi (8d).
9 Leô XIII, Tđ.
Sapientiae christianae. 10-1-1890: AAS 22 (1889-90), trg 392. n.t., Tđ. Satis
cognitum 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 710 và 724 tt. Piô XII, Tđ. Mystici
Corporis, n.v.t., trg 199-200.
10 Xem Piô XII
Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 221 tt. n.t., Tđ. Humani generis, 12-8-1950:
AAS 42 (1950), trg 571.
11 Leô XIII, Tđ.
Satis Cognitum, n.v.t., trg 713.
12 Xem Symbolum
Apostolicum: Dz. 6-9 (10-13). Symb. Ni.-Const. : Dz. 86 (150). So sánh với
Prof. fidei Trid. : Dz. 994 và 999 (1862 và 1868).
13 Ðọc
"Giáo Hội Rôma thánh thiện (công giáo và tông truyền)": trong Prof.
fidei Trid., n.v.t., và CÐ Vat I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo, Dei
Filius : Dz. 1782 (3001).
14 T. Augustinô,
De Civ. Dei, XVIII, 51, 2 : PL 41, 614.
Chương II: Dân Thiên Chúa 9*
9. Giao Ước mới và Dân Tộc
mới. Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ
Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x. CvTđ
10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách
riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận
biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài
đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ
dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy, và Ngài đã
thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn
bị và hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Chúa Kitô,
và là chuẩn bị cho mạc khải trọn vẹn hơn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể
mang đến. Thiên Chúa phán: "Này đây sẽ tới ngày Ta ký giao ước mới với nhà
Dân thiên sai
này có vị thủ lãnh là Chúa Kitô, "Ðấng đã bị nộp vì tội lỗi ta và phục
sinh cho ta nên công chính" (Rm 4,25), và bây giờ Người được một danh hiệu
vượt trên mọi danh hiệu, và đang hiển trị trên trời. Ðịa vị dân này là được
vinh dự và tự do làm Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như
trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: phải thương yêu nhau như chính Chúa
Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Gio 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ, tức là
phát triển thêm Nước Thiên Chúa, đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới
khi được Ngài hoàn tất trong ngày tận thế, ngày mà Chúa Kitô, sự sống của chúng
ta, hiện đến (x. Col 3,4), ngày mà "chính tạo vật cũng được giải phóng khỏi
ách nô lệ hư nát, lại được tự do trong vinh quang con cái Thiên Chúa" (Rm
8,21). Vì thế, dân tộc thiên sai ấy, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại
và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mống vững chắc nhất
của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy
được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người
xử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh
sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).
Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã
được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. 2Esd 13,1; Ds 20,4; Dnl 23,1tt), dân
Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất
diệt (x. Dth 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16,18). Thực vậy,
chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (x. CvTđ 20,28), Người đổ
tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu
hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng
ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành
Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho
toàn thể và cho mỗi người 1.
Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại.
Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến
bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà
Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền
Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới
tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng
không hề tắt. 10*
10. Chức tư tế cộng đồng. 11*
Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (x. Dth 5,1-5), để biến
dân tộc mới thành một "vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha
Người" (Kh 1,6; x. 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy,
nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở
thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô
hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ
bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (x. 1P 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ
của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa
(x. CvTđ 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp
lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và
trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao
khát. (x. 1P 3,15).
Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm
trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc
cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô
theo cách thức riêng của mình 2.
Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế,
đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa
nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác
dâng thánh lễ 3,
và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ
ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực. 12*
11. Hành sử chức tư tế cộng đồng trong các bí tích. 13*
Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành
động nhờ các bí tích và các nhân đức. Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi
phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Kitô giáo
và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi
người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội 4.
Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy
sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn
phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng
nhân đích thực của Chúa Kitô 5.
Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng
lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ 6.
Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một
cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh
Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên
Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí
tích cực trọng này.
Những ai đến nhận
lãnh bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến
Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương.
Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ.
Bằng phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội
phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh để Người an ủi và cứu
rỗi họ (x. Giac 5,14-16); hơn nữa, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với
Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết (x. Rm 8,17; Col 1,24; 2Tm 2,11-12; 1P
4,13) để mưu ích cho Dân Thiên Chúa. Còn những người trong các tín hữu có hân hạnh
lãnh nhận chức Thánh, được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn dắt Giáo Hội bằng
ân sủng và Lời Thiên Chúa. Sau cùng, nhờ sức thiêng của bí tích Hôn Phối, các
đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu
phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,32); họ giúp nhau nên thánh
trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ
được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa 7.
Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài
người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy,
họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử.
Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng
gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm
sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi
làm linh mục.
Ðược ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu,
dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh
thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người. 14*
12. Cảm thức của đức tin
và đoàn sủng trong Dân Thiên Chúa. Dân Thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ
tiên tri của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là
qua đời sống đức tin và đức ái; và dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái
của những miệng lưỡi ngợi khen thánh Danh Người (x. Dth 13,15). Toàn thể tín hữu,
được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Gio 2,20 và 27), không thể sai lầm trong đức
tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân
Chúa, khi "từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết" 8 đều
đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa. Thực vậy, nhờ cảm thức
về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và duy trì, dưới sự hướng dẫn và
giáo huấn thần linh của Giáo Hội mà họ trung thành tuân theo, Dân Thiên Chúa nhận
lãnh không phải lời nói của loài người nữa, mà thực sự là lời của Thiên Chúa
(x. 1Th 2,13; họ gắn bó hoàn toàn "với đức tin chỉ một lần được ban bố cho
các thánh" (Gđa 3), họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đứng đắn,
và sống đức tin cách hoàn hảo hơn.
Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn
Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức,
nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu
"phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài" (1Cor 12,11), khiến người
lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và
nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội
như lời chép rằng: "Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi
ích" (1Cor 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi
nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì
các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng không nên liều
lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc
tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết
về tính cách chân chính và sự xử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ
đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại
những điều thiện hảo (x. 1Th 5,12 và 19-21). 15*
13. Tính cách phổ quát nơi Dân duy nhất của Thiên Chúa. 16*
Mọi người được mời gọi gia nhập Dân Tộc mới của Thiên Chúa. Vì thế, Dân mới
này, một dân duy nhất và hằng hiệp nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới
trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của Thánh Ý Thiên Chúa, Ðấng từ
nguyên thủy đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất, và quyết định sau này
tập họp tất cả con cái Ngài tản mát đó đây thành một dân tộc độc nhất (x. Gio
11,52). Chính vì mục đích ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, Ðấng mà Ngài
đã đặt làm thừa kế vũ trụ (x. Dth 1,2), hầu trở nên Thầy, Vua và Tư Tế cho mọi
người, và nên Thủ Lãnh của dân tộc mới và phổ quát của con cái Thiên Chúa. Sau
cùng, cũng vì mục đích đó mà Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Ngài, là Chúa
và là Ðấng ban sự sống. Ðối với toàn Giáo Hội, với tất cả cũng như với mỗi tín
hữu, Thánh Thần là nguyên lý qui tụ và hiệp nhất, trong giáo lý của các Tông Ðồ,
trong sự hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện (x. CvTđ 2,42, bản Hy lạp).
Như thế, Dân duy
nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian. Tuy dân của Nước Ngài
là công dân của các nước, song thực ra, đặc tính của Nước ấy không thuộc về thế
gian nhưng thuộc về Trời. Quả thực, mọi tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều
hiệp thông trong Thánh Thần với tất cả các tín hữu khác, và vì thế "kẻ ở
Rôma biết rằng người Ấn Ðộ là chi thể mình" 9.
Nhưng vì Nước Chúa Kitô không thuộc về thế gian này (x. Gio 18,36), nên Giáo Hội,
tức Dân Thiên Chúa, hợp thành Nước ấy, không loại bỏ bất cứ một phần di sản trần
thế nào của các dân tộc; trái lại, Giáo Hội chăm sóc và thu dụng tất cả những
gì tốt lành nơi gia sản, nơi nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu
dụng, Giáo Hội tinh luyện, kiện toàn và làm chúng nên cao thượng. Thực vậy,
Giáo Hội nhớ rằng mình phải kết hợp với Vua ấy là Ðấng đã lãnh nhận các dân nước
làm gia nghiệp mình (x. Tv 2,8), và các dân nước mang đến Thành Ðô Người của lễ
và tặng vật (x. Tv 71 (72),10; Is 60,4-7; Kh 21,24). Ðặc tính phổ quát này, tư
trang của Dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban, nhờ đó Giáo Hội
Công Giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu qui tụ toàn thể nhân loại cùng những gì tốt
lành nơi họ dưới một Thủ Lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh
Thần 10.
Nhờ đặc tính
công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử
khác và cho toàn Giáo Hội, do đó toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp
thông với nhau và nhờ nỗ lực tiến đến viên mãn trong sự hiệp nhất. Vì thế, Dân
Thiên Chúa tạo thành không những do các dân nước qui tụ lại nhưng còn do các chức
vụ khác nhau trong nội bộ nữa. Thực vậy, giữa các phần tử trong dân, có nhiều sự
khác biệt: hoặc do chức vụ, như những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu lợi
ích cho anh em mình, hoặc do hoàn cảnh và nếp sống, như những người sống trong
bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khắc khổ hơn và nêu gương khích lệ
anh em. Cũng vì thế, ngay trong sự hiệp thông của Giáo Hội cũng có sự hiện diện
hợp pháp của những Giáo Hội địa phương, thừa hưởng những truyền thống riêng, mà
vẫn không phương hại đến quyền tối thượng của Tòa Thánh Phêrô, Tòa Thánh này,
thủ lãnh toàn thể cộng đoàn đức ái 11,
bảo vệ các dị biệt hợp pháp không phương hại, trái lại còn sinh ích cho sự hiệp
nhất đó. Cũng vì thế các thành phần khác nhau của Giáo Hội liên kết với nhau bằng
mối dây hiệp thông mật thiết về của cải thiêng liêng, về thợ truyền giáo và về
sự trợ giúp vật chất. Quả thực, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ
của cải mình và lời nói sau đây của vị Tông Ðồ cũng có giá trị cho mọi Giáo Hội:
"Mỗi người hãy tùy theo ơn đã nhận được mà giúp đỡ lẫn nhau, như những quản
lý tài ba phân phối mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10).
Vì thế mọi người đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo này của
Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy tiên báo và cổ võ nền hòa bình phổ quát. Họ thuộc
về hoặc hướng về sự hiệp nhất đó dưới nhiều thể cách khác nhau, được sắp xếp hoặc
họ là tín hữu công giáo hay là những người tin Chúa Kitô, hoặc sau cùng tất cả
mọi người không trừ ai đều được ơn Thiên Chúa kêu mời lãnh nhận phần rỗi. 17*
14. Tín hữu công giáo. 18*
Vậy trước tiên, Thánh Công Ðồng hướng lòng về các tín hữu công giáo. Dựa trên
Thánh Kinh và Thánh Truyền, Thánh Công Ðồng dạy rằng: Giáo Hội lữ hành này cần
thiết cho phần rỗi. Thực vậy, chỉ mình Chúa Kitô là Trung Gian và là đường cứu
độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong thân thể Người là Giáo Hội; chính Người
đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy (x. Mc
16,16; Gio 3,5), đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi
người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội
Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi
cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo
Hội này thì không thể được cứu rỗi.
Ðược kể là gia
nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những ai lãnh nhận Thánh Thần Chúa Kitô,
chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Giáo
Hội; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai
trị của Giáo Hội và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu
hình mà Người điều khiển nhờ Giáo Hoàng và các Giám Mục. Dù được tháp nhập vào
Giáo Hội, nhưng nếu không kiên trì sống trong đức ái thì vẫn không được cứu rỗi,
vì tuy "thể xác" họ thuộc về Giáo Hội, nhưng "tâm hồn" họ
không ở trong Giáo Hội 12.
Nhưng các con cái của Giáo Hội phải nhớ rằng, địa vị cao trọng của họ không phải
do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô; nếu họ không đáp lại hồng
ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi
mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn 13.
Phần những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, nếu minh nhiên
xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hợp cùng Giáo Hội
rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình. 19*
15. Giáo hội và Kitô hữu không công giáo. Với những kẻ đã lãnh phép
Thánh Tẩy, mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc
không hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô, Giáo Hội vẫn biết mình có liên hệ
với họ vì nhiều lý do 14.
Thực vậy, có nhiều người cung kính lấy Thánh Kinh làm mẫu mực cho lòng tin và đời
sống, giữ đạo cách nhiệt thành, thành thực, hết lòng tin kính Chúa Cha toàn
năng, và Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa 15.
Ðược bí tích Thánh Tẩy ghi ấn, họ kết hợp với Chúa Kitô, họ còn công nhận và
lãnh một số bí tích khác trong Giáo Hội, hoặc trong các cộng đồng Giáo Hội của
họ. Nhiều người trong họ còn có chức giám mục, họ vẫn cử hành bí tích Thánh Thể
và tôn kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa 16.
Họ cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện và các việc lành thiêng liêng khác; hơn
nữa, họ thực sự kết hợp trong Chúa Thánh Thần, Ðấng cũng dùng ân huệ và thánh sủng
tác động trong họ nhờ thần lực thánh hóa của Ngài, và đã củng cố một số người
trong họ đi đến chỗ đổ máu tử đạo. Vì thế, Thánh Thần thúc giục hết thảy các
môn đệ Chúa Kitô ước muốn và hành động để tất cả được an bình hiệp nhất trong một
đàn chiên dưới quyền một Chủ Chăn duy nhất 17,
theo cách thức Chúa Kitô đã vạch ra. Ðể được vậy, Giáo Hội, Mẹ hiền không ngừng
cầu nguyện, hy vọng và hành động, cũng như khuyên giục con cái thanh tẩy và
canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo
Hội. 20*
16. Giáo hội và những người không thuộc Kitô giáo. Sau cùng, những ai
chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên
Chúa 18.
Trước tiên phải kể dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước, mà bởi dân ấy,
Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quí, bởi
đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không ân hận gì vì đã ban ơn và
kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng kế hoạch cứu độ cũng còn bao hàm những ai nhận
biết Ðấng Tạo Hóa: trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo; họ xưng rằng họ giữ đức
tin của Abraham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ,
Ðấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Những kẻ đang tìm kiếm Thiên
Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ
ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở
và tất cả mọi sự (x. CvTđ 17,25-28), và vì là Ðấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người
đều được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4). Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc
Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và
dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công
việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi 19.
Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa,
cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần
thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện
nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm 20,
và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống.
Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ
đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng
sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên
Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm
làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa
truyền: "Hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật" (Mc 16,15), nên Giáo
Hội tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo. 21*
17. Tính cách truyền giáo của Giáo Hội. Như Chúa Cha sai Người thế nào,
Chúa Con cũng sai các Tông Ðồ như vậy (x. Gio 20,21) khi Người phán: "Vậy
các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,
hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở
cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, lệnh mà
Chúa Kitô long trọng truyền rao giảng chân lý cứu rỗi, Giáo Hội đã nhận lãnh từ
các Tông Ðồ để chu toàn khắp cõi đất (x. CvTđ 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời
sau đây của Thánh Tông Ðồ như lời của mình: "Khốn thân tôi nếu tôi không
rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16), và vì thế Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả
Phúc Âm cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp
tục việc rao giảng Phúc Âm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài
để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Ðấng đã đặt Chúa Kitô làm
nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội sửa soạn
cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép
Thánh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân thể
Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới
viên mãn. Thực ra, những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người,
hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo Hội
không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hóa, nâng cao và hoàn thành chúng,
hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỉ và mưu cầu hạnh phúc cho con người.
Mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần truyền bá đức tin 21.
Tuy bất cứ ai cũng có thể ban phép Thánh Tẩy cho những kẻ tin, nhưng chỉ có
linh mục mới hoàn tất, xây dựng Nhiệm Thể bằng hy lễ tạ ơn, làm trọn lời Thiên
Chúa đã phán qua miệng tiên tri: "Từ đông sang tây, Danh Ta sẽ được lừng lẫy
khắp muôn dân; khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch kính Danh Ta"
(Mal 1,11) 22.
Như thế Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thể vũ trụ biến thành Dân
Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Ðền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Kitô
là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Chúa Cha Ðấng Tạo
Thành vũ trụ. 22*
Chú Thích:
9* Chương nhất của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội bàn về mầu nhiệm Giáo
Hội đặc biệt trong chiều hướng ngoài thời gian. Chương hai trình bày hình ảnh mầu
nhiệm Giáo Hội cụ thể của Chúa Giêsu Kitô trong chiều hướng lịch sử: sự xuất hiện,
bản tính là Dân Thiên Chúa đang trong cuộc hành trình, sự bành trướng của Giáo
Hội trong không gian và thời gian. Lịch sử tính phổ quát của mầu nhiệm Giáo Hội
- như số 8 đã khai mào - có thể diễn tả một cách tổng hợp như sau: Giáo Hội là
Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành qua lịch sử thánh, bắt đầu từ lúc Israel được
Chúa gọi đi tới Giáo Hội với những chiều hướng phổ quát của cuộc hoàn tất trong
sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Công Ðồng đã lưu tâm xây dựng khoa Giáo Hội học
dựa trên lịch sử cứu rỗi, như thế là trở về với dự kiến nền tảng của khoa Giáo
Hội học thời Giáo Hội sơ khai mà khoa thần học thời Trung Cổ (ít quan tâm đến lịch
sử), thời chống phái Cải Cách (nhấn mạnh đặc biệt tới khía cạnh phẩm trật), thuộc
thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX (khám phá ra đặc tính huyền thiêng của Giáo Hội
và khai triển ý niệm tĩnh về Nhiệm Thể) đã bỏ qua. Dự kiện nền tảng ấy như sau:
chỉ mình Giáo Hội Chúa Kitô là sự hoàn tất hợp pháp của dân tộc mang lời hứa Cựu
Ước; công đoàn con người là Giáo Hội (với những nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm
khác nhau) mặc hình thức một dân tộc được triệu tập và liên kết bởi một Tân Ước
tiếp nối cho Cựu Ước. Triệu tập là tiếp tục lời mời đối với Israel trước đây,
nhưng không còn dành riêng cho một chủng tộc nào nữa: từ nay trong Tân Ước, lời
mời gọi của Thiên Chúa qua Máu Chúa Kitô sẽ đến với mọi người. Như thế Giáo Hội
được coi như Dân Thiên Chúa đang tiến tới viên mãn dưới Thần Khí Chúa Kitô. Dự
kiện ấy là nền tảng cho tất cả những khai triển của Hiến Chế. Ðể có thể cân nhắc
chính xác vai trò của các hạng người trong Giáo Hội (phổ quát tính của Dân
Chúa), cần phải định vị các nhóm này (giáo phẩm, giáo dân, tu sĩ) trong toàn thể
Dân Chúa: "Dân Chúa nơi đây phải hiểu là cả mục tử lẫn con chiên... Phải
nhìn Dân Chúa trong toàn diện; có vậy mới thấy rõ trách vụ của mục tử là cung ứng
cho con chiên những phương thế cứu rỗi, và ơn gọi của con chiên là phải cộng
tác với mục tử để truyền bá Phúc Âm và mở mang Giáo Hội" (Rel. Gen.). Trước
khi đề cập chi tiết đến những hạng người khác nhau, cần phải mô tả cộng đoàn và
cho biết yếu tố chung của mỗi người, tức là: phải thuộc về Dân Thiên Chúa như
là nơi tập hợp các tín hữu.
Ý niệm về Dân
Thiên Chúa giữ một vị trí then chốt trong toàn thể Hiến Chế và nói lên hai điểm:
a) Sự liên tục lịch
sử của kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa thực hiện trong mầu nhiệm Giáo Hội, như
là dân mới của Tân Ước với đặc tính đón nhận mọi người;
b) Cộng đoàn sống
trong đức tin của tất cả những nhóm và những hạng người tạo thành Dân Thiên
Chúa.
Chương này có kết
cấu đơn giản. Sau phần nhập đề về Dân Thiên Chúa cách tổng quát (số 9), phần nhất
mô tả địa vị chung và đồng nhất cho mọi Kitô hữu được Chúa chọn để tham dự vào
Dân Ngài: Dân Thiên Chúa là dân tư tế (các số 10-12). Phần hai bàn về ơn gọi phổ
quát - công giáo tính - của Dân Chúa, ý định được cụ thể hóa trong lịch sử Dân
Ngài. Công Ðồng cố gắng bày tỏ sao cho những hạng người khác nhau nói lên mối
tương quan với Dân Thiên Chúa, là sự phô diễn lịch sử của mầu nhiệm cứu độ phổ
quát (các số 13-16). Phần kết luận của chương này nói về Chúa Thánh Thần là Ðấng
xướng xuất ra phổ quát tính ấy mà những sứ mệnh của Ngài là biểu tượng sống động.
1 Xem T.
Cyprianô, Epist. 69, 6 : PL 3, 1142 B ; Hartel 3 B, trg 754: "bí tích hiệp
nhất bất khả phân ly".
10* Số 9: Giao ước mới và dân tộc mới.
Thần học về Dân
Thiên Chúa được trình bày qua ba giai đoạn:
a) Ý định hữu hiệu
của Thiên Chúa muốn cứu vớt nhân loại qua việc Chúa làm cho nhân loại trở thành
một dân tộc mà
b) Những chiều
hướng của dân tộc mới: có thủ lãnh là Chúa Kitô, có qui chế là chức vị và sự tự
do của các con cái Chúa, có luật pháp là giới răn mới, có không gian là phổ
quát tính, có cùng đích là Nước Trời. Nó vượt quá biên cương một quốc gia để tiến
tới mọi quốc gia (số 9b).
c) Dân tộc mới
này là Giáo Hội Chúa Kitô. Vì chính trong dân ấy mà ý định cứu rỗi đạt được mục
đích là qui tụ các con cái tản mát của Thiên Chúa về hiệp nhất. Nhờ các con cái
ấy mà Dân Thiên Chúa tạo thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của
một ơn cứu rỗi. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa luôn tiến tới viên mãn là Nước Trời.
Bén rễ trong lịch sử, thiết lập trên trái đất và giữa trần gian, Giáo Hội đang
trên đường đi về Giêrusalem thiên quốc (số 9c; x. số 5 và chương VIII).
Dân tộc này là một
dân "tư tế". Công Ðồng giải thích vắn tắt bản tính của chức tư tế (số
10) và việc thi hành chức vụ ấy (các số 11-12).
2 Xem Piô XII,
Huấn từ Magnificate Dominum, 2-11-1954 : AAS 46 (1954), trg 669. Tđ. Mediator
Dei, 20-11-1947 : AAS 39 (1947), trg 555.
3 Xem Piô XI,
Tđ. Miserentissimus Redemptor, 8-5-1928 : AAS 20 (1928), trg 171t. Piô XII, Huấn
từ "Vous nous avez", 22-9-1956 : AAS 48 (1956), trg 714.
12* Số 10: Bản tính của chức tư tế cộng đồng.
Công Ðồng đi
theo đường lối truyền thống khi quả quyết là người đã chịu phép Thánh Tẩy đều
được thánh hiến để lãnh nhận chức tư tế thánh. Quả thực, Dân Thiên Chúa tham dự
vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô vì là dân tộc được thừa hưởng những đặc ân của
dân tư tế mà Thiên Chúa đã tuyển chọn và dành riêng cho Ngài trên núi Sinai.
Chúa Kitô đã được thánh hiến để trở thành vị Tư Tế (tức là vị Trung Gian của
Tân Ước), nhờ Ngôi Hiệp. Chức vụ tư tế ấy được Dân Thiên Chúa tham dự, trở
thành chung cho mọi tín hữu nhờ phép Thánh Tẩy. Công Ðồng gọi là "chức tư
tế cộng đồng". Chúa Kitô biến dân này thành một cộng đoàn được thánh hiến.
Người theo đuổi sứ mệnh của Người trong mỗi tín hữu, mỗi phần tử của Dân Thiên
Chúa. Ai chịu phép Thánh Tẩy để vào Giáo Hội, thì cũng đều nhận được sự thánh
hiến tư tế này, nghĩa là, Chúa Kitô cho người đó tham dự vào chức tư tế, và sứ
mệnh tiên tri và vào chức vụ vương giả của Người (sô 10a).
Nhưng phải phân
biệt chức tư tế cộng đồng này với chức tư tế thừa tác được trao phó cho một số
người đã chịu phép Thánh Tẩy. Chức tư tế thừa tác bao gồm quyền hành trên Dân
Thiên Chúa. Cả hai chức tư tế đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa
Kitô, và có liên quan với nhau: chức tư tế cộng đồng hoàn tất nhờ chức tư tế thừa
tác và chức tư tế thừa tác dựa trên chức tư tế cộng đồng (số 10b).
13* Các số 11-12: Việc thi hành chức tư tế cộng đồng.
Việc thi hành
bao gồm hai nhiệm vụ riêng cho Dân Chúa: tham dự vào các bí tích và chứng tá
cho đức tin.
4 Xem T. Tôma,
Summa Theol. III, q.63, a.2.
5 Xem T. Cyrillô
Hieros., Catech. 17, về Chúa Thánh Thần, II, 35-37 : PG 33, 1009-1012. Nic.
Cabasilas, De vita in Christo, C. III, về lợi ích của dầu thánh: PG 150,
569-580. T. Tôma, Summa Theol. III, q. 95, a.3 và q. 72, a.1 và 5.
6 Xem Piô XII,
Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947 : AAS 39 (1947), nhất là trg 552 t.
7 1Cor 7,7:
"Mỗi người Chúa ban cho ơn riêng (idion charisma), người được ơn này, người
được ơn kia". Xem T. Augustinô, De Dono Persev. 14, 37 : PL 45, 1015t:
"Không những tiết dục, nhưng cả khiết tịnh của đôi bạn cũng là ơn Chúa
ban".
14* Số 11: Tham dự vào các bí tích.
Chức tư tế cộng
đồng biểu thị tính chât một cộng đoàn có tổ chức hệ thống nên phải được thi
hành bằng những phương tiện có hệ thống và hữu hình. Bí tích chiếm hàng đầu,
nhưng cũng đừng bỏ qua những nhân đức Kitô giáo do các bí tích truyền thông và
thăng tiến nhờ chính những hoạt động của chúng. Ðoạn này nhắc cho chúng ta ý niệm
thần học cổ điển đã nói trong Thông điệp "Mediator Dei": việc tham dự
vào các bí tích (không phải chỉ tiếp nhận thụ động, nhưng phải tiếp nhận trong
sự thấu suốt bằng đức tin) là sự thi hành chức tư tế ấy. Thực ra, Công Ðồng nhấn
mạnh tới hiệu quả mà bí tích mang lại cho đời sống Kitô hữu hơn là tới chính việc
tham dự vào quyền tư tế của Chúa Kitô. Thần học sẽ còn phải đào sâu về quyền tư
tế, một thứ quyền chủ động, trên bình diện toàn thể Dân Chúa.
8 Xem T.
Augustinô, De Praed. Sanct. 14,27 : PL 44, 980.
15* Số 12: chứng tá cho đức tin.
Hiến chế coi việc
tuyên xưng đức tin Kitô giáo liên quan tới chức vụ tư tế cộng đồng và đặc tính
vô ngộ của đức tin nơi toàn thể Dân Thiên Chúa là do Chúa Thánh Thần linh ứng.
Ðức tin này không chỉ là việc tuân theo các lời giáo huấn của Giáo Hội, các
công thức Giáo Hội đề ra, nhưng còn diễn tả một "ý thức" sâu thẳm do
Chúa Thánh Thần ghi tạc trong Dân Chúa, ý thức ấy giúp phân biệt chân lý, vững
tâm chấp nhận chân lý mà không sợ sai lầm. Những chân lý ấy được Công Ðồng quảng
diễn theo ba cách:
a) Trước hết mối
dây liên lạc giữa chức tư tế cộng đồng với sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô, sứ mệnh
mà Dân Chúa tham dự và cũng nhờ đó mới có thể minh chứng đức tin.
b) Ý thức đức
tin có ảnh hưởng trong cộng đoàn nhờ việc Chúa Thánh Thần xức dầu, và như vậy
chính tín hữu, được soi sáng trong tâm hồn, sẽ phân biệt giáo lý chân chính với
tà thuyết.
c) Trong ý thức
đức tin, người ta có thể nhận ra một đoàn sủng được trao ban cho toàn thể cộng
đoàn, và biểu lộ bằng những ân sủng đặc biệt do Chúa Thánh Thần tự do ban phát
vì lợi ích cộng đoàn. Các đoàn sủng bày tỏ quyền năng hoạt động của Chúa Thánh
Thần trong Dân Chúa. Tuy nhiên, các thủ lãnh của Giáo Hội phải cho biết giá trị
chính thực của những ân sủng đặc biệt này.
16* Các số 13-16: Công giáo tính của một Dân Thiên Chúa.
Từ số 13, Công Ðồng
bắt đầu một khai triển mới, nhấn mạnh tới điều cốt yếu của hiệp nhất công giáo,
nghĩa là tới sự hiệp nhất của Giáo Hội đang lan rộng khắp cả thế giới. Ðể quả
quyết cho đặc điểm công giáo tính này, Công Ðồng chú trọng đến ý định cứu rỗi của
Thiên Chúa (1Tm 2,3). Có hai hiệu quả là, một đàng Giáo Hội tự mình phải lan rộng
đến mọi dân tộc; đàng khác, mọi người có thiện chí, dù sống trong tình trạng
nào đi nữa, thì cũng hoặc thuộc về Giáo Hội, hoặc có tương quan với Giáo Hội,
hoặc hướng về Giáo Hội. Chủ đề được khai triển trong hai phần: phần nhất bàn về
các nguyên tắc (số 13), và phần hai trình bày những áp dụng cụ thể.
9 Xem T. Gioan
Kim Khẩu, In Jo., bài giảng 65, 1 : PG 59, 361.
10 Xem T.
Ireneô, Adv. Haer. III, 16, 6; 22, 1-3 : PG 7, 925C - 926A và 955C - 958A;
11 Xem T.
Inhaxiô Tử Ðạo, Ad
17* Số 13: Công giáo tính cứ luật của Giáo Hội.
Số 13 đã được sửa
đổi hầu hết trong lần tu chính sau cùng. Theo thuyết trình viên thì "chủ
đích của bản văn này là trình bày những nguyên tắc của hiệp nhất tính và phổ
quát tính của Dân Chúa, trước khi mô tả những phương thức khác nhau làm cho con
người liên kết với Dân Chúa (các số 14-16). Bởi vậy, đoạn này chính là gạch nối
giữa hai phần của chương hai: phần đầu nói lên những đặc tính tổng quát của Dân
Chúa, phần sau bàn về các thành phần, hoặc hiện là thành phần, hoặc là thành phần
trong tiềm năng" (Rel. Gen.).
Những chủ đề được
quảng diễn như sau:
a) Ðoạn đầu
(13a) chỉ nhấn mạnh tới sự hiệp nhất nối kết Giáo Hội mọi lúc và mọi nơi. Thiên
Chúa đã muốn qui tụ toàn thể nhân loại trong Con của Ngài nhờ hoạt động hiệp nhất
của Chúa Thánh Thần, và còn muốn nối kết nhân loại trong Giáo Hội của Chúa
Kitô. Sự hiệp nhất thấy được trong việc bẻ bánh và trong kinh nguyện.
b) Ðoạn hai
(13b) khai triển ý tưởng Dân Chúa hiện diện trong mọi quốc gia trên mặt đất mà
không đồng hóa với một quốc gia nào. Dân Chúa phổ quát theo sự lan rộng về địa
lý nhưng lại vượt quá biên cương mọi quốc gia do đặc tính siêu việt và do sự kiện
bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính thế mà mọi dân mọi nước khác biệt lại trở thành
anh em và sự hiệp nhất của Dân Chúa có tính cách "công giáo" thực sự.
Chủ đề thu-về-một-mối được áp dụng triệt để.
c) Nhờ đặc tính
công giáo ấy, tất cả các phần tử Dân Chúa đặt mọi của cải và ân huệ riêng biệt
của mình làm của chung. Cơ cấu nội tại của sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội
thật phức tạp. Bởi vậy mới có sự dị biệt hiệp nhất trong mọi tầng lớp của Dân
Chúa và mọi phần tử phải hợp tác vào sự hiệp nhất dị biệt. Ngay trên bình diện
Giáo Hội, cũng cần phải có các giáo hội địa phương khác biệt nhau nhưng bổ túc
cho nhau, mà không phương hại tới sự hiệp nhất. Hủy bỏ mọi khác biệt sẽ tạo nên
tình trạng nhàm chán nghèo nàn, và là lý do gây nguy hại cho chính việc hiệp nhất.
Nhưng muốn cho sự dị biệt sinh hiệu quả phong phú, cần phải có yếu tố thông hảo
trong đức ái. Trong chiều hướng ấy, Giáo Hội Rôma là năng lực cai trị và là sự
thống nhất các nguyên tắc nhờ trung thành với đức ái (13c).
Trong câu kết luận
(13d) sửa soạn cho phần khai triển kế tiếp, Công Ðồng tái xác nhận việc mọi người
được mời gọi tới ơn cứu rỗi trong Dân Chúa, nhưng mức độ tham dự và qui hướng tới
Dân Chúa lại rất khác nhau, tùy như người đó đã chịu phép Thánh Tẩy hay mới chỉ
là những người được định hướng tới Giáo Hội mà chính họ không hay biết. Ðể nói
lên sự khác nhau đó, Công Ðồng xử dụng hai động từ: pertineri và ordinari. Chỉ
những ai chịu phép Thánh Tẩy đúng ra mới thuộc về Dân Chúa, còn những người
khác hướng về Dân Chúa tùy như mức độ và thiện chí của họ. Cũng như sự lôi cuốn
giữa Cha và Con mà Giáo Hội được tham dự, Giáo Hội cũng lôi kéo đến mình tất cả
mọi người không trừ ai, bởi vì mọi người đều qui hướng về Giáo Hội do ý định cứu
rỗi phổ quát.
18* Các số 14-16: Tình trạng con người tương quan với Giáo Hội.
Ðối với Giáo Hội,
không ai ở ngoài cuộc cả. Trong cố gắng cụ thể hóa dựa vào những nguyên tắc đã
đề ra, Công Ðồng cứu xét, giữa các hạng người khác nhau trong tình trạng cụ thể
của họ, đâu là mối tương quan của họ với Giáo Hội, là Dân Chúa, là bí tích hữu
hình và phổ quát của ơn cứu rỗi. Vậy nên Công Ðồng cứu xét sự liên lạc của những
người công giáo với Giáo Hội (số 14), của các Kitô hữu ly khai (số 15), của các
người ngoài Kitô giáo có thiện chí (số 16).
12 Xem T.
Augustinô, Bapt. c. Donat. V, 28, 39 : PL 43, 197: "Hiển nhiên, khi nói
trong và ngoài Giáo Hội, phải hiểu là trong tâm hồn chứ không phải trong thân
xác". Xem n.v.t., III, 19, 26: cột 152; V, 18, 24; cột 189; In Jo., Tr.
61, 2 : PL 35, 1800, và nơi khác.
13 Lc 12,48:
"Lại đã trao phó cho ai nhiều, kẻ ấy cũng bị đòi hỏi nhiều hơn". Xem
Mt 5,19-20; 7,21-22; 25,41-46; Giac 2,14.
19* Số 14: Các tín hữu công giáo.
Công Ðồng bắt đầu
từ các tín hữu. Bản văn gồm 3 phần:
a) Phần nhất xác
quyết Giáo Hội cần cho phần rỗi, bằng những hạng từ tổng quát dựa trên Thánh
Kinh và Thánh Truyền. Có thuộc về Giáo Hội thì mới được cứu rỗi vì chỉ có một vị
Trung Gian cho ơn cứu độ là Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội là Thân của
Người. Hơn nữa, Chúa cũng đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và
phép Thánh Tẩy để dẫn đưa chúng ta vào Giáo Hội. Nhưng, như Công Ðồng đã minh định,
hai yếu tố đó cần thiết với điều kiện là phải biết Thiên Chúa đã nhờ Chúa Giêsu
Kitô mà thiết lập Giáo Hội như phương tiện cần thiết. Nói bằng những hạn từ tổng
quát thì sự cần thiết phải được giải thích như sau: người tự lỗi riêng mình mà ở
ngoài Giáo Hội, phải chịu trách nhiệm về án phạt mình. Công Ðồng vẫn tôn trọng
trường hợp vô tri bất khả thắng cứ thực hay cứ luật của biết bao nhiêu người
trên thế giới (số 14a).
b) Phần hai giải
thích sự gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội. Sự gia nhập này thực hiện
qua những điều kiện bên ngoài như chịu phép Thánh Tẩy, tuyên xưng đức tin,
thông hảo với giáo phẩm trong tinh thần tuân phục. Nhưng hơn thế nữa, còn đòi
phải có Thánh Thần Chúa Kitô. Chỉ tham dự thuần bên ngoài mà thôi không đủ.
Ngoài những yếu tố hữu hình, phải có dây liên lạc với Thánh Thần, tâm hồn phải
thuộc về Chúa Kitô, nghĩa là sống trong đức ái và xa lánh tội lỗi. Một sự gia
nhập trọn vẹn giả thiết có thể có những mối dây liên lạc bất toàn. Chúng ta sẽ
xét đến những mối dây đó trong những đoạn sau (số 14b).
c) Phần ba bàn về
các người dự tòng. Chắc hẳn không thể liệt kê họ vào số những người không công
giáo, dù họ mới chỉ đang trên đường đi tới việc tháp nhập vào Giáo Hội. Họ đã
minh nhiên thỉnh nguyện để được gia nhập, và do ý muốn minh nhiên ấy mà họ được
liên kết với Giáo Hội. Chỉ ý muốn này thôi cũng đủ để thuộc về Giáo Hội và đạt
tới ơn cứu rỗi khi hoàn cảnh không cho phép họ lãnh nhận phép Thánh Tẩy.
14 Xem Leô XIII,
Tông thư Praeclara gratulationis, 20-6-1894 : AAS 26 (1893-94), trg 707.
15 Xem Leô XIII,
Tđ. Satis Cognitum, 29-6-1896 : AAS 28 (1895-96), trg 738. Tđ. Caritatis
studium, 25-7-1898 : AAS 31 (1898-99), trg 11. Piô XII, Diễn văn truyền thanh
Nell Alba, 24-12-1941 : AAS 34 (1942), trg 21.
16 Xem Piô XI,
Tđ. Rerum Orientalium, 8-9-1928 : AAS 20 (1928), trg 287. Piô XII, Tđ.
Orientalis Ecclesiae, 9-4-1944 : AAS 36 (1944), trg 137.
17 Xem Giáo huấn
của Bộ thánh vụ, 20-12-1949 : AAS 42 (1950), trg 142.
20* Số 15: Những mối dây liên lạc của Giáo Hội đối với các Kitô hữu
không công giáo.
Ðoạn này coi là
căn bản và tóm lược điều mà Sắc lệnh về Hiệp Nhất sẽ trình bày: nền tảng thần học
của việc Hiệp Nhất. Công Ðồng vẫn công nhận các anh em ly khai là Kitô hữu, dầu
họ không tuyên xưng một đức tin trọn vẹn hoặc không hiệp thông với Ðấng kế vị
Thánh Phêrô. Sau đó, Công Ðồng liệt kê những mối dây liên lạc khác nhau nối kết
Giáo Hội với anh em ly khai: dây hữu hình như Thánh Kinh, đức tin vào Thiên
Chúa Cha và Chúa Kitô, phép Thánh Tẩy và một số bí tích khác; dây vô hình như sự
kết hợp thiêng liêng qua kinh nguyện, qua sự trao đổi những việc lành siêu
nhiên; sự kết hiệp chính thực nhưng bất toàn: đó là hai khía cạnh của một sự kết
hiệp mà ngày nay trở thành rộng rãi hơn.
18 Xem T. Tôma,
Summa Theol. III, q. 8, a. 3 ad 1.
19 Xem Thư của Bộ
thánh vụ gửi cho Tổng giám mục
20 Xem T.
Eusebiô Caes., Praeparatio Evangelica, 1, 1: PG 21, 28 AB.
21* Số 16: Tình trạng của các người ngoài Kitô giáo đối với Giáo Hội.
Số này muốn phác
họa một khoa thần học về những tôn giáo ngoài Kitô giáo mà Tuyên Ngôn về các
Tôn Giáo này sẽ lặp lại và đào sâu hơn. Công Ðồng xác quyết ba đề xướng thần học:
a) Tất cả những
người ngoài Kitô giáo đều được qui hướng về Dân Chúa, do hiệu quả của ý muốn cứu
rỗi phổ quát. Công Ðồng xếp họ thành những lớp khác nhau tùy theo đặc tính qui
hướng về Giáo Hội hữu hình. Một vài tôn giáo như Do Thái Giáo và Hồi Giáo, còn
bảo trì Cựu Ước và đức tin của Abraham, thì qui hướng nhiều hơn. Ðối với các
tôn giáo khác, nỗ lực tìm về "một Thượng Ðế chưa được biết đến" mà ai
cũng có thể có được, phần nào chứng tỏ Thiên Chúa muốn lôi kéo họ đến với Ngài
là Thiên Chúa Chân Thật.
b) Sự qui hướng ấy
được thực hiện nhờ ân sủng. Ân sủng hỗ trợ hữu hiệu khiến mọi người thiện chí sống
một đời ngay thẳng, và trong các việc làm biết nỗ lực chu toàn ý muốn của Thiên
Chúa mà họ nhận ra qua tiếng lương tâm.
c) Tuy nhiên,
nhiều trở ngại (về suy lý, tâm lý, thực tiễn) khiến cho việc tìm về Thiên Chúa
trở thành hết sức khó khăn, có thể làm cho họ phải thất vọng.
Tựu trung, đối với
những người ngoài Kitô giáo có thiện chí, Thiên Chúa sẽ đưa họ tới Giáo Hội bằng
ân sủng của Ngài. Ngoài ra, "tôn giáo" họ theo cũng nâng đỡ họ và ngoại
cảnh xã hội (chuẩn bị cho Phúc Âm) còn giúp họ sống ngay chính theo lương tâm.
Và như vậy họ được qui hướng tới Giáo Hội.
Những trở ngại
mà các người ngoài Kitô giáo gặp phải trên đường tìm về Thiên Chúa giúp ta nhận
rõ tầm quan trọng của việc truyền giáo trong đời sống Giáo Hội. Ở số cuối cùng
trong chương hai này, Công Ðồng lặp lại tính cách phổ quát của Dân Chúa dưới
khía cạnh đặc biệt là nỗ lực truyền giáo.
21 Xem Benedictô
XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 440, nhất là trg 451tt. Piô XI,
Tđ. Rerum Ecclesiae: AAS 18 (1926), trg 68-69. Piô XII, Tđ. Fidei Donum,
21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 236-237.
22 Xem Didachè,
14: x.b. Funk I, trg 32. T. Giustinô, Dial. 41: PG: 6, 564, T. Ireneô, Adv.
Haer. IV, 17,5: PG 7, 1023; Harvey, 2, trg 199t. CÐ Trentô, khóa 22, ch. 1: Dz
939 (1742).
22* Số 17: Ðặc tính truyền giáo của Giáo Hội.
Một số người
công kích vì dựa vào những sự mập mờ của những công cuộc truyền giáo và vì chủ
trương giản dị rằng người lương chỉ cần có thiện chí và với ơn Chúa giúp cũng
có thể được cứu rỗi; để chống lại, Công Ðồng đã quả quyết việc truyền giáo cần
thiết trong viễn tượng phổ quát riêng biệt của chương hai này. Quả quyết bằng
cách định nghĩa rõ ràng mục đích việc truyền giáo và những nguyên tắc của việc
tông đồ. Sau đây là những chủ đề:
a) Việc truyền
giáo đặt nền tảng trong sứ mệnh của Ba Ngôi. Như Cha đã sai Con mình, Ðấng Cứu
Thế cũng sai các Tông Ðồ đi rao giảng, thánh hóa và chăn dắt; Giáo Hội có nhiệm
vụ phải lưu truyền sứ mệnh ấy. Ðó là lý do khiến Giáo Hội tồn tại. Giáo Hội là
Giáo Hội truyền giáo do huấn lệnh truyền giáo (Mt 28,19-20).
b) Ðối tượng
riêng của việc truyền giáo khi thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận, không những là
rao giảng Chúa Kitô, nhưng còn phải thiết lập các Giáo Hội bản xứ, và chính những
Giáo Hội này cũng mang tính cách truyền giáo nơi người đồng hương của mình. Hoạt
động truyền giáo là chuẩn bị cho con người đón nhận đức tin và phép Thánh Tẩy,
giũ bỏ lầm lạc để gia nhập Giáo Hội. Làm thế là thừa nhận và thanh tẩy cho
thành tựu tất cả những mầm mống thiện hảo trong tâm hồn mọi người và mọi dân tộc
(chuẩn bị cho Phúc Âm).
c) Môn đệ nào của
Chúa Kitô cũng có nhiệm vụ này. Nhưng chính những Linh Mục có một nhiệm vụ
không thể thay thế được. Tất cả Giáo Hội sẽ nhờ kinh nguyện và việc làm để cố gắng
thực hiện lần lần sự sung mãn của Dân Chúa, vì vinh quang Chúa Cha trong Chúa
Kitô.
Một khoa thần học
truyền giáo chính đáng phải lưu ý tới ba khía cạnh mà Công Ðồng đã nêu ra đây:
vấn đề là phải biết tổng hợp cả ba khía cạnh: khía cạnh nhân loại bản vị (ơn cứu
độ của con người), khía cạnh Giáo Hội (việc thiết lập Giáo Hội) và tương quan của
cả hai với một ý niệm tập trung về Chúa Kitô và Ba Ngôi.
Trong hai chương
trên, Công Ðồng đã đặt nền móng vững chắc cho một khoa Giáo Hội học chính thực.
Việc mô tả các cơ cấu của Giáo Hội trong các chương sau cũng sẽ dựa trên những
nền tảng tín lý đó. Các chương sau này phải được quan niệm dưới ánh sáng mạc khải
về mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Chúa thì mới có giá trị đích thực.
Chương III: Tổ Chức Phẩm Trật
Giáo Hội Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục 23*
18. Lời mở đầu. Ðể chăn dắt
và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác
nhau trong Giáo Hội hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên xử dụng
quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên
Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến
tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự.
Bước theo dấu vết của Công Ðồng Vaticanô I, Thánh Công Ðồng này cũng
giảng dạy và tuyên bố rằng: Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo
Hội thánh thiện khi sai các Tông Ðồ như Chúa Cha đã phái Người (Gio 20,21), và
Người đã muốn các đấng kế vị, tức các Giám Mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho
đến tận thế. Nhưng để Chức Giám Mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa
đã đặt Thánh Phêrô làm Thủ Lãnh các Tông Ðồ khác, và trong Ngài, Chúa đã đặt
nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và hiệp
thông 1.
Thánh Công Ðồng một lần nữa nêu lên cho mọi tín hữu tin vững vàng giáo lý về sự
thiết lập, sự trường tồn, về quyền lực và quan niệm của quyền tối thượng nơi
Giáo Hoàng Rôma cùng quyền Giáo Huấn bất khả ngộ của Ngài. Tiếp tục công trình
đã khởi sự, Thánh Công Ðồng muốn công bố và giải thích cho mọi người giáo lý về
các Giám Mục, những đấng kế vị các Tông Ðồ và cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô,
Ðại Diện Chúa Kitô 2,
và là Thủ Lãnh của toàn thể Giáo Hội hữu hình điều khiển gia đình Thiên Chúa hằng
sống. 24*
19. Kêu gọi và thiết lập nhóm 12 Tông Ðồ. 25*
Chúa Giêsu, sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, đã gọi đến với mình những
kẻ Người muốn và thiết lập mười hai người để chung sống với Người, cùng sai họ
đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-42); Người tổ chức (x. Lc
6,13) các Tông Ðồ này theo cách thức một cộng đoàn, nghĩa là một nhóm người
kiên vững; Người chọn Phêrô, một người trong số họ, làm đầu cộng đoàn ấy (x.
Gio 21,15-17). Người sai họ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất
cả các dân nước khác (x. Rm 1,16), hầu, nhờ tham dự vào quyền bính của Người,
các Tông Ðồ làm cho mọi dân tộc nên môn đệ Người cùng thánh hóa và điều khiển họ
(x. Mt 28,16-20; Mc 16,15; Lc 24,45-48; Gio 20,21-23), như thế, dưới sự hướng dẫn
của Chúa, các Ngài mở mang và chăn dắt Giáo Hội bằng việc phục vụ mọi ngày cho
đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngày Lễ Hiện Xuống, các ngài được hoàn toàn kiên vững
trong sứ mệnh này (x. CvTđ 2,1-36), như lời Chúa hứa: "Các con sẽ nhận lấy
sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng về Thầy
tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, Samaria, cho đến tận cùng trái đất" (CvTđ
1,8). Khi các Tông Ðồ rao giảng Phúc Âm khắp nơi (x. Mc 16,20) và có nhiều
thính giả đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các ngài qui tụ họ thành
Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội này đã được Chúa thiết lập trên các Tông Ðồ và xây
dựng trên Thánh Phêrô, thủ lãnh của các ngài; và Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc
cao cả của Giáo Hội ấy (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Eph 2,20) 3. 26*
20. Các Giám Mục, kế nghiệp
các Tông Ðồ. Sứ mệnh thần linh được Chúa Kitô trao phó cho các Tông Ðồ phải tồn
tại cho đến tận thế (x. Mt 28,20), bởi lẽ Phúc Âm mà các ngài có nhiệm vụ rao
truyền là nguyên lý ban sự sống toàn diện cho Giáo Hội qua mọi thời đại. Vì thế,
các Tông Ðồ đã quan tâm đặt người kế vị trong cái xã hội có phẩm trật này.
Thực thế, không
những các ngài có nhiều phụ tá giúp thi hành chức vụ 4,
nhưng, để sứ mệnh phó thác cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đời,
các Tông Ðồ còn ủy thác, như một di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của
mình, nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự 5,
đồng thời căn dặn họ coi sóc tất cả các đoàn chiên, mà Chúa Thánh Thần đã đặt họ
chăn dắt Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Bởi vậy các ngài đề cử những người như
thế, rồi ban quyền chức cho họ, hầu khi các ngài qua đời, đã có những người xứng
đáng nhận lãnh chức vụ của các ngài 6.
Giữa những chức vụ khác nhau được thi hành trong Giáo Hội từ buổi sơ khai, theo
chứng tá của truyền thống, chức vụ chính yếu là chức vụ của những vị đã được bổ
nhiệm lên Giám Mục; nhờ liên tục kế vị từ buổi ban đầu, 7
các ngài vẫn có những mầm mống hạt giống tông đồ 8.
Như thế, theo chứng tá của Thánh Irêneô, truyền thống tông đồ được biểu hiện
trên khắp hoàn cầu 9
và được bảo tồn 10
nhờ những đấng được các Tông Ðồ đặt làm Giám Mục và các vị kế nghiệp các ngài
cho đến ngày nay.
Nhờ thế, các Giám mục đã nhận lãnh việc phục vụ cộng đoàn với sự
giúp đỡ của các linh mục và phó tế 11.
Thay thế Thiên Chúa, các ngài đứng đầu đàn chiên 12
mà các ngài là chủ chăn, với tư cách là Thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự
thánh và thừa tác viên lãnh đạo 13,
cũng như chức vụ mà Chúa đã trao phó riêng cho Thánh Phêrô, Tông Ðồ Cả, và phải
được trao lại cho các đấng kế vị Phêrô, chức vị đó luôn tồn tại, cũng thế, chức
vụ chăn dắt Giáo Hội của các Tông Ðồ phải tồn tại và được thi hành liên tục do
thánh chức Giám Mục 14.
Vì thế, Thánh Công Ðồng dạy rằng, chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ 15
làm mục tử Giáo Hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn
ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Kitô và Ðấng đã phái Chúa Kitô đến (x. Lc
10,16) 16.
27*
21. Chức Giám Mục có tính
cách bí tích. Vậy, qua các Giám Mục được các linh mục trợ giúp, Chúa Giêsu
Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, hiện diện giữa các tín hữu. Thực vậy, ngự bên hữu
Chúa Cha, Người vẫn hiện diện giữa cộng đoàn các linh mục của Người 17,
nhưng nhất là qua sự phục vụ quí hóa của các ngài, Chúa Kitô rao giảng lời
Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng ban phát các bí tích cho tín hữu. Nhờ
nhiệm vụ làm cha của các ngài (x. 1Cor 4,15), Chúa tháp nhập vào thân thể Người
những chi thể mới nhờ sự tái sinh siêu nhiên. Và sau cùng, nhờ sự khôn ngoan thận
trọng của các ngài, Chúa điều khiển và hướng dẫn dân tộc của Tân Ước trong cuộc
lữ hành tiến về hạnh phúc muôn đời. "Các mục tử này, được chọn để chăn dắt
đoàn chiên Chúa, là thừa tác viên của Chúa Kitô và ban phát các mầu nhiệm của
Thiên Chúa (x. 1Cor 4,1); các ngài được ủy thác việc làm chứng Phúc Âm của ân sủng
Thiên Chúa (x. Rm 15,16; CvTđ 20,24) và việc thi hành công cuộc của Thánh Thần
và của công lý trong vinh quang (x. 2Cor 3,8-9).
Ðể chu toàn nhiệm vụ cao trọng ấy, các Tông Ðồ được Chúa Kitô đổ
tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. CvTđ 1,8; 2,4; Gio 20,22-23). Và các ngài
thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm
4,14; 2Tm 1,6-7). Và qua việc tấn phong Giám Mục, ơn thiêng ấy được thông truyền
cho đến chúng tôi 18.
Thánh Công Ðồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám Mục nhận lãnh sự trọn vẹn
của bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo Phụ
gọi là chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ 19.
Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy
và cai trị; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong
sự hiệp thông với Thủ Lãnh và các phần tử của Giám Mục Ðoàn. Thực vậy, truyền
thống được diễn tả nhất là qua các nghi thức phụng vụ và qua thói quen của Giáo
Hội Ðông Phương cũng như Tây Phương cho thấy rõ ràng là qua sự đặt tay và qua
các lời tấn phong, ơn Chúa Thánh Thần được thông ban 20
và ấn dấu thánh được in 21
trên các Giám Mục, nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Chúa Kitô là Thầy,
Chủ Chăn và Linh Mục, và hoạt động nhân danh Người 22
một cách cao quí và hữu hình. Các Giám Mục có phận sự nhận vào Giám Mục Ðoàn,
nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, những người mới được tuyển chọn. 28*
22. Giám Mục Ðoàn và vị Thủ Lãnh. 29*
Thánh Phêrô và các Tông Ðồ khác tạo thành một cộng đoàn Tông Ðồ duy nhất theo
như Chúa đã ấn định; tương tự như thế, Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, cùng
với các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ đều liên kết với nhau. Ðặc
tính và bản chất cộng đoàn của hàng giám mục được biểu lộ qua luật lệ cổ truyền:
theo đó Giám Mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám Mục Roma bằng
mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an 23
và qua sự triệu tập các Công Ðồng 24
để cùng nhau quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt 25
sau khi Nghị Phụ đã cân nhắc kỹ lưỡng 26.
Bản chất ấy được xác nhận bởi việc triệu tập các Công Ðồng Chung qua bao thời đại.
Và bản chất cộng đoàn ấy cũng được một tập truyền xa xưa công nhận, đó là việc
nhiều Giám Mục được mời đến tấn phong một người mới được chọn lên nhiệm vụ tối
cao của chức linh mục. Người lãnh nhận bí tích truyền chức và hiệp thông giáo
phẩm với Thủ Lãnh cùng các phần tử trong Cộng Ðoàn trở thành phần tử của Giám Mục
Ðoàn.
Nhưng cộng đoàn giám mục hoặc giám mục đoàn chỉ có quyền hành khi hiệp
với Giáo Hoàng Roma, đấng kế vị thánh Phêrô, Thủ Lãnh của cộng đoàn giám mục;
nhưng quyền tối thượng trên tất cả các Chủ Chăn và tín hữu của Giáo Hoàng Roma
vẫn luôn luôn được bảo toàn trọn vẹn. Thực vậy, do nhiệm vụ của mình, là Ðại Diện
Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma có một quyền
bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Giáo Hội, và bao giờ Ngài cũng được tự do
thi hành quyền bính ấy, Giám Mục Ðoàn kế vị cộng đoàn Tông Ðồ trong việc giáo
huấn và chăn dắt, chính trong Giám Mục Ðoàn mà cộng đoàn Tông Ðồ được trường tồn.
Hiệp nhất với Thủ Lãnh, tức Giáo Hoàng Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ
Lãnh ấy, giám mục đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể
Giáo Hội 27,
nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Roma.
Chúa đã đặt một mình Phêrô làm đá nền, trao chìa khóa Giáo Hội cho một mình
Ngài (x. Mt 16,18-19), cũng đã đặt Ngài là Chủ Chăn của toàn thể đàn chiên Chúa
(x. Gio 21,15tt); những quyền tháo gỡ cầm buộc của Người đã ban cho Phêrô (x.
Mt 16,19), hẳn cũng đã ban cho cả cộng đoàn Tông Ðồ hiệp nhất với Thủ Lãnh (x.
Mt 18,18; 28,16-20) 28.
Gồm nhiều phần khác nhau, cộng đoàn giám mục diễn tả đặc tính đa dạng và phổ
quát của Dân Thiên Chúa; đồng thời, tụ họp dưới quyền thủ lãnh duy nhất, cộng
đoàn giám mục diễn tả sự hiệp nhất của đàn chiên Chúa Kitô. Trong cộng đoàn
này, các Giám Mục, khi trung thành tôn trọng quyền tối thượng và quyền điều khiển
của vị Thủ Lãnh, các Ngài thi hành quyền bính riêng để mưu ích cho tín hữu mình
và cho toàn thể Giáo Hội, nhờ có Chúa Thánh Thần không ngừng củng cố cơ thể và
sự thuận hòa trong cơ thể ấy. Quyền bính tối cao của giám mục đoàn trên toàn thể
Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Ðồng Chung. Nhưng không bao giờ
có Công Ðồng Chung nếu không được Ðấng kế vị Thánh Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp
nhận; Ðức Giáo Hoàng Roma có đặc quyền triệu tập, chủ tọa và phê chuẩn các Công
Ðồng này 29.
Hiệp nhất với Giáo Hoàng, các Giám Mục trên khắp thế giới còn có thể thực hành
quyền cộng đoàn ấy, khi vị Thủ Lãnh cộng đoàn mời gọi các ngài cùng hành động
cách cộng đoàn, hay ít ra khi ngài ưng thuận hoặc tự do chấp nhận hành động hiệp
nhất của các Giám Mục rải rác để làm cho nó trở thành một hành động có tính
cách cộng đoàn thực sự. 30*
23. Mối liên lạc giữa các
Giám Mục trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất của Giám Mục Ðoàn còn được biểu lộ qua mối
tương giao giữa mỗi Giám Mục với các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát.
Ðức Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh
cửu 30
của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám Mục
là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương 31.
Các Giáo Hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát: chính nhờ và
trong các Giáo Hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất 32.
Vì thế mỗi Giám Mục đại diện cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám Mục cùng với
Giáo Hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và
hiệp nhất.
Mỗi Giám Mục được
đặt làm Thủ Lãnh một Giáo Hội địa phương, thực hành quyền mục vụ trên phần Dân
Thiên Chúa được trao phó cho mình, chứ không thực hành quyền mục vụ trên các
Giáo Hội địa phương khác, hoặc Giáo Hội phổ quát. Nhưng với tư cách là phần tử
giám mục đoàn, và là người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ, mỗi Giám Mục, do sự
thành lập và giới lệnh của Chúa Kitô, có bổn phận 33
ân cần săn sóc đến toàn thể Giáo Hội. Sự ân cần săn sóc đó, cho dầu không được
thể hiện bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi
ích cho Giáo Hội phổ quát. Thực vậy, tất cả các Giám Mục có nhiệm vụ phát huy
và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung của cả Giáo Hội, dạy cho tín hữu
biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ
và đang chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10), sau cùng các ngài còn có
nhiệm vụ phát huy mọi sinh hoạt chung của toàn Giáo Hội, nhất là phát triển đức
tin và làm cho ánh sáng chân lý toàn vẹn chiếu soi trên mọi người. Ðàng khác,
khi điều khiển khéo léo Giáo Hội địa phương là một phần Giáo Hội phổ quát, dĩ
nhiên các Giám Mục đã góp phần hữu hiệu vào công ích của toàn Nhiệm Thể cũng là
thân thể của các Giáo Hội 34.
Lo lắng rao truyền Phúc Âm cho khắp thế giới là một bổn phận của cộng
đoàn các Chủ Chăn. Chúa Kitô đã ra lệnh chung cho tất cả các ngài và giao phó
cho các ngài một bổn phận chung, như Ðức Giáo Hoàng Coelestinô đã nhắc nhở các
Nghị Phụ Công Ðồng Ephesô 35.
Vì thế các Giám Mục, trong phạm vi trách nhiệm riêng của các ngài cho phép, phải
cộng tác với nhau và với Ðức Giáo Hoàng là người được đặc biệt ủy thác nhiệm vụ
cao cả truyền bá danh hiệu Kitô hữu 36.
Do đó, các Giám Mục phải dốc toàn lực đóng góp cho các xứ truyền giáo nhiều thợ
gặt, nhiều sự trợ giúp thiêng liêng và vật chất, vừa bằng cách tự mình trực tiếp
giúp đỡ, vừa khuyến khích các tín hữu nhiệt thành cộng tác. Sau cùng, trong niềm
cảm thông phổ quát của đức ái, theo gương lành đáng kính của các thế kỷ đầu,
các Giám Mục hãy sẵn lòng lấy tình huynh đệ trợ giúp các Giáo Hội khác, nhất là
những Giáo Hội gần nhất và túng thiếu nhất.
Các Giáo Hội khác nhau mà các Tông Ðồ và
những đấng kế vị đã thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, Chúa
Quan Phòng đã muốn tụ hợp lại thành nhiều nhóm được liên kết ở tổ chức; các
nhóm này có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, thừa hưởng di sản thần học và thiêng
liêng riêng mà không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy
nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Trong các Giáo Hội ấy, một vài Giáo Hội,
nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo Chủ lãnh đạo, như các bà mẹ đức tin,
đã sinh nhiều Giáo Hội khác như con cái mình, và vẫn còn liên kết với nhau cho
đến ngày nay bằng mối dây bác ái mật thiết và bằng đời sống bí tích trong sự
tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau 37.
Các Giáo Hội địa phương tuy khác nhau như thế nhưng đều hướng về sự hiệp nhất,
nên càng minh chứng đặc tính công giáo của một Giáo Hội không phân chia. Cũng
thế, ngày nay các Hội Ðồng Giám Mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể
cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn. 31*
24. Thừa tác vụ Giám Mục. 32*
Chúa Giêsu, Ðấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, đã trao cho các
Giám Mục, vì là những người kế vị các Tông Ðồ, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao
giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật, hầu mọi người được rỗi nhờ lãnh nhận đức tin,
phép Thánh Tẩy, và việc chu toàn giới răn Chúa (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-16;
CvTđ 26,17t). Ðể hoàn thành sứ mệnh đó, Chúa Kitô đã hứa ban Thánh Thần từ trời
xuống, để nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các ngài làm chứng cho Chúa Kitô đến tận
cùng trái đất, trước mọi dân nước và vua chúa (CvTđ 1,8; 2,1tt.; 9,15). Nhiệm vụ
Chúa đã trao phó cho các chủ chăn của dân Người thực là một việc phục vụ, mà
Thánh Kinh gọi rõ ràng là "diakonia" nghĩa là thừa tác vụ (x. CvTđ
1,17 và 25; 21,19; Rm 11,13; 1Tm 1,12).
Chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật được trao
cho các Giám Mục hoặc theo tập tục hợp pháp chưa bị quyền tối thượng và phổ
quát của Giáo Hội đoạn tiêu, hoặc theo các luật lệ được Giáo Hội ban hành hay
thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính đấng kế vị Phêrô; nếu Ðức Giáo Hoàng phản đối
hoặc từ chối không cho hiệp thông với Tòa Thánh, thì các Giám Mục không thể được
lãnh nhận chức vụ 38.
33*
25. Nhiệm vụ giáo huấn. Việc rao giảng Phúc Âm 39
là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục, Giám Mục
là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám
Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy
cho những kẻ được trao phó cho các Ngài, một đức tin phải được xác tín và phải
được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa
Thánh Thần. Các Ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt
13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm
lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2Tm 4,1-4). Mọi người phải kính trọng các
Giám Mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài
thông hiệp với Giáo Hoàng Roma mà dạy dỗ, các tín hữu phải chấp nhận phán quyết
của Giám Mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và
phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi
người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những
giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Roma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng
tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng và chân thành chấp
nhận các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc
biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài lập lại nhiều lần đề
nghị một giáo thuyết, hay qua cách diễn tả của ngài.
Tuy mỗi Giám Mục riêng rẽ không có đặc quyền
bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng
kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức
tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất
khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô 40.
Ðiều đó còn rõ ràng hơn, khi hợp nhau trong Công Ðồng Chung, các ngài là những
tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hóa cho toàn thể Giáo Hội. Phải tuân
theo các định tín của các ngài 41
với một lòng vâng phục và với tinh thần đức tin.
Chúa Cứu Thế đã muốn Giáo
Hội Người bất khả ngộ khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hóa; ơn bất
khả ngộ đó có phạm vi rộng rãi tùy theo kho tàng Mạc Khải mà Giáo Hội phải bảo
toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thực. Giám Mục Roma, vị thủ
lãnh của Giám Mục Ðoàn hưởng ơn bất khả ngộ đó do nhiệm vụ của Ngài khi với tư
cách là mục tử và tiến sĩ tối cao của mọi Kitô hữu, ngài củng cố anh em mình vững
mạnh trong đức tin (x. Lc 22,32), công bố giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng
một phán quyết chung thẩm 42.
Vì thế, các phán quyết của ngài tự nó, chứ không do sự đồng ý của Giáo Hội, phải
được coi là không thể sửa đổi, vì đó là những phán quyết được công bố dưới sự bảo
trợ của Chúa Thánh Thần, mà Chúa đã hứa ban cho ngài qua Thánh Phêrô nên không
cần ai khác chấp thuận và không nại tới phán đoán nào khác. Khi đó Giáo Hoàng
Roma không phán quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết
đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo Hội; nơi
ngài đặc biệt có ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội 43.
Ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục Ðoàn khi các ngài
xử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động
của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết
đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đàn chiên Chúa Kitô trong
sự hợp nhất đức tin 44.
Khi
Giáo Hoàng Roma, hoặc Giám Mục Ðoàn cùng với ngài, phán quyết một điều gì, thì
các ngài tuyên bố điều ấy theo chính Mạc Khải mà các vị ấy phải trung thành
tuân giữ. Mạc Khải trong Kinh Thánh hay trong Thánh Truyền đều được truyền lại
trọn vẹn nhờ sự kế vị hợp pháp các Giám Mục và nhất là nhờ sự quan tâm của
chính Giáo Hoàng Roma. Nhờ Thánh Thần Chân Lý, Mạc Khải ấy được gìn giữ cách cẩn
trọng và trình bày cách trung thực 45.
"Ðể có thể khảo sát đứng đắn và trình bày cách thích hợp Mạc Khải này, Ðức
Giáo Hoàng và các Giám Mục làm việc cẩn thận bằng phương tiện thích hợp, tùy
theo nhiệm vụ và tầm quan trọng của sự việc" 46;
nhưng các ngài không nhận được một Mạc Khải công khai mới nào thêm vào kho tàng
thần khải của đức tin 47.
34*
26. Nhiệm vụ thánh hóa.
Giám Mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, là "người
quản lý ơn sủng của chức linh mục tối cao" 48,
nhất là trong hy lễ tạ ơn do chính ngài dâng hoặc lo liệu cho có lễ dâng 49,
nhờ đó Giáo Hội luôn sống động và tăng triển. Giáo Hội Chúa Kitô thực sự hiện
diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp
nhất với các chủ chăn, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo Hội 50.
Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân Tộc Mới được Thiên Chúa kêu
gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn (x. 1Th 1,5). Nơi các đoàn
thể đó, tín hữu được tụ hợp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm
Tiệc Ly của Chúa được cử hành "để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành
huynh đệ và thành một thân thể" 51.
Mỗi lần Giám Mục cử hành nhiệm vụ 52
với cộng đoàn tụ hợp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và "sự hiệp nhất
của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi" 53.
Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác
khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, Giáo Hội hiệp thành duy nhất, thánh thiện,
công giáo và tông truyền 54.
Bởi vì "việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác
hơn là biến đổi chúng ta thành Ðấng mà chúng ta lãnh nhận" 55.
Mọi việc cử hành
hợp pháp hy lễ tạ ơn đều do Giám Mục điều khiển; ngài là người lãnh nhận nhiệm
vụ dâng lên nhan uy linh Chúa sự thờ phượng của Kitô giáo và có phận sự điều
hành việc thờ phượng đó theo đúng giới răn Chúa và lề luật Giáo Hội. Ngài dùng
phán quyết riêng để xác định những lề luật đó cho giáo phận mình.
Như thế, khi cầu nguyện
và làm việc cho dân chúng, các Giám Mục đổ đầy tràn trên họ, dưới nhiều hình thức,
những ơn lành do sự thánh thiện sung mãn của Chúa Kitô. Bằng thừa tác vụ lời
Chúa, các ngài thông truyền cho tín hữu sức mạnh của Thiên Chúa hầu cứu rỗi họ
(x. Rm 1,16). Các ngài thánh hóa giáo hữu bằng các bí tích mà với quyền giám mục,
các ngài lo ban phát cách đều đặn và phong phú 56.
Các ngài xác định việc cử hành bí tích Thánh Tẩy là bí tích ban quyền tham dự
vào chức linh mục vương giả của Chúa Kitô. Chính các ngài là thừa tác viên căn
nguyên của bí tích Thêm Sức, là người truyền các chức thánh, ra qui luật về
phép Giải Tội và tận tình khuyên bảo, giáo huấn giáo dân để họ kính cẩn và tin
tưởng chu toàn phận sự họ trong phụng vụ và nhất là trong Thánh Lễ hy tế. Sau
cùng, các ngài phải làm gương cho những kẻ thuộc quyền bằng lời ăn tiếng nói của
mình. Trong cách sống, các ngài phải xa tránh mọi điều ác, và với ơn Chúa giúp,
cố gắng hoàn thiện theo hết khả năng, để cùng với đoàn chiên Chúa trao phó, đạt
tới đời sống vĩnh cửu 57.
35*
27. Nhiệm vụ cai quản. Là đại diện và sứ giả Chúa Kitô, các Giám Mục điều
khiển Giáo Hội địa phương mà Chúa đã ủy thách cho 58,
nhờ lời khuyên bảo, khuyến khích, gương lành, và còn bằng uy thế cùng quyền
bính thánh thiện nữa. Thực vậy, các ngài chỉ dùng quyền bính để xây dựng đoàn
chiên trong chân lý và thánh thiện, và luôn tâm niệm rằng: kẻ cao trọng hãy nên
như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như tôi tớ (x. Lc 22,26-27). Quyền bính
các ngài đích thân thi hành nhân danh Chúa Kitô, là quyền bính riêng biệt,
thông thường và trực tiếp; nhưng việc thi hành cuối cùng còn lệ thuộc vào quyền
tối cao của Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội
hay của các tín hữu. Với quyền bính ấy, các Giám Mục có quyền thiêng liêng và
trước mặt Chúa có nhiệm vụ đặt ra các luật lệ cho những người thuộc quyền, xét
xử và qui định tất cả những gì liên hệ tới việc thờ phượng và việc tông đồ.
Chính các Giám Mục được trao phó trọn vẹn
trách nhiệm mục vụ, tức là thường xuyên và hàng ngày săn sóc con chiên mình.
Không được coi các ngài như những đại diện của Giáo Hoàng Roma, vì các ngài thi
hành quyền bính riêng của mình và thực sự là thủ lãnh của các dân mà các ngài
cai quản 59.
Vì thế, quyền bính Giám Mục không bị quyền tối cao và phổ quát làm giảm bớt,
nhưng trái lại còn được nâng đỡ, củng cố và bảo đảm 60,
vì Chúa Thánh Thần hằng duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong
Giáo Hội.
Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình,
Giám Mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ
không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì
con chiên (x. Gio 10,11). Ðược chọn giữa loài người và đầy yếu hèn, ngài có thể
cảm thông nỗi đau khổ với những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dth 5,1-2). Giám Mục
không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần săn sóc họ
như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ hăng hái cộng tác với mình. Vì
phải trả lẽ với Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dth 13,17), Giám Mục hãy cầu
nguyện, rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những người chưa thuộc
đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi như được trao phó cho mình trong
Chúa. Như Tông Ðồ Phaolô, Giám Mục mắc nợ tất cả mọi người, cho nên hãy hăng
hái rao giảng Phúc Âm cho mọi người, (x. Rm 1,14-15) và khuyến khích các tín hữu
làm việc tông đồ và truyền giáo. Còn tín hữu phải liên kết với Giám Mục như
Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô gắn bó với Chúa
Cha, hầu nhờ sự hiệp nhất ấy tất cả mọi sự đều hòa hợp 61
và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2Cor 4,15). 36*
28. Các linh mục trong mối tương quan với
Chúa Kitô, với các Giám Mục, với anh em Linh Mục và với dân Chúa. 37*
Ðược Chúa Cha thánh hóa và phái đến thế gian (x. Gio 10,36), Chúa Kitô nhờ các
Tông Ðồ, đã làm cho các Giám Mục, những vị kế nghiệp các Tông Ðồ, có thể tham dự
vào việc cung hiến và vào sứ mạng của mình 62.
Các Giám Mục lại giao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho nhiều phần
tử trong Giáo Hội theo từng cấp bậc. Như thế, thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập
trong Giáo Hội được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được
gọi là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế 63.
Linh Mục, dù không có quyền tư tế tối cao và tùy thuộc Giám Mục khi thi hành
quyền bính, cũng hiệp nhất với Giám Mục trong tước vị Linh Mục 64.
Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh 65,
linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn
(x. Dth 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử
hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước 66.
Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô, Ðấng trung gian
duy nhất (x. 1Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người.
Nhưng các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ hoặc
cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế Chúa Kitô 67
công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp với ước nguyện của tín hữu vào hy lễ của thủ
lãnh và trong hy tế Thánh Lễ, hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Tân Ước
68,
là của lễ tinh tuyền đã một lần tự dâng hiến lên Chúa Cha (x. Dth 9,11-28), cho
tới ngày Chúa trở lại (x. 1Cor 11,26). Linh mục chu toàn cách tuyệt hảo chức vụ
giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bệnh tật. Linh mục dâng lên
Chúa Cha các nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dth 5,1-3). Trong
quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh 69,
tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn 70,
và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa
Cha. Linh mục thờ lạy Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý giữa đoàn
chiên (x. Gio 4,24). Sau hết, vất vả truyền giáo và dạy dỗ (x. 1Tm 5,17), linh
mục tin những gì ngài đã đọc thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những
gì mình tin và thực hành những điều mình dạy 71.
Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng
cụ của hàng Giám Mục 72,
linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với Giám Mục mình
tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau 73.
Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục, là hiện thân của Giám Mục mà
các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ
cùng chia xẻ nỗi lo lắng của Giám Mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy.
Dưới quyền Giám Mục, linh mục thánh hóa và dẫn dắt một phần đoàn chiên Chúa
trao phó cho mình, làm cho người ta thấy được Giáo Hội phổ quát ngay tại địa
phương mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân thể Chúa Kitô (x. Eph
4,12). Luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên Chúa, linh mục phải hăng hái tham
gia công cuộc mục vụ của cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự
vào chức linh mục và vào sứ mệnh của Giám Mục, linh mục phải thực sự xem ngài
như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám Mục cũng phải coi sóc
các linh mục cộng tác với mình như con cái và bạn hữu, như Chúa Kitô không gọi
môn đệ là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (x. Gio 15,15). Do đó, tất cả các linh mục
triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, được nối kết vào Giám Mục
Ðoàn và phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội tùy theo ơn gọi và ân sủng
riêng.
Một tình huynh đệ
thắm thiết nối kết tất cả các linh mục với nhau vì cùng tham dự một chức thánh
và một sứ mệnh chung. Tình huynh đệ đó phải bộc lộ một cách tự phát tự nguyện
qua sự tương trợ cả tinh thần lẫn vật chất, trong phạm vi mục vụ cũng như trong
phạm vi cá nhân, trong các buổi hội họp, cũng như trong sự hiệp thông với nhau
qua đời sống, việc làm và tình bác ái.
Linh mục phải
săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô, vì đã sinh ra họ cách
thiêng liêng nhờ phép Thánh Tẩy và giáo huấn (x. 1Cor 4,15 và 1P 1,23). Nêu
gương cho đoàn chiên (1P 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ cộng
đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo Hội Thiên Chúa
(x. 1Cor 1,2; 2Cor 1,1) là danh hiệu riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là
Dân duy nhất. Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương dân,
cho người công giáo và ngoài công giáo thấy gương mặt của một thừa tác vụ thực
sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống. Như
mục tử tốt lành, linh mục còn phải đi tìm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận
phép Thánh Tẩy trong Giáo Hội công giáo nhưng đã xao lãng không lãnh nhận các
bí tích hay nhất là đã mất đức tin.
Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã
hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố
gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục và Giáo Hoàng, để toàn
thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa. 38*
29. Các phó tế. Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm, có các phó tế, những
người đã được đặt tay "không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là
để phục vụ" 74.
Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế, hiệp thông với Giám Mục và
Linh Mục Ðoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái.
Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể
phép Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và
chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu,
giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín
hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng. Ðược phong chức
để lo việc bác ái và việc quản trị, phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của Thánh
Polycarpô: "Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của
Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người" 75.
Thực ra, trong nhiều nơi, vì kỷ luật hiện hành của Giáo Hội La tinh
có thể làm trở ngại việc chu toàn những nhiệm vụ đó, những nhiệm vụ rất cần thiết
cho đời sống Giáo Hội, nên trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như
một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật. Các nhóm Giám Mục địa phương, dưới
những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính Ðức Giáo Hoàng, có đủ thẩm
quyền để xét xem có nên bổ nhiệm các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc
các linh hồn. Với sự đồng ý của Ðức Giáo Hoàng, các Ngài có thể phong chức phó
tế cho những người đàn ông đứng tuổi, dù đã kết hôn, cũng như cho các thanh
niên có khả năng, nhưng các thanh niên này phải giữ vững luật độc thân. 39*
Chú Thích:
23* Chương này rất quan trọng. Muốn hiểu rõ cần phải lưu ý mấy điểm:
a) Chương này lặp
lại và hiệu chính cho hiến chế "Pastor Aeternus" của Công Ðồng
Vaticanô I.
b) Bởi vậy, hầu
hết là nói về chức Giám Mục, và cũng chỉ mới đề cập được một phần như Công Ðồng
Vaticanô I, vì Công Ðồng này hầu như chỉ bàn về quyền tối thượng của Giáo
Hoàng. Ðể có một cái nhìn toàn diện, có lẽ nên đề cập tới cả hai Công Ðồng. Còn
khá nhiều vấn đề thần học chưa được giải quyết. Hy vọng một Công Ðồng mai hậu sẽ
có thể đạt được một sự tổng hợp mà chúng ta không có.
Văn thể và bút
pháp chương này khác xa với hai chương trước. Văn thể của hai chương trước bàng
bạc Thánh Kinh, còn văn thể ở đây cứng chắc hơn, ít biểu tượng hơn và rõ rệt
hơn theo quan điểm pháp lý. Vả lại, bản văn đã được bàn cãi nhiều khiến có thể
nhận ra ngày nó đã được làm đi làm lại, đầy những chú thích và sửa chữa. Bởi vậy
đôi khi bản văn trở thành nặng nề và rắc rối (khiến văn phòng Tổng Thư Ký của
Công Ðồng đã phải thêm phần phụ trương sau cùng, tức phần "Chú thích sơ khởi").
Dầu vậy kết cấu
nội tại cũng sáng sủa và bao gồm:
- Một phần nhập
đề: cho biết nội dung của chương và xác định rõ rệt mục đích mà Công Ðồng muốn
đề ra.
- Bốn tiểu mục về:
(1) Nguồn gốc chức
Giám Mục (các số 19-21).
(2) Giám Mục
Ðoàn, một vấn đề được thảo luận sôi nổi (các số 22-23).
(3) Thừa tác vụ
Giám Mục và những quyền hành của Giám Mục (các số 24-27).
(4) Những thừa
tác viên cấp dưới: Linh Mục và Phó Tế (các số 28-29).
Nội dung của
chương này bàn về cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội. Dân Chúa là một dân có tổ chức,
một cộng đoàn chứ không phải là một đám đông ô hợp, trong đó có quyền bính được
thi hành trong Giáo Hội và trên Giáo Hội do các Tông Ðồ và các người kế vị hoặc
các cộng tác viên tuyển chọn và chỉ định. Công Ðồng cũng xác định 3 đặc tính của
quyền bính này:
a) Ðây là một thứ
quyền bính được ủy thác: không chỉ thi hành nhân danh Chúa Kitô mà thôi, nhưng
còn phải biểu lộ Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Giáo Hội của Người; quyền
bính ấy phải được Thánh Thần Chúa Kitô hỗ trợ.
b) Quyền bính
không phải là để thống trị, nhưng là để phục vụ cho cộng đoàn; việc phục vụ trước
hết là giảng huấn Lời Chúa và thông ban ơn Ngài qua bí tích; còn việc điều hành
và cai trị chỉ là phụ. Các vị thủ lãnh Giáo Hội là những người cha trong đức
tin và là những thừa tác viên của bí tích.
c) Quyền bính là
do Chúa ban, nhưng liên lạc mật thiết với cộng đoàn; và theo kiểu nói của Thánh
Kinh, quyền bính có sứ mệnh "chăn dắt" cộng đoàn.
1 Xem CÐ Vat. I,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t).
2 Xem CÐ
Số này liên kết
chương II và chương III lại với nhau. Chúa Kitô muốn thiết lập phẩm trật vì lợi
ích cho toàn thể Giáo Hội. Phẩm trật vừa như là một trong những thừa tác vụ được
Chúa Kitô thiết lập, vừa như là một công cuộc phục vụ huynh đệ cho tất cả Dân
Chúa. Khác với Vaticanô I vì coi phẩm trật như một dữ kiện tiên quyết, Công Ðồng
Vaticanô II lại khởi đầu từ Dân Chúa, sau đó mới cho biết phẩm trật là để phục
vụ Dân ấy.
25* Tiểu mục 1: (các số 19-21) Về nguồn gốc chức Giám Mục.
3 Xem Liber
Sacramentorum của T. Gregoriô, kinh tiền tụng ngày sinh nhật của Thánh Mattheô
và Tôma: PL 78,51 và 152; xem Cod. Vat. Lat. 3548, f. 18. T. Hilariô, In Ps.
67,10: PL 9,450; CSEL 22, trg 286. T. Hieronimô, Adv. Jovin. 1,26: PL 23, 247A.
T. Augustinô, In Ps. 86,4 : PL 37, 1103. T.
26* Số 19: Sứ mệnh và việc thiết lập Mười Hai Tông Ðồ.
Nhóm Tông Ðồ được
Chúa Kitô tuyển chọn là một nhóm có cá tính riêng mà Công Ðồng đã nêu ra những
đặc điểm như sau: họ sống với Chúa, được Chúa sai đi rao giảng Nước Trời, họ
liên kết thành một Tông Ðồ Ðoàn, và có một thủ lãnh. Khó khăn là ở điểm thứ ba
này, vì người ta có thể hiểu từ ngữ Tông Ðồ Ðoàn theo nghĩa hoàn toàn pháp lý.
Nhưng đây không phải thế, vì Công Ðồng không xử dụng từ ngữ theo nghĩa pháp lý,
nhưng theo nghĩa là một nhóm cố định, do Chúa thiết lập (x. số 1 của phần
"Chú thích sơ khởi"). Ðặc tính Tông Ðồ Ðoàn còn được biểu lộ qua sự
kiện chỉ mình Phêrô là thủ lãnh của nhóm. Quả quyết sự hiện hữu của Tông Ðồ
Ðoàn là để chuẩn bị quả quyết về Giám Mục Ðoàn (số 22).
4 Xem CvTđ
6,2-6. 11-30; 13,1; 14,23; 20,17; 1Th 5,12-13; Ph 1,1; Col 4,11 và nhiều chỗ
khác.
5 Xem CvTđ
20,25-27; 2Tm 4,6t so sánh với 1Tm 5,22; 2Tm 2,2; Tit 1,5. T. Clementê thành
Roma, Ad Cor. 44, 3: x.b. Funk, I, trg 156.
6 T. Clementê
thành Roma, Ad Cor, 44, 2 : x.b. Funk, I, trg 154t.
7 Xem
Tertullianô, Praescr. Haer. 32 : PL 2,52t. T. Inhaxiô Tử đạo, nhiều chỗ khác.
8 Xem
Tertullianô, Praescr. Haer. 32: PL 2,53.
9 Xem Ireneô,
Adv. Haer. III, 3,1: PG 7,848A; Harvey 2,8; Sagnard, trg 100:
"Manifestatam".
10 T. Ireneô,
Adv. Haer. III, 3,1 : PG 7,847 ; Harvey 2,7 ; Sagnard, trg 100:
"Custoditur", xem, n.v.t., IV, 26,2 : cột 1053;
11 T. Inhaxiô Tử
đạo, Philad., lời mở đầu: x.b. Funk I, trg 264.
12 T. Inhaxiô Tử
đạo, Philad., I,1; Magn. 6,1: x.b. Funk I, trg 264 và 234.
13 T. Clementê
thành Roma, n.v.t., 42,3-4; 44, 3-4; 57,1-2: x.b. Funk, I, trg 152, 156, 171t.
T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., 2; Smyrn. 8; Magn. 3; Trall.7: x.b. Funk I, trg
265t.; 281; 232; 246t. v.v. T. Giustinô, Apol., 1,65: PG 6,428; T. Cyprianô,
Epist., nhiều chỗ khác.
14 Xem Leô XII,
Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732.
15 Xem CÐ
Trentô, Sắc lệnh De sacr. Ordinis, ch. 4: Dz 960 (1768); CÐ Vat. I, Hiến chế
tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus, ch. 3: Dz 1828 (3061). Piô XII,
Tđ Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 209 và 212, CIC, kh. 329 đoạn
1.
16 Xem Leô XIII,
thư Et Sane, 17-12-1888: AAS 21 (1888), trg 321t.
27* Số 20: Công Ðồng dạy rằng do việc Chúa thiết lập mà các vị Giám
Mục trở nên những người kế vị các Tông Ðồ, và với tước hiệu ấy, các ngài là những
mục tử chăn dắt Giáo Hội. Trong đoạn này người ta đã cố gắng đưa ra những nhận
xét để đánh giá trị một cách chính đáng bao nhiêu có thể những lời chứng của truyền
thống. Lịch sử của truyền thống về sự kế vị và về các chứng tá chính yếu một
khi được trình bày rồi, Công Ðồng mới quả quyết hai điểm quan trọng ở đoạn c:
a) Sự trường tồn
của thừa tác vụ tông đồ nơi các Giám Mục để chăn dắt Giáo Hội Chúa.
b) Và kết quả của
sự trường tồn ấy là: các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ. Công Ðồng
không muốn định tín giáo lý này, nhưng giảng dạy một cách chắc chắn, vì xử dụng
những kiểu nói chuyên biệt "Thánh Công Ðồng dạy rằng". Sự kế vị là do
Chúa lập, nhờ đó mà các Giám Mục trở thành mục tử Giáo Hội. Công Ðồng không đi
vào vấn đề xem các Giám Mục có được thừa kế các đặc quyền riêng biệt của các
Tông Ðồ hay không, nhưng chỉ minh nhiên quả quyết tông vụ chăn dắt Giáo Hội
Chúa được nối tiếp nơi các Giám Mục.
17 Xem T. Leô Cả,
Serm. 5,3: PL 54,154.
18 CÐ Trentô,
khóa 23, ch. 3, trích 2Tm 1,6-7 để chứng minh phép truyền chức thánh thực sự là
một bí tích: Dz 959 (1766).
19 Trong Trad.
Apost. 3, x.b. Botte, Sources Chrétiennes, trg 27-30, Giám Mục có chức linh mục
cao nhất (primatus sacerdotii). Xem Sacramentarium Leonianum, x.b. C. Mohlberg,
Sacramentarium Veronense, Roma, 1955, trg 119: "ad sumni sacerdotii
ministerium... Comple in sacerdotibus tuis mysterii tui summam"... n.t.,
Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg 121-122: "Lạy Chúa,
xin ban cho họ ngai giám mục để họ điều khiển Giáo Hội Chúa và toàn dân":
x. PL 78, 224.
20 Xem Trad.
Apost. 2: x.b. Botte, trg 27.
21 Xem CÐ
Trentô, khóa 23, ch. 4, dạy rằng bí tích truyền chức in dấu không hay mất: Dz
960 (1767). Xem Gioan XXIII, huấn từ Jubilate Deo, 8-5-1960: AAS 52 (1960), trg
466. - Phaolô VI, bài giảng tại giáo đường Vaticanô, 20-10-1963: AAS 55 (1963),
trg 1014.
22 T. Cyprianô,
Epist. 63,14: PL 4, 386; Hartel, IIIB, trg 713: "Linh mục thực sự hoạt động
thay Chúa Kitô". T. Gioan Kim Khẩu, In 2 Tim, bài giảng 2,4 ; PG 62,612:
Linh Mục là "hình ảnh" (symbolon) của Chúa Kitô. T. Ambrosiô, In Ps
38,25-26: PL 14,1051-52: CSEL 64,203-204. Ambrosias-ter, In 1 Tim 5,19: PL
17,479 C và In Eph. 4,11-12: cột 387. C. Theodorô Mops., Hom. Catech. XV, 21 và
24: x.b. Tonneau, trg 497 và 503. Hesychio Hieros., In Lev. L. 2, 9,23: PG
93,894 B.
28* Số 21: Bí tích tính của chức Giám Mục.
Bố cục của số
này như sau: điểm quả quyết trong số 20 (chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị
Tông Ðồ làm mục tử Giáo Hội) được bổ túc bằng ba xác định mới:
(1) Chúa Kitô hiện
diện giữa tín hữu trong con người của Giám Mục.
(2) Sự hiện diện
ấy được chuyển đạt qua các nghi thức đặt tay, là nhờ hồng ân thiêng liêng của
Chúa Thánh Thần.
(3) Và như vậy,
sự kế vị các Tông Ðồ được chuyển trao nhờ một bí tích là bí tích truyền chức
Giám Mục.
Chức Giám Mục là
chức linh mục tối thượng. Qua việc truyền chức, vị Giám Mục lãnh nhận sự sung
mãn của bí tích truyền chức. Việc truyền chức đem đến cho vị Giám Mục 3 nhiệm vụ:
thánh hóa, giảng dạy và cai trị (x. các số 25-27). Công Ðồng đã soạn thảo đoạn
này để giải quyết cho xong cuộc bàn cãi về bí tích tính của chức Giám Mục, vì
có một số người chỉ coi đó là một hình thức bổ túc cho chức linh mục. Do đó mà
từ nay phải nhìn bí tích truyền chức nơi vị Giám Mục chứ không phải nơi Linh Mục,
vì Linh Mục chỉ tham dự vào sự sung mãn của chức tư tế Giám Mục (x. số 28). Như
thế con đường đã được chuẩn bị để quả quyết về Giám Mục Ðoàn.
29* Tiểu mục 2: (các số 22-23) Giám Mục Ðoàn.
Tiết này được
tranh luận nhiều nhất, có nhiều chú thích và sửa đổi nhất, đặc biệt là số 22: bởi
vậy công việc soạn thảo sau cùng rất nặng nề. Người ta biết có hai bản phúc
trình ngược hẳn nhau được đệ trình lên Công Ðồng, một của Giám Mục Parente, ủng
hộ bản văn, sau cùng được chấp thuận với một ít điều sửa đổi, và một của Giám Mục
Franic trình bày những khó khăn chống với bản văn. Cũng nhờ "bản phúc
trình" sau này mà có phần chú thích sơ khởi, đến giờ chót được đặt thêm
vào bản văn để xoa dịu một vài lập trường quyết liệt. Khó khăn chính là vì người
ta sợ Cộng Ðoàn tính của Giám Mục có thể phương hại tới tín điều về quyền tối
thượng của Giáo Hoàng. Khó khăn khác nữa là vì từ ngữ Giám Mục Ðoàn, nếu hiểu
theo nghĩa pháp lý, sẽ đưa đến sự bình đẳng giữa các phần tử trong đoàn và như
vậy, dường như quyền tối thượng bị đe dọa. Sau cùng, từ ngữ đó không có trong
Thánh Kinh hay trong Truyền Thống. Công Ðồng vẫn lưu ý đến những vấn nạn đó khi
soạn thảo bản văn và cũng vì vậy mà xác nhận một lần nữa về quyền tối thượng của
Giáo Hoàng trong một bản văn đề cập đến các Giám Mục.
23 Xem Eusebiô,
Hist. Eccl., V, 24,10 : GCS II,1, trg 495; x.b. Bardy, Sources Chr. II, trg 69.
Dionysiô, trong Eusebiô, n.v.t. VII, 5,2: GCS II, 2, trg 638t ; Bardy, II trg 168t.
24 Xem về các
Công Ðồng thời trước, Eusebiô, Hist. Eccl. V, 23-24: GCS II, 1, trg 488 tt;
Bardy, II, trg 66t. và nhiều chỗ khác. CÐ Nicea, đ.th. 5: Conc.Oec. Decr., trg
7.
25 Xem
Tertullianô, De Jejunio, 13: PL 2, 972B: CSEL 20, trg. 292, hàng 13-16.
26 Xem T.
Cyprianô, Epist. 56, 3 : Hartel, III B, trg 650 ; Bayard, trg 154.
27 Xem phúc
trình chính thức của Zinelli, trong CÐ Vat I : Mansi 52, 1109C.
28 Xem CÐ Vat I,
lược đồ Hiến chế tín lý, II, De Eccl. Christi, ch. 4: Mansi 53, 310. Xem phúc
trình của Kleutgen về lược đồ sửa lại: Mansi 53, 321B-322B và tuyên bố của
Zinelli: Mansi 52, 1110. Cũng xem T. Leô Cả, Serm. 4,3 : PL 54, 151A.
29 Xem CIC, các
kh. 222 và 227.
30* Trong số 22 này, chúng ta phân biệt bốn đề xướng:
(1) Ðề xướng thứ
nhất quả quyết sự hiện hữu của Giám Mục Ðoàn kế vị Tông Ðồ Ðoàn, phác họa một
chứng cứ lịch sử, và liệt kê những điều kiện gia nhập đoàn. Ðây là một trong những
quả quyết quan trọng nhất của Công Ðồng mà người ta muốn bày tỏ tính cách bổ
túc của nó cho Công Ðồng Vaticanô I. Công Ðồng xác nhận nguồn gốc Tông Ðồ Ðoàn
là do Chúa, hợp với tinh thần Tân Ước (x. số 19), và Tông Ðồ Ðoàn được các người
kế vị là Giám Mục tiếp nối liên tục. Sự liên tục đó là một kết quả hợp lý vì
Chúa đã hứa cho Giáo Hội được trường tồn. Nhiều tài liệu của Truyền thống cũng
xác nhận sự liên tục này. Ðược phong chức Giám Mục và hiệp thông giáo phẩm với
Thủ Lãnh cũng như với các phần tử trong đoàn, là đã gia nhập Giám Mục Ðoàn.
Giám Mục Ðoàn luôn đòi phải có Thủ Lãnh.
(2) Giám Mục
Ðoàn cũng có quyền bính tối cao và trọn vẹn trên toàn thể Giáo Hội. Ðiều quả
quyết này gây ra nhiều vấn đề thần học quan trọng, vì như chúng ta biết, Giáo
Hoàng cũng có đặc quyền ấy. Việc soạn thảo đã cố gắng minh giải vấn đề với câu:
"Hiệp nhất với Thủ Lãnh (là Giáo Hoàng Roma), Giám Mục Ðoàn cũng có quyền
bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có thể thi hành quyền
này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng". Như vậy phải chăng có hai quyền
bính tối cao và trọn vẹn trong Giáo Hội? Làm sao có thể thế được? Bản phúc
trình chính thức đã trả lời: "Vấn nạn sẽ không còn một khi lưu ý là trong
Giáo Hội không phải có hai nhưng chỉ một quyền bính mà Chúa Kitô đã trao ban
cho toàn thể Tông Ðồ Ðoàn, cho cả Phêrô lẫn các Tông Ðồ. Chúng ta cũng nhận rằng
quyền bính ấy thuộc về một mình Giáo Hoàng, và được thực thi trên các Giám Mục
chỉ có trong thường năng; muốn có trong hiện năng phải tùy thuộc vào Giáo
Hoàng. Như vậy, Giám Mục Ðoàn không hạn chế quyền tối cao của Giáo Hoàng; nhưng
chỉ thừa nhận và chuẩn y cho chức vị Giám Mục theo tư tưởng của Giáo Hội sơ
khai: được phong chức Giám Mục là được tham dự thường năng vào quyền hành Chúa
Kitô, để khi được Giáo Hoàng mời gọi, các Giám Mục có thể thực thi quyền hành
đó ở hiện năng trong cả Giáo Hội.
Ðể lưu ý đến những
dự liệu này và những dự liệu của chú thích sơ khởi, chúng ta nên phân biệt:
- Quyền hành (để
điều khiển Giáo Hội) nơi Giám Mục Ðoàn hiệp thông với Giáo Hoàng, là một vị
trong đoàn với tư cách thủ lãnh.
- Sự thực thi (tối
cao, trên toàn thể Giáo Hội) quyền hành đó đòi phải được Giáo Hoàng mời gọi,
đòi phải hiệp thông hữu hiệu với Ngài hoặc ít nhất không chống lại Ngài.
- Sự chỉ định
pháp lý (theo giáo luật), theo đó Giáo Hoàng trao phó cho một Giám Mục một lãnh
thổ hay một nhiệm vụ và ban quyền tham dự vào trách nhiệm tập đoàn trên toàn thể
Giáo Hội.
(3) Trong thực tại
Giám Mục Ðoàn và trong sự thực thi quyền hành tập đoàn, toàn thể hàng giáo phẩm
phải phục vụ cho việc hiệp nhất Dân Chúa. Giáo Hoàng là người gìn giữ việc hiệp
nhất đó cả trên bình diện cơ cấu lẫn bình diện pháp lý và cai trị. Với các Giám
Mục, thì Giám Mục Ðoàn chính là dấu hiệu của việc hiệp nhất này trong Giáo Hội,
được đảm bảo qua sự hiệp thông tập đoàn và qua những mối tương giao huynh đệ
trong hàng Giám Mục.
(4) Sự thực thi
quyền Giám Mục Ðoàn: quyền hành tối cao của Giám Mục Ðoàn được thực thi bằng
hai cách: trong Công Ðồng Chung do Giáo Hoàng triệu tập (hoặc ít nhất được Ngài
chấp thuận); ngoài Công Ðồng, do các Giám Mục rải rác khắp hoàn cầu khi được
Giáo Hoàng mời gọi thực thi một việc có tính cách tập đoàn.
30 Xem CÐ Vat.
I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t).
31 Xem T.
Cyprianô, Epist. 66, 8: Hartel III, 2, trg 733: "Giám Mục trong Giáo Hội
và Giáo Hội trong Giám Mục".
32 Xem T.
Cypianô, Epist. 55, 24: Hartel, trg 642, hàng 13: "Una Ecclesia per totum
mundum in multa membra divisa". Epist. 36,4: Hartel, trg 575, hàng 20-21.
33 Xem Piô XII,
Tđ. Fidei Donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 237.
34 Xem T.
Hilariô Pict., In Ps. 14,3: PL 9, 206: CSEL 22, trg 86. T. Gregoriô Cả, Moral.
IV, 7,12: PL 75, 643 C. Basiliô Cả, In Is. 15, 296: PG 30,637C.
35 T. Coelestinô,
Epist. 18, 1-2, gửi đến Công Ðồng Eph.: PL 50, 505AB; Schwartz, Acta Conc. Oec.
I, 1,1, trg 22. Xem Benedictô XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg
440. Piô XI, Tđ. Rerum Eccl., 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 69. Piô XII, Tđ.
Fidei Donum, n.v.t.
36 Leô XIII, Tđ. Grande munus, 30-9-1880: AAS 13 (1880), trg 145. -
Xem CIC, kh. 1327, kh. 1350 đoạn 2.
37 Về những quyền của các Tòa giáo chủ, xem CÐ Nicea đ. th. 6 về
31* Số 23: Trên bình diện liên lạc chiều ngang giữa các Giám Mục, sự
thực thi quyền Giám Mục Ðoàn thường được khai triển dưới ba hình thức:
- Giám Mục là dấu
hiệu và khí cụ hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương (x. sắc lệnh về nhiệm vụ mục
vụ của Giám Mục, số 6). Từ đó Giám Mục quan tâm đến trách vụ của toàn thể Giáo
Hội.
- Trách nhiệm tập
đoàn về việc loan báo Phúc Âm cho cả thế giới: bởi vậy phải hỗ trợ các Giáo Hội
tại miền truyền giáo và các Giáo Hội ít được nâng đỡ (x. sắc lệnh về hoạt động
Truyền Giáo, số 20).
- Ý nghĩa và giá
trị các Giáo Hội có tòa thượng phụ ở Ðông Phương và các Giáo Hội khác phát sinh
ra từ đó. Phải tôn trọng các Giáo Hội này vì có truyền thống và kỷ luật riêng.
Số 23 kết thúc bằng
vài dòng vắn tắt nói về Hội Ðồng Giám Mục qui tụ các Giám Mục trong một lãnh thổ
hay trong một quốc gia.
32* Tiểu mục 3: thừa tác vụ Giám Mục và những quyền năng (các số
24-27).
38 Xem CIC cho Giáo Hội Ðông Phương, các kh. 216-314: về các Giáo Chủ;
các kh. 324-339: về các Ðại Tổng Giám Mục; các kh. 362-391: về các vị chức sắc
khác; đặc biệt các kh. 238, đoạn 3; 216; 240; 251; 255: về các Giám Mục được
các Giáo Chủ đặt lên.
33* Số 24: Nói về thừa tác vụ Giám Mục, tiếp tục cho số 20. Ở đây
không bàn về chức vị hay quyền bính, nhưng về thừa tác vụ Giám Mục. Công Ðồng
nhấn mạnh tới đặc tính phục vụ của những người được Chúa kêu gọi cai trị Dân
Chúa, theo kiểu nói của Thánh Kinh (x. Mt 20, 24-28; Gio 13,1-17). Giám Mục là
người phục vụ cho phần dân được trao phó, và phục vụ cho toàn thế giới. Ngài phải
nỗ lực rao giảng và làm cho Phúc Âm sống động, và nếu cần, phải hiến mạng sống
cho đoàn chiên. Muốn được thế, các Giám Mục nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần,
Ðấng thánh hiến các Ngài để phục vụ. Công Ðồng còn thêm một đoạn nữa bàn đến sứ
mệnh theo giáo luật, nghĩa là Giám Mục được quyền cấp trên chỉ định đặc trách một
lãnh thổ hay một số dân nhất định. Có ba cách thức chỉ định được coi là có hiệu
lực: tập tục chưa bị đoạn tiêu, luật lệ được Tòa Thánh ban hành hay thừa nhận,
do chính Giáo Hoàng chỉ định. Với hai cách đầu tiên, phải có sự chấp thuận minh
nhiên hay mặc nhiên của Tòa Thánh, nếu không sẽ bất thành sự.
Ba số kế tiếp đề
cập đến quyền năng Giám Mục (các số 25-27). Nhiều nhà thần học phân biệt thành
hai quyền năng phẩm trật: quyền theo chức vị và quyền theo sứ mệnh. Công Ðồng
trái lại đã chọn kiểu nói ba quyền năng: giảng dạy, thánh hóa và cai trị Dân
Chúa, và cho như vậy là tiện lợi hơn, vì cách phân chia này cho phép mô tả các
quyền năng, và nếu cần, minh xác các quyền năng đó. Có lẽ còn lý do nữa là liên
kết quyền năng của giáo phẩm với ba nhiệm vụ của Chúa Kitô (được nhắc tới trong
các số 34-36): nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả.
39 Xem CÐ Trentô sắc lệnh De Reform., khóa V, ch. 2, số 9, và khóa
XXIV, đ.th. 4: Conc. Oec. Decr., trg 645 và 739.
40 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Dei Filius, 3: Dz 1712 (3011). Xem
ghi chú kèm theo Lược Ðồ I về De Eccl. (trích từ Thánh Rob. Bellarminô): Mansi
51, 579C, và Lược Ðồ đã được sửa đổi của Hiến Chế II De Eccl. Christi, với phần
chú giải củ Kleutgen: Mansi 53, 313 AB. Ðức Piô IX, Thư "tuas
libenter": Dz 1683 (2879).
42 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor Aeternus: Dz 1839 (3074).
43 Xem giải nghĩa của Gasser trong CÐ Vat. I : Mansi 52. 1212 AC.
44 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1214A.
45 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1215 CD, 1216-1217 A.
46 Xem Gasser n.v.t. : Mansi 1213.
47 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus, 4: Dz 1836
(3070).
34* Số 25: Quyền giảng dạy (giáo huấn).
Số này trình bày
những tiêu chuẩn định giá trị lời giảng dạy của giáo phẩm, trong khuôn khổ Giám
Mục Ðoàn, và trình bày nguyên tắc quyền bính. Nội dung của lời giảng, những đối
tượng khác nhau của giáo huấn Giáo Hội được phân tích trong sắc lệnh về nhiệm vụ
Giám Mục (các số 12-14).
Việc soạn thảo bản
văn gặp nhiều khó khăn. Công Ðồng muốn giữ y nguyên định nghĩa về quyền giáo huấn
bất khả ngộ của Giáo Hoàng, vừa muốn quả quyết quyền giáo huấn của các Giám Mục.
Ðiều xác định căn bản như sau: nhiệm vụ đầu tiên của Giám Mục là rao giảng Phúc
Âm. Bản văn chia ra bốn phần:
- Giám Mục là tiến
sĩ của đức tin nên phải tuân theo lời giảng dạy của các Ngài.
- Bất khả ngộ
tính của Giám Mục khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Ðồng Chung mà
ngay cả khi các Ngài thông hảo với nhau và với Ðấng kế vị Phêrô để giảng dạy những
giáo lý thuộc đức tin và phong hóa. Ðây là đề tài cố hữu trong khoa thần học.
- Bất khả ngộ
tính của một mình Giáo Hoàng được xác định khéo léo ở đây, trong khuôn khổ của
việc giảng dạy được các Giám Mục thực thi trong tập đoàn.
- Sự tương hợp của
giáo thuyết Giáo Hội với Mạc Khải.
48 Lời nguyện lễ tấn phong Giám Mục theo nghi lễ Bizantinô:
Euchologion to mega Roma, 1873, trg 139.
49 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk I, trg 282.
50 Xem CvTđ 8,1; 14,22-23; 20,17 và nhiều chỗ khác.
51 Lời nguyện Tây Ban Nha: PL 96, 759B.
52 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk, I, trg 282.
53 T. Tôma, Summa Theol. III, q. 73, a. 3.
54 Xem T. Augustinô, C. Faustum, 12, 20: PL 42, 265; Serm. 57, 7: PL
38, 389, v.v...
55 T. Leô Cả, Serm. 63, 7: PL 54, 357C.
56 Xem Traditio Apostolica của Hippolytô, 2-3: x.b. Botte, trg
26-30.
57 Xem đoạn "khảo duyệt" ở đầu lễ tấn phong Giám Mục và
kinh nguyện sau lễ tấn phong Giám Mục, sau Te Deum.
Số này tuy dài
nhưng khúc chiết, được sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 15) bổ túc. Ý tưởng
chính là: Giám Mục là người chủ chốt ban phát các mầu nhiệm của Chúa, là người
tổ chức, phát động và bảo trì đời sống phụng vụ. Ngài chủ tọa thánh lễ cộng đồng,
có trách vụ loan báo lời Chúa trong công hội phụng vụ. Ngài còn là thừa tác
viên chủ yếu của các bí tích. Kết luận của số này là lời ám chỉ đến gương mẫu đời
sống mà các mục tử phải nêu ra.
58 Xem Benedictô XIV, Br. Romana Ecclesia, 5-10-1752, đoạn 1
Bullarium Benedicti XIV, bộ IV, Roma 1758, 21: "Giám Mục thay mặt Chúa
Kitô và chu toàn công cuộc của Ngài". Piô XII, Tđ. Mystici Corporis,
n.v.t., trg 211: "mỗi Giám Mục chăn dắt và điều khiển đoàn chiên được giao
phó nhân danh Chúa Kitô".
59 Xem Leô XIII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96),
trg 732, n.v.t., thư Officio Sanctissimo, 22-12-1887: AAS 20 (1887), trg 264.
Piô IX, Tông thư gửi các Giám Mục Ðức, 12-3-1875 và huấn từ 15-3-1875: Dz
3112-3117 trong lần phát hành mới.
60 Xem CÐ Vat. I: Hiến Chế tín lý Pastor aeternus, 3: Dz 1828
(3061). Xem bài phúc trình của Zinelli: Mansi 52, 1114 D.
61 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Ad Ephes. 5,1 : x.b. Funk, I, trg 216.
Ðoạn này còn được
Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 16) bổ túc. Trong số đó, Công Ðồng xác định
chi tiết những bổn phận mục vụ của người tông đồ, đặc biệt đối với linh mục, và
cả với những tín hữu ly khai cũng như những người chưa chịu phép Thánh Tẩy.
Công Ðồng đã giữ lại và lưu ý lời quả quyết này là: các Giám Mục là đại diện và
thừa phái của Chúa Kitô chứ không phải đại diện Giáo Hoàng, vì lẽ các Ngài thi
hành quyền năng riêng biệt của các Ngài, và việc gọi các Ngài là thủ lãnh phần
dân các Ngài hướng dẫn, quả là điều xác đáng. Ở đây Công Ðồng cũng nhấn mạnh đến
ý tưởng phục vụ: quyền bính Giám Mục không để thống trị; ngoài ra còn kín đáo
ám chỉ tới trách nhiệm của Giám Mục đối với những người chưa thuộc về đoàn
chiên duy nhất. Giám Mục không chỉ bận tâm riêng với tín hữu, nhưng có trách
nhiệm đối với mọi người; ngay trong giáo phận, Ngài phải là một vị thừa sai.
Câu sau cùng nhắc nhở cho tín hữu phải biết liên kết với Giám Mục của mình như
Giáo Hội đã liên kết với Chúa Kitô và Chúa Kitô với Chúa Cha.
37* Tiểu mục 4: Những cộng tác viên của Giám Mục (các số 28-29).
Công Ðồng biên
soạn và khai triển đoạn này trong những cuộc bàn cãi vào tháng 9 năm 1964. Về
linh mục, số 29 còn được bổ túc và minh định qua Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục
(các số 28-35). Công Ðồng chưa có thời giờ quảng diễn một khoa thần học về chức
linh mục thừa tác, nên tạm thời chỉ nói sơ qua khi bàn về chức Giám Mục. Sự
liên lạc giữa hai bên khiến Công Ðồng liệt kê được những quả quyết chính yếu
trong những số này để kết thúc cho một chương khá dài, đòi nhiều công phu.
62 Xem T. Inhatiô tử đạo, Ad Ephes. 6,1: x.b. Funk I, trg 218.
63 Xem CÐ Trentô, khóa 23, De Sacr. ord., ch. 2: Dz 958 (1765) và đ.
th. 6: Dz 966 (1776).
64 Xem Innocentiô I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; Mansi 3,
1029; Dz 98 (215): "Linh mục tùy thuộc và hàng tư tế bậc thấp, nên không
có quyền tư tế tối cao". T. Cyprianô, Epist. 61, 3: x.b. Hartel, trg 696.
65 Xem CÐ Trentô, n.v.t.: Dz 956-968 (1763-1778), và đặc biệt đ.th.
7: Dz 967 (1777). Piô XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis: Dz 2301 (3857-61).
66 Xem Innocentiô I, n.v.t. - T. Gregoriô Naz., Apol. II, 22: PG 35,
432 B. Dionysiô Giả, Eccl. Hier., 1,2: PG 3,372 D.
67 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 940 (1743). Piô XII, Tđ. Mediator Dei,
20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 553; Dz 2300 (3850).
68 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 938 (1739-40) - CÐ Vat. II, Hiến chế về
Phụng Vụ Thánh Sacrosancium Concilium số 7 và 47: AAS 56 (1964), trg 100-113.
69 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, n.v.t., số 67.
70 Xem T. Cyprianô, Epist. 11,3: PL 4,242B; x.b. Hartel II, 2, trg
497.
71 Xem Pontificate Romanum, lễ truyền chức linh mục: lúc mặc áo lễ.
73 Xem T. Inhatiô Tử đạo, Philad. 4: x.b. Funk I, trg 266. T.
Corneliô I, trong T. Cyprianô, Epist. 48, 2: Hartel III, 2, trg 610.
Công Ðồng không
muốn đề cập đến những vấn đề thuộc khoa chú giải do Tân Ước đặt ra, nhưng chỉ
muốn xác định điều này: các linh mục, vì là những thừa tác viên cộng tác với
Giám Mục, nên được tham dự vào quyền hành và sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao ban
cho các Tông Ðồ.
- Tương quan giữa
linh mục Chúa Kitô: tùy theo mức độ thừa tác vụ, linh mục tham dự vào nhiệm vụ
Chúa Kitô là Vị Trung Gian duy nhất, nhiệm vụ được thi hành trong việc tế tự và
trong công hội: thừa tác vụ của ngài là dâng Thánh Lễ, dẫn dắt đoàn chiên, dùng
bí tích mà thánh hóa, rao giảng Lời Chúa.
- Tương quan giữa
linh mục và Giám Mục: lặp lại hình thức linh mục đoàn ngày xưa, nghĩa là các
linh mục tập trung quanh Giám Mục để cùng lãnh trách nhiệm chung là truyền bá
Phúc Âm. Giám Mục phải sống tình cha con, còn linh mục phải vâng lời và tuân phục.
Chức tư tế của linh mục tùy thuộc và tham dự vào chức tư tế của Giám Mục. Linh
mục cộng tác vào công cuộc truyền bá Phúc Âm có tính cách tập đoàn.
- Tương quan giữa
linh mục với nhau: Công Ðồng mời gọi các linh mục cộng tác với nhau về mặt
thiêng liêng, mục vụ và cả trong những công việc trần thế.
- Tương quan giữa
linh mục và tín hữu: linh mục quan tâm đến việc giúp đỡ các tín hữu trong Giáo
Hội địa phương, nhưng cũng không quên lo cho những người còn ở ngoài Giáo Hội,
và những Kitô hữu không còn sống đạo.
Ðể kết luận,
Công Ðồng ước mong mọi linh mục phải nỗ lực duy trì và phát huy sự hiệp nhất với
nhau và với Giám Mục, vì Phúc Âm và thế giới hôm nay đòi hỏi như thế.
74 Const. Eccl. Aegyptiacae III, 2: x.b. Funk, Didascalia II, trg
103. - Statuta Eccl. Ant. 37-41: Mansi 3,954.
75 T. Polycarpô, Ad Phil. 5,2: x.b. Funk I, trg 300: "Chúa Kitô
tự hạ được gọi là Ðấng Phó Tế mọi người". Xem Didachê 15,1: n.v.t., trg
32. T. Inhatiô Tử đạo, Trall. 2,3: n.v.t., trg 242. Const. Apostolorum, 8,28,4
: x.b. Funk, Didascalia I, trg 530.
Bản văn công phu
được lặp lại hầu như hoàn toàn trong kỳ họp thứ III của Công Ðồng, gồm hai phần:
- Nhiệm vụ của
phó tế: Công Ðồng dè dặt khi nói đến bí tích tính của chức phó tế, vì còn một số
người phân vân chưa quyết định, nên Công Ðồng không muốn làm cản trở cho công
cuộc tìm hiểu thêm. Ðặc điểm của chức phó tế là phục vụ Giám Mục và linh mục
đoàn. Phục vụ trong ba lãnh vực: phụng vụ, rao giảng lời Chúa và thực thi bác
ái.
- Tái lập phó tế
như một chức thường xuyên. Công Ðồng chỉ quả quyết là có thể tái lập ở những
nơi mà nhu cầu mục vụ đòi hỏi.
Việc tái lập như
thế có tính cách địa phương hơn là cho toàn thế giới, và do quyết định của hội
đồng Giám Mục địa phương với sự chấp thuận của Giáo Hoàng. Về luật độc thân, phải
phân biệt hai trường hợp: người đứng tuổi có thể đã lập gia đình, còn các thanh
niên phải giữ luật độc thân. Bản phúc trình giải thích quyết định này như sau:
lược đồ không chủ trương đòi các phó tế phải có gia đình, dù ở nơi nào cũng vậy,
nhưng chỉ muốn dễ dãi đối với việc truyền chức phó tế cho người có gia đình khi
xét ra cần thiết hay hữu ích.
Chương IV: Giáo Dân 40*
30. Giáo dân trong Giáo Hội.
Sau khi xác định những chức vụ của các phẩm trật, Thánh Công Ðồng sẵn lòng đề cập
đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo dân. Mặc dầu tất cả những gì
nói về Dân Thiên Chúa đều có liên quan đến giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ,
nhưng có một số điều đặc biệt thuộc về giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của
họ; những điều mà hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đòi hỏi phải tìm hiểu
nền tảng chung cách thấu đáo hơn. Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh ấy biết
rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Giáo Hội. Các Ngài biết rằng Chúa
Kitô không đặt các Ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội
đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các Ngài là chăn dắt tín hữu và nhận
biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc
chung, tùy theo cách thức của mình. Vì thế, mọi người "phải lấy bác ái mà
thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Ðấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ
Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau,
tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu
xây dựng trong đức ái" (x. Eph 4,15-16).
31. Bản tính và sứ mạng
giáo dân. Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc
hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã
được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên
Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo
cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô
giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.
Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân.
Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế,
hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu
và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng
cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến
nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi
riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần
thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất
cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường
ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống
của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc
Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm
vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng
đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi
sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng
không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng
Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ. 41*
32. Ðịa vị giáo dân trong
lòng Dân Thiên Chúa. Giáo Hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo
nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. "Vì như trong một thân thể, chúng ta
có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng
ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta
là chi thể lẫn nhau" (Rm 12,4-5).
Thế nên chỉ có một
Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: "chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin,
một Thánh Tẩy" (Eph 4,5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã
được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở
nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không
phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, không còn có sự hơn kém
vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ "không
còn là người Do Thái hoặc Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy
đều là một trong Chúa Giêsu Kitô" (Gal 3,38, bản Hy Lạp; x. Col 3,11).
Vì thế, tuy
trong Giáo Hội, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời
gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa
(x. 2P 1,1). Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm
người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi
người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động
chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Thực vậy, nếu Chúa phân
biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên
Chúa thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín
hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung. Các chủ chăn trong
Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác; phần
các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dạy.
Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu
trong Thân Thể Chúa Kitô. Thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, chức vụ và hoạt
động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một, vì "mọi sự ấy là
công trình của cùng một Thánh Thần duy nhất" (1Cor 12,11).
Vì thế, nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm em Chúa
Kitô, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, dù Người là
Chúa tể muôn loài (x. Mt 20,28). Cũng vậy, họ làm em những người đã lãnh nhận
chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Chúa Kitô mà giảng dạy, thánh hóa và cai
quản để chăn dắt gia đình Chúa, hầu mọi người chu toàn giới luật mới là luật
bác ái. Thánh Augustinô đã dùng những lời tuyệt diệu này để nói lên điều đó:
"Làm Giám Mục cho anh em, tôi rất sợ; là tín hữu với anh em, tôi rất an tâm.
Giám Mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám Mục là một danh hiệu nguy
hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ" 1. 42*
33. Tông đồ giáo dân. Giáo
hữu được qui tụ trong Dân Thiên Chúa và cấu tạo thành Thân Thể duy nhất của
Chúa Kitô dưới quyền của một Ðầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi
dùng hết sức lực đã lãnh nhận do lòng từ ái của Ðấng Tạo Hóa và do ân huệ Ðấng
Cứu Thế để như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Giáo Hội không
ngừng.
Vì thế, giáo dân
làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội; nhờ lãnh nhận
phép Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ; đàng
khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức
ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi
hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện
diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội
sẽ không trở thành muối của thế gian 2.
Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng
cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, "tùy theo độ lượng ân sủng Chúa
Kitô ban cho" (Eph 4,7).
Ngoài việc tông
đồ này, một việc có liên quan đến mọi Kitô hữu không trừ ai, giáo dân có thể
còn được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công cuộc tông đồ
của hàng giáo phẩm 3,
giống như những tín hữu nam nữ đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ Tông đồ
Phaolô rao giảng Phúc Âm (x. Ph 4,3; Rm 16,3tt). Ðàng khác, họ có những khả
năng mà Hàng Giáo Phẩm có thể dùng vào một số phận vụ thuộc hàng giáo sĩ có mục
đích thiêng liêng.
Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của
Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế,
khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội,
tùy sức lực họ và tùy nhu cầu của thời đại. 43*
34. Nhiệm vụ tư tế và phụng tự. 44*
Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục
công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự
sống, và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.
Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và
sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc
phụng thờ thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rồi loài người. Bởi thế,
vì giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ
được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ
ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông
đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi
thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách
của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng
liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô (x. 1P 2,5), vì những của lễ ấy
được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ
ơn. Như thế, giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ
Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi. 45*
35. Nhiệm vụ ngôn sứ và chứng
nhân. Chúa Kitô, vị Tiên Tri cao cả, Ðấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh
của lời nói để công bố Nước Chúa Cha; Người chu toàn chức vụ tiên tri, cho đến
lúc sự vinh hiển của Người tỏ ra trọn vẹn; Người chu toàn chức vụ đó không những
nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy
nhưng cũng nhờ các giáo dân; sở dĩ Người đã đặt họ làm chứng nhân, đồng thời
ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ nữa (x. CvTđ 2,17-18; Kh 19,10)
là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và
ngoài xã hội. Nếu giáo dân vững lòng tin cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại (x.
Eph 5,16; Col 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (x. Rm
8,25), họ sẽ tỏ ra là con cái của lời giao ước; nhưng niềm hy vọng đó, họ không
nên giấu kín trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc
sống trần gian, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại "bá
chủ của thế gian tăm tối này và bọn tà thần" (Eph 6,12).
Như những bí
tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu,
tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Kh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ
loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x. Dth 11,1), nếu họ không
ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc
rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và
lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những
hoàn cảnh chung của trần gian.
Có một bậc sống
rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh
hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và
trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập
vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia
đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con
cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức
mạnh của nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế
bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội
lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.
Vì thế, giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quí là truyền
bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những việc trần thế. Dù khi
thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có
những giáo dân thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh tùy khả năng của
họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng
tác vào việc mở mang và phát triển Nước Chúa Kitô trên trần gian. Vì vậy giáo
dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải, và tha thiết nài
xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình. 46*
36. Ðịa vị vương giả. Chúa
Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Ph
2,8-9), và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều suy phục Người, cho
đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả
mọi sự (x. 1Cor 15,27-28). Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để
họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi
họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), hơn nữa để, khi phụng
sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến
cùng Ðức Vua, Ðấng mà phụng sự Người là thống trị. Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ
cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và
thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình 4;
trong nước này, chính tạo vật cũng được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên
Chúa (x. Rm 8,21). Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Người truyền cho các môn
đệ thật lớn lao: "Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em
thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1Cor 3,23).
Vì thế, tín hữu
phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, giá trị của chúng, và cùng đích của
chúng là ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ
những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng
đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình. Giáo dân giữ lấy
vai trò chính yếu trong khi chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó. Nhờ khả năng chuyên
môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được
ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để
nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân loại khai thác những của cải
được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo
ý định của Ðấng Tạo Hóa và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài; và tùy cách thức riêng
của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và sự tự do của
Kitô hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo Hội, Chúa Kitô sẽ đem ánh sáng cứu
độ của Người chiếu soi toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn.
Ðàng khác, khi
các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức
làm cho các thể chế và cảnh sống đó trở nên lành mạnh, để chúng phù hợp với các
tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn
là ngăn trở chúng. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý
thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người. Và nhờ vậy, cánh đồng
thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Thiên Chúa, và
nhiều cửa được mở rộng thêm hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm nhập vào
thế gian.
Chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là
quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền
lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng
hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi
lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt
động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống
trị của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín
hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này
trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo Hội có thể đáp ứng những
hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Thực vậy, nếu phải
công nhận rằng xã hội trần gian, vì lo lắng việc trần thế cách hợp pháp nên có
quyền điều hành theo những qui tắc riêng biệt, thì cũng phải loại bỏ cách chính
đáng tà thuyến chủ trương xây dựng xã hội bất cần đạo lý, và chủ trương chống lại
hay hủy diệt tự do tín ngưỡng của người công dân 5. 47*
37. Tương quan với hàng
giáo phẩm. Như mọi Kitô hữu khác, giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có
chức thánh ban phát dồi dào ơn trợ lực chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của
Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích 6.
Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Kitô, họ cũng sẽ trình bày với
các vị ấy những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự
hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn
phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội
7.
Họ nên thực hiện điều đó, nếu cần, nhờ vào các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập
nhằm mục đích ấy; và họ hãy luôn chân thành, can đảm và khôn ngoan, kính trọng
và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài.
Như mọi tín hữu
khác, với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp
nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết
định với tư cách những thầy dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội; làm như
thế, họ đã theo gương Chúa Kitô, Ðấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh
phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên
dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các
ngài hoan hỷ mà không than vãn thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta,
nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dth 13,17).
Phần các chủ
chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm
của giáo dân trong Giáo Hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn
ngoan của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội,
cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích
họ tự đảm lấy trách nhiệm. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét,
trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát vọng của họ 8.
Ðàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi
người trong lãnh vực trần thế.
Họ hy vọng rằng, sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ
đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân
ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát
triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các chủ
chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch
và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn
thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ
mệnh mình đối với sự sống của thế gian. 48*
38. Giáo dân, linh hồn của thế giới. Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân
phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu
hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới
bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gal 5,22) và truyền bá cho thế gian tinh
thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm
Chúa đã tuyên bố là có phúc (x. Mt 5,3-9). Tóm lại, "người Kitô hữu hãy
làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống" 9. 49*
Chú Thích:
40* Vị trí và cơ cấu của chương này cho ta thấy tầm quan trọng của
nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công Ðồng bàn nguyên một chương đặc biệt về
giáo dân, và ở đây mới chỉ nhằm tới nền tảng thần học về cơ cấu Giáo Hội dưới
khía cạnh ơn gọi của giáo dân. Những khía cạnh thực tiễn như về những hình thức
tổ chức chẳng hạn, sẽ được đề cập trong sắc lệnh đặc biệt về Tông Ðồ Giáo Dân.
Và những vấn đề trọng đại nói lên mối tương quan giữa Giáo Hội và các giá trị
trần thế, sẽ được nghiên cứu tỉ mỉ trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế
Giới Ngày Nay.
Từ những cuộc
tranh luận trong Công Ðồng và từ chính những nghị định, chúng ta có thể kết luận
rằng, giáo dân không chỉ được định nghĩa một cách đơn giản như không phải là
giáo sĩ, nhưng trước hết phải được công nhận là thuộc về Dân Chúa. Do đó, chúng
ta sẽ nghiên cứu chương này dựa trên chương II, bởi vì những đặc điểm của giáo
dân mô tả ở đây, có liên quan phần lớn tới phần tử Dân Chúa. (Xem tiếp các chú
thích 41* - 49*).
41* Công Ðồng bắt đầu bằng số 31 để trả lời cho câu hỏi đã được đặt
ra: giáo dân là gì trong viễn tượng một khoa thần học về Giáo Hội? Công Ðồng
đưa ra ánh sáng những yếu tố tích cực biểu thị đặc tính của giáo dân, và yếu tố
chính là tính cách trần thế, nghĩa là người đảm nhận qui hướng về Thiên Chúa những
sự việc trần thế mà họ dấn thân. Vậy những đặc điểm của một giáo dân là:
- Sống giữa mọi
người và trong xã hội nhờ dây liên lạc gia đình và nghề nghiệp.
- Thánh hóa trần
gian như men bột qua việc minh chứng bằng đời sống trong khi thi hành nhiệm vụ
riêng biệt trong nghề nghiệp của mình.
- Trách vụ làm
cho những thực tại trần thế biết ca tụng Ðấng Sáng Tạo và Cứu Thế, những thực tại
mà họ được nối kết chặt chẽ như Chúa Kitô muốn.
Ðó là tình trạng
tạo nên một giáo dân, khiến họ có thể là chứng nhân tông đồ đích thực giữa trần
gian.
1 T. Augustinô,
Serm. 340 : PL 38, 1483.
42* Số 32 trình bày ý tưởng giáo dân là phần tử Dân Chúa có địa vị
là con cái Chúa, được mời gọi nên thánh và lãnh nhận ơn Chúa. Về vấn đề này
Công Ðồng quả quyết hai điểm:
- Phép Thánh Tẩy
ban cho mọi người lãnh nhận sự bình đẳng căn bản.
- Mọi người phải
liên kết với nhau: mục tử không những là thủ lãnh nhưng còn là người phục vụ
Dân Chúa.
2 Xem Piô XI,
Tđ. Quadragesimo anno, 15-5-1931 : AAS 23 (1931), trg 212t. Piô XII, diễn từ De
quelle consolation, 14-10-1951 : AAS 43 (1951), trg 790t.
3 Xem Piô XII,
diễn từ Six ans se sont écoulés, 5-10-1957 : AAS 49 (1957), trg 927.
43* Số 33: Tiếp theo đó, Công Ðồng tuyên bố hoạt động tông đồ giáo
dân tham dự vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội vì đặt nền tảng trong phép Thánh Tẩy
và phép Thêm Sức. Tính cách đặc biệt của tông đồ giáo dân là làm cho Giáo Hội
hiên diện và hoạt động trong mọi hoàn cảnh của thế giới. Vả lại, giáo dân vẫn
có thể cộng tác chặt chẽ với hàng giáo phẩm trong việc tông đồ của giáo sĩ đích
danh. Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân sẽ lặp lại và quảng diễn ý tưởng đó.
44* Trong các số 34-36, căn cứ vào ba tước hiệu căn bản của Chúa
Kitô, Công Ðồng muốn chứng minh cách thức đặc biệt mà giáo dân, với tước hiệu
là phần tử Dân Chúa, được tham dự vào các nhiệm vụ khác nhau đó.
Tham dự vào chức
tư tế cộng đồng. Ðoạn này lặp lại các số 10 và 11 về chức tư tế cộng đồng của
người đã chịu phép Thánh Tẩy và được thực thi trong việc phụng tự: chức tư tế
đó diễn tả và thánh hóa đời sống thường nhật của giáo dân và nhờ đó mà giáo dân
thánh hóa thế gian.
Tham dự vào sứ mệnh
tiên tri của Chúa Kitô: giáo dân minh chứng đức tin và đức ái trong thế giới
nghề nghiệp và kỹ thuật, trong những điều kiện thông thường mà họ sinh sống; đặc
biệt làm chứng trong tổ ấm và gia đình công giáo, nơi đã được bí tích Hôn Nhân
thánh hóa và thánh hiến.
4 Sách lễ Roma,
trích kinh Tiền Tụng lễ Kitô Vua.
5 Xem Leô XIII, Tđ.
Immortale Dei, 1-11-1885 : ASS 18 (1885), trg 166tt. N.t., Tđ. Sapientiae
christianae, 10-1-1890 : ASS 22 (1888-90), trg 397tt. Piô XII, diễn từ Alla
vostra filiae, 23-3-1958: AAS 50 (1958), trg 220: "tính cách thế tục hợp
pháp và lành mạnh của quốc gia".
47* Số 36: Vương giả. Tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô: ở
đây bàn về sự kiện giáo dân thánh hóa thế gian, vì họ đem sở trường tham gia
vào công cuộc tìm kiếm và xây dựng trần thế: vai trò đó làm họ thích hợp với việc
tán trợ công cuộc chuẩn bị cho Phúc Âm (x. số 16) qua những giá trị nhân bản.
6 Xem Giáo luật
kh. 682.
7 Xem Piô XII,
diễn từ De quelle consolation, n.v.t., trg 789: "Trong những trận chiến dứt
khoát, đôi khi những kẻ ở tiền tuyến lại có những sáng kiến tốt đẹp nhất...".
n.t., diễn từ L'importance de la presse cathol., 17-2-1950: AAS 42 (1950), trg
256.
8 Xem 1Th 5,19
và 1Gio 4,1.
48* Số 37 đưa ra nguyên tắc tốt đẹp giữa giáo dân và hàng giáo phẩm.
Giáo dân phải theo tinh thần Kitô giáo mà trọng kính tuân phục giáo phẩm, và
giáo phẩm cũng phải biết thẳng thắn tiếp nhận giáo dân, biết lấy tinh thần kính
trọng và bác ái mà lắng nghe họ, biết thừa nhận và đề cao địa vị và trách nhiệm
của họ trong Giáo Hội. Giáo Hội cũng phải tôn trọng sự tự do chính đáng của họ
trong nước trần gian.
9 Epist. ad
Diognetum, 6 :x.b. Funk I, trg 400. - Xem T. Gioan Kim Khẩu, in Mt bài giảng 46
(47), 2: PG 58, 478, về men trong bột.
49* Ðể kết luận, số 38 quả quyết mỗi giáo dân tùy theo cảnh huống của
mình phải là chứng nhân của Phục Sinh và là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống.
Chương V: Lời Kêu Gọi Mọi Người
Nên Thánh Trong Giáo Hội 50*
39. Sự thánh thiện trong Giáo Hội. Chúng tôi tin Giáo Hội, một mầu nhiệm
được Thánh Công Ðồng trình bày, có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực
vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được
ca tụng là "Ðấng thánh duy nhất" 1,
đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội (x.
Eph 5,25-26). Người kết hiệp với Giáo Hội như thân thể Người và ban cho dư đầy
ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo
Hội - hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt - đều được
kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: "Vì Thiên Chúa muốn anh em
được thánh hóa" (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo Hội
luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần
đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức
nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Ðức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình
trong khi xây dựng kẻ khác. Ðặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực
hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần
thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc
trong những lối sống hay bậc sống đã được GiáoHội công nhận; việc thực hành đó
mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời
về sự thánh thiện của Giáo Hội. 51*
40. Mọi người được kêu gọi
sống thánh thiện. Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn
lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực
nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng
hoàn tất: "Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời"
(Mt 5,48) 2.
Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi
thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ
(x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34;
15,12). Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không
phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa
Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái
Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên
thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự
thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông Ðồ khuyên sống "xứng
đáng như những vị thánh" (Eph 5,3) và mặc lấy "lòng thương xót, nhân
hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người đã được Thiên Chúa chọn
lựa, thánh hóa và yêu thương" (Col 3,12), và dùng hoa trái của Thánh Thần
để thánh hóa mình (x. Gal 5,22; Rom 6,22). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm
lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng
ngày phải cầu nguyện "xin Chúa tha nợ chúng tôi" (Mt 6,12) 3.
Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo
bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống
Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái 4.
Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo
hơn. Ðể đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô
đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và
khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh
danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ
sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời
sống của bao vị thánh. 52*
41. Nhiều hình thức thực
hành sự thánh thiện duy nhất. Những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn,
nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý,
noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần
vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh
thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo
ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống
động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.
Các chủ chăn lo
cho đoàn chiên Chúa Kitô phải là những người đầu tiên chu toàn thừa tác vụ mình
cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và can đảm, noi gương vị Linh Mục thượng
phẩm và vĩnh cửu, vị Chủ Chăn và Giám Mục chăm sóc linh hồn chúng ta: làm như
thế, các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ mình một phương thế tuyệt diệu để
thánh hóa. Ðược chọn để lãnh nhận trọn vẹn chức linh mục, các ngài hưởng nhờ ơn
bí tích để thi hành nhiệm vụ bác ái cao cả của vị chủ chăn 5,
trong lời cầu nguyện, bằng việc hy sinh, giảng dạy và bằng mọi hình thức chăm
sóc và phục vụ khác thuộc bổn phận của Giám Mục; các ngài đừng ngại hy sinh mạng
sống vì con chiên và trở nên mẫu mực cho đoàn chiên (x. 1P 5,3); sau cùng, các
ngài làm cho Giáo Hội ngày càng thánh thiện hơn bằng gương lành của các ngài.
Các linh mục kết
thành vòng hoa thiêng liêng của hàng Giám Mục 6
và thông phần vào ân sủng thuộc chức vụ Giám Mục, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Trung
Gian vĩnh cửu duy nhất; cũng như hàng Giám Mục, các linh mục phải gia tăng tình
yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hàng ngày; các ngài phải
gìn giữ mối dây liên lạc giữa hàng linh mục, phải được dư đầy của cải thiêng
liêng, phải là những chứng nhân sống động của Thiên Chúa trước mặt mọi người 7,
và thi đua với những vị linh mục mà qua các thế hệ, đã để lại những chứng tá
thánh thiện sáng ngời trong những việc phục vụ thường khiêm tốn và kín đáo. Các
vị linh mục ấy được ca tụng trong Giáo Hội Chúa. Linh mục có bổn phận dâng kinh
nguyện và lễ vật cho dân ngài và toàn thể Dân Thiên Chúa, các ngài phải ý thức
điều các ngài làm và sống xứng đáng hợp với những điều các ngài cử hành 8.
Các linh mục phải vượt qua những lo lắng tông đồ, những nguy hiểm và thử thách
mà không để chúng trở thành những chướng ngại, hầu tiến xa hơn trên đường thánh
thiện nhờ biết nuôi dưỡng và củng cố hoạt động của mình bằng việc chiêm niệm dồi
dào. Như thế, các ngài sẽ mang lại niềm hoan hỷ cho toàn thể Giáo Hội Chúa. Tất
cả các linh mục, nhất là những vị đặc biệt thụ phong để thành linh mục giáo phận,
hãy nhớ rằng việc trung thành kết hợp và quảng đại cộng tác với Giám Mục là
phương tiện rất tốt để thánh hóa chính mình.
Dự phần cách đặc
biệt vào sứ mệnh và ân sủng của chức linh mục thượng phẩm, còn có những thừa
tác viên ở bậc thấp hơn, trước hết là những vị Phó Tế; các Phó Tế khi phục vụ
các nhiệm tích của Chúa Kitô và Giáo Hội 9,
phải giữ mình tinh sạch khỏi mọi nết xấu, làm đẹp lòng Thiên Chúa và mưu cầu lợi
ích cho nhân loại (x. 1Tm 3,8-10 và 12-13). Những giáo sĩ được Chúa kêu gọi để
thuộc riêng về Chúa, và đang sửa soạn để lãnh nhận nhiệm vụ thừa tác viên, dưới
sự coi sóc của vị chủ chăn, các vị ấy phải để lòng trí xứng hợp với ơn gọi hết
sức cao cả của mình bằng cách cầu nguyện liên lỉ, yêu thương nhiệt thành, chỉ
tưởng đến những điều chân thật, chính đáng và lành thánh, và chu toàn mọi sự để
làm vinh danh Thiên Chúa. Thêm vào số người đó, còn có những giáo dân được Thiên
Chúa chọn; họ được Giám Mục gọi để dấn thân trọn vẹn vào việc tông đồ, và họ
làm việc rất hữu hiệu trong cánh đồng của Chúa 10.
Còn bậc vợ chồng
và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải
suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu
thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết
Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt
tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng
tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần
vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê Người: bởi yêu thương, Người đã hiến mạng
sống vì Hiền Thê 11.
Dưới một hình thức khác, bậc quả phụ và độc thân cũng nêu lên một gương tương tự:
họ có thể góp phần không ít vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội. Còn
những người thường làm lụng vất vả, công việc của con người phải là phương thế
để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật;
và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức
ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã làm việc tay chân và không
ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người; và nhờ công ăn việc làm, họ
phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách
tông đồ.
Ước gì những người
chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, hay bị
bách hại vì sự công chính cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Ðấng
đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới, vì trong Phúc Âm Chúa đã tuyên bố họ là
người có phúc, và vì "Thiên Chúa của mọi ân phúc, Ðấng đã gọi chúng ta đến
sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu đau khổ
trong một thời gian ngắn, chính người sẽ làm cho chúng ta hoàn hảo, vững chắc
và mạnh mẽ" (1P 5,10).
Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của
cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nếu họ biết tin
tưởng lãnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên Trời và biết cộng tác với thánh ý
Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa đối với thế
giới trong chính việc họ phục vụ trần thế. 53*
42. Ðường lối và phương tiện
nên thánh. "Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong
Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy" (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã
đổ tràn đức ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho
chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Ðức
ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì
Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa
trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành
thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng
tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt
thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức. Thực thế, đức ái là
mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm
13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành
và đạt được cùng đích 12.
Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân
chính của Chúa Kitô.
Vì Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa, đã tỏ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng
ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì
anh em (x. 1Gio 3,16; Gio 15,13). Một số Kitô hữu ngay từ thời sơ khai đã được
gọi và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng tình yêu ấy cách hùng hồn trước mặt mọi
người, nhất là trước mặt những kẻ bách hại mình. Khi tử đạo, người môn đệ đồng
hóa với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới,
và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu; Giáo Hội coi việc tử đạo đó
như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái. Mặc dầu chỉ một số
ít được phúc tử đạo, nhưng tất cả mọi người phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô
trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những cuộc
bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội.
Sự thánh thiện của
Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong
Phúc Âm cho môn đệ noi theo 13.
Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho
một số người (x. Mt 19,11; 1Cor 7,7), để họ tận hiến trọn tình yêu không chia xẻ
cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc đồng trinh hay độc thân (x. 1Cor
7,32-34) 14.
Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quí trọng và coi
như dấu chỉ và động lực của đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt sinh nhiều ơn
ích thiêng liêng trong thế giới.
Giáo Hội cũng nhớ
lời khuyên nhủ của Thánh Tông Ðồ thúc giục các tín hữu sống bác ái và khuyên họ
phải có tâm tình như Chúa Giêsu Kitô "Ðấng tự diệt mình, nhận lấy hình hài
tôi tớ..., và vâng lời cho đến chết" (Ph 2,7-8), và vì chúng ta, "Người
đã trở nên nghèo nàn, tuy Người vốn giàu sang" (2Cor 8,9). Việc noi theo
và làm chứng đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện
không ngừng; nên Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có
nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự
diệt của Người. Họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ
bỏ ý riêng: hơn cả mức đòi buộc của giới luật, họ tự nguyện tùng phục một con
người, tùng phục vì Chúa, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, hầu nên giống
Chúa Kitô vâng lời cách hoàn toàn hơn 15.
Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và
nên trọn lành theo bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tâm tình
mình cho đúng đắn, để việc xử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự
giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, không cản trở họ theo đuổi
đức ái trọn hảo, như lời Thánh Tông Ðồ cảnh giác: ai xử dụng thế gian này, xin
chớ dừng lại đó, vì cuộc diện đời này sẽ qua đi (x. 1Cor 7,31, bản Hy lạp) 16.
54*
Chú Thích:
50* Trong lược đồ trình lên Công Ðồng khi khai mạc kỳ họp thứ hai, cả
hai chương V và VI như chúng ta thấy hiện nay đều nằm chung trong một chương. Sự
phân chia hai chương đó đặt ra hai câu hỏi:
1) Soạn một
chương đặc biệt nói về tu sĩ phải chăng không thích hợp: (x. cuộc tranh luận
trong chương kế tiếp).
2) Phải chăng tốt
hơn là sắp đặt chương V này của lược đồ vào trong các chương I và II? Bởi vì việc
nên thánh gắn liền với đời sống và mầu nhiệm Giáo Hội nên không thể bàn riêng
được. Như vậy đáng lẽ Hiến Chế được kết cấu cân xứng và mạch lạc hơn: sau những
chương đề cập đến mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Thiên Chúa (bao gồm cả khía cạnh
thánh thiện và cánh chung) là những chương nói về các bậc sống khác nhau trong
Giáo Hội: giáo phẩm, giáo dân cách tổng quát, tu sĩ và những người có gia đình.
Kết thúc là chương về Ðức Mẹ. Việc sắp xếp như vậy không thực hiện được vì thiếu
thời giờ.
Chương V được kết
cấu như sau: Công Ðồng xác định sự thánh thiện bản thể và luân lý của Giáo Hội
(số 39), rồi kêu gọi mọi phần tử trong Giáo Hội phải nên thánh và hướng về sự
nên thánh (số 40). Phải nên thánh thực sự trong bất cứ địa vị, điều kiện hay
nghề nghiệp nào (số 41) bởi vì mọi phần tử trong Giáo Hội đều có những phương
tiện tự nhiên và siêu nhiên giúp cho họ không những nên thánh mà còn có được sự
hoàn hảo trong bậc sống riêng của mình (số 42).
1 Sách lễ Roma,
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Xem Lc 1,35; Mc 1,24; Lc 4,34; Gio
6,69 (ho hagios tou Theou); CvTđ 3,14; 4,27 và 30; Dth 7,26; 1Gio 2,20; Kh 3,7.
Ðiều quả quyết
chủ yếu của số này là: Giáo Hội thánh thiện. Những ý tưởng khác trong số này đều
phụ thuộc vào điều quả quyết chủ yếu đó. Giáo Hội thánh thiện vì tham dự vào sự
thánh thiện của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, mới có lời kêu gọi nên thánh trong trật
tự luân lý, vì trong trật tự đó mà Giáo Hội phải thực hiện sự thánh thiện bản
thể Chúa Kitô ban cho. Sự thánh thiện này biểu lộ trong những hoa trái ân sủng
nơi mỗi người, dưới nhiều hình thức, và đặc biệt trong việc thực hành các lời
khuyên Phúc Âm với tính cách riêng hoặc chung. Tóm lại, số này nhấn mạnh đến
khía cạnh bản thể và luân lý của sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội
qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần; và chỉ mới trình bày nền tảng theo lời
Thánh Phaolô: "Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa".
2 Xem Origenê,
Comm. Rom. 7,7 : PG 14, 1122B Macariô Giả, De oratione, 11 : PG 34, 861 AB. T.
Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 3.
3 Xem T.
Augustinô, Retract. II, 18 : PL 32, 637t. Piô XII, Tđ. Mystici Corporis,
29-6-1943 : AAS 35 (1943), trg 225.
4 Xem Piô XI,
Tđ. Rerum omnium, 26-1-1923 : AAS 15 (1923), trg 50 và 59-60. n.t. Tđ. Casti
connubii, 31-12-1930 : AAS 22 (1930), trg 548. Piô XII, Tông hiến Provida
Mater, 2-2-1947: AAS 39 (1947), trg 117. Diễn từ Annus sacer, 8-12-1950: AAS 43
(1951), trg 27-28. Diễn từ Nel darvi, 1-7-1956 : AAS 48 (1956), trg 574t.
52* Số 40: Mọi người đều được kêu gọi nên thánh.
Số này xét đến sự
thánh thiện của mỗi Kitô hữu nằm trong văn mạch về sự thánh thiện của Giáo Hội.
Công Ðồng đưa ra những yếu tố gắn liền với lời kêu gọi mỗi người nên thánh. Ðoạn
nhất bày tỏ sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu, và vì Kitô hữu được công chính hóa
nhờ đức tin và phép Thánh Tẩy, tự bản thể và căn nguyên họ trở nên thánh thiện
trong chân lý, nên họ có nhiệm vụ phải sống xứng hợp với điều ấy. Nền tảng
thánh thiện vẫn tồn tại sau khi phạm tội. Ðề cập đến tội lỗi là để tránh một
hình thức duy tâm nguy hại và để có thể lưu ý đến thực tại. Ðoạn hai kêu gọi mọi
người nên thánh hoàn toàn. Ðây là phần kết luận cho cả số, rút ra từ nền tảng
đã đặt định: Kitô hữu không chỉ nên thánh mà thôi, nhưng còn phải thực hiện sự
thánh thiện trong đời sống cụ thể. Kitô hữu được kêu gọi làm việc đó.
5 Xem Tôma,
Summa Theol. II-II, q. 184, a. 5 và 6; De Perfect. Vitae spir., ch. 18.
Originê, In Is. bài giảng 6,1 : PG 13, 239.
6 Xem T. Inhaxiô
Tử đạo, Magn. 13,1 : x.b. Funk I, trg 241.
7 Xem T. Piô X,
huấn từ Haerent animo, 4-8-1908: AAS 41 (1908), trg 560t. Giáo luật kh. 124.
Piô XI, Tđ. Ad Catholici sacerdoti I, 20-12-1935 : AAS 28 (1936), trg 22.
8 Xem
Pontificale Romanum, lễ truyền chức linh mục, lời huấn từ đầu.
9 Xem T. Inhaxiô
Tử đạo, Trall. 2,3 : x.b. Funk I, trg 244.
10 Xem Piô XII,
diễn từ Sous la maternelle protection, 9-12-1957 : AAS 50 (1958), trg 26.
11 Xem Piô XI,
Tđ. Casti connubi I, 31-12-1930: AAS 22 (1930), trg 548. T. Gioan Kim Khẩu, In
Ephes. Bài giảng 20,2 : PG 62,136 tt.
53* Số 41: Thực hành sự thánh thiện.
Ðộng lực trong đời
sống Kitô giáo hướng dẫn mọi tín hữu đến đức ái hoàn hảo. Việc đó được thực
hành theo nhiều mức độ, cũng như tùy theo các hồng ân và trạng huống khác nhau,
hoặc trên bình diện đời sống Kitô giáo nói chung, hoặc mỗi bậc sống nói riêng.
Theo văn mạch chúng ta thấy rằng nếu sự thánh thiện chỉ là một xét theo bản thể
của nó, nó lại có nhiều cấp độ, vì sự tự do cộng tác vào ân sủng khác nhau, vì
các bậc sống khác nhau và cuối cùng vì ân sủng được trao ban theo nhiều cách thức
và mỗi người có hồng ân riêng biệt của mình.
Phần còn lại là
một lời khuyên nhủ đặc biệt, có tính cách mục vụ, nhằm gởi đến những hạng người
và những bậc sống khác nhau trong Giáo Hội (giám mục, linh mục, giáo sĩ, giáo
dân, vợ chồng, công nhân, người chuyên nghiệp nói chung), để họ sống và có thể
thăng tiến trên đường thánh thiện, phù hợp với địa vị và điều kiện riêng của họ.
Như vậy là đi từ lời kêu gọi nên thánh tới nhiệm vụ phải tự thánh hóa trong địa
vị và điều kiện riêng của mình. Và đó là nhiệm vụ của mỗi người.
12 Xem T.
Augustinô, Enchir. 121, 32 : PL 40, 288. T. Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184,
a.1. Piô XII, huấn từ Menti nostrae, 23-9-1950 : AAS 42 (1950), trg 660.
13 Về các lời
khuyên nói chung, xem Origenê, Comm. Rom. X,14: PG 14, 1275B. T. Augustinô, De
S. Virginitate, 15,15 : PL 40,403. T. Tôma, Summa Theol. I-II, q. 100, a.2, C
đoạn cuối; II-II, q. 44, a. 4,3.
14 Về sự cao vời
của đức khiết tịnh thánh hiến, xem Tertullianô, Exhort. Cast. 10 : PL 2,925C.
T. Cyprianô, Hab. Virg. 3 và 22 : PL 4,443B và 461At. T. Athanasiô (?), De
Virg. PG 28,252tt. T. Gioan Kim Khẩu, De Virg. : PG 48,533tt.
15 Về sự khó
nghèo, xem Mt 5,3 và 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22; gương vâng lời của Chúa Kitô
trong Gio 4,34 và 6,38; Ph 2,8-10; Dth 10,5-7. Các Giáo Phụ và các Ðấng sáng lập
dòng thường đề cập rất nhiều đến các nhân đức này.
16 Về sự thực
hành công hiệu những lời khuyên mà không bắt buộc tất cả mọi người, xem T.
Gioan Kim Khẩu, In
54* Số 42 : Những phương tiện thánh hóa.
Số này trình bày
động lực làm cho Kitô hữu thăng tiến trên đường thánh thiện: đó là đức ái. Cơ cấu
của số này như sau: đức ái là linh hồn của mọi hành động thánh thiện (42a), biểu
lộ bằng hành động cao cả là tử đạo (42b), trong các lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt
trong sự khiết tịnh vẹn toàn (42c), trong sự khiêm hạ, tuân phục và khó nghèo
(42d). Chính nhờ đức ái mà chúng ta tránh được nguy hiểm (42e). Ðức ái là con
đường chính yếu và cần thiết để nên thánh. Công Ðồng nhấn mạnh tới tính cách
thiên phú của nhân đức này như là hồng ân Chúa ban và tới khía cạnh giới luật
đòi người ta phải yêu mến Thiên Chúa và tha nhân nhờ thực hành các nhân đức
khác. Công Ðồng còn đề cập đến các bí tích, lời kinh nguyện, sự quên mình, sự
khổ hạnh và việc phục vụ huynh đệ. Như thế đức ái là mầm mống các nhân đức
khác. Từ những điều đã trình bày chúng ta có thể kết luận là đức ái đòi phải
thi hành mọi giới luật Thiên Chúa (x. 1Gio 5,3; Gio 14,21; 2Gio 6). Bậc sống
riêng nào của mỗi người cũng có thể thực hành những lời khuyên Phúc Âm. Như vậy
là tránh được thiên kiến cho rằng các tu sĩ chiếm độc quyền việc nên thánh. Số
42 làm sáng tỏ động lực này của đức ái qua sự thực hành trong mỗi tình trạng cụ
thể.
Chương VI: Tu Sĩ 55*
43. Những lời khuyên Phúc
Âm trong Giáo Hội. Những lời khuyên Phúc Âm về đức khiết tịnh để hiến mình cho
Thiên Chúa, về đức nghèo khó và vâng lời, đều đặt nền tảng trên lời nói cùng
gương lành của Chúa, đã được các Tông Ðồ và các Giáo Phụ, các tiến sĩ và các chủ
chăn Giáo Hội khuyên giữ. Các lời khuyên ấy là ân huệ thần linh mà Giáo Hội đã
nhận lãnh bởi Chúa mình và luôn gìn giữ nhờ ơn Người. Theo sự hướng dẫn của
Thánh Thần, chính giáo quyền ân cần giải thích các lời khuyên của Phúc Âm, hướng
dẫn cách thực hành, cùng thiết lập những lối sống cố định dựa trên những lời
khuyên ấy. Do đó, như một cây đâm chồi nẩy lộc um tùm và kỳ diệu từ hạt giống
Chúa gieo vãi trong cánh đồng của Người, thì cũng có nhiều lối sống khác nhau:
đơn độc hay cộng đồng, và dòng tu khác nhau mà phần sản nghiệp dồi dào đem lại
lợi ích cho các chi thể của dòng cũng như toàn Thân Thể Chúa Kitô 1.
Thực vậy, các dòng ấy mang lại cho các chi thể những trợ lực bền bỉ trong một đời
sống vững vàng hơn, một học thuyết vững chắc giúp đạt đến trọn lành, một mối hiệp
thông huynh đệ trong đạo binh Chúa Kitô, và một sự tự do được đức vâng lời củng
cố; thế nên, họ có thể an tâm chu toàn và trung thành gìn giữ lời khấn cùng
hoan hỷ tiến bước trên con đường đức ái 2.
Xét theo thể chế của Giáo Hội do Chúa thiết lập và có phẩm trật, thì
bậc sống tu trì không ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân; thực vậy Thiên Chúa kêu gọi
một số Kitô hữu ở cả hai bậc giáo sĩ và giáo dân đến hưởng lấy ân huệ đặc biệt
trong đời sống Giáo Hội, và mỗi người một cách góp phần vào sứ mệnh cứu độ của
Giáo Hội 3. 56*
44. Bản tính và tầm quan
trọng của bậc tu trì. Người Kitô hữu tự buộc mình tuân giữ ba lời khuyên của
Phúc Âm qua lời khấn hay qua những ràng buộc thánh khác tương tự như lời khấn
dòng; nhờ đó họ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm
vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt. Nhờ phép Thánh Tẩy, họ đã
chết cho tội lỗi và được cung hiến cho Thiên Chúa; nhưng để có thể thâu lượm dồi
dào ơn ích của bí tích ấy, người Kitô hữu muốn nhờ việc khấn giữ ba lời khuyên
của Phúc Âm trong Giáo Hội, thoát ly khỏi những ngăn trở có thể làm họ không
nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo; và họ tận hiến để phụng
sự Thiên Chúa cách thân tình hơn 4.
Việc cung hiến đó càng trở nên hoàn hảo hơn khi việc Chúa Kitô hiệp nhất với
Giáo Hội, hiền thê của Người, bằng mối dây bất khả phân ly càng được phản ảnh
trong những mối dây ràng buộc chắc chắn và vững bền hơn.
Những lời khuyên
của Phúc Âm đưa đến đức ái 5,
và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy kết hiệp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội
và với mầu nhiệm Giáo Hội. Bởi đó, đời sống thiêng liêng của họ cũng phải mưu cầu
lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Do đó, mỗi người tùy sức và ơn gọi của mình, bằng
kinh nguyện hay bằng hành động tích cực, có bổn phận làm cho Nước Chúa Kitô ăn
rễ sâu và vững mạnh trong các tâm hồn và bành trướng trên khắp vũ trụ. Vì thế,
Giáo Hội duy trì và nâng đỡ đặc tính riêng biệt của các tu hội.
Việc khấn giữ
các lời khuyên của Phúc Âm thực là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu
tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi làm Kitô hữu.
Thực vậy, dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm
một thành trì mai sau. Bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần
tục, cùng tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có
ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại
một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh
quang của Nước Trời. Hơn nữa, bậc sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và
thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã nhận khi Người
xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống mà Người đã đề ra
cho các môn đệ theo Người. Sau cùng, bậc sống ấy đặc biệt cho ta thấy Nước
Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết
bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Chúa Kitô Vua
và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong
Giáo Hội.
Vì thế, bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của
Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên
cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. 57*
45. Quyền bính Giáo Hội và
bậc tu trì. Vì trong Giáo Hội, giáo phẩm có nhiệm vụ chăn dắt và dẫn đưa Dân
Chúa đến những đồng cỏ phì nhiêu (x. Ez 34,14), nên có nhiệm vụ dùng các luật lệ
mà hướng dẫn cách khôn ngoan việc thực hành những lời khuyên của Phúc Âm, vì đó
là phương thế đặc biệt để cổ võ đức ái trọn hảo đối với Thiên Chúa và tha nhân 6.
Ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, giáo phẩm đón nhận những
luật dòng do những nam nữ sáng lập viên lỗi lạc đề nghị, và chính thức phê chuẩn
sau khi tu chỉnh. Và do quyền hành của mình, giáo phẩm luôn có mặt để săn sóc
và bảo trợ những dòng tu được thiết lập khắp nơi nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa
Kitô, để các dòng tu ấy phát triển và sinh hoa kết quả theo tinh thần các đấng
sáng lập.
Ðàng khác, để
đáp ứng cách hữu hiệu hơn nhu cầu của toàn thể đoàn chiên Chúa, Ðức Giáo Hoàng,
vì có quyền tối thượng trong toàn thể Giáo Hội và để phục vụ ích chung, có thể
tách bất kỳ dòng tu hay tu sĩ nào khỏi quyền tài thẩm của các Ðấng Bản Quyền và
chỉ đặt dưới quyền duy nhất của ngài 7.
Cũng thế, có thể có những dòng tu và những tu sĩ được để lại hoặc giao phó cho
thẩm quyền riêng của các Giáo Chủ. Khi chu toàn phận vụ đối với Giáo Hội qua
cách sống đặc biệt của mình, các tu sĩ phải kính trọng và vâng lời các Giám Mục
theo giáo luật, vì phải tôn trọng quyền mục vụ của các ngài trong Giáo Hội địa
phương và vì cần phải có sự đồng tâm nhất trí trong việc tông đồ 8.
Giáo Hội không chỉ phê chuẩn việc khấn dòng để đưa đời tu lên địa vị
bậc sống theo giáo luật, nhưng qua việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội còn trình
bày việc khấn dòng ấy như một bậc sống cung hiến cho Thiên Chúa. Với quyền hành
Chúa ban, chính Giáo Hội nhận lời tuyên khấn của các tu sĩ; qua lời kinh công cộng,
Giáo Hội xin Chúa ban ân sủng và trợ giúp họ, phó thác họ cho Thiên Chúa, chúc
lành thiêng liêng cho họ, và kết hợp sự tận hiến của họ vào hy lễ tạ ơn. 58*
46. Sự cao cả củaviệc tận
hiến. Các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực
sự biểu dương Chúa Kitô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như các
lương dân: biểu dương Chúa Kitô đang cầu nguyện trên núi, hoặc đang loan báo Nước
Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải
các tội nhân trở lại đời sống phong phú, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, ban ơn
lành cho mọi người, và trong mọi sự luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Ðấng đã
sai Người đến 9.
Sau cùng, mọi tu
sĩ nên biết rằng việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, tuy bao gồm sự từ bỏ những
của cải mà dĩ nhiên phải được quí trọng, sẽ không làm ngăn trở việc phát triển
đích thực nhân vị, trái lại do bản chất của nó còn có lợi cho con người. Thực vậy,
các lời khuyên Phúc Âm, mà các tu sĩ đã tình nguyện chấp nhận theo ơn gọi riêng
của mình, góp phần không ít vào việc thanh luyện tâm hồn và phát huy tự do
thiêng liêng, và không ngừng khích lệ sống bác ái nhiệt thành, nhất là có sức
làm cho người Kitô hữu ngày càng nên giống đời sống trinh khiết và khó nghèo mà
Chúa Kitô đã chọn và Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Người, đã sống, như gương lành của
bao đấng sáng lập dòng đã chứng tỏ. Không ai được nghĩ rằng, vì tận hiến như thế,
các tu sĩ trở nên xa lạ với mọi người và vô dụng đối với xã hội trần thế. Vì dù
đôi khi không trực tiếp phụ giúp người đồng thời với mình nhưng tu sĩ lại hiện
diện cùng họ cách sâu xa hơn trong lòng Chúa Kitô và cộng tác một cách thiêng
liêng với họ, để việc xây dựng xã hội trần thế luôn đặt nền móng nơi Chúa và
luôn hướng về Người hầu những người xây dựng xã hội trần thế sẽ không luống
công 10.
Vì thế, Thánh Công Ðồng công nhận và khen ngợi nam nữ tu sĩ sống
trong tu viện, trường học, bệnh viện hoặc trong các xứ truyền giáo, đang trang
điểm Hiền Thê Chúa Kitô bằng tấm lòng khiêm hạ và kiên trung trong sự tận hiến
và quảng đại phục vụ mọi người dưới muôn vàn hình thức. 59*
47. Khuyến khích sự kiên tâm và thăng tiến. Vậy mỗi tu sĩ được gọi để
tuyên khấn, hãy chuyên tâm sống bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã gọi mình và
hãy mãi mãi tiến bộ để làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội thêm phong phú hơn
và sự vinh hiển của Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất và bất phân thêm cao cả hơn.
Trong và nhờ Chúa Kitô, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguyên ủy mọi sự thánh
thiện. 60*
Chú Thích:
55* Việc chuẩn bị chủ đề để soạn thảo cho chương này khá sôi nổi.
Trong lược đồ đầu tiên, tất cả chương VI đề cập đến tu sĩ. Khi lược đồ được làm
lại và đưa lên để Công Ðồng nghị trình trong kỳ họp thứ hai, chương nói về tu
sĩ lại được xen vào chương V bàn chung về lời kêu gọi nên thánh trong Giáo Hội.
Làm thế cũng gây nên nhiều bất tiện. Như vậy, chúng ta thấy có hai khuynh hướng:
khuynh hướng thứ nhất đòi soạn thảo một chương đặc biệt về tu sĩ, khuynh hướng
thứ hai cương quyết cứ để xen chung vào chủ đề về lời kêu gọi nên thánh. Sau
nhiều cuộc bàn cãi, việc phân tách hai chương được chấp thuận, như chúng ta thấy
trong bản văn chung quyết. Vị trí của chương này trong toàn thể Hiến Chế là do
những quan sát thực tiễn. Ðặt nó liền sau chương nói về lời kêu gọi nên thánh
là để bày tỏ giá trị và tầm quan trọng của đời tận hiến cho Giáo Hội để thánh
hoá và minh chứng. Kết cấu của chương này đơn giản: sau khi mô tả nguồn gốc và
sự tiến triển của các hình thức đời sống tu trì (số 43), Công Ðồng phân tích bản
tính đời sống tu trì (số 44), và sau đó xét đến vai trò của quyền bính Giáo Hội
đối với tu sĩ (số 45) và nhiệm vụ của đời sống tu trì trong việc phát triển
nhân phẩm của chính tu sĩ, hoặc trong đời sống Giáo Hội (số 46); sau cùng là
đôi lời khuyên nhủ vắn tắt kết thúc cho chương này (số 47).
1 Xem Rosweydô,
Vitae Patrum, Antwerpiae, 1628. Apophteymata Patrum : PG 65. Palladiô, Hist.
Lausiaca: PG 34, 995tt; x. b. C. Butler,
2 Xem Phaolô VI,
diễn từ Magno gaudio, 23-5-1964 : AAS 56 (1964), trg 566.
3 Xem Giáo luật,
kh. 487 và 488, 4. Piô XII, diễn từ Annus sacer., 8-12-1950: AAS 43 (1951), trg
27t. Piô XII, Tông hiến Provida Mater, 2-2-1947: AAS 39 (1947), trg 120tt.
Công Ðồng mô tả
nguồn gốc và sự tiến triển của các hình thức tu trì, một trật cũng bày tỏ thánh
ý Chúa và vai trò của quyền bính Giáo Hội. Ðời sống tu trì là một hồng ân Chúa
Cha ban cho Giáo Hội, Giáo Hội phải trung thành gìn giữ và hướng dẫn. Do lời giảng
dạy và gương mẫu của Người, Chúa Kitô là nền tảng các lời khuyên Phúc Âm. Công
Ðồng còn minh định thêm rằng đời sống tu trì không nằm trong hệ thống cơ cấu phẩm
trật (giáo sĩ - giáo dân), nhưng trong hệ thống cơ cấu đoàn sủng. Dầu các lời
khuyên là do Chúa ban, và đời sống tu trì thực hành những lời khuyên đó là thuộc
phạm vi đoàn sủng, Giáo Hội cũng phải thiết lập một hình thức định chế để thực
hành đời sống ấy.
4 Xem Phaolô VI,
n.v.t., trg 567.
5 Xem T. Tôma,
Summa Theol., II-II, q. 184,a. 3 và q. 188, a.2. T. Bonaventura, Opusc. XI,
Apologia Pauperum, ch. 3,3: x.b. Opera, Quaraechi, bộ 8, 1898, trg 245a.
57* Số 44: Bản tính của đời sống tu trì.
Trước hết Công Ðồng
thừa nhận trong đời sống đó có một sự thánh hiến cho Thiên Chúa để hoàn bị sự
thánh hiến của bí tích Thánh Tẩy. Do lời khấn hay việc dấn thân tương tự mà có
việc dâng hiến, nhờ đó đời sống của tu sĩ và cả thế giới được thần hóa nhiều
hơn (x. số 31). Sự thánh hiến này hoàn tất trong tình yêu trọn vẹn nhất: tình
yêu ưu tiên dành cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Ðời sống tu trì chính yếu cũng
là phục vụ Giáo Hội, để làm cho việc tông đồ được bành trướng. Nhưng vì là một
sự thánh hiến nội tâm, nên việc phục vụ trước hết là cộng tác vào việc mở mang
nước Chúa bằng thái độ nhiệt thành, bằng kinh nguyện và cũng có thể bằng hoạt động.
Bởi thế, việc phục vụ này không chỉ là một hình thức tông đồ bên ngoài. Giá trị
dấu hiệu của việc tuyên xưng các lời khuyên Phúc Âm phát xuất từ sự thánh hiến
nội tâm này: dấu hiệu cánh chung của đời sau và của hạnh phúc trên Trời, giá trị
của sự cao trọng Nước Chúa. Ðể kết luận, Công Ðồng tuyên bố đời sống tu trì
không thể tách lìa khỏi đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. Như vậy chúng
ta hiểu rằng, một đàng Giáo Hội cần được sự đóng góp của đời sống tu trì nên phải
cổ võ đến mức tối đa cho đời sống ấy, đàng khác đời sống ấy nói lên sức mạnh của
Giáo Hội. Cứ theo những điểm vừa nói thì đời sống tu trì là một thực tại sống động
trong Giáo Hội.
6 Xem CÐ Vat. I,
lược đồ De Ecclesia Christi, ch. XV, và chú giải 48: Mansi 51, 549t và 619t.
Leô XIII, thu Au milieu des consolations, 23-12-1900: ASS 33 (1900-01), trg
361. Piô XII, Tông hiến Provida Mater, n.v.t., trg 114t.
7 Xem Leô XIII,
Hiến chế Romanos Pontifices, 8-5-1881: ASS 13 (1880-81), trg 483. Piô XII, diễn
từ Annus Sacer, 8-12-1950 : AAS 43 (1951), trg 28t.
8 Xem Piô XII,
n.v.t., trg 28. Piô XII, Tông hiến Sedes sapientiae, 31-5-1956: AAS 48 (1956),
trg 355. Phaolô VI, diễn từ Magno gaudio, 3-5-1964: AAS 56 (1964), trg 570-571.
58* Số 45: Giáo Hội và đời sống tu trì.
Vai trò quyền
bính Giáo Hội nằm trong những điều quy định tổng quát: lập luật để làm qui tắc
hướng dẫn việc thực hành các lời khuyên, chuẩn y các điều lệ, lưu ý đến sự
trung thành và tăng triển các hội dòng. Sau đó Công Ðồng đề cập đến những người
nắm giữ quyền bính này: Ðức Giáo Hoàng là Vị mà các hội dòng miễn trừ phải tùy
thuộc; các Giáo Chủ, các Giám Mục là những người mà mọi tu sĩ phải kính trọng
và tuân phục. Sự quả quyết Giáo Hội góp phần trong phương diện phụng vụ và
thiêng liêng vào việc tuyên khấn cũng nói lên rằng những mối tương quan với quyền
bính không chỉ có tính cách pháp lý. Theo Hiến Chế, sự đóng góp vào phụng vụ mặc
ba hình thức: Giáo Hội dùng quyền bính chấp nhận các lời khấn, dùng lời kinh
công cộng xin Chúa ban ơn, kết hợp sự tận hiến của người tuyên thệ vào hy lễ tạ
ơn.
9 Xem Piô XII,
Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 241t.
10 Xem Piô XII,
diễn từ Annus Sacer, n.v.t., trg 30. Diễn từ Sous la maternelle protection,
9-12-1957: AAS 50 (1958), trg 39t.
59* Số 46 : Vai trò của đời sống tu trì.
Sau khi khuyên
nhủ tu sĩ biết minh chứng Chúa Kitô trong các hoạt động, Công Ðồng nhắc nhở cho
họ biết đời sống tu trì làm phát triển nhân cách con người vì là một sự tự hiến,
phát xuất từ hành động tự do của ý chí đi theo chiều hướng của ơn gọi cá nhân;
đời sống ấy còn định hướng nhân phẩm theo như điều mà chương trình của Chúa muốn
dung hợp, và như vậy làm cho nhân phẩm được nẩy nở hoàn toàn. Công Ðồng đề cập
ba khía cạnh của việc nẩy nở đó: tự do thiêng liêng trong tâm hồn trong sạch
hoàn toàn, bác ái hăng say nhờ đó mà nhân phẩm con người được phát triển đích
thực, dung hợp với lối sống mà chính Chúa Kitô đã theo, lối sống mà Mẹ Maria là
gương mẫu hoàn hảo. Công Ðồng cũng nhắc lại rằng đờisống tu trì còn cộng tác một
cách thiêng liêng vào công cuộc kiến tạo trần gian. Sự hiện diện tinh thần của
tu sĩ còn đích thực hơn cả sự hiện diện hữu hình bên ngoài. Cố nhiên Công Ðồng
không nói tu sĩ hiện diện nơi người khác nhưng hiện diện trong trái tim Chúa
Kitô. Do sự kiện cộng tác thiêng liêng vào công cuộc kiến tạo trần gian, tu sĩ
trở nên hữu ích cho xã hội và cộng tác vào việc tái tạo một thế giới xây dựng
trên Chúa Kitô. Sau cùng Công Ðồng tuyên bố công nhận và khen ngợi lối sống của
tu sĩ.
Trong câu kết luận
vắn tắt, Công Ðồng khuyên nhủ tu sĩ kiên trì và thăng tiến trong ơn gọi để Giáo
Hội được thánh thiện và để làm vinh danh Thiên Chúa.
Chương VII: Ðặc Tính Cánh Chung
Của Giáo Hội Lữ Hành Và Sự Hiệp Nhất Với Giáo Hội Trên Trời 61*
48. Ðặc tính chung của ơn
gọi chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo Hội trong Chúa Kitô,
và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta nên thánh trong Giáo Hội. Và Giáo Hội chỉ kết
thúc trong vinh quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến (CvTđ 3,21) và khi
toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô, vì
vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của
mình (x. Eph 1,10; Col 1,20; 2P 3,10-13).
Thực vậy, Chúa
Kitô, khi bị treo lên khỏi đất, đã kéo mọi người đến với mình (x. Gio 12,32, bản
Hy lạp). Khi từ kẻ chết sống lại (x. Rm 6,9), Người đã sai Thánh Thần ban sự sống
đến với các môn đệ và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Người là Giáo Hội như
bí tích phổ quát cứu rỗi. Nay đang ngự bên hữu Chúa Cha, Người không ngừng tác
động trong thế giới để dẫn đưa mọi người về với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, kết
hợp họ với Người khắng khít hơn; Người còn lấy chính Mình Máu Người nuôi họ,
cho họ tham dự vào cuộc sống vinh hiển của Người. Vì vậy, sự cải tạo Chúa đã hứa
và chúng đang mong đợi đã khởi sự nơi Chúa Kitô, được xúc tiến khi Thánh Thần đến
và nhờ Ngài được tiếp diễn trong Giáo Hội. Nhờ đức tin trong Giáo Hội, chúng ta
còn hiểu được ý nghĩa cuộc sống ở trần thế, ngay khi chúng ta lo hoàn tất công
việc Chúa Cha trao phó ở đời này trong niềm hy vọng hạnh phúc mai sau cũng như
khi chúng ta lo phần rỗi của mình (x. Ph 2,12).
Như thế thời đại
cuối cùng đã đến với chúng ta rồi vậy (x. 1Cor 10,11). Việc canh tân thế giới
được thiết lập một cách bất khả phục hồi và thực sự đã bắt đầu một cách nào đó
ngay từ bây giờ vì Giáo Hội đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực,
tuy chưa hoàn toàn. Dù vậy, cho tới khi có trời mới và đất mới, nơi công lý ngự
trị (x. 2P 3,13), Giáo Hội lữ hành mang khuôn mặt chóng qua của đời này, qua
các bí tích và định chế là những điều thuộc thời đại này. Và Giáo Hội vẫn sống
giữa các thụ sinh tới nay còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh
con, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện (x. Rm 8,19-22).
Bởi vậy, được nối kết với Chúa Kitô trong Giáo Hội và được in dấu của
Thánh Thần là "bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta" (Eph 1,14), chúng ta
thực sự được gọi là con Thiên Chúa và chúng ta là con Chúa thật (x. 1Gio 3,1);
nhưng chúng ta chưa được xuất hiện với Chúa Kitô trong vinh quang (x. Col 3,4),
trong đó chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa, vì trông thấy Ngài như Ngài có thật
(x. 1Gio 3,2). Vì thế, "đang khi chúng ta còn ở trong thân xác này, là phải
lưu đày xa Chúa" (2Cor 5,6) và được hưởng hoa quả đầu mùa của Thánh Thần,
chúng ta âm thầm than vãn (x. Rm 8,23) và khao khát được ở với Chúa Kitô (x. Ph
1,23). Chính đức ái đó thúc bách chúng ta sống cho Người hơn nữa, vì Người đã
chết và sống lại cho chúng ta (x. 2Cor 5,15). Do đó chúng ta gắng sức làm đẹp
lòng Chúa trong mọi việc (x. 2Cor 5,9) và mặc lấy binh giáp Thiên Chúa, hầu có
thể đứng vững trước những cạm bẩy của ma quỉ và kháng cự chúng trong ngày gian
truân (x. Eph 6,11-13). Ðàng khác, vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải
theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trần
gian chấm dứt (x. Dth 9,27), chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và
được liệt vào số những người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), chứ không như những
tôi tớ khốn nạn và lười biếng (x. Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (x. Mt
25,41), vào chốn tối tăm, nơi "khóc lóc và nghiến răng" (Mt 22, 13 và
25,30). Thật vậy, trước khi ngự trị với Chúa Kitô vinh hiển, mọi người chúng ta
đều phải trình diện "trước tòa Chúa Kitô, để mọi người lãnh lấy những
thành quả đời mình đã làm trong thân xác hoặc lành hoặc dữ" (2Cor 5,10).
Và ngày tận thế "ai đã làm lành sẽ sống lại hầu được sống, còn ai làm ác sẽ
sống lại để chịu đoán phạt" (Gio 5,29; x. Mt 25,46). Bởi đó, tin rằng
"những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu với vinh quang sắp tới sẽ được
giải bày cho chúng ta" (Rm 8,16; x. 2Tm 2,11-12), chúng ta mạnh mẽ tin tưởng
trông đợi "niềm hy vọng hạnh phúc và ngày trở lại vinh quang của Thiên
Chúa cao cả và Ðấng cứu chuộc chúng ta là Chúa Giêsu Kitô" (Tit 2,13).
"Người sẽ cải tạo thân xác hèn mạt ta ra giống thân xác sáng láng của Người"
(Ph 3,21) và sẽ ngự đến "để được vinh quang trong các Thánh của Người và
được thán phục trong mọi người đã tin" (2Th 1,10). 62*
49. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội trên trời và Giáo Hội lữ hành. 63*
Bởi thế, cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các Thiên Thần theo
Người (x. Mt 25,31), và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người
(x. 1Cor 15,26-27), thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc
hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được
tinh luyện và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng "rõ ràng chính
Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có" 1.
Nhưng hết thảy mọi người chúng ta, tùy cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp
thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng
vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận
lãnh Thánh Thần Người, đều họp thành một Giáo Hội duy nhất và liên kết với nhau
trong Người (x. Eph 4,16). Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên
dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô không hề bị gián
đoạn. Nhưng trái lại, Giáo Hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn vững mạnh
hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng 2.
Quả thực, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời củng
cố toàn thể Giáo Hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng
mà hiện nay Giáo Hội tại thế dâng lên Thiên Chúa, được cao cả hơn, và họ góp phần
phát triển Giáo Hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách (x. 1Cor 12,12-27) 3.
Ðược về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa (x. 2Cor 5,8) nhờ Người, với Người
và trong Người, các Thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha 4,
bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Ðấng
Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô (x. 1Tm
2,5), khi họ đã phục vụ Chúa trong mọi sự, và hoàn tất nơi thân xác họ những gì
còn thiếu sót trong các đau khổ của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người
là Giáo Hội (x. Col 1,24) 5.
Do đó, với tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng
ta yếu hèn. 64*
50. Tương quan giữa Giáo Hội
lữ hành và Giáo Hội trên trời. Nhận biết đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn
Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo Hội lữ hành hết
lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết 6,
"vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý
nghĩ lành thánh" (2Mac 12,46). Ðối với các tông đồ và những vị tử đạo của
Chúa Kitô, là những chứng nhân cao cả đã đổ máu vì đức tin và đức ái, Giáo Hội
luôn tin rằng, các ngài liên kết với chúng ta khắng khít hơn trong Chúa Kitô: với
lòng yêu mến đặc biệt, Giáo Hội tôn kính các ngài cùng Ðức Trinh Nữ Maria và
các Thánh Thiên Thần 7,
và sốt sắng nài xin các ngài trợ giúp và cầu bầu cho. Sau đó không bao lâu,
thêm vào số các vị trên, Giáo Hội còn tôn kính những người đã nhiệt thành noi
gương khiết trinh và khó nghèo của Chúa Kitô 8;
và sau cùng, có những người vì đã thực hành cách phi thường các nhân đức Kitô
giáo 9
và được Chúa ban nhiều ân điển, nên được các tín hữu thành tâm tôn kính và noi
theo 10.
Quả thực, khi ngắm
nhìn đời sống những người đã trung thành bước theo Chúa Kitô, chúng ta khám phá
ra một lý do mới thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thành Thánh tương lai (x. Dth 13,14
và 10,11), đồng thời chúng ta cũng biết con đường chắc chắn giúp chúng ta đạt tới
sự kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô, nghĩa là đạt tới sự thánh thiện, giữa bao
thăng trầm trần thế, tùy theo bậc sống và hoàn cảnh riêng của mỗi người 11.
Qua cuộc sống của những người cùng mang một bản tính nhân loại như chúng ta,
nhưng đã được biến đổi nên giống hình ảnh Chúa Kitô hơn (x. Cor 3,18), Thiên
Chúa tỏ lộ rõ ràng cho con người thấy dung nhan và sự hiện diện của Ngài. Chính
Ngài nói với chúng ta qua các vị ấy và ban cho chúng ta thấy dấu chỉ Nước Ngài 12,
và mãnh liệt lôi cuốn chúng ta tới Nước ấy nhờ số chứng nhân đông đảo như mây
trời (x. Dth 12,1) và nhờ chân lý Phúc Âm được chứng thật như thế.
Tuy nhiên, chúng
ta kính nhớ các Thánh trên trời không chỉ vì gương lành các ngài mà thôi, nhưng
đúng hơn để sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội trong Thánh Thần được bền vững
nhờ thực hành đức bác ái huynh đệ (x. Eph 4,1-6). Thực vậy, cũng như mối hiệp
thông giữa các Kitô hữu còn sống trên dương thế đưa chúng ta tới gần Chúa Kitô
hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng hiệp nhất chúng ta với Người, là Ðầu và
là Nguồn phát sinh mọi ân sủng và sự sống của chính Dân Thiên Chúa 13.
Do đó, điều hết sức thích đáng là chúng ta yêu mến các bạn hữu và những người đồng
thừa tự của Chúa Kitô, cũng là anh em và ân nhân đặc biệt của chúng ta, cũng
như chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì các ngài 14
và "thành khẩn van nài, chạy đến xin các ngài cầu nguyện và trợ lực, giúp
đỡ, hầu Chúa Cha ban cho nhiều ơn lành, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa
chúng ta, Ðấng Cứu Chuộc và Giải Thoát duy nhất của chúng ta" 15.
Thực vậy, mọi bằng chứng đích thực biểu lộ tình yêu chúng ta đối với các Thánh
trên trời, từ bản chất, luôn qui hướng và kết thúc nơi Chúa Kitô là "triều
thiên của toàn thể các Thánh" 16,
và nhờ Người qui hướng và kết thúc nơi Thiên Chúa, Ðấng đáng ca tụng và tôn
vinh trong các Thánh 17.
Hơn nữa, sự hiệp nhất của chúng ta với Giáo Hội trên trời được thực
hiện cách hết sức cao cả, đặc biệt trong Phụng Vụ, ở đó quyền năng Thánh Thần
hoạt động trên chúng ta qua các dấu chỉ bí tích, ở đó chúng ta cùng lớn tiếng
ngợi khen Thiên Chúa uy linh 18,
và tất cả mọi người thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia được cứu
chuộc trong máu Chúa Kitô (x. Kh 5,9), hợp nhau trong một Giáo Hội duy nhất, đồng
thanh chúc tụng một Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vậy, khi cử hành lễ hy tế tạ ơn,
chúng ta kết hợp rất mật thiết với việc thờ phượng của Giáo Hội trên trời, vì
hiệp cùng Giáo Hội, chúng ta kính nhớ trước hết Ðức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng
Trinh, sau là Thánh Giuse, các Thánh Tông Ðồ và Tử Ðạo cùng toàn thể các Thánh 19.
65*
51. Hướng dẫn mục vụ của
Công Ðồng. Thánh Công Ðồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân
chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời
hay còn phải tinh luyện sau khi chết, và lấy lại các sắc lệnh của các thánh
Công Ðồng Nicea II 20,
Firenze 21
và Trentô 22.
Ðồng thời, vì quan tâm đến mục vụ, Công Ðồng khuyên nhủ tất cả những vị hữu
trách hãy hết sức ngăn cản và sửa dạy những ai lạm dụng, thái quá hay bất cập,
và hãy tái lập mọi sự để Thiên Chúa và Chúa Kitô được ngợi khen cách trọn hảo
hơn. Bởi vậy, các ngài hãy dạy cho tín hữu biết rằng, việc tôn kính các Thánh
đích thực không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài bằng ở cường độ tình yêu
tích cực của chúng ta. Tình yêu ấy giúp chúng ta tìm thấy "một gương mẫu
trong khi gặp gỡ các ngài, được thông hiệp qua việc kết hợp với các ngài và được
các ngài cầu bầu trợ giúp" 23,
để đem lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội và cho chúng ta. Ðàng khác, ước gì các
ngài cũng hãy giúp các tín hữu hiểu rằng mối liên lạc giữa chúng ta và các
Thánh trên trời, hiểu theo ánh trọn vẹn của đức tin, không hề làm suy giảm sự
tôn thờ dành riêng cho Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần,
nhưng trái lại còn làm cho sự tôn thờ ấy thêm phong phú hơn 24.
Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia
đình trong Chúa Kitô (x. Dth 3,6), nên khi hiệp thông với nhau trong tình yêu
qua lời đồng thanh ca tụng Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cùng đáp lại lời mời
gọi thân tình của Giáo Hội, và được tham dự, cảm mến trước phụng vụ vinh hiển
toàn hảo 25.
Vì khi Chúa Kitô hiện đến và khi kẻ chết sống lại trong vinh quang, ánh sáng
Thiên Chúa sẽ chiếu soi Thành Thánh trên trời và Con Chiên sẽ là đuốc sáng (x.
Kh 21,23). Toàn thể Giáo Hội các Thánh sẽ thờ lạy Thiên Chúa và "Con Chiên
đã bị giết" (Kh 5,12) trong hạnh phúc sung mãn của đức ái, và đồng thanh
ca tụng rằng: "Ngợi khen, danh dự, vinh hiển, quyền năng muôn đời cho Ðấng
ngự trên ngai và Con Chiên" (Kh 5,13-14) 66*.
Chú Thích:
61* Chương này được khai sinh theo ước muốn của Ðức Gioan XXIII.
Ðược Ủy ban Thần
học soạn thảo lại, chương này được mọi người công nhận là một phần của hiến chế
mới (lược đồ đệ trình bấy giờ chỉ có 4 chương). Nội dung của chương được tổng hợp
trong tựa đề. Công Ðồng nhấn mạnh tới hành động tôn vinh Thiên Chúa của tất cả
Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội dưới đất cũng như trên trời. Cơ cấu của chương
như sau: số 48 nói lên hai giá trị của Giáo Hội trong đó những thành phần dưới
thế cùng tồn tại với những thành phần cố định; các số 49 và 50 trình bày những
mối dây liên kết Kitô hữu còn ở trần gian với những người đã lên trời hoặc ở
trong luyện ngục: các Thánh trên trời cầu bầu cho chúng ta là những kẻ lữ hành
(số 49), mối tương quan giữa các Ngài với chúng ta (số 50). Từ giáo lý này mà số
51 rút ra những hậu kết có tính cách mục vụ.
62* Số 48: Ðặc tính cánh chung của ơn gọi chúng ta.
Trong cuộc sống
hiện tại, ơn gọi của chúng ta là: được Chúa Kitô thánh hóa, chúng ta cùng với
Người tiến về sự thánh thiện viên mãn trong đời sống vĩnh cửu, khi chúng ta được
chiêm ngưỡng chính Thiên Chúa. Cuộc lữ hành đòi chúng ta phải ý thức về mối
liên hệ giữa đời sống hiện tại của chúng ta với đời sống vĩnh cửu, để với lòng
tin vững chắc vào Chúa Kitô Cứu Thế và hy vọng một vinh quang mai hậu, chúng ta
chịu đựng những nghịch cảnh đời này, và chống lại ma quỉ. Ðời sống Kitô giáo có
sự liên tục giữa đời sống dưới thế và đời sống vĩnh cửu trên trời. Có ý thức sống
động được chân lý này, chúng ta mới nghĩ đến những người đã về trời. Và điều đó
làm chúng ta hiểu sâu sắc hơn về chính mầu nhiệm Giáo Hội: là thực hiện sự hiệp
thông giữa mọi người trong Chúa Kitô, là sự hiện diện sống động của các thực tại
trên trời giữa dòng đời trần gian. Như thế, khi tín hữu nhớ lại lời Chúa và các
Tông Ðồ đã nói, có thể nhận ra sự liên lạc mật thiết giữa các chân lý này và tầm
quan trọng nền tảng của chúng đối với đời sống Kitô giáo.
63* Các số 49-50: Sự hiệp thông giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên
trời.
Ðây là nền tảng
giáo lý của cả chương, nghĩa là Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời tạo
thành một Dân Chúa, một Thân Thể Chúa Kitô. Công Ðồng giải thích sự hiệp nhất
này vì dựa vào căn bản là những mối dây liên lạc sống động giữa chúng ta, những
người lữ hành trên dương thế, và những người đã đạt tới quê trời. Trong số những
hoạt động và những mối liên quan ấy, điều đáng kể là việc các Thánh cầu bầu cho
cả Giáo Hội.
1 CÐ
2 Ngoài những
tài liệu xưa hơn có từ thời Ðức Alexandrô IV ngăn cấm mọi hình thức chiêu hồn
(27-9-1258), xem Tđ. của Bộ thánh vụ De magnetismi abusu, 4-8-1856: ASS (1865)
trg 177-178; Dz 1653-1654 (2823-2825); câu trả lời của Bộ thánh vụ, 24-4-1917:
AAS 9 (1917), trg 268, Dz 2182 (3642).
3 Xem bài đúc kết
học thuyết này của T. Phaolô, trong Tđ. Piô XII, Mystici Corporis: AAS 35
(1943), trg 200 và nhiều nơi khác.
4 Xem T.
Augustinô, Enarr. in Ps. 85, 24: PL 37, 1099. T. Hieronimô, Liber contra
Vigilantium, 6: PL 23, 344. T. Tôma, In Ivm Sent., d. 45, q. 3, a. 2. T.
Bonaventura, In Ivm Sent., d. 45, a. 3, q. 2; v.v...
5 Xem Piô XII,
Tđ. Mystici Corporis : AAS 35 (1943), trg 245.
64* Số 49: Nền tảng giáo lý và sự liên hệ giữa các Thánh trên trời
và Giáo Hội.
Nền tảng tín lý
được trình bày rõ ràng và chính xác để tránh những khuynh hướng cực đoan và để
giúp cho nhu cầu hiệp nhất được dễ dàng hơn. Công Ðồng dạy rằng, cho tới khi
Chúa lại đến trong vinh quang, một số người đã ở trên Nước Trời, một số khác ở
trong luyện ngục, một số khác nữa đang trên đường tiến về đời sau, nhưng tất cả
đều kết hiệp với Chúa Kitô làm nên một Giáo Hội duy nhất. Công Ðồng cũng dạy rằng,
các Thánh trên trời lấy tình thương phù trợ đặc biệt cho những người anh em
khác, và củng cố cũng như làm làm đẹp Giáo Hội trần gian.
6 Xem rất nhiều
bi ký trong các hầm mộ cổ ở Roma.
7 Xem Gelasiô I,
giáo lệnh De libris recipiendis, 3 : PL 59, 160; Dz 165 (353).
8 Xem Methodiô,
Symposion VII, 3 : GCS (Bonwetsch), trg 74.
9 Xem Benedictô
XV, Decretum approbationis virtutum in Causa beatificationis et canonizationis
Servi Dei Joannis Nepomuceni Neumann: AAS 14 (1922), trg 23. Nhiều diễn văn của
Ðức Piô XI về các thánh: Inviti all'eroismo, trong Discorsi e Radiomessaggi bộ
I-III, 1941-1942, và nhiều nơi khác. Ðức Piô XII, Discorsi e Radiomessaggi, bộ
1949, 37-43.
10 Xem Piô XII,
Tđ. Mediator Dei : AAS 39 (1947), trg 581.
11 Xem Dth 13,7;
Hđ 44-50; Dth 11,3-40.
Xem thêm Piô
XII, Tđ. Mediator Dei: AAS 39 (1947), trg 582-583.
12 Xem CÐ Vat.
I, Hiến chế về đức tin công giáo Dei Filius, ch. 3: Dz 1794 (3013).
13 Xem Piô XII,
Tđ. Mystici Corporis : AAS 35 (1943) trg 216.
14 Về sự biết ơn
đối với chính các thánh, xem E. Diehl, Inscriptiones latinae veteres, I,
15 CÐ Trentô, sắc
lệnh De invocatione... sanctorum: Dz 984 (1821).
16 Sách nguyện
Roma, Tiền xướng trong lễ các Thánh.
17 Xem ví dụ:
2Th 1,10.
18 CÐ Vaticanô
II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, ch. 5, số 104 : AAS 56
(1964), trg 125-126.
19 Xem Sách lễ
Roma, Lễ qui.
65* Số 50: Sự liên hệ giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời.
Số này trình bày
cách thức mà Giáo Hội lữ hành phải có, để trong thực hành, tạo được sự hiệp
thông đã nói trong đoạn trước. Công Ðồng đưa ra những động lực chính yếu giúp
xây dựng và phát huy sự hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội trên trời. Những động
lực đó như sau: những người đã về trời nêu gương cho chúng ta một đời sống đạo
chính thực; sự liên lạc với họ sẽ đưa chúng ta tiến tới việc kết hợp khắng khít
hơn với Chúa Kitô; sự hiệp thông với họ làm cho việc phụng tự qui về Chúa Kitô
nơi Giáo Hội trần gian được sung mãn. Ở nhiều nơi, Hiến Chế ám chỉ tới lịch sử
Giáo Hội, để làm sáng tỏ hơn những nền tảng thần học của giáo lý đã trình bày
và cũng để cho sự trình bày này được sống động hơn, tương xứng hơn với nhu cầu
mục vụ.
Ðoạn nhất nói
lên những cách thức hiệp thông tổng quát với các người anh em không thuộc về
Giáo Hội trần gian: kính nhớ và vọng độ cách chung, tôn kính và nài xin cầu bầu.
Ðoạn hai nhấn mạnh tới gương mẫu các Thánh nêu ra cho đời sống Kitô giáo chúng
ta, hoặc dưới khía cạnh sư phạm hoặc dưới khía cạnh minh giáo. Ðoạn ba chúng ta
thấy việc tôn kính các Thánh chính thực sẽ thúc giục chúng ta thực thi bác ái
huynh đệ và liên kết chúng ta với Chúa Kitô bền chặt hơn. Tình bác ái huynh đệ
nơi chúng ta là những khách lữ hành không bị suy giảm, trái lại còn làm gia
tăng đặc tính qui về Chúa Kitô của Kitô giáo. Cũng vì lý do đó, sự liên lạc và
hiệp thông với các Thánh trên trời đã không làm cản trở nhưng còn giúp đỡ cách
lạ lùng cho tình yêu và sự kính thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðoạn bốn có xác quyết
căn bản như sau: việc tế tự phụng vụ của Giáo Hội thực hiện tất cả những gì đã
nói về sự liên hệ với các Thánh trên trời.
20 Xem CÐ Nicea
II, văn kiên VII : Dz 302 (600).
21 Xem CÐ
22 Xem CÐ
Trentô, sắc lệnh De invocatione, veneratione et reliquiis Sanctorum et sacris
imaginibus: Dz 984-988 (1821-1824), sắc lệnh De Purgatorio: Dz 983 (1820); sắc
lệnh De justificatione, khoản 30: Dz 840 (1580).
23 Sách lễ Roma,
kinh Tiền tụng, dùng trong các giáo phận Pháp.
24 Xem T. Phêrô
Canisiô, Catechismus Maior seu Summa Doctrinae christianae, ch. III, x.b. F.
Streicher, phần I, trg 15-16, số 44 và trg 100-101, số 49.
25 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, ch. I, số 8: AAS 56
(1964), trg 401.
Một vài hậu kết
có tính cách mục vụ theo sau những nguyên tắc đã đề ra. Hậu kết đó bao gồm một
số ý hướng căn bản để việc tôn kính các Thánh được thực hiện trong tinh thần
đúng đắn và để có thể ngăn ngừa những hình thức thái quá hay bất cập ở một vài
nơi. Một đàng Công Ðồng chủ trương rõ ràng giá trị việc tôn kính các Thánh
không cốt tại gia tăng các hành động bên ngoài, nhưng do cường độ tình yêu của
chúng ta; đàng khác Công Ðồng quả quyết việc tôn kính ấy không đi ngược với
tình yêu Thiên Chúa, với việc tôn thờ dành cho mình Ngài. Số này chứa đựng nhiều
điều có thể cổ võ cho việc hiệp thông với các anh em ly khai, đặc biệt với anh
em Ðông Phương, vì giáo lý thuộc đức tin của chúng ta đây đối với họ hết sức
quan trọng, làm nên một di sản chung về đức tin và về sự kính nhớ.
Phần kết luận
cho toàn chương (51, đoạn hai) quả quyết rằng hiện đại hóa sự hiệp thông của tất
cả những người thuộc về Chúa Kitô là đã bắt đầu cuộc sống vinh quang, và như vậy
là ngay ở chốn lưu đày này đã thực hiện được cùng đích của đời ta vì đã được
tham dự và thưởng thức phụng vụ vinh hiển trên trời.
Chương VIII: Ðức Nữ Trinh Maria
Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội 67*
I. Lời Mở Ðầu
52. Nhập đề. 68*
Thiên Chúa là Ðấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc
thế giới, nên "khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi
người nữ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử" (Gal 4,4-5). "Vì loài
người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép
Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria" 1.
Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục
trong Giáo Hội, Giáo Hội mà Chúa đã lập làm thân thể Người. Trong Giáo Hội ấy,
liên kết với Chúa Kitô Thủ Lãnh, và hiệp thông với toàn thể các Thánh Người,
các tín hữu cũng phải kính nhớ "trước hết đức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng
Trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" 2. 69*
53. Ðức Maria và Giáo Hội. Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ
Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự
sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên
Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con
Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh
và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha
và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này,
Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc
dòng dõi Adam, Ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa,
"Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)... vì đã cộng tác trong đức
ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy" 3.
Vì thế, Ngài cũng được chào kính như chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất
vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện
đức tin và đức ái. Và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng
lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu. 70*
54. Ý hướng của Công Ðồng. Bởi thế, khi trình bày giáo lý về Giáo Hội -
trong Giáo Hội này, Chúa Cứu Thế thực hiện cuộc cứu độ - Thánh Công Ðồng ân cần
mong muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể
và Nhiệm Thể, cũng như làm sáng tỏ bổn phận những người được cứu chuộc đối với
Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu. Tuy
nhiên, Công Ðồng không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Ðức Maria và giải
quyết các vấn đề mà sự nghiên cứu của các nhà thần học chưa làm sáng tỏ trọn vẹn.
Những ý kiến được tự do trình bày trong các trường phái công giáo về Ðấng có địa
vị cao cả nhất trong Giáo Hội thánh sau Chúa Kitô, và cũng là Ðấng rất gần
chúng ta 4,
những ý kiến ấy đều được duy trì cách hợp pháp 71*.
II. Vai
Trò Ðức Nữ Trinh Trong Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi 72*
55. Mẹ Ðấng Cứu Thế trong Cựu Ước. Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước,
và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tò hơn vai trò của Mẹ Ðấng Cứu
Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Thực
vậy, các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Kitô xuất
hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này,
như Giáo Hội vẫn đọc và về sau hiểu theo ánh sáng mạc khải trọn vẹn, dần dần
cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh người nữ, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Theo ánh sáng mạc khải
ấy, người nữ này đã được phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời
hứa mà Tổ Tông đã nhận được sau khi phạm tội (x. Stk 3,15). Cũng thế, Ngài là
Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai tên là Emmanuel (x. Is 7,14 so sánh với
Mik 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của
Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa. Cuối
cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu Nữ cao
sang của Sion, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: khi Con
Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội
lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa. 73*
56. Ðức Maria trong việc truyền tin. Nhưng Chúa Cha rất nhân từ đã muốn
sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một
người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Ðiều
đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn
Sống cải tạo mọi sự, và đã được Chúa ban cho nhiều ơn cân xứng với sứ mệnh cao
cả như thế. Do đó, không có gì lạ, nếu các Thánh Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ
Thiên Chúa là Ðấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới
do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành 5.
Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh
Nữ thành Nazareth được Thiên Thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và kính chào là
"Ðấng đầy ân phúc" (x. Lc 1,28). Và Trinh Nữ đã đáp lời Thiên Sứ rằng:
"Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời Ngài" (Lc
1,38). Như thế, Ðức Maria, con cháu Adam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở
nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một
tội nào ngăn trở Ngài, Ðức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân
thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ
mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ
đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria một cách thụ động,
nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự
vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Ireneô nói: "Chính Ngài, nhờ vâng phục,
đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại" 6.
Và cùng với thánh Ireneô còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần
ngại giảng dạy rằng: "Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay
được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi
cứng lòng tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin 7;
và so sánh với Evà, các ngài gọi Ðức Maria là "Mẹ kẻ sống" 8,
và thường quả quyết rằng: "bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống"
9.
74*
57. Ðức Maria và thời thơ ấu Chúa Giêsu. Sự liên kết giữa Mẹ và Con
trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Ðức Maria thụ thai Chúa Kitô cách
trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Ðức Maria vội vã đến
thăm bà Elizabeth và được bà ấy chào mừng là người có phúc vì đã tin vào sự cứu
rỗi Chúa đã hứa, trong lúc đó vị tiền hô nhảy trong lòng mẹ (x. Lc 1, 41-45). Rồi
ngày sinh nhật, Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và các
nhà bác học đứa Con đầu lòng của mình, mà khi sinh ra đã không làm giảm bớt
nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Ngài 10.
Trong đền thánh, sau khi hiến lễ vật ấn định cho người nghèo, Ðức Maria dâng
Con lên cho Thiên Chúa, và đã nghe Simeon báo trước Con mình sẽ là dấu chỉ sự
phản kháng, và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng mẹ, nhờ đó tư tưởng trong lòng
nhiều người sẽ được bày tỏ (x. Lc 2, 34-35). Khi trẻ Giêsu lạc mất, Cha Mẹ đã
lo âu tìm kiếm và gặp lại Con trong đền thánh đang bận tâm lo việc của Cha Người.
Các Ngài không hiểu lời Con nói; nhưng Mẹ Chúa Giêsu giữ lấy tất cả các điều ấy
và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2, 41-51). 75*
58. Ðức Maria và đời sống công khai Chúa Giêsu. Trong cuộc đời công
khai của Chúa Giêsu, Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong
tiệc cưới thành Cana xứ Galilêa, vì động lòng thương xót, Ngài đã cầu bầu, khiến
Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai, làm phép lạ đầu tiên của Người (x. Gio 2, 1-11).
Trong thời gian Chúa truyền đạo, Ðức Maria đã đón nhận lời của Con Ngài, những
lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố
là có phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3,35 và song song; Lc
11,27-28) như chính Ngài hằng thực hành những điều đó cách trung tín (x. Lc
2,19 và 51). Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin,
trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên
Chúa, Ngài đã đứng đó (x. Gio 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con
một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết
tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa
Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời
này: "Thưa Bà, này là con Bà" (x. Gio 19,26-27) 11.
76*
59. Ðức Maria sau khi Chúa lên trời. Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu
nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa
Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Ðồ trước ngày Hiện Xuống "đã kiên
tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với
anh em Người" (CvTđ 1,14). Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban
Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin. Sau cùng, được
gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ 12,
và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng
vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác 13,
và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn
hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết 14.
77*
III. Ðức
Nữ Trinh Và Giáo Hội 78*
60. Ðức Kitô, Ðấng trung gian độc nhất và Mẹ Maria. 79*
Chúng ta chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất, như lời Thánh Tông Ðồ dạy:
"Thực vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Ðấng Trung Gian
duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Người, đã
dâng mình làm giá chuộc mọi người" (1Tm 2,5-6). Nhưng vai trò làm mẹ của Ðức
Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất
của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy.
Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh
từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và
bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn
toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh
hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các
tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô. 80*
61. Cộng tác vào việc cứu chuộc. Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền
định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao
trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài
là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ
và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng
đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt
vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức
ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên
bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta. 81*
62. Vai trò tùy thuộc
trong việc cứu rỗi. Nhưng trong nhiệm cuộc ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục
thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin - sự
ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá - cho tới lúc vĩnh
viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời,
vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên
lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời
đời 15.
Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên
dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh
phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước
hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian 16.
Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự
và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất 17.
Thực vậy, không
bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc;
nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức
cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của
Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất
của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng
tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.
Vai trò tùy thuộc ấy của Ðức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên
xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự
nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung Gian
và Cứu Thế. 82*
63. Maria trinh nữ và người mẹ là mẫu mực của Giáo Hội. 83*
Ðức Trinh Nữ nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất
với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết
hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực
của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô
18.
Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, chính Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp
là Mẹ và Trinh Nữ, Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một
trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có 19.
Vì, bởi lòng tin và vâng phục, Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian,
mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Evà
mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn
xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà
Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm
8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với
tình thương của một người mẹ. 84*
64. Giáo Hội là trinh nữ và là mẹ. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự thánh
thiện kỳ bí và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn
thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo Hội
trung thành lãnh nhận: thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo
Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra
do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là
trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu
Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn
cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân
thành 20.
85*
65. Giáo Hội phải bắt chước nhân đức của Mẹ Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội,
qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh
sạch và vẹn tuyền (x. Eph 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng
tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria
là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn.
Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi
Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu
nhiệm nhập thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn. Thực vậy, Ðức Maria đã
mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi, và có thể nói là Ngài đã qui tụ và phản
chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin, và khi các tín hữu nghe
rao giảng về Ngài và tôn sùng Ngài, họ được Ngài mời gọi đến kết hiệp với hy lễ
của Con Ngài và yêu mến Chúa Cha. Phần Giáo Hội càng tìm kiếm vinh quang Chúa
Kitô càng nên giống Khuôn Mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin,
đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự.
Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa
Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh
ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của
Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải
là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để
tái sinh nhân loại. 86*
IV. Việc
Tôn Kính Ðức Nữ Trinh Trong Giáo Hội 87*
66. Bản tính và nền tảng của việc tôn kính Ðức Mẹ. Nhờ hồng ân Thiên
Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và
loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu
nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng
kính. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước
hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự
che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó 21.
Nhất là từ công đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria
cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Ngài đã
tiên báo: "Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi
những việc trọng đại" (Lc 1,48-49). Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong
Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ
phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn
kính Ðức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội
đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý
lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với
tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ,
cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới
răn Chúa Con, vì Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col 1,15-16) và nơi Người,
Chúa Cha hằng hữu "muốn có đầy đủ mọi sự" (Col 1,19). 88*
67. Chiều hướng mục vụ. Thánh Công Ðồng cố ý dạy giáo lý công giáo ấy,
đồng thời Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy
lòng sùng kính Ðức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc
thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội
cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các
thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Ðức Nữ Trinh và
các Thánh 22.
Công Ðồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng
lời Chúa, khi xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận
tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng 23.
Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các Thánh Giáo Phụ, các tiến sĩ và học hỏi các phụng vụ
trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của quyền Giáo Huấn, họ hãy làm sáng tỏ đúng
mức những chức vụ và đặc ân của Ðức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn
qui hướng về Chúa Kitô, nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ
phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly
khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu,
hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ,
cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân
thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa,
và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ
chúng ta. 89*
V. Ðức
Maria, Dấu Chỉ Lòng Cậy Trông Vững Vàng Và Niềm An Ủi Cho Dân Chúa Ðang Lữ Hành
90*
68. Ðức Maria, dấu chỉ của Dân Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được
vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn
thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài
chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang
lữ hành. 91*
69. Ðức Maria chuyển cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Thánh Công Ðồng
rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những
người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông
Phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng
trinh 24.
Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người,
để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày
nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng
Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc
hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân
hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất,
hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia. 92*.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Hiến Chế tín lý này đều được các Nghị Phụ Thánh Công
Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị
Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị,
và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho
Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
67* Ðây là một trong những chương được tranh luận nhiều nhất. Việc
khai sinh ra nó cũng gây nhiều sôi nổi. Trong số những lược đồ được đệ trình,
có một lược đồ về Ðức Maria. Vì những lý do có tính cách hoặc thần học hoặc mục
vụ hoặc hiệp nhất, một vài Nghị Phụ muốn cho lược đồ về Ðức Maria xen vào Hiến
Chế Tín Lý về Giáo Hội. Ngày 29-10-1963, các Nghị Phụ đứng trước một câu hỏi
như sau: "Các Nghị Phụ Công Ðồng có muốn lược đồ về Ðức Trinh Nữ Mẹ Giáo Hội
đổi thành chương cuối cùng của lược đồ về Giáo Hội chăng?" Trước khi bỏ
phiếu, có hai bản phúc trình chính thức về vấn đề này: Hồng Y Konig, người muốn
cho xen vào hiến chế, và Hồng Y Santos muốn làm một lược đồ riêng. Cả hai dùng
những luận chứng dồi dào và vững chắc để trình bày trước các Nghị Phụ và sự
thích hợp của quan điểm mình. Kết quả cuộc đầu phiếu thật sát nút: với 2,193
Nghị Phụ có mặt thì 1,114 vị bỏ phiếu thuận, 1,074 phiếu chống. Phiếu thuận chỉ
hơn có 40 phiếu và Công Ðồng chấp nhận việc xen lược đồ vào trong Hiến Chế.
Một vấn đề thứ
hai được đặt ra: nếu xen thì xen vào chỗ nào? Mẹ Thiên Chúa liên kết khắng khít
với mầu nhiệm Giáo Hội, nhưng muốn giải thích sự liên kết này, cần quan niệm
vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Ðối với khía cạnh
này, giáo lý về Ðức Maria vượt quá giáo lý về Giáo Hội. Do đó chỉ có thể đặt
vào phần cuối Hiến Chế. Ðấy là lý do tại sao có chương VIII và vị trí của nó
trong Hiến Chế.
Bố cục của
chương này như sau: trong phần nhập đề (các số 52-54), Công Ðồng xác định địa vị
của Ðức Maria trong Giáo Hội và những nguyên tắc giáo lý làm kim chỉ nam cho việc
trình bày về Ðức Maria. Ðồng thời Công Ðồng cũng cho biết chủ đích của mình. Phần
nhất (các số 55-59) giải thích địa vị của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời
Nhập Thể. Phần hai (các số 60-65) trình bày địa vị đó trong viễn tượng Giáo Hội,
nói lên những liên lạc của Ðức Maria với Giáo Hội. Phần ba (các số 66-67) đề cập
những bổn phận Kitô hữu đối với Ðức Maria. Phần kết luận vắn tắt (các số 68-69)
trình bày Mẹ Thiên Chúa như dấu hiệu hy vọng và sự liên quan của Ngài với việc
hiệp nhất các Kitô hữu.
Các số này thống
nhất với nhau (trong lần soạn thảo đầu chúng ở trong cùng một số) có mục đích
trình bày đối tượng của chương VIII. Ý tưởng chính rất đơn giản: mạc khải đã
minh nhiên làm nổi bật địa vị của Mẹ Thiên Chúa, trong ý định cứu rỗi từ đời đời
của Chúa, trong sự thực hiện ý định ấy do Chúa Giêsu Kitô, bởi vì có sự liên tục
(chương VII) giữa công việc dưới đất và công việc trên trời của Chúa Kitô và
ngày nay Ðức Mẹ cũng vẫn còn giữ nguyên địa vị này (số 52). Maria là phần tử đặc
biệt và là khuôn mẫu Giáo Hội (số 53). Chủ đích của Công Ðồng là: trình bày vai
trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội và những bổn phận của
Kitô hữu đối với Mẹ (số 54).
1 Kinh tin kính
của CÐ Constantinopla: Mansi 3, 566. Xem CÐ Ephesô, n.v.t., 4, 1130 (và n.v.t.,
2, 665 và 4, 1071). Xem CÐ Calcedonia, n.v.t., 7, 111-116. CÐ Constantinopla II
n.v.t., 9, 375-396. Sách lễ Roma, kinh tin kính.
2 Sách lễ Roma,
lễ qui.
Việc cứu thế được
thực hiện nhờ Thiên Chúa đã gửi Con Ngài đến, sinh bởi người nữ. Ðó là nền tảng
của cả khoa Thánh Mẫu học. Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria liên kết mật thiết với việc
Nhập Thể Cứu Chuộc đó.
3 T. Augustinô,
De S. Virginitate, 6 : PL 40, 399.
Số này đặt Mẹ
Chúa Kitô Cứu Thế trong tương quan với Giáo Hội. Ðầu tiên là quả quyết Ðức
Maria đã tự ý chấp nhận lời thiên thần báo tin sẽ sinh Ðấng Cứu Thế. Câu chuyện
báo tin được đặt nổi bật. Sau đó Công Ðồng nghiên cứu sâu xa những mối liên hệ
giữa Maria và Ba Ngôi Thiên Chúa trong viễn tượng Giáo Hội theo một đề tài quen
thuộc với Hiến Chế như đề tài Giáo Hội từ mầu nhiệm Ba Ngôi. Vì trách vụ được
Chúa trao phó nên Mẹ được cứu chuộc kỳ diệu hơn, do công nghiệp Con Mẹ, Ðấng mà
Mẹ đã kết hiệp mật thiết và bền chặt. Trong chiều hướng ấy, Công Ðồng không ngần
ngại liên tiếp trình bày Ðức Trinh Nữ như là Mẹ của Con Thiên Chúa, là ái nữ của
Chúa Cha, là cung thánh của Chúa Thánh Thần. Cả ba danh hiệu hoàn toàn theo
truyền thống. Nhưng tâm điểm của số này ở chỗ Công Ðồng quả quyết rằng Maria vừa
có các danh hiệu đó, nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Mẹ cũng liên kết
với tất cả mọi người, và Mẹ đã cộng tác vào công việc cứu thế. Do đó, Mẹ Chúa
Kitô vẫn là phần tử Giáo Hội, dù là phần tử tuyệt hảo và đặc biệt, một trật
cũng là khuôn mẫu của Giáo Hội. Bởi vậy Giáo Hội tôn kính Mẹ như Mẹ thật với
tình con thảo.
4 Xem Phaolô VI,
Diễn văn trong Công Ðồng, ngày 4-12-1963 : AAS 56 (1964), trg 37.
Công Ðồng giải
thích vắn tắt về vai trò Ðức Maria trong mầu nhiệm cứu rỗi và về các bổn phận của
tín hữu đối với Mẹ. Công Ðồng tự giới hạn trong viễn tượng này chứ không nhằm
trình bày đầy đủ giáo lý về Ðức Maria, cũng không nhằm giải quyết các vấn đề mà
các nhà thần học tranh luận.
72* Các số 55-59: Phần I - Ðịa vị và vai trò của Ðức Maria trong nhiệm
cuộc cứu rỗi.
Bố cục phần này
rất rõ ràng, vì dựa theo các dữ kiện lịch sử mạc khải về Mẹ Thiên Chúa trong
Thánh Kinh, bắt đầu từ Cựu Ước tới thời kỳ Giáo Hội, qua sự kiện truyền tin, tới
cuộc đời thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu. Cứ như bản phúc trình chính thức
đã nói, đây là phần chính yếu nhất trong Chương VIII.
Thứ tự của số
này theo sát lịch sử cứu rỗi như thấy trong Cựu Ước, để chúng ta thấy rằng người
phụ nữ làm Mẹ Chúa Kitô trong Phúc Âm cũng là Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta nhận biết
qua thần học và qua việc tôn kính nơi các dân Kitô giáo. Như thế là Công Ðồng
cho biết sự tiến triển của mạc khải về Ðức Maria và không ngần ngại chấp thuận
phương pháp lịch sử cứu rỗi, một phương pháp mà một số người chuyên về Thánh Mẫu
học không mấy tin tưởng. Không muốn gây ra cuộc bút chiến, nên Công Ðồng chỉ nhằm
trình bày một "bản tiểu sử" về người Phụ Nữ, dựa trên toàn thể chứng
từ được linh ứng của Mạc Khải trọn vẹn và trên chứng từ của đời sống Giáo Hội.
5 Xem T.
Germanô, Const. Hom. in Annunt. Deiparae: PG 98, 328 A; In Dorm. 2: 357
Anatasiô thành Antiokia, Serm. 2 de Annunt. 2: PG 89, 1377 AB: Serm. 3, 2 :
1388 C. T. Anrê Cret.,
6 T. Ireneô,
Adv. Haer. III, 22, 4: PG 7, 959 A; Harvey 2, 123.
7 T. Ireneô,
n.v.t.,
8 T. Epiphaniô,
Haer. 78, 18 : PG 42, 728 CD-729 AB.
9 T. Hieronimô,
Epist. 22, 21: PL 22, 408. Xem T. Augustinô, Serm. 51, 2, 3 : PL 38, 335; Serm.
232, 2: 1108. T. Cyrillô Jerusalem. Catech., 12, 15: PG 33, 741, AB. T. Gioan
Kim Khẩu, In Ps. 44, 7: PG 55, 193. T. Gio Damascenô, Hom. 2 in dorm. BMV. 3:
PG 96, 728.
Công Ðồng theo vết
các Giáo Phụ, coi câu chuyện truyền tin rất quan trọng, vì nhìn thấy ở đó thái
độ căn bản của mọi Kitô hữu. Giáo Hội thuở đầu đã bày tỏ lòng tin của họ vào
thái độ chấp nhận này của Ðức Maria, vì là kết quả của đức tin và tình yêu của
Mẹ. "Chấp nhận" không những là tiếng nói then chốt trong cả câu chuyện
nhưng đồng thời còn là tiếng nói lược tóm tất cả viễn ảnh đời sống của Kitô hữu:
ưng thuận khi Chúa đến và để ý định cứu rỗi hoàn tất trong ta, vừa biết quảng đại
phục vụ cho công cuộc cứu thế; cũng như Ðứa Maria, chúng ta tích cực cộng tác
mà không tự mãn, và qua việc chấp nhận ấy, ân sủng đem lại sự sống: trong Chúa
Kitô, Ðức Maria đã ban cho thế giới Nguồn Sống đổi mới mọi sự.
10 Xem CÐ
Lateranô, năm 649, đ. th. 3: Mansi 10, 1151. T. Leô Cả, Epist. ad Flav.: PL 54.
759. CÐ Calcedonia: Mansi 7, 462. T. Ambrosiô, De inst. Virg.: PL 16, 320.
75* Số 57: Ðức Maria và cuộc đời thơ ấu Chúa Giêsu.
Câu đầu tiên của
số này nêu lên ý tưởng chỉ dẫn: Ðức Maria liên kết với Chúa Con trong công cuộc
cứu thế từ lúc thụ thai Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh cho tới mầu nhiệm cuộc tử
nạn của Chúa. Công Ðồng trình bày chân lý này rõ ràng hơn bao giờ hết. Chủ đề
trở lại ba lần: lần Ðức Maria đi thăm bà
11 Xem Piô XII,
Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 247-248.
76* Số 58: Ðức Maria và cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
Một cách vắn tắt,
Công Ðồng đóng khung hoạt động của Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Chúa,
vì theo thánh Gioan, lúc khởi đầu và kết thúc sứ vụ công khai đều có sự hiện diện
của Ðức Maria. Trong hai lúc này Ðức Maria mới chỉ được gọi là "Bà".
Ðó là lúc ở tiệc cưới
12 Xem Piô IX, sắc
chỉ Ineffabilis, 8-12-1854 : văn kiện của Ðức Piô IX, 1, I, trg 616; Dz 1641
(2803).
13 Xem Piô XII,
Tông hiến Munificentissimus, 1-11-1950: AAS 42 (1950); Dz 2333 (3903). Xem T.
Gio Damascenô, Enc. in dorm. Dei Genitricis, bài giảng 2 và 3: PG 96, 721-761.
nhất là cột 728B. T. Germanô Constantinopla, In S. Dei gen. Dorm. bài giảng 1:
PG 98 (6); 340-348; bài giảng 3: cột 361. T. Modestô Jerusalem, In dorm. SS.
Deiparae: PG 86 (2) 3277-3312.
14 Xem Piô XII,
Tđ. Ad caeli Reginam, 11-10-1954: AAS 46 (1954), trg 633-636; Dz 3913tt. Xem T.
Anrê Gret., Hom. 3 in dorm. SS. Deiparae: PG 97, 1089-1109. T. Gioan Damascenô,
De fide orth., IV, 14: PG 94, 1153-1161.
77* Số 59: Ðức Maria sau khi Chúa lên trời.
Có hai vấn đề
nói ở đây: 1) Lời cầu nguyện của Ðức Maria trước lễ Hiện Xuống cùng với các
Tông Ðồ, các phụ nữ và các anh em Chúa. Ðức Maria ở giữa dân chúng chứ không ở
trong số những người điều khiển cộng đoàn. Mẹ tham dự vào kinh nguyện chung. Mẹ
thuộc thành phần Giáo Hội cầu nguyện đang chuẩn bị thi hành sứ mệnh của mình,
và Mẹ cầu nguyện với tước hiệu duy nhất là Mẹ Chúa Giêsu (CvTđ 1,14). 2) Công Ðồng
tái xác nhận hai tín điều đã được Giáo Hội tuyên bố khi lập lại những lời của
các câu định tín liên hệ. Hai tín điều này có liên quan mật thiết với nhau. Ðức
Maria được suy tôn làm Nữ Vương của vũ trụ, để trở nên giống với Con Mẹ là Chúa
các Chúa một cách hoàn toàn hợn, và được suy tôn là Ðấng chiến thắng tội lỗi và
sự chết.
78* Các số 60-65: Phần II - Sự liên lạc giữa Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội.
Phần này trực tiếp
bàn về sự liên lạc giữa Ðức Maria và Giáo Hội. Trước hết, Công Ðồng nhấn mạnh tới
sự đồng công cứu chuộc của Ðức Maria do sự tự ý chấp thuận việc Nhập Thể của
Con Thiên Chúa, do việc dâng hy tế trên Thánh giá và do việc cầu bầu liên lỉ
trên trời. Trong văn mạch này, giữa những tước hiệu khác nhau Công Ðồng đề cập
đến tước hiệu Ðấng Trung Gian. Một số người trong Ủy ban thần học chưa nhìn thấy
rõ tước hiệu này nên Công Ðồng giải thích cho biết tước hiệu này vẫn không làm
lu mờ sự tuyệt hảo Ðấng Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô (các số 60-62). Sau đó
(trong các số 63-64) Công Ðồng giải thích lý do khiến Ðức Maria, là Trinh Nữ và
là Mẹ, lại là hình bóng của Giáo Hội. Giáo lý này có tầm quan trọng đặc biệt,
vì Công Ðồng rất lưu tâm đến những khía cạnh trổi vượt của mầu nhiệm Giáo Hội.
Sau cùng (số 65), Ðức Maria được coi như gương mẫu các nhân đức.
79* Các số 60-62: Ðức Maria trong công trình cứu chuộc.
80* Số 60: Những nguyên tắc giáo lý.
Số này tóm lược
các nguyên tắc giáo lý và chỉ dẫn cho biết giáo lý trình bày trong những số kế
tiếp phải được hiểu theo những nguyên tắc này. Mọi nỗ lực và hành động của Ðức
Maria đều do vị Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô, Ðấng đã muốn cho Ðức Maria cộng
tác vào công trình cứu chuộc. Sự trung gian của Ðức Maria biểu lộ rõ rệt hơn và
còn giúp cho sự trung gian của Chúa Kitô nữa. Chỉ vì ý muốn hoàn toàn nhưng
không của Thiên Chúa nhân từ và quyền năng, Ðấng Cứu Thế đã thông truyền ảnh hưởng
cứu rỗi cho các chi thể và đặc biệt cho Mẹ Người, là Ðấng ngay từ đầu đã cộng
tác với Người và với công việc Người. Ðó chính là nguyên tắc của kế hoạch cứu rỗi
hay nguyên tắc ban phát đời sống thần linh. Giáo Hội sẽ trở nên bí tích để ban
phát đời sống đó. Còn Ðức Maria, là chi thể trổi vượt đầu tiên, sẽ là khuôn mẫu
cho Giáo Hội.
81* Số 61: Trong cuộc đời trần gian.
Số này nói rất vắn
tắt đến trọng tâm việc cộng tác của Ðức Maria. Là mẹ Thiên Chúa, là tôi tớ
khiêm hạ của Chúa, Mẹ là cộng sự viên quảng đại của Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng
ta trên bình diện ân sủng. Bản văn theo sát với sự thể hiện của nhiệm vụ này.
Nhờ hoàn toàn sẵn sàng tuân theo ý Chúa, Ðức Trinh Nữ đã mang thai Chúa Giêsu,
Ðấng sẽ xóa hết tội lỗi Dân Người. Ðức Maria đã sinh con và đã nuôi nấng. Mẹ đã
dâng Con cho Chúa Cha trong Ðền Thánh, đã đau khổ với cái chết của Con trên
Thánh Giá. Mẹ đã cụ thể hóa việc cộng tác tuyệt đối duy nhất này trong sự tuân
phục vô điều kiện, sự tuân phục thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến hăng nồng.
Sự trung thành của Mẹ trong việc chấp thuận chương trình cứu rỗi là then chốt
cho việc quảng diễn các ý tưởng khác (x. các số 53, 56, 63 và 64).
15 Xem Kleutgen,
ch. IV bản đã sửa: De Mysterio Verbi incarnati: Mansi 53, 290. Xem T. Anrê
Gret. In nat. Mariae, bài giảng 4: PG 97, 865A. T. Germanô Constantinopla, In
annunt., Deiparae: PG 98, 321 BC; In dorm. Deiparae III, 361D. T. Gio
Damascenô, In dorm. BV. Mariae, bài giảng 1, 8 : PG 90, 712BC-713A.
16 Xem Leô XIII,
Tđ. Adjutricem populi, 5-9-1895: ASS 28 (1895-96), trg 229. T. Piô X, Tđ. Ad
diem illum, 2-2-1904, văn kiện I, trg 154; Dz 1978a (3370). Piô XI, Tđ.
Miserentissimus, 8-5-1928: AAS 20 (1929), trg 178. Piô XII, sứ điệp truyền
thanh, 13-5-1946: AAS 38 (1946), trg 266.
17 Xem T.
Ambrosiô, Epist. 63 : PL 16, 1218.
Là Mẹ ban ân sủng,
ở trên trời Ðức Maria tiếp tục một địa vị khác trong công trình cứu rỗi. Tình mẫu
tử của Mẹ tiếp tục hoạt động. Chắc chắn Mẹ không ban phát ân sủng riêng, nhưng
là ân sủng Chúa Kitô, vì không có ân sủng nào khác. Sứ mệnh của Ðức Maria là
liên kết Chúa Kitô với những phần tử làm thành Giáo Hội. Ðó là ý nghĩa của tiếng
Maria, Mẹ đầy ơn. Mẹ thực hiện sứ mệnh qua việc bầu cử cho nhân loại. Do đó, mà
Giáo Hội gọi Mẹ bằng các danh hiệu: Ðấng Bảo Vệ, Ðấng Phù Trợ, Ðức Mẹ Hằng Cứu
Giúp, Ðấng Trung Gian. Các nhà thần học tranh luận về ý nghĩa gán cho các tước
hiệu ấy, nhất là tước hiệu sau cùng. Công Ðồng không muốn giải quyết cuộc tranh
luận, nhưng chỉ quả quyết một thực tại hoàn toàn được toàn thể Giáo Hội chấp nhận,
mà không bận tâm đến những điều xác định rõ rệt có tính cách kỹ thuật. Công Ðồng
cũng nói thêm là tước hiệu này không làm mất cũng không thêm thắt gì vào địa vị
và hành động của Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, vì không tạo vật nào có
thể đóng vai trò trên cùng một bình diện như Chúa Cứu Thế.
83* Các số 63-64: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội.
Tính cách song đối
giữa Ðức Maria và Giáo Hội đưa ra một chủ đề hoàn toàn mới mẻ trong khoa thần học
hiện thời. Quả thực được liên kết với Con mình trong công trình cứu chuộc, Ðức
Trinh Nữ Maria đã vượt trên mọi người khác và trở nên mẫu mực Giáo Hội. Ðó
chính là một phần tử trong nhóm đang hình thành, gây ảnh hưởng trên người khác,
lôi cuốn và làm gương cho họ. Ở đây Công Ðồng khai triển vắn tắt chủ đề này về
Ðức Maria là hình bóng Giáo Hội, không phải hình bóng hay mẫu mực theo nghĩa
thiết lập phẩm trật hay bí tích, nhưng như người cổ xúy đời sống thiêng liêng
trong đó sự đồng trinh nẩy nở thành tình mẫu tử.
18 Xem T.
Ambrosiô, Expos. Lc II. 7; PL 15, 1555.
19 Xem Phêrô
Dam. Giả, Serm. 63: PL 144, 861 AB. Godefridus a S. Victore, in nat. BM., Ms.
Paris, Mazarine, 1002, tờ 109c. Gerhohus Reich., De gloria et honore Filii
hominis, 10 : PL 194, 1105 AB.
84* Số 63: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội, như một Trinh Nữ và một
người Mẹ.
Trước hết là đức
đồng trinh, nhưng hiểu theo chiều hướng thiêng liêng. Nó hệ tại đức tin và đức
cậy nhờ đó Ðức Maria đã sinh Con Chúa do quyền phép Chúa Thánh Thần mà không có
sự liên lạc xác thịt nào với người nam, và như vậy đã trở thành người Mẹ. Ðức
Maria đã thụ thai Ngôi Lời trong tâm hồn trước khi thụ thai trong lòng. Ðức đồng
trinh tương quan với sự chấp thuận bất khả khuyết của đức tin. Ðức Maria đi trước
Giáo Hội ở điểm này; chính do Mẹ mà Chúa Kitô được sinh ra, Ðấng sẽ làm cho
Giáo Hội thành thân thể của Người.
20 Xem Ambrosiô,
Expos. Lc.II,7 và X,24-25; PL 15, 1555 và 1810. T. Augustinô, In Jo Tr. 13,12:
PL 35, 1499. Xem Serm. 191, 2,3: PL 38, 1010; v.v... Cũng xem chân phước Beda,
In Lc. Expos. I, ch. 2 : PL 92, 330. Isaac de Stella, Serm. 51: PL 194, 1863A.
85* Số 64: Giáo Hội là Mẹ và là Trinh Nữ.
Hình thức song đối
đã nói trên kết thúc ở đây: tính cách làm Mẹ đồng trinh của Ðức Maria chính là
bí tích, dấu hiệu hoặc hình ảnh của Giáo Hội đồng trinh, cũng thụ thai và sinh
dưỡng các con cái mình. Tính cách làm mẹ của Giáo Hội, noi theo Ðức Maria, là
việc đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn. Ðón nhận có nghĩa là thực hành. Như thế
Giáo Hội trở thành mẹ của một cuộc sống bất tử, nhờ Thần Khí của việc sáng tạo
mới. Sự đồng trinh của Giáo Hội - là điều kiện để sinh nhiều con cái - hệ tại
việc trung thành thực thi các nhân đức đối thần, theo gương Ðức Maria và nhờ sức
mạnh Chúa Thánh Thần.
86* Số 65: Giáo Hội và việc noi theo các nhân đức của Ðức Maria.
Ở đây, Công Ðồng
trình bày Ðức Maria như gương mẫu các nhân đức mà Giáo Hội phải noi theo. Việc
kính nhớ Mẹ Thiên Chúa làm cho tín hữu thâm hiểu mầu nhiệm Nhập Thể hơn vì có
nhiều khía cạnh của mầu nhiệm này biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa. Ngay từ thời xa
xưa, Giáo Hội đã cầu khẩn với Ðức Maria, nhờ thế mà Giáo Hội tiến tới trên con
đường đức tin và trên đường sứ mệnh tông đồ, trở nên giống với mẫu mực của mình
hơn.
87* Các số 66-67: Phần III - Việc tôn kính Ðức Trinh Nữ trong Giáo Hội.
Phần này trực tiếp
nói đến sự áp dụng giáo lý vào công việc giảng thuyết và tôn kính. Mối bận tâm
mục vụ của Công Ðồng được biểu lộ rõ rệt. Công Ðồng muốn rằng, trong Giáo Hội,
việc tôn kính và sùng mộ Ðức Maria phải chừng mực và chính đáng; không trễ nải
vì những ngờ vực vô ích hay sợ sệt; không quá khai thác những tình cảm, tưởng tượng
hoặc những điều thần học còn mơ hồ.
21 Xem Sách Nhật
Tụng Roma, xướng khúc "Sub tuum..." ở kinh chiều I của Tiểu tụng Ðức
Mẹ.
88* Số 66: Bản tính và nền tảng việc tôn kính Ðức Trinh Nữ.
Nền tảng việc
tôn kính Ðức Maria là do việc Mẹ Thiên Chúa được gắn liền với mầu nhiệm cứu rỗi
của Chúa Kitô. Vì Ðức Maria được dự phần vào mầu nhiệm này hơn bất cứ ai khác,
nên Giáo Hội đặc biệt tôn kính Mẹ. Việc tôn kính - bản chất của việc sùng mộ -
được gọi là đặc biệt (so sánh với việc tôn kính các Thánh), nhưng xét theo yếu
tính thì hoàn toàn khác biệt với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên
Chúa. Tiêu chuẩn của việc tôn kính là phải phù hợp với giáo lý chính thống. Việc
tôn kính chỉ có bảo đảm khi trung thành với ơn linh ứng riêng và phải hoàn toàn
hướng về Con duy nhất mà trong Người, Chúa Cha tác thành mọi sự. Việc sùng mộ sẽ
trở nên ảo tưởng nếu không đưa đến việc tuân giữ các giới răn Chúa. Giả thiết
như thế rồi, cũng còn phải lưu ý đến những hình thức tôn kính khác nhau nhưng vẫn
hợp pháp, do hoàn cảnh thời gian và nơi chốn tạo ra, hay do những tâm tình khác
nhau của mỗi dân tộc. Vậy phải thận trọng nhưng đừng có đầu óc thiển cận. Việc
tôn kính với cùng một hình thức như nhau sẽ trở nên nghèo nàn; phải để quyền
cho công giáo tính.
22 CÐ Nicea II,
năm 787: Mansi 13, 378-379 ; Dz 302 (600-601). CÐ Trentô, khóa 25: Mansi 33,
171-172.
23 Xem Piô XII,
sứ điệp truyền thanh, 24-10-1954: AAS 46 (1954), trg 679. Tđ. Ad caeli Reginam,
11-10-1954: AAS (1954), trg 637.
89* Số 67: Tinh thần giảng thuyết và tôn kính Ðức Trinh Nữ.
Sau cùng, Công Ðồng
ban bố một vài qui tắc mục vụ cho việc giảng thuyết và tôn kính Ðức Maria. Công
Ðồng giới thiệu đặc biệt việc tôn kính có tính cách phụng vụ, nhưng cũng không
quên những hình thức, những việc thực hành đạo đức không đi ngược với những
nguyên tắc đã đề ra. Việc tôn kính theo phụng vụ được chú trọng hơn là vì có sự
chỉ dẫn trực tiếp của Giáo Hội. Những hình thức tôn sùng cũng như Công Ðồng cổ
võ, dù không bàn đến chi tiết. Những tiêu chuẩn để giảng thuyết rất đơn giản: đừng
tán tụng thái quá, không hẹp hòi thiển cận, hoàn toàn tuân theo chỉ thị của
Giáo Hội, biết dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Như vậy Công Ðồng muốn ngay
cả việc giảng thuyết về Ðức Mẹ cũng phải qui về Chúa Kitô. Kết luận của số này
là vài lời khuyên tổng quát về việc sùng mộ đích thực nhằm gửi tới Dân Chúa
(không chỉ bằng tình cảm nhất thời, không phải niềm tin viễn vông, nhưng là sự
thực hành sâu xa của một đức tin chính thực, lấy tình yêu hàm chứa lòng biết ơn
mà tuyên xưng sự cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và đức tin đó còn làm cho chúng ta
biết quảng đại noi theo sự hiệp nhất giữa Mẹ với Thiên Chúa).
Hai vấn đề được
đặt ra ở Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông và như dấu hiệu hiệp nhất.
91* Số 68: Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông.
Số này bàn đến một
ý tưởng quan trọng: ý nghĩa địa vị được tôn vinh của Mẹ Chúa Giêsu đối với toàn
thể Giáo Hội. Ðức Maria là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Mẹ là dấu hiệu cậy
trông. Mẹ cũng đã phải chịu thử thách nên do kinh nghiệm riêng mà biết được gánh
nặng của chúng ta. Tình thương Mẹ dành cho chúng ta sẽ khuyến khích chúng ta cố
gắng không ngừng.
24 Xem Piô XI,
Tđ. Ecclesiam Dei, 12-11-1923: AAS 15 (1923), trg 581. Piô XII, Tđ. Fulgen
corona, 8-9-1953: AAS 45 (1953), trg 590-591.
92* Số 69: Ðức Maria và sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Ðây là một điểm
tế nhị. Nhiều người nghĩ dường như Ðức Maria là một trở ngại trên con đường hiệp
nhất các Kitô hữu. Công Ðồng đã đề cập vấn đề theo khía cạnh tích cực: Công Ðồng
nhận định một sự kiện không ai chối cãi: trong số những anh em ly khai, cũng có
người kêu cầu đến Trinh Nữ hèn mọn thành
Hiến Chế tín lý
về Giáo Hội khởi đầu và kết thúc bằng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Từ Thiên
Chúa, do tình yêu mà có mọi sự, và trong tình yêu mọi sự qui về Ngài. Hiến Chế
này là một lời tuyên xưng đức tin không lay chuyển và sẽ không chịu sự hao mòn
của thời gian.
Thông Tri
Do vị Tổng Thư
Ký của Thánh Công Ðồng trong phiên họp khoáng đại lần thứ 123 ngày 16-11-1964.
Có người thắc mắc
về phẩm tính thần học của giáo thuyết được trình bày trong Lược Ðồ về Giáo Hội
và sẽ được đem ra đầu phiếu.
Ủy ban lo về
giáo thuyết, khi xét đến những "Ðề Nghị Tu Chỉnh" về chương III Lược
Ðồ về Giáo Hội, đã trả lời rằng:
"Dĩ nhiên,
phải luôn luôn giải thích văn kiện Công Ðồng theo những qui tắc chung mà mọi
người đều biết".
Nhân dịp này, Ủy
Ban Giáo Thuyết đã nhắc lại bản Tuyên Ngôn của mình, ngày 6-3-1964; chúng tôi
xin trích lại bản văn đó:
"Xét theo tập
tục Công Ðồng và chủ đích mục vụ của Công Ðồng hiện tại, Thánh Công Ðồng nầy
xác định rằng Giáo Hội chỉ phải tuân giữ những điều có liên quan đến đức tin và
phong hóa được chính Thánh Công Ðồng tuyên bố là như vậy".
"Còn những
điểm khác được Thánh Công Ðồng trình bày, vì là giáo thuyết của quyền Giáo Huấn
Tối Thượng của Giáo Hội, nên tất cả và mỗi một Kitô hữu phải chấp nhận và hiểu
theo ý của chính Thánh Công Ðồng, dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải
thích thần học: ý Công Ðồng tỏ lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn
tả của Công Ðồng".
Và đây là một
chú thích sơ khởi, mà Thượng Quyền gửi đến các Nghị Phụ đối với "những Ðề
Nghị Tu Chỉnh" liên quan đến chương III của Lược Ðồ về Giáo Hội; giáo thuyết
được trình bày trong chương III này phải được giải thích và hiểu theo tinh thần
và thể thức của chú thích này.
Chú Thích Sơ Khởi
"Trước khi
xét những "Ðề Nghị Tu Chỉnh", Ủy Ban quyết định trình bày những nhận
xét tổng quát sau đây:
1. Cộng Ðoàn
(collegium) không hiểu theo nghĩa thuần túy pháp lý, nghĩa là một nhóm người
bình đẳng, mà quyền hạn họ đã trao phó cho một vị chủ tịch; nhưng phải hiểu là
một nhóm người có tính cách vững bền mà cơ cấu tổ chức và quyền hành phải được
rút ra từ Mạc Khải. Cho nên, khi trả lời "Ðề Nghị Tu Chỉnh" số 12,
chúng tôi đã nói rõ rằng: Mười Hai Tông Ðồ đã được Chúa thành lập theo thể thức
"một cộng đoàn hay một nhóm người có tính cách vững bền" : Cũng xem Ðề
Nghị Tu Chỉnh số 53, c. - Cũng vì vậy, chữ "Hàng" (hàng Giám Mục:
ordo) hay "Ðoàn" (corpus) cùng được dùng đây đó để chỉ "Cộng
Ðoàn Giám Mục". Sự đối chiếu: một bên là Phêrô với các Tông Ðồ khác, một
bên là Ðức Giáo Hoàng với các Giám Mục, không có nghĩa là quyền đặc biệt của
các Tông Ðồ đã được truyền lại cho các người kế vị và, dĩ nhiên, cũng không có
nghĩa là giữa vị Thủ Lãnh và các phần tử của cộng đoàn có sự bình đẳng; nhưng
chỉ muốn xác định một sự tương xứng giữa tương quan thứ nhất (Phêrô - Tông Ðồ)
và tương quan thứ hai (Ðức Giáo Hoàng - Các Giám Mục). Vì thế trong số 22, Ủy
Ban đã quyết định không dùng chữ "cũng vậy", nhưng dùng chữ
"tương tự như thế". Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh 57.
2. Người được
phong chức giám mục và hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử
trong Cộng Ðoàn thì trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn. Xem số 22, 1 phần cuối.
Trong việc tấn
phong, có sự tham dự hữu thể vào các nhiệm vụ thánh, như Truyền Thống và cả tập
truyền phụng vụ đã chứng tỏ hiển nhiên. Sau khi thảo luận, Ủy Ban dùng danh từ
"nhiệm vụ" (munus) chứ không dùng danh từ "quyền hành"
(potestas), vì "quyền hành" có thể hiểu là một quyền hành sẵn sàng để
xử dụng. Thật ra, để có một quyền hành như thế thì cần phải có thêm sự chỉ định
theo giáo luật hoặc pháp lý của quyền bính phẩm trật. Sự chỉ định này có thể là
việc bổ nhiệm vào một chức vụ đặc biệt hay việc ủy thác trông coi một số người
và theo những qui luật đã được quyền tối thượng chấp thuận. Do bản chất của sự
việc, cần phải có qui luật cuối cùng như thế, bởi vì đó là những nhiệm vụ phải
được thực hành do nhiều phụ tá cộng tác theo phẩm trật do ý muốn của Chúa Kitô.
Hiển nhiên là trước khi viết thành bộ luật, thì sự "hiệp thông" ấy đã
được áp dụng trong đời sống Giáo Hội tùy theo hoàn cảnh của các thời đại.
Chính vì thế mà Ủy
Ban minh nhiên nói rằng: cần phải có sự hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với
các phần tử của Giáo Hội. Hiệp thông, một ý niệm rất được Giáo Hội thời xưa
(cũng như thời nay, nhất là Giáo Hội Ðông Phương) đề cao. Ðó không phải là tâm
tình mơ hồ, nhưng là một thực thể hữu cơ. Nó đòi hỏi một hình thức pháp lý, đồng
thời được linh động nhờ đức ái. Do đó, sau khi được sự đồng ý của hầu hết mọi
người, Ủy Ban quyết định viết như sau: "trong sự hiệp thông phẩm trật".
Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 40, và những chỗ đề cập đến chức vụ bổ nhiệm theo giáo
luật, số 24.
Những văn kiện gần
đây của các Ðức Giáo Hoàng về quyền tài thẩm của các Giám Mục phải được giải
thích theo sự hạn định cần thiết về những quyền hành ấy.
3. Cộng Ðoàn,
không thể có Cộng Ðoàn nếu không có Thủ Lãnh, "cũng là chủ thể có quyền
bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội". Cần phải chấp nhận điều
đó để quyền bính trọn vẹn của Ðức Giáo Hoàng Roma khỏi bị vi phạm. Nói đến Cộng
Ðoàn (Giám Mục), bao giờ người ta cũng phải hiểu là gồm có Thủ Lãnh; và trong Cộng
Ðoàn, Thủ Lãnh vẫn nắm giữ nguyên vẹn nhiệm vụ Ðấng Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ
Chăn của Giáo Hội phổ quát. Nói cách khác, sự phân biệt không phải là giữa Ðức
Giáo Hoàng Roma và các Giám Mục hiệp lại, nhưng là giữa cá nhân Ðức Giáo Hoàng
Roma và Ðức Giáo Hoàng Roma cùng với các Giám Mục. Vì Ðức Giáo Hoàng là Thủ
Lãnh của Cộng Ðoàn nên chính ngài một mình có quyền hành động trong một vài việc
mà các Giám Mục không có thẩm quyền: ví dụ triệu tập và điều khiển Cộng Ðoàn
Giám Mục, phê chuẩn các quy luật hành động, v. v... Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 81.
Ðức Giáo Hoàng, vì được trao phó nhiệm vụ chăn dắt toàn thể đoàn chiên Chúa
Kitô, nên tùy theo nhu cầu của Giáo Hội biến chuyển theo các thời đại, ngài giữ
quyền phán định cách thế thích hợp để thể hiện nhiệm vụ chăn dắt trên, hoặc
cách cá nhân hoặc cách cộng đoàn. Vì lợi ích của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma
hành động theo sự khôn ngoan của ngài để hướng dẫn, phát huy, phê chuẩn sự thực
thi quyền cộng đoàn.
4. Là Ðấng Chăn
Dắt Tối Cao của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng có thể tùy ý thi hành quyền bính của
Ngài bất cứ lúc nào, theo sự đòi hỏi của nhiệm vụ Ngài. Còn Cộng Ðoàn, tuy vẫn
tồn tại luôn, nhưng không vì thế mà lúc nào cũng hành động với tính cách thuần
túy cộng đoàn, như Thánh Truyền Giáo Hội xác nhận. Nói cách khác, không phải
bao giờ Cộng Ðoàn cũng hành động "trong hiện thể trọn vẹn", nhưng chỉ
thỉnh thoảng mới hành động một cách thuần túy cộng đoàn, và khi đó chỉ vì Thủ
Lãnh ưng thuận. Nói "Thủ Lãnh ưng thuận" để khỏi nghĩ đến sự tùy thuộc
như tùy thuộc vào một người ngoại cuộc. Trái lại, từ ngữ "ưng thuận"
nói lên sự hiệp thông giữa Thủ Lãnh với các phần tử, đồng thời giả thiết sự cần
thiết của một hành vi thuộc riêng vị Thủ Lãnh. Ðiểm này được minh nhiên xác định
trong số 22, 2 và được giải thích ở phần cuối số ấy. Cách nói "chỉ
vì" bao gồm tất cả mọi trường hợp: do đó dĩ nhiên là phải tuân theo các
qui luật được giáo quyền tối thượng chấp thuận. Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 84.
Trong tất cả các
điểm trên, chúng ta thấy rõ vấn đề là ở chỗ các Giám Mục hiệp nhất với Thủ Lãnh
của mình và không bao giờ hành động cách độc lập đối với Giáo Hoàng. Trong trường
hợp sau này, khi không có hành động của Thủ Lãnh, các Giám Mục không thể hành động
như một Cộng Ðoàn được, như ý niệm "Cộng Ðoàn" cho thấy. Thánh Truyền
luôn minh chứng có sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả các Giám Mục với Ðức
Giáo Hoàng.
Chú ý: Nếu không
có hiệp thông phẩm trật, thì các Giám Mục không thể thi hành nhiệm vụ thực thể
lãnh nhận do Bí Tích. Nhiệm vụ đó phải được phân biệt với khía cạnh giáo luật -
pháp lý. Nhưng Ủy Ban nghĩ là không cần phải bàn đến các vấn đề hợp pháp và
thành sự, và để lại cho các nhà thần học thảo luận, cách riêng trong những gì
liên can tới việc thi hành quyền bính hiện có nơi anh em ly khai Ðông Phương. Về
điểm này, có nhiều giải thích khác nhau.
Pericles Felici
Tổng Giám Mục hiệu
tòa Samosate
Tổng Thư Ký
Thánh Công Ðồng Vaticanô II
Hiến
Chế Về Phụng Vụ Thánh - Sacrosanctum Concilium
Lời Giới Thiệu
Các mầu nhiệm Phụng
Vụ là "chóp đỉnh" sinh hoạt của Giáo Hội đồng thời cũng là nguồn mạch
các nhân đức. Dầu Giáo Hội luôn luôn sống mật thiết với các mầu nhiệm Phụng Vụ,
nhưng trong lịch sử, trước Vaticanô II chưa có Công Ðồng nào lại dành cả một Hiến
Chế để bàn tới Phụng Vụ với một thời gian khá lâu để chuẩn bị, thảo luận và biểu
quyết.
Một vài Công Ðồng
cũng đã đặt vấn đề nhưng chỉ chú trọng đặc biệt tới ít nhiều nguyên tắc hoặc
lên án những sai lầm tín lý.
Thực là may mắn,
một Phong Trào Phụng Vụ đã nảy sinh trong thời chúng ta. Ðây là "một trong
những hồng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho kỷ nguyên này!" 1. Nhờ đó, người
ta đã bắt đầu suy luận về Phụng Vụ một cách sâu xa và chín chắn, mang tính chất
thần học và mục vụ. Và vì vậy, Dân Chúa ngày một ý thức về vai trò quan trọng của
Phụng Vụ trong đời sống Kitô hữu và Giáo Hội.
Hiến Chế về
"Phụng Vụ Thánh" của Công Ðồng Vaticanô II hướng dẫn phong trào này đến
chỗ tuyệt đỉnh và mở ra một kỷ nguyên mới cho đời sống cầu nguyện của Giáo Hội.
Hoàn cảnh lịch sử
Trước Công Ðồng
Tridentinô (kết thúc vào năm 1563) nền Phụng Vụ theo nghi thức Rôma đã bị coi
là quá cổ kính. Phụng Vụ được phát triển và thay đổi nhưng chỉ phát triển ở những
yếu tố bên ngoài theo sáng kiến nhân loại bằng cách thêm những cử điệu và nghi
thức trang trọng. Các nghi thức này chắc chắn chỉ thích hợp với thời đại còn
nhiều người chưa biết đọc biết viết và cho một số ít người trí thức hiểu được
tiếng La tinh, một ngôn ngữ hầu như là chính thức của một xã hội chịu quá nhiều
ảnh hưởng của giáo sĩ và Giáo Hội.
Thế rồi, thế giới
ngày một biến đổi với việc phát minh ngành báo chí, với thuyết nhân bản, với những
trào lưu văn hóa, với văn chương lãng mạn (do đó, tiếng Latinh suy yếu dần dần),
với xã hội ngày một bị trần tục hóa v.v... Theo đà tiến hóa này, tâm thức con
người cũng thay đổi sâu xa về quan niệm đối với Giáo Hội và việc phụng tự. Do
đó Phụng Vụ trở nên một thứ kinh nguyện ngày càng xa lạ và bí nhiệm đối với dân
chúng. Họ tham dự với lòng tin tưởng nhưng thụ động và âm thầm chẳng khác gì chứng
kiến một động tác riêng của hàng giáo sĩ. Trong khi đó, họ chỉ nuôi dưỡng lòng
đạo bằng cách gia tăng nhiều việc đạo đức cá nhân.
Công Ðồng
Tridentinô cũng nhìn thấy rõ sự kiện này 2. Tuy nhiên Công Ðồng chỉ chú trọng bảo
vệ giá trị một vài chân lý của các bí tích bị phái Tin Lành đem ra mổ xẻ: như sự
công hiệu của bí tích, hiến tế tạ ơn, sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép
Thánh Thể, chức linh mục thừa tác... Với chủ đích chống lại sự canh tân của Tin
Lành, Công Ðồng phải dừng lại ở lập trường bảo thủ với những nguyên tắc khắt
khe. Thái độ này đương nhiên hạn chế "việc cập nhật hóa" Phụng Vụ.
Từ khi cải tổ
sách Phụng Vụ theo huấn thị Công Ðồng Triđentinô người ta nói rằng Phụng Vụ
Rôma có tính cách bất động và cố định vì những qui luật dường như bất di bất dịch.
Ngôn ngữ dùng ở đó là ngôn ngữ chết và được coi như không thể thay thế được nữa.
Các nghi thức cổ truyền này phải được duy ttrì và cử hành đúng như đã ghi chú tỉ
mỉ trong sách chữ đỏ, cho dù nhiều người không hiểu nguồn gốc và dấu hiệu tượng
trưng bí nhiệm của chúng.
Các qui tắc Phụng
Vụ này áp dụng cho mọi nơi, cả các nơi truyền giáo nữa (vì sau Công Ðồng
Triđentinô là thời kỳ hưng thịnh của công cuộc tryền giáo nên có nhiều xứ đạo mới
được thành lập). Khắp mọi nơi đều áp dụng như nhau: cùng những qui tắc tỉ mỉ bất
di bất dịch, cùng một ngôn ngữ, một tâm tình tây phương như vậy. Giáo Hội không
để ý tới tâm tình, thói quen và phong tục tôn giáo nơi các dân tộc được chiếu
giãi ánh sáng Phúc Âm.
Tại Á Châu, một
vài đề nghị đã được đem ra mổ xẻ để giải quyết vấn đề thích nghi Phụng Vụ trong
các xứ truyền giáo. Việc thảo luận đưa tới những cuộc bút chiến sôi động nẩy lửa
chung quanh các nghi thức (chẳng hạn nghi thức Trung Hoa). Kết cục, vấn đề
không đi tới thành quả nào cả.
Mãi tới cuối thế
kỷ vừa qua, ý hướng cải tiến do Chúa Quan Phòng linh ứng mới xuất hiện trong
Giáo Hội và đã đem lại kết quả tốt đẹp cho nền Phụng Vụ. Chính ý hướng này đã dọn
đường cho việc "cập nhật hóa" của Công Ðồng Vaticanô II.
Phong Trào Phụng Vụ
Những người tiên
phong của phong trào cải tiến Phụng Vụ cuối thế kỷ vừa qua chính là các tu sĩ
dòng Benedictô Solesmes, Beuron, Maria Laach v.v... Công lao của họ được Ðức
Giáo Hoàng Piô XII ghi nhận trong Thông Ðiệp Mediator Dei (số 4).
Tuy nhiên người
tiên phong đích thực của phong trào này chính là Thánh Giáo Hoàng Piô X vị được
mệnh danh là Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể. Trong Tự Sắc "Tra le
sollicitudini", ngày 22-11-1903, Ngài mong muốn giáo hữu tham gia tích cực
vào các lễ nghi Phụng Vụ, nguồn mạch thứ nhất và cần thiết để nuôi dưỡng tinh
thần Kitô hữu (số 3).
Cố gắng đầu tiên
của phong trào này là tìm hiểu và đào sâu chính bản chất nội tại của Phụng Vụ.
Những suy tư này mang đặc tính lịch sử, thần học và mục vụ.
Phong trào đã
khơi lại nét phong phú chứa đựng trong các nghi thức cũ, đồng thời đem ra ánh
sáng những nỗ lực liên lỉ của Giáo Hội qua các thời đại trong việc thích ứng những
qui tắc nòng cốt Phụng Vụ cho mọi thời đại và cho mọi dân tộc.
Từ triều đại
Thánh Giáo Hoàng Piô X cho đến triều đại Ðức Giáo Hoàng Piô XII, Giáo Hội không
ngừng tiếp tục việc cải tiến. Lúc ban đầu, việc cải tiến này có vẻ dò dẫm và dè
dặt rồi mạnh bạo dần theo đà tiến của việc tra cứu học hỏi và hoàn cảnh thuận lợi
để phổ biến.
Người có công lớn
lao nhất là Ðức Giáo Hoàng Piô XII. Với Thông Ðiệp Mediator Dei (1947), Ngài để
lại cho Giáo Hội tài liệu giáo huấn có giá trị đầu tiên về Phụng Vụ. Thông điệp
Mediator Dei cho đến nay vẫn là một trong những nguồn mạch của Công Ðồng
Vaticanô II đã thâu nhận và trích dẫn dồi dào từ kho tàng này; đôi khi Công Ðồng
còn đồng hóa các tư tưởng, các lời nói của Thông điệp này như là của mình và đã
không sử dụng tới dấu hiệu để phân biệt hay ghi xuất xứ. Hiến Chế chỉ thêm vào
đó các yếu tố Thánh Kinh, cộng đoàn và mục vụ cho thích hợp với thời đại và
tinh thần Công Ðồng 3.
Lược trình Hiến Chế
Lược đồ của Hiến
Chế về Phụng Vụ Thánh được một Ủy Ban tiền Công Ðồng soạn thảo dưới sự hướng dẫn
của Ðức Hồng Y Gaetano Cicognani. Sau khi Ngài từ trần, lược đồ được chuyển
sang Ðức Hồng Y Arcadio Larraona 4. "Ðây là lược đồ được cứu xét đầu tiên ở
Công Ðồng và cũng có thể là lược đồ giá trị nhất theo tầm quan trọng của nó
trong đời sống Giáo Hội" 5.
Ngày 14-11-1962,
trong một phiên họp khoáng đại, lược đồ đã được các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp thuận
trên nguyên tắc. Kết quả có 2,162 phiếu thuận và 46 phiếu chống. Sau đó các
chuyên viên Công Ðồng bắt tay vào việc cứu xét những điểm đề nghị tu chỉnh.
Công việc kéo dài từ 17-11 đến 6-12-1962 và đầu kỳ họp II năm 1963.
Ngày 4-12-1963 Ðức
Giáo Hoàng Phaolô VI, trước kia khi còn là Hồng Y, đã tích cực ủng hộ lược đồ,
bây giờ long trọng công bố Hiến Chế với tư cách thủ lãnh của Giáo Hội.
Nội dung giáo lý
Hiến Chế được
chia thành 7 chương hàm chứa nhiều nguyên tắc thần học và những tiêu chuẩn hướng
dẫn việc canh tân và phát triển hữu hiệu nền Phụng Vụ.
1. Trước hết
chương I phác họa nền tảng thần học của Phụng Vụ.
Phụng Vụ là công
cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô (số 5). Công cuộc này còn được tiếp tục và tồn tại
mãi trong Giáo Hội, nhất là qua lễ nghi hiến tế tạ ơn và các bí tích (số 6).
Chính Chúa Kitô,
Ðấng hiện diện trong Giáo Hội, dùng các dấu chỉ bí tích dâng lên Thiên Chúa lễ
vật toàn thiện và thánh hóa nhân loại. Là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, Người
cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc.
Do đó, những động
tác Phụng Vụ chỉ là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo Hội:
chức tư tế luôn luôn hiện diện và hoạt động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả
giác và hữu hiệu (số 7).
Ðồng thời, Phụng
Vụ là sự chờ đợi, là sự nếm trước Phụng Vụ trên trời, nơi mà tất cả chúng ta
đang tiến về như những lữ hành (số 8).
Như thế, Phụng Vụ
là "chóp đỉnh" các sinh hoạt Giáo Hội (số 10) tuy không phải là sinh
hoạt độc nhất của Giáo Hội. Thực vậy, sứ mệnh tiên quyết của Giáo Hội là mời gọi
nhân loại trở về với nguồn ơn cứu rỗi qua việc rao giảng Phúc Âm (số 9) và chuẩn
bị tâm hồn mọi người sẵn sàng tiến tới các mầu nhiệm thánh qua những việc đạo đức
(như cầu nguyện riêng, nguyện ngắm, việc sùng kính, sám hối v.v...) (số 11).
Sau phần dẫn nhập,
Công Ðồng bước sang những chỉ dẫn tổng quát cho việc cải tiến Phụng Vụ.
Ðể tín hữu xác
tín đầy đủ và tham gia trọn vẹn các nghi lễ một cách ý thức và chủ động, trước
hết phải huấn luyện các chủ chăn (số 14-18), rồi đến lượt các ngài sẽ huấn luyện
lại cho tín hữu (số 19).
Ngoài ra, còn phải
tiếp tục cố gắng để cải tiến cách tốt đẹp toàn bộ Phụng Vụ theo những qui tắc
sau đây (số 21):
A. Qui tắc tổng
quát liên quan trực tiếp tới những vị điều hành Phụng Vụ trong Giáo Hội (số
22-25).
B. Qui tắc dựa
trên tính cộng đoàn của Phụng Vụ (số 26-32).
C. Qui tắc dựa
trên bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng Vụ (số 33-36). Chẳng hạn đề cập tới
ngôn ngữ được sử dụng trong các nghi lễ (số 35).
D. Qui tắc thích
nghi Phụng Vụ với tâm tính và hoàn cảnh dân tộc, địa phương (số 37-40).
Cuối cùng Hiến
Chế phân tích đời sống phụng vụ trong phạm vi các giáo phận (số 41, 45-46),
giáo xứ (42-43) và quốc gia (44).
2. Chương II là
những chỉ dẫn để cải tiến các nghi thức trong Thánh Lễ. Một vài chi tiết đặc biệt
và mới mẽ đáng kể như: lời nguyện giáo dân (số 53), tiếng bản xứ (số 54), rước
lễ hai hình (số 55), lễ đồng tế (số 57).
3. Chương III đề
cập tới các Bí Tích khác và các Á Bí Tích. Với những lời diễn nghĩa thần học
giá trị (số 59-61).
4. Chương IV bàn
đặc biệt về Kinh Nhật Tụng, một phần vụ quan trọng khác để thi hành sứ mệnh tư
tế của Chúa Kitô và Giáo Hội. Ðó là việc dâng lên Thiên Chúa "bài ca chúc
tụng" và lời cầu khẩn cho thế gian được ơn cứ rỗi (số 83).
5. Chương V của
Hiến Chế trình bày về Năm Phụng Vụ: sau phần nhập đề thần học sâu xa (số
102-105), Công Ðồng nêu ra một số qui tắc nhằm nâng cao giá trị của ngày Chúa
Nhật (106), duyệt lại chu kỳ phụng vụ với ý hướng nhấn mạnh đặc biệt mầu nhiệm
Phục Sinh (107-108), Mùa Chay (109-110) và các ngày lễ mừng các Thánh (111).
6. Chương VI và
VII dành cho thánh nhạc và thánh nghệ, là một rong những phần nòng cốt của Phụng
Vụ. Số 119 đặc biệt nói về việc áp dụng thánh nhạc trong các xứ truyền giáo.
Phần Phụ Thêm: Tuyên ngôn về việc tu chính niên lịch
Trong phần phụ
thêm của Hiến Chế, các Nghị Phụ muốn xác định thái độ về việc sửa lại niên lịch
dân sự cho chính xác 6.
Từ hơn một thế kỷ
nay, trong phạm vi khoa học, thương mại và chính trị, nhiều người đã nghiên cứu
việc tu chỉnh niên lịch dân sự. Ðã hai lần, Tòa Thánh được hỏi ý kiến về vấn đề
này, nhưng Ðức Lêô XIII, năm 1897, Ðức Piô XI, năm 1921, đều trả lời rằng: để
giải quyết một vấn đề quá tế nhị như vậy có lẽ phải cần tới thầm quyền của Công
Ðồng chung 7.
Trong khi soạn
thảo lược đồ Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, một vài Nghị Phụ lên tiếng muốn rằng
Công Ðồng nên đi bước đầu trong việc tu chính một niên lịch chính xác và cố định.
Nhưng vấn đề chưa ngã ngủ hoàn toàn, nên các Nghị Phụ dành quyền quyết định cho
Tòa Thánh, để tự do hành động, nhất là đối với sáng kiến sửa đổi của xã hội dân
sự (chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc).
Tuy nhiên Công Ðồng
cũng nêu ra vài quy tắc quan trọng nhắc Tòa Thánh lưu tâm khi có việc thay đổi:
a. Phải thận trọng
trong việc thay đổi lễ Phục Sinh nếu có, vì trong quá khứ vấn đề đó đã là lý do
chia rẽ giữa các kitô hữu.
b. Cố gắng duy
trì tuần lễ bày ngày với ngày Chúa Nhật, và thao nguyên tắc không thêm một ngày
nào khác ngoài tuần lễ.
Chú Thích:
1 Yves Congar
O.P. Unam Sanctam 66, trg 14.
2 Xem Dz 946
(1749) v.v... Những người "Cải Cách" đã bàn luận sôi nổi một vài vấn
đề Phụng Vụ: như vấn đề ngôn ngữ trong Phụng Vụ, rước lễ hai hình v.v... nhưng
tiếc thay, họ bàn luận theo những chiều hướng sai lạc.
3 Xem
Pierre-Marie Gy. O.P. Unam sanctam 66, trg 117.
4 Cha Annibale
Bugnini, linh mục thừa sai, chủ nhiệm tờ "Ephemerides Liturgicae", là
thư ký và chuyên viên của Hiến Chế.
5 Ðức Giáo Hoàng
Phaolô VI công bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh ngày 4-12-1963.
6 Chẳng hạn năm
1922. Hội Nghị Liên Hiệp Không Gian nhóm họp tại Rôma để thảo luận về vấn đề
này. Bên Mỹ châu có "World Calender Association" đã phổ biến một hệ
thống niên lịch cố định, khá phức tạp. Có lẽ trong một thời gian gần đây Liên
Hiệp Quốc sẽ có sáng kiến về vấn đề này.
7 Về các tài liệu
này, xin xem chauver Berrand, La question de la Pâque et du Calendrier, Paris
1936, trg. 213-214.
Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa III Ngày 04
tháng 12 Năm 1963
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Hiến Chế Về Phụng
Vụ Thánh
Sacrosanctum
Concilium
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
1. Lời Mở Ðầu. Thánh Công
Ðồng chủ tâm phát huy hằng ngày đời sống Kitô giáo nơi các tín hữu, thích ứng
hơn nữa với những định chế nào có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời
đại chúng ta, cổ xúy những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo
Chúa Kitô, và kiện cường những gì qui trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng
Giáo Hội. Vì những lý do đặc biệt đó, Thánh Công Ðồng thấy có bổn phận phải lo
canh tân và cổ xúy Phụng Vụ.
2. Vai trò của Phụng Vụ trong mầu nhiệm
Giáo Hội. Thật vậy, nhờ Phụng Vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà "công cuộc
cứu chuộc chúng ta được thực hiện" 1.
Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và
biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo
Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu
hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm
niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách. Tuy nhiên,
trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại cũng qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần
linh, những thực tại hữu hình phải qui hướng về những thực tại vô hình, những
hoạt động phải hướng về việc chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về
thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm 2. Hằng ngày,
Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa,
thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần 3 để đạt tới
mức tuổi sung mãn của Chúa Kitô 4. Nhờ đó, Phụng
Vụ còn kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa Kitô; và như vậy
Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu
cao trước mặt các dân nước 5 ngõ hầu con
cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một 6 cho tới khi
thành một đàn chiên theo một Chúa chiên 7.
3. Hiến chế về Phụng Vụ
Thánh và các Nghi Lễ khác. Vì vậy để cổ xúy và canh tân Phụng Vụ, Thánh Công Ðồng
thấy cần nhắc lại những nguyên tắc sau đây và thiết định những tiêu chuẩn thực
hành.
Trong những
nguyên tắc và tiêu chuẩn này, có một số không những có thể và cần phải áp dụng
cho Nghi Lễ Roma mà cho hết mọi Nghi Lễ khác, mặc dầu những tiêu chuẩn thực
hành sau này chỉ phải hiểu là có liên quan tới Nghi Lễ Roma thôi, ngoại trừ những
gì tự bản chất là có liên hệ đến những Nghi Lễ khác.
4. Tôn trọng tất cả các
Nghi Lễ được chính thức công nhận. Sau hết, vẫn trung thành vâng phục truyền thống,
Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng: Giáo Hội Mẹ Thánh coi tất cả những Nghi Lễ đã được
chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, lại
muốn các Nghi Lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách.
Thánh Công Ðồng cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi Lễ ấy phải được cẩn thận
tu chỉnh cho toàn vẹn theo tinh thần của truyền thống lành mạnh và được bổ sung
một sinh khí mới mẻ hầu phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.
Chương I: Những Nguyên Tắc Tổng
Quát Ðể Canh Tân Và Cổ Võ Phụng Vụ Thánh
I. Bản Tính Và Tầm Quan Trọng Của
Phụng Vụ Thánh Trong Ðời Sống Giáo Hội
5. Thiên Chúa muốn mọi người
được cứu rỗi. Thiên Chúa "muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết
chân lý" (1Tm 2,4). "Trước kia Ngài đã dùng các tiên tri mà phán bảo
tổ phụ nhiều lần, nhiều cách" (Dth 1,1), và khi đã đến thời kỳ viên mãn,
Ngài đã sai Con mình, Ngôi Lời nhập thể, được Thánh Thần xức dầu, để rao giảng
Phúc Âm cho người nghèo, cứu chữa những người khổ tâm 8, như là
"thầy thuốc của thể xác và tinh thần" 9, cũng là
Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại 10. Vì thế,
chính bản tính nhân loại của Người, hiệp làm một với Ngôi Lời, đã nên khí cụ phần
rỗi chúng ta. Cho nên, nhờ Chúa Kitô "Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để
chúng ta được giao hòa với Ngài, và cho chúng ta được phụng thờ Ngài một cách
hoàn bị" 11.
Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh
Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước qua những kỳ
công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục
sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển
của Người. Nhờ đó "Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống
lại để tái lập sự sống" 12. Vì chính
từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ
là Giáo Hội 13.
6. Công cuộc cứu chuộc tiếp nối do Giáo Hội được thực hiện trong phụng
vụ. Vì vậy, như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng
sai các Tông Ðồ đầy tràn Thánh Thần đi như vậy, không những để trong khi rao giảng
Phúc Âm cho mọi thụ tạo 14 các Ngài
loan báo Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát
chúng ta khỏi quyền lực Satan 15 và sự chết,
đồng thời dẫn đưa chúng ta vào nước Chúa Cha, nhưng còn để các Ngài thực thi
công cuộc cứu chuộc mà các Ngài đã loan báo, nhờ Hiến Tế và các Bí Tích, trung
tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ. Như vậy, nhờ phép Rửa Tội, con người
được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai
táng, cùng sống lại 16, được lãnh
nhận tinh thần dưỡng tử, "do đó chúng ta xưng hô Chúa là Abba, Cha"
(Rm 8,15) và như thế được trở nên kẻ phụng thờ đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm 17. Cũng thế,
mỗi khi ăn tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại
đến 18. Do đó,
chính trong ngày Hiện Xuống, ngày Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian, "những
người suy phục lời giảng" của Phêrô, "đều chịu phép Rửa Tội". Họ
"kiên tâm theo lời giáo huấn của Tông Ðồ, thông công trong việc bẻ bánh và
cầu nguyện... ngợi khen Thiên Chúa, lại được lòng toàn dân" (CvTđ 2,41-42;
47). Kể từ đấy, Giáo Hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau qui tụ để cử hành mầu
nhiệm phục sinh: bằng việc đọc "những lời chỉ về Người trong bộ Thánh
Kinh" (Lc 24,27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hóa "sự
vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người" 19, đồng thời
"cảm tạ Thiên Chúa về ân điển khôn tả của Ngài" (2Cor 9,15) trong
Chúa Giêsu Kitô, "để ca tụng sự vinh hiển của Ngài" (Eph 1,12) nhờ
quyền năng Chúa Thánh Thần.
7. Sự hiện diện của Ðức Kitô trong phụng vụ. Ðể chu toàn công việc lớn
lao ấy, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng
vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa
tác viên, vì "như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay
chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục" 20, nhất là
hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thiết thực
trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội thì chính là
Chúa Kitô rửa 21. Người hiện
diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh
Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh
Vịnh, như chính Người đã hứa: "Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp
lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).
Thực vậy, trong
công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa
Kitô hằng kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người
như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu.
Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của
chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng
nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu
chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng 1* vẹn toàn
cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể
của Người.
Do đó, vì là
công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử
hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo
Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.
8. Phụng vụ trần gian và phụng vụ trên trời. Phụng Vụ trần gian là nơi
chúng ta tham dự bằng cảm nếm trước Phụng Vụ trên trời, được cử hành trong
thánh đô Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa
Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà
tạm đích thực 22; Phụng Vụ
trần gian là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi
tôn vinh Chúa: trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần
và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa
chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta
cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang 23.
9. Phụng vụ không phải là
hoạt động duy nhất của Giáo Hội. Phụng Vụ Thánh không làm trọn mọi hoạt động của
Giáo Hội. Vì, con người cần phải được mời gọi để tin và hoán cải trước khi có
thể đến tham gia Phụng Vụ: "Làm sao họ kêu khấn được Ðấng họ không tin?
Làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao họ nghe được, nếu không có người
rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?" (Rm 10,14-15).
Vì thế, Giáo Hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi
cho những kẻ không tin, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật,
đồng thời cũng nhận biết Ðấng Ngài sai là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối, hoán cải
con đường của họ 24. Còn đối với
các tín hữu, Giáo Hội phải luôn luôn rao giảng đức tin và lòng thống hối; giúp
họ sẵn sàng đón nhận các Bí Tích, dạy họ giữ trọn những điều Chúa Kitô đã phán 25, thúc giục
họ tham gia mọi công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ; những công cuộc này biểu
lộ rằng: dầu các tín hữu không thuộc về thế gian nhưng lại là ánh sáng thế gian
và chính họ tôn vinh Chúa Cha trước mặt mọi người.
10. Phụng vụ là tột đỉnh
và nguồn mạch đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên, Phụng Vụ là tột đỉnh qui hướng mọi
hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo
Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi
người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi
khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa.
Ðáp lại, chính Phụng Vụ thúc giục các tín hữu
đã được no thỏa "nhiệm tích phục sinh", phải trở nên "những người
sống phối hợp trong tình yêu" 26. Phụng Vụ
nguyện cầu "cho họ ăn ở xứng đáng và trung thành giữ nhiệm tích họ đã lĩnh
nhận với lòng tin tưởng" 27. Việc tái
lập giao ước của Chúa với con người trong Lễ Tạ Ơn nung nấu và lôi cuốn các tín
hữu vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, chính Phụng Vụ, nhất là
Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con
người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được
vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về
như là cứu cánh.
11. Cần thiết chuẩn bị tâm linh mỗi người. Nhưng muốn thâu đạt được hiệu
năng toàn vẹn ấy, tín hữu cần đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn
sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng
trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích 28. Vì vậy,
các mục tử không phải chỉ chủ tâm tuân giữ các lề luật trong các hoạt động phụng
vụ để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn phải làm cho các tín hữu
tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu.
12. Phuụg vụ và sự cầu
nguyện cá nhân. Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng không chỉ bao trùm trong việc
tham dự Phụng Vụ Thánh mà thôi. Bởi vì người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện
chung, nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha 29, hơn nữa
phải cầu nguyện không ngừng 30 như lời vị
Tông Ðồ đã dạy. Chính vị Tông Ðồ này còn dạy chúng ta hằng phải ôm ấp sự khổ chế
của Chúa Giêsu được phô diễn trong xác thể hay chết của chúng ta 31. Vì vậy,
trong Hy Lễ, chúng ta nguyện xin Chúa "khi chấp nhận của lễ linh thiêng được
dâng lên", Chúa biến chính chúng ta trở nên "lễ vật vĩnh cửu" 32 của Chúa.
13. Các việc đạo đức khơi
nguồn từ phụng vụ. Những việc đạo đức của dân Kitô giáo bao lâu còn được thích
hợp với các lề luật và qui tắc của Giáo Hội thì còn được khích lệ rất nhiều, nhất
là khi thi hành theo chỉ thị của Tông Tòa.
Những việc thánh
thiện của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi
hành theo các chỉ thị của Giám Mục, hợp với tập tục hoặc các sách đã được chính
thức phê chuẩn.
Nhưng phải chiếu
theo các mùa phụng vụ để xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với Phụng Vụ Thánh, để
có thể được coi là phát xuất từ Phụng Vụ và để tiến dẫn dân chúng đến Phụng Vụ,
vì tự bản chất, Phụng Vụ vượt xa các việc ấy.
II. Công Cuộc Huấn Luyện Phụng Vụ
Và Tham Dự Linh Ðộng
14. Tham dự các việc cử
hành phụng vụ cách trọn vẹn. Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu
được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động.
Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội,
việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo,
"là giòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con
dân được tuyển chọn" (1P 2,9; x. 2,4-5).
Trong việc canh
tân và cổ võ Phụng Vụ Thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn
và linh động của toàn dân: vì Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ
đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực. Vì thế, nhờ việc huấn
luyện cần thiết, các mục tử chăn dắt các linh hồn phải nhiệt tâm tìm đạt được
điều đó trong mọi hoạt động phụng vụ.
Tuy nhiên, sẽ
không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục
tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng
Vụ cũng như không thành những bậc thầy trong lãnh vực ấy. Vì vậy, rất cần phải
chú trọng đến việc huấn luyện Phụng Vụ cho hàng giáo sĩ. Do đó, Thánh Công Ðồng
đã ra lệnh thiết lập những điều sau đây.
15. Huấn luyện giáo sư phụng
vụ. Các giáo sư được ủy nhiệm giảng huấn môn Phụng Vụ Thánh trong các chủng viện,
các học viện dòng tu, và các phân khoa thần học, phải được đào tạo đầy đủ về phận
vụ của họ tại các trường chuyên môn đặc biệt.
16. Việc giảng dạy phụng vụ.
Trong các chủng viện và các học viện dòng tu, môn Phụng Vụ Thánh phải được đặt
vào hàng các môn cần thiết và quan trọng; còn trong các phân khoa thần học, phải
được đặt vào hàng các môn chính. Hơn nữa, môn Phụng Vụ phải được giảng huấn dưới
khía cạnh vừa thần học và lịch sử, vừa tu đức, mục vụ và luật pháp. Ngoài ra
giáo sư của các môn học khác, nhất là tín lý thần học, Thánh Kinh, thần học tu
đức và mục vụ, phải chú tâm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi
theo những đòi hỏi nội tại của từng môn riêng biệt, ngõ hầu làm sáng tỏ rõ ràng
mối liên hệ giữa các môn ấy với Phụng Vụ và tính cách duy nhất trong việc đào tạo
linh mục.
17. Huấn luyện phụng vụ
cho chủng sinh. Các giáo sĩ trong các chủng viện và tu viện phải được huấn luyện
về Phụng Vụ cho đời sống thiêng liêng. Muốn được như vậy, họ cần phải được dẫn
dắt thích đáng để có thể lĩnh hội và tham dự những nghi lễ thánh với trọn tâm hồn,
cả trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh, cũng như thực hành các việc đạo đức
khác đã được thấm nhiễm tinh thần Phụng Vụ Thánh; cũng thế, họ phải tập quen
tuân giữ các lề luật phụng vụ sao cho tinh thần phụng vụ ảnh hưởng sâu rộng
trên đời sống tại các chủng viện và tu viện.
18. Trợ giúp các linh mục
có trách nhiệm mục vụ. Các linh mục triều hay dòng đã làm việc trong vườn nho
Chúa phải được trợ giúp bằng mọi phương tiện thích hợp để luôn luôn lĩnh hội đầy
đủ hơn những gì họ thi hành trong các công việc thánh, ngõ hầu sống đời sống phụng
vụ và thông ban đời sống ấy cho các tín hữu đã được ủy thác cho họ.
19. Huấn luyện phụng vụ
cho các tín hữu. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm
theo đuổi việc huấn luyện phụng vụ cho các tín hữu và cho họ tích cực tham dự
bên trong lẫn bên ngoài, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống và trình độ
văn hóa tôn giáo của họ. Nhờ vậy các mục tử sẽ chu toàn được một trong những trọng
trách chính yếu của người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðồng
thời, trong công tác đó, các ngài phải dẫn dắt đoàn chiên mình bằng cả lời nói
lẫn gương lành.
20. Các phương tiện truyền
thông và phụng vụ. Các công tác truyền thanh và truyền hình về những hoạt động
thánh, đặc biệt về việc cử hành Thánh Lễ, phải được thận trọng thực hiện cách xứng
đáng dưới sự hướng dẫn và bảo lãnh của người đủ khả năng do các Giám Mục ủy
thác.
III. Việc Canh Tân Phụng Vụ
Thánh
21. Canh tân toàn diện Phụng
Vụ. Giáo Hội hiền mẫu, vì muốn cho dân Kitô giáo thâu đạt được dồi dào những ân
sủng trong Phụng Vụ Thánh cách chắc chắn hơn, nên ước mong nhiệt thành đảm
trách việc canh tân toàn diện Phụng Vụ. Bởi vì, Phụng Vụ gồm phần bất biến, do
Thiên Chúa thiết lập, và những phần có thể thay đổi. Phần này có thể hoặc cũng
phải sửa đổi theo dòng thời gian, nếu tình cờ có len lỏi vào những yếu tố rất
ít đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng Vụ.
Trong việc canh
tân này, phải tu chính các bản văn, và các nghi lễ làm sao cho chúng diễn tả rõ
ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để dân Kitô giáo có thể dễ
dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự bằng
việc cử hành những nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, linh động và cộng đồng.
Vì vậy, Thánh
Công Ðồng ấn định những qui tắc tổng quát sau đây.
A. Các qui tắc tổng quát
22. Việc điều hành phụng vụ
thuộc thẩm quyền hàng Giáo Phẩm.
1 Việc điều hành
Phụng Vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền
Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục.
2 Chiếu theo quyền
hạn đắc thượng của luật pháp, việc điều hành phụng vụ, trong các giới hạn đã định,
cũng tùy thuộc các loại hội đồng Giám Mục khác nhau, đã được thiết định hợp
pháp, có thẩm quyền trong từng địa phương.
3 Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền
riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ. 2*
23. Truyền thống và tiến bộ.
Ðể duy trì truyền thống lành mạnh nhưng đồng thời vẫn mở rộng đường cho những
tiến bộ chính đáng, khi phải tu chỉnh từng phần riêng biệt của Phụng Vụ phải
luôn luôn tiến hành việc nghiên cứu kỹ lưỡng thần học, lịch sử và mục vụ. Hơn nữa
còn phải lưu tâm đến những luật lệ tổng quát về cơ cấu và tinh thần Phụng Vụ
cũng như kinh nghiệm xuất phát do việc canh tân Phụng Vụ mới đây và do các đặc
miễn đã ban cho nhiều nơi. Sau hết, chỉ nên thực hiện những đổi mới nhất thời
khi lợi ích thiết thực và chắc chắn của Giáo Hội đòi hỏi và sau khi đã cân nhắc
thấy rằng những hình thái mới, một cách nào đó, phải được triển nở có hệ thống
từ những hình thái sẵn có.
Ngoài ra, còn cần
phải đề phòng hết sức có thể để tránh những dị biệt đáng kể của các nghi lễ giữa
các miền lân cận.
24. Thánh Kinh và phụng vụ.
Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy,
người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, những bài để dẫn giải trong bài
giảng, cũng như những ca vịnh để hát. Chính nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của
Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca,
đồng thời còn làm cho những động tác và các biểu hiệu trở thành ý nghĩa. Vì vậy,
để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng Vụ, cần phải phát huy
lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, đã được truyền thống khả kính của
các nghi lễ Ðông phương và Tây phương minh chứng.
25. Tu chỉnh sách phụng vụ.
Cần phải nhờ đến các chuyên viên và tham khảo ý kiến các Giám Mục thuộc moị miền
khác nhau trên thế giới để tu chỉnh các sách phụng vụ càng sớm càng hay.
B. Các qui tắc riêng biệt
do bản chất Phụng Vụ xét về phương diện hoạt động phẩm trật và cộng đoàn
26. Bí tích hiệp nhất. Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt
động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là "bí tích hiệp nhất",
nghĩa là dân thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám Mục 33.
Vì vậy, các hoạt
động đó thuộc về Thân Thể phổ quát của Giáo Hội, diễn tả và ảnh hưởng trên Giáo
Hội; tuy nhiên còn có liên quan khác nhau với từng chi thể riêng biệt của Thân
Thể, tùy theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ, và sự tham dự hiện thực.
27. Ưu tiên cho việc cử
hành cộng đồng. Khi các nghi lễ, tùy theo bản chất riêng tư của chúng, được cử
hành chung với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân, nên ghi nhớ rằng
phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và có vẻ riêng
tư.
Ðiều này có giá
trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ, cho dầu bản tính công cộng và xã hội của
mỗi Thánh Lễ vẫn luôn luôn được duy trì; điều này còn có giá trị cho việc ban
phát các Bí Tích.
28. Cử hành phụng vụ
nghiêm chỉnh. Là thừa tác viên hay là tín hữu, trong các việc cử hành phụng vụ,
mỗi người khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực mình
tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ.
29.
Vì vậy, tùy theo
năng cách mỗi người, họ phải nhiệt tâm thấm nhuần tinh thần Phụng Vụ và học hỏi
để hoàn tất các phần vụ mình theo đúng nghi thức và có trật tự.
30. Giáo dân tham dự linh
động. Ðể phát huy việc tham gia linh động, cần phải cổ xúy những lời tung hô của
dân chúng, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những
động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần phải giữ sự thinh lặng
linh thiêng đúng lúc của nó.
31. Vai trò của các tín hữu.
Trong khi tu chỉnh các sách phụng vụ, cần phải thận trọng lưu tâm để những qui
tắc chữ đỏ cũng tiên liệu cả vai trò của các tín hữu.
32. Phụng vụ và giai cấp
xã hội. Trong Phụng Vụ, ngoại trừ sự biệt đãi do phận vụ phụng vụ và Chức
Thánh, cũng như vinh dự phải dành cho các viên chức dân sự hợp theo qui tắc các
luật phụng vụ, sẽ không có một thiên vị nào đối với các tư nhân hay địa vị, hoặc
trong các nghi lễ hoặc trong các việc long trọng bên ngoài.
C. Các qui tắc do bản chất
giáo dục và mục vụ của Phụng Vụ
33. Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài. Cho dầu Phụng Vụ Thánh
đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục
lớn lao cho dân chúng trung thành 34.
Thực vậy, trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; đồng thời Chúa Kitô cũng
rao giảng Phúc Âm. Còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh.
Hơn nữa, linh mục,
là hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng
lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự. Sau hết, những
biểu hiệu hữu hình được dùng trong Phụng Vụ Thánh để diễn tả những thực tại vô
hình của Thiên Chúa là những biểu hiệu đã được Chúa Kitô hoặc Giáo Hội tuyển chọn.
Do đó, không những chỉ đọc "những gì đã chép cốt để dạy ta" (Rm 15,4)
mà cả việc Giáo Hội cầu nguyện, ca hát, hay hành động, đều nuôi dưỡng đức tin của
những người tham dự, nâng tâm trí họ lên cùng Chúa, để họ sáng suốt tuân phục
Ngài, và để lãnh nhận ân sủng của Ngài cách dồi dào hơn.
Vì vậy, trong
khi canh tân Phụng Vụ, cần phải tuân giữ những qui tắc tổng quát sau đây.
34. Hòa hợp các nghi lễ.
Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải
tránh những lập đi lập lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín
hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích.
35. Thánh Kinh, bài giảng
và bài giáo lý về phụng vụ. Ðể việc liên kết mật thiết giữa nghi lễ và ngôn ngữ
được phát lộ rõ ràng trong Phụng Vụ:
1) Trong việc cử
hành thánh, cần phải tu chỉnh bài đọc Thánh Kinh cho dồi dào hơn, thay đổi hơn
và thích hợp hơn.
2) Vì bài giảng
là thuộc phần hoạt động phụng vụ, nên thời gian thích hợp để giảng giải, theo
như nghi lễ cho phép, phải được ghi trong các qui tắc chữ đỏ. Phải hết sức
trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với nghi lễ. Tiên vàn bài giảng
phải được múc lấy từ nguồn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vì như là việc rao truyền
các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa
Kitô. Chính mầu nhiệm này hằng hiện diện thiết thực và tác động trong chúng ta,
nhất là trong các cử hành phụng vụ.
3) Còn phải dùng
mọi cách để các bài giáo lý trực tiếp nói về Phụng Vụ hơn. Và trong chính các
nghi lễ, nếu cần, linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền, phải dự liệu để nói
ít lời giáo huấn vắn tắt, nhưng chỉ nói vào những lúc thuận tiện nhất, bằng những
lời đã ấn định hay những lời tương tự.
4) Phải cổ võ việc
suy tôn lời Chúa vào những ngày áp lễ cả, cũng như trong vài ngày lễ Mùa Vọng,
Mùa Chay, những ngày Chúa nhật và những ngày lễ trọng, nhất là ở những nơi thiếu
linh mục: trong trường hợp này, hoặc vị phó tế hoặc ai khác được Giám Mục ủy
nhiệm sẽ điều khiển việc suy tôn lời Chúa.
36. Việc dùng Latinh và việc
dùng tiếng bản quốc.
1 Việc dùng tiếng
La tinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi Lễ La tinh.
2 Tuy nhiên, có
thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong Thánh Lễ
hoặc trong việc Cử Hành các Bí Tích, hoặc trong những phần khác của Phụng Vụ;
cho nên việc dùng tiếng bản quốc này cũng dễ dàng được chấp thuận hơn, đặc biệt
trong các bài đọc và các bài giáo huấn, một số lời nguyện và bài hát, tùy theo
những qui tắc đã được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau đây.
3 Khi đã tuân giữ
những qui tắc này thì việc ấn định xử dụng và cách dùng tiếng bản quốc thuộc Thẩm
Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2; nếu gặp trường hợp đó,
phải hội ý với các Giám Mục trong những miền lân cận cùng một thứ tiếng. Mọi
quyết nghị cần phải được Tông Tòa chấp thuận hay chuẩn y.
4 Việc phiên dịch bản văn La tinh ra tiếng bản quốc để dùng trong Phụng
Vụ phải được Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương nói trên chuẩn y. 3*.
D. Các qui tắc để thích
nghi với tâm tính và truyền thống của dân tộc
37. Giáo Hội tôn trọng những
vẻ đẹp tinh thần của những dân nước khác nhau. Ngay cả trong Phụng Vụ, Giáo Hội
không muốn ấn định một hình thái cứng rắn, thẳng mạch nào, trong những điều
không liên quan đến đức tin và thiện ích của toàn thể cộng đoàn. Hơn nữa,
Giáo Hội còn tôn trọng cũng như phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính
của những dân nước khác nhau. Bất cứ những gì trong những tập tục của các dân tộc,
không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội
thẩm định với lòng đầy thiện cảm, và nếu có thể, còn được gìn giữ vẹn toàn và vững
chắc. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong Phụng
Vụ, miễn sao cho chúng hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích
thực và chân chính.
38. Những khác biệt trong
các xứ truyền giáo. Dầu vẫn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của nghi
lễ Roma, những biến dị chính đáng và những thích nghi với các cộng đoàn, các miền,
các dân tộc khác, nhất là trong các Xứ Truyền Giáo, đều vẫn được chấp nhận, cả
khi tu chỉnh các sách Phụng Vụ. Nên để ý đến qui tắc này trong việc ấn định cơ
cấu các nghi lễ và việc thiết lập các qui tắc chữ đỏ.
39. Thẩm quyền giáo hội địa
phương. Giữa những giới hạn được ấn định trong các bản mẫu của các sách Phụng Vụ,
Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, có quyền xác định
những việc thích nghi, đặc biệt việc cử hành các Bí Tích, Á Bí Tích, rước kiệu,
ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật. Tuy nhiên, phải theo đúng những
qui tắc căn bản trong Hiến Chế này.
40. Phương cách thích nghi
phụng vụ. Nhưng trong nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, phải cấp
bách thích nghi Phụng Vụ sâu xa hơn, và do đó gây nên nhiều khó khăn hơn, nên:
1) Thẩm Quyền
Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, phải thận trọng và khôn ngoan
cứu xét trong công việc này, những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm
tính của từng dân tộc có thể được chấp nhận thích đáng vào việc phụng thờ Thiên
Chúa. Những thích nghi được thẩm định là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình
lên Tông Tòa để được kết nạp và chuẩn y.
2) Ðể việc thích
nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Tông Tòa sẽ ban phép cho Giáo Hội
địa phương để, nếu gặp trường hợp đó, cho phép và điều khiển các cuộc thí nghiệm
sơ khởi cần thiết, trong vài cộng đoàn hợp với mục tiêu và trong một thời gian
hạn định.
3) Vì các luật lệ
phụng vụ thường mang nhiều khó khăn đặc biệt cho việc thích nghi, nhất là trong
các Xứ Truyền Giáo, nên để thiết lập các luật lệ này, cần phải có mặt các nhà
chuyên môn trong lãnh vực đó.
IV. Việc Cổ Võ Ðời Sống Phụng Vụ
Trong Giáo Phận Và Trong Giáo Xứ
41. Hiệp thông với giám mục
giáo phận. Giám Mục phải được xem như thượng tế của đoàn chiên Ngài; có thể nói
rằng sự sống nơi các tín hữu của Ngài trong Chúa Kitô cũng phát xuất tự Ngài và
lệ thuộc Ngài.
Vì vậy, mọi người phải hết sức mến chuộng đời sống phụng vụ của giáo
phận chung quanh Giám Mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa: họ phải xác tín rằng
Giáo Hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh Chúa tham dự trọn vẹn và
linh động vào những cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong cùng một Lễ Tạ Ơn, trong một
lời nguyện duy nhất, ở đó Giám Mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác
viên bao quanh Ngài 35.
42. Ðời sống phụng vụ của
giáo xứ. Vì chính Giám Mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong
toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội Ngài, nên cần phải thiết lập các cộng đoàn
tín hữu. Trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương
dưới quyền một mục tử thay mặt Ðức Giám Mục: bởi vì một cách nào đó, các giáo xứ
phản ảnh Giáo Hội hữu hình đã được thiết lập trên toàn cõi trái đất.
Vì thế phải cổ
võ đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ giữa đời sống ấy với Giám Mục
trong tâm trí cũng như trong hành vi của các tín hữu và của hàng giáo sĩ; còn
phải ra sức làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành
Thánh Lễ cộng đồng ngày Chúa Nhật.
V. Việc Phát Huy Hoạt Ðộng Về Mục
Vụ Phụng Vụ
43. Canh tân Phụng Vụ
Thánh. Lòng nhiệt thành cổ xúy và canh tân Phụng Vụ Thánh đáng được xem như một
dấu chỉ của các ý định quan phòng của Thiên Chúa trên thời đại chúng ta, và như
cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; sự kiện này còn là một đặc
điểm nổi bật của đời sống Giáo Hội, cũng như của mọi cách thế suy tư và hoạt động
đầy tinh thần đạo giáo của thời đại chúng ta.
Vì thế, để cổ võ
hoạt động về mục vụ phụng vụ tiến xa hơn trong Giáo Hội, Thánh Công Ðồng quyết
định:
44. Ủy ban phụng vụ toàn
quốc. Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, nên thiết lập
một ủy ban phụng vụ với sự trợ lực chuyên môn của các chuyên gia về khoa phụng
vụ, Âm Nhạc, Nghệ Thuật Thánh, cũng như mục vụ. Nếu có thể, ủy ban này phải được
một viện Mục Vụ Phụng Vụ nào đó giúp đỡ. Viện này gồm nhiều thành phần, và nếu
cần kể cả giáo dân xuất sắc trong lãnh vực đó. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa
phương, như đã nói trên, chính ủy ban này sẽ phải điều hành hoạt động về mục vụ
phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình, cũng như phải phát huy các cuộc nghiên cứu
và thí nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình những việc thích nghi lên Tông
Tòa.
45. Ủy ban phụng vụ giáo
phận. Cũng vậy, trong mỗi giáo phận phải có một Ủy Ban Phụng Vụ Thánh để phát
huy hoạt động phụng vụ, dưới quyền điều khiển của Giám Mục.
Hơn nữa, đôi khi
cũng là việc chính đáng nếu nhiều giáo phận phối hợp với nhau thiết lập một Ủy
Ban duy nhất để cùng hội ý phát triển Phụng Vụ.
46. Các ủy ban khác. Ngoài
Ủy Ban Phụng Vụ Thánh, trong mỗi giáo phận, khi có thể, cũng phải thiết lập các
Ủy Ban Thánh Nhạc và Nghệ Thuật Thánh.
Ba Ủy Ban này cần
phải hiệp lực với nhau làm việc, và nếu liên kết thành một Ủy Ban duy nhất cũng
là điều thích hợp.
Chú Thích:
1 Kinh Dâng lễ Chúa Nhật thứ 9 sau lễ Hiện Xuống.
9 T. Ignatiô thành Antiokia, Ad Ephesios, VII, 2 : x.b. F.X. Funk,
Patres Apostolici, I, Tubinga 1901, trg 218.
11 Sacramentarium Veronense (Leonianum): x.b. C. Mohlberg, Roma,
1956, số 1265, trg 162.
12 Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh trong Sách Lễ Roma.
13 Xem T. Augustinô, Enarr. in Ps CXXXVIII, 2 : Corpus
Christianorum, XL, Turnholti, 1956, trg 1991 và lời nguyện sau bài đọc thứ hai
ngày thứ bảy Tuần Thánh trong Sách Lễ Roma, trước khi cải tổ Tuần Thánh.
16 Xem Rm 6,4; Eph 2,6;
19 CÐ Trentô, khóa 13, 11-10-1551, Sắc lệnh De SS. Euch., ch. 5:
Concilium Tridentinum, Diariorum Actorum, Epistolarum, Tractatuum nova
collectio, x.b. Soc. Goerresiana, bộ VII. Actorum phần IV, Friburgi Brisgoviae
1961, trg 202.
20 CÐ Trentô, khóa 22, 17-9-1562, giáo thuyết De SS. Missae
Sacrificio, ch. 2: Concilium Tridentinum, x.b. đã trích, bộ VIII. Actorum phần
V, Friburgi Brisgoviae 1919, trg 960.
21 Xem T. Augustinô, In Joannis Evangelium Tractatus VI, ch. I. số
7: PL 35, 1428.
1* Các động tác Phụng Vụ đều không phải là động tác riêng thuộc về một
cá nhân hay một nhóm người nào (phụng tự riêng tư) nhưng là động tác của toàn
thể Giáo Hội. Nói đúng hơn đó là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ Lãnh Giáo Hội
và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể. Ðầu và tất cả chi thể đều cầu nguyện,
đều hoạt động qua cử chỉ và việc làm của thừa tác viên.
Từ ngữ
"công cộng" trong Phụng Vụ hàm chứa ý nghĩa hoàn hảo, nó chỉ việc phụng
tự của toàn thể một xã hội (ở đây tức là Giáo Hội) với tư cách là một xã hội.
Ví dụ: việc lần
chuỗi có thể được đọc chung nhưng thực ra đó không phải là lời cầu nguyện phụng
vụ, mà vẫn là một động tác phụng tự "riêng tư". Nói cách khác đó là
việc cầu nguyện của một cá nhân hay của một nhóm người.
Trái lại Thánh Lễ,
các Bí Tích, Á Bí Tích và Kinh Nhật Tụng, dù chỉ được thừa tác viên cử hành một
mình hay đọc riêng, luôn luôn vẫn là động tác phụng tự "công cộng",
là động tác của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người mà thừa tác viên cử hành là đại
diện.
Do đó sự công hiệu
của lời nguyện phụng vụ không do huân công của thừa tác viên nhưng do chính những
huân công vô bờ bến của Chúa Kitô và Giáo Hội.
22 Xem Kh 21,2 ;
24 Xem Gio 17,3 ; Lc 24,27 ; CvTđ 2,38.
26 Kinh tạ lễ ngày vọng lễ Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh trong
Sách Lễ Roma.
27 n.v.t. Kinh cầu nguyện thứ ba tuần Phục Sinh.
32 Kinh dâng lễ thứ hai tuần Hiện Xuống, trong Sách Lễ Roma.
2* Phụng Vụ là công cuộc của Chúa Kitô và Giáo Hội phổ quát, chứ
không thuộc về một Giáo Hội địa phương hay đoàn thể đặc biệt nào (x. số 7). Do
đó, tất cả mọi sự liên quan tới việc điều hành Phụng Vụ chỉ lệ thuộc thẩm quyền
tối cao của Giáo Hội mà thôi. Các Hội Ðồng Giám Mục và các Giám Mục nói chung
chỉ có thẩm quyền do Giáo Hội thừa ủy.
33 T. Cyprianô, De Cath. Eccl. Unitate, 7 : x.b. G. Hartel, trong
CSEL, bộ III, 1
34 Xem CÐ Trentô, khóa XXII, 17-9-1562, Giáo thuyết De SS. Missae
Sacrif., ch. 8: Concilium Tridentinum, nhà xuất bản đã trích, bộ VIII, trg 961.
3* Vấn đề dùng tiếng bản xứ trong Phụng Vụ đã là một đề tài thảo luận
sôi nổi trong Công Ðồng Trentô. Công Ðồng bấy giờ cũng nhìn thấy rõ ràng tầm
quan trọng của nó (x. DS 1749 và 1759). Tuy nhiên có Nghị Phụ thấy chưa phải là
lúc "thuận tiện" để thay đổi ngôn ngữ Phụng Vụ. Lập trường này nhằm
chống lại phái Tin Lành chủ trương phải dùng tiếng bản xứ vì các Bí Tích chẳng
qua là phương tiện để khơi dậy hoặc để tuyên xưng đức tin (DS 1749).
Vì lý do trên,
La ngữ vẫn được xử dụng trong các nghi lễ Roma cho tới ngày nay. Ðiều này được
coi như một dấu hiệu hiệp nhất rõ ràng và cụ thể, và là một bảo vệ hữu hiệu chống
lại mọi sai lạc của nền giáo lý tinh tuyền (Mediator Dei số 58).
Dầu sao Công Ðồng
Trentô và Thông Ðiệp Mediator Dei cũng nhận sự kiện La ngữ ngăn trở giáo dân
tham dự chủ động và tích cực vào các nghi lễ Phụng Vụ, nhất là để hiểu những
bài đọc và những nghi thức hàm chứa nhiều giáo huấn cho giáo dân.
Vì vậy Công Ðồng
Vaticanô II đã giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn và nêu ra những qui tắc thiết
thực cho việc xử dụng tiếng bản xứ (x. số 54 và 63).
35 Xem T. Ignatiô Antiokia, Ad Magn. 7; Ad Philm. 4: Ad Smyrn. 8 :
x.b. F.X. Funk, đã trích dẫn, I, trg 236, 266, 281.
Chương II: Mầu Nhiệm Thánh Của
Lễ Tạ Ơn
47. Thánh lễ và mầu nhiệm
Vượt qua. Trong Bữa Tiệc sau hết, đêm bị nộp, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết
lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời
đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thách cho Hiền Thê yêu quí của Người
là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái Chết và sự Sống Lại của Người: đây là bí tích
tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái 1,
bữa tiệc ly phục sinh, "trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được
tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai" 2.
48. Giáo dân tham dự thánh
lễ cách tích cực. Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào
mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những
người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động
thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa;
được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật
tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng
chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian 3,
họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng
Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.
49. Thánh lễ có
giáo dân tham dự. Vì vậy, để Hy Lễ, ngay cả nghi thức bên ngoài, thu đạt được một
hiệu năng mục vụ trọn vẹn, Thánh Công Ðồng quyết định những điều sau đây, về những
Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là những ngày Chúa Nhật và các ngày
lễ buộc.
50. Canh tân phần chung của
thánh lễ. Phải làm sao tu chỉnh Nghi Thức Thánh Lễ để biểu lộ rõ ràng hơn nữa ý
nghĩa riêng biệt của mỗi phần, cũng như mối tương quan của chúng, đồng thời để
việc tham dự thành kính và linh động của các tín hữu được dễ dàng hơn.
Do đó, các nghi
lễ, dù vẫn hoàn toàn duy trì bản chất của chúng, nhưng phải được đơn giản hơn.
Phải loại bỏ những gì, theo dòng thời gian, được gia bội hoặc thêm thắt mà ít lợi
ích. Phải tái lập theo qui tắc cổ điển của các Thánh Giáo Phụ, một số những gì
xét là chính đáng và cần thiết đã bị oan uổng mai một theo thời gian.
51. Phần Thánh Kinh. Ðể
bàn tiệc lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho
tàng Thánh Kinh hơn nữa; muốn thế, trong khoảng một số năm ấn định, phải đọc
cho dân chúng phần Thánh Kinh quan trọng hơn.
52. Bài giảng. Bài giảng
căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời
sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của
chính Phụng Vụ. Hơn nữa, trong những Thánh Lễ được cử hành những ngày Chúa Nhật
và lễ buộc có dân chúng tham dự, không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng.
53. Lời nguyện giáo dân. Phải tái lập "lời nguyện chung" hay
"lời nguyện giáo dân", sau Phúc Âm và bài giảng, nhất là những ngày
Chúa Nhật và lễ buộc, để khi dân chúng tham dự lời nguyện đó, họ cầu khẩn cho Hội
Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những kẻ khốn khổ vì mọi nhu cầu khác nhau,
cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới 4. 4*
54. La ngữ và tiếng bản quốc.
Tiếng bản quốc có thể được dùng cách thích đáng trong những Thánh Lễ cử hành có
dân chúng tham dự, nhất là trong các bài đọc và "lời nguyện chung",
cũng như tùy theo hoàn cảnh địa phương, cả trong những phần dành cho dân chúng,
chiếu theo quy tắc khoản 36 của Hiến Chế này.
Tuy nhiên phải dự
liệu sao để các Kitô hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung, ngay cả bằng La
ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong Thánh Lễ.
Nhưng ở bất cứ
nơi nào việc dùng tiếng bản quốc rộng rãi hơn trong Thánh Lễ được xem là chính
đáng, đều phải tuân giữ những điều đã qui định trong khoản 40 của Hiến Chế này.
55. Rước lễ dưới hai hình.
Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh Lễ cách toàn hảo hơn, bằng
cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ
đó.
Dù vẫn duy trì các nguyên tắc tín lý do Công Ðồng Trentô qui định 5,
nhưng có thể cho rước lễ dưới hai hình 5*
tùy theo phán đoán của các Giám Mục, chiếu theo những trường hợp được Tông Tòa
minh định, không những cho giáo sĩ, tu sĩ mà cả giáo dân nữa, chẳng hạn cho các
tiến chức trong Thánh Lễ phong chức, những người tuyên khấn trong Thánh Lễ khấn
dòng, và các tân tòng trong Thánh Lễ tiếp diễn sau lễ Rửa Tội của họ.
56. Sự hợp nhất của thánh
lễ. Có thể nói Thánh Lễ gồm hai phần, phần Phụng Vụ Lời Chúa và phần Phụng Vụ
Thánh Thể. Hai phần này được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng
thờ độc nhất. Do đó, Thánh Công Ðồng tha thiết khuyến dụ những mục tử chắn dắt
các linh hồn, trong khi dạy giáo lý, phải nhiệt thành dạy dỗ các tín hữu biết
tham dự trọn vẹn Thánh Lễ, nhất là những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.
57. Ðồng tế .
(1) Việc đồng tế biểu lộ chính đáng tính cách duy nhất của chức linh
mục. Cho đến nay, việc đồng tế vẫn được dùng trong Giáo Hội, Ðông Phương cũng
như Tây Phương. Vì vậy, Thánh Công Ðồng muốn mở rộng quyền đồng tế trong những
trường hợp sau đây: 6*
1 - a) ngày Thứ
Năm Tuần Thánh, Lễ Dầu cũng như Lễ Chiều;
b) các Thánh Lễ
trong các Công Ðồng, các Hội Nghị Giám Mục và các Hội Ðồng;
c) Thánh Lễ tôn
chức Ðan Viện Phụ.
2 - Ngoài ra Ðấng
Bản Quyền còn phải cứu xét có nên đồng tế hay không mà ban phép cho những trường
hợp sau đây:
a) Thánh Lễ tu hội
và Thánh Lễ chính trong các nhà thờ, khi lợi ích các Kitô hữu không đòi buộc mọi
Linh Mục hiện diện cử hành riêng biệt;
b) các Thánh Lễ
trong những cuộc hội họp, thuộc bất cứ loại nào, của các linh mục triều cũng
như dòng.
(2) 1- Việc ấn định
qui luật đồng tế trong địa phận thuộc quyền các Giám Mục.
2- Tuy nhiên mỗi
linh mục vẫn có quyền cử hành lễ riêng trừ khi cùng một lúc trong cùng một nhà
thờ, và ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
58. Soạn thảo một nghi lễ
đồng tế. Phải soạn thảo một nghi lễ mới về đồng tế, và phải sát nhập vào Sách
Nghi Lễ Giám Mục và Sách Lễ Roma.
Chú Thích:
1 Xem T.
Augustinô, In Joannis Evangelium Traetatus XXVI, ch. VI, số 13: PL 35, 1613.
2 Breviarium
Romanum, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô, Kinh Chiều II, tiền xướng Kinh Magnificat.
3 Xem T. Cyrillô
Alex., Commentarium in Joannis Evangelium, cuốn XI, ch. XI-XII: PG 74, 557-565,
nhất là 564-565.
4 Xem 1Tm 2,1-2.
4* Việc giáo dân cùng cầu nguyện cho Giáo Hội, cho chính quyền và
cho "tất cả mọi người" (1Tm 2,1), là một truyền thống có từ thời các
Tông Ðồ và các Giáo Phụ đầu tiên (x. Documentation Catholique số 1445 (4-1965),
cột 597). Vào cuối thời Trung Cổ, lời nguyện đó biến mất dần dần, lý do có lẽ
vì đã có lời nguyện tương tự trong phần Lễ Quy với những kinh
"memento" cầu cho người còn sống và đã qua đời.
5 Khóa XXI,
16-7-1562. Doctrina de Communione sub utraque specie et parvulorum, ch. 1-3,
kh. 1-3: Concilium Tridentinum, nhà x.b. đã trích, bộ VIII, 698-699.
5* Việc rước lễ dưới hai hình đã bị bãi bỏ trong nghi lễ Roma vào cuối
thế kỷ XII. Từ đó về sau chỉ một mình chủ tế mới được đặc ân rước lễ hai hình
thôi. Lý do thay đổi có lẽ như sau: 1) Lý do thực tế là giáo hữu ngày một đông
nên việc cho rước lễ hai hình gặp nhiều bất tiện và phiền phức (Công Ðồng
Constance có nêu ra một vài "nguy hiểm và gương xấu": DS 1200). 2) Lý
do thứ hai là dựa và điều Giáo Hội minh xác về việc Chúa hiện diện thực sự ở một
trong hai hình (rước lễ một trong hai hình là rước lấy "Chúa Kitô toàn diện").
Công Ðồng
Constance năm 1415 đã lên án Wyclef và các đồ đệ chủ trương sai lầm rằng mọi
tín hữu cần phải rước lễ dưới hai hình (DS 1198-1200). Công Ðồng Trentô cũng
tái xác nhận lập trường đó nhân dịp chống lại phái Tin Lành (DS 1729 và 1733).
Ở đây Công Ðồng
Vaticanô II, với thái độ thận trọng, vừa duy trì giáo lý Công Ðồng Trentô vừa mở
ra một lối đi mới, hợp lý và thực tiễn.
6* Ðồng tế với Giám Mục (dưới nhiều cách khác nhau) cũng như giữa
các linh mục với nhau đã thịnh hành từ thời các Thánh Giáo Phụ. Lễ nghi này nói
lên quan niệm sâu xa về đặt tính hợp nhất giữa chức Linh Mục và phép Thánh Thể.
Thánh Inhaxiô thành Antiokia (chết năm 107), đã diễn tả rõ ràng quan niệm này bằng
câu nói sau đây: "Chỉ có một Phép Thánh Thể..., một bàn thờ, cũng như chỉ
có một Giám Mục với Linh mục đoàn và các thày phó tế của Ngài" (Thư gởi
cho giáo dân Philadelphia, 4: PG 5,700).
Giáo Hội Ðông
Phương vẫn còn duy trì truyền thống tốt đẹp này. Trong khi đó Giáo Hội Tây
Phương chỉ còn thực hành trong Thánh Lễ phong chức Giám Mục và Linh Mục thôi.
Do đó, Công Ðồng
Vaticanô II muốn làm sống lại thói quen tốt lành và đầy ý nghĩa tượng trưng
này.
Chương III: Các Bí Tích Khác Và
Các Á Bí Tích
59. Bản tính các bí tích.
Các Bí Tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và
sau cùng là thờ phương Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí Tích còn
giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Bí Tích giả thiết phải có đức tin,
mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do
đó, được gọi là các Bí Tích Ðức Tin. Thực ra các Bí Tích ban ân sủng, nhưng việc
cử hành các Bí Tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng đó một
cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức bác ái.
Do đó, việc rất
quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các
Bí Tích, và hết sức siêng năng lui tới đón nhận các Bí Tích, là những Bí Tích
được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.
60. Các á bí tích. Ngoài
ra, Giáo Hội Mẹ Thánh còn thiết lập những Á Bí Tích. Ðó là những dấu chỉ thánh,
vì một phần nào phỏng theo những Bí Tích, nhờ đó biểu trưng những hậu quả - nhất
là những hậu quả thiêng liêng - và thông ban hậu quả đó nhờ sự bầu cử của Giáo
Hội. Nhờ các Á Bí Tích ấy, con người được chuẩn bị lãnh nhận hậu quả chính yếu
của các Bí Tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống.
61. Phụng vụ các Bí Tích
và Á Bí Tích. Vì thế, phụng vụ các Bí Tích và Á Bí Tích mang lại những hiệu quả
này là: đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, thì hầu hết mọi biến cố
trong đời sống sẽ được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh
của Chúa Kitô chịu thương khó, chịu chết và sống lại, vì Người là nguồn mạch
ban năng lực cho tất cả các Bí Tích và Á Bí Tích. Hầu như không có việc xử dụng
của cải vật chất một cách chính đáng nào lại không có thể đưa tới mục đích
thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa.
62. Canh tân nghi thức.
Tuy nhiên, trải qua các thời đại, có một số yếu tố đã len lỏi vào các nghi thức
Bí Tích và Á Bí Tích khiến cho bản chất và mục đích kém phần rõ ràng đối với thời
đại chúng ta. Vậy cần phải thích nghi vài yếu tố trong các nghi thức đó cho hợp
với nhu cầu của thời đại chúng ta; nên trong việc duyệt xét lại những nghi thức
ấy, Thánh Công Ðồng quyết định các điều sau đây.
63. Ngôn ngữ. Bởi vì việc
dùng tiếng bản quốc trong khi cử hành Bí Tích và Á Bí Tích, nhiều lúc có thể rất
hữu ích cho dân chúng, nên sẽ dành cho nó một địa vị rộng rãi hơn, theo những
qui tắc sau đây:
a) Tiếng bản quốc
có thể được xử dụng trong khi cử hành các Bí Tích và Á Bí Tích theo qui tắc khoản
36.
b) Theo ấn bản mới
của Sách Nghi Lễ Roma, Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương phải soạn thảo càng sớm
càng hay các sách nghi lễ riêng biệt thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về
phương diện ngôn ngữ, như đã bàn trong khoản 22-2 của Hiến Chế này. Sau khi đã
được Tông Tòa duyệt y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền đã soạn thảo.
Trong việc soạn thảo các sách nghi lễ này, hay những sách đặc biệt thu tập các
nghi lễ, không được bỏ quên những huấn thị ghi ở đầu từng nghi lễ trong Sách
Nghi Lễ Roma, dù là huấn thị về mục vụ, về qui tắc chữ đỏ, hay những huấn thị
có giá trị xã hội đặc biệt.
64. Lớp dự tòng. Phải cải
tổ lớp dự tòng cho người lớn, theo nhiều giai đoạn, và việc thực hiện phải tùy
theo phán quyết của Ðấng Bản Quyền địa phương. Nhờ đó, thời gian dự tòng ấn định
cho việc huấn luyện tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh cử
hành trong những thời gian kế tiếp nhau.
65. Canh tân nghi lễ rửa tội.
Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô
giáo, cũng còn được phép công nhận những yếu tố nhập giáo khác vẫn thấy xử dụng
nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo,
theo qui tắc khoản 37-40 của Hiến Chế này.
66. Nghi lễ Rửa Tội người
lớn. Phải duyệt lại hai nghi lễ Rửa Tội người lớn, một nghi thức đơn giản và một
nghi thức trọng thể tùy theo tổ chức dự tòng được cải tổ lại; và sẽ đem vào
Sách Lễ Roma một lễ đặc biệt trong dịp "ban phép Rửa Tội".
67. Nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ.
Phải duyệt lại nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ, và thích nghi với thực trạng của trẻ sơ
sinh. Hơn nữa, vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu phải
được nêu rõ hơn trong chính nghi thức đó.
68. Khi có đông người chịu
phép Rửa Tội. Khi có đông người chịu phép Rửa Tội, thì trong nghi lễ nên có những
thích ứng tùy theo phán quyết của Ðấng Bản Quyền địa phương. Ngoài ra còn phải
soạn thảo một nghi thức ngắn hơn, để các thầy giảng, nhất là trong các xứ truyền
giáo, và cách chung các tín hữu có thể xử dụng trong trường hợp nguy tử khi vắng
mặt linh mục hay các thầy phó tế.
69. Nghi thức bổ túc. Thay
vì nghi lễ gọi là "nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã rửa tội",
phải soạn thảo một nghi lễ mới, trong đó nói lên rõ ràng và thích hợp hơn về điểm
này là đứa nhỏ được rửa tội theo nghi thức vắn tắt cũng được nhận vào Giáo Hội
rồi.
Cũng thế, phải
soạn thảo một nghi thức mới cho những người trước kia đã chịu phép Rửa Tội
thành sự, mà nay trở lại đạo thánh Công Giáo, trong đó nêu lên ý nghĩa việc họ
được chấp nhận, được hiệp thông với Giáo Hội.
70. Ngoài mùa Phục Sinh.
Ngoài mùa phục sinh, có thể làm phép nước rửa tội ngay trong nghi lễ rửa tội,
theo một công thức vắn tắt hơn đã được chuẩn nhận.
71. Canh tân nghi lễ thêm
sức. Cũng phải duyệt lại nghi lễ Thêm Sức để làm sáng tỏ hơn mối dây liên lạc mật
thiết của Bí Tích này với toàn thể nghi lễ nhập Kitô giáo. Vì thế, nên lập lại
lời hứa rửa tội ngay trước khi nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức.
Nếu thấy tiện,
thì Bí Tích Thêm Sức có thể cử hành trong Thánh Lễ. Còn khi cử hành ngoài Thánh
Lễ, phải lo soạn thảo một công thức để mở đầu nghi lễ.
72. Canh tân nghi lễ Giải
Tội. Nghi Lễ và công thức Bí Tích Giải Tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ
ràng hơn bản tính và hiệu quả của Bí Tích này.
73. Canh tân nghi lễ Xức Dầu
Bệnh Nhân. "Bí Tích Xức Dầu sau hết" hay đúng hơn còn có thể gọi
"Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân" không phải là Bí Tích dành riêng cho những
người hấp hối. Dĩ nhiên, thời gian thuận tiện để nhận Bí Tích này chắc chắn là
lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.
74. Nghi lễ liên tục.
Ngoài hai nghi lễ tách biệt nhau là Xức Dầu Bệnh Nhân và Trao Của Ăn Ðàng, phải
soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó sẽ xức dầu bệnh nhân sau khi xưng tội
và trước khi nhận của ăn đàng.
75. Các lời nguyện trong
nghi lễ xức dầu bệnh nhân. Xức dầu mấy chỗ là việc tùy nghi, và các lời nguyện
đọc trong nghi lễ xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích ứng với từng
trường hợp của bệnh nhân khi nhận lãnh Bí Tích này.
76. Canh tân nghi lễ Truyền
Chức Thánh. Các Nghi Lễ Phong Chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản
văn. Những lời huấn dụ của Ðức Giám Mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn
phong có thể dùng tiếng bản quốc.
Trong Nghi Lễ Tấn
Phong Giám Mục, tất cả các Giám Mục hiện diện đều có thể đặt tay.
77. Canh tân nghi lễ Hôn
Phối. Nghi lễ cử hành Hôn Phối, hiện có trong sách nghi lễ Roma, phải được duyệt
lại và làm phong phú hơn, để ý nghĩa ân sủng của Bí Tích này được thêm rõ ràng
và nhấn mạnh hơn nữa bổn phận của hai vợ chồng.
"Nếu ở miền
nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành Bí Tích Hôn Phối,
thì Thánh Công Ðồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ
đó" 1.
Ngoài ra, Thẩm
Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22,2 của Hiến Chế này, có quyền
soạn thảo, theo qui tắc khoản 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của
các địa phương và các dân tộc. Tuy nhiên, phải duy trì luật này là vị linh mục
chủ tọa phải hỏi và nhận lời ưng thuận của đôi bên giao ước.
78. Thánh lễ cử hành Bí
tích Hôn Phối. Theo thường lệ, Hôn Phối phải cử hành trong Thánh Lễ, sau bài
Phúc Âm và bài giảng và trước "lời nguyện giáo dân". Lời nguyện cho
người vợ phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh cả hai vợ chồng cùng có bổn
phận phải trung tín với nhau. Lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản quốc.
Nhưng nếu Bí
Tích Hôn Phối cử hành không Thánh Lễ, thì phải đọc bài Thánh Thư và Phúc Âm của
Lễ Hôn Phối trước khi bắt đầu nghi lễ và luôn luôn phải chúc lành cho đôi tân
hôn.
79. Canh tân các á bí
tích. Phải duyệt lại các Á Bí Tích, chú ý tới các qui tắc căn bản này, là làm
sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự một cách ý thức và linh động, lại cũng phải
lưu tâm tới những nhu cầu của thời đại chúng ta. Trong khi duyệt lại các nghi
thức theo qui tắc khoản 63, cũng có thể thêm các Á Bí Tích mới tùy theo nhu cầu
đòi hỏi.
Sẽ có rất ít các
nghi lễ làm phép dành riêng, và khi đó chỉ ưu tiên cho các Giám Mục và các Ðấng
Bản Quyền thôi.
Phải dự liệu để những giáo dân nào có đủ các đức tính thích hợp, đều
có thể cử hành một vài Á Bí Tích, ít là trong những hoàn cảnh đặc biệt và tùy
theo phán đoán của Ðấng Bản Quyền. 7*
80. Canh tân nghi lễ Khấn
Dòng. Nghi Lễ Thánh Hiến các Trinh Nữ, đã có trong Sách Nghi Lễ Giám Mục Roma,
phải được duyệt lại.
Ngoài ra, phải
soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn sao cho có tính cách duy
nhất hơn, đơn giản hơn và trang nghiêm hơn. Những ai khấn dòng hay tuyên lại lời
khấn trong Thánh Lễ, phải dùng nghi thức này, trừ khi có đặc quyền riêng.
Việc khấn dòng cử
hành trong Thánh Lễ là một điều đáng khen ngợi.
81. Canh tân nghe lễ An
Táng. Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách phục sinh của cái chết
Kitô hữu, và phải đáp ứng hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền,
ngay cả về màu sắc phụng vụ.
82. Nghi lễ an táng nhi đồng.
Phải duyệt lại nghi lễ an táng nhi đồng và lập một Thánh Lễ riêng.
Chú Thích:
1 CÐ Trentô,
khóa XXIV, 11-11-1563, de reformatione, ch. 1: Conc. Trid., x.b. đã trích, IX.
Actorum phần VI, Friburgi Brisgoviae 1924, trg 969. Xem Rituale Romanum, tiết
VIII, ch II, số 6.
7* Một vài Nghị Phụ đã lấy ví dụ các bậc cha mẹ có thể ban phép lành
cho con cái.
Chương IV: Kinh Nhật Tụng
83. Kinh nhật tụng, lời
nguyện của Ðức Kitô và Giáo Hội. Là Thượng Tế của Tân Ước vĩnh cửu, Chúa Giêsu
Kitô, mang bản tính nhân loại, đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này một bản
thánh ca vẫn còn được hát lên qua mọi thời đại nơi ngai tòa thiên quốc. Chính
Người kết hiệp toàn thể cộng đoàn nhân loại với Người và liên kết họ với Người
để cùng hát bản thánh ca ngợi khen này.
Thực vậy, Người
tiếp tục chức vị tư tế đó qua chính Giáo Hội của Người: Giáo Hội không những chỉ
cử hành Lễ Tạ Ơn, mà còn bằng nhiều cách khác, nhất là việc chu toàn Kinh Nhật
Tụng, không ngừng ca tụng Thiên Chúa và cầu bầu cho phần rỗi của cả thế giới.
84. Kinh nhật tụng, để
thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Theo truyền thống xa
xưa của Kitô giáo, Kinh Nhật Tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng
lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì, thực ra, khi các linh mục chu toàn đúng nghi thức
bài ca ngợi khen tuyệt diệu đó, cũng như những người khác được ủy nhiệm làm
công việc đó theo sự thiết định của Giáo Hội, hoặc các Kitô hữu hợp cùng linh mục
cầu nguyện theo thể thức đã được chuẩn nhận, thì thực là tiếng của chính Hiền
Thê nói với Ðấng Phu Quân mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa
Kitô và thân thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha.
85. Nhân danh Mẹ Giáo Hội
chu toàn việc ca khen Thiên Chúa. Bởi vậy, tất cả những người thực thi các việc
đó, thì vừa chu toàn trách vụ của Giáo Hội, vừa thông phần vinh dự tối cao của
Hiền Thê Chúa Kitô, bởi vì họ đứng trước ngai Thiên Chúa, để nhân danh Giáo Hội
là Mẹ mà chu toàn việc ca khen Người.
86. Giá trị mục vụ của
kinh nhật tụng. Các Linh Mục miệt mài với công việc mục vụ thánh, càng sốt sắng
chu toàn các Giờ ngợi khen nếu càng ý thức sống động hơn rằng mình phải tuân giữ
lời căn dặn của Thánh Phaolô: "Hãy cầu nguyện không ngừng" (1Th
5,17); vì chưng, chỉ một mình Chúa mới có thể ban hiệu quả và sự tiến triển cho
công việc họ làm, vì Chúa đã phán: "Không có Ta, các con không thể làm được
việc gì" (Gio 15,5). Vì thế, khi thiết lập hàng Phó Tế, các Tông Ðồ đã
nói: "Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên tâm đến việc cầu nguyện và giảng
dạy" (CvTđ 6,4).
87. Công trình cải tổ.
Nhưng để Kinh Nhật Tụng được các Linh Mục hay các phần tử khác trong Giáo Hội
chu toàn một cách tốt đẹp và hoàn hảo hơn trong những hoàn cảnh hiện tại, Thánh
Công Ðồng theo đuổi công trình cải tổ mà Tông Tòa đã khởi sự tốt đẹp, quyết ấn
định những điều sau đây về Kinh Nhật Tụng theo nghi lễ Roma.
88. Cải tổ cách xếp đặt
các giờ kinh. Vì mục đích của Kinh Nhật Tụng là thánh hóa ngày sống, nên chương
trình cổ truyền của các Giờ phải được cải tổ cho phù hợp với giờ khắc thật được
chừng nào hay chừng đó. Ðồng thời phải lưu ý đến những hoàn cảnh cuộc sống hiện
tại nhất là của những người đảm trách công việc tông đồ.
89. Những qui tắc trong việc
canh tân kinh nhật tụng. Bởi vậy, việc canh tân Kinh Nhật Tụng phải giữ những
nguyên tắc sau đây:
a) Theo truyền
thống khả kính của toàn thể Giáo Hội, lời Kinh Ca Ngợi là giờ kinh ban mai và
Giờ Kinh Chiều là lời nguyện ban chiều như hai cột trụ của Kinh Nhật Tụng, phải
được coi là hai giờ chính và phải cử hành như vậy.
b) Giờ Kinh Tối
phải được xếp đặt thích hợp với cuối ngày.
c) Giờ Kinh gọi
là Kinh Mai, mặc dù vẫn giữ được tính cách của lời ca tụng ban đêm trong kinh hội,
nhưng cần phải thích nghi thế nào để có thể đọc bất cứ giờ nào trong ngày và giờ
kinh này sẽ gồm ít ca vịnh hơn và các bài đọc sẽ dài hơn.
d) Giờ Kinh Nhất
được bãi bỏ.
e) Trong kinh hội,
sẽ giữ các Giờ Nhỏ: giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín. Ngoài kinh hội, được phép chọn một
trong ba giờ: giờ nào thích hợp hơn với thời khắc mình đọc trong ngày.
90. Kinh nhật tụng khơi
nguồn đạo đức. Ðàng khác, vì Kinh Nhật Tụng là kinh nguyện công cộng của Giáo Hội,
là nguồn đạo đức và của ăn cho kinh nguyện tư nhân, cho nên, vì danh Chúa, khẩn
khoản nài xin các linh mục và tất cả những ai tham dự Kinh Nhật Tụng, khi thi
hành Kinh Nhật Tụng, hãy hòa hợp tâm trí của mình với lời mình đọc. Ðể đạt được
điều đó một cách tốt đẹp hơn, họ phải lo cho mình có kiến thức dồi dào hơn về
Phụng Vụ và Thánh Kinh nhất là về các Thánh Vịnh.
Tuy nhiên, khi
thi hành việc canh tân này, cần phải thích nghi kho tàng cổ kính của Kinh Nhật
Tụng Rôma thế nào để tất cả những ai được ủy nhiệm điều đó có thể được hưởng nhờ
cách phong phú và dễ dàng hơn.
91. Phân chia các thánh vịnh.
Ðể chương trình các Giờ Kinh đề cập ở khoản 89 được thực sự tuân giữ, các Thánh
Vịnh không còn được phân chia trong vòng một tuần lễ, nhưng trong khoảng thời
gian dài hơn.
Công việc tu chỉnh
phần Thánh Vịnh, đã khởi sự tốt đẹp, phải được hoàn thành sớm hết sức, nhưng vẫn
tôn trọng lối văn La tinh Kitô giáo, tôn trọng tập quán phụng vụ ngay cả trong
khi hát, và tất cả truyền thống của Giáo Hội La tinh.
92. Xếp đặt các bài đọc. Về
các bài đọc, phải giữ những điều sau đây:
a) Việc đọc
Thánh Kinh, phải xếp đặt thế nào để người ta có thể dễ dàng đến với kho tàng lời
Chúa một cách đầy đủ bao quát hơn.
b) Các bài đọc
trích trong tác phẩm các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ và Văn Sĩ Giáo Hội phải được chọn
lựa kỹ lưỡng hơn.
c) Truyện các
Thánh Tử Ðạo hoặc hạnh các Thánh phải phù hợp với chứng cớ lịch sử.
93. Duyệt xét các thánh
thi. Nếu thấy thích hợp thì các thánh ca phải được hoàn lại hình thức ban đầu,
và phải gạt bỏ hay thay đổi những gì có tính cách thần thoại hay ít thích hợp với
nền đạo đức Kitô giáo. Lại nữa, nếu cần, cũng chấp nhận thêm những bản khác tìm
thấy trong kho tàng các thánh ca.
94. Thời gian đọc các giờ
kinh. Ðể đích thực thánh hóa ngày sống hoặc để đọc chính các Giờ Kinh cho có hiệu
quả thiêng liêng, trong khi chu tất các Giờ Kinh, cần phải giữ thời gian theo
sát với thời gian thật của mỗi Giờ Kinh đã thiết định.
95. Buộc đọc kinh nhật tụng.
Các cộng đoàn buộc giữ kinh hội, ngoài Thánh Lễ tu hội, còn buộc phải cử hành
Kinh Nhật Tụng mỗi ngày trong kinh hội; đó là:
a) Các Hội Dòng
Kinh Sĩ, Ðan Sĩ nam, nữ và các Tu Sĩ khác có bổn phận kinh hội, do Giáo Luật
hay Hiến Pháp của Dòng, đều phải cử hành toàn Kinh Nhật Tụng.
b) Các Kinh Sĩ
nhà thờ chánh tòa hoặc nhà thờ kinh sĩ sẽ đọc những phần Kinh Nhật Tụng nào mà
luật chung hay luật riêng ấn định.
c) Tuy nhiên, mọi
phần tử của các cộng đoàn đó hoặc đã nhận chức thánh hoặc đã khấn trọng thể, trừ
các thầy trợ sĩ, buộc phải đọc riêng những Giờ Kinh đã thiết định, nếu họ đã
không đọc trong kinh hội.
96. Các giáo sĩ không thuộc
kinh hội. Các giáo sĩ không thuộc kinh hội, nếu đã nhận chức thánh, thì hằng
ngày buộc phải đọc trọn Kinh Nhật Tụng, hoặc với cộng đoàn hoặc riêng một mình,
theo khoản 89.
97. Qui tắc chữ đỏ. Qui tắc
chữ đỏ sẽ minh định khi nào có thể thay thế Kinh Nhật Tụng bằng hoạt động phụng
vụ.
Tùy theo từng
trường hợp, và nếu có lý do chính đáng, các Ðấng Bản Quyền có thể chuẩn cho những
người dưới quyền mình được bỏ tất cả hay một phần Kinh Nhật Tụng hoặc có thể
thay thế hẳn Kinh Nhật Tụng.
98. Các hội viên của Tu Hội
theo Hiến Pháp của Dòng. Các hội viên của bất cứ Tu Hội nào nhằm nên trọn lành
mà theo Hiến Pháp của dòng chu toàn được đôi phần Kinh Nhật Tụng, thì đã thi
hành được kinh nguyện công cộng của Giáo Hội.
Cũng thế, nếu
theo Hiến Pháp mà họ đọc Kinh Nhật Tụng vắn tắt, thì họ cũng thi hành kinh nguyện
công cộng của Giáo Hội, miễn là kinh vắn tắt đó được soạn thảo theo kiểu Kinh
Nhật Tụng và được phê chuẩn hợp lệ.
99. Ðọc kinh nhật tụng
chung. Vì Kinh Nhật Tụng là tiếng nói của Giáo Hội, nghĩa là của toàn Nhiệm Thể
công cộng ngợi khen Thiên Chúa, nên khuyên các giáo sĩ không thuộc kinh hội, và
nhất là các linh mục đang sống chung hoặc tụ họp , hãy chu toàn chung với nhau,
ít nữa là một phần Kinh Nhật Tụng.
Tuy nhiên, tất cả
những ai chu toàn Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc chung với nhau, phải thi
hành nhiệm vụ ủy thác đó một cách hết sức hoàn hảo cả về tâm hồn sùng kính bên
trong cũng như cách cử hành bên ngoài.
Ðàng khác, nên
tùy dịp thuận tiện mà hát Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc hát chung với
nhau.
100. Giáo dân tham dự kinh
nhật tụng. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải lo cho các Giờ Kinh chính yếu,
nhất là giờ Kinh Chiều, được cử hành chung trong nhà thờ, vào những ngày Chúa
Nhật và các ngày lễ trọng. Cũng khuyên cả các giáo dân hãy đọc Kinh Nhật Tụng,
hoặc cùng với các linh mục hoặc khi tụ họp chung với nhau hoặc riêng một mình.
101. Ngôn ngữ trong kinh
nhật tụng.
1 Theo truyền thống
ngàn đời của nghi lễ La tinh, các giáo sĩ phải duy trì tiếng La tinh trong Kinh
Nhật Tụng. Tuy nhiên, tùy trường hợp riêng biệt, Ðấng Bản Quyền có quyền cho
dùng bản dịch tiếng bản quốc, chiếu theo qui tắc khoản 36, cho những giáo sĩ mà
việc dùng tiếng La tinh là một ngăn trở lớn lao khiến không thể chu toàn Kinh
Nhật Tụng cho đúng mức đòi hỏi được.
2 Bề Trên Thẩm
Quyền có thể cho phép các nữ đan sĩ, các nam tu sĩ không phải là giáo sĩ và các
nữ tu thuộc các tu hội, được dùng tiếng bản quốc trong Kinh Nhật Tụng cả khi cử
hành trong kinh hội, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.
3 Giáo sĩ nào buộc
đọc Kinh Nhật Tụng, mà cử hành Kinh Nhật Tụng bằng tiếng bản quốc chung với cộng
đoàn tín hữu, hoặc với những người đã nói ở số 2, thì cũng đã chu toàn bổn phận
rồi, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.
Chương V: Năm Phụng Vụ
102. Ý nghĩa năm phụng vụ.
Giáo Hội, Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành các công trình cứu chuộc của
Ðấng Phu Quân chí thánh bằng việc tưởng niệm vào những ngày ấn định trong năm.
Mỗi tuần, vào ngày gọi là ngày Chúa Nhật, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh;
mỗi năm một lần Giáo Hội còn cử hành mầu nhiệm ấy hết sức trọng thể vào dịp lễ
Chúa Phục Sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.
Giáo Hội còn phô
diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến
Thăng Thiên, Hiện Xuống, cùng với sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày
Chúa lại đến.
Trong khi cử hành những Mầu Nhiệm Cứu Chuộc như thế, Giáo Hội rộng mở
cho các tín hữu sản nghiệp nhân đức và công nghiệp của Chúa, khiến cho những mầu
nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại 8*,
ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu chuộc.
103. Ðức Maria, Mẹ Thiên
Chúa. Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế
với một tình yêu đặc biệt, Giáo Hội tôn kính Ðức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên
Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất
khả phân ly. Nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của
công trình cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như trong hình ảnh tinh
tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội ước mong và trông đợi.
104. Các Thánh Tử Ðạo và
các Thánh khác. Ngoài ra, Giáo Hội còn thêm vào niên kỳ những lễ kính nhớ các
Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác, là những đấng nhờ muôn vàn hình thức ơn Chúa,
đã đạt tới sự trọn lành, và đã chiếm được phần rỗi đời đời, giờ đây đang ca
khen Thiên Chúa bài ca tuyệt diệu ở trên trời và đang cầu bầu cho chúng ta. Bởi
chưng, trong những ngày kính nhớ các Thánh, Giáo Hội công bố mầu nhiệm phục
sinh nơi các Ngài: vì đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Chúa
Kitô. Giáo Hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các Ngài, những
gương mẫu lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp
các Ngài, Giáo Hội lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa.
105. Giáo Hội kiện toàn việc
huấn luyện các tín hữu. Sau cùng, theo luật lệ lưu truyền: cứ mỗi mùa trong
năm, Giáo Hội kiện toàn việc huấn luyện các tín hữu bằng những việc lành hồn
xác, bằng việc giảng dạy, lời cầu nguyện, việc sám hối và các việc bác ái.
Vì thế, Thánh
Công Ðồng quyết ấn định những điều sau đây.
106. Chú trọng ngày chúa
nhật. Theo Tông Truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử
hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của
Chúa hay ngày Chúa Nhật. Thực vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại
để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại
và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã
"dùng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái
sinh họ trong niềm hy vọng sống động" (1P 1,3). Vì vậy, ngày Chúa Nhật là
ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu,
để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu
không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì
ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ.
107. Canh tân năm phụng vụ.
Phải tu chỉnh năm phụng vụ thế nào để sau khi duy trì hay phục hồi những tập tục
và quy chế cổ truyền về các mùa thánh, theo những hoàn cảnh của thời đại chúng
ta, vẫn giữ được tính cách ban đầu của những mùa ấy, hầu nuôi dưỡng đúng mức
lòng đạo đức của các tín hữu, khi cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc trong đạo,
nhất là mầu nhiệm phục sinh. Vả lại, nếu cần thích ứng với hoàn cảnh địa
phương, thì phải theo quy tắc các khoản 39 và 40.
108. Phần Riêng mỗi Mùa.
Trước hết, phải hướng tâm trí các tín hữu về những ngày lễ của Chúa, là những lễ
quanh năm cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc. Vì thế, Phần Riêng mỗi Mùa phải có một
chỗ thích hợp vượt trên lễ các Thánh, để trọn vẹn chu kỳ các mầu nhiệm cứu chuộc
được kính nhớ đúng mức.
109. Mùa chay. Hai đặc
tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu
phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt
thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được
trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ. Do đó:
a) Những yếu tố
về phép Rửa Tội riêng cho Phụng Vụ Mùa Chay phải được áp dụng rộng rãi hơn. Một
số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập.
b) Còn các yếu tố
về việc sám hối cũng vậy. Trong khi dạy giáo lý, phải khắc ghi vào tâm trí các
tín hữu không những các hiệu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của việc
sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Không được bỏ quên vai trò
của Giáo Hội trong tác động sám hối, và phải nhấn mạnh đến việc cầu cho các tội
nhân.
110. Việc thực hành sám hối.
Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá
nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến
khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền
khác nhau cũng như hoàn cảnh các tín hữu. Việc thực hành sám hối đó phải được
các Ðấng Bản Quyền cổ võ như đã nói ở khoản 22.
Tuy nhiên, việc
giữ chay thánh trong Mùa Phục Sinh là việc phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp
nơi đều phải giữ vào ngày thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, nếu tiện
cũng phải kéo dài qua thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn người tín hữu một khi được
nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa Sống Lại.
111. Lễ các Thánh. Theo
truyền thống, các Thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các di hài đích thực
cũng như hình ảnh của các Ngài vẫn được sùng kính. Thực vậy, những lễ kính các
Thánh nói lên những việc lạ lùng của Chúa Kitô nơi các tôi tớ Người và phô bày
những gương sáng thích hợp cho các tín hữu bắt chước.
Ðể những lễ kính
các Thánh không lấn át các lễ kính nhớ chính những mầu nhiệm cứu chuộc, nhiều lễ
các Thánh sẽ để cho từng Giáo Hội địa phương, hoặc cho mỗi Quốc Gia hay Dòng Tu
cử hành. Chỉ phổ biến cho toàn thể Giáo Hội những lễ kính các Thánh thực sự có
tầm quan trọng phổ quát.
Chú Thích:
8* Khi Phong Trào Phụng Vụ khởi phát, đã có nhiều người nói tới sự
"có mặt" các mầu nhiệm này trong năm Phụng Vụ. Ðức Piô XII đã trình
bày vấn đề rất cặn kẽ trong Thông điệp Mediator Dei, số 166, và Công Ðồng
Vaticanô II nhắc lại giáo lý đó.
Chương VI: Thánh Nhạc
112. Giá trị của thánh nhạc.
Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá,
vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời
ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể.
Thực vậy, không
những Thánh Kinh 1
mà cả các Giáo Phụ và các Ðức Thánh Cha đã khen ngợi những bản thánh ca, nhất
là các Ðức Thánh Cha trong những thời đại gần đây, tiên phong là Ðức Piô X, đã
làm sáng tỏ rõ ràng hơn vai trò của Thánh Nhạc trong phụng tự.
Do đó Thánh Nhạc
càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy
nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ
võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng. Do
đó, Giáo Hội chuẩn nhận và cho dùng vào phụng vụ tất cả mọi hình thức nghệ thuật
đích thực, miễn là có những đặc tính cần thiết.
Vì thế, trong
khi vẫn duy trì những qui tắc, luật lệ của truyền thống và qui luật trong Giáo
Hội, cũng như nhằm mục đích của Thánh Nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa
các giáo hữu, Thánh Công Ðồng đã ấn định những điều sau đây.
113. Thánh nhạc trong phụng
tự. Hoạt động phụng vụ mang một hình thức cao quí hơn khi các việc phụng tự được
cử hành một cách long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh
chủ sự và giáo dân tích cực tham dự.
Còn về ngôn ngữ
được xử dụng, hãy theo qui tắc khoản 36: về Thánh Lễ, khoản 54; về các Bí Tích,
khoản 63; về Kinh Nhật Tụng, khoản 101.
114. Kho tàng Thánh Nhạc.
Phải hết sức lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng Thánh Nhạc, phải nỗ lực đào tạo
các ca đoàn, nhất là ở các nhà thờ chánh tòa. Về phần các Giám Mục và mục tử
khác có nhiệm vụ coi sóc các linh hồn, hãy nhiệt tâm lo lắng để trong bất cứ
nghi lễ nào có hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tham dự một cách linh động
vào những phần dành riêng cho họ, theo qui tắc khoản 28 và 30.
115. Huấn luyện thánh nhạc.
Phải chú trọng đến việc huấn luyện và thực tập âm nhạc trong các Chủng Viện,
các tập viện cũng như các học viện của các Dòng Tu nam nữ, và cả trong những học
viện và học đường công giáo khác. Vì thế, để đảm nhiệm công việc đào tạo ấy, cần
phải quan tâm đến việc huấn luyện những giáo sư có nhiệm vụ dạy Thánh Nhạc.
Ngoài ra, nếu tiện,
rất nên thành lập những Viện Cao Ðẳng Thánh Nhạc.
Hơn nữa, các nhạc
sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi, cũng phải được huấn luyện cho có đủ căn bản
phụng vụ.
116. Bình ca và nhạc đa
âm. Giáo Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của phụng vụ Roma; vì thế,
trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải chiếm một địa vi chính yếu giữa những
loại ca khác.
Không hẳn là loại
trừ các loại Thánh Nhạc khác, nhất là loại đa âm, trong những khi cử hành các
việc phụng tự, miễn là đáp ứng được tinh thần của hoạt động phụng vụ theo qui tắc
khoản 30.
117. Sách hát bình ca. Phải
hoàn thành việc ấn loát bản mẫu các sách hát bình ca; ngoài ra, đối với các
sách đã được ấn hành sau cuộc canh tân của Thánh Piô X, cũng phải có một ấn bản
được nghiên cứu cẩn thận hơn.
Cũng nên lo ấn
hành một loại sách hát gồm những âm điệu đơn sơ hơn để dùng trong các nhà thờ
nhỏ.
118. Thánh ca bình dân.
Thánh ca bình dân phải được khéo léo cổ võ để tín hữu có thể ca vang lên tiếng
hát trong những việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ,
theo những qui tắc và chỉ thị của chữ đỏ.
119. Nhạc dân tộc. Ở một
vài miền, nhất là các xứ Truyền Giáo, có những dân tộc sẵn có một truyền thống
âm nhạc riêng; nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội
của họ. Tại những nơi này, phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức, và dành cho nó một
địa vị thích hợp, trong khi đào tạo cho họ có một quan niệm tôn giáo, cũng như
thích ứng năng khiếu của họ vào việc phụng tự, theo tinh thần khoản 39 và 40.
Do đó, trong khi
huấn luyện âm nhạc cho các vị thừa sai, phải hết sức lo lắng để họ có thể phát
triển truyền thống âm nhạc của các dân tộc này, được chừng nào hay chừng đó,
trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng vụ.
120. Ðại phong cầm và các
nhạc khí khác. Trong Giáo Hội La tinh, đại phong cầm phải hết sức quí trọng, vì
là một nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho các
nghi lễ, lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.
Còn các nhạc cụ
khác, cũng được phép dùng vào việc phụng tự tùy theo phán đoán và phê chuẩn của
Thẩm Quyền địa phương theo quy tắc khoản 22-2, 37 và 40, miễn là đã thích hợp
hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của
thánh đường, và thực sự giúp cảm hóa các tín hữu.
121. Sứ mạng các nhà sáng
tác nhạc. Các nhạc sĩ thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy ý thức rằng mình được
kêu gọi phải trau dồi Thánh Nhạc và phát triển kho tàng thánh nhạc đó.
Họ hãy sáng tác
những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể
hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ, giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu
cũng có thể tham dự một cách linh động.
Còn lời thánh ca
phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh
và các nguồn mạch phụng vụ.
Chú Thích:
1 Xem Eph 5,19;
Chương VII: Nghệ Thuật Thánh Và
Dụng Cụ Thánh
122. Giá trị của nghệ thuật
thánh. Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến
mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là
nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ
đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng
làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó
không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng
tâm trí người ta về cùng Chúa.
Vì thế, Giáo Hội
Mẹ Cao Sang, luôn luôn là bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao
quí của mỹ thuật, nhất là để những vật dùng vào việc phụng tự thánh được thực sự
xứng đáng thích hợp và mỹ thuật, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại
trên trời; Giáo Hội cũng luôn lo huấn luyện các nghệ thuật gia. Hơn nữa, Giáo Hội
vẫn tự coi mình như vị thẩm phán về mỹ thuật, xét xem trong những tác phẩm của
các nghệ sĩ, tác phẩm nào thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức, và với những
luật lệ truyền thống trong đạo, cũng như xem xét những tác phẩm nào xứng đáng
dùng vào việc thánh.
Giáo Hội hằng đặc
biệt lo lắng sao cho vật dụng thánh góp phần trang trọng vào việc phụng tự một
cách xứng đáng và mỹ thuật, đồng thời chấp nhận những thay đổi về chất liệu, về
hình thức, cũng như về trang trí do tiến triển kỹ thuật trải qua các thời đại
đem đến.
Vì thế về điểm
này, các Nghị Phụ quyết ấn định những điều sau đây.
123. Các kiểu nghệ thuật.
Giáo Hội đã không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng, nhưng công
nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các
dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các Nghi Lễ khác nhau; những kiểu nghệ
thuật này, trải qua các thế kỷ, đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần thiết hết
sức duy trì cẩn thận. Ngay cả những nghệ thuật trong thời đại chúng ta, nghệ
thuật của mọi dân tộc và mọi miền, cũng phải được tự do thi thố trong Giáo Hội,
miễn là vẫn giữ được vẻ tôn kính trang trọng phải có trong các thánh đường cũng
như trong các nghi lễ thánh. Như thế, nghệ thuật đã có thể hòa giọng với bản nhạc
vinh quang kỳ diệu mà những bậc vĩ nhân đã từng ca hát qua các thế kỷ để ca tụng
đức tin công giáo.
124. Phát động và cổ võ
nghệ thuật thánh đích thực. Các Ðấng Bản Quyền trong khi phát động và cổ võ nghệ
thuật thánh đích thực, hãy nhắm tới vẻ đẹp cao quí hơn là chỉ nghĩ tới vẻ xa
hoa lộng lẫy. Ðiều này cũng nói về phẩm phục và đồ trang trí nữa.
Các Ðức Giám Mục
hãy cẩn thận lo loại trừ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác những
tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức
Kitô giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực,
hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc vì thiếu nghệ thuật, tầm thường hay giả tạo.
Còn về việc xây
cất thánh đường, cũng phải cẩn thận lo liệu làm sao để xứng hợp với việc chu
toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động.
125. Ảnh tượng thánh trong
các thánh đường. Phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong
các thánh đường cho các tín hữu tôn kính; tuy thế số các ảnh tượng ấy chỉ vừa
phải thôi và phải được sắp xếp sao cho thích hợp, đừng làm chia trí cho giáo
dân, cũng đừng làm cho giáo dân có lòng tôn sùng thiếu đứng đắn.
126. Ủy Ban giáo phận đặc
trách Nghệ Thuật Thánh. Trong việc thẩm xét những tác phẩm nghệ thuật, các Ðấng
Bản Quyền địa phương hãy lắng nghe ý kiến của Ủy Ban giáo phận đặc trách Nghệ
Thuật Thánh, và trường hợp nào cần thiết, nên nghe những người rất thành thạo
khác cũng như những Ủy Ban đã nói trong các khoản 44, 45, 46.
Các Ðấng Bản Quyền
phải thận trọng săn sóc kẻo dụng cụ thánh hoặc các nghệ phẩm giá trị, là những
vật trăng hoàng nhà Chúa, bị di nhượng hoặc tiêu hủy.
127. Ðào tạo các nghệ sĩ.
Các Giám Mục, hoặc phải tự mình hoặc phải nhờ các linh mục đủ khả năng, thông
thạo và yêu thích nghệ thuật, lưu tâm đến các nghệ thuật gia sao cho họ thấm
nhuần tinh thần Nghệ Thuật Thánh và Phụng Vụ Thánh.
Ngoài ra cũng
khuyến khích thành lập những trường học hay những Học Viện về Nghệ Thuật Thánh ở
những miền xét ra là nên thành lập để đào tạo các nghệ thuật gia.
Riêng đối với tất
cả những nghệ thuật gia, những người sẵn có tài năng muốn phụng sự Thiên Chúa để
làm vinh danh Người trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng họ làm một việc
thánh, một phần nào họ giống như Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo, họ sáng tác những
tác phẩm dùng vào việc thờ phượng trong đạo Công Giáo, đồng thời họ cũng cảm
hóa các tín hữu, cho họ thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa.
128. Duyệt lại các luật lệ
về nghệ thuật thánh. Những khoản luật và qui chế của Giáo Hội nói về việc bài
trí những đồ dùng bên ngoài liên quan đến việc thờ phượng, nhất là về việc xây
cất thánh đường cho xứng đáng và thích hợp, về hình thức và cách xây dựng bàn
thờ, về vẻ trang trọng, lối sắp đặt và tính cách bền chắc của nhà tạm thánh thể,
về chỗ thích hợp và danh dự cho giếng rửa tội, cũng như về lối trưng bày ảnh tượng
thánh, trần thiết và trang bị sao cho hòa hợp: tất cả những luật lệ về các vấn
đề trên phải được duyệt lại càng sớm càng tốt, đồng thời với các sách phụng vụ
theo qui tắc khoản 25: những điều nào xem ra ít hợp với phụng vụ canh tân thì
hãy tu chỉnh hay loại bỏ; còn những điều nào phù hợp thì phải giữ lại hoặc thêm
vào.
Về vấn đề này,
nhất là về chất liệu và hình thức vật dụng thánh và phẩm phục, thì Hội Ðồng
Giám Mục địa phương có quyền thích nghi với các nhu cầu và phong tục địa
phương, chiếu theo qui tắc khoản 22 của Hiến Chế này.
129. Huấn luyện nghệ thuật
cho hàng giáo sĩ. Các giáo sĩ, trong thời gian theo học Triết học và Thần học,
cũng phải được học hỏi về lịch sử và biến chuyển của nghệ thuật thánh, cũng như
về nguyên tắc lành mạnh mà các tác phẩm nghệ thuật thánh phải dựa theo; như thế
họ sẽ biết quí trọng và duy trì những công trình đáng kính của Giáo Hội, cũng
như có thể đưa ra những ý kiến thích hợp cho các nghệ thuật gia trong khi thực
hiện các tác phẩm.
130. Huy hiệu
Giám Mục. Nên dành riêng việc xử dụng phẩm phục hay huy hiệu Giám Mục cho những
nhân vật trong Giáo Hội có chức Giám Mục hoặc có thẩm quyền đặc biệt nào đó.
Phụ Lục: Tuyên Ngôn Của Thánh
Công Ðồng Chung Vaticanô II Về Việc Tu Chỉnh Niên Lịch
Thánh Công Ðồng
Vaticanô II không phải là ít quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn
định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định, và về việc thiết lập một
niên lịch vĩnh viễn. Sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi điều có thể xảy ra do việc
đưa ra một niên lịch mới, Thánh Công Ðồng tuyên bố những điều sau đây:
1. Thánh Công Ðồng
không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định
trong niên lịch Gregorianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất
là các anh em ly khai với Tông Tòa.
2. Cũng thế,
Thánh Công Ðồng tuyên bố là không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc
đưa vào xã hội dân sự một niên lịch vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trong
các hệ thống khác nhau được trù tính để thiết lập một niên lịch vĩnh viễn và
đưa vào xã hội dân sự, Giáo Hội chỉ không phản đối những hệ thống nào còn duy
trì và bảo vệ tuần lễ 7 ngày với ngày Chúa Nhật, không thêm vào một ngày nào
khác trong tuần, để sự kế tiếp các tuần lễ vẫn được nguyên vẹn, trừ khi có những
lý do hết sức quan trọng mà Tông Tòa sẽ phán quyết.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Hiến Chế này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính,
trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì
đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Miễn Thi Hành Luật
Ðối với Hiến Chế
về "Phụng Vụ Thánh" vừa được phê chuẩn, Ðức Thánh Cha đã quyết định
miễn thi hành luật cho tới ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay 16 tháng 2 năm
1964. Trong thời gian đó, Ðức Thánh Cha sẽ quyết định thời gian và cách thức
thi hành các chế định mới của Hiến Chế này. Vì vậy không ai được phép tự mình
thi hành các chế định mới này trước thời gian trên.
Pericles Felici
Tổng Giám Mục hiệu
tòa Samosate
Tổng Thư Ký
Thánh Công Ðồng.
Hiến
Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của Thiên Chúa - Dei Verbum
Lời Giới Thiệu
I. Lịch Sử Bản Văn:
Hiến chế Dei
Verbum là một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công Ðồng Vaticano II về
phương diện giáo thuyết cũng như về thái độ khác biệt giữa các nghị phụ; Thật vậy,
chính trong khi bàn cãi về Lược đồ này, các nghị phụ đã nhận thức về sự phân
chia khuynh hướng thần học giữa các ngài. Lược đồ về Mac Khải nằm ở ngoài quyển
sách đã được Ủy Ban Trung ương xuất bản năm 1962. Và như vậy người ta tưởng sẽ
được bàn cãi trước tiên. Nhưng Ðức Gioan XXIII nhận thấy đã có những bất đồng ý
kiến trong bản văn "về Mạc Khải", nên ngài không muốn khởi đầu Công đồng
với bản văn gai góc này, và đã quyết định bàn cãi về Phụng vụ trước tiên, vì
các nghị phụ dễ đồng ý về vấn đề này hơn.
Bản văn trình
bày trong sách trên thật ra là bản văn thứ năm mà Ủy ban và các nghị phụ đã soạn
thảo. Ngày 12.7.1962, Ðức Gioan XXIII truyền lệnh gửi cho các nghị phụ bàn cãi
loạt Lược đồ lần thứ nhất. Trong số đó, có Lược đồ "Hiến chế Tín lý về các
nguồn Mạc khải". Lược đồ này được bàn cãi từ ngày 14 đến 21.11.1962. Chính
trong các cuộc bàn cãi này mà Công đồng Vaticano II đã tự chia ra phe "đa
số" và "thiểu số" theo luồng tư tưởng và theo lối diễn tả thần học
của các nghị phụ. Từ đó các khuynh hướng khác biệt này chi phối tất cả các công
việc của Công đồng.
Trong diễn văn
khai mạc ngày 11.10.1962 (Khóa I từ 11.10 đến 08.12.1962), Ðức Gioan XXIII đã
nói: "Bản chất của giáo thuyết cổ truyền chứa trong kho tàng đức tin là một
chuyện, còn việc định thức bản chất lại là chuyện khác, vì việc định thức căn cứ
trên những hình thức và sự tương xứng với những nhu cầu giáo huấn, nhất là về mục
vụ". Sự phân biệt giữa "bản chất" và "định thức" sẽ giữ
một vai trò quan trọng trong cuộc bàn cãi lược đồ này. Lược đồ đã được các Hồng
y Ottaviani, Ruffini, Siri... bênh vực, và bị các Hồng y Liénart, Frings... kết
án, còn các Hồng y Bea, Léger, Tisserant... thì chỉ trích. Người ta cho rằng
cách nói quá kinh viện, lối hành văn phản mục vụ, phản Kinh Thánh và phản hiệp
nhất. Chủ tịch đoàn Công đồng quyết định bỏ thăm bản văn (ngày 20.11.1962), và
bản văn bị loại bỏ với 1,368 phiếu chống, 822 phiếu thuận, và 18 phiếu bất hợp
lệ. Buổi họp trải qua vài giờ lộn xộn vì chưa đủ đa số 2/3 để loại bỏ một lược
đồ (cần phải 1,473 phiếu mới đủ 2/3). Nhưng có nên chấp nhận một lược đồ bị một
đa số như trên loại bỏ không? Khi ấy, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đích thân can
thiệp; ngài quyết định trao trả lược đồ cho một Ủy ban Thần học và của Văn
phòng Hợp nhất Kitô giáo.
Ủy ban này khởi
công bằng việc đồng ý về nhiều điểm quan trọng, như bỏ tựa đề "về hai nguồn..."
(vì nó sẽ gây ra nhiều hiểu lầm), đặt lại tựa đề cho chương I: "Về Lời
Chúa được Mạc khải..." (như thế, nó tổng quát và dễ dàng chấp nhận hơn).
Tuy nhiên vẫn còn những bất đồng, nhất là về tương quan giữa Thánh Kinh và
Thánh Truyền. Lược đồ được hoàn thành vào tháng 3.1963 và được gửi cho các nghị
phụ vào tháng 5.1963. Bản văn sẽ không được bàn cãi trong kỳ họp thứ hai, nhưng
vẫn không thiếu những phê bình được gửi tới. Thật vậy, các vị soạn thảo muốn
"cố ý tránh vấn đề Hai nguồn Mạc khải mà không xác nhận hay chối bỏ rằng
Thánh Truyền chứa những gì mà Thánh Kinh không có" (Relatio..., tr.5). Ðiều
đó làm cho bản văn trở nên nhạt nhẽo, thiếu màu sắc và hàm hồ... Mạc khải được
hiểu như là "nội dung" của Mạc khải hơn là "hành động" Chúa
Mạc khải. Thánh Truyền duy nhất bị lẫn lộn với các truyền thống, điều này gây
nhiều hiểu lầm...
Ðến ngày
31.1.1964, các nghị phụ hết hạn gửi các nhận xét. Như thế, người ta có thể lợi
dụng được các ý kiến trong các cuộc bàn cãi đang diễn ra "về Lược đồ Giáo
Hội", vì Mạc khải và Giáo Hội không thể tách rời nhau. Những lời than phiền
của các nghị phụ hầu như chỉ quy về hai điểm: các bản văn chưa đánh giá đầy đủ
tầm quan trọng của Mạc khải và của Thánh Truyền, cũng như chưa được cân nhắc đầy
đủ. Ngày 07.3.1964, người ta thành lập một tiểu ban phụ trách tu chỉnh bản văn
dưới sự chủ tọa của Ðức Giám Mục Charue với sự cộng tác của nhiều chuyên viên. Ủy
ban này chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất phụ trách chương I và II (chủ tịch: Ðức
Giám Mục Florit và các chuyên viên Congar, Rahner, Moeller, Ramirez...), Nhón
thứ hai phụ trách chương III đến chương VI (chủ tịch: Ðức Giám Mục
Semmonelroth...). Từ 20 đến 24.4.1964, các ngài bổ túc bản văn mới, và đưa ra bản
tối hậu. Sau đó, bản văn được trình lên Văn phòng Hợp nhất để xem có phải sửa đổi
gì không. Ngày 30.6.1964, Văn phòng trả lời chấp thuận; Ðức Hồng Y Bea xét rằng
không cần phải hợp hai cơ quan để tu chỉnh. Sau đó, Ủy ban Giáo thuyết cứu xét
bản văn (từ ngày 3 đến 5.6.64). Chương II tạm được chấp nhận (17 phiếu thuận, 7
chống), vì 7 nghị phụ đòi phải nói: Thánh Truyền khách quan rộng hơn Thánh Kinh
(x. Relatio..., tr.6).
Cuộc bàn cãi bản
văn bắt đầu từ ngày 30.9.1964 tại đền Thánh Phêrô. Có hai bản phúc trình: một của
nhóm đa số trong Ủy ban (Ðức Giám Mục Florit đọc), và một của nhóm thiểu số (Ðức
Giám Mục Franic trình bày). Vấn nạn quan trọng nhất do nhóm thiểu số đưa ra là
ý tưởng về "Thánh Truyền cấu thành" (Traditio constitutive). Ðó là giảng
thuyết và đức tin của toàn thể Giáo Hội tông đồ, dưới sự tác động của Thánh Thần
Mạc khải, chứa đựng những chân lý thật ra không có trong Thánh Kinh. Ðó là trường
hợp các tín điều về Ðức Mẹ (Ðức Giám Mục Beras). Ngoài ra, nếu hạ giá Thánh
Truyền, như Lược đồ đã làm, người ta sẽ rơi vào một thứ Tân Thời thuyết. Tuy thế,
đa số chấp nhận và khen ngợi ý tưởng của bản văn. Dầu vậy, những phê bình của
nhóm thiểu số cũng rất hữu ích vì nó xác định rõ ràng nhiều ý niệm.
Theo Ủy ban, kết
quả cuộc can thiệp của các nghị phụ như sau:
1) Ðiểm tích cực:
a. Ngôn ngữ rõ
rang, cẩn thận và có tính cách trình bày.
b. Cơ cấu bản
văn được sắp đặt kỹ lưỡng và cân đối.
c. Giáo thuyết
chắc chắn phát xuất từ Cổ truyền và Thánh Kinh.
d. Quan niệm Mạc
khải quy về Chúa Kitô và con người cũng như cách thức trình bày tương quan giữa
Thánh Kinh và Thánh Truyền.
2) Ðiểm tiêu cực:
a. Cách hành văn
phức tạp và đôi khi tối nghĩa.
b. Im lặng trước
những sai lạc và lạm dụng hiện có.
c. Trình bày khiếm
khuyết về Cựu Ước.
d. Thiếu chiều
hướng Giáo Hội trong Mạc khải.
e. Phải trình
bày vai trò của Chúa Thánh Thần trong hoạt động của Huấn quyền Giáo Hội.
Các tiểu ban bắt
tay làm việc để tổng hợp đề nghị của các nghị phụ. Nhờ đó một bản văn thứ tư được
thành hình và đã được gửi tới cho các nghị phụ trong phiên họp khoáng đại cuối
cùng của kỳ họp thứ ba (20.11.1964). Có thể tóm tắt các thay đổi chính như sau:
a. Nhấn mạnh đến
truyền thống "phát nguyên từ các tông đồ" thay vì Thánh Truyền
"sống" (có thể phát xuất từ đời sống Giáo Hội).
b. Vấn đề phát
triển tín lý, bản văn trước nói rằng kinh nghiệm của các tín hữu là một yếu tố
phát triển, nhưng bản văn mới nhắc thêm đến lý trí (số 8b) để tránh chủ quan
thuyết hiện tượng luận.
c. Nhắc đến việc
nhờ Thánh Thần mà Giáo Hội biết được bản chính lục Thánh Kinh (số 8c).
d. Phân biệt rõ
ràng hơn nội dung của Thánh Truyền thời các tông đồ (số 9).
e. Xác định vai
trò của Huấn quyền bằng cách bãi bỏ danh từ uy quyền "tối thượng" và
không nhắc đến ơn bất khả ngộ, hơn nữa còn nói rằng quyền giáo huấn phải
"thành kính lắng nghe" Lời Chúa (số 10). Trong kỳ họp thứ ba, các nghị
phụ không bỏ phiếu bản văn này, nên các ngài có thể viết các nhận xét gửi về Ủy
ban.
Sau cùng, ngày
21.9.1965, các nghị phụ đã bỏ phiếu Lược đồ này. Các chương đều được chấp thuận
với vài sửa đổi. Ủy ban phụ trách kết nạp các tu chỉnh, cố gắng dung hòa ý kiến
mọi người bằng cách sửa đổi từng tiểu tiết của bản văn. Chính Ðức Phaolô VI
cũng đã đề nghị một vài thay đổi. Sau khi Ủy ban Giáo thuyết xem xét, bản văn
được phát cho các nghị phụ ngày 25.10.1965, và bỏ phiếu ngày 29.10.1965. Ở vòng
bỏ phiếu chót, trong số 2,115 nghị phụ bỏ phiếu, có 2,081 phiếu thuận, 27 phiếu
chống, và 7 phiếu bất hợp lệ. Ngày 18.11.1965 là ngày công bố với 2,344 phiếu
thuận, và 06 phiếu chống.
II. Cơ Cấu Hiến Chế:
Những nét chính
của bản sơ thảo đầu tiên được giữ lại đến cùng: một phần nói về Mạc khải tổng
quát, một phần dành cho Thánh Kinh. Lược đồ thứ nhất được chia như sau: Chương
I: Hai nguồn Mạc khải; Chương II: Linh hứng, bất ngộ và cấu tạo văn chương của
Thánh Kinh; Chương III: Cựu Ước; Chương IV: Tân Ước; Chương V: Thánh Kinh trong
Giáo Hội.
Như trong Lược đồ
thứ nhất, Lược đồ thứ hai giữ lại Chương I như một lời mở đầu giới thiệu Thánh
Kinh, các Chương khác cũng chứa đựng chất liệu tương tự như Lược đồ thứ nhất.
Chính trong lần soạn thảo thứ ba mà giáo thuyết về Mạc khải chiếm vai trò ưu thắng.
Như vậy, phần thứ nhất của bản văn trở thành quan trọng nhất, vì chứa đựng giáo
thuyết "chi phối" mọi việc khai triển khác. Nội dung của Lược đồ thứ
ba là: Chương I: Về chính Mạc Khải; Chương II: Sự lưu truyền Mạc khải; Chương
III: Linh hứng của Thiên Chúa và việc chú giải Thánh Kinh; Chương IV: Cựu Ước;
Chương V: Tân Ước; Chương VI: Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội.
Như thế, chúng
ta có một bản văn chia làm hai phần lớn, được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của
hai tiểu ban. Phần nhất bàn về Mạc khải tổng quát, gồm chương I bàn về diễn tiến
Mạc khải mà Thiên Chúa đã tự biểu lộ cho con người và phó mình cho họ, đến mức
độ trọn vẹn trong Chúa Kitô; Chương II trình bày tính cách liên tục trong việc
Thiên Chúa tự biểu lộ và phó mình cách trọn vẹn trong Giáo Hội bằng tất cả những
gì tạo thành đời sống Giáo Hội, qua tiến trình lịch sử.
Phần hai bàn về
Thánh Kinh, một hình thức đặc biệt của sự biểu lộ và phó mình của Thiên Chúa:
chương III trình bày những khía cạnh tổng quát của Thánh Kinh: đó là một tác phẩm
của Thiên Chúa, Ðấng hạ mình đến với chúng ta, nhưng cũng là một tác phẩm của
con người; chương IV bàn về giá trị của Cựu Ước; chương V bàn về Tân Ước;
chương VI trình bày ý nghĩa của Thánh Kinh đối với Giáo Hội mọi thời đại và mọi
hoàn cảnh.
III. Tầm Quan Trọng:
Hiến chế Mạc khải
đã không giải quyết mọi vấn đề, đã không có thái độ rõ ràng về nhiều vấn đề, và
không làm thoả mãn mọi người. Hiến chế không thể làm điều đó. Dầu vậy, Hiến chế
cũng nói lên một bước tiến rất tích cực trong công cuộc tìm hiểu Mạc khải, cũng
sẽ có một tầm ảnh hưởng lớn lao trong nền thần học Công giáo và cuộc đối thoại
hợp nhất.
Công đồng tiến
hành công việc trong nỗ lực hòa giải. Hiến chế Mạc khải đã phải tổng hợp nhãn
quan của nhiều trường phái không luôn luôn phù hợp nhau, phải tóm lược các ý tưởng
(dù làm như vậy có vẻ đơn giản hóa vấn đề). Bản văn phải được nghiên cứu cẩn thận
chứ không chỉ đọc thoáng qua. Tuy nhiên, không được vì thế mà lãng quên tâm điểm
của toàn thể giáo thuyết, tâm điểm đó chính là tác động cứu độ của Thiên Chúa
đang diễn tiến trên thế gian và trong lịch sử nhờ Lời của Ngài là Chúa Kitô.
Cũng nên chú ý
là bản văn sau cùng đã được đại đa số nghị phụ trong Công đồng chấp thuận, như
thế bản văn nói lên đức tin của Giáo Hội về vấn đề này. Dù không đồng tâm về những
chi tiết, nhưng phần giáo thuyết căn bản thì không ai có thể bàn cãi được nữa.
Người ta có thể
lấy làm tiếc là Thánh Truyền và Huấn quyền lại đứng bên cạnh Thánh Kinh. Nhưng
như thế là vì đã có thành kiến luôn đối chiếu ba thực thể trên. Trong khi đó,
Công đồng đã quan niệm và thành công trong việc dung hòa: Cả ba đều mang Lời
Chúa, tuy mỗi thực thể theo một cách thức riêng và với một tước vị riêng.
Bản văn này phải
thúc đẩy các nhà thông thái nghiên cứu Thánh Kinh và giúp tín hữu say mê Thánh
Kinh. Theo đường hướng cởi mở của Thông điệp Divino afflante Spiritu, Hiến chế
về Mạc khải mở ra những chân trời mới cho công việc chú giải. Người ta được tự
do nghiên cứu để khai thác các "văn loại" và các khám phá mà lịch sử
và khoa học đem lại, mà không sợ những cấm đoán đè nặng từ bên ngoài như trường
hợp các đồng nghiệp của họ thời trước. Nhưng cùng một lúc Hiến chế cũng xác định
những điều ta không thể chối bỏ mà không triệt tiêu Mạc khải. Do đó, không được
nghi ngờ lịch sử tính của Phúc Âm và nguồn gốc tông đồ của các sách đó. Công đồng
đã không kết án phương pháp văn hình sử (formgeschichte) nhưng đã nêu ra những
giới hạn của phương pháp ấy; không phải tất cả những ý tưởng "giải huyền
thoại" của R. Bultmann là sai, nhưng phải cẩn thận để khỏi rơi vào thuyết
duy tín mà phương pháp này đưa đến. Còn về tầm quan trọng thực tế của những lời
khuyên mục vụ ở chương VI thì chỉ có tương lai mới có thể trả lời chúng ta.
Việc xác định
chân lý Thánh Kinh ở số 11 là một điều rất quan trọng. Người ta không thể tìm
thấy trong Thánh Kinh bất cứ loại chân lý nào (khoa học, lịch sử, địa lý, nhân
chủng học...) nhưng chỉ có thứ chân lý cứu thoát chúng ta, và ta cũng nên lưu ý
Công đồng không nói những chân lý, nhưng nói chân lý ở số ít; chân lý ấy đồng
thời cũng là sự sống, là đường dẫn đến sự cứu độ. Ðiều đó muốn nói rằng: chân
lý của chúng ta không phải chỉ là một điều ta biết suông, nhưng là một bổn phận
phải thực hành: "Thực Hành Chân Lý" (x. Ep 4,15) và phải tiến tới
trong chân lý: "Ði Trong Chân Lý". Công đồng muốn giải phóng thần học
khỏi quan niệm Hy Lạp về chân lý quá tĩnh để trở về với ý niệm Do Thái linh động
hơn, hiện sinh hơn, cởi mở hơn đối với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Một số người
công kích, số khác lại ca tụng về tầm quan trọng hợp nhất của Hiến chế về Mạc
khải. Người ta đã chỉ trích "sự hàm hồ" về mối tương quan giữa Thánh
Kinh và Thánh Truyền. Nhưng có người lại thấy ở đó một cánh cửa đưa đến đối thoại,
nhất là vào thời đại các Giáo Hội phát sinh sau khi Phong Trào Cải cách đặt lại
vấn đề Thánh Truyền. Việc tự do tìm hiểu đã chiếm được một địa vị, nhờ đó sự cộng
tác giữa các nhà chú giải Công giáo và Tin lành cùng dễ dàng và đáng khích lệ
hơn. Ngoài ra, việc khuyến khích đọc Thánh Kinh đã tạo nên một nền tảng vững chắc
đưa các Kitô hữu xích lại gần nhau hơn, vì họ cũng lắng nghe một Lời Chúa. Dù bản
chính lục Thánh Kinh vẫn còn đôi chút khác biệt, nhưng sự kiện này không có tầm
quan trọng thực tiễn nào.
Ủy Ban Giáo Lý Ðức
Tin
Hội Ðồng Giám Mục
Việt
Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của
Thiên Chúa 1*
- Dei Verbum
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa VIII Ngày
18 tháng 11 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Hiến Chế Tín Lý Về
Mạc Khải Của Thiên Chúa 1*
- Dei Verbum
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
1. Trong niềm thầm kính lắng
nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, 2*
Thánh Công Ðồng lặp lại lời Thánh Gioan: "Chúng tôi loan truyền cho anh em
sự sống đời đời, đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi: điều chúng
tôi đã thấy, đã nghe, chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp
nhất với chúng tôi, và chúng tôi hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô
Con Ngài" (1Gio 1,2-3). Bởi thế noi gương Công Ðồng Trentô và Vaticanô I,
Công Ðồng này muốn trình bày giáo lý chân thực về mạc khải của Thiên Chúa và
lưu truyền mạc khải ấy, để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin
theo, để nhờ tin mà hy vọng, và nhờ hy vọng mà yêu mến 1.
3*
Chương I: Về Chính Việc Mạc Khải 4*
2. Bản tính và đối tượng của
mạc khải. Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ
cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Eph 1,9). Nhờ đó, loài người có
thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần,
và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Eph 2,18; 2P 1,4). Trong việc mạc
khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (x. Col 1,15;
1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xac 33,11; Gio 15,14-15).
Ngài đối thoại với họ (x. Bar 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với
Ngài. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên
kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi
bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói
thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó 5*.
Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người,
được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Ðấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn
thể mạc khải 2.
6*
3. Chuẩn bị mạc khải Phúc Âm. 7*
Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x. Gio 1,3), không ngừng
làm chứng về Mình trước mặt loài người qua các tạo vật (x. Rm 1,19-20). 8*
Và vì muốn mở đường cứu rỗi cao trọng, nên từ đầu Ngài còn tỏ Mình ra cho tổ
tông chúng ta. Sau khi tổ tông sa ngã, qua lời hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã
nâng đỡ họ dậy trong niềm hy vọng cứu rỗi (x. Stk 3,15). Ngài không ngừng săn
sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm sự cứu rỗi
nhờ kiên tâm làm việc thiện (x. Rm 2,6-7). 9*
Khi đến giờ đã định, Ngài gọi Abraham để qua ông, Ngài tạo lập một dân tộc lớn
mạnh (x. Stk 12,2-3), một dân tộc mà sau thời các Tổ Phụ, Ngài đã dùng Môisen
và các Tiên Tri dạy dỗ, để họ nhận biết Ngài là Chúa duy nhất, hằng sống và
chân thật, là Cha quan phòng, là thẩm phán chí công, để họ trông đợi Ðấng Cứu
Thế được hứa ban và nhờ vậy, qua bao thế kỷ, Ngài đã dọn đường 10*
cho Phúc Âm.
4. Ðức Kitô hoàn tất mạc
khải. 11*
Sau khi phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các Tiên Tri, "nay là thời cuối
cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con" (Dth 1,1-2). 12*
Thực vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Ðấng sáng soi mọi người, đến
sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x.
Gio 1,1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể "là người đã được
sai đến với loài người" 3,
"nói tiếng nói của Thiên Chúa" (Gio 3,34) và hoàn thành công trình cứu
rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Ngài thực hiện (x. Gio 5,36; 17,4). Vì thế,
chính Ngài, Ðấng mà ai thấy, tức là thấy Chúa Cha (x. Gio 14,9), đã đến bổ túc
và hoàn tất mạc khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như
việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ
kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến, bằng chứng tích của một
Thiên Chúa, Ngài xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta
khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời.
Vậy nhiệm cuộc
Kitô giáo, vì là giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một. Chúng ta
không phải chờ đợi một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu
Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang (x. 1Tm 6,14; Tit 2,13). 13*
5. Mạc khải phải được đón
nhận bằng đức tin. Phải bày tỏ "sự vâng phục của đức tin" (x. Rm
16,26; Rm 1,5; 2Cor 10,5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó,
con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do "dâng lên Thiên
Chúa mạc khải sự qui phục hoàn toàn của lý trí và ý chí" 4,
đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho. Ðể được niềm tin này, cần
có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh
Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và
làm cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân
lý" 5.
Và để việc hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần
không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài. 14*
6. Tương quan giữa tri thức
tự nhiên và siêu nhiên về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải 15*
để bày tỏ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên
quan đến phần rỗi nhân loại, "nghĩa là cho họ được tham dự vào các ân
thiêng hoàn toàn vượt khỏi trí khôn loài người" 6.
16*
Thánh Công Ðồng
tuyên xưng rằng: "Con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể từ
các tạo vật nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa như nguyên lý và cứu cánh mọi
sự" (x. Rm 1,20). Công Ðồng còn dạy: chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà
"tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó vốn không vượt quá khả năng lý
trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được
cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm" 7.
17*
Chú Thích:
1* Lược đồ thứ
nhất mang tựa đề "Lược đồ Hiến chế tín lý về các nguồn Mạc Khải". Trong
lần soạn thảo thứ hai, lược đồ lại mang tên "Lược đồ Hiến chế tín lý về mạc
khải của Thiên Chúa". Nhưng vì bản văn nói về Mạc Khải rất ít nên có người
đề nghị tựa đề "Về Thiên Chúa Ðấng tự mạc khải", hoặc "Về Thánh
Kinh". Trong lần soạn thảo thứ ba tĩnh từ "tín lý" bị loại bỏ,
nhưng nó lại xuất hiện trong bản văn cuối cùng.
2* Nguyên văn viết
tất cả hai chữ bằng chữ hoa, nên ta không biết nó chỉ Ngôi Lời của Thiên Chúa
hay là Lời của Chúa, tức Phúc Âm.
1 Xem T.
Augustinô, De catechezandis rudibus, ch. IV, 8: PL 40, 316.
3* Ở đây Công Ðồng
trình bày: mục đích của Mạc Khải là cứu độ con người chứ không phải để thỏa mãn
óc tìm tòi của trí khôn chúng ta. Quyền Giáo Huấn không phải là chủ của Lời
Chúa nhưng là tôi tớ "lắng nghe" và vâng theo (số 10); do đó quyền
giáo huấn phải làm chứng những gì đã được giao phó. Việc trích dẫn 1Gio 1, 2-3
trình bày nội dung Mạc Khải (đời sống vĩnh cửu) như sự hiệp thông giữa con người
và Ba Ngôi Thiên Chúa; nội dung đó được gởi đến cho mọi người nhờ các chứng tá.
Những điều trên đương nhiên đòi hỏi một hoạt động truyền giáo: việc "công
bố ơn cứu độ" (x. CvTđ 13,26; Eph 1, 13).
4* Chương này xuất
hiện ở trong bản thảo thứ ba. Trong các lược đồ trước, lời mở đầu chỉ bàn sơ
qua về vài khía cạnh như "sự cần thiết và đối tượng của Mạc Khải" (số
1), "Mạc Khải tiệm tiến" (số 2) v.v... Nhưng nhiều Nghị Phụ đòi bàn về
chính việc Mạc Khải, vì Mạc Khải chứa đựng không những các chân lý về Thiên
Chúa mà cả sự kiện Thiên Chúa tự mạc khải. Trong chương này Công Ðồng đã muốn
trình bày Mạc Khải dưới cái nhìn của con người để thích ứng hơn với những đòi hỏi
của con người thời nay. Phải xem xét trọn giáo thuyết này dưới ánh sáng của lịch
sử cứu độ. Chúa phó mình cho con người ngay từ khi tạo dựng vũ trụ. Bố cục của
chương này như sau: số 2: Sự kiện Chúa phó mình và từ đó tự Mạc Khải; số 3 và
4: các giai đoạn Mạc Khải và sự hoàn thành trong Chúa Kitô; số 5: thái độ con
người để tiếp nhận Mạc Khải; số 6: các chân lý Mạc Khải.
5* Nền thần học
Công Giáo đã thường coi Mạc Khải như một lời nói; còn các hoạt động của Chúa
thì bị liệt vào hàng rất phụ thuộc. Công Ðồng lại muốn trình bày là Thiên Chúa
tự Mạc Khải trước tiên bằng "hành động" (gesta) (không bằng việc làm
(facta) vì việc làm có vẻ là một tác động vật chất hơn). Ở đây, chữ "hành
động" còn có nghĩa là những biến cố do một người gây nên; trong trường hợp
này, con người đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa tự mạc khải bằng cách hoạt động
phù trợ dân Ngài, thăm viếng bạn hữu (Abraham, Môisen) và bằng các phép lạ (ví
dụ Chúa Kitô) v.v...
Trước đó số 2 này
mang tựa đề: "sự cần thiết của Mạc Khải" sau đổi thành "Bản tính
và đối tượng". Chúng ta thấy Mạc Khải phát xuất không do "sự khôn
ngoan và nhân lành của Thiên Chúa" như Vaticanô I đã nói (Dz 1785/3004)
nhưng do "Thiên Chúa nhân lành và Khôn Ngoan". Ðối tượng là chính
Thiên Chúa và Nhiệm cuộc cứu rỗi của Ngài. Ở đây Công Ðồng dùng tiếng "bí
tích" để nói lên dấu chỉ và phương tiện, lời nói và hành động (x. GH I). Mạc
Khải là hoàn toàn nhưng không, ơn của tình yêu Thiên Chúa, tỏ bày cho các
"bạn hữu" như trong một cuộc đối thoại, nghĩa là không những nói mà sống
chung nữa.
2 Xem Mt 11,27;
Gio 1,14 và 17; 14,6; 17,1-3; 2Cor 3,16 và 4,6; Eph 1,3-14.
6* Câu này không
thấy trong những lần soạn thảo trước, sau được thêm vào do lời đề nghị của nhiều
Nghị Phụ. Vấn đề quan trọng là phải xem Chúa Kitô là trung gian duy nhất của Mạc
Khải vì Người là Lời mà Chúa Cha nói với chúng ta, và là sự viên mãn vì trong
Người, Chúa Cha nói với chúng ta tất cả mọi sự. Vì vậy Mạc Khải có Kitô tính.
7* Ðề mục tổng
quát của đoạn này là sự trông chờ Mạc Khải của Chúa Kitô. Mạc Khải này thể hiện
từng giai đoạn, ta có thể gọi là Mạc Khải qua vũ trụ, Mạc Khải sơ khai và Mạc
Khải trong lịch sử.
8* Bản văn xác
nhận sự kiện "Mạc Khải qua vũ trụ" hay qua "tạo vật" theo
thơ gởi tín hữu Rôma 1,19-20. Nhưng bản phúc trình không muốn giải quyết vấn nạn
là trong thực tế Thiên Chúa có ban ơn để người ta có thể nhận biết Chúa qua tạo
vật không (Relatio đính kèm lược đồ III, 1964, trg 11,3,A). Thiên Chúa mạc khải
khi tạo dựng; nhưng nên chú ý là bản văn nói "Chúa tạo dựng" chứ
không nói Chúa đã tạo dựng để chỉ rõ là tất cả tạo vật luôn luôn tùy thuộc vào
Ðấng Tạo Hóa, dầu cả trong giả thuyết tiến hóa. Mọi người đều có thể thấy trong
tạo vật bằng chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chính đây là nền móng cho thần học
của các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
9* "Mạc khải
sơ khai" được trình bày trong tầm mức siêu nhiên. Bản văn loại bỏ vấn đề
nhất tổ thuyết hay đa tổ thuyết, mà chỉ muốn nói là Thiên Chúa đã tỏ mình cho
con người, (không nói bằng cách nào), cũng như chỉ muốn nói là Thiên Chúa đã
luôn luôn cứu thoát con người, và tình trạng này vẫn còn giá trị ngay cả bây giờ
(xem GH 16).
10* "Mạc khải
trong lịch sử" bắt đầu với Abraham. Công Ðồng đã muốn nêu lên mối liên lạc
giữa việc tuyển chọn và Mạc Khải. Thiên Chúa được gọi là "Cha", nhưng
các chữ "của mọi người" lại bị loại bỏ vì trong Cựu Ước phổ quát tính
chưa rõ ràng lắm. Cựu Ước được coi như là sự "chuẩn bị" cho Phúc Âm để
nói lên ý tưởng mạc khải trong Cựu Ước còn bất toàn và có liên quan đến Mạc Khải
của Chúa Kitô.
11* Số này đáp ứng
số 2: Mạc Khải được thể hiện bằng hành động và ngôn từ. Chúa Kitô vừa là biến cố
vừa là Lời của Thiên Chúa. Có hai đoạn: đoạn thứ nhất cắt nghĩa tại sao Chúa
Kitô đem lại cho chúng ta mạc khải viên mãn; đoạn hai nói mạc khải này là tối hậu
và sẽ không còn mạc khải nào khác nữa.
12* Công Ðồng
đánh dấu sự liên tục và tương phản giữa mạc khải của Chúa Kitô và những gì xảy
ra trước. Một đối với nhiều, như toàn thể đối với phân tán. Nhập Thể là cuộc Mạc
Khải vĩ đại của Thiên Chúa. Vì vậy trước tiên phải xác định chân lý Nhập Thể, bản
tính nhân loại thật sự của Chúa Kitô, trong đó ta "thấy" Chúa (x. Gio
14,9) và lịch sử thật của Ngài, "lời nói và việc làm". Các phép lạ
không phải chỉ là sự "xác nhận" Mạc Khải, nhưng là chính Mạc Khải: vì
Chúa Kitô tỏ mình qua các phép lạ.
3 Epist. ad
Diognetum, 7,4: Funk, Patres Apostolici, 1,403.
13* Theo ý tưởng
của thư gởi tín hữu Do Thái, Mạc Khải cũng như chức Linh Mục của Chúa Kitô phải
là độc nhất và vĩnh cửu. Một vài Nghị Phụ muốn nói là "vì Mạc Khải chấm dứt
với các Tông Ðồ", nhưng Ủy ban bác bỏ ý kiến trên "vì đó là một lời
giải thích đang được bàn cãi". Lý do sâu xa: vì Chúa Kitô là sự viên mãn
và như vậy hoàn tất Mạc Khải, nên không còn gì vượt trên sự viên mãn nữa. Nhưng
cuộc Mạc Khải còn chờ sự vinh quang vào ngày Quang Lâm. Còn vấn đề tiến triển:
không phải tiến triển trong Mạc Khải nhưng tiến triển chính trong việc chúng ta
hiểu biết và thực hành Phúc Âm; đó là công việc của Chúa Thánh Thần, Ðấng không
nói sự gì mới lạ nhưng làm chứng về Chúa Kitô (x. Gio 16,14).
4 CÐ Vat I, Hiến
chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch. 3: Dz 1789 (3008).
5 CÐ Orange II,
đ. th. 7: Dz 180 (377). - CÐ Vat I, n.v.t.: Dz 1791 (3010).
14* Trong số này
Công Ðồng trình bày lời đáp ứng của con người đối với Thiên Chúa Mạc Khải: đó
là Ðức Tin, nhưng đức tin được hiểu dưới phương diện nhân bản, như một cuộc
"đối thoại cứu rỗi" (Ecclesiam Suam, 6-8-1964 số 72-79). Công Ðồng
cũng nhận định những khía cạnh của hành vi đức tin: tự do, thuộc lý trí, thuộc
ý chí, không thể có nếu không có ơn Chúa... Kiểu nói "Sự vâng phục đức
tin" không được trình bày như một đòi buộc luân lý suông nhưng như là một
đòi hỏi chính yếu của mối liên hệ mà Thiên Chúa Mạc Khải nối kết với con người.
Trong hành vi đức tin con người dấn thân toàn diện chứ không phải chỉ bằng lý
trí. Ở đây bàn đến "đức tin đã thành hình" bao gồm cả Ðức Cậy và Ðức
Mến, như ta có thể phỏng đoán theo những câu trích Thánh Kinh; nhưng Ủy Ban cắt
nghĩa thêm: "đức tin chưa thành hình" cũng là Ðức Tin và cũng cần ơn
của Chúa Thánh Thần. Ðức tin luôn luôn lớn mạnh dưới tác động của cũng chính
Chúa Thánh Thần.
15* Trong số này
Công Ðồng bàn về những chân lý được mạc khải, trước hết là những chân lý siêu
nhiên, rồi đến những chân lý tự nhiên. Công Ðồng nói theo Vaticanô I. Nhưng thứ
tự ở Vaticanô I là: a) tri thức tự nhiên về những chân lý tự nhiên, b) tri thức
những chân lý tự nhiên nhờ mạc khải, c) tri thức chân lý siêu nhiên nhờ mạc khải.
Ðang khi đó thứ tự ở đây lại là c-a-b: nghĩa là theo một viễn tượng Kinh Thánh
và qui về Thiên Chúa hơn.
6 CÐ Vat I, Hiến
chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch. 2: Dz 1786 (3005).
16* Ðoạn này nói
lên đối tượng riêng biệt của Mạc Khải, nghĩa là đối tượng mà chúng ta cần được
mạc khải: Chính Thiên Chúa và những ý định cứu rỗi của Ngài (x. Relatio, trg
9,5). Mạc Khải này không phải chỉ là một sự thông đạt kiến thức nhưng cũng có mục
đích cứu rỗi con người nghĩa là thông phần vào đời sống Thiên Chúa.
7 n.v.t.: Dz
1785-1786 (3004-3005).
17* Phần thứ hai
của số 6 lặp lại giáo thuyết của Công Ðồng Vaticanô I về sự nhận biết Thiên
Chúa bằng lý trí, nhưng Công Ðồng dùng những từ ngữ rất mạnh để chống lại thuyết
vô thần. Nhưng chữ "tuyên xưng" và "dạy" ở phần này nói lên
một tín điều. Con người thật sự có thể nhận biết Thiên Chúa nhưng họ không thể
không sai lầm nếu Thiên Chúa không giúp. Lịch sử minh chứng là con người luôn
luôn tìm kiếm Thiên Chúa nhưng không bao giờ thoát khỏi lầm lẫn; và trong thực
tế, ảnh hưởng của tội lỗi hình như đã làm cho thế giới thường trở thành một chướng
ngại vật. Tuy nhiên, trong "nhiệm cuộc" cứu rỗi chúng ta đang sống, một
tri thức hoàn toàn tự nhiên chỉ là một tư tưởng trừu tượng, vì ơn Chúa hiện diện
khắp mọi nơi.
Chương II: Sự Lưu Truyền Mạc Khải Của Thiên Chúa 18*
7. Tông đồ và các người kế
vị loan truyền Phúc Âm. Những gì Thiên Chúa đã mạc khải để cứu rỗi muôn dân,
Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn được bảo toàn và lưu truyền 19*
nguyên vẹn cho mọi thế hệ. Bởi thế Chúa Kitô, nơi Người Thiên Chúa tối cao hoàn
tất trọn vẹn nguồn mạc khải (x. 2Cor 1,20 và 3,16-4,6), đã truyền dạy các Tông
Ðồ rao giảng cho mọi người Phúc Âm được hứa trước qua miệng các Tiên Tri, được
chính Người thực hiện và công bố; các Ngài rao giảng Phúc Âm như nguồn mọi chân
lý cứu độ và lề luật luân lý 1,
đồng thời thông ban cho họ các ân thiêng. Việc này đã được thực hiện cách trung
thành, một phần do các Tông Ðồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các thể
chế các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống
với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi
ý; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại 20*
tin mừng cứu rỗi dưới sự linh ứng của cùng một Chúa Thánh Thần 2.
Nhưng để Phúc Âm
được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Giáo Hội 21*,
các Tông Ðồ đã để lại những người kế vị là các Giám Mục, và "trao lại cho
họ quyền giáo huấn của các ngài" 3.
Bởi vậy, Thánh Truyền đó cùng với Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, là như tấm gương
mà Giáo Hội lữ thứ trên trần gian nhìn vào để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, nơi Ngài
Giáo Hội nhận lãnh tất cả, cho đến khi được dẫn tới để nhìn thấy Ngài, diện đối
diện, như Ngài hiện thực (x. 1Gio 3,2).
8. Thánh Truyền. 22*
Vì vậy, những lời giảng dạy của các Tông Ðồ được đặc biệt ghi lại trong các
sách linh ứng, phải được bảo tồn và liên tục lưu truyền cho đến tận thế. Do đó
khi truyền lại những gì chính mình đã lãnh nhận, các Tông Ðồ khuyến cáo tín hữu
phải giữ gìn các truyền thống họ đã học biết qua lời chỉ giáo hay bằng thư từ
(x. 2Th 2,15), và phải chiến đấu để bảo vệ đức tin chỉ được truyền dạy cho họ một
lần thôi (Gđa 3) 4.
Và những điều các Tông Ðồ truyền lại bao gồm tất cả những gì góp phần vào việc
giúp Dân Thiên Chúa sống một đời thánh thiện và làm tăng triển đức tin. Như vậy,
Giáo Hội qua giáo lý, đời sống và việc thờ phượng của mình, bảo tồn và lưu truyền
cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin. 23*
Thánh Truyền do
các Tông Ðồ truyền lại được tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa
Thánh Thần 5.
Thật vậy, các sự việc và lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, nhờ sự
chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận các điều đó
trong lòng (x. Lc 2,19 và 51); nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm
nghiệm được, hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc
chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức Giám Mục. Nói cách khác, qua bao thế
kỷ Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi lời
Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội. 24*
Lời các Thánh
Giáo Phụ chứng thực sự có mặt sống động của Thánh Truyền. Và sự phong phú của
Thánh Truyền đã thâm nhập vào thực hành và đời sống của Giáo Hội hằng tin tưởng
và cầu nguyện. Nhờ Thánh Truyền ấy, Giáo Hội biết được toàn bộ chính lục Thánh Kinh
và cũng nhờ Thánh Truyền, Thánh Kinh được hiểu biết thấu đáo hơn, cũng như
Thánh Truyền đã làm cho Thánh Kinh không ngừng hoạt động. Như vậy Thiên Chúa, Ðấng
xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình;
và Thánh Thần, Ðấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo
Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết
toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ (x. Col 3,16). 25*
9. Tương quan giữa Thánh
Truyền và Thánh Kinh. Bởi vậy Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết, phối hiệp mật
thiết với nhau vì cả hai phát xuất từ một nguồn mạch là Thiên Chúa, có thể nói
kết hợp làm một duy nhất và cùng hướng về một mục đích. Thực vậy, Thánh Kinh là
lời Chúa nói, vì được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần; còn lời
Chúa, mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các Tông Ðồ, thì Thánh
Truyền lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài, để nhờ Thần Chân Lý soi
sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng. Do đó,
Giáo Hội không chỉ nhờ Thánh Kinh mà biết cách xác thực những điều mạc khải.
Chính vì thế cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính
bằng một tâm tình quý mến và kính trọng như nhau 6.
26*
10. Tương quan giữa Thánh
Truyền, Thánh Kinh, Dân Chúa và Huấn Quyền. Thánh Truyền và Thánh Kinh họp
thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa và được ủy
thác cho Giáo Hội. Trong khi gắn bó với kho tàng ấy, toàn thể dân thánh hiệp nhất
với các chủ chăn, 27*
luôn được vững bền trong giáo lý các Tông Ðồ, trong niềm hiệp thông, trong việc
bẻ bánh và lời cầu nguyện (x. CvTđ 2,42, bản Hy lạp), đến nỗi trong việc tuân
giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin lưu truyền, các Giám Mục và tín hữu hiệp
nhất với nhau cách lạ lùng 7.
Nhiệm vụ chú giải
chính thức lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền 8
chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội 9,
và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô 28*.
Tuy nhiên Quyền Giáo Huấn này không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ Lời
Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền lại, vì thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp
của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và
trung thành trình bày Lời Chúa. Và từ kho tàng duy nhất ấy, Giáo Hội rút ra mọi
chân lý, mà dạy phải tin là do Thiên Chúa mạc khải.
Bởi thế, hiển
nhiên là Thánh Truyền, Thánh Kinh và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, theo ý định
vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kết và phối hiệp với nhau đến nỗi không
thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được. Và dưới tác động của một
Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba, theo phương cách riêng, cùng góp phần hữu hiệu
vào việc cứu rỗi các linh hồn.
Chú Thích:
18* Trong bản thảo
thứ hai, chương I mang tựa đề: "Về Lời Chúa được Mạc Khải" và gồm có
bốn số. Trong bản thảo thứ ba, người ta thêm số 8 và rồi chương II này. Nhiều
người đã phê bình tựa đề, vì Mạc Khải - theo họ nói - là lời mạc khải hơn là lời
được mạc khải. Tựa đề hiện tại thích hợp với nội dung hơn: "chỗ này chúng
tôi miêu tả việc lưu truyền mạc khải cách tổng quát, nhưng chúng tôi quan tâm đặc
biệt đến truyền thống sống vì nó có liên quan trực tiếp với mạc khải được lưu
truyền và nó vẫn tiếp tục sau khi Thánh Kinh đã được viết. Như thế, chương này
là một bài nhập đề khá hay cho những chương nói về Thánh Kinh sau này"
(Relatio, trg 19).
Một số các Nghị
Phụ muốn nhấn mạnh Thánh Truyền nên đòi phải có một đề mục về điểm này.
"Phần đông các Nghị Phụ này muốn đặt Thánh Truyền lên trước Thánh Kinh, vì
theo bản tính và thời gian Thánh Truyền có trước Thánh Kinh... Các Nghị Phụ khác
muốn xác nhận Thánh Truyền là một nguồn Mạc Khải hoàn toàn tách biệt khỏi Thánh
Kinh (Relatio, n.v.t.). Còn Ủy Ban lại muốn tránh tất cả những vấn đề đang
trong vòng tranh luận. Thế là đề mục Mạc Khải đã trở thành nóng bỏng hơn cả đề
mục về Cộng Ðoàn tính của Giám Mục. Vấn đề ở đây là di sản của bao thế kỷ tranh
luận chống Tin Lành. Chúng ta phải vượt qua vấn đề đó, nhưng không phải là việc
dễ dàng, nhất là vì chúng lại xa lạ với Ðông Phương và các Giáo Hội tân lập.
Ðây là lời Ðức Giám Mục Edelly trong một cuộc phát biểu ý kiến: "Phải
thoát ra khỏi vấn đề sau Công Ðồng Trentô... Ðặt mình vào trung tâm mầu nhiệm
Giáo Hội là một liều thuốc công hiệu. Phải loại trừ tâm thức qua pháp lý và duy
danh mà những người cải cách và Latinh tự đóng khung vào. Từ thời Trung Cổ,
chính tâm thức này đã đối nghịch "việc truyền phép" với "lời khẩn
cầu Chúa Thánh Thần". Và chính tâm thức này mới đây đã trình bày "quyền
tối thượng" và "cộng đoàn tính" như hai thực thể tách biệt. Cũng
chính tâm thức này đã đặt Thánh Kinh và Thánh Truyền song song với nhau� Thánh Kinh là một thực tại phụng vụ và tiên tri. Các Giáo Hội Ðông
Phương coi Thánh Kinh là một "việc truyền phép" lịch sử cứu độ dưới
"hình thức" tiếng nói con người, nhưng không tách biệt khỏi việc truyền
phép Mình Thánh Chúa trong đó tất cả lịch sử được qui hợp trong Thánh Thể Chúa
Kitô. "Việc truyền phép" này cần một "lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần"
đó chính là Thánh Truyền. Thánh Truyền là "lời cầu khần Chúa Thánh Thần"
của lịch sử cứu rỗi, là sự tỏ mình của Thánh Thần; bởi thế nếu thiếu lịch sử,
Thánh Truyền sẽ không thể hiểu được và Thánh Kinh là những chữ chết. Tiếng
Thánh Truyền không luôn có cùng một nghĩa, vì vậy Ủy Ban đã cho biết cách chung
là từ khoảng giữa số 8 (và những điều các Tông Ðồ truyền lại) tiếng "Thánh
Truyền" phải hiểu theo nghĩa thụ động: thực thể hay chân lý được lưu truyền.
19* Câu này nói
lên ý hướng của toàn chương: Thiên Chúa muốn lưu truyền toàn thể Mạc Khải, cả Cựu
Ước lẫn Tân Ước, cho mọi thời đại. Các Tông Ðồ đã được lệnh truyền dạy tất cả
những điều các Ngài đã thu nhận nơi Chúa Kitô (Mt 28,20).
1 Xem Mt
28,19-20 và Mc 16,15. CÐ Trentô, khóa 4, Sắc lệnh De cononicis scripturis: Dz
783 (1501).
20* Công Ðồng dạy
về hai nguồn lưu truyền "Phúc Âm" trước hết theo chiều dọc: từ Chúa
Kitô và Chúa Thánh Thần đến các Tông Ðồ; sau đó theo chiều ngang: từ các Tông Ðồ
đến Giáo Hội. Ðoạn này nhấn mạnh đến giai đoạn đặc biệt là "thời các Thánh
Tông Ðồ", gồm cả những "môn đệ của các Tông Ðồ" vì họ đã viết một
phần Tân Ước, ngay cả sau khi vị Tông Ðồ cuối cùng băng hà. Các phương tiện lưu
truyền là lời giảng dạy và Thánh Kinh: cả hai phương tiện đều lưu truyền cùng một
mạc khải. Công Ðồng không muốn nói là trong lời giảng dạy chứa nhiều mạc khải
hơn trong các bản văn. Việc giảng dạy không phải chỉ bằng lời nói mà cũng bằng
gương sáng và các tổ chức. Thánh Truyền không phải chỉ là lời nói suông mà còn
là những hiện thực.
2 Xem CÐ Trentô,
n.v.t. - CÐ Vat I, khóa 3, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo De Filius,
ch.2: Dz 1787 (3006).
21* Ở đây bàn về
tính cách liên tục của Mạc Khải sau thời các Tông Ðồ. Ðề mục này được bàn kỹ lưỡng
trong Hiến Chế Giáo Hội số 20 và 21. Ở đây Công Ðồng chỉ nhắc lại. Ở chỗ khác
Công Ðồng cũng dạy rằng nhiệm vụ thiết yếu của các Giám Mục là lưu truyền Mạc
Khải (x. GH 25a, GM 12a). Sự viên mãn của Mạc Khải hiện hữu trong Giáo Hội, và
chính nơi Giáo Hội, nhờ đức tin ta gặp được Thiên Chúa, tức là khởi đầu việc hưởng
nhan Chúa: có sự liên tục giữa Giáo Hội hiện tại và Giáo Hội cánh chung.
3 T. Ireneô,
Adv. Haer. III, 3, 1: PG 7, 848; Harvey, 2, trg 9.
22* Số này xuất
hiện trong bản thảo thứ ba. Nhiều Nghị Phụ đòi Công Ðồng phải trực tiếp bàn đến
Thánh Truyền, vì các lược đồ trước hầu như không nói gì đến.
4 Xem CÐ Nicea
II: Dz 303 (602). - CÐ Constantinopla IV, khóa 10, đ. th. 1: Dz 336 (650-652).
23* Ðoạn này bàn
về sự hiện hữu và bản tính của Thánh Truyền. Một Nghị Phụ muốn bản văn nói:
"các chân lý mà các Tông Ðồ đã mạc khải bằng miệng và không có trong Thánh
Kinh, được lưu truyền cho chúng ta bằng Thánh Truyền". Nhưng Ủy Ban bác bỏ
đề nghị trên, vì Ủy Ban không muốn đặt vấn đề tính cách đầy đủ chất liệu của
Thánh Kinh và nội dung của Thánh Truyền. Chỉ có một điều không còn nghi ngờ là
Thánh Truyền có nội dung rộng hơn Thánh Kinh; bằng chứng là trường hợp bản
chính lục và sự linh ứng của chính Thánh Kinh. Như thế câu "lời giảng dạy
của các Tông Ðồ" bao gồm tất cả mọi điều mà các Tông Ðồ đã lưu truyền bằng
bất cứ cách nào. Và những điều đó nhờ linh ứng được chứa đựng "cách đặc biệt"
trong Thánh Kinh (nghĩa là không phải chỉ trong Thánh Kinh).
5 Xem CÐ Vat I,
Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo De Filius, ch.4: Dz 1800 (3020).
24* Thánh Truyền
luôn linh động, tăng tiến và tiến triển liên tục (không phải trong bản chất mà
trong việc hiểu biết) và luôn giữ đồng nhất tính nguyên thủy của mình trong khi
vẫn hướng về sự viên mãn của chân lý. Ðể chỉ "bản chất" ta nói
"Tông Truyền" thay vì "Thánh Truyền sống". Nguồn gốc sự
phát triển là: việc chiêm ngắm, sự nghiên cứu của các nhà thần học, ơn hiểu biết
Chúa Thánh Thần ban và lời giảng dạy của hàng Giáo Phẩm. Ở đây người ta theo kiểu
nói của Thánh Ireneô mà không nêu danh tánh, vì các ngôn từ " Ðoàn sủng về
chân lý" có thể có ba nghĩa: ơn ban chân lý mạc khải, ân sủng giúp trung
thành với chân lý, và ơn giúp cắt nghĩa mạc khải cách chân thực; ở đây theo nghĩa
thứ ba.
25* Các Giáo Phụ
là những nhân chứng quan trọng nhất của Thánh Truyền, không phải chỉ vì các
Ngài sống gần thời của Tông Ðồ mà vì các Ngài đã hệ thống hóa giáo thuyết, đến
nỗi đã có thể truyền lại cho chúng ta theo những công thức mà chính Ngài đã
hình thành.
6 Xem CÐ Trentô,
Sắc lệnh De Canonicis Scripturis: Dz 783 (1501).
26* Thánh Truyền
không phải chỉ là của Giáo Hội nhưng còn mang đặc tính thần linh như Thánh Kinh
cả về nguồn gốc, nội dung và mục đích. Nội dung là xét theo phẩm, chứ Công Ðồng
không bàn đến lượng. Ở đây ta thấy có sự phân biệt vai trò của các Tông Ðồ, những
người cấu tạo Thánh Truyền, và vai trò của các Giám Mục, những người bảo vệ
Thánh Truyền. Câu "Do đó, Giáo Hội không chỉ nhờ..." được Ðức Giáo
Hoàng Phaolô VI ghi thêm vào phút chót. Nhiều người Tin Lành phản đối và cho rằng
đó là một bước quay về thuyết "Hai nguồn". Nhưng Ủy Ban cắt nghĩa là
câu trên không hề thay đổi ý nghĩa bản văn. Thực ra 270 Nghị Phụ đã yêu cầu sửa
đổi theo nghĩa đó (trong số đó có 111 Nghị Phụ thuộc nhóm đưa ra đề nghị tu chỉnh
danh tiếng 40D). Ðược Ðức Hồng Y Bea khuyến khích, Ủy Ban đã chấp nhận câu thứ
3 trong số 7 câu do Ðức Giáo Hoàng đề nghị, và nói rằng câu đó không ngăn trở
những vấn đề đương tranh luận.
27* Ðoạn này dạy
rằng Mạc Khải là gia sản của toàn thể Dân Chúa. Do đó, tín hữu không thể thụ động
đối với Lời Mạc Khải. Giáo thuyết này là một bước tiến sánh với Vaticanô I và
Thông điệp Humani Generis. Dân Chúa sống đạo sẽ làm giàu Thánh Truyền và giải
thích Lời Chúa.
7 Xem Piô XII,
Tông hiến Munificentissimus Deus, 1-11-1950: AAS 42 (1950), trg 756, lấy lại lời
thánh Cyprianô, Epist. 66,8: CSEL 3,2, 733: "Giáo Hội là một dân hiệp nhất
với Linh mục và là một đàn chiên liên kết với Chủ Chăn".
8 Xem CÐ Vat. I,
Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. 3: Dz 1792 (3011).
9 Xem Piô XII,
Tđ. Humani generis, 12-8-1950: AAS 42 (1050), trg 568-569: Dz 2314 (3886).
28* Quyền Giáo
Huấn là lời giải thích chính thức và độc nhất của Mạc Khải, quyền này do Chúa
thiết lập và giữ vai trò phụng sự Lời Chúa và Dân Chúa. Quyền Giáo Huấn có thể
là thường và bất thường, khả ngộ và bất khả ngộ. Về phương diện hiệp nhất lời
xác quyết sau đây thực là lời tối quan trọng: Quyền Giáo Huấn phải tuân theo Lời
Chúa, dầu quyền này gây khó khăn cho nhiều Kitô hữu khác.
Chương III: Sự Linh Ứng Của Thiên Chúa Và Việc Chú Giải
Thánh Kinh
11. Sự linh ứng và chân lý trong Thánh
Kinh. Những gì Thiên Chúa đã mạc khải Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được
viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần 29*.
Thực vậy, Giáo Hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ
sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các thành phần đều là sách thánh và được
ghi vào bản chính lục Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa
Thánh Thần (x. Gio 20,31; 2Tm 3,16; 2P 1,19-21; 3,15-16) nên tác giả của các
sách ấy là chính Thiên Chúa và chúng được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng
như vậy 1.
Nhưng để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những người và dùng họ trong
khả năng và phương tiện của họ 2,
để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ 3,
họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết
những điều đó thôi 4.
Vì phải xem mọi
lời các tác giả được linh ứng viết ra, tức các thánh sử, là những lời của Chúa
Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung
thành và không sai lầm, những chân lý 30*
mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta 5.
Bởi vậy "mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho
việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của
Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành" (2Tm 1,
16-17 bản Hy lạp).
12. Cách thức giải thích
Thánh Kinh. 31*
Tuy nhiên vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của
loài người mà phán dạy 6,
nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh
Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều
Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ.
Ðể tìm ra chủ ý
của thánh sử, giữa những phương pháp khác, cũng cần phải xét đến văn loại 32*.
Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch
sử, tiên tri, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải
còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp xác định, thánh sử
đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ,
qua các lối văn được dùng trong thời đó 7.
Thực vậy, để hiểu đúng ý nghĩa tác giả Thánh Kinh muốn quả quyết trong bản văn,
chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật
do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình
thức mà người thời ấy thường dùng khi giao tế với nhau 8.
Nhưng Thánh Kinh
đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và chú giải trong
Chúa Thánh Thần 9.
Và để hiểu đúng ý nghĩa của sách Thánh, chúng ta cũng phải ân cần lưu ý đến nội
dung và sự thống nhất toàn bộ Thánh Kinh, dựa trên truyền thống sống động của
toàn Giáo Hội và trên sự tương hợp toàn bộ đức tin. 33*
Theo các qui tắc ấy, nhà chú giải có nhiệm vụ nỗ lực tìm hiểu và trình bày ý
nghĩa Thánh Kinh cách sâu rộng hơn, hầu sự học hỏi của họ, như một việc làm chuẩn
bị, giúp phán quyết của Giáo Hội được chính chắn. Thực vậy, mọi điều liên hệ đến
việc chú giải Thánh Kinh cuối cùng đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Giáo Hội,
vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích lời
Chúa 10.
13. Sự "hạ mình"
của Ðấng Khôn Ngoan. Cho nên, trong Thánh Kinh, vừa luôn được bảo toàn sự chân
thật và thánh thiện của Thiên Chúa, vừa diễn tả sự "hạ mình" kỳ diệu
của Ðấng khôn ngoan muôn đời, "để chúng ta học biết lượng nhân từ vô biên
của Chúa, và trong sự quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng
lời nói của Ngài đến mức nào" 11.
Vì lời nói của Chúa diễn tả qua ngôn ngữ nhân loại, được đồng hóa với tiếng nói
loài người, cũng như xưa Lời Nói của Chúa Cha Hằng Hữu đã trở nên giống loài
người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác thịt.
Chú Thích:
29* Trong chương
này Công Ðồng bàn về những điểm gay go nhất của Thánh Kinh: linh ứng, vô ngộ,
chú giải.
Trước tiên là vấn
đề linh ứng: lược đồ thứ nhất đề cập dài dòng về đề mục này, nhưng theo lối
trình bày của các sách thần học nên bị giới hạn vì những tranh luận chưa ổn thỏa.
Với lập trường không nghiêng về luận đề này hay luận đề kia, Công Ðồng dạy:
a) Có linh ứng
Thánh Kinh, nghĩa là có ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần theo hai nghĩa: mạc khải
các chân lý (ví dụ cho các tiên tri) và tác động giúp viết thành văn bản để lưu
truyền, đồng thời bảo đảm kết quả.
b) Linh ứng ảnh
hưởng đến toàn bản chính lục, bởi lẽ một cuốn sách được liệt kê vào bản chính lục
là vì nó được linh ứng. Bản văn lập lại giáo thuyết của Vaticanô I, và thêm rằng
giáo thuyết về linh ứng Thánh Kinh là di sản của các Tông Ðồ (Ðức tin tông truyền).
c) Liên quan giữa
các Thánh sử và Chúa Thánh Thần, Ðấng linh ứng: Chúa là tác giả, còn thánh sử
là người viết sách; người ta tránh gọi các thánh sử là "dụng cụ", vì
như vậy thì lại quá thụ động. Cũng vậy, người ta sẽ tránh hiểu Thiên Chúa như
là tác giả "chính" mà thích nói Ngài là tác giả "siêu việt".
Thiên Chúa không là "thánh sử" nhưng Ngài dùng con người dầu vẫn để
con người hoàn toàn tự do và tự phát (với lỗi lầm của họ). Ðây là nền tảng của
việc phê bình Thánh Kinh.
1 Xem CÐ Vat. I,
Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. 2: Dz 1787 (3006).
- Ủy ban giáo
hoàng về Thánh Kinh, Sắc lệnh ngày 18-6-1915: Dz 2180 (3629); EB. 420.
- Thánh Bộ Thánh
Vụ, Epist. 22-12-1923: EB. 499.
2 Xem Piô XII,
Tđ. Divino afflante Spiritu, 30-9-1943: AAS 35 (1943) trg 313; EB 556.
3 trong và qua họ:
xem Dth 1,1 và 4,7 (trong): 2Sm 23,2; Mt 1,22 và nhiều nơi khác (qua); CÐ Vat.
I: schema de doctr. Cath., ghi chú số 9: Col. Lac. VII, 522.
4 Leô XIII, Tđ.
Providentissimus Deus, 18-11-1893: Dz 1952 (3293); EB. 125.
30* Kết quả của
linh ứng là chân lý của Thánh Kinh. Trước kia lược đồ 2 chỉ nói vô ngộ, sau đó
bản thảo thứ ba lại thêm: vô ngộ và chân lý; trong bản thảo thứ 4, Ủy Ban thêm
tĩnh từ "cứu rỗi" vào danh từ "chân lý". Ðiều này gây nên một
cuộc tranh luận rộng lớn và sôi nổi, vì người ta cho rằng như thế sẽ hạn chế
tính cách vô ngộ của Thánh Kinh và những điều siêu nhiên và đi ngược lại Giáo
Huấn của các Ðức Giáo Hoàng gần đây. Ủy Ban chấp nhận đề nghị sửa đổi của 73
Nghị Phụ: "vì phần rỗi chúng ta" trong khi nhấn mạnh là linh ứng
không bị giới hạn vào một phần nào của Thánh Kinh. Nhưng câu này chỉ rõ đặc
tính riêng biệt của chân lý Thánh Kinh, nghĩa là chiều hướng để hiểu đúng những
xác quyết của Thánh Kinh. Chân lý Thánh Kinh chứa đựng trong những lời xác quyết
hay lời giáo huấn của các tác giả chứ không trong những từ ngữ. Những giáo huấn
ấy không bị giới hạn trong: "đức tin và luân lý" bởi vì các
"chân lý cứu độ" cũng bao gồm cả những sự kiện lịch sử. Nên lưu ý là
bản văn không nói: "những chân lý", nhưng nói: "chân lý"
theo số ít và chân lý ở đây hiểu theo nghĩa Thánh Kinh, nghĩa là hàm chứa sự biểu
lộ của Thiên Chúa chân thật, (chứ không theo nghĩa duy trí). Chân lý lịch sử của
Thánh Kinh không nhất thiết hệ tại việc dựng lại các sự kiện theo thời gian và
hoàn cảnh xã hội, nhưng hệ tại sự giải thích các sự kiện, nghĩa là dưới phương
diện những sự kiện đó diễn tả mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa.
5 Xem T.
Augustinô De, Gen. a litt. 2, 9,20: PL 270-271; CSEL 28, 1, 46-47 và Epist. 82,
3: PL 33, 277; CSEL 34, 2, 354. - T. Tôma, De Ver. q. 12a. 2,C. - CÐ Tren tô, khóa
4, De canonis scripturis: Dz 783 (1501) - Leô XIII Tđ. Providentissimus Deus:
EB. 121, 124, 126-127. Piô XII, Tđ. Divino Afflante: EB. 539.
31* Công Ðồng dạy
vấn đề chú giải rất cần thiết để hiểu Thánh Kinh. Khoa chú giải tìm tòi những
phương pháp văn chương của thánh sử để khám phá điều thánh sử muốn dạy. Thiên
Chúa muốn dạy cũng điều đó và có lẽ còn hơn nữa: đó là vấn đề nghĩa thâm sâu
(sensus plenior) mà Ủy Ban không muốn quyết đoán.
6 Thánh
Augustinô, De civ. Dei XVII, 6,2: PL 41,537; CSEL. 40,2,228.
32* Ðoạn này bàn
về việc phê bình Thánh Kinh nghĩa là nhằm phân tách "khía cạnh nhân loại"
của Thánh Kinh: văn thể, phạm trù tri thức, hoàn cảnh lịch sử v.v... như trong
bất cứ một tác phẩm văn chương nào. Tầm quan trọng của "văn loại" được
đặt lên hàng đầu, dầu không kê khai đầy đủ. Ta nên lưu ý điểm này: phải công nhận
sự hiện hữu của nhiều loại lịch sử khác nhau, vì trong các cuốn sách của Thánh
Kinh quan niệm lịch sử không có cùng một nghĩa như nhau. Ý tưởng sâu xa được hiểu
ngầm ở đây là Lời Thiên Chúa đã trở thành lời thực sự của con người, nghĩa là lời
nhập thể, như trình bày ở số 13.
7 T. Aug. De
doctr. Christ. III.18,26: PL.34,75-76: CSEL 80,95.
8 Piô XII,
n.v.t.: Dz 2294 (3829-3830); EB 557-562.
9 Xem Benedictô
XV, Tđ. Spiritus Paraclitus, 15-9-1920: EB 469. - T. Hieronimô, In Gal., 5,
19-21: PL 26, 417A.
33* Khoa học
chưa đủ cho việc chú giải của Kitô giáo. Cần phải có đức tin. Nhà chú giải cũng
phải được hướng dẫn bởi cùng một Thánh Thần đã linh ứng các thánh sử. Tiếp đến,
phải đặt mỗi cuốn sách trong toàn bộ Thánh Kinh vì nó không có cùng một giá trị
như nhau. Phải nhớ rằng Mạc Khải còn tiến triển: Tân Ước soi sáng Cựu Ước và
Thánh Truyền của Giáo Hội lại sáng soi Tân Ước. Sau cùng, việc chú giải và quyền
Giáo Huấn phải cộng tác theo cùng một mục đích là làm phát triển sự hiểu biết Mạc
Khải.
10 Xem CÐ. Vat.
I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch.: Dz 1788 (3007).
11 T. Gioan Kim
Khẩu, In Gen. 3,8 (hom. 17,1): PL 53, 134. - "Thích ứng" tiếng Hy lạp
là synkatábasis.
Chương IV: Cựu Ước
14. Lịch sử cứu độ trong
các sách Cựu Ước. Thiên Chúa chí ái, khi ân cần trù liệu và chuẩn bị việc cứu độ
toàn thể nhân loại theo một kế hoạch lạ lùng, Ngài đã tuyển chọn một dân tộc để
ủy thác những lời ước hẹn. Thực vậy, sau khi ký giao ước với Abraham (x. Stk
15,18) và với dân Israel qua Môisen (x. Xac 24,8) Ngài đã dùng lời nói, việc
làm mạc khải cho dân Ngài đã chọn để họ biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, chân
thật và hằng sống, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với
loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các Tiên Tri, ngày qua
ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đậm và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ
biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gier 3,17). Vì
vậy chương trình cứu độ được các thánh sử tiên báo, thuật lại và giải thích
trong các sách Cựu Ước như là lời nói chân thật của Chúa. Bởi vậy các sách được
Thiên Chúa linh ứng này luôn có một giá trị vĩnh viễn: "vì những gì đã được
ghi chép là để dạy dỗ chúng ta, hầu chúng ta được hy vọng nhờ sự kiên nhẫn và
nhờ sự ủi an của Thánh Kinh." (Rm 15,4) 34*.
15. Tầm quan trọng của Cựu
Ước đối với các Kitô hữu. Lý do sự hiện hữu của chương trình cứu rỗi thời Cựu Ước,
là để chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc muôn
loài (x. Lc 24,44; Gio 5,39; 1P 1,10) và ngày khai nguyên nước Thiên Sai, đồng
thời biểu thị các biến cố ấy dưới nhiều khuôn mẫu khác nhau (x. 1Cor 10,11).
Thích ứng với hoàn cảnh nhân loại sống trước thời cứu độ do Chúa Kitô thiết lập,
các sách Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai và con người là
ai, đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người
như thế nào, tuy có nhiều khuyết điểm và tạm bợ, nhưng các sách ấy minh chứng
khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa 1.
Do đó, các Kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này, vì chúng diễn tả một
cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài,
những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh
nghiệm tuyệt diệu, và sau cùng ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta. 35*
16. Sự thống nhất giữa Cựu
và Tân Ước. Bởi thế, Thiên Chúa Ðấng linh ứng và là tác giả các sách Cựu Ước
cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước,
và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước 2.
Thực vậy, dù Ðức Kitô thiết lập Giao Ước Mới trong máu Ngài (x. Lc 22,20; 1Cor
11,25), nhưng các sách Cựu Ước vẫn được xử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Phúc Âm 3,
đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm
16,25-26; 2Cor 3,14-16). Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ
Cựu Ước. 36*
Chú Thích:
34* Số này bàn về
lịch sử cứu độ trong Cựu Ước, xét như là cuốn sách và như là kế hoạch cứu rỗi.
Thiên Chúa đã phán bằng những biến cố trong lịch sử dân Do Thái và do các tiên
tri (nghĩa rộng): đã có Lời Chúa trước khi có sách, nhưng bây giờ Lời Chúa được
tồn trữ trong sách. Nên lưu ý tới ý hướng của việc tuyển chọn dân Do Thái: phổ
quát tính của ơn cứu độ. Cựu Ước gồm nhiều giai đoạn: giai đoạn các tổ phụ đánh
dấu bằng lời hứa, giai đoạn Môisen thiết lập dân Chúa trong Giao Ước, giai đoạn
tiên tri trong đó Mạc Khải được khai triển.
1 Piô XI, Tđ.
Mit brennender Sorge, 14-3-1937: AAS 29 (1937), trg 151.
35* Số này bàn về
việc Kitô hữu đọc Cựu Ước. Ba ý tưởng: tương quan giữa Cựu và Tân Ước, bản tính
các sách Cựu Ước, giá trị của Cựu Ước đối với các Kitô hữu. Chúa Kitô là ý
nghĩa của Cựu Ước: của cả các biến cố cũng như các sách. Tất cả những gì xảy ra
trước Chúa Kitô đều có mục đích chuẩn bị. Việc tuyển chọn dân Do Thái, lịch sử,
văn hóa của dân này v.v... đều chuẩn bị chính con người, ngôn ngữ và tôn giáo của
Chúa Kitô v.v... Bản văn nói đến những "khuôn mẫu": không nên hiểu
theo nghĩa kỹ thuật, nhưng như những biến cố quá khứ trở thành những "mẫu",
những "hình" của một biến cố tương lai nhờ đó những biến cố kia được
trọn nghĩa. Việc liệt kê giá trị của Cựu Ước hơi lộn xộn. Bản văn nhắc đến tính
cách tạm thời của Cựu Ước, để đề phòng chống lại nền luân lý tiền Kitô giáo của
dân Do Thái. Người ta nói đến "kho tàng kinh nguyện" để bênh vực các
thánh vịnh, chống lại những người muốn loại bỏ thánh vịnh ra khỏi phụng vụ.
2 T. Augustinô,
Quaest. in Hept. 2,73: PL 34, 623.
3 T. Ireneô,
Adv. Haer. III 21,3: PL 7, 950; (25, 1
T. Cyrillô
Hieros., Catech. 4, 35: PG 33, 497.
Theodorô. Mops.,
In Soph. 1,4-6: PG 66, 452 D-453A.
36* Sự duy nhất
của Cựu Ước và Tân Ước. Ðoạn này bàn cách lẫn lộn về các sách vừa Tân Ước vừa Cựu
Ước. Tân Ước đã thu gồm toàn thể Cựu Ước, ngoại trừ tính cách bất toàn và tạm
thời. Như thế nghĩa là các sách Cựu Ước được sát nhập vào lời rao giảng Phúc Âm
như thành phần của một Mạc Khải duy nhất. Do đó, chúng hiện ở trong một văn mạch
mới, chúng đã được biến đổi vì đã đạt được ý nghĩa tối hậu. Nên lưu ý rằng không
những Tân Ước soi sáng Cựu Ước, mà Cựu Ước còn giúp cắt nghĩa Tân Ước, chẳng hạn
phải hiểu Isaia Ðệ Nhị dưới ánh sáng của thánh Phaolô và ngược lại.
Chương V: Tân Ước 37*
17. Sự trổi vượt của Tân Ước.
Là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu (x. Rm 1, 16), lời Chúa được trình bày cách
tuyệt diệu trong các sách Tân Ước, và diễn tả quyền năng của Ngài. Thực vậy,
khi đến thời viên mãn (x. Gal 4,4). Ngôi Lời đầy tràn ân sủng và chân lý đã nhập
thể và ở giữa chúng ta (Gio 1,14). Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa trên
trần gian. Người mạc khải Cha Người và Chính Mình qua lời nói, việc làm và hoàn
tất công trình Người khi Người chết, sống lại, lên trời vinh hiển và khi Người
sai Chúa Thánh Thần đến. Bị treo lên khỏi đất (x. Gio 12,32, bản Hylạp), Người
kéo mọi người đến với Mình, Người là Ðấng duy nhất có những lời ban sự sống
vĩnh cửu (x. Gio 6,68). Nhưng mầu nhiệm này chưa bao giờ được tỏ cho các thế hệ
khác biết, nay đã được mạc khải trong Thánh Thần cho các Thánh Tông Ðồ Người và
cho các Tiên Tri (x. Eph 3,4-6, bản Hylạp), để họ rao giảng Phúc Âm, cổ võ lòng
tin vào Chúa Giêsu, Ðấng được xức dầu và là Chúa, để đoàn tụ Giáo Hội. Những việc
này, các sách Tân Ước đã minh chứng với một bằng chứng có giá trị vĩnh viễn và
thần linh 38*.
18. Sách Phúc Âm bắt nguồn
từ các Tông Ðồ. Mọi người đều biết rằng trong tất cả các sách thánh, kể cả những
sách Tân Ước, các sách Phúc Âm xứng đáng chiếm địa vị ưu đẳng, vì Phúc Âm là chứng
tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời Nhập Thể, Ðấng Cứu Chuộc chúng
ta.
Trong mọi thời
và khắp nơi, Giáo Hội đã và đang quả quyết rằng bốn sách Phúc Âm bắt nguồn từ
các Tông Ðồ 39*.
Thực vậy, những gì các Tông Ðồ rao giảng theo lệnh Chúa Kitô, sau này nhờ Chúa
Thánh Thần soi sáng, chính các ngài và những người sống bên các ngài viết lại
và lưu truyền cho chúng ta như nền tảng đức tin: đó là Phúc Âm trình bày dưới bốn
hình thức: theo Thánh Mattheô, Thánh Matcô, Thánh Luca và Thánh Gioan 1.
19. Phúc Âm có tính cách lịch sử. 40*
Mẹ thánh Giáo Hội luôn luôn quả quyết lịch sử tính của bốn Phúc Âm, cũng như đã
mạnh mẽ và liên lỉ xác nhận bốn sách Phúc Âm trung thành ghi lại những gì Chúa
Giêsu, Con Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, thực sự đã làm và đã dạy vì phần
rỗi đời đời của họ, cho tới ngày Người lên trời (x. CvTđ 1,1-2). Thực vậy sau
khi Chúa về trời, những gì Người đã nói, đã làm thì các Tông Ðồ, sau khi đã được
hiểu biết cách đầy đủ hơn 2
- sự hiểu biết mà chính các ngài hưởng thụ được nhờ các biến cố vinh hiển của
Chúa Kitô và ánh sáng của Thần Chân Lý 3
- các ngài đã truyền lại cho những ai nghe các ngài. Phần các thánh sử đã viết
bốn Phúc Âm: các ngài chọn một ít trong số chất liệu được truyền lại bằng miệng
hay bằng sách vở, tóm tắt một số khác hay tùy hoàn cảnh của các Giáo Hội mà giải
thích thêm, nhưng vẫn giữ hình thức của bài giảng thuyết và như vậy để luôn
chân thành truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Chúa Giêsu 4.
Thực vậy, dựa trên trí nhớ hay kỷ niệm riêng tư, hoặc dựa trên chứng tá của những
người "đã chứng kiến từ buổi đầu và trở nên thừa tác viên của lời
Chúa", các thánh sử đã viết các sách Phúc Âm với mục đích giúp chúng ta nhận
biết rằng các lời mà chúng ta đã nghe dạy dỗ đều là "chân thật" (x.
Lc 1,2-4).
20. Các sách khác của Tân
Ước. Ngoài bốn Phúc Âm, danh sách Tân Ước còn ghi lại các thư Thánh Phaolô và
những bút tích khác của các Tông Ðồ đã được viết dưới sự linh ứng của Chúa
Thánh Thần. Các bút tích này, theo ý định khôn ngoan của Thiên Chúa chứng thực
những gì đã được nói về Chúa Kitô, trình bày giáo lý đích thực của Người ngày một
rõ ràng hơn, rao truyền sức mạnh cứu độ của công trình thần linh của Chúa Kitô,
và kể lại những bước đầu, sự bành trướng kỳ diệu cùng tiên báo sự kết thúc vinh
hiển của Giáo Hội. 41*
Thực vậy, Chúa
Giêsu đã hiện diện bên các Tông Ðồ như Người đã hứa (x. Mt 28,20) và đã sai
Thánh Thần An Ủi đến để dẫn dắt họ đến sự viên mãn của Chân Lý (x. Gio 16,13).
Chú Thích:
37* Trong lược đồ
thứ nhất, chương này hầu như có tính cách hoàn toàn minh giáo và tiêu cực. Sau
đó người ta đã soạn thảo lại theo một tinh thần cởi mở hơn. Nhưng thực sự,
chương này hầu như chỉ bàn về các Phúc Âm.
38* Bản văn này
phát xuất từ bản thảo thứ ba. Câu thứ nhất được coi như luận đề mà cả số này
trình bày. Theo tư tưởng của chương I, Tân Ước là chính Chúa Giêsu và công
trình của Người. Trong khi hoàn tất Cựu Ước, Tân Ước mạc khải cho chúng ta
Thiên Chúa như Người Cha. Bản văn không nói Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội
(Giáo Hội xuất hiện vào thời các Tông Ðồ). Như thế người ta chấp nhận sự phân
biệt giữa "Nước Chúa" và Giáo Hội (x. GH 5,8). Hoạt động của Chúa
Giêsu được đặt trong lịch sử và ngày nay vẫn còn thực hiện. Bản văn dùng động từ
ở thì hiện tại: Ngài "kéo" thay vì "đã kéo" của lược đồ trước.
Tiếng "mầu nhiệm" chỉ Chúa Kitô và công trình của Người chứ không
đúng y như nghĩa của Thánh Phaolô. Lưu ý mục đích truyền giáo của Mạc Khải.
39* Giá trị chứng
tá của các sách Phúc Âm là thiết yếu đối với Giáo Hội. Nhưng trước kia cách thế
bênh vực giá trị đó không được thích hợp cho lắm, khi đặt nền tảng trên hai lý
do: các Thánh sử trung thực và thấu đáo vấn đề. Ðiều này buộc phải chứng minh rằng
các ngài là Tông Ðồ hay môn đệ các Tông Ðồ; nhưng theo lịch sử, sự kiện đó
không chắc chắn. Vì thế bản văn bỏ qua vấn đề này. Cùng với Thánh Truyền, Công
Ðồng xác nhận rằng các Phúc Âm "bắt nguồn từ các Tông Ðồ" và truyền lại
cho chúng ta dưới hình thức "theo Thánh Mattheô..." v.v... Nguồn gốc
này là lời rao giảng hay Phúc Âm truyền khẩu. Mối liên lạc giữa lời rao giảng
và Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần bảo đảm; nguồn mạch của Phúc Âm được rao giảng
là chính Chúa Kitô.
1 Xem T. Ireneô,
Adv. Haer. III, 11,8: PL 7, 885, x. b. Sagnard, trg 194.
40* Lịch sử tính
của các sách Phúc Âm là điểm quan trọng của Hiến chế. Lược đồ thứ nhất nặng
tính cách bút chiến và kết án các lầm lạc của những người nghi ngờ những câu
chuyện thời thơ ấu và những cuộc hiện ra v.v... Thái độ này nghịch với tinh thần
của Ðức Gioan XXIII (x. AAS 54 (1962) 792) và giả thiết một ý niệm về chân lý lịch
sử nặng tính cách khoa học hơn là Thánh Kinh, như có thể tìm thấy nơi những văn
kiện chính thức, ví dụ: "các bản văn phải tương xứng với những sự kiện như
đã xảy ra trong thực tế" (Tđ. Spir. Paraclitus, EB số 457). Nhưng khoa chú
giải đã minh chứng rằng hiểu lịch sử Thánh Kinh theo cách này là sai. Các nhà
bác học cũng đã minh chứng việc soạn thảo Phúc Âm rất phức tạp: phải lưu tâm đến
những truyền thống khác nhau, những thích ứng trong khi rao giảng, vai
trò của các cộng đoàn sơ khai v.v... Nhiều Nghị Phụ sợ rằng lịch sử tính sẽ lu
mờ nếu lướt qua phương pháp "văn hình sử". Các cuộc bàn cãi sôi nổi,
kéo dài, và các Nghị Phụ đã xin Ðức Giáo Hoàng can thiệp để tiếng "lịch sử"
được giữ lại trong bản văn. Trong khi đó, để giúp giải quyết các vấn đề, Ủy Ban
Giáo Hoàng về Thánh Kinh đã phát hành một Huấn Thị về Phúc Âm (14-5-1964). Sau
cùng bản văn được chấp thuận đã loại bỏ mọi nghi ngờ về lịch sử tính của Phúc
Âm; đó là một chân lý mà Giáo Hội quả quyết bằng đức tin và lý trí (đã và đang
quả quyết). Nhưng "lịch sử" trong Phúc Âm lại là một loại đặc biệt,
phải xác định sau khi nghiên cứu văn loại của từng đoạn. Phúc Âm truyền đạt cho
chúng ta "những điều chân thật và trung thực" về Chúa Giêsu; như thế
nghĩa là: những điều chính thực không bị thay đổi; phải hiểu tiếng "điều
chân thật" theo như đã nói ở số 11. Tóm lại, Phúc Âm không phải là một bản
phúc trình về những biến cố đã qua, nhưng là một lời truyền bá những sự kiện
quan hệ cho ơn cứu độ.
2 Xem Gio 2,22;
12,16; So sánh với 14,26; 16,12-13; 7,39.
3 Xem Gio 14,26;
16,13.
4 Xem Huấn dụ
Sancta Mater Ecclesia do Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh xuất bản: AAS 56
(1964), trg 715.
41* Số này không
bị thay đổi mấy. Nó xác quyết rằng Tân Ước, ngoài Phúc Âm, còn có nhiều bản văn
khác, nhưng không nêu ra danh sách. Theo Công Ðồng những bản văn này có nội
dung:
a) thần học:
dùng những lý chứng để xác quyết sứ mệnh của Chúa Kitô. Số này chấp nhận có sự
tiến triển nội tại của Tân Ước, đặc biệt trong Kitô học và Giáo Hội học.
b) giảng thuyết:
lời rao giảng về Chúa Kitô.
c) lịch sử: Công
vụ Tông Ðồ thuật lại những "bước đầu" của Giáo Hội; người ta đã dùng
chữ "bước đầu" thay cho chữ "tổ chức" ở trong bản thảo trước.
d) tiên tri:
loan báo ngày kết thúc (Khải Huyền).
Chương VI: Thánh Kinh Trong Ðời Sống Giáo Hội 42*
21. Tầm quan trọng của
Thánh Kinh đối với Giáo Hội. 43*
Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng
Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng
như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền,
Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức
tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh
Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng
nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Ðồ. Bởi vậy, mọi lời
giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh
nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng
tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có
một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh
đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng,
tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng
hợp cho Thánh Kinh: "Thực vậy, lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm"
(Dth 4,12). "có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được
thánh hóa" (CvTđ 20,32; x. 1Th 2, 13).
22. Cần có bản văn và bản
dịch. 44*
Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu. Chính vì thế mà từ buổi đầu,
Giáo Hội đã công nhận như của riêng mình bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy lạp, một
bản văn rất cổ và được gọi là bản dịch do bảy mươi người. Ngoài ra Giáo Hội còn
luôn tôn trọng các bản dịch của Ðông Phương hay các bản dịch Latinh, nhất là bản
thường gọi là bản "Phổ Thông". Vì phải đem lời Chúa đến cho mọi thời
đại, Giáo Hội như một người mẹ ân cần lo liệu cho các sách thánh được dịch ra
các thứ tiếng cách thích hợp và đứng đắn, đặc biệt dịch từ nguyên bản. Mọi Kitô
hữu có thể xử dụng những bản dịch được thực hiện chung với cả những anh em ly
khai trong trường hợp thuận tiện và được giáo quyền chấp thuận.
23. Nhiệm vụ tông đồ của
các nhà Thánh Kinh học. 45*
Hiền thê của Ngôi Lời nhập thể, tức Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, hằng
cố gắng hiểu biết Thánh Kinh ngày càng sâu rộng hơn, hầu không ngừng lấy lời
Chúa nuôi dưỡng con cái mình. Do đó, Giáo Hội có lý khi khuyến khích việc học hỏi
các thánh Giáo Phụ Ðông Phương và Tây Phương cũng như các Phụng Vụ thánh. Phần
các nhà chú giải Thánh Kinh công giáo và những người chuyên về Thần Học Thánh
phải ân cần lo lắng, dưới sự trông nom của Quyền Giáo Huấn Thánh, và dùng những
phương thế thích hợp, để nghiên cứu và trình bày Thánh Kinh, để cung ứng nhiều
thừa tác viên lời Chúa hết sức có thể, hầu lương thực Thánh Kinh được dồi dào
ban bố cho dân Chúa, để soi sáng trí khôn, kiên trì ý chí và nung đốt lòng người
yêu Chúa 1.
Thánh Công Ðồng khuyến khích các con cái Giáo Hội đang chuyên cần học hỏi những
khoa học Thánh Kinh, hãy tiếp tục theo đuổi công trình đã khởi sự cách tốt đẹp
với những năng lực ngày được đổi mới, và tất cả hăng say hợp với cảm thức của
Giáo Hội 2.
24. Tầm quan trọng của
Thánh Kinh đối với thần học. 46*
Khoa Thần Học dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh
viễn. Trên nền tảng này, thần học được củng cố hết sức chắc chắn và mãi mãi được
trẻ trung trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng đức tin, mọi chân lý tiềm ẩn trong
mầu nhiệm Chúa Kitô. Thánh Kinh chứa đựng lời Chúa và thực sự là lời của Chúa,
vì được linh ứng. Nên nghiên cứu Thánh Kinh phải là linh hồn của Khoa Thần Học
Thánh 3.
Thừa tác vụ lời Chúa - nghĩa là việc rao giảng thuộc mục vụ, dạy giáo lý và huấn
dụ Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ phải chiếm một chỗ quan trọng - phải
được nuôi dưỡng cách an lành và gia tăng sinh lực cách thánh thiện, nhờ lời
Thánh Kinh.
25. Khuyên nhủ năng học hỏi
và đọc Thánh Kinh. 47*
Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những
người có bổn phận phục vụ lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý,
phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải
truyền đạt kho tàng bao la của lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các
giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành "kẻ huênh
hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên
Chúa trong lòng" 4.
Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách
riêng các tu sĩ hay năng đọc Thánh Kinh để học biết "khoa học siêu việt của
Chúa Giêsu Kitô" (Ph 3,8). "Vì không biết Thánh Kinh là không biết
Chúa Kitô" 5.
Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ
Thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ
chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các Chủ
Chăn trong Giáo Hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người
cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối
thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì "chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu
nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sâm ngôn thần linh"
6.
Các Giám Mục là
những người "gìn giữ giáo lý tông truyền" 7
có phận sự tùy nghi dạy các tín hữu đã được ủy thác cho các ngài, cho biết xử dụng
đúng đắn sách thánh, nhất là Tân Ước và trước tiên các sách Phúc Âm, nhờ các bản
dịch, và các bản dịch này phải được kèm theo những lời giải thích cần thiết và
đầy đủ, để con cái Giáo Hội có thể xử dụng Thánh Kinh cách bảo đảm và ích lợi,
và được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.
Hơn nữa, cũng cần
thực hiện những ấn bản Thánh Kinh với lời chú giải thích hợp cho cả những người
ngoài Kitô giáo và thích hợp với hoàn cảnh của họ. Các vị Chủ Chăn linh hồn
cũng như các Kitô hữu, dù trong bậc sống nào, cũng phải ân cần lo lắng phổ biến
các ấn bản ấy.
26. Kết luận. 48*
Vì thế, ước gì nhờ việc đọc và học hỏi sách thánh, "Lời Thiên Chúa được
trôi chảy và sáng sủa" (2Th 3,1), và ước gì kho tàng Mạc Khải, đã được ủy
thác cho Giáo Hội, ngày một tràn ngập tâm hồn con người. Nếu đời sống Giáo Hội
được tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, cũng thế, cũng có thể hy
vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính lời Chúa, là lời
"hằng tồn tại muôn đời" (Is 40,8; 1P 1,23-25).
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Hiến Chế tín lý này đều được các Nghị Phụ Thánh Công
Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị
Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị,
và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho
Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 18 tháng 11 năm 1965
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
42* Chương này
phát xuất từ bản thảo thứ hai. Sau đó trong bản thảo thứ ba, người ta sát nhập
thêm những yếu tố của Lược đồ về Lời Thiên Chúa do Văn Phòng Hiệp Nhất soạn thảo.
Tựa đề đã thay đổi nhiều lần. Trước tiên tựa đề là: Về Thánh Kinh trong Giáo Hội;
như thế có vẻ quá thần học, nên đã được đổi thành về việc dùng Thánh Kinh trong
Giáo Hội; nhưng tựa đề này lại có vẻ quá tầm thường. Sau cùng người ta chấp nhận
tựa đề hiện tại; tuy nhiên không phải không gặp chống đối, vì nhiều người muốn
dùng tiếng "Lời Chúa" để bao gồm cả Thánh Truyền nữa.
Chương này có
tính cách mục vụ. Thực vậy, "Ðời sống Giáo Hội" bao gồm tất cả mọi hoạt
động hướng nội cũng như hướng ngoại, như thế gồm cả việc truyền giáo.
43* Trong những
bản thảo trước, số này mang tựa đề: "Nỗi bận tâm của Giáo Hội đối với
Thánh Kinh". Nhưng tựa đề này lại nghiêng về khía cạnh tự vệ. Sau đó các
Nghị Phụ chấp nhận tựa đề hiện tại: "Giáo Hội tôn kính Thánh Kinh".
Người ta chỉ có thể nói rõ hơn khi so sánh với Thân Thể Chúa; sự so sánh này gặp
nhiều chống đối vì nhiều Nghị Phụ nghĩ rằng những khuynh hướng tân thời muốn giảm
thiểu sự hiện diện Chúa trong phép Thánh Thể và hình như được bản văn này khuyến
khích. Nhưng Ủy Ban vẫn duy trì bản văn vì sự so sánh này có tính cách cổ truyền
và hơn nữa sự hợp nhất giữa Lời Chúa và Bí Tích lại rất quan trọng trong đời sống
Giáo Hội (Phụng Vụ). Tầm quan trọng của Thánh Kinh được diễn tả trong câu
"cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh... là qui luật tối cao hướng dẫn đức
tin". Ðây là một qui luật khách quan, vì được linh ứng. (Thiên Chúa nói với
chúng ta qua Thánh Kinh); thứ đến nó là qui luật bất biến, vì Thiên Chúa không
thay đổi và - theo cách nói nhân loại - điều gì đã được viết thì đã được viết rồi.
Bởi thế hậu quả là đời sống Giáo Hội luôn được nuôi dưỡng bởi cùng một nguồn mạch
duy nhất, và điều đó bảo đảm sự liên tục trong lịch sử cũng như trong sự bình đẳng
trong các nền văn hóa khác nhau.
44* Việc dịch
Thánh Kinh ra các sinh ngữ là một nhu cầu truyền giáo (x. TG 22; MV 44), là một
đòi hỏi của Công Giáo tính nơi Giáo Hội (x. GH 13) và là một đòi hỏi của việc
hiệp nhất (x. GH 15, HN 14-17, 19-23). Mỗi Giáo Hội dịch Thánh Kinh ra tiếng bản
xứ là làm giàu thêm Giáo Hội phổ quát, vì tất cả các bản dịch giả thiết một sự
thấu hiểu mới về Mạc Khải.
45* Số này nhấn
mạnh nhiệm vụ tông đồ của các tiến sĩ Giáo Hội và khuyến khích những nhà chú giải
và thần học cộng tác với nhau. Nhìn nhận tầm quan trọng của khoa học để đào sâu
Lời Chúa, mặc dầu Giáo Hội có quyền quyết định tối hậu những nghi ngờ (Quyền
Giáo Huấn) nhưng đồng thời lại đề phòng chống thứ khoa học (chú giải và thần học)
quá cằn cỗi về phương diện mục vụ.
1 Xem Piô XII,
Tđ. Divino Afflante Spiritu, 30-9-1943: EB 551, 553, 567. - Ủy Ban giáo hoàng về
Thánh Kinh, Introductio de S. Scriptura in Clericorum Seminariis et
Religiosorum Collegiis recte docenda, 13-5-1950: AAS 42 (1950), trg 495-505.
2 Xem Piô XII,
n.v.t : EB 569.
46* Ở đây người
ta bàn về vai trò Thánh Kinh trong thần học. Vậy Thánh Kinh là nền tảng: là điểm
khởi phát và là điểm qui chiếu. Thánh Kinh làm cho nền thần học trẻ lại, vì đem
lại những đề mục và những viê�n tượng mới. Thánh Kinh là "linh hồn của thần học" (x. ÐT
16), là nguyên lý sự sống, là nguồn nghị lực của thần học. Nhưng Thánh Kinh
không phải là tất cả, vì thần học cũng phải quan tâm đến Thánh Truyền, đến những
suy tư của người khác, những trực giác của tín hữu v.v... và phải luôn luôn biết
tạo nên những tổng hợp mới để hiểu thêm Thánh Kinh. Cũng vậy, tín điều phải qui
chiếu về Thánh Kinh để thấu hiểu và đào sâu trong ánh sáng Thánh Kinh.
3 Xem Leô XIII,
Tđ. Providentissimus Deus: EB 114. - Benedictô XV, Tđ. Spiritus Paraclitus,
15-9-1920: EB 483.
47* Lần đầu tiên
trong lịch sử một Công Ðồng kêu gọi đọc Thánh Kinh. Những người phục vụ Lời
Chúa: Linh Mục, Phó Tế, các người dạy Giáo Lý... mang một trách vụ lớn hơn. Tuy
nhiên vài Nghị Phụ bối rối và coi lời khuyến khích tổng quát đọc Thánh Kinh là
một mối nguy hiểm. Phải đọc "theo tinh thần của Giáo Hội", vì vậy người
ta nhấn mạnh đến kinh nguyện như là một câu đáp lại lời Thiên Chúa, Ðấng nói
trong Thánh Kinh.
Lãnh tụ của
phong trào này là các Giám Mục, các Ngài có bổn phận kiểm soát và khuyến khích.
Sau cùng, Thánh Kinh được ban cho Giáo Hội để Giáo Hội mang đến cho mọi người,
vậy phải khuyến khích các đợt xuất bản dành cho người ngoài Kitô giáo. Ðó là một
sáng kiến truyền giáo tốt đẹp.
4 T. Augustinô,
Serm. 179, 1 : PL 38, 966.
5 T. Hieronimô,
Comm. In Is. Prol. : PL 24, 17. - Benedictô XV, Tđ. Spiritus Paraclitus: EB
475-480. - Piô XII, Tđ. Divino Afflante Spiritu : EB 521.
6 T. Ambrosiô,
De Officiis ministrorum I, 20, 88 : PL 46, 50.
7 T. Ireneô, Adv
Haer. IV, 32, 1 : PG 7, 1071, (Ẽ9,2)
48* Số này là lời
kết luận của chương VI, chứ không phải của tất cả Hiến Chế. Tinh thần của đoạn
này cũng là tinh thần truyền giáo sâu xa. Nên lưu ý việc chuyển tiếp từ việc đọc
sách đến Lời Chúa, trong câu thứ nhất, vì Thánh Kinh chứa đựng "kho tàng Mạc
Khải" của Thiên Chúa cho Giáo Hội, và vì Giáo Hội sẽ luôn sống bằng Lời
Chúa như chính Ngôi Lời.
Hiến
Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới
Ngày Nay - Gaudium Et Spes
Lời Giới Thiệu
Hiến Chế Mục Vụ
về Giáo Hội trong thế giới ngày nay có mục đích chính là "trình bày sự hiện
diện và sinh hoạt của Giáo Hội trong thế giới" (số 2, đoạn I).
Nhờ Hiến Chế tín
lý về Giáo Hội, Công Ðồng đã trình bày mầu nhiệm Giáo Hội: giai đoạn khởi đầu,
sứ mệnh, cơ cấu, đời sống nội tại... để canh tân Giáo Hội.
Trong Hiến Chế Mục
Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay "có lẽ chư bao giờ Giáo Hội đã nhận
thấy cần phải tìm hiểu xã hội loài người chung quanh như hiện nay để tới gần
nó, tôn trọng nó một cách chính đáng, nhập vào nó, phục vụ và trao cho nó sứ điệp
Phúc Âm. Hơn nữa, dường như Giáo Hội ưa thích và chiều chuộng nó một phần nào
đó, trong khi nó vẫn đang thay đổi mau chóng và không ngừng". 1
Công Ðồng cảm thấy
rằng đó là việc khẩn cấp trong thời đại chúng ta.
Chủ đề chính
1. Trước hết
Công Ðồng đề cập đến con người dưới mọi khía cạnh (số 3, đoạn I). Con người có
phẩm giá rất thiêng liêng nhưng bị tội lỗi làm tổn thương, có cùng đích cao
siêu nhưng phải vượt qua nhiều ngăn trở, đã nỗ lực để xây dựng văn minh tốt đẹp
nhưng một phần lớn vẫn còn chủ trương vô thần. "Giáo Hội một phần nào đó
đã tự xưng là tôi tớ của loài người" 2, bởi vì chúng ta "có thể quả
quyết rằng chúng ta phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa" 3.
2. Hiến Chế nói
về thế giới, một thế giới phải được con người xây dựng. Thế giới tức là thực tại
thế tục có giá trị và những qui luật riêng biệt của nó. Ðàng khác mọi giá trị
và qui luật ấy đều phải phục dịch chính con người toàn diện, do đó phải thích hợp
với luân lý và tôn giáo. Chính lịch sử do con người tạo nên, nhưng lịch sử hướng
về Chúa Kitô là trung tâm điểm và là cùng đích!
3. Hiến Chế cũng
trình bày sinh hoạt thế tục theo quan điểm của Giáo Hội.
A) Về việc làm:
a) cắt nghĩa việc làm theo thần học, b) giá trị của nó, c) tính cách nhân phẩm,
d) công hiệu của việc làm đối với nền văn minh.
B) Về sinh hoạt
xã hội phải theo nguyên tắc riêng của từng lãnh vực một (ví dụ: kinh tế, khoa học,
văn hóa...) và phải thích hợp với bản tính con người cũng như với đức tin và đức
mến.
4. Sau cùng Hiến
Chế dạy về hoạt động của Giáo Hội trong thế giới giúp chúng ta hiểu thêm về sứ
mệnh và bản tính của Giáo Hội.
Hiến Chế Mục Vụ
Vì danh từ
"Hiến Chế" mang ý nghĩa một mệnh lệnh và có vẻ không thích hợp với ý
muốn của Công Ðồng là đối thoại với mọi người bất chấp tín ngưỡng, nên một số
Nghị Phụ thích danh từ "Tuyên Ngôn" hơn. Nhưng Công Ðồng đã giữ lại
danh từ "Hiến Chế" để nhấn mạnh tính cách quan trọng của văn kiện cả
về phương diện giáo lý nữa.
Thêm tĩnh từ
"Mục Vụ" để nhắc lại tính cách thực tế của giáo lý đó.
Danh từ
"Giáo Hội" phải được hiểu như đã được trình bày trong Hiến Chế tín lý
về Giáo Hội với sứ mệnh cứu độ.
Còn "Thế Giới"
như vừa nói trên, là toàn thể thực tại do Thiên Chúa tạo nên, trong đó nhân loại
là trung tâm điểm và có nhiệm vụ phát triển thế giới.
Vài nét lịch sử
Ngày 25-12-1961,
khi triệu tập Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã nói đến những mối lo lắng của Giáo
Hội trước những thắc mắc của nhân loại. Giáo Hội có bổn phận phải bàn về các vấn
đề đó, vì nó ảnh hưởng đến phần rỗi siêu nhiên 4.
Ngày 11-10-1962,
nhân dịp khai mạc Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã nói vạch rõ tinh thần mới cho
Công Ðồng, tinh thần thương xót và thông cảm hơn là lên án 5. Chín ngày sau đó
Công Ðồng gởi cho Thế Giới sứ điệp hòa bình và thương yêu cũng như sự quyết tâm
phục vụ nhân loại, đặc biệt là người nghèo 6.
Tuy nhiên, trong
số 70 lược đồ do các Ủy Ban đã soạn thảo, chưa có tài liệu nào dành riêng cho
các vấn đề thế giới. Ðến cuối kỳ họp thứ nhất của Công Ðồng (12-1962) các lược
đồ thu gọn lại thành lược đồ 17, có đầu đề: "Về những nguyên tắc và sinh
hoạt của Giáo Hội để xúc tiến hạnh phúc của xã hội".
Vào đầu năm 1963
Ủy Ban hỗn hợp, gồm có chuyên viên của hai Ủy Ban về Tín Lý và Tông Ðồ Giáo Dân
được bổ nhiệm soạn thảo lược đồ này. Ðầu đề mới là: "Về sự hiện diện của
Giáo Hội trong thế giới ngày nay". Cũng có văn kiện khác do Ðức Hồng Y
Suenens (Bỉ) đề nghị. Văn kiện này đã được gọi "Lược đồ Malines hay
Vào mùa hè năm
1964, các Nghị Phụ mới chấp nhận văn kiện, bấy giờ được gọi là lược đồ 13, cũng
được gọi "Lược đồ Zurich", vì tiểu ban đã họp tại đó. Trong kỳ họp thứ
ba (tháng 10-11) các ngài đề nghị phải sửa lại nhiều chỗ. Ủy Ban hỗn hợp soạn
thảo một lược đồ mới (lược đồ Ariccia-Roma) theo địa danh làm việc.
Trong giai đoạn
cuối cùng các Nghị Phụ bỏ phiếu nhiều lần: trước hết đã chấp nhận lược đồ cách
đại cương rồi bỏ phiếu từng đoạn một. Sau nhiều sửa đổi theo những đề nghị của
các Nghị Phụ, các ngài lại bỏ phiếu từng 12 đoạn và ngày 6-12-1965, 1,860 Nghị Phụ
chấp nhận toàn bộ lược đồ, với 251 phiếu chống và 11 phiếu bất hợp lệ. Ngày hôm
sau, trước khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Hiến Chế, các Nghị Phụ lại bỏ
phiếu một cách long trọng: lúc ấy vẫn còn 75 phiếu chống.
"Không ai
có thể quả quyết rằng đạo Công Giáo là vô ích, khi nhận thấy rằng Giáo Hội,
nhân dịp tự ý thức về mình nhiều nhất và có hiệu lực lớn nhất, tức là khi tập họp
lại trong Công Ðồng, đã biểu thị rõ ràng Giáo Hội chỉ vì con người mà
có..." 7.
"Ðối với
người Việt
Chú Thích:
1 Phaolô VI, Diễn
văn nhân dịp lễ bế mạc Công Ðồng, 8-12-1965: AAS 58 (1966), 54.
2 N.v.t. trg 57.
3 N.v.t. trg 59.
4 Tông hiến
Humanae Saluis, 25-12-1961: AAS 54 (1962), 5-13.
5 Diễn văn, AAS
54 (1962), 792.
6 AAS 54 (1962),
822-824.
7 Phaolô VI, Diễn
văn nhân dịp lễ bế mạc Công Ðồng, 8-12-1965: AAS 58 (1966), 58.
8 Ðức Hồng Y
Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giáo Hội trong Thế Giới hôm nay, Thanh Lao Công
1969, Lời giới thiệu (không mang số trang).
Hiến Chế Mục Vụ 1 Về
Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa IX Ngày 7
tháng 12 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Hiến Chế Mục Vụ 1 Về
Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay
Gaudium Et Spes
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
1. Liên quan mật thiết giữa Giáo Hội và toàn thể gia đình các dân tộc.
Vui mừng và hy vọng,
ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai
đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa
Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong
lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được
qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước
Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy
mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại
1*.
2. Công Ðồng muốn ngỏ lời với ai. Vậy, sau khi đã tìm hiểu tường tận
hơn về mầu nhiệm Giáo Hội 2*,
Công Ðồng Vaticanô II không còn chỉ ngỏ lời riêng với những người con của Giáo
Hội và tất cả những ai kêu danh Chúa Kitô, nhưng không ngần ngại nói với tất cả
mọi người. Công Ðồng ước ao trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào
về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
Vậy thế giới trình bày ở đây là thế giới của con người, tức là toàn
thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này.
Thế giới ấy là sân khấu của lịch sử nhân loại và là thế giới mang dấu tích những
cố gắng, thất bại và thắng lợi của nhân loại; thế giới ấy, người Kitô hữu tin
là đã được tình yêu của Ðấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì; thế giới ấy đã rơi
vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng, nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ
gãy uy quyền Thần Dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của
Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn 3*.
3. Phục vụ con người. Ngày
nay, tuy đã cảm phục trước những khám phá và quyền lực của mình, nhân loại vẫn
thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận
vụ con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể,
và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài. Vì thế, khi minh chứng và
trình bày Ðức Tin của toàn thể dân Chúa đã được Chúa Kitô đoàn tụ, để diễn tả
thật hùng hồn mối tình liên đới, sự tôn trọng và quí mến của dân Chúa đối với
gia đình nhân loại mà mình là một thành phần, Công Ðồng thấy hay hơn hết là phải
thiết lập cuộc đối thoại về những vấn đề ấy, phải lấy ánh sáng Phúc Âm mà soi dẫn,
và phải cho nhân loại những năng lực cứu rỗi mà chính Giáo Hội đã nhận được nơi
Ðấng Sáng Lập, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thực vậy, việc phải làm là cứu rỗi
nhân vị con người và xây dựng xã hội loài người. Do đó, con người - dĩ nhiên là
con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri,
trí khôn và ý chí - sẽ là then chốt tất cả phần trình bày của chúng tôi.
Vậy, khi công bố thiên chức cao cả của con người và xác nhận con người
mang trong mình một mầm mống thần linh, Thánh Công Ðồng muốn đề nghị với nhân
loại sự cộng tác thành thực của Giáo Hội hầu thiết lập một tình huynh đệ đại đồng
phù hợp với thiên chức ấy. Không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội
chỉ nhắm một điều là dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục
công cuộc của chính Chúa Kitô, Ðấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý 2, để
cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ 3.
Chú Thích:
1 Hiến chế Mục Vụ
về "Giáo Hội trong thế giới ngày nay" tuy có hai phần rõ rệt nhưng
làm thành một khối duy nhất.
Hiến Chế mệnh
danh là "Mục Vụ" vì, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, Hiến Chế nhằm
trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và con người ngày nay. Do đó, không
phải là thiếu chủ đích mục vụ trong phần I, cũng như không thiếu chủ đích giáo
lý trong phần II.
Trong phần I,
Giáo Hội trình bày giáo lý của mình về con người, về thế giới con người đang sống
và về thái độ của Giáo Hội đối với con người và thế giới. Trong phần II, Giáo Hội
khảo sát tường tận hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện nay và
trong xã hội nhân loại, nhất là những thắc mắc, những vấn đề xét ra có vẻ khẩn
thiết hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, trong phần sau này, dựa trên những
nguyên tắc giáo lý, nội dung không những bao hàm những yếu tố vĩnh cửu mà còn cả
những yếu tố nhất thời nữa.
Vậy, phải giải
thích Hiến Chế theo những nguyên tắc tổng quát của khoa chú giải thần học và đặc
biệt phải lưu ý tới những hoàn cảnh thay đổi là những hoàn cảnh tự bản chất gắn
liền với những vấn đề được bàn tới, nhất là trong phần thứ hai này.
1* Kitô hữu là
người "bị lưu đày xa Chúa" (2 Cor 5,6) và người "không có thành
trì kiên cố" ở đất này (Dth 13,14), nhưng vẫn còn thuộc về gia đình nhân
loại. Mọi vấn đề của nhân loại phải làm rung động tâm hồn Kitô hữu. Chính Giáo
Hội được thiết lập để đến cùng con người chứ không phải để chỉ sống cho mình mà
thôi, Giáo Hội phải đối thoại với con người, đưa cho con người ánh sáng đức tin
đã được trao phó cho Giáo Hội. Như thế Giáo Hội góp phần vào công việc chung nhằm
cứu độ con người và cải thiện xã hội. Sứ mệnh của Giáo Hội không nhằm những
tham vọng thế tục (số 3). Hiến Chế khai triển những tư tưởng này trong chương
IV.
2* Trong Hiến Chế
tín lý về Giáo Hội.
3* Theo thần học
ta có thể quan niệm "thế giới" 1) là vũ trụ đã được Thiên Chúa tạo
nên (x. Stk 1,1; Gio 1,3; Col 1,15-20); 2) Thiên Chúa đã trao phó hoàn vũ cho
con người (x. Mt26,13; Gio 17,18); 3) nhân loại sa ngã chán ghét và chống đối
Thiên Chúa (x. Gio 1,10; 7,7; 15,18t; 17,9; 1Gio 2,15); 4) Thiên Chúa yêu mến
nhân loại đã được cứu chuộc (x. Gio 1,29; 3,13; 4,42; 2Cor 5,19). (ÐGM. Charue,
phó chủ tịch Ủy Ban về tín lý, ngỏ lời trong thánh đường thánh Phêrô, ngày
24.9.1965: xem Documentation Catholique 62 (1965), 1863).
Hiến Chế Mục Vụ
về Giáo Hội trong thế giới ngày nay hiểu thế giới theo nghĩa nhân chủng học
(gia đình nhân loại), vũ trụ luận (tất cả thực tại chung quanh), lịch sử học
(nơi diễn tiến của lịch sử), và thần học (được Thiên Chúa tạo nên vì tình yêu,
v.v...).
2 Xem Gio 18,37.
3 Xem Gio 3,17;
Mt 20,28; Mc 10,45.
Nhập Ðề: Thân Phận Con Người Trong Thế Giới Ngày Nay 4*
4. Hy vọng và lo âu. Ðể
chu toàn phận vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những
dấu chỉ của thời đại 5*
và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích
ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống
hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần
phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả
tính chất thường là bi thảm của nó. Có thể phác họa một vài nét chính yếu của
thế giới ngày nay như sau:
Nhân loại ngày
nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình 6*.
Ðó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng
tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và nổ lực sáng tạo của
con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những
phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên cách suy tư và hành động
đối với sự vật cũng như con người. Như vậy, chúng ta có thể nói đến sự biến đổi
đích thực về mặt xã hội cũng như văn hóa, sự biến đổi này đang lan tràn tới cả
đời sống tôn giáo.
Cũng như trong bất
cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi này kéo theo những khó khăn
không nhỏ. Chẳng hạn như đang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình,
không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn
vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình.
Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự
không dám định đoạt hướng đi cho mình.
Chưa bao giờ
nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới
nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu
thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con
người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó, lại thấy sống dậy
những hình thức nô lệ mới mẻ về mặt xã hội cũng như tâm lý. Trong lúc đang mãnh
liệt cảm thấy sự duy nhất cũng như sự kiện tất cả lệ thuộc nhau trong sự liên đới
cần thiết, thì thế giới lại bị lôi kéo kịch liệt theo những chiều hướng tương
phản do những lực lượng chống đối nhau; thực vậy vẫn còn kéo dài mãi tới ngày
nay những bất đồng trầm trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức
hệ, và một cuộc chiến diệt vong vẫn còn đe dọa. Ðang khi sự trao đổi tư tưởng
phát triển, thì những ngôn ngữ dùng để diễn tả những quan niệm có tầm mức quan
trọng lại mang ý nghĩa khác nhau tùy từng ý thức hệ riêng biệt. Sau hết, người
ta nỗ lực đi tìm một tổ chức trần thế hoàn hảo hơn, nhưng lại không lo tiến tới
sự phát triển tinh thần tương xứng.
Do những hoàn cảnh
phức tạp như thế chi phối, rất nhiều người đương thời thấy khó lòng có thể nhận
chân được những giá trị trường cửu và đồng thời cũng khó mà hòa hợp những giá
trị ấy cho đúng với những phát minh gần đây. Do đó, bị lay động giữa hy vọng và
lo âu, băn khoăn về sự xoay chuyển hiện tại của thế giới, họ cảm thấy một nỗi
ưu tư. Sự xoay chuyển của thế giới đang thách đố và thúc bách con người tìm câu
giải đáp.
5. Những hoàn cảnh biến đổi
sâu rộng. Sự giao động tâm hồn hiện nay và sự thay đổi cảnh sống gắn liền với một
biến chuyển rộng lớn hơn. Trong phạm vi trí dục, sự biến chuyển này làm cho
toán học, vạn vật học và các khoa học nhân văn càng ngày càng thêm quan trọng,
còn trong phạm vi hoạt động, thì kỹ thuật, con đẻ của khoa học, lại mỗi ngày một
thêm uy thế. Tinh thần khoa học này đang tạo ra một nền văn hóa và những lối
suy tư khác với trước kia. Kỹ thuật phát hiện đến độ thay đổi cả cục diện địa cầu
và còn đang cố gắng chinh phục không gian.
Tâm trí con người
như đang nới rộng phạm vi chế ngự trên cả thời gian: chế ngự dĩ vãng nhờ sử học,
và chế ngự tương lai nhờ dự liệu và tổ chức các kế hoạch. Những khoa học đang
tiến bộ như sinh vật học, tâm lý, xã hội, không những giúp con người hiểu biết
chính mình hơn, mà còn giúp con người biết lợi dụng những phương pháp kỹ thuật
để trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống các xã hội. Ðồng thời nhân loại mỗi ngày mỗi
lưu tâm hơn để tìm cách tiên liệu và giải quyết vấn đề gia tăng dân số.
Chính lịch sử
đang tiến bước quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp. Vận mạng
cộng đoàn nhân loại trở thành một mà thôi và không còn bị phân tán thành nhiều
dòng lịch sử khác nhau nữa. Như vậy từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại
đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn 7*,
do đó phát sinh những vấn đề hết sức phức tạp mới mẻ đòi phải có những phân
tích và tổng hợp mới.
6. Những biến đổi trong phạm
vi xã hội. Cũng vì vậy, các cộng đoàn cổ truyền địa phương, như gia tộc,
"thị tộc", bộ lạc, xóm làng, các tập thể khác và các liên hệ trong cộng
đoàn xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn.
Tổ chức xã hội
theo khuôn mẫu kỹ nghệ dần dần bành trướng, đưa một số quốc gia tới mức thịnh
vượng kinh tế và thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đời sống xã hội
đã cố định từ lâu đời. Sự ham chuộng theo đuổi đời sống thị thành cũng gia
tăng, vì các thành phố càng ngày càng mọc lên nhiều, dân cư càng ngày càng
đông, và vì cách sống thị thành đang lan rộng tới cả thôn quê.
Những phương tiện
truyền thông mới mẻ và mỗi ngày một thuận tiện hơn giúp con người theo dõi được
các biến cố cũng như phổ biến hết sức mau lẹ và rộng rãi những cách cảm nghĩ và
suy tư, do đó chúng gây nên nhiều âm hưởng vang dội có liên quan với nhau.
Một hiện tượng
không kém quan trọng khác: biết bao người bởi nhiều lý do phải di cư, và vì di
cư đã thay đổi cả cách sống.
Do vậy mà những
liên hệ của con người với đồng loại không ngừng tăng thêm mãi, đồng thời chính
sự "xã hội hóa" 8* lại
tạo thêm những liên hệ mới, tuy nhiên, những liên hệ mới ấy không phải lúc nào
cũng giúp nhân vị trưởng thành một cách thích hợp, hoặc cổ võ những liên hệ thực
sự người (nhân vị hóa).
Thực vậy, sự tiến
hóa ấy phát hiện rõ rệt hơn tại những quốc gia hưởng thụ những tiện nghi kinh tế
và kỹ thuật, nhưng sự tiến hóa ấy cũng thúc đẩy các dân tộc còn đang cố gắng tiến
lên, vì họ là những người mong mỏi cho xứ sở mình được hưởng ích lợi của nền kỹ
nghệ và đô thị hóa. Các dân tộc ấy, nhất là các dân tộc đã bám víu vào những
truyền thống cổ kính, đồng thời cảm thấy bị thúc đẩy muốn tự mình xử dụng tự do
một cách trưởng thành và hợp nhân vị hơn.
7. Những biến đổi về tâm
lý, luân lý và tôn giáo. Sự thay đổi tâm thức và cơ cấu thường làm cho con người
bất đồng ý kiến về những giá trị đã được chấp nhận, nhất là nơi những người trẻ
là lứa tuổi đôi khi thiếu nhẫn nại; hơn nữa vì lo âu, nên họ mới nổi loạn, và
vì ý thức tầm quan trọng của riêng mình trong đời sống xã hội, nên họ mong muốn
sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Do đó, nhiều khi cha mẹ và các nhà
giáo dục càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chu toàn bổn phận.
Các định chế, luật
pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa truyền lại, hình như không phải
lúc nào cũng phù hợp với tình thế hiện tại, do đó, có sự xáo trộn trầm trọng
trong phương thức và trong cả các tiêu chuẩn hành động.
Sau hết, những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Một
phần vì khả năng phán đoán sâu sắc hơn đã thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan
niệm ma thuật về thế giới 9*
và những mê tín vẫn còn lan tràn tới ngày nay. Khả năng sâu sắc ấy đòi hỏi đức
tin phải được chấp nhận mỗi ngày một thêm cá biệt và linh hoạt; bởi đó, nhiều
người đạt được một ý thức sống động hơn về Thiên Chúa. Phần khác, số người lìa
xa Thiên Chúa trong cách sống thực tế càng ngày càng đông. Khác với thời xưa, sự
từ chối hoặc tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành
vi dị thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay, biết bao người coi đó
như một đòi hòi của tiến bộ khoa học 10*
hay của nền nhân bản mới 11*.
Tại nhiều nơi, quan niệm này không những được diễn tả trong các trường phái triết
học, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới văn chương, nghệ thuật, các giải thích của
các khoa học nhân văn và sử học, cũng như ảnh hưởng tới cả dân luật khiến cho
nhiều người hoang mang.
8. Những chênh lệch trong
thế giới ngày nay. Sự biến chuyển quá mau chóng và thường thiếu trật tự, hơn nữa,
sự ý thức càng ngày càng bén nhạy hơn về những sự khác biệt hiện có trong thế
giới, đó là những yếu tố làm phát sinh hoặc gia tăng nhiều mâu thuẫn và chênh lệch.
Chính nơi con
người thường phát sinh sự thiếu quân bình giữa óc thực tế hiện thời và lối suy
tư thuyết lý. Lối suy tư này không còn khả năng làm chủ và tổng hợp gọn gàng
toàn thể mọi tri thức. Cũng vậy, sự thiếu quân bình hiển hiện giữa những lo âu
đạt được hiệu quả cụ thể và những đòi hỏi của lương tâm, và nhiều lúc giữa những
cảnh sống tập thể và những điều khẩn thiết cho suy tư cá nhân và nhất là cho sự
chiêm niệm. Sau hết là sự chênh lệch giữa sự chuyên biệt hóa các sinh hoạt nhân
loại và cái nhìn phổ quát về muôn vật.
Trong gia đình
cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, hoặc do những hoàn cảnh ngột ngạt về dân số,
kinh tế, xã hội, hoặc do những khó khăn phát xuất giữa những thế hệ tiếp nối
nhau, hoặc do những xã giao mới giữa người nam và nữ.
Ngoài ra còn có
những sự khác biệt lớn lao giữa các chủng tộc và kể cả giữa những giai cấp xã hội
khác nhau, giữa những quốc gia cường thịnh và những quốc gia nghèo nàn yếu kém,
sau hết giữa những tổ chức quốc tế đã được thiết lập vì sự mong mỏi hòa bình của
các dân tộc và tham vọng gieo rắc ý thức hệ riêng cùng những ham hố tập thể hiện
hữu trong các quốc gia hoặc các tập thể khác.
Từ đó, phát sinh
ngờ vực và thù nghịch nhau, xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên
nhân và nạn nhân.
9. Những khát vọng phổ
quát hơn của nhân loại. Trong khi đó, người ta thêm xác tín rằng nhân loại
không những có thể và phải mỗi ngày mỗi củng cố thêm sự thống trị của mình trên
tạo vật mà còn phải thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục
vụ con người ngày đắc lực hơn, giúp mỗi cá nhân, mỗi tập thể khẳng định và trau
dồi phẩm giá riêng của mình.
Bởi đó, rất nhiều
người đòi hỏi gắt gao những của cải mà họ ý thức mãnh liệt rằng họ bị cướp mất
vì bất công hay vì phân chia không đồng đều. Các quốc gia đang trên đường phát
triển cũng như các quốc gia mới giành được chủ quyền mong muốn dự phần vào những
lợi ích của nền văn minh hiện nay không những trong phạm vi chính trị mà cả
trong phạm vi kinh tế nữa, và mong muốn tự do chu toàn vai trò của mình trong
thế giới. Tuy nhiên, trong khi ấy, càng ngày càng gia tăng sự cách biệt giữa
các quốc gia này, cũng như thường thấy gia tăng sự lệ thuộc cả về phạm vi kinh
tế đối với những quốc gia khác giàu mạnh và tiến bộ nhanh hơn. Các dân tộc bị
đói khổ hoành hành đang kêu gọi các dân tộc phồn thịnh hơn. Ở đâu nữ giới chưa
được bình quyền với nam giới đều đứng lên đòi hỏi cho mình được bình đẳng trước
pháp lý và trên thực tế. Các công nhân và nông gia cũng muốn rằng họ làm việc
không những để mưu sống nhưng còn để phát huy những tài năng của con người họ,
hơn nữa họ còn muốn tham gia vào việc tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, chính
trị và văn hóa. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, toàn thể các dân tộc
đã xác tín mình có thể và phải thực sự phổ biến những thành quả của văn hóa tới
hết mọi dân tộc.
Dưới tất cả những
đòi hỏi đó tàng ẩn một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn: mọi cá nhân và tập thể
đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng với con người; để phục vụ cho
chính mình, họ muốn chế ngự tất cả những gì thế giới ngày nay có thể cung ứng hết
sức dồi dào cho họ. Hơn nữa, các quốc gia vẫn ngày một cố gắng hơn để đạt tới một
thứ cộng đoàn đại đồng.
Như vậy, thế giới
ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất
hoặc xấu xa nhất, đang khi ấy trước mặt nó là con đường dẫn tới tự do hoặc nô lệ,
tiến bộ hoặc thoái hóa, huynh đệ hoặc đố kỵ. Lại nữa, con người đã ý thức được
chính họ phải điều khiển cho đúng những năng lực do chính mình tạo nên và đó là
những năng lực có thể đè bẹp họ hoặc phục vụ cho họ. Do đó họ phân vân.
10. Những vấn nạn sâu xa hơn của nhân loại. Thực vậy, những chênh lệch
dày vò thế giới ngày nay được nối liền với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất
từ đáy lòng con người. Bởi vì, ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung
khắc nhau. Vì một đàng, là tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong
nhiều phương tiện, nhưng đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô
biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn. Bị lôi kéo giữa
nhiều quyến rũ, con người luôn bị bó buộc phải lựa chọn một số hoặc loại bỏ một
số khác. Hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm điều mình
không muốn và không làm được điều mình muốn làm 4. Bởi
vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó, sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn
lao trong xã hội. Thực vậy rất nhiều người vì đời sống thấm nhiễm chủ nghĩa duy
vật thực hành nên đã không nhìn nhận rõ ràng thảm trạng ấy, hay ít ra vì lối sống
cơ cực đè nặng không cho phép họ nghĩ tới nữa. Ðàng khác, dựa vào mớ lý thuyết
mà họ đã tìm ra để giải thích vũ trụ, nhiều người tưởng như thế là đủ an tâm.
Còn có những người chỉ trông vào nỗ lực của con người mới đem lại cho nhân loại
sự giải phóng đích thực và trọn vẹn, và họ xác tín rằng sự thống trị mai hậu của
con người trên trái đất sẽ làm mãn nguyện mọi ước vọng của con tim nhân loại.
Cũng không thiếu những người thất vọng về ý nghĩa cuộc sống tán dương những kẻ
táo bạo nghĩ rằng sự hiện hữu của con người tự nó không mang một ý nghĩa nào
nên họ cố gắng dùng nguyên tài năng của mình để tạo nên tất cả ý nghĩa cho sự
hiện hữu ấy. Tuy nhiên, trước sự tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng
có nhiều người hoặc đặt vấn đề hoặc nhận thức một cách sâu sắc mới mẻ về những
vấn đề hết sức căn bản như: con người là gì? Ðâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ,
cái chết? Sao chúng còn tiếp tục tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Bao
chiến thắng đạt được với một giá đắt ấy có ích gì? Con người có thể đem lại gì
cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống
trần gian này?
Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho mọi người 5. Vì
thế qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để
con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình. Giáo Hội cũng tin rằng dưới
bầu trời này chẳng còn danh hiệu nào khác được ban cho loài người để loài người
phải nhờ đó mà được cứu rỗi 6.
Cũng thế, Giáo Hội tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử
nhân loại đều ở trong Ðức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội
còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng
cuối cùng của những điều không thay đổi này là Chúa Kitô, Ðấng hôm qua, hôm nay
và mãi mãi 7. Vậy
dưới ánh sáng Chúa Kitô, Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình, Trưởng Tử giữa mọi thụ
sinh 8,
Công Ðồng muốn nói với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để
cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta.
Chú Thích:
4* Công Ðồng mời
gọi ta cùng tìm hiểu thế giới hiện đại (số 4a) để ta có thể đối thoại với nó và
đem ánh sáng Chúa Kitô chiếu dọi các vấn đề của nó (số 10b). Vì thế Công Ðồng:
1) Kể lại những
sự kiện tương phản với nhau: trạng thái thừa thãi và đói khát; tiến bộ và mù chữ;
khát vọng tự do và nhiều thứ nô lệ; khát vọng hiệp nhất và vô số chia rẽ cũng
như tư tưởng hỗn độn; tiến bộ kỹ thuật, văn hóa và tinh thần không tương hợp với
nhau (số 4).
2) Những thay đổi
thuộc về:
a) Cơ cấu về trí
óc: vì ảnh hưởng do khoa học và kỹ thuật gây nên; vì được biết lịch sử rộng
hơn, cũng như vì phép dự liệu và thuật kế hoạch; vì nhận thấy con người bắt đầu
có quyền trên đời mình cũng như trên lịch sử. Quan niệm tĩnh ngày xưa chuyển
thành quan niệm động (số 5).
b) Cơ cấu xã hội:
nếp sống cổ điển biến mất; có những hiện tượng mới như kỹ nghệ hóa, thành thị
hóa, các phương tiện truyền thông xã hội, những cuộc di cư, sự xã hội hóa (số
6).
3) Bởi đó đặt vấn
đề theo cách mới:
a) Về tôn giáo:
Giới thanh niên phản đối, lạc hướng; tinh thần phê bình; lối sống bỏ đạo thực
hành; tuyên xưng vô thần (số 7).
b) Về cá nhân:
vì những phán đoán thiếu quân bình, vì những xung đột giữa lương tâm và trí óc
trong việc đi tìm kết quả thực tiễn giữa nhu cầu chuyên môn và một quan niệm tổng
quát về vũ trụ.
c) Về gia đình:
vì vấn đề dân số, khó khăn kinh tế xã hội, những khác biệt giữa các thế hệ, những
liên quan mới giữa nam giới và nữ giới.
d) Về quốc gia:
vì những sự khác nhau giữa các chủng tộc, các giai cấp; giàu có và nghèo khổ;
vì những lý thuyết ảnh hưởng các phong trào hòa bình (số 8).
4) Nguyện vọng mới:
vì con người ý thức về quyền thế mình, nhận thấy rằng có thể đòi hỏi tham gia
vào những thành quả của văn minh và cảm thấy có quyền sống đầy đủ và xứng hợp với
bản tính con người.
5* Ðức Gioan
XXIII, đã dựa theo Mt 16,4 và Lc 21,7 để dùng câu này trong thông điệp Pacem in
Terris, và sau đó câu này trở thành một biểu ngữ cho việc canh tân Giáo Hội.
Trong số 11a Công Ðồng lại diễn tả thái độ dò xét thời điểm này.
6* Ta phải chú ý
rất kỹ đến câu quả quyết quan trọng này (xem lại trong số 54a). Ðặc biệt tất cả
những ai có trách nhiệm giáo dục lớp trẻ phải suy xét lại rằng: cố gắng tiếp tục
sống theo nếp cũ trong "giai đoạn mới của lịch sử" tất nhiên là lỗi
thời.
7* Công Ðồng muốn
nói rằng, thời xưa (và gần đây) người ta coi những thực tại nhân loại là vững bền
và ít thay đổi. Ví dụ các luật trong lãnh vực pháp lý, những tổ chức gia đình,
làng xóm, đô thị trong lãnh vực xã hội; những nhu cầu của dân chúng trong lãnh
vực kinh tế, v.v... Qua bốn thế kỷ vừa qua chưa có những thay đổi trong phụng vụ
Thánh Lễ!... Nhưng ngày nay thì khác hẳn. Người ta không còn thích coi lãnh vực
nào là bất di dịch nữa. Ngày nay con người dễ tỏ lòng nghi ngờ khi người ta nại
vào những nguyên tắc bất biến hay là dựa trên quan niệm cổ điển để giải thích
các vấn đề. Hiện nay người ta không còn tin như xưa rằng lịch sử là "thầy
dạy cho cuộc sống", hay ít ra cũng không phải theo cùng một quan niệm như
xưa.
8* Thông điệp
Mater et Magister của Ðức Gioan XXIII diễn tả hiện tượng "đời sống xã hội"
này và Công Ðồng (số 25b) trích lại lời đó. Dĩ nhiên đó là hiện tượng mới trong
xã hội kỹ nghệ Âu Mỹ. Trong xã hội nông thôn Á Ðông, nó đã có từ nghìn xưa (dù
dưới hình thức khác), đến nỗi nhiều khi gây ra nguy hại cho quyền tự do cá nhân
(xem Phaolô VI, Populorum progressio, số 36). Hiện tượng này không phải đồng
hóa với xã hội chủ nghĩa đã bị Giáo Hội lên án nhiều lần (đặc biệt trong Tđ.
Quadragesimo Anno của Ðức Piô XI, năm 1931). Sau đó chính xã hội chủ nghĩa đã
biến đổi không ít. Sự kiện xã hội hóa có thể sa vào những chỗ nguy hại như Công
Ðồng nhắc lại trong đoạn này, nhưng cũng có thể đem lại kết quả tốt đẹp: ngoài
sự phát triển vật chất, có thể giúp để thỏa mãn nhiều quyền lợi căn bản của con
người như về giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, sự cứu trợ xã hội, cứu trợ y khoa,
về hoàn cảnh làm việc, nhà ở, v.v... (Xem MV 25a và 42c).
9* Vì thiếu óc
khoa học, giới bình dân tin tưởng vào những sức lực vô hình do những quỉ thần
nào đó gây nên để giải thích hiện tượng thiên nhiên. Nhờ những nghi lễ lạ lùng
vàhuyền bí cố định từ ngàn xưa truyền lại, họ tìm cách gây ảnh hưởng trên những
ma lực đó (x.33a).
Tin tưởng vào số
tử vi cũng phải được coi như một hành thức biểu thị quan niệm phù phép.
Ðây là quan niệm
rất tai hại cho đức tin, vì quyền tự do, lòng yêu mến Thiên Chúa là Ðấng hiểu
biết và âu yếm điều khiển đời ta, chẳng chiếm chỗ nào trong quan niệm đó.
10* Những quốc
gia tân tiến hơn (Hoa Kỳ, Nga Sô, Thụy Ðiển...) lại chẳng phải là những nước bỏ
đạo nhiều hơn sao! Giới trí thức, không kể giới bác học cũng không phải như thế
sao! Nhiều khi người ta nghe nói như vậy. Thực sự nhiều khi người trí thức học
sâu về khoa học trong khi lại quên phát triển những điều học hỏi về tôn giáo
lúc còn bé. Trường hợp như thế dễ mất đức tin, nhưng không được nói rằng đó là
đòi hỏi của khoa học!
11* Trong số 9c
và 10a, Công Ðồng tóm tắt ý nghĩa đại khái của những hình thức nhân bản chủ
nghĩa khác nhau: nhân bản dân chủ mong ước giải thoát con người khỏi mọi trạng
thái hỗn độn nhờ giáo dục, kỹ thuật, quyền tự do... không cần đến Thiên Chúa,
tôn giáo, và chủ trương tự sức mình, con người sẽ đạt tới hạnh phúc... Nhân bản
khoa học, một cách tương tự, chủ trương con người tìm được tất cả các câu trả lời
nơi khoa học và không cần biết đến thực tại về tội lỗi và nguồn gốc tội lỗi nơi
con người, thực tại về công cuộc cứu chuộc của Ðấng Cứu Thế, v.v... Nhân bản
Mác xít đánh giá việc làm như giá trị duy nhất của con người. Nhờ đảng điều khiển,
con người sẽ xây dựng thế giới và xã hội mới, loại trừ mọi bất công. Tôn giáo
là một dụng cụ của các chế độ tư bản dĩ nhiên sẽ biến mất. Nhân bản Quốc gia:
đã chiếm được độc lập thì phải tự trị để phát triển đầy đủ không chấp nhận bất
cứ hình thức đế quốc nào nữa, mà tôn giáo chẳng phải là một thứ đế quốc văn hóa
sao? Nhân bản hiện sinh chủ trương rằng đời sống là phi lý. Từ con số không,
con người đang đi tới con số không nữa. Chỉ cần lòng can đảm để tự tạo ý nghĩa
cho đời mình, và tạo nên một thế giới tiện nghi hơn cho con cháu (xem số 10a).
4 Xem Rm 7,14tt.
5 Xem 2Cor 5,15.
6 Xem CvTđ 4,12.
7 Xem Dth 13,8.
8 Xem
Phần Thứ Nhất: Giáo Hội Và Thiên Chức Con Người 12*
11. Ðáp ứng những thúc
bách của Chúa Thánh Thần. Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh
Thần Thiên Chúa là Ðấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những
dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi
yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời. Thực vậy, đức
tin lấy ánh sáng mới 13*
mà chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của
con người và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải quyết hoàn toàn nhân bản.
Trước hết dưới
ánh sáng này, Công Ðồng muốn thẩm định những giá trị ngày này rất được đề cao
và đưa chúng về tới nguồn phát sinh là Thiên Chúa. Thực vậy, những giá trị này,
vì phát sinh do tài năng của con người được Thiên Chúa ban cho, nên rất tốt đẹp.
Nhưng vì lòng người đã hư hỏng nên nhiều khi những giá trị ấy đã bị sai lệch
ngoài trật tự phải có, bởi vậy chúng cần được thanh lọc 14*.
Vậy Giáo Hội
nghĩ gì về con người? Phải đưa ra những điểm nào để xây dựng xã hội ngày nay?
Ðâu là ý nghĩa cuối cùng của hoạt động con người trong vũ trụ? Người ta đang chờ
một giải đáp cho những câu hỏi trên đây. Như thế sẽ tỏ rõ rằng dân Chúa và nhân
loại, trong đó dân Chúa là một thành phần, phục vụ lẫn nhau đến nỗi sứ mệnh của
Giáo Hội biểu lộ được tính cách tôn giáo và chính vì thế biểu lộ được cả tính
cách hoàn toàn nhân loại.
Chương I: Phẩm Giá Con Người 15*
12. Con người theo hình ảnh
Thiên Chúa. Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin dường như đồng quan điểm
là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột điểm
của chúng.
Vậy con người là
gì? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan
niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con
người tán dương mình như một mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng,
từ đó con người hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa được những khó khăn này,
Giáo Hội, vì được Thiên Chúa là Ðấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải
đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người,
giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên
chức của con người.
Thực vậy, Thánh
Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng "theo hình ảnh của Thiên
Chúa" có khả năng nhận biết và yêu mến Ðấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt
làm chủ mọi tạo vật trên trái đất 1 để
cai trị và xử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa 2.
Vì "thế nhân là chi để Ngài nhớ đến? hay con người là gì để Ngài phải bận
tâm? So với thiên thần Ngài có để cho thua mấy tí. Vinh dự huy hoàng là triều
thiên Ngài ban tặng. Ngài cho thống trị các kiệt tác tay Ngài làm, muôn sự Ngài
đã đặt dưới chân" (Tv 8,5-7).
Nhưng Thiên Chúa
đã không dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thủy "Ngài đã tạo dựng
có nam và có nữ" (Stk 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng
đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình,
con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người
khác con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình.
Vì thế như ta lại
đọc thấy ngay trang đầu của Thánh Kinh: "Thiên Chúa đã thấy tất cả những
gì Ngài đã làm đều rất tốt đẹp" (Stk 1,31).
13. Tội lỗi. Ðược Thiên
Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người
nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên
Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Dù họ đã nhận biết
Thiên Chúa nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê
muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo
Hóa 3.
Ðiều Thiên Chúa mạc khải cho ta biết cũng phù hợp với kinh nghiệm của ta. Bởi
vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng
về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát
từ Ðấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa
như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng
đích của mình và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với
những người khác và với mọi loài thụ tạo.
Vậy trong chính
con người đã có sự chia rẽ 16*.
Vì thế tất cả cuộc sống của con người, hoặc riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện
như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối
tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu
hiệu những tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy dường như bị xiềng
xích trói buộc. Nhưng chính Chúa đã đến để giải phóng con người và làm cho con
người trở nên mạnh mẽ khi Ngài đổi mới tự nội tâm họ và loại ra ngoài thủ lãnh
của thế gian này (xem Gio 12,31) là kẻ đã kìm giữ họ trong vòng nô lệ tội lỗi 4. Tội
lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự
viên mãn 17*.
Dưới ánh sáng mạc
khải này, thiên chức cao cả và nỗi thống khổ sâu xa mà con người nghiệm thấy đều
tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng.
14. Sự cấu tạo của con người.
Con người duy nhất với xác hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những
yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới
tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Ðấng Tạo Hóa 5. Vậy
con người không được khinh miệt đời sống thể xác. Nhưng trái lại con người phải
coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng
và phải được sống lại ngày sau hết. Tuy nhiên, mang thương tích do tội lỗi gây
nên, con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác. Vậy chính
phẩm giá con người đòi hỏi con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác của mình 6 chứ
đừng để thân xác ấy nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình 18*.
Thực vậy, con
người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không
coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong
xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới 19*,
con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở
về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ
đợi họ 7,
và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con
mắt của Thiên Chúa. Như vậy, khi nhìn nhận mình có một linh hồn thiêng liêng, bất
tử, con người không phải là bị mê hoặc bởi một thứ ảo tưởng phát sinh do những
điều kiện vật lý và xã hội. Trái lại, nhìn nhận như thế là con người đã đạt tới
chính chân lý sâu xa.
15. Phẩm giá của trí tuệ,
chân lý và sự hiểu biết. Dự phần vào ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa, con người
có lý để nhận định rằng nhờ trí tuệ họ vượt trên mọi tạo vật. Qua các thời đại,
nhờ chuyên cần trau dồi tài năng của mình, chính con người đã thực sự tiến bộ
trong những khoa học thực nghiệm, những khoa kỹ thuật và nghệ thuật. Trong thời
đại chúng ta, con người đã đạt được những thành công phi thường, nhất là trong
việc khám phá và chế ngự thế giới vật chất. Tuy nhiên con người đã luôn luôn
tìm kiếm và đã khám phá ra chân lý sâu xa hơn. Thực vậy, trí khôn con người
không hẳn chỉ giới hạn trong những hiện tượng mà thôi, nhưng còn có thể thấu
triệt thực tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn, cho dù trí tuệ phần nào đã
bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi.
Cuối cùng bản chất
tri thức của nhân vị được kiện toàn và phải được kiện toàn nhờ sự "hiểu biết"
20*.
Chính sự hiểu biết lôi kéo một cách dịu dàng tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ
những gì là chân, là thiện. Rồi nhờ thấm nhuần sự hiểu biết mà con người được
đưa từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình.
Hơn hẳn những thế
kỷ trước, thời đại chúng ta càng cần đến sự hiểu biết để tất cả những khám phá
mới của con người mang tính chất nhân bản hơn. Bởi vì vận mệnh tương lai của thế
giới sẽ lâm nguy, nếu thế giới không phát sinh ra những bậc thông thái lỗi lạc.
Hơn nữa, phải lưu ý rằng, nhiều quốc gia tuy nghèo nàn về kinh tế, nhưng lại
giàu có về phần hiểu biết, nên vẫn có thể trợ giúp những quốc gia khác rất đắc
lực.
Nhờ hồng ân của
Chúa Thánh Thần, con người, qua đức tin, tiến tới sự chiêm ngưỡng và nếm hưởng
mầu nhiệm Thánh ý Thiên Chúa 8.
16. Phẩm giá của lương tâm
21*.
Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt
ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu
gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng
nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này,
hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm
hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người
cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa 9.
Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con
người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội
trong thâm tâm họ 10.
Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và
được biểu lộ cách kỳ diệu 11.
Trung thành với lương tâm, người Kitô giáo liên kết với những người khác để tìm
kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra
trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay
thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù
quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Tuy
nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì
thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng
tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương
tâm dần dần trở nên mù quáng.
17. Sự cao cả của tự do 22*.
Nhưng con người chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do. Sự tự do ấy những
người đương thời với chúng ta rất ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi, và họ thực
có lý. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ võ tự do một cách lệch lạc như có thể làm bất cứ
điều gì mình thích, cả điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của
hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự
định liệu 12,
hầu con người tự mình đi tìm Ðấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến
tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải
hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc
đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế
hoàn toàn bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi nhờ tự giải thoát
khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự
do chọn lấy điều thiện và khôn khéo cũng như thực sự tạo cho mình những phương
tiện thích ứng. Tự do của con người vì bị tội lỗi làm tổn thương nên chỉ nhờ ơn
Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống
động. Vậy trước tòa án Thiên Chúa, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của
mình tùy theo chính họ đã làm điều thiện hay điều ác 13.
18. Mầu nhiệm sự chết. Trước
cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ. Con người không những
bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa,
còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng của lòng mình,
con người có lý để ghê sợ cũng như từ chối sự hủy hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt
vĩnh viễn của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể
giản lược vào nguyên vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của
kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người:
bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa
mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người.
Trước cái chết,
óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo Hội, được Mạc Khải của
Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu
cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy
rằng giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết 14;
sự chết này sẽ bị đánh bại khi Ðấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho
con người sự cứu rỗi mà vì tội lỗi, họ đã đánh mất. Bởi vì Thiên Chúa đã và
đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Ngài trong sự thông hiệp vĩnh
viễn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy
khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi
sự chết 15.
Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc
khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Ðồng thời đức tin còn cho con người
khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, và làm
cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa.
19. Những hình thức và
nguyên nhân vô thần 23*.
Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tớì kết hiệp
với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với
Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương
nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người;
hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình
yêu ấy và phó thác cho Ðấng tạo dựng mình. Tuy nhiên có nhiều người đương thời
với chúng ta không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống
động giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế thuyết vô thần phải được kể là một
trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này và cần phải được nghiên
cứu kỹ càng hơn.
Danh từ vô thần
chỉ những hiện tượng rất khác nhau. Thực vậy, có người phủ nhận Thiên Chúa cách
tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về
Thiên Chúa cả. Có người muốn cứu xét vấn đề về Thiên Chúa theo một phương pháp
làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm
một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự chỉ bằng khoa học
này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có
người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô
nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên
Chúa. Có người hình dung ra cho mình một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi
biểu tượng mà họ bài xích không còn điểm nào là Thiên Chúa của Phúc Âm cả. Cả vấn
đề về Thiên Chúa cũng không hề được đặt ra bởi vì xem ra họ không cảm thấy áy
náy gì về tôn giáo cũng như không thấy tại sao lại phải bận tâm về vấn đề đó.
Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần nhiều lúc phát sinh hoặc do sự phản kháng mãnh liệt
chống lại sự dữ trong thế gian hoặc do nhận định sai lầm cho một số giá trị của
con người là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho chính Thiên Chúa. Ngay cả
nền văn minh hiện đại nhiều lúc có thể làm cho khó đến với Thiên Chúa hơn,
không phải tự nó, nhưng vì nó quá bám víu vào những thực tại trần gian.
Quả thực, những
người không nghe theo tiếng nói của lương tâm, cố tình loại trừ Thiên Chúa ra
khỏi lòng mình và tránh né những vấn đề tôn giáo, chắc chắn họ mắc lỗi. Song
chính những tín hữu nhiều lúc cũng có một phần trách nhiệm về vấn đề này. Bởi vì
chủ nghĩa vô thần nói chung không phải do một nguyên nhân duy nhất, nhưng trái
lại nó phát sinh do nhiều nguyên nhân. Trong những nguyên nhân ấy còn phải kể tới
phản ứng chỉ trích chống lại các tôn giáo, hơn nữa ở một vài nơi, còn chống lại
cả Kitô giáo. Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc
khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai
lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã
hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và
tôn giáo.
20. Vô thần có hệ thống.
Vô thần hiện nay nhiều khi cũng được trình bày như một hệ thống; không kể tới
những nguyên nhân khác, hệ thống này quá nhấn mạnh đến khát vọng được tự lập của
con người đến độ làm cho nó khó chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc nào vào Thiên
Chúa. Những người chủ trương thuyết vô thần như vậy cho rằng tự do hệ tại ở con
người là chính cùng đích cho mình, là người tạo nên và điều khiển 24*
lịch sử riêng của mình. Họ tưởng rằng quan niệm trên không thể đi đôi với sự
nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tác thành và là cùng đích của mọi sự, hay ít ra
quan niệm như thế thì quả quyết có Thiên Chúa cũng bằng thừa. Chủ thuyết này có
thể được cổ võ thêm vì sự tiến triển về kỹ thuật hiện nay đem lại cho con người
cảm tưởng mình đầy thế lực.
Trong số những
hình thức vô thần hiện nay, không thể bỏ qua một hình thức vô thần mong giải
phóng con người, nhất là giải phóng con người về phương diện kinh tế và xã hội.
Hình thức vô thần này cho rằng tự bản chất, tôn giáo vẫn ngăn cản sự giải phóng
trên, vì khi gây cho con người niềm hy vọng vào cuộc sống mai hậu và hão huyền,
tôn giáo đã làm cho họ xao lãng việc xây dựng xã hội dương thế này. Bởi vậy, những
người chủ trương lý thuyết ấy, một khi lên nắm chính quyền, họ kịch liệt chống
lại tôn giáo, dùng cả những biện pháp cưỡng bách của chính quyền để truyền bá
thuyết vô thần nhất là trong phạm vi giáo dục thanh thiếu niên.
21. Thái độ của Giáo Hội đối
với chủ nghĩa vô thần. Trung thành với Thiên Chúa cũng như với con người, Giáo
Hội không thể không tiếp tục lên án với nỗi đau buồn và với tất cả sự cương quyết,
như đã từng lên án 16,
những chủ thuyết vô thần và những hành động nguy hại đi ngược lại lý trí và
kinh nghiệm chung của con người cũng như làm cho con người mất đi sự cao cả bẩm
sinh của mình.
Tuy nhiên Giáo Hội
vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân chối từ Thiên Chúa tiềm ẩn trong tâm trí
những người vô thần và ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do vô thần
khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên Giáo Hội thấy cần phải cứu xét những
nguyên nhân ấy kỹ lưỡng và sâu xa hơn.
Giáo Hội cho rằng
nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá
ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa: bởi vì con người có trí
tuệ và tự do được Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng đặt để trong xã hội, nhưng nhất là
vì con người được gọi đến thông hiệp với chính Thiên Chúa và tham dự vào hạnh
phúc của Ngài như con cái. Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng hy vọng vào đời sống
mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này mà trái lại
còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy. Vả lại, nếu thiếu
căn bản là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống trường cửu thì phẩm
giá con người sẽ bị tổn thương cách trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những
bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ vẫn không giải đáp được, như
thế con người nhiều khi rơi vào tuyệt vọng.
Trong khi đó, mỗi
người vẫn còn là một câu hỏi chưa giải đáp cho chính mình, một câu hỏi chỉ thấy
lờ mờ. Bởi vì có những lúc, nhất là trong những biến cố lớn lao của cuộc sống,
không ai có thể hoàn toàn tránh được câu hỏi nói trên. Chỉ một mình Thiên Chúa
là Ðấng kêu gọi con người suy nghĩ sâu xa hơn và tìm hiểu khiêm tốn hơn mới đem
lại được câu giải đáp hoàn toàn và hết sức chắc chắn.
Ðể đem lại
phương thuốc chữa trị vô thần, người ta phải cậy nhờ vào giáo lý được trình bày
một cách thích hợp và nhờ đó vào đời sống thanh khiết của Giáo Hội cũng như của
các chi thể của Giáo Hội. Bởi vì nhiệm vụ của Giáo Hội là làm sao cho Thiên
Chúa Cha và Chúa Con nhập thể trở nên hiện diện và như thể thấy được bằng cách
chính Giáo Hội tự đổi mới và không ngừng tinh luyện chính mình 17
dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ðiều đó trước hết nhờ chứng tá của một đức
tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin đã được huấn luyện để có thể
sáng suốt nhận định và thắng vượt những khó khăn ấy. Rất nhiều vị tử đạo đã và
còn đang hùng hồn làm chứng cho đức tin ấy. Ðức tin đó phải biểu lộ sự phong
phú của mình bằng cách thấm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời
sống thế tục, và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo
khổ. Sau hết, điều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức
ái huynh đệ của các tín hữu như họ đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin Phúc
Âm 18
và tỏ ra họ là dấu chỉ hiệp nhất.
Thực vậy, Giáo Hội
dù hoàn toàn bác bỏ thuyết vô thần, nhưng vẫn thành thực tuyên bố rằng mọi người,
dù tin hay không tin, cũng đều phải trợ lực cho việc xây dựng thế giới này được
hợp lý, là nơi họ đang chung sống: điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu
cuộc đối thoại thành thực và khôn ngoan. Bởi vậy Giáo Hội phàn nàn về sự kỳ thị
giữa những người tin và không tin do một số nhà lãnh đạo quốc gia gây ra một
cách bất công khi không nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người. Riêng
đối với các tín hữu, Giáo Hội đòi cho họ phải được tự do đích thực để họ có thể
xây dựng đền thờ Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Ðối với những người vô thần,
Giáo Hội nhân ái mời gọi họ hãy nghiên cứu Phúc Âm Chúa Kitô với một tâm hồn cởi
mở.
Bởi vậy, Giáo Hội
đã biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng
người, khi Giáo Hội bênh vực thiên chức con người và do đó đem lại niềm hy vọng
cho những ai đã thất vọng về vận mạng cao cả của mình. Sứ điệp của Giáo Hội chẳng
những không làm suy giảm con người mà trái lại còn đổ tràn ánh sáng, sự sống và
tự do để giúp con người tiến bộ. Ngoài sứ điệp đó không còn gì khác có thể thỏa
mãn được lòng người. "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con để chúng con đến
với Chúa, và tâm hồn chúng con còn thao thức cho tới khi được an nghỉ trong
Chúa" 19.
22. Chúa Kitô, Con Người Mới.
Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi
Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến 20,
là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của
Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức
rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm
thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới tột điểm nơi Người.
Là "hình ảnh
của Thiên Chúa vô hình" (Col 1,15) 21,
chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh
Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại
đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt 22,
do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá
siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp
với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng
trí óc con người, đã hành động với ý chí con người 23,
đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở
nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi 24.
Là Chiên vô tội
Người tự ý đổ máu ra để cho chúng ta được sống, và chính trong Người Thiên Chúa
đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và hòa giải giữa chúng ta với nhau 25
cũng như đem chúng ta ra khỏi ách nô lệ của ma quỉ và tội lỗi, do đó mỗi người
chúng ta đều có thể nói như Thánh Tông Ðồ rằng: Con Thiên Chúa "đã yêu
thương tôi, lại hiến thân cho tôi nữa" (Gal 2,20). Chịu đau khổ cho chúng
ta, không những Người nêu gương để chúng ta theo vết chân Người 26,
nhưng Người còn mở ra con đường mới để nếu chúng ta theo Người thì sự sống và
cái chết sẽ được thánh hóa và có một ý nghĩa mới.
Con người Kitô hữu
khi trở nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng Tử trong đoàn anh em đông đúc 27,
họ nhận được "những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần" (Rm 8,23), nhờ
đó họ có thể chu toàn lề luật yêu thương mới 28.
Nhờ Thánh Thần làm "bảo chứng cho quyền thừa tự" (Eph 1,14), toàn thể
con người được canh tân từ nội tâm cho tới khi "thân xác được cứu rỗi"
(Rm 8,23): "Nếu Thánh Thần Chúa là Ðấng đã khiến Chúa Giêsu từ kẻ chết sống
lại cư ngụ trong anh em, chính Ðấng đã khiến Chúa Giêsu Kitô từ kẻ chết sống lại
đó cũng sẽ làm sống động thân thể hay hư nát của anh em nhờ Thánh Thần Ngài ở
cùng anh em", (Rm8,11) 29.
Người Kitô hữu chắc chắn cần thiết và có bổn phận chiến đấu chống sự dữ khi phải
trải qua nhiều gian nan cũng như phải chết nữa. Nhưng vì được dự phần vào mầu
nhiệm phục sinh, 25*
được đồng hóa với cái chết của Chúa Kitô, được mạnh mẽ nhờ đức cậy, họ sẽ được
sống lại 30.
Ðiều nói trên
không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng cho tất cả những ai có thiện
chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn 31.
Thực vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người 32
và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên
Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng
tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi.
Ðó là tính chất
và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được Mạc Khải Kitô giáo soi
sáng cho các tín hữu. Vậy nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô bí ẩn về đau khổ và
sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc
Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã hủy diệt sự chết và
Người đã ban cho ta dồi dào sự sống 33
để là con cái trong Chúa Con chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, lạy Cha! 34.
Chú Thích:
12* Trong phần
thứ nhất này Công Ðồng tìm hiểu về con người dưới ánh sáng đức tin để rồi trong
phần thứ hai có thể đề cập tới một số vấn đề cụ thể. Chương I nói về con người
trong thế giới: phẩm giá của con người. Chương II: về con người theo tính cách
xã hội. Chương III: về ý nghĩa và giá trị sinh hoạt của con người. Chương IV:
con người và Giáo Hội.
13* Sống theo đức
tin không phải là quay lưng tránh né trước các vấn đề nhân loại. Trái lại, chỉ
nhờ đức tin chúng ta mới có được quan điểm toàn diện về con người (không biết
ơn kêu gọi siêu nhiên của con người làm sao có thể biết chính con người được!).
Nên, chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể tìm thấy những giải đáp thực sự có
tính cách nhân loại bởi vì đức tin giúp ta coi trọng con người về mọi phương diện.
Dĩ nhiên ở đây không nói tới một đức tin trong lý thuyết, chẳng ảnh hưởng gì đến
các việc thường nhật.
14* Các giá trị
nhân bản, các nhân bản chủ nghĩa (xem chú thích về số 7) đều mang ý nghĩa mơ hồ.
Cả về khía cạnh tốt đẹp nhất của chúng, chúng vẫn chưa hoàn toàn và không đủ để
"cứu rỗi" con người - theo như ý muốn của Thiên Chúa!
15* Phẩm giá con
người rất cao cả vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (số 12) - dầu bị tội lỗi
làm mất vẻ trong sáng (số 13) -, vì giá trị bản tính thể xác lẫn linh hồn của
mình (số 14), đặc biệt của lý trí (số 15), của lương tâm luân lý (số 16) của
quyền tự do (số 17) và của tính bất diệt (số 18). Phẩm giá đó bị hiện tượng vô
thần làm thiệt hại không ít: Công Ðồng mô tả hiện tượng và nguyên nhân của nó rồi
nêu rõ thái độ của Giáo Hội (số 19-21). Phẩm giá của con người được biểu lộ một
cách hoàn toàn nơi Chúa Kitô (số 22).
1 Xem Stk 1,26;
Kn 2,23.
2 Xem Hđ
17,3-10.
3 Xem Rm
1,21-25.
16* Ðây là một
trong những kinh nghiệm đau đớn nhất của con người. Con người không phải chỉ là
khán giả cũng không phải chỉ có vai trò tác động trong cuộc tranh đấu giữa sự
thiện và sự ác. Cuộc tranh đấu ấy ngay ở giữa tâm hồn con người. Những sự dữ vật
chất (vô tri, yếu đuối, bệnh tật...) đều đặt giớihạn bi thảm cho lòng khát khao
sự hoàn hảo và toàn vẹn. Nhất là tội ác lôi cuốn con người từ bên trong đi ngược
với nguyện vọng sâu xa về sự thiện (xem trên, số 10).
4 Xem Gio 8,34.
17* Tội lỗi
không chỉ có nghĩa là từ chối làm con Thiên Chúa và do đó ngăn cản không cho
con người phát triển trọn vẹn, nó còn làm tổn thương chính bản tính tự nhiên của
con người: trái ngược với lý trí, đe dọa ý chí, làm cho sự tự do bị sai lạc...
hình ảnh của Thiên Chúa là con người tất nhiên bị hư hỏng rất nhiều.
5 Xem Ðn
3,57-90.
6 Xem 1Cor
6,13-20.
18* Ở đây Công Ðồng
nhắc lại một số nhận xét về thân xác theo thần học công giáo:
1) Thân xác là
phần bản thể của thực tại duy nhất là con người. Con người không gồm có hai phần:
xác và hồn, nhưng con người là xác và hồn. Ta còn có thể nói con người là thân
xác này: bởi vì nếu chưa có hồn thì cũng chưa phải là thân xác này, mà chỉ là một
đống vật chất chưa thành thể.
2) Thân thể vật
chất kết tụ các yếu tố tốt của giới vô cơ, của giới thực vật và động vật. Nơi
con người, tất cả các nguyên tố đó được thêm ý thức và khả năng để ngợi khen Ðấng
Tạo Hóa.
3) Ðược Thiên
Chúa tạo nên, không chỉ vì Chúa đã tạo nên vật chất sơ khai mà còn do việc cộng
tác cần thiết và hệ trọng nhất của Thiên Chúa với đôi cha mẹ (x. 2Mac 7,22-23).
4) Thân thể hay
chết cuối cùng sẽ sống lại. Sống lại vẻ vang theo ý muốn của Chúa, giống như
thân thể của Chúa Kitô Anh Cả của loài người (đặc biệt của tín hữu) (x. 1Cor
15,20-22.42-49).
5) Do đó ta phải
kính trọng thân thể.
6) Ðàng khác tội
lỗi - không chỉ nguyên tội mà còn các tội lỗi khác, nhất là tội lỗi của riêng từng
người - đã làm tổn thương nó. Các dục vọng (sự sợ hãi, sự nổi giận, tính lười
biếng, sự dâm dục, v.v...) dễ dàng thúc đẩy ngũ quan và tâm hồn tìm kiếm những
đối tượng bất chấp tính cách luân lý, hơn nữa trái ngược với lý trí. Như thế
con người cảm thấy thân xác đè nặng mình, giới hạn mình và trở nên chướng ngại
vật giữa chính mình và tha nhân... (x. Rm 7,24).
7) Việc làm sáng
danh Thiên Chúa nơi thân thể (x. 1Cor 6,20) đòi hỏi ta phải gắng sức tranh đấu
với những xu hướng xấu nơi thân xác. Phẩm giá của con người cũng đòi hỏi như vậy.
"Nhờ thân xác, con người liên lạc với vũ trụ để cải thiện nó; với tha
nhân, để cảm thông (nơi hôn nhân, thân xác đạt tới tột đỉnh của nó như khí cụ để
biểu lộ và phục vụ tình yêu); với Thiên Chúa, để trung thành phục vụ Chúa hết
lòng..." (Vatican II, Gaudium et Spes, x.b. l'Action populaire, ghi chú
28).
19* Câu này muốn
nói rằng con người cao vượt hơn và có giá trị hơn cả vũ trụ vì con người có lý
trí. Nhờ lý trí con người có thể suy luận, như quay về nội tại của mình để tìm
trong đó ý nghĩa của mọi sự và tìm cách chỉ huy không những chính đời mình mà
còn các thực tại khác nữa.
7 Xem 1V 16, 7;
Gier 17,10.
20* Sapientia bởi
Sapere tức là nếm mùi có nghĩa rộng hơn và sâu xa hơn danh từ hiểu biết. Ðó là
một thứ hiểu biết của người sáng suốt, của người không phải chỉ hiểu biết chân
lý mà còn thưởng thức ý nghĩa thâm sâu của chân lý, dù chân lý đó là những nhận
xét về thiên nhiên, về bản tính con người hay về thế giới vô hình. Người học thức
chưa chắc đã có thứ hiểu biết này, trái lại kẻ vô học, mù chữ, rất có thể lại
được thứ hiểu biết đó. Ðầu óc khoa học và kỹ thuật của thời đại ít giúp ta chiếm
được thứ hiểu biết ấy.
8 Xem Hđ 17,7-8.
21* Công Ðồng đã
xác nhận chiều hướng hiện nay đang đề cao giá trị và vai trò của lương tâm.
Không lập nên một thuyết nào, nhưng Công Ðồng nhắc lại những điểm chính trong
thần học Công Giáo. Số này diễn tả lương tâm luân lý theo phương pháp hiện tượng
thuyết: 1) lương tâm như tiếng nói trong nội tâm từng người, 2) chỉ dẫn về điều
lành điều dữ, 3) và đòi hỏi phải tránh điều ác, làm điều thiện, 4) đòi hỏi như
ra lệnh, 5) giống như một lề luật đã được khắc ghi vào thâm tâm, 6) không phải
do chính mình lập ra.
Hiện tượng đó đầy
ý nghĩa. Theo Công Ðồng: 7) Phẩm giá con người hệ tại việc vâng theo tiếng nói
đó, 8) bởi vì đó là lề luật cuối cùng đối với từng người: theo đó con người sẽ
bị xét xử, 9) do đấy lương tâm cũng là nơi sâu kín nhất trong đó con người gặp
Chúa một mình, 10) và ở đó con người tìm thấy luật sinh hoạt là luật được thực
hiện trong giới răn mến Chúa yêu người, 11) vì mọi người đều có lương tâm nên
tín hữu và mọi người khác có thể gặp nhau và hiểu nhau trong khi tìm chân lý.
Công Ðồng nói,
12) về lương tâm ngay thẳng (của người cố gắng trung thành với tiếng nói đó)
giúp ta hoạt động theo qui tắc khách quan chứ không tự ý mù quáng. 13) Sự sai lầm
không làm cho lương tâm ấy hết giá trị: thực sự vì ngay thẳng nghĩ rằng hoạt động
như thế hợp với ý Chúa, được Chúa bằng lòng. 14) Chỉ khi nào cố ý từ bỏ chân lý
và ý muốn của Chúa, hay là khi lương tâm trở nên lu mờ vì tội lỗi, lúc ấy giá
trị của nó mới bị tổn thương.
9 Xem Rm
2,14-16.
10 Xem Piô XII,
Thông điệp truyền thanh de conscientia christiana in juvenibus recte
efformando, 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 271.
11 Xem Mt
22,37-40; Gal 5,14.
22* Quyền tự do
là một thứ quyền đáng sợ, nhưng đồng thời là nguyên nhân khiến con người nên
cao quí thật sự. Do đó con người có thể lấy tình yêu đáp ứng lại tình yêu Thiên
Chúa, nhưng cũng có thể phản nghịch. Con người cao cả không phải vì có thể theo
sở thích, vì có thể phản nghịch hay vì có thể chiều theo những xu hướng mù
quáng của dục vọng trái với lý trí và đức tin, nhưng chính là vì có thể tự ý
đón nhận ý muốn của Thiên Chúa. Ðược tạo nên giống như hình ảnh của Thiên Chúa,
con người thật cao trọng khi tự ý cố gắng tới gần và giống như Thiên Chúa hơn.
Ðiều đó không phải
là dễ dàng. Quyền tự do bị ảnh hưởng bởi nhiều sức lực thúc đẩy, không những sức
lực bên ngoài (như giáo dục - hay là việc thiếu giáo dục - khung cảnh sống, dư
luận, hoàn cảnh xã hội v.v...) mà còn cả sức lực bên trong (như tính tình, sức
khỏe, dục vọng, mặc cảm và xu hướng tiềm thức).
Nếu con người
không được đào tạo và giáo dục để biết xử dụng quyền tự do thì con người có thể
sống lâu mà ít khi hoạt động tự do thật sự, nghĩa là ít khi đạt tới mức độ cao
cả của mình theo như ý Chúa.
Về quan niệm của
Công Ðồng đối với quyền tự do xin xem bảng phân tích.
12 Xem Hđ 15,14.
13 Xem 2Cor
5,10.
14 Xem Kn 1,13;
2,23-24; Rm 5,21; 6,23; Giac 1,15.
15 Xem 1Cor
15,56-57.
23* Công Ðồng nhắc
lại rất vắn tắt nhiều khía cạnh của hiện tượng đi ngược lại với phẩm giá của
con người hơn cả: đó là vô thần. Nhiều Nghị Phụ đã muốn lên án vô thần một lần
nữa, nhất là vô thần cộng sản. Nhưng tinh thần mới (x. lời giới thiệu) đã thắng
thế.
1) Hình thức (số
19b): Công Ðồng nhắc lại nhiều hình thức khác nhau do một số lý do: a) vì triết
thuyết (phủ nhận Thiên Chúa; quả quyết con người không thể biết gì về Chúa; đặt
vấn đề về Thiên Chúa một cách lệch lạc vô nghĩa); b) vì đầu óc khoa học (muốn
áp dụng khoa học vào phạm vi ở ngoài phạm vi của nó; do đó không nhận chân lý
tuyệt đối); c) vì chủ nghĩa nhân bản (quá đề cao con người; Thiên Chúa không
quan trọng; coi giá trị nhân bản như tuyệt đối; hai hình thức trong số 20 cũng
có tính cách nhân bản: con người phải hoàn toàn tự trị không cần đến Chúa; hay
là phải hoàn toàn tự lập về kinh tế xã hội không bị tôn giáo ràng buộc); d) vì
quan niệm sai lầm về Chúa (từ chối một Thiên Chúa không phải là do Phúc Âm cho
biết; tin nơi Thiên Chúa để làm gì?); e) vì vấn nạn về sự dữ; f) vì đầu óc phàm
trần (do văn minh hiện đại dễ gây nên).
2) Nguyên nhân:
Ngoài lý do vừa kể, vô thần có thể có: a) do tội của cá nhân; b) nhưng một phần
cũng có thể vì các tín hữu chưa được đức tin đào tạo, vì nhiều khi trình bày đức
tin cách khờ khạo, vì đời sống không hợp với đức tin, đặc biệt là sinh hoạt xã
hội (số 19c).
3) Thực tại của
Giáo Hội: Vô thần là trái với lý trí, với kinh nghiệm chung của nhân loại, với
phẩm giá của con người, a) thì Giáo Hội không thể không lên án nó; b) nhưng
đàng khác Giáo Hội muốn đối thoại với người vô thần, trình bày với họ rằng vô
thần thiếu nền tảng vững chắc (phẩm giá con người đòi hỏi phải tùng phục Thiên
Chúa, và lòng tin nơi Thiên Chúa không ngăn cản con người lo cho công việc phải
làm để xây dựng thế giới, các thắc mắc căn bản, trước hết về ý nghĩa chính con
người, không giải thích được; c) Giáo Hội muốn các tín hữu dấn thân vào công việc
chung đó; d) mong đợi người vô thần sẽ tôn trọng quyền tự do của họ và hơn nữa
sẽ thành thật tìm hiểu tinh thần Phúc Âm; e) còn tính hữu không những phải biết
trình bày đức tin, mà nhất là phải sống với đức tin sống động và với đức mến nồng
nàn để mọi người có thể nhận thấy Chúa qua Giáo Hội.
Về vô thần cộng
sản, Công Ðồng chỉ nhắc lại hai tính cách, dù chưa đủ để diễn tả nó hoàn toàn,
nhưng cũng quan trọng: a) tính cách nhân bản nhằm giải thoát con người trong
lãnh vực kinh tế, xã hội; b) tính cách độc tài và không chịu điều đình khi chiếm
quyền chính trị.
Mác xít chủ
nghĩa là một khái niệm cho rằng thế giới tự nó là hoàn toàn và mang đầy đủ ý
nghĩa, vì thế nó loại trừ mọi tín ngưỡng tôn giáo. Lịch sử, con người, xã hội
v.v... đều có ý nghĩa và phát triển theo đòi hỏi biện chứng pháp. Nó mang tính
cách tín ngưỡng hơn là khoa học vì mục đích cuối cùng là giải thoát (cứu chuộc)
con người khỏi các sự mất nhân cách, cũng như vì đem lại một niềm hy vọng (thay
thế đức cậy) vào sự giải thoát đó trong tương lai.
Cũng như Giáo Hội,
các tín hữu phải loại bỏ thái độ thù hằn, tranh đấu, nghi ngờ... mà trong khi
lên án vô thần (hơn nữa chính vì thế) phải tìm hiểu tâm trạng của người vô thần
để cùng nhau xây dựng thế giới, và nếu có thể được, để đối thoại với họ. Ðối
thoại một cách thành thực và khôn ngoan, không giấu giếm đức tin mình mà trái lại,
vì không thể đối thoại thực sự khi không biết minh chứng bằng đời sống mình trước
hết và bằng việc trình bày giáo lý một cách đầy đủ và thích hợp (x. thêm số
28b).
Ðối thoại như vậy
phải chăng là mới lạ? Nhưng Công Ðồng đã nhắc cho chúng ta rằng chúng ta đang sống
giai đoạn mới (x. số 4b).
24* Công Ðồng
dùng danh từ Hy Lạp demiurgus. Một số triết gia xưa gọi demiurgus là một thần tạo
dựng vũ trụ mặc dầu không phải là Ðấng Tối Cao.
16 Xem Piô XI,
Tđ. Divini Redemptoris, 19-3-1937: AAS 29 (1937), trg 65-106. - Piô XII, Tđ. Ad
Apostolorum principio, 20-6-1958: AAS 50 (1958), trg 601-614. - Gioan XXIII,
Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 451-453. - Phaolô VI, Tđ.
Ecclesiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 651-653.
17 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, Ch. 1, số 8: AAS (1965), trg 12.
18 Xem Ph 1,27.
19 T. Augustinô,
Confes. I, 1: PL 32,661.
20 Xem Rm 5,14.
- Xem Tertullianô, De Carnis resurr. 6: "Vì vậy, bất cứ điều gì mà bùn đất
đã biểu thị đều nhắm về Chúa Kitô, Ðấng sẽ đến": PL 2,802 (848); CSEL, 47
trg 33, hàng 12-13.
21 Xem 2 Cor
4,4.
22 Xem CÐ
Constantinopla II, đ.th. 7: "Ngôi Lời không biến đổi vào trong bản tính
xác thể, xác thể cũng không chuyển vào bản tính của Ngôi Lời": Dz 219
(428). - Xem thêm CÐ Constantinopla III: "Bởi vì, cũng như thế thể xác Người
hoàn toàn thánh thiện, không tì vết và sống động, đã không bị thần hóa làm mất
đi, nhưng đã ở lại trong trạng thái và theo cách thế của Người": Dz 291
(556). - Xem CÐ Calcedonia: "Phải nhận biết rằng trong hai bản tính không
lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt": Dz 148 (302).
23 Xem CÐ Const.
I I I: "Cũng vậy, ý chí nhân loại của Người dù được thần hóa vẫn không bị
mất đi": Dz 291 (556).
24 Xem Dth 4,15.
25 Xem 2Cor
5,18-19;
26 Xem 1P 2,21;
Mt 16,24; Lc 14,27.
27 Xem Rm 8,29;
28 Xem Rm
8,1-11.
29 Xem 2Cor
4,14.
25* Tất cả mọi
người có thể tham dự vào mầu nhiệm phục sinh (xem them GH 13, 16; MK 6-7, 14; TG
3, 7...).
30 Xem Ph 3,10;
Rm 8,17.
31 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch.II, số 16: A AS 57 (1965),
trg 20.
32 Xem Rm 8,32.
33 Xem Liturgia
Paschalis Byzantina.
34 Xem Rm 8,15;
Gal 4,6; Gio 1, 12 và 1Gio 3,1.
Chương II: Cộng Ðoàn Nhân Loại 26*
23. Mục Ðích Công Ðồng nhắm
tới. Trong những khía cạnh chính yếu của thế giới hôm nay phải kể tới sự gia
tăng những mối tương quan giữa con người với nhau, mà những tiến bộ kỹ thuật
ngày nay đóng góp rất nhiều vào việc phát triển sự gia tăng ấy. Tuy nhiên, cuộc
đối thoại huynh đệ giữa con người được hoàn hảo không phải ở trong những tiến bộ
ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đoàn nhân loại. Cộng đoàn này đòi hỏi
phải có sự tôn trọng tất cả phẩm giá thiêng liêng của nhau. Mạc khải Kitô giáo
giúp nhiều vào việc cổ võ cho sự hiệp thông giữa các nhân vị, đồng thời cũng
đưa ta tới chỗ hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội mà Tạo
Hóa đã in vào bản tính thiêng liêng và luân lý của con người.
Bởi vì những tài
liệu mới đây của Giáo Quyền đã trình bày sâu rộng hơn lý thuyết Kitô giáo về xã
hội con người1,
nên Công Ðồng chỉ nhắc lại một ít chân lý chính yếu và Công Ðồng trình bày những
nét căn bản của các chân lý ấy dưới ánh sáng của Mạc Khải. Tiếp đến, Công Ðồng
nhấn mạnh tới một vài hậu quả xét là quan trọng hơn ở thời đại chúng ta.
24. Ðặc tính cộng đoàn của
thiên chức con người trong ý định Thiên Chúa. Lấy tình Cha săn sóc mọi người,
Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử
với nhau bằng tình huynh đệ. Bởi vì mọi người được tạo dựng giống hình ảnh của
Thiên Chúa là Ðấng đã "cho tất cả nhân loại do một nguyên tổ cư ngụ trên
khắp mặt đất" (CvTđ 17,26), nên họ đều được gọi tới cùng một cứu cánh duy
nhất là chính Thiên Chúa.
Do đó yêu mến
Thiên Chúa và anh em là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Thánh Kinh dạy ta rằng
tình yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời với tình yêu anh em: "...nếu có
điều răn nào khác đi nữa cũng gồm tóm trong lời này: hãy thương yêu anh em như
chính mình... Thương yêu là chu toàn luật pháp vậy" (Rm 13,9-10; x. 1Gio
4,10). Ðiều nói trên cũng được nhận là quan trọng nhất đối với con người mỗi
ngày một lệ thuộc nhau hơn cũng như đối với thế giới ngày càng hiệp nhất lại.
Hơn nữa, khi cầu
nguyện với Chúa Cha: "xin cho mọi người nên một..., như chúng ta là một"
(Gio 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lý trí con người không thể
tự đạt tới được. Như vậy Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết
hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và
đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được
Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ
thành thực hiến thân 2.
25. Sự lệ thuộc giữa con
người và xã hội. Ðặc tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của
con người và sự phát triển của xã hội lệ thuộc nhau 27*.
Thực vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định
chế xã hội, bởi vì tự bản chất nhân vị phải hoàn toàn cần đến đời sống xã hội 3.
Cho nên vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một cái gì phụ thuộc,
do đó nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với
anh em, con người được tăng triển mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được
thiên chức của mình.
Giữa những mối
liên hệ xã hội cần thiết để con người được phát triển, có những mối liên hệ đáp
ứng được bản tính sâu xa của con người một cách trực tiếp hơn, đó là gia đình
và cộng đoàn chính trị; cũng có những mối liên hệ phát sinh do ý muốn tự do của
con người. Trong thời đại chúng ta, nhiều nguyên nhân làm cho những mối tương
quan và lệ thuộc nhau mỗi ngày một tăng thêm; do đó phát sinh nhiều hiệp hội và
những tổ chức khác nhau, công hay tư xét về phương diện pháp lý 28*.
Sự kiện này được mệnh danh là xã hội hóa, không phải là không có những nguy hại,
tuy nhiên cũng đem lại nhiều lợi ích lớn lao để củng cố cũng như làm gia tăng
những đức tính của con người và bảo đảm những quyền lợi của con người 4.
Nhưng nếu đời sống
xã hội giúp nhiều cho con người chu toàn sứ mệnh của mình kể cả sứ mệnh tôn
giáo nữa, thì ta cũng không thể phủ nhận rằng con người vì những hoàn cảnh xã hội
họ đang sống và tiêm nhiễm ngay từ thuở thiếu thời, nên nhiều khi xa lánh không
làm điều thiện và bị lôi kéo làm điều ác. Chắc chắn những xáo trộn rất thường xảy
ra trong phạm vi xã hội một phần phát sinh từ chính tình trạng căng thẳng giữa
những tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng sâu xa hơn, những xáo trộn
trên phát sinh do ích kỷ và kiêu căng của con người, đó cũng là những nguyên
nhân làm cho môi trường xã hội ra vẩn đục. Một khi trật tự xã hội bị đảo lộn do
hậu quả của tội lỗi, thì con người, bẩm sinh đã nghiêng chiều về sự xấu, lại gặp
phải những cám dỗ mới để phạm tội. Những cám dỗ này nếu không có cố gắng liên lỉ
và không có ơn thánh trợ giúp sẽ không thể lướt thắng được.
26. Bổn phận mưu cầu công
ích. Sự lệ thuộc nhau mỗi ngày một chặt chẽ hơn và dần dần lan rộng trên toàn thể
thế giới, vì thế công ích - tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội
cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo
riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn - ngày nay mỗi lúc một nới rộng tầm phổ
quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất
cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập
thể khác, hơn thế nữa, phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại 5.
Nhưng đồng thời
con người càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng vốn có của mình, bởi
vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con
người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Vậy cần phải cho con người được tất cả
những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như
của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình,
quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền
được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn
chính thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính
đáng cả trong phạm vi tôn giáo nữa.
Bởi vậy, trật tự
xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích lợi của các nhân vị, bởi vì trật
tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại.
Ðiều này chính Chúa đã ám chỉ khi Người nói rằng ngày nghỉ được lập ra vì con
người chứ không phải con người được dựng nên vì ngày nghỉ 6.
Trật tự này phải phát triển mỗi ngày một hơn, phải đặt nền tảng trên chân lý,
xây dựng trong công bình, nuôi sống nhờ tình yêu; phải dần dần tìm được trong tự
do sự quân bình mỗi ngày mỗi hợp với nhân bản hơn 7. 29*
Ðể chu toàn được những điều trên, phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi
sâu rộng trong xã hội.
Thánh Thần Chúa,
Ðấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự
quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này. Men Phúc Âm đã và
đang làm dậy lên trong lòng con người sự đòi hỏi phải có nhân phẩm, một đòi hỏi
không thể cưỡng chế được.
27. Tôn trọng nhân vị. Ðể
đi tới những kết luận thực hành và cần thiết hơn, Công Ðồng nhấn mạnh về sự tôn
trọng con người. Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai
như "cái tôi thứ hai", cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của
họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng
đáng 8,
chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không săn sóc gì tới người nghèo Lazarô
9.
Nhất là thời
nay, chúng ta có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người
nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc có thể là một người già lão bị
mọi người bỏ rơi, hoặc là một công nhân ngoại quốc bị khinh bỉ một cách bất
công, hoặc là một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất
hợp pháp chịu đau khổ cách bất công vì tội lỗi mình không phạm, hoặc một người
đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta, làm vang lại lời của Chúa: "Bao
nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh
em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy" (Mt 25,40).
Ngoài ra, tất cả
những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào,
diệt chủng, phá thai 30*,
giết chết cách êm dịu 31*,
hoặc tự tử trực tiếp; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của con người, như cắt
bỏ một phần thân xác, hành hạ thân xác hoặc tâm trí, làm áp lực tâm lý; tất cả
những gì xúc phạm đến nhân phẩm, như những cảnh sống thấp kém dưới mức độ phải
có của con người, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và
trẻ con; kể cả những tình trạng làm việc nhục nhã khiến cho công nhân hoàn toàn
trở thành dụng cụ cho lợi lộc, chứ không được coi như con người tự do và có
trách nhiệm: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục.
Và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, thì tất cả những điều trên lại
càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục
mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Ðấng Tạo Hóa.
28. Kính trọng và yêu
thương đối thủ. Cũng phải kính trọng và yêu thương những người không cùng một cảm
nghĩ hoặc cùng một hành động với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị
hay cả tôn giáo nữa. Thực vậy, càng lấy sự nhân ái và yêu thương mà tìm hiểu
sâu xa hơn những cách cảm nghĩ của họ, chúng ta càng dễ dàng có thể đi tới đối
thoại với họ hơn.
Thực ra, đức ái
và lòng nhân hậu này không bao giờ cho phép chúng ta trở thành dửng dưng với điều
chân và thiện. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Kitô loan
báo cho mọi người chân lý cứu rỗi. Nhưng phải phân biệt lầm lỗi, điều luôn luôn
phải loại bỏ, với người lầm lỗi 32*
vì những người lầm lỗi vẫn còn giữ được nhân phẩm, ngay cả khi họ có những ý niệm
sai lầm hoặc hơi lệch lạc về tôn giáo 10.
Chỉ có mình Thiên Chúa là quan tòa và là Ðấng thấu suốt mọi tâm hồn: bởi vậy
Ngài ngăn cấm chúng ta xét đoán tội lỗi bên trong của bất cứ người nào 11.
Giáo lý của Chúa
Kitô cũng đòi chúng ta phải tha thứ những xúc phạm và giáo lý ấy nới rộng giới
răn yêu thương đối với tất cả kẻ thù, đó chính là giới răn trong Luật Mới:
"Các ngươi có nghe lời truyền dạy hãy thương yêu thân nhân mà ghét thù địch
mình. Còn Ta, Ta dạy các ngươi: hãy thương yêu kẻ thù nghịch mình, cứ làm ơn
cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho những người bắt bớ vu vạ cho ngươi nữa"
(Mt 5, 43-44) 12.
29. Bình đẳng căn bản giữa
mọi người với nhau và công bình xã hội. Càng ngày càng phải nhận thức sự bình đẳng
căn bản giữa mọi người hơn, bởi vì mọi người đều có một tâm linh và được dựng
nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc,
hơn nữa vì được Chúa Kitô cứu chuộc nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng
chung một cùng đích nơi Thiên Chúa.
Dĩ nhiên mọi người
không bằng nhau vì không có khả năng thể chất như nhau và những năng lực trí tuệ
và tinh thần như nhau. Tuy nhiên phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ
thị về những quyền lợi căn bản của con người, hoặc trong phạm vi xã hội hoặc
trong phạm vi văn hóa, kỳ thị vì phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội,
ngôn ngữ hay tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa. Do đó thực
đáng buồn khi những quyền lợi căn bản của nhân vị cho đến nay vẫn chưa được bảo
đảm toàn vẹn ở mọi nơi. Thí dụ người ta không nhìn nhận phụ nữ có quyền tự do
chọn lựa người chồng hay quyền tự do chọn bậc sống, hoặc quyền được giáo dục và
có văn hóa như nam giới 33*.
Hơn nữa, dù có
những khác biệt chính đáng giữa con người với nhau, tuy nhiên nhân phẩm như
nhau của mọi người cũng đòi hỏi người ta phải tiến tới mức sống nhân đạo hơn và
xứng hợp với con người hơn. Thực vậy, những chênh lệch quá đáng về kinh tế và
xã hội giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình
nhân loại thực là những gương xấu và đi ngược với công bằng xã hội, lẽ phải, 34*
nhân phẩm và nền hòa bình xã hội cũng như quốc tế.
Còn các tổ chức
của con người hoặc tư hoặc công hãy nỗ lực phục vụ phẩm giá cũng như cứu cánh của
con người, đồng thời hãy mạnh mẽ chống lại bất cứ hình thức nô lệ nào trên
phương diện xã hội hay chính trị và bảo vệ những quyền lợi căn bản của con người
trong trong bất cứ một chính thể nào. Hơn nữa, các tổ chức ấy còn phải dần dần
phù hợp với những việc thiêng liêng là những việc cao cả hơn hết, dù đôi khi phải
trải qua một thời gian khá lâu để đạt tới mục đích hằng mong mỏi đó.
30. Cần phải vượt ra khỏi
thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa. Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi
cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân mà không lưu tâm hoặc
không màng chi tới diễn tiến thời cuộc 35*.
Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết,
tùy theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng
cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư nhằm cải thiện những điều kiện
sống của con người. Lại có những người ngoài miệng thì chủ trương rộng rãi và đại
lượng, mà thực tế họ luôn luôn sống như chẳng quan tâm gì tới những nhu cầu của
xã hội. Hơn nữa tại nhiều nơi có nhiều người còn coi thường các luật lệ và những
qui định của xã hội. Một số người không ngần ngại dùng những hình thức gian lận
và lừa đảo để trốn những thuế vụ chính đáng hoặc trốn tránh những gì xã hội đòi
buộc. Có người lại coi nhẹ một số luật lệ trong cuộc sống xã hội, chẳng hạn những
luật lệ liên hệ tới việc bảo vệ sức khoẻ, hoặc việc xe cộ lưu thông, bởi vì họ
không nhận thức được rằng do bất cẩn như thế sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của
họ và của những người khác.
Mỗi người đều phải
nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính
yếu của con người thời nay. Bởi vì thế giới càng hợp nhất thì hiển nhiên những
bổn phận của con người càng vượt trên những nhóm riêng rẽ hơn và dần dần sẽ lan
rộng tới toàn thế giới. Ðiều ấy chỉ thể hiện được một khi mỗi người và mỗi cộng
đoàn trau dồi nơi chính họ những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời đem những
đức tính ấy gieo rắc ngoài xã hội. Như vậy, với sự trợ giúp cần thiết của ơn
thánh Chúa sẽ có những con người thật sự mới và là những người kiến tạo một
nhân loại mới.
31. Trách nhiệm và tham
gia. Ðể mỗi người chu toàn một cách cẩn thận hơn nghĩa vụ của họ đối với mình
hay đối với những cộng đoàn mà họ là thành phần, thì với những phương thế phong
phú của nhân loại ngày nay, họ phải được giáo dục chu đáo để có văn hóa sâu rộng
hơn. Trước hết cần phải tổ chức việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ
thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ
không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại
chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy.
Nhưng con người
khó mà nắm được ý nghĩa trách nhiệm này nếu những hoàn cảnh sinh sống không cho
phép họ ý thức về phẩm giá của mình cũng như không cho phép họ đáp lại sứ mệnh
của mình bằng cách hiến thân phục vụ Thiên Chúa và người khác. Ngoài ra, sự tự
do của con người nhiều lúc suy giảm đi, một khi con người rơi vào cảnh quá cùng
cực, cũng như tự do ấy bị hạ giá một khi buông thả theo những dễ dãi quá mức
trong cuộc sống, con người dường như tự khép mình trong thứ lâu đài cô đơn ngà
ngọc. Trái lại tự do ấy được củng cố khi con người chấp nhận những ràng buộc
không thể tránh được trong cuộc sống xã hội, coi những nhu cầu muôn mặt của
tình liên đới nhân loại là của mình và tự buộc mình phải phục vụ cho cộng đoàn
nhân loại.
Vì thế, thiện
chí muốn góp phần vào những công việc chung cần được cổ võ nơi mọi người. Ngoài
ra phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho càng đông công dân
càng tốt được tham gia việc nước trong sự tự do đích thực. Tuy nhiên cần phải
lưu ý tới hoàn cảnh thực tế của mỗi dân tộc cũng như tới uy quyền cần thiết của
quyền bính quốc gia. Hơn nữa, để mọi công dân phấn khởi tham dự vào cuộc sống của
các đoàn thể tạo nên cơ cấu xã hội, thì họ cần phải tìm được trong những tổ chức
ấy, những lợi ích lôi cuốn họ và giúp họ sẵn sàng phục vụ người khác. Chúng ta
có thể nghĩ một cách hợp lý rằng số phận mai sau của nhân loại nằm trong tay những
người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hy vọng.
32. Ngôi Lời Nhập Thể và
tình liên đới nhân loại. Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống
riêng rẽ nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội. Cũng thế "... Thiên Chúa
không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng
Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý
và phụng sự Ngài trong thánh thiện" 13.
Ngay từ khởi đầu lịch sử cứu rỗi chính Ngài đã chọn con người, không phải với
tính cách như những cá nhân, nhưng như những phần tử của một cộng đoàn. Thực thế,
trong khi Thiên Chúa biểu lộ ý định của Ngài, Ngài cũng đã gọi những người được
chọn là "dân Ngài" (Xac 3,7-12), hơn nữa còn ký kết giao ước với dân ấy
tại Sinai 14.
Tính chất cộng
đoàn này nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô được kiện toàn và hoàn tất. Chính
Ngôi Lời Nhập Thể đã muốn chia sẻ tình liên đới nhân loại. Người đã hiện diện tại
tiệc cưới
Trong khi rao giảng,
Người đã truyền dạy rõ ràng cho con cái Thiên Chúa phải cư xử với nhau như anh
em. Lúc cầu nguyện, Người đã xin cho tất cả các môn đệ Người được nên "một".
Hơn nữa, là Ðấng Cứu Chuộc mọi người, chính Người đã tự hiến thân chết cho mọi
người. "Chẳng ai có lòng thương yêu hơn kẻ liều mạng sống mình vì bạn hữu"
(Gio 15,13). Người còn ra lệnh cho các Tông Ðồ rao giảng sứ điệp Phúc Âm cho
muôn dân để nhân loại trở nên gia đình của Thiên Chúa, trong đó sự sung mãn của
lề luật chính là đức ái.
Là trưởng tử của
một đoàn anh em đông đúc, sau khi chết và sống lại, Người đã thiết lập nhờ hồng
ân của Thánh Thần Người một sự kết hiệp huynh đệ mới giữa tất cả những kẻ đón
nhận Người với đức tin và đức ái trong chính Thân Thể của Người tức là Giáo Hội,
ở đấy mọi người là chi thể với nhau, tùy theo những ơn đã lãnh nhận mà phục vụ
lẫn nhau.
Tình liên đới
này cần phải được gia tăng luôn mãi cho tới ngày nó được hoàn tất, và ngày đó
nhờ được ơn thánh cứu thoát, loài người như một gia đình được Thiên Chúa và
Chúa Kitô là Anh yêu thương, sẽ dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng toàn hảo.
Chú Thích:
26* Chương này bổ
túc chương I.
1) Con người có
bản tính xã hội, theo ý Ðấng Tạo Hóa: con người đều bởi một Chúa, đều là một loại,
đều có chung một cùng đích. Lời Chúa mạc khải: như trong điều răn thứ nhất,
trong ý nguyện của Chúa Giêsu cũng như trong tính cách con cái một Thiên Chúa
Ba Ngôi cũng xác nhận điều ấy (số 24).
2) Do đó con người
cần nhờ xã hội để phát triển. Xã hội là để phục dịch con người. Nhưng nếu con
người không sinh hoạt trong xã hội vì công ích thì không có xã hội. Sự nhượng bộ
lợi ích riêng cốt để nhờ công ích xã hội mà giúp đỡ từng cá nhân. Ðàng khác nhiều
khi lý tưởng đó còn xa vời: do thiếu sót về kinh tế, về chính trị, về xã hội (lắm
lúc do tội ích kỷ và kiêu ngạo gây nên). Trong trường hợp ấy xã hội làm thiệt hại
cho con người (số 25).
3) Nên phải tôn
trọng ích chung của cả thế giới cốt cổ võ quyền lợi căn bản cá nhân. Cần phải
canh tân tâm trạng dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần và theo tinh thần Phúc Âm
(số 26).
4) Phải tôn trọng
nhân vị mọi người. Công Ðồng nhắc tới một số người thường vẫn chưa được tôn trọng,
và một số tội lỗi của xã hội ngày nay là vết nhơ cho nền văn minh và cho chính
kẻ phạm tội đó; những tội lỗi đó quả thực làm ô danh Thiên Chúa (số 27).
5) Không tiêu diệt
đối phương: tôn trọng nghĩa là tìm hiểu và đối thoại, là lên án sự sai lầm chứ
không xét đoán ý kín đáo của kẻ sai lầm. Hơn nữa, ta phải yêu thương kẻ làm hại
ta (số 28).
6) Phải công nhận
mọi người đều bình đẳng về quyền lợi căn bản vì cùng một bản tính, một nguyên
thủy, một cùng đích và cũng được cứu chuộc như nhau. Nên, phải loại trừ mọi
phân biệt về quyền lợi đó trên phạm vi cá nhân, trong sinh hoạt xã hội, văn hóa
và chính trị dù có những sự khác biệt phụ thuộc (số 29).
7) Luân lý cá
nhân phải nhượng bộ cho luân lý nhấn mạnh về nhiệm vụ xã hội: Công Ðồng vừa diễn
tả thái độ theo luân lý xã hội, vừa nêu ra vài thí dụ cụ thể trái ngược với
luân lý ấy (số 30).
8) Ðể được như vậy
phải giáo dục xã hội và canh tân trạng huống sinh hoạt. Công dân phải lần lần
góp phần vào đời sống chính trị (số 31). Hoạt động và lời Chúa mạc khải xác nhận
khía cạnh xã hội của con người: đặc biệt khi tập trung loài người như anh em,
như chi thể của một thân thể. Tình liên đới ấy sẽ hoàn thiện hóa ở đời sau (số
32).
1 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 401-464; - và Tđ.
Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 257-304. - Phaolô VI, Tđ.
Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 609-659.
2 Xem Lc 17,33.
27* Ðiều hòa quyền
lợi của xã hội (số 26) và quyền lợi cá nhân (số 27) trong thực tế rất khó, chẳng
hạn thật là rất nguy hiểm nếu dựa trên tiêu chuẩn về lượng để xét định những
đòi hỏi của công ích. Những bảng thống kê về kết quả kinh tế xã hội (sự gia
tăng sản xuất, mức độ sinh hoạt, công trình thịnh vượng, trừng phạt tội trạng,
v.v...) đã có thể vi phạm nhân vị dù chưa nói gì về phương pháp được xử dụng.
Trong trường hợp ấy các kết quả mỹ mãn đó không phục vụ công ích! Làm hại hay
tiêu diệt các nhóm thiểu số để đạt tới mục tiêu của đa số cũng là một ví dụ (x.
số 59, 73).
3 Xem T. Tôma, 1
Ethic., lect. 1.
28* Gọi là chế độ
"công pháp hay tư pháp" tùy theo liên quan đến ích lợi chung hay ích
lợi riêng. Ví dụ hệ thống tư pháp cũng có tính cách công pháp vì là cần thiết
cho công ích. Hệ thống đó nhằm bảo vệ những quyền lợi riêng của từng cá nhân
hay của từng pháp nhân (chính quốc gia cũng có quyền lợi riêng như vậy): những
quyền lời ấy thuộc về tư pháp.
4 Xem Gioan
XIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 418. - Xem thêm Piô XI, Tđ.
Quadragesimo anno, 15-5-1931: AAS 23 (1931), trg 222tt.
5 Xem Gioan
XIII, Tđ Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 417.
6 Xem Mc 2,27.
7 Xem Gioan
XIII, Tđ Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 266.
29* Không những
sự giao thiệp giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với quốc gia, mà cả những
hoạt động của chính quyền và của các quốc gia với nhau cũng phải dựa trên bốn cột
trụ này: chân lý, công bình, tình yêu, tự do. Phải chăng Công Ðồng có lý khi
đòi hỏi phải canh tân tâm trạng và đổi mới ngay chính xã hội nữa.
8 Xem Giac 2,
15-16.
9 Xem Lc 16,
19-31.
30* Phá thai là
tội trọng đi ngược với sự sống (MV 51b). Giết thai nhi khi chưa thành hình (chừng
6 tuần đầu) có lẽ không phải sát nhân (thần học cũng như khoa học chưa chắc chắn
về vấn đề thai nhi ấy đã sống do linh hồn nhân loại chưa), nhưng chắc chắn sự
phá thai đó là giết mạng sống đã có đặc tính nhân loại. Hơn nữa vì có lẽ đã có
linh hồn nhân loại rồi, nên phá thai là liều lĩnh giết người và đó là một tội,
và sát hại một kẻ không những hoàn toàn vô tội mà còn là đứa con của chính kẻ
sát nhân. Dù trường hợp người mẹ rất nguy, cũng không thể giết thai nhi để cứu
mẹ: mạng sống của thai nhi cũng như của chính người mẹ là thuộc quyền của Chúa:
không ai có quyền cắt đi. Không bao giờ được phép làm sự dữ, dù với mục đích tốt
lành. Chẳng may, vì lý do có nhiều vụ phá thai bất hợp pháp và làm trong những
hoàn cảnh thiếu cẩn thận (nhiều khi do người không phải là bác sĩ và thiếu
phương tiện), thì có quốc gia lập luật cho phép phá thai với một số điều kiện bảo
đảm. Phải hiểu rõ là dù có luật như thế đi chăng nữa, "cho phép" chỉ
có thể có nghĩa là luật pháp không coi vụ phá thai đó là tội trạng mà các tòa
án phải trừng phạt; chứ không có nghĩa phá thai không phải là tội. "Phá
thai... là tội ác đáng ghê tởm" (MV 51c). Giáo Hội phạt tội này với vạ tuyệt
thông cho tất cả những ai góp phần hiệu lực cho việc phá thai.
31* Tức là làm
cho những người bệnh nặng, tàn tật, già nua, mau chết để khỏi phải kéo dài sự
đau đớn. Hành động có vẻ nhân đạo nhưng thực sự là tội sát nhân, và tỏ lòng ích
kỷ (bệnh nhân nào lại không quấy rầy kẻ chung quanh) hơn là tỏ lòng bác ái.
32* Sự lầm lạc vẫn
đáng ghét vì không hợp với bản tính con người đã có lý trí để hiểu biết sự thật.
Sự lầm lạc trong phạm vi luân lý nhất là do tội còn đáng ghét hơn nữa vì nó làm
cho con người nên xấu xa và có thể ảnh hưởng trên người khác rất nhiều. Nhưng
chính người lầm lạc vẫn còn là con người phải được tôn trọng. "Lầm lẫn thì
không có quyền lợi": nghĩa là bản tính con người đòi hỏi rằng phải nỗ lực
để loại trừ sự lầmlạc. Dĩ nhiên chỉ con người mới có thể có quyền lợi. Thế thì
kẻ lầm lạc không có quyền để lầm lạc, nhưng vẫn có quyền để được kính trọng như
con người, mặc dầu đã lầm lạc (về vấn đề này Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo còn
nói rõ hơn).
10 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 299-300.
11 Xem Lc
6,37-38; Mt 7,1-2; Rm 2,1-11; 14,10-12.
12 Xem Mt
5,43-47.
33* Ðây chỉ là một
thí dụ về việc kỳ thị căn cứ vào giới tính. Trong xã hội thấm nhuần văn minh
Nho Giáo và Phật Giáo, sự kỳ thị này có ít hay nhiều, tùy trường hợp (coi sau
này: số 60c).
34* Ðức công bằng
giúp ta trả cho mọi người của riêng họ. Từ xưa đã có thói quen phân biệt công bằng
giao hoán đối với từng phần tử xã hội, giúp mỗi người trao trả cho người khác tất
cả những gì mà kẻ ấy có quyền đòi hỏi; công bằng pháp lý đối với chính cộng
đoàn xã hội, khiến mọi cá nhân hoạt động theo những đòi hỏi của ích chung; công
bằng phân phối của xã hội (nhờ các đại diện của xã hội) đối với mọi phần tử cộng
đoàn, thúc đẩy xã hội phân chia nhiệm vụ cũng như quyền lợi giữa phần tử của cộng
đoàn một các chính đáng. Theo văn kiên của Tòa Thánh (Ðức Piô XI và XII): công
bằng xã hội phải được hiểu như công bằng pháp lý tổng quát, nghĩa là nhân đức
khiến mọi phần tử của xã hội thực hiện mọi nhân đức khác mỗi khi ích chung đòi
hỏi như vậy (theo như Thánh Tôma dạy, II-II, q. 58, a a. 5-7 (x. Calvez-Perrin,
Eglise et Société économique. L’Enseignement social des Papes de Léon XIII à
Pie XII,
"Aequitas"
(lẽ phải) là danh từ có nghĩa gần giống danh từ công bằng, nhưng phong phú hơn:
không chỉ dựa trên nguyên tắc pháp lý để giải quyết một vấn đề, mà còn cố gắng
cân nhắc các hoàn cảnh chủ quan cũng như khách quan. Sự trọng tài giữa người
phá hoại và nạn nhân có lẽ không thỏa mãn đòi hỏi của nguyên tắc công bằng giao
hoán, nhưng trong hoàn cảnh thực tế rất có thể là giải pháp tốt nhất: thích hợp
cho con người.
35* Phải chăng
đây là điều hơi lạ khi Công Ðồng chỉ nêu ra lý do nhất thời của những xu hướng
hiện đại? Nếu con người có bản tính xã hội (Công Ðồng đã xác nhận điều này ở
trên, số 24-25), phải chăng con người không thể chỉ hoạt động tuân theo một
luân lý cá nhân? Ngoài ra, đức tin lại không nhấn mạnh rằng đức bác ái là trên
hết hay sao? ... Tố cáo Giáo Hội chỉ mới bắt đầu lưu tâm đến các vấn đề xã hội
từ cuối thế kỷ 19, nghĩa là sau cuộc cách mạng kỹ thuật và theo sau các phong
trào xã hội chủ nghĩa, tố cáo như thế chỉ là không biết lịch sử mà thôi (ví dụ
như từ trong CvTđ 2, 44-45; 4,32-35 đến các nhà Dòng chuyên lo chuộc lại những
người bị tù hay chuyên săn sóc bệnh nhân v.v...). Nhưng đàng khác không thể phủ
nhận được rằng những triết thuyết từ thời cải cách tin lành trở đi đã ảnh hưởng
tới quan niệm tôn giáo rất nhiều đến nỗi có nhiều tín hữu đạo đức trong các bổn
phận cá nhân mà lại không biết tôn trọng công bằng và bác ái xã hội chút nào.
"Tôi không giết người, không cướp của người" là những câu năng được
nghe và chúng đã tỏ lộ thứ quan niệm ấy. Thế thì làm thiệt hại cho tha nhân,
không kính trọng quyền lợi của tha nhân không phải là cách giết và cướp của người
ta hay sao? Ngoài ra họ có lo gì cho những đòi hỏi của ích chung không?... Vả lại
trước đây trong các lớp dạy giáo lý và luân lý thần học cũng gần như chỉ biết
nhấn mạnh thái độ cá nhân về các bổn phận luân lý. Dạy về bổn phận cá nhân đối
với cá nhân tương đối là dễ; trái lại dạy về bổn phận đối với tha nhân vô danh
và đối với ích chung thì khó. Chắc chắn là cần phải nhấn mạnh đến các nguyên tắc
và đào tạo lương tâm của mọi giáo dân để họ trưởng thành và biết tự xét đoán mọi
hoàn cảnh, hơn là tiếp tục để cho họ chỉ biết hoạt động theo những giải quyết từng
chi tiết của các giáo sĩ. Số 31 phác họa một chương trình căn bản về việc giáo
dục xã hội.
13 CÐ Vat. I I,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I I, số 9: A AS 57 (1965), trg
12-13.
14 Xem Xac
24,1-8.
Chương III: Hoạt Ðộng Của Nhân Loại Trong Vũ Trụ 36*
33. Ðặt vấn đề. Con người
đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống của mình bằng việc làm và tài
năng. Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật con người đã
và còn đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả
thiên nhiên, và đặc biệt nhờ sự gia tăng đủ loại phương tiện trao đổi giữa các
quốc gia, gia đình nhân loại dần dần ý thức về mình và hợp thành gần như một cộng
đoàn duy nhất trong vũ trụ. Do đó, ngày nay con người đã dùng sức cần lao tự
cung ứng nhiều phẩm vật mà xưa kia họ mong đợi trước nhất nơi các quyền lực thần
linh.
Trước nỗ lực lớn
lao đang lan rộng tới tất cả nhân loại này, nhiều câu hỏi đang được con người
nêu lên. Ðâu là ý nghĩa và giá trị của hoạt động cần lao ấy? Phải xử dụng tất cả
các sự ấy ra sao? Ðâu là mục đích của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể? Dầu
Giáo Hội là quản thủ kho tàng lời Chúa để từ đó rút ra những nguyên tắc luân lý
và tôn giáo, nhưng không phải lúc nào Giáo Hội cũng có ngay câu trả lời cho mỗi
một vấn đề. Tuy nhiên bao giờ Giáo Hội cũng ao ước nối kết ánh sáng mạc khải với
sự khôn khéo của mọi người để soi dẫn con đường mà nhân loại vừa bước chân vào 37*.
34. Giá trị của hoạt động
nhân loại. Ðối với các tín hữu, chắc chắn hoạt động cá nhân cũng như tập thể của
nhân loại, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện
hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được
tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái
đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và
thánh thiện 1 và
khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính
bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì
danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu 2. 38*
Những điều nhận
định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực
vậy trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng
như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ
lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em,
đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử 3.
Người Kitô hữu
không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực
riêng để thực hiện là chống đối quyền năng của Thiên Chúa, không coi thụ tạo có
lý trí như một địch thủ của Tạo Hóa, mà lại xác tín rằng các thắng lợi của nhân
loại là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết quả của ý định khôn lường
của Ngài. Tuy nhiên, quyền lực con người càng gia tăng, trách nhiệm cá nhân hay
tập thể lại càng nới rộng. Do đó, chúng ta thấy sứ điệp Kitô giáo không làm cho
con người tránh né khỏi công cuộc xây dựng thế giới hoặc khiến họ không còn thiết
tha đến lợi ích của đồng loại, nhưng trái lại bổn phận thực hiện những điều ấy
còn thúc bách họ hơn nữa 4.
35. Trật tự hoạt động con
người. Hoạt động của con người phát xuất từ con người nên qui hướng về con người.
Thật vậy, khi làm việc con người không những biến đổi sự vật và xã hội mà còn cải
thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc con người học biết được nhiều điều, phát
triển tài năng cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình. Nếu được hiểu cho
đúng thì sự tăng triển này đáng giá hơn mọi của cải có thể thu tích được. Giá
trị con người hệ tại ở "cái mình là" hơn hệ tại ở "cái mình
có" 5.
Cũng vậy, tất cả cái gì con người làm để đạt tới một mức độ công bình cao hơn,
một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan
xã hội, đều quí trọng hơn các tiến bộ kỹ thuật, bởi vì, các tiến bộ ấy tuy có
thể cung cấp chất liệu cho việc thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi
không thể thực hiện được công cuộc thăng tiến ấy.
Vậy nên, đây là
tiêu chuẩn hoạt động của con người: mọi hoạt động của con người phải phù hợp với
lợi ích đích thực của nhân loại theo như ý định và ý muốn của Thiên Chúa, lại
phải giúp con người, cá nhân cũng như tập thể, trau dồi và thực hiện ơn gọi
toàn diện của mình.
36. Sự độc lập đúng mức của
các thực tại trần thế. Tuy nhiên, nhiều người đương thời dường như e ngại rằng
sự liên kết khá chặt chẽ giữa hoạt động của con người và tôn giáo sẽ làm ngăn
trở sự độc lập của con người, của xã hội hoặc của khoa học 39*.
Nếu sự độc lập của
các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định
luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, xử dụng và điều
hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: đó là
điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo
Hóa. Thực vậy, chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực
và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất
cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ
thuật. Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một
cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự
trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi
một Thiên Chúa mà ra 6.
Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn
của sự vật, mặc dù không ý thức, nhưng vẫn được bàn tay Chúa hướng dẫn, vì Ngài
là Ðấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi
loài. Do đó đôi khi chúng ta có thể phàn nàn một số tâm trạng cả nơi các Kitô hữu,
không hiểu rõ sự độc lập hợp lý của khoa học. Những tâm trạng này gây nên nhiều
cuộc tranh luận và bất đồng khiến nhiều người nghĩ rằng đức tin và khoa học đối
nghịch nhau 7. 40*
Nhưng, nếu
"sự độc lập của thực tại trần thế" có nghĩa là: các tạo vật không lệ
thuộc Thiên Chúa và con người có thể xử dụng chúng mà không cần quy hướng về Ðấng
Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó
hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan. Ngoài ra mọi
tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, cũng luôn nghe tiếng Thiên Chúa và thấy
Ngài hiển hiện qua tiếng nói của tạo vật. Lại nữa, quên mất Thiên Chúa, mọi tạo
vật đều trở nên mờ tối.
37. Tội lỗi làm hư hỏng hoạt
động của nhân loại. Thánh Kinh cũng như kinh nghiệm nhiều thời đại dạy cho gia
đình nhân loại biết rằng: tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người,
nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc thang giá trị bị đảo
lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ xét quyền lợi của
mình chứ không để ý đến quyền lợi kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có
tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người lại đe dọa hủy diệt
chính nhân loại.
Một cuộc chiến
cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi
đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa
phán 8.
Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự
thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình 41*
sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa.
Bởi vậy, Giáo Hội
Chúa Kitô, tin tưởng vào ý định của Tạo Hóa, vẫn nhìn nhận rằng tiến bộ của
nhân loại có thể phục vụ hạnh phúc chân chính của con người. Nhưng Giáo Hội
không thể không lặp lại lời sau đây của Thánh Phaolô: "Ðừng theo thói thế
trần này" (Rm 12,2) nghĩa là đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo
khiến hoạt động con người vốn qui hướng về phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con
người, lại biến thành phương tiện phạm tội.
Vậy, nếu có ai hỏi
phải làm gì để vượt qua tình trạng khốn khổ ấy 42*,
người Kitô hữu sẽ tuyên xưng rằng: mọi hoạt động của con người hàng ngày đang
lâm nguy vì kiêu ngạo và lòng vị kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện
nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô. Bởi vì đã được Chúa Kitô cứu chuộc
và được biến đổi thành tạo vật mới trong Chúa Thánh Thần, nên con người có thể
và phải yêu mến chính các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Vì nhận được tạo vật
do Chúa ban, nên con người coi chúng như xuất phát từ tay Chúa và kính trọng
chúng. Ðang khi cảm tạ Thiên Chúa là Ðấng Ban Ơn vì các tạo vật ấy cũng như
đang khi xử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do, con người
thực sự thi hành quyền làm chủ thế giới, như một kẻ không có gì hết nhưng lại sở
hữu tất cả 9.
"Vì mọi sự đều thuộc về anh em còn anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô
thuộc về Thiên Chúa" (1Cor 3,22-23).
38. Kiện toàn hoạt động
nhân loại trong mầu nhiệm phục sinh. Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật
được tạo thành, đã làm người và đến sống ở trên trái đất con người 10.
Là con người hoàn hảo, Người đã đi vào lịch sử thế giới, đảm nhậm và thâu kết lịch
sử ấy nơi Người 11.
Chính Người mạc khải cho chúng ta "Thiên Chúa là tình thương" (1Gio
4,8) và dạy cho chúng ta biết rằng: luật căn bản để kiện toàn con người, và do
đó để cải biến thế giới, là điều răn mới về tình yêu. Vậy, đối với những ai tin
vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng
cho tất cả mọi người, và nỗ lực thiết lập tình huynh đệ đại đồng không bao giờ
luống công. Người cũng nhắc nhở cho biết đức bác ái ấy không phải chỉ được thực
hiện trong những việc vĩ đại, nhưng trước hết trong những hoàn cảnh thông thường
của cuộc sống. Chịu chết cho tất cả chúng ta là những người tội lỗi 12,
Người lấy gương sáng dạy chúng ta vác thập giá mà xác thịt và thế gian đặt nặng
trên vai những kẻ mưu tìm hòa bình và công lý. Ðức Kitô được tôn làm Chúa khi sống
lại và được lãnh nhận toàn quyền thống trị trên trời dưới đất 13;
từ nay Người hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người
không những bằng cách khơi dậy những khát vọng đời sau, nhưng còn từ những khát
vọng đó cổ võ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình
nhân loại biến cải cuộc sống của mình trở nên nhân đạo hơn và qui phục trái đất
về cùng mục đích ấy. Quả thật ơn Chúa Thánh Thần tác động mỗi người một khác:
có những người được gọi làm chứng nhân tỏ tường cho sự mong đợi quê trời bảo tồn
chứng tá sống động trong gia đình nhân loại, một số khác được gọi để hiến thân
phục vụ con người trong phạm vi thế trần, dùng sự phục vụ ấy chuẩn bị chất liệu
cho nước trời. Người giải thoát tất cả, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập
trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả hướng về ngày mai,
ngày mà nhân loại trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa 14.
Chúa đã để lại
cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng cậy trông và lương thực đi đường trong bí
tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của lao công con
người, được biến thành Mình và Máu vinh hiển, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và
nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời.
39. Trời mới và đất mới 43*.
Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại 15,
chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một
thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi 16,
nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới,
nơi công bằng ngự trị 17.
Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong
lòng con người 18.
Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô
và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát 19;
tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại 20
và toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát
khỏi ách nô lệ phù vân 21.
Chúng ta đã được
cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì 22.
Nhưng sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ
lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng
trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt
rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền Chúa Kitô, nhưng
những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ
chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn 23.
Thực vậy, sau
khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các
giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt
đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng,
nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và
biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và
đại đồng: "Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm
phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an" 24.
Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn
khi Chúa đến.
Chú Thích:
36* Khi chưa để
ý đến sinh hoạt của con người, ta chưa hiểu biết con người và phẩm giá của họ.
Qua lịch sử, con người đã nỗ lực để chế ngự thiên nhiên và vũ trụ, hiện nay con
người đã đạt tới một mức độ lớn lao trong công việc ấy. Trước sự kiện này, Công
Ðồng nêu ra ba thắc mắc:
1) Sinh hoạt có
giá trị nào? Và Công Ðồng trả lời: a) nó là phương tiện để phát triển và tiến tới
việc thích hợp với ý muốn của Ðấng Tạo Hóa. Ðức tin không trái ngược với ý muốn
tiến bộ đó (số 34); b) hơn thế nữa, sinh hoạt làm cho con người lớn lên về nhân
cách, do đó chính con người trở nên tiêu chuẩn luân lý của sinh hoạt (số 35).
2) Sinh hoạt như
thế nào? a) Làm theo những đòi hỏi riêng và chính thức của thực tại trần tục là
không bao giờ đi ngược với đức tin (số 36); b) đồng thời, tội lỗi, lòng kiêu ngạo
và ích kỷ có thể làm cho sinh hoạt ấy đổi ý nghĩa (số 37); c) nhưng ơn Chúa Cứu
Thế thanh luyện nó. Chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, dạy con người sinh
hoạt: nhờ đức ái con người có thể xây dựng và đổi mới thế giới (số 38).
3) Sinh hoạt với
mục đích gì? Thế giới cuối cùng sẽ đổi mới, chứ không hoàn toàn hư mất. (số
39).
37* Ba câu hỏi
trên của Công Ðồng có lẽ chưa đủ để biểu lộ các vấn đề bao gồm trong chương
này. Hơn bao giờ hết, thần học hiện đại đang tìm hiểu thực tại trần thế. Trong
chương này ta sẽ tìm thấy một số nguyên tắc căn bản để giải quyết nhiều vấn đề
có thể đặt ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau:
1) Khía cạnh tín
lý thần học: a) Ta phải có quan niệm gì về vũ trụ, về lịch sử, về sinh hoạt? b)
Một thuyết thần học về thực tại trần thế phải dựa trên nền tảng nào? c) Có một
nhân bản chủ nghĩa Kitô giáo không? d) Cần phải nhở thuyết "trần tục
hóa" tân thời để có một học thuyết thần học về thực tại trần thế không?
2) Khía cạnh
luân lý thần học: a) Giữa đòi hỏi của Nước Thiên Chúa và của thực tại trần thế,
con người phải có thái độ nào? Phải sống thế mạt (chỉ hướng về đời sau) hay nhập
thể? Hay là, đúng hơn: ta phải làm thế nào để điều hòa hai cực đoan ấy một cách
thực tế? b) Các tín hữu có chỗ đứng ở giữa cộng đoàn nhân loại đang lo việc xây
dựng thế giới không? Hay là các tín hữu phải quay lưng lại thế giới và tiến bước
trên con đường khác biệt? c) Các tín hữu có chung một thứ ngôn ngữ với người
ngoại giáo và người vô thần để mở cuộc đối thoại với họ được không?
3) Khía cạnh tu
đức: Căn cứ vào thực tại trần thế ta có thể lập ra một thuyết nào về đời sống
thiêng liêng không? Ðặc biệt về đời sống giáo dân?
4) Khía cạnh
tranh luận: Ta phải trả lời như thế nào? a) trước những lời tố cáo cho rằng đức
tin làm cho các tín hữu tách biệt với thực tại trần thế và với các vấn đề cụ thể
của cuộc sống? b) Cũng như khi người ta đồng hóa tôn giáo với những việc dị
đoan phải bị khoa học loại trừ?
1 Xem Stk
1,26-27; 9,2-3; Kn 9,2-3.
2 Xem Tv 8,7 và
10.
38* Việc làm
không phải là sự trừng phạt vì tội lỗi, chỉ tính cách khó nhọc của việc làm mới
là kết quả của tội phạm. Do việc làm: 1) con người khắc phục thiên nhiên, 2) kiện
toàn vạn vật, 3) thể hiện nhân cách: đào tạo quyền tự do, trí tuệ và ý chí cũng
như sự khéo léo tinh thần và thể xác, 4) nên chính con người hoàn thiện hóa bản
thân, 5) xây dựng xã hội, 6) cỗ võ sự hiệp nhất giữa nhân loại, 7) giúp kiến tạo
hòa bình (vì việc làm đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người). Do đó việc làm mưu
ích riêng cho con người cũng như ích chung cho xã hội và còn có thể nói là mưu
ích cho cả vũ trụ nữa.
Ðức tin còn cho
ta biết những khía cạnh mới: 8) là nhờ việc làm ta thực hiện ý muốn của Chúa Tạo
Hóa, 9) và ta góp phần để làm sáng Danh Chúa, 10) khi làm việc, con người càng
giống như hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa, 11) và cộng tác với Ngài, 12) cũng
như bắt chước Ðấng Cứu Thế (x. GH 41e). 13) Ðồng thời, nhờ ơn Chúa, chính việc
làm của con người được một giá trị siêu nhiên, giống như công việc của Ðấng Cứu
Chuộc, để đền tội, để cầu xin, để giúp tha nhân về cùng Chúa và thánh hóa bản
thân cũng như người khác: như vậy việc làm trở nên một phương tiện để thực hiện
đức thương yêu.
3 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Pacem in terris: A AS 55 (1963), trg 297.
4 Xem Sứ điệp
các Nghị Phụ gởi toàn thể nhân loại vào dịp khai mạc Công Ðồng Vaticanô II,
tháng 10, 1962: AAS 54 (1962), trg 822-823.
5 Xem Phaolô VI,
Alloc. Ad Corpus diplomaticum, 7-1-1965; AAS 57 (1965), trg 232.
39* Ðây là thành
kiến của những hình thức nhân bản chủ nghĩa (xem trên, số 7c). Ðàng khác, nó
cũng có thể là kết quả do kinh nghiệm lịch sử không tốt đẹp gây nên (xem cuối
đoạn b trong số này).
6 Xem CÐ Vat. I,
Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. III: Dz 1785-1786
(3004-3005).
7 Xem Piô
Paschini, Vita e opere di Galileo Galilei, 2 quyển, Pont. Accademia delle
Scienze, Città del Vatic., 1964.
40* Các ngành
nghệ thuật, văn chương, khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội học, v.v... đều có
đối tượng riêng biệt, phương pháp riêng biệt, kỹ thuật riêng biệt. Xét đoán một
tài liệu văn chương chẳng hạn, theo những tiêu chuẩn kinh tế mà thôi, hay là
theo kỹ thuật của khoa học chính xác, dĩ nhiên là vô nghĩa! Cũng thế, xét các vấn
đề tôn giáo với đầu óc mỹ thuật, văn chương, khoa học..., khi chưa được đào tạo
theo nguyên tắc tôn giáo cũng không kém nguy hiểm. Bởi vậy, Công Ðồng nhấn mạnh
rằng thật là hết sức khôi hài, nếu chúng ta dựa trên những nguyên tắc tôn giáo
để quyết định phải áp dụng kỹ thuật nào cho các thực tại trần thế. Các nhà sinh
vật học, toán học, kinh tế học, chính trị..., đều phải khám phá và áp dụng những
nguyên tắc và kỹ thuật riêng biệt của từng ngành. Ðức tin sẽ không giúp họ giải
quyết các vấn đề chuyên môn của họ.
Ðàng khác, chân
lý không thể mâu thuẫn với chân lý. Bởi thế những kết luận đúng sự thật của
khoa học không thể mâu thuẫn với đức tin được (về các thực tại trần thế khác
cũng phải lý luận một cách tương tự). Thiên Chúa, Ðấng đã mạc khải các tín điều
cũng là Ðấng đã tạo nên thực tại trần thế. Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với
chính Ngài. Do đó, khi nào người ta đạt tới kết luận khoa học có vẻ trái ngược
với đức tin thì phải xét lại: hoặc những kết luận đó chưa vững chắc (có thể chỉ
là những giả thuyết nhất thời), hoặc cách hiểu biết tín điều còn ở trên bình diện
thiếu sót, hoặc là cả hai.
Trong ghi chú,
Công Ðồng nhắc lại vụ án Galileô để chấp nhận phần trách nhiệm của Giáo Hội khi
vội vã quyết đoán rằng giữa kết luận khoa học (quả đất xoay chung quanh mặt trời)
và lời Thánh Kinh ("mặt trời dừng lại", chẳng hạn) có mâu thuẫn. Hôm
nay ai cũng hiểu câu nói như vậy không khác gì những câu nói thông thường của
chúng ta: "mặt trời mọc lên, lặn xuống". Về phần trách nhiệm của
chính ông Galileô khi ông vượt quá biên giới khoa học để cắt nghĩa lời Thánh
Kinh, thì ở đây Công Ðồng không muốn nhắc đến làm gì.
8 Xem Mt 24,13;
13,24-30 và 36-43.
41* Công Ðồng
nói về cuộc chiến đấu giữa sự lành và sự dữ, trước hết diễn ra tại nội tâm của
con người. Con người ước ao sự lành nhưng bị sự dữ lôi cuốn, nên con người bị
chia rẽ, như Công Ðồng đã nhắc ở phần trước (số 10a).
42* Trong đoạn
này Công Ðồng phác họa chương trình sinh hoạt về thực tại trần thế:
1) Ðể tránh mối
nguy cơ do lòng kiêu ngạo và tánh ích kỷ gây nên, ta phải ý thức mà chấp nhận
thập giá, "nghĩa là hàng ngàn hình thức thất bại" và ngăn trở có thể
xảy đến mặc dù ta đầy thiện chí và hết sức cố gắng. Thập giá đưa chúng ta đến sự
phục sinh, sự thắng trận cuối cùng trên phạm vi cao hơn.
2) Ta phải yêu mến
tạo vật với một lòng mến mới mẻ là kết quả của công cuộc chuộc tội. Mến tạo vật
vì tạo vật là những quà tặng của Thiên Chúa.
3) Ta phải xử dụng
và thụ hưởng tạo vật: nó là những phương tiện giúp ta đến cùng Thiên Chúa, đồng
thời làm tròn sứ mệnh thống trị cũng như phát triển vũ trụ noí chung và bản
thân nói riêng. Ta phải xử dụng và hưởng thụ tạo vật với tinh thần biết ơn,
tinh thần khó nghèo (nghĩa là tinh thần siêu thoát) tạo nên sự tự do thiêng
liêng, không để tạo vật buộc ta làm nô lệ nó, bất chấp những khía cạnh quyến rũ
của tạo vật.
4) Thực tại trần
thế có giá trị mới sau khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể; đức bác ái là điều răn
mới của Chúa Kitô phải điều khiển các sinh hoạt thuộc về thực tại trần thế dưới
ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (số 38a).
5) Trong thực tế,
thái độ của tín hữu đối với thực tại trần thế sẽ khác nhau tùy theo ơn Chúa
Thánh Thần đó: tuy rằng không hề khinh dể tạo vật nhưng một số người thoát tục
và do đó làm chứng cho đời sau, trong khi người khác dấn thân để nhờ tạo vật phục
vụ đồng loại (số 38a).
9 Xem 2Cor 6,10.
10 Xem Gio 1,3
và 14.
11 Xem Eph 1,10.
12 Xem Gio 3,
14-16; Rm 5,8-10.
13 Xem CvTđ
2,36; Mt 28,18.
14 Xem Rm 15,16.
43* Trong số này
Công Ðồng giải quyết thắc mắc sau đây: nếu thế giới, sau khi được xây dựng với
biết bao nỗ lực, việc làm, vất vả, sẽ phải bị tiêu tan trong ngày tận thế, thì
sinh hoạt về thực tại trần thế có phải thành vô nghĩa không? Công Ðồng dạy: a)
Theo như Thánh Kinh cho biết, thế giới sẽ đổi mới, chứ không tan nát. b) Tuy
chưa biết rõ như thế nào, nhưng việc làm của ta sẽ đem lại kết quả đời đời. Ðặc
biệt những công việc bác ái, cũng như chính đức ái, sẽ tồn tại vĩnh viễn. c)
Tuy rằng ta không thể đồng hóa sự tiến bộ trần thế của nhân loại với sự mở rộng
nước Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta phục vụ nhân loại và làm cho phẩm giá con
người hay tình anh em và sự tự do, v.v... phát triển, tức là chúng ta đóng góp
vào nước Thiên Chúa những điều sẽ tồn tại mãi mãi sau khi thế giới này được tẩy
luyện và biến hình.
15 Xem CvTđ 1,7.
16 Xem 1Cor
7,31; T. Ireneô, Adv. Haereses, V, 36, 1: PG 7,1222.
17 Xem 2Cor 5,2;
2P 3,13.
18 Xem 1Cor 2,9;
Kh 21,4-5.
19 Xem 1Cor
15,42 và 53.
20 Xem 1Cor
13,8; 3,14.
21 Xem Rm
8,19-21.
22 Xem Lc 9,25.
23 Piô XI, Tđ.
Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 207.
24 Missale
Romanum, Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua.
Chương IV: Sứ Mệnh Của Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay 44*
40. Tương quan giữa Giáo Hội
và thế giới. Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về phẩm giá con người, về cộng
đoàn nhân loại, về ý nghĩa sâu xa của hoạt động nhân loại tạo thành căn bản cho
sự tương quan giữa Giáo Hội và thế giới cũng như nền tảng cho cuộc đối thoại giữa
đôi bên 1. Bởi
vậy, dựa trên tất cả những gì về mầu nhiệm Giáo Hội mà Công Ðồng này đã tuyên bố,
trong chương này sẽ phải đề cập đến cũng chính Giáo Hội, xét như thực tại hiện
diện ở thế giới này, cùng sống và cùng hoạt động với thế giới ấy.
Phát sinh từ
tình yêu Chúa Cha muôn đời 2,
do Chúa Kitô là Ðấng Cứu Ðộ thiết lập trong thời gian, được qui tụ trong Chúa
Thánh Thần 3,
Giáo Hội có mục đích cứu rỗi và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu
trọn vẹn trong thời kỳ sẽ đến. Nhưng giờ đây Giáo Hội đã hiện diện trên trái đất
này rồi, được qui tụ gồm những con người là phần tử của xã hội trần gian; họ được
kêu gọi để hợp thành gia đình các con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại,
ngõ hầu tăng trưởng luôn mãi cho tới khi Chúa đến. Hiệp nhất để nhằm đạt những
của cải thiêng liêng, trở nên giàu có vì những của cải ấy, gia đình này
"như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian" 4,
được trang bị "các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu
hình" 5.
Như thế, là "một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng" 6,
Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần thế
với thế giới; Giáo Hội như men và hồn của xã hội loài người 7, sẽ
được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa.
Thực ra, sự
tương nhập giữa hai xã hội trần thế và thiên đàng chỉ có thể nhận thức được qua
đức tin. Hơn nữa, đó còn là một mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử bị
tội lỗi xáo trộn cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mạc khải đầy đủ.
Tuy nhiên trong khi đeo đuổi mục đích cứu rỗi cá biệt của mình, Giáo Hội không
phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi
ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc
này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu
của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một
chiều hướng và một ý nghĩ sâu xa hơn. Như thế, nhờ từng phần tử và tất cả cộng
đoàn, Giáo Hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch
sử loài người trở nên nhân đạo hơn.
Ngoài ra, Giáo Hội
Công Giáo sẵn sàng tán thưởng những việc mà các Giáo Hội Kitô giáo hay các cộng
đoàn giáo hội khác đã và còn đang thực hiện để đóng góp vào việc chu toàn cùng
một bổn phận này. Ðồng thời, Giáo Hội xác tín mạnh mẽ rằng thế giới có thể có
nhiều cách góp phần lớn lao vào việc dọn đường cho Phúc Âm bằng tài năng và hoạt
động cá nhân cũng như của xã hội. Sau đây là một vài nguyên tắc tổng quát để
phát triển đúng mức mối tương quan và tương trợ trong những phạm vi mà Giáo Hội
và thế giới có phần chung nhau.
41. Sự trợ giúp mà Giáo Hội
cố gắng cống hiến mỗi người. Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn
vẹn nhân cách của mình và càng ngày càng xác định quyền lợi của mình rõ rệt
hơn. Ðược trao phó nhiệm vụ tỏ bày mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ðấng làm cùng đích
của con người, Giáo Hội cũng đồng thời tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc đời
con người, tức là sự thật thâm sâu về con người. Giáo Hội biết chắc rằng chỉ có
Thiên Chúa mà Giáo Hội phụng sự mới đáp ứng được các ước vọng sâu xa nhất của
lòng người. Lòng người không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những của ăn trần
thế. Giáo Hội cũng biết rằng con người được Thánh Thần Chúa không ngừng thúc đẩy,
sẽ không bao giờ hoàn toàn lãnh đạm trước vấn đề tôn giáo, như kinh nghiệm quá
khứ và nhiều chứng tích của thời đại chúng ta minh chứng. Thực vậy, con người
luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, cuộc sống, hoạt động và cái chết
của mình có ý nghĩa gì. Chính sự hiện diện của Giáo Hội nhắc nhở cho con người nhớ
đến những vấn đề ấy. Chỉ có Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng con người giống hình ảnh
Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề ấy.
Ngài giải đáp bằng cách mạc khải trong Con của Ngài là Chúa Kitô, Ðấng đã hóa
thân làm người. Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên
người hơn.
Dựa trên đức tin
ấy Giáo Hội có thể cứu gỡ phẩm giá của bản tính con người khỏi mọi trào lưu tư
tưởng di động không ngừng giữa sự khinh dễ và tôn sùng thái quá đối với thân
xác con người. Không một luật lệ nào có thể đảm bảo phẩm vị và tự do con người
cách thích đáng bằng Phúc Âm Chúa Kitô, đã được trao phó cho Giáo Hội. Thực vậy,
Phúc Âm loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa, phủ nhận mọi hình
thức nô lệ vì mọi ách nô lệ rốt cuộc đều bởi tội lỗi mà ra 8.
Phúc Âm tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, lại
không ngừng nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích
cho mọi người. Sau hết, Phúc Âm còn dạy mọi người phải thương yêu nhau 9.
Những điều đó phù hợp với luật căn bản trong nhiệm cuộc cứu rỗi của Kitô giáo.
Vì, tuy Thiên Chúa vừa là Ðấng Cứu Ðộ, vừa là Ðấng Tạo Dựng, vừa làm Chủ lịch sử
nhân loại, vừa làm Chủ lịch sử cứu rỗi, nhưng trong chính chương trình của
Thiên Chúa, sự tự trị đúng mức của tạo vật và nhất là của con người không hề bị
hủy diệt, trái lại còn được phục hồi và củng cố trong phẩm giá riêng.
Vậy, Giáo Hội dựa
vào Phúc Âm đã được ủy thác cho mình mà công bố những quyền lợi của con người,
nhìn nhận và tôn trọng năng động của thời hiện đại hiện đang cổ võ những quyền
lợi ấy khắp nơi. Tuy nhiên, những trào lưu đó phải được thấm nhuần tinh thần
Phúc Âm và phải được bảo vệ cho khỏi nhiễm mọi hình thức tự trị sai lầm. Thực vậy,
chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng các quyền lợi của chúng ta chỉ được duy trì trọn
vẹn khi trút bỏ mọi Luật Lệ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra, đó là đường lối làm
cho phẩm giá con người chẳng những không được duy trì mà còn bị tiêu tan đi. 45*
42. Sự trợ giúp mà Giáo Hội
cố gắng mang đến cho xã hội nhân loại. Sự thống nhất gia đình nhân loại được củng
cố và bổ túc 46*
nhiều nhờ sự hiệp nhất của gia đình con cái Chúa đã được thiết lập trong Chúa
Kitô 10.
Sứ mệnh riêng biệt
mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh
tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo 11.
Nhưng, bởi chính sứ mệnh tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức
mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Luật Lệ của
Thiên Chúa; cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và hơn nữa, phải
phát động, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục
vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện
hoặc những tổ chức khác tương tự.
Giáo Hội còn
nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trong năng động xã hội hiện tại: nhất là sự
tiến tới hiệp nhất, tiến trình xã hội hóa lành mạnh và sự liên đới trong phạm
vi công quyền và kinh tế. Thực vậy, việc cổ võ hiệp nhất phù hợp với sứ mệnh
sâu xa của Giáo Hội, vì chính Giáo Hội ở "trong Chúa Kitô như bí tích hoặc
dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất
toàn thể nhân loại" 12.
Như thế, chính Giáo Hội bày tỏ cho thế giới biết rằng sự hiệp nhất bên ngoài
trong phạm vi xã hội bắt nguồn từ sự hiệp nhất tâm trí, nghĩa là từ đức tin và
đức mến, căn bản hiệp nhất bất khả phân ly của Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần.
Sinh lực mà Giáo Hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay là đức
tin và đức mến ấy, được thể hiện trong cuộc sống, chứ không phải do thế lực bên
ngoài nào dựa vào những phương thế hoàn toàn nhân loại.
Hơn nữa, bởi sứ
mệnh và bản chất, Giáo Hội không cấu kết với một hình thức văn hóa nhân loại đặc
thù nào, hoặc một chế độ chính trị, kinh tế hay xã hội nào. Nhờ tính cách phổ
quát ấy, Giáo Hội có thể là một mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa các cộng
đoàn nhân loại và các quốc gia khác nhau, miễn là các quốc gia và cộng đoàn
nhân loại ấy tin tưởng vào Giáo Hội và thực sự nhìn nhận Giáo Hội có quyền tự
do đích thực để chu toàn sứ mệnh mình. Vì vậy, Giáo Hội khuyến cáo các con cái
mình và hết mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc
trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại
chính đáng.
Công Ðồng quí trọng
ngưỡng mộ tất cả những gì chân thật, tốt lành và chính đáng trong các tổ chức rất
khác biệt mà nhân loại đã và còn đang không ngừng thành lập cho mình. Công Ðồng
cũng tuyên bố rằng: Giáo Hội muốn trợ giúp và cổ võ mọi tổ chức ấy trong những
gì liên hệ và khả dĩ phù hợp với sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội không ao ước gì
hơn là được tự do phát triển dưới mọi chế độ để phục vụ lợi ích mọi người, miễn
là các chế độ này nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người, của gia đình
và những đòi hỏi của công ích.
43. Sự trợ giúp mà Giáo Hội
cố gắng nhờ các Kitô hữu mang đến cho hoạt động nhân loại 47*.
Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu
toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn dưới sự hướng
dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng
ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê
hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần
gian 13,
như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó
hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình 14.
Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân
hoàn toàn vào công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời
sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ còn hệ tại những hành vi phượng
tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ
tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm
trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này ngay trong Cựu Ước các
Tiên Tri đã mạnh mẽ tố cáo 15
và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những
hình phạt nặng nề 16.
Vậy, không được đem sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội mà đối nghịch cách giả tạo
với đời sống tôn giáo. Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức
là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa,
khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một
người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế
mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất, các cố gắng
nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn
giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được qui
hướng về vinh danh Thiên Chúa.
Những phận vụ và
sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc
về họ. Vì vậy, khi hoạt động, cá nhân hay đoàn thể, với tư cách công dân trần
thế, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành nhưng còn phải
ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong các lãnh vực ấy. Họ sẽ sẵn
lòng hợp tác với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Nhìn nhận các
đòi hỏi và hưởng nhờ sức mạnh của đức tin, khi cần, họ sẽ không do dự đề nghị
và thực hiện những sáng kiến mới. Một khi được đào luyện cách thích hợp, lương
tâm họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian. Giáo dân
hãy mong đợi ánh sáng và sức mạnh tinh thần nơi các linh mục. Tuy nhiên, họ đừng
vì thế mà nghĩ rằng: các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể có ngay
một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng
đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mạng ấy. Nhưng tốt hơn là chính họ, được
đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo Hội 17,
hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.
Thường thì chính
vũ trụ quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn họ chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy
hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, dầu khá thực tâm, sẽ thẩm định
cách khác về cùng một vấn đề, như thường thấy xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn được
coi là hợp lý như thường. Nhiều người dễ dàng gán ghép với sứ điệp Phúc Âm những
giải pháp mà họ đề ra, mặc dầu nhiều khi ngoài ý muốn của họ. Nhưng nên nhớ
trong các trường hợp trên, không ai được độc quyền giành lấy thẩm quyền của
Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng 48*.
Phải luôn luôn nỗ lực soi dẫn nhau bằng đối thoại thành thực, bảo toàn tình
tương ái và trước hết mưu cầu công ích.
Người giáo dân
có những phận vụ tích cực phải chu toàn trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Không
những họ phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới nhưng còn được kêu gọi
làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại.
Còn các Giám Mục
đã được ủy thác việc điều hành Giáo Hội Chúa hãy cùng các linh mục của mình rao
giảng sứ điệp của Chúa Kitô, sao cho mọi hoạt động trần thế của các tín hữu thấm
nhuần ánh sáng Phúc Âm. Hơn nữa, tất cả các chủ chăn hãy nhớ rằng các Ngài sẽ
biểu lộ cho thế giới một khuôn mặt của Giáo Hội qua thái độ và ưu tư hằng ngày
của mình 18.
Qua khuôn mặt ấy, người ta phán đoán về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Kitô
giáo. Bằng đời sống và lời giảng, hợp cùng các tu sĩ và giáo hữu của mình, các
ngài hãy minh chứng rằng Giáo Hội, nguyên bằng sự hiện diện và kho tàng ân huệ
của mình, đã là nguồn vô tận của những mãnh lực mà thế giới ngày nay rất cần.
Các Ngài hãy trau dồi khả năng bằng cách chuyên cần học hỏi sao cho có thể đóng
trọn vai trò trách nhiệm của mình trong khi đối thoại với thế giới và những người
thuộc bất cứ lập trường nào. Nhưng, trước hết xin các ngài hãy ghi lòng những lời
sau đây của Công Ðồng: "Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân
sự, kinh tế và xã hội, nên các Linh Mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ,
phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục và
Giáo Hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa" 19.
Mặc dù Giáo Hội,
với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn là hiền thê trung tín của Chúa mình và
không ngừng là dấu chỉ ơn cứu rỗi trong thế giới, tuy nhiên Giáo Hội biết rõ rằng
trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn không thiếu những phần tử trong Giáo Hội 20,
giáo dân hoặc giáo sĩ, sống bất trung cùng Thánh Thần Chúa. Ngay trong thời đại
chúng ta, Giáo Hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo Hội
công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người được giao phó rao giảng Phúc
Âm. Dầu lịch sử có phê phán thế nào về những khiếm khuyết ấy, chúng ta cũng phải
ý thức và mạnh mẽ khử trừ những thiếu sót để khỏi phương hại đến việc rao giảng
Phúc Âm. Cũng vậy, trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo Hội biết
mình phải luôn trưởng thành nhờ kinh nghiệm qua các thế kỷ, Ðược Chúa Thánh Thần
hướng dẫn, Mẹ Giáo Hội không ngừng "khuyên giục con cái thanh tẩy và canh
tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội"
21.
44. Sự trợ giúp mà Giáo Hội
nhận được nơi thế giới ngày nay 49*.
Cũng như thế giới cần phải nhìn nhận Giáo Hội như một thực thể xã hội lịch sử
và như men của lịch sử, Giáo Hội cũng biết mình đã nhận được rất nhiều nơi lịch
sử và sự tiến hóa của nhân loại.
Kinh nghiệm của
những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các kho tàng hàm chứa trong những
hình thức văn hóa nhân loại khác nhau, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính
con người và mở ra những con đường mới dẫn đến chân lý: tất cả những điều ấy đều
hữu ích cho Giáo Hội. Thực vậy, chính Giáo Hội ngay từ buổi đầu của lịch sử
mình đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của
nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết
gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Làm như thế, nhằm thích nghi Phúc Âm, trong mức
độ có thể, với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các
nhà hiền triết. Rao giảng lời mạc khải cách thích nghi như vậy còn phải là luật
lệ cho mọi công cuộc truyền giáo, bởi vì có như vậy mới khơi dậy trong mọi quốc
gia khả năng diễn tả sứ điệp Chúa Kitô theo lối riêng của mình và đồng thời mới
cổ võ được sự trao đổi linh động giữa Giáo Hội và những nền văn hóa khác nhau của
các dân tộc 22.
Ðể xúc tiến những cuộc trao đổi như thế, nhất là trong thời đại chúng ta, thời
mà sự vật biến đổi rất nhanh và lối suy tư rất nhiều khác biệt, Giáo Hội đặc biệt
cần đến sự đóng góp của những người sống trong thế giới và biết rõ các tổ chức
và bộ môn khác nhau, cũng như thấu triệt tinh thần các tổ chức và bộ môn đó, dầu
họ có đức tin hay không. Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ
chăn và các nhà thần học là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đón nghe, phân
biệt và giải thích các tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng lời
Chúa để Chân Lý mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách
thích hợp hơn.
Giáo Hội có một
cơ cấu xã hội hữu hình, dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, nên Giáo Hội
cũng có thể được giàu có thêm và thực sự đang được giàu có thêm nhờ sự tiến hóa
của cuộc sống xã hội nhân loại, không phải vì định chế do Chúa Kitô ban cho
Giáo Hội như thiếu một điều gì, nhưng là để định chế đó được hiểu biết sâu xa
hơn, được diễn tả trung thực hơn và được thích nghi hoàn hảo hơn với thời đại
chúng ta. Với lòng biết ơn, Giáo Hội nhận thấy rằng Giáo Hội đã được nhiều người
thuộc mọi giai cấp và hoàn cảnh giúp đỡ nhiều cách cho chính cộng đoàn cũng như
cho từng con cái mình. Quả thực, tất cả những ai phát triển cộng đoàn nhân loại
trong phạm vi gia đình, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và trên bình diện
quốc gia, cũng như quốc tế, đều trợ giúp không ít cho cộng đoàn Giáo Hội, theo
như ý định của Thiên Chúa, trong mức độ Giáo Hội lệ thuộc những yếu tố bên
ngoài. Hơn nữa, Giáo Hội còn nhìn nhận rằng chính sự chống đối của những kẻ
công kích hay bách hại Giáo Hội đã và còn đang có thể giúp ích cho Giáo Hội 23.
45. Chúa Kitô, Alpha và
Omega. Khi trao đổi với thế giới những sự giúp đỡ hỗ tương, Giáo Hội nhằm một mục
đích duy nhất là: làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi.
Mọi lợi ích mà Dân Chúa trong thời gian hành trình tại thế có thể đem lại cho
gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là "bí tích phổ
quát cứu rỗi" 24,
tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
Quả thực, Ngôi Lời
Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người, là Con Người
hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Người. Chúa là cùng
đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn
minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm
khao khát 25.
Chính Người là Ðấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự
bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Ðược sống động và tụ họp trong
Thánh Thần Ngài, chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại,
phù hợp với ý định yêu thương của Ngài: "kết thâu tất cả trong Chúa Kitô:
mọi sự trên trời dưới đất" (Eph 1,10).
Chính Chúa đã nói: "Vậy tiền công của ta sẵn đây rồi, này ta đến
gấp mà trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Ta là Alpha và Omega, thứ
nhất và sau chót, nguyên thủy và cứu cánh" (Kh 22,12-13) 50*.
Chú Thích:
44* Trong chương
này Công Ðồng muốn trình bày vai trò của Giáo Hội ở giữa thế giới (40a): Trước
hết, nhắc lại khởi nguyên của Giáo Hội, mục đích, phần tử (40b), sứ mệnh siêu
nhiên cũng như tự nhiên (40c), và sự cộng tác cần thiết của mọi người (40d).
1) Vai trò đối với
từng cá nhân (tương ứng với chương I trên đây): Giáo Hội soi sáng ý nghĩa ước
ao của con người (41a), Giáo Hội cũng bảo vệ nhân phẩm đích thực (tìm thấy ở giữa
một số cực đoan) (41b) và công nhận nhân quyền rồi đem tinh thần Phúc Âm vào việc
cổ võ quyền lợi ấy (41c).
2) Ðối với xã hội
(tương ứng với chương II): Giáo Hội giúp đỡ nhân loại hiệp nhất chặt chẽ hơn
(42a) và đem tinh thần mới nhập vào cơ cấu xã hội. Hoạt động xã hội của Giáo Hội
như vậy là hợp lý (42b,c,d).
3) Ðối với sinh
hoạt xã hội (tương ứng với chương III): Ðức tin đòi phải chu toàn nhiệm vụ sinh
hoạt xã hội (43a). Ðó là phận vụ riêng biệt của giáo dân đã được đào tạo và có
trách nhiệm (43b). Họ phải cộng tác với người khác và lo cho ích chung (43c),
trong khi đem tinh thần Kitô giáo và sinh hoạt đó (43d). Phần giáo sĩ, các ngài
phải soi sáng giáo dân và phải làm gương về các đức tính xã hội (43e). Là dấu
chứng về sự cứu độ, Giáo Hội phải luôn luôn nỗ lực để tự tinh luyện (43f).
4) Thế giới cũng
giúp đỡ Giáo Hội: Khi Giáo Hội tiếp xúc với nhiều nền văn minh khác nhau và tìm
cách rao giảng Phúc Âm một cách thích nghi, thì chính Giáo Hội trở nên phong
phú hơn (44a,b). Ðàng khác mọi tiến bộ nhân loại cũng giúp ích cho Giáo Hội
(44c).
5) Giáo Hội phục
vụ thế giới khi làm tròn sứ mệnh riêng là mở rộng nước Thiên Chúa (44a) và rao
giảng về Chúa Kitô, Ðấng đã sáng lập mọi sự đồng thời là trung tâm điểm, là
cùng đích của mọi sự (44b,c).
1 Xem Phaolô VI,
Tđ. Ecclesiam suam, III: AAS 56 (1964), trg 637-659.
2 Xem Tit 3,4:
"Philanthropia".
3 Xem Eph 1,3;
13-14; 23.
4 Xem Vat. II,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I, số 8: AAS 57 (1965), trg 12.
5 N.v.t., ch.
II, số 9: AAS 57 (1965), trg 14; - x. số 8: AAS, n.v.t., trg 11.
6 N.v.t., ch. I,
số 8: AAS 57 (1965), trg 11.
7 Xem n.v.t.,
ch. IV, 38: AAS 57 (1965), trg 43 và ghi chú 120.
8 Xem Rm
8,14-17.
9 Xem Mt 22,39.
45* Ðối với con
người hiện nay, con người giàu có với mọi hình thức nhân bản, với tất cả những
tiến bộ khoa học và xã hội, Giáo Hội có thể đem đến lợi ích gì? Giáo Hội đem lại
ánh sáng chính yếu để con người tự biết mình và bảo vệ nhân phẩm. Nếu không biết
Thiên Chúa, con người làm sao hiểu biết sự thật thâm sâu về mình được. Không biết
mình, con người không thể nào trả lời cho những vấn nạn căn bản về ý nghĩa cuộc
sống, sinh hoạt và sự chết. Không biết Chúa Kitô là con người hoàn hảo, con người
không thể nào trở nên đầy đủ (41a). Khi nào tự biết mình và phẩm giá đích thực
của mình, con người mới có thể lên tiếng đòi cho mình các quyền lợi nhân bản một
cách đầy đủ và hợp lý cũng như xứng hợp với đức tin.
46* Công Ðồng đã
nhắc lại sự thống nhất của nhân loại (số 29) có nền tảng tự nhiên là sự thống
nhất sinh vật, sự thống nhất về bản tính và do đó về các quyền lợi căn bản. Vả
lại bản tính xã hội sẽ thúc đẩy con người hiệp nhất một ngày một hơn (số 6,25).
Mặt khác sự thống nhất của nhân loại cũng có nền tảng siêu nhiên, vì, như đức
tin dạy, tất cả mọi người được Thiên Chúa dựng nên và có cùng một cứu cánh là
chính Thiên Chúa. Tất cả đã được Chúa Kitô cứu chuộc, tất cả đã được mời gọi để
trở nên con cái Thiên Chúa và anh em với nhau. Luật mới của những con người mới
ấy là luật thương yêu lẫn nhau.
Vì là một thân
thể, một dân tộc duy nhất, Giáo Hội giúp đỡ nhân loại thực hiện lý tưởng thống
nhất. Vì là bí tích, tức là dấu chứng và dụng cụ để giúp đỡ nhân loại kết hiệp
mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau (42c), Giáo Hội góp phần lớn lao
để thống nhất loài người. Ðó chính là sứ mệnh của Giáo Hội vậy (số 92a).
10 Xem CÐ. Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II, số 9: AAS 57 (1965), trg
12-14.
11 Xem Piô XII,
Allocutio ad Cultores historiae et artis, 9-3-1956: AAS 48 (1956), trg 212:
"Trong phạm vi văn hóa, vị Sáng Lập thần linh của Giáo Hội là Chúa Kitô
không ban cho Giáo Hội một sứ mệnh nào cũng không ấn định một mục đích nào. Mục
đích mà Chúa Kitô nhằm là thuần túy tôn giáo (...) Giáo Hội phải dẫn dắt mọi
người đến với Chúa để họ phó thác cho Ngài mà không đắn đo (...) Giáo Hội không
khi nào có thể để mục đích thuần túy tôn giáo, siêu nhiên này lọt ra ngoài tầm
nhãn giới của mình. Ý nghĩ a mọi hoạt động của Giáo Hội cả đến tận khoản cuối
cùng của Bộ Giáo Luật chỉ qui về mục đích đó cách trực tiếp hay gián tiếp".
12 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I, số 1: AAS 57 (1965), trg
5.
47* Sống trong
thế gian tín hữu phải tránh hai thái độ sai lầm: 1) bỏ sót công việc trần thế để
chỉ lo cho việc đạo đức; 2) chìm đắm trong công việc trần thế và coi công việc
này như không có liên quan gì đến việc đạo đức.
Qua cả hai sự
sai lầm trên, người ta tách biệt đời sống tôn giáo và đời sống nghề nghiệp hay
đời sống trần thế nếu nói rộng hơn (cuộc giải trí, văn hóa...) và lại hành động
theo luân lý cá nhân (số 30).
Ðức tin phải ảnh
hưởng trên cả đời sống và ta phải đem tinh thần Phúc Âm vào công việc trần thế:
vào nghề nghiệp, vào giao thiệp với người khác, vào văn hóa, vào cuộc giải trí
v.v... "Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng
bổn phận đối với những người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến
phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa": vì bổn phận trần thế là phương tiện
để thực hành đức mến đối với anh em và đối với Thiên Chúa. Không thực hành đức
mến tức là phạm đến toàn thể bộ luật (x. Gal 5,14). Cho nên kẻ nào xao lãng bổn
phận trần thế hay là tách rời nó khỏi ảnh hưởng của tinh thần Phúc Âm tức là
người không sống đạo, họ không phải là người công giáo.
13 Xem Dth
13,14.
14 Xem 2Th
3,6-13; Eph 4,28.
15 Xem Is
58,1-12.
16 Xem Mt
23,3-33; Mc 7,10-13.
17 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Mater et Magistra, IV: AAS 53 (1961), trg 456-457 và I :n.v.t., trg
407, 410-411.
48* "3) Sau
khi nhắc lại những nguyên tắc tổng quát trên đây, Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt
Nam chiếu theo những sự kiện lịch sử, chính trị, xã hội, tôn giáo hiện tại
trong nước, đồng thanh xác định như sau: a) Không cho phép một đảng phái nào lấy
tên là "Công Giáo" hay là "Thiên Chúa Giáo", để rồi đảng ấy
có thể xuất hiện như là đảng phái của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. b) Kêu mời
giáo dân Công Giáo phải ý thức rằng: sức mạnh của họ trước hết phải ở trong
tinh thần Chúa Giêsu - tức là tinh thần Phúc Âm được mọi người sống động và chiếu
dọi chung quanh, như đã trình bày trong những đoạn nói trên. c) Tuy nhiên để áp
dụng nguyên tắc số 2 ở trên, hết mọi người Công Giáo - với tư cách là người
công dân - đều có thể tự do ghi tên để gia nhập đảng này hay đảng khác tùy ý, bất
cứ là đảng ấy đã thành lập rồi, hay sẽ được những công dân đầy đủ khả năng, can
đảm thành lập về sau.
Ghi tên vào một
đảng phái như thế, đồng bào Công Giáo không cam kết Giáo Hội, nhưng chỉ cam kết
cá nhân mình...
Ðồng bào Công
Giáo hoạt động trong đảng phái mình đã lựa chọn, tuy nhiên cả trong hoạt động
chính trị (cũng như đời sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp) họ phải là một
nhân chứng của Chúa Kitô. Họ phải tìm cách để in sâu vào trong các tâm hồn những
luật lệ, những qui chế, tinh thần Phúc Âm và học thuyết xã hội của Hội Thánh.
1) Hiện nay
không có một tờ báo Công Giáo nào, hay là một tờ báo có xu hướng Công Giáo nào
đã được Hàng Giáo Phẩm chỉ định để làm tiếng nói chính thức cho Công Giáo...
2) Có những báo
chí đã được thành lập do một số giáo dân Công Giáo nhiệt thành, quảng đại; đó
là quyền lợi riêng của họ và chúng tôi thêm rằng: đó là nghĩa vụ của họ. Chúng
tôi để lời khen ngợi họ đã có sáng kiến tốt đẹp như thế, và chúng tôi hết sức
khuyên họ hãy tiếp tục bền vững".
(Thư luân lưu của
H.Ð.G.M.V.N., ngày 22 tháng 1 năm 1964, x. trong báo Sacerdos, số 27, tháng 3
năm 1964, (trg 170-171; 172-173).
18 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. III, số 28: AAS 57 (1965),
trg 34-35.
19 N.t., số 28:
AAS, n.v.t., trg 35-36.
20 Xem T.
Ambrosiô, De Virginitate, ch. VIII, số 48: PL 16, 278.
21 CÐ Vat. II,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II, số 15: AAS 57 (1965), trg
20.
49* Từ xưa tới
nay, thế giới cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội. Quả quyết như vậy là
xác nhận một sự kiện lịch sử, nhưng có lẽ chỉ gần đây tín hữu mới ý thức về sự
kiện ấy. Giáo Hội lãnh nhận nhiều:
1) Trong lãnh vực
tư tưởng nhờ các kho tàng của nhiều nền văn minh khác nhau. Tất cả những gì
giúp ta hiểu biết hơn về con người và thế giới đều giúp đỡ Giáo Hội: giáo dục,
văn hóa, khoa học...
2) Trong lãnh vực
cơ cấu xã hội: từ đầu, Giáo Hội đã chịu ảnh hưởng của nếp sống Do Thái, của
pháp lý La Mã và Ðức Quốc, và ít hay nhiều của phong tục các dân tộc khác nữa.
Pháp lý các xứ truyền giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến pháp lý chung của Giáo Hội
chẳng hạn. Hiện nay ta thấy ảnh hưởng của chế độ dân chủ qua những phong trào
phân quyền, nhiều cơ quan mới như Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục,
Hội Ðồng Linh Mục, v.v...
3) Trong lãnh vực
sinh hoạt: khi các Quốc Gia và các Tổ Chức quốc tế kính trọng sự tự do của Giáo
Hội, mời Giáo Hội cộng tác, giúp Giáo Hội hoạt động, hay là mặc dầu không muốn
nhờ Giáo Hội, nhưng khi các Tổ Chức ấy cố gắng nâng cao con người nhờ việc giáo
dục, nhờ việc bảo đảm nhân quyền, v.v... thực ra họ đã làm những công việc có
chung mục đích với Giáo Hội.
Là người Việt
22 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II số 13: AAS (1965), trg
17.
23 Xem Justinô,
Dialogus cum Tryphone, ch. 110: PG 6, 729, x.b. Otto, 1897, trg 391-393: ...
"nhưng chúng ta càng chịu nhiều khổ nhục ấy, lại càng có nhiều người trở
thành tín hữu và đạo đức nhờ danh Chúa Giêsu". - Xem Tertullianô,
Apologeticus, ch. L, 13: PL I, 534; Corpus Christ., ser. Lat. I, trg 171:
"càng bị các người gặt (bách hại) chúng tôi càng trở nên đông đúc hơn: máu
tử đạo là hạt giống nảy sinh Kitô hữu!" - X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội
Lumen gentium, ch. I I số 9: A AS 57 (1965), trg 14.
24 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. VII, số 48: AAS 57 (1965),
trg 53.
25 Xem Phaolô
VI, Huấn từ 3-2-1965: L'Osservatore Romano, 4-2-1965.
50* Alpha và
Omega là chữ đầu và chữ cuối của mẫu tự Hy Lạp. Câu nói có nghĩa là khi dùng
các chữ trong mẫu tự, ta có thể viết ra tất cả những gì ta muốn. Vậy thì, nói về
Chúa (cũng như về Thiên Chúa Cha: Kh 1,8) có nghĩa là Chúa có toàn quyền để
phán xét nhân loại.
Phần Thứ Hai: Một Số Vấn Ðề Khẩn Thiết
46. Lời mở đầu. Sau khi
trình bày về phẩm giá nhân vị cũng như về một số bổn phận cá nhân hay xã hội mà
con người được gọi để chu toàn trong vũ trụ, nay Công Ðồng, với ánh sáng Phúc
Âm và kinh nghiệm nhân loại, lưu ý mọi người về một số nhu cầu khẩn thiết của
thời đại này, và là những nhu cầu đang ảnh hưởng rất nhiều đến nhân loại.
Giữa nhiều vấn đề
làm cho mọi người ngày nay quan tâm, nên ghi nhận trước hết những điểm sau đây:
hôn nhân và gia đình, văn hóa nhân loại, đời sống kinh tế xã hội và chính trị,
hòa bình và sự liên đới gia đình các dân tộc. Cần phải dùng những nguyên tắc và
ánh sáng bắt nguồn từ Chúa Kitô chiếu giãi từng vấn đề này, để những nguyên tắc
và ánh sáng đó hướng dẫn các Kitô hữu và soi sáng mọi người trong công cuộc kiếm
tìm giải pháp cho biết bao vấn đề phức tạp nêu trên.
Chương I: Phải Ðề Cao Phẩm Giá Của Hôn Nhân Và Gia Ðình 51*
47. Hôn nhân và gia đình
trong thế giới ngày nay. Sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại
và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và
gia đình. Do đó, cùng với tất cả những ai tán dương các cộng đoàn hôn nhân và
gia đình, người Kitô hữu thành thực vui mừng trước những trợ lực khác nhau giúp
con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như
trong sự tôn trọng đời sống; những trợ lực ấy còn giúp đỡ các đôi vợ chồng và
các bậc làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ. Người Kitô hữu còn mong đợi và
nỗ lực thực hiện những thành quả tốt đẹp hơn.
Nhưng phẩm giá của
định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau, vì đã bị lu mờ bởi chế độ
đa thê, nạn ly dị, bởi cái mà người ta gọi là tự do luyến ái, cùng những hình
thức lệch lạc khác. Hơn nữa, tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích
kỷ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản.
Ngoài ra, các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang
gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng. Sau hết, tại một vài nơi trên thế
giới, người ta không khỏi lo lắng nhận thấy những vấn đề được phát hiện do sự
gia tăng dân số. Tất cả những điều ấy đang làm khắc khoải lương tâm con người 52*.
Tuy nhiên, có một điều chứng tỏ sức mạnh và sự bền vững của định chế hôn nhân
và gia đình, đó là các biến đổi sâu xa của xã hội hiện tại, mặc dù gây ra nhiều
khó khăn, nhưng vẫn rất thường bộc lộ bản chất đích thực của định chế trên bằng
nhiều cách.
Bởi vậy, bằng
cách làm sáng tỏ hơn một vài chủ điểm trong giáo lý của Giáo Hội, Công Ðồng muốn
soi sáng và khích lệ người Kitô hữu cũng như mọi người đang cố gắng bảo toàn và
cổ võ phẩm giá tự nhiên cũng như giá trị thiêng liêng cao cả của đời sống hôn
nhân.
48. Sự thánh thiện của hôn
nhân và gia đình. Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời
sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được
gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại 53*.
Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và
đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc
có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã
hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người.
Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu
khác nhau 1;
những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển
cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, quan trọng đối với
phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn
thể xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi
qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn
nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là
hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng
sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được
sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự
tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng
phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly 2.
Chúa Kitô ban dồi
dào ơn phúc cho tình yêu muôn hình ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch
tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hiệp của Chúa Kitô và Giáo
Hội. Thực vậy, như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài bằng một giao ước yêu
thương và trung thành 3,
ngày nay Ðấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Giáo Hội 4,
cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí Tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ
chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như Người
đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội 5.
Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng
dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi
của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa,
cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ 6.
Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến 7 bằng
một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ;
nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô mà chu
toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được
thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn
lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau; và bởi đấy, cùng nhau tôn vinh
Thiên Chúa 54*.
Do đó, được cha
mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và tất cả những
ai sống trong khuôn khổ gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh
thiện dễ dàng hơn. Còn vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ sẽ
chăm lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo vì bổn phận
này liên hệ đến họ trước hết.
Con cái là những
phần tử sống động trong gia đình nên cũng góp phần riêng vào việc thánh hóa cha
mẹ. Thực vậy, con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu
thảo và tin cậy, và sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh
cũng như trong tuổi già cô quạnh. Mọi người hãy tôn trọng đời sống góa bụa được
can đảm tiếp nhận như một tiếp nối ơn gọi hôn nhân 8.
Các gia đình hãy quảng đại san sẻ cho nhau những của cải thiêng liêng. Như thế,
mỗi gia đình Kitô hữu xuất phát từ hôn nhân, một hôn nhân như là hình ảnh và
nói lên sự tham dự giao ước yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội 9,
nên sẽ biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Ðấng Cứu Thế
trong thế giới và bản chất đích thực của Giáo Hội qua tình yêu, qua niềm quảng
đại chấp nhận sinh sản con cái, qua sự hiệp nhất và trung tín của hai vợ chồng
cũng như qua sự hợp tác thân ái của mọi thành phần trong gia đình.
49. Tình yêu vợ chồng. Lời Chúa đã nhiều lần mời gọi những người sắp kết
hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người
đã thành vợ chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không chia xẻ
10.
55*
Nhiều người hiện thời vốn coi trọng tình yêu đích thực giữa vợ chồng, biểu hiện
bằng nhiều cách theo những tập tục lành mạnh của mỗi thời đại, mỗi dân tộc.
Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị
khác bằng một tình cảm tự ý, do đó bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người.
Nên tình vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thể xác và tâm hồn một phẩm
giá đặc biệt, và khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc
thù của tình yêu đôi bạn. Bởi một ơn huệ đặc biệt của ơn sủng và của tình
thương, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu ấy. Một
tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần
cả đời sống và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau, qua những
tâm tình và cử chỉ trìu mến 11.
Hơn nữa, chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người
được trọn vẹn và lớn thêm. Tình yêu vợ chồng, do đó vượt xa xu hướng nhục dục
thuần túy, và xu hướng này, nếu được tôn thờ một cách ích kỷ, sẽ mau chóng tan
biến và kéo theo những hậu quả thảm hại 56*.
Sự âu yếm trên
được biểu lộ và hoàn hảo cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi
vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng
đều cao quí và chính đáng. Ðược thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy
biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm
phong phú trong hoan lạc và biết ơn 57*.
Ðược bảo đảm vì tín cẩn nhau và nhất là được chuẩn y bởi bí tích của Chúa Kitô,
tình yêu ấy trung thành bất khả phân ly giữa cảnh đời thăng trầm, và do đó loại
hẳn mọi hình thức ngoại tình và ly dị. Phải nhìn nhận phẩm giá cá nhân bình đẳng
giữa vợ chồng trong tình tương ái trọn vẹn để nhờ đó, biểu hiện rõ ràng tính
cách duy nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận. Ðể kiên trì gánh vác những bổn
phận của ơn gọi Kitô giáo này, cần phải có một nhân đức phi thường: vì thế, vợ
chồng đã được ơn sủng củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu
xin cho được một tình yêu vững bền, một tâm hồn đại lượng và một tinh thần hy
sinh.
Tình yêu vợ chồng
chân chính sẽ được quí trọng hơn và người ta sẽ nghĩ tưởng về hôn nhân cách
lành mạnh hơn, nếu các vợ chồng Kitô hữu làm chứng rõ ràng về sự trung thành và
hòa hợp trong tình yêu cũng như trong niềm âu lo giáo dục con cái, nếu họ góp
công hoạt động trong việc chấn hưng văn hóa, tâm lý và xã hội, một sự chấn hưng
cần thiết để đề cao hôn nhân và gia đình. Phải biết hợp thời và hợp cách giáo dục
thanh thiếu niên về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình vợ chồng, tốt nhất
là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ vậy, một khi đã được rèn luyện để giữ đức
khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, chúng có thể từ thời đính hôn đứng đắn tiến tới
hôn nhân.
50. Sự sinh sản trong hôn
nhân. Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và
giáo dục con cái 58*.
Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo
hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: "Ðàn ông ở một mình không tốt"
(Stk 2,18). Ngài là Ðấng "...từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một
người nữ" (Mt 19,4); chính Ngài muốn thông ban cho con người cộng tác một
phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Ngài, Ngài đã chúc lành cho người nam
và người nữ rồi nói: "Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản" (Stk 1,28).
Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời
sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm
sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Ðấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ
các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Ngài làm cho gia đình
Ngài ngày càng bành trướng và phong phú hơn 59*.
Bổn phận truyền
sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi
thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo
Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài. Bởi vậy, họ sẽ chu
toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người và của con người Kitô hữu 60*.
Tôn trọng, tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, họ sẽ tạo được cho
mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của
con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay
tinh thần của thời đại và bậc sống, sau hết biết nghĩ đến lợi ích của gia đình,
của xã hội trần gian và của chính Giáo Hội. Sự phán đoán ấy, sau cùng chính đôi
vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa. Trong cách thế hành động, vợ
chồng Kitô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn
luôn tuân theo tiếng nói của một lương tâm phải được khuôn đúc theo luật Chúa,
hãy vâng phục Giáo huấn của Giáo Hội, vì Giáo Hội có thẩm quyền giải thích luật
Chúa dưới ánh sáng Phúc Âm.
Luật Chúa tỏ rõ
ý nghĩa đầy đủ của tình vợ chồng, bảo vệ và khích lệ mối tình ấy đến mức hoàn
thiện trên bình diện đích thực nhân loại. Bởi thế mà các vợ chồng Kitô hữu tôn
vinh Ðấng Tạo Hóa và tiến tới sự hoàn thiện trong Chúa Kitô, trong khi tin tưởng
vào Chúa Quan Phòng và trau dồi tinh thần hy sinh 12,
để chu toàn bổn phận sinh sản cách quảng đại trong tinh thần trách nhiệm của
con người và của con người Kitô hữu. Trong số những đôi vợ chồng theo phương thức
ấy để chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao phó, phải đặc biệt kể đến những người,
sau khi suy xét khôn ngoan và đồng chấp thuận, đã can đảm nhận lãnh trách nhiệm
dưỡng dục con cái cách xứng đáng, dẫu số con cái ấy khá đông 13.
Tuy nhiên, hôn
nhân không phải chỉ được thiết lập để mưu sự truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc
tính giao ước bất khả phân ly giữa hai người và lợi ích con cái đòi hỏi tình
yêu hỗ tương của hai vợ chồng phải được phát biểu, thăng tiến và nẩy nở cách
chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong
mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng
đặc tính bất khả phân ly của mình.
51. Hòa hợp tình yêu vợ chồng với việc tôn trọng sự sống con người.
Công Ðồng biết rằng: muốn tổ chức đời sống vợ chồng cho thuận hòa, đôi bạn thường
vấp phải một số tình trạng sinh sống khó khăn hiện đại và có thể lâm vào những
hoàn cảnh khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian; đó
là lúc phải khó khăn lắm mới duy trì được tình yêu trung thành và sự chung sống
trọn vẹn. Một khi đời sống thân mật vợ chồng bị gián đoạn, sự chung thủy thường
bị đe dọa và lợi ích con cái có thể bị sút giảm; vì trong trường hợp này, việc
giáo dục cũng như lòng can đảm sinh thêm con cái đều bị thương tổn 61*.
Có những người
dám đưa ra những giải pháp bất lương để giải quyết vấn đề trên đây, họ không ngần
ngại xử dụng cả những hành động sát nhân. Nhưng Giáo Hội nhắc lại rằng không thể
có mâu thuẫn thực sự giữa những lề luật của Thiên Chúa liên quan đến việc truyền
sinh và những luật liên quan đến việc phát triển tình yêu vợ chồng đích thực.
Thực vậy, Thiên
Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống,
và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống
ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là
những tội ác ghê tởm. Dục tính cũng như khả năng sinh sản của con người trổi vượt
một cách kỳ diệu hơn những gì thấy được ở những cấp sinh vật thấp hơn. Bởi vậy,
chính những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm
giá đích thực của con người, đều phải được kính cẩn tôn trọng. Vì thế, khi cần
hòa hợp tình vợ chồng với việc truyền sinh trong một tinh thần trách nhiệm, phải
ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành
thực và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn
khách quan suy diễn từ bản tính của nhân vị và của hành động nơi nhân vị; những
tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con
cái trong khung cảnh tình yêu đích thực. Ðó là điều không thể thực hiện được nếu
không thực tâm vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Trong việc điều hòa
sinh sản, con cái của Giáo Hội trung thành với những nguyên tắc vừa viện dẫn,
không được dùng những phương pháp mà Giáo Huấn đã bác bỏ khi giải thích luật
Thiên Chúa 14.
62*
Ngoài ra, mọi
người đều phải ý thức rằng: đời sống nhân loại và bổn phận lưu truyền sự sống ấy
không chỉ giới hạn ở đời này cũng như không thể hiểu và đo lường được ở đời
này, nhưng luôn qui chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người.
52. Bổn phận của mọi người
trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình. Gia đình là một trường học phát triển
nhân tính. Nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần
phải biết hòa hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định cũng như cha mẹ phải
ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái. Sự hiện diện tích cực của người
cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao giữ được
cho người mẹ vai trò chăm sóc gia đình, vì con cái, nhất là khi thơ bé, rất cần
đến sự chăm sóc ấy; tuy nhiên, vẫn không được coi thường sự thăng tiến hợp lý của
người phụ nữ trên bình diện xã hội. Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi
trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì,
với ý thức trách nhiệm đầy đủ; và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng
trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế thuận lợi. Bổn phận của cha mẹ
hay người giám hộ là hướng dẫn những người trẻ khi lập gia đình, dùng lời
khuyên nhủ khôn ngoan sao cho họ sẵn sàng nghe theo; tuy nhiên, phải cẩn thận,
không dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp ép buộc họ kết hôn hay chọn bạn đường
63*.
Như thế, gia
đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp
nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá
nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội. Bởi đó, tất cả những ai có ảnh
hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp công hữu hiệu thăng tiến
hôn nhân và gia đình. Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy tính chất
đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho
gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một
sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn. Lại phải bảo đảm cho cha mẹ quyền sinh sản
và giáo dục con cái trong khung cảnh gia đình. Phải soạn thảo được những bộ luật
biết tiên liệu và đề ra được nhiều sáng kiến để bảo vệ và nâng đỡ cả những người
vì rủi ro mà không có gia đình.
Người Kitô hữu
biết lợi dụng thời đại 15
và phân biệt những gì trường tồn với những hình thức hay thay đổi, phải nhiệt
thành đề cao những giá trị hôn nhân và gia đình bằng chứng tá của chính đời sống
mình cũng như bằng hành động hợp tác với những người thiện chí. Như vậy, sau
khi vượt qua các trở ngại, họ sẽ thỏa mãn được những nhu cầu của gia đình và
cung cấp cho gia đình những tiện nghi hợp với thời đại mới. Muốn đạt được mục
đích ấy, rất cần đến ý thức Kitô giáo của các tín hữu, lương tâm luân lý ngay
thẳng của mọi người cũng như sự khôn ngoan và khả năng chuyên môn của những ai
am tường các môn học đạo.
Các vị thông thạo
khoa học, nhất là các khoa sinh vật học, y học, xã hội và tâm lý học, có thể
giúp ích rất nhiều cho hôn nhân, gia đình cũng như sự an bình lương tâm, nếu họ
hiệp lực nghiên cứu và cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa về những điều kiện khác nhau
giúp con người điều hòa sinh sản cách lương thiên.
Sau khi được học
hỏi đầy đủ về các vấn đề thuộc phạm vi gia đình, các linh mục có bổn phận nâng
đỡ ơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện
mục vụ khác nhau, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực
thiêng liêng khác. Các ngài cũng phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc
gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái để họ tạo nên những gia đình thực
gương mẫu rạng ngời 64*.
Các tổ chức hoạt
động tông đồ, nhất là những hiệp hội gia đình, phải cố gắng bằng lý thuyết và
hành động nâng đỡ các thanh thiếu niên và chính các đôi vợ chồng, nhất là những
đôi mới kết hôn, đồng thời huấn luyện cho họ về đời sống gia đình, xã hội và việc
tông đồ.
Sau hết chính
các đôi vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được an định
trong cấp bực của các nhân vị, hãy kết hợp trong tình tương thân tương ai, đồng
tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau 16,
để trong khi theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống 17,
giữa những nỗi vui mừng và hy sinh của ơn gọi và qua tình yêu chung thủy, họ trở
nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự
chết và sự sống lại của Người 18.
Chú Thích:
51* 1) Giới thiệu:
Gia đình là nền tảng của xã hội (số 47a), nhưng hiện nay bị nhiều vết nhơ (b), nên
Công Ðồng muốn góp phần giáo lý để nâng cao gia đình và hôn nhân (c).
2) Diễn tả gia
đình cách đại cương: Bản tính, khởi sự, giá trị và chiều hướng của hôn nhân (số
48a). Tính cách cao siêu của tình yêu hôn nhân (b). Ðời sống gia đình hướng về
Chúa (c). Vai trò của mỗi người trong gia đình và việc tông đồ của họ (d).
3) Tình yêu hôn
nhân: tính cách (số 49a), phương cách biểu lộ nó (b), phải phổ biến quan niệm
đích thực về nó (c).
4) Con cái: Hôn
nhân hướng về việc sinh sản con cái (số 50a). Kẻ làm cha mẹ phải có trách nhiệm
(b). Sinh sản con cái không phải là mục đích duy nhất (c).
5) Những khó
khăn: gặp phải khi duy trì tình yêu đồng thời phải tôn trọng sự sống (số 51a).
Những giải pháp không được áp dụng (b). Những tiêu chuẩn để chọn giải pháp
(c,d).
6) Mục vụ gia
đình: Ở trong gia đình (số 52a), trong đại gia đình và xã hội (b). Việc tông đồ
của gia đình (c). Phần đóng góp của khoa học gia chuyên môn (d), của Linh Mục
(e), của đôi hôn nhân (f).
52* Hôn nhân và
gia đình là tế bào đầu tiên đồng thời là nền tảng của xã hội cũng như của Giáo
Hội. Công Ðồng muốn góp phần để bảo vệ hôn nhân vì ở nhiều nơi hôn nhân bị tội
lỗi làm hoen ố. Công Ðồng nhắc đến chế độ đa thê, ngược lại với tính cách hợp
nhất của hôn nhân (số 48a phần cuối và 49b); ly dị, trái ngược với tính bất khả
phân ly; tự do luyến ái tức sống chung mà không chấp nhận liên hệ hôn nhân.
Công Ðồng còn nói chung về những hình thức "lệch lạc khác": chẳng hạn
hôn nhân thí nghiệm, nghĩa là khi chưa có con thì chưa thành bất khả phân ly;
hôn nhân ép buộc của thanh niên thiếu nữ không ưa nhau, v.v... Hôn nhân hợp nhất
và duy nhất còn có thể mất ý nghĩa cao đẹp do lòng ích kỷ của đôi bên, do khoái
lạc chủ nghĩa, do những tội lỗi liên quan tới việc sinh sản.
Nhưng còn có nhiều
hoàn cảnh khác cũng có thể gây nên những khó khăn và dịp tội cho hôn nhân. Công
Ðồng nhắc đến hoàn cảnh kinh tế: chẳng hạn tiền lương không đủ để nuôi dưỡng và
giáo dục con cái; hoàn cảnh tâm lý và xã hội: như quan niệm mới về địa vị người
phụ nữ, hay là môi trường sinh sống quá chú ý đến tình dục; hoàn cảnh dân sự:
như lề luật trái ngược nguyên tắc luân lý, ví dụ việc phá thai, giải phẫu để
ngăn cản khả năng sinh sản, v.v...; hoàn cảnh nhân khẩu gia tăng tại nhiều nơi
cũng có thể đe dọa nền kinh tế của các quốc gia đang mở mang.
Trong thông điệp
Humanae Vitae, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công nhận đó là những lý do đã khiến
Giáo Hội xét lại lập trường (số 2-5).
53* Ðây là một định
nghĩa của hôn nhân đáng cho ta lưu ý tới: a) cốt yếu là cùng một đời sống và
cùng một tình yêu đặc biệt, b) tùy theo luật Chúa là Ðấng đã sáng tạo hôn nhân,
c) bắt đầu do sự ưng thuận nhau của hai người nam và nữ. Ðối tượng của sự ưng
thuận ấy là chính con người, hai con người tự hiến cho nhau và đón nhận nhau.
Hai người: chứ không phải chỉ quyền lợi trên thân xác của mình mà thôi (như,
theo Giáo Luật khoản 1081 đoạn 2, Thông điệp Casti Connubii của Ðức Piô XI đã
xác nhận: x. AAS 22 (1930), 541; Dz 3701/2225). Hai bên sẽ nên một về mọi
phương diện: sinh lý, tâm lý, xã hội và đạo đức. Kết quả là một tổ chức vững chắc
không phải tự ý riêng của đôi bên, nhưng theo ý định của Thiên Chúa. Tổ chức
này có nhiều mục đích (số 50b) và mưu ích không những cho đôi bên mà còn cho
gia đình và xã hội nữa.
1 Xem T.
Augustinô, De bono conjugali: PL 40, 375-376 và 394. - T. Tôma, Summa Theol.,
Suppl. Quaest. 49, art. 3 ad 1. - Decretum pro Armenis: Dz 702 (1327). - Piô
XI, Tđ. Casti connubii: AAS 22 (1933), trg 543-555; Dz 2227-2238 (3703-3714).
2 Xem Piô XI,
Tđ. Casti Connubii: AAS 22 (1930), trg 546-547; Dz 2231 (3706).
3 Xem Os 2; Gier
3,6-13; Ez 16 và 23; Is 54.
4 Xem Mt 9,15;
Mc 2, 19-20; Lc 5,34-35; Gio 3,29; 2Cor 11,2; Eph 5,27; Kh 19,7-8; 21,2 và 9.
5 Xem Eph 5,25.
6 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium: AAS 57 (1965), trg 15-16; 40-41;
47.
7 Xem Piô XI, Tđ.
Casti Connubii :AAS 22 (1930), trg 583.
54* Hai đoạn
48ab nhấn mạnh rằng hôn nhân là một trong những ơn kêu gọi của Chúa để con người
thánh hóa bản thân. Thiên Chúa đã sáng lập hôn nhân và quyết định bản tính của
nó, mục đích, tính cách chính yếu cũng như đã thánh hóa nó và nâng cao nó làm
thành một bí tích giúp đôi bên làm tròn nghĩa vụ và sống đức ái (x.Hiến chế tín
lý về Giáo Hội 35c; 41e; và sau này: số 52g).
Hai vợ chồng được
mời gọi để thánh hóa bản thân :1) bằng cách sống tình yêu riêng biệt (số 49-50a),
2) cũng như nhờ phận vụ làm cha làm mẹ (số 50).
8 Xem 1Tm 5,3.
9 Xem Eph 5,32.
10 Xem Stk 2,
22-24; Cn 5,18-20; 31,10-31; Tob 8,4-8; Dtc 1,1-3; 2,16; 4,16-5,1; 7,8-11; 1Cor
7,3-6; Eph 5,25-33.
55* Sách Sáng Thế
Ký thuật lại hai câu chuyện khác nhau về Chúa dựng nên loài người. Từ 1,1 đến
2,4 nhấn mạnh sự khác nhau của hai giống nam và nữ, cốt để hai bên phối hợp và
sinh con. Từ 2,5 đến 2,25 Thánh Kinh nói rằng người nữ được dựng nên sau và bởi
người nam, giống như người nam, để nhấn mạnh người nam và nữ là để bổ túc cho
nhau nhờ sự phối hợp nên "một thân thể" (trong Thánh Kinh danh từ này
không chỉ nói về thân xác, nhưng ám chỉ tới toàn thể con người). Nên việc hai
giống hướng về nhau, cũng như tình yêu giữa người nam và người nữ và cả tính dục
nữa đều do Thiên Chúa dựng nên và là tốt đẹp. Tính dục không phải là kết quả của
tội tổ tông. Tội ấy chỉ gây nên sự rối loạn của một thứ tính dục không còn tùng
phục lý trí (Stk 3,7-16).
Qua các chuyện về
tổ phụ, Thánh Kinh nhấn mạnh phương diện sinh sản: các ngài đã chấp nhận chế độ
đa thê (v.d. Stk 16,1; 29,15-30) và việc lấy vợ lẽ (30,3-12). Không sinh đẻ được,
là vì Chúa phạt (15,3).
Các sách Khôn
Ngoan (đặc biệt là Diễm Tình Ca) ca tụng tình yêu vợ chồng, mà không đề cập đến
việc sinh sản một cách rõ ràng. Tình yêu ấy là tình yêu xác thịt (xem vd. Cn
5,15-20).
Phần các tiên
tri khi các ngài so sánh giao ước giữa Thiên Chúa và dân
11 Xem Piô XI,
Tđ. Casti Connubii : AAS 22 (1930), trg 547-548; Dz 2232 (3707).
56* Ðức Phaolô
VI (Humanae Vitae số 8-9) diễn tả tình yêu vợ chồng như sau: 1) nguồn gốc của
nó là Thiên Chúa, 2) nó tốt đẹp vì trong đó hai người tự hiến cho nhau để trở
nên một và trau giồi cho nhau, 3) nó tượng trưng sự phối hợp giữa Chúa Kitô và
Giáo Hội, 4) nó là tình yêu nhân bản: vừa cảm giác vừa thiêng liêng, phát sinh
từ ý chí tự do, chứ không chỉ do tình cảm và bản năng mà thồi, 5) nó trọn vẹn,
nghĩa là khiến hai bên chia sẻ mọi sự và tìm mưu ích cho bạn hơn là cho mình,
6) nó chung thủy và duy nhất đến giờ chết, 7) và đưa tới kết quả ngoài ích lợi
cho đôi bên, nghĩa là nó hướng về việc sinh sản con cái.
57* Tất cả những
cử chỉ âu yếm thân xác, đến chính việc phối hợp mật thiết, đều là phương pháp
riêng biệt để biểu lộ, thể hiện và cổ võ tình yêu hôn nhân. Là những hành động
của con người, của con Thiên Chúa, để sống ơn gọi của mình, hành động đó không
có gì là bất xứng. Không phải hôn nhân cho phép để thực hành những điều đê tiện.
Hôn nhân thường thường đòi hỏi những hành động ấy, cốt như phương pháp để thể
hiện ơn gọi của Chúa. Việc thú vật cũng có những tác động tương tự bên ngoài,
không nên gây ra sự ngộ nhận. Dĩ nhiên đôi vợ chồng phải thực hiện những hành động
đó một cách xứng hợp với con người, nghĩa là một cách hợp lý và hợp đức tin, chứ
không phải chỉ vì bản năng tính dục, vì ích kỷ và bất chấp hoàn cảnh của bạn
mình, của con cái, của gia đình và của xã hội.
58* Hôn nhân là
để hai vợ chồng yêu nhau, hiệp nhất với nhau, bổ túc cho nhau, hay là để sinh sản
con cái? Trước khi có Công Ðồng, giáo lý công giáo trả lời: mục đích thứ nhất
là để sinh sản con cái. Còn việc vợ chồng giúp đỡ nhau và việc kết hiệp tính dục
với nhau là mục đích thứ nhì và phụ thuộc. Trong ghi chú 1 (số 48a) Công Ðồng
nhắc lại vài tài liệu phân biệt các mục đích như thế. Dĩ nhiên giáo lý đã không
coi thường tình yêu vợ chồng, bởi vì ba mục đích ấy đều phải được thực hành
trong bầu không khí yêu nhau. Nhưng Công Ðồng đã nhấn mạnh đến tình yêu trong
khi không chỉ lưu ý đến khía cạnh pháp lý của hôn nhân, nhưng đã đề cao phương
diện nhân vị. Nên, bây giờ ta phải nói rằng hôn nhân là để hai bên yêu nhau và
tự hiến cho nhau, nhờ đó mà sinh sản con cái, vì chính tình yêu vợ chồng cũng
như hôn nhân đều hướng về việc sinh sản. Giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản
con cái không có sự mâu thuẫn gì cả, trái lại nếu bỏ một trong hai, thì sẽ
không thể hiểu điều kia được. Yêu nhau với tình yêu này (hôn nhân) mà lại cố gắng
ngăn cản việc sinh sản con cái đấy là điều mâu thuẫn. Trái lại, muốn có con mà
không chịu yêu nhau thì không xứng hợp với phẩm giá con người. Tự hiến cho
nhau, nhưng cùng một lúc cố ý loại trừ khả năng cao quí nhất của mình là khả
năng làm cha làm mẹ, có phải tự hiến mình trọn vẹn không? có phải yêu thật
không?
59* Công Ðồng không
bằng lòng phân biệt các mục đích như cũ. Chỉ nhắc lại hai mục đích quan trọng
nhất là tự hiến cho nhau và sinh sản con cái. Thực ra, hai mục đích này (và nhiều
mục đích khác để phát triển nhân phẩm về mọi phương diện...) đều là chính yếu,
nghĩa là hôn nhân đòi hỏi quyền lợi để hai bên có thể nhờ nhau mà đạt tới những
mục đích ấy. Lập khế ước hôn nhân, nhưng loại trừ quyền lợi để sinh sản con cái
thật là vô lý và khế ước không thành. Vậy thì, cố ý loại trừ quyền lợi để yêu
nhau và để tự hiến cho nhau, cũng là vô lý, vì khế ước này cốt để trao đổi cho
nhau.
60* Ở đây Công Ðồng
dạy một giáo lý mới mẻ: lập gia đình để (nhờ tình yêu nhau) làm cha và làm mẹ;
nói như thế thì chưa đủ. Phải nói thêm: để làm bậc cha mẹ có trách nhiệm! Như
thế có nghĩ a gì? Công Ðồng dạy: 1) sinh sản con cái là sứ mệnh của vợ chồng,
2) phải thực hành như là cộng tác viên của Chúa và là "thông ngôn
viên" cho tình yêu của Chúa (nghĩa là: tình yêu Chúa luôn luôn muốn dựng
nên con người mới, nhưng hai vợ chồng phải tìm hiểu ý Chúa trong hoàn cảnh thực
tế của họ), 3) thực hành với lòng kính trọng Thiên Chúa, 4) và tin cậy Ngài, 5)
cũng như với tinh thần hy sinh, 6) để vinh danh Chúa, 7) và thánh hóa bản thân.
Theo các nguyên
tắc ấy, vợ chồng nên sinh hạ bao nhiêu con cái? Trước đây những tín hữu đạo đức
có lẽ đã trả lời: "Chúa muốn bao nhiêu thì chúng con sẽ sinh ra bấy
nhiêu". Nhưng câu đó không hợp với giáo lý như Công Ðồng dạy. Không khác
gì với lập trường của người chỉ ham mê khoái lạc và do đó sẽ áp dụng các phương
pháp để ngăn cản sự sinh sản, câu ấy có thể tỏ ra ý muốn đề cao nguyên tắc
"phải thỏa mãn tính dục" trước đã! Như vậy chưa phải là có trách nhiệm.
Bởi đó Công Ðồng ngợi khen những vợ chồng sẵn sàng có đông con, nhưng rồi dạy rằng
họ phải quyết định số con cái có thể có theo những nguyên tắc sau đây: 1) ích lợi
về mọi phương diện của hai vợ chồng (ví dụ: người mẹ có đủ sức không?) 2) ích lợi
của con cái (ví dụ gia đình có đủ phương tiện để giáo dục chúng nó không?) 3)
tùy theo thời gian, hoàn cảnh vật chất và tinh thần, 4) tùy theo ích lợi của đại
gia đình, của xã hội và của Giáo Hội.
Chính vợ chồng
phải quyết định số con, chứ không phải chỉ người chồng hay ông bà. Họ sẽ quyết
định theo lương tâm của họ: một lương tâm cố gắng hiểu biết luật Chúa như Giáo
Hội trình bày.
Ðức Phaolô VI
(Humanae Vitae số 10) nhấn mạnh rằng chính tình yêu hôn nhân đòi hỏi trách nhiệm
này. Ngài cũng cắt nghĩa trách nhiệm: 1) theo phương diện sinh lý là tôn trọng
lề luật của các tiến triển sinh lý (nó cũng thuộc về nhân vị), 2) theo phương
pháp chế ngự các xu hướng bản năng và dục vọng, đó là biết tự chủ theo lý trí,
3) theo phương diện hoàn cảnh vật lý, kinh tế, tâm lý, xã hội, đó là quyết định
tùy theo hoàn cảnh cho phép thêm con, hay không, 4) theo phương diện luân lý,
có trách nhiệm là quyết định và thực hiện quyết định đó một cách thích hợp với
nhiệm vụ đối với Chúa, đối với chính mình, đối với gia đình và xã hội. Lương
tâm của hai vợ chồng không tự ý tạo ra con đường tốt đẹp cho mình, nhưng nó phải
khám phá ra con đường ấy nơi bản tính hôn nhân và nơi bản tính các hoạt động
hôn nhân, theo như Giáo Hội cắt nghĩa.
Về phương pháp cụ
thể khi vợ chồng cần hạn chế sinh sản, xin coi số 51.
12 Xem 1Cor 7,5.
13 Xem Piô XII,
Huấn từ Tra le Visite, 20-1-1958: AAS 50 (1958), trg 91.
61* Vấn đề hạn
chế sinh sản là vấn đề về các phương pháp. Vợ chồng muốn sống hợp với lý tưởng
hôn nhân đã được trình bày ở trên, lắm lúc sẽ phải hạn chế số con. Nhưng không
gần gũi nhau, hay chỉ theo chu kỳ của người vợ, có thể làm hại cho tình yêu
nhau, do đó cũng làm hại cho đời sống hôn nhân và cho con cái nữa. Công Ðồng
không giấu kín sự kiện này. Vậy khi cần hạn chế số con, có thể áp dụng phương
pháp nào? Công Ðồng chỉ trả lời một cách đại cương mà thôi: phải loại trừ
phương pháp xấu xa, như giết người (số 51b), phá thai và giết trẻ em (số 51c).
Rồi Công Ðồng dạy nguyên tắc phải áp dụng trong việc chọn lựa phương pháp.
Phương pháp bao giờ cũng phải 1) tôn trọng giá trị của sứ mệnh lưu truyền sự sống
và tôn trọng phẩm giá con người, 2) nó không thể trái ngược lề luật của Chúa về
việc lưu truyền mạng sống, 3) vợ chồng phải có ý ngay lành, nhưng chưa đủ, 4)
chính phương pháp phải xứng hợp với các qui tắc khách quan về luân lý, 5) đó là
những qui tắc dựa trên bản tính con người và tác động của con người, 6) nên
phương pháp phải không được xâm phạm ý nghĩa tình yêu hôn nhân là tự hiến cho
nhau, và tính cách nhân bản của việc sinh sản con cái, 7) bởi đó, đức trinh khiết
hôn nhân là cần thiết, 8) cũng như lòng trung thành với Giáo Huấn của Giáo Hội.
14 Xem Piô XI,
Tđ. Casti Connubii: AAS 22 (1930), trg 559-561 : Dz 2239-2241 (3716-3718). -
Piô XII, Huấn từ cho Ðại hội Hiệp hội các Nữ Hộ Sinh Ý, 29-10-1951: AAS 43
(1951), trg 835-854. - Phaolô VI, Huấn từ cho các Nghị Phụ Hồng Y, 23-6-1964:
AAS 56 (1964), trg 581-589. Theo lệnh của ÐGH, một số vấn đề cần tìm hiểu sâu
xa hơn đã được trao cho một ủy ban đặc trách nghiên cứu về dân số, gia đình, tỉ
số sinh sản, để sau khi cộng tác hoàn thành, ÐGH có thể thẩm định. Và với giáo
huấn hiện thời của Giáo Hội, Thánh Công Ðồng không có ý cấp thời đề ra những giải
pháp cụ thể.
62* Ghi chú 14
trình bày lý do tại sao Công Ðồng không phát biểu ý kiến về phương pháp cụ thể
do khoa học đã khám phá ra, như thuốc viên, vòng xoắn, v.v... Ðức Giáo Hoàng
Phaolô VI đã nhờ ủy ban do Ðức Gioan XXIII thiết lập nhằm học hỏi về các vấn đề
gia đình, để nghiên cứu vấn đề hạn chế sinh sản. Ủy ban gồm có các nhà thần học,
xã hội học, bác sĩ, các đôi vợ chồng (trên 70 hội viên) đã làm việc từ năm 1963
đến cuối năm 1967. Theo như chính Ðức Giáo Hoàng xác nhận (Humanae Vitae số 6)
đa số các hội viên bênh vực lập trường chấp nhận bất cứ phương pháp nào để hạn
chế sinh sản. Không nhắc đến lòng ích kỷ, ham khoái lạc, sợ trách nhiệm nặng nề
trong việc sinh sản và giáo dục con cái, kể cả lập trường chống đối Giáo Hội
cũng như lập trường kinh tế và chính trị của một số quốc gia, Ấn Ðộ chẳng hạn...,
chính Ðức Giáo Hoàng đã chỉ nhắc lại lý do của đa số trong ủy ban: 1) Có lý do
ngoại tại, nghĩa là những lý do không trực tiếp quan hệ tới vấn đề, như việc
dân số gia tăng quá mau; những hoàn cảnh làm việc, nhà ở, kinh tế; quan niệm mới
mẻ về nhân phẩm phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong xã hội; việc sinh sản con
cái đòi hỏi hy sinh đôi khi tới mức độ anh hùng (Humanae Vitae số 2-3). 2) Cũng
có lý do nội tại như quan niệm về giá trị tình yêu hôn nhân và cử chỉ xác thịt;
quyền năng của con người trên thiên nhiên và bản thân; nguyên tắc toàn diện,
nghĩa là hôn nhân hướng về con cái nhưng không phải từng hoạt động vợ chồng phải
trực tiếp hướng về nó; nguyên tắc phải chọn sự xấu nhẹ hơn, nghĩa là thà áp dụng
phương pháp nhân tạo để hạn chế sinh sản còn hơn là mất tình yêu vợ chồng và hạnh
phúc gia đình (Humanae Vitae số 2-3; 14, 16-17).
Ngày 25-7-1968 Ðức
Phaolô VI "nhận sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó" (Humanae Vitae số 6)
công bố câu trả lời về vấn đề các phương pháp cụ thể: "Cấm bất cứ hành động
nào nhằm ngăn chặn sự sinh sản, dù như một mục đích hay chỉ như phương tiện, dù
có hành động như vậy trước việc vợ chồng, hay là khi việc vợ chồng đang tiến tới
hậu quả tự nhiên của nó" (Humanae Vitae số 14). Nghĩa là không được phép
dùng thuốc viên ngăn cản thụ thai (nó có thể giết tinh trùng, giết trứng, ngăn
cản trứng chín rụng, ngăn cản tinh trùng vào trong trứng), cấm dùng thuốc viên
phá thai, đặt vòng xoắn vào tử cung, dùng bao cao su của đàn ông hay đồ giữ bộ
phận của đàn bà, giải phẫu để cắt hay buộc các ống dẫn tinh dịch hay trứng, hoạt
động như Onan (Stk 38,9: cố ý xuất tinh ở ngoài), cấm phá thai... Vì mỗi khi vợ
chồng giao hợp với nhau, việc hôn nhân phải được mở ngỏ để "có thể lưu
truyền mạng sống" (Humanae Vitae số 11).
Ðức Giáo Hoàng
"nhận sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó" mà dạy con cái Giáo Hội phải bỏ
ý kiến riêng (Humanae Vitae số 28) và hơn nữa phải vâng lời mặc dù có thể là rất
khó (Humanae Vitae số 19-20) bởi vì phải vâng theo luật của Giáo Hội và luật của
Chúa (Humanae Vitae số 18).
Ðức Giáo Hoàng
đã áp dụng nguyên tắc Công Ðồng Vaticanô II lập ra và đã công nhận rằng nếu cố
ý ngăn cản việc thụ thai khi vợ chồng ăn ở với nhau, hành động đó không còn giữ
ý nghĩa sâu xa của tình yêu và của hôn nhân, cũng như của tác động hôn nhân như
Thiên Chúa đã muốn (Humanae Vitae số 9-13).
63* Các gia đình
và đại gia đình (kể cả các linh mục lo cho đôi tân hôn) nên lưu ý tới câu này của
Công Ðồng. Vì ép duyên không những là tội bất công đối với thanh niên thiếu nữ
có quyền lợi bất khả xâm phạm để lập gia đình và chọn người bạn, mà còn gây nên
nhiều khó khăn và nhiều dịp tội lỗi, không kể trường hợp hôn nhân bất thành vì
mặc dầu hai bên đã ưng thuận, nhưng chỉ vì sợ hãi quá đáng (Giáo luật, khoản
1087). Lạm dụng lòng hiếu thảo của con mình để ép duyên là điều không thích hợp
với giáo lý công giáo.
15 Xem Eph 5,16;
64* Công Ðồng lập
lại hai nhiệm vụ chính của các linh mục lo cho đôi tân hôn là: 1) giáo dục đôi
bên về ơn kêu gọi, về lý tưởng, về đời sống gia đình, về những khó khăn,
v.v..., 2) nâng đỡ các cặp vợ chồng gặp khó khăn với lòng nhân từ và kiên nhẫn.
Do đó việc khảo kinh hai bên sắp lập gia đình và sau đó chỉ lo việc rửa tội cho
con cái và dạy giáo lý, ban bí tích cho kẻ liệt... thì chưa đủ.
Các ngài nên đặc
biệt lưu ý tới tinh thần mới trong việc mục vụ (khi ngồi tòa chẳng hạn).
"Trong việc này (tức việc dạy toàn bộ giáo lý, bất chấp những khó khăn sẽ
gặp phải như khi đề cập tới vấn đề nghiêm cấm sự áp dụng các phương pháp hạn chế
sinh sản chẳng hạn), cần phải giữ đức nhẫn nại và nhân từ như chính Chúa đã làm
gương trong cách đối xử với mọi người. Chúa... đã giữ thái độ quyết liệt đối với
tội lỗi, nhưng đồng thời đã tỏ lòng thương xót đối với con người. Khi gặp khó
khăn, chớ gì các đôi vợ chồng luôn luôn tìm thấy nơi lời nói và nơi tâm hồn của
các linh mục, tiếng vang lời nói và tình yêu của Chúa Cứu Thế" (Humanae
Vitae số 29). Chúa không đuổi kẻ sa ngã vì yếu đuối...
16 Xem
Sacramentarium Gregorianum : PL 78, 262.
17 Xem Rm 5,15
và 18; 6, 5-11; Gal 2,20.
18 Xem Eph
5,25-27.
Chương II: Cổ Võ Việc Phát triển Văn Hóa 65*
53. Nhập đề. Ðặc điểm của
một nhân vị là chỉ đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa
là nhờ việc trau giồi những ưu phẩm và giá trị của bản tính. Vì vậy, mỗi khi đề
cập đến cuộc sống nhân loại, bản tính và văn hóa liên kết với nhau hết sức chặt
chẽ.
Theo nghĩa tổng
quát, chữ "văn hóa" chỉ tất cả những gì con người dùng để trao dồi và
phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả
trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình
cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập
tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình
của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để
giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.
Vì vậy, văn hóa
nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và chữ "văn
hóa" thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như dân chủng học. Chính
vì ý nghĩa này mà người ta nói đến sự đa tạp của các nền văn hóa. Thực vậy, có
nhiều cách xử dụng sự vật, nhiều cách làm việc và diễn tả tư tưởng, nhiều cách
phụng tự và tạo nên thuần phong mỹ tục, nhiều cách thiết lập luật lệ và định chế
pháp lý, nhiều cách phát triển khoa học, nghệ thuật và trau giồi thẩm mỹ, nên mới
phát sinh nhiều cách chung sống và nhiều hình thức hòa hợp các giá trị của cuộc
sống. Như thế, từ các định chế lưu truyền, hình thành một di sản riêng cho mỗi
cộng đoàn nhân loại. Cũng do cách thức ấy mà hình thành một môi trường lịch sử
nhất định của con người, bất cứ dân tộc nào hay thời đại nào, để từ môi trường
đó con người rút ra những giá trị hầu thăng tiến nền văn minh nhân loại.
Ðoạn 1: Tình Trạng Văn Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay 66*
54. Những lối sống mới.
Tình trạng sinh sống của con người hiện đại về phương diện xã hội và văn hóa đã
biến đổi sâu đậm, khiến con người có thể nói đến một kỷ nguyên mới của lịch sử
nhân loại 1.
Từ đó, mở ra những con đường mới để hoàn bị và bành trướng văn hóa rộng rãi
hơn. Những con đường này đã được khai phá nhờ sự lớn mạnh của các ngành khoa học
thiên nhiên, nhân văn và xã hội, nhờ sự phát triển kỹ thuật cũng như sự tiến bộ
trong công cuộc khám phá và khéo léo tổ chức những phương tiện giúp con người
liên lạc với nhau. Bởi đó, nền văn hóa hiện đại mang những đặc điểm này: các
khoa học mệnh danh là khoa học chính xác phát triển tối đa óc phê bình; những
nghiên cứu mới nhất về tâm lý học cắt nghĩa hoạt động của con người sâu xa hơn;
các bộ môn sử học góp phần lớn lao giúp con người nhận định sự vật dưới khía cạnh
biến đổi và tiến hóa; tập tục và cách sống ngày càng đồng nhất; hiện tượng kỹ
nghệ và đô thị hóa cộng với những nguyên nhân khác đang phát huy đời sống tập
thể tạo nên những hình thức văn hóa mới (văn hóa đại chúng), từ đó, phát sinh
những cách cảm nghĩ, hành động và giải trí mới. Ðồng thời, sự phát triển trao đổi
giữa các dân tộc và các tập thể khác nhau cũng mở rộng hơn cho mọi người và mỗi
người các kho tàng của những hình thức văn hóa khác nhau. Và cứ thế, sẽ dần dần
xuất hiện một hình thức văn hóa nhân loại đại đồng hơn, nhờ đó, nếu càng tôn trọng
những điểm của các nền văn hóa khác nhau, càng diễn đạt và tiến gần đến sự hiệp
nhất nhân loại hơn.
55. Con người, tác giả của
văn hóa. Càng ngày càng có nhiều người, nam cũng như nữ, thuộc bất cứ tập thể
hay quốc gia nào, ý thức được chính họ và những người xây dựng và sáng tạo văn
hóa của cộng đoàn mình. Trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự trị
cũng như trách nhiệm. Ðó là điều rất cần để nhân loại trưởng thành trên bình diện
tinh thần và luân lý. Ðó là điều sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, nếu chúng ta quan
tâm đến sự thống nhất thế giới và đến bổn phận chúng ta là phải kiến tạo một thế
giới tốt đẹp hơn trong chân lý và công bằng. Do đó, chúng ta là chứng nhân của
sự hình thành một nền nhân bản mới trong đó con người được định nghĩa trước hết
tùy theo trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử.
56. Trở ngại và bổn phận.
Trong những hoàn cảnh ấy, không còn gì đáng ngạc nhiên nếu con người vì cảm thức
được trách nhiệm của mình trong việc phát triển văn hóa, nên nuôi những hoài
bão cao xa, đồng thời cũng lo âu nhìn đến muôn ngàn mâu thuẫn trước mắt mình phải
giải quyết:
Phải làm gì để sự trao đổi văn hóa phồn thịnh kia tạo được sự đối
thoại đích thực và kiến hiệu giữa các tập thể và các quốc gia khác nhau mà
không xáo trộn cuộc sống của các cộng đoàn, không phá hoại sự khôn ngoan của tiền
nhân cũng như không làm tổn thương những đặc tính riêng của các dân tộc? 67*
Phải làm thế nào
để phát huy sự truyền bá và sức linh động của nền văn hóa mới, mà không hủy diệt
lòng trung thành gắn bó với di sản truyền thống? 68*
Ðó là vấn đề đặc biệt khẩn cấp khi phải dung hòa văn hóa phát sinh từ sự tiến bộ
lớn lao của khoa học và kỹ thuật với văn hóa được nuôi dưỡng bằng nền học vấn cổ
điển theo những truyền thống khác nhau.
Làm sao có thể
dung hòa sự phân tán rất nhanh chóng và ngày càng gia tăng của các bộ môn
chuyên biệt với nhu cầu tổng hợp các bộ môn ấy và nhu cầu duy trì nơi con người
khả năng chiêm ngưỡng và thán phục là những khả năng giúp con người đạt tới sự
khôn ngoan?
Phải làm gì để mọi
người trên thế giới cùng được hưởng ích lợi của văn hóa trong khi kiến thức của
các nhà thông thái luôn cao siêu và phức tạp hơn?
Sau hết, phải
làm sao để vừa công nhận sự tự trị mà văn hóa đòi hỏi là chính đáng, vừa không rơi
vào một nền nhân bản trần tục thuần túy hoặc đối nghịch với tôn giáo nữa?
Ngày nay, phải
phát triển văn hóa nhân loại giữa bấy nhiêu mâu thuẫn, sao cho nhân vị được nẩy
nở trọn vẹn, điều hòa đồng thời giúp con người trong những bổn phận mà mọi người
đều được kêu gọi để chu toàn, nhất là những Kitô hữu liên kết huynh đệ trong
gia đình nhân loại duy nhất. 69*
Ðoạn 2: Một Vài Nguyên Tắc Hướng Dẫn Việc Phát Triển
Văn Hóa
57. Ðức tin và văn hóa.
Người Kitô hữu đang hành trình về quê trời phải tìm kiếm và yêu thích những sự
trên trời 2.
Ðó là điều chẳng những không bớt mà còn làm tăng bổn phận của họ là góp sức với
mọi người kiến tạo một thế giới nhân đạo hơn. Thực ra, mầu nhiệm của đức tin
Kitô giáo đã đem đến cho họ nhiều khích lệ và trợ lực quí giá để họ chu toàn bổn
phận ấy cách hăng say hơn và nhất là để họ khám phá được ý nghĩa trọn vẹn của
công việc họ làm. Nhờ đó, văn hóa nhân loại có được một địa vị cao cả trong ơn
gọi toàn diện của con người.
Thực vậy, khi
cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nẩy sinh hoa
quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi
tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên
Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất 3
và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản
thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến
thân phục vụ anh em.
Hơn nữa, khi
chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học, sử học, toán học, vạn vật học và trau
giồi nghệ thuật, con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia
đình nhân loại để đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán
đoán có giá trị phổ quát. Nhờ đó, con người được soi chiếu rạng rỡ hơn, do Ðấng
Khôn Ngoan kỳ diệu đã có bên Chúa từ thuở đời đời, cùng Chúa an bài mọi sự, nô
đùa trên trái đất và vui sướng ở với con cái loài người 4.
Cũng nhờ đó mà
tâm trí nhân loại bớt nô lệ sự vật và có thể dễ dàng bay bổng để thờ phượng và
chiêm ngưỡng Ðấng Tạo Hóa. Hơn nữa, con người còn được ân sủng thúc đẩy để nhận
ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Ðấng trước khi nên xác thể để cứu chuộc và kết thâu
muôn loài nơi Người, đã ở trong thế gian như "anh sáng thật... vốn hằng
soi sáng mọi loài dương gian" (Gio 1,9) 5.
Vì do phương
pháp của chúng, khoa học và kỹ thuật không thể xâm nhập cơ cấu sâu xa của sự vật,
nên sự tiến bộ ngày nay của chúng dĩ nhiên có thể đưa đến một thứ chủ thuyết
duy hiện tượng và bất khả tri, khi phương pháp khảo sát của những bộ môn này được
đánh giá quá cao và được coi như luật tối hậu để khám phá toàn thể chân lý.
Cũng nguy hiểm hơn nữa khi con người tin tưởng thái quá vào những phát minh hiện
đại đến độ tự mãn và không còn kiếm tìm những giá trị cao hơn 70*.
Tuy nhiên, những
hậu quả tai hại ấy không nhất thiết phát sinh từ nên văn hóa hiện đại, và chúng
ta không được ỷ vào đó mà phủ nhận những giá trị tích cực của nền văn hóa này.
Trong số những giá trị ấy phải kể đến: lòng yêu chuộng khoa học, thái độ nghiêm
chỉnh trung thành với chân lý trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhu cầu
làm việc tập thể trong các toán chuyên viên, tình liên đới quốc tế, ý thức ngày
càng mãnh liệt nơi các nhà thông thái về trách nhiệm phải giúp đỡ và hơn nữa phải
bảo vệ con người, ý muốn đem lại cho mọi người tình trạng sinh sống thuận lợi
hơn, nhất là cho những người chịu thiệt thòi vì không được trao trách nhiệm và
vì thiếu văn hóa. Tất cả những giá trị này có thể góp phần chuẩn bị cho con người
lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm. Và công cuộc chuẩn bị này có thể được thấm nhuần nhờ
tình yêu thần linh của Ðấng đã đến để cứu chuộc thế gian.
58. Liên hệ đa diện giữa
Phúc Âm của Chúa Kitô và văn hóa nhân loại. Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân
loại có nhiều mối liên hệ. Thực vậy, khi tự mạc khải cùng dân Ngài cho tới khi
tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của
từng thời đại.
Cũng vậy, trải
qua các thế kỷ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã xử dụng những
tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân
sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, để tìm tòi và thấu hiểu sâu xa hơn,
để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc
sống muôn mặt của cộng đoàn các tín hữu.
Nhưng đồng thời,
Giáo Hội không bị ràng buộc cách độc quyền và bất khả phân ly với một chủng tộc
hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào, vì Giáo
Hội được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời. Trung thành với
truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có
thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo Hội cũng
như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn 71*.
Phúc Âm của Chúa
Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống đối
và khử trừ các sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội
lỗi luôn đe dọa. Phúc Âm không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc.
Những đức tính của mọi thời như được Phúc Âm làm cho phong phú từ bên trong, được
củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô 6
nhờ những ân huệ bởi trời. Như thế, trong khi chu toàn bổn phận riêng 7,
Giáo Hội cũng đồng thời thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa
nhân loại, và nhờ hoạt động của mình, ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ, Giáo
Hội giáo dục cho con người đạt tới tự do nội tâm.
59. Hợp tác các giá trị
trong những hình thức văn hóa nhân loại. Vì những lý do đã trình bày, Giáo Hội
nhắc nhủ mọi người: văn hóa phải nhằm đạt sự hoàn hảo toàn diện của nhân vị, lợi
ích của cộng đoàn và của toàn thể xã hội nhân loại. Do đó, phải tôi luyện tâm hồn
làm sao để phát triển khả năng tuân phục, thấu triệt, chiêm ngưỡng, phán đoán
riêng tư, lại phải có thể phát huy ý thức tôn giáo, luân lý cũng như xã hội.
Thực vậy, vì trực
tiếp phát sinh từ xã hội tính và lý trí của con người nên văn hóa luôn cần được
tự do đúng mức để phát triển, cũng như cần có quyền hợp pháp để hành động độc lập
theo các nguyên tắc riêng. Do đó, văn hóa có quyền được tôn trọng và được hưởng
một quyền bất khả xâm phạm nào đó, dĩ nhiên vẫn phải duy trì quyền lợi cá nhân
và cộng đoàn hoặc riêng biệt hoặc phổ quát, trong giới hạn của công ích.
Thánh Công Ðồng
lập lại những điều Công Ðồng Vaticanô thứ nhất đã dạy, và tuyên bố rằng:
"Có hai lãnh vực trí thức" khác nhau, lãnh vực đức tin và lãnh vực lý
trí; Giáo Hội không cấm "các kỹ thuật và các bộ môn văn hóa nhân loại dùng
những nguyên lý và phương pháp riêng trong phạm vi của mình"; do đó, Giáo
Hội "nhìn nhận sự tự do chính đáng này", và xác nhận sự tự trị hợp
pháp của văn hóa, nhất là các khoa học 8.
Tất cả những điều
vừa trình bày cũng đòi hỏi cho con người có thể tự do đi tìm chân lý, phát biểu,
phổ biến ý kiến mình và được tự do hành nghề tùy sở thích, miễn là tôn trọng
công ích và trật tự luân lý; sau hết, những điều ấy cũng đòi cho con người phải
được thông tin chính xác về những biến cố xảy ra thuộc đời sống công cộng 9.
Bổn phận của
công quyền không phải là quy định một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào,
nhưng là tạo những điều kiện và phương tiện thuận lợi để phát triển đời sống
văn hóa trong toàn thể dân chúng, cả trong những thành phần thiểu số của quốc
gia 10.
Do đó, phải hết sức tránh sao để văn hóa khỏi bị sai lạc mục đích cá biệt của
mình và khỏi bị cưỡng ép làm công cụ cho các thế lực chính trị hay kinh tế.
Ðoạn 3: Một Vài
Bổn Phận Cấp Bách Của Kitô Hữu Ðối Với Văn Hóa
60. Phải nhìn nhận và thực
thi quyền thụ hưởng văn hóa của mọi người. Vì ngày nay, con người có đủ khả
năng giải thoát một phần lớn nhân loại khỏi nạn ngu dốt, nên bổn phận thích
đáng nhất của thời đại này, nhất là đối với các Kitô hữu, trong lãnh vực kinh tế
cũng như chính trị, trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, là đem hết nỗ lực
để khẳng định những nguyên tắc căn bản bắt buộc mọi người phải thừa nhận và thực
thi quyền hưởng thụ văn hóa của mọi người trên thế giới, vì đó là quyền phù hợp
với phẩm giá con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, quốc gia, tôn giáo
và giai cấp xã hội. Do đó, phải làm sao cho mỗi người có được một số vốn liếng
văn hóa đầy đủ, nhâ�t là văn hóa căn bản, để một số lớn nhân loại không còn mù chữ hay
thiếu sáng kiến trách nhiệm mà không thể cộng tác vào lợi ích chung đúng với
danh nghĩa con người.
Bởi thế, phải gắng
sức làm cho những người có khả năng được theo học các bậc cao đẳng; và nếu có
thể được, liệu cho họ đạt được những chức vụ và giữ những vai trò mà họ có thể
phục vụ trong xã hội tùy theo sở trường và năng khiếu họ đã thâu thập được 11.
Như thế, mọi người và mọi tầng lớp xã hội thuộc mọi dân tộc đều có thể phát triển
trọn vẹn đời sống văn hóa phù hợp với tài năng và truyền thống của mình.
Hơn nữa, cũng cần
cổ động cho mọi người ý thức về quyền thụ hưởng văn hóa cùng bổn phận trau luyện
bản thân và hỗ trợ người khác. Dĩ nhiên, đôi khi vốn còn có những hoàn cảnh
sinh sống và làm việc cản trở các cố gắng phát huy văn hóa và làm cùn nhụt nghị
lực của con người; nhưng đặc biệt, đối với nông dân và thợ thuyền, cần phải đem
lại cho họ những điều kiện thực hành công việc của họ, để khuyến khích họ hơn
là ngăn cản họ trao đổi văn hóa. Nữ giới đã tham gia vào hầu hết mọi ngành sinh
hoạt, nên cũng phải liệu cho họ đảm trách toàn vẹn những chức vụ phù hợp với khả
năng riêng của họ. Bổn phận của tất cả mọi người là thừa nhận và cổ võ sự tham
gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa 72*.
61. Giáo dục văn hóa toàn
diện cho con người. Ngày nay, tổng hợp được các kiến thức thuộc mọi môn, mọi
ngành là một việc khó hơn bao giờ hết. Thực thế, càng ngày các yếu tố cấu tạo
văn hóa càng gia tăng và khác biệt, trong khi đó, nơi mỗi người, khả năng thâu
nhận và tổng hợp các yếu tố ấy lại suy giảm, đến nỗi hình ảnh "con người
bách khoa" mờ dần. Tuy nhiên, mỗi người đều còn có bổn phận bảo tồn nhân vị
toàn diện của mình, với những giá trị trổi vượt của trí tuệ, ý chí, lương tri
và tình huynh đệ. Tất cả những giá trị này đều do Thiên Chúa tạo dựng, được sửa
trị và nâng cao một cách kỳ diệu trong Chúa Kitô 73*.
Trước tiên, gia
đình như một người mẹ và người vú của nền giáo dục này, bởi vì trong gia đình,
con cái được tình yêu ấp ủ sẽ khám phá ra các bậc thang giá trị một cách dễ
dàng hơn, đồng thời càng lớn, những người trẻ càng như tự nhiên thấm nhuần những
khuôn mẫu văn hóa khác biệt sẵn có.
Xã hội ngày nay
cũng có những phương tiện thích hợp cho công cuộc giáo dục này. Nhất là nhờ việc
phổ biến sách báo càng ngày càng lan rộng và những phương tiện truyền thông văn
hóa xã hội mà văn hóa được phổ biến dễ dàng. Thực thế, nhờ giảm bớt phần nào thời
giờ làm việc, nhiều người sẽ có dịp để trau giồi văn hóa. Do đó, phải biết dùng
thời giờ nhàn rỗi để bổ dưỡng tâm trí và thể xác, như giải trí lành mạnh, học hỏi;
du lịch những miền xa lạ sẽ giúp cho trí óc mở mang, và nhờ hiểu biết lẫn nhau
con người được thêm phong phú; thể dục và các hoạt động thể thao giúp chúng ta
giữ được quân bình trong tâm hồn của mỗi cá nhân cũng như của xã hội, và giúp
chúng ta thiết lập được các mối bang giao huynh đệ giữa mọi người không phân biệt
giai cấp, quốc gia hay chủng tộc. Vì thế, các Kitô hữu phải cộng tác vào việc
đem tinh thần nhân bản và Kitô giáo thấm nhuần các sinh hoạt văn hóa tập thể,
là những sinh hoạt đặc biệt của thời đại chúng ta.
Tuy nhiên, những
phương tiện trên sẽ không đem lại một nền giáo dục văn hóa toàn diện cho con
người nếu đồng thời con người không tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của văn hóa và khoa
học đối với con người.
62. Phối hợp văn hóa nhân
loại với Kitô giáo. Mặc dù Giáo Hội đã đóng góp nhiều vào sự phát triển văn
hóa, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, vì những lý do nhất thời mà sự phối hợp giữa
văn hóa và Kitô giáo không phải lúc nào cũng diễn tiến mà không gặp trở ngại.
Những trở ngại
này không nhất thiết làm tổn thương đời sống đức tin, trái lại, còn có thể thúc
đẩy lý trí tìm hiểu đức tin một cách chính xác và sâu rộng hơn. Thực thế, những
cuộc nghiên cứu và những phát sinh gần đây của khoa học cũng như của sử học và
triết học khơi lên những vấn đề mới liên hệ đến chính cuộc sống. Chúng đòi hỏi
các nhà thần học vẫn phải tìm tòi những nghiên cứu mới nữa. Do đó, khi trung
thành với những phương pháp và đòi hỏi riêng biệt của khoa thần học, các nhà thần
học được mời gọi luôn tìm kiếm một phương thức thích ứng hơn để truyền thông
giáo lý cho người đương thời: vì một đàng là kho tàng đức tin các chân lý, một
đàng là phương thức diễn đạt kho tàng đó miễn sao giữ vững đúng ý nghĩa và nội
dung 12.
Trong phạm vi mục vụ, phải thấu triệt và áp dụng không những các nguyên tắc thần
học, nhưng cả những phát minh của các khoa học "đời", nhất là khoa
tâm lý và xã hội học. Như thế, các tín hữu cũng sẽ nuôi dưỡng được một đời sống
đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn.
Văn chương và
nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong đời sống
Giáo Hội. Thực thế, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn tả đặc tính riêng của
con người cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người trong nỗ lực nhận biết
và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng cố
gắng khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, phơi bày những đau
khổ và vui mừng, những nhu cầu và nghị lực của con người, lại cố gắng phác họa
một vận hội khả quan hơn cho con người. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể
nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời
và từng miền khác nhau.
Vậy nên, cần phải
làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của
họ và một khi được hưởng tự do đúng mức, họ có thể trao đổi với cộng đoàn Kitô
hữu dễ dàng hơn. Giáo Hội cũng phải công nhận những hình thức nghệ thuật mới,
thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa
phương. Cũng nên đem vào nơi phượng tự những hình thức mới này, một khi với lối
diễn tả thích nghi và phù hợp với phụng vụ, chúng giúp con người nâng tâm hồn
lên cùng Thiên Chúa 13.
Như thế, danh
Chúa được biểu dương, việc rao giảng Phúc Âm trở thành dễ hiểu hơn, và như hàm
chứa sẵn trong cảnh sống của con người.
Bởi vậy, các tín
hữu phải sống liên kết hết sức chặt chẽ với những người đương thời và để tâm
tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa
văn hóa riêng của họ. Các tín hữu phải phối hợp những kiến thức khoa học và học
thuyết mới cũng như những phát minh mới mẻ với nền luân lý và giáo lý Kitô
giáo. Nhờ đó, đời sống đạo và tâm hồn chính trực của họ lớn lên song hành với
kiến thức khoa học và kỹ thuật mỗi ngày một tiến bộ. Như vậy, họ có thể nhận định
và giải thích mọi sự với lối cảm nghĩ hoàn toàn Kitô giáo.
Những vị chuyên
khoa thần học trong các Chủng Viện và Ðại Học nên cố gắng đem năng lực và quan
điểm cộng tác với những người am tường các khoa học khác. Ðồng thời, công cuộc
nghiên cứu thần học nhằm đào sâu chân lý mạc khải không được khinh thường mối
liên hệ của thần học đối với thời đại của mình. Có vậy, các nhà thần học mới có
thể giúp những nhà chuyên môn trong các bộ môn khác hiểu biết đức tin đầy đủ
hơn. Những công cuộc hợp tác này sẽ giúp ích nhiều cho việc đào tạo các thừa
tác viên có chức vụ thánh. Họ có thể dẫn giải giáo lý về Thiên Chúa, về con người
và thế giới một cách thích hợp với thời đại chúng ta hơn; nhờ đó, lời họ giảng
cũng được đón nhận dễ dàng hơn 14.
Mong cho có nhiều giáo dân được huấn luyện thích đáng về các khoa học thánh, và
ước sao một số chuyên tâm học hỏi và đào sâu những môn học này. Tuy nhiên, để họ
có thể làm tròn bổn phận của mình, cần phải thừa nhận cho tín hữu hoặc giáo sĩ
hoặc giáo dân một sự tự do đầy đủ để nghiên cứu, suy tư, cũng như để khiêm tốn
và can đảm trình bày quan điểm trong lãnh vực chuyên môn của họ 15.
74*
Chú Thích:
65* Văn hóa giúp
con người phát triển (số 53a), vậy văn hóa là thế nào? (b). Có thể có nhiều
hình thức theo lịch sử và xã hội cũng như theo xã hội học và nhân chủng học
(c).
1) Thực trạng của
văn hóa hiện tại: Văn hóa được đổi mới và quốc tế hóa do ảnh hưởng khoa học gây
nên (số 54). Ðồng thời con người ý thức về quyền tự trị và về trách nhiệm trong
lãnh vực văn hóa (số 55).
Ðàng khác con
người cũng nhận thấy nhiều xung đột (số 56a); giữa văn hóa do ảnh hưởng khoa học
gây nên (số 54). Ðồng thời con người ý thức về quyền tự trị và về trách nhiệm
trong lãnh vực văn hóa (số 55).
Ðàng khác con
người cũng nhận thấy nhiều xung đột (số 56a); giữa văn hóa mới và nếp sống cũ của
các cộng đoàn (b), giữa sự phát triển và thông truyền (c), giữa sự học biết
càng ngày càng nhiều và quan niệm tổng quát cần thiết (d), giữa văn hóa ngày một
phức tạp và việc quần chúng phải tham dự vào văn hóa (e), giữa quyền tự trị và
đòi hỏi tôn giáo (f), dù vậy văn hóa phải giúp con người lớn lên về mọi phương
diện (g).
2) Nguyên tắc để
phát triển văn hóa:
A) Ðức tin và
văn hóa: Ðức tin giúp ta phát triển văn hóa (số 57a); vì khiến ta tự hoàn thiện
hóa và phục vụ đồng loại (b), vì cổ võ sự chân, thiện, mỹ và giúp ta hiểu vũ trụ
hơn (c). Văn hóa giúp ta thờ phượng Chúa và đón nhận đức tin (d). Ðàng khác
tinh thần khoa học quá đáng có thể nguy hiểm (e). Nhưng ta không vì thế mà phủ
nhận các giá trị của khoa học (f).
B) Phúc Âm và
văn hóa: Chúa đã dùng văn hóa của dân Do thái để tự tỏ mình ra (số 58a). Giáo Hội
đã dùng các nền văn hóa khác nhau để loan truyền Phúc Âm (b), và khi tiếp xúc với
tất cả các nền văn hóa ấy thì đã mưu ích cho nó cũng như cho mình (c). Những lợi
ích Phúc Âm mang lại (d).
C) Ðiều kiện
giúp văn hóa phát triển để mưu ích cho con người biết chiêm ngưỡng và phán đoán
(số 59a) là văn hóa phải hưởng thụ tự do (b). Giáo hội xác nhận quyền tự do văn
hóa (c). Tự do nghiên cứu, tự do tư tưởng và phát biểu ý kiến, tự do thông tri
(d). Vai trò của chính quyền (e).
3) Nhiệm vụ của
Kitô hữu: Mọi người phải được hưởng thụ văn hóa (số 60a), phải có thể vào các
Trường Cao Ðẳng (b). Và mỗi người cũng có nhiệm vụ về văn hóa; để lập nên điều
kiện thuận tiện cho mọi người, để giúp phụ nữ đóng một vai trò trong xã hội (c).
4) Giáo dục là cần
thiết: Phải đề cao nhân vị (số 61a) và sứ mệnh gia đình (b). Việc sử dụng
phương tiện truyền thông xã hội cũng như việc sử dụng các giờ rảnh đều quan trọng
(c). Cần phải tìm hiểu ý nghĩa chính xác của văn hóa (d).
5) Vai trò của
Giáo Hội: Có thể rất khó khăn khi phát triển văn hóa và đồng thời gìn giữ tinh
thần Kitô giáo (số 62a). Phần đóng góp của các nhà thần học (b), văn chương và
mỹ thuật (c). Lập trường của Giáo Hội đối với nhà văn và nghệ sĩ (d). Phải tìm
hiểu thời đại và điều hòa văn hóa với giáo lý (e), đó là việc riêng của các nhà
thần học (f).
66* Trong phần
này Công Ðồng nói về một thứ văn hóa "Âu Mỹ", của các quốc gia tiền
tiến. Nhưng các quốc gia đang mở mang cũng hướng về thứ văn hóa giống như thế
nhờ sự kỹ nghệ hóa; đồng thời cũng nhờ người trí thức trong các quốc gia đang mở
mang hoặc đã theo học trong các học đường Âu Mỹ, hoặc đã theo học những chương
trình Tây Phương tại các Viện Ðại Học của nước mình. Bởi thế, ước gì kinh nghiệm
của những quốc gia Âu Mỹ có thể giúp đỡ các quốc gia đang mở mang để tránh được
những khuyết điểm mà văn hóa Tây Phương đã không tránh khỏi.
1 Xem Phần Nhập
Ðề của Hiến Chế này, số 4-10.
67* Giới trí thức
và lãnh đạo ở các quốc gia đang mở mang có nhiệm vụ rất lớn lao và khó nhọc về
vấn đề này.
68* Vấn đề này
không chỉ có trong các quốc gia đang mở mang mà thôi. Các phong trào chống đối
bên Âu Mỹ cũng đe dọa những giá trị truyền thống.
69* Một cách tóm
tắt và thực tế, trong việc phát triển văn hóa chúng ta phải làm sao để điều hòa
mọi giá trị: để duy trì sự quân bình giữa các điều cũ và điều mới, giữa lý trí
và tình cảm, giữa trí óc khoa học và trí óc chiêm ngưỡng thiên nhiên, thưởng thức
văn chương và mỹ thuật. Phải làm sao để giúp đỡ mỗi cá nhân và các dân tộc phát
triển song song: nếu không, nhiều hình thức nô lệ mới có thể xuất hiện: chẳng hạn
sự nô lệ kinh tế và văn hóa của cả một quốc gia.
2 Xem
3 Xem Stk 1, 28.
4 Xem Cn 8,
30-31.
5 Xem T. Ireneô,
Adv Haer. III, 11, 8: x.b. Sagnard, trg 200; Xem n.v.t., 16, 6: trg 290-292;
21, 10-22: trg 370-372; 22, 3: trg 378; v.v...
70* Hiện tượng
luận chủ trương rằng ta phải đánh giá các hiện tượng mà không cần tìm đến những
thực thể siêu việt. Ví dụ: trong cơn khủng hoảng đối với quyền bính trong Giáo
Hội hay trong xã hội, chúng ta không cần dựa trên bất cứ nguyên tắc lý thuyết
nào, mà phải chấp nhận những thực tại mới, thích hợp với các hiện tượng xảy ra.
"Bất khả tri luận" chủ trương rằng trí con người thiếu khả năng để hiểu
biết các thực tại siêu hình. Nhiều khi đó chỉ là một lập trường trong thực tế.
Khoa học có thể đưa tới chủ trương ấy, không phải vì bản tính đòi hỏi như vậy,
nhưng chỉ vì người ta muốn xét tới tất cả mọi vấn đề dựa trên những phương pháp
thí nghiệm và thực tế của khoa học.
71* Ðoạn trên đã
được hàng trăm các Ðức Giám Mục Á Phi và Nam Mỹ xác nhận. Có lẽ nhiều giáo dân
thuộc giới trí thức (ở Việt
6 Xem Eph 1, 10.
7 Xem lời Ðức
Piô XI nói với ÐGM Roland-Gosselin: "Ðừng bao giờ quên rằng mục tiêu Giáo
Hội nhằm là truyền bá Phúc Âm chứ không phải truyền bá văn minh. Nếu Giáo Hội
truyền bá văn minh, thì qua việc truyền bá Phúc Âm" (Semaines sociales de
France, Versailles, 1963, trg 461-462).
8 CÐ Vat. I, Hiến
chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch. IV: Dz 1695, 1799 (3015-3019).
- Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 190.
9 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 260.
10 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 283. - Piô XII, sứ điệp truyền
thanh 24-12-1941: AAS 34 (1942), trg 16-17.
11 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 260.
72* Với chế độ
dân chủ, nữ giới bắt đầu đòi bình quyền với nam giới. Phong trào thoát ly hoàn
toàn của nữ giới: về phương diện sinh vật học (không làm nô lệ cho hôn nhân và
việc sinh nở), về kinh tế (có toàn quyền bất chấp ý kiến của người chồng), về
xã hội (hình thức đàn bà nội trợ phải biến đi). Phong trào này một khi có tính
cách tuyệt đối đến nỗi bỏ quên sự khác biệt giữa hai giới nam và nữ không những
về sinh vật lý mà còn về tâm lý, lúc ấy nó trái ngược với chính phẩm giá của phụ
nữ và làm hại cho gia đình, xã hội. Công đồng đã nhấn mạnh sự bình đẳng về nhân
quyền căn bản (số 29b) và ở đây không những chấp nhận sự thoát ly xã hội (về việc
làm thích hợp với tài năng của họ) mà còn dạy mọi người phải cộng tác để phụ nữ
góp phần riêng và cần thiết trong lãnh vực văn hóa. Lãnh vực văn hóa cũng bao gồm
hoạt động chính trị! Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhắc lại rằng ơn thiên triệu
chính của đàn bà cốt tại việc làm mẹ (cũng có thể mang ý nghĩa thiêng liêng).
Công việc ở ngoài gia đình có thể ngăn cản họ trong việc nuôi nấng, giáo dục
con cái và sống đầm ấm với chồng. Ðàng khác hoạt động xã hội của phụ nữ nhiều
khi cần thiết vì ích chung (ví dụ để bảo vệ hay cổ võ ích lợi của gia đình) và
phẩm giá của giới phụ nữ cũng đòi hỏi họ góp phần vào ích lợi chung. Ðặc biệt
những phụ nữ không chồng không con, có thể dấn thân để thực hành nhiều công việc
xã hội và chính trị nữa (15-8-1945: AAS 37, 288 và 21-10-1945: AAS 37).
73* Ngày nay sự
sai biệt giữa người học thức và kẻ dốt nát ở trong một dân tộc nào đó thật đáng
sợ, nhưng sự sai biệt nơi một cá nhân giữa sự học biết thật cao trong một lãnh
vực và sự dốt nát hoàn toàn về phương diện khác của văn hóa, điều đó lại càng
đáng sợ hơn nữa! Nếu trong lãnh vực lý học, toán học, y học, v.v... thực có uy
thế, nhưng đồng thời lại chẳng hiểu gì về văn chương... hay về tôn giáo, thì
như vậy con người đã không phát triển các điều hòa. Phải phát triển các khả
năng: trí tuệ, ý chí, ký ức, sức tưởng tượng tình cảm, lương tri... một cách
quân bình.
12 Xem Gioan
XXIII, Diễn văn khai mạc Công Ðồng, 11-10-1962: AAS 54 (1962), trg 792.
13 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, số 123: AAS 56 (1964),
trg 134. - Phaolô VI, Discorso agli artisti romani, 7-5-1964: 56 (1964), trg
439-442.
14 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Ðào Tạo Linh Mục Optatam totius và Tuyên Ngông về Giáo Dục Kitô
Giáo Gravissimum educationis.
15 Xem CÐ Vat. I
I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. IV, số 37: A AS 57 (1965),
trg 42-43.
74* Trong số này
Công Ðồng diễn tả lại thái độ của Giáo Hội (thái độ Giáo Hội muốn có, hơn là
thái độ đã có qua lịch sử) đối với tất cả các biểu hiện của văn hóa (Công Ðồng
nhắc lại thần học, văn chương và mỹ thuật như là ví dụ). Ðó là thái độ thiện cảm
biết khám phá những giá trị tích cực hơn là chỉ để ý đến những khó khăn và mối
nguy hại; thái độ muốn dự phần và thấu hiểu để nhận thấy những khía cạnh văn
hóa thích hợp với giáo lý thế nào; thái độ đối thoại trong bầu không khí tự do,
loại bỏ lòng nghi ngờ đối với những ai chuyên môn về nghiên cứu (đặc biệt trong
lãnh vực thần học).
Chương III: Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội 75*
63. Một vài khía cạnh của
đời sống kinh tế. Ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi
toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội cũng phải được tôn trọng
và thăng tiến. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời
sống kinh tế xã hội.
Sau đây là một
vài đặc điểm của nền kinh tế hiện đại cũng như của các lãnh vực khác trong đời
sống xã hội: con người càng ngày càng chế ngự thiên nhiên nhiều hơn, sự liên lạc
và nương tựa lẫn nhau giữa các công dân, đoàn thể, quốc gia càng ngày càng nhiều
và rộng lớn hơn, và mỗi ngày sự can thiệp của các chính quyền càng trở thành
thường xuyên; đồng thời, với đà tiến bộ của các phương pháp sản xuất và trao đổi
sản phẩm cũng như dịch vụ, kinh tế đã trở thành một công cụ thích hợp để thỏa
mãn cách khả quan những nhu cầu chồng chất của gia đình nhân loại.
Tuy nhiên, không
thiếu những lý do gây nên lo ngại. Nhiều người, nhất là trong những miền có nền
kinh tế tiến bộ, như bị đời sống kinh tế chi phối hoàn toàn, đến nỗi trong các
quốc gia theo kinh tế tập sản cũng như trong các quốc gia khác, hầu như cả đời
sống cá nhân cũng như xã hội của họ đều bị thấm nhiễm một thứ chủ nghĩa duy
kinh tế. Trong thời đại mà sự phát triển đời sống kinh tế nếu được điều khiển
và phối hiệp cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm thiểu những chênh lệch trong
xã hội, thì nhiều khi lại làm cho những chênh lệch ấy trở thành trầm trọng hơn,
hoặc ở một vài nơi còn trở thành sự thoái hóa địa vị xã hội của những người yếu
thế và miệt thị những kẻ nghèo túng. Ngay trong những vùng kém mở mang, giữa
lúc đại đa số vẫn còn thiếu những nhu cầu thiết yếu, thì một thiểu số lại sống
dư dật, phung phí. Xa hoa và cùng cực kề cận nhau. Trong khi một thiểu số được
quyền định đoạt rất lớn, thì đa số lại hầu như không thể hành động theo sáng kiến
riêng và không được thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, nhiều khi còn phải
chịu đựng trong những hoàn cảnh sinh sống và làm việc bất xứng với phẩm giá con
người 76*.
Giữa lãnh vực
nông nghiệp, kỹ nghệ, mậu dịch và ngay giữa những miền khác nhau của cùng một
quốc gia cũng có những chênh lệch tương tự về kinh tế và xã hội. Sự tương phản
giữa các cường quốc kinh tế và các quốc gia khác càng ngày càng trở nên trầm trọng
và có thể đe dọa cả nền hòa bình thế giới.
Con người thời đại
chúng ta càng ngày càng ý thức mãnh liệt về những chênh lệch ấy, vì họ thâm tín
rằng những kỹ thuật tân tiến và những năng lực kinh tế của thế giới ngày nay có
thể và phải sửa đổi được những tệ trạng kia. Muốn vậy, cần phải cải tổ đời sống
kinh tế, xã hội và mọi người phải đổi mới tâm thức và thái độ của mình. Nhằm mục
đích ấy, nên qua bao thế hệ, với ánh sáng Phúc Âm, Giáo Hội đã nỗ lực minh dẫn
những nguyên tắc về công bình và quân bình trong đời sống cá nhân, xã hội và quốc
tế cho hợp với những đòi hỏi của lương tri nhân loại, nhất là trong những ngày
gần đây Giáo Hội càng đưa ra những nguyên tắc ấy hơn. Trong khi đặc biệt nhìn
vào những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, Thánh Công Ðồng muốn củng cố lại
những nguyên tắc đã nêu trên, đồng thời vạch ra một vài hướng đi phù hợp với
hoàn cảnh của thời đại này 1.
Ðoạn 1: Phát Triển Kinh Tế
64. Phát triển kinh tế để
phục vụ con người. Ngày nay hơn bao giờ hết, để đối phó với sự gia tăng dân số
và thỏa mãn những nguyện vọng mỗi lúc một nhiều của nhân loại, người ta được
quyền nghĩ đến việc tăng gia sản xuất nông nghiệp, kỹ nghệ, cũng như các dịch vụ
cung ứng. Do đó, cần phải cổ võ việc phát triển kỹ thuật, tinh thần canh tân, cố
gắng thiết lập và khuếch trương các xí nghiệp; thích nghi các phương pháp sản
xuất và những cố gắng không ngừng của các nhà sản xuất, tóm lại, là cổ võ tất cả
những yếu tố dự phần vào việc phát triển này. Tuy nhiên, mục đích căn bản của sự
sản xuất không chỉ là gia tăng sản lượng, lợi tức hoặc quyền lực, nhưng chính
là phục vụ con người, dĩ nhiên là con người toàn diện. Tuy nhiên, phải duy trì
đúng cấp bực giá trị của các nhu cầu vật chất cũng như những đòi hỏi của đời sống
tinh thần, luân lý, tu đức và tôn giáo. Phải phục vụ tất cả mọi người, mọi đoàn
thể, mọi chủng tộc và mọi miền trên thế giới. Bởi thế, hoạt động kinh tế, mặc
dù theo phương pháp và luật lệ riêng, nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn của trật
tự luân lý 2;
Có như thế mới hoàn thành được kế hoạch Thiên Chúa đã sắp đặt cho con người 3.
65. Phát triển kinh tế dưới
sự kiểm soát của con người. Con người phải kiểm soát lại sự phát triển kinh tế;
không được khoán trắng nó cho sự định đoạt của một thiểu số hoặc của những tập
thể nắm trong tay quyền lực kinh tế quá lớn, hoặc của một cộng đoàn chính trị
hay một số quốc gia giàu mạnh. Ngược lại, trong những dịch vụ quốc tế, mọi quốc
gia đều phải tích cực dự phần vào việc phát triển kinh tế, và càng nhiều người
thuộc mọi cấp bậc tham gia càng hay. Cũng vậy, phải phối hợp và điều hòa một
cách thích đáng và hợp lý những sáng kiến của cá nhân và của các đoàn thể tự do
với nỗ lực của chính quyền.
Không thể chỉ bỏ
mặc việc phát triển cho sự diễn tiến gần như máy móc của hoạt động kinh tế cá
nhân hay cho một mình chính quyền mà thôi. Do đó, phải tố giác những sai lầm của
các học thuyết đang nhân danh một thứ tự do ngụy tạo để ngăn cản những cải tổ cần
thiết; cũng phải tố giác những học thuyết đòi hy sinh quyền lợi cá nhân và đoàn
thể cho tổ chức sản xuất tập thể 4.
Người công dân
nên nhớ rằng, bổn phận và quyền lợi của mình là tùy khả năng đóng góp vào việc
phát triển thực sự cộng đoàn mình. Chính quyền cũng phải công nhận bổn phận và
quyền lợi này. Nhất là những miền còn kém mở mang, càng phải cấp bách tận dụng
mọi tài nguyên; do đó, những người để tài sản của mình không sinh lợi, hoặc
không trợ giúp cộng đoàn mình những phương tiện vật chất và tinh thần cần thiết
là gây nguy hại trầm trọng cho công ích 77*,
dĩ nhiên bao giờ cũng phải tôn trọng quyền di cư của mỗi cá nhân.
66. Phải chấm dứt những
chênh lệch lớn lao trên bình diện kinh tế xã hội. Ðể thỏa mãn những đòi hỏi của
công bằng và lẽ phải mà vẫn tôn trọng quyền lợi cá nhân và đặc tính của mỗi dân
tộc, cần phải hăng hái nỗ lực để sớm chấm dứt những chênh lệch kinh tế lớn lao
hiện nay và còn gia tăng mai ngày: những chênh lệch này gắn liền với sự phân
hóa cá nhân và xã hội. Cũng vậy, trong nhiều vùng, việc sản xuất và bán nông phẩm
đang gặp nhiều trở ngại trầm trọng. Do đó, cần phải nâng đỡ nông dân tăng gia
và tiêu thụ được sản phẩm, lại phải thực hiện những cuộc cải tổ và canh tân cần
thiết hầu thâu được lợi tức tương ứng. Như thế, họ sẽ không mãi ù lì trong thân
phận công dân hạ đẳng, như vẫn thường thấy. Còn các nông dân, nhất là những người
thuộc lớp trẻ, phải cố gắng kiện toàn khả năng chuyên nghiệp, nếu không nông
nghiệp không thể phát triển 5.
Sự di chuyển là
điều cần thiết đối với nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, sự công bằng và
quân bình đòi hỏi phải tổ chức sự di chuyển ấy thế nào để đời sống cá nhân cũng
như gia đình không bị xáo trộn và bấp bênh. Những công nhân từ một quốc gia hay
một miền khác đến, cũng là những người góp công vào việc phát triển kinh tế của
một nước hay một miền, nên cần phải cố gắng tránh mọi dị biệt về điều kiện
lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ
như những nhân vị, chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ
để họ có thể đưa gia đình đến và có thể kiếm được một nơi nương thân đàng
hoàng; cũng phải cho phép họ dễ dàng gia nhập đời sống xã hội của quốc gia hay
miền đất nào đón tiếp họ. Tuy nhiên, nếu có thể, nên tạo cho họ có công ăn việc
làm ngay tại nguyên quán của họ.
Trong những trạng
huống kinh tế đang biến chuyển cũng như trong những hình thái mới mẻ của xã hội
kỹ nghệ chẳng hạn hệ thống tự động đang được phát triển, phải liệu sao cho mỗi
người có công việc đầy đủ và thích hợp, đồng thời hấp thụ được một sự huấn luyện
thích ứng về kỹ thuật và nghề nghiệp. Cũng cần phải bảo đảm sự sống và nhân phẩm,
nhất là của những người vì bệnh tật, tuổi tác, phải sống trong những hoàn cảnh
thật khó khăn.
Ðoạn 2: Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Toàn Bộ Ðời Sống
Kinh Tế Xã Hội
67. Việc làm, những điều
kiện làm việc và giải trí. Việc làm của con người trong công cuộc sản xuất và
trao đổi sản phẩm hay cung ứng dịch vụ kinh tế có giá trị hơn các yếu tố khác của
đời sống kinh tế, vì các yếu tố đó chỉ có giá trị như dụng cụ.
Thực thế, việc
làm này hoặc làm cho chính mình hoặc làm mướn đều trực tiếp phát xuất từ con
người. Con người gần như in vào thiên nhiên dấu vết của mình và bắt thiên nhiên
phải tùng phục ý muốn của mình. Nhờ việc làm, con người theo lệ thường nuôi sống
mình và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ họ, có thể thực thi bác ái
đích thực và góp công vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn
nữa chúng tôi cho rằng nhờ việc làm của mình, con người cộng tác vào chính công
cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người
làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nazareth 78*.
Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc
nữa 79*.
Trong những hoàn cảnh cụ thể, chính xã hội cũng có bổn phận góp phần giúp người
công dân có thể tìm được công ăn việc làm. Sau cùng, tùy theo phận vụ và năng
suất của mỗi người cũng như tình trạng của xí nghiệp và công ích 6,
việc làm cần phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho
mình và gia đình một đời sống xứng hợp cả về phương diện vật chất, xã hội, văn
hóa cũng như tinh thần 80*.
Hoạt động kinh tế
thường là kết quả của việc hợp tác giữa nhiều người. Do đó, nếu tổ chức và điều
hành hoạt động này làm thiệt hại cho bất cứ lớp công nhân nào thì đều là bất
công và vô nhân đạo. Ngay cả ngày nay, điều thường xảy ra là công nhân trở
thành nô lệ cho chính việc làm của mình. Ðiều ấy không thể được biện minh bằng
bất cứ luật kinh tế nào. Bởi vậy, mọi phương thức sản xuất cần phải thích nghi
với nhu cầu và lối sống của con người: trước hết thích nghi với đời sống gia
đình, nhất là đối với người mẹ gia đình, và luôn luôn còn phải lưu tâm đến phái
tính và tuổi tác. Hơn nữa, giới lao động cũng phải có cơ hội để phát huy tài
năng và nhân cách ngay chính lúc làm việc. Họ phải dành thời giờ và sức lực cho
công việc với tinh thần trách nhiệm phải có. Tuy nhiên, mỗi người cần được hưởng
đầy đủ sự nghỉ ngơi và thời giờ nhàn rỗi để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã
hội và tôn giáo. Ngoài ra họ cũng cần phải có cơ hội để tự do thi thố tài nghệ
và khả năng mà có lẽ trong công việc của nghề nghiệp họ ít có dịp để trau dồi.
68. Tham gia vào xí nghiệp,
tổ chức kinh tế tổng quát, tranh chấp lao động. Hoạt động trong các xí nghiệp
kinh tế là việc hợp tác giữa các nhân vị, đó là những con người tự do và tự lập,
được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi thế, khi đã tìm ra những phương thức
thích hợp, cần phải cổ võ sự tham gia tích cực của mọi người vào việc quản trị
xí nghiệp, tùy theo nhiệm vụ của mỗi người, hoặc họ là chủ nhân, chủ sự, hoặc
là đốc công hay công nhân mà vẫn giữ được sự thống nhất cần thiết trong việc điều
hành công việc 7.
Nhiều khi không phải trong chính phạm vi xí nghiệp, nhưng trong những chương
trình đại qui mô hơn, người ta đưa ra những quyết định về các tình trạng kinh tế
và xã hội liên quan đến số phận tương lai của công nhân cũng như của con cái họ,
nên họ cũng phải được tham dự vào những quyết định này hoặc chính họ hoặc qua
những đại diện tự họ chọn lấy.
Giữa những quyền
lợi căn bản của con người, đối với công nhân, cần phải kể đến quyền được tự do
lập những hiệp hội để có thể thực sự đại diện cho họ và góp phần vào việc tổ chức
đời sống kinh tế một cách tốt đẹp. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến quyền tự do
tham gia 81*
vào hoạt động của những hiệp hội này mà không sợ bị trả thù. Nhờ lối tham gia
có tổ chức như trên liên kết với việc huấn luyện dần dần về kinh tế và xã hội,
mọi người càng ngày càng ý thức hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình. Nhờ
đó, tùy theo phương tiện và khả năng riêng, chính công nhân tiến tới mức cảm thấy
mình được góp phần vào việc phát triển toàn bộ kinh tế và xã hội cũng như vào
việc mưu cầu ích chung.
Trường hợp xảy
ra những tranh chấp về kinh tế xã hội, cần phải cố gắng đi đến một giải quyết
ôn hòa. Nhưng điều phải làm trước tiên là luôn luôn tìm cách tạo một cuộc đối
thoại chân thành giữa các phe nhóm liên hệ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại,
đình công, dầu là một phương tiện cuối cùng, song vẫn là phương tiện cần thiết
để bênh vực những quyền lợi riêng và thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của công
nhân 82*.
Dù sao cũng cần phải tìm cách đưa tới thương thuyết và đối thoại hòa giải càng
sớm càng hay.
69. Của cải trần gian là để
cho mọi người hưởng dụng 83*.
Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của
mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối
cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với
bác ái 8.
Dù chấp nhận bất cứ hình thức tư hữu nào đã được nhìn nhận bằng các định chế hợp
pháp của các dân tộc, tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh khác biệt và thay đổi, phải
luôn luôn lưu ý đến mục đích chung hưởng của cải. Vì thế, khi xử dụng của cải,
con người phải coi của cải vất chất mà mình làm chủ một cách chính đáng không
chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là, của cải đó có thể
sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác 9.
Vả lại, mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia
đình mình. Các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Giáo Hội đã nghĩ như thế. Các ngài dạy rằng
mọi người có bổn phận phải nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của
dư thừa 10.
Còn những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người
khác những gì cần thiết cho mình 11.
Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Ðồng thiết
tha kêu gọi mọi người hoặc mọi chính quyền hãy nhớ laị lời sau đây của các Giáo
Phụ: "hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết
họ" 12.
Tùy theo khả năng, họ nên thực sự san sẻ và dùng của cải của mình đặc biệt để
giúp phương tiện cho mỗi người hoặc cả một dân tộc để chính họ có thể tự túc và
phát triển.
Trong những xã hội
kinh tế kém mở mang, đôi khi sự chung hưởng của cải được thể hiện đầy đủ phần
nào là do những tập tục và truyền thống riêng của cộng đoàn xã hội, nhờ đó, mỗi
phần tử được hưởng những của cải tối cần. Tuy nhiên điều nên tránh là đừng coi
một số tập tục như thể hoàn toàn bất biến, nếu thực sự nó không còn đáp ứng những
đòi hỏi mới của thời đại này. Ðàng khác, cũng đừng vì thiếu khôn ngoan mà hành
động ngược lại những tập tục tốt đẹp, vì một khi được thích nghi với hoàn cảnh
hiện đại, những tập tục này vẫn còn đem lại nhiều lợi ích. Cũng thế, ở những quốc
gia kinh tế rất phát triển, một hệ thống gồm những tổ chức xã hội nhằm vào việc
bảo hiểm và an ninh có thể góp phần giúp vào việc thực hiện sự chung hưởng của
cải. Vả lại, cần phải cổ võ những dịch vụ gia đình và xã hội, nhất là những dịch
vụ đóng góp vào văn hóa và giáo dục. Tuy nhiên khi thành lập mọi tổ chức trên cần
phải lưu tâm đừng để người công dân có thái độ phần nào thụ động, hoặc trốn
tránh trách nhiệm hoặc từ chối phục vụ xã hội.
70. Vấn đề đầu tư và tiền
tệ. Công việc đầu tư cũng phải làm sao tạo được công ăn việc làm và đem lợi tức
đầy đủ cho dân chúng trong hiện tại cũng như trong tương lai. Bất cứ ai nắm giữ
vai trò chủ chốt trong những việc đầu tư này và trong việc tổ chức đời sống
kinh tế - hoặc cá nhân, hoặc tập thể, hoặc công quyền - cũng phải chú tâm đến
những mục tiêu trên, và phải ý thức bổn phận nặng nề của mình: một mặt phải sẵn
sàng tiên liệu những nhu cầu cần thiết cho mỗi cá nhân hoặc cho cả cộng đoàn có
một đời sống đàng hoàng; mặt khác họ cũng phải dự liệu cho tương lai và thiết lập
quân bình đúng mức giữa những nhu cầu tiêu thụ hiện tại của cá nhân hoặc của
đoàn thể và những đòi hỏi phải đầu tư cho thế hệ mai sau. Họ cũng phải luôn
quan tâm đến những nhu cầu cấp bách của các quốc gia hay những miền kinh tế kém
mở mang. Trong vấn đề tiền tệ cũng phải tránh sao cho khỏi nguy hại tới lợi ích
của xứ sở mình cũng như của các quốc gia khác. Vả lại, cũng phải liệu sao cho
những ai eo hẹp về kinh tế khỏi bị thiệt thòi một cách bất công vì những vụ
thay đổi giá trị tiền tệ.
71. Tiến tới sở hữu và quyền
tư hữu. Vấn đề ruộng đất. Quyền sở hữu 84*
và những hình thức khác của quyền tư hữu trên của cải vật chất giúp cho con người
biểu lộ nhân vị, tạo cho họ cơ hội làm tròn phận sự của mình trong xã hội cũng
như trong lãnh vực kinh tế. Do đó, cần cổ võ mọi cá nhân cũng như mỗi đoàn thể
tiến tới một chủ quyền nào đó trên của cải vật chất.
Quyền tư hữu
cũng như quyền làm chủ của cải bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết để
cá nhân và gia đình được tự trị. Các quyền này cũng phải được coi như nằm trong
phạm vi quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một điều kiện
tạo nên tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận
vụ của mình 13.
Ngày nay chủ quyền
hoặc quyền tư hữu mặc nhiều hình thức khác nhau và sự khác biệt này ngày một
gia tăng. Tuy nhiên không kể đến những tài sản của xã hội, những quyền lợi và
phục dịch mà xã hội dành cho, tất cả những hình thức sở hữu đó làm cho con người
được vững tâm hơn. Ðiều vừa nói về quyền tư hữu về của cải vật chất, cũng có
giá trị về những của cải tinh thần, chẳng hạn như những khả năng chuyên nghiệp.
Tuy nhiên quyền
tư hữu không cản trở những hình thức khác nhau của quyền sở hữu công cộng. Dĩ
nhiên chỉ có thẩm quyền hợp pháp mới có thể buộc chuyển nhượng của cải tư nhân
vào sở hữu công cộng tùy theo những đòi hỏi và trong giới hạn công ích, nhưng
phải bồi thường tương xứng. Ngoài ra, công quyền cũng có bổn phận ngăn ngừa đừng
để ai lạm dụng quyền tư hữu mà phạm đến công ích 14.
Chính quyền tư hữu
tự nó có một tính cách xã hội. Tính cách xã hội này đặt nền tảng trên luật
chung hưởng của cải 15.
Nếu tính cách xã hội này không được tôn trọng thì quyền sở hữu thường đem đến
cơ hội sinh ra những tham lam và gây xáo trộn trầm trọng. Ðó là một cớ cho những
người chống báng đòi hủy bỏ quyền tư hữu.
Trong nhiều miền
kinh tế kém mở mang, vẫn còn những đồng ruộng rộng lớn hoặc rất bao la nhưng chỉ
được canh tác sơ sài hay bị bỏ hoang vì tự lợi; trong khi đó phần lớn dân chúng
hoặc thiếu đất đai hoặc chỉ được hưởng một phần đất quá ít ỏi và đàng khác việc
tăng gia sản xuất nông nghiệp lại hiển nhiên là vấn đề cấp bách. Ðôi khi nông
dân làm thuê hoặc những tá canh chỉ lãnh được một số lương hoặc một lợi tức
không xứng với con người. Họ không có được một chỗ ở xứng đáng mà còn bị bọn
trung gian bóc lột. Thiếu mọi bảo đảm an ninh, họ sống trong một tình trạng lệ
thuộc hoàn toàn đến nỗi họ hầu như không còn có thể hành động theo sáng kiến và
với tinh thần trách nhiệm. Và đối với họ, mọi cuộc phát triển văn hóa và tham
gia vào đời sống xã hội, chính trị đều bị cấm chế. Do đó tùy trường hợp, cần phải
có những cuộc cải cách nhằm gia tăng lợi tức, cải thiện trạng huống làm việc, đảm
bảo cho việc thuê mướn và sau hết khuyến khích sáng kiến khi làm việc. Lại nữa,
cần phải phân chia ruộng đất chưa được canh tác đầy đủ cho những ai có khả năng
làm cho đất đai đó sinh lợi. Trong trường hợp này, cần phải cung cấp vật dụng
và những phương tiện cần thiết cho họ, nhất là hỗ trợ về phương diện giáo dục
và giúp tổ chức các hợp tác xã một cách chính đáng. Một khi công ích đòi hỏi phải
truất hữu, thì cũng phải bồi thường cân xứng tùy theo hoàn cảnh.
72. Hành động kinh tế xã hội
và Nước Chúa Kitô. Là những người hoạt động tích cực cho công cuộc phát triển
kinh tế xã hội ngày nay và tranh đấu cho công bình bác ái, người Kitô hữu cần
phải xác tín rằng họ có thể đóng góp nhiều cho nền thịnh vượng của nhân loại và
cho hòa bình thế giới. Trong những hoạt động này, họ phải nêu gương sáng với tư
cách cá nhân hay đoàn thể. Một khi đã đạt được khả năng chuyên môn và kinh nghiệm
cần thiết, trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, họ phải giữ đúng bậc
thang giá trị trong các hoạt động trần thế. Nhờ vậy cả cuộc sống của họ, riêng
tư cũng như giữa xã hội đều được thấm nhuần tinh thần của các Mối Phúc Thật, đặc
biệt là tinh thần nghèo khó.
Bất cứ ai vâng
theo Chúa Kitô, tiên vàn phải tìm Nước Thiên Chúa và từ đó tìm được một tình
yêu mãnh liệt và tinh khiết hơn để giúp đỡ các anh em mình và thể hiện công bằng
dưới sự thúc đẩy của đức ái 16.
Chú Thích:
75* Con người là
trung tâm điểm và mục đích của sinh hoạt kinh tế xã hội (số 63a). Hiện nay các
sinh hoạt này cũng đang phát triển (b), nhưng không thiếu lý do để lo lắng (c),
đặc biệt vì nhiều sự bất bình đẳng giữa các nghề nghiệp, các địa phương và các
quốc gia (d), đòi hỏi phải được canh tân (e).
1) Sự phát triển
kinh tế.
A) Phải phục dịch
con người (số 64).
B) Và được con
người điều khiển (số 65): càng nhiều người và càng nhiều quốc gia góp phần để
tìm kế hoạch kinh tế thì càng tốt (a). Không thể chấp nhận thái độ chống việc cải
cách cũng như chế độ tập trung, vì là xâm phạm đến nhân quyền (b). Tất cả có
nhiệm vụ góp phần vào sự phát triển (c).
C) Cần phải loại
trừ sự bất bình đẳng, bất công: đặc biệt đối với giới nông dân (a), giới lao động
di trú (b), phải giúp mọi người tìm việc làm và huấn luyện họ (c).
2) Một vài
nguyên tắc chỉ đạo:
A) Giá trị của
việc làm (số 67a, b). Do đó mỗi người có nhiệm vụ và có quyền làm việc với
lương bổng xứng đáng (b). Qui tắc kinh tế phải tùng phục con người để phát triển
nhân phẩm trong việc làm cũng như trong giờ nghỉ ngơi bắt buộc phải có (c).
B) Sự tham gia
vào tổ chức kinh tế trong xí nghiệp cũng như trong quốc gia (số 68a). Quyền lập
nghiệp đoàn (b). Làm thế nào để giải quyết sự xung đột về công việc: Công Ðồng
không loại trừ việc đình công như phương tiện tối hậu (c).
C) Trong bất cứ
chế độ nào về quyền sở hữu, nguyên khởi của tài sản cũng đòi hỏi tài sản phải
được phân chia một cách công bằng (69a). Trong các quốc gia kém mở mang hay tân
tiến nguyên tắc ấy có thể được thực hiện ra sao (b),
D) Chính sách tiền
tệ (số 70).
E) Cổ võ quyền
tư hữu: giá trị của quyền tư hữu (số 71abc). Quyền lợi của chính quyền (d). Vai
trò xã hội của quyền tư hữu (e). Ðất tư quá rộng và sự cải cách điền địa. (f).
3) Kết luận:
Sinh hoạt kinh tế xã hội có thể làm thực hiện đức công bằng và đức thương yêu.
Các tín hữu phải làm gương: có thẩm quyền và đem tinh thần Phúc Âm vào sinh hoạt
đó (số 72).
76* Trong tình
trạng nhà ổ chuột, làm việc thiếu vệ sinh, thiếu nghỉ ngơi... không hiếm ở Việt
Nam, đã nói lên mức ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Ðã
lâu rồi, Ðức Piô XI viết rằng đó là trách nhiệm của "nhiều người chỉ có một
tư tưởng là làm sao để gia tăng của cải cho mình" (Quadragesimo Anno, AAS
23 (1931), trg 177-228). Kẻ ấy lơ là trước cảnh huống khốn khổ của tha nhân như
thái độ kẻ giàu có trong dụ ngôn của Chúa Giêsu đối với Lazarô là kẻ nghèo nàn
(Lc 16, 19-22).
1 Xem Piô XII, sứ
điệp ngày 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 273. - Gioan XXIII, Huấn từ cho Lao
Công Công Giáo Tiến Hành Ý, A.C.L.I., 1-5-1959: AAS 51 (1959) trg 358.
2 Xem Piô XI,
Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 190tt. - Piô XII, Sứ điệp ngày
23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 276tt. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS
53 (1961), trg 450. - CÐ Vat. II, Sắc lệnh về các phương tiện Truyền Thông Xã Hội
Inter mirifica, ch. I, số 6: AAS 56 (1964), trg 147.
3 Xem Mt 16, 26;
Lc 16, 1-31;
4 Xem Leô XIII,
Tđ. Libertas praestantissimum, 20-6-1888: AAS 20 (1887-1888), trg 597tt. - Piô
XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931) trg 191tt.; - n.t., Divini
Redemptoris: AAS 39 (1937), trg 65tt. - Piô XII, Sứ điệp Giáng Sinh 1941: AAS
34 (1942), trg 10tt. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1964), trg
401-464.
77* Công dân phải
được giáo dục để ý thức về nhiệm vụ này. Giới bình dân có thể góp phần gì? Dĩ
nhiên sẽ có thể làm ít hay nhiều tùy khả năng, địa vị và tài sản. Một người có
thể làm ít, nhưng cả nghiệp đoàn (số 68b) sẽ làm được nhiều. Công Ðồng nhắc lại
hai điều thiếu sót làm hại cho cộng đoàn quốc gia: một là để tài nguyên vô dụng
(ví du tích trử tiền bạc ở nhà; chỉ mua vàng; không đầu tư vào những kế hoạch của
cộng đoàn), hai là không cho cộng đoàn hưởng dụng những phương tiện vật chất
(ví dụ khi đem tiền gởi ra ngoại quốc) và tinh thần (khi người đi du học không
chịu về nước). Công Ðồng nhắc lại quyền di cư của mọi người (quyền lợi này và bổn
phận phục vụ quốc gia, bên nào khẩn cấp hơn, mạnh mẽ hơn, thì phải xét theo
hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân).
5 Về những vấn đề
nông nghiệp, đặc biệt xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961) trg
341tt.
78* Việc làm có
giá trị cao hơn tất cả các yếu tố khác của sinh hoạt kinh tế, vì: 1) có tính
cách nhân bản (không chỉ là khí cụ của con người), 2) là cần thiết cho cuộc sống,
3) cổ võ tinh thần anh em và tinh thần phục vụ lẫn nhau, 4) do đó giúp ta thực
hiện đức thương yêu nhau, 5) để kiện toàn công cuộc tạo dựng, 6) ngoài ra nhờ
đó ta có thể cộng tác với Chúa Cứu Thế, 7) không kể việc chúng ta bắt chước
chính Người thuở xưa đã làm việc tại Nazareth.
Trước đây (số
35a), Công Ðồng đã nói rằng nhờ việc làm mà con người được hoàn hảo hơn và xây
dựng xã hội. Bởi đó việc làm cũng là phương tiện để xây dựng hòa bình! Cho nên
việc làm không những chỉ có giá trị tự nhiên về phương diện cá nhân cũng như
cho xã hội và cả vũ trụ, mà còn có giá trị siêu nhiên giúp ta đền tội, cầu xin
nhiều ơn Chúa cho mình và cho tha nhân, thánh hóa bản thân khi phải thực hành
nhiều nhân đức như kiên nhẫn, cần mẫn, mạnh bạo, khiêm tốn... và đặc biệt là đức
ái đối với Chúa cũng như đối với anh em.
79* A) Có bổn phận
làm việc: Nếu việc làm thực sự có ích lợi cá nhân và xã hội như vừa nói trên,
ai không chịu làm việc kẻ ấy phạm đến Chúa bởi vi phạm đến xã hội và anh em,
chưa kể đến việc gây thiệt hại cho mình! Trước đây Công Ðồng nhắc lại rằng đức
tin khiến tín hữu nhập thế và hoạt động cho thực tại trần thế (số 43a). Ngoài
ra còn có những hoàn cảnh cụ thể buộc ta làm việc: ví dụ nghĩa vụ cha mẹ phải
nuôi nấng con cái, đức công bằng nếu lập khế ước, đức vâng lời cũng như hiếu thảo
của con cái trong gia đình v.v...
B) Có quyền làm
việc: vì có bổn phận như vừa nói trên đây. Nhân phẩm cũng đòi hỏi con người có
thể hưởng thụ tất cả những giá trị của việc làm. Dĩ nhiên nhân quyền này không
có nghĩa là mỗi cá nhân có quyền đòi hỏi nơi cá nhân khác hay xã hội một công
việc nào đó, vì hiểu như vậy sẽ không tôn trọng quyền tự do của người khác. Ở
đây nhân quyền chỉ có nghĩa là không ai có thể bị ngăn trở hay bị từ chối khi
xin làm việc với đầy đủ những điều kiện cần thiết. Hơn nữa chính quyền phải làm
sao tổ chức đời sống kinh tế xã hội để có thể giúp đỡ công dân tìm cơ hội làm
việc như Công Ðồng nhắc lại trong số này.
6 Xem Leô XIII,
Tđ. Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 649-662. - Piô XI, Tđ. Quadragesimo
anno: AAS 23 (1931), trg 200-201; - n.t., Tđ. Divini Redemptoris: AAS 29
(1937), trg 92. - Piô XII, Sứ điệp truyền thanh vọng lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35
(1943), trg 20; - n.t., Huấn từ 13-6-1943: AAS 35 (1943), trg 172; - n.t., Sứ
điệp truyền thanh gửi thợ thuyền Tây Ban Nha, 11-3-1951: AAS 43 (1951), trg
215. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 419.
80* Phải được trả
lương tương xứng, không phải chỉ trả theo sức mạnh của người làm việc (là việc
làm của con người chứ không phải của cái máy) mà còn theo nhu cầu của con người
trước đời sống vật chất, xã hội, văn hóa và đạo đức. Hơn nữa, tương xứng với
nhu cầu không chỉ của một mình người làm mà cả của gia đình họ nữa. Giáo lý của
Giáo Hội từ Ðức Leô XIII đến giờ vẫn nhấn mạnh rằng lương bổng đầy đủ cho gia
đình là thuộc nhân quyền của người làm việc. Dĩ nhiên phải làm trọn nhiệm vụ
này là trả công đầy đủ cho gia đình tùy từng việc và khả năng sản xuất, tùy
hoàn cảnh xí nghiệp, tùy đòi hỏi của công ích, đặc biệt phải làm sao để có thể
cho càng nhiều người làm việc càng tốt.
7 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 408, 424, 427; còn tiếng điều
hành (curatione) trích trong bản văn Latinh của Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23
(1931), trg 199. Về diễn tiến vấn đề, xem thêm: Piô XII, Huấn từ 3-6-1950: AAS
42 (1950), trg 485-488. - Phaolô VI, Huấn từ 8-6-1964: AAS 56 (1964), trg
574-579.
81* Công Ðồng nhắc
lại rằng công nhân có nhân quyền tập đoàn và mục đích của nghiệp đoàn hay những
hình thức khác là để đại diện cho công nhân (ví dụ để lập khế ước lao động)
cũng như để góp phần vào tổ chức kinh tế. Nếu chỉ chấp nhận nhân quyền này trên
nguyên tắc rồi tạo nên hằng ngàn sự đe dọa và áp lực để ngăn cản công nhân hoạt
động tự do trong nghiệp đoàn, như thế là xâm phạm quyền lợi công nhân và trái lẽ
công bằng.
82* Nhiều khi
người ta nói về quyền đình công để giải quyết những tranh chấp lao động như là
một trong các nhân quyền căn bản mà chủ nghĩa dân chủ đã đem lại cho công dân.
Công Ðồng có lập trường khiêm tốn hơn. Theo Công Ðồng sự đình công 1) có thể là
phương thế để bảo vệ quyền lợi cũng như để đòi hỏi những nguyện vọng hợp lý, 2)
phương thế cần thiết và tối hậu, nghĩa là phương thế duy nhất sau khi cuộc đối
thoại và những biện pháp hòa giải đã thất bại.
Sở dĩ như vậy là
vì sự đình công gây nên thiệt thòi cho chính người lao động, cho xí nghiệp và
cho công ích nữa. Thực ra cuộc đình công có hiệu lực chính là vì gây nên thiệt
thòi đó. Cho nên đức ái cũng như đức công bằng cấm việc làm hại cho tha nhân,
ngoại trừ trường hợp đó là vũ khí cần thiết để bảo vệ quyền lợi và đồng thời sự
thiệt thòi không quá đáng.
Bởi vậy chính
quyền có thể phế trừ sự đình công. Nhưng luật ấy sẽ bất công (cho nên vô giá trị)
nếu chính quyền không cung cấp phương pháp hữu hiệu và tôn trọng quyền tự do của
giới lao động để giải quyết các cuộc tranh chấp về việc làm.
Cuối cùng Công Ðồng
không nói gì về cuộc đình công chính trị. Trường hợp này phức tạp hơn vì lúc ấy
cuộc đình công giống như phương tiện bạo động bất hợp pháp. Do đó phải xét theo
nguyên tắc khác (x.số 75).
83* Công Ðồng nhắc
lại giáo lý truyền thống (các tài liệu trong ghi chú làm chứng). Ta có thể tóm
tắt giáo lý của Giáo Hội như sau: 1) Theo ý Ðấng Tạo Hóa của cải phải phục dịch
cho mọi người (x. Populorum Progressio, số 23), và phải bất chấp các kỳ thị (ở
trên, số 64). 2) Cho nên cùng đích của chính của cải là phục dịch con người
(Populorum Progressio, số 22). 3) Tùy theo nhu cầu vật chất, trí tuệ, luân lý,
tinh thần và tôn giáo của họ (ở trên, số 64). 4) Của cải phải được đưa tới đầy
đủ cho tất cả mọi người nhờ sự phân chia của cải một cách thích hợp hơn (x. Hiến
chế tín lý về Giáo Hội, 36). 5) Tức là theo sự đòi hỏi của đức công bằng và với
tinh thần yêu thương (Populorum Progressio, 22). 6) Kết luận: mọi người đều có
thực quyền về những cái cần thiết (PP.22). 7) Các quyền lợi khác, kể cả quyền
tư hữu, đều phụ thuộc quyền căn bản này (PP.26). 8) Do đó quyền tư hữu theo bản
tính có mục đích xã hội (sau này, số 71). 9) Cho nên chúng ta phải lên án hình
thức tư bản chủ nghĩa chủ trương quyền tư hữu vô hạn và tuyệt đối (PP.26). 10)
Tất cả mọi người đều phải góp phần trong việc phân chia của cải cho công bằng
hơn (do việc làm, lòng quảng đại) (Hiến chế tín lý về Giáo Hội 36; ở trên, 64;
PP 23). 11) Ðặc biệt chính quyền phải can thiệp khi nào cần thiết (PP. 23). 12)
Các dân tộc kém mở mang phải được dân tộc khác trợ giúp (sau này, 85-87) (PP. đặc
biệt từ số 43 trở đi). 13) Phải giúp phương tiện cho mọi người cũng như các dân
tộc để tự mình phát triển (PP.15,65).
8 Xem Piô XII,
Tđ. Sertum Laetitia: AAS 31 (1939), trg 642. - Gioan XXIII, Allocutio
consistorialis: AAS 52 (1960), trg 5-11; - n.t., Tđ. Mater et Magistra: AAS 53
(1961). trg 411.
9 Xem T. Tôma, Summa
theol. II-II, q.32, a.5 ad 2; - n.v.t., q.66, a.2: xem dẫn giải trong Leô XIII,
Tđ. Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 651. - xem thêm Piô XII, Huấn từ
1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 199; - n.t., Sứ điệp truyền thanh lễ Giáng Sinh
1954: AAS 47 (1955), trg 27.
10 Xem T.
Basiliô, Hom. in illud Lucae "Destruam horrea mea", số 2: PG 31, 263.
- Lactantiô, Divinarum Institutionum, c. V, về sự công bình: PL 6,565 B. - T.
Augustinô, In Joann. Ev. tr. 50, số 6: PL 35, 1760; - n.t., Enarratio in Ps.
CXLVII, 12: PL 37, 1922. - T. Gregoriô Cả, Hom. in Ev., bài 20, 12: PL 76,
1165; - n.t., Regulae Pastoralis liber, phần III, ch. 21: PL 77, 87. - T.
Bonaventura, In III Sent., d. 33 dub. 1: x.b. Quaracchi III, 728; - n.t., In IV
Sent., d. 15, p. II, a. 2, q. 1: n.v.t., IV, 371 b; - Quaest. de superfluo: ms.
11 Trong trường
hợp này có thể áp dụng được nguyên tắc: "Trong lúc cùng quẫn cực độ, mọi sự
là của chung, nghĩa là phải được chia sớt". Ðàng khác, đối với lý do, phạm
vi và phương cách áp dụng nguyên tắc phải theo bản văn đề ra; ngoài các tác giả
tân thời được công nhận, xem thêm T. Tôma, Summa Theol., II-II, q.66, a. 7. Hiển
nhiên, để áp dụng đúng nguyên tắc, phải tôn trọng mọi điều kiện theo "luân
lý" đòi hỏi.
12 Xem Gratiani
Decretum C. 21, dist. LXXXVI: x.b. Friedberg I, 302. Lời này đã tìm thấy trong
PL 56, 491 A và PL 56, 1132 B. - Xem Antonianum 27 (1952) trg 349-366.
84* Công Ðồng nhắc
lại những lý do làm cho quyền tư hữu trở thành chính nghĩa: 1) nó phát biểu
nhân cách, 2) giúp con người làm tròn nhiệm vụ trong xã hội, 3) là phương tiện
cần thiết để bảo đảm quyền tự trị cá nhân và gia đình, 4) và giống như sự nối
dài của quyền tự do, 5) nó khuyến khích con người làm việc, 6) và do đó trở
thành điều kiện cho quyền tự do dân sự.
Nói cách khác và
theo các tài liệu được trích lại trong ghi chú 13, 1) bản tính con người đoán
được nhu cầu về tương lai nên đã đòi hỏi quyền tư hữu. Khác với thú vật, con
người phải lo cho tương lai ! 2) Quyền tự do để tìm kiếm cùng đích cũng đòi hỏi
quyền tư hữu một phần nào đó. 3) Ðặc biệt quyền tư hữu rất cần thiết để bảo đảm
quyền tự trị trước mặt chính quyền, 4) Quyền cũng như bổn phận làm việc là những
lý do bênh vực cho quyền tư hữu. 5) Cuối cùng chính công ích đòi hỏi quyền tư hữu:
vì nó giúp con người làm việc hăng hái.
Như vậy ta phải
quả quyết rằng quyền tư hữu ít ra là quyền của đại gia đình theo khía cạnh tinh
thần, và phát sinh bởi luật tự nhiên. (x. Haring, La Loi du Christ, 1963, III,
605-606).
13 Xem Leô XIII,
Tđ. Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 643-646. - Piô XI, Tđ. Quadragesimo
anno: AAS 23 (1931), trg 191. - Piô XII, Sứ điệp truyền thanh 1-6-1941: AAS 33
(1941), trg 199; - n.t., Sứ điệp truyền thanh Lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35
(1943), trg 17; - n.t., Sứ điệp truyền thanh 1-9-1944: AAS 36 (1944), trg 253.
- Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 428-429.
14 Xem Piô XI,
Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 214. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et
Magistra: AAS 53 (1961), trg 429.
15 Xem Piô XII,
Sứ điệp truyền thanh Lễ Hiện Xuống 1941: AAS 44 (1941), trg 199. - Gioan XXIII,
Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961) trg 430.
16 Về việc xử dụng
đứng đắn những của cải theo giáo lý của Tân Ước, xem Lc 3,11; 10,30tt; 11, 41;
1P 5,3; Mc 8,36; 12,29-31; Giac 5,1-6; 1Tm 6,8; Eph 4,28; 2Cor 8,13tt; 1Gio
3,17-20.
Chương IV: Ðời Sống Cộng Ðoàn Chính Trị 85*
73. Ðời sống cộng đoàn
ngày nay. Thời đại chúng ta đã được đánh dấu bằng những biến đổi sâu rộng ngay
trong cơ cấu và các tổ chức của các dân tộc. Những biến đổi này chính là kết quả
của tiến bộ về văn hóa, kinh tế và xã hội. Những thay đổi này ảnh hưởng nhiều đến
đời sống của cộng đoàn chính trị, nhất là trong những vấn đề liên quan tới quyền
lợi và bổn phận của mọi người trong việc hành xử quyền tự do công dân và theo
đuổi công ích, cũng như trong vấn đề điều hòa những mối tương quan giữa các
công dân với nhau cũng như với chính quyền.
Nhờ ý thức mãnh
liệt hơn về phẩm giá con người, ngày nay tại nhiều nước trên thế giới, người ta
cố gắng thiết lập một thể chế chính trị pháp lý để bảo vệ hữu hiệu hơn quyền lợi
của cá nhân trong đời sống công cộng, chẳng hạn quyền được tự do hội họp, tự do
lập hội, tự do phát biểu ý kiến và tự do tuyên xưng tín ngưỡng cách riêng tư hoặc
công khai: vì việc đảm bảo những quyền lợi của con người là điều kiện thiết yếu
để người công dân, với tư cách cá nhân hay đoàn thể, có thể tham gia cách tích
cực vào đời sống và vào guồng máy quốc gia.
Song song với tiến
bộ về văn hóa, kinh tế và xã hội, nhiều người còn khao khát mãnh liệt muốn đảm
nhận một phần lớn trách nhiệm trong việc tổ chức cộng đoàn chính trị. Nhiều người
đã ý thức được mối quan tâm mỗi ngày một lớn là phải bảo vệ quyền lợi của các
dân tộc thiểu số trong một quốc gia, nhưng không vì thế mà làm cho các thành phần
thiểu số ấy xao lãng bổn phận của họ đối với cộng đoàn chính trị. Hơn nữa, càng
ngày người ta càng tôn trọng những người có tư tưởng hay tôn giáo khác với
mình. Ðồng thời một sự cộng tác rộng rãi hơn cũng được thiết lập để mọi công
dân có thể thực sự được hưởng những quyền lợi của con người chứ không riêng gì
một số người được ưu đãi.
Trái lại, người
ta lên án bất cứ thể chế chính trị nào, như hiện có ở một vài nước, nếu nó ngăn
chặn tự do công dân hoặc tôn giáo, nếu nó làm gia tăng con số nạn nhân của tham
lam và của tội ác chính trị, nếu nó làm cho việc cai trị đi lệch đường, thay vì
mưu cầu công ích lại phục vụ cho một tập đoàn hay chính những người cầm quyền.
Ðể xây dựng một
đời sống chính trị thực sự nhân đạo, 86*
không gì tốt hơn là gây nơi thâm tâm mỗi người ý thức về công bằng, lòng nhân
ái, và tinh thần phục vụ công ích. Cũng không gì tốt đẹp hơn là củng cố nơi mọi
người những xác tín căn bản về bản chất thích thực của cộng đoàn chính trị cũng
như về mục đích, về việc thi hành đúng và về những giới hạn của công quyền.
74. Bản chất và mục đích của
cộng đoàn chính trị. Cá nhân, gia đình và tập thể, tức là mọi thành phần của cộng
đoàn công dân, đều ý thức rằng tự sức mình không một thành phần nào có thể xây
dựng được một đời sống thực sự nhân bản, và đều nhận thấy cần phải có một cộng
đoàn rộng lớn hơn, trong đó tất cả mọi người hằng ngày hợp lực để mưu cầu công
ích mỗi lúc một tốt đẹp hơn 1.
Do đó họ thành lập nên cộng đoàn chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì
thế cộng đoàn chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích. Chính công ích là lý do tồn
tại, ý nghĩa và là căn bản pháp lý cho cộng đoàn chính trị. Công ích nói đây
bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội; nhờ những điều kiện này, cá
nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn 2.
Tuy nhiên, trong
một cộng đoàn chính trị gồm nhiều người thuộc đủ mọi thành phần, do đó họ có thể
có nhiều quan điểm khác nhau một cách chính đáng. Vì mỗi cá nhân đều bênh vực
quan điểm riêng của mình, nên để tránh cho cộng đoàn chính trị khỏi tan rã, thì
cần phải có một quyền bính để hướng dẫn nỗ lực của mọi công dân nhằm tới công
ích. Không phải hướng dẫn cách máy móc hay độc đoán, nhưng tiên vàn như một sức
mạnh tinh thần dựa trên tự do và ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm.
Ðã hẳn cộng đoàn
chính trị và công quyền xây nền tảng trên bản tính con người, cho nên cũng nằm
trong trật tự do Chúa an bài, nhưng việc định đoạt một thể chế chính trị hay cắt
cử người cầm quyền vẫn là quyền tự do của mọi công dân 3.
Cũng thế, việc
hành xử quyền bính chính trị trong chính cộng đoàn hoặc trong các cơ quan đại
diện cho quốc gia luôn luôn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý để đem
lại kết quả và mưu cầu công ích - công ích ở đây phải hiểu cách năng động - tùy
theo trật tự pháp lý đã hoặc sẽ được thiết lập cách hợp pháp. Trong trường hợp
đó mọi công dân buộc phải theo lương tâm mà tuân phục 4. 87*
Và do đó, những người lãnh đạo đương nhiên có trách nhiệm, có thế giá và có uy
quyền.
Tuy nhiên, khi
công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó chính
công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi
của công ích. Nhưng họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của
đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền, tuy nhiên phải tôn trọng những
giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Phúc Âm.
Những phương thức
cụ thể mà mỗi cộng đoàn chính trị áp dụng để tổ chức cơ cấu và phân phối quyền
hành có thể khác nhau tùy đặc tính và bước tiến lịch sử của mỗi dân tộc. Dầu
sao những phương thức này phải luôn luôn nhằm đào tạo cho con người có văn hóa,
yêu chuộng hòa bình và có lòng yêu thương đối với mọi người để giúp ích cho
toàn thể gia đình nhân loại.
75. Sự cộng tác của mọi
người trong đời sống cộng đoàn. Thiết lập những cơ cấu chính trị pháp lý là điều
phù hợp với bản tính con người, vì nhờ đó tất cả mọi công dân, không phân biệt
ai, có thể mỗi ngày một có cơ hội tham gia cách tự do và tích cực vào việc thiết
lập nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị, tham gia vào việc điều hành quốc
gia và xác định mục tiêu và phạm vi của những cơ quan khác nhau cũng như tham
gia vào việc lựa chọn người cầm quyền 5.
Vậy mọi công dân cần phải nhớ tới quyền lợi và đồng thời là bổn phận của họ
trong việc tự do xử dụng lá phiếu của mình để mưu cầu công ích. Giáo Hội ca ngợi
và quí trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ
con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này.
Ðể việc cộng tác
của các công dân có ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ đem lại kết quả tốt đẹp
trong đời sống chính trị thường ngày, cần phải có một nền pháp lý thiết định. Nền
pháp lý này giúp phân phối hợp lý các nhiệm vụ và các cơ quan công quyền và đồng
thời giúp bảo vệ một cách hữu hiệu quyền lợi công dân mà không lệ thuộc vào ai.
Quyền lợi của cá nhân, gia đình và đoàn thể cũng như việc xử dụng những quyền
đó phải được công nhận, tôn trọng và cổ võ 6.
Nhưng đồng thời cũng phải chú trọng tới bổn phận công dân của họ. Nói đến bổn
phận công dân, cần phải nhắc tới nghĩa vụ phải đóng góp cho quốc gia những dịch
vụ về tài lực cũng như nhân lực mà công ích đòi hỏi. Chính quyền không nên ngăn
cản những hiệp hội có tính cách gia đình, xã hội hay văn hóa, những đoàn thể
hay tổ chức trung gian. Cũng không nên cấm chế những hoạt động hữu hiệu và
chính đáng của các tổ chức ấy, nhưng tốt hơn nên sẵn sàng cổ võ và phải có đường
lối trong việc cổ võ 88*.
Về phía người công dân, cá nhân hay đoàn thể không nên trao cho chính quyền một
quyền hành quá lớn, cũng đừng đòi hỏi ở chính quyền những giúp đỡ cũng như những
đặc ân quá đáng không phải lúc, vì như thế là làm giảm trách nhiệm của cá nhân,
gia đình và cả các đoàn thể xã hội.
Ngày nay hoàn cảnh
mỗi ngày một phức tạp, buộc chính quyền nhiều lúc phải can thiệp vào các vấn đề
xã hội, kinh tế và cả lãnh vục văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các công
dân cũng như các đoàn thể được tự do phát triển toàn diện con người cách hữu hiệu
hơn. Dĩ nhiên tùy địa phương và tùy theo sự tiến hóa của mỗi dân tộc, mối tương
quan giữa việc xã hội hóa 7
và sự tự trị cùng sự phát triển của con người có thể hiểu theo nhiều cách.
Nhưng nếu vì công ích mà phải tạm thời hạn chế việc xử dụng các quyền công dân,
thì khi hoàn cảnh đã thay đổi, cần phải tái lập tự do càng sớm càng hay. Song nếu
chính quyền đi vào những hình thức chuyên chế hoặc độc tài phạm đến quyền lợi
cá nhân hay các đoàn thể thì thật là vô nhân đạo.
Công dân phải
nung nấu tinh thần ái quốc với lòng đại lượng và trung kiên chứ không hẹp hòi,
nghĩa là làm sao để đồng thời vẫn quan tâm đến ích lợi của toàn thể gia đình
nhân loại, một gia đình được liên kết lại bằng nhiều ràng buộc giữa các nòi giống,
chủng tộc và quốc gia.
Tất cả mọi Kitô
hữu phải ý thức về sứ mệnh đặc biệt của mình trong cộng đoàn chính trị. Họ phải
nêu gương sáng bằng cách phát biểu ý thức trách nhiệm nơi chính mình và tận tâm
phục vụ công ích. Nhờ thế, qua hành động, họ cũng chứng minh cho thấy rằng làm
sao dung hòa được quyền bính với tự do, sáng kiến cá nhân với sự liên đới và những
đòi hỏi của toàn thể xã hội, dung hòa được sự hiệp nhất sinh ích với những dị
biệt phong phú. Trong việc tổ chức trần thế, họ phải nhìn nhận những quan điểm
chính đáng dầu đối chọi nhau. Họ phải tôn trọng các công dân khác hay các đoàn
thể khi những người này bênh vực quan điểm của mình cách thẳng thắn. Những đảng
phái chính trị có bổn phận cổ võ những gì họ xét thấy cần cho công ích, chứ
không bao giờ được đặt quyền lợi riêng trên công ích.
Muốn cho mọi
công dân xứng đáng nắm giữ vai trò của họ trong đời sống của cộng đoàn chính trị,
cần phải hết sức quan tâm đến việc giáo dục cả về công dân và về chính trị. Việc
giáo dục này ngày nay rất cần thiết cho mọi người nhất là cho giới trẻ. Những
ai có khả năng hoặc có thể có khả năng làm chính trị, một nghệ thuật khó khăn
nhưng đồng thời rất cao cả 8,
cần phải được chuẩn bị trước và họ phải hăng hái hoạt động và không màng tới tư
lợi hay lợi lộc vật chất. Họ phải đem đời sống thanh liêm và sự khôn ngoan chống
lại bất công và áp bức, chống độc tài và ngoan cố của một cá nhân hay một đảng
phái chính trị. Họ phải đem lòng chân thành và chính trực, hơn nữa tình thương
và lòng dũng cảm phải có trong hoạt động chính trị để tận tâm phục vụ ích lợi của
mọi người.
76. Cộng đoàn chính trị và
Giáo Hội. Ðiều rất quan trọng là cần nhận thức chính xác về mối tương quan giữa
cộng đoàn chính trị và Giáo Hội, nhất là trong một xã hội gồm nhiều thành phần.
Cũng cần phải phân biệt minh bạch giữa những hành động của các tín hữu hoặc cá
nhân hoặc đoàn thể với danh nghĩa công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Kitô
giáo và những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh Giáo Hội và hợp nhất với
các vị chủ chăn của họ.
Vì lý do chức vụ
và thẩm quyền của mình, Giáo Hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn
chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo Hội
vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.
Cộng đoàn chính
trị và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị.
Tuy nhiên, dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người
trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai
càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của
con người một cách hữu hiệu hơn. Bởi vì con người không phải chỉ thu hẹp trong
nhãn giới trần gian. Nhưng tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang
một sứ mệnh trường cửu. Ðược thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế, Giáo Hội
có sứ mệnh làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các
dân tộc. Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý và chứng tá của cuộc sống
các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo Hội cũng tôn
trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân.
Và được sai đi để
loan báo Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế cho mọi người, các Tông Ðồ và các Ðấng kế vị
cũng như những cộng tác viên của các ngài đều dựa vào quyền lực của Thiên Chúa
để làm việc tông đồ; còn Thiên Chúa thường tỏ rõ sức mạnh của Phúc Âm trong
chính sự yếu hèn của các chứng nhân. Vậy bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều
phải dùng đến đường lối cũng như phương thế riêng của Phúc Âm. Những đường lối
và phương thế này khác biệt ở nhiều điểm với đường lối và phương thế của trần
gian.
Thực thế, các thực
tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với
nhau. Và chính Giáo Hội cũng xử dụng các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh
riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo Hội không cậy nhờ vào những đặc ân của
thế quyền 89*.
Hơn thế nữa, Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc xử dụng một số quyền lợi đã được hưởng
một cách chính đáng khi thấy rằng việc xử dụng những quyền lợi đó làm cho người
ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình, hoặc trước những
hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy nhiên, bất cứ ở đâu và bất cứ
thời nào Giáo Hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết
xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người.
Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn
đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần
rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo Hội xử dụng mọi phương tiện
và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và lợi ích của mọi người tùy
theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.
Trung thành theo
sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo Hội phải cổ võ và
nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại 9.
Làm như thế tức là Giáo Hội xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh
Thiên Chúa 10.
Chú Thích:
85* 1) Ðời sống
chính trị hiện nay: đang thay đổi (số 73a). Sự ý thức về nhân phẩm khiến con
người đi tìm một chế độ chính trị biết bảo đảm nhân quyền (b), bảo đảm việc
tham gia của nhiều người vào chính trị và sự tôn trọng dân tộc thiểu số cũng
như những kẻ phát biểu ý kiến khác với mình (c). Do đó con người lên án chế độ
xâm phạm quyền tự do và chỉ tìm kiếm ích lợi riêng (d). Muốn thành công phải đổi
mới tâm trạng (e).
2) Cộng đoàn
chính trị: Nguyên khởi và mục đích là công ích (số 74a). Cần thiết phải có
chính quyền (b). Cộng đoàn chính trị và chính quyền đều bởi Thiên Chúa Tạo Hóa
mà có. Còn chế độ chính trị thì trái lại phải chọn lựa cách tự do (c). Khi
chính quyền tìm kiếm công ích hợp với luân lý, thì lương tâm buộc phải vâng
theo luật pháp (d). Chế độ chính trị, dưới bất cứ hình thức nào, tùy theo đặc
tính của từng dân tộc, bao giờ cũng phải phục vụ con người và nhân loại (e).
3) Sự cộng tác
vào đời sống chính trị: thích hợp với bản tính con người: hai phương tiện cụ thể
là quyền bỏ phiếu và hoạt động chính trị (số 75a). Xã hội phải có trật tự pháp
lý: công ích. Công dân không nên nhượng quyền quá đáng cho chính quyền, đàng
khác cũng không nên đợi chờ chính quyền làm quá nhiều (b). Qui tắc về việc
chính quyền can thiệp và chế tài quyền lợi (c). Lòng yêu quê hương (d). Vai trò
của tín hữu trong cộng đoàn chính trị (e). Giáo dục chính trị (f).
4) Cộng đoàn
chính trị và Giáo Hội: Phân biệt hoạt động riêng của tín hữu và của Giáo Hội (số
76a). Giáo Hội không chủ trương một chế độ chính trị nào (b), nhưng cả hai có
lãnh vực và thẩm quyền riêng và nên cộng tác với nhau (c). Giáo Hội không nhờ
quyền thế phàm trần (d), và dù phải xử dụng của cải trong khi thi hành sứ mệnh
riêng nhưng không tìm kiếm đặc ân; chỉ đòi hỏi tự do để rao giảng đức tin và bảo
vệ nhân quyền cũng như sứ mệnh của mình (e), do đó góp phần cho hòa bình và
vinh danh Thiên Chúa (f).
86* Muốn canh
tân xã hội qua phạm vi chính trị, con người phải bắt đầu từ nội tâm: ở đây và
trong số 75d-f, Công Ðồng phác họa một chương trình căn bản về giáo dục công
dân:
1) Những đức
tính chính yếu: công bằng, lòng tử tế đối với đồng bào, ý muốn phục vụ công
ích, lòng yêu quê hương, sự ý thức về ơn gọi của tín hữu trong cộng đoàn. Tín hữu
phải làm gương hoạt động vì lương tâm, vâng lời với tinh thần tự do, có sáng kiến
trong khi phải tôn trọng đồng bào, biết cộng tác với người khác cả với những ai
không đồng ý với mình.
2) Phải hiểu rõ
đặc tính cộng đoàn chính trị; mục đích của chính quyền cũng như cách thức hành
động trong những giới hạn phải có.
3) Về hoạt động
trong cộng đoàn, phải biết chấp nhận sự kiện có người không đồng ý với mình
nghĩa là tôn trọng công dân và đảng phái có đường lối khác. Giáo dân có thể hoạt
động trong những đảng phái chính trị nào mưu ích chung. Và khi có đủ khả năng để
dấn thân vào cuộc đấu tranh chính trị, phải chuẩn bị trước (cần phải học biết lịch
sử, kinh tế, xã hội học, pháp lý, v.v...), phải từ bỏ tư lợi (kẻo dễ bị mua chuộc).
Phải trong sạch và khôn ngoan chống lại moị bất công và áp bức cũng như sự thống
trị chuyên chế và ngoan cố, bất cứ là của một cá nhân hay của một đảng phái.
Chính trị gia phải phát triển nhân đức thành thật, thanh liêm, thương yêu và
can đảm để phục vụ mọi người.
1 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Mater et Magistra: A AS 53 (1961), trg 417.
2 Xem n.t.,
n.v.t.
3 Xem Rm 13,
1-5.
4 Xem Rm 13, 5.
87* Phải chăng
người công giáo còn chưa ý thức đầy đủ về điều này? Vâng, tuân theo lề luật quốc
gia không phải vì sợ chính quyền, cũng không phải vì nhìn nhận rằng muốn hưởng
thụ tự do thì phải tôn trọng tự do kẻ khác. Nhưng vâng theo luật vì lương tâm:
vì biết rằng chính quyền là do Thiên Chúa muốn có và vì nhiệm vụ phải phục vụ
công ích. Dĩ nhiên các luật đó phải là luật công bằng và phục vụ cho công ích;
dĩ nhiên có trường hợp các luật lệ không bó buộc một người nào đó vì những
nguyên nhân "thác miễn" hay vì "thể ý pháp"; dĩ nhiên có
nhà thần học chủ trương rằng một số luật chỉ có tính cách hình luật thuần túy
(một lập trường mà các nhà thần học càng ngày càng từ bỏ...), nhưng nếu chúng
ta chỉ biết đề cao trường hợp luật trừ thay vì nhấn mạnh tính cách bó buộc của
luật pháp, e rằng chúng ta sẽ góp phần quá nhỏ vào việc canh tân xã hội.
5 Xem Piô XII, Sứ
điệp truyền thanh 24-12-1942: AAS 35 (1943), trg 9-24; - 24-12-1944: AAS 37
(1945), trg 11-17. - Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 263,
271, 277-278.
6 Xem Piô XII, Sứ
điệp truyền thanh, 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 200. - Gioan XXIII, Tđ. Pacem
in terris: n.v.t., trg 273-274.
88* Ðức Piô XI
(Quadragesimo anno, x. Dz 3738/2265-2266) tuyên bố nguyên tắc bổ trợ dạy rằng,
những cộng đoàn cấp trên không được giữ riêng cho mình tất cả những việc mà các
cộng đoàn cấp dưới có thể thực hiện được. Nguyên tắc có giá trị cho quốc gia và
các cộng đoàn trong quốc gia (trong Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo Công Ðồng
nhắc lại rằng phải áp dụng nguyên tắc trong phạm vi giáo dục, số 3b), cho các
quốc gia và xã hội quốc tế Pacem in terris, AAS 55 (1963), trg 294; và số 86c
sau này), cũng như cho các hội đoàn giáo dân và Giáo Hội (Piô XII, diễn văn cho
hội đồng các Ðức Hồng Y ngày 20-2-1946: AAS 38 (1946), trg 145). Sở dĩ ta phải
công nhận nguyên tắc trên là vì phẩm giá con người, cũng như vì bản thể của xã
hội là nhằm phục vụ công ích, chứ không phải chỉ vì lý do thực tế để tránh xa
những lạm dụng của các cộng đoàn trên.
Phải lưu ý:
nguyên tắc không chỉ cấm các cộng đoàn cấp trên, nhất là quốc gia, làm thay
công việc của các cộng đoàn cấp dưới một cách vô lý, mà còn nêu ra phương diện
tích cực: trước hết là quốc gia phải cung cấp cho công ích mọi điều các cộng
đoàn cấp dưới không đủ khả năng để làm (Populorum progressio, 33; 37; - Mater
et Magistra: AAS 53 (1961), trg 414), hơn nữa, quốc gia phải làm sao để giúp sức
và phương tiện cho các cộng đoàn cấp dưới (Mater et Magistra, n.v.t., trg
438-439).
Câu tiếp theo của
Công Ðồng nhắc lại cho chúng ta rằng sở dĩ quốc gia nhiều khi không tôn trọng
nguyên tắc bổ trợ là vì thái độ thiếu trách nhiệm của công dân.
7 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 415-418.
8 Xem Piô XI, Huấn
từ cho các vị lãnh đạo Hiệp Hội Ðại Học Công Giáo: Discorsi di Pio XI: x.b.
Bertetto,
89* Lịch sử gần
đây của nước nhà có thể nhắc lại cho chúng ta rằng thái độ ngược lại, nghĩa là
trông nhờ vào đặc ân của chính quyền, rất nguy hại cho chính sứ mệnh của Giáo Hội.
Hơn thế nữa, tìm kiếm đặc ân cho mình có thể vi phạm công bằng phân phối. Vả lại,
dù có thể không phạm lỗi gì nhưng việc tìm kiếm đặc ân đó không thích hợp với sứ
mệnh của Giáo Hội là phải phục vụ mọi người theo gương của Chúa Giêsu, Ðấng đã
không đến để được hầu hạ (Mc 10,45). Thái độ siêu thoát và quảng đại như thế
càng khó tìm thấy ở những xã hội thấm nhuần tinh thần kính trọng các tôn giáo
và các vị đại diện tôn giáo.
9 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, số 13: AAS 57 (1965), trg 17.
10 Xem Lc 2, 14.
Chương V: Cổ Võ Hòa Bình Và Xây Dựng Cộng Ðoàn Các Dân Tộc
90*
77. Nhập đề. Hiện nay,
trong khi những nỗi đau khổ và lo âu hết sức trầm trọng còn tồn tại giữa loài
người do cuộc chiến tranh không ngừng hiện đang đe dọa gây nên, toàn thể nhân
loại trong tiến trình trưởng thành đã bước vào một giai đoạn hết sức quyết định.
Gia đình nhân loại dần dần hiệp nhất với nhau và đã ý thức hơn về sự hiệp nhất
của mình ở mọi nơi, do đó công việc mà gia đình nhân loại phải bắt tay vào là
xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Công
việc này chỉ được hoàn thành cách tốt đẹp nếu tất cả mọi người đều cải tạo tâm
hồn để hướng về hòa bình đích thực. Như thế, sứ điệp Phúc Âm phụ họa với những
khát vọng và cố gắng cao cả của nhân loại mới rực sáng lên ở thời đại chúng ta
bằng luồng sáng mới, khi công bố phúc cho những người kiến tạo hòa bình
"vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9).
Do đó, khi làm
sáng tỏ ý nghĩa đích thực và rất cao cả của hòa bình, và sau khi đã lên án sự
dã man của chiến tranh, Công Ðồng muốn tha thiết kêu mời các Kitô hữu, với sự
trợ giúp của Chúa Kitô, Ðấng sáng tạo hòa bình, hãy cộng tác với tất cả mọi người
để chuẩn bị các phương tiện xây dựng hòa bình và để củng cố nền hòa bình đích
thực giữa họ trong công bằng và yêu thương.
78. Bản chất của hòa bình.
Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào
sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền
cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của
công bằng" (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính
Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người
luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động.
Thật thế, mặc dù tự bản chất công ích của nhân loại dĩ nhiên phải được định luật
đời đời qui định, tuy nhiên trong những đòi hỏi cụ thể của nó, công ích vẫn phải
chịu những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian. Do đó, hòa bình
không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi. Hơn nữa,
vì ý chí của con người yếu đuối và bị tội lỗi làm tổn thương, do đó muốn có hòa
bình mỗi người phải luôn luôn kiềm chế dục vọng của mình và chính quyền phải
canh phòng cẩn thận.
Nhưng như thế
chưa đủ. Hòa bình ấy chỉ có được trên trần gian, nếu giá trị của từng cá nhân
được đảm bảo và mọi người tin tưởng cũng như tự nguyện san sẻ cho nhau những của
cải tinh thần và tài năng của họ. Ý chí cương quyết muốn tôn trọng người khác,
những dân tộc khác cũng như phẩm giá của họ và sự ân cần thực thi tình huynh đệ
là những điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình. Như thế, hòa bình cũng là kết
quả của tình thương, một thứ tình thương vượt xa những gì công bằng có thể đem
đến.
Phát sinh từ
tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả của hòa bình
Chúa Kitô, hòa bình do Ðức Chúa Cha mà đến. Vì chính Chúa Con Nhập Thể là thái
tử hòa bình đã dùng thập giá Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa; Người
đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể. Người đã hủy
diệt hận thù trong chính xác thể Người 1,
và sau khi đã khải hoàn phục sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy
lòng con người.
Do đó, trong khi
"thực thi chân lý trong bác ái" (Eph 4,15), mọi Kitô hữu được khẩn
thiết kêu mời hãy kết hiệp với những người thực sự yêu chuộng hoà bình để cầu
khẩn và thiết lập hòa bình 91*.
Cũng trong tinh
thần đó, chúng tôi không thể không ca ngợi những ai tranh đấu cho quyền lợi mà
không dùng bạo động, nhưng dùng những phương tiện tự vệ sẵn có cho những người
yếu kém, miễn sao không hại đến quyền lợi và bổn phận của người khác và của cộng
đoàn.
Bao lâu con người
còn là những kẻ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa
cho tới khi Chúa Kitô đến. Tuy nhiên, nhờ kết hiệp trong bác ái, con người thắng
vượt tội lỗi và cũng thắng vượt bạo động cho tới khi lời sau đây được hoàn tất:
"Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ
không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không còn tập luyện để chiến đấu" (Is
2,4).
Ðoạn 1: Tránh Chiến Tranh
79. Giảm thiểu sự vô nhân
đạo của chiến tranh. Mặc dù những trận chiến tranh gần đây đã gây cho thế giới
chúng ta những thiệt hại quá nặng nề về vật chất cũng như tinh thần, thế mà cho
tới nay trên một vài miền chiến tranh vẫn còn hàng ngày liên tục tàn phá. Lại nữa,
khi người ta sử dụng những khí giới khoa học đủ loại trong chiến tranh thì tính
cách dã man của chiến tranh lăm le đưa những kẻ tham chiến tới một sự man rợ
còn khốc hại hơn những ngày trước. Vả lại, hoàn cảnh phức tạp ngày nay và những
mối bang giao rối ren giữa các quốc gia càng giúp cho chiến tranh ngấm ngầm kéo
dài với những phương pháp mới quỷ quyệt và tàn bạo. Trong nhiều trường hợp, sự
xử dụng những phương pháp khủng bố được coi như một hình thức mới của chiến
tranh.
Ðứng trước thảm
trạng này của nhân loại, tiên vàn Công Ðồng muốn nhắc nhở đến giá trị ngàn đời
của quyền lợi tự nhiên của các dân tộc và những nguyên tắc phổ quát của nó.
Chính lương tâm nhân loại công bố những nguyên tắc đó một cách càng ngày càng
cương quyết hơn. Những ai mưu toan hành động ngược lại những nguyên tắc đó cũng
như những ai ra lệnh những hành động như thế, đều phạm tội ác cả; sự thừa lệnh
mù quáng cũng không đủ để chạy tội cho những người tuân theo những mệnh lệnh
trên. Trong số những hành động tội ác trên, trước hết phải kể đến hành động
tiêu diệt một chủng tộc, một dân tộc hay một dân tộc thiểu số bằng bất cứ lý do
hay phương pháp nào. Những hành động như thế phải được gắt gao lên án như những
tội ác đáng ghê tởm. Và phải hết sức ca ngợi tinh thần can đảm của những người
dám công khai chống đối laị những kẻ ra lệnh thi hành những tội ác trên.
Về vấn đề chiến
tranh, hiện có nhiều hiệp ước quốc tế mà khá nhiều quốc gia đã ký kết nhằm làm
cho những hoạt động quân sự và những hậu quả của chúng bớt vô nhân đạo hơn. Chẳng
hạn có những hiệp ước liên quan đến số phận của thương binh hoặc tù bình, và
nhiều thỏa ước tương tự khác. Những hiệp ước như thế cần phải được tôn trọng.
Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền và những nhà chuyên môn về vấn đề này,
tùy theo khả năng của mình, cần phải cố gắng làm sao cho những hiệp ước đó được
hoàn hảo, và như thế tức là họ giúp ngăn chặn một cách tốt đẹp và hữu hiệu hơn
tính cách vô nhân đạo của chiến tranh. Vả lại, cũng là một điều hợp lý nếu vì
lòng nhân đạo mà có những khoản luật dành cho những người vì lý do lương tâm từ
chối không xử dụng khí giới, miễn là họ chấp nhận phục vụ cộng đoàn nhân loại
dưới một hình thức khác 92*.
Dĩ nhiên, nhân
loại chưa trừ được tận gốc chiến tranh. Và bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại,
bao lâu chưa có quyền bính quốc tế có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì mỗi khi
đã dùng hết mọi phương thế ôn hòa, các chính phủ được phép xử dụng quyền tự vệ
chính đáng. Do đó, các thủ lãnh quốc gia và những ai có trách nhiệm trong nước
có bổn phận phải bảo vệ dân chúng đã được ủy thác cho mình, họ phải thận trọng
trong những vấn đề nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, chiến tranh để bảo vệ dân tộc
một cách chính đáng là một việc, còn mưu toan đặt ách đô hộ trên các quốc gia
khác lại là việc khác. Không phải mọi việc xử dụng sức mạnh của khí giới vào mục
tiêu chính trị hay quân sự đều là hợp pháp. Không phải vì chiến tranh đã chẳng
may khai diễn mà các đối phương đều được phép làm gì thì làm.
Ðối với những ai
hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người
đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận này, họ
thực sự đóng góp vào việc củng cố hòa bình.
80. Chiến tranh toàn diện.
Sự phát triển khí giới khoa học làm cho chiến tranh tăng thêm phần ghê tởm và
khốc hại khôn lường. Thực vậy, những hành động hiếu chiến đi đôi với việc xử dụng
những khí giới này có thể đưa lại những tàn phá lớn lao và không phân định, do
đó vượt xa giới hạn của việc tự vệ chính đáng. Hơn nữa, nếu tận dụng tất cả những
phương tiện hiện có trong các kho vũ khí của các cường quốc, thì sẽ có một cuộc
tương tàn hầu như hoàn toàn và mỗi bên sẽ bị đối phương tận diệt, đó là chưa kể
đến nhiều cuộc tàn phá xảy ra trong thế giới và những hậu quả khốc hại do việc
xử dụng những khí giới nói trên.
Tất cả những điều nói trên buộc chúng ta phải xét lại chiến tranh
trong một tinh thần hoàn toàn mới mẻ 2. 93*
Con người thời đại này phải biết rằng họ sẽ chịu trách nhiệm nặng nề về những
hành động hiếu chiến của họ, vì các biến chuyển tương lai sẽ tùy thuộc nhiều ở
những quyết định của họ hôm nay.
Trước tình trạng
đó, thừa nhận những lời kết án về chiến tranh toàn diện của những vị Giáo Hoàng
gần đây 3,
Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng:
Mọi hành động hiếu
chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi nguyên cả thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với
dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Vậy phải cực
lực và không ngần ngại lên án tội ác đó.
Mối nguy cơ đặc
biệt của chiến tranh hiện nay hệ tại ở chỗ hầu như tạo cơ hội cho những người
có khí giới tối tân phạm những tội ác như thế và hậu quả tất nhiên là có thể
thúc đẩy ý muốn con người đi tới những quyết định hiểm độc nhất. Vậy để cho thảm
trạng đó không bao giờ xảy đến, các Giám Mục trên toàn thể thế giới hợp nhau
nên một tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là những nhà cầm quyền quốc gia cũng
như những vị chỉ huy quân sự hãy luôn luôn cân nhắc trách nhiệm lớn lao của
mình trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.
81. Thi đua võ trang. Thực
ra, khí giới khoa học không phải được thu trữ chỉ để dùng vào thời chiến tranh,
vì người ta cho rằng sự phòng thủ kiên cố của mỗi phe tùy thuộc ở khả năng trả
đũa đối phương một cách vũ bão, cho nên sự tích trữ khí giới mỗi năm một gia
tăng chính là nhằm đe dọa đối phương có thể bất thần tấn công. Nhiều người cho
rằng đó là phương cách hữu hiệu nhất để bảo toàn hòa bình giữa các quốc gia
ngày nay.
Dù cho phương thức
ngăn chặn đối phương có thế nào đi nữa, con người vẫn phải xác tín rằng cuộc
thi đua võ trang, công việc mà khá nhiều quốc gia đang theo đuổi, không phải là
một con đường an toàn để duy trì hòa bình một cách vững chắc, cũng như cái gọi
là quân bình xuất phát từ việc thi đua đó cũng không phải là hòa bình chắc chắn
và đích thực. Do đó, những nguyên nhân của chiến tranh chẳng những không bị loại
bỏ mà còn đe dọa mỗi lúc một thêm trầm trọng. Ðang khi tiêu thụ quá nhiều tài
nguyên vào việc chuẩn bị những khí giới luôn luôn mới mẻ thì không thể nào đem
lại một phương dược đủ để chữa trị biết bao khốn khổ hiện tại của thế giới.
Thay vì thật sự và triệt để hàn gắn những chia rẽ giữa các quốc gia, người ta lại
làm cho những chia rẽ ấy lan rộng đến các vùng khác trên thế giới. Phải chọn lựa
những con đường mới bắt nguồn từ việc cải tạo tâm hồn để chấm dứt tệ trạng đó
và để hòa bình đích thực có thể được vãn hồi, một khi thế giới được giải thoát
khỏi mối âu lo đang đè nặng.
Bởi thế, cần phải
tuyên bố một lần nữa: cuộc thi đua võ trang là một tai họa hết sức trầm trọng
cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể tha thứ được. Và
phải hết sức sợ rằng cuộc thi đua võ trang, nếu vẫn còn tiếp diễn, một ngày nào
đó, sẽ gây ra mọi tai họa chết chóc do những phương thế đã được nó chuẩn bị sẵn.
Thấy được những
tai họa mà nhân loại có thể gây nên, chúng ta hãy lợi dụng thời hạn mà ơn trên
ban cho chúng ta, để khi ý thức hơn về trách nhiệm của riêng mình, chúng ta sẽ
tìm được những con đường giúp chúng ta giải quyết được những tranh chấp của
mình một cách xứng đáng với con người hơn. Thiên Chúa quan phòng không ngừng
đòi hỏi chúng ta phải tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chiến tranh đã có từ
xưa. Do đó, nếu khước từ mọi cố gắng như trên, chúng ta không biết chúng ta sẽ
đi về đâu trên con đường tội ác mà mình đã bước vào.
82. Triệt để ngăn cấm chiến
tranh và hoạt động quốc tế nhằm tránh chiến tranh. Bởi thế, dĩ nhiên chúng ta cần
phải đem hết nỗ lực để chuẩn bị cho giai đoạn mà bất cứ chiến tranh nào cũng đều
bị triệt để ngăn cấm do sự ưng thuận của các quốc gia. Ðiều đó chắc chắn đòi hỏi
phải thiết lập một công quyền quốc tế được mọi người thừa nhận. Quyền bính này
phải có một thực lực hữu hiệu để bảo đảm an ninh cho mọi người cũng như buộc phải
thực thi công bằng và tôn trọng quyền lợi. Nhưng trước khi thiết lập được quyền
bính đáng mong mỏi ấy, các cơ quan tối cao quốc tế hiện hành cần phải đem hết nỗ
lực để nghiên cứu các phương thế khả hiệu nhất hầu đem lại an ninh chung. Vì
hòa bình phải phát sinh từ niềm tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc, chứ không
là thứ hòa bình cưỡng ép giữa các dân tộc do sự sợ hãi khí giới của nhau. Nên tất
cả cần phải cố gắng chặn đứng cuộc chạy đua võ trang. Muốn cho sự tài giảm binh
bị thực sự bắt đầu, thì việc tài giảm này không phải là việc làm của một bên,
nhưng phải được cả đôi bên thỏa thuận với những bảo đảm thực sự và hữu hiệu 4.
Trong lúc chờ đợi,
không nên coi thường những nỗ lực đã có và đang có cho tới nay đã ngăn chặn
nguy cơ chiến tranh. Tốt hơn là nên nâng đỡ thiện chí của một số đông những người,
tuy phải bận tâm quá nhiều về những nhiệm vụ tối cao của họ, những vẫn ý thức
được trách nhiệm rất nặng nề bó buộc họ, cho nên họ cố gắng loại bỏ chiến tranh
mà họ đang ghê tởm mặc dù họ không thể bỏ qua được hoàn cảnh phức tạp hiện tại.
Hơn nữa, phải luôn luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho họ nghị lực để kiên quyết tiến
tới và can đảm hoàn thành công cuộc của tình thương cao cả đối với con người là
xây dựng hòa bình một cách mạnh mẽ. Ngày nay, chắc chắn công cuộc đó đòi hỏi họ
phải mở rộng tâm hồn và tinh thần vượt khỏi ranh giới của quốc gia mình, phải từ
bỏ lòng ích kỷ quốc gia và tham vọng thống trị các quốc gia khác, phải nuôi dưỡng
lòng tôn trọng sâu xa đối với toàn thể nhân loại đang vất vả tiến tới một sự thống
nhất lớn lao hơn.
Về vấn đề hòa bình và giải giới, cần phải xem những nghiên cứu tìm
tòi đã được theo đuổi một cách can đảm và không ngừng, cũng như những hội nghị
quốc tế bàn về vấn đề này như là những bước đầu để giải quyết những vấn đề khá
trọng đại. Và trong tương lai, để đạt được những kết quả thực tiễn, cần phải cổ
võ những nỗ lực trên một cách cấp bách hơn. Tuy nhiên, không nên chỉ ỷ lại vào
cố gắng của một vài người mà quên tinh thần riêng của mỗi người 94*.
Vì là những người chịu trách nhiệm trước công ích của dân tộc mình và đồng thời
đem lại ích chung cho toàn thể thế giới, cho nên các nhà lãnh đạo quốc gia tùy
thuộc rất nhiều vào quan điểm và tâm tình của quần chúng. Bao lâu những tâm
tình thù hận, khinh thị và nghi kỵ, những hiềm thù vì "kỳ thị chủng tộc"
cũng như những ý thức hệ ngoan cố, tất cả những thứ đó vẫn còn chia rẽ và đối
nghịch con người với nhau, thì các nhà lãnh đạo quốc gia có cố công xây dựng
hòa bình cũng vẫn vô ích. Do đó, cần phải cấp tốc canh tân giáo dục tâm trạng
và gây lại một chiều hướng mới cho dư luận quần chúng. Những ai tận tâm với
công cuộc giáo dục, nhất là giáo dục giới trẻ, hoặc hướng dẫn dư luận quần
chúng, phải nhớ rằng việc gieo rắc trong đầu óc mọi người những tư tưởng mới về
hòa bình là một bổn phận nặng nề nhất. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều có bổn phận
thay đổi tâm hồn mình, phải mở rộng nhãn quan trên toàn thế giới và trên những
nhiệm vụ mà chúng ta có thể cùng nhau đảm nhận để làm cho nhân loại chúng ta tiến
triển tốt đẹp hơn.
Nhưng đừng để hy
vọng hão huyền lừa dối chúng ta. Thật thế, cho dù đã loại bỏ được hiềm khích và
hận thù, nhưng nếu trong tương lai chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững
chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện
đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ
tiến dần đến cách thảm khốc tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa
bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc. Tuy nhiên, Giáo Hội
Chúa Kitô được thiết lập giữa những lo âu của thời đại này, khi tuyên bố những
điều trên, vẫn luôn hết sức vững tâm hy vọng. Thuận tiện hay không thuận tiện,
Giáo Hội vẫn muốn trình bày và vẫn muốn trình bày mãi mãi cho thời đại chúng ta
sứ điệp của các Tông Ðồ: "đây là thời thuận tiện" để cải tạo tâm hồn,
"đây là ngày cứu độ" 5.
Ðoạn 2: Xây Dựng Cộng Ðoàn Quốc Tế
83. Nguyên nhân bất hòa và
phương dược chữa trị. Ðể xây dựng hòa bình, trước hết cần phải tận diệt những
nguyên nhân bất hòa giữa con người với nhau, vì chính những nguyên nhân đó nuôi
dưỡng chiến tranh, nhất là những bất công. Một số không ít những nguyên nhân này
bắt nguồn từ những chênh lệch thái quá trong địa hạt kinh tế, cũng như từ sự
trì hoãn những sửa đổi cần thiết. Một số nguyên nhân khác phát sinh từ đầu óc
thống trị và miệt thị con người, và nếu tìm hiểu những lý do sâu xa hơn, thì đó
là lòng tham lam, nghi kỵ, kiêu căng và những đam mê ích kỷ khác. Vì con người
không thể chịu đựng được bao nhiêu hỗn loạn ấy, cho nên dù không có chiến tranh
tàn khốc, thế giới vẫn không ngừng bị những tranh chấp giữa con người với nhau
và những bạo động làm xáo trộn. Hơn nữa, những tệ hại này còn có mặt trong những
tương quan giữa chính các quốc gia, cho nên để chiến thắng hay ngăn ngừa những
tệ hại đó và chặn đứng những bạo động cuồng loạn, triệt để cần phải phối hiệp
và tổ chức các cơ quan quốc tế một cách tốt đẹp và vững chắc hơn. Cũng cần phải
luôn luôn khuyến khích việc thành lập những cơ quan cổ võ cho hòa bình.
84. Cộng đoàn các dân tộc
và các cơ quan quốc tế. Ngày nay mối dây tương quan giữa các công dân và các
dân tộc trên thế giới mỗi ngày một thêm chặt chẽ. Do đó, muốn tìm công ích đại
đồng một cách thích ứng và thể hiện một cách hữu hiệu hơn, cộng đồng các dân tộc
cần phải được tổ chức theo một thể thức hợp với công cuộc hiện thời, nhất là
liên quan đến rất nhiều miền cho tới nay vẫn còn đang chịu cảnh túng thiếu cơ cực.
Ðể đạt được những
mục tiêu nói trên, các cơ quan của cộng đoàn quốc tế tùy theo phận vụ mình, phải
đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lãnh vực xã hội như lương thực,
sức khỏe, giáo dục, việc làm, cũng như trong một vài hoàn cảnh đặc biệt có thể
gặp tại vài nơi, chẳng hạn cần phải cổ võ sự thăng tiến tổng quát của các quốc
gia trên đường phát triển, phải trợ giúp nỗi đau khổ của những người tị nạn rải
rác trên khắp thế giới, hoặc còn phải cứu trợ những người di cư và gia đình họ.
Các cơ quan quốc
tế đang có trên toàn thế giới hay tại địa phương chắc chắn đáng được nhân loại
ghi ơn nhiều. Những tổ chức này tựa như những cố gắng đầu tiên nhằm đặt nền
móng quốc tế cho cả cộng đoàn nhân loại, để giải quyết những vấn đề trầm trọng
nhất của thời đại chúng ta, như là cổ võ sự phát triển khắp nơi và ngăn ngừa
chiến tranh dưới mọi hình thức. Trong tất cả những lãnh vực này, Giáo Hội hoan
hỷ trước tinh thần huynh đệ đích thực đang nảy nở giữa các Kitô hữu và những
người ngoài Kitô giáo; tinh thần đó nhằm giúp họ gia tăng thêm mãi mãi nỗ lực để
xoa dịu nỗi thống khổ bao la.
85. Cộng tác quốc tế trong lãnh vực kinh tế 95*.
Sự liên đới ngày nay của nhân loại cũng đòi hỏi phải thiết lập một sự cộng tác
quốc tế rộng rãi hơn trong lãnh vực kinh tế. Thật vậy, mặc dù hầu hết mọi dân tộc
đều được tự trị, tuy nhiên còn lâu họ mới thoát khỏi những chênh lệch thái quá
và mọi hình thức lệ thuộc quá đáng, cũng như tránh được mọi nguy cơ trầm trọng
từ những khó khăn bên trong.
Sự phát triển của
mỗi quốc gia tùy thuộc ở những trợ giúp về nhân sự và tài chánh. Người công dân
trong mỗi nước cần phải được chuẩn bị bằng việc giáo dục và huấn nghệ để chấp
nhận những nhiệm vụ khác nhau trong đời sống kinh tế và xã hội. Nhằm mục đích
trên, cần phải có sự giúp đỡ của những chuyên viên ngoại quốc; khi giúp đỡ, những
chuyên viên này đừng xử sự như chủ, nhưng như là những người trợ tá và cộng tác
viên. Sự viện trợ vật chất cho các quốc gia đang phát triển chỉ thực hiện được
nếu người ta thay đổi sâu rộng những đường lối thương mại hiện có trên thế giới.
Hơn nữa, các quốc gia tiến bộ phải giúp cho các quốc gia đó những viện trợ khác
nhau dưới hình thức tặng phẩm, cho vay hoặc đầu tư tài chánh. Một bên phải viện
trợ cách quảng đại, chứ không vì tham lam, cũng như bên kia phải nhận với tất cả
công minh.
Muốn xây dựng một
nền kinh tế đích thực cho thế giới cần phải dập tắt lòng ham lợi quá đáng, những
tham vọng quốc gia, những khao khát bá chủ về chính trị, mọi mưu tính về mặt
quân sự cũng như mọi mưu mô nhằm tuyên truyền và bắt phải theo một ý thức hệ.
Người ta đề ra nhiều hệ thống kinh tế và xã hội. Ước gì các nhà chuyên môn có
thể dựa trên đó mà tìm ra những căn bản chung cho một nền mậu dịch quốc tế lành
mạnh. Ðiều đó dễ đạt được nếu mỗi người từ bỏ thành kiến riêng và mau mắn đi tới
đối thoại một cách chân thành.
86. Vài tiêu chuẩn thích hợp.
Những tiêu chuẩn sau đây xem ra thích hợp cho việc cộng tác trên:
a) Các dân tộc
đang phát triển cần phải chú tâm nhiều đến việc theo đuổi sự phát triển toàn vẹn
cho người công dân; một cách rõ ràng và cương quyết, họ phải theo đuổi việc
phát triển này như mục tiêu của sự tiến bộ. Họ phải nhớ rằng sự tiến bộ phát
sinh và gia tăng trước hết là tùy thuộc ở sự làm việc và tài nghệ của chính dân
tộc mình, nghĩa là sự tiến bộ không chỉ căn cứ vào viện trợ của ngoại bang,
nhưng tiên vàn căn cứ vào việc khai thác đầy đủ những tài nguyên của xứ sở cũng
như vào việc phát triển văn hóa và truyền thống riêng của mình. Trong vấn đề
này, những ai có ảnh hưởng trên người khác hơn cả cần phải nêu gương hơn hết.
b) Bổn phận nặng
nề nhất của các quốc gia tiến bộ là giúp đỡ các dân tộc đang phát triển chu
toàn những phận vụ nói trên. Do đó, ngay trong quốc gia mình, họ phải thích
nghi về mặt tinh thần cũng như vật chất cần thiết để thiết lập sự cộng tác đại
đồng này.
Như thế, khi
giao dịch với các quốc gia nghèo yếu hơn, họ phải quan tâm đặc biệt đến lợi ích
của các quốc gia này: vì các quốc gia này sống còn là tùy ở nguồn lợi từ những
sản phẩm bán ra.
c) Bổn phận của
cộng đoàn quốc tế là phối hợp và cổ võ sự phát triển, tuy nhiên tài nguyên dành
cho việc phát triển phải được phân phối hết sức hữu hiệu và hoàn toàn công bằng.
Dù vẫn giữ nguyên tắc trách nhiệm bổ trợ, cộng đoàn quốc tế cũng phải điều hòa
các mối bang giao kinh tế trên toàn thế giới, làm sao để các mối bang giao đó
được thể hiện trong các quy tắc của công bình.
Phải thiết lập
những tổ chức có thể cổ võ và điều hành những mậu dịch quốc tế nhất là với các
quốc gia kém mở mang, để bù đắp những khuyết điểm do sự chênh lệch thái quá về
thế lực giữa các quốc gia. Ðường lối tổ chức trên cùng với sự trợ giúp kỹ thuật,
văn hóa và tài chánh, sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có những phương tiện
cần thiết để có thể mở mang kinh tế một cách thích hợp.
d) Trong nhiều
trường hợp, nhu cầu cấp bách đòi hỏi phải xét lại các cơ cấu kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên phải coi chừng những giải pháp kỹ thuật chưa được chín mùi, nhất là
những giải pháp đi ngược lại đặc tính thiêng liêng và sự phát triển con người,
mặc dù đem lại cho con người những tiện ích vật chất: vì "con người không
phải chỉ sống bằng cơm bánh nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán
ra" (Mt 4,4). Bất cứ thành phần nào của gia đình nhân loại cũng đều mang
trong mình và trong những truyền thống tốt đẹp nhất của mình một phần kho tàng
thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho nhân loại, dù cho nhiều người không
biết nó phát xuất từ nguồn gốc nào.
87. Hợp tác quốc tế trong
vấn đề gia tăng dân số. Sự hợp tác quốc tế là một vấn đề hết sức cần thiết, khi
một số dân tộc ngày nay, không kể bao nhiêu khó khăn khác, còn rất thường gặp
phải một số khó khăn đặc biệt nữa phát sinh từ sự gia tăng dân số quá nhanh. Nhờ
sự hợp tác hoàn toàn và đắc lực của mọi quốc gia, nhất là những nước giàu, điều
khẩn trương là phải nghiên cứu làm sao để có thể chuẩn bị và chia sẻ cho toàn
thể nhân loại những gì cần thiết cho sự sống và cho việc giáo dục thích hợp của
con người. Thực thế, một số quốc gia sẽ có thể cải thiện hoàn cảnh sinh sống của
họ rất nhiều, nếu một khi được huấn luyện đầy đủ, họ chuyển từ những phương
pháp canh tác nông nghiệp cổ hủ đến những kỹ thuật tối tân và biết áp dụng
chúng vào những hoàn cảnh của họ với sự khôn khéo cần thiết; vả lại, nếu họ biết
thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn và phân chia đất đai một cách công
bình hơn.
Trong phạm vi thẩm
quyền của mình, dĩ nhiên chính phủ có quyền và có bổn phận đối với vấn đề dân số
trong quốc gia mình: chẳng hạn vấn đề liên quan đến luật xã hội và gia đình, vấn
đề di dân từ thôn quê về thành thị, vấn đề thông tin về tình hình và nhu cầu quốc
gia. Ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến vấn đề này, do đó, ước gì những
người công giáo chuyên môn trong lãnh vực này, nhất là trong các Ðại Học, hãy
kiên nhẫn theo đuổi và phát huy sâu rộng những nghiên cứu cũng như những công
cuộc của họ.
Nhiều người quả quyết rằng sự gia tăng dân số trên thế giới hay ít
ra tại một vài quốc gia cần phải được giảm thiểu hoàn toàn bằng mọi phương tiện
và bằng bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Do đó, Công Ðồng khuyến cáo mọi
người nên đề phòng những giải pháp đi ngược lại luật luân lý 96*
đang được đề cao một cách công khai hay riêng tư và đôi khi có tính cách bắt buộc.
Vì quyền kết hôn và sinh sản là quyền bất khả di nhượng của con người, cho nên
việc định đoạt số con cái sẽ sinh ra tùy thuộc ở phán đoán thẳng thắn của cha mẹ
chứ không thể nào ủy thác cho sự quyết định của chính quyền. Nhưng sự phán đoán
của cha mẹ giả thiết là họ phải có một lương tâm được huấn luyện ngay thẳng, do
đó điều quan trọng là làm sao cho mọi người đạt được một trình độ trách nhiệm đứng
đắn và thật sự của một con người, một trách nhiệm biết tôn trọng luật Thiên
Chúa mà vẫn không bỏ quên hoàn cảnh và thời đại. Ðiều này còn đòi hỏi phải cải
thiện khắp nơi tình trạng giáo dục và xã hội, nhất là cần phải có một nền giáo
dục tôn giáo hay ít ra phải có một nền giáo dục đầy đủ về luân lý. Hơn nữa, dân
chúng cần phải được hiểu biết cẩn thận về những tiến bộ khoa học trong việc tìm
kiếm các phương pháp có thể giúp đôi vợ chồng điều hòa sinh sản, miễn là các
phương pháp này được chứng minh rõ ràng là chắc chắn và được nhìn nhận là phù hợp
với trật tự luân lý.
88. Bổn phận của Kitô hữu
trong việc cứu trợ. Người Kitô hữu phải sẵn sàng và hết lòng cộng tác xây dựng
trật tự quốc tế, một thứ trật tự tôn trọng những quyền tự do hợp pháp và tình bằng
hữu huynh đệ với hết mọi người. Họ càng phải sẵn sàng thực hiện công cuộc ấy
hơn nữa, vì hiện thời đại đa số nhân loại còn đang đau khổ bần cùng đến nỗi
chính Chúa Kitô hiện thân trong kẻ nghèo khổ như đang lớn tiếng đòi hỏi các môn
đệ của Người phải bác ái. Vậy phải tránh gương mù của một số quốc gia mà đa số
dân chúng thường mang danh Kitô hữu, đang thản nhiên hưởng thụ quá nhiều của cải
trong lúc nhiều quốc gia khác sống thiếu thốn cùng cực, bị đói khát, bệnh tật
và đủ mọi thứ bất hạnh dày vò. Tinh thần khó nghèo và bác ái mới là vinh dự và
dấu chứng của Giáo Hội Chúa Kitô.
Thế nên, phải
khen ngợi và cổ võ những người Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ, tự nguyện hiến
thân phục vụ tha nhân và các quốc gia khác. Lại nữa, bổn phận của toàn thể Dân
Chúa là theo gương lành và lời giảng dạy của các Giám Mục để tùy sức xoa dịu những
khốn cùng của thời đại này, chẳng những với phần thặng dư mà còn cả phần thiết
dụng của mình nữa như Giáo Hội thời xưa quen làm.
Cách lạc quyên
và phân phối viện trợ, dù không được tổ chức chặt chẽ và đồng nhất thì ít nữa
cũng phải được thực hiện cách đứng đắn trong các giáo phận, các quốc gia và
trên toàn thế giới; ở bất cứ nơi nào xem ra thuận tiện, hoạt động của Công Giáo
phải hợp tác chặt chẽ với các anh em Kitô hữu khác. Tinh thần bác ái chẳng những
không ngăn trở mà còn đòi hỏi việc tiên liệu và tổ chức hoạt động xã hội cũng
như từ thiện cho quy củ. Vì thế, những người tình nguyện dấn thân phục vụ các
quốc gia đang phát triển cần phải được huấn luyện trong các trường chuyên môn để
họ trở thành những cán bộ thành thạo.
89. Sự hiện diện hữu hiệu
của Giáo Hội trong cộng đoàn quốc tế. Dựa vào sứ mệnh Chúa ủy thác, Giáo Hội
rao giảng Phúc Âm cho mọi người và phân phát các kho tàng ân sủng; và ở bất cứ
nơi nào trên hoàn cầu, Giáo Hội cũng góp phần củng cố hòa bình và thiết lập nền
tảng vững chắc cho sự liên đới huynh đệ của con người và của các dân tộc: nền tảng
này làm cho mọi người hiểu biết về luật Thiên Chúa và luật tự nhiên. Vì thế,
Giáo Hội nhất thiết phải có mặt ngay giữa lòng các dân tộc để khơi động và thôi
thúc sự hợp tác giữa mọi người và Giáo Hội hoạt động được vậy là nhờ các cơ
quan chính thức của mình, cũng như nhờ sự cộng tác tận lực và chân thành của mọi
Kitô hữu, chỉ theo đuổi một ước nguyện là phục vụ tất cả mọi người.
Kết quả sẽ bảo đảm
hơn, nếu chính các tín hữu ý thức trách nhiệm làm người và làm Kitô hữu, cố gắng
thúc đẩy ước muốn sẵn sàng cộng tác với cộng đoàn quốc tế ngay trong môi trường
sinh hoạt của mình. Về vấn đề này nên đặc biệt chú tâm đào tạo các thế hệ trẻ
trong khi giáo dục tôn giáo cũng như huấn luyện công dân.
90. Vai trò của các Kitô hữu
trong những tổ chức quốc tế. Công cuộc hợp tác cá nhân hay tập thể với chính những
tổ chức hiện có hay sắp thành hình nhằm cổ võ việc hợp tác giữa các quốc gia là
một hình thức hoạt động quốc tế tuyệt hảo của các Kitô hữu. Lại nữa, những hiệp
hội công giáo quốc tế khác nhau còn có thể góp sức bằng nhiều cách để xây dựng
một cộng đoàn các dân tộc trong hòa bình và huynh đệ. Phải củng cố các hiệp hội
này bằng cách gia tăng số hội viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng, bằng cách giúp
đỡ các phương tiện cần thiết cũng như phối hợp chặt chẽ các năng lực. Thật vậy,
thời đại chúng ta đòi hỏi sáng kiến tập thể để hoạt động hữu hiệu và thỏa mãn
nhu cầu đối thoại. Lại nữa, những hình thức tổ chức ấy góp phần không ít vào việc
gia tăng ý thức đại đồng là điều rất hợp với người công giáo, cũng như vào việc
khai sinh ý thức liên đới và trách nhiệm quốc tế thực sự.
Sau cùng, ước
mong rằng người công giáo tìm cách hợp tác tích cực và thiết thực hoặc với các
anh em ly khai cùng tuyên xưng một tình bác ái Phúc Âm, hoặc với tất cả mọi người
đang khao khát hòa bình chân chính, để chu toàn đứng đắn nghĩa vụ của mình
trong cộng đoàn quốc tế.
Ngày nay, nhìn nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại
và để cổ võ sự công chính, đồng thời cổ võ tình yêu Chúa Kitô đối với người
nghèo khổ ở khắp nơi, Công Ðồng cho là rất đáng mong ước việc thiết lập một cơ
quan chung cho toàn thể Giáo Hội, có nhiệm vụ thôi thúc cộng đoàn công giáo hầu
cổ võ sự phát triển trong các vùng nghèo khổ cũng như cổ võ công bình xã hội giữa
các quốc gia. 97*
Kết Luận 98*
91. Bổn phận của mỗi tín hữu
và của các Giáo Hội địa phương. Những điều mà Thánh Công Ðồng này đề nghị được
rút ra từ kho tàng giáo lý của Giáo Hội. Mục đích là giúp đỡ mọi người thời
nay, hoặc tin Thiên Chúa hoặc không minh nhiên nhìn nhận Ngài, nhận thức rõ
ràng hơn thiên chức toàn diện của mình, kiến tạo thế giới cho hợp với phẩm giá
siêu việt của con người hơn, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập
vững chắc hơn và đáp lại những đòi hỏi khẩn thiết trong thời đại chúng ta theo
như tình yêu thúc đẩy trong một nỗ lực hợp tác quảng đại.
Thực vậy, trước
sự dị biệt lớn lao giữa những hoàn cảnh và những hình thức văn hóa nhân loại
trên thế giới, những lời đề nghị trên đây trong nhiều điểm chỉ cố ý trình bày một
cách tổng quát. Hơn nữa, vì phần nhiều liên hệ đến những vấn đề còn đang biến
chuyển không ngừng, nên giáo huấn ở đây, tuy đã được công nhận trong Giáo Hội,
nhưng cũng cần được khai triển và tiếp nối thêm nữa. Tuy nhiên, chúng tôi tin
chắc rằng nhiều điều mà chúng tôi loan báo dựa trên lời Chúa và tinh thần Phúc
Âm, sẽ có thể giúp đỡ mọi người một cách hữu hiệu, nhất là khi các tín hữu theo
sự hướng dẫn của Chủ Chăn cố gắng thực hiện công việc thích nghi cần thiết cho
từng quốc gia và từng tâm thức khác nhau.
92. Ðối thoại giữa mọi người.
Với sứ mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa
Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội
trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một
cuộc đối thoại chân thành.
Vậy trước hết,
chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận
với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại
hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các
Kitô hữu khác. Thật vậy, những gì liên kết giữa các tín hữu còn mạnh hơn những
gì chia rẽ: hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ,
bác ái trong hết mọi sự 6.
Ðồng thời, tâm hồn
chúng tôi cũng ôm ấp những người anh em và các cộng đoàn của họ, tuy chưa sống
hiệp thông trọn vẹn với chúng tôi nhưng vốn liên kết với chúng tôi trong sự
tuyên xưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng như trong mối dây bác ái;
chúng tôi nhớ rằng ngay cả nhiều người không tin vào Chúa Kitô vẫn ước mong và
khao khát sự hiệp nhất giữa các tín hữu: quả thực, sự hiệp nhất này càng tiến
triển trong chân lý và tình yêu nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, thì càng sẽ là một
điềm tiên báo sự hiệp nhất và hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, cùng hiệp lực
và hiện đang theo đuổi mục đích cao cả này cách hữu hiệu dưới những hình thức
ngày càng thích hợp hơn, chúng tôi cố gắng mỗi ngày sống phù hợp với Phúc Âm
hơn nữa, để hợp tác trong tình huynh đệ hầu phục vụ gia đình nhân loại đang được
mời gọi vào gia đình các con cái Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô.
Do đó, chúng tôi
cùng hướng tâm hồn đến tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và bảo tồn các yếu
tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng. Chúng tôi ước mong đối
thoại cởi mở để dẫn đưa tất cả chúng ta đến chỗ trung thành đón nhận và hăng
hái thực hiện những gì Chúa Thánh Thần thôi thúc. Niềm ước mong đối thoại đó chỉ
do lòng yêu chân lý hướng dẫn và dĩ nhiên vẫn giữ được sự khôn ngoan thích hợp;
về phần chúng tôi, niềm ước vọng này không loại trừ một ai hết: từ những người
đang tôn thờ những giá trị tinh thần nhân bản cao quí mà chưa nhận biết Ðấng Tạo
Thành đến những ai chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên
Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi
làm anh em với nhau. Và vì thế, được gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm
con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá
để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực.
93. Xây dựng và dẫn đưa thế giới tới cùng đích. Nhớ lại lời Chúa:
"Nếu các con thương yêu nhau, thiên hạ sẽ cứ dấu ấy mà nhận biết chúng con
là môn đệ Thầy" (Gio 13,35), người Kitô hữu không thể tha thiết mong ước
gì hơn là luôn được phục vụ con người trong thế giới ngày nay cách quảng đại và
hữu hiệu hơn. Thật vậy, trong khi trung thành gắn bó với Phúc Âm và thừa hưởng
những năng lực của Phúc Âm, cũng như liên kết với mọi người yêu chuộng và thực
hiện công bình, người Kitô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao phải chu toàn ở trần
gian này và phải trả lẽ với Ðấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết.
Không phải những ai nói "lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào nước trời,
nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha 7
và can đảm làm việc. Thực thế, Chúa Cha muốn chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô là
anh cả trong tất cả mọi người và yêu mến Người cách cụ thể bằng lời nói cũng
như bằng việc làm. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho Chân Lý và truyền thông
cho kẻ khác mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người trên
khắp địa cầu sẽ thấy nẩy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là ân huệ của Chúa
Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê
hương rạng ngời vinh quang Chúa 99*.
"Kính chúc
Ðấng quyền năng làm được mọi sự cách hết sức phong phú hơn điều ta cầu xin hay
nghĩ tưởng tùy theo quyền phép của Ngài hằng hoạt động giữa chúng ta, kính chúc
Ngài vinh quang trong Giáo Hội và trong Chúa Giêsu Kitô trong mọi thế hệ muôn đời.
Amen" (Eph 3,20-21).
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Hiến Chế Mục Vụ này đều được các Nghị Phụ Thánh Công
Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị
Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị,
và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho
Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
90* Phần nhập đề:
1) Hoà bình cần
thiết để xây dựng một thế giới nhân đạo hơn cũng như xứng hợp với tinh thần
Phúc Âm hơn số (số 77a). Vì thế, Công Ðồng có ý trình bày hòa bình đích thực
cũng như lên án tính cách ác độc của chiến tranh (b).
2) Hòa bình đích
thực (số 78a) phát sinh bởi tình thương (b) và do ơn Chúa Kitô (c). Các tín hữu
phải xây dựng hòa bình (d). Công Ðồng khen ngợi những người không dùng phương
tiện bạo động (e). Nhưng muốn hòa bình thì phải thắng tội lỗi (f).
Ðoạn 1. Loại trừ
chiến tranh: Chiến tranh vẫn còn là sự kiện, và khí giới lại càng ngày càng dữ
dội (số 79a).
A) Nguyên tắc cần
phải tôn trọng luôn luôn: Không được tiêu diệt cả một dân tộc (b). Phải gìn giữ
các khế ước quốc tế. (Có lẽ nên chấp nhận những kẻ lấy lý do lương tâm mà từ chối
không muốn cầm súng) (c). Chiến đấu tự vệ như phương tiện tối hậu là hợp lý,
nhưng có giới hạn (d). Quân nhân cũng góp phần cho hòa bình (e).
B) Vài trường hợp
thực tế: 1) Hành quân không phân biệt mục tiêu và bất chấp giới hạn (số 80a),
chiến tranh toàn diện (c), hay tấn công các đô thị và khu vực rộng rãi, đều bị
lên án (d). Tích trữ khí giới khoa học có thể đưa tới các tội trạng đó (e). Hiện
nay ta cần phải duyệt xét lại các nguyên tắc cổ truyền về chiến tranh (b). 2)
Cuộc thi đua võ trang như phương tiện khuyến cáo đối phương (số 81a) không bảo
đảm và cũng không đưa lại hòa bình đích thực (b), trái lại nó làm tổn thương kẻ
nghèo (c). Ðàng khác ta phải lợi dụng khoảng thời gian chưa có chiến tranh (d).
C) Tìm cách loại
trừ chiến tranh: bằng khế ước và quyền bính quốc tế (số 82a). Ai cũng phải giúp
đỡ người có trách nhiệm. Ta phải đổi mới tinh thần (b). Phải kiện toàn những khế
ước đã có. Phải đào tạo cá nhân vì dư luận rất có ảnh hưởng (c). Công Ðồng cảnh
cáo mọi người về mối nguy cơ trầm trọng, đàng khác Công Ðồng hy vọng còn kịp thời
hóa giải (d).
Ðoạn 2. Xây dựng
cộng đoàn quốc tế: Trước hết bằng cách trừ khử tận gốc các mầm mống thù nghịch,
ngay cả trong môi trường quốc tế (số 83). Rồi phải hiệp nhất để mưu ích chung
cho quốc tế (số 84a). Vai trò của những tổ chức quốc tế (b): các tổ chức ấy được
coi như là bước đầu trên con đường hòa bình (c).
A) Cần phải cộng
tác kinh tế: để loại trừ sự bất bình đẳng và trạng thái lệ thuộc bất xứng (số
85a). Cộng tác tuỳ theo nhu cầu khác nhau của các quốc gia đang mở mang và đã
tiến triển (b). Những thái độ cần phải vượt qua (c). Qui tắc về sự cộng tác ấy:
Chính quốc gia đang mở mang phải cố gắng (số 86a). Quốc gia tiền tiến có bổn phận
trợ lực các quốc gia kém mở mang (b). Cộng đoàn quốc tế phải chi phối chính
sách viện trợ theo nguyên tắc bổ trợ (c). Nhiều lúc sẽ phải canh tân cơ cấu xã
hội, nhưng cẩn thận kẻo làm thiệt hại cho tinh thần (d). Cần phải viện trợ nhiều
hơn cho những quốc gia mà trong đó dân số đang gia tăng mau chóng (số 87a). Vai
trò của chính quyền và các viện đại học về vấn đề này (b) và những giới hạn
luân lý (c).
B) Vai trò: của
tín hữu (số 88a). Việc cộng tác cá nhân hay nhờ phương tiện kinh tế (b). Cộng
tác với các tín hữu khác (c). Vai trò của Giáo Hội (số 89a). Giáo dân càng góp
phần trong cộng đoàn thì việc làm của Giáo Hội càng hữu ích (b). Giáo dân nên cộng
tác với tổ chức quốc tế, nhất là tổ chức công giáo (số 90a), và với anh em ly
khai cũng như với những người hiếu hòa khác (b). Công Ðồng tỏ ý ước mong rằng
Tòa Thánh sẽ sáng lập một tổ chức quốc tế để cổ võ công bằng và tình thương yêu
đối với các miền nghèo nhất (c).
1 Xem Eph 2,16;
91* "Phúc
cho người hiếu hòa vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9). Chủ nghĩa
hòa bình đích thực không hệ tại sự lên án chiến tranh và đòi hỏi ngưng chiến bất
chấp hoàn cảnh, nhưng phải xây dựng hòa bình chính nghĩa (78a-c). Thiếu công bằng
và tình thương, "hòa bình" chỉ trở nên một thứ bạo động càng đáng gớm
ghét hơn vì nó gây nên thiệt hại tinh thần hơn cả vật chất. Do đó, ta không thể
dựa vào tinh thần Phúc Âm mà đòi hỏi các quốc gia phải bỏ rơi số phận của nhân
loại trong tay những kẻ xâm lăng đầy tội lỗi, vì đó chắc không phải là tinh thần
Phúc Âm đích thực. Nếu một thứ thần học tin lành nào đó nhấn mạnh rằng luân lý
Phúc Âm chống lại và vượt quá luân lý tự nhiên, bởi vì họ tưởng rằng thế giới
và bản tính con người đã bị tội lỗi làm hư hỏng hoàn toàn, cho nên tín hữu phải
can đảm từ chối chiến đấu bất chấp hậu quả thì đối với người công giáo sẽ khác
hẳn: bởi vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa không những đã dựng nên thế giới và ủy
thác cho con người phát triển và xây dựng thế giới, nhưng còn cho Chúa Kitô đến
chuộc lại thế giới đó. Các nhiệm vụ do công ích phát sinh không chỉ có tính
cách luân lý tự nhiên mà thôi. Nhưng chúng ta phải hết sức vất vả để xây dựng
hòa bình bằng cách loại trừ tội lỗi (f), luyện tập đức công bằng và thương yêu
(ab), tìm kiếm ơn thánh Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần (c), v.v... Trong phần
hai, Công Ðồng nhắc lại một số phương tiện tự nhiên ta có thể áp dụng.
92* "Lấy lý
do lương tâm mà từ chối cầm súng" có phải là một nhân quyền dân sự không?
Hiện nay có nhiều người quả quyết như vậy. Tuy nhiên Công Ðồng vừa bênh vực quyền
bính và nhiệm vụ của chính quyền để bảo vệ công ích (số 78ae); (79d), vừa ban
khen quân nhân phục vụ quốc gia (79e). Ðàng khác, trong toàn bài nói về những nỗ
lực để giảm bớt mức độ độc ác của chiến tranh, Công Ðồng lại phát biểu ý kiến rằng
nếu chính quyền và luật pháp chấp nhận lý do lương tâm mà không buộc người vịn
lẽ ấy phải cầm súng, điều đó có vẻ hợp lẽ phải. Thực ra, trước Công Ðồng đã có
một số quốc gia lập luật chấp nhận lý do lương tâm, miễn là người vịn lẽ đó phục
vụ quốc gia một cách khác.
2 Xem Gioan XXIII,
Tđ. Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 291: "Do đó, trong thời
đại này, thời đại của chúng ta, thời đại tự phụ về sức mạnh nguyên tử, thực là
vô lý khi nghĩ rằng chiến tranh vẫn còn là một phương tiện thích hợp để đối phó
với việc xâm phạm quyền lợi"
93* Ngoài hai nguyên tắc cổ điển là "chiến đấu tự vệ" và
"sự cân xứng giữa thiệt hại đã phải chịu và thiệt hại có thể gây
nên", Công Ðồng nhấn mạnh nguyên tắc mới là nguyên tắc "không phân biệt
mục tiêu". Nghĩa là đánh nhau bất chấp mục tiêu quân sự hay dân sự, xử dụng
những võ khí quá mạnh mà không làm sao có thể điều khiển được, áp dụng phương
pháp khủng bố, lúc ấy chiến tranh không còn có tính cách tự vệ nữa. Nguyên tắc
này khiến ta phải xét lại lập trường cũ.
Không một chỗ
nào chứng tỏ Công Ðồng theo chủ nghĩa hòa bình quá đáng, nhưng đàng khác Công Ðồng
cũng không chấp nhận lập trường cứ yên tâm mà chiến đấu. Công Ðồng lưu ý chúng
ta tới sự vô lý của cuộc thi đua võ trang đòi hỏi món tiền bao la đang khi biết
bao người nghèo khó thiếu thốn (81c). Thật là vô lý khi các quốc gia tiến triển
cũng như kém mở mang, dành cho ngân sách quốc phòng nhiều tiền hơn ngân sách
giáo dục, phát triển, v.v... Công Ðồng khích lệ người có trách nhiệm áp dụng mọi
phương pháp để loại trừ chiến tranh (82), rồi trong toàn phần hai lại đề nghị
nhiều phương cách cụ thể để xây dựng hòa bình (83-90).
3 Xem Piô XII,
Huấn từ 30-9-1954: AAS 46 (1954), trg 589; - Sứ điệp truyền thanh 24-12-1954:
AAS 47 (1955), trg 15tt. - Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg
286-291. - Phaolô VI, Huấn từ ở Liên Hiệp Quốc, 4-10-1965: AAS 57 (1965), trg
877-885).
4 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Pacem in terris, chỗ nói về tài giảm binh bị: AAS 55 (1963), trg
287.
94* Xây dựng hòa bình là công việc của mọi người chúng ta, nhất là của
tín hữu, bởi vì dư luận càng ngày càng có ảnh hưởng trên các nhà cầm quyền.
Theo lời chỉ dẫn của Công Ðồng, Ðức Phaolô VI nhiều lần đã nhấn mạnh rằng ta phải
đổi mới tâm trạng bằng cách tiêu hủy tính ích kỷ, sự bạo động, sự xâm phạm quyền
lợi của người khác (8-12-1967), và bằng cách từ bỏ sự xung đột tư tưởng cũng
như xu hướng bản năng kiêu căng và vô nhân đạo (1-1-1968). Trái lại, phải tìm
kiếm tinh thần mới: đề cao nhiệm vụ và lòng tôn trọng tha nhân, tình huynh đệ,
công bằng, thương yêu, tự do về khía cạnh dân sự, văn hóa, luân lý và tôn giáo
(8-12-1967). Ðức Phaolô trông mong ở giới trẻ không biết bi quan (1-1-1968). Tất
cả những ai đã phải khổ sở cũng như đã bị tử thương vì chiến tranh, đều kêu gào
và đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần mới đó. Và nhất là Chúa Kitô đã nhập thể
và đã tuyên bố rằng mọi người đều là anh em với nhau, đã giảng dạy giá trị
thánh thiện của mạng sống và của việc tha thứ cho nhau; Người đòi hỏi phải có
tâm trạng đổi mới ấy (1-1-1968)... Trong Thông Ðiệp Pacem in terris, Ðức Gioan
XXIII đã nhấn mạnh nền tảng hòa bình cốt tại trật tự tự nhiên do chân thật,
công bằng, thương yêu và tự do tạo nên. Bốn nhân đức ấy sẽ giúp đỡ không những
cá nhân với cá nhân mà còn cá nhân với cộng đoàn chính trị, cũng như các quốc
gia với nhau và với cộng đoàn quốc tế.
5 Xem 2Cor 6,2.
95* Trong phần hai này, Công Ðồng nhấn mạnh nhiều nhất đến sự cộng
tác với nhau trong lãnh vực kinh tế. "Sự phát triển là danh hiệu mới của
hòa bình" (Phaolô VI, Populorum Progressio, số 87). Không phải vì khi có đầy
đủ mọi sự vật chất đã là hết tất cả các nguyên nhân (sự bất công, ích kỷ, tham
lam, kiêu căng...) có thể gây nên chiến tranh, nhưng vì trường hợp thiếu bình đẳng
giữa các dân tộc là một trong các nguyên nhân quan trọng nhất gây nên sự bất
công cũng như tinh thần đố kỵ (PP., số 55).
96* Nếu dân số gia tăng quá mau, những nỗ lực để phát triển mức độ
kinh tế có thể bị ngăn chặn rất nhiều (PP., số 37). Công Ðồng nhắc lại một số
phương pháp có thể giúp giải quyết vấn đề đó: a) Nhờ sự cộng tác của các dân tộc,
nhất là dân tộc tiền tiến, để tìm cách sinh nhai và nâng cao mức độ học thức,
b) canh tân phương pháp trong lãnh vực nông nghiệp, c) đổi mới trật tự xã hội,
d) phân chia lại ruộng đất cách công bình hơn, e) nhờ pháp luật gia đình và xã
hội, f) nhờ chính sách di dân, g) nhờ sự truyền tin về tình hình quốc gia, h)
nhờ công việc nghiên cứu kinh tế xã hội tại các viện đại học...
Dĩ nhiên các
phương pháp đó lúc đầu đòi hỏi món tiền rất lớn. Bởi vậy các chính phủ có thể
có khuynh hướng bắt buộc công dân áp dụng phương pháp tận gốc: làm chậm sự gia
tăng dân số bằng những phương pháp vi phạm đến nhân phẩm: "Mỗi mỹ kim
chúng ta cung cấp để hạn chế sinh sản giúp chúng ta tiết kiệm được hơn, một
trăm mỹ kim mà chúng ta sẽ phải chi phí để phát triển nền kinh tế lạc hậu".
Câu nói này của Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson, cũng như chương trình hạn chế sinh sản
tại một số quốc gia như Ấn Ðộ, Ðài Loan, v.v... khiến ta ý thức về sự hợp thời
của lời cảnh cáo do Công Ðồng tuyên bố. Riêng về nạn đói, là vấn đề đã làm cho
giới trách nhiệm phải lo lắng rất nhiều mấy năm trước đây, báo Time (3-10-1969,
22) viết: "...kỹ thuật nông thôn đã chứng tỏ rằng sự sản xuất thực phẩm có
thể lớn hơn sự gia tăng dân số". Thực sự, nhiều lúc vấn đề không phải là vấn
đề sản xuất nhưng là vấn đề chuyên chở, phân phối, giá thị trường, và vấn đề tổ
chức cũng như cộng tác giữa các quốc gia.
97* Ngày 7-7-1966, Ðức Phaolô VI đã chỉ định một ủy ban lâm thời với
nhiệm vụ dự thảo đường lối thực hiện ý muốn của Công Ðồng. Rồi ngày 6-1-1967, Ðức
Giáo Hoàng đã thiết lập ủy ban nghiên cứu "Công Lý và Hòa Bình" tại
Vaticanô. Ủy ban chuyên tâm khảo cứu những vấn đề thiết thực mới thành hình
liên can đến thế giới.
Ðược ủy ban khuyến
khích, Hội Ðồng các Giám Mục Việt Nam họp tại Sàigòn vào đầu năm 1969 đã chỉ thị
thành lập phong trào Công Lý Hòa Bình tại Việt Nam nhằm đem Giáo Hội vào thế giới
ngày nay và góp phần vào cuộc đại cách mạng thế giới. Ðây không phải là cuộc
cách mạng chính trị, nhưng là một cuộc cách mạng nhân bản và tôn giáo: làm sao
để không còn phân biệt lối sống đạo trong nhà thờ và sinh hoạt trần thế ngoài
nhà thờ nữa. Trong cuộc cách mạng này phải có ý thức tôn giáo, ý thức công dân,
ý thức cải tiến.
98* Tất cả những điều Công Ðồng đề nghị ở trên nhằm giúp mọi người
góp phần để kiện toàn thế giới trong tinh thần huynh đệ (số 91a). Dĩ nhiên cần
phải áp dụng những nguyên tắc đó cho thích hợp với trường hợp của từng địa
phương (b).
Giáo Hội là dấu
chứng cho sự hiệp nhất (số 92a), trước hết mình phải tự hiệp nhất (b), rồi tìm
cách cộng tác với các anh em ly khai, cá nhân cũng như cộng đoàn (c), và đối
thoại cởi mở với tất cả những ai có lòng tin nơi Ðấng Tối Cao (d). Hơn nữa, về
phần Giáo Hội, Giáo Hội không loại trừ người vô thần và ngay cả những ai chống
đối Giáo Hội (e).
Tình yêu Chúa
thúc đẩy chúng ta hoạt động để xây dựng thế giới (số 93a) và làm vinh danh
Thiên Chúa (b).
6 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Ad Petri Cathedram, 29-6-1959: AAS 55 (1959), trg 513.
7 Xem Mt 7,21.
99* Sau khi chúng ta đọc Hiến Chế Mục Vụ rồi, Công Ðồng khuyên mỗi
người chúng ta như Chúa Giêsu xưa bảo luật sĩ: "Hãy về bắt chước làm như vậy"
(Lc 10,37). Hiến Chế đã nhắc lại rất nhiều bổn phận, đã cho biết rất nhiều nhiệm
vụ khẩn cấp, đã khuyên bảo về rất nhiều điều thiếu sót của cá nhân hay cộng
đoàn trong Giáo Hội. Nhưng điều căn bản để sống đạo cũng như để mưu ích cho thế
giới là điều răn mới của Chúa Giêsu, bao gồm tất cả những điều răn khác (Rm
13,8; Gal 5,14). Sau khi luật sĩ trả lời rằng: "Luật Chúa dạy ta phải kính
mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, lại thương yêu người
thân cận như chính mình vậy". Chính Chúa Giêsu đã phán: "cứ làm như
thế sẽ được sống" (Lc 10,26-28). Nhờ Chúa Thánh Thần ban cho ta sự yêu
thương đó (Rm 5,5), nghĩa là tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô (Rm 8,35.39), mỗi
Kitô hữu sẽ hoạt động để xây dựng thế giới mới và phục vụ mọi người khác. Dưới
sự hướng dẫn của Hàng Giáo Phẩm, chúng ta sẽ tìm cách áp dụng nguyên tắc chung
trong Hiến Chế vào hoàn cảnh thực tế của từng địa phương mình sống.
Sắc Lệnh Về Các Phương
Tiện Truyền Thông Xã Hội - Inter Mirifica
Lời Giới Thiệu
Mục đích của
Công Ðồng Vaticanô II là "chiếu giãi ánh sáng Chúa Kitô tới muôn dân... bằng
việc rao giảng Phúc Âm" 1. Công Ðồng đã làm một cố gắng để rao giảng Phúc
Âm và đối thoại với thế giới. trong số các phương tiện đắc lực nhất để rao giảng
Phúc Âm và đối thoại với thế giới, chúng ta phải kể tới phương tiện truyền
thông xã hội. Vì thế Công Ðồng, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và soi sáng, đã đề
cập tới vấn đề truyền thông xã hội một cách long trọng.
Một tài liệu mới
mẻ
Từ xưa tới nay,
ngoài một số văn kiện của các Ðức Giáo Hoàng về vấn đề liên quan đặc biệt đến
các phương tiện, Giáo Hội chưa bao giờ đề cập tới vấn đề truyền thông xã hội một
cách đầy đủ và bao quát. Ðây là tài liệu đầu tiên trình bày lập trường của Giáo
Hội. Chính vì là tài liệu đầu tiên, nên có lẽ nó không được hoàn hảo và đầy đủ
như một số người công giáo có thẩm quyền trong ngành truyền thông xã hội mong
muốn.
Lược trình Sắc Lệnh
Tháng 2 năm 1962
một tài liệu tựa đề "Lược đồ Hiến Chế về các phương tiện truyền thông xã hội"
được gởi tới các Nghị Phụ khắp thế giới. Cuối tháng 11 năm 1962, các Nghị Phụ họp
nhau lại để thảo luận về tài liệu này. Tất cả có tới 57 Nghị Phụ góp ý kiến, và
vài hôm sau, phần đông đã bỏ phiếu chấp nhận sắc lệnh, rồi kỳ họp thứ nhất của
Công Ðồng bế mạc.
Căn cứ theo đề
nghị của các Nghị Phụ, lược đồ đã được sửa đổi, bớt phần lý thuyết, và được gọi
là Sắc Lệnh thay vì Hiến Chế, vì nó ngắn hơn vì có tính cách mục vụ cụ thể.
Trong kỳ họp thứ
hai, tháng 11 năm 1963 các Nghị Phụ bỏ phiếu một lần nữa và đã chấp nhận Sắc Lệnh,
nhưng lần này có 503 nghị Phụ bỏ phiếu "chống". Một số ký giả và Nghị
Phụ đã chỉ trích Sắc Lệnh là nông cạn, tiêu cực và khô khan. Họ cố gắng gây dư
luận chống đối Sắc Lệnh. Nhưng đầu tháng 12 năm 1963 Sắc Lệnh được phê chuẩn và
công bố.
Ðặc tính của Sắc Lệnh
Mục đích của Sắc
Lệnh không phải là xác định và giải thích những nguyên tắc tín lý về việc truyền
thống xã hội. Trái lại Sắc Lệnh mang tính chất cụ thể và mục vụ. Tất cả được gồm
tóm trong hai phần chính: phần thứ nhất nói về các nguyên tắc luân lý để sử dụng
và kiểm soát các phương tiện; phần thứ hai hướng dẫn cách tổ chức công việc
dùng những phương tiện này trong các hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Phải công
nhận Sắc Lệnh hơi nặng nề về phần luân lý, cảnh cáo và đề phòng.
Ðây là một tài
liệu kết thúc một giai đoạn lịch sử Giáo Hội, tức là giai đoạn ý thức về sự lợi
hại của các phương tiện, và mở ra một giai đoạn lịch sử mới, là giai đoạn tổ chức
lại những nỗ lực của tất cả những người và những cơ quan Công Giáo đang hoạt động
trong lãnh vực truyền thông.
Sắc Lệnh với Giáo Hội Việt Nam
Giáo Hội Việt
Nam từ hơn ba thế kỷ nay đã rao giảng Phúc Âm bằng máu của các vị tử đạo, bằng
gương sáng của mọi tín hữu, bằng lời cầu nguyện thiết tha, bằng những ngôi nhà
thờ dựng lên từ Bắc chí Nam. Nhưng có lúc sự rao giảng đó ở Việt Nam, cũng như ở
bao quốc gia Tây Phương khác, có tính cách hạn hẹp và thiếu cởi mở.
Công Ðồng
Vaticanô II đã khai sinh một chiều hướng mới một chiều hướng cởi mở thay cho
thái độ tự vệ, và đối thoại với các tôn giáo bạn thay vì coi họ như "lương
dân".
Các phương tiện
truyền thông xã hội, vì có khả năng đạt tới mọi người, nên có thể là những dụng
cụ rất thích hợp để rao giảng Phúc Âm trong tinh thần phổ quát và thông cảm của
đức bác ái công giáo.
Chú Thích:
1 Hiến chế tín
lý về Giáo Hội, số 1.
Sắc Lệnh Về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội - Inter
Mirifica
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa III Ngày 04
tháng 12 Năm 1963
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh về Các
Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
Inter Mirifica
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
1. Ý nghĩa từ ngữ. Trong
những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật, mà, nhờ ơn Chúa, tài năng con người đã từng
khai thác từ tạo vật, nhất là trong thời đại chúng ta, thì Giáo Hội là Mẹ, đặc
biệt ân cần tiếp đón và theo dõi, từ những phát minh liên quan đặc biệt tới
tinh thần con người, đến những phát minh mở nhiều con đường mới để truyền thông
một cách hết sức dễ dàng đủ các loại tin tức, tư tưởng và mệnh lệnh. Tuy nhiên
giữa những phát minh này, trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính
không những có liên hệ và ảnh hưởng đến từng người, mà còn đến chính đại chúng
và toàn thể xã hội nhân loại 1*
như báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những thứ khác tương
tự. Do đó những phương tiện này đáng được gọi là những phương tiện truyền thông
xã hội.
2. Lý do thúc đẩy Công đồng
quan tâm đến vấn đề. Giáo Hội là Mẹ cũng biết rằng những phương tiện đó, nếu được
xử dụng đúng đắn sẽ mang lại những lợi ích hữu hiệu cho nhân loại vì chúng đóng
góp rất nhiều vào việc giải trí, huấn luyện tinh thần cũng như việc mở rộng và
củng cố Nước Chúa. Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể dùng chúng nghịch lại
với ý định của Ðấng Tạo Hóa, và làm cho chúng quay lại phản mình; hơn nữa Giáo
Hội là Mẹ hiền hết sức đau lòng vì những thiệt hại 2*
quá thường xảy ra cho xã hội con người do việc cố ý dùng sai những phương tiện
này.
Vì thế, để nhấn
mạnh đến mối quan tâm của các Ðức Giáo Hoàng và các Ðức Giám Mục về vấn đề rất
quan trọng này, Thánh Công Ðồng nghĩ rằng có nhiệm vụ đề cập đến những vấn đề
chính yếu liên quan tới những phương tiện truyền thông xã hội. Hơn nữa Thánh
Công Ðồng cũng tin tưởng rằng giáo thuyết và chỉ thị được trình bày sau đây
không những sẽ giúp ích cho phần rỗi các Kitô hữu mà còn giúp cho việc tiến bộ
của toàn thể cộng đoàn nhân loại.
Chương I: Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
3. Nhiệm vụ của Giáo Hội.
Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, và do đó có
nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận
dùng cả phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người
biết sử dụng chúng cho đúng đắn.
Như thế, Giáo Hội
đương nhiên có quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội
nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc
mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện
và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà
theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân
loại.
Ngoài ra, giáo
dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhiễm tinh thần nhân
đạo và Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân
loại và đúng với ý định của Thiên Chúa.
4. Luật luân lý. Ðể xử dụng
đứng đắn những phương tiện này, mọi người khi xử dụng cần phải hiểu biết những
nguyên tắc luân lý và phải áp dụng trung thành trong phạm vi này. Vậy họ phải
cân nhắc nội dung những gì được truyền thông, tùy bản tính của mỗi phương tiện;
đồng thời họ cũng phải chú ý đến mọi trường hợp hay hoàn cảnh, tức là mục đích,
khán thính giả, địa điểm, thời gian liên quan đến việc truyền thông này: chính
những trường hợp hay hoàn cảnh đó có thể biến cải hoặc đổi mới hoàn toàn tính
cách luân lý của sự truyền thông. Trong số hoàn cảnh đó phải kể đến cách thức
tác động riêng, nghĩa là sức mạnh thuyết phục của mỗi một phương tiện, sức mạnh
đó có thể hùng hậu đến nỗi con người - nhất là nếu không được chuẩn bị - khó có
thể nhận thức, chế ngự và từ khước nếu cần.
5. Quyền thông tin. Tuy
nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả những người liên hệ đến vấn đề này cần phải
tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng về việc xử dụng các phương tiện
đó, nhất là những gì liên quan tới một số vấn đề ngày nay đang được bàn cãi sôi
nổi.
Vấn đề thứ nhất
là về thông tin, như người ta thường nói, nghĩa là việc thu thập và phổ biến
tin tức. Dĩ nhiên ai cũng thấy nhờ tiến bộ của xã hội nhân loại ngày nay và nhờ
các phần tử xã hội liên lạc chặt chẽ với nhau hơn, việc thông tin đã trở nên rất
hữu ích và nhiều khi cần thiết; thật vậy việc thông tri đúng lúc các biến cố và
các sự kiện giúp cho từng cá nhân biết 3*
đầy đủ và liên tục các việc đó, như thế chính họ có thể tham gia vào ích chung
một cách hữu hiệu hơn, và nhờ đó mọi người càng dễ dàng đóng góp vào việc thăng
tiến toàn thể xã hội hơn nữa. Vì vậy, xã hội nhân loại có quyền thông tin những
gì thích hợp với con người - hoặc cá nhân hoặc liên kết với nhau trong đoàn thể
- tùy theo hoàn cảnh từng người. Tuy nhiên việc thực thi đúng đắn quyền này đòi
nội dung việc truyền thông phải luôn luôn xác thực - và vẫn giữ đức công bình
và bác ái - và phải đầy đủ; ngoài ra cách thức truyền thông cũng phải lương thiện
và thích hợp, nghĩa là cả trong việc săn tin lẫn loan tin, tuyệt đối phải tuân
giữ luật lệ luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người; thật vậy
không phải mọi sự hiểu biết đều hữu ích, "còn bác ái thì xây dựng"
(1Cor 8,1).
6. Luân lý và nghệ thuật.
Vấn đề thứ hai là xét đến điều mà người ta thường nói là những tương quan giữa
quyền lợi của nghệ thuật, với tiêu chuẩn của luật luân lý. Vì những cuộc tranh
luận thường xuyên về vấn đề này nhiều khi bắt nguồn từ những học thuyết sai lầm
về luân lý và thẩm mỹ, nên Thánh Công Ðồng tuyên bố mọi người phải tuyệt đối
tuân giữ quyền ưu tiên của lãnh vực luân lý khách quan, bởi vì lãnh vực này là
lãnh vực độc nhất trổi vượt và phối hợp một cách thích đáng với mọi lãnh vực
khác - dù rất cao quý - của hoạt động con người, kể cả nghệ thuật nữa. Thật vậy,
chỉ có lãnh vực luân lý mới liên hệ đến toàn diện bản tính con người, một tạo vật
có lý trí mà Thiên Chúa đã tạo dựng và mời gọi vào đời sống siêu nhiên; vì nếu
trung thành tuân giữ trọn vẹn lãnh vực luân lý, con người sẽ đạt tới hoàn thiện
4*
và hạnh phúc đầy đủ.
7. Khi phải trưng bày tội
ác. Sau cùng, việc tường thuật, mô tả hay trình bầy điều xấu về phương diện
luân lý, ngay cả bằng những phương tiện truyền thông xã hội, chắc chắn có thể
giúp nhận biết và khám phá con người một cách sâu rộng hơn, giúp bày tỏ và biểu
dương vẻ huy hoàng của điều Chân, điều Thiện, nhờ các tác động kịch nghệ thích
hợp; tuy nhiên để khỏi làm hại hơn là làm ích cho các tâm hồn, các hoạt động
trên vẫn phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý, nhất là nếu đề cập đến những vấn
đề đòi phải được kính trọng tương xứng, hay đến những gì dễ khích động dục vọng
xấu xa của con người đã mang vết tội tổ tông. 5*
8. Dư luận quần chúng. Vì
dư luận quần chúng ngày nay có sức mạnh và uy quyền rất nhiều trên đời sống tư
cũng như công của mọi tầng lớp dân chúng, nên mọi phần tử xã hội cần phải chu
toàn bổn phận công bình và bác ái của mình, ngay cả trong lãnh vực này; bởi đó,
họ cũng phải dùng những phương tiện truyền thông xã hội mà cố gắng tạo dư luận
ngay chính và phổ biến những dư luận đó.
9. Bổn phận của khán thính
giả. Tất cả mọi người xử dụng các phương tiện truyền thông nghĩa là những độc
giả, khán giả và thính giả nhận được sự truyền thông qua các phương tiện đó,
tùy theo sự lựa chọn cá nhân và tự do, đều phải có những bổn phận đặc biệt. Thật
vậy, việc lựa chọn đúng đắn đòi họ phải ưng thuận những gì là đức hạnh, khoa học
và nghệ thuật; họ phải tránh những gì nên cớ hay làm dịp cho họ phải thiệt hại
về phần thiêng liêng, hoặc có thể vì gương xấu mà làm cho người khác phải nguy
hiểm, hoặc lại ngăn cản những việc truyền thông tốt mà cổ võ những truyền thông
xấu: điều này thường xảy ra khi người ta trả tiền cho những người khai thác những
phương tiện này chỉ vì lý do kinh tài. 6*
Vì thế để chu
toàn luật luân lý, chính những người xử dụng không được quên bổn phận phải tìm
hiểu đúng lúc những phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong những vấn đề đó,
và phải tuân giữ những phán quyết đó theo tiêu chuẩn lương tâm ngay thẳng; hơn
nữa để chống lại những quyến rũ thiếu ngay chính một cách dễ dàng hơn, và để
hoàn toàn bênh vực những ảnh hưởng tốt, họ phải chú tâm hướng dẫn và đào luyện
lương tâm mình bằng những phương thế thích hợp.
10. Bổn phận của thanh thiếu
niên và phụ huynh. Những người xử dụng, nhất là thanh thiếu niên, phải lo tập
cho quen điều độ và kỷ luật trong việc dùng những phương tiện này; ngoài ra họ
cũng phải cố gắng thấu hiểu sâu xa hơn những điều họ thấy, nghe và đọc; họ phải
thảo luận với những nhà giáo, những người chuyên môn, và phải học phán đoán cho
đứng đắn. Còn bậc phụ huynh thì phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc kẻo kịch
ảnh, sách báo và những thứ cùng loại trái nghịch với Ðức Tin, trái thuần phong
mỹ tục, lọt vào ngưỡng cửa gia đình, cũng đừng để con cái gặp những thứ đó ở
nơi khác.
11. Bổn phận của tác giả. Bổn phận luân lý chính yếu đối với việc xử dụng
đứng đắn những phương tiện truyền thông xã hội là của các nhà báo, nhà văn, các
diễn viên, các nhà dàn cảnh, nhà sản xuất, những người xuất vốn, người phân phối,
các quản đốc và những người buôn bán, những người phê bình 0*
và tất cả những người, bằng cách này hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện
hay phổ biến những phương tiện truyền thông này; trong hoàn cảnh hiện tại của
nhân loại, mọi người đều thấy rõ rằng những người đó mang những trách nhiệm hết
sức quan trọng, vì chính họ, trong khi thông tin và cổ động, có thể dẫn đưa
nhân loại một cách ngay chính hay sai lạc.
Bởi thế họ có bổn
phận tìm cách phối hợp những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật để chúng
không bao giờ nghịch lại ích chung; muốn đạt tới điều đó một cách dễ dàng hơn,
chính họ nên ghi tên vào những hiệp hội liên quan đến nghề nghiệp mình: những
hiệp hội này bắt buộc các hội viên tôn trọng luật luân lý trong những công việc
và bổn phận nghề nghiệp, và nếu cần, đi đến chỗ ký kết một quy ước luân lý 7*
phải tuân giữ chu đáo.
Họ cũng phải
luôn nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán giả là thanh thiếu niên: những lớp
người này cần báo chí và kịch ảnh để giải trí lành mạnh và nâng cao tâm hồn.
Hơn nữa, họ phải lo ủy thác cho những người xứng đáng và chuyên môn việc truyền
thông những điều liên quan đến tôn giáo, và lo cho việc truyền thông đó được thực
hiện với tất cả niềm tôn trọng xứng hợp.
12. Bổn phận của chính quyền.
Trong vấn đề này, chính quyền mang một trách nhiệm đặc biệt vì lý do công ích
mà những phương tiện này nhằm tới. Thật vậy, vì nhiệm vụ, chính quyền có bổn phận
phải bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và chính đáng của việc thông tin, sự
tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ, nhất là những gì thuộc về báo chí;
chính quyền cũng có bổn phận nâng đỡ tôn giáo, văn hóa, những nghệ thuật chân
chính, và phải bảo đảm cho những người xử dụng có thể tự do hưởng thụ quyền lợi
chính đáng. Ngoài ra chính quyền cũng có bổn phận giúp đỡ những công cuộc không
thể thực hiện, nếu không có sự trợ giúp của chính quyền, nhất là những công cuộc
đặc biệt hữu ích cho giới trẻ.
Sau cùng, chính
công quyền, cơ quan chính thức lo lắng cho sức khỏe của dân chúng, có bổn phận
phải xem xét công minh và cẩn thận, bằng cách ban hành luật lệ và thi hành
nghiêm chỉnh, đừng để cho những phương tiện này bị lạm dụng mà gây thiệt hại nặng
nề cho thuần phong mỹ tục và sự tiến bộ xã hội. Xem xét cẩn thận 8*
như thế, không phải là đàn áp tự do cá nhân hay đoàn thể, nhất là đối với những
người vì nghề nghiệp phải dùng các phương tiện này mà không có sự thận trọng phải
lẽ.
Cũng phải có những
phương thế đặc biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những báo chí và kịch ảnh
làm hại lứa tuổi chúng.
Chú Thích:
1* Giữa những
phương tiện truyền thông do nhân loại phát minh, Giáo Hội lưu ý tới những
phương tiện trổi vượt và có ảnh hưởng lớn lao đến con người như các vệ tinh
nhân tạo dùng để thu phát tín hiệu điện tín, điện thoại, phát thanh và truyền
hình khắp thế giới.
2* Chúng ta có
thể nghĩ đến Ðức Quốc Xã: trước thế chiến thứ hai họ đã dùng các phương tiện rất
nguy hại để gieo thù oán nơi các dân tộc Âu Châu.
3* Các phương tiện
xã hội là những dụng cụ đắc lực nhất giúp các dân tộc quen biết nhau, hiểu nhau
và đi đến hiệp nhất.
4* Cả luân lý lẫn
mỹ thuật đều phát xuất bởi Ðấng Tạo Hóa, nên không thể mâu thuẫn nhau. Nếu có
mâu thuẫn thì lỗi ở việc không hiểu những nguyên tắc tới nơi tới chốn.
5* Công Ðồng rất
thực tế: vì con người dễ hướng về tội lỗi và ích kỷ, nên nếu tự do không kỷ luật,
con người sẽ trở thành phóng đãng và gây nhiều tai họa.
6* Thỏa mãn thị
hiếu công chúng để làm tiền là một cách bóc lột vật chất và phá hoại tinh thần.
0* Chú thích của người dịch: riêng về những tiếng chuyên môn này
chúng tôi đã tham khảo các bản dịch ngoại ngữ: Anh, Pháp, Ý, Tây ban nha... và
nhận thấy các bản dịch đó không đồng nhất khi dịch một vài tiếng mà nguyên bản
La tinh không rõ nghĩa. Ở đây chúng tôi dịch theo bản dịch của "tạp chí quốc
tế về điện ảnh" (Revue internationale du Cinema) số 77-78 tháng 12-1963 -
1-1964.
7* Là một số những
luật lệ do chính những nhà sản xuất vạch ra để tránh cho khán giả, thính giả và
độc giả những nội dung xấu xa vô bổ.
8* Vấn đề kiểm
duyệt của chính quyền và sự tự do ngôn luận là một vấn đề rất khó giải quyết,
nhưng trên nguyên tắc, phải chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, việc kiểm duyệt
không thể tránh được, vì một vài cá nhân có thế lực đôi khi để quyền lợi riêng
làm hại đến quyền lợi chung.
Chương II: Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Và Việc Tông Ðồ
13. Hoạt động của chủ chăn
và tín hữu. Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần
ngại mà phải hết sức hăng say, xử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội
cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tùy theo những đòi hỏi cụ thể
của hoàn cảnh và thời gian; họ cũng phải ngăn ngừa những tổ chức tai hại, nhất
là ở những miền mà luân lý và tôn giáo muốn tiến bộ cần phải được họ can thiệp
khẩn cấp hơn.
Vậy các Chủ Chăn
đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận vụ mình trong lãnh vực này, vì nó liên hệ
chặt chẽ với những nhiệm vụ thông thường của các Ngài là giảng dạy; những giáo
dân tham gia vào việc xử dụng những phương tiện này cũng phải cố gắng làm chứng
về Chúa Kitô: trước hết bằng cách hoàn tất mọi công tác cho thành thạo với tinh
thần tông đồ, rồi tùy khả năng kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật mà trực
tiếp trợ giúp hoạt động phụng vụ của Giáo Hội theo phận vụ của mình.
14. Sáng kiến của người
công giáo. Trước hết phải cổ võ báo chí lành mạnh, tuy nhiên để độc giả thấm
nhiễm đầy đủ tinh thần Kitô giáo, cũng phải thúc đẩy báo chí chính thức của
công giáo 9*,
nghĩa là báo chí - hoặc do chính giáo quyền hoặc những người công giáo trực tiếp
đề xướng và điều hành - được công khai xuất bản trong tinh thần xây dựng, củng
cố và cổ võ những dư luận phù hợp với luật tự nhiên, với giáo lý và quy luật
công giáo, và để phổ biến cùng giải thích đúng đắn những sự kiện liên quan đến
đời sống Giáo Hội. Cũng phải dạy các tín hữu việc cần phải đọc và phổ biến các
báo chí công giáo, để họ biết phán đoán mọi biến cố theo quan niệm Kitô giáo.
Phải dùng mọi
phương thế hữu hiệu mà phát động và nâng đỡ việc sản xuất và chiếu những phim ảnh
có ích cho việc giải trí lành mạnh, văn hóa và nghệ thuật của nhân loại, nhất
là những phim ảnh dành riêng cho giới trẻ. Muốn thế phải nâng đỡ và đồng thời
liên kết tài nguyên và những sáng kiến của các nhà sản xuất cũng như của những
nhà phân phối có lương tâm, tán thưởng, nâng đỡ và liên kết những rạp do người
công giáo và người đứng đắn khai thác.
Cũng thế phải
giúp đỡ hữu hiệu những buổi phát thanh, phát hình lành mạnh, nhất là những
chương trình thích hợp với gia đình. Phải khôn khéo cổ võ những chương trình
công giáo, để nhờ đó dẫn đưa thính giả và khán giả tham dự đời sống Giáo Hội và
làm cho họ thấm nhiễm những chân lý tôn giáo. Và nếu cần cũng phải lo thành lập
các đài công giáo; tuy nhiên phải cẩn thận lo liệu cho chương trình các đài này
được hoàn bị thích hợp và hữu hiệu.
Hơn nữa nên lo
liệu cho nền kịch nghệ cao quý và cổ truyền - một nghệ thuật được phổ biến sâu
rộng nhờ những phương tiện truyền thông xã hội - biết hướng về việc giáo dục
khán giả và kiến tạo thuần phong mỹ tục.
15. Huấn luyện các tác giả,
soạn giả, nhà sản xuất... Ðể đáp ứng những nhu cầu vừa trình bày, phải đào tạo
đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích
đáng trong việc xử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ.
Trước hết phải
huấn luyện giáo dân vững chắc về giáo thuyết và phong hóa, bằng cách tăng thêm
số trường học, phân khoa và học viện, để các nhà báo, nhà soạn phim ảnh, soạn
chương trình phát thanh phát hình, và những người liên hệ, có thể được huấn luyện
đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là các học thuyết xã hội của Giáo
Hội. Cũng phải huấn luyện và giúp đỡ các diễn viên để họ dùng tài năng mình mà
giúp ích cho xã hội nhân loại một cách thích hợp. Sau cùng phải tận tâm chuẩn bị
các nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát thanh, phát hình v.v... để mỗi người
hoàn toàn thấu triệt nghề nghiệp của mình; lại phải chỉ dạy và khuyến khích họ
đưa ra những nhận định luôn nhấn mạnh đúng mức khía cạnh luân lý.
16. Huấn luyện người sử dụng,
thụ hưởng... Ðể xử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội này, những
người xử dụng thuộc tuổi tác và văn hóa khác nhau cần phải được huấn luyện về
lý thuyết và phần thực hành một cách thích hợp và riêng biệt. Vì thế, trong các
trường công giáo thuộc mọi cấp, trong các Chủng Viện và trong cả những nhóm
tông đồ giáo dân, phải cổ võ, tăng gia và theo nguyên tắc luân lý Kitô giáo hướng
dẫn các tổ chức có khả năng theo đuổi mục đích này, nhất là những tổ chức dành
riêng cho giới trẻ. Ðể mau đạt tới kết quả, lớp giáo lý cũng phải có phần trình
bày và giải thích giáo thuyết và quy luật công giáo về vấn đề này.
17. Phương tiện và trợ
giúp. Thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo Hội, đã lãnh đạm khiến cho việc rao giảng
ơn cứu rỗi bị ràng buộc, cản trở vì lý do kỹ thuật hay tài chánh - chắc chắn rất
to tát - là đặc tính của những phương tiện truyền thông xã hội. Vì thế Thánh
Công Ðồng này nhắc lại cho họ bổn phận phải nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo
công giáo, các tạp chí, các tổ chức phim ảnh, các đài và các chương trình phát
thanh, phát hình nhằm mục đích chính là để phổ biến và bảo vệ sự thật, và cung
cấp nền giáo dục Kitô giáo cho xã hội loài người. Ðồng thời Thánh Công Ðồng khẩn
khoản mời gọi các đoàn thể và cá nhân có quyền hành rộng lớn trong lãnh vực
kinh tế và kỹ thuật, hãy tự ý và rộng rãi dùng tài nguyên và kinh nghiệm của mình
mà nâng đỡ những phương tiện này khi chúng phục vụ nền văn hóa đích thực và việc
tông đồ.
18. Ngày Truyền Thông. Ðể
việc tông đồ muôn hình vạn trạng của Giáo Hội được đắc lực hơn bằng những
phương tiện truyền thông xã hội, mọi giáo phận trên thế giới, tùy theo quyết định
của các Giám Mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ 10*
để dạy dỗ các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này, mời gọi họ cầu
nguyện nhiều theo ý chỉ này, và xin họ đóng góp cho mục đích này: nghĩa là
thành thật hy sinh cho việc phát động, nâng đỡ và cổ võ những tổ chức và sáng
kiến của Giáo Hội trong vấn đề này theo nhu cầu của thế giới công giáo.
19. Ủy Ban truyền thông của
Tòa Thánh. Ðể thi hành bổn phận mục vụ tối cao về những phương tiện truyền
thông xã hội, Ðức Giáo Hoàng có một Ủy Ban riêng của Tòa Thánh. 1
20. Thẩm quyền của Giám Mục.
Các Giám Mục thì có bổn phận chăm sóc các công cuộc và các tổ chức thuộc loại
này trong Giáo Phận mình. Các ngài phải cổ võ 11*
và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, thì phải phối hợp chúng, kể cả những tổ
chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ.
21. Ủy Ban Giám Mục về
Truyền Thông quốc gia. Tuy nhiên trên bình diện Quốc Gia, muốn cho việc tông đồ
đem lại kết quả, cần phải thống nhất kế hoạch và năng lực; vì thế Thánh Công Ðồng
này quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các Cơ Quan quốc gia về báo
chí, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình, và phải dùng mọi phương thế giúp đỡ
các cơ quan đó. Vậy các Cơ Quan này có bổn phận trước tiên là tìm cách đào tạo
đúng đắn lương tâm tín hữu trong việc xử dụng những phương tiện đó, cùng cổ võ
và phối hợp mọi công cuộc của người công giáo trong lãnh vực này.
Trong mỗi quốc
gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được ủy thác cho một Ủy Ban Giám Mục
đặc biệt, hoặc cho một Giám Mục đặc trách; tuy nhiên những giáo dân thông thạo
giáo lý công giáo và các nghệ thuật đó phải được tham dự vào những Ủy Ban này.
22. Hiệp hội Truyền Thông
Quốc Tế. Hơn nữa, những phương tiện này có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc
gia, và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại; vì thế
trong lãnh vực này, phải phối hợp các tổ chức quốc gia với nhau và cả các hoạt
động trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên những Cơ Quan vừa kể ở số 21 phải tích cực
cộng tác với Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế thuộc ngành mình. Những Hiệp Hội Công
Giáo Quốc Tế này chỉ được chính thức chuẩn nhận do một mình Tòa Thánh và tùy
thuộc Tòa Thánh.
Kết Luận
23. Chỉ dẫn mục vụ. Ðể mọi
nguyên tắc và tiêu chuẩn về những phương tiện truyền thông xã hội của Thánh
Công Ðồng này được thi hành, Thánh Công Ðồng trực tiếp ủy nhiệm cho Cơ Quan của
Tòa Thánh đã nói ở số 19, với sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn thuộc các quốc
gia khác nhau, lo xuất bản một cuốn chỉ dẫn mục vụ.
24. Lời khuyên kết
thúc. Hơn nữa Thánh Công Ðồng này tin tưởng rằng mọi con cái Giáo Hội sẽ tự
nguyện đón nhận và cẩn thận gìn giữ những giáo huấn và tiêu chuẩn trong Sắc Lệnh
này; như thế khi xử dụng những phương tiện đó, họ không bị thiệt hại; cũng như
muối và ánh sáng, họ ướp trái đất và soi sáng thế gian. Ngoài ra Thánh Công Ðồng
mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người điều khiển các phương tiện
trên, hãy chăm lo qui hướng chúng về mục tiêu duy nhất là giúp ích cho xã hội
loài người, vì vận mệnh của xã hội nhân loại ngày càng lệ thuộc vào việc xử dụng
đúng đắn những phương tiện này. Nhờ vậy, cũng như xưa Danh Chúa đã được tôn
vinh qua những công trình nghệ thuật cổ kính thì nay Người cũng được vinh danh
qua những phát minh mới, đúng như lời Thánh Tông Ðồ: "Chúa Giêsu Kitô hôm
qua cũng chính là Chúa Giêsu Kitô hôm nay và cho đến muôn đời" (Dth 13,8).
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
9* Chúng ta phải
công nhận tại nhiều quốc gia, báo chí rất kém vì thiếu chuyên viên giỏi, thiếu
phương tiện và tổ chức. Có lẽ người công giáo vẫn còn thành kiến cho rằng làm
việc tông đồ thì không cần chú trọng tới kỹ thuật tổ chức, vì thế nào Chúa cũng
giúp đỡ. Lập luận đó không khác gì việc một tu sĩ nọ nhất định đổ nước thánh
vào bình xăng xe hơi thay cho dầu xăng, vì xe đó chỉ dùng để làm việc tông đồ
mà thôi.
10* Mục đích
"ngày thế giới" này là để người công giáo ý thức sâu xa hơn về bổn phận
của họ trong lãnh vực truyền thông. Chỉ trích và che bai các phương tiện đó như
là dụng cụ ma quỷ để phá đạo không còn là thái độ đúng đắn; nhưng đứng trước những
phát minh đó, người nhiệt thành thực sự với Ðạo phải có tinh thần tích cực hơn.
1 Các Nghị Phụ
Công Ðồng vui lòng nhận lời thỉnh cầu của "Văn Phòng Báo Chí và Kịch Ảnh"
thành kính xin Ðức Giáo Hoàng nới rộng nhiệm vụ và thẩm quyền của ủy ban này đến
tất cả các phương tiện truyền thông xã hội, kể cả báo chí, với sự trợ giúp của
những người chuyên môn - trong số đó có cả giáo dân - thuộc các quốc gia khác
nhau.
11* Từ xưa đến
nay, tại nhiều nơi những người Công Giáo hoạt động trong lãnh vực truyền thông
xã hội không những không được nâng đỡ, lại có khi còn bị coi là những người mạo
hiểm và bê bối nữa. Bây giờ não trạng này phải được thay đổi hoàn toàn.
Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương - Orientalium
Ecclesiarum
Lời Giới Thiệu
Muốn hiểu rõ mục
đích, tầm quan trọng và sự thích hợp của Sắc Lệnh này, thiết tưởng nên biết qua
lịch sử của nó. Ủy Ban tiền công đồng đặc trách các vấn đề liên quan đến các
Giáo Hội Ðông Phương đã soạn thảo một lược đồ với nhan đề "Ðể tất cả nên một".
Các Nghị Phụ đến hội kỳ họp I của Công Ðồng đã quyết định cho một ủy ban hỗn hợp
tu chỉnh lại lược đồ trên. Ðức Hồng Y Bea cũng đã soạn thảo một lược đồ về Hiệp
Nhất trong đó có đề cập đến các Giáo Hội Ðông Phương ly khai. Ủy ban hỗn hợp đặc
trách các Giáo Hội Ðông Phương lúc bấy giờ hạn hẹp lược đồ vào vấn đề các Giáo
Hội Ðông còn hiệp thông với Rôma. Lược đồ này mệnh danh là "Về các Giáo Hội
Ðông Phương". Như vậy trên nguyên tắc, đã loại bỏ vấn đề Hiệp Nhất giữa
các Giáo Hội Ðông Phương ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Ðể được rõ hơn, sau
này còn thêm vào tiếng Công Giáo. Như thế, tựa đề trở thành "Về các Giáo Hội
Công Giáo Ðông Phương". "Các Giáo Hội Công Giáo" ở đây chỉ các
Giáo Hội Ðông Phương, thành phần của Giáo Hội phổ quát, còn hiệp thông với Tòa
Thánh Rôma. Sau nhiều lần tu chỉnh và sửa đổi. Sắc Lệnh đã được Công Ðồng dứt
khoát chấp nhận ngày 21-11-1964. 2,110 nghị phụ bỏ phiếu thuận và 39 phiếu chống.
Vì Sắc Lệnh liên
hệ đến các Giáo Hội Ðông Phương hiệp thông với Rôma, nên Công Ðồng quan tâm đến
quy luật, cách tổ chức và di sản thiêng liêng của các Giáo Hội đó. Nhiều người
dị nghị tại sao một Công Ðồng Chung lại quan tâm đến các Giáo Hội riêng biệt.
Ðã hẳn, người Ðông Phương có 120 Nghị Phụ đại diện vào Công Ðồng, nhưng đó là một
thiểu số sánh với 2,000 Nghị Phụ Tây Phương, là những vi chưa chắc đã luôn thấu
hiểu các vấn đề Ðông Phương. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng các đại diện Ðông
Phương, Nghị Phụ và các nhà chuyên môn, đã góp phần lớn vào việc biên soạn cũng
như tu chỉnh Sắc Lệnh này.
Nhiều phần trong
Sắc Lệnh này lẽ ra phải được xen vào các tài liệu khác của Công Ðồng, nhất là
trong Hiến Chế về Giáo Hội. Nhưng người Ðông Phương lại thích Công Ðồng soạn thảo
và công bố một Sắc Lệnh riêng biệt về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Thượng
Phụ Giáo Chủ Maximos IV đã nêu ra những lý do sau đây vào mùa thu năm 1964 và
đã được Hội Ðồng Giáo Hội của ngài chuẩn y. Hiện nay các Giáo Hội Ðông Phương
có những vấn đề riêng biệt, nhưng đối với Giáo Hội Latinh chúng ta không có
tính cách khẩn trương. Thà rằng thảo luận các vấn đề chung với nhau, vì nếu
tách rời, có thể sẽ bị lãng quên cách dễ dàng hay ít ra không được giải quyết
cách thỏa đáng. Hơn thế nữa, một Sắc Lệnh Công Ðồng có thể đoạn tiêu hay thay đổi
một vài quy luật mà trước kia Rôma đã đặt ra cho các Giáo Hội Ðông Phương,
nhưng qua dòng thời gian, chúng đã lỗi thời hay ít thích hợp với truyền thống
Ðông Phương. Sau cùng, nếu có một sắc lệnh riêng cho các Giáo Hội Ðông Phương
thì còn hy vọng, sau Công Ðồng người ta sẽ chiếu cố đến các dự kiện của sắc lệnh
và tiến hành cùng một hướng. Có thể thêm một lý do khác liên quan đến các tín hữu
theo nghi lễ Latinh: một sắc lệnh riêng biệt về các Giáo Hội Công Giáo Ðông
Phương sẽ giúp họ hiểu mầu nhiệm Giáo Hội rõ ràng và cụ thể hơn, mầu nhiệm vừa
duy nhất vừa đa diện. Một sắc lệnh riêng biệt như thế cũng có thể giúp họ thẩm
định một thái độ thích đáng đối với các anh em ly khai của chúng ta.
Sắc Lệnh còn làm
sáng tỏ cách tổ chức và đời sống của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Sắc Lệnh
giải thích rõ ràng quyền lợi và địa vị của các Cộng Ðoàn Công Giáo Ðông Phương
và phục hồi những đặc ân và tập tục bị hủy bỏ trong quá khứ:
Bố cục Sắc Lệnh như sau:
- Lời mở đầu: (số
1).
- Sáu Chương:
1. Các Giáo Hội
địa phương hay Lễ Chế (số 2-4).
2. Việc bảo vệ
di sản tinh thần nơi các Giáo Hội Ðông Phương (số 5-6).
3. Các Thượng Phụ
Ðông Phương (số 7-11).
4. Quy luật về
các bí tích (số 12-18).
5. Việc Phụng thờ
Thiên Chúa (số 19-23).
6. Liên lạc với
các anh em ly khai (số 24-29).
- Kết luận: số
30.
Sắc Lệnh đề cập
đến nhiều Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Có hơn 20 Giáo Hội. Trước tiên có nhiều
Lễ chế. Lễ chế ở đây là cách thức cử hành phép Thánh Thể và các Bí Tích (lời
nguyện, cử điệu...). Có Lễ chế Copticô, Chaldaeô, Syriacô, Armenô, Maroniticô,
Byzantinô và Malabarô. Hơn nữa, có khi cũng một nghi lễ phụng vụ được thi hành ở
nhiều xứ với những ngôn ngữ khác nhau; ví dụ: Lễ chế Copticô thịnh hành ở Ai Cập
và Ethiopia, và như thế người ta phân biệt hai Giáo Hội riêng biệt theo cùng Lễ
chế Copticô: một ở Ai Cập và một ở Ethiopia. Các Lễ chế khác cũng vậy. theo
nghĩa rộng hơn, Lễ chế không những là phụng vụ của một Giáo Hội, nhưng còn bao
hàm cả quy luật, tổ chức, truyền thống và tập tục riêng biệt của mỗi Giáo Hội
khác nhau. Ðó là ý nghĩa tại sao có nhiều Giáo Hội Ðông Phương. Cũng có khi
trong cùng một thành phố hay trong một miền có hai hay ba cộng đoàn Công Giáo
có Lễ chế khác nhau. Như ở Alep có một Giáo Hội Melchita, một Giáo Hội
Maroniticô và một Giáo Hội Ðông Phương Armenô. Mỗi Giáo Hội có một Giám Mục
riêng. Dù các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương đa số ở miền Cận Ðông, nhưng cũng
có những nhóm rải rác ở Âu Châu, Nam Ấn và Bắc Mỹ, do các cuộc di cư vì đàn áp.
Tổng số người Công Giáo Ðông Phương khoảng độ 11 triệu.
Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa V Ngày 21
tháng 11 Năm 1964
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh về Các
Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương
Orientalium
Ecclesiarum
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời mở đầu
1. Giáo Hội Công Giáo 1*
rất mực tôn trọng những quy chế, nghi lễ phụng vụ, truyền thống Giáo Hội và quy
luật của đời sống Kitô giáo nơi các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Thật vậy,
truyền thống từ các Tông Ðồ qua các Giáo Phụ 1.
2*
vẫn được sáng tỏ nơi các Giáo Hội vẫn nổi danh nhờ sự cổ kính đáng mộ mến ấy.
Chính Truyền Thống này tạo nên một phần Mạc Khải của Thiên Chúa và một phần gia
sản nguyên tuyền của toàn thể Giáo Hội. Vì thế trong niềm ưu ái đối với các
Giáo Hội Ðông Phương là những chứng tá sống động của Truyền Thống trên, Thánh
Công Ðồng này ước mong các Giáo Hội ấy được thịnh vượng và biết chu toàn phận vụ
đã được trao phó với tinh thần tông đồ hăng say mới mẻ. Vậy, ngoài những quyết
định liên quan tới toàn thể Giáo Hội, Thánh Công Ðồng thiết định những chương
chính yếu sau đây, còn những điểm khác dành lại cho các Hội Nghị Ðông Phương 3*
và Tòa Thánh định liệu 4*.
Các Giáo Hội Riêng Biệt Hay Các Lễ Chế
2. Sự khác biệt của các Lễ
Chế không phương hại đến sự hiệp nhất. Hội Thánh Công Giáo là Nhiệm Thể Chúa
Kitô gồm các tín hữu là những người liên kết chặt chẽ với nhau trong Chúa Thánh
Thần nhờ cùng một đức tin, nhờ những bí tích và một quyền cai trị như nhau. Nhờ
việc đoàn tụ thành những cộng đoàn khác nhau liên kết bằng phẩm trật 5*,
họ tạo nên những Giáo Hội riêng biệt hay những lễ chế 6*.
Các Giáo Hội này thông hiệp với nhau một cách lạ lùng đến nỗi những sắc thái
khác biệt trong Giáo Hội không phương hại mà còn làm sáng tỏ thêm sự hiệp nhất.
Thật ra, Giáo Hội Công Giáo muốn bảo toàn các truyền thống của từng Giáo Hội
riêng biệt hay các lễ chế. Ðồng thời Giáo Hội cũng muốn thích nghi nếp sống của
mình với các nhu cầu khác nhau thuộc thời gian và nơi chốn 2.
3. Các lễ chế đều có cùng
một phẩm giá. Các Giáo Hội riêng biệt này, Ðông cũng như Tây, tuy có phần khác
nhau trong lễ chế như người ta thường nói, như phụng vụ, giáo luật và di sản
tinh thần, nhưng tất cả đều được đặt dưới quyền cai quản mục vụ của Giáo Hoàng
Roma, Ðấng kế vị Thánh Phêrô theo ý Thiên Chúa trong quyền tối cao trên toàn thể
Giáo Hội. 7*
Do đó, xét theo phẩm giá, các Giáo Hội đều ngang hàng với nhau, đến nỗi trên
bình diện lễ chế không một Giáo Hội nào trổi vượt trên các Giáo Hội khác. Tất cả
đều hưởng cùng những quyền lợi và có những bổn phận như nhau, cả đến việc có
liên quan tới công cuộc rao giảng Phúc Âm cho toàn thế giới (x. Mc 16,15) dưới
sự hướng dẫn của Giáo Hoàng Roma 8*.
4. Các lễ chế phải được học
hỏi kỹ lưỡng. Vì thế, mọi nơi trên hoàn cầu đều phải lo duy trì và phát triển
các Giáo Hội riêng biệt và do đó, nên thành lập những xứ đạo và hàng giáo phẩm
riêng ở nơi mà lợi ích thiêng liêng của các tín hữu đòi hỏi. Còn hàng giáo phẩm
của các Giáo Hội riêng biệt khác nhau, tuy có thẩm quyền 9*
trên cùng một địa hạt, cũng phải lo cổ võ sự hiệp nhất trong hành động nhờ các
cuộc trao đổi ý kiến với nhau trong các phiên họp định kỳ, đồng thời phải góp sức
hỗ trợ các công việc chung để mở mang đạo Chúa cách dễ dàng hơn và bảo vệ kỷ luật
trong hàng giáo sĩ cách hữu hiệu hơn 3.
10*
Mọi giáo sĩ và tất cả những ai tiến tới các chức thánh phải học hỏi cẩn thận về
các lễ chế, nhất là về các tiêu chuẩn thực hành trong các vấn đề tương quan giữa
các lễ chế. 11*
Ngay các giáo hữu cũng phải được dạy dỗ về các lễ chế và các tiêu chuẩn ấy
trong giờ giáo lý. Sau cùng, tất cả và mỗi người công giáo, cả những người chịu
phép rửa trong bất cứ Giáo Hội hay cộng đoàn không công giáo nào, khi trở về 12*
hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, vẫn phải duy trì và tôn trọng lễ
chế riêng dù ở bất cứ nơi nào và phải tùy sức tuân giữ 4.
13*
Tuy nhiên, quyền khiếu nại lên Tòa Thánh trong những trường hợp đặc biệt, thuộc
cá nhân, cộng đoàn, hoặc giáo miền vẫn được bảo đảm. Như vị trọng tài tối cao
cho các tương quan giữa các Giáo Hội riêng biệt, Tòa Thánh, hoặc đích thân hoặc
qua các đấng thẩm quyền khác sẽ giải quyết thỏa đáng các nhu cầu trong tinh thần
hiệp nhất, bằng cách ban những quy luật, sắc lệnh hay những phúc chiếu 14*
thích hợp.
Việc Bảo Vệ Di Sản Tinh Thần Nơi Các Giáo Hội Ðông Phương
5. Công lao của các Giáo Hội
Ðông Phương. Lịch sử, các truyền thống, và rất nhiều thể chế trong Giáo Hội đều
chứng minh rõ ràng rằng các Giáo Hội Ðông Phương có công biết bao đối với toàn
thể Giáo Hội 5.
Vì vậy Thánh Công Ðồng không những hết lòng yêu mến và ca ngợi đúng mức gia sản
tinh thần của các Giáo Hội này, mà còn xác quyết đó là sản nghiệp của toàn thể
Giáo Hội Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công Ðồng long trọng tuyên bố rằng các Giáo Hội
Ðông Phương cũng như Tây Phương đều có quyền lợi và bổn phận tuân theo những
quy luật riêng của mình 15*
vì những quy luật này có giá trị nhờ ở đặc tính cổ kính đáng quý trọng, phù hợp
với các tập tục của tín hữu hơn và xem ra có thể mưu ích cho các linh hồn cách
hữu hiệu hơn.
6. Không được thay đổi
cách độc đoán. Mọi giáo hữu Ðông Phương nên ý thức và xác tín rằng mình có thể
và phải luôn luôn tuân giữ các nghi thức phụng vụ hợp pháp và quy luật của
mình, và không được thay đổi điều gì nếu không vì lý do tiến bộ riêng thuộc phạm
vi tổ chức. Vậy chính các giáo hữu Ðông Phương phải hết sức trung thành tuân giữ
các điều ấy. Họ phải lo học hiểu các điều đó ngày càng sâu rộng hơn và đạt đến
mức độ hoàn hảo hơn trong thực hành. Nếu vì lý do thời gian hay nhân sự làm cho
họ xao lãng một cách bất cẩn, họ phải cố gắng trở về với truyền thống của tổ
tiên. Riêng những ai hoặc vì phận sự hay do nhiệm vụ tông đồ có liên lạc thường
xuyên với các Giáo Hội Ðông Phương hay với tín hữu thuộc các Giáo Hội này, cần
phải được đào luyện chu đáo để am hiểu và tôn trọng các nghi thức, quy luật,
giáo thuyết 16*
cũng như lịch sử và tâm tính người Ðông Phương tùy theo tầm quan trọng của công
việc họ đảm nhận 6.
Các dòng tu và các tu hội theo lễ chế Latinh hoạt động tại các miền thuộc Giáo
Hội Ðông Phương hay giữa các tín hữu Ðông Phương nên cố gắng thành lập các chi
nhánh hay cả những tỉnh dòng theo lễ chế Ðông Phương, nếu có thể, để việc tông
đồ được hữu hiệu hơn 7.
Các Thượng Phụ Ðông Phương
7. Thể chế Thượng Phụ. Thể
chế Thượng Phụ 17*
đã được thịnh hành từ lâu trong Giáo Hội và đã được các Công Ðồng Chung tiên khởi
nhìn nhận 8.
Thực ra, danh hiệu
Thượng Phụ Ðông Phương dùng để chỉ vị Giám Mục có thẩm quyền trên tất tất cả
các Giám Mục kể các các vị Tổng Giáo Chủ 18*,
trên hàng giáo sĩ và giáo dân trong địa hạt hay thuộc lễ chế mình chiếu theo luật
định, nhưng vẫn tôn trọng quyền tối cao của Giáo Hoàng Roma 9.
Vị Giáo Chủ 19*
thuộc một lễ chế nào đó được chỉ định làm giáo chủ cho bất cứ nơi nào ngoài địa
hạt thượng phụ, thì vẫn lệ thuộc vào quyền của Thượng Phụ giáo chủ lễ chế ấy
theo luật định.
8. Các Thượng Phụ trong
Giáo Hội Ðông Phương, dù tiến chức trước hay sau, tất cả đều bình đẳng trên
cương vị Thượng Phụ Giáo Chủ, nhưng giữa các ngài vẫn có ngôi thứ danh dự, được
minh định cách hợp pháp 10.
9. Danh dự đặc biệt của
các Thượng Phụ Ðông Phương. Theo truyền thống rất cổ kính của Giáo Hội, các Thượng
Phụ Ðông Phương phải được hưởng một danh dự đặc biệt vì các ngài cai quản địa hạt
mình như những người cha và thủ lãnh.
Vì thế Thánh
Công Ðồng quyết định phục hồi các quyền lợi và đặc ân 20*
của các ngài chiếu theo truyền thống cổ kính của từng Giáo Hội và sắc lệnh của
các Công Ðồng Chung 11.
Thực ra, chính
các quyền lợi và đặc ân này đã có từ thời Ðông Phương và Tây Phương còn hiệp nhất
21*,
mặc dầu ngày nay còn phải thích nghi ít nhiều với hoàn cảnh.
Các Thượng Phụ hợp
với Hội Ðồng riêng lập thành tòa thượng thẩm để minh xét mọi vấn đề trong địa hạt,
kể cả quyền thiết lập các địa sở mới 22*
và bổ nhiệm các Giám Mục cùng một lễ chế trong địa hạt thượng phụ, dĩ nhiên vẫn
bảo toàn quyền đặc hữu của Giáo Hoàng Roma: can thiệp vào từng trường hợp 23*.
10. Thiết lập những
tòa thượng phụ mới. Theo luật định, tất cả những khoản nói về các Thượng Phụ
cũng có giá trị đối với các Tổng Giám Mục Niên Trưởng 24*
là những vị đứng đầu một Giáo Hội riêng biệt hay một lễ chế nào đó 12.
Vì thể chế Thượng
Phụ là hình thức cai trị cổ truyền nơi các Giáo Hội Ðông Phương, nên Thánh Công
Ðồng Chung hết sức mong ước thiết lập thêm những tòa Thượng Phụ Giáo Chủ, khi cần.
Việc thiết lập này được dành cho Công Ðồng Chung hay Giáo Hoàng Roma 13.
Quy Luật Về Các Bí Tích
12. Tái lập qui luật cũ về
các Bí Tích. Thánh Công Ðồng chấp nhận và phê chuẩn quy luật cổ kính về các bí
tích thịnh hành nơi các Giáo Hội Ðông Phương, cả cách thức cử hành và ban các
bí tích ấy nữa. Thánh Công Ðồng cũng mong ước phục hồi cách thức này khi cần.
13. Ban Bí Tích Thêm Sức.
Quy luật về thừa tác viên "Thêm Sức" đã thịnh hành từ ngàn xưa nơi
các giáo hữu Ðông Phương sẽ được phục hồi hoàn toàn 25*.
Do đó, các linh mục có thể ban bí tích này, miễn là dùng Dầu Thánh do Thượng Phụ
hay Giám Mục làm phép 14.
14. Tất cả các linh mục
Ðông Phương có thể ban bí tích này thành sự cùng một trật với phép Rửa Tội, 26*
hoặc riêng rẽ, cho mọi tín hữu thuộc bất cứ lễ chế nào, kể cả lễ chế Latinh, và
để cho hợp pháp, phải giữ mọi điều theo luật định, chung cũng như riêng 15.
Các linh mục theo lễ chế Latinh 27*
có quyền ban bí tích này, cũng có thể ban cho tín hữu thuộc các Giáo Hội Ðông
Phương miễn là không phương hại đến lễ chế. Dĩ nhiên để cho hợp pháp, phải tuân
giữ các điều luật, chung cũng như riêng 16.
15. Luật giữ này Chúa nhật
và các lễ trọng. Vào Chúa nhật và các ngày Lễ Trọng, các giáo hữu buộc phải
tham dự vào Phụng Vụ Thánh 28*
hay các giờ ca tụng Thiên Chúa theo tập tục và thói quen của từng lễ chế 17.
Ðể giáo dân có thể chu toàn bổn phận này cách dễ dàng, giờ thuận tiện cho việc
giữ luật đó được ấn định là từ chiều hôm trước cho đến hết Chúa nhật hay ngày lễ
trọng 18.
Thánh Công Ðồng Chung tha thiết khuyên nhủ các tín hữu nên rước lễ trong những
ngày đó, cũng như khuyên năng rước lễ hơn, và cả việc rước lễ hằng ngày 19.
16. Quyền tài phán trên
các lễ chế khác nhau. Trong cuộc sống trà trộn hằng ngày của tín hữu thuộc các
Giáo Hội Ðông Phương khác nhau trong cùng một miền hay địa hạt đông phương, các
linh mục thuộc bất cứ lễ chế nào, một khi được Ðấng Bản Quyền mình ban quyền giải
tội theo luật và không hạn hẹp, đều có thể giải tội cho mọi tín hữu trong toàn
địa hạt ngài, cả các tín hữu và những nơi thuộc các lễ chế khác nằm trong địa hạt
này, miễn là Ðấng Bản Quyền địa phương của các lễ chế khác không ngăn cấm rõ
ràng ở nơi đó 20.
17. Bí Tích Truyền Chức. Ðể
phục hồi quy luật cổ kính về Bí Tích Truyền Chức trong các Giáo Hội Ðông
Phương, Thánh Công Ðồng mong muốn tái lập chức phó tế vĩnh viễn 29*
nơi mà thể chế này đã bị mai một 21.
Còn đối với chức Phụ Phó Tế và các Chức Nhỏ cũng như những quyền lợi và bổn phận
liên hệ, sẽ do quyền lập pháp của từng Giáo Hội riêng biệt tùy nghi định đoạt 22.
18. Hình thức Giáo luật của
việc cử hành hôn phối khác lễ chế. Ðể tránh những hôn nhân bất thành sự khi người
Công Giáo Ðông Phương kết hôn với người không Công Giáo Ðông Phương đã được rửa
tội, và để duy trì tính cách bền vững, thánh thiện của hôn nhân cũng như sự hòa
thuận trong gia đình, Thánh Công Ðồng phán quyết rằng, để cho hợp pháp, buộc cử
hành lễ nghi cho những đôi hôn phối này theo hình thức giáo luật. 30*
Còn để thành sự, chỉ cần sự hiện diện của thừa tác viên có chức thánh là đủ, dĩ
nhiên phải tuân giữ các điểm khác theo luật định 23.
Việc Phụng Thờ Thiên Chúa
19. Các ngày lễ . Từ nay về
sau, duy có Công Ðồng Chung hay Tòa Thánh mới có quyền thiết lập, thay đổi hay
bãi bỏ các ngày lễ chung cho các Giáo Hội Ðông Phương. Còn các ngày lễ riêng của
các Giáo Hội địa phương, thì ngoài Tòa Thánh ra, Hội Ðồng Thượng Phụ hay Tổng
Giáo Chủ cũng có quyền trên, tuy nhiên, nên lưu tâm hoàn cảnh của toàn miền và
của các Giáo Hội riêng biệt khác 24.
20. Cử hành lễ Phục Sinh.
Trong khi chờ đợi mọi Kitô hữu thỏa thuận mừng lễ Phục Sinh vào cùng một ngày 31*,
Thánh Công Ðồng đã ủy thác cho các Thượng Phụ hay các Ðấng Bản Quyền Tối Cao địa
phương việc ấn định một Chúa nhật để mừng lễ này, sau khi tham khảo ý kiến các
người liên hệ và được họ chấp thuận hầu thể hiện sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu
sống trong một miền hay một lãnh thổ 25.
21. Thời gian thánh. Về luật
thời gian thánh, các tín hữu sống ngoài địa hạt hay miền thuộc lễ chế riêng có
thể hoàn toàn thích nghi theo qui luật đang thịnh hành nơi họ sống. Riêng những
gia đình theo nhiều lễ chế khác nhau cũng được phép giữ luật này theo một lễ chế
mà thôi 26.
32*
22. Kinh nhật tụng. Các
giáo sĩ và tu sĩ Ðông Phương cứ theo tập tục và truyền thống riêng của qui luật
mình mà cử hành các giờ Kinh Nhật Tụng, đã được rất mực tôn kính trong các Giáo
Hội Ðông Phương từ ngàn xưa 27.
Chính các giáo hữu cũng nên noi gương cha ông tham dự các giờ Kinh Nhật Tụng với
lòng sốt sắng và tùy khả năng.
23. Ngôn ngữ trong phụng vụ.
Quyền ấn định việc dùng ngôn ngữ trong phụng vụ thánh được dành cho các Thượng
Phụ và Hội Ðồng của ngài, hay Ðấng Bản Quyền tối cao của mỗi Giáo Hội và Hội Ðồng
Giáo Chủ. Các vị này cũng có quyền phê chuẩn các bản dịch sang tiếng bản xứ sau
khi phúc trình lên Tòa Thánh 28.
Liên Lạc Với Anh Em Thuộc Các Giáo Hội Ly Khai 33*
24. Cổ võ sự hiệp nhất giữa
các anh em Ðông Phương ly khai. Các Giáo Hội Ðông Phương hiệp thông với Tòa
Thánh Rôma có trọng trách đặc biệt phải xúc tiến việc hiệp nhất các Kitô hữu, nhất
là các kitô hữu Ðông Phương, dựa theo các nguyên tắc được Thánh Công Ðồng này
bàn tới trong sắc lệnh "Về Hiệp Nhất", nhất là họ phải cầu nguyện và
làm gương sáng trong đời sống, trung thành với những truyền thống tôn giáo Ðông
Phương 34*
thời xưa, tìm hiểu lẫn nhau sâu xa hơn, cộng tác và quí trọng con người 35*
cùng sự vật 36*
trong tình huynh đệ 29.
25. Các anh em ly khai
Ðông Phương, khi trở về hiệp nhất với Công Giáo nhờ tác động của ơn Chúa Thánh
Thần, sẽ không bị đòi phải làm gì hơn là tuyên xưng Ðức Tin công giáo 37*
một cách đơn giản. Hơn nữa, vì chức vụ linh mục đã thành sự nơi họ vẫn được bảo
tồn, nên các giáo sĩ Ðông Phương, khi trở về hiệp nhất với Công Giáo, vẫn còn
quyền thi hành chức vụ riêng theo những qui luật do Ðấng có thẩm quyền thiết lập
30.
38*
26. Nguyên tắc về "việc
thông dự vào sự thánh". Luật Chúa cấm thông dự vào sự thánh 39*
có phương hại đến vấn đề hiệp nhất của Giáo Hội, hoặc đưa đến sai lầm thật sự
hay nguy cơ lạc hướng về đức tin, sinh ra gương mù gương xấu và tạo nên thái độ
lãnh đạm 31.
Việc thực hành mục vụ chứng tỏ rằng: đối với những vấn đề iên quan đến anh em
Ðông Phương, người ta có thể và phải xét tới hoàn cảnh cá biệt của từng người,
trong đó có những hoàn cảnh không phương hại đến sự hiệp nhất của Giáo Hội cũng
không có những hiểm nguy phải tránh, nhưng chỉ thấy sự cần thiết của ơn cứu rỗi
và lợi ích thiêng liêng của các linh hồn thúc bách. Chính vì thế mà Giáo Hội
Công Giáo, vì mọi hoàn cảnh thời gian, nơi chốn và nhân sự thường đã và đang
còn theo một phương thức hành động mềm dẻo hơn, đang khi đem lại những phương
thế cứu rỗi và biểu dương tình bác ái nơi các Kitô hữu cho hết mọi người qua việc
tham dự vào các bí tích cũng như các cuộc cử hành phụng tự khác và dùng các đồ
vật thánh 40*.
Sau khi đã cân nhắc những điều đó, Thánh Công Ðồng đã thiết định nguyên lý hành
động sau đây "để chúng tôi khỏi trở thành chướng ngại vật, vì quan niệm
quá nghiêm khắc, cho những ai lãnh nhận ơn cứu rỗi" 32
và để xúc tiến ngày một hữu hiệu sự hiệp nhất với các Giáo Hội Ðông Phương ly
khai với chúng ta.
27. Áp dụng mục vụ về việc
"thông dự vào sự thánh". Chiếu theo các nguyên tắc vừa được nhắc trên
đây, có thể ban các bí tích Cáo Giải, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân cho những
tín hữu Ðông Phương vì ý ngay lành 41*
đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo, nếu tự ý họ xin và đã chuẩn bị tâm hồn một
cách thích đáng. Hơn nữa người Công Giáo cũng được quyền xin chịu những bí tích
nầy nơi các thừa tác viên ngoài công giáo thuộc các Giáo Hội có những bí tích ấy
thành sự, mỗi khi cần thiết hay ích lợi thiêng liêng đòi hỏi, trong trường hợp
ngăn trở thể lý cũng như luân lý, 42*
không thể tìm tới linh mục công giáo được 33.
28. Ngoài ra, cũng theo
các nguyên tắc này, khi có lý do chính đáng người Công Giáo và anh em ly khai
Ðông Phương có thể cùng nhau thông dự vào những cuộc cử hành phụng tự, dùng
chung những đồ vật thánh và nơ thánh 34.
43*
29. Việc ấn định cách thức
thông dự vào sự thánh với anh em thuộc Giáo Hội ly khai Ðông Phương sẽ uyển
chuyển tùy theo sự khôn ngoan của các vị Giáo Chủ Bản Quyền địa phương, để sau
khi hội ý với nhau, và nếu cần, sau khi đã tham khảo ý kiến của các vị Giáo Chủ
của những Giáo Hội ly khai, các vị Giáo Chủ Bản Quyền địa phương ấy có thể điều
hòa việc liên lạc giữa các Kitô hữu bằng những nguyên tắc và tiêu chuẩn thuận lợi
và hữu hiệu hơn 44*.
Kết Luận
30. Thánh Công Ðồng rất
hoan hỉ về sự cộng tác tích cực và hữu hiệu giữa các Giáo Hội Công Giáo Ðông
Phương và Tây Phương, đồng thời tuyên bố rằng: mọi chủ trương có tính cách pháp
định này được nêu ra vì những hoàn cảnh hiện tại, cho tới ngày Giáo Hội Công
Giáo và Giáo Hội ly khai Ðông Phương đạt tới tình trạng hiệp thông hoàn toàn 45*.
Trong khi chờ đợi,
thành khẩn xin các Kitô hữu, Ðông Phương cũng như Tây Phương, dâng lên Thiên
Chúa những lời nguyện sốt sắng, kiên trì và hàng ngày, ngõ hầu nhờ sự trợ giúp
của Mẹ Cực Thánh Thiên Chúa, mọi người được hiệp nhất. 46*
Cũng xin mọi người cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, Ðấng An Ủi, tuôn tràn ơn trợ
lực và an ủi cho bao nhiêu Kitô hữu của bất cứ Giáo Hội nào đang phải đau khổ
và chịu bách hại mà vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa Kitô 47*.
Mọi người chúng
ta hãy yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ và hãy tôn trọng lẫn nhau 35.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1* Giáo Hội Công
Giáo là Giáo Hội phổ quát. Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương đều thuộc về Giáo
Hội này. Các Giáo Hội đó ngang hàng với Giáo Hội Latinh, không kém hơn, cũng
không phải là phụ thêm vào Giáo Hội theo nghi lễ Latinh.
1 Xem Leô XIII,
Tông thư Orientalium dignitas, 30-11-1894, trong Leonis XIII Acta XIV, trg
201-202.
2* Các Giáo Phụ
là các "văn sĩ" công giáo thời thượng cổ Kitô giáo, từ thế kỷ thứ nhất
đến thế kỷ thứ tám.
3* Hội nghị là một
ủy ban thương gồm vài Giám Mục. Các vị này cộng tác v7í vị thủ lãnh diều khiển
một Giáo Hội riêng biệt.
4* Sắc lệnh chỉ
đề cập đến một vài điểm của các Giáo Hội Ðông Phương; những vấn đề khác được ủy
thác cho Hội Nghị và Tòa Thánh.
5* Hàng giáo phẩm
gồm tất cả những ai có quyền thánh và điều khiển Giáo Hội.
6* "Lễ Chế":
ở đây hiểu theo nghĩa rộng (xem phần nhập đề). "Giáo Hội riêng biệt ở đây
đồng hóa với Lễ Chế. Giáo Hội riêng biệt là Cộng Ðoàn tín hữu có cùng một nghi
lễ phụng vụ, một quy luật và cùng dưới một quyền cai trị. Ðứng lẫn lộn
"Giáo Hội riêng biệt" với Giáo Hội địa phương. Nhiều Giáo Hội địa phương
có thể cùng thuộc về một Giáo Hội riêng biệt.
2 Xem T. Leô IX,
Thư In terra pax, năm 1053: "Ut enim". - Innocentiô III, CÐ Lateranô
IV, năm 1215, ch IV: "Licet Graecos"; Thư Inter Quattuor, 2-8-1206:
"Postulasti postmodum". -Innocentiô IV, Thư Cum de cetero, 27-8-1274;
thư Sub catholicae, 6-3-1254, phần mở đầu. - Nicolaô III, Huấn thị Istud est
memoriale, 9-10-1278. - Leô X, Tông thư Acceptimus nuper, 18-5-1521. - Phaolô
III, Tông thư Dudum, 23-12-1534. - Piô IV, Tông hiến Romanus pontifex,
16-2-1564, ch 5. - Clementê VIII, Tông hiến Magnus Dominus, 23-12-1595, ch 10.
- Phaolô V, Tông hiến Solei circumspecta, 10-12-1615, ch 3. - Benedictô XIV, Tđ
Demandatam, 24-12-1743, ch 3; Tđ Allatae sunt, 26-6-1745, ch 3, 6-9, 32. - Piô
VI, Tđ Catholicae communionis, 24-5-1787. - Piô IX, Thư In suprema, 6-1-1848,
ch 3; Tông thư Ecclesiam Christi, 26-11-1853; Tông hiến Romani Pontificis,
6-1-1862. - Leô XIII, Tông thư Praeclara, 20-6-1894, số 7; Tông thư Orientalium
dignitas, 30-11-1894, phần mở đầuv.v...
7* Sự hiệp nhất
tất cả các Giáo Hội riêng biệt với nhau, đông phương cũng như tây phương, được
bảo đảm nhờ cùng một quyền cai trị tối cao của Ðức Giáo Hoàng, vị có quyền hành
trên mọi Giáo Hội riêng biệt.
8* Công Ðồng
tuyên bố rằng: tất cả mọi Giáo Hội riêng biệt có tư cách như nhau, hưởng cùng một
quyền lợi và có những bổn phận như nhau. Như thế Công Ðồng bác bỏ luận đề trước
kia được nhiều người ủng hộ rằng Giáo Hội theo Lễ Chế Latinh cao trọng hơn các
Giáo Hội đông phương. Các Giáo Hội đông phương có quyền rao giảng Phúc Âm bất cứ
nơi nào, như Giáo Hội Latinh. trước kia quyền này chỉ được hạn hẹp trong một
vài nơi.
9* Thẩm quyền là
một khả năng thực hành quyền thiêng liêng và cai trị các tín hữu.
3 Xem Piô XII, Tự
sắc Cleri sanctiati, 2-6-1957, kh 4.
10* Công Ðồng ao
ước các Giáo Hội riêng biệt trên cùng một lãnh thổ thông cảm và cộng tác chặt
chẽ với nhau trong các công việc chung càng nhiều càng hay.
11* Việc cộng
tác giữa các Giáo Hội riêng biệt giả thiết có sự hiểu biết và quý trọng nhau.
Như thế Công Ðồng muốn giáo sĩ cũng như giáo dân có sự hiểu biết đó.
12* Công Ðồng
tránh dùng tiếng "trở lại" để khỏi va chạm người Ðông phương không
công giáo. Dù ở đây chỉ đề cập đến cá nhân đã chịu Phép Thánh Tẩy để trở về với
Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên Công Ðồng không loại trừ ý tưởng và lòng ao ước một
sự liên kết tập thể giữa người Ðông Phương không công giáo và Giáo Hội Công
Giáo.
4 N.v.t. kh 8:
"Không có phép Tòa Thánh thì theo lối thực hành của những thế kỷ trước".
Cũng vậy, đối với những người ngoài Kitô giáo đã được rửa tội, kh. 11 có câu
"Họ có thể chọn lựa lễ chế nào mà họ thích hơn". Bản văn trên đây
minh chứng một cách rõ rệt việc theo một lễ chế cho hết mọi người ở bất cứ nơi
nào.
13* Công Ðồng muốn
mỗi người công giáo đông phương duy trì Lễ Chế và ở lại trong Giáo Hội riêng biệt
của mình. Cũng như khi các người đông phương không công giáo trở về với Giáo Hội
Công Giáo, Công Ðồng khuyên họ nên liên kết với Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương
có cùng một Lễ Chế mà họ đã ở khi còn thuộc về cộng đoàn hay Giáo Hội ly khai.
Quy luật này nhằm giúp cho Giáo Hội riêng biệt khỏi phải mai một.
14* Phúc chiếu
là một bản trả lời chính thức bằng chữ viết của Tòa Thánh cho câu hỏi của một
Giám Mục, một tín hữu hay một cộng đoàn.
5 Xem Leô XIII,
Tông thư Orientalium dignitas, 30-11-1894; Tông thư Praeclara gratulationis,
20-6-1894; và các văn kiện khác đã trích dẫn ở ghi chú 2.
15* Công Ðồng nhấn
mạnh: Tất cả các Giáo Hội riêng biệt, Ðông Phương cũng như Tây Phương, đều có
quyền tự trị theo những quy luật riêng. Vậy Giáo Hội Latinh không phải là mẫu mực
cho các Giáo Hội Ðông Phương. Các Giáo Hội này không phải là một biệt lệ. Trái
lại sự khác nhau về kỷ luật là một định luật chung.
16* Giáo Thuyết
riêng biệt cho Giáo Hội Ðông Phương ở đây chỉ các phương pháp và những cách thức
hiểu biết, đào sâu và diễn tả những việc về Chúa như ở Ðông Phương thường dùng
ngay từ thời thượng cổ.
6 Xem Benedictô
XV, Tự sắc Orientalis Catholici, 15-10-1917. - Piô XI, Tđ Rerum Orientalium,
8-9-1928, v.v...
7 Lối thực hành
của Giáo Hội thời các Ðức Giáo Hoàng Piô XI, Gioan XXIII minh chứng cách phong
phú phong trào này.
17* Ít ra từ thế
kỷ thứ 4, các Giáo Hội riêng biệt chính yếu có một vị thượng phụ đứng đầu. Vị
này có quyền trên tất cả các giáo phận và các Giám Mục liên hệ của Giáo Hội
riêng biệt đó; ví dụ như Alexandria, Antiokia, Jerusalem, sau đó
Constantinopla, là những tòa thượng phụ. Giám Mục Roma là Thượng Phụ Tây
Phương. Hiện nay có 6 Thượng Phụ Công Giáo Ðông Phương.
8 Xem CÐ Nicea
18* Tổng Giáo Chủ
là một Tổng Giám Mục có quyền trên vài Giám Mục quản trị giáo phận trong một
Giáo Hội riêng biệt.
9 Xem CÐ Nicea
I, đ th 6. - CÐ Constantinopla I, đ th 3. - CD- Constantinopla IV, đ th 17. -
Piô XII, Tự sắc Cleri sanctiati, kh 216, 2,11.
19* Giáo chủ có
quyền trên một khu giáo phận ví dụ trên một giáo phận.
10 Trong các
Công Ðồng Chung Nicea I, đ th 6. - Constantinopla I, đ th 3. - Constantinopla
IV, đ th 21. - Lateranô IV, đ th 5. -
20* Các Giáo Hội
Ðông Phương tự do lựa chọn Thượng Phụ và Giám Mục của mình, tự do thiết lập những
giáo phận mới. Họ tự tổ chức lấy phụng vụ, luật pháp và qui luật liên hệ đến
hàng giáo sĩ và tín hữu của họ.
11 Xem ghi chú
8.
21* Sự liên kết ấy
kéo dài cho đến thế kỷ 11.
22* Ðịa sở là
danh từ chỉ giáo phận ở Ðông Phương.
23* Các Thượng
Phụ Ðông Phương không thể thiết lập giáo phận mới hay bổ nhiệm Giám Mục ngoài
lãnh thổ mình, ví dụ ở Pháp hay Bắc Mỹ v.v... Quyền này dành riêng cho Ðức Giáo
Hoàng.
24* Tổng Giám Mục
Niên Trưởng chính ở đây là vị lãnh đạo của một Giáo Hội riêng biệt không phải một
Giáo Hội thuộc một thượng phụ hay một giáo khu.
12 Xem CÐ
Ephesô, đ th 8. - Clememtê VII, Decet Romanum Pontificem, 23-2-1956. - Piô VII,
Tông thư In Universalis Ecclesiae, 22-2-1807. - Piô XII, Tự sắc Cleri
sanctiati, 2-6-1957, đ th 324-339. - CÐ Carthagô năm 419, đ th 17.
13 CÐ Carthagô,
năm 419, đ th 17 và 57.- CÐ Caceđonia, năm 451, đ th 12. - T. Innocentiô I, Thư
Et onus et honor, quãng năm 415: "
25* Ở Ðông
Phương, bí tích Thêm Sức thường do một linh mục ban. Mọi linh mục Ðông Phương đều
có quyền ban bí tích này. Tại một vài nơi, quyền này bị hủy bỏ. Công Ðồng hồi
quyền này cho tất cả. Theo tiết mục tiếp sau, bất cứ linh mục đông phương nào
có quyền ban bí tích Thêm Sức cho tín hữu công giáo, dù tín hữu này thuộc một Lễ
Chế khác, như Lễ Chế Latinh chẳng hạn.
14 Xem
Innocentiô IV, thư Sub Catholicae, 6-3-1254, 3 số 4. - CÐ Lyon II, năm 1274 (Cuộc
tuyên xưng đức tin của Michael Palaeologô do Ðức Gregoriô X ghi nhận). -
Eugeniô IV, trong CÐ Firenze, Hiến chế Exultate Deo, 22-11-1439, 11. - Celmentê
VIII, huấn dụ Sanctissimus, 31-8-1595. - Benedictô XIV, hiến chế Esti
Pastoralis, 26-5-1742, 11, số I, III, số 1. - v.v. - CÐ Laodic, năm 347-381, đ
th 48. - CÐ Sisen. Armenorum, năm 1312. - CÐ Linanen. Maronitarum, năm 1736, phần
II, ch III, số 2 và những CÐ riêng khác.
26* Trong các
Giáo Hội Ðông Phương, bí tích Thêm Sức thường được cử hành sau khi ban phép
Thánh Tẩy.
15 Xem Huấn thị
của Bộ Thánh Vụ (gởi Giám Mục Scepusien) năm 1783. - Thánh bộ Truyền giáo (trước
là Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin) (pro Coptis), 15-3-1790 số XIII; Sắc lệnh ngày
6-10-1863, C, a. - Thánh Bộ Giáo Vụ Ðông Phương, 1-5-1948. - Bộ Thánh Vụ, phúc
thư ngày 22-4-1896 và thư ngày 19-5-1896.
27* Ở đây chỉ
các linh mục theo Lễ Chế Latinh có quyền ban bí tích Thêm Sức trong giáo phận của
mình hay đã lãnh nhận đặc quyền này vì lợi ích cho các tín hữu Ðông Phương.
16 Giáo luật kh
782, 4. - Thánh Bộ Giáo Vụ Ðông Phương, sắc lệnh De
28* Phụng Vụ
Thánh là việc cử hành Thánh Thể. Những giờ ca tụng Thiên Chúa chỉ kinh nhật tụng
hát trong Cung Thánh, hoặc liên hệ đến lễ Misa hoặc không. Khi các giờ ca tụng
Thiên Chúa hát trong nhà thờ, các tín hữu cũng được mời tham dự.
17 Xem CÐ
Laodiceô năm 347-381, đ th 29. - T. Nicephorô CP ch 14. - CÐ Duinen. Armenorum
năm 719, đ th 31. - T. Theodorô Studita, bài giảng 21. - T. Nicolaô I, Thư Ad
consulta vestra, 13-11-866: "In quorum Apostolorum"; "Nosse
cupitis"; "Quod interrogatis"; "Praeterea consulitis";
"Si die dominico"; và các CÐ riêng.
18 Ðây là một điểm
mới có, ít là từ ngày có luật buộc phải tham dự vào phụng vụ thánh. Hơn nữa,
ngày đó tương ứng với ngày phụng vụ nơi các giáo hữu Ðông Phương.
19 Xem Canones
Apostolorum 8 và 9. - CÐ Antiokia năm 341, đ th 2. - Timotheô Alexandria,
Interrogat. 3. - Innocentiô III, Hiến chế Quia divinae, 4-1-1215; và nhiều CÐ
riêng Ðông Phương mới đây.
20 Vì lợi ích
cho các linh hồn, khoản luật nhằm dự liệu những tình trạng bị lệ thuộc vào nhiều
thẩm quyền (của những người cùng cư ngụ) trên cùng một lãnh địa. tuy nhiên,
tính cách "địa hạt" của thẩm quyền vẫn được bảo toàn.
29* Phó Tế vĩnh
viễn là một giáo sĩ được thụ phong đểsốngbậc phó tế suốt đời mà không nhận chức
linh mục. Tại Ðông Phương việc chính yếu của phó tế là cử hành các nghi lễ phụng
vụ. Ở Tây Phương, phó tế còn hoạt động mục vụ nhất là từ Công Ðồng Vaticanô II.
21 Xem CÐ Niceô
I, đ th 18. - CÐ Neocesareô năm 314-325, đ th 12. - CÐ Sardaigne năm 343, đ th
8. - T. Leô Cả, Thư Omnium quidem, 13-1-444. - CÐ Calcedonia, đ th 6. - CÐ
Constantinopla IV, đ th 23, 26; v.v...
22 Nhiều Giáo Hội
Ðông Phương xem chức Phó Tế như một chức nhỏ, nhưng trong Tự sắc Cleri
sanctitati, Ðức Piô XII đã ban bố những bó buộc thuộc các chức lớn cho chức
này. Khoản luật trên đề nghị nên trở về với luật cổ truyền Ðông Phương riêng với
chức Phó Tế. Ðây là một khoản "phá thông lệ" trong tự sắc "Cleri
sanctiati".
30* Hình thức
giáo luật đòi buộc hôn lễ phải được cử hành trước mặt Cha Xứ có thẩm quyền, thường
là cha xứ của người vợ. Chi tiết này không còn cần thiết cho việc thành sự bí
tích hôn phối của người Ðông Phương.
23 Xem Piô XII,
Tự sắc Crebiae allatae, 22-2-1949, kh 32, 2, số 5: (quyền chuẩn chước về mô thức
của các Thượng Phụ); - Piô XII, Tự sắc Cleri sanctitari, 2-6-1957, kh 267 (quyền
của Thượng Phụ để chữa lành tận căn khuyết điểm mô thức). - Bộ Thánh Vụ và
Thánh Bộ Giáo Phụ Ðông Phương năm 1957 đã chấp thuận quyền chuẩn chước về mô thức
và thi hành việc chữa hẳn khuyết điểm mô thức (cứ 5 năm): "Ngoài tòa Thượng
Phụ Giáo Chủ ra, các Tổng Giáo Chủ và các Bản quyền địa phương khác... không phải
phục vụ quyền bề trên nào dưới Tòa Thánh".
24 Xem T. Leô Cả,
Thư Quod saepissime, 15-4-454: "Petitionem autem". - T. Nicephorô CP,
ch 13. - CÐ Thượng Phụ Sergiô, 18-9-1596, đ th 17. - Piô VI, Tông thư Assueto
paterne, 8-4-1775. v.v...
31* Các Giáo Hội
Ðông Phương khác nhau không luôn luôn theo cùng một niên lịch. Có khi trong
cùng một thành phố, các Giáo Hội theo Lễ Chế khác hau, cử hành lễ Phục Sinh
không cùng một ngày. Công Ðồng mong muốn các Giáo Hội đó nên đồng ý với nhau dể
cử hành lễ Phục Sinh cùng một ngày.
25 Xem CÐ
Vaticanô II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, ngày 4-12-1963.
26 Xem Clementê
VIII, Huấn dụ Sanctissimus, 31-8-1595, 6: "Si ipsi graeci". - Bộ
Thánh Vụ, 7-6-1673, ad 1 và 3; 13-3-1727, ad 1. - Thánh Bộ Truyền Giáo, Sắc lệnh
18-8-1913, mục 33; Sắc lệnh 14-8-1914, mục 27; Sắc lệnh 27-3-1916, mục 14. -
Thánh Bộ Giáo Vụ Ðông Phương, Sắc lệnh 1-3-1929, mục 36; Sắc lệnh 4-5-1930, mục
41.
32* Nếu trong một
gia đình, vợ và chồng thuộc hai Giáo Hội khác nhau, cả gia đình có thể theo quy
luật (ngày lễ, chay tịnh, kiêng thịt...) của cùng một Giáo Hội riêng biệt cũng
được.
27 Xem CÐ
Laodiceô, 347-381, đ th 18. - CÐ Mar Issaci Chaldaeorum,năm 410, đ th 15. - CÐ
Nerses Glaien, Armenorum, năm 1166. - Innocentiô IV, thư Sub Catholicae,
6-3-1254, 8. - Benedictô XIV, Tông hiến Etsi Pastoraltis, 26-5-1742, 7, số 5. -
Huấn thị Eo quamvis tempore, 4-5-1745, 42 và tiếp theo. - Các CÐ riêng mới đây:
CÐ Armenô (1911), CÐ Coptô (1898), CÐ Maronitô (1736), CÐ Rumenô (1872), CÐ
Rutenô (1891), CÐ Syrô (1888).
28 Theo truyền
thống đông phương.
33* Mục đích của
chương cuối cùng này là đưa ra vài huấn lệnh cho người Công Giáo Ðông Phương để
giúp cho Giáo Hội ly khai và Giáo Hội Công Giáo xích lại gần nhau hơn.
34* Người Công
Giáo Ðông Phương phải chứng tỏ cho anh em ly khai thấy rằng sự hiệp nhất với
Giáo Hội Công Giáo có thể thực hiện mà không làm mất những cá tính đặc biệt của
mỗi Giáo Hội riêng biệt.
35* Tiếng Latinh
(animoum) chỉ thái độ hay tâm trạng của các tín hữu thuộc một Giáo Hội riêng biệt.
36* Tiếng này
bao hàm những đồ vật thánh, nhất là những ảnh thánh.
29 Theo nội dung
của Tông hiến về sự hiệp nhất của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương.
37* Xưa kia Giáo
Hội đòi buộc phải tuyên thệ bỏ ly giáo và vạ tuyệt thông được tháo gỡ bằng một
lời xá giải đúng nghi thức. Cả hai việc này được Công Ðồng hủy bỏ.
30 Bó buộc của
Công Ðồng đối với anh em ly khai Ðông Phương và đối với tất cả các thứ, bậc
trong phẩm trật thuộc về luật Chúa và luật Giáo Hội.
38* Vì thế, một
linh mục đông phương ly khai sau khi trở về với Giáo Hội Công Giáo có thể thi
hành nhiệm vụ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cũng thế thầy phó tế sẽ có thể
thi hành nhiệm vụ phó tế vì họ đã được thụ phong thành sự trong Giáo Hội ly
khai.
39* Tiếng chuyên
môn này chỉ sự tham dự của một người Công Giáo vào một nghi thức tôn giáo hay
những phận vụ tôn giáo của một Giáo Hội không công giáo; ví dụ người Công Giáo
tham dự vào Thánh Lễ do Giáo Hội ly khai cử hành, hay tham dự vào giờ ca tụng
Thiên Chúa trong một Giáo Hội ly khai Ðông Phương.
31 Giáo lý này
cũng có giá trị trong các Giáo Hội ly khai.
40* Danh từ dùng
ở đây có nghĩa rất tổng quát, bao hàm tất cả những gì có liên quan tới việc phụng
tự tôn giáo.
32 Thánh Basiliô
Cả, Epist. canonica ad Amphilochium, PG 32, 669 B.
41* Người tín hữu
Ðông Phương ly khai xin nhận các bí tích vì ý nhay lành khi thành tâm tưởng rằng
mình đang thuộc về Chúa Kitô và có thể được cứu rỗi trong Giáo Hội của mình.
42* Có sự ngăn
trở thể lý, khi nào trong miền phụ cận không có Linh Mục Công Giáo. Có ngăn trở
luân lý khi Linh Mục Công Giáo ở xa hay đau yếu. Những trường hợp như thế thường
xảy ra hoặc ở Ðông Phương hoặc đối với những tín hữu sống trong tình trạng di
cư. Công Ðồng quan tâm đến phần rỗi của từng Kitô hữu. Bởi thế, dù chỉ vì lợi
ích thiêng liêng, cũng đã đủ lý do để xin một linh mục thuộc Giáo Hội ly khai
ban bí tích.
33 Những yếu tố
sau đây được coi là nền tảng của sự uyển chuyển trên:
1) Tính cách
thành sự của các Bí Tích.
2) Ý ngay lành
và thái độ tâm hồn (chuẩn bị).
3) Sự cần thiết
của ơn cứu rỗi đời đời.
4) Không có linh
mục riêng của lễ chế mình.
5) Không có nguy
hại đáng trách và rõ ràng kéo theo sự lầm lạc.
34 Ðây chỉ nói về
việc hiệp thông sự thánh ngoài bí tích. Thánh Công Ðồng chấp nhận sự uyển chuyển
trên, dĩ nhiên vẫn phải giữ những gì buộc giữ.
43* Một lý do
chính đáng không những là sự cần thiết mà còn là một lợi ích thật sự. Dĩ nhiên
phải giả thiết trường hợp không thể thỏa mãn các nhu cầu đó trong Giáo Hội Công
Giáo.
44* Trong việc
"hiệp thông sự thánh" luôn luôn có một sự liều lĩnh nào đó: chính vì
thế Công Ðồng nhấn mạnh giới hữu quyền trong Giáo Hội phải lưu tâm hầu tránh những
lạm dụng và nguy hiểm thật sự. Khi Công Ðồng đề cập đến sự thông cảm giữa các
Giám Mục Công Giáo và ly khai, Công Ðồng giả thiết không những có sự chung sống
ôn hòa giữa đôi bên, mà còn ám chỉ một sự xích lại gần nhau của hai Giáo Hội.
45* Trong trường
hợp các Giáo Hội ly khai hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo một số quy luật của Sắc
Lệnh này sẽ không còn lý do tồn tại; nhiều quy luật khác cần phải sửa đổi hay
thích nghi với hoàn cảnh mới.
46* Lời mời gọi
của Công Ðồng gửi đến tất cả mọi tín hữu. Như vậy cũng gửi đến các tín hữu thuộc
các Giáo Hội ly khai. Do đó Công Ðồng lại biểu lộ lòng ao ước hiệp nhất giữa
các Giáo Hội trong sự viên mãn của Giáo Hội Công Giáo.
47* Công Ðồng ám
chỉ đến các cuộc đàn áp đang đè nặng trên các tín hữu Ðông Phương ở một vài
nơi, hoặc do các chế độ độc tài, hoặc đôi khi do người Hồi Giáo.
35 Xem Rm 12,10.
Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất - Unitatis Redintegratio
Lời Giới Thiệu
Sắc Lệnh này ghi
dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử Kitô giáo. Khi Ðức Gioan XXIII loan
báo triệu tập một công đồng chung, ngài đã nhắm đến nguyên nhân của việc hiệp
nhất. Ðể đạt mục tiêu đó, ngài thiếp lập Văn Phòng Hiệp Nhất các Kitô hữu (ngày
5 tháng 6 năm 1960). Người ta có thể nhận ra rằng chiều theo ý định của Ðức
Giáo Hoàng, nhiều lược đồ tiền công đồng đã đề cập thẳng đến vấn đề hiệp nhất
các Kitô hữu. Lược đồ về Giáo Hội có chương XI nói về hiệp nhất. Ủy ban về các
Giáo Hội Ðông Phương khởi thảo một lược đồ nhằm việc nối kết các Giáo Hội Ðông
Phương ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Văn Phòng Hiệp Nhất các Kitô hữu cũng đã
soạn sẵn một lược đồ nghiêng về mục vụ. Trong kỳ họp I, Công Ðồng quyết định chỉ
soạn thảo một sắc lệnh về Hiệp Nhất dưới sự giám sát của Văn Phòng Hiệp Nhất.
Chính lúc ấy, chương XI chỉ đề cập đến các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương.
Lược đồ nhất thống
về Hiệp Nhất đã được đệ trình trong kỳ họp II của Công Ðồng. Lược đồ gồm 5
chương:
I. Các nguyên tắc
Công Giáo về Hiệp Nhất.
II. Cách tham dự
phong trào Hiệp Nhất.
III. Các Kitô hữu
ly khai với Giáo Hội Công Giáo.
IV. Những tương
giao giữa người Công Giáo với người ngoài Kitô giáo, đặc biệt với người Do
Thái.
V. Tự do tôn
giáo.
Lúc ấy hai
chương cuối cùng do hai tiểu ban của Văn Phòng Hiệp Nhất đảm trách. Nhưng chẳng
bao lâu các Nghị Phụ đã đi đến kết luận là phải bàn luận hai vấn đề này trong
những văn kiện riêng biệt. Như thế, lược đồ mới chỉ gồm ba chương đầu cộng thêm
lời mở. Sự phân chia này đã được duy trì trong bản văn cuối cùng.
Lược đồ này được
tranh luận từ 5 đến 7-10-1964. Theo thỉnh nguyện của các Nghị Phụ, nhiều đề nghị
tu chỉnh đã được thêm vào lược đồ bản văn hiệu chính. Ðáng lẽ lược đồ được biểu
quyết ngày 20-11-1964. Nhưng trước ngày ấy, vị Tổng Thư Ký của Công Ðồng, Ðức
Cha P. Felici, loan báo rằng có 19 điểm đổi thay đã được hoàn thành vào giờ
chót theo yêu cầu của một thẩm quyền cao cấp. Vì thế vấn đề biểu quyết lược đồ
được hoãn lại. Quả thực, Ðức Giáo Hoàng đã đề nghị một loạt các tu chính án;
trong số đó, hội đồng thu hẹp của Văn Phòng Hiệp Nhất đã giữ lại 19 điểm. Do
đó, các Nghị Phụ đã biểu quyết sắc lệnh ngày 21-11-1964 với 2,137 phiếu thuận,11
phiếu chống. Cũng chính hôm ấy, Ðức Phaolô VI đã phê chuẩn và công bố sắc lệnh
này.
Sắc Lệnh mang tựa
đề "Về Hiệp Nhất". Hiệp Nhất là gì? Chúa Giêsu Kitô đã chỉ sáng lập một
Giáo Hội và Người đã muốn tất cả các môn đệ kết hiệp với nhau trong Giáo Hội
duy nhất ấy. Trước ngày tử nạn, Người đã khẩn thiết nguyện cầu cho việc hiệp nhất
này: "Xin cho tất cả nên một" (Gio 17,21). Nhưng qua bao thế kỷ, đã xảy
ra nhiều cuộc phân rẽ đau thương. Một số lớn các Giáo Hội Ðông Phương đã tách
lìa khỏi Roma. Vào thế kỷ XVI, nhiều miền đã biến thành Tin Lành. Ở thế kỷ hiện
tại của chúng ta, người ta mới ý thức hơn về những phân rẽ này. Nhiều người đã
suy tưởng lại lời nguyện của Chúa Giêsu cũng như nghĩ đến việc cứu vãn mối bất
hòa ly tán giữa các Kitô hữu. Vậy người ta đã gọi "Hiệp Nhất" là tất
cả mọi nỗ lực trong những giáo phái Kitô giáo khác nhau, nhằm mục đích kết hiệp
cộng đoàn Kitô hữu đang bị phân rẽ. Danh từ Hiệp Nhất phát sinh từ tiếng Hy Lạp
"Oikoumene"; thời xưa, chữ này biểu thị một Giáo Hội phổ quát lan rộng
khắp hoàn cầu. Như thế, Hiệp Nhất có nghĩa là ước muốn và nỗ lực đạt đến việc
liên kết mọi Kitô hữu nên một trong Giáo Hội phổ quát của Chúa Kitô. Công cuộc
hiệp nhất này đặt nền tảng trên khát vọng sâu xa của tất cả Kitô hữu thiện chí
nhằm thể hiện sự hiệp nhất toàn vẹn mà Chúa Giêsu Kitô đã mong muốn. Phong trào
hướng về hiệp nhất đã khởi sinh trước tiên giữa lòng các giáo phái Tin Lành.
Phong trào nầy đã mặc một hình thức rất cụ thể khi "Hội Ðồng hiệp nhất các
Giáo Hội" được thành lập năm 1948 tại Amsterdam. Người Công Giáo đã tham dự
vào phong trào bằng tuần Bát Nhật cầu nguyện cho hiệp nhất các Kitô hữu (từ
ngày 18 đến 25 tháng giêng mỗi năm). Ngoài sự tham gia đó, người ta đã không thể
nói đến một phong trào hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo, mặc dù các Ðức Giáo
Hoàng đã nhiều lần mời gọi những cộng đoàn ngoài Kitô giáo hãy đến với Giáo Hội
phổ quát. Chắc hẳn có nhiều người Công Giáo, với tư cách cá nhân, đã hoạt động
cho việc hiệp nhất các Kitô hữu, như cha Paul Couturier (+1953) và cha Lambert
Beaudoin dòng Benedictô (+1960). Dầu vậy, phong trào hiệp nhất nơi những người
Công Giáo trước tiên đã nhờ vào hoạt động của Văn Phong Hiệp Nhất các Kitô hữu
rất nhiều. Hơn nữa, công cuộc chuẩn bị Sắc Lệnh về Hiệp Nhất và chính sự tán
dương của Công Ðồng Vaticanô II đã góp phần dồi dào vào việc đào luyện tâm thức
hiệp nhất cho toàn thể các Giám Mục Công Giáo. Sắc Lệnh được Công Ðồng phê chuẩn,
sự kiện nầy là một biểu hiện sáng chói của tâm thức ấy.
Từ đó, chúng ta
có thể thẩm định tầm quan trọng của Sắc Lệnh về Hiệp Nhất. Quả thực, theo ngôn
từ của Ðức Hồng Y Bea, Sắc Lệnh đã biểu lộ lập trường chính thức của quyền tối
cao trong Giáo Hội Công Giáo trước vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu nói chung và
trước phong trào hiệp nhất nói riêng. Sắc Lệnh không chỉ trình bày một giáo
thuyết, nó còn là một hành động: qua Sắc Lệnh đó, Công Ðồng đã ủy thác cho Giáo
Hội Công Giáo nhiệm vụ hiệp nhất. Sắc Lệnh đã tạo nên một bầu khí Kitô giáo đầy
tình huynh đệ giữa những phần tử của Giáo Hội Công Giáo và các anh em ngoài
Công Giáo. Nó còn là khởi điểm cho nỗ lực hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo sau
Công Ðồng.
Sắc Lệnh nhấn mạnh
một số điểm quan trọng đối với phong trào hiệp nhất. Tất cả những ai đã được rửa
tội đều kết hiệp với Chúa Kitô và thật sự là anh em với nhau trong Người. Qua
phép Rửa Tội, họ cũng hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo một cách nào đó, cho dù
mối thông hiệp này chưa toàn hảo. Những Kitô hữu ngoài Công Giáo cũng thừa hưởng
các sản nghiệp phong phú đích thực về chân lý và ân sủng. Chúa Thánh Thần sử dụng
các cộng đồng Kitô giáo khác nhau như những khí cụ ân sủng. Cho nên, những hành
vi thánh mà họ thực hiện có thể làm nẩy sinh và tăng triển đời sống ân sủng của
họ. Vậy nên Sắc Lệnh công nhận rằng: tín đồ của những cộng đồng ly khai này có
khả năng đạt được ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, Sắc Lệnh không che dấu những gì tách
biệt chúng ta khỏi các anh em Kitô hữu không Công Giáo. Họ không thừa hưởng sự
hiệp nhất trọn vẹn mà Chúa Giêsu Kitô đã muốn ban phát cho tất cả những ai Người
đã sinh thành và bồi dưỡng trong chính một thân thể. Vì thế, họ không hưởng thụ
hết tất cả những kho tàng thiêng liêng Chúa Kitô đã ký thác trong Giáo Hội Người.
Sau hết, Sắc Lệnh vạch ra một chương trình hành động hiệp nhất bao la. Kế hoạch
này mở nhiều viễn ảnh rộng lớn và cống hiến một sự chọn lựa đề mục thật phong
phú để đối thoại với những anh em ly khai của chúng ta. Một nhận xét về cách dụng
ngữ của Sắc Lệnh có thể thật hữu ích. Thông thường, danh từ "Hiệp
Thông" chỉ định những cộng đồng Kitô ngoài Công Giáo, không phân biệt Ðông
Phương ly khai, Anh Giáo hay Tin Lành và không thẩm định giá trị tín lý của những
cộng đoàn khác nhau này. Danh từ "Giáo Hội" thỉnh thoảng được áp dụng
cho những cộng đoàn đông phương ly khai, những cộng đoàn quả thực có cơ cấu của
một Giáo Hội. Lúc đề cập đến anh em Tin Lành, Sắc Lệnh nói đến những Giáo Hội
và những "cộng đoàn" giáo hội. Những kiểu danh xưng ấy lúc đó hiểu
theo một nghĩa rộng. Bởi lẽ, theo nghĩa hẹp, danh từ Giáo Hội dường như dòi buộc
một cơ cấu bí tích và phẩm trật; cơ cấu nầy, nói cho đúng, không thấy có nơi những
anh em Tin Lành. Hơn nữa, có vài nhóm Tin Lành từ khước danh hiệu "Giáo Hội"
ấy. Vì thế "Cộng Ðoàn Giáo Hội" muốn diễn tả những cộng đoàn tín hữu
có vẻ tương tự với một Giáo Hội: đó là một từ ngữ khá mơ hồ.
Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa V Ngày 21
tháng 11 Năm 1964
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh Về Hiệp
Nhất
Unitatis
Redintegratio
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
1. Cổ động việc tái lập sự
hiệp nhất 1*
giữa toàn thể các Kitô hữu là một trong những mục tiêu chính của Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II. Quả thực, Chúa Kitô đã thiết lập một Giáo Hội và chỉ một
Giáo Hội duy nhất, nhưng nhiều cộng đồng Kitô giáo tự xưng với mọi người mình
là di sản đích thực của Chúa Kitô; thật vậy, tất cả đều xưng mình là môn đệ của
Chúa nhưng lại cảm nghĩ và đi theo những đường lối khác nhau như thể chính Chúa
Kitô bị phân rẽ vậy 1.
Quả thực, sự phân rẽ này hiển nhiên vừa trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô vừa
là gương xấu 2*
cho thế giới và phương hại cho công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm
cho mọi tạo vật.
Tuy vậy, Chúa
các thế hệ, Ðấng tiếp tục chương trình thi ân cách khôn ngoan và nhẫn nại đối với
chúng ta là những kẻ tội lỗi, trong những ngày gần đây đã bắt đầu đổ dồi dào
tinh thần thống hối và ước vọng hiệp nhất trên các Kitô hữu còn đang chia rẽ với
nhau. Rất nhiều người ở khắp nơi được khích lệ bởi ơn này và nhờ ơn Chúa Thánh
Thần tác động, một phong trào tái lập sự hiệp nhất mọi Kitô hữu cũng được phát
khởi mỗi ngày một rộng rãi hơn nơi những anh em phân ly với chúng ta. Tham dự
phong trào tìm về hiệp nhất này, cũng được mệnh danh là phong trào hiệp nhất,
là những người cầu khẩn Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và là Ðấng
Cứu Thế, 3*
không những từng cá nhân riêng rẽ, mà còn tụ họp lại nơi những cộng đoàn trong
đó họ đã được nghe Phúc Âm, và mỗi người gọi các cộng đoàn ấy là Giáo Hội của họ
và của Thiên Chúa. Tuy nhiên hầu như 4*
tất cả, dầu mỗi người mỗi cách, đều ngưỡng vọng một Giáo Hội duy nhất và hữu
hình của Thiên Chúa, một Giáo Hội thực sự phổ quát và được sai đến với toàn thể
thế giới, để thế giới trở về với Phúc Âm và nhờ vậy, được cứu rỗi hầu làm vinh
danh Thiên Chúa.
Vì vậy, một khi
hoan hỷ cứu xét tất cả những điều ấy, và sau khi công bố học thuyết về Giáo Hội
5*,
Thánh Công Ðồng này cũng thiết tha mong mỏi tái lập hiệp nhất giữa tất cả các
môn đệ Chúa Kitô, nên muốn cung ứng cho mọi người Công Giáo sự trợ lực, đường lối
và phương sách để họ có thể đáp ứng lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa 6*.
Chú Thích:
1* Cũng như tựa
đề của Sắc Lệnh "Về Hiệp Nhất", những tiếng "tái lập hiệp nhất"
chỉ định mục đích của sắc lệnh. Lời mở đầu khai triển vắn tắt mục đích này nhằm
vào việc hiệp nhất tất cả Kitô hữu.
1 Xem 1 Cor
1,13.
2* Sự phân ly giữa
các Kitô hữu là một gương xấu, vì lời cầu hiệp nhất của Chúa Kitô mà mọi người
đều tuyên xưng đã bị chà đạp và vì Kitô giáo rao giảng bác ái trong khi các
Kitô hữu lại chia rẽ nhau. Sự phân rẽ này đã làm đình trệ công cuộc Phúc Âm
hóa: bởi lẽ Phúc Âm do các cộng đồng Kitô hữu dị biệt loan báo ngay giữa mối bất
đồng và cả đến mâu thuẫn với nhau.
3* Câu này ám chỉ
về việc tuyên xưng đức tin mà Hội Ðồng Hiệp Nhất các Giáo Hội năm 1961 tại Tân
Ðề Li đã chấp nhận.
4* Tiếng này đã
được thêm vào theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng, bởi vì có vài anh em Tin
Lành chối bỏ việc Chúa Kitô đã thiết lập một Giáo Hội hữu hình.
5* Học thuyết
này đã được tuyên bố trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, công bố cùng ngày với Sắc
Lệnh Hiệp Nhất.
6* Dù không nói
rõ, sắc lệnh này hủy bỏ và thay thế một số huấn giới ban hành trước kia do giáo
luật hoặc do những sắc lệnh ngày 5 tháng 6 năm 1948 và 20 tháng 12 năm 1949 về
mối tương quan với những người ngoài công giáo.
Chương I: Các Nguyên Tắc Công Giáo Về Hiệp Nhất 7*
2. Giáo Hội hiệp nhất và
duy nhất. Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đã hiển hiện trong việc Con Một
Thiên Chúa đã được Chúa Cha sai đến thế gian, để một khi hóa thân làm người,
Người tái sinh toàn thể nhân loại bằng cách cứu chuộc họ và đoàn tụ họ nên một 2.
Trước khi tự hiến làm lễ vật tinh tuyền trên thánh giá, Người đã cầu cùng Chúa
Cha cho các tín hữu rằng: "Xin cho hết thảy được hiệp nhất như Cha ở trong
Con và Con ở trong Cha vậy, để chính họ cũng được nên một trong Ta và cho thế
gian tin rằng Cha đã sai Con" (Gio 17,21). Người đã thiết lập trong Giáo Hội
của Người nhiệm tích Thánh Thể kỳ diệu, vừa là dấu chỉ vừa thể hiện sự hiệp nhất
của Giáo Hội. Người ban cho các môn đệ Người một giới răn mới là tình yêu
thương nhau 3,
và hứa ban Thánh Thần an ủi 4, Ðấng
vừa là Chúa vừa ban sự sống để ở với họ mãi mãi.
Sau khi đã chịu
treo trên thập giá và được vinh hiển, Chúa Giêsu ban Thánh Thần Người đã hứa.
Nhờ Thánh Thần ấy, Người đã kêu gọi và đoàn tụ dân của Giao Ước Mới, tức là
Giáo Hội trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến như Thánh Tông Ðồ dạy:
"Chỉ có một thân thể và một Thánh Thần cũng như anh em được kêu gọi bằng một
hy vọng của ơn kêu gọi anh em: một Chúa, một Ðức Tin, một phép Rửa" (Eph
4,4-5). "Thực vậy, những ai được rửa tội trong Chúa Kitô, đều mặc lấy Chúa
Kitô... Vậy, tất cả đều là một trong Chúa Giêsu Kitô" (Gal 3,27-28), Bản
Hy Lạp). Chúa Thánh Thần ngự trong lòng các tín hữu, đổ đầy ơn và cai trị Giáo
Hội, Ngài thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu ấy nơi các tín hữu, và liên kết tất cả
trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là Nguyên Lý Hiệp Nhất Giáo Hội.
Ngài phân phát các ân sủng và phận vụ 5 để
nhờ có nhiều chức vụ khác nhau mà Giáo Hội Chúa Kitô nên phong phú "hầu
cho các thánh được hoàn thiện trong việc thi hành chức vụ và trong việc xây dựng
thân thể Chúa Kitô" (Eph 4,12).
Nhưng để thiếp lập
Giáo Hội thánh thiện của Người khắp nơi trên mặt đất cho tới tận thế, Chúa Kitô
đã ủy thác 6
cho cộng đoàn mười hai Tông Ðồ nhiệm vụ giáo huấn, cai trị và thánh hóa. Trong
số ấy Chúa đã chọn Phêrô và đã công bố xây dựng Giáo Hội trên Phêrô sau khi ông
tuyên xưng đức tin. Người hứa trao 7
chìa khóa nước trời cho Phêrô và sau khi ông đã tuyên xưng tình yêu đối với Người,
Người trao phó 8
toàn thể đoàn chiên cho ông để ông củng cố trong đức tin và chăn dắt 9
trong sự hiệp nhất hoàn toàn, trong khi ấy, Chúa Giêsu Kitô đời đời vẫn là đá
góc 10
và chủ chăn linh hồn chúng ta 11.
Nhờ các Tông Ðồ
và những người kế vị các ngài, là các Giám Mục cùng với thủ lãnh là đấng kế vị
Thánh Phêrô, trung thành rao giảng Phúc Âm và ban phát các bí tích, lại nhờ sự
điều khiển yêu thương dưới tác động của Thánh Thần, Chúa Kitô muốn dân Người lớn
lên và hoàn thành sự thông hiệp trong hiệp nhất, nghĩa là: cùng tuyên xưng một
đức tin, cùng cử hành một nghi lễ phụng tự, cùng hòa hợp trong tình huynh đệ của
gia đình Thiên Chúa.
Như thế, Giáo Hội
là đoàn chiên duy nhất của Thiên Chúa, như dấu chỉ nêu cao cho muôn dân 12,
khi đem Phúc Âm hòa bình phục vụ toàn thể nhân loại 13.
Giáo Hội hành trình trong hy vọng tiến về cùng đích 14
là quê trời.
Ðó là mầu nhiệm
thánh của sự hiệp nhất Giáo Hội trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, dưới tác động
của Thánh Thần trong nhiều phận vụ khác nhau. Mẫu mực tối cao và nguyên lý của
mầu nhiệm này là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất là Cha
và Con trong Thánh Thần.
3. Tương quan giữa anh em
ly khai và Giáo Hội Công Giáo. Ngay từ buổi sơ khai, trong Giáo Hội độc nhất và
duy nhất của Thiên Chúa đã xuất hiện 15
ít nhiều rạn nứt mà Thánh Tông Ðồ đã nặng lời quở trách như là đáng kết án 16.
Nhưng trong các thời đại kế tiếp, phát sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn và nhiều
cộng đoàn đáng kể đã hoàn toàn ly khai khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội Công
Giáo, mà đôi khi cũng tại lỗi những người ở cả hai bên. Vậy ngày nay, những người
sinh trưởng trong các Cộng Ðoàn ấy và thấm nhuần đức tin nơi Chúa Kitô không thể
bị kết tội chia rẽ và Giáo Hội Công Giáo kính trọng, yêu thương họ như anh em.
Thật vậy những người tin ở Chúa Kitô và đã được rửa tội đúng phép vẫn còn hiệp
thông với Giáo Hội Công Giáo một cách nào đó 8*
cho dầu không được hoàn hảo. Hiển nhiên là các dị biệt dưới nhiều hình thức giữa
họ và Giáo Hội Công Giáo về vấn đề giáo lý, đôi khi về kỷ luật hay cơ cấu Giáo
Hội, gây cho việc hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội khá nhiều trở ngại và có khi lại
là những trở ngại lớn lao mà phong trào hiệp nhất đang cố gắng vượt qua. Tuy
nhiên một khi đã được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép rửa tội, họ đã
được tháp nhập 17
vào Chúa Kitô và vì thế có quyền mang danh Kitô hữu 9*
và xứng đáng được con cái của Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa
18.
Hơn nữa, trong
các yếu tố hoặc tài sản xây dựng và làm sống động Giáo Hội, một số khá nhiều và
tuyệt hảo có thể không nằm trong bình diện hữu hình của Giáo Hội Công Giáo như:
Lời Chúa ghi chép trong Thánh Kinh, đời sống trong ơn thánh, đức tin, cậy, mến
và các ơn nội tâm do Thánh Thần ban, cùng những yếu tố hữu hình: tất cả đã phát
sinh từ Chúa Kitô và dẫn đưa về chính Người, thì đương nhiên cũng thuộc về quyền
Giáo Hội duy nhất của Người 10*.
Các anh em ly
khai với chúng ta cũng cử hành nhiều lễ nghi phụng vụ của Kitô giáo. Những lễ
nghi ấy, chắc chắn có thể thực sự phát sinh đời sống ơn thánh và phải được công
nhận là đường đưa đến sự thông hiệp vào ơn cứu rỗi, tuy cách thức có khác nhau
tùy hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội hay Cộng Ðoàn.
Do đó, dù chúng
ta tin là họ còn khiếm khuyết, nhưng chính các Giáo Hội 19
và các Cộng Ðoàn tách riêng 11*
ấy vẫn chưa trở thành vô nghĩa và vô giá trị trong mầu nhiệm cứu rỗi. Thật vậy,
Thánh Thần của Chúa Kitô không khước từ sử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi
mà năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của ơn thánh và chân lý đã được ủy
thác cho Giáo Hội Công Giáo 12*.
Nhưng các anh em
tách riêng khỏi chúng ta, cá nhân cũng như Cộng Ðoàn và các Giáo Hội của họ,
không được hưởng sự hiệp nhất đã được Chúa Giêsu Kitô rộng ban cho những kẻ Người
đã tái sinh và cho sống chung trong một thân thể duy nhất và trong đời sống mới,
sự hiệp nhất mà Thánh Kinh và Truyền Thống đáng kính của Giáo Hội đều tuyên
xưng. Chỉ nhờ Giáo Hội Công Giáo của Chúa Kitô là "phương thế cứu rỗi
chung" 13*
ta mới có thể đạt được đầy đủ các phương tiện cứu rỗi. Thật ra chúng tôi tin
Chúa đã ủy thác cho Cộng Ðoàn Tông Ðồ được Phêrô lãnh đạo tất cả sản nghiệp Tân
Ước để tạo thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô ở trần gian. Tất cả những
ai đã thuộc về dân Chúa một cách nào đó đều phải tháp nhập vào thân thể ấy.
Trên đường lữ thứ trần gian, mặc dù các chi thể 14*
còn có thể phạm tội, dân Chúa vẫn lớn lên trong Chúa Kitô và được Thiên Chúa dịu
dàng hướng dẫn theo chương trình nhiệm mầu của Người cho đến khi họ sung sướng
đạt tới vinh quang trường cửu và sung mãn trong thành Giêrusalem trên trời.
4. Phong trào hiệp nhất.
Vì ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều
cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được
thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên Thánh Công Ðồng này khuyến
khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo
tham gia vào công cuộc hiệp nhất. 15*.
Phải hiểu danh từ
"phong trào hiệp nhất" là những hoạt động và sáng kiên được phát động
và tổ chức nhằm cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, tùy theo những nhu cầu khác
nhau của Giáo Hội và những thời cơ thuận tiện. Trước hết như là mọi cố gắng loại
bỏ những lời nói, phán đoàn và việc làm không đúng với hoàn cảnh của các anh em
ly khai xét theo công bình và chân lý, vì nếu không sẽ gây thêm khó khăn trong
việc giao tiếp với họ. Thứ đến là trong các buổi hội thảo với tinh thần tôn
giáo giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội hay Cộng Ðoàn khác nhau, có sự
"đối thoại" giữa các nhà chuyên môn thấu triệt vấn đề, và mỗi người sẽ
giải thích cặn kẽ giáo lý của Cộng Ðoàn mình và trình bày minh bạch những nét độc
đáo của giáo lý ấy. Có đối thoại như thế mọi người mới hiểu biết đúng hơn và
tôn trọng đúng mức giáo lý cũng như đời sống của mỗi Cộng Ðoàn; cũng nhờ đó mà
các Cộng Ðoàn dần dần hợp tác được với nhau rộng rãi hơn trong mọi công cuộc
mưu ích chung mà lương tâm Kitô hữu nào cũng đòi hỏi; lại cũng nhờ đó, họ hợp
nhau cầu nguyện chung mỗi khi có cơ hội thuận tiện. Sau cùng mọi người hãy kiểm
điểm coi mình có trung thành với ý muốn của Chúa Kitô về Giáo Hội không, để rồi
hăng hái tiến hành việc canh tân và cải tổ đúng như bổn phận đòi hỏi.
Khi các tín hữu
của Giáo Hội Công Giáo khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện tất cả các điều ấy 16*
dưới sự giám sát của các chủ chăn tức là họ đã đóng góp cho việc thực hiện công
bình và chân lý, sự hòa thuận và hợp tác, tình huynh đệ và đoàn kết. Với đường
hướng này, khi đã vượt được mọi trở ngại ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn của
Giáo Hội, dần dần mọi Kitô hữu sẽ đoàn tụ qua việc cử hành Phép Thánh Thể duy
nhất, hiệp nhất trong một Giáo Hội độc nhất; sự hiệp nhất mà Chúa Kitô từ ban đầu
đã rộng ban cho Giáo Hội của Người. Chúng tôi tin rằng sự hiệp nhất ấy tồn tại
mãi trong Giáo Hội Công Giáo và hy vọng rằng mỗi ngày sẽ bành trướng thêm cho đến
tận thế.
Dĩ nhiên, công
cuộc chuẩn bị và hòa giải của những cá nhân riêng rẽ 17*,
những người ao ước hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, tự bản tính khác
với phong trào hiệp nhất; tuy nhiên, chúng không đối lập nhau vì cả hai đều do
sự an bài kỳ diệu của Thiên Chúa.
Trong khi hoạt động
cổ võ sự hiệp nhất, chắc chắn các tín hữu công giáo phải tỏ ra ân cần đối với
các anh em ly khai, cầu nguyện cho họ, thông đạt cho họ các việc của Giáo Hội,
khởi xướng bước đầu đi đến với họ. Trước hết cần thành thực và chú ý cân nhắc
những gì phải canh tân và thực hiện trong chính Gia Ðình Công Giáo để đời sống
của Giáo Hội làm chứng cách trung thành và rõ rệt hơn về giáo lý và những định
chế do Chúa Kitô truyền lại qua các Thánh Tông Ðồ.
Dù Giáo Hội Công
Giáo được thừa hưởng toàn thể chân lý do Chúa mạc khải và tất cả những phương
tiện ban ân sủng, nhưng các phần tử của Giáo Hội lại chưa nhiệt thành sống các
mầu nhiệm ấy cho đủ nên khuôn mặt của Giáo Hội ít chiếu giãi rực rỡ trước mặt
các anh em ly khai và toàn thế giới, và nước Chúa cũng chậm bành trướng. Vì thế,
tất cả mọi người Công Giáo phải hướng đến sự hoàn thiện Kitô giáo 20,
mỗi người phải tùy theo hoàn cảnh của mình cố gắng làm cho Giáo Hội, tuy đang
mang trên mình sự khiêm tốn và hy sinh của Chúa Kitô 21,
mỗi ngày một thêm trong sạch và mới mẻ cho tới khi Chúa Kitô cho trình diện trước
mặt mình Giáo Hội vinh quang không một vết ố, nét nhăn 22.
Khi bảo toàn sự
hiệp nhất trong những điều thiết yếu, hết mọi người trong Giáo Hội, tùy theo chức
vụ được giao phó, cần giữ sự tự do phải có trong những hình thức khác nhau về đời
sống thiêng liêng và kỷ luật trong các lễ nghi phụng tự và ngay cả trong việc
khảo cứu thần học 18*
về các chân lý mạc khải: nhưng trong mọi việc, hãy thực hành đức bác ái. hành động
như thế, chính họ sẽ biểu hiện càng ngày càng đầy đủ hơn tính cách công giáo và
tông truyền chính danh của Giáo Hội.
Ðàng khác, người
công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thật sự Kitô
giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai.
Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực
Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người - và có khi phải đổ
máu mới nói lên được - quả là chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa
luôn đáng khâm phục và việc Ngài làm bao giờ cũng kỳ diệu.
Cũng đừng quên rằng
những gì do ơn Chúa Thánh Thần thực hiện nơi các anh em ly khai cũng có thể góp
phần xây dựng chúng ta. Bất cứ những gì thực sự Kitô giáo đều không bao giờ đối
lập với những chân giá trị của đức tin, trái lại còn luôn luôn có thể giúp
chúng ta đi sâu hơn vào chính mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội.
Tuy nhiên, sự
chia rẽ giữa các Kitô hữu ngăn trở Giáo Hội thực hiện đầy đủ tính cách công
giáo riêng biệt của mình nơi những con cái tuy đã thuộc về Giáo Hội nhờ phép Rửa,
nhưng còn xa cách chưa hoàn toàn thông hiệp với Giáo Hội. Hơn nữa, chính Giáo Hội
cũng diễn tả khó khăn hơn tính cách công giáo đầy đủ của mình dưới mọi khía cạnh
trong đời sống thực tế.
Thánh Công Ðồng
sung sướng nhận thấy sự tham gia hoạt động cổ võ việc hiệp nhất của các tín hữu
công giáo đang ngày càng phát triển và giao phó công việc ấy cho các Giám Mục ở
khắp nơi trên toàn thế giới để các ngài khéo léo cổ võ và khôn ngoan hướng dẫn
công cuộc này.
Chú Thích:
7* Tựa đề của
chương này lúc trước là "Các nguyên tắc về hiệp nhất công giáo". Qua
đó, dường như người ta muốn nói rằng có nhiều "kiểu" hiệp nhất (Tin
Lành, Công Giáo, v.v...). Thực ra chỉ có một sự hiệp nhất mà mỗi cộng đồng Kitô
hữu tham gia vào theo những nguyên tắc riêng của mình. Bởi vậy người ta thay đổi
tựa đề lại gọi là: "Các nguyên tắc công giáo về hiệp nhất". Ðoạn đầu
của chương này (số 2) là một lời nhắc lại vắn tắt học thuyết Công Giáo về tính
cách duy nhất và hiệp nhất của Giáo Hội do Chúa Kitô sáng lập. Phải tôn trọng
những chân lý này trong cuộc đối thoại với anh em ly khai.
2 Xem Gio 4,9;
3 Xem Gio 13,34.
4 Xem Gio 16,7.
5 Xem 1Cor
12,4-11.
6 Xem Mt
28,18-20, so sánh với Gio 20,21-23.
7 Xem Mt 16,19,
so sánh với Mt 18,18.
8 Xem Lc 22,32.
9 Xem Gio
21,15-17.
10 Xem Eph 2,20.
11 Xem 1P 2,25;
CÐ Vat. I, Hiến chế Pastor Aetermus; Coll, Lac, 7,482a.
12 Xem Is
11,10-12.
13 Xem Eph
2,17-18, so sánh với Mc 16,15.
14 Xem 1P 1,3-9.
15 Xem 1Cor
11,18-19; Gal 1,6-9; 1Gio 2,18-19.
16 Xem 1Cor
1,11tt; 11,22.
8* Sắc Lệnh này
tránh gọi: những Kitô hữu không công giáo là phần tử của Giáo Hội, họ liên kết
một cách nào đó với Giáo Hội Công Giáo nhất là nhờ phép Rửa Tội, nhưng họ không
được hưởng dụng trọn vẹn sự sung mãn của Giáo Hội.
17 Xem CÐ
9* Tất cả những
ai kết hiệp với Chúa Kitô qua phép Rửa Tội thành sự đều được gọi là Kitô hữu.
18 Xem T.
Augustinô, In Ps. 32, Enarr, II 29: PL 36, 299.
10* Tất cả những
tài sản thiêng liêng mà những người không công giáo thừa hưởng đã được Chúa
Kitô trao gởi cho Giáo Hội Người là Giáo Hội Công Giáo.
19 Xem CÐ
Lateranô IV (1215), Hiến chế IV: Mansi 22, 990. - CÐ Lyon II (1274), tuyên xưng
đức tin của Michael Palaeologiô: Mansi 24, 71 E. - CÐ Firenze, khóa VI (1439),
Ðịnh tín Laerentur coeli: Mansi 31, 1026 E.
11* Sắc lệnh này
dùng tiếng latinh "seiunctae" nghĩa là "tách riêng", tiếng
này có vẻ nhẹ hơn là "ly khai".
12* Ðức Giáo
Hoàng đã thêm tiếng "Công Giáo"; quả thực Giáo Hội Công Giáo là chính
Giáo Hội đã được Chúa Kitô sáng lập.
13* Câu này
trích từ một bức thư Tòa Thánh gửi Ðức Hồng Y Cushing ở Boston (ngày 8 tháng 8
năm 1949) nói rằng Giáo Hội Công Giáo là một phương tiện cứu rỗi cần thiết; đồng
thời tài liệu ấy cũng cho biết mối liên lạc nào với Giáo Hội Công Giáo đủ để được
cứu rỗi. Dẫn chứng câu này, Công Ðồng chuẩn nhận học thuyết ấy làm học thuyết của
mình.
14* Theo lời yêu
cầu của Ðức Giáo Hoàng, tiếng các "chi thể" đã được thêm vào để nhấn
mạnh rằng Giáo Hội "tự bản tính" không thể nhiễm tội (Eph 5,27), song
chính các chi thể của Giáo Hội mới chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ.
15* Sắc lệnh mời
gọi tất cả những người công giáo góp phần tích cực và khôn ngoan vào công cuộc
hiệp nhất.
16* Ðoạn này đề
nghị vài phương thế có thể hỗ trợ cho nguyên nhân hiệp nhất: tránh tất cả những
gì có thể đụng chạm tới các anh em ly khai, đối thoại, cầu nguyện, canh tân đời
sống thiêng liêng và cải cách những gì cần thiết.
17* Trước tiên
là vấn đề những người đi đến Giáo Hội với tư cách cá nhân. Người ta tránh dùng
chữ "trở lại". Những đoạn tiếp, theo sự mô tả các phương thế khác
nhau, biểu lộ một tâm thức hiệp nhất đích thực.
20 Xem Giac 1,4;
Rm 12,1-2.
21 Xem 2 Cor
4,10; Ph 2,5-8.
22 Xem Eph 5,27.
18* Ðề cập đến
các phương pháp và cách thức tìm hiểu, đào sâu và diễn tả những chân lý mạc khải
mà ý nghĩa vẫn luôn đồng nhất đối với mọi người.
Chương II: Cách Tham Dự Phong Trào Hiệp Nhất
5. Mọi người phải lưu tâm
đến sự hiệp nhất. Mối bận tâm tái lập hiệp nhất liên hệ đến toàn thể Giáo Hội,
tín hữu cũng như chủ chăn, mỗi người đều phải lưu tâm tùy theo sức riêng của
mình, hoặc trong đời sống Kitô hữu thường nhật, hoặc trong các công trình khảo
cứu thần học và sử học. 19*
Nỗi bận tâm này chứng tỏ một phần nào sự liên kết huynh đệ vốn tiềm tàng giữa
các Kitô hữu và dẫn đưa tới sự hiệp nhất đầy đủ và toàn hảo theo lòng nhân hậu
của Thiên Chúa.
6. Canh tân Giáo Hội. Vì mọi
việc canh tân Giáo Hội 1 cốt
yếu nhằm sống trung thành với ơn gọi của Giáo Hội hơn, nên chắc chắn đó là lý
do giải thích tại sao có phong trào hiệp nhất. Trên đường lữ hành, Giáo Hội được
Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Giáo Hội vì là một định
chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến. Do đó, nếu vì hoàn cảnh mà tuân giữ ít chu
đáo một vài điểm hoặc về luân lý hoặc về kỷ luật Giáo Hội hoặc cả trong cách
trình bày giáo lý - cách trình bày này phải được thận trọng phân biệt với chính
kho tàng đức tin - thì phải lo cải tổ cho đúng mức khi thuận tiện 20*.
Vì thế, sự canh
tân này có giá trị rất lớn đối với công cuộc hiệp nhất. Giáo Hội thực hiện cuộc
canh tân ấy bằng nhiều hình thức khác nhau của đời sống Giáo Hội như phong trào
Thánh Kinh và phụng vụ, việc rao giảng lời Chúa và giáo lý, hoạt động tông đồ
giáo dân, những hình thức mới trong đời tu trì, nền đạo đức hôn nhân, học thuyết
và hoạt động xã hội của Giáo Hội; phải coi những hình thức ấy như là đảm bảo và
là điềm báo những tiến bộ tương lai của phong trào hiệp nhất.
7. Hoán cải tâm hồn. Không
thể có phong trào hiệp nhất chính danh mà không có sự hoán cải nội tâm. Thật vậy,
những ước vọng hiệp nhất bắt nguồn và chín mùi nhờ sự đổi mới tâm trí 2, từ
bỏ chính mình và bác ái một cách hết sức quảng đại. Vì thế, phải nguyện xin
Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta ơn thành thật quên mình, khiêm nhượng và hiền
hòa trong khi phục vụ, quảng đại trong tình huynh đệ đối với tha nhân. Vị Tông
Ðồ dân ngoại đã nói: "Tôi đây tù nhân trong Chúa, tôi khẩn khoản nài xin
anh em hãy tiến bước đàng hoàng theo ơn kêu gọi mình đã được với tất cả lòng
khiêm nhượng và hiền hậu, hãy nhẫn nại chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo lắng
duy trì sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hòa bình" (Eph
4,1-3). Lời khuyên nhủ ấy trước hết liên hệ đến những ai được nhắc lên chức
thánh để tiếp tục sứ mệnh Chúa Kitô, Người đến giữa chúng ta "không phải để
được phục vụ, nhưng để phục vụ người ta" (Mt 20,28).
Lời chứng sau
đây của Thánh Gioan vốn còn giá trị trước những lỗi lầm hủy hoại hiệp nhất:
"Nếu ta nói rằng mình vô tội, ta kể Người là kẻ dối trá và Lời của Người
không ở trong chúng ta" (1Gio 1,10). Vậy chúng ta hãy khiêm nhường xin lỗi
Chúa và xin lỗi những anh em ly khai, cũng như chúng ta tha kẻ có nợ chúng ta 21*.
Hết mọi Kitô hữu
hãy nhớ luôn là càng cố gắng sống trong sạch hơn theo Phúc Âm, càng cổ võ và thực
hiện sự hiệp nhất các Kitô hữu cách hữu hiệu hơn. Càng kết hiệp mật thiết với
Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần, họ càng dễ dàng thắt chặt tình tương thân
tương ái với nhau hơn 22*.
8. Hiệp nhất trong lời
nguyện. Sự hoán cải tâm hồn và đời sống thánh thiện làm một với những lời khẩn
cầu chung hay riêng cho sự hiệp nhất các Kitô hữu phải được coi như là linh hồn
của tất cả phong trào hiệp nhất và xứng đáng mệnh danh là "sự hiệp nhất
thiêng liêng".
Người công giáo
thường có thói quen hội nhau để cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất, lời cầu
nguyện mà chính Ðấng Cứu Thế trước ngày tử nạn đã khẩn khoản dâng lên Chúa Cha:
"Xin cho tất cả nên một" (Gio 17,21).
Trong vài trường
hợp đặc biệt, chẳng hạn như những dịp được chính thức tổ chức để cầu nguyện
"cho hiệp nhất" và trong các buổi hội thảo về hiệp nhất, chẳng những
người công giáo được phép mà còn phải được khuyến khích hiệp nhau cầu nguyện với
anh em ly khai. Những kinh nguyện chung như thế là phương tiện rất hữu hiệu để
xin ơn hiệp nhất và tiêu biểu thực sự mối dây còn đang liên kết người công giáo
với anh em ly khai: "Vì đâu có hai ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy
sẽ giữa họ" (Mt 18,20) 23*.
Nhưng không được
phép áp dụng bừa bãi việc "thông dự vào sự thánh" 24*
như phương thế để tái lập hiệp nhất các Kitô hữu. Việc thông dự ấy đặc biệt tùy
thuộc hai nguyên tắc: biểu hiệu sự duy nhất của Giáo Hội và tham dự các phương
tiện ban ân sủng. Nhiều khi, việc biểu hiệu sự duy nhất của Giáo Hội ngăn trở sự
hiệp thông, nhưng đôi khi nhu cầu ban ân sủng lại khuyến khích sự hiệp thông ấy.
Về phương cách hành động trong thực tế, hãy theo mọi hoàn cảnh thời gian, không
gian và nhân sự được Giám Mục bản quyền khôn ngoan định đoạt, trừ khi Tòa Thánh
hay Hội Ðồng Giám Mục theo qui chế riêng ấn định thể khác.
9. Tìm hiểu nhau. Phải biết
tâm trạng của các anh em ly khai. Vì thế, cần tìm hiểu họ trong chân lý và với
lòng nhân hậu. Người công giáo đã được chuẩn bị đầy đủ cần phải tìm hiểu sâu rộng
hơn về học thuyết và lịch sử, về đời sống tu đức và phụng tự, về tâm lý tôn
giáo và văn hóa riêng của anh em ly khai. Ðể đạt được kết quả ấy, các buổi hội thảo
song phương, nhất là khi bàn về các vấn đề thần học, sẽ giúp ích rất nhiều.
Trong các cuộc hội thảo ấy, mọi người được bình đẳng bàn luận, miễn là những
người tham dự, dưới sự giám sát của Giám Mục, thật sự là những nhà chuyên môn.
Nhờ đối thoại như thế lập trường của Giáo Hội Công Giáo được nhận thức rõ ràng
hơn. Rồi cũng như thế tư tưởng của anh em ly khai được am hiểu hơn và chúng ta
có thể trình bày đức tin cho họ cách thích hợp hơn 25*.
10. Sự huấn luyện trên
phương diện hiệp nhất. Thần học và các môn học khác, nhất là sử học, cũng phải
được trình bày theo chiều hướng hiệp nhất hầu đáp ứng với thực tại cách chính
xác hơn.
Vậy các chủ chăn
và linh mục tương lai phải am tường khoa thần học đã được trình bày xác đáng
như thế, chứ đừng theo lối bút chiến 26*,
nhất là trong những vấn đề liên hệ đến những tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo
và các anh em ly khai.
Sự giáo dục và
huấn luyện tu đức thiết yếu của các tín hữu và tu sĩ tùy thuộc rất nhiều ở nền
giáo dục của các linh mục.
Người công giáo
dấn thân hoạt động truyền giáo trong những phần đất chung với các Kitô hữu
khác, nhất là trong lúc này, phải am tường các vấn đề và các thành quả do phong
trào hiệp nhất đem đến cho việc tông đồ của họ 27*.
11. Cách thức diễn tả và
trình bày đức tin. Phương pháp và cách diễn tả đức tin công giáo không được gây
trở ngại cho việc đối thoại với những người anh em. Cần phải trình bày rõ ràng
nguyên vẹn giáo lý. Không gì phá hoại hiệp nhất cho bằng chủ trương xu thời sai
lệch 28*,
nó làm tổn thương giáo lý công giáo thuần túy và làm lu mờ ý nghĩa đích thực và
chắc chắn của những giáo lý này.
Ðồng thời, đức
tin công giáo phải được giải thích sâu xa và chính xác hơn bằng cách thức và
ngôn từ để các anh em ly khai có thể hiểu đúng nghĩa.
Hơn nữa, khi
cùng các anh ly khai tìm hiểu các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong cuộc đối thoại
hiệp nhất, các nhà thần học công giáo gắn bó với giáo lý của Giáo Hội, phải tiến
hành với lòng yêu mến chân lý, bác ái và khiêm nhường. Khi so sánh các giáo lý
với nhau, phải nhờ rằng có một "phẩm trật" 29*
trong các chân lý của giáo lý công giáo vì liên hệ giữa các chân lý ấy với nền
tảng đức tin không đồng đều. Quan niệm như thế tức là đã vạch ra được một đường
hướng để nhờ sự tranh đua thân hữu, tất cả được thúc đẩy tìm hiểu sâu rộng và
biểu hiệu rõ ràng hơn nguồn phong phú khôn lường của Chúa Kitô 3.
12. Cộng tác với anh em ly
khai. Trước mặt muôn dân 30*,
toàn thể các Kitô hữu hãy tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất và Ba
Ngôi, vào Con Thiên Chúa nhập thể, cứu chuộc và là Chúa chúng ta; và trong sự
tôn trọng lẫn nhau, hãy cùng nỗ lực làm chứng cho niềm trông cậy của chúng ta,
niềm trông cậy không bao giờ luống công. Vì ngày nay sự hợp tác trong các hoạt
động xã hội đang được thiết lập rộng rãi, nên hết mọi người đều được kêu gọi để
chung lưng làm việc, huống chi những người tin nơi Chúa nhất là các Kitô hữu,
vì họ đã được mang danh Chúa Kitô. Sự hợp tác của tất cả các Kitô hữu nói lên
cách hùng hồn tình liên kết đang thắt chặt họ lại với nhau và biểu dương khuôn
mặt của Chúa Kitô Tôi Tớ cách rực rỡ hơn. Sự hợp tác này đã được thiết lập
trong nhiều quốc gia và cần được cải thiện thêm mãi, nhất là trong những vùng
tiến bộ về mặt xã hội cũng như kỹ thuật bằng cách làm cho nhân phẩm được tôn trọng
đúng mức, bằng cách cổ võ hòa bình hoặc nỗ lực áp dụng Phúc Âm vào đời sống xã
hội, bằng cách phát triển khoa học và nghệ thuật trong tinh thần Kitô giáo, bằng
cách áp dụng đủ loại phương dược chống các khổ nạn của thời đại chúng ta, như nạn
đói ăn, thiên tai, mù chữ, nghèo túng, vô gia cư, bất bình đẳng trong việc phân
phối phẩm vật. Nhờ sự cộng tác ấy, tất cả mọi kẻ tin vào Chúa kitô có thể dễ
dàng học hỏi cho biết cách tìm hiểu, tôn trọng nhau hơn và dọn đường tiến tới
hiệp nhất các Kitô hữu.
Chú Thích:
19* Những cuộc
nghiên cứu sử học và thần học có thể giảm thiểu các thiên kiến và chứng tỏ rằng
đã xảy ra nhiều hiểu lầm, như vậy mối liên kết sẽ thêm dễ dàng hơn.
1 Xem Lateranô
V, khóa XII (1517), Hiến chế Constituti: Mansi 32, 988 B.C.
20* Cách diễn đạt
một chân lý mạc khải có thể thật rõ ràng trong môi trường lịch sử của nó, song
lại rất khó hiểu trong một hoàn cảnh lịch sử khác. Trong trường hợp này nên tìm
một công thức khác, nhưng không thay đổi ý nghĩa đã được mạc khải.
2 Xem Eph 4,23.
21* Tinh thần hiệp
nhất là tinh thần hòa giải và bác ái với nhau. Do đó người công giáo và không
công giáo phải tha thứ cho nhau những lỗi phạm chống lại tinh thần này.
22* Bằng nhiều
cách khác nhau, trọn số này diễn tả một chân lý rất căn bản: để hiệp nhất các
Kitô hữu, trước tiên tất cả mọi người công giáo hãy sống trọn vẹn và trung
thành với tôn giáo của mình.
23* Công Ðồng
khuyến khích việc cầu nguyện chung giữa người công giáo và không công giáo khi
tiện dịp. Những kinh nguyện chung có thể là Lạy Cha, Sáng Danh, các Thánh Vịnh
hay bài đọc Thánh Kinh.
24* Có
"thông dự vào sự thánh" khi một người công giáo tham dự vào sinh hoạt
tôn giáo của một cộng đoàn không công giáo, hay trái lại. Lúc ấy người ta gọi
những kinh nguyện chung như sự tham dự nào đó được ban phép và cổ võ. Ðiều kiện
để một hoạt động tôn giáo được chuẩn nhận là nó phải biểu hiệu được tính cách
hiệp nhất của Giáo Hội và thực sự là một phương thế ban ân sủng. Ðiều kiện thứ
nhất thường thiếu sót; trường hợp ấy, người công giáo không được phép tham dự.
Cũng thế, lễ Tiệc Ly Tin Lành và Thánh Lễ Công Giáo không có cùng ý nghĩa; do
đó người công giáo không được quyền tham dự vào Tiệc Ly Tin Lành. Vậy nên, các
Giám Mục phải ban hành những tiêu chuẩn chính xác để các tín hữu biết rõ điều
nào được phép, điều nào không trong vấn đề tế nhị này.
25* Ðể tán trợ
tinh thần hiệp nhất, người công giáo và không công giáo phải tìm hiểu nhau. Một
sự hiểu biết hỗ tương như thế quả thật rất cần thiết trước nhất cho các linh mục
và các thừa sai (xem số 10).
26* Khi gặp những
sai lầm về giáo lý, cần phải bình tâm và khách quan chứng tỏ căn nguyên của sai
lầm, không nên buộc tội hay công kích những người chủ trương cách sai lầm ấy.
27* Tinh thần hiệp
nhất không cho phép công kích những nhà thừa sai ngoài công giáo, song phải biểu
lộ niềm tôn kính họ theo như đức ái đòi buộc, cho dù, tùy hoàn cảnh cũng cần phải
gìn giữ các tín hữu tránh khỏi những sai lầm mà họ có thể truyền bá.
28* Danh từ
"xu thời" (irenismus) phát xuất từ tiếng hy lạp "eirene" có
nghĩa "chủ hòa". Trong những tương giao với người không công giáo phải
nhằm sự hòa hợp với nhau. Tuy nhiên nếu chúng ta che giấu một chân lý Công Giáo
nào đó hoặc thay đổi ý nghĩa đích thực của một học thuyết Công Giáo cốt cho người
không công giáo dễ chấp nhận hơn, quả thực đó là một phương thế giả tạo để đạt
tới sự hòa hợp vừa nói. Ðó cũng chính là chủ trương xu thời sai lệch bị Sắc Lệnh
này ngăn cấm.
29* Danh từ
"phẩm trật" ở đây hiểu theo nghĩa bóng, nó biểu thị một sự dị đồng về
giá trị, về sự cần thiết về lợi ích của những chân lý khác nhau mà Giáo Hội
Công Giáo truyền dạy. Trong Giáo Huấn ấy có những chân lý đức tin, nên bất biến
và những chân lý khác không thuộc đức tin. Trong những chân lý đức tin, dù cần
phải tin toàn thể tất cả, song cũng có một số chân lý buộc phải hiểu biết cách
minh bạch. Khi đối thoại với người không công giáo, không được quên những dị biệt
ấy để khỏi bó buộc họ phải tin tất cả giáo thuyết cùng một mức độ như nhau.
3 Xem Eph 3,8.
30* "Muôn
dân" ở đây ám chỉ toàn thể những người ngoài Kitô giáo mà tất cả Kitô hữu
công giáo hay không công giáo đều có bổn phận làm gương sáng hiệp nhất trong một
số các chân lý nền tảng và trong đức bác ái qua việc cộng tác mật thiết với
nhau nhất là trên bình diện xã hội.
Chương III: Các Giáo Hội Và Cộng Ðoàn Giáo Hội 31*
Ly Khai Với Tông Tòa Roma
13. Phân loại. Giờ đây,
chúng ta đưa mắt nhìn đến hai khối phân ly chính xúc phạm đến chiếc áo liền một
tấm của Chúa Kitô 32*.
Khối phân ly thứ
nhất đã nẩy sinh ở Ðông Phương, hoặc vì để phản đối các công thức tín lý của
các Công Ðồng Ephêsô 33*
và Calcedonia 34*,
hoặc sau này vì sự cắt đứt 35*
hiệp thông Giáo Hội giữa các Giáo Chủ Ðông Phương và Tòa Thánh Roma.
Thứ đến, hơn bốn
thế kỷ sau, khối phân ly thứ hai phát sinh ở Tây Phương do những biên cố cùng
được mệnh danh là Cải Cách. Từ đó, nhiều Cộng Ðoàn, quốc gia hoặc giáo đoàn đã
ly khai với Tòa Thánh Roma. Trong số ấy còn có những Cộng Ðồng duy trì phần nào
những truyền thống và cơ cấu công giáo, đáng kể nhất là Cộng Ðoàn Anh Giáo.
Các mối chia rẽ ấy
rất khác nhau chẳng những về nguồn gốc, không gian và thời gian, nhưng nhất là
về bản chất và tầm quan trọng của các vấn đề liên hệ đến đức tin và cơ cấu Giáo
Hội.
Vì thế, tuy
không coi thường những hoàn cảnh dị biệt của các Cộng Ðoàn Kitô hữu khác nhau ấy,
tuy không bỏ qua những mối liên lạc còn đang nối kết họ với nhau, bất chấp những
mối chia rẽ hiện có, Thánh Công Ðồng này quyết định đề ra những nhận định sau
đây để mọi người biết khôn ngoan hành động mưu cầu hiệp nhất.
I. Nhận Ðịnh Ðặc Biệt Về Các Giáo Hội Ðông Phương
14. Tính chất lịch sử
riêng biệt của các Giáo Hội Ðông Phương. Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Ðông
và Tây Phương đã đi theo đường lối riêng của mình, nhưng vẫn liên kết với nhau
trong tình huynh đệ nhờ hiệp thông trong đức tin và đời sống bí tích; do sự thỏa
thuận chung, Tòa Thánh Roma can thiệp mỗi khi các Giáo Hội ấy bất đồng quan điểm
với nhau về đức tin hay về kỷ luật. Thánh Công Ðồng hân hoan nhắc lại cho mọi
người một trong những điều quan trọng là, ở Ðông Phương đang phát triển nhiều
Giáo Hội riêng biệt hay địa phương 36*,
đứng đầu là các Giáo Hội có Thượng Phụ 37*,
trong đó có nhiều Giáo Hội hãnh diện vì được chính các Tông Ðồ thiết lập 38*.
Vì thế các tín hữu đông phương đã và đang mang nặng mối bận tâm và âu lo duy
trì những liên lạc thân hữu trong hiệp thông đức tin và đức ái, là những liên lạc
phải có giữa các Giáo Hội địa phương như giữa anh em ruột thịt 39*.
Cũng đừng quên rằng,
các Giáo Hội Ðông Phương từ khởi đầu đã từng có một kho tàng cống hiến cho Giáo
Hội Tây Phương nhiều yếu tố về phụng vụ, về truyền thống tu đức và luật pháp.
Còn một sự kiện khác không nên coi thường là, những tín điều căn bản về đức tin
Kitô giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể bởi Ðức Trinh Nữ
Maria, đã được định tín trong các Công Ðồng Chung khai diễn tại Ðông Phương 40*.
Các Giáo Hội ấy đã và đang chịu nhiều khổ đau để gìn giữ đức tin ấy.
Di sản do các
Tông Ðồ truyền lại đã được đón nhận qua nhiều hình thức và cách thế khác nhau,
do ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội, di sản ấy cũng được giải thích khác nhau
đây đó tùy theo thiên tài và cảnh sống riêng. Không kể những nguyên nhân ngoại
tại, bấy nhiêu yếu tố 41*,
cộng với sự thiếu bác ái và thông cảm lẫn nhau, đã mở đường cho nhiều mối chia
rẽ phát sinh.
Vì vậy, Thánh
Công Ðồng khuyến dụ mọi người, đặc biệt là những ai muốn hoạt động tái lập sự
hiệp thông trọn vẹn như các Giáo Hội Ðông Phương và Giáo Hội Công Giáo hằng
mong mỏi hay nhận định chính xác về hoàn cảnh cá biệt đã khai sinh và phát triển
các Giáo Hội Ðông Phương, và về đặc tính của mối liên lạc đã có giữa các Giáo Hội
ấy với Tòa Thánh Roma trước thời phân ly cũng như hãy tạo cho mình một quan niệm
chính đáng về tất cả những điểm nêu trên. Chu đáo giữ được những điều ấy là đã
đóng góp rất nhiều cho cuộc đối thoại mong muốn kia 42*.
15. Truyền thống phụng vụ
và tu đức của các Giáo Hội Ðông Phương. Mọi người đều thấy hiển nhiên là các
tín hữu đông phương rất mộ mến cử hành phụng vụ Thánh, nhất là việc cử hành
Phép Thánh Thể, nguồn sống của Giáo Hội và đảm bảo vinh quang đời sau, nhờ đó
các tín hữu hiệp nhất với giám mục được đến gần Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con
Ngôi Lời Nhập Thể đã chịu đau khổ và được hiển vinh, trong ơn tràn trề của Chúa
Thánh Thần họ được thông hiệp cùng Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và "thông
phần bản tính Thiên Chúa" (2P 1,4). Vì vậy, nhờ việc cử hành Thánh Thể
trong từng Giáo Hội ấy, Giáo Hội Thiên Chúa được xây dựng và bành trướng 1,
và sự thông hiệp giữa các Giáo Hội ấy tỏ rõ qua việc đồng tế.
Trong nghi lễ phụng
vụ này, Ðức Maria trọn đời đồng trinh hằng được các tín hữu đông phương ca ngợi
bằng những bài thánh ca tuyệt diệu. Công Ðồng Chung Ephêsô đã long trọng tuyên
bố Ngài là Mẹ Thiên Chúa Rất Thánh, để Chúa Kitô được nhận thật là chính Con
Thiên Chúa và là Con Người theo Thánh Kinh. Họ cũng ca tụng nhiều vị thánh,
trong số ấy có các Thánh Giáo Phụ của toàn thể Giáo Hội.
Vì các Giáo Hội ấy,
mặc dù ly khai, vẫn có các bí tích đích thực nhờ sự kế vị các Tông Ðồ, nhất là
Chức Linh Mục và Phép Thánh Thể, bởi đó, họ còn liên kết chặt chẽ với chúng ta;
cho nên một vài hình thức thông dự vào sự thánh, trong những trường hợp thuận
tiện và với sự chấp thuận của giáo quyền, chẳng những là có thể thực hiện mà
còn đáng khuyến khích nữa 43*.
Ở Ðông Phương
cũng còn thấy nhiều truyền thống tu đức phong phú, tiêu biểu nhất là đời sống
đan viện, vì tại đây, nền tu đức đan viện đã phát triển ngay từ thời vang son của
các Thánh Giáo Phụ, và về sau, còn lan tràn sang nhiều nơi ở Tây Phương. Ðịnh
chế dòng tu Latinh phát xuất, và sau đó, không ngừng nhận được sinh lực mới từ
nền tu đức ấy như từ nguồn mạch của mình. Vì vậy, thiết tha kêu mời những người
Công Giáo hãy nâng tìm đến kho tàng thiêng liêng của các Thánh Giáo Phụ Ðông
Phương hơn vì kho tàng ấy nâng toàn thể con người đến chỗ chiêm ngưỡng những sự
thần linh.
Mọi người đều biết
rằng: thông hiểu, kính trọng, giữ gìn và phát triển di sản phụng vụ và tu đức rất
phong phú của các tín hữu đông phương là việc tối quan trọng để trung thành bảo
toàn truyền thống Kitô giáo và để thực hiện sự giao hòa các Kitô hữu đông
phương với tây phương.
16. Quy luật riêng của các
Giáo Hội Ðông Phương. Hơn nữa, ngay từ buổi đầu, các Giáo Hội Ðông Phương đã
theo những qui luật riêng được các Thánh Giáo Phụ, các Công Ðồng và cả các Công
Ðồng Chung phê chuẩn. Vì sự khác biệt về phong tục và tập quán đã nhắc tới trên
kia chẳng những rất ít cản trở sự hiệp nhất mà còn tăng thêm vẻ đẹp của Giáo Hội
và góp phần không nhỏ vào việc chu toàn sứ mệnh của Giáo Hội, nên để đánh tan mọi
nghi ngờ, Thánh Công Ðồng tuyên bố: các Giáo Hội Ðông Phương, đang khi nhớ đến
sự hiệp nhất cần thiết của toàn thể Giáo Hội 44*,
vẫn có quyền tự trị theo các kỷ luật riêng, vì điều này phù hợp với đặc tính của
tín hữu họ và có thể mưu ích cho các linh hồn hơn. Ðây là một nguyên tắc truyền
thống người ta thường không noi giữ, nhưng, giữ trọn được là đã thỏa mãn một
trong những điều kiện tối cần để tái lập hiệp nhất.
17. Tính chất đặc biệt của
các Giáo Hội Ðông Phương về những vấn đề giáo lý. Những gì đã trình bày về sự dị
biệt chính đáng trên kia cũng áp dụng được cho những phương thức trình bày giáo
thuyết thần học khác nhau. Thực thế, trên đường đi tìm chân lý mạc khải, ở đông
cũng như ở tây phương, có nhiều phương pháp và tiến trình khác nhau để nhận thức
và tuyên xưng những sự thần linh. Do đó, không đáng ngạc nhiên khi thấy có vài
khía cạnh của mầu nhiệm mạc khải đôi khi được một bên hiểu đúng và trình bày
sáng sủa hơn bên kia, thành thử những công thức thần học khác nhau ấy phải được
coi là bổ túc hơn là đối lập nhau. Còn về những truyền thống thần học chân
chính của các tín hữu đông phương, phải công nhận là chúng ăn rễ cách tuyệt hảo
trong Thánh Kinh, lại được khai triển và biểu hiện trong đời sống PhụngVụ, được
nuôi dưỡng bằng truyền thống Tông Ðồ, sống động trong các văn phẩm của các
Thánh Giáo Phụ Ðông Phương cũng như của các tác giả tu đức, chúng giúp xây dựng
một cuộc đời chính trực và giúp chiêm ngưỡng đầy đủ chân lý Kitô giáo.
Tạ ơn Chúa vì
nhiều tín hữu đông phương con cái Giáo Hội Công Giáo đang sống hoàn toàn hiệp
thông 45*
với các anh em thuộc truyền thống tây phương, mà vẫn giữ gìn và tha thiết sống
phần gia sản ấy cho tinh ròng và đầy đủ hơn, Thánh Công Ðồng này tuyên bố rằng:
toàn bộ di sản tu đức và phụng vụ, kỷ luật và thần học trong các truyền thống ấy
thuộc về đặc tính công giáo và tông truyền trọn vẹn của Giáo Hội.
18. Kết luận. Sau khi nhắc
tất cả những điều ấy, Thánh Công Ðồng này lập lại những gì đã được các Thánh
Công Ðồng trước cũng như các Ðức Giáo Hoàng Roma tuyên bố: để tái lập và duy
trì sự thông hảo và hiệp nhất, "chẳng còn buộc anh em gánh nặng nào khác
ngoài những sự cần thiết" (CvSđ 15,28). Công Ðồng cũng tha thiết ước mong
từ đây, mọi cố gắng đều nhằm thực hiện dần dần sự hiệp nhất 46*
trong những định chế và hình thức khác nhau của đời sống Giáo Hội, nhất là
trong kinh nguyện và đối thoại huynh đệ về giáo lý và về các nhu cầu mục vụ khẩn
thiết hơn của thời đại chúng ta. Cũng thế Công Ðồng khuyên các chủ chăn và tín
hữu của Giáo Hội Công Giáo hãy giao hảo với những kẻ không còn ở đông phương
nhưng sống xa quê nhà, 47*
để gia tăng sự cộng tác thân ái với họ hơn trong tinh thần bác ái và loại trừ
những hình thức ganh đua, tranh tụng. Nếu mọi người hết lòng xúc tiến công cuộc
này, Thánh Công Ðồng hy vọng rằng, sau khi bức tường ngăn cách Giáo Hội Ðông
Tây bị phá đổ, sẽ chỉ còn ngôi nhà duy nhất được củng cố trên đá góc là Chúa
Giêsu Kitô, Ðấng sẽ làm cho cả hai nên một 2.
II. Các Giáo Hội Và Cộng Ðoàn Giáo Hội Ly Khai Tây
Phương
19. Tình trạng chung. Các
Giáo Hội Cộng Ðoàn Giáo Hội đã ly khai với Tông Tòa Roma trong thời khủng hoảng
trầm trọng nhất phát sinh ở Tây Phương từ cuối thời Trung Cổ hoặc mãi về sau
này, vẫn còn liên kết với Giáo Hội Công Giáo bằng một mối dây thân thích và một
sự liên lạc đặc biệt vì lớp dân Kitô giáo ấy đã sống hiệp thông với Giáo Hội rất
lâu trong những thế kỷ trước.
Các Giáo Hội và
Cộng Ðoàn Giáo Hội ấy vì sự dị biệt nguồn gốc, giáo lý và đời sống tu đức chẳng
những khác với chúng ta mà còn khác biệt với nhau nữa, nên rất khó diễn tả cho
đúng các Giáo Hội ấy và chúng tôi có ý làm điều ấy nơi đây.
Mặc dù phong
trào hiệp nhất và ước vọng sống hòa bình với Giáo Hội Công Giáo chưa được đề
cao khắp nơi, nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng ý thức hiệp nhất và sự tôn trọng
lẫn nhau sẽ dần lớn lên trong mọi người.
Phải nhìn nhận rằng,
có nhiều dị biệt quan trọng giữa các Giáo Hội và Cộng Ðoàn Giáo Hội ấy với Giáo
Hội Công Giáo, chẳng những về phương diện lịch sử, xã hội, tâm lý, văn hóa,
nhưng nhất là về cách giải thích chân lý mạc khải. Ðể có thể thiết lập cuộc đối
thoại hiệp nhất dễ dàng hơn, bất chấp những dị biệt đó, sau đây chúng tôi muốn
đề ra một vài điểm có thể và phải là nền tảng và yếu tố thúc đẩy cho cuộc đối
thoại ấy 48*.
20. Việc tuyên xưng Chúa
Kitô. Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến những Kitô hữu đang công khai tuyên xưng Chúa
Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa
và loài người, để làm vinh danh Thiên Chúa độc nhất là Cha, Con và Thánh Thần.
Thực ra chúng tôi biết nơi họ có nhiều khác biệt quan trọng với giáo lý của
Giáo Hội Công Giáo, khác biệt ngay cả về Chúa Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể,
về công trình cứu chuộc, và do đó, về mầu nhiệm và chức vụ của Giáo Hội cũng
như về vai trò của Ðức Maria trong công cuộc cứu thế. Nhưng chúng tôi vui mừng
khi thấy các anh em ly khai hướng về Chúa Kitô như là nguồn mạch và trung tâm của
sự hiệp thông Giáo Hội. Xúc động vì ước vọng kết hiệp với Chúa Kitô, họ được
thúc đẩy để càng ngày càng tìm về hiệp nhất và làm chứng đức tin của mình khắp
muôn dân thiên hạ.
21. Học hỏi Thánh Kinh.
Lòng yêu mến, kính trọng và gần như tôn sùng Thánh Kinh khiến các anh em của
chúng ta bền chí và hăng say học hỏi Sách Thánh: vì Phúc Âm "là quyền năng
Thiên Chúa để cứu rỗi mọi tín hữu, trước tiên là Do Thái, kế đến Hy Lạp"
(Rm 1,16).
Nhờ cầu khẩn
Thánh Thần, 49*
họ tìm Thiên Chúa ngay trong Thánh Kinh, Ðấng như nói với họ trong Chúa Kitô, Ðấng
các tiên tri loan báo trước và là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vì chúng ta.
Trong Thánh Kinh, họ chiêm ngưỡng cuộc đời Chúa Kitô và những gì Thầy Chí Thánh
đã dạy và đã làm để cứu rỗi loài người, họ cũng chiêm ngưỡng các mầu nhiệm, nhất
là mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người.
Tuy các Kitô hữu
ly khai với chúng ta xác nhận thần quyền của Sách Thánh, nhưng mỗi người mỗi
khác, họ cảm nghĩ khác chúng ta về sự liên quan giữa Thánh Kinh và Giáo Hội;
trong đó theo đức tin công giáo, giáo huấn đích thực đặc biệt có thẩm quyền
trong việc giải thích và rao giảng Lời Chúa đã được ghi chép.
Tuy nhiên trong
chính việc đối thoại, Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo trong bàn tay toàn năng của
Thiên Chúa để đạt tới sự hiệp nhất được Ðấng Cứu Thế tỏ bày cho mọi người.
22. Các bí tích. Nhờ Phép
Rửa được ban đúng như Chúa đã thiết lập và được lãnh nhận với đủ dự kiện tâm hồn
cần thiết, con người thật sự được tháp nhập vào Chúa Kitô đã chịu đóng đinh và
vinh hiển, và được tái sinh để thông phần sự sống Thiên Chúa theo lời Thánh
Tông Ðồ: "Anh em được mai táng với Người trong phép Rửa, anh em cũng sẽ được
sống lại với Người bởi đã tin vào Thiên Chúa tác thành, chính Ðấng đã khiến Người
từ trong kẻ chết sông lại" (Col 2,12) 3.
Vậy phép Rửa tạo
nên mối dây hiệp nhất tất cả những kẻ đã được tái sinh. Nhưng phép Rửa, tự bản
tính, mới chỉ là bắt đầu và khởi điểm, vì phép Rửa trọn vẹn nhằm đạt tới sự sống
sung mãn trong Chúa Kitô. Như thế, phép Rửa qui hướng về việc tuyên xưng trọn vẹn
đức tin, sát nhập trọn vẹn vào định chế cứu rỗi như chính Chúa Kitô đã muốn và
sau cùng kết nhập trọn vẹn vào sự hiệp thông thánh thể.
Những cộng đoàn
Giáo Hội ly khai với chúng ta, mặc dù không hiệp nhất đầy đủ với chúng ta như
phép Rửa đòi hỏi, và mặc dù chúng ta tin họ không còn giữ được bản chất đích thực
và nguyên vẹn của Mầu Nhiệm Thánh Thể nhất là vì thiếu bí tích Truyền Chứa
Thánh 50*,
nhưng khi tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh họ đã
tuyên xưng rằng sự sống chỉ có nghĩa nhờ hiệp thông với Chúa Kitô và họ mong đợi
ngày trở lại vinh quang của Người. Do đó, phải dùng giáo lý về Tiệc Thánh của
Chúa, về các bí tích khác, về việc phụng tự cũng như về các thừa tác vụ của
Giáo Hội làm đối tượng cho cuộc đối thoại.
23. Cuộc sống với Chúa
Kitô. Ðời sống Kitô hữu của các anh em ấy được nuôi dưỡng bằng đức tin vào Chúa
Kitô và được duy trì nhờ ân sủng của phép Rửa và nhờ nghe Lời Thiên Chúa. Ðời sống
ấy biểu lộ trong kinh nguyện riêng, trong việc suy niệm Thánh Kinh, trong đời sống
gia đình Kitô giáo, trong việc phụng tự của cộng đoàn tụ họp để ngợi khen Thiên
Chúa. Hơn nữa, đôi khi trong các nghi lễ phụng tự của họ cũng thấy có những yếu
tố nổi bật thuộc nền phụng vụ cổ kính chung.
Ðức tin vào Chúa
Kitô đã kết quả trong những lời ngợi khen và cảm tạ vì các ơn lành nhận được do
Chúa ban; thêm vào đó là ý thức mạnh mẽ về đức công bình và tình yêu chân thành
đối với tha nhân. Ðức tin sống động ấy cũng phát sinh nhiều tổ chức nhằm xoa dịu
sự cùng khổ tinh thần và thể xác, giáo dục, tuổi trẻ, cải tiến những hoàn cảnh
xã hội của cuộc sống thành nhân đạo hơn và củng cố nền hòa bình thế giới.
Mặc dù, trước
các vấn đề luân lý, có nhiều Kitô hữu không luôn hiểu Phúc Âm cùng một cách như
người công giáo và không cùng nhận những giải pháp giống nhau trước những vấn đề
khó khăn của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, như chúng ta, họ cũng muốn giữ vững lời
Chúa Kitô như là nguồn mạch của đức hạnh Kitô giáo và tuân theo lời Thánh Tông
Ðồ dạy: "Hết thảy công việc anh em làm, bất cứ lời nói hay hành động, hãy
thực hiện tất cả nhân danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Người cảm tạ Thiên Chúa Cha"
(Col 3,17). Từ đó, có thể bắt đầu cuộc đối thoại hiệp nhất về việc áp dụng Phúc
Âm vào các vấn đề luân lý.
Kết Luận
24. Sau khi đã vắn tắt
trình bày những điều kiện và các nguyên tắc chỉ đạo để thực hiện công cuộc hiệp
nhất, chúng tôi tin tưởng hướng về tương lai. Thánh Công Ðồng này khuyến cáo
các tín hữu hãy tránh mọi sự nhẹ dạ và nhiệt thành thiếu khôn ngoan có thể
phương hại tới việc phát triển công cuộc hiệp nhất. Thật vậy, hoạt động hiệp nhất
của họ không thể thành tựu được, nếu nó không hoàn toàn và thực sự là công
giáo, nghĩa là trung thành với chân lý do các Tông Ðồ và các Giáo Phụ 51*
truyền lại và phù hợp với đức tin luôn được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng, đồng
thời hướng tới sự sung mãn nhờ đó Chúa muốn Thân Thể Người được lớn lên qua các
thời đại.
Thánh Công Ðồng
này luôn khẩn khoản ước mong cho các sáng kiến của con cái Giáo Hội Công Giáo
được tiến triển hòa hợp với các sáng kiến của anh em ly khai mà không cản trở
đường lối của Thiên Chúa Quan Phòng, cũng như không gây thiên kiến làm phương hại
đến những ơn Chúa Thánh Thần thúc đầy sau này. 52*
Hơn nữa Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố là mình luôn ý thức rằng ý nguyện thánh
thiện giao hòa toàn thể Kitô hữu trong sự hiệp nhất của Giáo Hội duy nhất và độc
nhất của Chúa Kitô vượt quá sức lực và khả năng loài người. Vì thế, Thánh Công
Ðồng đặt hết hy vọng vào lời Chúa Kitô nguyện cầu cho Giáo Hội, vào tình thương
của Chúa Cha đối với chúng ta và vào quyền lực của Chúa Thánh Thần. "Hy vọng
không bị hổ thẹn: vì tình yêu của Thiên Chúa giãi khắp lòng ta nhờ Chúa Thánh
Thần Ðấng đã được ban cho ta" (Rm 5,5).
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
31* Tĩnh từ
"Giáo Hội" (ecclesilis) ở đây là một ngôn từ mới, phát xuất từ giáo
phái Tin Lành, chỉ một điều gì liên quan đến Giáo Hội trong tư thế một mầu nhiệm
siêu nhiên. Theo dụng ngữ công giáo, tiếng này không bao hàm ý tưởng một Giáo Hội
thuần túy vô hình và thiêng liêng. Chữ "thuộc Giáo Hội" (ecclesiasticus)
thường chỉ nghĩa diều gì thuộc riêng của Giáo Hội Công Giáo.
32* Sau khi đóng
đinh Chúa Kitô, lúc chia nhau y phục của Người, mấy người lính chợt nhận thấy tấm
áo dài liền kim không có đường may (Gio 19,23). Ngay từ thời sơ khai Kitô giáo,
người ta đã thấy qua tấm áo không đường may này một hình ảnh của Giáo Hội không
phân rẽ do Chúa Giêsu Kitô thiết lập. Nhưng thực tế đã có nhiều cộng đoàn Kitô
giáo tách rời khỏi Giáo Hội chân thực của Chúa Kitô, và như vậy mở đường cho những
cuộc phân ly. Trong chương này, sắc lệnh lưu ý tới hai khối phân ly chính: một ở
Ðông Phương và một ở Tây Phương (gồm Tin Lành và Anh Giáo).
33* Công Ðồng
Ephêsô (năm 431) đã truyền dạy một cách bất khả ngộ rằng Chúa Giêsu Kitô là một
Ngôi Vị đơn nhất, Con Thiên Chúa làm người và Ðức Maria thật sự là Mẹ Thiên
Chúa. Phái Nestorianô đã chối bỏ những chân lý ấy và tự tách khỏi Giáo Hội phổ
quát.
34* Công Ðồng
Calcedonia (năm 451) tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật cũng là
Người thật và trong Người có hai bản tính, thần tính và nhân tính, hoàn hảo,
phân biệt chứ không hòa trộn lẫn nhau. Song có những cộng đoàn địa phương quả
quyết nơi Chúa Kitô chỉ có một bản tính. Ðó là những người theo nhất tính thuyết,
họ cũng đã ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo.
35* Sự cắt đứt
này đã xảy ra năm 1054 khi Ðặc Sứ của Ðức Giáo Hoàng, Hồng Y Humbert, dứt phép
thông công Thượng Phụ thành Constantinopla là Micae Cerulariô. Ðáp lại, Thượng
Phụ Cerulariô cũng dứt phép thông công vị Ðặc Sứ đó và tách khỏi Roma. Sự cắt đứt
này đã thành toàn diện và dứt khoát vào thế kỷ XIII. Ngày 7 tháng 12 năm 1965 tại
Roma, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và tại Constantinopla Ðức Thượng Phụ Athenagoras
long trọng hủy bỏ sự dứt phép thông công lẫn nhau ấy.
36* Giáo Hội
riêng biệt là một cộng đoàn hay một giáo khu gồm mọi tín hữu cùng theo một lễ
chế phụng vụ, cùng giữ một quy luật giáo hội và cùng chịu một quyền quản trị
như nhau. Chỗ này chữ "địa phương" hiểu theo nghĩa rộng, vì một Giáo
Hội riêng biệt có các tín đồ ở rải rác nhiều nơi.
37* Giáo Hội này
là một Giáo Hội riêng biệt mà thủ lãnh là một thượng phụ như Giáo Hội Nga, Giáo
Hội Constaninopla... Hiện nay, có ít nhất là 9 Giáo Hội có Thượng Phụ thuộc
Ðông Phương ly khai.
38* Vì dụ như
Giáo Hội Giêrusalem và Antiokia.
39* Những Giáo Hội
Ðông Phương ly khai sống độc lập nhau. Họ coi nhau như những Giáo Hội huynh đệ,
không có và không nhận một thủ lãnh chung trên họ. Trái lại, những Giáo Hội
riêng biệt (địa phương) Công Giáo lại có cùng một thủ lãnh cao cấp chung: Ðức
Giáo Hoàng. Ngài có quyền trên tất cả các Giáo Hội Công Giáo riêng biệt Ðông
phương cũng như Tây Phương.
40* Những điều
này quy chiếu về thời các Giáo Hội này còn liên kết với Roma. Lúc ấy, 7 Công Ðồng
Chung đầu tiên đều nhóm họp ở phương Ðông.
41* Giáo Hội
Ðông Phương càng phát triển, những người Tây Phương càng ít cảm thông tâm thức
Ðông Phương, cũng như ngược lại; sự kiện đó đưa tới nhiều hiểu lầm và khi thị
đáng tiếc ở cả hai bên và khích động thêm sự chia rẽ.
42* Ðoạn này đề
cập đến những Giáo Hội Ðông Phương không công giáo (ly khai), không nói về các
Giáo Hội liên kết với Roma. Công Ðồng đã công bố một sắc lệnh đặc biệt bàn tới
những Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương nhan đề "Giáo Hội Công Giáo Ðông
Phương".
1 Xem T. Gioan
Kim Khẩu, In Joanem, Homelia, XLVI: PG 59,260-262.
43* Những tiêu
chuẩn về sự tham dự hỗ tương trong các sinh hoạt tôn giáo này đã được trình bày
cặn kẽ trong sắc lệnh về những Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương (số 26-29).
44* Toàn thể
Giáo Hội chính là Giáo Hội phổ quát Công Giáo, Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô sáng
lập. Lúc Ðông Phương còn liên kết với Tông Tòa Roma, những Giáo Hội riêng biệt
Ðông Phương đã hưởng dụng một quyền tự trị thật đáng kể. Ðức Giáo Hoàng ít khi
can thiệp vào việc quản trị của họ. Sắc lệnh tuyên bố rằng quyền tự trị ấy vẫn
được duy trì nếu họ liên kết lại với Giáo Hội phổ quát. Sự liên kết này bao hàm
việc thừa nhận tối thượng quyền nơi Ðức Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô, Ðại Diện
tối cao của Chúa Kitô. Tuy nhiên việc thừa nhận ấy vẫn dung hợp tốt đẹp với một
quyền tự trị rất lớn của các Giáo Hội riêng biệt.
45* Nói về những
Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, nghĩa là có liên kết với Roma.
46* Những dự
tính liên kết giữa Ðông Phương và Giáo Hội Công Giáo của Công Ðồng Lyon II và
Công Ðồng Firenze đã thất bại, bởi vì tâm thức tín hữu đông phương ly khai lúc ấy
chưa được chuẩn bị sẵn để đón nhận việc liên kết. Ở đây sắc lệnh nhắm tới việc
chuẩn bị tinh thần và thiêng liêng cho các dân tộc Kitô Giáo Ðông Phương hầu đạt
đến một mối liên kết tốt đẹp.
47* Ðây là những
người Ðông Phương không công giáo di trú trong nhiều miền khác nhau tại Âu
Châu, Mỹ Châu. Việc họ tiếp xúc với người công giáo tại đó có thể giúp đôi bên
xích lại dần nhau dễ dàng hơn.
2 Xem CÐ
48* Trong số này
Sắc Lệnh chứng tỏ rằng có nhiều điểm dị biệt giữa anh em "ly giáo"
tây Phương và Giáo Hội Công Giáo hơn là giữa Ðông Phương ly khai và Công Giáo
Tây Phương. Do đó việc liên kết càng khó khăn hơn, tuy thế cũng cần phải mở một
cuộc đối thoại. Trong những số tiếp theo, Sắc Lệnh nêu lên một vài học thuyết
chung có thể làm khởi điểm cho cuộc đối thoại ấy.
49* Do lời yêu cầu
Ðức Phaolô VI, người ta thay đổi hai điểm trong câu này. Thay vì tiếng "được
tác động bởi Chúa Thánh Thần" bây giờ đổi lại thành "Nhờ cầu khẩn
Chúa Thánh Thần", và chữ "họ tìm" thay thế cho "họ gặp thấy".
Sở dĩ thay đổi như vậy là cốt tránh dáng vẻ chấp nhận giáo thuyết của những người
cải cách. Theo giáo thuyết này, mọi tín hữu đều được Chúa Thánh thần ban cho đầy
đủ ánh sáng để hiểu thấu ý nghĩa mạc khải của Thánh Kinh và để nhờ thế gặp thấy
Thiên Chúa trong Sách Thánh, không cần nhờ đến quyền Giáo Huấn của Giáo Hội. Thực
sự, người ta có thể gặp được Thiên Chúa trong Sách Thánh; nhưng không gặp Ngài
một cách tất nhiên và trong bất cứ lúc nào; lý do là vì những ngăn trở về tâm
tính chủ quan người ta có thể không gặp thấy Ngài.
3 Xem Rm 6,4.
50* Những cộng
đoàn giáo hội Tin Lành không có bí tích Truyền Chức Thánh. Vì thế, các thừa tác
viên của họ không có quyền thánh hiến bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô. Lễ tiệc
ly Tin Lành không bao hàm sự hiện diện thật sự; nó không phải là một hy lễ đích
thực. Do đó, anh em Tin Lành đã không bảo tồn được "bản chất đích thực và
nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể". Công thức này đã được Ðức Phaolô VI
minh nhiên ưng thuận.
51* Giáo Phụ là
những văn sĩ công giáo thuộc thời kỳ đầu của Giáo Hội, từ thế kỷ I thới thế kỷ
VIII.
52* Ðoạn này bộc
lộ niềm hy vọng vào tương lai. Ðường lối của Chúa Quan Phòng thật lạ lùng. Người
ta không thể biết trước những ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Tuy nhiên, mỗi tín hữu
nói riêng và mỗi cộng đồng nói chung phải luôn luôn tuyệt đối vâng theo Chúa
Thánh Thần.
Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội
- Christus Dominus
Lời Giới Thiệu
Trong giai đoạn
chuẩn bị Công Ðồng, Ủy Ban đặc trách vấn đề: "Giám Mục và việc cai quản
giáo phận" đã soạn thảo 7 dự án. Tháng 10 năm 1962 sau khi Công Ðồng khai
mạc, một Ủy Ban Công Ðồng được bầu lên với nhiệm vụ thu góp vấn đề vào hai văn
kiện: hai văn kiện này được kết thúc vào mùa xuân 1963. Văn kiện thứ nhất, có tính
cách pháp luật, nói về các mối tương quan giữa Tòa Thánh và các Giám Mục, giữa
các Giám Mục Phó và các Giám Mục Phụ Tá, giữa các Hội Ðồng Giám Mục v.v... Văn
kiện thứ hai có khuynh hướng mục vụ hơn, đề cập đến những điểm sau đây: nhiệm vụ
của Giám Mục, nhiệm vụ mục vụ của cha chính xứ, việc dậy giáo lý cho giáo dân
v.v...
Trong kỳ họp II
vào mùa thu 1963, chỉ có văn kiện thứ nhất được đưa ra thảo luận. Các Nghị Phụ
đưa ra nhiều nhận xét vừa phong phú vừa đích xác. Nhưng vì Công Ðồng có khuynh
hướng giản lược danh sách các lược đồ, nên đã quyết định đúc kết hai văn kiện
trên thành một, đồng thời chỉ chú trọng đến các nguyên tắc hướng dẫn nhiệm vụ mục
vụ. Ủy ban khởi công soạn lại một bản văn hoàn toàn mới. Sau khi đệ trình hội
nghị đầu kỳ họp III, lược đồ mới này đã thỏa mãn được các Nghị Phụ.
Tuy nhiên các
ngài cũng đưa ra nhiều ý kiến hào hứng. Chính vì thế đến cuối kỳ họp, bản văn vẫn
chưa được công bố. Cho đến ngày 28-10-1965, trong kỳ họp IV, khóa VII bản văn mới
được chính thức công bố với 2 phiếu nghịch trên 2,322 phiếu thuận.
Sắc Lệnh không
có mục đích gợi lên những ý tưởng thần học mới mẻ, nhưng cụ thể hóa trên phương
diện mục vụ giáo lý thần học về chức Giám Mục mà chương III của Hiến Chế tín lý
về Giáo Hội đã đề cập đến. Sắc Lệnh có đặc điểm này là không ở trên lãnh vực lý
thuyết, nhưng đã phác họa ra một thực hành mục vụ, đề nghị áp dụng cụ thể các sắc
lệnh khác. Thật vậy Sắc Lệnh này thiết lập nhiều định chế mới: Thượng Hội Ðồng
Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Mục Vụ, v.v... Do đó, trong thực tế Sắc Lệnh
có tầm quan trọng đặc biệt: vì Giáo Hội được canh tân một phần lớn là do việc
thi hành Sắc Lệnh này. Ðó cũng là lý do tại sao Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho
công bố nhiều tài liệu nhằm thực thi Sắc Lệnh. Ðây là những tài liệu chính:
- Apostolica
sollicitudo, ngày 15-9-1965, thiết lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục (AAS 1965, trg
775-780; DC 1965, 1663-1668).
De episcoporum
muneribus, ngày 15-6-1966, thêm nhiều quyền hành cho Giám Mục (AAS 1966, trg
467-472; DC 1966, 1249-1254).
Ecclesiae
sanctae, ngày 6-8-1966, đưa ra nhiều tiêu chuẩn thực tế cho nhiều vấn đề (AAS
1966 trg 757-787; DC 1966, 1441-1470).
Regimini
Ecclesiae Universae, ngày 15-8-1967, canh tân Giáo Triều Rôma (AAS 1967, trg
885-928; DC 1967, 1441-1473).
Về Nội Dung
Sắc Lệnh về Nhiệm
Vụ Mục Vụ của các Giám Mục xoay quanh ba chủ đề chính:
I. Dân Chúa hay
đúng hơn, loài người, có tín ngưỡng hay không. Dù bản văn trực tiếp liên hệ đến
Giám Mục, nhưng dân chúng luôn luôn đứng hàng đầu vì chính họ là điều kiện đời
sống và hoạt động của chủ chăn. Dân chúng được nhìn dưới 3 phương diện.
1) Chung kết hoạt
động mục vụ của Giám Mục và hàng Linh Mục. Giáo phận trước tiên là một phần dân
Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là một lãnh thổ (Số 11 và 22). Con người là đối
tượng đối thoại của Giám Mục về ơn cứu rỗi. Giám Mục được kêu gọi làm việc này
(số 13). Con người có quyền hiểu biết mầu nhiệm Chúa Kitô (số 12), cũng như những
nhu cầu, hoàn cảnh dân sự và xã hội của con người sẽ là những tiêu chuẩn căn bản
vạch định biên giới Giáo Hội (số 23 và 39). Nói tóm lại nếu tìm một tiêu chuẩn
thì tiêu chuẩn đó phải là dân chúng.
2) Ðề tài của việc
giáo huấn. Con người nói chung (MV 3,10-22) hay Kitô hữu nói riêng (GH 9,32...)
tất cả đều mang trong mình một mầu nhiệm cần được khai sáng. Chính vì thế, các
Giám Mục phải dạy cho họ biết giá trị của con người, của gia đình, của xã hội
dân sự (số 12) phải được quí trọng đến mức nào, và phải làm cho giáo dân hiểu họ
có bổn phận cộng tác vào việc tông đồ (số 13, 17, 30).
3) Người tông đồ
bên cạnh Giám Mục và Linh Mục. Sắc Lệnh nhấn mạnh người giáo dân có quyền và bổn
phận cộng tác vào việc tông đồ của Giáo Hội (số 6, 10, 14, 16, 17, 27, 30).
II. Giám Mục.
Ðây là chủ đề chính trong Sắc Lệnh cùng với chương III của Hiến Chế Tín Lý về
Giáo Hội, Sắc Lệnh này phác họa hình ảnh của vị Giám Mục ngày nay. Sau đây là
vài nét chính:
1) Giám Mục
không còn là ông hoàng đơn độc, tùy thích cai trị vương quốc bé nhỏ của mình là
giáo phận: từ này, danh từ Giám Mục trên phương diện mục vụ phải hiểu là một đa
số. Ngài là thành phần trong Giám Mục Ðoàn và như thế ngài phải quan tâm đến
Giáo Hội phổ quát (số 3, 4, 6). Ngài là chủ chăn giáo phận nhưng liên kết với
các linh mục của ngài (số 11, 16, 27, 28-30, 34). Ngài là thành phần của Hội Ðồng
Giám Mục Quốc Gia để phát huy di sản thiêng liêng cho quốc gia (số 38). trong một
thời đại được đánh dấu bằng tinh thần khoa học, kỹ thuật và hiệu năng (MV 5-7),
họa hiếm lắm Giám Mục mới đơn phương hoàn thành sứ mạng một cách thích hợp (số
37), chính vì thế Sắc Lệnh thiết lập một liên lạc chặt chẽ giữa mục vụ đối thoại
(số 13, 16, 28), mục vụ cộng tác và mục vụ phối hợp (số 11, 15, 17, 18, 23, 24,
25, 27), mục vụ hiệp nhất (số 16, 18, 30, 36) và mục vụ công hiệu (số 5, 10,
25, 28, 30, 35, 37, 38, 39, 40, 42).
2) Giám Mục phải
là một nhà truyền giáo. Ðiều này có hai ý nghĩa:
a) Cộng tác vào
việc truyền bá đức tin giữa những dân tộc chưa biết Phúc Âm (số 3-6, 11, 12,
14, 16, 17, 23, 30). Cũng như các Sắc Lệnh khác, nói chung Sắc Lệnh này quả quyết
việc truyền giáo phải được ưu tiên và cấp bách: hãy chú ý đến tiếng nhất là (số
6), đặc biệt (số 15), (xem thêm TG 29). Nên chú ý: Sắc Lệnh này không phân biệt
Âu Châu với các Xứ Truyền Giáo. Ngay cả Xứ Truyền Giáo cũng có bổn phận truyền
giáo (x. TG 20).
b) Rao giảng
Phúc Âm cho mọi người, đã tin hay chưa tin, để kêu gọi họ trở về đức tin hay để
phát triển đức tin của họ (số 12, xem thêm số 11, 13, 30). Rao giảng Phúc Âm là
bổn phận đầu tiên của Giám Mục (số 6, 12, 13, 17, 30; xem GH 20, 21, 23, 24; MK
132, 139; MV 32, 43; TG 1, 5, 20, 29, 38 v.v...); bổn phận này trổi vượt hơn
các bổn phận khác (số 12; x. GH 25; TG 29).
3) Giám Mục phải
là chứng nhân của Chúa Kitô. Chứng tích phải là tinh thần làm sống động mọi hoạt
động của Giám Mục (số 11, 15, x. GH 21).
III. Công việc
Tông Ðồ. Phương diện mục vụ là nét đặc thù của Sắc Lệnh. Ðây là vài nét chính:
1) Việc tông đồ
phải đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô. Nhiệm vụ của Giáo Hội là mạc khải Chúa Kitô
cho thế giới, chứ không phải mạc khải thế giới cho thế giới. Vì Chúa Kitô là vị
cứu tinh duy nhất, là trung tâm, là cứu cánh của lịch sử (MV 10, 22, 45; GH 7,
9; TG 8...), Giáo Hội là "dấu chỉ và bí tích cứu rỗi" GH 1, 9, 48; TG
1, 5...), nên Giám Mục và các linh mục của ngài phải rao giảng toàn thể mầu nhiệm
Chúa Kitô (số 12; TG 13). Các ngài phải là những chứng nhân của Chúa Kitô (số
11, 15) hướng dẫn giáo dân hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm cứu rỗi (số 30), mầu nhiệm
phục sinh (số 15; xem thêm MV 22).
2) Thích nghi với
nhu cầu thời đại. Giáo Hội ngày nay là cho con người ngày nay. Giáo Hội có nhiệm
vụ giải đáp thỏa đáng cho mỗi thế hệ những câu hỏi căn bản của con người (MV
4). Chính vì thế Giáo Triều Rôma (số 9), đời sống của Giám Mục (số 16), những
công việc tông đồ (số 17), những ranh giới giáo phận (số 23), giáo phủ (số 27)
v.v... phải thích ứng với những nhu cầu và hoàn cảnh không những trên lãnh vực
thiêng liêng, mà ngay cả ở lãnh vực xã hội và kinh tế của con người ngày nay.
Ðiều này càng đúng cho việc giảng dạy (số 13, 14).
3) Phải sử dụng
những phương tiện khoa học, kỹ thuật của thế giới ngày nay để làm việc tông đồ.
Những phương tiện phổ thông (số 13), khoa tâm lý, sư phạm (số 14; xem thêm ÐT
2, 3, 5, 11, 20), phương pháp kiểm kê xã hội và tôn giáo (số 16, 17; xem thêm
MV 62). Giáo dân hiện diện trong Giáo Triều Rôma và giáo phủ là hai sự kiện
minh chứng khả năng hiểu biết của họ (số 10 và 27).
Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa VII Ngày 28
tháng 10 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh Về Nhiệm
Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội
Christus Dominus
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for
Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Mở Ðầu 1*
1. Mở đầu. Chúa Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống, đã đến để giải cứu dân mình khỏi tội lỗi 1
và để thánh hóa mọi người: như Chúa Cha đã sai Ngài thế nào, Ngài cũng sai các
Tông Ðồ Ngài như vậy 2,
và đã thánh hóa họ khi trao ban Chúa Thánh Thần cho họ để chính họ làm vinh
danh Chúa Cha nơi trần gian và cứu độ loài người, "nhằm xây dựng Thân Thể
Chúa Kitô" (Eph 1,12) là Giáo Hội.
2. Ðức Giáo Hoàng và các
Giám Mục duy trì mãi mãi công việc của Ðức Kitô. Trong Giáo Hội này của Chúa
Kitô, Ðức Giáo Hoàng Roma, vì là đấng kế vị Phêrô, người được Chúa Kitô trao
phó chiên mẹ và chiên con để chăn dắt, do Chúa thiết lập, được hưởng dụng quyền
tối cao, toàn diện, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn. Bởi
vậy, với tư cách chủ chăn toàn thể tín hữu, ngài có sứ mạng mưu ích chung cho
toàn thể Giáo Hội và cho từng Giáo Hội địa phương, nên ngài được quyền tối thượng
thường xuyên trên mọi Giáo Hội.
Các Giám Mục
cũng thế, chính các ngài được Chúa Thánh Thần đặt lên kế vị các Tông Ðồ như chủ
chăn các linh hồn 3
và được ủy thác sứ mệnh duy trì mãi mãi công việc của Chúa Kitô, chủ chăn đời đời
4,
hiệp nhất với Ðức Giáo Hoàng và dưới quyền ngài. Thật vậy, Chúa Kitô đã trao
cho các Tông Ðồ những đấng kế vị mệnh lệnh và quyền dạy dỗ mọi dân nước, thánh
hóa mọi người trong chân lý và chăn dắt họ. Do đó, nhờ Thánh Thần mà các ngài
đã lãnh nhận, các Giám Mục trở thành thầy dạy đức tin, chánh tế, chủ chăn thực
thụ và chính thức 5.
3. Các Giám Mục hiệp thông
và dưới quyền Ðức Giáo Hoàng. Các Giám Mục, là những người chia xẻ nỗi lo âu của
tất cả các Giáo Hội, thi hành nhiệm vụ giám mục mà các ngài đã nhận lãnh do việc
tấn phong giám mục 6,
trong sự hiệp thông và dưới quyền Ðức Giáo Hoàng, đối với những gì thuộc quyền
giáo huấn cũng như quyền cai quản mục vụ; tất cả các ngài họp thành Cộng Ðoàn
Giám Mục hay Giám Mục Ðoàn đối với toàn thể Giáo Hội Chúa.
Mỗi vị thi hành
chức vụ ấy trên phần đoàn chiên Chúa đã được chỉ định; mỗi vị được ủy thác coi
sóc một Giáo Hội địa phương, hoặc đôi khi vài vị cùng nhau lo cho một số nhu cầu
chung của nhiều Giáo Hội khác nhau.
Do đó, trong khi
đặc biệt lưu tâm đến những hoàn cảnh của cộng đồng nhân loại đang tiến đến một
trật tự mới trong thời đại chúng ta 7,
đồng thời cũng muốn xác định nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục cách minh bạch
hơn, Thánh Công Ðồng đã quyết định những điều sau đây.
Chú Thích:
1* Lời mở đầu
tóm lược quan niệm thần học quảng diễn trong chương III Hiến chế tín lý về Giáo
Hội.
1 Xem Mt 1,21.
2 Xem Gio 20,21.
3 Xem CÐ Vat. I,
Khóa IV, Hiến chế tín lý I về Giáo Hội Chúa Kitô, Pastor Aeternus, ch. 3: Dz
1828 (1061).
4 Xem CÐ Vat. I,
Khóa IV, Hiến chế tín lý I về Giáo Hội Chúa Kitô, Pastor Aeternus, lời mở đầu:
Dz 1821 (3050).
5 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. 3, số 21, 24, 25: AAS
(1965), trg 24-25, 29-31.
6 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. 3, số 21: AAS 57 (1965), trg
23-25.
7 Xem Gioan
XXIII, Tông hiến Humanae salutis, 25-12-1961: AAS 54 (1962) trg 6.
Chương I: Các Giám Mục Với Giáo Hội Phổ Quát
I. Vai trò của Giám Mục với Giáo Hội phổ quát
4. Quyền của Giám Mục
đoàn. Do bí tích tấn phong và do sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ Lãnh cũng
như với các thành phần trong cộng đoàn, các Giám Mục trở nên những Thành Phần của
Giám Mục Ðoàn 1.
"Giám Mục Ðoàn kế vị cộng đoàn Tông Ðồ trong việc giáo huấn và chăn dắt,
chính trong Giám Mục Ðoàn mà cộng đoàn Tông Ðồ được trường tồn. Hiệp nhất với
Thủ Lãnh, tức Giáo Hoàng Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh ấy, Giám
Mục Ðoàn có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có
thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Roma" 2.
Thực vậy, quyền bính này "được thi hành cách trọng thể trong Công Ðồng
Chung" 3:
do đó, Thánh Công Ðồng chế định mọi Giám Mục đều có quyền tham dự Công Ðồng
Chung vì là thành phần của Cộng Ðoàn Giám Mục. 2*
"Hiệp nhất
với Giáo Hoàng, các Giám Mục trên khắp thế giới còn có thể thực hành quyền cộng
đoàn ấy khi vị Thủ Lãnh cộng đoàn mời gọi các Ngài cùng hành động cách cộng
đoàn, hay ít ra khi Ngài ưng thuận hoặc tự do chấp nhận hành động hiệp nhất của
các Giám Mục rải rác để làm cho nó trở thành một hành động có tính cách cộng
đoàn thực sự" 4.
5. Hội nghị Giám Mục hay
Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Các Giám Mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau
trên thế giới, theo cách thức và tiêu chuẩn đã hoặc sẽ được Ðức Giáo Hoàng Roma
ấn định, giúp đỡ vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn nơi Hội Ðồng
có tên riêng là "Thượng Hội Ðồng Giám Mục" 5;
Thượng Hội Ðồng này đóng vai trò của toàn thể hàng Giám Mục Công Giáo, đồng thời
nói lên rằng tất cả các Giám Mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, cùng chia xẻ nỗi
lo âu của toàn thể Giáo Hội 6.
3*
6. Các Giám Mục chia xẻ sự
lo lắng cho tất cả Giáo Hội. Các Giám Mục, là những người kế vị hợp pháp các
Tông Ðồ và là thành phần của Cộng Ðoàn Giám Mục, phải luôn luôn ý thức mình
liên kết với nhau và cùng nhau lo lắng cho tất cả các Giáo Hội, vì được Thiên
Chúa thiết lập và do mệnh lệnh của nhiệm vụ tông đồ, mỗi vị, cùng với các Giám
Mục khác phải là người bảo đảm cho Giáo Hội 7.
Nhất là các ngài phải lo lắng đến những miền trên thế giới chưa được rao giảng
Lời Chúa, hay đặc biệt những miền mà chính vì quá ít linh mục, các Kitô hữu
đang bị nguy cơ xa lìa chính những huấn giới của đời sống Kitô giáo và cả đến mất
đức tin.
Vì thế các ngài
phải cố gắng hết sức thế nào để các công cuộc rao giảng Phúc Âm và hoạt động
tông đồ được các tín hữu nhiệt liệt nâng đỡ và cổ võ. Ngoài ra các ngài còn phải
chú tâm lo lắng chuẩn bị những thừa tác viên thánh vụ thích hợp và cả các phụ
tá, tu sĩ cũng như giáo dân, để làm việc tại các xứ truyền giáo và những miền
thiếu giáo sĩ. Và tùy sức có thể, các ngài hãy lo gửi một số linh mục của mình
đến thi hành thánh vụ tại những xứ truyền giáo và các giáo phận 4*
nói trên vĩnh viễn hay ít là trong một thời gian hạn định.
Ngoài ra, trong
khi xử dụng tài sản của Giáo Hội, các Giám Mục phải quan tâm đến không những
các nhu cầu của giáo phận mình, mà còn của các Giáo Hội địa phương khác vì các
Giáo Hội này là thành phần Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Sau cùng các ngài
cũng phải tùy sức mà quan tâm đến việc cứu trợ những tai ương mà các giáo phận
hay các miền khác phải gánh chịu.
7. Ðức Ái tích cực đối với
các Giám Mục bị bắt bớ. Nhất là các ngài phải lấy tình anh em mà bao bọc các vị
Giám Chức, vì danh Chúa Kitô, đang bị vu khống và gặp khó khăn hay bị ngăn cấm
không được thi hành chức vụ; và các ngài hãy lấy tình huynh đệ tích cực mà săn
sóc các vị đó để xoa dịu và làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ bằng kinh nguyện và
hành động của các Anh Em đồng nghiệp.
II. Các Giám Mục và Tòa Thánh
8. Quyền hạn các Giám Mục
trong giáo phận đảm nhiệm.
a) Các Giám Mục
vì là những người kế vị các Tông Ðồ, nên trong giáo phận đảm trách, tự mình các
ngài có mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp theo như nhiệm vụ
mục vụ đòi hỏi. 5*
Tuy nhiên trong mọi trường hợp, Ðức Giáo Hoàng Roma, vì chức vụ, vẫn luôn có
quyền dành lại một số vấn đề cho mình hay cho một Thẩm Quyền khác.
b) Trong trường
hợp riêng, mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các con chiên dưới quyền
theo luật định, mỗi Giám Mục giáo phận có đặc quyền miễn trừ luật chung của
Giáo Hội, trừ trường hợp dành riêng cho Thẩm Quyền Tối Cao của Giáo Hội. 6*
9. Thánh Bộ thuộc Giáo Triều
Rôma. Trong khi thi hành quyền tối cao, trọn vẹn và trực tiếp trên toàn thể
Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma xử dụng các Thánh Bộ thuộc Giáo Triều Roma; vì thế
các Thánh Bộ nhân danh và lấy quyền ngài mà chu toàn chức vụ của mình để mưu
ích chung cho các Giáo Hội cũng như giúp đỡ các Chủ Chăn thánh.
Vả lại, các Nghị
Phụ tham dự Thánh Công Ðồng mong ước rằng các Thánh Bộ này tuy đã giúp đỡ Ðức
Giáo Hoàng Roma và các Chủ Chăn của Giáo Hội một cách đắc lực, nhưng cũng cần cải
tổ cho hợp hơn với nhu cầu thời đại, địa phương và các nghi lễ, nhất là những vấn
đề có liên quan đến số các bộ, danh hiệu, thẩm quyền, phương pháp làm việc
riêng biệt và sự phối trí các công việc với nhau 8.
7*
Cũng thế, các ngài ước mong rằng vì nhiệm vụ riêng của các Giám Mục, nên chức vụ
các Ðại Sứ của Ðức Giáo Hoàng Roma cần phải được xác định rõ ràng hơn.
10. Nhân viên Thánh Bộ.
Ngoài ra, vì các Thánh Bộ được thành lập để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, nên
Thánh Công Ðồng ước mong hãy thâu nhận thêm các Thành Phần, các Nhân Viên và
các Cố Vấn cũng như các Ðại Sứ của Ðức Giáo Hoàng, từ những miền khác nhau
trong Giáo Hội, sao cho các cơ quan hành chánh hay cơ quan trung ương của Giáo
Hội Công Giáo tỏ ra có đặc tính phổ quát thực sự.
Công Ðồng còn
mong ước trong Thành Phần các Thánh Bộ cũng nên thâu nhận một số Giám Mục, nhất
là Giám Mục giáo phận, những vị có thể đem lại cho Ðức Giáo Hoàng một cách đầy
đủ hơn những cảm nghĩ, nguyện vọng và nhu cầu của tất cả Giáo Hội. 8*
Sau cùng các Nghị
Phụ nhận thấy rằng thật ích lợi nếu chính các Thánh Bộ đó biết nghe nhiều hơn nữa
những giáo dân trổi vượt về nhân đức, kiến thức và kinh nghiệm, sao cho chính
giáo dân cũng góp phần vào các công việc của Giáo Hội.
Chú Thích:
1 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. 3, số 22: AAS 57 (1965), trg
25-27.
2 CÐ Vat. II, Hiến
chế tín lý về Giáo Hội, n.v.t.
3 CÐ Vat. II, Hiến
chế tín lý về Giáo Hội, n.v.t.
2* Ðây là một
khuynh hướng mới mẻ: từ nay mọi Giám Mục dù không cai quản giáo phận (Giám Mục
hiệu tòa), đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung. Lúc trước các ngài chỉ có quyền
tham dự nếu được mời (Giáo Luật kh. 223, 2).
Khuynh hướng này
phát xuất từ một ý tưởng thần học mới mẻ. Quan niệm trước Công Ðồng cho rằng
Giám Mục có quyền bính vì hai lý do: a) việc tấn phong ban cho Giám Mục quyền
thánh hóa (cử hành thánh lễ, giải tội v.v...).
b) Ðức Giáo
Hoàng, người ban cho Giám Mục quyền giáo huấn và cai trị.
Nhưng Công Ðồng
(x.GH 21, 28; GM 2, 3; LM 7) quả quyết mọi quyền bính của Giám Mục đều do cuộc
tấn phong trong hiệp thông với Tòa Thánh. Ðức Giáo Hoàng chỉ là người chỉ định
cho Giám Mục một giáo phận để thực hành quyền bính đó. Chính vì thế điều kiện
duy nhất để tham dự Công Ðồng là được tấn phong Giám Mục trong hiệp thông với
Tòa Thánh.
4 CÐ Vat. II, Hiến
chế tín lý về Giáo Hội, n.v.t.
5 Xem Phaolô VI,
Tự sắc Apostolica Sollicitudo, 15-9-1965: AAS 57 (1965), trg 775-780.
6 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, ch. 3, số 23: AAS 57 (1965), trg 27-28.
3* Những người
có quyền tối cao trong Giáo Hội là: a) chỉ mình Ðức Giáo Hoàng. b) Ðức Giáo
Hoàng và tất cả Giám Mục trên thế giới chung với nhau (hay Giám Mục Ðoàn). Ðức
Giáo Hoàng cai trị qua Giáo Triều Roma. Còn Giám Mục Ðoàn cai trị như thế nào?
Ðôi khi các Giám Mục trên thế giới họp Công Ðồng Chung. Nhưng vì qui tụ tất cả
Giám Mục không phải là chuyện dễ, nên có các cuộc họp thu hẹp giữa một số Giám
Mục đại diện cho tất cả, và quyết định nhân danh Giám Mục Ðoàn. Cuộc họp này mệnh
danh là Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và được tổ chức hai năm một lần tại Roma.
7 Xem Piô XII,
Tđ. Fidei donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 237; xem thêm Benedictô XV, Tông
thư Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 440; Piô XI, Tđ. Rerum
Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 68t.
4* Xem TG 20,
38, 39; LM 10; Ecclesiae sanctae, ch. I, số 1-5 và ch. III, số 6.
5* Nguyên tắc
này mới mẻ và tạo thành một trong những nền tảng chính yếu của quyền bính và
quan trọng của Giám Mục. Quan niệm trước Công Ðồng cho rằng quyền cai trị của
Giám Mục là do Ðức Giáo Hoàng ban cho, nên Ðức Giáo Hoàng phải luôn luôn ban
cho các Giám Mục những quyền hành mà các ngài chưa có. Ngày nay thì trái lại:
qua việc tấn phong, các Giám Mục nhận mọi quyền bính cần thiết, Ðức Giáo Hoàng
chỉ thu hẹp những quyền này khi công ích của Giáo Hội phổ quát đòi hỏi như ta sẽ
thấy sau.
6* Ðây cũng là
điều mới mẻ. Trước Công Ðồng, Giám Mục không có quyền chuẩn luật Giáo Hội do Ðức
Giáo Hoàng thiết lập cho toàn thể Giáo Hội (Giáo Luật kh. 87). Nhờ căn bản này,
ngày nay các ngài mới có quyền đó. Nhưng Ðức Giáo Hoàng dành quyền riêng cho
Ngài trong một vài trường hợp như sau:
- Cho phép một
phó tế hay linh mục lấy vợ;
- Cho phép một
linh mục đã chính thức lập gia đình được thi hành nhiệm vụ tông đồ;
- Cho phép linh
mục làm thầy thuốc, giải phẫu, làm công chức, thượng nghị sĩ hay dân biểu;
- Cho phép thanh
niên thanh nữ quá trẻ lập gia đình, khi còn thiếu hơn một năm mới đến tuổi
thành hôn pháp định.
Các quyền dành
riêng này nhằm công ích Giáo Hội. Thực vậy, người ta có thể dễ dàng tưởng tượng
những bất tiện có thể xảy ra nếu Giám Mục này ban phép cho các linh mục của
ngài cưới vợ, còn vị khác lại khước từ. Thật là một hỗn loạn nếu trong một giáo
phận, người ta được lập gia đình lúc 13 tuổi, trong lúc giáo phận khác phải đợi
đến 14 tuổi.
8 Xem Phaolô VI,
Huấn từ cho các Hồng Y, các vị Lãnh Ðạo, các Giám Chức và các Nhân Viên thuộc
Giáo Triều Roma, 21-9-1963: AAS 55 (1963), trg 793tt.
7* Giáo Triều
Roma là cơ quan cai trị Giáo Hội của Ðức Giáo Hoàng. Giáo Triều này gồm những
Thánh Bộ, Tòa Án, Văn Phòng v.v... Tất cả những canh tân mà Công Ðồng mong muốn
đã được Ðức Phaolô VI thực hiện qua Tự Sắc Regimini Ecclesiae Universae, ngày
15-8-1967 (x. AAS (1967), trg 885-928; DC 1967, 1441-1473).
8* Ðức Phaolô VI
đã thực hiện ý muốn này, Ngài đã chỉ thị cho 7 giám mục được tuyển chọn khắp thế
giới, tham dự vào việc điều khiển mỗi Thánh Bộ (x. Tự sắc Pro comperto sane,
ngày 6-8-1967: AAS (1967), trg 881-884; DC 1967, 1474-1478).
Chương II: Các Giám Mục Với Các Giáo Hội Ðịa Phương Hay
Giáo Phận
I. Các Giám Mục Giáo Phận
11. Ý niệm về Giáo huấn và
phận sự Giám Mục trong giáo phận. Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được
giao phó cho một Giám Mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ
liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận được tập trung trong
Chúa Thánh Thần nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo Hội riêng biệt,
trong đó Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Chúa Kitô
hiện diện và hành động thực sự. 9*
Ðược ủy thác
chăm sóc một Giáo Hội riêng biệt, mỗi Giám Mục dẫn dắt các con chiên của mình
nhân danh Chúa, dưới quyền Ðức Giáo Hoàng, với danh nghĩa là chủ chăn riêng,
thường xuyên và trực tiếp khi thi hành nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai quản
các con chiên. Tuy nhiên các ngài phải nhìn nhận những quyền lợi chính đáng của
các Thượng Phụ hay những Ðấng Thẩm Quyền phẩm trật khác 1.
Các Giám Mục phải
chăm lo nhiệm vụ tông đồ của mình như những chứng nhân của Chúa Kitô trước mặt
mọi người, chẳng những săn sóc những kẻ đã theo vị Thủ Lãnh các chủ chăn, mà lại
hết lòng hy sinh cho những người bất cứ cách nào đã đi lạc đường chân lý hay
không biết Phúc Âm và lòng nhân từ cứu chuộc của Chúa Kitô, cho đến khi tất cả,
sau cùng sẽ "đi trong sự chí thiện, chí công và chân thật" (Eph 5,9).
12. Nhiệm vụ giáo huấn.
Trong khi thi hành chức vụ giáo huấn của mình, các Giám Mục phải loan báo cho mọi
người biết Phúc Âm Chúa Kitô, một nhiệm vụ trổi vượt trên các chức vụ chính yếu
của các ngài 2,
bằng cách nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mời gọi họ chấp nhận đức tin hoặc
làm cho họ vững mạnh trong đức tin sống động. Các ngài hãy trình bày cho họ
toàn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, tức những chân lý mà nếu không biết tới là không
biết Chúa Kitô, và cũng phải trình bày con đường đã được Thiên Chúa mạc khải để
làm vinh danh Người và nhờ đó, họ được hạnh phúc trường cửu 3.
Hơn nữa, các
ngài phải minh chứng rằng theo ý định của Thiên Chúa Tạo Hóa, chính các thực tại
trần thế và các tổ chức nhân loại đã được an bài để cứu rỗi con người, và do đó
chúng có thể góp phần không ít trong việc kiến tạo Thân Thể Chúa Kitô.
Vì thế, dựa theo
giáo thuyết của Giáo Hội, các ngài phải dạy cho họ biết phải kính trọng nhân vị,
kính trọng tự do và cả đời sống thể xác như thế nào; phải kính trọng gia đình,
còn sự hợp nhất và bền vững của nó, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái
như thế nào; phải tôn trọng cộng đồng dân sự với các luật lệ và những nghề nghiệp
của nó như thế nào; phải quí trọng lao công, giải trí, nghệ thuật và những khám
phá kỹ thuật như thế nào; phải mến chuộng sự nghèo khó cũng như sự sung túc ra
sao. Sau cùng các ngài phải trình bày những lý lẽ giải quyết các vấn đề rất hệ
trọng liên quan đến việc chiếm hữu, phát triển và việc phân phối hợp lý của cải
vật chất, những vấn đề liên quan tới hòa bình và chiến tranh, tới mối bang giao
huynh đệ giữa mọi dân tộc 4.
13. Cách trình bày giáo
thuyết Kitô giáo ngày nay. Các ngài phải trình bày giáo thuyết Kitô giáo một
cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại, nghĩa là đáp ứng những khó khăn
và những vấn đề đang làm cho moị người xao động và khắc khoải nhất. 10*
Các Ngài cũng phải coi sóc giáo thuyết đó bằng cách dạy cho chính các tín hữu
biết bênh vực và phổ biến nó. Trong việc giảng truyền giáo thuyết này, các ngài
phải tỏ lòng ân cần từ mẫu của Giáo Hội đối với hết mọi người, tín hữu cũng như
lương dân, và phải chăm sóc đặc biệt đến những người nghèo khổ, những kẻ hèn
kém, mà Chúa đã sai các ngài rao giảng Phúc Âm cho họ.
Vì Giáo Hội có
nhiệm vụ tìm đến đối thoại với xã hội loài người, trong đó Giáo Hội đang sống 5,
nên trước tiên bổn phận của các Giám Mục là đến với mọi người, kêu gọi và cổ võ
các cuộc đối thoại với họ. Trong những cuộc đối thoại thuộc viễn tượng cứu rỗi
đó, để chân lý luôn luôn liên kết với bác ái, kiến thức đi liền với tình yêu, cần
phải làm nổi bật tính chất minh bạch của ngôn ngữ, cùng sự khiêm tốn và lòng
nhân hậu, cũng như sự khôn ngoan đúng mức, nhưng đầy tin tưởng, vì khi sự tin
tưởng hỗ trợ tình bạn hữu thì cũng liên kết các tâm hồn 6.
Các ngài phải cố
gắng dùng những phương tiện khác nhau sẵn có trong thời đại chúng ta để loan
báo giáo thuyết Kitô giáo, trước hết là việc giảng thuyết và việc tổ chức dạy
giáo lý: cả hai luôn luôn giữ một địa vị chính yếu; sau đó trình bày giáo thuyết
trong các học đường, các học hội, các buổi thuyết trình và những cuộc hội họp
dưới mọi hình thức; và đừng quên phổ biến giáo lý đó bằng những bản tuyên ngôn
nhân một vài biến cố, cũng như bằng báo chí và những phương tiện truyền thông
xã hội khác nhau; cần phải hoàn toàn tận dụng các phương tiện này để rao truyền
Phúc Âm Chúa Kitô 7.
14. Tổ chức dạy giáo lý.
Các ngài phải lo lắng để việc tổ chức dạy giáo lý được thực hiện chu đáo cho
các thiếu nhi, cho thanh thiếu niên và cho cả những người đã trưởng thành với mục
đích là làm cho đức tin nơi mọi người, sau khi được giáo thuyết soi dẫn, trở
nên sống động, minh bạch và hữu hiệu. Các ngài phải lo lắng để việc truyền đạt
giáo lý có thể theo một thứ tự thích ứng và một phương pháp không những xứng hợp
với môn đang học hỏi mà còn hợp với tính tình, khả năng, tuổi tác và cả hoàn cảnh
sinh sống của các thính giả; việc dạy giáo lý đó cũng phải dựa trên Thánh Kinh,
Thánh Truyền, Phụng Vụ, Giáo Huấn và đời sống Giáo Hội.
Ngoài ra, các
ngài hãy lo chuẩn bị đúng mức các người dạy giáo lý thi hành phận sự của mình để
họ hiểu rõ giáo thuyết của Giáo Hội và thông thạo những định luật tâm lý và các
khoa sư phạm về lý thuyết cũng như thực hành.
Các ngài cũng phải
cố gắng thế nào để việc tổ chức dạy giáo lý cho những tân tòng đã lớn tuổi được
cải tổ hoặc thích nghi hơn.
15. Nhiệm vụ thánh hóa.
Khi thi hành chức vụ thánh hóa, các Giám Mục phải nhớ rằng mình đã được chọn từ
muôn người và được đặt lên cho họ trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để
dâng của lễ và lễ vật hy sinh đền tội. Thực thế, các Giám Mục hưởng nhận sự sung
mãn của Bí Tích Truyền Chức và các linh mục lệ thuộc vào các ngài khi thi hành
quyền bính của mình, vì chính các linh mục đã được thánh hiến thành những linh
mục đích thực của Tân Ước để trở nên những cộng sự viên sáng suốt của Hàng Giám
Mục. Các phó tế cũng lệ thuộc như vậy, vì họ đã được thụ phong để phụng sự, nên
họ phục vụ dân Thiên Chúa trong sự thông hiệp với Giám Mục và linh mục đoàn của
Ngài. Vì vậy chính các Giám Mục là những người phân phát chủ yếu các mầu nhiệm
của Thiên Chúa và là những vị điều hành, cổ võ, bảo vệ toàn thể đời sống phụng
vụ trong Giáo Hội đã được trao phó 8.
Vậy các ngài phải
luôn luôn lo lắng cho các Kitô hữu thấu hiểu và sống sâu xa hơn mầu nhiệm phục
sinh thế nào để nhờ Bí Tích Thánh Thể, họ tạo thành một Thân Thể liên kết rất
chặt chẽ trong tình bác ái duy nhất của Chúa Kitô 9.
Trong khi "chuyên cần cầu nguyện và giảng huấn lời Chúa" (CvTđ 6,4),
các ngài hãy gắng sức để mọi người dưới sự săn sóc của mình được đồng một lòng
trong kinh nguyện 10,
được lớn lên trong ơn nghĩa thánh nhờ lãnh nhận các Bí Tích và trở nên nhân chứng
trung thành của Chúa.
Như những kẻ có
nhiệm vụ giúp người khác nên trọn lành, các Giám Mục hãy nhiệt thành thúc đẩy
các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của mình sống thánh thiện tùy theo ơn gọi đặc biệt
của mỗi người 11.
Tuy nhiên, các ngài hãy nhớ rằng mình cũng phải nêu gương thánh thiện bằng bác
ái, khiêm nhường và bằng đời sống đơn giản. Các ngài phải thánh hóa các Giáo Hội
đã được trao phó, sao cho ý nghĩa Giáo Hội phổ quát của Chúa Kitô được sáng
chói hoàn toàn nơi các Giáo Hội đó. Cho nên các ngài hãy hết sức cổ võ ơn gọi
làm linh mục hay tu dòng, nhất là hãy đặc biệt lưu tâm đến ơn gọi truyền giáo.
16. Nhiệm vụ cai quản và
chăn dắt các linh hồn. Trong khi thi hành nhiệm vụ người cha và chủ chăn, các
Giám Mục hãy sống giữa dân mình như những người phục vụ 12,
nghĩa là như những chủ chăn hiền từ biết các con chiên mình và con chiên cũng
biết chủ chăn; như những người cha đích thực tỏ lòng yêu thương và lo lắng cho
hết mọi người và mọi người tỏ lòng tri ân tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã
ban cho các ngài. Các ngài hãy quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình
đông đủ để mọi người đều ý thức nhiệm vụ riêng mà sống và hoạt động trong tình
hiệp thông bác ái.
Ðể có thể thực
thi những điều đó một cách hiệu nghiệm, các Giám Mục "là những người sẵn
sàng làm mọi việc thiện" (2Tm 2,21) và "chịu đựng mọi sự vì những kẻ
được chọn" (2Tm 2,10) phải tổ chức đời sống mình phù hợp với những nhu cầu
thời đại.
Vì các linh mục
chia xẻ một phần nghĩa vụ cũng như nỗi lo âu của chính các ngài và vì hằng ngày
họ hăng say thi hành nghĩa vụ đó, nên các ngài hãy luôn đặc biệt yêu mến họ,
coi họ như những người con, người bạn 13;
như thế, nhờ sẵn sàng nghe họ và liên lạc thân tín với họ, các ngài nhiệt thành
cổ võ toàn thể công tác mục vụ trong cả giáo phận. 11*
Các ngài phải lo
lắng tới tình trạng thiêng liêng, trí thức và vật chất của các linh mục mình, để
họ có thể sống thánh thiện và đạo đức cũng như có thể trung thành chu toàn nhiệm
vụ riêng một cách hữu hiệu. Do đó, các ngài nên khuyến khích mở những trung tâm
huấn luyện và tổ chức các cuộc gặp gỡ đặc biệt giúp cho các linh mục thỉnh thoảng
quy tụ lại với nhau, vừa để chu toàn các việc linh thao lâu dài hơn nhằm cải tạo
cuộc sống, vừa để học hỏi sâu xa hơn những môn học của Giáo Hội, nhất là Thánh
Kinh và thần học hay những vấn đề xã hội khá quan trọng, và cả những phương
pháp mới của hoạt động mục vụ nữa. Các ngài nên đối xử nhân từ cách tích cực với
những linh mục đang lâm nguy bằng cách này hay bằng cách khác, hoặc đã sa ngã một
cách nào đó.
Ðể có thể mưu
ích cho các tín hữu hợp với tình trạng của từng người, các ngài phải cố gắng
tìm hiểu đúng mức những nhu cầu của họ trong hoàn cảnh xã hội họ đang sống, nhờ
áp dụng những phương thế thích hợp, nhất là phương pháp điều tra xã hội. Các
ngài phải tỏ ra lo lắng cho hết mọi người, bất luận tuổi tác, hoàn cảnh hay quốc
tịch, người bản xứ, ngoại kiều cũng như lữ khách. Trong việc thể hiện nỗi lo lắng
mục vụ này, các ngài phải dành cho tín hữu của mình những vai trò thích hợp với
họ trong các công việc của Giáo Hội, và đồng thời phải nhìn nhận họ cũng có bổn
phận và quyền lợi tích cực góp sức vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Các ngài phải tỏ
lòng thương mến những anh em ly khai bằng cách nhắn nhủ các tín hữu đối đãi với
họ hết sức nhân đạo và bác ái; đồng thời cũng cổ võ phong trào hiệp nhất đúng
theo quan điểm của Giáo Hội 14.
Các ngài hãy yêu mến những người không được rửa tội để bác ái của Chúa Kitô chiếu
sáng cho họ, vì Giám Mục là nhân chứng của Chúa Giêsu trước mặt mọi người.
17. Các hình thức đặc biệt
của việc tông đồ. Phải hỗ trợ các phương pháp làm việc tông đồ khác nhau cũng
như việc phối trí và liên lạc mọi công việc tông đồ dưới sự chỉ huy của Giám Mục
trong toàn cõi hay tại những vùng đặc biệt của giáo phận; nhờ sự liên kết này,
mọi sáng kiến và tổ chức như dạy giáo lý, truyền giáo, bác ái, xã hội, gia
đình, học đường và bất cứ công việc gì theo đuổi mục đích mục vụ, đều được thống
nhất theo một đường lối hoạt động; và như thế sự hợp nhất của giáo phận được
sáng chói hơn.
Cần phải chăm lo
nhấn mạnh đến bổn phận đòi buộc từng tín hữu phải làm việc tông đồ tùy theo
hoàn cảnh và khả năng của mình và cũng phải nhắc nhở họ tham dự hoặc giúp đỡ
các công việc tông đồ giáo dân khác nhau, nhất là công giáo tiến hành. Cũng phải
cổ võ hay nâng đỡ những hiệp hội nào trực tiếp hoặc gián tiếp theo đuổi mục
đích siêu nhiên, nghĩa là để đạt đến đời sống toàn thiện hơn, hoặc để loan báo
Phúc Âm Chúa Kitô cho mọi người, hoặc phát động giáo thuyết Kitô giáo hay phát
triển những phụng tự công cộng hoặc theo đuổi những mục đích xã hội hoặc thực hiện
những công việc đạo đức hay bác ái.
Các hình thức hoạt
động tông đồ cần phải thích nghi đúng mức với những nhu cầu hiện đại, quan tâm
tới các hoàn cảnh của con người, không những về điều kiện thiêng liêng và luân
lý, mà cả hoàn cảnh xã hội, dân số và kinh tế nữa. Nhờ những ban mục vụ xã hội,
là những ban được khuyến khích đặc biệt, các cuộc điều tra xã hội và tôn giáo
giúp ích rất nhiều để đạt tới mục đích đó cách hữu hiệu và phong phú.
18. Chú tâm đặc biệt đến một
ít nhóm tín hữu. Cần lo lắng đặc biệt đến những tín hữu vì hoàn cảnh sinh sống
không được hưởng đầy đủ sự chăm sóc mục vụ chung và thường xuyên của cha xứ hoặc
thiếu hẳn sự chăm sóc đó, chẳng hạn đa số những người di cư, dân lưu đày, tị nạn,
những người đi biển, cũng như các nhân viên phi hành, dân du mục và những hạng
người như thế. Cần phải cổ võ những phương pháp mục vụ thích hợp để nâng đỡ đời
sống thiêng liêng của những người vì lý do nghỉ ngơi, tìm đến những xứ khác
trong một thời gian.
Các Hội Ðồng
Giám Mục, nhất là Hội Ðồng Giám Mục Quốc Gia, cần phải nghiên cứu những vấn đề
khá cấp bách liên hệ đến những người kể trên. Nhờ các phương tiện cũng như các
tổ chức thích hợp, các ngài hãy đồng tâm hiệp lực lo lắng và hỗ trợ việc thiêng
liêng của họ, bằng cách vừa lưu tâm đến những tiêu chuẩn đã được Tòa Thánh qui
định 15,
hay sẽ ban hành, vừa thích nghi thỏa đáng với các hoàn cảnh về thời gian, nơi
chốn và nhân sự.
19. Quyền tự do của Giám Mục
và mối tương quan với chính quyền. Trong việc chu toàn nhiệm vụ tông đồ nhằm cứu
rỗi các linh hồn, các Giám Mục tự mình được hưởng quyền tự do đầy đủ và hoàn
toàn, cũng như quyền độc lập đối với bất cứ quyền hành dân sự nào 12*.
Vì thế, không được phép trực tiếp hay gián tiếp ngăn trở việc thi hành nhiệm vụ
thuộc phạm vi Giáo Hội của các ngài, hoặc không cho các ngài tự do liên lạc với
Tòa Thánh, với những Thẩm Quyền khác trong Giáo Hội và với những kẻ thuộc quyền.
Thực ra, các Chủ
Chăn Thánh, trong khi chuyên tâm săn sóc việc thiêng liêng cho đoàn chiên, thực
sự cũng lo đến công việc thăng tiến và nền thịnh vượng của xã hội trần thế, bằng
cách cộng tác hữu hiệu với các chính quyền dân sự để thực hiện mục đích trên
trong phạm vi chức vụ và hợp với cương vị Giám Mục; và bằng cách nhắn nhủ đoàn
chiên vâng phục các luật lệ chính đáng và tôn trọng các quyền bính hợp pháp.
20. Tự do trong việc chỉ định
và bổ nhiệm Giám Mục. Vì nhiệm vụ tông đồ của các Giám Mục đã được Chúa Kitô
thiết lập và theo đuổi mục đích thiêng liêng, siêu nhiên, nên Thánh Công Ðồng
tuyên bố rằng quyền chỉ định và bổ nhiệm các Giám Mục là quyền riêng, đặc biệt,
và tự nó độc hữu thuộc Thẩm Quyền Giáo Hội.
Vì thế, để bảo vệ
đúng mức sự tự do của Giáo Hội, để thăng tiến lợi ích của Kitô hữu cách thích hợp
và dễ dàng hơn, Thánh Công Ðồng ước mong sau này các chính quyền dân sự không
còn hưởng các quyền lợi hoặc đặc ân nào về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề cử hay
chỉ định chức vụ Giám Mục; còn phần các Chính Quyền dân sự, Thánh Công Ðồng tri
ân và quý trọng thịnh tình của họ đối với Giáo Hội và hết sức nhã nhặn xin họ
hãy đồng lòng với Tòa Thánh tự ý từ bỏ những quyền lợi hay đặc ân kể trên mà hiện
tại họ vẫn hưởng do hiệp ước hoặc tập tục.
21. Sự từ nhiệm của Giám Mục.
Do đó, vì nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục quá quan trọng và nặng nề, nên các Giám
Mục giáo phận và những vị có quyền tương đương, nếu vì cao niên hay vì lý do
quan trọng nào khác mà trở nên ít thích hợp trong việc chu toàn chức vụ 13*,
đều được tha thiết kêu gọi từ chức hoặc tự ý, hoặc do Thẩm Quyền khuyến cáo.
Ðàng khác, nếu đã chấp nhận sự từ chức đó, Thẩm Quyền vừa lo nâng đỡ cách xứng
đáng các vị từ chức vừa thừa nhận các ngài được hưởng những quyền lợi đặc biệt.
II. Ranh giới các giáo phận
22. Duyệt xét lại ranh giới
giáo phận. Ðể thực hiện được mục đích trung thực của giáo phận, bản tính của
Giáo Hội cần phải được thể hiện rõ ràng ngay trong Dân Chúa thuộc giáo phận đó;
các Giám Mục phải có thể chu toàn những nhiệm vụ mục vụ của mình trong giáo phận
cách hữu hiệu; sau cùng, sự cứu rỗi của Dân Chúa phải được phục vụ hết sức hoàn
hảo như có thể.
Ðiều đó đòi hỏi
hoặc phải phân chia thích hợp ranh giới đất đai các giáo phận, hoặc phải phân
phối các giáo sĩ, các tài sản cách hợp lý và thích hợp với những đòi hỏi của hoạt
động tông đồ. Tất cả những điều đó chẳng những giúp ích cho hàng giáo sĩ và các
Kitô hữu trực tiếp liên hệ, mà thực sự còn có ích lợi cho toàn thể Giáo Hội
Công Giáo nữa.
Vì thế, Thánh
Công Ðồng quyết định là tùy theo lợi ích các linh hồn đòi hỏi, phải lập tức và
khôn ngoan xét lại cách thỏa đáng những điều liên quan đến ranh giới các giáo
phận, bằng cách phân chia, cắt xén hay sát nhập các giáo phận, hoặc bằng cách sửa
đổi ranh giới hay ấn định địa điểm thích hợp hơn cho tòa Giám Mục, hoặc sau
cùng bằng cách canh tân tổ chức nội bộ, nhất là đối với những giáo phận có nhiều
thành phố lớn.
23. Quy tắc phải theo trong
việc duyệt xét lại ranh giới giáo phận. Khi xét lại các ranh giới giáo phận,
trước hết cần phải bảo đảm tính cách duy nhất về nhân sự, chức vụ, tổ chức của
mỗi giáo phận giống như một thân thể thật sống động. Còn trong từng trường hợp,
sau khi cân nhắc mọi hoàn cảnh liên hệ, cần phải lưu ý đến những tiêu chuẩn khá
tổng quát sau đây:
1) Trong việc ấn
định ranh giới giáo phận, phải lưu tâm chừng nào có thể đến những thành phần
khác biệt của dân Chúa, vì điều đó có thể giúp ích nhiều cho việc thi hành sự chăm
sóc mục vụ thích hợp hơn. Ðồng thời phải lo sao để những vùng đông dân chúng
thành một đơn vị đồng nhất bao nhiêu có thể, với những công sở dân sự và các tổ
chức xã hội là những yếu tố tạo thành cơ cấu sống động của chính dân đó. Vì thế,
lãnh thổ của mỗi giáo phận rõ ràng chỉ là một khối đồng nhất.
Nếu cần, cũng phải
để ý đến những ranh giới dân sự và những hoàn cảnh đặc biệt về nhân sự hoặc địa
phương, như tâm lý, kinh tế, địa lý, lịch sử.
2) Diện tích hay
dân số của giáo phận cách chung phải làm sao để một mặt chính Giám Mục, dù có
nhiều phụ tá, vẫn có thể cử hành những nghi lễ đại triều và đi kinh lý cách thuận
lợi, có thể điều khiển và phối trí đúng mức mọi hoạt động tông đồ trong giáo phận,
nhất là có thể hiểu biết các linh mục của mình, cũng như các tu sĩ và giáo dân
đang tham dự một cách nào đó vào các công việc của giáo phận; mặt khác khu vực
phải rộng đủ và thích hợp để cả Giám Mục lẫn các giáo sĩ có thể hy sinh cách hữu
ích mọi sức lực mình cho nhiệm vụ mà vẫn luôn luôn lưu tâm tới những nhu cầu của
toàn thể Giáo Hội.
3) Sau cùng để
nhiệm vụ cứu rỗi có thể được thi hành trong giáo phận cách thích hợp hơn, phải
được kể như luật là trong mỗi giáo phận, số lượng và khả năng của hàng giáo sĩ
ít nhất phải đủ để chăn dắt dân Chúa cho đúng mức; đừng để thiếu những chức vụ,
tổ chức và các công việc riêng biệt của Giáo Hội địa phương mà thực tế là cần
thiết cho việc điều khiển và hoạt động tông đồ thích hợp của Giáo Hội đó. Sau hết
các tài nguyên để nâng đỡ nhân sự và các tổ chức, hoặc phải có sẵn hoặc đàng
khác, ít ra phải khôn ngoan tiên liệu sẽ không thiếu.
Cũng nhằm mục
đích đó, nơi nào có những tín hữu thuộc Nghi Lễ khác, Giám Mục giáo phận phải
lo liệu cho những nhu cầu thiêng liêng của họ hoặc bằng các linh mục hay những
giáo xứ cùng nghi lễ, hoặc bằng vị Ðại Diện Giám Mục có đủ đặc quyền thích hợp,
và nếu cần có cả chức Giám Mục nữa, hoặc chính ngài đảm trách nhiệm vụ của đấng
bản quyền cho các nghi lễ khác biệt ấy. Nếu theo sự xét đoán của Tòa Thánh, tất
cả những điều trên không thể thực hiện được, vì những lý do đặc biệt, thì cần
phải thiết lập một Phẩm Trật riêng cho các nghi lễ khác biệt này 16.
Cũng thế, trong
những hoàn cảnh tương tự, cần lo cho các tín hữu thuộc ngôn ngữ khác nhau hoặc
bằng các linh mục hay những giáo xứ có cùng ngôn ngữ, hoặc bằng Vị Ðại Diện
Giám Mục thông thạo ngôn ngữ ấy, và nếu cần có cả chức Giám Mục nữa, hoặc sau
cùng, nhờ một phương thế nào khác thích hợp hơn.
24. Hỏi ý kiến Hội Ðồng
Giám Mục. Ðể sửa đổi hoặc cải cách các giáo phận theo tiêu chuẩn liên quan đến
các số 22-23, mà vẫn giữ trọn kỷ luật của các Giáo Hội Ðông Phương, các Hội Ðồng
Giám Mục có thẩm quyền phải cứu xét những công việc trên cho mỗi lãnh thổ riêng
của mình bằng cách nhờ đến Tiểu Ban Giám Mục đặc biệt, nếu thấy điều đó thích hợp,
nhưng nhất là luôn luôn biết nghe các Giám Mục trong giáo tỉnh hay giáo miền
liên hệ và sau đó phải đệ trình những ý kiến và nguyện vọng của mình lên Tòa
Thánh.
III. Các cộng sự viên của Giám Mục giáo phận trong phận
sự mục vụ
1. Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá 14*
25. Luật phải theo khi thiết
lập Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá. Trong việc điều khiển giáo phận, cần phải
lo liệu cho phận sự mục vụ của các Giám Mục thế nào để ích lợi cho đoàn chiên
Chúa luôn luôn là qui tắc tối cao. Ðể ích lợi đó được thể hiện đúng mức, nhiều
khi cần phải thiết lập các Giám Mục Phụ Tá, vì Giám Mục giáo phận một mình không
thể chu toàn mọi chức vụ giám mục như ích lợi các linh hồn đòi hỏi; hoặc do
giáo phận quá rộng lớn, nhân số quá đông, hoặc do những hoàn cảnh đặc biệt của
hoạt động tông đồ hay vì nhiều lý do khác. Hơn nữa, đôi khi nhu cầu đặc biệt
đòi hỏi phải thiết lập Giám Mục Phó để giúp đỡ Giám Mục giáo phận. Các Giám Mục
Phó và Giám Mục Phụ Tá đó phải được những đặc quyền thích hợp sao cho trong khi
vẫn giữ được sự duy nhất của việc điều khiển giáo phận và duy trì quyền Giám Mục
giáo phận, các ngài hành động thêm hữu hiệu hơn và chức phẩm riêng của các Giám
Mục được bảo toàn hơn.
Ngoài ra, vì được
mời gọi chia xẻ mối lo lắng của Giám Mục giáo phận, các Giám Mục Phó và Giám Mục
Phụ Tá phải thi hành nhiệm vụ của mình để hành động được hiệp nhất với Giám Mục
giáo phận trong mọi công việc. Hơn nữa, các ngài phải tỏ lòng tuân phục và kính
trọng Giám Mục giáo phận. Còn phần Giám Mục giáo phận cũng hãy lấy tình huynh đệ
mà yêu mến và kính nể các Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá.
26. Quyền hành của Giám Mục
Phó và Giám Mục Phụ Tá. Khi ích lợi các linh hồn đòi hỏi, Giám Mục giáo phận đừng
ngần ngại thỉnh nguyện Thẩm Quyền thiết lập một hay nhiều Giám Mục Phụ Tá, là
những người được đặt lên để giúp giáo phận nhưng không có quyền kế vị.
Nếu văn thư bổ
nhiệm không tiên liệu gì, Giám Mục giáo phận hãy đặt một hay nhiều Giám Mục Phụ
Tá của mình làm Tổng Ðại Diện, hoặc ít ra làm Ðại Diện Giám Mục và chỉ tùy thuộc
quyền ngài. Ngài hãy vui lòng tham khảo ý kiến các vị đó khi cần cân nhắc những
vấn đề khá quan trọng, nhất là những vấn đề có tính cách mục vụ.
Trừ khi Thẩm Quyền
quyết định cách khác, những quyền hành và đặc quyền do luật định cho các Giám Mục
Phụ Tá sẽ không chấm dứt với chức vụ của Giám Mục giáo phận. Cũng mong ước rằng
lúc trống tòa, nhiệm vụ điều khiển giáo phận được trao cho Giám Mục Phụ Tá, hay
nếu có nhiều thì trao cho một vị trong các ngài, trừ khi có những lý do quan trọng
khuyên nên làm cách khác.
Giám Mục Phó, là
đấng được bổ nhiệm với quyền kế vị, luôn luôn phải được Giám Mục giáo phận đặt
làm Tổng Ðại Diện. Trong những trường hợp đặc biệt, ngài còn có thể được Thẩm
Quyền ban cho những đặc quyền rộng hơn.
Ðể ích lợi hiện
tại và tương lai của giáo phận được bảo đảm cách hết sức hoàn hảo, Giám Mục có
Giám Mục Phó và Giám Mục Phó đừng quên tham khảo ý kiến lẫn nhau trong những vấn
đề khá quan trọng. 15*
2. Giáo Phủ và các Ủy Ban Giáo Phận
27. Tổ chức Giáo Phủ và
thiết lập Ủy Ban Giáo Phận. Trong Giáo Phủ của giáo phận, chức vụ của vị Tổng Ðại
Diện 16*
nổi bật nhất. Mỗi khi việc điều hành chu đáo giáo phận đòi hỏi, Giám Mục có thể
thiết lập một hay nhiều vị Ðại Diện Giám Mục. Các vị này, theo đúng luật, được
hưởng quyền mà luật chung ban cho vị Tổng Ðại Diện trong một miền được xác định
của giáo phận hay trong một số công việc đích xác, hoặc đối với các tín hữu thuộc
một nghi lễ nhất định.
Trong số các cộng
sự viên giúp Giám Mục điều hành giáo phận, phải kể tới các linh mục thuộc thành
phần của hội đồng hay ủy ban của ngài như kinh sỹ hội chánh tòa, hội đồng cố vấn
hay những ủy ban khác tùy theo hoàn cảnh và đặc tính của các địa phương khác
nhau. Những tổ chức này, nhất là kinh sỹ hội chánh tòa, khi cần thiết còn phải
tùy thuộc một thể thức mới thích hợp với nhu cầu hiện đại. 17*
Linh Mục và giáo
dân thuộc về Giáo Phủ giáo phận hãy biết rằng mình cộng tác với Giám Mục vào thừa
tác vụ mục vụ.
Giáo Phủ giáo phận
phải được tổ chức thế nào để trở thành dụng cụ thích hợp cho Giám Mục, không những
để cai quản giáo phận, nhưng còn để thi hành các việc tông đồ nữa.
Tha thiết mong ước
rằng mỗi giáo phận nên thành lập một Ủy Ban mục vụ, do chính Giám Mục giáo phận
làm chủ tịch, và thành phần là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn đặc
biệt. Nhiệm vụ của Ủy Ban là thăm dò những gì liên hệ tới công việc mục vụ, cân
nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những việc đó.
3. Giáo Sĩ Giáo Phận
28. Những liên hện giữa
Giám Mục và các linh mục giáo phận. Tất cả các linh mục giáo phận cũng như linh
mục dòng đều cùng Giám Mục tham dự và thi hành một chức linh mục của Chúa Kitô
và do đó các ngài thành những người cộng tác khôn ngoan của Hàng Giám Mục. Tuy
nhiên trong việc coi sóc các linh hồn, các linh mục giáo phận giữ vai trò số một,
vì khi gia nhập hay là liên kết với Giáo Hội địa phương, các ngài hiến toàn
thân phục vụ Giáo Hội ấy để chăn dắt một phần đoàn chiên Chúa; vì thế các ngài
làm thành một linh mục đoàn và một gia đình mà Giám Mục là người cha. 18*
Ðể sắp đặt các thừa tác vụ thánh nơi các linh mục của mình một cách thích hợp
và công bình hơn, Giám Mục phải được hưởng quyền tự do cần thiết trong việc
trao phó các nhiệm vụ hoặc ân bổng, nên phải hủy bỏ những quyền lợi hoặc đặc ân
hạn chế quyền tự do đó bằng bất cứ cách nào.
Những liên hện
giữa Giám Mục và các linh mục giáo phận phải dựa trên những mối dây bác ái hoàn
toàn siêu nhiên, để sự đồng tâm nhất trí giữa hàng linh mục và Giám Mục làm cho
hành động mục vụ của mình được phong phú hơn. Vì thế, để cổ võ việc phục vụ các
linh hồn mỗi ngày một hơn, Giám Mục nên mời gọi các linh mục đối thoại riêng và
chung nữa, nhất là về vấn đề mục vụ, không những khi thuận tiện, mà còn nên ấn
định thời gian nếu có thể.
Ngoài ra, tất cả
các linh mục giáo phận hãy hợp nhất với nhau và nhờ thế được thúc đẩy lo lắng
cho lợi ích thiêng liêng của toàn giáo phận. Hơn nữa, các ngài hãy nhớ rằng, những
của cải mình có được khi nhận chức vụ trong Giáo Hội đều liên hệ với nhiệm vụ
thánh, nên các ngài hãy tùy sức mà quảng đại giúp đỡ những nhu cầu vật chất của
địa phận, theo như sự quy định của Giám Mục.
29. Linh mục đặc trách
công việc liên xứ. Những cộng sự viên thân cận hơn của Giám Mục là chính những
linh mục mà ngài đã ủy thác nhiệm vụ mục vụ hay hoạt động tông đồ có tính cách
liên xứ, hoặc đối với một cộng đoàn giáo dân riêng biệt hay một loại hoạt động
đặc biệt.
Các linh mục được
Giám Mục trao phó những nhiệm vụ tông đồ khác nhau, làm việc ở trường học,
trong các tổ chức khác hay các hiệp hội, cũng góp phần cộng tác rất quý báu. Cả
những linh mục phụ trách các công việc liên giáo phận, vì thi hành các công cuộc
tông đồ quan trọng, nên đáng được săn sóc đặc biệt, nhất là bởi Giám Mục mà họ ở
trong giáo phận của ngài.
30. Linh mục chính xứ. Vì
lý do đặc biệt các linh mục chính xứ là những cộng sự viên của Giám Mục: các
ngài được ủy thác việc săn sóc các linh hồn như những chủ chăn riêng trong một
khu vực nhất định thuộc giáo phận dưới quyền Giám Mục.
1) Trong khi săn
sóc các linh hồn như thế, các linh mục chính xứ cùng với các phụ tá của mình phải
chu toàn nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai quản sao cho các tín hữu và cộng
đoàn giáo xứ cảm thấy mình thực sự là những phần tử của giáo phận cũng như của
toàn thể Giáo Hội. Vì thế các ngài cũng phải cộng tác với những linh mục chính
xứ khác 19*,
cả với những linh mục thi hành phận sự mục vụ trong địa hạt (thí dụ như các
Linh Mục Quản Hạt, các Linh Mục Niên Trưởng), hoặc phụ trách những công việc có
tính cách liên xứ, để việc mục vụ trong địa phận không mất vẻ duy nhất và trở
nên hữu hiệu hơn.
Ngoài ra, việc
săn sóc các linh hồn luôn luôn phải được thấm nhuần tinh thần truyền giáo làm
sao để làn rộng cách thích đáng tới mọi người sống trong giáo xứ. Nếu các linh
mục chính xứ không thể đi tới một số nhóm người, các ngài phải kêu gọi những
người khác kể cả giáo dân, phụ giúp đặc biệt để họ có thể trợ lực các ngài
trong những việc tông đồ.
Ðể việc săn sóc
các linh hồn đó được hữu hiệu hơn, đời sống chung của các linh mục, đặc biệt là
các linh mục trong cùng một giáo xứ, được thiết tha khuyến khích, vì một đời sống
như thế vừa hỗ trợ hoạt động tông đồ, vừa nêu gương bác ái và đoàn kết cho giáo
hữu.
2) Trong khi
hoàn tất nhiệm vụ giáo huấn 20*,
các linh mục chính xứ có bổn phận rao giảng lời Chúa cho mọi Kitô hữu, để khi
đã được đâm rễ sâu trong đức tin, đức cậy và đức ái, họ lớn lên trong Chúa
Kitô, và cộng đoàn Kitô giáo làm chứng về đức ái mà Chúa đã truyền dạy 17;
các ngài cũng phải dạy giáo lý để giúp giáo hữu tùy từng lứa tuổi được thấu triệt
mầu nhiệm cứu rỗi. Trong việc dạy giáo lý trên, không những các ngài phải xin
các tu sĩ giúp đỡ, mà còn yêu cầu cả giáo dân cộng tác nữa bằng cách thiết lập
Hiệp Hội Giáo Thuyết Kitô Giáo.
Trong khi hoàn
thành công việc thánh hóa, các linh mục chính xứ hãy lo lắng để việc cử hành Hy
Tế Thánh Thể phải là trọng tâm và tuyệt đỉnh của toàn thể đời sống cộng đoàn
Kitô giáo; các ngài hãy nỗ lực để tín hữu được lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng
nhờ sốt sắng siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, cũng như tham dự Phụng Vụ cách ý
thức và sống động. Các ngài cũng hãy nhớ rằng Bí Tích Giải Tội hỗ trợ rất nhiều
cho đời sống Kitô giáo; vì thế các ngài phải tỏ ra sẵn sàng ngồi tòa giải tội
cho tín hữu, trong trường hợp cần thiết còn phải mời các linh mục thông thạo những
ngôn ngữ khác tới giúp đỡ nữa.
Trong khi chu
toàn nhiệm vụ chủ chăn, 21*
trước tiên các linh mục chính xứ hãy quan tâm tìm hiểu đoàn chiên riêng của
mình. Vì là kẻ phục vụ hết mọi con chiên, các ngài hãy giúp cho đời sống Kitô
giáo được thăng tiến nơi từng giáo hữu, trong gia đình, trong các hiệp hội đặc
biệt liên hệ tới việc tông đồ và cả trong toàn thể cộng đoàn giáo xứ. Vì thế
các ngài hãy thăm viếng các gia đình và trường học như phận sự mục vụ đòi hỏi;
các ngài hãy nhiệt thành lo cho các thanh thiếu niên; các ngài hãy lấy tình phụ
tử bao bọc những người nghèo khổ, bệnh tật; sau cùng các ngài hãy đặc biệt lo lắng
cho thợ thuyền và nỗ lực làm cho các tín hữu trợ giúp vào công cuộc tông đồ.
3) Các linh mục
phó xứ là những cộng sự viên của linh mục chính xứ, hằng ngày các ngài góp phần
cộng tác quý giá và sống động vào việc thi hành phận sự mục vụ dưới quyền linh
mục chính xứ. Vì thế, linh mục chính xứ và các linh mục phó xứ của ngài, phải
có những liên lạc huynh đệ luôn bác ái và kính trọng nhau, tương trợ lẫn nhau,
bằng những lời khuyên nhủ, giúp đỡ và gương mẫu, đồng tâm hiệp ý và hăng say lo
lắng cho giáo xứ.
31. Bổ nhiệm, thuyên chuyển
và từ chức linh mục chính xứ. Ðể phán đoán năng khiếu một linh mục trong việc
điều khiển giáo xứ, Giám Mục hãy chú ý tới không những học thức, nhưng còn cả
lòng đạo đức, tinh thần tông đồ nhiệt thành, các tài năng cũng như những đức
tính khác cần để thi hành đúng mức việc săn sóc các linh hồn.
Ngoài ra, vì ích
lợi các linh hồn phải là lý do toàn diện của nhiệm vụ giáo xứ, nên để Giám Mục
có thể tiến hành việc xếp đặt các giáo xứ dễ dàng và thích hợp hơn, ngoại trừ
quyền lợi của các giáo sĩ Dòng Tu, phải bãi bỏ mọi quyền giới thiệu, bổ nhiệm
hay ưu tiên, kể cả luật thi tuyển chung hoặc riêng nếu nơi nào có luật ấy.
Trong giáo xứ của
mình, mỗi linh mục chính xứ còn được quyền tại chức lâu bền như ích lợi của các
linh hồn đòi hỏi 22*.
Vì vậy, sau khi bãi bỏ việc phân biệt các linh mục chính xứ cố định và linh mục
chính xứ khả dịch, nên xét lại và đơn giản hóa thể thức thuyên chuyển và thay đổi
các linh mục chính xứ, để nhờ đó Giám Mục vừa duy trì sự công bằng theo tự
nhiên và theo giáo luật, vừa có thể đáp ứng thích hợp hơn với nhu cầu mà ích lợi
các linh hồn đòi hỏi.
Các linh mục
chính xứ, vì tuổi già hoặc vì lý do quan trọng khác, không thể chu toàn chức vụ
đúng mức và kết quả, nên thiết tha yêu cầu các linh mục đó tự ý hoặc do Giám Mục
khuyến cáo, xin từ chức. Giám Mục hãy trợ cấp xứng đáng cho những vị đã từ chức
23*.
32. Thiết lập và hủy bỏ
giáo xứ. Cuối cùng, cũng chính sự cứu rỗi các linh hồn phải là lý do để xác định
hoặc thừa nhận việc thiết lập hay việc hủy bỏ các giáo xứ hoặc những thay đổi
tương tự khác mà chỉ Giám Mục mới có thể tự quyền thực hiện.
4. Các Tu Sĩ Dòng Tu
33. Tu sĩ dòng và việc
tông đồ. Tất cả những Tu Sĩ Dòng Tu mà những điều sau đây bàn đến, là những người
đã tuyên hứa theo những lời khuyên Phúc Âm trong các Tu Hội, tùy theo ơn gọi
riêng của mỗi Tu Hội, có nhiệm vụ tận lực và chuyên cần gắng sức xây dựng phát
triển toàn diện Nhiệm Thể Chúa Kitô và mưu cầu ích lợi cho các Giáo Hội địa
phương.
Họ buộc phải
theo đuổi những mục đích đó trước hết bằng lời cầu nguyện, các việc thống hối
và bằng gương mẫu đời sống cá nhân, Thánh Công Ðồng cũng thiết tha khuyến khích
họ luôn luôn quý mến và siêng năng thực hiện các việc ấy. Nhưng, tùy theo đặc
tính của mỗi Dòng Tu, các tu sĩ còn phải tận lực tham gia các công việc tông đồ
bên ngoài.
34. Tu sĩ dòng cộng tác với
Giám Mục trong việc tông đồ. Những linh mục dòng tu được thánh hiến thi hành chức
vụ linh mục, để chính họ trở thành những cộng sự viên khôn ngoan của Hàng Giám
Mục, ngày nay có thể giúp đỡ các Giám Mục nhiều hơn, trước nhu cầu gia tăng của
các linh hồn. Như thế, xét theo phương diện nào đó, phải nói rằng các ngài thực
sự liên hệ với hàng giáo sĩ giáo phận, vì cùng chia xẻ công việc săn sóc các
linh hồn và các công cuộc tông đồ dưới quyền của các vị Lãnh Ðạo thánh.
Cà những thành
phần khác như các nam hay nữ tu, vì lý do đặc biệt, đều thuộc về gia đình giáo
phận, cũng giúp đỡ nhiều cho Hàng Giáo Phẩm; và vì nhu cầu tông đồ mỗi ngày một
gia tăng, nên họ có thể và phải giúp đỡ mỗi ngày một hơn.
35. Nguyên tắc dành cho việc
tông đồ của tu sĩ dòng trong giáo phận. Ðể hoạt động tông đồ trong mỗi giáo phận
luôn luôn được thực hiện một cách hòa hợp và để sự duy nhất của kỷ luật giáo phận
được bảo toàn, Thánh Công Ðồng quy định nguyên tắc căn bản sau đây: 24*
1) Tất cả các Tu
Sĩ Dòng Tu phải sốt sắng tuân phục và kính trọng các Giám Mục là những đấng kế
vị các Tông Ðồ. Ngoài ra, mỗi khi được mời cách hợp pháp tham dự các hoạt động tông
đồ, họ buộc phải thi hành nhiệm vụ của mình sao cho thành những cộng sự viên
thường trực và tùng phục Giám Mục 18.
Nhất là các Tu Sĩ Dòng Tu hãy mau mắn và trung thành hưởng ứng lời thỉnh cầu và
nguyện vọng của các Giám Mục để lãnh nhận những vai trò rộng lớn hơn trong việc
cứu rỗi con người, nhưng vẫn duy trì đặc tính của Tu Hội và theo đúng Hiến
Pháp, và nếu cần Hiến Pháp đó sẽ được thích nghi với mục đích ấy, theo các
nguyên tắc trong Sắc Lệnh này của Công Ðồng.
Nhất là vì quan
tâm đến nhu cầu khẩn cấp của các linh hồn và vì thiếu các giáo sĩ giáo phận,
nên các Giám Mục có thể kêu gọi những Tu Hội không hoàn toàn sống đời chiêm niệm
giúp đỡ những việc mục vụ khác nhau, nhưng vẫn tùy theo đặc tính riêng của mỗi
Tu Hội; để giúp đỡ công việc trên, các Bề Trên phải hết sức hưởng ứng việc lãnh
nhận giáo xứ dù là tạm thời.
2) Còn các tu sĩ
dòng tu được sai đi phụ trách hoạt động tông đồ ở ngoài vẫn phải thấm nhuần
tinh thần của Tu Hội, luôn luôn trung thành giữ luật và vâng phục Bề Trên tu hội.
Các Giám Mục đừng quên nhấn mạnh đến nghĩa vụ này.
3) Tính chất miễn
trừ - bởi đó các Tu Sĩ Dòng Tu thuộc quyền Ðức Giáo Hoàng hay một Thẩm Quyền
khác trong Giáo Hội và không tùy thuộc quyền của các Giám Mục - đặc biệt liên hệ
tới tổ chức nội bộ của các Tu Hội để mọi việc trong các Tu Hội trở nên thích hợp
và liên lạc chặt chẽ với nhau hơn và sự tiến bộ cũng như sự trọn lành của đời sống
dòng tu được lo lắng tới nhiều hơn 19;
cũng để Ðức Giáo Hoàng có thể sắp đặt các tu sĩ dòng tu theo ích lợi của toàn
thể Giáo Hội 20;
và để Thẩm Quyền khác phân phối hợp với ích lợi của Giáo Hội thuộc quyền.
Nhưng đặc tính
miễn trừ ấy không ngăn cản việc các Tu Sĩ Dòng Tu trong mỗi giáo phận tùng phục
quyền các Giám Mục theo giáo luật, như việc chu toàn phận sự mục vụ của các
ngài và việc coi sóc các linh hồn một cách đúng mức đòi hỏi 21.
4) Mọi tu sĩ, miễn
trừ và không miễn trừ, đều phải phục tùng các Ðấng Bản Quyền địa phương trong
những điều liên quan tới việc công khai thờ Kính Thiên Chúa, nhưng vẫn kính trọng
vẻ khác biệt của các Nghi Lễ, trong những điều liên quan tới việc coi sóc các
linh hồn, việc giảng huấn thánh cho dân chúng, việc giáo dục tôn giáo và luân
lý cho các Kitô hữu, đặc biệt là cho các thiếu nhi, việc tổ chức dạy giáo lý và
huấn luyện phụng vụ, tư cách của hàng giáo sĩ và cả những công việc khác liên hệ
tới việc thi hành hoạt động tông đồ thánh. Những học đường công giáo của các tu
sĩ cũng phải thuộc quyền các Ðấng Bản Quyền địa phương về những gì liên hệ đến
tổ chức và sự chăm sóc chung, tuy nhiên các tu sĩ vẫn nắm quyền điều hành các
trường đó. Cũng thế, các Tu Sĩ Dòng Tu buộc phải tuân giữ tất cả những gì mà
các Công Ðồng hay Hội Ðồng Giám Mục ban bố cách hợp pháp buộc mọi người phải giữ.
5) Giữa các Tu Hội
với nhau, cũng như giữa các Tu Hội với hàng giáo sĩ giáo phận, phải khuyến
khích việc hợp tác có tổ chức. Nhất là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa mọi
công việc và hoạt động tông đồ, nó tùy thuộc ở ý hướng siêu nhiên của tinh thần
và tâm hồn, đâm rễ sâu và xây dựng trên đức ái. Tòa Thánh có nhiệm vụ lo lắng
việc phối hợp cho toàn thể Giáo Hội; còn mỗi Chủ Chăn thánh lo cho giáo phận
mình; sau hết, các Thượng Hội Ðồng Giáo Chủ và các Hội Ðồng Giám Mục lo cho
lãnh thổ mình.
Các Giám Mục hay
các Hội Ðồng Giám Mục và các Bề Trên Dòng Tu, hoặc Hội Ðồng các Bề Trên Cả hãy
vui lòng tiến hành việc thảo luận chung với nhau về những dự án các công việc
tông đồ do các tu sĩ thực hiện.
6) Ðể đồng một
lòng tán trợ những mối tương quan giữa các Giám Mục và các Tu Sĩ cách hữu hiệu,
các Giám Mục và các Bề Trên Dòng Tu hãy vui lòng họp lại với nhau vào những kỳ
hạn nhất định, và mỗi khi thấy thích hợp, để thảo luận về những công việc có
liên hệ tổng quát tới hoạt động tông đồ tại lãnh thổ mình.
Chú Thích:
9* Ðoạn này diễn
tả giáo phận như là mẫu của Giáo Hội riêng biệt hay địa phương. Giáo phận gồm
hai yếu tố:
a) yếu tố xã hội:
một phần của dân Thiên Chúa, của Giáo Hội phổ quát trên một lãnh thổ nhất định,
có Giám Mục lãnh đạo. Trên phương diện này, giáo phận là một đơn vị mục vụ và
hành chánh.
b) yếu tố siêu
nhiên: Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần, ơn cứu rỗi, toàn thể mầu nhiệm Giáo Hội đều
hiện diện trọn vẹn trong mỗi giáo phận (x. số 15 phần cuối; GH 26). Những thực
tại này vì thiêng liêng nên bất khả phân. Trên phương diện này, giáo phận là
toàn thể Giáo Hội hiện diện tại một nơi nhất định.
1 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương Orientalium Ecclesiarum,
21-11-1964, số 7-11: AAS 57 (1965), trg 79-80.
2 Xem CÐ Trentô,
Khóa 5, Sắc lệnh De reform., ch. 2 : Mansi 33, 30; Khóa 24, Sắc lệnh De
reform., ch 4 : Mansi 33, 159. - Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội
Lumen gentium, ch. III. số 25: AAS 57 (1965), trg 29tt.
3 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. III, số 25: AAS 57 (1965),
trg 29-31.
4 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Pacem in terris, 11-4-1963, và nhiều nơi khác: AAS 55 (1963), trg
257-304.
10* Về những đề
tài và tính cách của giáo huấn Giáo Hội torng thời đại chúng ta, xem MK 25; GM
12, 13, 30; LM 4; MV 4, 10, 12, 22, 37, 38, 43, 62 v.v...
5 Xem Phaolô VI,
Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 639.
6 N.t., trg
644-645.
7 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về các phương tiện Truyền Thông xã hội Inter Mirifica: AAS 56
(1964), trg 145-153.
8 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium: AAS 56 (1964), trg 97tt.
- Phaolô VI, Tự sắc Sacram Liturgiam, 25-1-1964 : AAS 56 (1964), trg 139tt.
9 Xem Piô XII,
Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 521tt. - Phaolô VI, Tđ. Mysterium
Fidei, 3-9-1965: AAS 57 (1965), trg 753-774.
10 Xem CvTđ 1,14
và 2,46.
11 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. VI, số 44-45: AAS 57 (1965),
trg 50-52.
12 Xem Lc
22,26-27.
13 Gio 15,15.
11* Về mối tương
quan giữa các Giám Mục và linh mục: xem số 15, 28; GH 28; LM 2, 7, 15; TG 20.
14 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio: AAS 57 (1965), trg 90-107.
15 Xem T. Piô X,
Tự sắc Iampridem, 19-3-1914 : AAS 6 (1914), trg 173 tt. - Piô XII, Tông hiến
Exsul Familia, 1-8-1952: AAS 44 (1952), trg 649 tt; Leges Operis Apostolatus
Maris, được thu thập lại theo lệnh của Ðức Piô XII, 21-11-1957: AAS 50 (1958),
trg 375-383.
12* Công Ðồng đặt
các tương quan giữa Giáo Hội với các quốc gia trên nguyên tắc độc lập hỗ tương;
nhưng trong khi cộng tác, Giáo Hội và quốc gia có những sứ mệnh khác nhau. Và
đây cũng là nền tảng cho sự độc lập. Có một điểm tương đồng là cả Giáo Hội lẫn
quốc gia đều phục vụ con người: đây là nền tảng của việc cộng tác giữa hai bên
(MV 76). Từ nguyên tắc trên Công Ðồng suy diễn ra một kết luận hợp lý (số 20):
chỉ Ðức Giáo Hoàng mới có quyền bổ nhiệm Giám Mục, vì việc bổ nhiệm chỉ liên
quan đến sứ mệnh của Giáo Hội. Ðây là một canh tân, vì giáo luật khoản 332, 1
chấp nhận cho quốc gia có quyền quy định, tuyển chọn, giới thiệu hay chỉ định
các Giám Mục mới trong lãnh thổ thuộc quyền mình.
13* Ðức Phaolô
VI xin các Giám Mục từ chức khi được 75 tuổi trọn. Giám Mục từ chức, nếu muốn,
có thể ở lại trong giáo phận của ngài và giáo phận có bổn phận phải nuôi dưỡng
ngài (x. Ecclesiae Sanctae, số 11).
16 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương Orientatium Ecclesiarum,
21-11-1964, số 4: AAS 57 (1965), trg 77.
14* Giám Mục Phó
là một Giám Mục Hiệu Tòa, được chỉ định để giúp một Giám Mục có giáo phận trong
vấn đề mục vụ và cai quản giáo phận, với quyền kế vị. Giám Mục Phụ Tá cũng là một
Giám Mục Hiệu Tòa giúp đỡ một Giám Mục cai quản giáo phận, nhưng không có quyền
kế vị. Có quyền kế vị hay không là một dị biệt chính yếu. Ngoài ra còn hai dị
biệt phụ thuộc là: Giám Mục Phó quan trọng và có quyền hành nhiều hơn; trong một
giáo phận chỉ có thể có một Giám Mục Phó, còn Giám Mục Phụ Tá thì có thể có nhiều
vị cùng một lúc.
15* Ðoạn này có
4 điểm mới so với bộ giáo luật:
1) Nếu trong
giáo phận có Giám Mục Phó, phải đặt ngài làm Giám Mục Tổng Ðại Diện (x. chú
thích tiếp sau).
2) Nếu có Giám Mục
Phụ Tá, phải đặt ngài làm Giám Mục Tổng Ðại Diện hay phó Ðại Diện Giám Mục (x.
chú thích tiếp sau).
3) Khi Giám Mục
giáo phận qua đời hay đổi giáo phận, Giám Mục Phụ Tá không mất quyền. Ðó là điều
khác với giáo luật khoản 355, 2. Khoản giáo luật này bị hủy bỏ.
4) Khi giáo phận
trống tòa, Công Ðồng mong ước việc cai trị giáo phận phải được trao cho Giám Mục
Phụ Tá. Nhưng không buộc ngặt. Trường hợp Giám Mục Phụ Tá không được chọn làm Ðại
Diện Thừa Ủy, ngài sẽ giữ nhiệm vụ đại diện tổng quát hay phó giám mục như trước
(Ecclesiae Sanctae, số 13).
16* Giáo phủ
giáo phận là cơ quan cai quản giáo phận của Giám Mục. Sắc Lệnh thường nói đến
"các cộng tác viên". Ðể dễ hiểu, xin đan cử một vài thí dụ tiêu biểu:
1) Tổng Ðại Diện:
đây là nhân vật quan trọng nhất trong giáo phận sau Ðức Giám Mục, Ngài có hầu hết
mọi quyền của Giám Mục trên khắp giáo phận. Nhưng Giám Mục có thể hạn chế quyền
hành của ngài.
2) Ðại Diện Giám
Mục: đây là một chức vụ mới được Công Ðồng thiết lập. Ðại Diện Giám Mục có mọi
quyền của Giám Mục, nhưng chỉ trên một phần giáo phận, hay đối với một loại
công việc đặc biệt, hay đối với một hạng giáo dân, ví dụ ở Việt Nam có thể có một
Ðại Diện Giám Mục đặc trách đồng bào Thượng.
3) Ðại Diện Thừa
Ủy: sau khi Giám Mục qua đời hay đổi giáo phận, trong vòng một tuần lễ, các cố
vấn của Giám Mục phải đề cử một linh mục để cai quản giáo phận cho đến khi có
Giám Mục mới. Linh mục đắc cử gọi là Ðại Diện Thừa Ủy.
4) Các Phó Xứ (số
30,3) là những linh mục giúp cha xứ trong một giáo xứ.
17* Chiếu theo
giáo luật, mỗi giáo phận phải có một hội đồng linh mục với nhiệm vụ: a) làm cố
vấn cho Giám Mục, b) đề cử đại diện thừa ủy khi giáo phận trống tòa. Ở Âu châu,
hội đồng này mệnh danh là kinh sĩ hội chính tòa. Ở Việt Nam gọi là ủy ban cố vấn
(Giáo Luật kh. 423 tt).
Công Ðồng duy
trì định chế này, đồng thời cũng ao ước có sự canh tân, nhưng Công Ðồng cũng
thêm hai định chế khác:
1) Ủy ban hay hội
đồng linh mục (LM 7). Ðây là nhóm linh mục đại diện cho tất cả các linh mục
giáo phận, kể cả các linh mục dòng. Hội đồng này chỉ có quyền tư vấn, và khi trống
tòa hội đồng ngưng hoạt động. Tân Giám Mục sẽ lập một hội đồng khác (Ecclesiae
Sanctae, số 15; x. TG 20).
2) Hội đồng mục
vụ (số 27 phần cuối): Gồm các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Hội đồng này cũng có
quyền tư vấn và nhiệm vụ đệ trình lên Giám Mục những đề nghị cụ thể trong phạm
vi mục vụ (Ecclesiae Sanctae, số 16; x. TG 30).
18* Linh mục
đoàn là toàn thể linh mục trong giáo phận (GH 28; GM 11, 15, 28; LM 7, 8
v.v...). Cả đến các tu sĩ (số 34) và các vị thừa sai ngoại quốc (TG 20) cũng là
hội viên.
19* Xem LM 8; TG
20.
20* Xem LM 4.
17 Xem Gio 13,
35.
21* Xem LM 6.
22* Ở đây Công Ðồng
thay đổi hai định chế giáo luật:
1) Việc bổ nhiệm
các cha chính xứ: theo giáo luật cho chính xứ có thể được bổ nhiệm:
a) Bằng một cuộc
thi (Giáo Luật kh. 459, 3,30), đây là cuộc khảo hạch về thần học và mục vụ. Ai
đậu cao nhất sẽ được bổ nhiệm chính xứ.
b) Bằng cuộc tuyển
lựa (Giáo Luật kh. 455, 1), do giáo dân trong xứ hay những người khác tuyển chọn
với sự phê chuẩn của Giám Mục.
c) Do sự chỉ định
trực tiếp của Giám Mục, Công Ðồng chỉ giữ lại cách thứ ba này và hủy bỏ hai
cách kia.
2) Sự cố định của
linh mục chính xứ: trước Công Ðồng, có những linh mục chính xứ, Giám Mục có thể
tùy ý thuyên chuyển đến một giáo xứ khác; trái lại, có những vị, Giám Mục không
thể thuyên chuyển nếu không có một vụ kiện theo giáo luật. Sự phân biệt này được
hủy bỏ (Ecclesiae Sanctae, số 18).
23* Cũng như các
Giám Mục, các linh mục chính xứ cũng được yêu cầu từ chức khi được 75 tuổi trọn
(Ecclesiae Sanctae, số 20).
24* Về những
tương quan giữa Giám Mục giáo phận và các dòng tu hoạt động trong giáo phận,
Công Ðồng thiết lập hai nguyên tắc căn bản:
1) Các dòng tu
được miễn trừ khỏi quyền bính Giám Mục trong những gì có liên quan đến đời sống
của dòng, nhưng lệ thuộc vào Giám Mục trong phạm vi hoạt động tông đồ
(Ecclesiae Sanctae, số 22-40; TG 30).
2) Trong trường
hợp cấp bách vì nhiệm vụ tông đồ, các dòng tu phải chấp nhận đề nghị của Giám Mục
khi ngài xin họ giúp đỡ.
18 Xem Piô XII,
Huấn từ, 8-12-1950: AAS 43 (1951), trg 28. - Xem thêm Phaolô VI, Huấn từ
23-5-1964: AAS 56 (1964), trg 571.
19 Xem Leô XIII,
Tông hiến Romanos Pontifices, 8-5-1881: Acta Leonis XIII, q.II (1882), trg 234
tt.
20 Xem Phaolô
VI, Huấn từ, 23-5-1964: AAS (1964), trg 570-571.
21 Xem Piô XII,
Huấn từ 8-12-1950 : n.v.t.
Chương III: Các Giám Mục Cộng Tác Trong Việc Mưu Ích Chung
Cho Nhiều Giáo Hội
I. Thượng Hội Ðồng, Công Ðồng Và Nhất Là Các Hội Ðồng
Giám Mục
36. Các Hội Ðồng Giám Mục
và công đồng địa phương. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, Các Giám Mục
được đặt đứng đầu các Giáo Hội địa phương, bị thôi thúc bởi tình hiệp thông bác
ái huynh đệ và lòng hăng hái truyền bá sứ mệnh phổ quát được trao cho các Tông
Ðồ, đã đồng tâm hiệp lực vừa phát triển ích lợi chung vừa cổ võ lợi ích riêng của
từng Giáo Hội. Do đó đã triệu tập những Thượng Hội Ðồng, Công Ðồng Giáo Tỉnh, cả
Công Ðồng Giáo Miền 25*
trong đó các Giám Mục đã ấn định duy trì nguyên tắc bình đẳng cho các Giáo Hội
hoặc trong việc giảng dạy đức tin hoặc trong việc quy định kỷ luật Giáo Hội.
Thánh Công Ðồng
Chung này rất ước mong cách tổ chức đáng kính của các Thượng Hội Ðồng và Công Ðồng
được thêm hiệu lực mới để lo cho việc phát triển đức tin và duy trì kỷ luật
trong các Giáo Hội cách thích hợp và hữu hiệu hơn tùy theo những hoàn cảnh khác
nhau.
37. Tầm quan trọng của Hội
Ðồng Giám Mục. Nhất là thời nay, nhiều khi các Giám Mục không thể chu toàn phận
sự của mình cách thích đáng và kết quả, nếu không liên kết chặt chẽ và hợp tác
mật thiết với các Giám Mục khác mỗi ngày một hơn. Vì các Hội Ðồng Giám Mục đã
được thiết lập tại nhiều quốc gia nêu lên nhiều bằng chứng sáng ngời về các hoạt
động phong phú, nên Thánh Công Ðồng xét rằng thật là hữu ích nếu khắp nơi trên
thế giới, các Giám Mục cùng một quốc gia hay cùng một giáo miền quy tụ thành một
Hội đồng, nhóm họp trong những kỳ hạn nhất định để một khi trao đổi những sáng
kiến khôn ngoan và kinh nghiệm, cũng như cùng góp ý kiến, các ngài thực hiện được
sự hòa hiệp thánh giữa các năng lực và mưu cầu công ích cho các Giáo Hội.
Vì thế, về các Hội
Ðồng Giám Mục, Thánh Công Ðồng quy định như sau:
38. Ðịnh nghĩa, cơ cấu, thẩm
quyền và sự cộng tác của các Hội Ðồng Giám Mục.
1) Hội Ðồng Giám
Mục là nơi qui tụ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một quốc gia hay một địa
phương liên đới thi hành phận sự mục vụ, để lợi ích mà Giáo Hội cống hiến cho
con người được phát triển hơn, nhất là nhờ các hình thức tông đồ và những
phương pháp thích hợp với hoàn cảnh hiện đại.
2) Các Ðấng Bản
Quyền địa phương thuộc bất cứ nghi lễ nào, ngoại trừ các vị Tổng Ðại Diện, còn
các Giám Mục Phó, Giám Mục Phụ Tá và các Giám Mục hiệu tòa, khi đặc trách một
nhiệm vụ gì do Tòa Thánh hay Hội Ðồng Giám Mục giao phó, đều là những thành phần
trong Hội Ðồng Giám Mục. Các Giám Mục hiệu tòa khác, kể cả các vị Ðặc Sứ của Ðức
Giáo Hoàng Roma cũng không có quyền là thành phần của Hội Ðồng Giám Mục vì lý
do thi hành nhiệm vụ đặc biệt tại địa phương.
Các Ðấng Bản Quyền
địa phương và các Giám Mục Phó có quyền biểu quyết; còn các vị Phụ Tá và các
Giám Mục khác là những đấng có quyền tham dự Hội Ðồng cũng được Nội Quy cho biểu
quyết hay tham khảo.
3) Mỗi Hội Ðồng
Giám Mục phải hoàn thành bản Nội Quy của mình, được Tòa Thánh thừa nhận. Trong
bản Nội Quy này, ngoại trừ những phương cách khác, còn phải tiên liệu các nhiệm
vụ giúp theo đuổi mục đích hữu hiệu hơn, chẳng hạn như Ủy Ban thường trực của
các Giám Mục, các Tiểu Ban Giám Mục, Văn Phòng Tổng Thư Ký.
4) Các quyết định
của Hội Ðồng Giám Mục khi đã được biểu quyết hợp pháp, và ít nhất hội đủ hai phần
ba tổng số phiếu các Thành Phần có quyền biểu quyết trong Hội Ðồng và đã được
Tòa Thánh công nhận, thì có hiệu lực pháp lý, nhưng chỉ trong những trường hợp
mà luật chung đòi hỏi hoặc Sắc Lệnh của Tòa Thánh quy định, được ban hành bằng
một Tự Sắc hay theo lời thỉnh cầu của Hội Ðồng Giám Mục. 26*
5) Tại nơi nào
hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, với sự chấp thuận của Tòa Thánh, các Giám Mục của
nhiều quốc gia có thể họp thành một Hội Ðồng.
Hơn nữa, mọi sự
liên lạc giữa các Hội Ðồng Giám Mục của các quốc gia khác nhau phải được cổ võ
để thăng tiến cũng như bảo vệ công ích nhiều hơn.
6) Thánh Công Ðồng
tha thiết mong mỏi rằng khi họp Hội Ðồng để cổ võ kỷ luật của Giáo Hội mình và
nhằm khuyến khích hữu hiệu hơn mọi công tác mưu cầu lợi ích tôn giáo, các vị
Lãnh Ðạo Ðông Phương, vẫn lưu ý tới công ích của cả lãnh thổ, ở những nơi có
nhiều Giáo Hội thuộc các lễ chế khác nhau, bằng cách tham khảo ý kiến trong những
Hội Ðồng liên lễ chế theo những tiêu chuẩn đã được Thẩm Quyền quy định.
II. Ranh giới các giáo tỉnh và việc thiết lập các giáo
miền
39. Nguyên tắc trong việc
duyệt xét lại các ranh giới. Ích lợi các linh hồn đòi hỏi phải phân chia ranh
giới thích đáng, không những của các giáo phận mà cả những giáo tỉnh nữa; ích lợi
này cũng khuyến cáo phải thiết lập những giáo miền để đáp ứng mỹ mãn những nhu
cầu tông đồ tùy theo các hoàn cảnh xã hội và địa phương, cũng như để những liên
lạc được dễ dàng và hiệu quả hơn giữa các Giám Mục với nhau, với các Tổng Giám
Mục và các Giám Mục khác trong cùng một quốc gia, cũng như giữa các Giám Mục và
Chính Quyền dân sự.
40. Quy tắc phải theo. Vì
thế, để đạt được các mục đích kể trên, Thánh Công Ðồng truyền phải quy định những
điều sau đây:
1) Ranh giới các
giáo tỉnh cần phải được xét lại cách thích hợp và quyền lợi cũng như đặc ân của
các Tổng Giám Mục cũng phải được xác định theo những tiêu chuẩn mới mẻ và thích
đáng.
2) Phải kể như
luật: tất cả các giáo phận và các khu vực được luật cho quyền bình đẳng với
giáo phận phải được sát nhập vào một giáo tỉnh. Do đó, các giáo phận hiện trực
thuộc Tòa Thánh và không liên kết với một giáo tỉnh nào khác, cần phải hợp lại
thành một giáo tỉnh mới nếu có thể được, hoặc phải sát nhập vào một giáo tỉnh gần
nhất hay tiện nhất, và phải tùy thuộc quyền của Tổng Giám Mục theo tiêu chuẩn của
luật chung.
3) Nơi nào ích lợi
đòi hỏi, các giáo tỉnh hãy hợp lại thành giáo miền, mà tổ chức phải được ấn định
bằng luật.
41. Cứu xét ý kiến của Hội
Ðồng Giám Mục. Các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền phải cứu xét vấn đề ranh giới
các giáo tỉnh hay vấn đề thiết lập các giáo miền theo những tiêu chuẩn về ranh giới
các giáo phận đã được xác định ở các số 23 và 24, và nên đệ trình những ý kiến
cũng như ước nguyện của mình lên Tòa Thánh.
III. Các Giám Mục chu toàn nhiệm vụ liên giáo phận
42. Thiết lập các chức vụ
đặc biệt và cộng tác với Giám Mục. Vì những nhu cầu mục vụ càng ngày càng đòi hỏi
cần phải có một số phận sự mục vụ được điều hành và cổ võ cách đồng nhất, nên
việc thiết lập một vài chức vụ có thể do các Giám Mục đảm trách, nhằm phục vụ tất
cả hay nhiều giáo phận cùng một miền hay một nước là một điều hữu ích.
Thánh Công Ðồng
cũng nhắn nhủ rằng giữa các Giám Chức hay các Giám Mục khi chu toàn những nhiệm
vụ đó và các Giám Mục giáo phận cũng như các Hội Ðồng Giám Mục, luôn luôn phải
có sự thông cảm huynh đệ và mối đồng tâm lo lắng mục vụ, mà những tiêu chuẩn cộng
tác phải xác định bằng một luật chung.
43. Nha tuyên úy quân đội.
Vì hoàn cảnh sinh sống đặc biệt của các quân nhân và nghĩa vụ, phải hết sức lưu
tâm săn sóc phần thiêng liêng của họ, nên trong mỗi quốc gia phải tùy khả năng
thiết lập một Nha Tuyên Úy Công Giáo. Cả vị Tổng Tuyên Úy lẫn các tuyên úy đều
phải tận tụy hết lòng cho công việc khó khăn đó, trong tinh thần đồng tâm cộng
tác với các Giám Mục giáo phận 1.
Vì vậy, các Giám
Mục giáo phận cũng phải cung cấp cho các vị Tổng Tuyên Úy đủ số linh mục có khả
năng thi hành nhiệm vụ nặng nhọc đó, đồng thời các ngài cũng hãy ủng hộ những
sáng kiến nhằm phát triển ích lợi thiêng liêng cho các quân nhân 2.
Lệnh Chung
44. Biên soạn những tập chỉ
dẫn chung và riêng. Thánh Công Ðồng truyền: trong việc duyệt lại bộ Giáo Luật,
phải lập những luật thích hợp với các nguyên tắc đã được xác định trong Sắc Lệnh
này và cũng phải cân nhắc những nhận xét do các Ủy Ban hoặc các Nghị Phụ đã đưa
ra.
Hơn nữa, Thánh
Công Ðồng cũng truyền phải biên soạn những Tập Chỉ Dẫn chung về việc coi sóc
các linh hồn vừa cho các Giám Mục, vừa cho các linh mục chính xứ dùng, để giúp
các ngài có những quy tắc xác thực nhằm chu toàn phận sự mục vụ riêng cách dễ
dàng và thích hợp hơn.
Cũng cần vừa phải
soạn một Tập Chỉ Dẫn riêng về việc săn sóc mục vụ cho từng nhóm giáo hữu đặc biệt,
tùy theo hoàn cảnh khác nhau của mỗi nước hay mỗi miền, vừa phải soạn một Tập
Chỉ Dẫn về cách tổ chức dạy giáo lý cho dân Chúa trong đó đề cập tới các nguyên
tắc căn bản, cách điều hành dạy giáo lý và việc biên soạn những sách bàn về vấn
đề này. Trong khi soạn thảo những Tập Chỉ Dẫn trên, cũng phải lưu ý tới những
nhận xét hoặc do các Ủy Ban, hoặc do các Nghị Phụ đã đưa ra.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
25* Trong Giáo Hội
Latinh, việc phân chia lãnh thổ được tính như sau: theo thứ tự từ nhỏ đến lớn:
giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo tỉnh, giáo miền. Giáo miền là một sáng kiến
của Công Ðồng (số 39, 40).
Công Ðồng giáo tỉnh
là cuộc hội nghị của các Giám Mục cùng một giáo tỉnh. Công Ðồng toàn quốc là một
cuộc hội nghị của các Giám Mục thuộc nhiều giáo tỉnh hay trong một giáo miền.
26* Theo pháp
lý, mỗi Giám Mục hội viên không phải luôn luôn buộc tuân theo những quyết định
của Hội Ðồng Giám Mục. Muốn được tuân theo, bản văn đòi 4 điều kiện:
1) Các quyết định
phải theo đúng quy chế của Hội Ðồng Giám Mục.
2) Phải có đa số
2/3.
3) Phải được Tòa
Thánh phê chuẩn.
4) Phải liên
quan đến vấn đề mà Giáo Luật dự đoán sẽ buộc tuân giữ hay Ðức Giáo Hoàng có thể
truyền lệnh tuân giữ.
1 Xem S.C.
Consistorialis: Instructio de Vicariis Castrensibus, 23-4-1951: AAS 43 (1951),
trg 562-565; Formula servanda in relatione de statu Vicariatus Castrensis
conficienda, 20-10-1956: AAS 49 (1957), trg 150-163; Sắc lệnh De Sacrorum
Liminum Visitatione a Vicariis Castrensibus peragenda, 28-2-1959: AAS 51
(1959), trg 272-274; Sắc lệnh Facultas audiendi confessiones militum
Cappellanis extenditur, 27-11-1960: AAS 53 (1961), trg 49-50. - Xem thêm S.C.
De Religiosis: Instructio de Cappellanis militum raligiosis, 2-2-1955: AAS 47
(1955), trg 93-97.
2 Xem S.C.
Consistorialis: Thư gửi các Ðức Hồng Y và các Tổng Giám Mục, Giám Mục cũng như
các Ðấng Bản Quyền khác tại các miền thuộc Tây Ban Nha, 21-6-1951: AAS 43
(1951), trg 566.
Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu - Perfectae
Caritatis
Lời Giới Thiệu
Ðề Tựa
Cái tên mới mẻ
và hàm xúc "Canh Tân Thích Nghi" có thể làm cho nhiều người hiểu lầm
về ý hướng căn bản của Sắc Lệnh. Giả như trong Sắc Lênh, Công Ðồng đã bàn đến
việc cải cách đời tu, chắc lúc đó sẽ ngụ ý nói là đời sống tu trì hiện nay đang
có nhiều khuyết điểm tệ hại cần phải được cấp thời sửa chữa; nhưng không, ta
nên lưu ý là Công Ðồng không nói đến cải cách, nhưng chỉ đề cập đến việc canh
tân thôi. Công Ðồng thực sự muốn ám chỉ đến ý nguyện canh tân hiện đang tiến
hành trong toàn thể Giáo Hội 1.
Lược Sử
Một ủy ban chuẩn
bị (chủ tịch: Ðức Hồng Y Valeri; thư ký: Cha Rousseau, OMI và 24 ủy viên) đã
nghiên cứu và soạn thảo (6/1960 - 6/1961) bản lược đồ chi tiết và nặng tính chất
phân tích, mang tựa đề "những lối sống nhằm đạt được sự hoàn thiện"
(De Statibus Perfectionis Acquirendae). Nhưng Ủy Ban Trung Ương đã rút gọn bản
lược đồ này thành 30 chương. Ðến cuối năm thứ nhất của Công Ðồng, một Ủy Ban đặc
biệt do Ðức Cha Philippe làm chủ tịch đã soạn một bản dự thảo khác gồm lời mở đầu
với 9 chương.
Từ tháng 9/1963
đến tháng 9/1964 văn kiện được soạn thảo thêm lần nữa và bản văn mới gồm 19 khoản
mang tên "Lược đồ những đề án về tu sĩ" (Schema Propositionum de
Religiosis).
Nhưng trước khi
đưa ra thảo luận lược đồ này lại được đặt một tên mới là "Việc canh tân
thích nghi đời sống dòng tu" (De Accommodata Renovatione Vitae
Religiosae).
Tuy thế, cuộc bầu
phiếu sau đó vẫn mang lại nhiều phiếu chống (882 phiếu chống, 1,152 phiếu thuận).
Nhưng bản văn cuối cùng gồm 25 số, trong cuộc bầu phiếu tổng quát của phiên họp
khoáng đại ngày 11-10-1965, đã được chấp thuận của 3,126 Nghị Phụ trong số
2,142 vị bỏ phiếu.
Tầm Quan Trọng
Nếu muốn diễn tả
tầm quan trọng của từng phần trong Sắc Lệnh bằng một đồ biểu, chúng ta sẽ phải
coi những số từ 1 đến 6 như là chóp đỉnh của biểu tuyến; đường này sẽ đi dần xuống
mức độ trung bình với những số 7 đến 11: ở quãng này Sắc Lệnh chú tâm đến việc
canh tân những hình thức khác nhau của đời tu, hòa hợp những yếu tố thường với
những hình thức khác nặng giá trị thần học hơn. Sau đó, với những số từ 12 đến
15 đề cập đến các lời khấn và đời sống cộng đoàn, biểu tuyến lại tiến cao lên,
để rồi tụt gấp xuống một dốc đứng ở giữa những số từ 16 đến 24: những số này đề
ra những qui tắc hoặc những khuyến cáo ít quan trọng về thần học.
Sự phong phú
đích thực của Sắc Lệnh là đề xướng những nguyên tắc hướng dẫn cho công cuộc
canh tân đời tu.
Sau đây là vài
nguyên tắc trọng yếu nhất:
- Ðẩy mạnh việc
canh tân trong Chúa Kitô (số 1, 2a, e, 5,6).
- Về sự tận hiến
đặc biệt cho Thiên Chúa (số 5).
- Dành ưu tiên
cho đời sống nội tâm trong việc canh tân (số 6).
- Ðòi sự cộng
tác của mọi thành phần trong cộng đoàn để kiện toàn việc canh tân (số 4).
- Nhằm phục vụ
Giáo Hội (số 2c, 5, 6).
- Nguyên tắc
quan trọng và chủ chốt: vừa lo trung thành với đoàn sủng căn bản của Ðấng Sáng
Lập Dòng, vừa cố thích nghi với điều kiện hiện đại (số 2).
Sở dĩ Sắc Lệnh
này mang một tính chất siêu việt trong lịch sử đời tận hiến, chính là vì nó đã
thực hiện được hai mục tiêu sau đây: trên lý thuyết, với ý niệm canh tân đúng
nghĩa, Sắc Lệnh đã nhuần thấm những nguyên tắc căn bản của đời tu, một sắc thái
quyết định và trường tồn; còn trên bình diện thực hành, Sắc lệnh đã phát động
trong khắp mọi gia đình tu sĩ, một niềm hào hứng bao la đưa đến việc tra tay
vào công cuộc canh tân thích nghi Qui luật và Hiến chương 2.
Cuối cùng, Sắc Lệnh
đã chính thức tuyên bố đời tận hiến vẫn là yếu tố không thể thay thế được trong
toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Chú Thích:
1 Không thể nói
đến Sắc Lệnh trên đây mà không nhắc đến hai bản văn mật thiết liên hệ: đó là
chương VI của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội (có tầm quan trọng đặc biệt) và những
số từ 32 đến 35 của Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục.
2 Tưởng cũng cần
nhắc đến hai văn kiện đặc biệt đóng góp vào việc thể hiện công cuộc canh tân đời
tu: Tự sắc Ecclesiae Sanctae (6-8-1966) và Huấn thị Renovationis Causam của
Thánh Bộ các Tu Sĩ và các Tu Hội Triều (6-1-1969) nói đến việc áp dụng các Sắc
Lệnh của Công Ðồng.
Sắc Lệnh Về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa VII Ngày 28
tháng 10 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh về Canh
Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu
Perfectae
Caritatis
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
1. Lời mở đầu Trong Hiến
Chế với tựa đề Ánh Sáng Muôn Dân 1*,
Thánh Công Ðồng đã từng nêu rõ việc theo đuổi Ðức Ái trọn hảo qua các lời
khuyên Phúc Âm là công cuộc bắt nguồn từ giáo lý và gương sáng của Thầy Chí
Thánh và tỏ hiện như một dấu chỉ huy hoàng của Nước Trời. Giờ đây Thánh Công Ðồng
muốn bàn về đời sống và kỷ luật của các hội dòng có hội viên khấn giữ trinh khiết,
khó nghèo và vâng lời, cũng như tiên liệu những nhu cầu của các hội dòng ấy
theo những đòi hỏi của thời đại chúng ta.
Ngay từ thời sơ
khai của Giáo Hội, đã có những người nam cũng như nữ, qua việc thực hành các lời
khuyên Phúc Âm, quyết tự nguyện theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh
thoát hơn, bắt chước Người cách trung thành hơn, và mỗi người một cách, tất cả
đều sống tận hiến cho Thiên Chúa; trong số đó có nhiều người được Chúa Thánh Thần
thúc đẩy nên đã theo đuổi đời sống cô liêu tịch mạc, hoặc lập ra những dòng tu
đã được Giáo Hội hài lòng dùng quyền của mình để đón nhận và phê chuẩn. Từ đó,
bởi thánh ý Thiên Chúa, nẩy sinh lạ lùng không biết bao nhiêu hội dòng khác
nhau, đã mưu ích nhiều đến nỗi nhờ đó Giáo Hội chẳng những được trang bị đầy đủ
hầu thi hành mọi việc thiện (x. 2Tim 3,17) và sẵn sàng chu toàn nhiệm vụ kiến tạo
Thân Thể Chúa Kitô (x. Eph 4,12) mà còn được con cái tô thắm bằng những ân huệ
khác nhau để như một hiền thê trang điểm xinh xắn ra mắt lang quân mình (x. Kh
21,2) lại nhờ đó mà đức khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa được tỏ hiện (x. Eph
3,10).
Chính giữa biết
bao ân huệ khác nhau ấy, tất cả những người được Thiên Chúa kêu gọi thực hành
và quyết tâm khấn giữ trung thành các lời khuyên Phúc Âm đều hiến thân cho Chúa
cách đặc biệt, khi noi gương Chúa Kitô, Ðấng khiết trinh và khó nghèo (x. Mt
8,20; Lc 9,58). Ðấng vì vâng lời cho đến chết trên thập giá (x. Ph 2,8) nên đã
cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Ðược thúc đẩy như thế bởi đức mến mà Chúa
Thánh thần đổ tràn trong lòng (x. Rm 5,5), họ càng ngày càng sống cho Chúa Kitô
và Thân Thể Người là Giáo Hội (x. Col 1,24). Bởi vậy, họ càng nồng nàn kết hiệp
với Chúa Kitô bao nhiêu qua việc dâng mình gồm trọn cả cuộc sống, đời sống Giáo
Hội càng phong phú hơn và việc tông đồ của Giáo Hội càng dồi dào mãnh liệt hơn
bấy nhiêu.
Nhưng để giá trị
trổi vượt cuộc đời thánh hiến bởi khấn giữ các lời khuyên và để nhiệm vụ khẩn
thiết của đời sống ấy trong hoàn cảnh hiện tại mưu cầu lợi ích lớn lao cho Giáo
Hội, Thánh Công Ðồng này quy định những điểm sau đây liên quan đến các nguyên tắc
tổng quát nhằm canh tân thích nghi đời sống và kỷ luật các dòng cũng như các tu
hội có đời sống chung nhưng không có lời khấn và cả các tu hội triều, dù mỗi thứ
vẫn giữ tính cách riêng biệt của mình. Còn các tiêu chuẩn riêng để trình bày và
áp dụng cách thích ứng các nguyên tắc chung ấy sẽ được những cơ quan thẩm quyền
sau Công Ðồng quy định.
2. Nguyên tắc chung của việc
canh tân thích nghi. Việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu một trật bao gồm
sự liên tục trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy
của hội dòng cũng như sự thích nghi hội dòng với những hoàn cảnh đổi thay qua
các thời đại. Phải xúc tiến việc canh tân ấy dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần
và sự hướng dẫn của Giáo Hội theo các nguyên tắc sau đây:
a) Bước theo
Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu dòng, nên tất cả các
hội dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là quy luật tối thượng. 2*
b) Chính để mưu
ích cho Giáo Hội nên mỗi dòng có tính cách và phận vụ riêng. Do đó, phải trung
thành nhận thức và noi giữ tinh thần cùng ý hướng đặc biệt của các Ðấng Sáng Lập
cũng như tất cả các truyền thống lành mạnh, vì tất cả những yếu tố đó tạo nên
di sản của mỗi hội dòng. 3*
c) Mọi hội dòng
đều phải tham dự vào đời sống Giáo Hội và tùy tính cách riêng của mình phải hết
sức cổ võ những sáng kiến và đề nghị của Giáo Hội, chẳng hạn trong lãnh vực
Thánh Kinh, phụng vụ, tín lý, mục vụ, hiẹp nhất, truyền giáo và xã hội như thể
là chính của riêng mình.
d) Các hội dòng
phải thúc đẩy các tu sĩ tìm hiểu đầy đủ về hiện trạng của con người, của thời
thế và về các nhu cầu của Giáo Hội, làm sao để một khi biết khôn ngoan nhận định
những hoàn cảnh của thế giới ngày nay trong ánh sáng đức tin và biết nung nấu
nhiệt tâm truyền giáo, họ có thể nâng đỡ con người cách hữu hiệu hơn.
e) Ðời sống tu
trì trước hết nhằm làm cho các tu sĩ theo Chúa Kitô và kết hợp với Thiên Chúa
nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm; bởi thế, phải thận trọng cân nhắc: những nỗ
lực tốt đẹp nhất nhằm thích nghi với các nhu cầu hiện đại sẽ chẳng sinh kết quả
gì, nếu không được linh động nhờ sự canh tân về tu đức, vì đó là yếu tố bao giờ
cũng giữ địa vị then chốt, ngay cả khi phải xúc tiến các hoạt động bên ngoài.
3. Tiêu chuẩn thực tế của
việc canh tân thích nghi. Cách sống, cách cầu nguyện và hoạt động phải tùy theo
tính chất của mỗi dòng để thích ứng với hiện trạng thể lý và tâm lý của các tu
sĩ, cũng như với các nhu cầu tông đồ, những đòi hỏi văn hóa, những hoàn cảnh xã
hội và kinh tế ở khắp mọi nơi, nhất là trong các xứ truyền giáo.
Cũng phải theo
các tiêu chuẩn ấy để duyệt lại đường lối quản trị các dòng.
Bởi vậy các hiến
chương, các tập chỉ dẫn, các bản luật lệ, sách kinh và nghi thức cũng như các tập
sách luật tương tự phải được duyệt lại cho thích hợp; phải loại bỏ những qui tắc
lỗi thời để thích nghi với các văn kiện của Thánh Công Ðồng này.
4. Người chịu trách nhiệm
chính trong việc canh tân. Việc canh tân hữu hiệu và thích nghi đúng đắn chỉ có
thể thành đạt với sự cộng tác của hết mọi tu sĩ trong dòng. 4*
Nhưng ấn định
các tiêu chuẩn và thiết lập các khoản luật về việc canh tân thích nghi cũng như
cho phép thí nghiệm đầy đủ và khôn ngoan, phải là nhiệm vụ riêng của các vị có thẩm
quyền, nhất là của tổng tu nghị, và nếu cần, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh hoặc
các Ðấng Bản Quyền tùy theo Giáo Luật ấn định. Còn các Bề Trên, phải thăm dò và
thu nhận ý kiến của các tu sĩ cách thích đáng trong những vấn đề liên quan đến
toàn thể hội dòng.
Ðể canh tâm
thích nghi các đan viện nữ, cũng có thể đón nhận nguyện vọng và ý kiến của các
hội dòng liên viện hoặc của các hội đồng khác đã triệu tập hợp pháp.
Tuy nhiên, mọi
người nên nhớ là phải đặt niềm hy vọng canh tân vào việc gia tăng lòng cần mẫn
tuân giữ qui luật và hiến chương hơn là làm thêm nhiều luật mới.
5. Yếu tố chung cho mọi
hình thức đời sống dòng tu. Tu sĩ của bất cứ hội dòng nào cũng phải ghi tâm điều
này: chính nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm nên mình đã đáp ứng ơn thiên triệu,
vì thế, chẳng những phải chết đi cho tội lỗi (x. Rm 6,11), nhưng còn phải từ bỏ
thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa. Thực vậy, họ đã cung hiến toàn thể cuộc
đời để làm tôi tớ Thiên Chúa và sự cung hiến ấy đã thực sự tạo nên một sự thánh
hiến đặc biệt 5*,
ăn rễ sâu trong sự thánh hiến của ngày chịu phép rửa tội, đồng thời biểu lộ sự
thánh hiến này cách trọn hảo hơn.
Vì sự tự hiến ấy
đã được Giáo Hội chuẩn nhận, nên họ phải biết rằng mình đã được ràng buộc vào bổn
phận phục vụ Giáo Hội.
Việc phụng sự
Thiên Chúa như thế phải hối thúc và nung đúc họ thực hành các nhân đức, nhất là
đức khiêm nhượng và vâng lời, can đảm và khiết tịnh, nhờ những nhân đức ấy, họ
tham dự vào sự tự hủy của Chúa Kitô (x. Ph 2,7-8) và đồng thời vào sự sống của
Người trong tinh thần (x. Rm 8,1-13).
Vậy, các tu sĩ
phải trung thành với lời khấn của mình và vì Chúa Kitô, từ bỏ mọi sự (x. Mc 10,
28). Ðể theo Người (x. Mt 19, 21) như một điều cần thiết duy nhất (x. Lc 10,42)
nghe lời Người (x. Lc 10,39) và lo lắng đến những gì thuộc về Người (x. 1Cor
7,32).
Vì thế, tu sĩ của
bất cứ hội dòng nào, trong lúc chỉ đi tìm một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự,
đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm truyền giáo: vì nhờ chiêm niệm,
họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhờ nhiệt tâm truyền giáo, họ tham gia
công cuộc Cứu Thế và mở rộng Nước Chúa.
6. Ưu tiên của đời sống
thiêng liêng. Những ai khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm đều phải tìm kiếm và yêu
mến Thiên Chúa trên hết mọi sự 6*,
vì người đã yêu chúng ta trước (x. 1 Gio 4,10); trong mọi hoàn cảnh, họ phải cố
gắng phát triển đời sống ẩn dật cùng Chúa Kitô trong Thiên Chúa (x. Col 3,3),
vì đó là nguồn mạch và động lực phát sinh tình yêu tha nhân nhằm cứu rỗi nhân
loại và xây dựng Giáo Hội. Cũng chính đức ái này làm linh động và hướng dẫn việc
thực hành các lời khuyên Phúc Âm.
Vì thế, tu sĩ của
các hội dòng phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện,
múc ở nơi nguồn mạch đích thực của nền tu đức Kitô giáo. Trước hết, hằng ngày,
phải có Quyển Thánh Kinh trong tay để học được những "kiến thức siêu việt
về Chúa Giêsu Kitô" (Ph 3,8) nhờ đọc và suy gẫm. Phải theo tinh thần của
Giáo Hội để đem hết tâm hồn, miệng lưỡi chu toàn các Lễ Nghi Phụng Vụ, nhất là
Mầu Nhiệm Thánh Thể, lại phải nuôi dưỡng đời sống tu đức bằng nguồn mạch phong
phú ấy.
Nhờ bổ sức như
thế nơi bàn Luật Chúa và bàn thờ thánh họ yêu thương các chi thể của Chúa Kitô
như anh em, kính trọng và yêu mến các vị chủ chăn với tính con thảo; họ phải
càng ngày càng sống và cảm nghĩ với Giáo Hội hơn, và tận hiến phụng sự sứ mệnh
của Giáo Hội.
7. Những hội dòng hoàn
toàn chuyên lo chiêm niệm. Trong những hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm,
các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ,
trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động
tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những hội dòng ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quí
trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó, "mỗi chi thể đều có một tác động khác
nhau" (Rm 12,4). Thực vậy, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo,
làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương
lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm
nhưng phong phú. Như thế, họ là vinh dự của Giáo Hội và là mạch tuôn trào các
ơn thiêng. Tuy nhiên, chẳng phải duyệt lại cách sống của họ theo những nguyên tắc
và tiêu chuẩn về việc thích nghi canh tân như đã nói trên kia; dẫu vậy, vẫn phải
kính cẩn bảo tồn cách biệt thế gian và những sinh hoạt riêng trong đời chiêm niệm
của họ.
8. Những hội dòng dấn thân
làm việc tông đồ. Trong Giáo Hội, có rất nhiều hội dòng dành cho giáo sĩ hoặc
giáo dân dấn thân làm việc tông đồ khác nhau tùy theo các ơn Chúa ban: người được
ơn phục vụ để phục vụ hoặc ơn giáo lý để giảng thuyết, kẻ được ơn khuyến cáo để
dẫn dụ, người ban phát cách đơn, người thương xót trong vui vẻ (x. Rm 12,5-8).
"Các ân sủng dẫu khác nhau, tuy nhiên cũng cùng một Thánh Thần" (1Cor
12,4).
Nơi những hội
dòng này, bản tính đời sống tu trì nhằm hoạt động tông đồ và từ thiện như một
tác vụ thánh và như là công trình riêng của đức ái, do Giáo Hội ủy thác cho họ
và phải được thi hành nhân danh Giáo Hội. Vì thế, toàn thể cuộc đời tu dòng của
tu sĩ phải thấm nhuần tinh thần tông đồ và toàn thể hoạt động tông đồ phải được
linh động nhờ hình thành trong tinh thần tu dòng. Vậy để các tu sĩ trước hết
đáp lại ơn kêu gọi của họ là theo Chúa Kitô, và phục vụ chính Chúa Kitô trong
các chi thể của Người, hoạt động tông đồ của các tu sĩ phải được phát sinh từ
cuộc sống kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nhờ đó, chính đức mến Chúa
yêu người được triển nở.
Bởi thế, các hội
dòng ấy hãy thích nghi luật lệ và tập tục riêng với các đòi hỏi của việc tông đồ
họ chuyên lo. Nhưng, vì đời tu dòng chuyên lo hoạt động tong đồ mang nhiều hình
thức khác nhau, nên trong việc thích nghi canh tân, cần xét đến tính cách khác
biệt ấy, đồng thời đời sống phụng sự Chúa Kitô của các tu sĩ trong nhiều hội
dòng khác nhau, cần được nâng đỡ bằng những phương thế thích hợp riêng tùy mỗi
hội dòng.
9. Trung thành với đời sống
đan viện và cộng đồng. Phải trung thành duy trì và càng ngày càng làm sáng tỏ định
chế đan viện khả kính trong tinh thần đích thực của nó, ở Ðông Phương cũng như
Tây Phương. Ðịnh chế ấy, qua bao thế kỷ, đã tạo được nhiều công nghiệp hiển
hách trong Giáo Hội và cộng đồng nhân loại. Nhiệm vụ chính yếu của các đan sĩ
là phục vụ Thiên Chúa trong đời sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một
vài công việc tông đồ hay bác ái Kitô giáo. Vậy, tuy vẫn duy trì tính chất
riêng của mỗi dòng, họ cũng cần canh tân những tập truyền tốt lành xưa và thích
nghi chúng với những nhu cầu hiện đại của các linh hồn để đan viện trở thành
như trung tâm vun trồng dân Kitô giáo.
Cũng vậy, các
dòng có hiến chương hay qui luật liên kết chặt chẽ đời tông đồ với việc đọc nhật
tụng trong ca hội và những luật lệ đan viện, hãy hòa hợp cách sống với các đòi
hỏi của những việc tông đồ thích hợp với họ, làm sao để trung thành giữ được lối
sống của mình đồng thời vẫn sinh nhiều ích lợi cho Giáo Hội.
10. Ðời sống tu trì giáo
dân. Ðời sống tu trì giáo dân, bất luận nam cũng như nữ, tự nó làm thành một bậc
sống đầy đủ để khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm. Vì thế, Thánh Công Ðồng quí trọng
bậc sống rất hữu ích này, hữu ích cho sứ mệnh mục vụ của Giáo Hội trong lãnh vực
giáo dục thanh thiếu niên, săn sóc bệnh nhân và chu toàn những nhiệm vụ khác.
Thánh Công Ðồng củng cố các tu sĩ ấy trong ơn gọi của họ và khuyến khích họ
thích nghi cuộc sống với những đòi hỏi hiện đại.
Thánh Công Ðồng
tuyên bố rằng: trong những dòng tu dành cho các Tu Huynh, không có gì trở ngại
nếu có vài tu sĩ lãnh nhận các Chức Thánh để đáp ứng những nhu cầu cần đến chức
vụ linh mục trong nhà mình, tùy Tổng Tu Nghị quyết định, nhưng vẫn phải duy trì
tính chất giáo dân của tu hội.
11. Tu hội triều. Những tu
hội triều, tuy không phải là dòng tu, nhưng cũng có lời khấn thật sự và trọn vẹn
được Giáo Hội công nhận để giữ các lời khuyên Phúc Âm ở giữa đời. Lời khấn ấy tận
hiến các hội viên nam cũng như nữ, giáo dân cũng như giáo sĩ hiện đang sống giữa
đời. Bởi đó, chính họ phải trước hết quyết tâm tận hiến toàn thân cho Thiên
Chúa trong đức ái trọn hảo; còn tu hội, phải giữ tính chất đặc thù của mình, là
sống giữa đời, để dù ở đâu, họ cũng có thể chu toàn hữu hiệu việc tông đồ ở giữa
đời và như phát sinh từ lòng đời theo như tu hội đã chủ trương khi thành lập.
Tuy nhiên, các
tu hội ấy phải biết rõ rằng: chỉ có thể chu toàn nhiệm vụ lớn lao ấy một khi
các hội viên được ân cần huấn luyện về đạo cũng như đời, sao cho họ thực sự là
men giữa đời để làm cho Thân Thể Chúa Kitô được mạnh mẽ và lớn lên. Vì vậy, các
Bề Trên phải thận trọng lo cho họ được huấn luyện nhất là về đường tu đức, lại
phải cổ võ tăng thêm việc huấn luyện ấy sau này nữa.
12. Ðức khiết tịnh. Ðức
khiết tịnh "vì nước Trời" (Mt 19,12), mà các tu sĩ khấn giữ, phải được
quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Thật vậy, ơn ấy giải thoát lòng
con người cách đặc biệt (x. 1Cor 7,32-35), để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người
hơn. Vì thế, đức khiết tịnh là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời và cũng
là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên
Chúa và làm việc tông đồ. Do đó, họ gợi ra trước mặt mọi Kitô hữu sự kết hợp lạ
lùng do Thiên Chúa thiết lập và sẽ tỏ hiện đầy đủ ở đời sau, là Giáo Hội được
nhận Chúa Kitô làm lang quân độc nhất của mình.
Vậy, các tu sĩ
hãy trung thành giữ lời mình khấn, tin lời Chúa dạy, trông cậy vào ơn Ngài, đừng
tự phụ vì sức riêng mình, lại phải sống hãm mình và gìn giữ ngũ quan. Cũng đừng
bỏ qua những phương thế tự nhiên giúp cho tinh thần và thể xác được lành mạnh.
Như thế, họ sẽ không bị lung lạc vì những tà thuyết rêu rao rằng sự tiết dục trọn
vẹn là việc không thể giữ được hoặc có hại cho sự phát triển con người; và như
bởi một bản năng thiêng liêng, họ hãy khước từ tất cả những gì đe dọa đức khiết
tịnh. Hơn nữa, hết mọi người, nhất là các Bề Trên, đều phải nhớ rằng: đức khiết
tịnh được bảo trì an toàn hơn cả khi trong đời sống cộng đoàn có tình huynh đệ
đích thực giữa các tu sĩ.
Sự tiết dục trọn
vẹn đụng chạm đến những khuynh hướng tâm sâu của bản tính con người, nên những
người muốn khấn giữ khiết tịnh chỉ nên quyết định và chỉ được chấp thuận sau một
thời gian thử thách thực đầy đủ và đã thấy có sự trưởng thành tâm lý, tình cảm
cần thiết 7*.
Không những phải căn dặn họ về những nguy hiểm hay xảy đến cho đức khiết tịnh,
nhưng còn phải huấn luyện thế nào để họ đón nhận cuộc sống độc thân hiến dâng
cho Thiên Chúa đồng thời đem lại lợi ích cho con người toàn diện của họ.
13. Ðức khó nghèo. Tự nguyện
sống khó nghèo 8*
để theo Chúa Kitô là dấu chứng cho việc theo Chúa Kitô rất được trọng vọng, nhất
là ngày nay. Vì thế, các tu sĩ hãy miệt mài trau dồi và nếu cần, hãy biểu lộ sự
khó nghèo ấy bằng những hình thức mới. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự
nghèo khó của Chúa Kitô. Ðấng tuy giàu có, đã trở nên thiếu thốn vì chúng ta để
chúng ta được giàu sang nhờ sự cùng cực của Người (x. Cor 8,9; Mt 8,20).
Khó nghèo trong
đời tu dòng không chỉ hạn hẹp trong sự lệ thuộc Bề Trên khi sử dụng của cải, nhưng
là phải nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần để chỉ lo thu tích một kho
tàng trên trời (x. Mt 6,20).
Trong chức vụ
riêng của mỗi người, các tu sĩ phải cảm thấy luật làm việc là luật chung cũng
ràng buộc họ, và trong lúc nhờ đó mưu cầu những gì cần thiết để sống và hoạt động,
họ hãy trút bỏ mọi âu lo quá đáng để cậy trông vào sự Quan Phòng của Cha trên
Trời (x. Mt 6,25).
Các hội dòng có
thể ấn định trong hiến chương cho phép các tu sĩ khước từ gia sản đã có hay sẽ
lãnh nhận.
Chính các hội
dòng, tùy hoàn cảnh địa phương, hãy nỗ lực như tập thể làm chứng về đức khó
nghèo, hãy sẵn lòng trích một phần của cải để cung ứng cho những nhu cầu khác của
Giáo Hội và nâng đỡ những người thiếu thốn là những người mà mọi tu sĩ phải yêu
thương với tâm tình của Chúa Kitô (x. Mt 19,21; 25,34-46; Giac 2,15-16; 1Gio
3,17). Các tỉnh cũng như các nhà của hội dòng hãy san sẻ của cải cho nhau, để
nơi dư thừa giúp đỡ nơi thiếu thốn.
Mặc dầu các hội
dòng có quyền sở hữu tất cả những gì cần thiết để sống ở đời này và để hoạt động,
nhưng hãy tránh mọi hình thức xa hoa trục lợi quá đáng hoặc thu tích dư dật trừ
khi qui luật và hiến chương dạy khác.
14. Ðức vâng lời. Nhờ khấn
giữ đức vâng lời 9*,
các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó
họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn. Vậy,
theo gương Chúa Kitô, Ðấng đã đến để làm theo ý Chúa Cha (x. Gio 4,34; 5,30;
Dth 10,7; Tv 39.9) "tự nhận thân phận tôi tớ" (Ph 2,7) và đã học tập
đức vâng lời từ những điều phải chịu đựng (x. Dth 5,8), các tu sĩ, được Chúa
Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các vị Bề Trên, đại diện Thiên Chúa,
và nhờ các ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Chúa Kitô, như chính
Chúa Kitô vì tuân phục Chúa Cha đã phục vụ anh em và hiến mạng sống để cứu chuộc
mọi người (x. Mt 20,28; Gio 10,14-18). Như thế, họ được liên kết chặt chẽ hơn với
sứ mệnh phục vụ của Giáo Hội và nỗ lực đạt đến mức tuổi sung mãn của Chúa Kitô
(x. Eph 4,13).
Vậy các tu sĩ
hãy khiêm tốn vâng phục Bề Trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và hiến
chương, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả
năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới
lệnh và chu toàn những phận vụ đã được ủy thác cho mình, vì biết mình đang góp
công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô theo như ý định Thiên Chúa. Như thế, đức vâng
lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp
nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa.
Các vị Bề Trên sẽ
phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho mình (x. Dth 13,17), nên hãy
ngoan ngoãn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận và hãy thi hành quyền
bính trong tinh thần phục vụ anh em, làm sao để minh chứng được mối tình Thiên
Chúa đã yêu họ. Với lòng kính trọng nhân vị, các ngài hãy cai quản những kẻ thuộc
quyền như là những con cái Thiên Chúa bằng cách thúc đẩy sự vâng phục tự nguyện.
Phải đặc biệt để cho họ được tự do cần thiết trong việc xưng tội và linh hướng.
Hãy hướng dẫn các tu sĩ biết cộng tác với tinh thần vâng lời tích cực và trách
nhiệm, trong những bổn phận phải chu toàn và những sáng kiến cần có. Nên các Bề
Trên hãy sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ và khuyến khích họ cộng tác mưu lợi ích của
hội dòng và của Giáo Hội, tuy nhiên vẫn phải duy trì quyền ấn định và truyền dạy
những gì phải làm.
Các tu nghị và
các hội đồng phải trung thành chu toàn bổn phận quản trị đã được ủy thác đồng
thời thể hiện sự tham gia và lo âu của mọi tu sĩ mỗi người theo cách thức riêng
đối với lợi ích của toàn thể cộng đoàn.
15. Ðời sống chung. Ðời sống
chung được nuôi dưỡng bằng giáo lý Phúc Âm, Phụng Vụ Thánh và nhất là Bí Tích
Thánh Thể phải được duy trì trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp thông cùng một
tinh thần (x. CvSđ 2,42), theo gương Giáo Hội sơ khai, trong đó các tín hữu chỉ
có một tấm lòng, một tâm hồn (x. CvSđ 4,32). Là chi thể Chúa Kitô, các tu sĩ
hãy mang lấy gánh nặng của nhau (x. Gal 6,2), và trọng kính lẫn nhau trong tinh
thần giao hảo huynh đệ (x. Rm 12,10). Thực vậy, khi được tình yêu của Thiên
Chúa nhờ Chúa Thánh Thần tràn đầy trong mọi tâm hồn (x. Rm 5,5), cộng đoàn giống
như một gia đình thực sự đoàn tụ nhân danh Chúa, được hưởng sự hiện diện của
Ngài (x. Mt 18,20). Yêu mến là chu toàn luật pháp (x. Rm 13,10) và là dây liên
kết sự trọn lành (x. Col 3,14); nhờ đức ái mà chúng ta biết rằng mình được chuyển
từ cõi chết sang cõi sống (x. 1Gio 3,14). Hơn nữa, sự hiệp nhất huynh đệ loan
báo Chúa Kitô đã đến (x. Gio 13,35; 17,21) và phát sinh một năng lực tông đồ
mãnh liệt.
Ðể tình huynh đệ
giữa các tu sĩ được mật thiết hơn, hãy để những người thường được gọi là
"trợ sĩ" hay gọi bằng những tên tương tự, được liên kết chặt chẽ với
cuộc sống và hoạt động của cộng đoàn. Trừ khi hoàn cảnh buộc phải làm thế khác,
phải liệu sao để trong các dòng nữ chỉ có một bậc nữ tu độc nhất. Giữa các chị
em, chỉ còn sự khác biệt do việc phân phối công tác đòi hỏi, công tác mà mỗi
người lãnh nhận tùy theo ơn Chúa gọi đặc biệt hay do năng khiếu riêng.
Còn các đan viện
và hội dòng nam không thuần túy dành cho giáo dân, tùy tính cách riêng, theo
tiêu chuẩn do hiến chương ấn định, có thể chấp nhận giáo sĩ và giáo dân trên
cùng một đẳng cấp, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, trừ những gì thuộc về chức
thánh. 10*
16. Luật nội cấm của đan
viện nữ. Luật nội cấm giáo hoàng các đan viện nữ chuyên sống đời chiêm niệm thuần
túy vẫn phải được duy trì, nhưng sau khi đã thu thập ý nguyện của chính các đan
viện, hãy thích nghi với hoàn cảnh thời gian và không gian, bỏ những tập tục đã
lỗi thời.
Còn các đan sĩ
khác, chuyên lo việc tông đồ bên ngoài theo định chế được miễn khỏi giữ luật nội
cấm giáo hoàng, để có thể dễ dàng hơn mà chu toàn bổn phận tông đồ đã được ủy
thác, tuy nhiên vẫn giữ luật nội cấm tùy theo hiến chương ấn định.
17. Y phục tu sĩ. Y phục của
tu sĩ là dấu chỉ sự tận hiến nên phải giản dị và khiêm tốn, khó nghèo và tề chỉnh,
hơn nữa, phải phù hợp với sức khỏe và thích nghi với hoàn cảnh thời gian, không
gian cũng như nhu cầu của chức vụ. Y phục của tu sĩ nam cũng như nữ, không
thích ứng với các tiêu chuẩn trên đây, cần phải được sửa đổi.
18. Huấn luyện tu sĩ. Việc
canh tân thích nghi các hội dòng lệ thuộc rất nhiều vào việc huấn luyện tu sĩ 11*.
Vì thế, không được cho các tu sĩ không phải là giáo sĩ và các nữ tu ra làm việc
tông đồ ngay khi vừa mãn nhà tập, nhưng phải tiếp tục huấn luyện họ cách thích
đáng về mặt tu trì, tông đồ, giáo lý và kỹ thuật trong những nhà có đủ điều kiện;
cũng nên cho họ thi lấy những văn bằng thích hợp.
Nhưng, để việc
thích nghi đời dòng tu với những đòi hỏi của thời đại chúng ta không chỉ hời hợt
bên ngoài và để những tu sĩ chuyên lo việc tông đồ bên ngoài theo hiến chương
khỏi thiếu khả năng chu toàn nhiệm vụ, phải cho họ học biết cách thích đáng những
lối sống, cách cảm nghĩ và suy tư đang thịnh hành trong xã hội hiện tại, mỗi
người tùy khả năng trí thức và tâm tính riêng. Phải biết hòa hợp các yếu tố của
việc huấn luyện sao cho người tu sĩ có một đời sống thuần nhất.
Suốt đời, các tu
sĩ hãy chuyên chăm hoàn bị việc huấn luyện tu đức, giáo lý, kỹ thuật; còn các Bề
Trên hãy tùy sức lo cho họ có cơ hội, phương tiện và thời giờ để chu toàn bổn
phận ấy.
Các Bề Trên cũng
có nhiệm vụ chọn lựa kỹ lưỡng và chuẩn bị cẩn thận những vị Giám Ðốc, Linh Hướng
và Giáo Sư.
19. Thành lập hội dòng mới.
Về việc thành lập những hội dòng mới, phải cân nhắc kỹ lưỡng xem có cần thiết,
hay ít là có ích lợi lớn lao và có khả năng tăng triển không. Như thế mới tránh
được sự thành lập bừa bãi những hội dòng vô ích hoặc thiếu sinh lực. Trong các
Giáo Hội mới, hãy đặc biệt cổ võ và phát triển những hình thức dòng tu thích hợp
với tính tình và phong hóa dân chúng, với tập tục và hoàn cảnh địa phương.
20. Bảo toàn, thích nghi
hoặc loại bỏ những điểm riêng biệt của dòng. Các hội dòng phải trung thành duy
trì và chu toàn phận sự riêng, hãy để ý đến lợi ích của toàn thể Giáo Hội và
các giáo phận mà thích nghi công việc với nhu cầu thời đại và địa phương, sử dụng
những phương thế thích hợp, cả những phương thế tân tiến và loại bỏ những công
việc nào ngày nay ít phù hợp với tinh thần và bản chất đích thực của hội dòng.
Tinh thần truyền
giáo phải được tuyệt đối duy trì trong các hội dòng, được thích nghi tùy bản chất
riêng của mỗi dòng với hoàn cảnh hiện tại, để việc rao giảng Phúc Âm giữa muôn
dân được hữu hiệu.
21. Hội dòng và đan viện
suy thoái. Còn các hội dòng và đan viện nào theo ý của các Ðấng Bản Quyền liên
hệ, và phán đoán của Tòa Thánh, không có hy vọng hữu lý để phát triển được, thì
cấm nhận thêm tập sinh và nếu có thể, hãy sát nhập với một hội dòng hoặc một
đan viện khác đang hưng thịnh hơn mà mục đích và tinh thần không khác nhau bao
nhiêu.
22. Sự phối hợp giữa các hội
dòng. Nếu tiện lợi và được Tòa Thánh chấp nhận, các hội dòng và đan viện tự trị
hãy xúc tiến thành lập những hiệp hội nếu đại khái cùng thuộc về một gia đình
tu, hoặc thành lập những liên hiệp nếu có hiến chương, tập tục tương tự và cũng
sống theo một tinh thần, nhất là khi quá nhỏ bé, hoặc thành lập những liên hội
nếu họ chuyên lo những công việc bề ngoài giống nhau hoặc trùng nhau.
23. Hội đồng Bề Trên Thượng
Cấp. Nên cổ võ những hội nghị hay hội đồng các Bề Trên Thượng Cấp do Tòa Thánh
qui định, vì những hội đồng như vậy giúp ích rất nhiều để mỗi hội dòng đạt tới
mục đích riêng cách hoàn hảo hơn, để phát triển sự hợp tác hữu hiệu hơn nhằm
mưu ích cho Giáo Hội, để phân phối đồng đều hơn các thợ chuyên giảng Phúc Âm
trong một địa hạt nhất định, cũng như để cứu xét, thương lượng những vấn đề
chung có liên quan đến các tu sĩ, trong khi phối hợp và cộng tác thích ứng với
các Hội Ðồng Giám Mục về lãnh vực hoạt động tông đồ.
Các tu hội triều
cũng có thể thành lập những tổ chức tương tự.
24. Ơn gọi tu dòng. Các
linh mục và các nhà giáo dục Kitô giáo phải hết sức cố gắng để cổ động cho ơn gọi
tu dòng được thêm đông, được chọn lựa thận trọng và thích đáng hầu đáp ứng đầy
đủ với nhu cầu của Giáo Hội. Ngay khi giảng dạy thường ngày, cũng hãy năng đề cập
đến các lời khuyên Phúc Âm và việc chọn lựa bậc sống tu dòng. Trong khi giáo dục
con cái theo luân lý Kitô giáo, cha mẹ phải vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn
gọi tu trì trong tâm hồn chúng.
Các hội dòng được
phép tuyên truyền cho dòng mình để cổ võ ơn kêu gọi và tìm các ứng sinh, nhưng
phải hành động với sự khôn ngoan cần thiết và tuân giữ những tiêu chuẩn do Tòa
Thánh và Các Ðấng Bản Quyền đã ban hành.
Tuy nhiên, các
tu sĩ hãy nhớ rằng: gương sáng của đời sống cá nhân mới là lời giới thiệu hùng
hồn nhất cho hội dòng mình và là lời mời gọi sống đời tu dòng hữu hiệu hơn hết.
25. Kết luận. Các hội dòng
đã được Thánh Công Ðồng có ý đề cập đến khi ấn định những tiêu chuẩn canh tân
thích nghi này, hãy mau mắn đáp ứng ơn thiên triệu và phận vụ mình trong Giáo Hội
thời hiện tại. Thực vậy, Thánh Công Ðồng ngưỡng mộ cuộc đời trinh khiết khó
nghèo và vâng lời của họ, đó là cách sống mà chính Chúa Kitô đã nêu gương;
Thánh Công Ðồng vững lòng kỳ vọng nơi những công cuộc rất hữu hiệu của họ, dù
âm thầm hay công khai. Vậy, hết thảy các tu sĩ hãy nhờ đức tin trọn hảo, đức mến
Chúa yêu người, lòng mến thánh giá và niềm cậy trông vinh quang đời sau mà truyền
bá Phúc Âm Chúa Kitô trên toàn thế giới, để mọi người thấy dấu chứng của họ và
ngợi khen Cha chúng ta trên trời (x. Mt 5,16). Như thế, nhờ lời cầu bầu của Ðức
Trinh Nữ Maria rất dịu hiền, Mẹ Thiên Chúa, "mà cuộc đời của Mẹ là khuôn mẫu
cho mọi người" 1,
các hội dòng mỗi ngày một bành trướng và trổ sinh những hoa trái cứu rỗi dồi
dào hơn.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1* Xem Hiến chế
tín lý về Giáo Hội, ch. VI, số 44.
2* Mối liên lạc
mật thiết giữa các Quy Luật Dòng Tu và "Quy luật sống" đặt nền trên
chính Chúa Kitô. Người ta thường không lưu tâm đúng mức đến sự liên lạc này.
3* Giáo Hội vẫn
muốn duy trì tính chất đa dạng giữa các dòng tu. Ðồng nhất hóa sẽ có nghĩa là
giảm bớt các đoàn sủng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.
4* Về phương
cách thực hành việc tham khảo ý kiến và sự cộng tác của hết mọi thành phần
trong Dòng, xem Tự sắc Ecclesiae Sanctae, phần II, các số 1-18.
5* Thế nên việc
khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm chính là một sự tận hiến mới (xem Ðề nghị tu chỉnh
91, do 430 nghị phụ cổ võ). Cũng trong ý hướng đó, xem diễn từ của Ðức Thánh
Cha với Ðại hội của các Dòng, ngày 23-5-1960.
6* Ở đây Công Ðồng
muốn đáp ứng nguyện vọng của 385 Nghị Phụ xin xác nhận rõ ràng sự khẩn thiết số
một của việc canh tân thiêng liêng.
7* Xem Huấn thị
Renovationis Causam, các số 4,10.
8* Trong số
14,000 đề nghị tu chỉnh cho toàn lược đồ về đời tu trì, có 1,042 đề nghị đã nhắm
thẳng vào đức khó nghèo; sau khi gạn lọc kỹ lưỡng đoạn văn chỉ vỏn vẹn còn có
63 chữ theo nguyên bản.
9* Tóm kết giáo
lý thần học về đức vâng lời, số này đã khéo léo xác định vị trí việc tuyên khấn
vâng lời của các tu sĩ trong mầu nhiệm Chúa Kitô, "Tôi Tớ Thiên
Chúa", và giữa lòng mầu nhiệm Giáo Hội. Ðây là một trong những điểm thành
công nhất của Sắc Lệnh.
10* Vấn đề bình
đẳng quyền lợi này, xin xem Ecclesiae Sanctae, phần II.
11* Xét về tầm
quan trọng, số này đáng lẽ phải được đặt ngay sau những đoạn bàn đến các lời khấn.
Nó được tự sắc Ecclesiae Sanctae và nhất là huấn thị Renovationis Causam bổ túc
đầy đủ.
1 T. Ambrosiô,
De Virginitate, c. II, ch. II, số 15.
Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục - Optatam Totius
Lời Giới Thiệu
Ðể đo lường tất
cả những gì Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục mang lại, trước tiên, chúng ta hãy
nhìn qua chính việc đào tạo các Linh Mục qua các thời đại, từ thời Giáo Hội sơ
khai đến thời Công Ðồng Triden - lúc các chủng viện được thành lập - và từ thời
đó đến thời Công Ðồng Vaticanô II. Sau đó chúng ta sẽ nêu lên nguồn gốc và sự
tiến triển của chính bản Sắc Lệnh; rồi chúng ta sẽ tóm lược nội dung bản văn để
rút tỉa những viễn tượng mới mẻ và những lợi ích của Sắc Lệnh. Sau cùng là một vài
trang về tài liệu hướng dẫn tham khảo giúp những ai muốn tìm hiểu vấn đề một
cách sâu rộng hơn.
I. Quá Trình Lịch
Sử Về Việc Ðào Tạo Linh Mục
A. Từ thời thượng
cổ đến thời Công Ðồng Triden
Các vị chăn dắt
Giáo Hội sơ khai thường được tuyển chọn trong số các giáo hữu trưởng thành sống
bên cạnh các Thánh Tông Ðồ và những môn đệ trực tiếp của Chúa. Họ rao giảng
Phúc Âm, chủ tọa các buổi họp, "ban phát bánh" như chính Chúa Giêsu
đã làm. Những trẻ em Kitô giáo, cũng như các trẻ em khác, đều theo học nền giáo
dục cổ điển La Hy do các giáo sư Kitô giáo hay lương dân chỉ dạy. Khi hoàng đế
Giulianô cấm các nhà giáo dục Kitô hữu với sắc lệnh ngày 17-6-362, người ta nhận
thấy các nhà giáo dục Kitô hữu đã tìm phương thế thiết lập những trường Kitô
giáo nhưng lại dạy theo lối cổ điển: đó là hai giáo sư Apollinarios Tiền và
Apollinarios Hậu. Họ phỏng tác năm cuốn đầu của Cựu Ước theo thể văn thơ, những
sách sử ký của Cựu ước theo văn thể kịch, và những bản văn của Tân Ước dưới nhiều
hình thức phỏng theo Plato. Khi sắc lệnh ngăn cấm được bãi bỏ, năm 364 các giáo
sư và học sinh Kitô hữu trở lại với các trường cổ điển. Nếu thời ấy không có những
trường học Kitô giáo đặc biệt dành riêng cho các lớp tiểu học và trung học, thì
lại có những trường cho các lớp cao hơn. Những giáo sư như thánh Giustinô,
thánh Clementê thành Alexandria, Origenê đã mở phân khoa triết học Kitô giáo với
mục đích chống lại chủ trương muốn hạ vấn đề mạc khải xuống bậc hiểu biết thuần
túy tự nhiên.
Những vị giáo sư
rất hùng biện này đã đào sâu và trình bày đạo lý Kitô giáo theo đòi hỏi của các
nhu cầu thời đại. Dĩ nhiên những trường này hầu hết đều dựa vào việc học hỏi vững
chắc về Thánh Kinh và đào tạo cho Giáo Hội những vị Linh Mục và Giám Mục, nhất
là ở Rôma và ở Alexandria. Tuy nhiên hầu hết những giáo sĩ được tuyển chọn đều
nhờ sự tiếp xúc cá nhân với các Giám Mục hay Linh Mục đứng tuổi tại địa phương.
Thánh Augustinô đã thành lập chủng viện theo phương cách đó: Giám Mục đương kim
và linh mục cùng chung sống dưới một kỷ luật, và lời giảng dạy với gương sáng của
các đấng chăn dắt là yếu tố chính yếu trong việc đào tạo linh mục. Hình thức
này đã lan rộng đến một vài nơi ở Ý, ở Pháp, và ở Tây Ban Nha nhưng không kéo
dài được bao lâu.
Vào thời Trung Cổ,
các nơi tu học được liên kết với các học viện lớn để rồi dần dần trở thành những
chủng viện của các dòng này, và đã bảo đảm việc đào tạo các linh mục tương lai
của dòng. Vào khoảng năm 826, Ðức Giáo Hoàng Eugeniô II, trong Công Ðồng họp ở
Rôma, đã yêu cầu thiết lập trường học bên cạnh mỗi nhà thờ chánh tòa để giáo dục
thanh thiếu niên và để chuẩn bị hàng giáo sĩ tương lai.
Chẳng bao lâu, với
đà phát triển của các đại học, những trường trung học và nội trú được thành lập
bên cạnh các đại học để cho các tu sĩ lui tới tham dự. Nhưng số tu sĩ tham dự lại
quá ít, và ngoài số các tu sĩ có trình độ học vấn cao đó, phần lớn các tu sĩ tiếp
tục thụ giáo tại nhà để đạt một sự hiểu biết khái quát mà thôi.
Vào năm 1179,
Công Ðồng Lateranô III ca ngợi việc thành lập các trường giáo phận trong toàn
thể Giáo Hội. Công Ðồng Lateranô IV năm 1215 nhấn mạnh rằng tại mỗi trường như
thế cần phải có một giáo sư thần học đầy đủ tư cách để dạy Thánh Kinh và Mục Vụ
cho các linh mục tương lai. Ðức Giáo Hoàng Honoriô III (năm 1183) trong sắc lệnh
"Super Specula" và Ðức Bonifaciô VIII (năm 1289) trong sắc lệnh
"Cum ex Eo" cũng đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề đào tạo linh mục.
Vào thời Phục
Hưng, người ta cho rằng một trong những khó khăn trầm trọng của Giáo Hội chính
là việc thiếu chuẩn bị chu đáo cho công trình đào tạo linh mục. Phong trào ly
giáo phát khởi từ Luther lại biến nhu cầu cấp bách đó thành mãnh liệt hơn. Do
đó Công Ðồng Triden nhất quyết đương đầu với vấn đề này.
B. Công trình của
Công Ðồng Triden đối với việc đào tạo linh mục
Công trình này
không đột khởi như một "ngẫu sinh". Cũng nên biết rằng chính các linh
mục dòng Tên tiên khởi đã cảm thấy nhu cầu đó. Trong suốt thời giảng đạo ở Ðức,
từ năm 1542-1545, một đồ đệ của thánh Inhaxiô thành Loyola đã từng nhấn mạnh về
việc cần phải thiết lập những học viện đặc biệt để giúp tu sinh. Ðã có người
quan tâm tới ý kiến của ngài: đó là Ðức Hồng Y Giovanni Morone, người đã giúp
thánh Inhaxiô thành lập ở Rôma một Học Viện Ðức vào năm 1552 cho những linh mục
tương lai sắp được gởi sang Ðức. Họ cư ngụ ở Học Viện Ðức nhưng theo học ở Học
Viện Rôma (thánh Inhaxiô thành lập Học Viện này trước đó hai năm để đào tạo các
linh mục dòng Tên). Thêm vào số đó còn có rất nhiều tu sĩ ở các nơi khác cũng đến
học. Lúc đó Học Viện Rôma có tới 300 sinh viên (trong số có 60 tu sinh) và con
số đã lên đến 1,000 vào năm 1567. Các trường giáo phận được canh tân ở một vài
nơi: Ðức Giám Mục Gian Matteo Giberti de Verona với "trường trợ sĩ" ở
Verona; giảng sư J. Kayserberg đã tích cực góp ý kiến cho Giám Mục Albert de
Barrière để bổ khuyết cho trường giáo phận một học viện thần học. Ngay cả những
anh em ly khai cũng đã chú ý đến vấn đề này: Tổng Giám Mục Catobury là Thomas
Crammer (1489-1556) đã canh tân những trường giáo phận trong năm 1553.
Lược đồ đầu tiên
trình bày ở Công Ðồng Triden được gợi hứng một cách trung thực do bản văn của Ðức
Hồng Y Reginald Pole: "De Seminariis Erigendis" trong giáo luật số 11
của cuộc họp Thượng Hội Ðồng ở nước Anh năm 1556. Người ta cũng đã thành lập một
ủy ban nghiên cứu về sự lạm dụng trong việc ban chức phẩm và tìm kiếm những
phương thế để tu sửa lại bằng nỗ lực đào tạo giáo sĩ một cách tốt đẹp. Năm 1563
ủy ban đã thâu góp được nhiều tập kỷ yếu khác nhau: kỷ yếu của Ðức Tổng Giám Mục
Ragusa Louis Beccadelli gợi ý thành lập chủng viện, kỷ yếu của Tổng Giám Mục
Reins ca ngợi sự canh tân các trường giáo phận. Sau cùng hoàng đế Ferdinand I,
em ruột của Carlos Quinto, yêu cầu thiết lập những trường dành riêng cho giáo
sĩ bên cạnh các đại học.
Năm 1563, Công Ðồng
Triden dành trọn mục 18 của phiên họp thứ 23 cho vấn đề hệ trọng này. Ðây là những
nét chính: mỗi giáo phận phải có một tiểu chủng viện bên cạnh nhà thờ chính
tòa; nếu không thể được, có thể lập một tiểu chủng viện chung cho những giáo phận
lân cận; không nhận những trẻ em dưới 12 tuổi vào tiểu chủng viện vì chúng chưa
ý thức đủ và rõ ràng về thiên chức Linh Mục. Nên nhận những trẻ em nghèo; những
trẻ em giàu muốn được thu nhận phải đóng lệ phí. Phải có Thánh Lễ mỗi ngày cho
mọi người tham dự. Cho hồi tục tức khắc những kẻ bất tuân và những kẻ không có
ơn kêu gọi. Phải lựa chọn kỹ lưỡng những linh mục phụ trách công việc hệ trọng
này. Lợi tức và tiền quyên trong giáo phận được dùng để giúp đỡ chủng viện.
Chính Ðức Giám Mục đích thân điều hành chủng viện, bên cạnh ngài có hai hội đồng
phụ tá: một hội đồng kỷ luật và linh hướng, một hội đồng tài chánh.
C. Áp dụng Sắc Lệnh
của Công Ðồng Triden
Ðức Giáo Hoàng
Piô IV đã nêu gương bằng cách thiết lập tại Rôma một chủng viện vào năm 1565. Rất
nhiều Công Ðồng Miền thêm một số quy luật về thành lập chủng viện khắp nơi.
Thánh Carolô
Borromeô là một trong những nhà vô địch của vấn đề canh tân theo chiều hướng
Công Ðồng: tuy ở Milan chẳng bao lâu, ngài cũng đã mở một chủng viện cho 150
sinh viên học về Giáo Hội. Ngài cũng thiết lập "La Canonisa" cho những
người tuy không có năng khiếu về môn học này nhưng có dịp thể hiện niềm hy vọng
trở thành linh mục nhân đức và nhiệt thành: có 60 sinh viên được đào tạo với một
căn bản vững chắc về Thánh Kinh, thần học tín lý và mục vụ. Sau đó ngài còn thiết
lập 3 chủng viện "dự bị": một cho lớp người đứng tuổi, một cho thanh
niên và một cho thiếu niên. Ngài mời các cha Dòng Tên cộng tác trong chủng viện
và chính ngài cũng hô hào phong trào "góp công góp của" (theo gương
Thánh Ambrosiô) để nuôi sống chủng viện. Ngài viết tập "Institutiones ad
unversum seminarii regimen pertinentes".
Ở Pháp, Ðức Hồng
Y Charles de Lorraine, Tổng Giám Mục Reins là người đầu tiên áp dụng Sắc Lệnh
Công Ðồng Triden; dầu chiến tranh tôn giáo đã làm chậm trễ nhiều nhưng ngài
cũng đã thành công trong việc thực hiện. Ba vĩ nhân tên tuổi trong việc thực hiện
sắc lệnh của Công Ðồng ở Pháp là: Thánh Vincent de Paul, Cha J.J. Olier và
Thánh Jean Eudes.
Thánh Vincent de
Paul bắt đầu bằng việc mở một cuộc họp suốt mười ngày để huấn đức cho các linh
mục tương lai; sau đó việc huấn đức biến thành một giai đoạn học tập trong vòng
2 hoặc 3 năm kể từ khi mãn triết học cho đến lúc thụ phong linh mục. Năm 1635
ngài mở một phân khoa thần học ở Học Viện "Des Bons Enfants", rồi ở
St. Lazare cho phân khoa nhân văn. Vào năm 1642 ngài cũng thành lập một chủng
viện. Lúc cách mạng 1789 xảy ra, các linh mục của Hội Truyền Giáo (do thánh
Vincent de Paul sáng lập) đã điều khiển đến một phần ba những chủng viện ở
Pháp: khoàng 53 đại chủng viện và 9 tiểu chủng viện.
Cha Olier thành
lập chủng viện quốc gia tại họ đạo St. Sulpice ở Paris, và hai năm sau tức năm
1644, ngài nhận chủng sinh của 20 giáo phận khắp nước Pháp gởi đến. Vào năm
1651 ngài phát hành một bản qui luật mô phỏng theo "các qui luật của chủng
viện". Các linh mục của chủng viện này cũng đã đích thân giúp đỡ những chủng
viện khác theo sự yêu cầu của các Giám Mục.
Thánh Jean
Eudes, nhà giảng thuyết và cũng là sáng lập viên dòng Thánh Tâm, lập một chủng
viện ở Caen năm 1663. Sau đó một thế kỷ, các linh mục của chủng viện này trở
thành những nhà giáo dục của 40 chủng viện.
Cuộc Cách Mạng
Pháp 1789 đã gây ra những hậu quả tai hại cho công trình thiết lập chủng viện ở
Âu Châu: hầu hết các chủng viện đều phải đóng cửa hay giải tán. Vào thế kỷ XIX,
dần dần các chủng viện lại được tái lập khắp nơi. Vào thời đại này, Ðức Giáo
Hoàng Piô X phục hưng Giáo Triều Rôma và đặc biệt nâng đỡ các đại học. Năm
1915, Ðức Beneđictô XV thêm vào Thánh Bộ về đại học một Thánh Bộ về chủng viện.
Những khoản luật (1357-1377) của bộ Giáo luật mới năm 1918 tiế tục xác định điều
đó.
Tóm lại, các vị
Giáo Hoàng đã bận tâm rất nhiều về vấn đề đào tạo hàng Giáo Sĩ. Trong thế kỷ XX
này, tất cả những bận tâm ấy đã trở thành một "tài liệu" quí giá cho
vấn đề đào tạo các linh mục: chính Công Ðồng Vaticanô II đã ghi rõ điều đó
trong "lời mở đầu" của "Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục".
II. Nguồn Gốc Và
Sự Phát Triển Của Bản Văn "Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục"
Ðược triệu tập
trong chiều hướng mục vụ hơn là tín lý, Công Ðồng Vaticanô II không thể không
đưa lên hàng đầu mối quan tâm về viêc đào tạo các linh mục tương lai. Với truyền
thống sống động luôn đổi mới "giống như tế bào của một đại thân thể"
(theo lời Ðức Giám Mục Brunon), và với nền tảng kinh nghiệm của hàng chục thế kỷ.
Giáo Hội muốn nghiên cứu lại lãnh vực này và canh tân phương pháp để việc chuẩn
bị các linh mục được hữu hiệu hơn. Sắc Lệnh đáp ứng lại mối ưu tư của tất cả
các nghị Phụ Công Ðồng. Ðược các phiên họp ban đầu sửa soạn chu đáo, bản văn là
một thành quả đã được vun tưới và chín mùi do việc học hỏi và đào sâu tất cả những
vấn đề khác của Công Ðồng. Bản văn được bỏ phiếu chấp thuận hầu như tuyệt đối
ngày 29-10-1965 trong suốt phiên họp cuối cùng.
Chúng ta tuần tự
ghi lại những giai đoạn cấu thành Sắc Lệnh quan trọng này:
- 5-6-1960: Tự Sắc
"Superno Dei Nutu" thành lập 10 Ủy Ban chuẩn bị Công Ðồng. Ủy Ban thứ
Bảy là ủy ban lo về vấn đề giáo dục và chủng viện Chủ Tịch Ủy Ban là Ðức Hồng Y
Pizzardo; Ủy Ban có 90 hội viên gồm 19 quốc gia. 32 cố vấn thuộc 8 quốc gia: tất
cả đều được chính Ðức Giáo Hoàng triệu tập.
- 24-2-1962: Ðức
Hồng Y Pizzardo trình bày ở phiên họp thứ tư của ủy Ban Trung Ương hai bản văn
đã được soạn thảo từ năm 1960 và đã được thông tri cho các Giám Mục.
Lược đồ A1: Sắc
Lệnh về việc "cổ võ ơn thiên triệu trong Giáo Hội".
Lược đồ A2: Hiến
chế về việc đào tạo các chủng sinh có chức thánh".
- 27-2-1965: Kết
thúc phiên họp thứ tư của Ủy Ban Trung Ương. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói:
"Chúng con hãy biết rằng những vấn đề đó (ơn kêu gọi, chủng viện) đã ăn rễ
sâu trong tim Cha".
- 12-6-1962: Kết
quả cuộc bàn cãi: một lược đồ mới thành hình: lược đồ B, gồm tóm cả hai lược đồ
A1 và A2.
- 16-10-1962:
Các Nghị Phụ Công Ðồng chọn 16 nhân viên vào tân Ủy Ban; Ðức Giáo Hoàng cho
thêm 9 nhân viên nữa: Ủy Ban đại diện cho 16 quốc gia.
- 21-2-1963 đến
2-3-1963: Duyệt kỹ lại lược đồ B; lược đồ C ra đời, sẵn sàng gởi đến các Nghị
Phụ Công Ðồng vào tháng 5.
- 4-1964: Sau
khi đúc kết ý kiến của các Nghị Phụ và các Hội Ðồng Giám Mục, một bản văn mới lại
được đưa ra: lược đồ D.
- 3 đến
11-3-1964: Ủy Ban duyệt lại bản văn D và rút gọn lại, do đó có lược đồ E:
"Sacra synodus" được gởi tới tận tay các Nghị Phụ ngày 27-7-1964.
- 9 và 10-1964:
Duyệt lại lược đồ E theo những đề nghị nhận được, lược đồ F ra đời và được gởi
đến các Nghị Phụ vào tháng 11.
- 12-11-1964:
Sau bài thuyết trình của Ðức Cha Carraro, nguyên Viện Trưởng chủng viện
Treviso, bản văn được bàn cãi trong Công Ðồng suốt bốn ngày. Có tới 32 lần phát
biểu ý kiến (trong đó có bốn lần thuộc các xứ truyền giáo) và 67 lần góp ý bằng
thư.
- 17-11-1964: Bản
văn hầu như được chấp thuận hoàn toàn nhưng có tới 1,358 đề nghị tu chỉnh.
- 5-1965:Bản văn
mới, lược đồ G, hoàn tất sau khi Ủy Ban đã cố gắng đưa vào nhiều đề nghị tu chỉnh.
- 11-10-1965: Kỳ
họp IV Công Ðồng: bỏ phiếu chung quyết. Trước tiên là bỏ phiếu các số của Sắc Lệnh.
- 13-10-1965:
Sau đó bỏ phiếu chung cho lược đồ G: có 2,196 phiếu thuận trong số 2,212.
- 28-10-1965: Bỏ
phiếu công bố chính thức: trong tổng số 2,321 phiếu có tới 2,318 phiếu thuận và
chỉ có 3 phiếu chống. Thế là lược đồ H thành bản văn chính thức của Sắc Lệnh.
Trong tất cả những
văn kiện của Công Ðồng, chỉ có 2 Sắc Lệnh: tức Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân (với
2 phiếu chống) và Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục (với 2 phiếu chống
và một phiếu bất hợp lệ) là đạt được đa số tuyệt đối cao hơn Sắc Lệnh này. Có
thể nói rằng bản văn này là kết tinh của bao nỗ lực của Công Ðồng và đã mang lại
cho Giáo Hội hôm nay những định hướng quan trọng. Vì vậy, mặc dù những khủng hoảng
hiện nay, nó vẫn cho ta thấy trước một cuộc canh tân và một thành quả có thể
làm cho tâm hồn các vị chủ chăn tràn đầy tin tưởng.
III Tổng Quát Về
Nội Dung Sắc Lệnh
Lời mở đầu: Tầm
quan trọng và giá trị phổ quát của vấn đề đối với việc canh tân.
Chương I: Số 1:
Phương thức đào tạo phải được áp dụng trong mỗi quốc gia: sự đồng nhất và thích
nghi.
Chương II: Số 2:
Ân cần cổ võ ơn thiên triệu linh mục là việc chung của mọi người: gia đình,
giáo xứ, nhà giáo dục, linh mục, giám mục; chỉnh đốn hành động để đáp ứng với
hành động của Chúa Quan Phòng; phương tiện cổ truyền và mới mẻ.
Số 3: Ðối tượng
của số này: các Tiểu Chủng Viện; cung ứng một nền giáo dục vững chắc và thích hợp
về nhân bản và thiêng liêng; về những thanh thiếu niên thuộc các ngành giáo dục
khác và những ơn kêu gọi muộn.
Chương III: Tổ
chức các Ðại Chủng Viện.
Số 4: Sự cần thiết
và mục đích của mục vụ đòi phải đào tạo chủng sinh dưới mọi khía cạnh.
Số 5: Vấn đề
quan trọng: các nhà giáo dục phải được chọn lựa, chuẩn bị, thống nhất chặt chẽ,
được Giám Mục và tất cả các linh mục trong giáo phận khuyến khích: tất cả mọi
người giúp đỡ chủng viện.
Số 6: Nghiên cứu
về ơn thiên triệu: ý ngay lành, tự do, khả năng, sự kiên quyết.
Số 7: Chủng Viện
từng vùng: để có một nhóm những nhà giáo dục hoàn hảo. Chú trọng đến phẩm cách
những kẻ thụ giáo: nếu nhóm quá đông, nên thành lập những nhóm nhỏ hơn, có người
hướng dẫn đàng hoàng.
Chương IV: Huấn
luyện tu đức vững chắc.
Số 8: Ðào tạo đời
sống mật thiết với Chúa Ba Ngôi, Chúa Kitô, Ðức Mẹ: một đời sống cầu nguyện
theo tinh thần Phúc Âm và nhiệt thành.
Số 9: Ðào tạo
tinh thần Giáo Hội: cộng tác viên tương lai của các Giám Mục, những cộng sự
viên của các Linh Mục khác, trong tinh thần phục vụ khiêm nhượng, vâng lời với
trách nhiệm, nghèo khó, tin tưởng vào ơn thiên triệu.
Số 10: Ðào tạo một
đời sống độc thân linh mục: một động lực siêu nhiên, cánh chung và tông đồ, một
ân huệ do sự kiên tâm cầu nguyện đem lại. Ý thức rõ ràng về hôn nhân. Chấp nhận
sự từ bỏ ấy trong tự do và ý thức.
Số 11: Ðào tạo
trưởng thành về nhân cách: tính tình, sự bền chí, những đức tính nhân bản, sống
kỷ luật với tinh thần siêu nhiên và trong cách sử dụng tự do.
Số 12: Phương thế
đặc biệt của việc đào tạo: thời gian đào tạo, thời kỳ tập sự giữa các năm học,
tuổi truyền chức được ấn định cao hơn, thực tập chức phó tế.
Chương V: Các
môn học của Giáo Hội.
Số 13: Trước hết
phải có một nền giáo dục trung đẳng vững chắc về nhân bản và khoa học, phải biết
La Ngữ và những cổ ngữ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.
Số 14: Ðịnh hướng
tiên quyết; học về mầu nhiệm Chúa Cứu Thế và việc Cứu Chuộc, biết dung hòa môn
triết học với thần học.
Số 15: Triết học:
Mục đích: tìm hiểu về con người, vũ trụ, Thiên Chúa; trọng trách bảo vệ gia sản
có giá trị ngàn đời, những tương quan triết học hiện đại, đào sâu lịch sử, khuyến
khích việc học hỏi cá nhân, chứng minh sự liên quan giữa học thuyết với những vấn
đề nhân sinh và mầu nhiệm Cứu Chuộc.
Số 16: Thần học:
Mục đích: thấu triệt vấn đề mạc khải; sống mạc khải và biết trình bày mạc khải.
Thánh Kinh: linh
hồn của môn thần học, học biết chú giải, biết những đề tài quan trọng của mạc
khải. Thánh Kinh như món ăn thiêng liêng.
Tín lý: Bắt đầu
từ những đề tài trong Thánh Kinh, minh chứng sự đóng góp của các Giáo Phụ, với
sự liên quan lịch sử. Suy luận theo chiều hướng của Thánh Tôma.
Luân lý: có tính
cách Thánh Kinh hơn và theo chiều hướng bác ái.
Giáo luật và
Giáo sử: liên quan với mầu nhiệm Giáo Hội.
Phụng vụ: Theo
"Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh". Học về hiệp nhất và các tôn giáo khác.
Số 17: Phương
pháp sư phạm: Học hỏi kỹ càng, khuyến khích làm việc riêng, làm việc tập thể,
nhằm sự hiệp nhất và tinh thần liên đới; tránh những phiền phức gò bó của luật
lệ, nên chọn lựa những vấn đề thực tế hơn.
Số 18: Giáo dục
nơi đại học: Lựa chọn cẩn thận những người có khả năng thích hợp theo các phân
khoa đại học nhưng vẫn tiếp tục hướng dẫn họ về vấn đề tu luyện đạo đức.
Chương VI: Vấn đề
đào tạo mục vụ nói riêng.
Số 19: việc đào
tạo mục vụ phải chi phối tất cả các việc đào tạo khác; biết nghệ thuật linh hướng,
biết phát triển mọi khả năng đối thoại, biết nghe, biết yêu thương.
Số 20: Những môn
học bổ túc: Sư phạm, tâm lý xã hội, tông đồ giáo dân, tinh thần tông đồ phổ
quát và truyền giáo.
Số 21: Thực hành
việc tông đồ: Ðó là vấn đề cần thiết trong kỳ nghỉ và suốt thời gian học tập với
một phương pháp được người có thẩm quyền hướng dẫn chu đáo; phải xác tín tầm
quan trọng ưu tiên của những phương tiện siêu nhiên đối với việc tông đồ.
Chương VII: Việc
huấn luyện bổ túc sau khi mãn trường.
Số 22: Tiếp tục
đào luyện thường xuyên cho các giáo sĩ: nhờ các học viện, qua các kỳ hội thảo,
bằng những hoạt động định kỳ.
Kết luận: Trong
chiều hướng của Công Ðồng Triden nhưng với một tinh thần mới mẻ, Giáo Hội và
Công Ðồng Vaticanô II hy vọng nhiều nơi các linh mục tương lai, vì nhờ sự huấn
luyện kỹ càng và thích hợp, các linh mục đó sẽ đạt được những kết quả lâu bền.
IV. Viễn Tượng Mới
Do Sắc Lệnh Mang Lại
Tuy được cưu
mang trước Công Ðồng, nhưng Sắc Lệnh chỉ chào đời vào thời kỳ họp cuối cùng. Có
thể nói Sắc Lệnh đã hấp thụ bầu khí của Công Ðồng để chín dần, đã được dinh dưỡng
bằng nhựa sống dồi dào và phong phú trong khoảng đất đầy mầu mỡ do những dữ kiện
học hỏi giáo lý và mục vụ ở những sắc lệnh khác.
Nơi đây ta còn
nhận thấy các quan tâm và định hướng rõ rệt của Công Ðồng Vaticanô II: tính
cách ưu tiên của mục vụ trong việc đào tạo, nhấn mạnh việc giáo dục nhân bản,
tinh thần hiệp nhất, cởi mở với những trào lưu hiện đại để đưa đến một cuộc đối
thoại thực sự, những hoạt động mục vụ trong toàn thể Giáo Hội đối với việc dìu
dắt mầm non ơn thiên triệu, tinh thần mới mẻ trong việc học tập rộng rãi các huấn
lệnh của Giáo Hội, trách nhiệm tiên phong của những Hội Ðồng Giám Mục đối với
những việc liên quan đến phương thức đào tạo các linh mục, nhấn mạnh về vấn đề
đào tạo trường kỳ cho giáo sĩ giữa một thế giới luôn luôn đổi mới của thời đại
này.
Bởi vậy Sắc Lệnh
này phù hợp với tất cả những văn kiện của Công Ðồng Vaticanô II. Tập "Giáo
Huấn" ngày 6-1-1970 của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã trình bày những
tiêu chuẩn đào tạo linh mục tương lai. Với tài liệu này, các Hội Ðồng Giám Mục
có trách nhiệm đã được chỉ dẫn đầy đủ. Các linh mục tương lai có thể vững tâm
trông cậy hoàn toàn vào Thánh Thần Thiên Chúa, Ðấng đã linh ứng và hướng dẫn
Giáo Hội không ngừng, để dọn mình làm linh mục của Chúa Kitô, linh mục của ngày
mai và của hết thảy mọi thời đại.
Với Sắc Lệnh
này, chúng ta thấy được biết bao tiến bộ về quan niệm đào tạo linh mục. Chỉ cần
đọc lại những mệnh lệnh của giáo luật về vấn đề chủng viện cũng đủ để đi đến kết
luận rằng: dù mối bận tâm của Giáo Hội đối với những linh mục tương lai trước
sau vẫn là một, nhưng tinh thần những định hướng mới mẻ và những chú trọng đặc
biệt trong Sắc Lệnh cho chúng ta thấy có một cái gì rất đặc sắc.
Linh mục theo
Công Ðồng Vaticanô II là một linh mục kết hiệp với Thầy Chí Thánh, khao khát một
đời sống Phúc Âm thực sự, đi theo đường Chúa Giêsu đã đi, và đồng thời là người
lo lắng đem thân mình phục vụ anh em và mọi người trong một cuộc gặp gỡ cởi mở,
chân thành và thích nghi. Nhờ đó linh mục có thể đem đến cho mọi người Sứ điệp
của Chúa Kitô trong một ngôn ngữ dễ hiểu và linh động, cống hiến cho họ ơn cứu
rỗi của Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến qua một Giáo Hội có khuôn mặt trẻ trung, có
vòng tay và con tim rộng mở chờ đón hết mọi con người của thời đại chúng ta và
tất cả mọi dân tộc. Ðồng ý với một quan sát viên Công Ðồng, chúng ta tin rằng:
"Ðó là một trong số những bản văn rất cởi mở và rất mới mẻ của Công Ðồng"
(Etudes, tháng 1, 1968).
Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa VII Ngày 28
tháng 10 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh về Ðào
Tạo Linh Mục
Optatam Totius
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
Mọi người mong ước
canh tân toàn thể Giáo Hội, Thánh Công Ðồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc
canh tân này phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức vụ Linh Mục 1 đã
được Thần Linh Chúa Kitô thúc đẩy 3*,
do đó Thánh Công Ðồng tuyên bố việc Ðào Tạo Linh Mục là việc vô cùng quan trọng
và nêu ra một vài nguyên tắc căn bản: các nguyên tắc này xác quyết những qui luật
đã được kinh nghiệm ngàn năm 4*
chấp nhận và thêm vào đó những nguyên tắc mới cho hợp với các Hiến chế và Sắc lệnh
của Thánh Công Ðồng này cũng như với những biến chuyển của thời đại. Vì tính
cách duy nhất của chức Linh Mục Công Giáo, nên việc đào tạo Linh Mục là cần thiết
cho tất cả các Linh Mục dòng cũng như triều, thuộc bất cứ lễ chế nào. Do đó, những
chỉ thị sau đây, tùy trực tiếp nhằm cho hàng Giáo sĩ triều, nhưng cũng phải tùy
nghi thích ứng cho tất cả.
I. Phương Thức Ðào Tạo Linh Mục Áp Dụng Cho Từng Dân Tộc
1. Việc đào tạo phải phù hợp
với địa phương. Vì có quá nhiều dân tộc và địa phương khác nhau, nên chỉ có thể
nêu ra những qui luật tổng quát. Do đó, mỗi dân tộc hay mỗi lễ chế phải áp dụng
một "Phương thức đào tạo Linh Mục" riêng, được Hội Ðồng Giám Mục ấn định
2,
kiểm nghiệm sau một thời gian và được Tông Tòa phê chuẩn 5*.
Nhờ vậy những quy luật phổ quát sẽ được thích nghi với những hoàn cảnh riêng của
địa phương và thời đại, để việc đào tạo Linh Mục luôn luôn đáp ứng những nhu cầu
mục vụ địa phương, nơi mà các Linh Mục phải thi hành chức vụ.
II. Ân Cần Cổ Võ Ơn Thiên Triệu Linh Mục
2. Trách nhiệm của toàn
dân Thiên Chúa. Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận cổ võ các ơn thiên triệu
3,
mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn;
các gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện
sơ khởi 6*,
còn những giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của
mình. Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục
thiếu nhi và thanh niên, nhất là những Hội Ðoàn công giáo phải chú tâm đào luyện
các thanh thiếu niên được ủy thác cho mình để họ có thể nhận ra ơn thiên triệu
và sẵn lòng bước theo. Mọi Linh Mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông
đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến
chức Linh Mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhượng, cần mẫn, vui tươi,
cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các Linh Mục 7*.
Các Giám Mục có
nhiệm vụ thúc đẩy đoàn chiên mình cổ võ ơn thiên triệu 8*,
và phải lo phối hợp chặt chẽ mọi năng lực cũng như mọi cố gắng. Thực vậy, các
ngài phải lấy tình cha con, không quản ngại hy sinh để giúp đỡ những người
chính các ngài xét là được gọi làm sản nghiệp Chúa.
Như thế, việc
toàn dân Thiên Chúa hăng say hiệp lực cổ võ các ơn thiên triệu sẽ đáp ứng hành
động của Chúa Quan Phòng 9*.
Chính Ngài ban những ơn thích hợp cho những ai được Ngài tuyển chọn để tham dự
chức Linh Mục phẩm trật của Chúa Kitô và Ngài giúp đỡ họ bằng ân sủng, đồng thời
còn ủy nhiệm cho các thừa tác viên hợp pháp của Giáo Hội quyền được gọi những ứng
sinh mà các ngài nhận thấy có đủ khả năng, đã được thử thách, có ý ngay lành và
hoàn toàn tự do xin thi hành chức vụ cao cả này; các ngài còn được quyền thánh
hiến họ bằng ấn tích Chúa Thánh Thần để họ phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Giáo
Hội 4.
Thánh Công Ðồng
trước tiên đề nghị những phương thế hỗ trợ theo truyền thống, thí dụ: thiết tha
cầu nguyện, sám hối theo tinh thần Kitô giáo, kể cả việc cung ứng cho các Kitô
hữu một kiến thức mỗi ngày mỗi thêm sâu rộng hoặc bằng giảng thuyết và giáo lý,
hoặc bằng những phương tiện truyền thống xã hội, để làm sáng tỏ mức khẩn thiết,
bản chất và sự cao qúy của ơn thiên triệu Linh Mục 10*.
Hơn nữa, Công Ðồng yêu cầu các Hội Cổ Võ ơn thiên triệu đã có hoặc sẽ phải
thành lập trong mỗi giáo phận, mỗi miền hoặc mỗi quốc gia theo như các văn kiện
của các Ðức Giáo Hoàng, phải tổ chức có phương pháp và hệ thống, lại phải vừa
thận trọng vừa hăng say đẩy mạnh toàn thể hoạt động mục vụ nhằm cổ võ ơn thiên
triệu, đồng thời đừng bỏ qua những trợ lực hữu ích và thích hợp do khoa tâm lý
và xã hội học hiện đại cung cấp 5.
Nhưng công cuộc
cổ võ ơn thiên triệu phải rộng rãi vượt khỏi ranh giới của từng giáo phận, quốc
gia, dòng tu hoặc lễ chế và lưu tâm đến nhu cầu của toàn thể Giáo Hội 11*
để nhất thiết trợ giúp những miền đang khẩn cấp cần đến những thợ làm vườn nho
Chúa.
3. Huấn luyện đức dục và
trí dục trong các tiểu chủng viện. Trong các Tiểu Chủng Viện 12*
được thiết lập để vun trồng những mầm non ơn thiên triệu 13*,
các chủng sinh phải được chuẩn bị bước theo Chúa Kitô Cứu Chuộc 14*
với tinh thần quảng đại và tâm hồn trong trắng, nhờ một nền giáo dục tôn giáo đặc
biệt, nhất là 15*
sự linh hướng thích hợp. Với sự dìu dắt đầy tình phụ tử của các Bề Trên và với
sự cộng tác thuận lợi của các phụ huynh, chủng sinh phải sống một đời xứng hợp
với lứa tuổi, với tinh thần mà mức độ phát triển của con người thiếu niên và
hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn tâm lý lành mạnh 16*,
cũng đừng để họ thiếu kinh nghiệm trường đời và thiếu liên lạc với 17*
gia đình họ 6.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn sau đây được quy định cho các Ðại Chủng Viện cũng được
thích nghi cho các Tiểu Chủng Viện, còn về học vấn chủng sinh phải theo đuổi,
nên tổ chức thế nào để họ có thể tiếp tục dễ dàng ở nơi khác nếu họ chọn một bậc
sống khác 18*.
Cũng phải tùy
hoàn cảnh địa phương để ân cần cổ võ các mần non ơn thiên triệu nơi thanh thiếu
niên trong các Cơ Sở giáo dục 19*
cùng theo đuổi một mục đích như các Tiểu Chủng Viện, và cả nơi những kẻ đang thụ
huấn trong các trường khác hoặc đang theo đuổi những phương thức giáo dục khác,
ước gì mọi người lưu tâm cổ võ những Cơ Sở giáo dục và các tổ chức tương tự khả
dĩ giúp những người lớn tuổi 20*
bước theo ơn thiên triệu.
III. Tổ Chức Các Ðại Chủng Viện
4. Huấn luyện với ý hướng
mục vụ. Các Ðại Chủng Viện cần thiết 21*
để đào tạo các Linh Mục. Việc giáo dục toàn diện chủng sinh phải nhằm huấn luyện
cho họ thực sự trờ thành những vị chăn dắt các linh hồn 22*,
theo gương Chúa giêsu Kitô là Thầy, là Linh Mục và là Chủ Chăn 7. Vậy
họ phải được chuẩn bị chu toàn chức vụ rao giảng lời Chúa để mỗi ngày mỗi hiểu
lời Mạc Khải của Chúa hơn, để được thấm nhuần lời Chúa nhờ suy gẫm và diễn tả
trong lời nói cùng cách sống. Họ phải được chuẩn bị chu toàn tác vụ phụng vụ và
thánh hóa: để thi hành công cuộc cứu rỗi qua Hy Tế Thánh Thể và các Bí Tích, bằng
lời cầu nguyện và nghiêm chỉnh cử hành các nghi lễ phụng vụ. Họ phải được chuẩn
bị thi hành chức vụ chủ chăn 23*,
để họ biết làm cho mọi người thấy Chúa Kitô hiển hiện như Ðấng "không đến
để cho người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc
thiên hạ" (Mc 10,46; x. Gio 13,12-17) và để họ trở nên tôi tớ mọi người hầu
cứu được nhiều người hơn. (x. 1Cor 9,19).
Vì thế, mọi
phương thức huấn luyện tu đức, học vấn, kỷ luật phải cùng qui hướng về mục đích
mục vụ này, đồng thời, các vị giám đốc và giáo sư phải nhiệt thành và nhất trí
hành động trong khi trung thành vâng phục quyền Giám Mục mà theo đuổi mục đích
đó.
5. Tuyển chọn bề trên và
ban giảng huấn. Việc đào tạo chủng sinh không những tùy thuộc qui luật sáng suốt
mà nhất là còn tùy thuộc khả năng của các nhà giáo dục. Do đó, các giám đốc 24*
và giáo sư Chủng Viện phải được chọn lựa trong số những vị ưu tú nhất 8. 25*
Các vị đó phải được chuẩn bị chu đáo trước 26*
với một nền học thuyết vững chắc, một kinh nghiệm mục vụ thích đáng và được huấn
luyện đặc biệt về tu đức và sư phạm. Vì thế, để đạt mục đích này, cần cổ võ mở
những học viện hay ít là mở những lớp tổ chức theo một qui chế thích hợp cũng
như những cuộc hội thảo định kỳ cho các vị Giảng Huấn Chủng Viện.
Các vị trong ban
giảng huấn 27*
phải xác tín rằng kết quả việc đào tạo chủng sinh lệ thuộc phần lớn ở tư cách
tư tưởng và hành động 28*
của chính mình, dưới quyền hướng dẫn của vị Giám Ðốc, các ngài phải cộng tác thật
chặt chẽ trong tinh thần và hành động, và giữa các ngài với nhau, cũng như giữa
các ngài và các chủng sinh chỉ còn là một gia đình phù hợp với lời nguyện của
Chúa "Xin cho chúng nên một" (Gio 17,11) và để nuôi dưỡng nơi chủng
sinh niềm vui ơn thiên triệu của họ. Ðức Giám Mục phải kiên tâm và ưu ái nung
đúc tinh thần những người làm việc trong Chủng Viện và phải cư xử với các chủng
sinh như một người Cha đích thực trong Chúa Kitô. Sau hết tất cả các Linh Mục
phải coi chủng viện như con tim của giáo phận và phải sẵn lòng góp công giúp đỡ
9.
6. Ðiều tra về ý ngay lành.
Phải tùy theo lứa tuổi và trình độ của mỗi ứng sinh 29*
mà điều tra cẩn thận về ý ngay lành và ý chí tự do 30*,
về khả năng đạo đức, luân lý và học vấn, về sức khỏe thể lý và tâm lý xứng hợp,
đồng thời cũng cần để ý đến những khuynh hướng có thể là do gia truyền. Cũng phải
cân nhắc khả năng đảm đương các chức vụ Linh Mục và thi hành những phận sự mục
vụ 31*
của họ sau này 10.
Trong tất cả
công việc tuyển lựa chủng sinh và việc thử thách cần thiết, phải luôn luôn vững
tâm 32*
dù phải buồn lòng chịu thiếu linh mục 11,
Thiên Chúa không để Giáo Hội Ngài thiếu thừa tác viên, nên nếu chỉ cho những kẻ
xứng đáng tiến chức, thì phải lấy tình cha con kịp thời hướng dẫn những người
không đủ tư cách tìm kiếm những chức vụ khác và giúp họ ý thức về ơn gọi Kitô hữu
của mình để hăng say dấn thân trong việc tông đồ giáo dân.
7. Chủng viện liên giáo phận.
Khi nào mỗi giáo phận không thể tổ chức một Chủng Viện riêng cách thích đáng,
phải thiết lập và cổ võ các Chủng Viện chung 33*
cho nhiều giáo phận, cho toàn miền hoặc cho toàn quốc để chú tâm vào việc thận
trọng đào tạo các chủng sinh cách hữu hiệu hơn vì việc đào tạo phải được coi là
qui luật tối thượng trong vấn đề này. Những Chủng Viện toàn miền hay toàn quốc ấy
phải được quản trị theo qui chế do các Giám Mục liên hệ ấn định 12
và được Tòa Thánh phê chuẩn.
Trong các Chủng
Viện đông chủng sinh, phải phân chia các chủng sinh thành từng nhóm nhỏ tương xứng
để cho việc huấn luyện cá nhân của từng người được tốt đẹp hơn 34*.
Tuy nhiên vẫn phải duy trì sự thống nhất về qui chế và chương trình học vấn.
IV. Phải Chú Trọng Ðến Việc Huấn Luyện Tu Ðức 35*
8. Một đời sống thiêng
liêng sâu sắc. Việc huấn luyện tu đức phải liên kết chặt chẽ với việc trau dồi
học vấn và huấn luyện mục vụ, nhất là phải được thực hiện nhờ sự trợ giúp của
cha Linh Hướng 13,
36*
sao cho các chủng sinh tập biết luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nhờ
Chúa Giêsu Kitô Con Người và trong Chúa Thánh Thần. Do phép Truyền Chức Thánh họ
phải là hiện thân của Chúa Kitô Linh Mục, lại nữa bởi cùng chia sẻ một cuộc sống
của Người, nên họ phải quen sống kết hợp với Người như bạn hữu 14.
Họ phải sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người thế nào để biết khai sáng Mầu nhiệm ấy
cho đoàn chiên sẽ được giao phó. Phải dạy họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong việc
trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các Mầu Nhiệm chí
thánh của Giáo Hội, nhất là Bí Tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ 15.
Cũng phải dạy cho họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong Ðức Giám Mục, Ðấng sai họ đi
và trong những người mà họ được sai đến, nhất là trong các kẻ nghèo khó, hèn mọn,
đau yếu, tội lỗi và cả những kẻ vô tín ngưỡng. Họ phải lấy lòng tin cậy như con
thảo mà tôn kính và yêu mến Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Ðấng mà Chúa Kitô khi
hấp hối trên Thánh Giá đã trối ban làm mẹ người môn đệ.
Phải hết sức cố
gắng cổ võ việc đạo đức 37*
đã được tập quán đáng kính của Giáo Hội khuyên làm, nhưng phải lưu tâm đừng để
việc huấn luyện tu đức chỉ hệ tại những việc đạo đức ấy hay chỉ là một nỗ lực tạo
ra thứ đạo đức tình cảm. Các chủng sinh phải học sống theo Phúc Âm, đứng vững
trong đức Tin, Cậy, Mến 38*,
để trong việc trau dồi các nhân đức ấy, họ đem lại cho mình một tinh thần cầu
nguyện 16,
họ củng cố bảo vệ ơn thiên triệu của mình, họ kiên cường các nhân đức khác và lớn
lên trong nhiệt tâm chinh phục mọi người về cho Chúa Kitô.
9. Ý thức về Giáo Hội và đức
vâng lời. Các chủng sinh phải thấm nhuần Mầu Nhiệm Giáo Hội đã được Thánh Công
Ðồng này đặc biệt khai sáng, để có thể làm chứng sự hiệp nhất đang thu hút mọi
người về với Chúa Kitô 17
bằng cách thảo hiếu và khiêm tốn hiệp nhất với vị Ðại Diện Chúa Kitô, và một
khi đã lãnh nhận chức Linh Mục, họ luôn liên kết với Giám Mục của mình như những
cộng tác viên tín cẩn và tiếp tay cộng tác với các anh em Linh Mục khác 39*.
Phải dạy cho họ biết mở rộng tâm hồn tham gia cuộc sống của toàn thể Giáo Hội 40*
như lời Thánh Augustinô: "Kẻ nào càng yêu mến Giáo Hội Chúa Kitô càng có
Chúa Thánh Thần" 18.
Chủng sinh phải thấu hiểu thật rõ ràng là cuộc đời họ không phải để thống trị
hay được danh giá, nhưng để hết mình phụng sự Thiên Chúa và chu toàn bổn phận mục
vụ 41*.
Phải đặc biệt lo lắng tập sống đức vâng lời linh mục 42*,
đời sống khó nghèo 43*
và tinh thần xả kỷ 19
sao cho họ quen mau mắn từ bỏ ngay cả những gì được phép nhưng không thích đáng
và trở nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Phải cho các chủng
sinh biết về gánh nặng họ phải đảm đương và không giấu diếm họ một khó khăn nào
của đời Linh Mục. Tuy nhiên, đừng vì đó mà làm cho họ hầu như chỉ nhìn thấy
khía cạnh nguy hiểm trong gánh nặng mai ngày, trái lại, tốt hơn phải vì đó huấn
luyện cho họ biết dùng chính hoạt động mục vụ của họ để kiện cường đời sống tu
đức cho thật vững mạnh.
10. Ðời trinh khiết. Các
chủng sinh theo truyền thống đáng kính mà sống bặc độc thân linh mục đúng với
qui luật thánh thiện bền bỉ của lễ chế mình, phải được cẩn thận hướng dẫn sống
bậc sống ấy 44*.
Một khi khước từ đời hôn nhân vì Nước Trời (x. Mt 19,20), họ kết hợp với Chúa bằng
một tình yêu không san sẻ 20
phù hợp mật thiết với Giao Ước mới, họ làm chứng cho sự sống lại đời sau (x. Lc
20,36) 21
và thâu lượm được một trợ lực thích hợp nhất để luôn mãi thi hành đức ái hoàn hảo,
nhờ đó, họ có thể trở nên mọi sự cho mọi người trong chức vụ Linh Mục 22.
Họ cần thâm tín rằng: bậc sống ấy đáng hân hoan đón nhận không phải chỉ như một
mệnh lệnh do Giáo Luật, nhưng như là một ân huệ quý giá của Thiên Chúa mà họ phải
khiêm tốn cầu xin, và phải mau mắn đáp ứng với tự do và quảng đại, nhờ ơn Chúa
Thánh Thần thúc đẩy và giúp đỡ.
Các chủng sinh
phải hiểu biết đúng mức về những bổn phận và phẩm giá của hôn nhân công giáo,
biểu tượng tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,22-33). Ðàng khác, họ
cũng phải thâu hiểu nét ưu việt của đức trinh khiết dâng hiến cho Chúa Kitô 23,
để vì thế tận hiến trọn hồn xác cho Chúa bằng một quyết định đã được cân nhắc
chín chắn 45*
và đại lượng.
Phải cho họ biết
những hiểm nguy đang đe dọa đức khiết tịnh của họ, nhất là trong xã hội hiện thời
24;
với những trợ lực thích ứng của Thiên Chúa và loài người, họ phải biết dung nạp
sự từ khước đời sống hôn nhân, sao cho cuộc đời và công việc của họ không những
không bị thiệt thòi gì do bậc độc thân gây ra, nhưng hơn thế nữa, họ làm chủ được
hồn xác, phát triển được sự trưởng thành trọn vẹn hơn 46*,
và đạt được hạnh phúc Phúc Âm cách toàn hảo hơn.
11. Ðức tự chủ. Các tiêu
chuẩn giáo dục Kitô giáo phải được nghiêm chỉnh tuân hành và bổ túc các thích
đáng nhờ việc sử dụng các phát minh mới mẻ của khoa tâm lý và khoa sư phạm lành
mạnh. Vì thế, một nền giáo dục khéo tổ chức cũng phải nhằm huấn luyện cho các
chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản cần thiết 47*,
nhất là mức trưởng thành đã được kiểm nghiệm trong một đức tính cương nghị,
trong khả năng quyết định chín chắn, và một óc phê phán xác đáng về con người
và về các biến cố. Các chủng sinh phải tập cho quen điều hòa thích hợp cá tính
mình, họ phải được huấn luyện cho có tinh thần quả cảm, và nói chung, phải biết
quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi
các thừa tác viên của Chúa Kitô 25,
thí dụ như lòng thành thực, chuyên lo giữ đức công bình, đức tín trung, cư xử lịch
thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ 48*.
Không những phải
coi kỷ luật trong đời sống Chủng Viện như một trợ lực vững chãi của đời sống cộng
đoàn và bác ái, mà hơn nữa, còn như một thành phần thiết yếu trong tất cả công
cuộc huấn luyện để đạt được tinh thần tự chủ, phát triển được sự trưởng thành vững
chắc về nhân cách, rèn luyện được những tư cách khác giúp ích rất nhiều cho hoạt
động của Giáo Hội được quy củ và kết quả. Nhưng, phải áp dụng kỷ luật ấy sao
cho các chủng sinh tự thâm tâm sẵn sàng chấp nhận quyền hành của Bề Trên và
thâm tín, vì lương tâm (x. Rm 13,5) và vì những lý do siêu nhiên. Phải áp dụng
những tiêu chuẩn kỷ luật ấy tùy theo từng lứa tuổi, để trong khi tập sống tự lập
dần dần, các chủng sinh biết sử dụng tự do một cách khôn ngoan, hành động một
cách tự phát, nhiệt thành 26
và quen hợp tác được với anh em đồng nghiệp cũng như với giáo dân.
Một khi được thấm
nhuần lòng ham mộ đạo đức, sự thinh lặng và mối bận tâm giúp đỡ lẫn nhau, tất cả
cuộc sống trong chủng viện phải được tổ chức thế nào để các chủng sinh như bắt
đầu tập sự đời linh mục mai ngày 49*.
12. Thực tập mục vụ. Ðể
cho việc huấn luyện tu đức có căn bản vững chắc hơn và để các chủng sinh quyết
chí theo đuổi ơn thiên triệu với sự chấp nhận đã cân nhắc chín chắn, các Giám Mục
có bổn phận ấn định một thời gian thích hợp cho việc huấn luyện tu đức sâu rộng
hơn 50*.
Các ngài phải xét coi, nếu thuận tiện, thì gián đoạn việc học trong một thời
gian hoặc tổ chức kỳ thực tập mục vụ thích ứng để trắc nghiệm các ứng sinh Linh
Mục cách đầy đủ hơn. Các Giám Mục cũng phải tùy theo hoàn cảnh từng miền để quy
định nâng cao mức tuổi 51*
chịu chức Thánh do luật chung hiện thời ấn định, cũng như quyết định có nên cho
các chủng sinh, sau khi mãn ban Thần Học, thi hành chức vụ Phó tế trong một thời
gian thích hợp, trước khi được thụ phong Linh Mục 52*.
V. Duyệt Lại Các Môn Học Của Giáo Hội
13. Giáo dục về nhân bản.
Trước khi học các môn học riêng của Giáo Hội, các đại chủng sinh phải có một nền
giáo dục về nhân bản và khoa học mà các thanh niên trong quốc gia họ phải đạt tới
mới có thể theo học các bậc cao đẳng 53*,
ngoài ra, họ phải thâu thập một vốn liếng La ngữ để có thể thấu hiểu và sử dụng
những nguồn khoa học và tài liệu của Giáo Hội 27.
Việc học ngôn ngữ phụng vụ riêng của từng lễ chế phải được coi là cần thiết, lại
phải hết sức cổ động cho chủng sinh học hỏi đầy đủ về các ngôn ngữ dùng trong
Thánh Kinh và Thánh Truyền. 54*
14. Lớp dự bị. Việc duyệt
lại các môn học của Giáo Hội trước hết phải nhằm làm cho các môn triết và thần
học được phối trí cách thích hợp hơn và cùng chung đường lối góp phần mỗi ngày
mở rộng tâm trí chủng sinh đón nhận Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một mầu nhiệm liên hệ
đến toàn thể lịch sử nhân loại không ngừng ảnh hưởng trên Giáo Hội, và nhất là
không ngừng hoạt động qua chức Linh Mục 28.
Ðể các chủng
sinh có được cái nhìn ấy, ngay từ bước đầu của cuộc đời tu luyện, trước khi học
các môn của Giáo Hội, họ phải qua một lớp dự bị kéo dài trong một thời gian
thích hợp. Lớp nhập môn này 55*
sẽ trình bày Mầu Nhiệm Cứu Rỗi sao cho các chủng sinh nhận thức được ý nghĩa,
chương trình và mục đích mục vụ của những môn học của Giáo Hội, đồng thời giúp
họ lấy đức tin đặt nền móng và thấm nhuần cả cuộc đời mình, lại làm cho họ vững
tâm theo đuổi ơn thiên triệu bằng một tâm hồn hân hoan tự nguyện hiến dâng cuộc
đời mình.
15. Các môn triết học. Phải
dạy các bộ môn triết học thế nào để trước hết có thể dìu dắt các chủng sinh
thâu thập được một kiến thức chắc chắn và có hệ thống về con người, về thế giới
và về Thiên Chúa. Hãy lấy di sản triết học giá trị ngàn đời 56*
làm điểm tựa, 29
đồng thời hãy sử dụng những công trình biên khảo triết học hiện đại, nhất là những
chiếu hướng triết học đang ảnh hưởng mạnh nhất trong quốc gia mình 57*
cũng như những tiến bộ khoa học mới nhất. Ðược chuẩn bị đầy đủ như thế chủng
sinh sẽ hiểu đúng được tâm thức của thời đại để đối thoại được với người đương
thời. 30
Phải dạy môn triết
sử sao cho các chủng sinh nắm được các nguyên lý tối hậu của các triết thuyết
khác nhau, biết giữ lại những gì được chứng minh là chân thật, có thể khám phá
và luận bác các căn nguyên sai lầm. 58*
Trong cách thức
giảng dạy, phải kích thích nơi chủng sinh lòng hâm mộ quyết liệt tìm kiếm, khảo
sát và minh chứng chân lý, 59*
đồng thời cũng nhận chân những giới hạn của trí óc con người. Phải cẩn thận
quan tâm đến mối liên lạc giữa triết học và những vấn đề nhân sinh đích thực
cũng như các thắc mắc làm giao động tâm trí chủng sinh, phải giúp họ nhận ra
các mối liên hệ giữa các lý luận triết học và mầu nhiệm cứu rỗi mà họ sẽ khảo
sát trong ánh sáng đức tin khi học thần học.
16. Các môn thần học. Phải
dạy các môn thần học 60*
trong ánh sáng đức tin 61*
và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội 31
để các chủng sinh chăm chú múc lấy học thuyết Công Giáo từ nguồn Mạc Khải của
Chúa, thấu triệt rồi biến thành lương thực nuôi đời tu đức của họ 32,
62*
lại có thể rao giảng, trình bày cũng như bảo toàn 63*
học thuyết ấy trong khi thi hành chức vụ Linh Mục.
Phải đặc biệt
chuyên lo dạy Thánh Kinh cho các chủng sinh, vì Thánh Kinh 64*
phải như linh hồn của toàn thể khoa thần học 33;
sau phần nhập môn thích hợp, phải cẩn thận khai sáng cho họ phương pháp chú giải,
cho họ thấu triệt các đại đề của Mạc Khải, cho họ có hứng thú đọc và suy gẫm
Thánh Kinh hằng ngày làm của nuôi dưỡng 34.
Môn tín lý thần
học phải được phân phối theo thứ tự này: trước hết, trình bày chính các chủ đề
Thánh Kinh. Phải tỏ cho các chủng sinh thấy các Giáo Phụ Ðồng và Tây Phương,
cũng như diễn tiến lịch sử tín lý đã đóng góp gì trong việc trung thành lưu
truyền và minh giải từng chân lý Mạc Khải, đồng thời cũng xét đến mối liên lạc
của nó với lịch sử Giáo Hội tổng quát 35.
Thứ đến, để khai sáng các mầu nhiệm cứu rỗi cách thật đầy đủ, các chủng sinh phải
học đào sâu và nhận thức được mối liên hệ giữa các mầu nhiệm đó nhờ công việc
suy tư với thánh Tôma 36
là một tôn sư 65*.
Họ phải học hỏi cho thấy các mầu nhiệm ấy luôn luôn hiện diện và tác động trong
các nghi thức Phụng Vụ 37
và trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Họ phải học cho biết cách giải đáp các vấn
đề nhân sinh theo ánh sáng Mạc Khải, biết áp dụng những chân lý Mạc Khải vĩnh cửu
vào hoàn cảnh đổi thay của những thực tại nhân loại và biết thông truyền các
chân lý ấy cho thích hợp với con người thời đại 38.
Những bộ môn thần
học khác cũng phải được canh tân nhờ tiếp xúc linh động hơn Mầu Nhiệm Chúa Kitô
và lịch sử cứu rỗi. Phải đặc biệt chú ý cải thiện môn luân lý thần học 66*,
với lối trình bày có khoa học và thấm nhuần giáo lý Thánh Kinh nhiều hơn, nó sẽ
minh giải vẻ cao đẹp của ơn thiên triệu tín hữu trong Chúa Kitô cũng như nhiệm
vụ của họ phải mưu cầu lợi ích cho đời sống thế giới trong đức ái. Cũng vậy, phải
trình bày Giáo Luật và dạy Giáo Sử 67*,
cho liên lạc với Mầu Nhiệm Giáo Hội, theo Hiến Chế tín lý "về Giáo Hội"
do Thánh Công Ðồng này tuyên bố. Môn Phụng Vụ 68*
phải được coi là nguồn mạch thiết yếu số một của tinh thần Kitô giáo đích thực,
nên phải được giảng dạy đúng theo tinh thần các khoản 15 và 16 của Hiến Chế về
Phụng Vụ 39.
Tùy theo hoàn cảnh
từng miền, các chủng sinh phải được hướng dẫn để biết đầy đủ hơn về những Giáo
Hội và những Cộng Ðoàn Giáo Hội ly khai khỏi Tông Tòa Roma, để có thể góp phần
xúc tiến việc tái lập hiệp nhất 69*
giữa toàn thể Kitô hữu theo các chỉ thị của Thánh Công Ðồng này 40.
Hơn nữa, phải mở
đường cho họ hiểu biết các tôn giáo khác hiện đang quảng bá trong mỗi miền 70*,
để họ nhận thấy rõ hơn những gì tốt lành và chân thật do Thiên Chúa an bài,
đang tiềm tàng nơi các tôn giáo ấy, để họ biết luận bác những sai lầm và để có
thể thông truyền ánh sáng chân lý đầy đủ cho những kẻ chưa được đón nhận ánh
sáng ấy.
17. Duyệt xét lại phương
pháp giáo dục. Việc huấn luyện học thuyết không chỉ nhằm thông truyền một số
khái niệm, nhưng phải nhằm huấn luyện chủng sinh cách đích thực và sâu xa, vì
thế phải duyệt các phương pháp giáo dục 71*
về cách giảng dạy, thực tập, thảo luận, cũng như về việc khích lệ chủng sinh
làm việc riêng rẽ hay từng nhóm. Phải liệu sao cho toàn thể chương trình huấn
luyện được duy nhất và vững chắc; tránh gia tăng qua đáng các môn và giờ học, lại
phải loại bỏ những vấn đề không còn quan trọng mấy, hoặc là những vân đề phải
dành cho các bậc cao đẳng nghiên cứu sâu rộng hơn.
18. Các môn học cao đẳng.
Các Giám Mục có nhiệm vụ gửi các chủng sinh có tư cách 72*,
nhân đức và trí thông minh tới học tại những Học Viện chuyên biệt, tại các Phân
Khoa hay Ðại Học, để chuẩn bị cho có những Linh Mục được học hành cao hơn và
uyên thâm hơn về các khoa học đạo cũng như các khoa học đời xem ra thích hợp,
khả dĩ có thể đáp ứng những nhu cầu tông đồ khác nhau; nhưng khong bao giờ được
xao lãng việc huấn luyện tu đức và mục vụ, nhất là khi họ chưa chịu chức Linh Mục.
VI. Cổ Võ Việc Huấn Luyện Mục Vụ 73*
19. Tập đối thoại. Mối
quan tâm về mục vụ phải chi phối tất cả việc đào tạo chủng sinh 41,
nên cũng đòi hỏi các chủng sinh phải được cẩn thận giáo huấn về những gì đặc biệt
liên quan đến chức vụ Thánh, nhất là việc dạy giáo lý và giảng thuyết 74*,
việc phụng tự 75*
và ban phát các bí tích, về các công cuộc bác ái 76*,
nghĩa vụ tìm đến với các chiên lạc và những người vô tín ngưỡng, cùng những
công tác mục vụ khác. Phải chăm lo dạy họ nghệ thuật dìu dắt cac linh hồn 77*,
nhờ vậy họ có thể đào tạo mọi con cái của Giáo Hội, trước hết biết hoàn toàn ý
thức sống đời Kitô hữu và có tinh thần tông đồ, thứ đến biết chu toàn bổn phận
của bậc sống mình. Chủng sinh cũng phải lưu tâm học cho biết cách giúp đỡ cac
tu sĩ nam nữ 78*
bền đỗ trong ơn gọi riêng và tiên đức theo tinh thần của Hội Dòng 42.
Cách chung, phải
làm phát triển nơi các Chủng sinh những khả năng thích hợp rất cần thiết để đối
thoại 79*
được với mọi người, thí dụ: biết lắng nghe người khác, biết lưu tâm đến những
hoàn cảnh khác nhau của thân phận con người trong tinh thần bác ái 43.
20. Tập hoạt động tông đồ.
Cũng phải dạy họ biết sử dụng những phương thế mà các khoa sư phạm, tâm lý cũng
như xã hội 44
có thể cung cấp cho 80*,
theo những phươnh pháp đúng đắn và các tiêu chuẩn do Giáo Quyền ấn định. Phải
lo giáo huấn họ biết khích lệ và nâng đỡ hoạt động tông đồ giáo dân 81*,
45
cũng như biết khởi xướng nhiều hình thức hoạt động tông đồ khác nhau cho hữu hiệu
hơn. Họ phải được thấm nhuần tinh thần Công Giáo đích thực, để biết quen vượt
khỏi những ranh giới địa phận, quốc gia hoặc lễ chế riêng hầu hỗ trợ các nhu cầu
của toàn thể Giáo Hội 82*
và sẵn sàng đi rao giảng Phúc Âm ở bất cứ nơi nào 46.
21. Tập hoạt động ngoài chủng
viện. Vì các chủng sinh phải học nghệ thuật hoạt động tông đồ 83*
không những trên lý thuyết nhưng trên thực hành nữa, và còn phải có khả năng
thi hành công tác với tinh thần trách nhiệm cá nhân hay tập đoàn, nên trong kỳ
học cũng như kỳ nghỉ, phải cho họ tập sự mục vụ bằng những công tác thực tập
thích đáng. Phải tùy theo tuổi của chủng sinh, tùy theo hoàn cảnh địa phương và
sự xét đoán khôn ngoan của các Giám Mục mà thực hiện các hoạt động ấy cho có
phương pháp với sự hướng dẫn của những vị giàu kinh nghiệm mục vụ, đồng thời
cũng đừng quên sức hiệu nghiệm của những phương thế hỗ trợ siêu nhiên 47.
VII. Bổ Túc Việc Huấn Luyện Sau Khi Mãn Trường
22. Phải được tiêp tục bồi
dưỡng về lý thuyết và thực hành. Nhất là vì hoàn cảnh xã hội tân tiến nên việc
huấn luyện Linh Mục phải được tiếp tục và kiện toàn, cả sau khi kết thúc chu
trình học vấn 84*
trong chủng viện 48,
do đó các Hội Ðồng Giám Mục 85*
phải liệu tìm trong mỗi quốc gia những phương thế thích hợp, thí dụ như thiết lập
những Học Viện Mục Vụ hợp tác với những họ đạo đã tùy nghi chọn lựa, tổ chức những
cuộc hội thảo định kỳ, những khóa thực tập chuyên biệt 86*,
nhờ đó lớp Giáo Sĩ còn non trẻ về phương diện tu đức, trí thức và mục vụ được dẫn
dần đưa dẫn vào đời sống Linh Mục và hoạt động tông đồ, và họ có thể càng ngày
càng cải tiến và phát triển 87*
các hoạt động ấy hơn nữa.
Kết Luận 88*
Tiếp tục công
trình do Công Ðồng triđen khởi xướng, và trong khi tin tưởng trao phó cho các vị
Giám Ðốc và Giáo Sư Chủng Viện nhiệm vụ đào tạo các Linh Mục tương lai của Chúa
Kitô trong tinh thần canh tân do Thánh Công Ðồng này cổ võ, toàn thể Nghị Phụ của
Thánh Công Ðồng này tha thiết khuyến dụ những người đang dọn mình nhận lãnh chức
Linh Mục hãy cảm thức niềm kỳ vọng của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn đã được
trao phó cho họ, để một khi hân hoan đón nhận những tiêu chuẩn ghi trong Sắc Lệnh
này, họ sẽ thâu lượm được nhiều kết quả mỹ mãn và trường tồn.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1* Ðược gọi là
"Sắc Lệnh" khi bản văn đề cập tới việc tổ chức thực tế các chủng viện
và những phương thế huấn luyện. Có 47 Nghị Phụ đã yêu cầu gọi bản văn này là
"Hiến Chế" vì nó nặng về giáo thuyết. Nhưng Công Ðồng đã giữ lại danh
hiệu Sắc Lệnh.
2* "Ðào tạo",
La ngữ là "Institutio", được sử dụng từ tháng 11-1963, bao gồm ý
nghĩa đào tạo và dạy dỗ như trong bản văn Sedes Sapientiae (31-5-1965) của Ðức
Piô XII về việc đào tạo các tu sĩ. Công Ðồng Triđen, đã dùng hai động từ: dạy dỗ
(đào tạo luân lý) trong sắc lệnh về các Chủng Viện (x. CÐ Triđen, khóa XXIII,
De Reformatione, ch. 18).
1 Chính Chúa
Kitô đã muốn cho công việc phát triển toàn Dân Chúa tùy thuộc rất nhiều vào việc
thi hành chức vụ Linh Mục. Ðiều này thấy rõ trong lời Chúa phán khi đặt các
Tông Ðồ như những kẻ kế vị và cộng tác với Người làm người rao giảng Phúc Âm,
làm thủ lãnh dân tộc mới đã được tuyển chọn, và làm quản lý phân phát các mầu
nhiệm Thiên Chúa; hơn nữa những ngôn từ của các Giáo Phụ, các Thánh, và những
tài liệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của các Ðức Giáo Hoàng đều xác quyết
như thế. - Xem, nhất là: T. Piô X. Huấn dụ cho giáo sĩ Hoerent animo,
4-8-1908: S. Pii X Acta IV, trg 237-264; Piô XI, Tđ Ad catholici Sacerdotii,
20-12-1935: AAS 28 (1936) nhất là trg 37-52; Piô XII, Tông huấn Menti nostrae,
23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 657-702; Gioan XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri
primodia, 1-8-1959: AAS 51 (1959), trg 545-579; Phaolô VI, Tông thư Summi Dei
Verbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 979-995.
3* Những chữ này
được thêm vào do lời yêu cầu của các Nghị Phụ khi thấy phần vào đề quá pháp lý
và khô khan: không phải việc gì cũng canh tân được Giáo Hội, nhưng chỉ có công
việc bắt nguồn từ chức Linh Mục đích thực của Chúa Kitô. Ghi chú 1 còn mang một
lý do thần học giá trị nữa, Ðể tra cứu ta có thể thêm những tài liệu của Công Ðồng
Vat II trong: GH 28 và LM 7.
4* Giáo Hội qua
mọi thời không thiếu lo lắng đối với các vấn đề sôi động này. Cũng vậy, vì muốn
cởi mở với thế giới hiện tại. Sắc Lệnh đã tìm vào nguồn phong phú trong kho tàng
giáo huấn quá khứ. Cho rằng việc đào tạo linh mục ngày nay như là một công việc
hoàn toàn mới mẽ và theo những nguyên tắc thuần xã hội là tước bỏ sự khôn ngoan
hai ngàn năm qua của Giáo Hội. Ta còn cần ghi chú rằng phần lớn những tra cứu về
Giáo Huấn trong Sắc Lệnh này đều do những bản văn thuộc thế kỷ này: 106 trên
108 ghi chú thuộc thời gian từ 1893-1965. Ðức Piô XII được trích dẫn nhiều nhất
(44 lần), chứng tỏ Công Ðồng kính trọng rõ rệt sự sáng suốt và lòng nhiệt thành
của ngài đối với các Linh Mục. Mười lăm trích dẫn ở các văn kiện khác của Công
Ðồng Vat. II bảo đảm sự hiệp nhất trong giáo thuyết của tài liệu này đối với
Công Ðồng.
2 Tất cả việc
đào tạo Linh Mục, nghĩa là việc tổ chức chủng viện, huấn luyện đời sống thiêng
liêng, phương thức học hành, đời sống chung và kỷ luật của chủng sinh, thực tập
mục vụ, đều phải thích nghi với hoàn cảnh khác nhau của địa phương. Những điểm
chính yếu trong việc thích nghi này phải được làm theo những quy tắc chung: do
Hội Ðồng Giám Mục, để áp dụng cho giáo sĩ triều, và tùy lý do thích hợp, áp dụng
cho giáo sĩ dòng do các vị Bề Trên có thẩm quyền (Xem Thánh Bộ Dòng Tu, Tông hiến
Sedes Sapientae và bản đính phụ Statula Generalia tiết mục 19, x.b. lần 2, Roma
(1957), trg 38 tt.
5* Ðể giúp đỡ những
cố gắng của các Hội Ðồng Giám Mục trong việc thiết lập một phương thức đào tạo
Linh Mục riêng, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã ban hành ngày 6-1-1970 một
"Lý thuyết căn bản đào tạo Linh Mục".
3 Một trong những
mối lo âu chính yếu của Giáo Hội ngày nay là hầu như khắp nơi đều thấy số ơn
thiên triệu giảm sút quá nhiều. - Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae:
"... Ở các miền Công giáo cũng như nơi các xứ truyền giáo, con số Linh Mục
hầu như luôn không đủ để đáp ứng những nhu cầu càng ngày càng tăng": AAS
42 (1950), trg 682. - Gioan XXIII: "Vấn đề ơn thiên triệu giáo sĩ và tu sĩ
là mối lo âu hằng ngày của Giáo Hoàng... đó là tiếng khẩn cầu của Giáo Hoàng
trong khi cầu nguyện, là ước vọng mãnh liệt trong tâm hồn Giáo Hoàng".
(Trích Huấn từ cho Ðại Hội Quốc Tế 1 về ơn gọi tiến tới Bậc Trọn Lành,
16-12-1961: AAS 54 (1962), trg 33).
6* Ðáng ca tụng
thay lòng quí trọng của các gia đình Việt Nam đối với ơn kêu gọi làm Linh Mục,
sự nâng đỡ của các giáo xứ đối với những người đang hướng về chức Linh Mục và
lòng nhiệt thành của bao Linh Mục nhằm bảo đảm cho có người nối tiếp.
7* Lược đồ F chỉ
nói về "mẫu gương" linh mục; 20 Nghị Phụ đã đưa ra đề nghị tu chỉnh về
"chứng tích của linh mục là nguồn ơn kêu gọi" và lược đồ G đã chỉ rõ
5 đặc tính: bác ái, vui tươi, hòa hợp, khiêm nhường và làm việc. Trước kia,
chính Ðức Piô XII đã nói rằng: "Mỗi linh mục phải tìm thấy và chuẩn bị nơi
mình một người kế vị". (Menti Nostrae, số 75) Sắc Lệnh LM đề cập lại ở số
11a.
8* Ðức Hồng Y
Garrone đưa ra những đề nghị thực tiển vơí các Giám Mục trong tạp chí Vocation
số 238 (4/1967), trg 167-173.
9* Ủy Ban đã xác
quyết rằng Công Ðồng không có ý định giải quyết vấn đề về bản chất ơn kêu gọi
đã được bàn cãi vào thời kinh sĩ Lahitton, cha Branchereau v.v... khoảng năm
1910. Ở đây Công Ðồng chỉ thống nhất và định rõ vai trò: trước hết là Chúa kêu
gọi cách nhưng không và ban ơn hộ giúp, thứ đến Giáo Hội, qua những vị có trách
nhiệm hợp pháp, xét đoán về sự xứng hợp và gọi đến lãnh Bí Tích Truyền Chức. Những
người được kêu gọi phải đáp lại cách quảng đại, với ý hướng ngay thẳng và tự do
hoàn toàn. Những yếu tố đó cần thiết cho tất cả những ơn kêu gọi đúng nghĩa.
4 Piô XII, Tông
hiến Sedes Sapientiae, 31-5-1956: AAS 48 (1956), trg 357. - Phaolo VI, Tông thư
Summi Dei erbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 984 tt.
10* Lý Thuyết
Căn Bản (LTCB) lập lại ý nghĩa và sự quan trọng của "Ngày thế giới cầu cho
ơn thiên triệu". "Ngày" này được thiết lập ngày 23-1-1964 và được
ấn định cử hành vào Chúa Nhật thứ Ba mùa Phục Sinh. Thật là một việc thức thời
tuyệt hảo nhằm tăng triển các ơn kêu gọi.
5 Xem nhất là,
Piô XII. Tự sắc Cum Nobis "Về việc thành lập Giáo Hoàng Hiệp Hội Cổ võ Ơn
Thiên Triệu Linh mục tại Thánh bộ chủng viện và đại học", ngày 4-11-1941:
AAS 33 (1941), trg 479, với các Ðiều Lệ và Nội Quy cũng do Thánh bộ này phổ biến
ngày 8-9-1943. tự sắc Cum Supremae "Về Giáo Hoàng Tổng Hội cổ võ ơn Thiên
Triệu tu dòng", ngày 11-2-1955: AAS 47 (1955), trg 266, với các Ðiều Lệ và
Nội Quy do Thánh bộ Tu dòng phổ biến (n.t. trg 298-301). - CÐ Vat. II, Sắc lệnh
về việc canh tân thích nghi đời sống Dòng tu Perfectae Caritatis, số 24; Sắc lệnh
về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, số 15.
11* Sắc lệnh về
Hoạt Ðộng Truyền Giáo (số 16a) nhắc lại rằng ơn kêu gọi làm linh mục trong những
miền truyền giáo là một dấu hiệu chắc chắn và hứa hẹn nhiều cho sự thành lập
Giáo Hội giữa các dân tộc này.
12* tại Công Ðồng
trước tình trạng sa ngã của một số linh mục nhiều Nghị Phụ tán dương việc bắt
buộc thiết lập chủng viện cho tuổi trẻ như Giáo Luật số 1354, 2 đòi hỏi: 68 vị
khác lại khẩn thiết yêu cầu đừng bắt buộc như thế. Cuối cùng, ý thức về những
hoàn cảnh khác biệt giữa các quốc gia, Thánh Công Ðồng đã không đòi hỏi điều
đó. Tuy nhiên Giáo Hội cũng không thể quên tất cả những gì mà Giáo Hội đã được
hưởng nhờ qua những thể chế đã có từ Công Ðồng Triđen. Giáo Hội cũng nhắc lại ở
đây là những nơi còn giữ lại các thể chế ấy phải theo chiều hướng và dùng các
phương thế sao cho thích hợp hơn với thời đại tân tiến này.
13* Như thế là
Giáo Hội ý thức về thực tại của ơn gọi nơi trẻ em. LTCB nói rõ về điểm thường
ít được biết tới là: ơn kêu gọi này biểu hiệu bằng nhiều cách với những lứa tuổi
khác nhau trong đời sống con người, nơi các thiếu niên, nơi những người lớn tuổi
hơn; và như kinh nghiệm vững chắc của Giáo Hội chứng nhận, ơn kêu gọi nơi các
trẻ em là như một hột giống. Ơn kêu gọi thường liên kết chặt chẽ với nếp sống đạo
đức, với tính mến nồng nhiệt đối với Thiên Chúa và tha nhân, với tấm lòng hướng
về việc tông đồ (LTCB số 7).
Ở việt Nam, Giáo
Hội viết rõ tất cả những gì phải làm cho các chủng viện của tuổi trẻ; ước muốn
Giáo Hội là không ngừng cải thiện (xem Lý Thuyết Quốc Gia về việc đào tạo linh
mục số 1-18, ấn bản La ngữ, tháng 7 năm 1971).
14* Bản văn nói
"Chúa Kitô Cứu Chuộc" chứ không nói "Chúa Giêsu Linh Mục"
như khi nói về các đại chủng sinh. Một câu trả lời minh nhiên của Ủy Ban nhấn mạnh
điều đó: "Một sự đào tạo thiêng liêng căn bản, đặt trên tính cách thiêng
liêng của phép Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể sẽ liên kết với Chúa Kitô Cứu Chộc
những người trẻ muốn hiến mình cho công cuộc cứu rỗi thế giới với một lòng quảng
đại, trong sạch, nhiệt tâm yêu mến Chúa Kitô. Công Ðồng đã chấp nhận đề nghị tu
chỉnh về sự trong sạch tâm hồn, trong khi bày tỏ nhu cầu cho các thiếu niên sống
giữa thế giới đầy lôi kéo về thú vui giác quan, phải biết vững mạnh bảo vệ sự
tinh khiết cho Chúa và cho những người cần được cứu vớt.
15* Bản văn nói:
"Nhất là..." chính là nhắc lại vai trò quan trọng của một sự hướng dẫn
thiêng liêng thật sự trong sự xét định, triển nở và chín mùi của ơn thiên triệu
(xem LTCB số 14).
16* Sự đào tạo
thích ứng và phù hợp hơn với tâm lý các thiếu niên thúc giục việc xét lại nhiều
cách sử dụng hay những luật lệ có khuynh hướng muốn làm cho các thiếu niên
thành những "giáo sĩ trẻ", những thầy dòng quá sớm, khiến sự tự nhiên
và sức sống dồi dào của họ không được tôn trọng, với mối nguy hiểm đưa tới
thoái hóa tâm lý hay mặc cảm tiếm đoạt sẽ biểu lộ ra sau này bằng sự phẫn nộ, bất
mãn và chống đối.
17* Hơn nữa những
liên lạc gia đình (những ngày nghỉ, thăm viếng, thư tín...) cần thiết để tình
thương được cân bằng. Kinh nghiệm trường đời sẽ được thâu lượm dần dần trong những
giao tiếp với xã hội và Giáo Hội địa phương: những cuộc thăm viếng các xưởng
máy và trường chuyên nghiệp, những buổi thuyết trình về các vấn đề xã hội và
tôn giáo, những phim ảnh được chọn lựa cẩn thận và được thảo luận dưới sự hướng
dẫn của giáo sư có khả năng, một thư viện với đầy đủ các sách hữu ích về nhiều
đề tài khác nhau, sự sử dụng hợp lý máy thâu thanh, truyền hình, báo chí, tranh
ảnh, tranh giải thể thao... (xem LTCB số 12).
6 Xem Piô XII,
Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 685.
18* Ở đây Giáo Hội
tỏ ra rất thực tế: có nhiều thiếu niên giữa đường thú nhận là không thích hợp,
nhiều người khác do dự hoặc muốn tự do chọn một hướng đi khác. Tất cả những người
đó sẽ không bị một dày vò nào khi họ từ giã chủng viện, nơi mà người ta học các
môn theo chương trình của quốc gia. Ðiều đó còn làm cho những ai kiên trì hướng
về chức linh mục có được trình độ học vấn của các thiếu niên cùng tuổi với họ
và được thích nghi vơí nền văn hóa quốc gia của thời đại họ (LTCB số 13). LTCB
còn nhắc thêm rằng: cần thêm vào chương trình những môn học thích hợp, trực tiếp
hướng về chức Linh Mục: Nhập môn Tân Ước, Giáo Sử, La Ngữ (số 13).
19* Ở đây có lẽ
Sắc Lệnh muốn nhắc về những công trình tương tự như: những trường tông đồ, đệ tử
viện, trường thử: Sắc Lệnh cũng như muốn báo hiệu xa hơn nữa về những môi trường
giáo dục: trung học, văn đàn, học viện, nơi mà những thiếu niên có ước vọng hướng
tới chức linh mục có thể tiếp xúc và đáng được chăm sóc đặc biệt.
20* Sự nhắc nhở
về "những ơn gọi lớn tuổi" (kiểu nói "tu muộn" cần phải đổi,
nhất là ở nước ta, vì phần lớn các ơn gọi đó chưa qua khỏi tuổi 20) chứng tỏ
thái độ của Giáo Hội muốn nâng đỡ tất cả những ai Chúa có thể gọi. LTCB số 19
cũng đòi phải thiết lập những học viện để nâng đỡ họ. Số 3 này chưa hoàn toàn
thỏa mãn ước nguyện của một số đông Giám Mục ao ước có được những hướng dẫn đầy
đủ hơn cho vấn đề quan trọng đó. LTCB đề cập lại với nhiều cho tiết hơn trong
các số 11-19.
21* Dầu một thiểu
số gồm 4 Nghị Phụ đã hủy bỏ một trào lưu nhất quyết chống lại các chủng viện và
muốn một loại học viện khác mới mẻ hơn, nhưng Công Ðồng đã muốn duy trì các chủng
viện vì biết rõ sự quan trọng và cần thiết phải đào tạo các linh mục.
22* Ngày từ đầu
Công Ðồng đã xác quyết chủ đích mục vụ cho tất cả vấn đề đao tạo linh mục và lại
xác quyết mạnh mẽ hơn ở cuối số này. Ðiều đó sẽ trở lại như một chủ đề trong suốt
Sắc Lệnh.
7 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 28: AAS 57 (1965), trg 34.
23* Khơi dậy chức
vụ chủ chăn, Công Ðồng chỉ nhắc lại tinh thần phục vụ khiêm tốn và toàn vẹn
theo gương mẫu. Ðấng Chăn Chiên Lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Giáo
Hội chờ mong nơi các Linh Mục tinh thần phục vụ khiêm tốn và vô vị lợi. Công Ðồng
không ngừng trở lại điểm này như một đòi hỏi tiên quyết của Linh Mục thời đại mới,
phải bỏ hẳn thái độ quan liêu và phô trương, thái độ đã làm cho Giáo Hội phải
chịu bao tổn hại trong quá khứ, Linh Mục, một Kitô khác, cũng sẽ là một đầy tớ
khác của Jahvê (xem Is 42,2-4, 6-8; 49,5-6).
24* Tiếng
"các Giám Ðốc" ở đây hiểu là các vị hữu trách, chính LTCB định rõ:
"Mỗi chủng viện có những bề trên hữu trách: giám đốc, phó giám đốc, một
hay nhiều linh hướng, giám học, vị phụ trách về sinh hoạt mục vụ, về trật tự
trong chủng viện, quản lý, quản thủ thư viện... trách vụ được chỉ định rõ ràng
và trả công chính đáng" (số 27).
8 Xem Piô XI, Tđ
Ad Catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936), trg 37: "Trước hết, mối
ưu tư lớn lao nhất là lựa ban Giám Ðốc và giáo sư... Hãy bổ nhiệm vào chủng viện
những Linh Mục ưu tú nhất, đừng tiếc mà dành họ lại cho bất cứ chức vụ nào
khác, kể cả những chức vụ có vẻ danh giá mà thực sự lại không thể sánh được với
sứ mệnh thiết yếu và không thể thay thế được kia" - Ðức Piô XII cũng đã đề
cập đến nguyên tắc phải chọn những vị ưu tú nhất trong Tông Thư gởi các Ðấng bản
quyền Brasiliae, 23-4-1947. Discorsi e Radio-messagi IX, trg 579-580.
25* Hai đề nghị
tu chỉnh giải thích tiếng "những người ưu tú" về nhân đức và hiểu biết
và tiếng "không loại trừ giáo dân" x. M 59/6, 7. (xem LTCB, số 30).
26* Xem LTCB số
30 và ghi chú 86. Vấn đề này được trình bày trong những lược đồ đầu tiên theo
đòi hỏi minh nhiên của nhiều Giám Mục, nó gồm 3 số trong lược đồ B. Ủy ban hữu
trách đã tuyên cáo: "Thật là quan trọng khi Công Ðồng Vat. II chăm sóc đặc
biệt việc chuẩn bị các Giám Ðốc và Giáo Sư cho các chủng viện".
27* Xem LTCB số
32-38.
28* Bầu khí thuận
lợi được bảo đảm do các đặc điểm sau: tùy thuộc bề trên tôn trọng lẫn nhau, hợp
nhất tâm tình và hành động, tinh thần gia đình giữa họ với các chủng sinh. Những
dòng này được thêm vào lược đồ G theo lời yêu cầu của 17 Nghị Phụ Công Ðồng (M
57/1).
9 Về bổn phận
giúp đỡ Chủng Viện, xem Phaolô VI, Tông thư Summi Dei Verbum, 4-11-1963: AAS 55
(1963), trg 984.
29* Xem LTCB số
39.
30* Trước hết phải
tìm hiểu lý do và sự tự ý của ứng viên. Những lầm lẫn về lãnh vực này sẽ dẫn tới
các thảm họa mai sau (x. thêm LTCB số 39).
31* Theo các để
nghị tu chỉnh, các trách vụ linh mục phải hiểu đặc biệt về sự độc thân, các bổn
phận mục vụ như có thể nghe, hiểu, đối thoại và hướng dẫn người khác.
10 Xem Piô XII,
Tông huấn Menti nostri, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 684 và xem Thánh Bộ Bí
Tích, thư luân lưu gởi các Ðấng bản quyền Magna Equidem, 27-12-1935, số 10. -
Các tu sĩ, xem Statua neneralia đính phụ Tông hiến Sedes Sapientiae, 31-5-1956,
tiết mục 33. - Phaolô VI, tông thư Summi Dei Verbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963),
trg 987 tt.
32* Xem LTCB số
40 và 41.
11 Xem Piô XI,
Tđ Ad Catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 55 (1963), trg 41.
33* Từ thời Công
Ðồng Triđen, và theo Giáo Luật (kh 2354) mỗi giáo phận phải tổ chức chủng viện
riêng của mình, nhưng những đòi hỏi hiện tại đòi phải thiết lập những chủng viện
chung để có đủ số học sinh và nhật là để có nhiều người được đủ tư cách hơn. Sắc
Lệnh tiên liệu những chủng viện chung cho nhiều giáo phận, cho một miền hoặc một
quốc gia, tùy theo các Giám Mục. Như vậy khoản giáo luật 1357, 4 bị hủy bỏ (xem
LTCB số 21).
12 Ðể các Giám Mục
liên hệ có thể tham gia việc dự thảo quy chế cho các chủng viện miền hay quốc
gia khoản Giáo Luật 1357, 4 bị hủy bỏ.
34* Xem LTCB số
23.
35* Chương này đề
cập tới yếu tố quan trọng nhất trong việc đào tạo linh mục. Ðây là kết quả của
một việc làm lâu dài với nhiều thảo luận và biên soạn.
13 Xem Piô XII,
Tông hiến Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 675. - Thánh Bộ Chủng Viện
và Ðại Học, La Formazione spirituale
36* Ai cũng biết
sự quan trọng của việc hướng dẫn thiêng liêng để nhận thức và trưởng thành
trong ơn thiên triệu, và Sắc Lệnh cũng đã đề cập cách minh nhiên ngay từ đầu
chương nói về việc đào tạo thiêng liêng. Nhưng một vấn nạn có thể đặt ra: Công
Ðồng muốn chỉ có một vị linh hướng trong chủng viện, hay có thể được tự do chọn
lựa trong tất cả các linh mục ở chủng viện theo sở thích mỗi người? LTCB số 27
viết: Giữa các vị hữu trách của chủng viện, người ta đề cử một hay nhiều vị
linh hướng. Số 45 lập lại rằng việc đào tạo thiêng liêng là do ở các ngài. Số
23 khi nói về những nhóm nhỏ, có thêm rằng phải giữ được sự đào tạo kiến thức
khoa học. Khi bàn về bí tích Giải Tội và tinh thần sám hối, số 55 nói: mỗi người
phải có một vị linh hướng riêng để cởi mở tâm hồn với ngài, với lòng tin tưởng
và khiêm tốn, để được hướng dẫn chắc chắn trên con đường của Chúa. Chủng sinh sẽ
tự do chọn vị linh hướng và vị giải tội cho mình trong số các linh mục mà Giám
Mục đã chỉ định như là những vị có thẩm quyền về trách vụ này. Vậy còn vài mập
mờ: một đàng thì đồng nhất trong việc hướng dẫn, đàng khác thì tự do lựa chọn.
14 Xem Thánh Piô
X, Huấn dụ hàng Giáo sĩ Hacrent animo, 4-8-1908: S Pii X Acta, IV, trg 242-244.
- Piô XII Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 659-661. -
Gioan XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri Primodia, 1-8-1959: AAS 51 (1959), trg 550
tt.
15 Xem Piô XII,
Tđ Mediator Dei, 20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 547 tt và 572 tt. - Gioan
XXIII, Tông huấn Sacrae Laudis, 6-1-1962: AAS 54 (1962), trg 69. - CÐ vat. II,
De sacra Liturgia, s61 16 và 17: AAS 56 (1964), trg 104 tt. - Thánh Bộ Nghi Lễ
Instructio ad executionem Constitutionis de sacra liturgia recte ordinandam,
26-9-1964, số 14-17: AAS 56 (1964), trg 880 tt.
37* Sau khi đề
ra chiều hướng giáo thuyết, Công Ðồng trở lại những yếu tố thực tế phát xuất từ
đó. Ðức Piô XII trong "Menti nostrae" lập lại những điều Giáo luật
qui định (kh 1367): nguyện gẫm, lần hạt, cầu nguyện, viếng Thánh Thể xét mình
xưng tội thường xuyên, việc linh hướng, tĩnh tâm.
38* Ta có thể đối
chiếu cả chương này với những bản văn tương tự ở GH 28: PV. 5-7, 16-17, 47, 61,
90: LM 13, 18; MV. 43, 5,6: tinh thần các bản văn rõ ràng dựa theo Thánh Kinh,
tập trung vào Chúa Kitô và tuân phục Giáo Quyền.
16 Xem Gioan
XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri Primordia: AAS 51 (1959), trg 556 tt.
17 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 28: AAS 57 (1965), trg 35 tt.
39* Xem LTCB số
46-47.
40* Ðây là chủ đề
thông thường của Vat II, sự cởi mở với toàn thể Giáo Hội này phải được ghi khắc
trong lòng các linh mục tương lai: như Chúa Kitô, lòng họ phải biết chấp nhận mọi
người, mọi ngôn ngữ, chủng tộc và mọi quốc gia.
18 Thánh
Augustinô, In Joanem tract 32: PL 35, 1946.
41* Câu này nói
về tinh thần phục vụ (đã được nhắc nhở trong các đoạn văn của Mc 10,45; Gio
13,12-17; 1Cor 9,10, và trong bản tóm kết chức vụ chủ chăn của Linh Mục, số 4 của
Sắc Lệnh này) nhằm chống lại tính khoa trương và đề cao giáo sĩ. Ðó chính là ý
lực đã được Công Ðồng lập đi lập lại mỗi khi đề cập về Giáo Hội (xem GH 3, 2) về
giám Mục (GH 27) hay về Linh Mục (LM 15).
42* Chủ đề này sẽ
trở lại trong số 11. Không phải sự vâng lời giản dị của tín hữu, nhưng của linh
mục. Sự vâng lời của linh mục đã được long trọng tuyên hứa trong bí tích Truyền
Chức, không phải chỉ để cho việc hoạt động tông đồ hữu hiệu, nhưng là để sát nhập
với Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết để cứu chuộc thế gian, LTCB số 49 đã đề
cập tới vấn đề này.
43* Việc đòi hỏi
linh mục phải phục vụ lại được LTCB, số 50 nhắc lại: "Ước gì họ tập luyện,
không chỉ bằng lời nói nhưng bằng việc làm, tinh thần nghèo khó đang được Giáo
Hội khẩn thiết kêu gọi và rất cần thiết để chu toàn thánh vụ tông đồ. Ước gì họ
biết dựa vào sụ quan phòng của Thiên Chúa Cha và theo gương Thánh Phaolô giữ
cho tâm hồn bình thản trong lúc dư dật cũng như khi bị khốn cùng (Ph
4,12)".
19 Xem Piô XII,
Tông huấn Menti Nostrae: AAS 42 (1950), trg 662 tt, 685, 690. - Gioan XXIII, Tđ
Sacerdotii Nostri Primordia: AAS 51 (1959), trg 551-553-556. - Phaolô VI, tđ
Ecclesiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 634 tt. - CÐ Vat II, Hiến chế tín
lý về Giáo Hội Lumen Gentium, nhất là số 8: AAS 57 (1965), trg 12.
44* Cần đọc để bổ
túc số này: GH 42; LM 16 và DT 5,12. Cũng không thề bỏ qua Thông điệp
"Sacerdotalis Caelibatus" của Ðức Phaolô VI, ngày 24-6-1967. LTCB số
48 lập lại những phương thế bảo đảm: nhận biết đời sống độc thân là một đặc ân
Chúa ban và chấp nhận. Nhờ đời sống tràn đầy lời nguyện và kết hợp vơí Chúa
Kitô và nhờ tình yêu huynh đệ chân thành, họ sẽ tạo được những điều kiện cho
phép họ có thể bảo đảm đời sống đó trong niềm hoan lạc tâm hồn và quyết tâm
trung thành với lễ dâng đã một lần tự hiến.
20 Xem Piô XII,
Tđ Sacra Virinitas, 25-3-1954: AAS 46 (1954), trg 165 tt.
21 Xem T.
Cyprianô, De habitu virginum, 22: PL 4, 475. - T. Ambrosiô,
22 Xem Piô XII,
Tông huấn Menti Nostrae: AAS 42 (1950), trg 663.
23 Xem Piô XII,
Tđ Sacra virginitas, n.v.t. trg 170-174.
45* Vậy họ phải
"biết sử dụng sự tự do tâm lý trong cũng như ngoài, đạt được mức độ trưởng
thành tình cảm cần thiết để có thể chứng minh và sống đời độc thân như một sự
triển nở của nhân cách" (LTCB số 48).
24 Xem Piô XII,
Tông huấn Menti Nostrae, n.v.t. trg 664 và 690 tt.
46* Theo bản văn
này, sự trưởng thành "trọn vẹn hơn" dường như hệ tại "một tình
yêu chân thành, nhân loại, bằng hữu, cá nhân, và có thể hy sinh theo gương Chúa
Kitô, đối với tất cả mọi người và từng người. Trái lại phải tránh những liên lạc
"quá lố và kéo dài đối với mọi người khác phái". Sau cùng cần phải dựa
trên sự hộ giúp của Chúa và thực tập việc hãm mình, bảo vệ giác quan.
47* Sự trưởng
thành cần thiết hướng tới một nhân cách hoàn toàn.
25 Xem Phaolô
VI, Tông thư Summi Dei verbum, 4-11-1963: AAS 55 (1963), trg 991.
48* Ðối với những
đức tính tự nhiên nhằm chuẩn bị vị tông đồ tương lai. LTCB còn thêm: luyện tập
cách ý thức và cần mẫn một đức công bình, một đức tin thiện hảo và giữa những đổi
thay biết thận trọng hòa hợp với đức ái, tinh thần phục vụ huynh đệ, nhiệt
thành sống động, khả năng cộng tác với người khác... Ðể mang Phúc Âm cho hết mọi
người, họ phải tạo được khả năng giao tiếp với hết mọi người trong mọi hoàn cảnh
(x. LTCB số 51).
26 Xem Piô XII,
Tông huấn Menti Nostrae, n.v.t. trg 686.
49* Từ những đòi
hỏi thiêng liêng của những hoạt động trong đời sống linh mục. LTCB số 54 phác họa
một mẫu sống cá nhân mà các linh mục tương lai phải sống ngay khi còn ở Chủng
Viện. Ðây những nét chính: sống thân mật và cần mẫn với Chúa, tôn kính Lời
Chúa, thích tiếp xúc với Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể và tìm thấy
nơi đó nguồn vui; sốt sắng yêu mến Giáo Hội và Ðấng Ðồng Công Cứu Thế; nhiệt
thành tìm hiểu các Giáo Phụ và các Thánh; tập quen thành thực tự vấn lương tâm
và nhận thức các lý do thúc đẩy.
50* Công Ðồng đổi
mới ở chỗ này khi đề ra bốn phương cách khác nhau giúp cho sự trưởng thành
thiêng liêng và ơn kêu gọi: thời kỳ chuẩn bị gắt gao, thực tập mục vụ, hạng tuổi
cao hơn để lãnh chức và thực thi chức vụ phó tế. Theo lược đồ C (số 17), thời kỳ
chuẩn bị gắt gao nhằm huấn luyện thiêng liêng có thể thực hiện hoặc trước khi
vào thần học, hoặc ngay trước khi lãnh chức. Nơi nào triết học và thần học cùng
dạy chung tại một chủng viện, tốt nhất là nên ấn định thời kỳ này vào lúc bắt đầu
học triết. LTCB (số 42a) đề nghị như vậy và nhận định rằng nó có thể trùng hợp
với những bài học dẫn vào mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Cứu Chuộc, như số 14
của Sắc Lệnh ấn định: một thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện cá nhân,
tăng gấp việc đào sâu thần học và Thánh Kinh về những nền tảng đời sống thiêng
liêng, cũng như việc học tập và dấn thân ý thức hơn, chọn lựa ơn kêu gọi cách hữu
lý hơn.
51* Cho tới nay
để lãnh các chức Thánh, Giáo luật đòi hỏi phải có số tuổi 21, 22 và 24 chẵn (kh
975). Các tâm lý gia đồng ý nhận định rằng trong thế giới ngày nay, sự trưởng
thành tâm lý rõ ràng chậm hơn sự trưởng thành thể lý và lý trí; hầu như khắp
nơi người ta thấy cần phải hoãn các chức lại vào lứa tuổi lớn hơn. Các Giám Mục
hữu trách các chủng viện sẽ theo các điều kiện địa phương mà xác định số tuổi tối
thiểu. Người ta còn thấy rằng chính các thanh thiếu niên cũng cảm thấy chưa đủ
chín mùi để dấn thân hoàn toàn và thường xin hoãn việc chịu chức.
52* Việc thi
hành chức vụ phó tế không bắt buộc nhưng chỉ là yêu cầu (M 84/5 và 4). Theo
thuyết trình viên của ủy ban việc thi hành có bốn lợi điểm sau đây: chuyển tiếp
thích hợp tới chức vụ linh mục dưới sự hướng dẫn của một linh mục được chọn lựa
kỹ lưỡng; ơn gọi được chín mùi và tăng triển; khi trở về chủng viện biết lợi dụng
các môn học cách thích đáng hơn và biết bổ túc việc huấn luyện mục vụ; khả năng
của ứng viên được nhận biết rõ ràng hơn.
53* Sắc Lệnh định
rõ những kiến thức cần thiết trước khi theo học những môn học kinh viện; trau dồi
văn chương và khoa học của quốc gia. Nhưng Công Ðồng không nói về bằng cấp quốc
gia vì tại một vài nước, chương trình quốc gia khó dung hòa với sự đào tạo Kitô
giáo hoàn toàn cho các ứng viên muốn tới chức linh mục. Một đề nghị tu chỉnh (M
33; 84-85/1) đã nói: "Một vài chính phủ đòi hỏi những điều không chính
đáng". LTCB số 65 muốn "họ phải được đào luyện cho xứng với tước hiệu".
27 Xem Phaolô
VI, Tông thư Summi Dei Verbum, n.v.t. trg 993.
54* Ðây là một lời
khẩn khoản dầu không bắt buộc mọi người, 66 Nghị Phụ đã yêu cầu phải bắt buộc
biết tiếng Hy Lạp; nhưng Công Ðồng chỉ khuyên nhủ, vì các hoàn cảnh khác nhau
trong toàn Giáo Hội (xem LTCB số 80).
Sau khi nói về
các ngôn ngữ cần thiết, LTCB (số 67) đã thêm một đoạn về việc khai tâm đối với
các phương tiện truyền thông xã hội (xem TT số 67 và 16).
28 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 7 và 28: AAS 57 (1965), trg
9-11; 33.
55* LTCB nói lớp
nhập môn này "có mục đích rút ra ý nghĩa chiều hướng và mục đích của những
môn học kinh viện ngoài ra nó còn phải giúp bảo đảm những nền tảng của đức tin,
giúp hiểu sâu xa hơn rằng ơn thiên triệu linh mục phải được gìn giữ bằng một
hành động có suy xét hơn" (LTCB số 62). Chỉ có một Nghị Phụ không đồng ý về
sự cần thiết của lớp nhập môn này.
56* Xem LTCB số
71. Khi giới thiệu "di sản triết học ngàn đời", Ủy Ban đã muốn ta phải
hiểu là các nguyên tắc của Thánh Tôma (xem Laplante, sd 153-156).
29 Xem Piô XII,
Tđ Humani Generis, 12-8-1950: AAS 42 (1950), trg 571-575.
57* Công Ðồng
không hề quên khía cạnh mục vụ đã là khởi hứng và là mục đích của tất cả việc
đào tạo linh mục. Cũng thế, bản văn thường nhắc đến nỗi lo lắng chuẩn bị cho họ
đối thoại với những người đồng hương và đương thời; xem LTCB số 64; đối với các
xứ truyền giáo; xem TG 16, 4.
30 Xem Phaolô
VI, Tđ Eccleiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964) trg 637 tt.
58* Ðoạn này được
thêm vào lược đồ G, theo nhiều đề nghị tu chỉnh.
59* Những từ ngữ
đã được lựa chọn "tìm kiếm, khảo sát, minh chứng" nói lên bổn phận phải
trau dồi chính xác, từ bỏ cái mơ hồ, nghiêm chỉnh với các lý chứng, trong công
việc tìm kiếm và chuyển thông tư tưởng. Cần xem thêm LTCB, ghi chú 150 cho số
71 về sự quan trọng của các môn triết học.
60* Theo Giáo Luật
(kh 1365, 2), LTCB lập lại rằng thần học phải kéo dài ít nhất là 4 năm (LTCB số
60 và 76).
Số này dài nhất
trong Sắc Lệnh và đặc sắc nhất, đã được tất cả các Nghị Phụ đồng ý.
61* Ở đây đưa ra
những hướng dẫn tổng quát về việc khảo cứu thần học: "trong ánh sáng đức
tin". "Tất cả cuộc khảo cứu thần học, dầu theo ngữ học, triết học hay
sử học, đều phải phát khởi từ ánh sáng nội tâm của đức tin". (Ðề nghị tu
chỉnh 96/1). - "Dưới sự hướng dẫn của Giáo Quyền". Ðức Piô XII trong
Tđ Humani genesis: "các nhà thần học phải tùy thuộc Giáo Quyền trong vấn đề
về đức tin, phong hóa, luật trực tiếp hay phổ quát về chân lý, vì Chúa Kitô
Chúa chúng ta đã ủy thác cho Giáo Quyền toàn bộ kho tàng đức tin". Ghi chú
31 của Sắc Lệnh lấy lại Hiến chế tín lý về Giáo Hội số 25 nơi đòi phải có sự
"qui thuận tôn giáo trong cả ý chí lẫn lý trí đối với Quyền Giáo Huấn
chính đáng của Ðức Thánh Cha, cả khi ngài không tuyên bố long trọng "ex
cathedra". Ta còn có thể kể thêm đoạn văn của Hiến chế tín lý về Mạc Khải
sô 10: "Nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa, thành văn hay truyền tụng,
chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội mà uy quyền hành sự
nhân danh Chúa Giêsu Kitô".
31 Xem Piô XII,
Tđ Humani Genesis, 128-1950: AAS 42 (1950), trg 567-569. Diễn văn Si Diligis,
31-5-1954: AAS 46 (1954), trg 314 tt. - Phaolô VI, diễn văn đọc tại Ðại Học
Gregoriô, 12-3-1964: AAS 56 (1964), trg 364. - CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về
Giáo Hội Lumen Gentium, số 25: AAS 57 (1965), trg 29-31.
32 Xem T.
Bonaventura, Itinerarium mentis in Deum, Prol số 4: "Ước gì đừng ai tự phụ
rằng mình chỉ cần đọc qua mà không cần thấm nhiễm, chỉ cần thuyết lý mà không cần
sùng kính, chỉ cần khảo cứu mà không cần khâm phục, chỉ cần chú tâm mà không cần
hoan lạc, chỉ cần khéo léo mà không cần đạo hạnh, chỉ cần kiến thức mà không cần
yêu đương, chỉ cần hiểu biết mà không cần khiêm tốn, chỉ cần chuyên chăm mà
không cần ơn Thánh, chỉ cần ánh sáng mà không cần đức khôn ngoan thần
linh" (S. Bonaventura, Opera Omnia, V. Quaracchi 1891, trg 296).
62* Có thể xem
thêm Truhlar (Việc dạy thần học trogn đời sống thiêng liêng), trong Seminarium
1968, số 4.
63* Xem những
khai triển về vai trò của các giáo sư thần học trong LTCB số 86-89.
64* Sắc Lệnh đặt
Thánh Kinh vào tâm điểm thần học và cách nói "như hồn của toàn thể khoa thần
học" đã được xử dụng trong Hiấn chế tín lý về Mạc Khải, số 24. Các nói đó
đã được Ðức Lêô XIII dùng trong thông điệp Providentissimus Deus, 1893, về những
môn học Thánh Kinh.
33 Xem Leô XIII,
Tđ Providentissimus Deus, 18-11-1893: AAS 26 (1893-1894), trg 283.
34 Xem Ủy ban
giáo hoàng về Thánh Kinh, Instructio de Sacra Scriptura recte docenda,
13-5-1950: AAS 42 (1950), trg 502.
35 Xem Piô XII,
Tđ Humani generis, 12-8-1950: AAS 42 (1950) trg 568 tt: "Nhờ khảo cứu các
nguồn gốc mà khoa thần học luôn trẻ trung, trong khi đó, sự thuyết lý không chịu
đào sâu vào kho tàng Mạc Khải chỉ là sự thuyết lý khô cằn, như kinh nghiệm đã
minh chứng".
36 Xem Piô XII,
bài giảng cho các chủng sinh, 24-6-1939: AAS 31 (1939), trg 247: "Khuyến
khích học thuyết của Thánh Tôma không có nghĩa là bóp nghẹt, nhưng là thúc đẩy
và vững vàng hướng dẫn những cuộc thi đua khảo cứu và quảng bá chân lý".
Phaolô VI, Diễn văn đọc tại Ðại Học Gregoriô, 12-3-1964: AAS 56 (1964), trg
365. "Các Giáo sư sẽ kính cẩn lưu tâm đến học thuyết của các Ðấng Tiến Sĩ
trong Giáo Hội, và đặc biệt là Thánh Tôma Aquinô. Quả thật, nơi vị Tiến Sĩ
Thiên Thần này, có một trí năng sâu sắc, một lòng yêu chân lý trung thực, một sự
khôn ngoan phi thường khi đào sâu, tổng hợp và trình bày những chân lý cao sâu
nhất, đến nỗi học thuyết của ngài đã thành khí cụ hiệu nghiệm nhất, không những
để xây nền vững chắc cho đức tin mà còn để thu lượm một cách chắc chắn và hiệu
nghiệm những kết quả của một bước tiến lành mạnh"; xem diễn văn đọc trước
Ðại Hội Quốc Tế kỳ VI của học thuyết Tôma, 10-9-1965: AAS 57 (1965), trg
788-792.
65* Vấn đề này
đã được tranh luận như sau: 161 Nghị Phụ muốn dùng từ ngữ "như mẫu mực";
31 Nghị Phụ đề nghị: "và của các tôn sư khác", hay "nhất là
Thánh Tôma"; 46 Nghị Phụ muốn nói tổng quát: "các thánh tiến sĩ".
Nhưng có 459 Nghị Phụ muốn bảo vệ bản văn của lược đồ nên ủy ban đã để nguyên
như lược đồ F: "với thánh Tôma là một tôn sư"; 1,500 Nghị Phụ khác mặc
nhiên chấp thuận. (xem 1189, đề nghị tu chỉnh 11, 12, 13, 14).
37 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrasanctum Concilium số 7 và 16: AAS 56
(1964), trg 100 tt và 104 tt.
38 Xem Phaolô
VI, Tđ Ecclesiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 640 tt.
66* Cả đoạn này
hoàn toàn mới mẻ: các lược đồ từ A tới F không có. Xem vài ghi nhận trong LTCB
số 79.
67* Giáo sử cần
trình bày sự phát triển của giáo thuyết, những điều kiện xã hội, sự cộng tác kỳ
diệu giữa hành động thần linh và hoạt động con người để những người thụ huấn có
được "một cảm giác chân thực của Giáo Hội và của Truyền Thống". Ngoài
ra còn phải chú ý tới lịch sử của mỗi miền (xem LTCB số 79).
68* Môn phụng vụ
phải được coi như "một trong những môn học chính" (môn quan trọng
trong các Ðại chủng viện và chính yếu trong các phân khoa thần học). Phụng vụ
phải được dạy dưới khía cạnh thần học, lịch sử, thiêng liêng và mục vụ (xem
LTCB số 79).
39 CÐ Vat II, Hiến
chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrasanctum Concilium, số 10, 14, 15, 16. Thánh bộ Nghi
lễ Instructio ad exsecutionem Constitutionis de Sacra Liturgia recte
ordinandam, 26-9-1964, số 11 và 12: AAS 56 (1964), trg 879 tt.
69* Niềm lo âu
tìm về hiệp nhất này như một dấu chỉ thời đại, sẽ giúp tìm thấy nhiều lợi ích
qua việc học hỏi những nguyên tắc hướng dẫn việc hiệp nhất (Spiritus Dominus,
do Văn Ph2ng Thư Ký về Hiệp Nhất xuất bản ngày 16-4-1970: trích dẫn Doc. Cath.
18-6-67 và 7-6-70), nhất là phần thứ hai; xem thêm những Sắc Lệnh về Giáo Hội
Công Giáo Ðông Phương và về Hiệp Nhất với các chú thích.
Tiếng "các
Giáo Hội" có ý chỉ Giáo Hội Chính Thống, Hy Lạp, Anh Giáo v.v... và tiếng
"các Cộng Ðoàn Giáo Hội" (do Ðức Hồng Y Koening đề ra) chỉ các Giáo Hội
nhỏ. Sắc Lệnh về hoạt động Truyền Giáo nhấn mạnh đặc biệt tới tinh thần cộng
đoàn này trong các xứ truyền giáo: số 15, 5.
40 CÐ Vat II,
Săc Lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, số 1, 9, 10: AAS 57 (1965), trg
90 và 98 tt.
70* Ðoạn này đặc
biệt quan trọng đối với linh mục tương lai trong những miền đa số không phải là
Kitô hữu. Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo cũng nhấn mạnh tới điểm đó: "Họ
phải được chuẩn bị để thích hợp cho cuộc đối thoại huynh đệ với những người
ngoài Kitô giáo" (TG số 16 và NK).
71* LTCB số
90-93 thêm những lời khuyên thực tế: đừng vội tăng thêm những môn học mới,
nhưng nên đưa vào những vấn đề mới trong giáo huấn cổ truyền: đó không phải là
nhiều khoa nhưng chỉ một khoa là khoa đức tin và Phúc Âm.
72* Ðoạn này xuất
hiện lần đầu trong lược đồ E, vào tháng 4 năm 1965 và đã được nhuận chính nhiều
lần. Vấn đề liên hệ nhiều tới các xứ truyền giáo. Lần can thiệp đầu tiên là do
Ðức Cha Sani người Nam Dương. Nhiều vấn đề tiềm ẩn trong số này: một nhu cầu thực
tế cho nhiều giáo phận là phải chuẩn bị các linh mục cho những trách vụ cao
hơn, và các Giám Mục có nhiệm vụ phải chọn lựa. Cũng phải đọc thêm số 16, 4 và
7 của Sắc Lệnh TG. Xem thêm những yêu cầu của LTCB số 83-84.
73* Lược đồ tiên
khởi do Ðức Cha Carraro dọn đã được nghiên cứu lâu dài và được sửa đổi. Sau khi
đề cập tới việc đào tạo về các nhiệm vụ khác nhau, lược đồ đã nhấn mạnh tới việc
đào tạo tinh thần đối thoại, hợp lực với giáo dân trong các hoạt động thực tế
nhắm việc tông đồ. Một ghi chú dài của LTCB (196) nhấn mạnh đến việc đào tạo
tinh thần mục vụ này nơi các linh mục tương lai. Ðiều này trước hết giả thiết
những tiếp xúc thích hợp giữa chủng viện và xã hội: học viện không phải là một
thế giới đóng kín chỉ biết cách trừu tượng về điều kiện chân thực của con người
và sự việc, nhưng cũng không phải là một thế giới cởi mở đến nỗi đón nhận mọi
kinh nghiệm.
41 Có thể tách lấy
để xây đắp hình ảnh một chủ chăn khuôn mẫu nhờ những tài liệu của các Ðức Giáo
Hoàng mới đây. Ðó là những tài liệu bàn về đời sống các đức tính và công cuộc
đào tạo các Linh Mục, đặc biệt là các tài liệu của:
- T. Piô X, Tông
huấn cho hàng Giáo sĩ Hacrent Animo: S. Pio X Acta IV, trg 237 tt.
- Piô XI, TÐ Ad
Catholici Sacerdotii: AAS 28 (1936), trg 5 tt. - Piô XII, Tông huấn Menti
Nostrae: AAS 42 (1950), trg 657 tt. - Gioan XXIII, Tđ Sacerdotii Nostri
Primordia: AAS 51 (1959), trg 545 tt. - Phaolô VI, Tông thư Summi Dei Verbum:
AAS 55 (1963), trg 979 tt. Những ý tưởng về đào tạo Linh Mục còn thấy rải rác
trong các thông điệp: Mystici Corporis Sanctae Diciplina (1955). Princeps
pastorum (1959) và Tông hiến cho các tu sĩ Sedes Sapientiae (1956).
Ðức Piô XII,
Gioan XXIII và Phaolô VI đã nhiều lần phác họa hình ảnh của vị chủ chăn tốt
lành trong các diễn từ dành cho chủng sinh và linh mục.
74* Về vấn đề
quan trọng này, hãy xem những nhắc nhở của Công Ðồng MK 24; PV 24, 35, 52, 109;
LM 4; GH 25; GM 12.
75* Ở đây hiểu
ngầm sự đào tạo về thánh nghệ và thánh nhạc (M 114/4) theo những chỉ dẫn của Hiến
Chế về Phụng Vụ Thánh (PV 115, 129). Một đề nghị tu chỉnh có 10 Nghị Phụ ký tên
đòi hỏi rằng Phụng Vụ phải là "chủ yếu đời sống, làm sống động mọi công cuộc
huấn luyện ở chủng viện" (M 114/4c).
76* Ðiểm này được
thêm vào lược đồ F, tháng 10 năm 1964, theo lời yêu cầu của nhiều Nghị Phụ.
77* Nghệ thuật
phức tạp này đòi hỏi phải có một căn bản thần học vững chắc, hiểu biết tường tận
các khoa tâm lý và một số nhận thức thiêng liêng đã được luyện tập. Sắc lệnh
nói về sự hướng dẫn để đào tạo mọi con cái Giáo Hội để nâng đỡ mọi người đến một
đời sống ý thức, tươi sáng, đủ quảng đại hiến mình vào việc tông đồ (xem GH số
38), và giúp mỗi tín hữu chu toàn những nhiệm vụ thuộc bậc sống để mưu ích cho
mọi người. Sự hướng dẫn này cần thiết để giúp các thiếu niên định hướng tương
lai của họ. LTCB còn nói thêm về sự chuẩn bị của các linh mục "trong những
liên lạc đứng đắn và lành mạnh đối với phụ nữ".
78* Thường các
tu sĩ nam nữ than phiền là không tìm thấy một linh mục có thể giúp đỡ đúng mức
đời sống thiêng liêng của họ. Vì thế Công Ðồng đòi hỏi các linh mục tương lai
phải biết rõ về sự quan trọng và những đòi hỏi cuộc đời tu dòng (ghi chú 42).
42 Về giá trị của
bậc sống khấn giữ những lời khuyên Phúc Âm, xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về
Giáo Hội Lumen Gentium, ch VI: AAS 57 (1965), trg 49-53; Sắc Lệnh về việc canh
tân thích nghi đời sống Dòng Tu Perfectae Caritatis.
79* Ðây là lần
thứ nhì Sắc Lệnh này công khai lập lại nhu cầu phải huấn luyện để đối thoại
(xem số 15). Ðoạn này được thêm vào vì nhiều can thiệp của các Nghị Phụ (vd. Ðức
Hồng Y Doepfner và Léger, ÐGM Savage v.v...). Cũng cần lập lại ở đây thái độ
căn bản của đối thoại: biết nghe người khác; đó là điều kiện cần thiết để hiểu
người khác. 61 Nghị Phụ đã đòi hỏi như vậy cho số 6 (M 63-8), và 18 Nghị Phụ đã
đòi hỏi các giáo hữu phải như vậy (M 117-2).
Chính trong viễn
tượng này mà Công Ðồng yêu cầu phải học các khoa tâm lý, sư phạm và xã hội để
hiểu biết con người và hoàn cảnh hơn: xem số 20.
43 Xem Phaolô
VI, Tđ Ecclesiam Suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), nhất là trg 635 tt và 640 tt.
44 Nhất là xem
Gioan XXIII, Tđ Mater Magistra, 15-3-1961: AAS 53 (1961), trg 401 tt.
80* Sự góp phần
của các khoa học nhân văn có thể giúp đỡ nhiều cho việc thích ứng mục vụ với
nhu cầu ngày nay và canh tân các phương pháp.
81* Công Ðồng đã
nhấn mạnh nhiều về các liên hệ giữa giáo dân và linh mục; vd GH 33, 37; TÐ 28,
32; ÐT 8, 16; LM 14; TG 21; MV 44... Vì là "người cổ võ giáo dân",
"người giáo huấn giáo dân", linh mục pah3i tập cộng tác rộng rãi với
họ.
45 Ðặc biệt xem
CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 33: AAS 57 (1965), trg
39.
82* Tinh thần
truyền giáo cởi mở này đã nhuần thấm Công Ðồng; vd GH 17; TG nhất là số 16,
36-39; LM 10. Chính Sắc Lệnh này cũng nhấn mạnh rằng phải dạy cho chủng sinh biết
nhu cầu của toàn thể Giáo Hội, những vấn đề trầm trọng đang đè nặng trên từng
phần của Giáo Hội, những bước tiến trong việc Phúc Âm hóa thế giới...
46 Xem n.v.t. số
17: AAS 57 (1965), trg 20 tt.
83* Bản văn gọi
việc tông đồ là một nghệ thuật. Nghệ thuật bao gồm hiểu biết và thực hành. Nhận
xét đó rất có giá trị. LTCB nhắc lại rằng phải thể hiện việc tông đồ "suốt
kỳ học tập, trong năm cũng như kỷ nghỉ" (LTCB số 97).
47 Nhiều văn kiện
của các Ðức Giáo Hoàng nêu rõ nguy cơ xao lãng mục đích siêu nhiên trong hoạt động
mục vụ hoặc thực tế coi rẻ việc trợ giúp siêu nhiên, đặc biệt xem những văn kiện
ghi trong chú thích 41.
84* Ðược dự liệu
từ lược đồ B, chất liệu trong chương này đã được rút gọn nhưng vẫn giữ được tất
cả những gì là ca7n bản về sự chuyển tiếp giữa đời sống ở chủng viện sang cuộc
sống thi hành chức vụ đầy khó khăn.
48 Nhiều văn kiện
mới đây của Tòa Thánh thiết tha yêu cầu đặc biệt săn sóc các linh mục mới chịu
chức. Có thể kể những văn kiện chính: Piô XII, Tự Sắc Quadoquidem, 2-4-1949:
AAS 41 (1949), trg 165-167; Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950);
Tông hiến cho tu sĩ Sedes Sapientiae, 31-5-1956 và quy chế tổng quát đính kèm;
Diễn văn cho các Linh mục "Convictus Barcionensis", 14-6-1957:
Discorsi e Radiomessagi, XIX, trg 271-273. - Phaolô VI, Diễn văn đọc trước các
Linh Mục học viện "Gian Matteo Giberti", giáo phận Verona, 11-3-1964:
L'Osservatore Romano, 13-3-1964.
85* Lo lắng tổ
chức chương trình và phương thế đào tạo sau khi rời chủng viện không những là
trách nhiệm của mỗi Giám Mục riêng rẽ, nhưng cũng là của cả Hội Ðồng Giám Mục,
và theo bản đề nghị tu chỉnh 1 (M 120) trách nhiệm này có nghĩa bắt buộc.
86* Xem những chỉ
dẫn của LTCB số 101.
87* Phải xem lại
thư của Thánh Bộ phụ trách hàng giáo sĩ biên soạn sau bản điều tra gửi cho các
Hội Ðồng Giám Mục, hỏi về việc đào luyện thường xuyên cho hàng giáo sĩ ngày 4
tháng 11 năm 1969 (xem Doc. cath. 1-3-70) trong đó sau những cân nhắc tổng quát
quan trọng Thánh Bộ đã đề ra những phương thế cụ thể để đào luyện thường xuyên
hàng giáo sĩ như: năm mục vụ, khảo hạch từng ba năm một, những nhóm họp tìm
hoàn thiện, những nhóm họp nghiên cứu, đại hội linh mục, tổ chức thư viện, nghỉ
ngơi để học tập v.v... xem thêm TG số 20, 5).
88* Các lược đồ
B, C và D kết thúc bằng một lời hứa Thiên Chúa trả công cho những người đào tạo
hàng gaío sĩ. Lời kết luận chúng ta có đây là theo lời yêu cầu của một Nghị Phụ
duy nhất về "vài lời nói hoàn toàn mục vụ với các chủng sinh hiện tại và
tương lai" (M 121/6). Ðây là một việc làm tốt đẹp nói lên niềm tin tưởng của
Giáo Hội nơi các vị hữu trách lo đào tạo linh mục và nơi các chủng sinh, và sau
cũng là lời khuyên đem thực hành Sắc Lệnh.
Văn kiện này sẽ ảnh
hưởng lớn lao đến việc canh tân Giáo Hội, chính vì tin tưởng vào các linh mục
hôm nay và ngày mai, nên Giáo Hội thực hiện việc canh tâm cho toàn thể Giáo Hội.
Xin Chúa cảm ứng cho các bậc thầy và môn sinh để họ ghi tâm những trách vụ nặng
nề trước những gì vừa được ban hành "cho Danh Chúa cả sáng".
Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân - Apostolicam Actuositatem
Lời Giới Thiệu
Ðôi dòng lịch sử
Năm 1960, Ðức
Gioan XXIII thiết lập Ủy Ban Giáo Hoàng về hoạt động tông đồ giáo dân. Và sau
200 lần hội, Ủy Ban đã hoàn tất việc soạn thảo một lược đồ gồm 200 trang.
Ủy Ban gồm tất cả
39 thành phần, trong số có 11 Giám Mục. Bên cạnh Ủy Ban còn có 29 vị cố vấn, mà
14 vị cũng là Giám Mục. Ngoài ra, các đại diện của 26 quốc gia và của nhiều tổ
chức quốc tế cũng đến tham dự.
Ngay từ ban đầu,
Hồng Y Cento, chủ tịch Ủy Ban, đã đề nghị mời giáo dân tham dự, ít nhất với tư
cách cố vấn. Trong kỳ họp đầu tiên, Ðức Gioan XXIII đã chính thức mời Jean
Guitton tham dự Công Ðồng với tư cách là dự thính viên giáo dân.
Rồi trong những
phiên họp khoáng đại về sau, Ðức Phaolô VI cũng đã đề cử nhiều dự thính viên
giáo dân khác, nam giới vào năm 1963 và cả nữ giới vào năm 1964 tham dự. Như vậy
Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã được thành phần giáo dân cộng tác hoàn thành.
Trong suốt thời
gian tranh luận, bản văn được sửa đổi và soạn thảo lại nhiều lần. Ban đầu lược
đồ đề cập hết sức bao quát về vai trò của người giáo dân trên thế giới và trong
Giáo Hội. Về sau các Nghị Phụ đã cố gắng thu hẹp lại vào một khía cạnh tiêu biểu
nhất: tông đồ giáo dân.
Thực ra lược đồ
đã được đem bàn cãi từ những phiên họp ở năm 1963, và Ủy Ban liên hệ đã phải
rút ngắn lại còn 48 trang, rồi 15 trang ở năm 1964. Vì các Nghị Phụ nhận thấy rằng
lược đồ chưa thỏa mãn đủ cho sự đòi hỏi cần thiết, nên nhiều lần cuộc tranh luận
đã gặp những khó khăn đáng kể. Và như vậy, để được chấp thuận lược đồ đã phải
trải qua những "cơn sốt" trầm trọng.
Ở đây chúng ta cố
gắng đưa ra một vài lý do của những trở ngại đó. Trước hết, chúng ta nhận thấy
rằng "Tông Ðồ Giáo Dân" là một đề mục hoàn toàn mới lạ, chưa có một sắc
lệnh hay một văn kiện nào trước Công Ðồng Vaticanô II đã đề cập tới. Ðàng khác
vấn đề tự bản tính đã là khó khăn, phức tạp; thật vậy, chưa có một quan điểm thần
học căn bản Công Giáo nào nói về những thực tại trần thế cũng như về hành động
của Kitô hữu trong thế giới.
Sau nữa, muốn
tìm một định nghĩa đứng đắn cho "tông đồ giáo dân" thì tự nó không thể
cung cấp đủ nhưng người ta còn phải đi tìm những minh chứng và cảm hứng bên
ngoài và phải đặt nền tảng ở Giáo Hội cũng như nương tựa vào nhân chủng học (x.
René Rémond,Introduction du Décret, Ed. du Centurion).
Tính cách độc
đáo
Ðây là lần đầu
tiên trong lịch sử, một Công Ðồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ
của giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực cho sự xác định lại sứ mệnh của
giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới.
Nhưng điều đó
không có nghĩa là Giáo Hội chưa bao giờ ý thức sự hiện diện mật thiết của giáo
dân trong Giáo Hội. Bởi Giáo Hội được thiết lập vì các tín hữu là con cái mình,
và ngay từ ban đầu thời Giáo Hội sơ khai, giáo dân không những là đối tượng cho
hoạt động của các Tông Ðồ, mà còn là những cộng tác viên đắc lực của các ngài.
Như phần mở đầu của Sắc Lệnh có nhắc đến, những hoạt động tông đồ giáo dân xuất
hiện tự nhiên từ giai đoạn đầu của Giáo Hội và đã đem lại những kết quả phong
phú. Rồi qua dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng có nhiều tu hội và hiệp hội tông
đồ phát sinh do cảm hứng của giáo dân hay do họ điều khiển.
Tuy nhiên, phải
công nhận rằng cho tới Vaticanô II địa vị của người giáo dân vẫn chỉ được xem
như một ngoại lệ do ơn sủng đặc biệt hay riêng tư nào đó; và như vậy sự có mặt
của họ chưa bao giờ được nhìn nhận như một hàng riêng biệt. Hơn nữa, với ý niệm
hầu như hoàn toàn tiêu cực, hình như Giáo Luật đã không quan tâm tới việc đề
cao và công nhận giá trị của người giáo dân.
Ðàng khác, tình
trạng của giáo dân lại luôn lệ thuộc vào hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ. Chúng ta có
thể nói rằng quan niệm thế quyền từ nhiều thế kỷ về đây liên lạc giữa chính quyền
với công dân được đưa ra áp dụng vào trong Giáo Hội khi qui định mối tương quan
giữa Giáo Sĩ và Giáo Dân. Lại nữa trong số các hình ảnh dùng diễn tả bản tính
Giáo Hội, hình như người ta vẫn còn giữ lại hình ảnh có chiều hướng Trung Cổ: mục
tử và đoàn chiên. Quyền bính và trách nhiệm hướng dẫn là việc của các mục tử;
đoàn chiên giáo dân chỉ việc vâng theo những chỉ dẫn của chủ chăn.
Công Ðồng
Vaticanô II đã nỗ lực xét lại hoàn toàn quan niệm tổng quát về sự liên lạc giữa
Giáo Hội và các tín hữu. Công Ðồng xác nhận rằng người giáo dân phải được đánh
giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi
người. Ðây là một thành quả tốt đẹp của Công Ðồng trong việc quan niệm địa vị
người giáo dân trong Giáo Hội.
Sau đó, Công Ðồng
giải quyết một vấn nạn đươc đặt ra từ đầu: đó là việc phân chia hoạt động tông
đồ ra "tông đồ trực tiếp và gián tiếp", hoặc, theo nhiều người, phân
biệt ra "tông đồ chuyên biệt và không chuyên biệt".
Lúc ấy người ta
quan niệm rằng hoạt động tông đồ trực tiếp là tất cả những phương cách truyền
bá Phúc Âm và thánh hóa các Kitô hữu hay những người ngoài Kitô hữu bằng sự
loan báo Chúa Kitô, loan báo Phúc Âm hay bằng chính đời sống.
Hoạt động tông đồ
gián tiếp, trái lại, được cho rằng đó là những hoạt động hệ tại sự bảo đảm và
làm hoàn hảo trần thế, cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và nhờ vậy tạo nên bầu
khí thích hợp cho việc rao giảng Phúc Âm và thánh hóa con người.
Như vậy, theo
các quan niệm nầy, tất cả những hoạt động tông đồ có tính cách xã hội chỉ được
coi như là tông đồ gián tiếp. Rất nhiều Nghị Phụ không đồng ý quan niệm nầy.
Về sau, Ủy Ban
liên hệ bàn cãi lại và quyết định không dùng những từ ngữ phân biệt đó ở trong
Sắc Lệnh.
Những nét chính
Nhìn vào Sắc Lệnh,
chúng ta nhận thấy điều được Sắc Lệnh nhấn mạnh trước hết là xác định lại giáo
lý về tông đồ giáo dân đã trình bày trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hôi: theo đó,
Giáo Hội được thành lập với mục đích đem đến cho mọi người ơn cứu chuộc và cứu
rỗi.
Sau đó, Sắc Lệnh
đề cập tới vấn đề chính là tông đồ giáo dân trong khi vẫn dựa vào những gì đã
trình bày ở Hiến Chế về Giáo Hội. Nhưng điều quan trọng là Sắc Lệnh phân biệt
"chức linh mục thừa tác" và "chức linh mục cộng đồng". Với
"chức linh mục thừa tác", các giám mục và từ đó các linh mục có quyền
thi hành những chức vụ tông đồ "nhân danh Chúa Kitô Thủ Lãnh Hiện
Thân" (x. Sắc Lệnh về Linh Mục) và do đó các ngài trở nên như Mục Tử chăn
dắt. Còn các tín hữu, nhờ "chức linh mục cộng đồng", thi hành những
việc tông đồ riêng biệt của họ trong Giáo Hội. Sắc Lệnh đã nhắc lại nhiều lần rằng
vì giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo
cách thế của họ, cũng phải nắm giữ vai trò riêng do phép Rửa Tội, Thêm Sức và
nhất là do các đặc sủng riêng biệt của họ.
Thứ đến, Sắc Lệnh
nói đến một vấn đề đã gây nên nhiều khó khăn cho việc tông đồ giáo dân: sứ mệnh
của Giáo Hội. Sắc Lệnh xác định rằng sứ mệnh của Giáo Hội vẫn là duy nhất,
nhưng có thể được diễn tả bằng những hình thức tông đồ khác nhau với những
thành quả khác nhau. Như vậy người giáo dân sẽ thi hành việc tông đồ trong các
cộng đồng của Giáo Hội mà họ sống trong gia đình, ở môi trường xã hội, môi trường
giới trẻ, hay trong lãnh vực quốc gia hoặc quốc tế. Bởi đó, việc tông đồ của
người giáo dân cũng có thể đem lại những thành quả phong phú. Nhờ hoạt động
tông đồ, họ sẽ loan báo Phúc Âm cho người khác, hoặc thánh hóa họ. Họ cũng có
thể nhờ hoạt động mà đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần lãnh vực trần thế.
Ðề cập tới việc
thực hiện tông đồ giáo dân, Sắc Lệnh nhắc tới hai phương pháp hoạt động trong
Giáo Hội: tông đồ tập thể và tông đồ cá nhân. Cả hai đều là những cách thế hoạt
động của giáo dân; tuy nhiên, theo Sắc Lệnh, hoạt động tông đồ có tổ chức qui củ
sẽ đáp ứng hữu hiệu hơn cho nhu cầu của con người và của tín hữu. Bởi thế,
phương pháp hoạt động tập thể này cần được phát động và khích lệ nhiều hơn
trong các lãnh vực hoạt động của giáo dân.
Sắc Lệnh đã đặc
biệt lưu ý tới những hội đoàn mới xuất hiện vào quãng mươi năm nay, dưới danh
hiệu Công Giáo Tiến Hành.
Sau hết, Sắc Lệnh
nhấn mạnh tới việc cần thiết huấn luyện cho những hoạt động tông đồ này cũng
như những phương tiện sử dụng.
Chiều hướng nền
tảng
Ðể thấu triệt
hơn ý nghĩa Sắc Lệnh, ở đây chúng ta cố gắng đưa ra một vài tư tưởng chủ điểm
và độc đáo, dựa vào những nét chính vừa nêu trên.
Trước hết, chúng
ta nhận thấy rằng ý tưởng "tham dự vào" trước đã có tiếng vang đáng kể
trong Thông Ðiệp "Pacem in terris", giờ đây được Sắc Lệnh Tông Ðồ
Giáo Dân nhắc lại và nhấn mạnh trong tầm mức ý nghĩa của nó, từ đầu cho đến cuối
bản văn. Thật vậy, trước hết và trên hết, Giáo Hội có sứ mệnh giúp mọi người
tham dự vào ơn cứu độ và giáo dân là thành phần được tham dự vào chức vị tư tế,
ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời tham dự vào sinh hoạt của Giáo
Hội, trong sứ mệnh rao giảng Phúc Âm; cho nên đối tượng của Sắc Lệnh về Tông Ðồ
Giáo Dân là xác định những hình thái và điều kiện cho việc tham dự nầy. Thời
gian mà các tín hữu chỉ đóng vai trò thụ động đã qua rồi. Ngày nay Giáo Hội đặt
niềm tin ở sự can thiệp, ở sáng kiến cũng như nơi sự tuân phục của con cái
mình.
Nguồn gốc sự
tham dự đó phát sinh từ địa vị, hoàn cảnh khác nhau của mỗi người trong thế giới.
Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian; cho nên ơn
gọi của họ là thánh hóa những gì trần tục. Chính ơn gọi này với hoàn cảnh riêng
biệt của mỗi người sẽ định hướng cho đời sống tôn giáo của họ.
Bởi thế, đời sống
đạo đức cá nhân của người giáo dân sẽ nhận được cảm hứng từ đời sống hoạt động
của họ giữa người khác và giữa cuộc đời; như vậy, với những yếu tố của các hoàn
cảnh cụ thể của cuộc sống, của đời vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp và xã hội, họ
sẽ tạo cho mình khoa tu đức hữu hiệu cho bậc sống. Như vậy sự chạm trán với những
vấn đề không ngừng đặt ra do cuộc sống hiện tại và theo sự phán đoán trong tầm
mức Kitô hữu, là cơ hội quí báu cho người giáo dân để kiểm điểm lại cuộc sống.
Ðịnh nghĩa và
quan niệm về ơn gọi của người giáo dân như thế, hàm chứa một cách nào đó, quan
niệm thần học về những thực tại trần thế; quan niệm nầy hòa hợp với quan điểm
được trình bày ở Hiến Chế nầy, trật tự trần thế có giá trị riêng của nó và người
giáo dân sử dụng trật tự đó với trách nhiệm của mình. Thế giới chưa hoàn tất và
khuôn mặt của nó tùy thuộc vào hoạt động tự do và ý thức của con người. Như vậy,
đứng trước thế giới, người giáo dân có sứ mệnh phải kiến tạo, hoàn hảo hóa sao
cho nó trở nên hấp dẫn đối với mọi người và thích hợp với ý định của Thiên
Chúa.
Một chiều hướng
quan trọng khác của Sắc Lệnh là đặc biệt chú tâm tới thực tại cụ thể của thế giới
hiện đại. Bản văn của Sắc Lệnh đã dùng lại ý niệm "dấu chỉ thời đại"
mà Thông Ðiệp "Pacem in Terris" đã sử dụng và xem như là một ý niệm
quan trọng của Thông Ðiệp. Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân đã đề cập nhiều lần tới
tình trạng biến chuyển của thế giới, những điều kiện sống mới mẻ, những đổi
thay bất ngờ, tình trạng tăng gia dân số, sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật.
Những phân tích
nầy không khác mấy với những điều đã trình bày ở "Hiến Chế Mục Vụ về giáo
Hội trong thế giới ngày nay"; nhưng nét đặc biệt của Sắc Lệnh là niềm khát
vọng khám phá ra ngôn ngữ của các dấu chỉ thời đại, là sự coi trọng những thực
tại trần thế, là nỗi băn khoăn tìm cách thích ứng việc tông đồ giáo dân với
hoàn cảnh, nhu cầu và khả năng của thế giới hiện đại.
Trong những đặc
điểm chính của thế giới văn minh có lẽ sự liên đới ngày càng gia tăng giữa các
dân tộc là một đặc điểm quan trọng nhất. Thật vậy, Thánh Công Ðồng đã đặc biệt
chú tâm tới chiều hướng quốc tế đó, và Sắc Lệnh nầy là một trong những bằng chứng
của sự chú tâm trên. Hoạt động tông đồ giáo dân phải nhằm tới viễn ảnh quốc tế
và thực hiện thế nào để giúp cho các dân tộc gần gũi nhau hơn.
Có lẽ sự quan
tâm tới hoạt động tông đồ phổ quát của Sắc Lệnh là một đặc điểm hấp dẫn nhất.
theo đó, mọi giáo dân trên thế giới đều được kêu mời tới công việc ấy, và hoạt
động tông đồ nầy nhằm đến hết mọi người, làm thế nào để người giáo dân có thể đối
thoại với tất cả dù có đức tin hay không.
Như thế, hoạt động
tông đồ giáo dân sẽ lan rộng tới mọi khía cạnh của cuộc đời thực tế, tới bất cứ
bậc sống nào cũng như nhu cầu nào của nhân loại. Ðứng trên phương diện nầy, Sắc
Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã trở nên một trong những thành quả cũng như một
trong những khát vọng chính yếu của Thánh Công Ðồng Vaticanô II.
Sắc Lệnh Về Tông Ðồ Giáo Dân
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa VIII Ngày
18 tháng 11 năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh Về Tông
Ðồ Giáo Dân
Apostolicam
Actuositatem
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu 1*
1. Thánh Công Ðồng muốn
phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa 1,
nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần
thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện
khác 2.
Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao
giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc
tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh
cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Ph 4,3).
Thời đại chúng
ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh
hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng
hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến
triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng
môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ
dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm
học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên
nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi
khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một
sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu
linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó
có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.
Dấu hiệu cho thấy
nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh
Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm
riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội 3.
Trong Sắc Lệnh
này, Công Ðồng nhằm làm sáng tỏ bản chất, đặc tính và những cách thế của việc
tông đồ giáo dân, nêu lên những nguyên tắc căn bản và ban bố những giáo huấn mục
vụ để thi hành việc tông đồ ấy cho hiệu quả hơn. Mọi điều trong Sắc Lệnh này phải
được coi như những tiêu chuẩn cho việc xét lại những khoản giáo luật có liên
quan đến việc tông đồ giáo dân.
Chú Thích:
1* Công Ðồng
trình bày tổng quát những lý do thuộc bình diện lý thuyết và những hoàn cảnh
khiến cho hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết và cấp bách:
- Sự đòi hỏi của
ơn gọi Kitô hữu, như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã minh chứng điều đó.
- Sự phát triển
dân số, tiến bộ khoa học và sự biệt lập của những thực tại trần thế có thể tạo
nguy hiểm cho đời sống Kitô hữu.
- Tình trạng thiếu
thợ tông đồ làm cho việc tông đồ giáo dân trở nên khẩn thiết hơn.
1 Xem Gioan
XXIII, Tông Hiến Humanae Salutis, 25-12-1961: AAS 54 (1962), trg 7-10.
2 Xem CÐ Vat.
II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 33tt: AAS 57 (1965), trg 39tt. - Xem thêm
Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 26-40: AAS 56 (1964), trg 107-111. - Xem Sắc Lệnh
về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội: ASS 56 (1964), trg 145-153. - Xem Sắc Lệnh
về Hiệp Nhất: AAS 57 (1965), trg 90-107. - Xem Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ
của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 16, 17, 18. - Xem Tuyên Ngôn về Giáo Dục
Kitô Giáo, số 3, 5, 7.
3 Xem Piô XII,
Huấn từ ad Cardinales, 18-2-1946: AAS 38 (1946), trg 101-102. - N.t. bài giảng
ad Juvenes Operatos Catholicos, 25-8-1957: AAS 49 (1957), trg 834.
Chương I: Ơn Gọi Làm Tông Ðồ Giáo Dân
2. Giáo dân tham dự vào sứ
mạng của Giáo Hội. Giáo Hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở
trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người
tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi 1,
để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự được qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động
của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Giáo Hội
thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau. Thật ra
ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một
cơ thể sống động, 2*
không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công
việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức Giáo Hội, toàn thân
tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể này gắn bó và liên kết
chặt chẽ với nhau (x. Eph 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức
của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Giáo Hội
cũng như với chính mình.
Trong Giáo Hội
có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao
phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền
Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực
sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần
việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa
trần gian 2.
Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng
Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo
hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực
này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản
chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ
được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc
tông đồ giữa đời như men trong bột.
3. Nền tảng của việc tông
đồ giáo dân. Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với
Chúa Kitô là Ðầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội
sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ
quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả
và dân tộc thánh (x. 1P 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng
liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu. Ðàng khác, đức ái như
là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí
tích nhất là bí tích Thánh Thể 3.
Việc tông đồ được
thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái 3*,
là những nhân đức mà Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn mọi phần tử của Giáo Hội. Lại
nữa, nhờ giới răn tình yêu, giới răn cao thượng nhất của Chúa, mọi tín hữu được
thúc đẩy để tìm vinh danh Thiên Chúa bằng cách làm cho nước Ngài trị đến và mưu
tìm sự sống đời đời cho mọi người để họ nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Ðấng
Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Gio 17,3).
Vì vậy hết mọi
tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu
nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa.
Ðể thể hiện việc
tông đồ này, Chúa Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích. Ngài
cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (x. 1Cor 12,7), "phân phát những
ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài" (1Cor 12,11) để "mỗi người tùy theo
ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau" và chính họ trở nên như những người quản lý
trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10) hầu xây dựng toàn thân
trong đức ái (x. Eph 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dẫu là những
đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn
đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng
Giáo Hội trong tự do của Chúa Thánh Thần, Ðấng "muốn thổi đâu thì thổi"
(Gio 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô,
nhất là với các bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng
đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào
tốt thì giữ lấy (x. 1Th 5,12; 19,21) 4.
4. Ðường lối tu đức của
người giáo dân hướng đến việc tông đồ. Vì Chúa Kitô, Ðấng được Chúa Cha sai đến,
là nguồn mạch nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Giáo Hội, nên hiển nhiên là
kết quả phong phú của việc tông đồ giáo dân tùy thuộc ở sự kết hiệp sống động của
chính họ với Chúa Kitô, Ðấng phán rằng: "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ
ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm gì
được" (Gio 15,5). Ðời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội
được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng
việc tham dự tích cực vào Phụng Vụ 5.
Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ
trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi
đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn
chính khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa. Bằng phương thức này,
những người giáo dân phải hăng hái và vui vẻ tiến bước trên đường thánh thiện,
với sự khôn ngoan và nhẫn nại, họ cố gắng thắng vượt những khó khăn 6.
Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội không được tách rời
khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời Thánh Tông Ðồ: "Hết thảy
công việc anh em làm trong lời nói hay việc làm, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô
mà thực hành, nhờ Người để cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa" (Col 3,17).
Ðời sống như thế
đòi hỏi việc thực hành liên tục đức tin, đức cậy và đức ái 4*.
Chỉ nhờ ánh sáng
đức tin và nhờ suy niệm lời Chúa mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi
nơi và mọi lúc, vì trong Ngài "ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu"
(CvTđ 17,28). Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù
là kẻ thân hay người lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của
sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con
người.
Những người có đức
tin này, trong khi tưởng niệm Thánh Giá và sự Phục Sinh Chúa, họ sống trong niềm
hy vọng mạc khải của con cái Thiên Chúa.
Trong lúc đời sống
lữ hành này, họ được giấu ẩn trong Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô và được giải
thoát khỏi nô lệ của cải trần thế, đang khi họ tìm kiếm của cải tồn tại vĩnh viễn,
với lòng quảng đại họ sẽ hoàn toàn hiến mình để mở rộng nước Thiên Chúa và đem
tinh thần Phúc Âm thấm nhập và cải tạo lãnh vực thực tại trần thế. Giữa những
cơn thử thánh đời này họ tìm thấy sức mạnh trong niềm hy vọng vì họ nghĩ rằng:
"Những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu so với vinh quang sắp tới sẽ
được giải bày cho chúng ta" (Rm 8,18).
Lòng yêu thương
phát xuất từ Thiên Chúa thúc đẩy họ làm việc thiện cho hết mọi người, nhất là
cho những người có cùng một niềm tin (x. Gal 6,10), từ bỏ "mọi gian ác, mọi
lường gạt, giả trá, lòng ghen ghét và mọi lời nói hành" (1P 2,1) và như vậy
họ lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô. Hơn nữa tình yêu của Chúa "giải khắp
lòng ta do Chúa Thánh Thần đã ban cho ta" (Rm 5,5) làm cho giáo dân có sức
biểu lộ thực sự trong đời sống mình tinh thần các mối Phúc Thật. Theo Chúa
Giêsu khó nghèo, họ không tuyệt vọng khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi
dư dật. Bắt chước Chúa Kitô khiêm hạ, họ không háo danh (x. Gal 5,26) nhưng
chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn làm đẹp lòng người ta. Họ luôn sẵn sàng bỏ
mọi sự vì Chúa Kitô (x. Lc 14,26), và chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt
5,10) vì nhớ lời Chúa: "Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá
mình mà theo Ta" (Mt 16,24). Sống với nhau trong tình thân hữu của Chúa
Kitô, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết.
Nguyên lý đời sống
thiêng liêng của mỗi người giáo dân phải mang sắc thái đặc biệt tùy theo bậc sống:
đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, đời sống độc thân hay góa bụa, trong
tình trạng đau yếu, tùy sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội. Vậy mỗi người phải
phát triển không ngừng những đức tính và tài năng ban cho mình, thích ứng với
hoàn cảnh của mỗi đời sống, và biết lợi dụng những ơn huệ Chúa Thánh Thần ban
riêng.
Ngoài ra, giáo
dân theo ơn gọi của mình, gia nhập vào một trong những hiệp hội hay tu hội được
Giáo Hội nhìn nhận, họ cũng cố gắng trung thành thể hiện những đặc tính của đời
sống thiêng liêng đó.
Họ cũng nên kính
trọng nghề nghiệp chuyên môn, ý nghĩa gia đình và ý nghĩa công dân cũng như những
đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự liêm khiết, tinh thần công
bình, lòng thành thực, lòng nhân hậu, lòng quả cảm; không có những đức tính đó,
không thể có đời sống Kitô hữu đích thực.
Gương mẫu hoàn hảo
của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Ðức Trinh Nữ Rất
Thánh Maria, Nữ Vương các Tông Ðồ: khi sống ở trần gian. người đã sống cuộc đời
như mọi người, vất vả lo lắng cho gia đình, nhưng luôn luôn kết hợp mật thiết với
Con mình và đã cộng tác vào công việc của Ðấng Cứu Thế một cách riêng biệt; còn
bây giờ, sau khi đã được đưa lên trời, "với tình yêu thương của người mẹ,
Người săn sóc những đứa em của Con Mẹ, đang trên đường lữ hành, gặp nhiều nguy
hiểm và thử thách, Người lo lắng cho tới khi họ về tới quê hương hạnh
phúc" 7.
Mọi người hãy hết lòng tôn sùng Mẹ và phó thác đời sống và cả việc tông đồ của
mình cho Mẹ coi sóc.
Chú Thích:
1 Xem Piô XI, Tđ
Rerum Ecclesiae: AAS (1926), trg 65.
2* Là nhiệm thể
của Chúa Kitô, Ðấng vừa là Linh Mục, vừa là Vua, vừa là ngôn Sứ. Giáo Hội trở
thành một cộng đồng tư tế, vương giả và ngôn sứ. Trong đó, có chức linh mục cộng
đồng và chức linh mục thừa tác. Chức linh mục thừa tác được dành riêng cho hàng
giáo phẩm và cho các ngài quyền tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô trong
chức thánh.
Gọi là chức linh
mục cộng đồng vì tất cả các tín hữu (giáo dân hay giáo sĩ thuộc hàng giáo phẩm)
đều được tham dự vào nhờ phép Rửa Tội. Sự tham dự này cho mọi tín hữu khả năng
tự mình dâng lên Chúa lễ tế Thánh Thể, nhờ tay linh mục thừa tác cũng như họ có
thể kết hợp với lễ vật hy sinh là Chúa Kitô trong khi rước lễ, và như vậy được
dâng chính mình lên như lễ thiêng liêng cho Thiên Chúa. Các tín hữu cũng tham dự
quyền vương giả của Chúa Kitô nhờ phép Rửa Tội và Thêm Sức. Quyền vương giả cho
họ sức mạnh tinh thần để chế ngự bản tính riêng của họ, bắt nó tùng phục quyền
bính Thiên Chúa để chinh phục mọi người cho Nước Trời và chiếu sáng tinh thần
Phúc Âm trong lãnh vực trần thế.
Sau cùng, các
tín hữu cũng tham dự quyền ngôn sứ. Mọi tín hữu có quyền làm chứng cho Chúa
Kitô bằng lời nói và bằng chính đời sống Kitô hữu.
2 Xem CÐ Vat.
II. Hiến Chế tín lý về Giáo Hội số 31: AAS 57 (1965), trg 37.
3 Xem n.v.t. số
33, trg 39; x. thêm số 10, trg 14.
3* Ðối với giáo
dân, việc tông đồ là bổn phận thiết thực phát sinh do đòi hỏi ơn gọi Kitô hữu.
Bổn phận tông đồ này không tùy thuộc những hoàn cảnh như thiếu linh mục hay
tình trạng xã hội đang mất đạo, mặc dầu những hoàn cảnh đó có thể khiến cho hoạt
động tông đồ giáo dân khẩn thiết hơn.
Ơn gọi làm tông
đồ phát sinh từ bí tích Tửa Tội và Thêm Sức; và do đức ái mà Chúa Thánh Thần đổ
tràn trong tâm hồn, các tín hữu được thúc đẩy giúp mọi người tham dự vào cuộc sống
của Thiên Chúa.
Ðể thực thi việc
tông đồ này, người tín hữu dựa vào ân sủng của các bí tích mà họ đã lãnh nhận
cũng như vào các đoàn sủng ban cho mỗi người, vì mưu ích cho toàn thể Giáo Hội.
Các đoàn sủng có thể là khác thường như ơn nói tiếng lạ hay ơn nói tiên tri, hoặc
thông thường như sự trực giác các chân lý của Chúa hay tài năng khôn ngoan để
hướng dẫn các linh hồn.
4 Xem n.v.t. số
12, trg 16.
5 Xem CÐ Vat.
Vat. II Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh ch I số 11: AAS 56 (1964) trg 102-103.
6 Xem CÐ Vat. II
Hiến Chế tín lý về Giáo Hội số 32: AAS 57 (1965) trg 38: x. thêm số 40-41, trg
45-47.
4* Ở đây, Sắc Lệnh
đã đưa ra những nguyên tắc để huấn luyện đời sống tinh thần và cá nhân của các
giáo dân làm việc tông đồ:
- Hiệp nhất với
Chúa Kitô, nguồn mạch và nguyên nhân việc tông đồ của Giáo Hội; thánh hóa đời sống
gia đình: thánh hóa những lo âu trần thế hay phàm tục. Mọi sự đều có giá trị
riêng của nó và đời sống đạo đức của giáo dân đời họ không được khinh chê những
thứ đó.
- Suy gẫm lời
Chúa và bác ái với tha nhân là những nhân đức sẽ đem lại kết quả phong phú cho
việc tông đồ giáo dân.
- Ngoài những
nhân đức chung nói trên, phải thêm nhưng nhân đức riêng biệt do hoàn cảnh sống
của mỗi người: đời sống vợ chồng gia đình, độc thân hay góa bụa, tình trạng ốm
đau...
7 Xem n.v.t. số
62, trg 63; x. thêm số 65, trg 64-65.
Chương II: Mục Tiêu Phải Ðạt Tới 5*
5. Nhập đề. Công trình cứu
chuộc của Chúa Kitô cốt yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc
canh tân tất cả trật tự trần thế. Do đó sứ mệnh của Giáo Hội không những là đem
Phúc Âm của Chúa Kitô và ân sủng của Người cho nhân loại, mà còn đem tinh thần
Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế. Bởi vậy, trong khi
thi hành sứ mệnh này của Giáo Hội, người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội
cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế.
Hai phạm vi tuy khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được
liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa
Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết.
Trong cả hai phạm vi, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được
hướng dẫn liên tục bằng một lương tâm Kitô giáo duy nhất.
6. Việc Tông đồ nhằm rao
giảng Phúc Âm và thánh hóa. Sứ mệnh của Giáo Hội nhằm cứu độ con người, sự cứu
độ thành đạt được nhờ đức tin vào Chúa Kitô và nhờ ân sủng Người. Vậy việc tông
đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan
báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của
Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời
Chúa và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ
đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên "những
kẻ hợp tác với chân lý" (3 Gio 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ
giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau.
Người giáo dân
có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng
tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức
lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Sự sáng
các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con
mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5,16).
Tuy nhiên việc
tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực
còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ
đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt
sắng hơn "vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2 Cor 5,14) và
trong lòng mọi người phải âm vang lời Thánh Tông Ðồ: "Thật khốn cho tôi nếu
tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16) 1.
Ở thời đại chúng
ta phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều sai lầm trầm trọng đang hoành hành nhằm
khuynh đảo tận gốc tôn giáo, trật tự luân lý và chính xã hội nhân loại, nên
Thánh Công Ðồng này hết lòng khuyên nhủ giáo dân mỗi người tùy tài năng và vốn
liếng giáo lý, phải theo tinh thần của Giáo Hội mà ân cần chu toàn phận vụ của
mình trong việc làm sáng tỏ, bảo vệ các nguyên tắc Kitô giáo và áp dụng đúng đắn
những nguyên tắc đó vào những vấn đề của thời đại này.
7. Canh tân trật tự trần
thế theo tinh thần Kitô giáo. Hẳn thật ý định Thiên Chúa về thế giới là loài
người đồng tâm canh tân và liên tục làm cho trật tự trần thế thêm tốt đẹp.
Tất cả những gì
tạo nên trật tự trần thế như giá trị của cuộc sống và của gia đình, văn hóa,
kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng chính trị, bang giao quốc
tế, và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ của
chúng, tất cả những thực tại đó, hoặc xét ngay trong chính bản tính của chúng,
hoặc xét chúng như thành phần của toàn thể trật tự trần thế, chẳng những chúng
là phương thế giúp con người đạt tới mục đích tối hậu, mà chúng còn có giá trị
riêng do Thiên Chúa phú bẩm: "Vì Thiên Chúa nhìn thấy vạn vật Ngài đã tạo
thành thảy đều rất tốt đẹp" (Stk 1,31). Sự thiện hảo tự nhiên ấy của vạn vật
còn có thêm một giá trị đặc biệt do sự liên lạc của chúng với con người, vì
chúng được tạo dưng để phục vụ con người. Sau cùng, Thiên Chúa đã vui lòng qui
tụ mọi loài, tự nhiên cũng như siêu nhiên, nên một trong Chúa Giêsu Kitô
"để Người được nắm quyền tối cao trên hết thảy" (Col 1,18). Nhưng sự
đặt định này chẳng những không làm cho trật tự trần thế mất sự tự lập, mất cứu
cánh riêng cũng như các định luật và những phương tiện riêng, hay mất tầm quan
trọng đối với ích lợi của con người, mà trái lại còn làm cho sức mạnh và giá trị
riêng của trật tự đó thêm hoàn hảo, đồng thời nâng cao cho hợp với thiên chức
toàn vẹn của con người trên trái đất.
Qua dòng lịch sử,
việc sử dụng những sự vật trần thế mắc phải những sai lạc trầm trọng, bởi vì
loài người đã bị nhiễm tội nguyên tổ, thường sa vào nhiều lầm lẫn về Thiên Chúa
đích thực, về bản tính con người và về những nguyên tắc của luật luân lý: do
đó, phong hóa và những định chế của loài người bị hư hỏng, và chính nhân vị đôi
khi cũng bị chà đạp. Ngày nay cũng vậy, nhiều người vì quá tin tưởng vào tiến bộ
khoa học và kỹ thuật, nên dường như muốn tôn thờ sự vật trần thế, đến nỗi trở
thành nô lệ sự vật hơn là làm chủ chúng.
Công cuộc hoạt động
của toàn thể Giáo Hội là phải làm cho con người có khả năng xây dựng đúng đắn
toàn thể trật tự sự vật trần thế và qui hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa
Kitô. Các vị chủ chăn có nhiệm vụ trình bày rõ ràng các nguyên tắc về mục đích
việc tạo dựng và việc xử dụng sự vật trần thế được canh tân trong Chúa Kitô. 6*
Còn giáo dân phải
đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ
đó, nhờ được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu tinh thần của Giáo Hội hướng dẫn, và
bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động. Với tư
cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm để
cộng tác với các công dân khác. Họ phải tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi
nơi và trong mọi sự. Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để vẫn tôn trọng
toàn vẹn các định luật riêng của nó mà vẫn làm cho trật tự đó phù hợp với các
nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo, cùng thích nghi với các hoàn cảnh
khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc. Trong những công cuộc
của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu.
Thánh Công Ðồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vực
văn hóa 2.
8. Công cuộc bác ái dấu hiệu
của việc tông đồ. Mọi hoạt động tông đồ phải bắt nguồn và lấy sức mạnh từ đức
ái 7*.
Nhưng một vài công việc tự bản chất của chúng có thể biểu lộ tình yêu cách sống
động. Chúa Kitô đã muốn những việc đó là dấu chỉ của sứ mệnh cứu độ (x. Mt
11,4-5).
Giới răn quan trọng
nhất trong lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn và yêu tha nhân như chính
mình (x. Mt 22,37-40). Thật vậy, Chúa Kitô đã làm cho giới răn bác ái đối với
tha nhân thành một giới răn riêng của Người và mặc cho nó một ý nghĩa mới phong
phú hơn, khi Người muốn đồng hóa mình với anh em như chính đối tượng của bác
ái, Người nói: "Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những
người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy" (Mt
25,40). Bởi vì khi nhận lấy bản tính nhân loại chính Người đã nối kết toàn thể
nhân loại với Người thành một gia đình bằng một tình liên đới siêu nhiên, và
Người đã dùng đức ái làm dấu chỉ của các môn đệ Người, khi Người nói: "Nếu
các con yêu thương nhau, thiên hạ cứ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy"
(Gio 13,35).
Trong thời sơ
khai, Giáo Hội thánh đặt bữa ăn thân tình "agapê" đi liền với bữa tiệc
Thánh Thể để biểu lộ sự hiệp nhất hoàn toàn trong tình yêu thương chung quanh
Chúa Kitô. Như vậy, bất cứ thời đại nào, người ta cũng nhận ra Giáo Hội nhờ dấu
chỉ tình yêu này, và Giáo Hội đã tự đảm nhận những công cuộc bác ái như là nhiệm
vụ và quyền lợi bất khả di nhượng của mình, dấu Giáo Hội vẫn hân hoan trước những
sáng kiến của người khác. Vì thế, Giáo Hội đặc biệt đề cao lòng xót thương đối
với người nghèo đói, bệnh tật, cũng như những công cuộc mệnh danh là từ thiện
và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại 3.
Thời nay nhờ những
phương tiện giao thông dễ dàng và nhanh chóng hơn, khoảng cách giữa loài người
hầu như không còn nữa, và dân chúng trên hoàn cầu được coi như những người cùng
sống trong một gia đình, nên những hoạt động và những công cuộc bác ái càng trở
nên khẩn thiết và cần được tổ chức rộng lớn hơn. Ngày nay, hoạt động bác ái có
thể và phải nhắm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn,
thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo
dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người, ở đâu có
người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đày, tù ngục, thì ở đó
bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những
trợ giúp thích đáng. Thi hành bổn phận này trước hết là bổn phận của những người
giàu và các dân tộc giàu 4.
Ðể thực thi bác
ái mà không bị chỉ trích và để tỏ ra là bác ái đích thực, cần phải nhìn nhận
nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa vì họ đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài và
nhìn nhận nơi họ chính Chúa Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo
là đã thực sự được dâng cho Người. Phải hết sức tế nhị tôn trọng tự do và nhân
phẩm của người được trợ giúp. Ðừng làm hoen ố ý hướng ngay lành vì mưu cầu tư lợi
hay vì một tham vọng thống trị nào 5.
Phải thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã kẻo những tặng phẩm đem cho tưởng
là vì bác ái, mà thực ra phải đền trả vì đức công bằng. Phải tổ chức giúp đỡ
sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và
có thể tự túc.
Vậy người giáo dân phải quí trọng và tùy sức giúp vào các việc từ
thiện và những sáng kiến nhằm cứu trợ xã hội của tư nhân cũng như của quốc gia,
kể cả quốc tế. Nhờ những công cuộc đó, người ta mới trợ giúp hữu hiệu cho mỗi
người và mỗi dân tộc đang lâm cảnh khốn cùng. Trong việc này, giáo dân cần cộng
tác với mọi người thiện chí 6.
Chú Thích:
5* Công đồng nêu
lên nguyên tắc hướng dẫn tổng quát cho việc tông đồ này: trật tự siêu nhiên và
tự nhiên, tuy vẫn phân biệt nhau, nhưng cùng hợp nhất trong một ý định của
Thiên Chúa, là Ngài muốn qui tụ toàn thế giới trong Chúa Kitô, và chính do ý định
này mà hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết có mặt trong lãnh vực trần tục.
Ðức Phaolô VI,
vào ngày 3 tháng Giêng năm 1964, đã nói với những người tốt nghiệp khóa
"Công Giáo Tiến Hành": "Chúng con phải ý thức về hai xã hội khác
biệt nhau này, chúng luôn đi đôi với nhau và liên hệ với nhau. Và chính khi
chúng con nhìn nhận cả hai quyền hành này, quyền của Giáo Hội và quyền của trần
gian, mà chức vụ của chúng con được phát triển... chúng con trở nên chứng nhân
Kitô giáo trong lãnh vực nghề nghiệp của chúng con và là công dân gương mẫu
trong đời sống công giáo".
1 Xem Piô XI. Tđ
Ubi arcano, 23-12-1922: AAS 14 (1922) trg 659. - Piô XII, Tđ Summi
pontificatus, 20-10-1939: AAS 31 (1939), trg 442-443.
6* Ðể bảo đảm
giá trị ơn gọi trần thế của người giáo dân, Công Ðồng đã nhắc lại những nguyên
tắc nền tảng của giá trị trần thế. Ðã từ lâu, nhiều Kitô hữu và trường phái tu
đức tỏ ra coi thường những giá trị nhân bản, và thường họ chỉ đánh giá của cải
vật chất như những phương tiện giúp cho việc cứu rỗi cũng như cho mục đích siêu
nhiên của người Kitô hữu.
Công Ðồng xác định
rằng những tài sản của đời sống và gia đình, nền văn hóa, kinh tế, chánh trị,
hay những liên lạc quốc tế v.v... đều có những giá trị riêng của chúng do ý muốn
của chính Thiên Chúa (x. MV 36).
Nhưng bậc thang
giá trị đúng đắn đòi hỏi rằng những tài sản vật chất ấy, thay vì trở nên thần
tượng hay những ông chủ độc tài của con người, phải tùy phục vài lý trí con người
cũng như vào những nguyên tắc của đời sống luân lý. Vì chưng, do sự liên lạc mật
thiết với nhân phẩm con người mà những tài sản vật chất ấy giữ giá trị của
chúng.
2 Xem Leô XIII.
Tđ Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 647. - Piô XI, Tđ Quadragesimo Anno:
AAS 23 (1931), trg 190. - Piô XII, Nuntius radiophonicus, 1-6-1941: AAS 33
(1941), trg 207.
7* Hoạt động bác
ái nằm trong lãnh vực siêu nhiên và trần thế, vì thế tự nó, hoạt động tông đồ
giáo dân luôn bao hàm hoạt động bác ái. Tuy nhiên hoạt động bác ái này vẫn luôn
có đặc tính thúc đẩy tự nhiên trong mọi lãnh vực, và điều này chứng tỏ cách đặc
biệt tinh thần của Chúa Kitô.
3 Xem Gioan
XXIII, Tđ Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 402.
4 Xem n.v.t. trg
440-441.
5 Xem n.v.t. trg
442-443.
6 Xem Piô XII,
Huấn từ ad Pax Romana MIIC, 25-4-1957: AAS 49 (1957), trg 298-299. Và nhất là
Gioan XXIII, ad Conventum Consilii "Food and Agriculture
Organisation" (F.A.O.), 10-11-1959: AAS 51 (1959), trg 856,866.
Chương III: Các Môi Trường Hoạt Ðộng Tông Ðồ 8*
9. Nhập đề. Giáo dân thi
hành việc tông đồ muôn mặt của mình trong Giáo Hội cũng như giữa đời. Trong cả
hai lãnh vực này, nhiều môi trường hoạt động tông đồ khác nhau được khai mở. Ở
đây chúng tôi muốn nhắc tới những môi trường chính yếu hơn cả là: các cộng đoàn
Giáo Hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các lãnh vực quốc gia và quốc
tế. Ngày nay phụ nữ càng ngày càng góp phần tích cực vào tất cả đời sống xã hội,
cho nên điều quan trọng là làm sao cho họ tham gia nhiều hơn vào cả những lãnh
vực tông đồ của Giáo Hội.
10. Các cộng đoàn trong
Giáo Hội. Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ
được tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và là vua. Trong những
cộng đoàn của Giáo Hội, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động
đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ
kết quả. Cũng như giáo dân nam nữ đã giúp Thánh Phaolô trong việc rao giảng
Phúc Âm (x. CvTđ 18,18-26; Rm 16,3), những người giáo dân có tinh thần tông đồ
đích thực cũng đang trợ giúp những anh em thiếu thốn và nâng đỡ tinh thần các vị
chủ chăn và các tín hữu khác (x. 1Cor 16,17-18). Vì được nuôi dưỡng nhờ tham dự
cách tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần
vào những công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn đó: họ đem những người có lẽ
đang xa lạc trở về với Giáo Hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền lời
Chúa nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi
sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sinh hiệu quả hơn.
Giáo xứ là một
hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành
một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội 1.
Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt
động trong giáo xứ 2.
Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Giáo Hội những vấn đề riêng của
mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để
cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng
đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa
phương.
Giáo dân phải
luôn luôn nuôi dưỡng ý thức về giáo phận vì giáo xứ như một tế bào của giáo phận.
Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của Chủ Chăn và tùy sức tham gia những
sáng kiến chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị
cũng như ở thôn quê 3,
họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận
nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả các lãnh vực liên xứ, liên giáo phận,
quốc gia hay quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối tương
giao gia tăng, và việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào
sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế người giáo dân phải quan tâm đến những nhu
cầu của dân Thiên Chúa ở rải rác trên khắp địa cầu. Nhất là họ phải coi những
công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất
hay về cả nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của người Kitô hữu là trả lại
cho Thiên Chúa phần của họ đã nhận nơi Ngài.
11. Gia đình trong việc
tông đồ. Vì Ðấng Tạo Hóa đã đặt cộng đoàn hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng
cho xã hội loài người và dùng ơn thánh Ngài nâng lên hàng bí tích cao cả trong
Chúa Kitô và trong Giáo Hội (x. Eph 5,32) cho nên việc tông đồ của vợ chồng và
của các gia đình có tầm quan trọng đặc biệt, đối với Giáo Hội cũng như đối với
xã hội dân sự.
Những đôi vợ chồng
Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và chứng nhân của đức tin đối với
nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình họ. Chính họ
là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái họ. Bằng
lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông
đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chọn ơn kêu gọi, và nếu thấy
chúng có ơn thiên triệu, họ tận tình nuôi dưỡng ơn kêu gọi đó.
Tất cả những việc
ngày xưa vốn là bổn phận vợ chồng, ngày nay còn phải được coi là phần quan trọng
nhất của việc tông đồ. Ðó là phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách
bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối. Phải mạnh mẽ nói lên rằng
quyền lợi và nhiệm vụ đã được trao ban cho bậc cha mẹ và những người bảo trợ là
giáo dục con cái theo Kitô giáo. Phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp
của gia đình. Vì vậy chính họ và những tín hữu khác phải cộng tác với mọi người
thiện chí để những quyền trên đây được dân luật bảo vệ hoàn toàn, nghĩa là
trong việc cai trị, chính phủ phải quan tâm tới những nhu cầu của gia đình liên
quan tới nơi cư ngụ, việc giáo dục trẻ em, điều kiện làm việc, an ninh xã hội
và thuế khóa. Khi phải tổ chức di dân, đời sống chung của gia đình phải được
hoàn toàn bảo đảm 4.
Chính gia đình
đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã
hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của
Giáo Hội trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện
lên Thiên Chúa, nếu toàn thể gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Giáo Hội,
sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc
thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu. Trong các việc tông đồ của gia đình
cần phải kể đến những việc như: nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi, ân cần tiếp
đón những khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu
niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp,
giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp
khó khăn về vật chất hay tinh thần, lo cho người già cả không những có những điều
cần thiết, mà còn cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế.
Ở mọi nơi và mọi
lúc, nhất là trong những miền mà hạt giống Phúc Âm vừa được gieo vãi, hoặc
trong những nơi Giáo Hội mới được thành lập hay trong những nơi Giáo Hội đang gặp
những trở ngại lớn lao, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quí giá nhất
của Chúa Kitô đối với thế gian bằng tất cả đời sống gắn liền với Phúc Âm và tỏ
ra là gia đình Kitô giáo gương mẫu 5.
Ðể dễ dàng đạt tới
những mục đích tông đồ này các gia đình nên qui tụ thành những nhóm 6.
12. Giới trẻ hoạt động
tông đồ. Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng 7.
Những hoàn cảnh sống của họ, những nếp sống tinh thần và cả những tương quan của
họ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường thường họ chuyển quá nhanh sang một
hoàn cảnh xã hội và kinh tế mới. Hơn nữa, vai trò xã hội cũng như chính trị của
họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ không được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận
những trọng trách mới này cách xứng hợp.
Trọng trách của
họ trong xã hội gia tăng, đòi hỏi họ gia tăng hoạt động tông đồ. Vả lại, chính
bản tính tự nhiên của họ vốn hướng về hoạt động đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức
về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ
nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn
hóa. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và được thúc
đẩy do sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo Hội thì có thể hy vọng
nơi họ những thành quả phong phú. người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên
và trực tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ
và nhờ người trẻ tùy theo môi trường xã hội họ đang sống 8.
Người lớn cần
quan tâm để tạo cuộc đối thoại thân hữu với giới trẻ, vì cuộc đối thoại cho
phép cả hai giới vượt qua sự ngăn cách về tuổi tác, hiểu biết lẫn nhau và thông
cho nhau sự phong phú riêng của mỗi giới. Người lớn hãy thúc đẩy giới trẻ làm
tông đồ trước hết bằng gương sáng và tùy dịp bằng ý kiến khôn ngoan và giúp đỡ
thiết thực. Còn giới trẻ cũng phải nuôi dưỡng lòng trọng kính và tín nhiệm đối
với người lớn, dầu theo tính tự nhiên họ ham thích những điều mới lạ, tuy nhiên
họ cũng phải tôn trọng những truyền thống đáng quí trọng.
Trẻ em cũng có
hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, chúng co thể thực sự là những
chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn hữu.
13. Môi trường xã hội. Làm
tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần
não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống: đó là bổn phận
và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ.
Trong lãnh vực này, người giáo dân có thể làm tông đồ cho người đồng cảnh ngộ với
mình. Ở đó lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống 9.
Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp,
môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.
Người giáo dân
chu toàn sứ mệnh này của Giáo Hội nơi trần gian: trước tiên bằng đời sống hòa hợp
với đức tin, để nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện
trong bất cứ công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện
và cuối cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ
qua việc họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng
như trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động
trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong
việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội,
trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành động
của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm việc.
Việc tông đồ này
phải nhắm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất
cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ
đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, họ còn phải quan tâm đến việc
rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có
thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ.
14. Trên bình diện
quốc gia và quốc tế. Môi trường hoạt động tông đồ mở rộng bao la trên bình diện
quốc gia và quốc tế, trong đó, hơn ai hết, giáo dân là những người nắm giữ và
phân phát sự khôn ngoan Kitô giáo. Tận tâm đối với quốc gia và trung thành chu
toàn những nhiệm vụ công dân, người công giáo cảm thấy bó buộc phải cổ võ cho
công ích thực sự, và họ phải làm sao cho ý kiến của họ ảnh hưởng tới chính quyền
để quyền hành được thực thi chính đáng và để luật lệ đáp ứng được những đòi hỏi
của luân lý và công ích. Những người công giáo có khả năng làm chính trị và đã
được huấn luyện đầy đủ về đức tin và giáo lý đừng từ chối tham gia việc nước, bởi
vì nhờ thi hành nhiệm vụ cách tốt đẹp, họ có thể đóng góp vào công ích và đồng
thời mở đường cho Phúc Âm.
Người công giáo
phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho bất cứ những
gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Ph 4,8). Người công
giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm
cách kiện toàn những định chế xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm.
Trong các dấu chỉ
của thời đại chúng ta, phải đặc biệt chú ý tới ý nghĩa ngày một gia tăng và
không thể tránh né về sự liên đới giữa các dân tộc mà nhiệm vụ của hoạt động
tông đồ giáo dân là phải lo lắng cổ động và biến nó thành một khát vọng chân
thành và thiết thực về tình huynh đệ. Hơn nữa giáo dân còn phải ý thức về lãnh
vực quốc tế và ý thức về những vấn nạn cũng như những giải pháp trên lý thuyết
hay trong thực hành đang được đề ra, nhất là về những vấn đề liên quan tới các
dân tộc đang nỗ lực phát triển 10.
Tất cả những ai
làm việc ở các nước khác hay đang trợ giúp những nước ấy phải nhớ rằng những mối
bang giao giữa các dân tộc phải là cuộc trao đổi huynh đệ đích thực, trong đó,
cả hai bên cùng cho và cùng nhận. Còn những ai xuất ngoại để lo công chuyện hay
để giải trí phải nhớ rằng dù họ ở đâu họ cũng vẫn là sứ giả lưu động của Chúa
Kitô và họ phải sống đúng danh hiệu đó.
Chú Thích:
8* Ở đây Sắc Lệnh
nói đến tinh thần hoạt động phổ quát của việc tông đồ giáo dân. Chính tinh thần
này đã đem lại nhiều cảm hứng cho Hiến Chế về Giáo Hội. Tầm hoạt động tông đồ sẽ
không giới hạn ở giáo xứ, trong giáo phận hay nơi quốc gia nào.
Tính cách phổ
quát này của việc tông đồ giáo dân có nền tảng ở sự ý thức hơn về Giáo Hội như
Nhiệm Thể mà Kitô hữu là những chi thể sống động, cũng như ý thức về sự thích ứng
cần thiết của Giáo Hội đối với những hoàn cảnh hiện tại của thế giới ngày nay
(x. số 10).
1 Xem Piô X.
Tông thư Creationis duarum novarum paroeciarum, 1-6-1905: AAS 38 (1905), trg
65-67. - Piô XII, Huấn từ ad fides paroeciae S. Saba, 11-1-1953: Discorsi e
Radiomessaggi di diocesi suburbicaria Albanesi, ad Arcem Gandulfi habita:
26-8-1962: AAS 54 (1962), trg 656-660.
2 Xem Leô XIII,
Huấn từ 28-1-1894: Acia 14 (1894), trg 424-425.
3 Xem Piô XII,
Huấn từ Ad parochos, etc... 6-2-1951: Discorsi e Radiomessaggi di S.S. Piô XII,
12 (1950-1951), trg 437-443; 8-3-1952: n.v.t. 14, (1952-1953), trg 5-10;
27-3-1953: n.v.t. 15 (1953-1954), trg 27-35; 28-2-1954: n.v.t. trg 585-590.
4 Xem Piô XI, Tđ
Casti Connubii: AAS 22 (1930), trg 554, - Piô XII, Nuntius Radiophonicus,
1-1-1941: AAS 33 (1941), trg 203. - n.t. Delegatis ad conventum unionis
internaltionalis sodalitatum ad iura familiar tuenda, 20-9-1949: AAS 41 (1949),
trg 552. - n.t. Ad patresfamilias e Galia Romanperegrinantes, 18-9-1951: AAS 43
(1951), trg 731. n.t. Nuntius radiophonicus in Natali Domini 1952: AAS 45
(1953), trg 41. - Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961),
trg 429, 439.
5 Xem Piô XII,
Tđ Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 514.
6 Xem Piô XII,
Delegatis ad Conventum Unionis internationalis sodatiatum ad iura familiae
tuenda, 20-9-1949: AAS 41 (1949), trg 552.
7 Xem Piô X, Huấn
từ ad Catholicam Associationem Iuventutis Gallicae de pietate, scientia et
actione, 25-9-1904: AAS 37 (1904-1905), trg 296-300.
8 Xem Piô XII,
Thư Dans quelques semaines, gởi Ðức Tổng Giám Mục Montréal: de conventibus a
iuvenibus operaiis christianis Canadiensibus indictis, 24-5-1947: AAS 39 (1947),
trg 257. - Và sứ điệp truyền thanh Ad J.O.C. Bruxelles, 2-9-1950: AAS 42
(1950), trg 640-641.
9 Xem Piô XI, Tđ
Quadragesimo anno, 15-5-1931: AAS 23 (1931), trg 225-226.
10 Xem Gioan
XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 448-450.
Chương IV: Các Phương Thức Hoạt Ðộng Tông Ðồ 9*
15. Nhập đề. Giáo dân có
thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hội
đoàn.
16. Tầm quan trọng và những
hình thức của việc tông đồ cá nhân. Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện bắt
nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo (x. Gio 4,14). Ðó là căn bản
và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập
thể và không gì có thể thay thế việc đó được.
Việc tông đồ cá
nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn
cảnh chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi
người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng
để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ
cá nhân.
Có nhiều hình thức
tông đồ mà người giáo dân dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sống động
thế gian trong Chúa Kitô.
Hình thức đặc biệt
của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát
xuất từ đức tin, đức cậy, đức ái. Ðó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại
chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với
việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người
giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo
hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng
giáo lý của Người nữa.
Hơn nữa, là những
người công dân trong thế giới ngày nay, người công giáo khi cộng tác vào những
việc liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt
dưới ánh sáng đức tin những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình,
nghề nghiệp, văn hóa và xã hội và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa. Người giáo
dân cũng phải ý thức rằng họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa là Ðấng
tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa và như vậy làm vinh danh Thiên Chúa.
Sau cùng giáo dân
làm cho đời mình sống động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng
chính hoạt động của mình.
Mọi người phải
nhớ rằng nhờ việc phụng tự công cộng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận
công việc cũng như những khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô
đau khổ (x. 2Cor 4,10; Col 1,24) họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem
ơn cứu độ cho toàn thế giới.
17. Tông đồ cá nhân trong
những hoàn cảnh đặc biệt. Việc tông đồ cá nhân này rất cần thiết và cấp bách
trong những miền mà tự do của Giáo Hội bị cản trở trầm trọng. Trong những hoàn
cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh mục, họ liều mất tự do của
mình và đôi khi ngay cả mạng sống mình để dạy giáo lý công giáo cho những người
chung quanh, huấn luyện cho những người ấy biết sống đạo và khuyến khích họ
năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép Thánh Thể 1.
Thánh Công Ðồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả
trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn
bách hại. Thánh Công Ðồng lấy tình người cha yêu thương và tri ân họ.
Việc tông đồ cá
nhân có môi trường hoạt động đặc biệt trong những miền người công giáo ít oi và
tản mác. Ở những nơi đó, giáo dân chỉ hoạt động tông đồ từng người hoặc vì những
lý do nói trên hoặc vì những lý do đặc biệt do sinh hoạt nghề nghiệp. Nên để
thuận tiện gặp gỡ nhau, họ hợp lại thành từng tổ nhỏ không cần đến hình thức tổ
chức hay hệ thống chặt chẽ, miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng
đoàn Giáo Hội như bằng chứng đích thực của tình thương. Như thế, trong khi giúp
nhau trên bình diện thiêng liêng nhờ tình bằng hữu và kinh nghiệm, họ được mạnh
sức để thắng vượt những khó khăn của cuộc sống và sự hoạt động quá lẻ loi cũng
như để việc tông đồ đạt được kết quả phong phú hơn.
18. Tầm quan trọng của việc
tông đồ tập thể. Với tư cách cá nhân, người Kitô hữu được mời gọi hoạt động
tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng
con người, tự bản chất đã có xã hội tính., và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp,
những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10) và kết hợp họ
thành một thân thể (x. 1Cor 12,12). Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với
đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu.
Ðồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội
trong Chúa Kitô, Ðấng đã phán: "Vì đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội
họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).
Vì thế người
Kitô hữu phải hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ 2.
Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận
là những cộng đoàn nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ
phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.
Hoạt động tông đồ
tập thể rất quan trọng 10*
vì trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt
động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì
các Hội Ðoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện
các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có
thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động
riêng rẽ.
Vậy trong những
hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất
thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc
liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động
tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó 3.
Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào
não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động
tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư
luận quần chúng hay của các định chế.
19. Nhiều hình thức của việc
tông dồ tập thể. Có nhiều hội đoàn tông đồ khác nhau 4. Có
những hội đoàn nhằm mục đích tông đồ tổng quát của Giáo Hội. Có những hội đoàn
nhằm mục đích loan báo Phúc Âm và thánh hóa bằng phương thức chuyên biệt. Có những
hội đoàn nhằm mục đích Kitô hóa trật tự trần thế. Có những hội đoàn nhằm làm chứng
cho Chúa Kitô đặc biệt bằng từ thiện và bác ái.
Trong số những hội
đoàn đó, cần phải đặc biệt chú trọng đến những hội đoàn cổ võ và đề cao sự phối
hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội
đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh
đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với
các mục tiêu của Giáo Hội, ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm
và làm chứng cho Chúa Kitô.
Trước sự tiến
triển của các tổ chức cũng như đà tiến hóa của xã hội hiện đại, sứ mệnh phổ
quát của Giáo Hội đòi hỏi các công cuộc tông đồ của người công giáo phải càng
ngày càng được tổ chức quy củ trên lãnh vực quốc tế. Các Tổ Chức Công Giáo Quốc
Tế sẽ đạt được mục đích cách tốt đẹp nếu các đoàn thể hội viên và các hội viên
của các đoàn thể đó liên kết chặt chẽ với các tổ chức trên.
Giáo dân có quyền
lập hội đoàn 5,
điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối
liên lạc cần thiết với giáo quyền 6.
Nhưng cần phải tránh phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và những
công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích
lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời. Cũng không phải luôn luôn thích
hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức hội đoàn của các nước khác 7.
20. Công giáo tiến hành. Từ
vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào hoạt
động tông đồ. Họ qui tụ lại với nhau dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như lập
thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và đang theo đuổi những mục đích thuần
túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với Hàng Giáo Phẩm. Trong số những tổ chức
ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những
tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết
quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Các Ðức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục
đã có lý khi tín nhiệm và cổ võ những tổ chức này và đặt cho danh hiệu Công
Giáo Tiến Hành. Do đó những hoạt động ấy thường được diễn tả như một sự cộng
tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm 8.
Những hình thức
tông đồ này, dù mang danh hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác,
vẫn đang thực hiện một việc tông đồ quí giá ở thời đại chúng ta. Những tổ chức ấy
phải hội đủ những yếu tố sau đây:
a) Mục đích trực
tiếp của tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền
Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Kitô
giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn
cũng như mọi lãnh vực của đời sống.
b) Trong khi cộng
tác với Hàng Giáo Phẩm theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận
trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức này, tìm những điều
kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo
đuổi một chương trình hành động.
c) Người giáo
dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó dễ nói
lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn.
d) Người giáo
dân hoạt động dưới sự điều khiển của chính Hàng Giáo Phẩm, dù họ tự nguyện dấn
thân, hoặc được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng
Giáo Phẩm. Hàng Giáo Phẩm có thể thừa nhận sự cộng tác này bằng sự "ủy nhiệm"
minh nhiên.
Những đoàn thể
nào mà giáo quyền xét thấy hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo
Tiến Hành, mặc dù những tổ chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác nhau
tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và của mỗi dân tộc.
Thánh Công Ðồng
ân cần giới thiệu những định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi
hỏi của việc tông đồ của Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Ðồng cũng
kêu mời các linh mục hoặc giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện
những tiêu chuẩn vừa kể mỗi ngày một hơn, và hãy luôn luôn lấy tình huynh đệ mà
cộng tác với các hình thức tông đồ khác trong Giáo Hội.
21. Tôn trọng các đoàn thể
tông đồ. Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, những
đoàn thể tông đồ mà Hàng Giáo Phẩm, tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và từng
thời đại đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh thành lập như những đòi hỏi cấp
bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân
coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách
thế riêng của mình. Trong số những đoàn thể đó ngày nay đặc biệt phải kể đến những
đoàn thể hay hiệp hội công giáo có tính cách quốc tế.
22. Giáo dân dấn
thân phục vụ Giáo Hội với tước hiệu đặc biệt. Thật đáng kính trọng và đặc biệt
đề cao trong Giáo Hội những giáo dân, hoặc độc thân hoặc đã có gia đình, đang dấn
thân và đem khả năng chuyên môn của mình phục vụ suốt đời hoặc một thời gian
trong các tổ chức và hoạt động của các tổ chức ấy. Giáo Hội cũng rất vui mừng
vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các đoàn thể hoặc trong
các công cuộc tông đồ ở lãnh vực quốc gia mình cũng như trên địa hạt quốc tế và
nhất là trong các cộng đoàn công giáo nơi các xứ truyền giáo và ở những Giáo Hội
mới thành hình.
Các vị Chủ Chăn
của Giáo Hội hãy sẵn sàng đón nhận và biết ơn những giáo dân này và phải lo cho
họ có thật đầy đủ điều kiện do đức công bình, liêm chính và đức bác ái đòi hỏi,
nhất là lo trợ cấp cho họ và cả gia đình họ để họ có được một đời sống xứng
đáng. Ngoài ra còn phải lo cho họ được huấn luyện đầy đủ cũng như được trợ giúp
và khích lệ về mặt thiêng liêng.
Chú Thích:
9* Tới đây, Sắc
Lệnh tổng hợp hai hình thức hoạt động tông đồ giáo dân: cá nhân và tập thể. Các
Nghị Phụ đã bàn cãi nhiều khi nói về Công Giáo Tiến Hành. Nhiều vị không muốn đề
cập rõ về "Công Giáo Tiến Hành" hay một hình thức hội đoàn đặc thù
nào khác, nhưng chỉ nói một cách tổng quát về các "hiệp đoàn". Trái lại
có nhiều Nghị Phụ khác muốn dành một chương đặc biệt về Công Giáo Tiến Hành vì
tầm quan trọng, sự cần thiết, bản tính, cơ cấu, sự điều hành của nó v.v... Cuối
cùng, Thánh Công Ðồng chấp thuận một cách diễn tả dung hòa như chúng ta thấy ở Sắc
Lệnh.
Trước hết Sắc Lệnh
nói tới việc tông đồ cá nhân, kết quả tự nhiên của cuộc sống Kitô hữu thực sự
thấm nhuần đức tin, cậy, mến. Việc tông đồ cá nhân này thực thi:
- bằng chứng
tích đời sống Kitô giáo.
- bằng sự cộng
tác như công dân của trần gian vào việc kiến tạo và điều hành trật tự trần
gian: đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội.
- bằng lời cầu
nguyện riêng tư, việc đền tội, chấp nhận làm việc và chịu vất vả do cuộc sống để
nên giống Chúa Kitô Ðau Khổ. Tất cả những nhân đức này giúp họ có khả năng đạt
tới mọi người trong tinh thần tông đồ.
1 Xem Piô XII,
Huấn từ ad Conventum ex Omnibus Gentibus Laicorum apostolatui provehendo,
14-10-1951: AAS 43 (1951), trg 788.
2 Xem Piô XII,
Huấn từ ad I Conventum ex Gentibus Laicorum apostolatui provehendo, 14-10-1951:
AAS 43 (1951), trg 787-788.
10* Tầm quan trọng
của việc tông đồ tập thể. Việc tông đồ có tổ chưc rất thích hợp với bản tính xã
hội của con người và với niềm tha thiết của Chúa là muốn thu thập mọi người tin
vào Chúa Kitô thành Dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10). Theo Sắc Lệnh các hội đoàn
làm việc tông đồ cần phải có bốn đặc tính:
- Mục đích phải
là rao giảng Phúc Âm và thánh hóa mọi người.
- Các hội đoàn
phải cộng tác với hàng Giáo Phẩm, nhưng vẫn chịu trách nhiệm riêng.
- Hoạt động của
các hội đoàn này phải có tính cách cộng đoàn.
- Hoạt động của
giáo dân phải tùy thuộc vào sự hướng dẫn của hàng Giáo Phẩm.
3 Xem Piô XII,
Tđ. Le Pèlerimage de Lourdes, 2-7-1957: AAS 49 (1957), trg 615.
4 Xem Piô XII,
Huấn từ ad consilium Foederationals internationalis virorum catholicorum,
8-12-1956: AAS 49 (1957), trg 26-27.
5 Xem S.C.
Concilii, Resolutio Corrienten, 13-11-1920: AAS 13 (1921), trg 139.
6 Xem đoạn sau,
ch V, số 24.
7 Gioan XXIII,
Tđ. Princeps Pastorum, 10-12-1959: AAS 51 (1959), trg 856.
8 Xem Piô XI,
thư gởi cho Ðức Hồng Y Bestram, 13-11-1928: AAS 20 (1928), trg 385. - x. thêm
Piô XII, Huấn từ ad A.C. Italicam, 4-9-1940: AAS 32 (1940), trg 362.
Chương V: Hệ Thống Phải Theo 11*
23. Nhập đề. Việc tông đồ
của giáo dân, cá nhân hay tập thể, phải được đặt vào đúng chỗ trong công cuộc
tông đồ của toàn thể Giáo Hội. Hơn nữa, điều cốt yếu của việc tông đồ Kitô giáo
là liên kết với những người đã được Chúa Thánh Thần đặt lên cai trị Giáo Hội
Chúa (x. CvTđ 20,28). Vả lại, việc cộng tác giữa các tổ chức tông đồ khác nhau
cũng cần thiết và phải được Hàng Giáo Phẩm điều hành thích đáng.
Vì muốn cổ võ
tinh thần hiệp nhất để bác ái huynh đệ nổi bật lên trong mọi hoạt động tông đồ
của Giáo Hội, để đạt được những mục đích chung cũng như để tránh những cạnh
tranh nguy hại, cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau và sự phối hợp thích đáng giữa
các tổ chức tông đồ trong Giáo Hội, miễn là đặc tính riêng của mỗi tổ chức vẫn
được duy trì 1.
Ðiều đó rất
thích hợp mỗi khi có công tác đặc biệt nào trong Giáo Hội đòi phải có sự hòa hợp
và cộng tác vào việc tông đồ giữa hai hàng giáo sĩ dòng triều, giữa tu sĩ và
giáo dân.
24. Liên lạc với hàng Giáo
phẩm. Bổn phận của Hàng Giáo Phẩm là phải hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo
dân: đề ra những nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng. Phải phối hợp
việc tông đồ của họ để sinh ích chung cho cả Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm cũng phải
lo cho giáo thuyết và những chỉ thị của Giáo Hội được tuân hành.
Có nhiều thể thức
liên lạc giữa việc tông đồ giáo dân với Hàng Giáo Phẩm tùy theo hình thức và mục
tiêu của mỗi hoạt động tông đồ.
Trong Giáo Hội
quả thực có nhiều công cuộc tông đồ do giáo dân có sáng kiến thành lập và khôn
khéo điều hành. Nhờ những tổ chức tông đồ như thế, trong nhiều hoàn cảnh, Giáo
Hội có thể chu toàn sứ mệnh của mình cách tốt đẹp, và do đó Hàng Giáo Phẩm thường
ca ngợi và cổ võ các tổ chức đó 2.
Nhưng không một sáng kiến nào được lấy danh nghĩa công giáo nếu không có sự ưng
thuận của giáo quyền hợp pháp.
Có một số tổ chức
tông đồ giáo dân, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã được giáo quyền
công khai chấp nhận.
Ngoài ra vì nhu
cầu ích chung của Giáo Hội, giáo quyền có thể lựa chọn và cổ võ cách đặc biệt một
vài tổ chức trong số những tổ chức hay hiệp hội tông đồ có sẵn, trực tiếp nhằm
mục đích thiêng liêng và giáo quyền cũng nhận trách nhiệm đốivới những tổ chức
đó. Như thế, khi tổ chức công việc tông đồ tùy theo cách thức khác cho hợp với
hoàn cảnh, Hàng Giáo Phẩm liên kết chặt chẽ hơn một hình thức tông đồ giáo dân
nào đó với phận vụ tông đồ của mình, tuy nhiên vẫn giữ nguyên vẹn bản chất và sự
khác biệt giữa hai bên. Giáo dân do đấy vẫn còn khả năng cần thiết để được tự
do hành động theo sáng kiến riêng của họ. Trong nhiều văn kiện của Giáo Hội
hành động trên đây của Hàng Giáo Phẩm được gọi là ủy nhiệm.
Sau hết, Hàng
Giáo Phẩm còn trao phó cho giáo dân một vài phận vụ liên quan mật thiết hơn với
nhiệm vụ của chủ chăn như việc dạy giáo lý, thi hành một vài động tác phụng vụ,
hay việc chăm sóc các linh hồn. Chính do việc ủy nhiệm này, người giáo dân, khi
thi hành nhiệm vụ, phải hoàn toàn tuân phục sự điều khiển của cấp trên trong
Giáo Hội.
Về những vấn đề
liên hệ tới những công cuộc và những định chế thuộc lãnh vực trần thế, Hàng
Giáo Phẩm có nhiệm vụ phải chính thức giảng dạy và giải thích những nguyên tắc
luân lý phải theo trong địa hạt này. Một khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và bàn hỏi với
các nhà chuyên môn, Hàng Giáo Phẩm có quyền thẩm định công cuộc này hay định chế
kia là phù hợp hay không phù hợp với các nguyên tắc luân lý và phán quyết những
gì phải làm để bảo vệ và cổ võ những lợi ích thuộc lãnh vực siêu nhiên.
25. Hàng giáo sĩ phải giúp
đỡ việc tông đồ giáo dân. Các Giám Mục, các cha sở, các linh mục dòng triều phải
nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín hữu không
phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng
có phần riêng của họ 3.
Vì thế các ngài phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội
với tình huynh đệ, cũng như phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ
làm việc tông đồ 4.
Các linh mục được
đề cử giúp đỡ các tổ chức tông đồ đặc biệt của giáo dân phải là người có khả
năng và được huấn luyện đầy đủ 5.
Các linh mục này, vì nhận trách nhiệm do Hàng Giáo Phẩm, nên trong lúc hoạt động,
các ngài là đại diện của Hàng Giáo Phẩm trong chính hoạt động mục vụ của mình.
Luôn luôn trung thành với tinh thần và giáo lý của Giáo Hội, các ngài phải làm
cho giữa giáo dân và Hàng Giáo Phẩm có những liên lạc thích đáng. Các ngài phải
ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tình thần tông đồ nơi các đoàn thể
công giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động
tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của
chúng. Qua những tiếp xúc thường xuyên với giáo dân, các ngài phải chú tâm tìm
kiếm xem những hình thức nào đem lại kết quả hơn cho hoạt động tông đồ. Các
ngài phải cổ võ tinh thần hiệp nhất ngay trong đoàn thể mình phụ trách cũng như
giữa đoàn thể này với các đoàn thể bạn.
Sau hết, các tu
sĩ nam nữ phải quý trọng các hoạt động tông đồ của giáo dân. Theo tinh thần và
nội qui của mỗi dòng tu, họ cũng nên sẵn sàng giúp phát triển các hoạt động
tông đồ giáo dân 6.
Họ còn phải ân cần nâng đỡ, trợ lực và bổ túc các công việc của linh mục.
26. Vài hình thức cộng
tác. Trong mỗi giáo phận, phải hết sức liệu sao cho có những hội đồng cố vấn gồm
các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động
tông đồ của Giáo Hội hoặc trong việc rao truyền Phúc Âm và thánh hóa, hoặc
trong các công cuộc từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác. Những hội đồng
cố vấn này có thể giúp phối hợp hoạt động của các hội đoàn cũng như của các
công cuộc tông đồ của giáo dân đang khi vẫn tôn trọng bản chất riêng và quyền tự
trị của mỗi hội đoàn 7.
Nếu có thể, cũng
nên thiết lập những hội đồng cố vấn như thế ở cấp độ giáo xứ, liên giáo xứ,
liên giáo phận và ngay cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế 8.
Hơn nữa, phải
thiết lập bên cạnh Tòa Thánh một văn phòng đặc trách hỗ trợ và cổ võ hoạt động
tông đồ giáo dân 12*.
Văn phòng này được coi như Trung Ương có đủ phương tiện thích ứng để thông báo
những tin tức về những sáng kiến tông đồ của giáo dân, đồng thời nghiên cứu những
vấn đề thời đại trong địa hạt này hầu giúp ý kiến cho Hàng Giáo Phẩm và cho
chính các giáo dân đang dấn thân trong hoạt động tông đồ. Các phong trào và các
tổ chức tông đồ giáo dân hiện có khắp thế giới phải được coi như những thành phần
của văn phòng này, trong đó có cả giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác với giáo dân.
27. Cộng tác với anh em
Kitô giáo và ngoài Kitô giáo. Vì cùng chung một gia sản là Phúc Âm và do đó
cùng chung một bổn phận là làm chứng cho Chúa Kitô, người công giáo nên và thường
phải cộng tác với các Kitô hữu khác, hoặc cá nhân với cá nhân, hoặc giữa các cộng
đoàn Giáo Hội trong các hoạt động cũng như trong các hội đoàn trên bình diện quốc
gia hay quốc tế 9.
Vì cùng chung những
giá trị nhân bản, nên người Kitô hữu đang theo đuổi mục đích tông đồ cũng thường
phải cộng tác với những người tuy không theo Kitô giáo 13*,
nhưng cũng nhìn nhận những giá trị nhân bản đó.
Nhờ sự cộng tác
năng động và khôn ngoan này 10,
sự cộng tác có tầm quan trọng đặc biệt trong các hoạt động thuộc lãnh vực trần
thế, người giáo dân làm chứng cho Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc thế giới và làm chứng
cho tình đoàn kết đại đồng của cả gia đình nhân loại.
Chú Thích:
11* Sắc Lệnh đã
nói tới nền tảng của nhân vị và cá nhân trong hoạt động tông đồ giáo dân, tới bản
tính cộng đoàn và xã hội của Kitô hữu, tới óc sáng kiến và tinh thần tùng phục,
tới việc tông đồ cá nhân và có tổ chức. Giờ đây Công Ðồng đưa ra một vài tiêu
chuẩn để cho các khía cạnh tông đồ này, dầu bề ngoài có vẻ đối nghịch nhau, vẫn
hòa hợp với nhau, dựa theo sự khôn ngoan cao đẹp và thánh thiện. Sắc Lệnh xác định
rằng Giáo Hội không thể chấp nhận chủ nghĩa duy giáo sĩ hay duy giáo dân; hoặc
duy pháp lý hay tình trạng vô trật tự. Tự do của con người và sáng kiến cá nhân
phải hòa hợp nhau trong việc tìm kiếm công ích. Quyền bính là để phục vụ nhưng
phục vụ qua việc điều khiển hướng dẫn. Vấn nạn trung ương tập quyền hay phân
quyền giải quyết được nhờ sự kiện hàng Giáo Phẩm và giáo dân cùng theo đuổi một
mục đích nhưng có chức vụ khác nhau với quyền lợi và bổn phận khác nhau.
Cũng thế, tinh
thần đoàn thể không có nghĩa là tình trạng lộn xộn hay vô trật tự, nhưng là
hành động có tổ chức nhắm tới ích chung. Về phía hàng Giáo Phẩm, các ngài nên
có khuynh hướng tôn trọng sáng kiến giáo dân, nhất là trong những lãnh vực
chuyên biệt của họ, làm sao cho tất cả mọi người đều tha thiết và lo lắng cho
thành quả của việc tông đồ trong tinh thần hiệp thông và phục vụ. Ðây là những
tiêu chuẩn hướng dẫn việc tông đồ giáo dân:
- Tông đồ giáo
dân, cá nhân hay có tổ chức phải ăn nhập với hoạt động tông đồ của toàn thể
Giáo Hội, để cho sự hiệp nhất với các mục tử trong Giáo Hội trở thành điều kiện
cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ.
- Sự cộng tác giữa
các tổ chức khác nhau là điều cần thiết và cần được hàng Giáo Phẩm hướng dẫn.
- Sự kính trong
lẫn nhau và sự phân phối xứng hợp trở nên như những điều kiện cấp bách cho việc
cổ võ tinh thần hiệp nhất và bác ái huynh đệ. Công Ðồng nhắn nhủ tín hữu cần
tránh mọi tinh thần tranh đua bất chính giữa các hội đoàn. Ðiều kiện này theo Sắc
Lệnh, còn cần thiết hơn nếu có những tổ chức tông đồ giữa các linh mục triều và
dòng, tu sĩ và giáo dân.
1 Xem Piô XI, Tđ
Quamvis Nostra, 30-4-1936: AAS 28 (1936), trg 160-161.
2 Xem S.C.
Concilii, Resolutio Corrienten, 13-11-1920: AAS 13 (1921), trg 137-140.
3 Xem Piô XII,
Huấn từ ad II Conventum ex Omnibus Gentibus Laicorum apostilatui provehendo,
5-10-1957: AAS 49 (1957), trg 927.
4 Xem CÐ vat.
II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 37: AAS 57 (1965), trg 42-43.
5 Xem Piô XII,
Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 660.
6 Xem CÐ Vat.
II, Sắc Lệnh về Canh tân thích nghi đời sống dòng tu, số 8.
7 Xem Benedictô
XIV, De Synodo Diocesana c. I, III, ch. IX, số VII-VIII: Opera omnia in tomos
XVII distributa, bộ XI (Prati 1844), trg 76-77.
8 Xem Piô XI, Tđ
Quamvis nostra, 30-4-1936: AAS 28 (1936), trg 160-161.
12* Do tự sắc
"Catholicam Christi Ecclesiam" ngày 6 tháng Giêng năm 1967, Ðức
Phaolô VI chính thức thiết lập Hội Ðồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng về Công
Lý và Hòa Bình.
Ðây là một thực
hiện cụ thể đối với những điều Công Ðồng đã trình bày ở số 26 của Sắc Lệnh về
Tông Ðồ Giáo Dân và ở số 90 trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
9 Xem Gioan
XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 456-457. - Xem CÐ
Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 99-100.
13* Ðiều mà Công
Ðồng thiết tha mong muốn là người giáo dân không nên sống riêng rẽ và khép kín
với những người không cùng một đức tin như mình. Công Ðồng kêu gọi sự cộng tác
"năng động" và "khôn ngoan" của chúng ta với mọi người thiện
chí để cùng nhau thăng tiến và cổ võ những gì chân thật, công bằng, thánh thiện
và đáng yêu quí (x. Ph 4,8; TÐ 14); và hãy luôn lưu tâm đến "những gì hiệp
nhất hơn là chia rẽ".
10 Xem CÐ Vat.
II, Sắclệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 100; x. thêm Hiến Chế tín
lý về Giáo Hội, số 5: AAS 57 (1965), trg 19-20.
Chương VI: Huấn Luyện Làm Tông Ðồ
28. Cần huấn luyện để làm
việc Tông đồ. Việc tông đồ chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện đầy đủ
và chuyên biệt. Sở dĩ đòi hỏi phải được huấn luyện chu đáo như thế không những
vì người giáo dân phải tiến bộ liên tục về đời sống thiêng liêng và về giáo lý,
mà họ còn phải thích nghi trong khi hoạt động với những hoàn cảnh khác biệt tùy
theo thực tại, nhân sự cũng như tùy theo nhiệm vụ. Việc huấn luyện này phải dựa
trên những nền tảng đã được Thánh Công Ðồng đề xướng và công bố trong nhiều văn
kiện khác 1.
Ngoài việc huấn luyện chung cho mọi tín hữu, còn phải có thêm lớp huấn luyện
chuyên biệt cho một vài đoàn thể tông đồ có nhiều đoàn viên và hoàn cảnh khác
nhau.
29. Những nguyên tắc của
việc huấn luyện. Vì giáo dân cũng được tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội theo thể
thức riêng của họ, nên việc huấn luyện cho họ làm tông đồ phải căn cứ trên tính
chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa lòng đời, và phải đặc biệt
thích nghi với đời sống thiêng liêng của họ.
Việc huấn luyện
để làm tông đồ cũng bao hàm việc huấn luyện toàn diện con người cho phù hợp với
nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người. Thực vậy, giáo dân nhờ việc hiểu biết thấu
đáo về thế giới hiện đại, họ phải là một phần tử thích nghi với xã hội và với nền
văn hóa riêng của họ.
Nhưng tiên vàn,
người giáo dân phải học sao cho biết chu toàn sứ mệnh của Chúa Kitô và của Giáo
Hội bằng sống đức tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa sáng tạo và cứu chuộc dưới sự hướng
dẫn của Thánh Thần, vì Thánh Thần là Ðấng làm cho Dân Chúa được sống, Ðấng thôi
thúc mọi người yêu mến Thiên Chúa Cha cũng như mến yêu thế giới và nhân loại
trong Ngài. Việc huấn luyện như thế phải được coi là căn bản và là điều kiện
cho mọi hoạt động tông đồ có hiệu quả.
Ngoài việc huấn
luyện về đời sống thiêng liêng, còn phải huấn luyện vững chắc về giáo lý, ngay
cả về thần học, luân lý, triết học tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh và khả năng.
Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát cũng như đào tạo về kỹ
thuật và thực hành.
Ðể việc giao tế
với người khác được tốt đẹp, cần phải phát huy những giá trị nhân bản thực, nhất
là cách sống chung thân thiện, cộng tác và đối thoại với mọi người.
Bởi vì việc huấn
luyện tông đồ không phải chỉ hệ tại việc huấn luyện về lý thuyết, nhưng phải dấn
thân trọng tập cho người giáo dân, ngay từ bước đầu dưới ánh sáng đức tin, đồng
thời trong khi hành động, biết tự luyện và nên hoàn thiện cùng với người khác.
Ðược như vậy họ sẽ phục vụ Giáo Hội một cách tích cực 2.
Việc huấn luyện này cần phải được hoàn hảo luôn mãi vì con người ngày một trưởng
thành và vì những vấn đề luôn luôn biến đổi. Chính vì thế việc huấn luyện đòi hỏi
một kiến thức mỗi ngày một sâu rộng, cũng như một hành động luôn luôn thích
nghi. Ðể thỏa mãn những đòi hỏi muôn mặt trong việc huấn luyện, phải luôn lưu
tâm tới tính cách duy nhất và toàn vẹn của con người để duy trì và gia tăng sự
hòa hợp và thế quân bình nơi họ.
Như thế, người
giáo dân mới dấn thân vào chính thực tại của trật tự trần thế một cách tích cực
và sâu xa cũng như đảm đương vai trò của mình trong việc điều hành trật tự trần
thế một cách hữu hiệu. Ðồng thời, như một phần tử sống động và là chứng nhân của
Giáo Hội, họ làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ngay giữa lòng trần thế 3.
30. Người chịu trách nhiệm
huấn luyện. Việc huấn luyện làm tông đồ phải bắt đầu ngay từ lúc mới giáo dục
các trẻ em. Nhưng đặc biệt phải tập cho các thanh thiếu niên biết làm tông đồ
và thấm nhuần tinh thần này. Việc huấn luyện này còn phải được tiếp tục trong
suốt đời chúng tùy theo đòi hỏi của những trách nhiệm mới mà chúng lãnh nhận. Vậy
những ai có trách nhiệm trong việc giáo dục Kitô giáo hẳn nhiên là phải coi trọng
bổn phận huấn luyện tông đồ này.
Trong gia đình,
bậc cha mẹ phải lo dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu nhận biết tình thương
yêu thương của Thiên Chúa đối với hết mọi người, và dần dần, nhất là bằng gương
sáng, phải dạy cho chúng biết lo lắng đến những nhu cầu vật chất cũng như tinh
thần của người lân cận. Như vậy toàn thể gia đình và đời sống chung của gia
đình phải nên như trường huấn luyện đầu tiên cho việc tông đồ.
Hơn nữa, trẻ em
cần phải được giáo dục sao để vượt khỏi phạm vi gia đình, cho chúng biết nghĩ tới
các cộng đoàn khác như Giáo Hội và xã hội. Chúng phải được tham dự vào đời sống
cộng đoàn giáo xứ nơi chúng đang sống thế nào để cho chúng ý thức được mình là
một thành phần sống động và hoạt động của toàn thể Dân Thiên Chúa. Các linh mục
phải luôn nhớ đến việc huấn luyện tông đồ này trong khi giảng dạy giáo lý,
trong các bài giảng, trong việc coi sóc linh hồn cũng như trong tất cả mọi hoạt
động mục vụ khác.
Các trường học,
các trường cao đẳng, các học viện công giáo nhằm mục đích giáo dục cũng có bổn
phận phải giáo dục cho giới trẻ tinh thần công giáo và hoạt động tông đồ. Nếu
thiếu việc huấn luyện này, hoặc vì thanh thiếu niên không học ở trường đó, hoặc
vì một lý do nào khác, bậc cha mẹ và các vị chủ chăn cũng như các hội đoàn lại
càng có bổn phận phải quan tâm đến vấn đề huấn luyện này. Do chức nghiệp và phận
sự, các thầy dạy và các nhà giáo dục thực hành việc tông đồ giáo dân dưới một
hình thức cao cả, do đó họ phải hấp thụ nền giáo lý cần thiết và phải thông thạo
cao cả, do đó họ phải hấp thụ nền giáo lý cần thiết và phải thông thạo về khoa
sư phạm để có thể giáo dục cách hữu hiệu.
Cả những tập thể
hay các hội đoàn giáo dân, hoặc nhằm mục đích tông đồ hay nhằm những mục đích
siêu nhiên nào khác, cũng phải tùy theo mục tiêu và phương thế riêng của mình
mà chuyên cần hỗ trợ cho việc huấn luyện tông đồ này 4.
Chính những tổ chức này thường là đường lối thông thường thích hợp cho việc huấn
luyện làm tông đồ. Quả thật chính trong những tổ chức ấy người ta thấy có việc
huấn luyện về giáo lý, về đời sống thiêng liêng và cả về thực hành. Cùng với những
bạn hữu hay với các đồng chí hợp thành tiểu tổ, các đoàn viên của những tổ chức
này kiểm điểm về những phương pháp, kết quả của hoạt động tông đồ của mình và
cùng nhau đem đời sống hằng ngày của mình đối chiếu với Phúc Âm.
Việc huấn luyện
này phải được tổ chức thế nào để bao gồm tất cả hoạt động tông đồ của người
giáo dân. Vì không những họ hoạt động tông đồ giữa những tiểu tổ của các đoàn
thể, mà còn phải hoạt động suốt đời trong mọi hoàn cảnh nhất là trong đời sống
nghề nghiệp và trong đời sống xã hội. Hơn nữa, mỗi người giáo dân phải tích cực
chuẩn bị để làm tông đồ. Việc chuẩn bị này càng cấp bách ở tuổi trưởng thành.
Thực vậy càng lớn lên, trí khôn càng mở mang, vì thế mỗi người có thể khám phá
thêm những tài năng Thiên Chúa phú bẩm cho, cũng như có thể sử dụng hữu hiệu
hơn những đoàn sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho để mưu ích cho các anh em mình.
31. Thích ứng việc huấn
luyện với từng hình thức hoạt động tông đồ. Những hình thức hoạt động tông đồ khác
nhau cũng đòi hỏi một sự huấn luyện đặc biệt tương ứng:
a) Ðối với việc
tông đồ nhằm rao truyền Phúc Âm và thánh hóa mọi người, người giáo dân phải được
huấn luyện đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, với những người có đức
tin hay với những người không tin, để bày tỏ sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người 5.
Vì ở thời đại
chúng ta, duy vật chủ nghĩa dưới mọi hình thức đang lan tràn khắp nơi, ngay cả
giữa những người công giáo, nên người giáo dân không những phải chuyên cần học
hỏi giáo lý công giáo, đặc biệt là những vấn đề đang được đem ra tranh luận, mà
họ còn phải làm chứng bằng một đời sống Phúc Âm để chống lại với bất cứ hình thức
duy vật chủ nghĩa nào.
b) Về việc cải tạo
trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo, người giáo dân phải được học hỏi về
ý nghĩa đích thực và về những giá trị của những của cải trần gian, hoặc căn cứ ở
chính những của cải ấy, hoặc căn cứ vào liên lạc giữa chúng với mọi mục đích của
con người. Họ cũng phải được tập luyện để sử dụng đúng những của cải trần thế
và biết tổ chức các cơ cấu, mà vẫn luôn luôn để ý đến công ích theo những
nguyên tắc của học thuyết luân lý và xã hội của Giáo Hội, nhất là giáo dân phải
lãnh hội những nguyên tắc và những áp dụng của học thuyết xã hội này để có khả
năng không những góp phần vào việc phát triển học thuyết đó mà còn áp dụng đúng
đắn học thuyết đó vào từng trường hợp cá biệt 6.
c) Vì những công
cuộc bác ái và từ thiện là một bằng chứng hùng hồn về đời sống Kitô giáo, nên
việc huấn luyện tông đồ cũng cần phải khuyến khích thực hiện những công cuộc
đó, để các đồ đệ của Chúa Kitô, ngay từ thiếu thời, đã biết chia sẻ nỗi đau khổ
của người anh em mình và rộng lòng giúp đỡ những anh em thiếu thốn 7.
32. Phương thế huấn luyện.
Người tông đồ giáo dân hiện nay có nhiều phương thế, chẳng hạn: những khóa học
tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi họp mặt thường
xuyên, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những sách giải thích: tất
cả đều là những phương thế giúp họ trau giồi thêm kiến thức về Thánh Kinh cũng
như về giáo lý công giáo, giúp họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cũng như
giúp họ hiểu biết những hoàn cảnh sống của thế giới để khám phá và sử dụng những
phương pháp thích ứng nhất 8.
Những phương thế
huấn luyện này được sử dụng tùy theo các hình thức hoạt động tông đồ khác nhau
cũng như tùy môi trường hoạt động.
Có nhiều trung
tâm và nhiều viện cao đẳng cũng được thiết lập nhằm mục đích huấn luyện này đã
đem lại nhiều kết quả mỹ mãn.
Thánh Công Ðồng
hoan hỷ vì thấy những sáng kiến như thế đang thịnh hành nhiều nơi và mong muốn
thấy người ta thiết lập những cơ sở như thế ở những nơi đang cần thiết.
Hơn nữa Thánh
Công Ðồng cũng cổ võ sự thiết lập những trung tâm thu thập tài liệu và nghiên cứu
cho hết mọi hoạt động tông đồ, không những về khoa thần học mà cả về các khoa học
khác như nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học, phương pháp học, để phát triển
tài năng của giáo dân nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như giới trưởng thành.
Lời Kêu Gọi
33. Vậy Thánh Công Ðồng
nhân danh Chúa hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của
Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa
Kitô, Ðấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời
gọi này được đặc biệt gởi tới họ và ước gì họ vui mừng và quảng đại đón nhận.
Quả thật chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Ðồng này, mời gọi tất cả các
giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những
gì của Người cũng là của chính mình (x. Ph 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu
rỗi của chính Người và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi
Người sẽ đến (x. Lc 10,1). Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên
của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình
thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn luôn thích nghi với
những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng
khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người (x. 1Cor 15,58).
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 18 tháng 11 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, ch II, IV, V: AAS 57 (1965), trg 12-21; 37-49.
- x. thêm Sắc Lệnh về hiệp Nhất, số 4, 6, 7, 12: AAS 57 (1965), trg 94-96, 97,
99, 100. - x. thêm trên, số 4.
2 Xem Piô XII,
Huấn từ ad IV Conferentiam internationalem "Boy-Scout", 6-6-1952: AAS
44 (1952), trg 579-580. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53
(1961), trg 456.
3 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 33: AAS 57 (1965), trg 39.
4 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 455.
5 Xem Piô XII,
Tđ. Serium laetitae, 1-11-1939: AAS 31 (1939), trg 635-644. - Xem n.t., Ad
"laureati" Act. cath. It, 24-5-1953: AAS 45 (1953), trg 413-414.
6 Xem Piô XII,
Huấn từ ad Congressum universalem Foederationis mundialis juventutis femineae
Catholicae, 18-4-1952: AAS 44 (1952), trg 414-419. Xem n.t. Huấn từ ad
Associationem Christianam Operatiorum Italiae (X.C.I.I), 1-5-1955: AAS 47
(1955), trg 403-404.
7 Xem Piô XII,
ad Delegatos Conventus Sodalitatum Caritatis, 27-4-1952: AAS 44 (1952), trg
470-471.
8 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 454.
Sắc Lệnh Về Hoạt Ðộng Truyền Giáo Của Giáo Hội - Ad Gentes
Lời Giới Thiệu
Sắc Lệnh về hoạt
động truyền giáo của Giáo Hội có một lịch sử dài. Trong giai đoạn chuẩn bị Công
Ðồng đã có 7 bản thảo liên tiếp, nhưng ít được chấp nhận. Vì thế, Ủy Ban Công Ðồng
đặc trách vấn đề truyền giáo đã soạn thảo một lược đồ mới với nội dung rộng rãi
và rõ ràng hơn. Ðiều đáng tiếc là tháng 5-1964, một Ủy Ban phối hợp đã đơn giản
lược đồ đó vào 13 vấn đề tuy chính yếu nhưng không mấy phong phú. Ðến ngày
6-11-1964 Công Ðồng khởi sự thảo luận, và một sự kiện lạ thường xảy ra: để biểu
lộ mối quan tâm đặc biệt đến một vấn đ9ề quan trọng như vậy, Ðức Giáo Hoàng
Phaolô VI đã đích thân giới thiệu vấn đề tranh luận qua một huấn từ ngắn. Ngài
nói: "Khi quyết định chủ tọa ít là một buổi họp khoáng đại của quý chư
huynh, ngày hôm nay Ta muốn hiện diện lúc quý chư huynh đang quan tâm đến lược
đồ về việc truyền giáo. Sở dĩ Ta quyết định như vậy, là vì tầm quan trọng đặc
biệt của vấn đề hôm nay đang chi phối tâm trí của quý chư huynh". Sau khi
thảo luận 13 vấn đề, người ta thấy rằng lược đồ rất ít được quảng diễn. Cuộc bỏ
phiếu ngày 9-11-1964 quyết định là Ủy Ban đặc trách các vấn đề truyền giáo phải
soạn thảo một lược đồ mới. Dĩ nhiên, Ủy Ban đã thu lượm được tất cả những nhận
xét của các Nghị Phụ, nhờ đó, kết quả rất tích cực. Một lược đồ mới ra đời và
ai cũng ca tụng: dàn bài rõ ràng và hợp lý, trích dẫn Thánh Kinh, nền tảng thần
học vững chắc, giáo lý dồi dào, áp dụng cụ thể, đầy đủ mà không dài dòng chi tiết.
Sau một vài tu chỉnh, bản văn cuối cùng đã được nhận ngày 7-12-1965 với 2,394
phiếu thuận, 5 phiếu chống. Ðây là một trong những tỷ số chấp thuận cao nhất
cho một văn kiện Công Ðồng. Trước tiên Sắc Lệnh được gọi là "Sắc Lệnh về vấn
đề truyền giáo". Tựa đề hiện nay "Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội"
lần đầu tiên được xuất hiện trong lược đồ của 13 vấn đề. Lý do chính yếu của việc
thay đổi tựa đề hình như là để nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa hoạt động
và Giáo Hội. Hoạt động truyền giáo là việc thiết yếu của Giáo Hội, nó thuộc về
sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Vì thế tựa đề không muốn nói rằng: hoạt động
truyền giáo là một hoạt động riêng biệt trong Giáo Hội, bên cạnh những hoạt động
khác như hoạt động mục vụ, xã hội v.v...
Sự tương quan của
Sắc Lệnh này với Hiến Chế tín lý về Giáo Hội được đánh dấu bằng những chữ đầu
tiên của hai văn kiện "Ánh Sáng muôn dân" và "đến muôn
dân". Hai câu này ám chỉ đến lời tiên tri Isaia (42,6 và 49,6): đầy tớ của
Yahvê được sai đến cho thế giới để soi sáng và cứu rỗi muôn dân. Trước tiên, lời
tiên tri áp dụng vào Chúa Kitô, sau đó áp dụng vào Giáo Hội vì Giáo Hội tiếp tục
công trình của Người. Giáo Hội đang và luôn luôn sẽ là ánh sáng, là nguồn ơn cứu
độ cho thế giới vì chính khi truyền giáo, Giáo Hội sẽ chu toàn vai trò chính yếu
này. Hiến chế tín lý về Giáo Hội minh định rằng Giáo Hội là ánh sáng muôn dân,
là dấu chỉ thánh thiện (là bí tích) nói lên loài người có cùng một nguồn gốc và
một ơn cứu rỗi. Thực vậy, theo Hiến Chế, trung tâm và đời sống Giáo Hội là hoạt
động truyền giáo. Như thế, hoạt động truyền giáo là bản chất của sứ mạng Giáo Hội.
Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo tiếp tục đề tài đó, không phải chỉ lặp lại
suông, nhưng đặt nó vào trong một khung cảnh lịch sử và địa lý của thời đại
ngày nay.
Muốn thấu triệt
ý nghĩa và tầm quan trọng của Sắc Lệnh, phải đặt nó trong ý hướng căn bản của
Công Ðồng Vaticanô II. Người ta đã so sánh Vaticanô II và cho rằng Công Ðồng
thích hợp với thế giới hiện đại cũng như Công Ðồng Giêrusalem thích hợp với thời
xưa (CvSđ 15). Thời đó, Giáo Hội Hội sơ khai cũng sắp dấn bước rao giảng Phúc
Âm cho muôn dân và phải đương đầu với vấn đề truyền giáo nghiêm trọng nhất
trong lịch sử: phải đặt điều kiện thế nào để lương dân có thể gia nhập Giáo Hội?
Ngày nay mọi người đều biết Giáo Hội, nhưng đa số nhân loại chưa được đem về với
Chúa Kitô, và lòng trung thành của chính các Kitô hữu cũng chưa được như ý muốn.
Công Ðồng Vaticanô II canh tân nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội, cởi mở với thế
giới ngày nay và đề nghị một cuộc canh tân theo tinh thần Phúc Âm nhằm phát huy
lòng trung thành của Giáo Hội với sứ mạng được Chúa Kitô giao phó đối với thế
giới Kitô giáo và lương dân. Chính ý thức sứ mạng cấp bách này làm nền tảng thống
nhất các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn của Công Ðồng. Do đó, phải đọc sắc lệnh
về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong toàn thể chiều hướng đó.
Sắc Lệnh này khảo
luận các vấn đề lý thuyết cũng như thực hành về hoạt động truyền giáo trong thời
đại ngày nay. Ðồng thời, Sắc Lệnh cũng có tính cách rất thần học, nghĩa là các
chủ đề chính cũng như các vấn đề truyền giáo luôn luôn được đặt trong tương
quan với nguồn mạc khải. Những giải quyết và những tiêu chuẩn thực tế đều có nền
tảng thần học vững chắc, thường trực tiếp dựa trên những bản văn Thánh Kinh. Mọi
hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ tình yêu giữa Ba Ngôi và là một
hiệu quả, hay có thể nói là sự nối tiếp sứ mạng của các Ngài, là sự hoàn thành
ý định của Thiên Chúa trong thế giới, Ðấng muốn mọi người được cứu rỗi.
Trước hết, Sắc Lệnh
phân biệt rõ ràng việc rao giảng Phúc Âm tiên khởi cho các dân tộc chưa được
nghe Phúc Âm. Sau đó Sắc Lệnh đề cập đến sự hỗ trợ mà Giáo Hội phổ quát phải
đem lại cho các Giáo Hội vừa được khai sinh để những Giáo Hội này được vun trồng
một cách đầy đủ và đâm rể sâu trong lòng dân tộc và văn hóa. Tuy nhiên, không
có vấn đề truyền giáo trong các xứ đang xa dần Kitô giáo, những xứ mà trước kia
đã được rao giảng Phúc Âm nhưng hiên đang trải qua một sự thoái hóa rõ rệt, hay
nói cách khác, những xứ đó không còn đáp ứng với lý tưởng Kitô giáo chân chính.
Có người đã trách cứ Sắc Lệnh không đề cập đến hoạt động truyền giáo nhằm phục
hưng các xứ này. Dĩ nhiên Giáo Hội cũng có sứ mạng đó. Nhưng đây không phải là
sứ mạng "đến với muôn dân" theo ý nghĩa Thánh Kinh. Sắc Lệnh đã có lý
khi tự hạn chế vào các việc truyền giáo theo nghĩa thông thường. Việc phục hưng
Kitô giáo được thảo luận trong những văn kiện khác dưới nhiều khía cạnh khác
nhau, ví dụ như Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
Bố cục của Sắc Lệnh
dễ nhận thấy; đây là các phần chính:
- Phần mở đầu (số
1).
- Sáu Chương:
1. Những nguyên
tắc giáo thuyết (số 2-9).
2. Chính công việc
truyền giáo (số 10-18).
3. Các Giáo Hội
địa phương (số 19-22).
4. Các nhà truyền
giáo (số 23-27).
5. Tổ chức hoạt
động truyền giáo (số 28-34).
6. Sự cộng tác
(số 35-41).
- Kết luận (số
42).
Sắc Lệnh Về Hoạt Ðộng Truyền Giáo Của Giáo Hội
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa IX Ngày 07
tháng 12 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh về Hoạt
Ðộng Truyền Giáo Của Giáo Hội
Ad Gentes
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
1. Ðược Thiên Chúa sai đến
muôn dân để nên "bí tích cứu độ phổ quát" 1,
Giáo Hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng
Sáng Lập 2,
1*
nhất quyết loan báo Phúc Âm cho hết mọi người. Thực vậy, chính các Tông Ðồ, nền
tảng của Giáo Hội, đã theo chân Chúa Kitô, "rao giảng lời chân lý và khai
sinh các giáo đoàn" 3.
Do đó, những người kế vị các Tông Ðồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để
"lời Chúa được lan tràn và sáng tỏ" (2 Th 3,1), nước Chúa được công bố
và thiết lập khắp trần gian.
Nhưng tình trạng
thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh 2*
mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian 4,
càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được
tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một
Dân Chúa duy nhất.
Bởi vậy 3*,
trong niềm cảm tạ Thiên Chúa vì những kỳ công mà toàn thể Giáo Hội đã nhiệt tâm
thực hiện, Thánh Công Ðồng này ao ước vạch ra những nguyên tắc hoạt động truyền
giáo và tập trung năng lực mọi tín hữu lại, để Dân Chúa, khi dấn thân bước trên
đường chật hẹp của thập giá, mở rộng nước Chúa Kitô, là Chúa và là Ðấng thấu suốt
muôn đời 5
đồng thời dọn đường chờ Người đến.
Chương I: Những Nguyên Tắc Giáo Thuyết 4*
2. Ý định của Chúa Cha. Tự
bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ
mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha 6.
5*
Ý định này tuôn
trào từ "suối tình yêu" cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì
chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi
Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần. Vì quá nhân từ thương xót,
Người đã tự ý dựng nên chúng ta, và lại nhưng không mời gọi chúng ta tham dự
vào sự sống và vinh hiển với Ngài; Ngài còn rộng rãi đổ tràn lòng nhân từ xuống
cho chúng ta và còn đổ mãi không ngừng đến nỗi Ngài là Ðấng tác tạo muôn loài lại
trở nên "mọi sự trong mọi người" (1Cor 15,28), để đồng thời làm vinh
danh Ngài và mưu cầu hạnh phúc cho chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa muốn mời gọi
mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá nhân không liên
lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy nhất, trong đó đoàn
tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi 7.
3. Sứ mệnh của Chúa Con. Ý
định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện
một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người, hoặc bằng những kế hoạch,
ngay cả kế hoạch tôn giáo, để nhờ đó con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều
cách, "hầu may ra sẽ đến gần Ngài hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở
xa mỗi người chúng ta" (CvTđ 17,27); những kế hoạch đó cần phải được soi dẫn
và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, có thể được
coi như những con đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị Phúc Âm 8.
6*
Nhưng để củng cố hòa bình hay là mối hiệp thông cùng Thiên Chúa, và để xây dựng
một xã hội huynh đệ giữa con người, con người tội lỗi, Ngài đã quyết định đi
vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc
lấy xác phàm chúng ta, để nhờ Chúa Con, Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực
tối tăm và Satan 9
và để trong Chúa Con Ngài hòa giải trần gian với chính Ngài 10.
Thật vậy, nhờ Chúa Con mà Ngài đã sáng tạo vũ trụ 11
thì Ngài cũng đặt Chúa Con thừa hưởng vũ trụ, để trong Chúa Con mọi sự được tái
lập 12.
Bởi vậy, Chúa
Giêsu Kitô được sai xuống thế trần làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và
nhân loại. Vì Người là Thiên Chúa, nên "ở trong Người, ngay trong thân xác
Người, có tất cả sự sung mãn về thiên tính" (Col 2,9). Còn theo nhân tính,
Người là Adam mới 7*
được đặt làm đầu nhân loại đã đổi mới: "Người đầy ân sủng và chân lý"
(Gio 1,14). Do đó, bằng đường lối nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để
làm cho loài người thông phần vào bản tính Thiên Chúa; dù giàu sang, Người đã
trở nên nghèo hèn vì chúng ta, để nhờ sự thiếu thốn đó mà chúng ta được sang giầu
13.
Con Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống chuộc
tội thay cho nhiều người, nghĩa là mọi người 14.
Các Thánh Phụ 8*
luôn quả quyết rằng sự gì không được Chúa Kitô nhận lấy thì không được cứu
thoát 15.
Thật vậy, Chúa Kitô đã nhận lấy trọn vẹn nhân tính chúng ta, là những kẻ khốn
khổ và nghèo hèn, ngoại trừ tội lỗi 16.
Chúa Kitô, "Ðấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian" (x.
Gio 19,36) đã nói về chính mình rằng: "Thần Linh Chúa ở trên ta, nên Ngài
đã xức dầu cho Ta, sai Ta rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, an ủi kẻ khổ
tâm, loan báo sự giải thoát cho kẻ tù đầy và đem sự sáng mắt cho kẻ đui
mù" (Lc 4,18); Người còn nói: "Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều
gì bị hư đi" (Lc 19,10).
Những gì Chúa đã
một lần rao giảng hay đã hoàn tất trong Người cho phần rỗi nhân loại, phải được
công bố và truyền bá tới tận cùng trái đất 17,
bắt đầu từ Giêrusalem 18:
như thế những gì đã một lần thực hiện cho phần rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực
qua suốt dòng thời gian, cho hết mọi người.
4. Sứ mệnh của Chúa Thánh
Thần. Ðể hoàn thành việc đó, Chúa Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để
Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành
trướng thêm mãi. Dĩ nhiên là Chúa Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước
khi Chúa Kitô được vinh hiển 19,
nhưng trong ngày Hiện Xuống, Ngài đã ngự xuống trên các Tông Ðồ để ở lại với họ
muôn đời 20:
Giáo Hội công khai ra mắt dân chúng, Phúc Âm bắt đầu được phổ biến giữa muôn
dân nhờ lời giảng dạy, và sau hết tiên báo sự hợp nhất các dân tộc trong tính
cách công giáo của đức tin, nhờ Giáo Hội Tân Ước 9*
nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và bao gồm mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như
thế đã thắng vượt sự phân tán do tháp Babel 21.
10*
Thực vậy "công vụ Tông đồ" bắt đầu từ ngày Hiện Xuống, như khi Chúa
Thánh Thần đến ngự trên Trinh Nữ Maria thì Chúa Kitô được thụ thai, và như khi
Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Kitô lúc Người cầu nguyện thì Người được thúc đẩy
bắt đầu thi hành chức vụ 22.
Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã
xếp đặt chức vụ Tông Ðồ và hứa sai Chúa Thánh Thần đến hầu chức vụ và việc sai
ban Chúa Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại
kết quả khắp nơi 23.
Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần "hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp
thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng 11*
khác nhau" 24,
như là linh hồn làm sống động những Tổ Chức trong Giáo Hội 25
và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính
Chúa Kitô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động
truyền giáo 26,
cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy
27.
5. Sứ mệnh của Giáo Hội.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu "đã gọi đến với Người những kẻ chính Người muốn và
đặt ra mười hai người để họ ở cùng Người rồi sai họ đi rao giảng" (Mc
3,13) 28.
Như thế, các Tông Ðồ là mầm mống của Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của
hàng Giáo Phẩm. Sau đó, khi Chúa Giêsu, bằng cái chết và sự sống lại, đã một lần
hoàn tất nơi Người những mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta và canh tân vũ trụ, Người
đã chiếm hữu toàn quyền trên trời dưới đất 29
và trước khi về trời 30,
đã thiết lập Giáo Hội Người làm bí tích cứu độ, và sai các Tông Ðồ đi khắp thế
gian như chính Người đã được Chúa Cha sai 31,
khi Người truyền: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân: rửa tội cho họ nhân
danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các
con" (Mt 28,19-20). "Hãy đi khắp trần gian rao giảng Phúc Âm cho hết
mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi: còn ai không tin sẽ
bị luận phạt" (Mc 16,15). Do đó, Giáo Hội có bổn phận truyền bá đức tin và
ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, phần thì do mệnh lệnh rõ ràng mà các Tông Ðồ đã truyền
lại cho hàng Giám Mục 12*
với sự tham dự của các linh mục, hợp nhất với Ðấng kế vị Phêrô cũng là Mục Tử Tối
Cao của Giáo Hội, phần thì do đời sống mà Chúa Kitô thông ban cho các chi thể,
"nhờ Người, toàn thân được khăng khít và liên kết với nhau bằng mọi mối khớp
cung dưỡng, tùy theo mức độ hoạt động của mỗi chi thể, làm cho thân thể triển nở
mà tự kiến tạo trong đức ái" (Eph 4,16). Vì thế, sứ mệnh của Giáo Hội được
hoàn tất do việc Giáo Hội vâng lệnh Chúa Kitô, được ân sủng và tình thương Chúa
Thánh Thần thúc đẩy, đã trở nên hoàn toàn thực sự có mặt nơi mọi người hay mọi
dân tộc, để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các Bí Tích và những phương
tiện ân sủng khác, Giáo Hội sẽ dẫn họ đến đức tin, tự do và hòa bình của Chúa
Kitô: nhờ đó họ thấy con đường tự do và vững chắc giúp họ tham dự trọn vẹn mầu
nhiệm Chúa Kitô.
Vì sứ mệnh này
tiếp diễn, và qua dòng lịch sử làm sáng tỏ sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Ðấng đã
được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần
Chúa Kitô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Kitô đã
đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết, để rồi toàn
thắng nhơ sự sống lại 13*
của Người. Chính các Tông Ðồ trong niềm hy vọng cũng đã bước đi trên đường lối
đó, đã chịu nhiều nghịch cảnh và đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót
trong cuộc khổ nạn Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội 32.
Nhiều khi máu các Kitô hữu còn là hạt giống nữa 33.
6. Hoạt động truyền giáo.
Hàng Giám Mục, mà đứng đầu là Ðấng Kế Vị Phêrô, phải chu toàn chức vụ đó, nhờ
vào lời cầu nguyện và cộng tác của toàn thể Giáo Hội bất cứ ở đâu và bất cứ
trong hoàn cảnh nào, chức vụ đó vẫn chỉ là một chức vụ duy nhất, dầu hoàn cảnh
không cho phép thi hành một cách như nhau. Vì thế, sự khác biệt phải nhận là có
trong hoạt động của Giáo Hội nhưng không phát sinh từ bản tính sâu xa của chính
sứ mệnh, mà từ những hoàn cảnh mà sứ mệnh này được thực thi.
Những hoàn cảnh
đó hoặc tùy thuộc vào Giáo Hội, hoặc cũng tùy thuộc vào các dân tộc, các nhóm
người, hay những ai mà sứ mệnh nhắm tới. Thực vậy, dù do bản tính Giáo Hội nắm
giữ toàn thể, nghĩa là đầy đủ mọi phương tiện cứu rỗi, nhưng Giáo Hội không
hành động, cũng không thể hành động luôn luôn và tức khắc theo mọi phương tiện
đó, mà phải dò dẫm những bước đầu, rồi tùy theo các giai đoạn mà hành động, để
cố gắng thực hiện hữu hiệu ý định của Thiên Chúa. Hơn nữa, đôi lúc sau khi có
những tiến bộ may mắn ban đầu, Giáo Hội lại phải đau đớn lùi bước, hay ít ra dừng
lại trong một trạng thái lưng chừng và thiếu sót. Ðối với con người, đoàn thể
hay dân tộc, Giáo Hội chỉ tiếp xúc và thấm nhập dần dần, và như vậy nhận họ vào
hưởng sự sung mãn công giáo. Những hành động riêng tư hay những khí cụ thích
nghi phải tương xứng với từng hoàn cảnh hay từng trạng thái.
Ðược gọi chung
là "việc truyền giáo" tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà
rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội 14*
đang đi khắp thế gian để thực hiện chức vụ rao giảng Phúc Âm, và "trồng"
Giáo Hội vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô; những
công cuộc này được hoàn thành nhờ hoạt động truyền giáo, và phần nhiều được thực
hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa Thánh đã công nhận. Mục đích riêng của
hoạt động truyền giáo này là rao giảng Phúc Âm và trồng Giáo Hội vào các dân tộc
hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ 34.
Như thế, do hạt giống lời Chúa, các Giáo Ðoàn địa phương một khi đã được thiết
lập đầy đủ khắp nơi trên thế giới, phải lớn lên, và, một khi thực sự tự mình có
đủ sức sống và trưởng thành, nghĩa là đã được thiết lập Hàng Giáo Phẩm riêng,
phải hiệp nhất với dân trung thành; đồng thời có những phương tiện hầu như
tương ứng để sống đầy đủ đời sống Kitô giáo, các Giáo Ðoàn đó phải góp phần vào
lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Phương tiện chính để gieo trồng các Giáo Ðoàn
này là việc rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô; chính vì vậy mà Chúa đã sai
các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm, để sau khi con người đã được tái
sinh do lời Thiên Chúa 35
sẽ nhờ phép Rửa mà gia nhập Giáo Hội, một Giáo Hội, với tư cách là thân xác của
Ngôi Lời nhập thể, được nuôi dưỡng và sống động bằng lời Chúa và bánh thánh thể
36.
Trong hoạt động
truyền giáo của Giáo Hội, có nhiều thời cảnh đôi khi lẫn lộn với nhau: trước hết
là thời khởi công hay gieo trồng, sau đó là thời mới mẻ trẻ trung. Tuy nhiên,
khi trải qua các thời cảnh đó rồi, hoạt động truyền giáo của Giáo Hội vẫn không
ngừng trệ: các Giáo Ðoàn địa phương đã được thiết lập có nhiệm vụ tiếp tục hoạt
động truyền giáo và rao giảng Phúc Âm cho từng người còn ở ngoài 15*
Giáo Hội.
Ngoài ra, những
nhóm người mà Giáo Hội đang chung sống, thường bị thay đổi tận gốc vì nhiều lý
do khác nhau, đến nỗi có thể xuất hiện những hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Khi ấy
Giáo Hội phải cân nhắc xem những hoàn cảnh đó có còn đòi phải hoạt động truyền
giáo nữa không? Ngoài ra đôi khi có những hoàn cảnh làm cho trong một thời gian
không thể trực tiếp thi hành ngay sứ mệnh rao giảng Phúc Âm: lúc đó, các nhà
truyền giáo có thể và phải làm chứng về Chúa Kitô trong nhẫn nhục, khôn ngoan,
đồng thời trong tin tưởng vững vàng, ít nữa là làm chứng bằng bác ái và lòng từ
thiện; như thế là dọn đường cho Chúa và làm cho Ngài hiện diện một cách nào đó.
Như thế, rõ ràng
là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Giáo Hội. Nó
truyền bá đức tin cứu rỗi của Giáo Hội, hoàn tất sự hiệp nhất công giáo của
Giáo Hội bằng cách làm bành trướng sự hiệp nhất này, nó dựa vào tính cách tông
truyền của Giáo Hội, nó thể hiện ý nghĩa cộng đoàn của hàng Giáo Phẩm, nó làm
chứng, truyền bá và thúc đẩy sự thánh thiện của Giáo Hội. Như thế, hoạt động
truyền giáo giữa muôn dân khác với việc thi hành hoạt động mục vụ giúp các tín
hữu và với những công cuộc nhằm tái lập sự hiệp nhất Kitô hữu. Tuy nhiên, cả
hai việc này đều liên kết rất chặt chẽ với nhiệt tâm truyền giáo của Giáo Hội 37:
thực vậy, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu gây tai hại cho công việc rất thánh thiện
là rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo 38,
và còn khép kín con đường đưa tới đức tin đối với nhiều người. Do đó, vì sứ mệnh
truyền giáo đòi hỏi, tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội đều được kêu gọi quy
tụ vào một đoàn duy nhất, và như thế họ có thể đồng lòng làm chứng về Chúa
Kitô, Chúa của họ, trước mặt muôn dân. Nếu họ chưa có thể làm chứng đầy đủ về một
đức tin duy nhất, thì ít ra họ phải sống trong niềm quí trọng và yêu mến nhau.
7. Lý do và sự cần thiết của
hoạt động truyền giáo. Lý do hoạt động truyền giáo này bắt nguồn từ ý muốn của
Thiên Chúa, Ðấng "muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thực vậy
chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài
người, là con người Giêsu Kitô, Ðấng đã tự hiến để cứu chuộc mọi người"
(1Tm 2,4-6), "và sự cứu rỗi không ở trong một người nào khác" (CvTđ
4,12). Vậy mọi người, nhờ lời giảng dạy của Giáo Hội mà nhận biết Người, phải
trở lại với Người và chịu phép Rửa để sáp nhập vào chính Người và vào Giáo Hội,
Thân Thể Người. Thực vậy, chính Chúa Kitô "đã minh nhiên công bố sự cần
thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy 39,
đồng thời, Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước
vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được
Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà
vẫn không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội thì không thể được cứu rỗi" 40.
Cho nên, dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối Ngài biết để đưa những kẻ
không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với đức tin, vì không có đức tin thì
không thể làm vui lòng Ngài 41,
nhưng Giáo Hội có bổn phận và đồng thời có thánh quyền rao giảng Phúc Âm 42;
do đó, ngày nay và luôn mãi, hoạt động truyền giáo 16*
vẫn còn giữ vẹn hiệu lực và cần thiết.
Nhờ hoạt động
truyền giáo, Nhiệm Thể Chúa Kitô không ngừng qui tụ và phối hợp các năng lực
vào việc phát triển chính mình 43.
Ðể theo đuổi hoạt động truyền giáo, các chi thể của Giáo Hội phải được bác ái
thúc đẩy vì nhờ đó họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao san sẻ cho mọi người các ân
huệ thiêng liêng đời này và đời sau.
Sau cùng, nhờ hoạt
động truyền giáo này, Thiên Chúa được hoàn toàn tôn vinh, một khi con người ý
thức chấp nhận hoàn toàn công trình cứu chuộc mà Ngài đã hoàn thành trong Chúa
Kitô. Do đó, nhờ hoạt động truyền giáo, ý định của Thiên Chúa được hoàn tất:
Chúa Kitô đã vâng lời và yêu mến Chúa Cha để làm tôn vinh danh Chúa Cha, Ðấng
đã sai Người 44,
hầu toàn thể nhân loại hợp thành một Dân Chúa duy nhất, kết thành một thân thể
duy nhất của Chúa Kitô, xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần:
điều đó nói lên sự đồng tâm huynh đệ, nên chắc chắn sẽ đáp ứng nguyện vọng sâu
xa của hết mọi người. Chính vì thế mà sau cùng sẽ thực sự hoàn tất ý định của Ðấng
Tạo Hóa, Ðấng đã dựng nên con người theo hình ảnh mình và giống như mình, khi
mà tất cả những ai tham dự bản tính nhân loại, một khi đã được tái sinh trong
Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần và cùng nhau chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa,
sẽ có thể nói: "lạy Cha chúng tôi" 45.
8. Hoạt động truyền giáo
trong đời sống và trong lịch sử của nhân loại. Hoạt động truyền giáo cũng liên
kết chặt chẽ với chính bản tính nhân loại và những ước vọng của nhân loại. Thực
vậy, khi biểu dương Chúa Kitô, chính là Giáo Hội mạc khải cho con người biết
chân lý đích thực về hoàn cảnh và ơn gọi toàn diện của họ, vì Chúa Kitô là
nguyên lý và mẫu mực của nhân loại đổi mới, một nhân loại thấm nhuần tình
thương huynh đệ, sự thành thật và tinh thần hòa bình mà mọi người đều ước nguyện.
Chúa Kitô và Giáo Hội, một Giáo Hội làm chứng về chính Chúa Kitô qua lời rao giảng
Phúc Âm, vượt trên mọi dị biệt về nòi giống và dân tộc; như thế, Chúa Kitô và
Giáo Hội không có thể bị coi là xa lạ với bất cứ ai hay bất cứ nơi nào 46.
Chính Chúa Kitô là sự thật và là đường lối mà việc rao giảng Phúc Âm đã bày tỏ
cho mọi người khi vọng đến tai họ những lời của chính Chúa Kitô: "Hãy hối
cải và tin vào Phúc Âm" (Lc 1,15). Vì kẻ nào không tin thì đã bị luận phạt
rồi 47,
nên lời Chúa Kitô vừa là lời luận phạt vừa là lời ân sủng, vừa đem lại sự chết
vừa thông ban sự sống. Thực vậy, chỉ có cách hủy diệt cái cũ, chúng ta mới có
thể tiến đến một đời sống mới: điều đó tuy trước tiên áp dụng cho con người,
nhưng cũng có giá trị cho những của cải khác ở thế gian này; những của cải đó
đã bị tội lỗi loài người ghi dấu và đồng thời cũng được Thiên Chúa chúc lành:
"vì chưng mọi người đã phạm tội và đã làm mất vinh quang Thiên Chúa"
(Rm 3,23). Tự mình và do sức riêng mình, không ai được giải thoát khỏi tội lỗi
và thắng vượt chính mình, cũng không ai hoàn toàn thoát ly được yếu đuối, cô
đơn hay nô lệ 48,
nhưng mọi người đều cần Chúa Kitô làm gương mẫu, làm Thầy dạy, là Ðấng giải
thoát, Ðấng cứu độ và Ðấng ban sự sống. Thực ra, trong lịch sử loài người dù là
về phương diện trần thế, Phúc Âm đã là men tự do và tiến bộ, lại luôn chứng tỏ
là men huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình. Vậy không phải là vô lý khi các tín hữu
sùng kính Chúa Kitô như là "Ðấng muôn dân trông đợi và là Ðấng cứu chuộc
muôn dân" 49.
9. Tính cách cánh chung của
hoạt động truyền giáo. Vì thế, thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian ở
giữa hai lần Chúa đến; và khi Chúa đến lần thứ hai 17*,
Giáo Hội ví như mùa gặt được thu góp vào Nước Chúa từ bốn phương trời 50.
Thực vậy, trước khi Chúa đến, Phúc Âm phải được rao giảng cho mọi dân tộc 51.
Hoạt động truyền
giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của
Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính
trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ
việc truyền giáo. Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các bí tích, mà trung tâm
và tuyệt đỉnh là phép Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Kitô, Ðấng
tác thành công trình cứu rỗi được hiện diện. Tất cả những gì là chân lý và ân sủng
đã được tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ
được hoạt động truyền giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc, và hoàn lại cho
Chúa Kitô là Ðấng tác thành chúng, Ðấng đã lật đổ nước ma quỷ và chận đứng sự dữ
muôn hình của tội lỗi. Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được
gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của
các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất,
để Chúa được tôn vinh, ma quỷ bị xấu hổ và con người được hạnh phúc 52.
Vì thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung 53:
nhờ hoạt động truyền giáo này, Dân Chúa được phát triển tới mức độ và thời gian
mà Chúa Cha đã ấn định do quyền riêng của Ngài 54
như lời tiên tri nói với Dân này rằng: "Hãy mở rộng nơi con cắm trại, hãy
căng rộng lều vải của con, đừng ngần ngại" (Is 54,2) 55.
Cũng nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể được triển nở đến thời hạn viên mãn của
Chúa Kitô 56,
và đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ lạy trong tinh thần và chân lý
57,
sẽ lớn lên và được xây dựng "trên nền móng là các Tông đồ và các Tiên tri
mà chính Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc" (Eph 2,20).
Chú Thích:
1 CÐ Vat. II, Hiến
chế tín lý về Giáo Hội, số 48 : AAS 57 (1965), trg 53.
2 Xem Mt 16,15.
1* Sắc Lệnh đưa
ra hai lý do minh chứng sự truyền giáo là cần thiết: a) Giáo Hội là Công Giáo mở
rộng cho mọi người, để tất cả trở nên phần tử của Giáo Hội. b) Chúa Giêsu Kitô
đã truyền lệnh rao giảng Phúc Âm cho mọi người. Nguyên hai lý do này đủ để ngăn
chận mọi mưu toan nhằm giảm bớt giá trị của công việc truyền giáo, viện cớ rằng
người ngoài Kitô giáo tìm được con đường cứu rỗi trong tôn giáo của họ, vì thế
không nên đem Phúc Âm đến quấy phá họ. Sắc Lệnh này nhấn mạnh rằng tiếng
"cải hóa" người Kitô giáo về với Chúa phải hiểu theo đúng nghĩa của
nó.
3 T. Augustinô,
Enar. in Ps. 44, 23 : PL 36, 508 ; CChr 38, 510.
2* Hoàn cảnh mới
(tiếng la ngữ ở số ít) được tạo nên vì con người hiện đại có khuynh hướng tiến
đến một cộng đoàn thế giới và thống nhất nhân loại. Khuynh hướng này làm cho
nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội trở nên cấp bách hơn, vì nhiệm vụ quy tụ mọi
người làm thành một Dân duy nhất của Chúa.
4 Xem Mt
5,13-14.
3* Ðoạn này
trình bày một cách vắn tắt mục đích của Sắc Lệnh.
5 Xem Hđ 36,19.
4* Theo yêu cầu
của nhiều Nghị Phụ, chương này, trên phương diện giáo lý, phải liên kết công việc
truyền giáo với ý định của Chúa về nhân loại. Ý định này là chính tình yêu được
biểu lộ qua sứ mạng Thần Linh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chính
là hiệu quả của các sứ mạng đó, và hoạt động truyền giáo là nối dài các sứ mạng
đó đến với người ngoài Kitô giáo. Những ý tưởng này đã được phác họa trong Hiến
chế tín lý về Giáo Hội, và được quảng diễn thêm ở đây.
6 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 2 : AAS 57 (1965), trg 5-6.
5* Câu này quả
quyết cơ cấu về sứ mệnh của Ba Ngôi, sứ mệnh dính liền với ý định Ngôi Cha (số
2), với sứ mệnh Ngôi Con (số 3) và Chúa Thánh Thần (số 4). Các đoạn này thuộc
phạm vi thần học thuần túy.
7 Xem Gio 11,52.
8 Xem T. Ireneô,
Adv. Haer. III, 18,1 :"Ngôi Lời tồn hữu nơi Thiên Chúa, nhờ Người muôn vật
được tạo dựng, và Người hằng hiện diện giữa nhân loại": PG 7, 937. - n.t.,
IV, 6, 7: "Từ nguyên thủy, Chúa Con hiện diện trong công trình tạo dựng,
đã mạc khải Chúa Cha cho những ai Người muốn, khi nào Người muốn và như Người
muốn": PG 7, 990. - Xem n.t., IV, 20, 6 và 7: PG 7, 1037. - T. Ireneô,
Demonstratio số 34: PO XII, 773: Sources Chr. 62, Paris 1958, trg 87. -
Clementê Alex., Protrep. 112, 1: GCS, n.t., 485. - Về chính giáo thuyết này:
Xem Piô XII, diễn văn truyền thanh 31-12-1952. - CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về
Giáo Hội, số 16: AAS 57 (1965), trg 20.
6* Cho đến đây,
đoạn này còn đề cập đến những người ngoài Kitô giáo.
9 Xem
10 Xem 2Cor
5,19.
11 Xem Dth 1,2 ;
Gio 1,3 và 10 ; 1Cor 8,6 ; Col 1,16.
12 Xem Eph 1,10.
7* Adam mới là
Chúa Kitô, nguồn ơn cứu độ của chúng ta, còn Adam thứ nhất (Stk 2-3) là nguồn gốc
sự sa đọa và thiệt hại thiêng liêng.
13 Xem 2Cor 8,9.
14 Xem Mc 10,45.
8* Các Thánh Phụ,
cũng gọi là Giáo Phụ, là những văn sĩ công giáo thời thượng cổ (từ thế kỷ thứ 1
đến thế kỷ thứ 8).
15 Xem T.
Athanasiô, Epist. ad Epictetum, 7: PG 26, 1060. - T. Cyrillô Hier., Catech. 4,
9: PG 33, 465. - Mariô Victorinô, Adv. Arium 3, 3 : PL 8, 1101. - T. Basiliô,
Epist. 261, 2: PG 32, 969. - T. Gregoriô Naz., Epist. 101: PG 37, 181. - T.
Gregoriô Nyss., Antirrheticus, Adv. Apollin., 17 : PG 45, 1116. - T. Ambrosiô,
Epist. 48, 5: PL 16, 1153. - T. Augustinô, In Jo., Evang. tr. XXIII, 6: PL 35,
1585; CChr. 36, 236. - Hơn nữa, một điều chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã không cứu
chuộc chúng ta vì Người đã không nhập thể : De Agone Christ . 22, 24: PL 40,
302. - T. Cyrillô Alex., Adv. Nestor. I, I: PG 76, 20. - T. Fulgentiô, Epist.
17, 3, 5: PL 65, 454 ; Ad Trasimundum III, 21: PL 65, 284: de tristitia et
timore.
16 Xem Dth 4,15
; 9,28.
17 Xem CvTđ 1,8.
18 Xem Lc 24,47.
19 Chính Chúa
Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy: Symb. Constantinopol: DS 150 - T.
Leô Cả, Sermo 76: PL 54, trg 405-406: "Trong ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh
Thần đã đổ tràn ơn xuống cho các môn đệ Chúa Kitô, nhưng đó không phải là khởi
đầu ân huệ mà là bổ sung ân phúc: vì các tổ phụ, các tiên tri, các thượng tế,
cũng như toàn thể các Thánh sống trong những thời đại xa xưa, cũng đã được
chính Chúa Thánh Thần thánh hóa dưỡng nuôi, mặc dầu mức độ ân phúc có khác
nhau". Và Sermô 77, 1: PL 54, 412. - Leô XIII, Tđ. Divinum illud,
9-5-1897: ASS 29 (1897) trg 650-651. - T. Gioan Kim Khẩu cũng nói như vậy mặc
dù Ngài nhấn mạnh về tính cách mới mẻ của sứ mệnh Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện
Xuống: In Eph. 4, hom. 10, 1: PG 62, 75.
20 Xem Gio
14,16.
9* Giao ước cũ
được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Giao ước đó có tính cách quốc gia.
Giao ước mới thì phổ quát được ký kết giữa Thiên Chúa và nhân loại, bằng Máu
Chúa Giêsu Kitô, đổ ra trên Núi Sọ (x. Mt 26,28).
21 Các Giáo Phụ
thường nói về tháp
10* Cũng như
tháp Babel (Stk 11, 8-9) tượng trưng sự chia rẽ và tản mác, thì lễ Hiện Xuống
(CvTđ 2, 5-12) tượng trưng sự hiệp nhất và đoàn kết.
22 Xem Lc 3,22 ;
4,1 ; CvTđ 10,38.
23 Xem Gio các
đoạn 14-17. - Phaolô VI, Huấn từ đọc tại Công Ðồng, 14-9-1964: AAS 56 (1964),
trg 807.
11* Ðặc sủng là
những ơn đặc biệt Chúa ban cho một ít người như ơn làm phép lạ, tiên đoán tương
lai, biết bí mật tâm hồn. Ơn phẩm trật là quyền thiêng liêng cai trị và thánh
hóa giáo dân (tha tội, hiến thánh bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô
v.v...).
24 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 4: AAS 57 (1965), trg 7.
25 T. Augustinô,
Sermo 267, 4 : PL 38, 1231: "Linh Hồn làm gì trong tất cả các chi thể của
một thân thể, thì Chúa Thánh Thần cũng làm như thế trong toàn thể Giáo Hội".
- Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 7, và ghi chú 8: AAS 57
(1965), trg 11.
26 Xem CvTđ
10,44-47; 11,15; 15,8.
27 Xem CvTđ 4,8;
5,32; 8,26.29.39; 9,31; 10; 11,24-28; 13,2.4.9; 16,6-7; 20,22-23; 21,11 v.v...
28 Xem thêm Mt
10,1-42.
29 Xem Mt 28,18.
30 Xem CvTđ
1,4-8.
31 Xem Gio
20,21.
12*
"Hàng" Giám Mục là giai cấp, địa vị, quyền bính của những ai được tấn
phong Giám Mục. Câu "Hàng Giám Mục" cũng có thể chỉ tất cả những ai
có quyền hành đó. Ðó là ý nghĩa của số 6.
13* Ðoạn này nói
lên nguyên tắc trọng yếu của tất cả mọi hoạt động truyền giáo: hoạt động này phải
xử dụng những phương thế như Chúa Giêsu Kitô đã dùng để hoàn thành sứ mệnh của
Người (khó nghèo, vâng lời, phục vụ, hy tế).
32 Xem
33 Xem
Tertullianô, Apologet., 50, 13: PL 1, 534; CChr. 1, 171.
14* Ở đây Sắc Lệnh
kể ra hai ý niệm then chốt cho hoạt động truyền giáo. Rao giảng Phúc Âm ở đây
hiểu theo nghĩa hẹp và chính xác: nghĩa là tuyên bố Phúc Âm và Chúa Kitô bằng lời
giảng dạy. Ðây là bước đầu tiên. Còn phải thêm vào việc trồng Giáo Hội. Ðó là
thiết lập cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự, nhất là phụng vụ
thánh thể trong tình bác ái, trong qui luật của Giáo Hội, trong tổ chức Hàng
Giáo Phẩm. Vun trồng Giáo Hội chính yếu gồm việc thiết lập Hàng Giám Phẩm; tuy
nhiên, phương diện pháp lý, và định chế này không phải là phương tiện duy nhất.
Trước hết Giáo Hội là một thực thể thiêng liêng mà Hàng Giáo Phẩm phải phục vụ.
Việc vun trồng Giáo Hội phải đi đến kết quả này là giáo thuyết Phúc Âm và quy
luật Giáo Hội phải đâm rễ sâu trong tâm hồn những người đón nhận việc truyền
giáo. Ðã có người muốn hủy bỏ tiếng "trồng" dùng trong Sắc Lệnh, vì
theo họ có tính cách quá vật chất. Nhưng danh từ đó đã được giữ lại, vì lẽ nó rất
cổ điển trong khoa truyền giáo. Hơn nữa, đó là một danh từ Thánh Kinh (1Cor
3,6-9) được ám chỉ trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội (GH số 6, đoạn 2). Nó diễn
tả chính xác khía cạnh đời sống; việc đâm rễ và tăng triển thích hợp với hoạt động
truyền giáo. Sắc Lệnh lập lại nhiều lần từ ngữ này. Truyền giáo được định nghĩa
bằng việc rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội trong các dân tộc, hay trong
những nhóm người chưa tin Chúa Kitô. Sáp nhập việc truyền giáo vào Thánh Bộ
Truyền Bá Ðức Tin tại Roma, thực ra không nằm trong định nghĩa của việc truyền
giáo. Ðó chỉ là vấn đề thực tế và pháp lý, nhưng không chạm tới yếu tính của việc
truyền giáo. Việc sáp nhập này còn có những lợi ích thực tế, như Sắc Lệnh sẽ
cho ta thấy sau này.
34 T. Tôma đã
nói về nhiệm vụ tông đồ phải vun trồng Giáo Hội: xem Sent., lib. I, dist. 16,
q. 1, a. 2 ad 2 và ad 4; a.3 sol. - n.t., Summa theol. Ia, q. 43, a.7 ad 6;
I-II, q. 106, a.4 ad 4. - Xem Benedictô XV, Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11
(1919), trg 445 và 453. - Piô XI, Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926),
trg 74. - Piô XII, 30-4-1939, cùng các vị Giám Ðốc các Hội Giáo Hoàng truyền
giáo. - n.t., 24-6-1944, cùng quí vị Giám Ðốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo:
AAS 36 (1944), trg 210, đăng lại trong AAS 42 (1950), trg 727, và 43 (1954),
trg 508. - n.t., 29-6-1948, cùng giáo sĩ bản xứ: AAS 40 (1948), trg 374. -
n.t., Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507. - n.t., Fidei
donum, 15-1-1957 : AAS 49 (1957), trg 236. - Gioan XXIII, Princeps Pastorum,
28-11-1959 : AAS 51 (1959), trg 835. - Phaolô VI, bài giảng ngày 18-10-1964:
AAS 55 (1964), trg 911. - Các Ðức Giáo Hoàng cũng như các Giáo Phụ và các nhà
Kinh Viện thường nói đến việc mở rộng Giáo Hội: T. Tôma, Comm. in Mt 16,28. -
Leô XIII, Tđ. Sancta Dei Civitas, 3-12-1880: AAS 13 (1880), trg 241. -
Benedictô XV, Tđ Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 442. - Piô XI,
Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 65.
35 Xem 1P 1,23.
36 Xem CvTđ
2,42.
15* Phải chú ý sự
nhấn mạnh của đoạn này: việc truyền giáo không kết thúc với việc thiết lập Giáo
Hội địa phương, nhưng phải được tiếp tục cho đến khi mọi người trong địa phương
đó đã trở nên Kitô hữu.
37 Về quan niệm
hoạt động truyền giáo nói đây như đã rõ, là thực tế cũng gồm các phần Châu Mỹ
Latinh, nơi chưa có hàng Giáo phẩm riêng, chưa trưởng thành về đời sống Kitô
giáo, cũng như chưa được rao giảng Phúc Âm cho đủ. Còn vấn đề những địa hạt đó
thực tế có được Tòa Thánh công nhận là địa hạt truyền giáo hay không, thì Công
Ðồng không lưu tâm. Vì thế vấn đề liên hệ giữa quan niệm hoạt động truyền giáo
với một vài địa hạt nhất định, thì nói cho đúng, hoạt động truyền giáo này
"phần nhiều" được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa
Thánh đã công nhận.
38 CÐ Vat. II, Sắc
lệnh về Hiệp nhất, số 1: AAS 57 (1965), trg 90.
39 Xem Mc 16,16;
Gio 3,5.
40 CÐ Vat. II,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 14 : AAS 57 (1965), trg 18.
41 Xem Dth 11,6.
42 Xem 1Cor
9,16.
16* Trong số này
Công Ðồng nhấn mạnh phải dùng lời rao giảng để đưa người ngoài Kitô giáo trở về
với Chúa Kitô. Như thế, hoạt động truyền giáo vẫn giữ nguyên ý nghĩa lúc trước,
nghĩa là một hoạt động nhằm đem người ngoài Kitô giáo về với Chúa. Cũng như bất
cứ lúc nào, công việc này hiện hãy còn cấp bách.
43 Xem Eph
4,11-16.
44 Xem Gio 7,18;
8,30 và 44; 8,50; 17,1.
45 Về ý tưởng tổng
hợp này, xem Thánh Ireneô về giáo thuyết "quy tụ về một Thủ Lãnh". -
Cũng xem hyppolytô, De Anti-christo, số 3: "Thương yêu hết mọi người và ước
ao cứu vớt mọi người, muốn làm cho mọi người thành con Thiên Chúa và kêu mời tất
cả các thánh hợp thành một con người hoàn hảo duy nhất...: PG 10,732; GCS
Hyppolyt I,2, trg 16: "Thực vậy chỉ có một hành vi duy nhất để nhận biết
Thiên Chúa nơi những người sẽ đạt tới Thiên Chúa dưới sự lãnh đạo của chính
Ngôi Lời, Ðấng ở cùng Thiên Chúa: như thế, để tất cả mọi người được giáo huấn cẩn
thận hầu nhận biết Chúa Cha cho xứng là con cái Ngài, như hiện giờ chỉ có một
mình Chúa Con nhận biết Chúa Cha mà thôi": PG 14,49; GCS Orig IV, 20 - T.
Augustinô, De Sermone Domini in monte, I 41: "Chúng ta hãy yêu thương những
gì có thể cùng chúng ta được dẫn vào vương quốc, nơi mà không một ai nói với
Thiên Chúa duy nhất "Cha tôi" nhưng tất cả đều nói "Cha chúng
tôi": PL 34, 1250. - T. Cyrillô Alex, In Joann, I: "Thực vậy, tất cả
chúng ta đều ở trong Chúa Kitô và chính nơi Người mà bản tính nhân loại chung của
chúng ta được tái sinh. Chính vì thế Người đã được gọi là Ađam mới. Người đã cư
ngụ giữa chúng ta; Người là Ðấng tự bản tính là Con và cũng là Thiên Chúa; cho
nên, trong Thánh Thần Người, chúng ta được kêu lên: Abba, Cha! Ngôi Lời cư ngụ
nơi mọi người chúng ta như trong một đền thờ duy nhất, nghĩa là chính đê� thờ mà Người đã nhận lấy vì chúng ta và từ chúng ta ngõ hầu một khi
tất cả chúng ta đã ở trong Người, Người sẽ giao hòa tất cả chúng ta với Chúa
Cha trong một thân thể duy nhất, như lời Thánh Phaolô": PG 73, 161-164.
46 Benedictô XV,
Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 445: "Vì cũng như Giáo Hội
Chúa là công giáo, và không xa lạ gì đối với bất cứ một dân tộc hay một quốc
gia nào...". - Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magister: "Theo thần quyền,
Giáo Hội lan rộng đến mọi quốc gia, vì một khi Giáo Hội đi vào một dân tộc nào
như tiêm chích quyền lực của mình vào mạch máu của dân tộc đó, thì Giáo Hội
không là, cũng không tự coi mình là một tổ chức đặt ngoài dân tộc này... Hơn nữa,
tất cả những gì một dân tộc cho là tốt đẹp, thiện hảo, thì họ (tức là những người
đã được tái sinh trong Chúa Kitô" cũng xác nhận như thế, và còn làm cho
hoàn hảo hơn nữa". 25-5-1961: AAS 53 (1961), trg 444.
47 Xem Gio 3,18.
48 Xem T.
Ireneô, Adv. Haer., III, 15, 3: PG 7, 919: "Họ đã là những nhà rao giảng
chân lý và là những tông đồ mang lại tự do".
49 Tiền xướng
"O" ngày 23-12 trong Breviarium Romanum.
17* Trong số này
Sắc Lệnh đặt hoạt động truyền giáo trong viễn ảnh thế mạt: Giáo Hội phải hướng
về sự toàn thiện và viên mãn theo ý định của Chúa cho đến ngày cuối cùng. Muốn
cho mức độ viên mãn được thực hiện trong mọi tầng lớp nhân loại, vai trò hoạt động
tông đồ không thể thiếu được. Một lần nữa, Sắc Lệnh quả quyết truyền giáo là cần
thiết.
50 Xem Mt 24,31.
- Didachè 10,5 : Funk I,32.
51 Xem Mc 13,10.
52 CÐ Vat. II,
Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 20-21. - T. Augustinô,
De Civ, Dei, 19, 17: PL 41, 646. - Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, Bài giáo huấn
Collectanea I, số 135, trg 42.
53 Theo Origenê,
Phúc Âm phải được rao giảng trước khi tận thế: Hom. in Luc., XXI: GCS, Orig. IX
136, 21tt.; - In Matth. comm. ser., 39: XI 75, 25tt.; - 76, 4tt.; - Hom. in Jerem.
III, 2: VIII 308, 29t.; - T. Tôma, Summ. Theol., I-II, q. 106, a. 4, ad 4.
54 Xem CvTđ 1,7.
55 T. Hilariô
Piet., In Ps. 14: PL 9, 301. - Eusebiô Caes., In Isaiam, 54, 2-3: PG 24,
426-463. - T. Cyrillô Alex., In Isaiam, ch. V, 54,1-3: PG 70, 1193.
56 Xem Eph 4,13.
57 Xem Gio 4,23.
Chương II: Chính Công Việc Truyền Giáo
10. Nhập đề. Giáo Hội được
Chúa Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người
và mọi dân tộc, nhận thức rằng mình còn phải thực hiện công việc truyền giáo
bao la 18*.
Thực vậy, hai tỷ người, mà con số càng ngày càng tăng, tụ họp thành những nhóm
lớn lao và nhất định, do những mối liên lạc bền vững của đời sống văn hóa, những
truyền thống cổ xưa của tôn giáo, những mối liên quan chặt chẽ của tình giao tế
xã hội; số người này còn chưa nghe biết, hoặc chỉ mới nghe sơ qua về sứ điệp
Phúc Âm; trong số đó có người đang theo một trong các tôn giáo lơn, có người
còn xa lạ với ý niệm về chính Thiên Chúa, lại có người ra mặt phủ nhận và đôi
khi còn ra mặt đả kích sự hiện hữu của Thiên Chúa nữa. Ðể có thể trình bày cho
mọi người mầu nhiệm cứu rỗi và sự sống mà Chúa đã thông ban, Giáo Hội phải thấm
nhập vào tất cả những nhóm người đó theo cùng một chiều hướng như chính Chúa
Kitô, Ðấng đã nhờ việc nhập thể mà liên kết mình với những hoàn cảnh nhất định
về xã hội và văn hóa của những người mà Chúa cùng chung sống.
Mục 1: Chứng Tá Của Kitô Hữu
11. Chứng tá bằng đời sống
và việc đối thoại. Giáo Hội phải hiện diện trong các nhóm người đó nhờ con cái
mình là những người cùng sống chung với họ hay là được sai đến với họ 19*.
Thật vậy mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng
tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu
dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ phép Thêm Sức, để
những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha 1,
cùng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối dây
liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại.
Ðể có thể làm chứng
về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, chính các Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và
tình bác ái mà liên kết với những người ấy, phải biết mình là thành phần của
nhóm người mình chung sống, và tham gia đời sống văn hóa, xã hội qua những giao
tiếp và hoạt động khác nhau trong đời sống nhân loại, lại phải làm quen với những
truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy; phải lấy làm sung sướng và
kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ. Ðồng thời,
các Kitô hữu phải chú ý đến sự biến đổi sâu xa nơi các dân tộc, và phải nỗ lực
làm cho những người thời nay còn quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế
giới hiện đại đừng bỏ quên những việc linh thiêng, mà trái lại còn nhờ đó mà
khao khát mãnh liệt hơn chân lý và tình thương Chúa đã mạc khải. Như chính Chúa
Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người
để dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần
tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đàm thoại
với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học
biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời
các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những ân huệ đó, giải
thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế.
12. Sự hiện diện của đức
ái. Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các nhóm người phải được sống động bằng
chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta và muốn chúng ta cũng thương
yêu nhau bằng tình bác ái đó 2.
Bác ái Kitô giáo thực sự lan tràn tới mọi người không phân biệt chủng tộc, hoàn
cảnh xã hội hay tôn giáo; bác ái không cầu mong một lợi ích hay một tri ân nào.
Như Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vô vị lợi, thì các tín hữu
cũng phải lấy tình bác ái mà lo lắng cho con người, bằng cách yêu mến họ với
cùng một ý hướng như khi Chúa tìm kiếm con người. Do đó, như Chúa Kitô đã trải
qua khắp các thị thành và làng mạc, chữa lành mọi kẻ tật nguyền, bệnh hoạn, làm
dấu chỉ Nước Chúa đã đến 3,
thì Giáo Hội cũng nhờ con cái mình mà liên kết với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh,
nhất là với những người nghèo hèn đau khổ, và tình nguyện hy sinh cho họ 4.
Thực vậy, Giáo Hội chia vui xẻ buồn với họ, nhận biết những ước vọng và những vấn
đề nhân sinh của họ, cùng chịu khổ với họ trong những lo âu về sự chết. Còn đối
với những ai tìm kiếm hòa bình, Giáo Hội ao ước đáp ứng trong đối thoại huynh đệ,
bằng cách mang lại cho họ hòa bình và ánh sáng phát xuất tự Phúc Âm.
Các Kitô hữu phải
hoạt động và cộng tác với mọi người khác để tổ chức đứng đắn những công việc
kinh tế xã hội. Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các thiếu nhi và
thanh thiếu niên bằng các loại trường học khác nhau: các trường này không những
phải được coi như phương tiện tuyệt hảo để huấn luyện và nâng cao giới trẻ Kitô
hữu, mà đồng thời còn là một công cuộc phục vụ nhân loại hết sức giá trị - nhất
là đối với các quốc gia đang phát triển - để nâng cao nhân phẩm và chuẩn bị những
hoàn cảnh hợp nhân bản hơn. Ngoài ra, họ còn phải tham gia vào nỗ lực của các
dân tộc đang cố gắng tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn, và củng cố hòa
bình thế giới, bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật. Trong việc
này giáo hữu phải khao khát cộng tác một cách khôn ngoan với những công cuộc đã
được tổ chức tư cũng như công phát động, hoặc đã được các chính phủ, các cơ
quan quốc tế, các cộng đoàn Kitô giáo khác nhau, hay các tôn giáo ngoài Kitô
giáo khởi xướng.
Tuy nhiên, Giáo
Hội không hề muốn pha mình vào việc cai trị xã hội trần gian. Giáo Hội không
đòi cho mình một quyền hành nào khác ngoài quyền phục vụ nhân loại - với ơn
Chúa giúp - trong tình bác ái và trung thành phụng sự 5.
Trong đời sống
và hoạt động của mình, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ liên kết chặt chẽ với nhân loại,
hy vọng sẽ mang lại cho nhân loại một chứng tá đích thực về Chúa Kitô, và sẽ hoạt
động cho phần rỗi của nhân loại, dù ở nơi mà họ không thể rao giảng về Chúa
Kitô một cách đầy đủ. Thật vậy các môn đệ ấy không tìm tiến bộ và thịnh vượng
thuần vật chất cho con người nhưng là nâng cao nhân phẩm và sự hiệp nhất huynh
đệ, bằng cách dạy những chân lý tôn giáo và luân lý mà Chúa Kitô đã soi sáng bằng
ánh sáng của Người, và như thế, dần dần họ mở rộng con đường hoàn hảo hơn dẫn về
Thiên Chúa. Như vậy con người được trợ giúp để đạt tới phần rỗi, nhờ yêu mến
Thiên Chúa và cận nhân; và như vậy, bắt đầu tỏa sáng mầu nhiệm Chúa Kitô, trong
Người xuất hiện con người mới đã tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa 6,
và trong Người tình thương của Thiên Chúa 20*
được biểu lộ.
Mục 2: Rao Giảng Phúc Âm Và Quy Tụ Dân Chúa
13. Rao giảng Phúc Âm và
việc trở lại đạo. Bất cứ nơi nào Thiên Chúa mở rộng cửa cho việc rao giảng mầu
nhiệm Chúa Kitô 7
thì người ta phải tin tưởng và bền chí 8
loan báo 9
cho hết mọi người 10
biết Thiên Chúa hằng sống và biết Ðấng Thiên Chúa sai đến cứu chuộc mọi người
là Chúa Kitô 11
để những người ngoài Kitô giáo được Chúa Thánh Thần mở lòng 12
tin vào Chúa mà tự do trở lại cùng Người, và trung thành gắn bó với Người; vì
Người là "đường, là sự thật và là sự sống" (Gio 14,6), nên Người cho
họ thỏa mãn mọi nguyện vọng thiêng liêng và còn ban cho dư đầy vô tận.
Dĩ nhiên phải hiểu
việc trở lại đó mới chỉ là bước đầu, nhưng để con người nhận thức rằng, một khi
đã từ bỏ tội lỗi, con người sẽ được dẫn vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Ðấng
gọi họ giao kết chính bản thân họ với Ngài trong Chúa Kitô. Thật vậy, nhờ ơn
Chúa tác động, các tân tòng quyết khởi sự cuộc hành trình thiêng liêng: nhờ đó,
khi đã lấy đức tin mà thông công mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, họ từ
người cũ đổi thành người mới, con người được nên hoàn hảo trong Chúa Kitô 13.
Sự biến đổi này đồng thời cũng làm cho tâm trạng và phẩm hạnh con người dần dần
thay đổi, nên đây phải là một cuộc biến đổi rõ ràng, với những hậu quả của nó
trong phạm vi xã hội và phải tiến triển dần dần trong thời gian dự tòng. Con
người tân tòng thường gặp phải những nứt rạn và phân cách, vì Chúa họ tin là dấu
chỉ của sự chống đối 14,
nhưng họ cũng nếm được những vui mừng vô tận của Chúa ban cho 15.
Giáo Hội cấm ngặt
không ai được ép buộc hay dùng những mánh lới bất xứng để dụ dỗ hay lôi cuốn
người ta theo đạo, cũng như Giáo Hội cương quyết đòi cho con người quyền không
bị hăm dọa để bỏ đạo vì những bách hại bất công 16.
Theo thói quen rất
lâu đời của Giáo Hội, phải cứu xét những động lực tòng giáo,và nếu cần, phải
thanh luyện những động lực đó nữa.
14. Lớp dự tòng và việc huấn
luyện đời sống Kitô hữu. Những người nhờ Giáo Hội được Thiên Chúa ban ơn tin
Chúa Kitô 17
phải được nhận vào lớp dự tòng bằng những lễ nghi phụng vụ; lớp dự tòng này
không phải chỉ là trình bày tín lý và các giới răn, nhưng là huấn luyện một đời
sống Kitô hữu đầy đủ và là thời gian tập sự được kéo dài thích đáng, để nhờ đó
môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Vậy các dự tòng phải được khai tâm
một cách thích hợp về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi
lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn liên tục 18
họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của Dân Chúa.
Rồi khi đã chịu
các bí tích gia nhập 21*
Kitô giáo, họ được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm 19,
cùng chết, cùng được an táng và sống lại với Chúa Kitô 20,
họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần 21
Ðấng làm cho họ thành nghĩa tử, và cùng với toàn thể Dân Chúa họ cử hành lễ
kính nhớ việc Chúa chịu chết và sống lại.
Thánh Công Ðồng
ước mong phụng vụ mùa chay và mùa phục sinh được cải tổ thế nào để chuẩn bị tâm
hồn các tân tòng cho việc cử hành mầu nhiệm phục sinh, và trong khi cử hành những
nghi lễ long trọng này, họ được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy.
Lớp khai tâm
Kitô giáo trong thời gian dự tòng đó không phải chỉ là việc riêng của các giảng
viên giáo lý hay của các linh mục, mà còn là của cộng đoàn tín hữu, nhất là của
những người đỡ đầu, để nhờ đó ngay từ đầu, các dự tòng cảm thấy mình thuộc về
Dân Chúa. Và vì đời sống của Giáo Hội là đời sống tông đồ, nên các dự tòng cũng
phải học biết cộng tác tích cực vào việc rao giảng Phúc Âm và xây dựng Giáo Hội
bằng chứng tá đời sống và việc tuyên xưng đức tin.
Sau hết, tình trạng
pháp lý của dự tòng phải được ấn định rõ ràng trong bản Giáo Luật mới 22*.
Thực vậy, họ đã được kết hợp với Giáo Hội 22,
đã thuộc về gia đình Chúa Kitô 23
và có khi đã sống đời sống tin, cậy, mến rồi.
Mục 3: Việc Thành Lập Cộng Ðoàn Kitô Giáo
15. Việc thành lập cộng
đoàn Kitô giáo. Chúa Thánh Thần là Ðấng kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô,
thúc đẩy tâm hồn họ vâng phục đức tin nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng
Phúc Âm. Chính khi Ngài sinh những kẻ tin Chúa Kitô trong lòng Giếng Rửa Tội để
sống đời sống mới, Ngài tập họp họ thành một Dân Chúa duy nhất. Dân này là
"dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện,
là dân được Thiên Chúa thu phục" (1P 2,9) 24.
Vậy các nhà truyền
giáo như những cộng sự viên của Thiên Chúa 25,
phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của
mình 26,
để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ
tư tế, tiên tri và vương giả. Nhờ cách đó, cộng đoàn Kitô hữu trở thành dấu chỉ
nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian: thật vậy, nhờ Hiến Tế Thánh
Thể, họ luôn được cùng Chúa Kitô vươn lên Chúa Cha 27,
23*
và khi đã được nuôi dưỡng cẩn thận bằng Lời Chúa 28,
họ làm chứng về Chúa Kitô 29,
và sau cùng dấn bước trong tình bác ái và được hun đúc trong tinh thần tông đồ 30.
Do đó, ngay từ đầu,
cộng đoàn Kitô hữu phải được thiết lập làm sao để tự mình có thể cung cấp cho
mình những gì cần thiết, được phần nào hay phần nấy.
Cộng đoàn tín hữu
này đã có sẵn nguồn phong phú về văn hóa của dân tộc, phải bén rễ sâu trong dân
chúng: các gia đình đã thấm nhuần tinh thần Phúc Âm phải phát triển 31
và phải được các trường học có giá trị nâng đỡ; phải tổ chức các hội đoàn và
các nhóm người lo việc tông đồ giáo dân, để có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm
nhập toàn thể xã hội. Sau hết, bác ái phải được chiếu giải huy hoàng giữa những
người công giáo thuộc các Lễ Chế khác nhau 32.
Tinh thần hiệp
nhất cũng phải được nuôi dưỡng nơi các tân tòng, để họ nhận thức rõ ràng rằng
những anh em tin vào Chúa Kitô cũng là môn đệ Chúa Kitô, cũng được tái sinh nhờ
phép Rửa, cũng được chia xẻ rất nhiều ơn lành của Dân Chúa. Chừng nào hoàn cảnh
tôn giáo cho phép, phải tìm cách phát động công việc hiệp nhất, để khi đã gạt bỏ
mọi hình thức dửng dưng và lẫn lộn, cũng như mọi ganh đua bất chính, người công
giáo sẽ hợp tác huynh đệ với những anh em ly khai theo tiêu chuẩn của Sắc lệnh
về Hiệp nhất, ngõ hầu cùng nhau tuyên xưng một đức tin vào Thiên Chúa và Chúa
Giêsu Kitô trước mặt Muôn Dân 24*
tùy theo mức độ có thể, và cùng nhau cộng tác trong lãnh vực xã hội và kỹ thuật
cũng như vấn đề văn hóa và tôn giáo. Nhất là họ phải cộng tác với nhau vì Chúa
Kitô, Chúa chung của mình: nguyện Danh Người liên kết họ lại! Việc cộng tác chẳng
những phải được thể hiện giữa các cá nhân với nhau, nhưng còn phải tùy theo sự
phán đoán của Ðấng Bản Quyền địa phương mà thiết lập sự cộng tác giữa các Giáo
Hội hoặc những cộng đoàn giáo hội 25*
cũng như trong những công cuộc của các giáo đoàn đó.
Các Kitô hữu từ
mọi Dân Tộc tụ họp vào Giáo Hội, "không vì chế độ, không vì ngôn ngữ, cũng
không vì tổ chức xã hội trần gian mà phân cách với những người khác", 33
nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của
dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thực sự và tích cực vun trồng lòng Ái Quốc,
tuy nhiên phải hết sức tránh sự kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia quá
khích, phải cổ võ tình yêu thương đại đồng của nhân loại.
Ðể đạt tới những
mục tiêu trên, giáo dân, nghĩa là các Kitô hữu đã nhờ phép Rửa Tội mà sáp nhập
vào Chúa Kitô và đang sống giữa thế gian, giữ một vai trò rất quan trọng và
đáng được đặc biệt lưu tâm. Thực vậy bổn phận riêng của họ là: sau khi thấm nhuần
tinh thần Chúa Kitô, họ phải làm sống động từ bên trong như men trong bột và sắp
đặt công việc trần thế để chúng luôn luôn được thực hiện theo ý Chúa Kitô 34.
Tuy nhiên, không
thể kể là đủ khi dân Kitô giáo hiện diện và được thiết lập trong một dân tộc
nào đó, cũng không phải là đủ khi chỉ làm việc tông đồ bằng gương lành, nhưng
dân Kitô giáo được thiết lập và hiện diện chính là để dùng lời nói và việc làm
mà loan báo Chúa Kitô cho những người đồng hương ngoài Kitô giáo, và giúp họ
đón nhận Chúa Kitô một cách đầy đủ.
Ngoài ra, để
gieo trồng Giáo Hội và phát triển cộng đoàn Kitô giáo, cần phải có nhiều thừa
tác vụ khác nhau; những thừa tác vụ này một khi được ơn Chúa gọi mà nảy sinh từ
chính cộng đoàn tín hữu, phải được mọi người đặc biệt chăm lo cổ võ và vun trồng;
trong những thừa tác vụ đó, có chức linh mục, phó tế và giảng viên giáo lý cũng
như công giáo tiến hành. Cũng thế, bằng lời cầu nguyện hay bằng những công tác
hoạt động, các nam nữ tu sĩ cũng phải thực thi nhiệm vụ thiết yếu để Nước Chúa
Kitô bén rễ và vững mạnh trong các tâm hồn và được phát triển thêm mãi.
16. Thiết lập hàng giáo sĩ
bản xứ. Giáo Hội rất vui mừng cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã rộng ban một ơn vô
giá là ơn gọi làm linh mục cho biết bao thanh niên trong các Dân Tộc mới quay về
với Chúa Kitô. Thực vậy, Giáo Hội càng bén rễ vững chắc hơn trong mỗi một nhóm
người, khi chính các cộng đoàn tín hữu có những phần tử riêng của mình làm thừa
tác viên cứu rỗi đang phục vụ anh em mình trong hàng Giáo Mục, Linh Mục và Phó
Tế để dần dần các Giáo Hội trẻ trung tạo được cơ cấu giáo phận với hàng giáo sĩ
riêng.
Những điều mà
Công Ðồng này đã ấn định về ơn kêu gọi và việc đào tạo linh mục, phải được kính
cẩn tuân giữ ở những nơi Giáo Hội mới được gieo trồng cũng như ở những Giáo Hội
trẻ trung. Phải hết sức chú trọng đến những gì đã được đề cập về việc phải liên
kết chặt chẽ công việc huấn luyện thiêng liêng với việc huấn luyện giáo thuyết
và mục vụ; việc sống theo tiêu chuẩn Phúc Âm mà không nhằm lợi ích cá nhân hay
gia đình; việc đào sâu ý nghĩa thâm thúy của mầu nhiệm Giáo Hội. Như thế, họ sẽ
học biết một cách kỳ diệu việc tận hiến toàn thân để phục vụ Thân Thể Chúa Kitô
và công việc rao giảng Phúc Âm, biết liên kết với Giám Mục của họ như những cộng
sự viên trung thành, đồng thời cộng tác với các anh em linh mục khác 35.
Ðể đạt tới mục
đích tổng quát này, toàn thể việc giáo dục chủng sinh phải được tổ chức dưới
ánh sáng của mầu nhiệm cứu rỗi như đã được trình bày trong Thánh Kinh. Họ phải
khám phá và sống mầu nhiệm Chúa Kitô, cũng như mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại 36
được thể hiện trong Phụng Vụ.
Những đòi hỏi
chung đối với việc huấn luyện linh mục về phương diện mục vụ và thực hành, theo
như tiêu chuẩn của Công Ðồng 37,
phải được phối hợp với lòng hăng say tìm kiếm lối suy tư và hành động riêng biệt
của dân tộc mình. Vì thế, tâm trí chủng sinh phải được mở rộng và mài giũa để
hiểu biết đúng và có thể phán đoán về nền văn hóa của dân tộc mình; trong các
môn triết học và thần học, chủng sinh phải thấu triệt những liên lạc giữa truyền
thống và tôn giáo dân tộc với Kitô giáo 38.
Cũng thế, việc huấn luyện linh mục phải nhằm vào những nhu cầu mục vụ của từng
miền: chủng sinh phải học biết lịch sử, mục đích và phương pháp hoạt động của
Giáo Hội, những hoàn cảnh đặc biệt về xã hội, kinh tế và văn hóa của dân tộc
mình. Họ phải được giáo dục trong tinh thần hiệp nhất và phải được chuẩn bị đứng
đắn để đối thoại trong tình huynh đệ với những người ngoài Kitô giáo 39.
Tất cả điều đó đòi hỏi những môn học để làm linh mục phải được thực hiện trong
nếp sống và trong sự giao tiếp với dân tộc mình bao nhiêu có thể 40.
Sau hết, phải chú ý huấn luyện cho biết điều hành đứng đắn những việc liên quan
đến Giáo Hội cũng như huấn luyện về phương diện kinh tế nữa.
Hơn nữa phải chọn
một số linh mục có khả năng, sau khi đã có một số kinh nghiệm mục vụ, đi học
thêm các môn học cao hơn ở các Ðại Học, kể cả ở các Ðại Học ngoại quốc, nhất là
ở Kinh Thành Roma, và ở các Học Viện khoa học khác, để các Giáo Hội trẻ trung
có sẵn trong hàng giáo sĩ địa phương những linh mục có kiến thức và kinh nghiệm
thích đáng hầu hoàn thành những công việc khó khăn hơn của Giáo Hội.
Nơi nào Hội Ðồng
Giám Mục xét là thích hợp, thì phải thiết lập lại chức phó tế như một bậc sống
thường xuyên theo tiêu chuẩn của Hiến Chế "về Giáo Hội" 41.
Thực vậy thật là hữu ích nếu những người đang đảm nhận thực sự chức vụ phó tế,
hoặc đang giảng lời Chúa như các giảng viên giáo lý, hoặc nhân danh cha sở và
Giám Mục điều khiển những cộng đoàn Kitô giáo xa xôi, hoặc thực thi bác ái
trong những công cuộc xã hội hay từ thiện, được thêm mạnh mẽ nhờ việc đặt tay 26*
lưu truyền từ các Tông Ðồ và được kết hợp chặt chẽ với bàn thánh hơn, để họ chu
toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn nhờ ơn bí tích của chức phó tế.
17. Huấn luyện giảng viên
giáo lý. Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ
việc truyền giáo nơi Muôn Dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng
như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để
mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức
tin và Giáo Hội.
Trong thời đại
chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi
không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành
mục vụ. Vì thế, việc huấn luyện những giảng viên này phải được kiện toàn và
thích nghi với tiến bộ văn hóa, để như những cộng tác viên đắc lực của chức
linh mục, họ có thể hoàn thành đến mức tối đa nhiệm vụ của họ, nhiệm vụ đang đặt
nặng trên vai họ những trọng trách mới mẻ và rộng lớn hơn.
Bởi vậy phải
tăng thêm nhiều trường học thuộc giáo phận và miền, để các giảng viên giáo lý
tương lai vừa được học hỏi về giáo lý công giáo, nhất là về môn Thánh Kinh và Phụng
Vụ, vừa được học hỏi về phương pháp dạy Giáo lý và thực hành mục vụ, lại được tự
luyện theo luân lý Kitô giáo 42
trong khi không ngừng cố gắng trau dồi đời sống đạo đức và thánh thiện. Ngoài
ra còn phải có những buổi hội thảo hay những khóa học tập định kỳ, để các giảng
viên giáo lý được cải tiến trong những môn học hay nghệ thuật hữu ích cho thừa
tác vụ cũng như để nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng của mình nữa.
Thêm vào đó, đối với những ai hoàn toàn tận hiến cho công cuộc này, phải cung cấp
cho họ một khoản thù lao cân xứng để họ có một mức sống xứng đáng và được bảo đảm
về mặt xã hội 43.
Ước mong rằng
Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin đặc biệt trợ cấp cách thích đáng cho công cuộc đào tạo
và nâng đỡ các giảng viên giáo lý. Nếu thấy cần và thích hợp, phải thành lập một
Tổ Chức giúp các giảng viên này.
Ngoài ra các
Giáo Hội cũng nên biết ơn nhìn nhận công việc quảng đại của các giảng viên giáo
lý trợ tá mà Giáo Hội đang cần họ giúp đỡ. Chính các giảng viên giáo lý chủ sự
các buổi đọc kinh chung trong cộng đoàn và giảng dạy giáo lý. Cũng phải đặc biệt
lo cho họ được huấn luyện về giáo lý và đường thiêng liên. Hơn nữa, ước mong rằng
nơi nào thấy thuận lợi, nên công khai cử hành một nghi lễ phụng vụ để ủy thác sứ
mệnh pháp lý 27*
cho các giảng viên giáo lý đã được huấn luyện đầy đủ, ngõ hầu họ được thêm uy
tín với dân chúng mà phục vụ đức tin.
18. Cổ võ đời sống tu trì.
Ngay từ thời kỳ gieo trồng Giáo Hội, phải tận tâm cổ võ đời sống tu trì, một đời
sống không những đem lại sự trợ lực quí báu và hoàn toàn cần thiết cho hoạt động
truyền giáo, mà nhờ tận hiến mật thiết hơn cho Thiên Chúa trong Giáo Hội, đời sống
đó còn bày tỏ và biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo 44.
Trong khi tận tụy
hoạt động để gieo trồng Giáo Hội và hoàn toàn thấm nhuần những ơn phước huyền
nhiệm đã từng làm vẻ vang truyền thống tu trì của Giáo Hội, các Hội Dòng phải cố
gắng diễn tả và thông ban những ơn phước đó tùy theo tinh thần và đặc tính của
mỗi dân tộc. Các Hội Dòng đó phải cẩn thận suy xét xem đời sống tu trì Kitô
giáo có thể đón nhận những truyền thống khổ hạnh và chiêm niệm mà đôi khi Thiên
Chúa đã gieo mầm trong các nền văn hóa cổ xưa trước khi Phúc Âm được rao giảng
không?
Những hình thức
đời sống tu trì khác nhau phải được vun trồng trong những Giáo Hội trẻ trung để
biểu dương những khía cạnh khác nhau của sứ mệnh Chúa Kitô và đời sống Giáo Hội,
để tận hiến cho những công cuộc mục vụ khác nhau, và để chuẩn bị đứng đắn những
phần tử sẽ thực thi các công việc đó. Tuy nhiên, các Giám Mục trong Hội Ðồng phải
xem xét để các Tu Hội theo đuổi cùng một mục đích tông đồ đừng tăng thêm nhiều,
kẻo gây thiệt hại cho đời sống tu trì và công việc tông đồ.
Cũng đáng đặc biệt
nhắc tới những tổ chức nhằm đặt định đời sống chiêm niệm: có người chủ trương
duy trì những yếu tố căn bản của tổ chức Ðan Viện, nhưng vẫn cố gắng xen vào đó
những truyền thống rất phong phú của Dòng mình; có người lại trở về với những
hình thức đơn sơ hơn của bậc đan tu đời trước. Tuy nhiên, mọi người phải cố gắng
tìm cách để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương. Thực vậy, vì đời
sống chiêm niệm thuộc về sự hiện diện trọn vẹn của Giáo Hội, nên phải được thiết
lập khắp nơi trong các Giáo Hội trẻ trung.
Chú Thích:
18* Phần mở đầu
chương hai này nhấn mạnh tính cách vĩ đại và cấp bách của hoạt động tông đồ.
Toàn chương, qua ba tiểu mục, quảng diễn những giai đoạn tăng trưởng của Giáo Hội
trong xứ truyền giáo. Có thể diễn tả các giai đoạn đó như sau: biểu dương đức
tin Kitô giáo qua cuộc đối thoại và sự hiện diện của tình bác ái; rao giảng
Phúc Âm để quy tụ Dân Chúa; thành lập một cộng đoàn Kitô hữu giữa một dân tộc
hay một nước. Lược đồ này có thể áp dụng cho mọi nhóm người sống ngoài đức tin ở
những nơi chưa bao giờ nghe rao giảng Phúc Âm hay những nước Kitô giáo nhưng
còn bị ảnh hưởng ngoại giáo.
19* Vì Phúc Âm
đã được loan báo trong hầu hết các quốc gia, nên Công Ðồng ít nhấn mạnh đến sự
bành trướng địa lý của hoạt động truyền giáo cho bằng Giáo Hội phải bén rễ
trong mọi văn hóa dị biệt của những dân tộc ngoài Kitô giáo. Không nên hủy bỏ
văn hóa dân tộc, nhưng phải làm cho văn hóa thấm nhuần Kitô giáo.
1 Xem Mt 5,16.
2 Xem 1Gio 4,11.
3 Xem Mt 9,35
tt. ; CvTđ 10,38.
4 Xem 2Cor
12,15.
5 Xem Mt 20,26;
23,11. - Xem Phaolô VI, diễn từ đọc tại Công Ðồng 21-11-1964: AAS 56 (1964) trg
1013.
6 Xem Eph 4,24.
20* Ðây là một
vài cách biểu dương đức tin người Kitô hữu qua sự hiện diện của họ: với tư cách
Kitô hữu, họ có thể tỏ ra lòng hâm mộ, thích nghi với văn hóa, tiếp xúc, bác ái
vô vị lợi, cộng tác trong lãnh vực kinh tế, phát triển xã hội, giáo dục; liêm
chính trong phạm vi công dân và chính trị dù không can dự việc cai trị, phát
huy tình đoàn kết huynh đệ.
7 Xem
8 Xem CvTđ 4,13.
29. 31; 9,27-28; 13,46; 14,3; 19,8; 26,26; 28,31; 1Th 2,2; 2Cor 3,12; 7,4; Ph
1,20; Eph 3,12; 6,19-20.
9 Xem 1Cor 9,15;
Rm 10,14.
10 Xem Mc 16,15.
11 Xem 1Th
1,9-10; 1Cor 1,18-21; Gal 1,31; CvTđ 14,15-17; 17,22-31.
12 Xem CvTđ
16,14.
13 Xem
14 Xem Lc 2,34;
Mt 10,34-39.
15 Xem 1Th 1,6.
16 Xem CÐ Vat
II, Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo, số 2,4,10. - CÐ Vat. II, Hiến chế mục vụ về
Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 21.
17 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 20-21.
18 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 64-65: AAS 56 (1964), trg 117.
21* Bí tích gia
nhập là những bí tích làm cho người lãnh nhận gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu:
đó là phép Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.
19 Xem
20 Xem Rm
6,4-11;
21 Xem 1Th
3,5-7; CvTđ 8,14-17.
22* Ðây là bộ
giáo luật, một sưu tầm chính thức các luật pháp của Giáo Hội. Một ủy ban chuyên
biệt hiện đảm trách việc xuất bản bộ luật mới.
22 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 14: AAS 57 (1965), trg 19.
23 Xem T.
Augustinô, Tract. in Joan., 11,4: PL 35, 1476.
24 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 9: AAS 57 (1965), trg 13.
25 Xem 1Cor 3,9.
26 Xem Eph 4,1.
27 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 10, 11, 34: AAS 57 (1965), trg 10-17;
39-40.
23* Câu này có
nghĩa là cộng đoàn tín hữu luôn luôn ở với Chúa Kitô trên đường về cùng Chúa
Cha cho tới ngày thế mạt.
28 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Thiên Chúa, số 21 : AAS 57 (1965), trg 24.
29 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 12, 35: AAS 57 (1965) trg 16, 40-41.
30 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23, 36 : A AS 57 (1965) trg 28, 41-42.
31 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11, 35, 41 : AAS 57 (1965), trg 15-16,
40-41, 47.
32 Xem CÐ Vat
II, Sắc lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, số 4 : AAS 57 (1965), trg
77-78.
24* Muôn dân
theo nghĩa Thánh Kinh là người ngoại giáo.
25* Những cộng
đoàn giáo hội là những nhóm Kitô hữu không công giáo, nhất là những nhóm Tin
Lành (xem tiếng nầy trong HN, ch. III).
33 Xem Epist. ad
Diognetum, 5 : PG 2, 1173. -Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 38:
AAS 57 (1965), trg 43.
34 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 32: AAS 57 (1965), trg 38. - N.t., Sắc lệnh
về Tông Ðồ Giáo Dân, số 5-7.
35 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về việc đào tạo Linh Mục, số 4, 8, 9.
36 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 17: AAS 56 (1964), trg 105.
37 Xem CÐ Vat.
II,, Sắc lệnh về việc đào tạo Linh Mục, số 1.
38 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 843-844.
39 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất, số 4: AAS 57 (1965), trg 94-96.
40 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 842.
41 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 29: AAS 57 (1965), trg 36.
26* Ðặt tay là một
nghi lễ thánh thiện. Chính việc đặt tay này ban bí tích phó tế.
42 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959 : AAS 51 (1959), trg 855.
43 Ở đây nói những
người vẫn được gọi là "catéchistes à plein temps", "full time
catechists" (những thầy giảng, kẻ giảng).
27* Sứ mệnh pháp
lý theo giáo luật là quyền hành do Giáo Quyền có thẩm quyền ban cho, như quyền
dạy dỗ, quyền cử hành các nghi thức để phục vụ Giáo Hội.
44 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 31, 44 : AAS 57 (1965), trg 37, 50-51.
Chương III: Các Giáo Hội Ðịa Phương 28*
19. Sự tiến triển của các
Giáo Hội trẻ. Việc gieo trồng Giáo Hội trong một nhóm người nhất định kể như là
đã đạt tới mục đích, khi cộng đoàn tín hữu - đã bén rễ trong đời sống xã hội và
đã phù hợp một phần nào với văn hóa địa phương - hưởng được một sự mạnh mẽ và vững
chắc nào rồi: nghĩa là cộng đoàn tín hữu đó đã có dồi dào, tuy chưa đủ, các
linh mục, tu sĩ và giáo dân địa phương, đã có những thừa tác vụ và những tổ chức
cần thiết cho việc dẫn dắt và phát triển đời sống Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của
Giám Mục 29*
riêng mình.
Trong những Giáo
Hội 30*
trẻ trung đó, đời sống Dân Chúa phải trưởng thành về mọi phương diện của đời sống
Kitô giáo được canh tân theo những tiêu chuẩn của Công Ðồng này: các cộng đoàn
tín hữu mỗi ngày một ý thức hơn rằng mình trở nên những cộng đoàn sống đức tin,
phụng vụ và bác ái; nhờ chuyên lo hoạt động dân sự và tông đồ, giáo dân phải cố
gắng thiết lập trật tự bác ái và công bằng trong xã hội; phải xử dụng các
phương tiện truyền thông xã hội một cách thích hợp và khôn ngoan; nhờ sống đời
sống thực sự Kitô giáo, các gia đình phải trở nên những vườn ương việc tông đồ
giáo dân, ơn gọi linh mục và tu sĩ. Sau hết, đức tin phải được giảng dạy nhờ
khoa dạy giáo lý thích hợp, được cử hành trong Phụng Vụ hợp với đặc tính dân tộc,
và được đưa vào các tổ chức lành mạnh cũng như các phong tục địa phương nhờ bản
giáo luật thích ứng.
Còn các Giám Mục
- mỗi vị hợp nhất với linh mục đoàn của mình và ngày càng thấm nhuần cảm thức của
Chúa Kitô và Giáo Hội - phải cảm thông và sống với toàn thể Giáo Hội. Các Giáo
Hội trẻ trung phải duy trì mối thông hiệp mật thiết với toàn thể Giáo Hội và phải
liên kết những yếu tố của truyền thống Giáo Hội với nền văn hóa riêng, để nhờ
được trao đổi sinh lực cho nhau mà phát triển đời sống Nhiệm Thể 1.
Do đó, phải trau dồi những yếu tố thần học, tâm lý và nhân bản có thể góp phần
vào việc cổ võ cảm thức thông hiệp cùng toàn thể Giáo Hội.
Nhưng các Giáo Hội
này vì thường ở những miền khá nghèo túng trên địa cầu nên vẫn còn thiếu linh mục,
đôi khi thiếu một cách hết sức trầm trọng, và nhiều khi thiếu cả viện trợ vật
chất nữa. Vì thế, hoạt động truyền giáo liên tục của toàn thể Giáo Hội cần phải
trợ cấp cho những Giáo Hội đó, để trước hết giúp cho Giáo Hội địa phương phát
triển và giúp cho đời sống Kitô giáo được trưởng thành. Hoạt động truyền giáo
này cũng phải giúp đỡ các Giáo Hội tuy đã thành lập từ lâu, nhưng đang bị rơi
vào tình trạng thoái hóa và suy yếu.
Tuy nhiên, các
Giáo Hội đó phải khôi phục lòng nhiệt thành mục vụ chung và những công cuộc
thích ứng, để nhờ đó số ơn kêu gọi vào hàng giáo sĩ giáo phận và vào các Hội
Dòng được gia tăng, được phân biệt một cách chắc chắn hơn và được huấn luyện hữu
hiệu hơn 2;
như vậy dần dần các Giáo Hội đó có thể tự túc và giúp đỡ các Giáo Hội khác.
20. Hoạt động truyền giáo
của các Giáo Hội địa phương. Vì Giáo Hội địa phương 31*
có nhiệm vụ phản ảnh Giáo Hội hoàn cầu một cách hết sức hoàn hảo, nên phải
thành thực nhận định rằng mình cũng được sai tới những kẻ chưa tin Chúa Kitô
đang sống trong cùng một địa hạt với mình, để nhờ chứng tá đời sống của mỗi tín
hữu và của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội này trở thành dấu chỉ cho họ thấy Chúa
Kitô.
Ngoài ra cần phải
có thừa tác vụ Lời Chúa để Phúc Âm đến với mọi người. Do đó, trước hết Giám Mục
phải là người rao giảng đức tin để dẫn đưa các môn đệ mới đến với Chúa Kitô 3.
Ðể chu toàn đứng đắn chức vụ cao trọng đó, ngài phải thấu triệt sâu xa về những
hoàn cảnh của đoàn chiên mình, cũng như về những ý niệm thâm sâu của đồng bào về
Thiên Chúa; ngài cũng phải cẩn thận để ý đến những biến đổi gây nên bởi những
cuộc thành thị hóa, như người ta thường nói, những cuộc di dân và chủ nghĩa
lãnh đạm đối với tôn giáo.
Các linh mục bản
xứ ở những Giáo Hội trẻ trung phải hăng say bắt tay vào việc rao giảng Phúc Âm
bằng cách tổ chức hoạt động chung với những nhà truyền giáo ngoại quốc, những
người hợp cùng các ngài làm thành một linh mục đoàn duy nhất, liên kết dưới quyền
Giám Mục, không những để chăn dắt các tín hữu và để cử hành việc phụng thờ
Thiên Chúa, nhưng còn để rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Giáo Hội. Các
ngài phải tỏ ra sẵn sàng, và khi có dịp, các ngài phải hăng say tình nguyện để
Ðức Giám Mục sai đi khởi công truyền giáo tại những miền xa xôi và bị bỏ rơi
trong giáo phận mình hoặc trong các giáo phận khác.
Các tu sĩ nam nữ
và cả giáo dân cũng phải nung đúc lòng nhiệt tâm truyền giáo đó đối với đồng
bào mình, nhất là với những người nghèo khổ hơn.
Các Hội Ðồng
Giám Mục phải lo lắng tổ chức những khóa tu nghiệp định kỳ về Thánh Kinh, thần
học, tu đức và mục vụ, với mục đích là giữa những đổi thay và xáo trộn của thế
sự, giáo sĩ được hiểu biết đầy đủ hơn về thần học và phương pháp mục vụ.
Ðàng khác, cũng
phải kính cẩn tuân giữ những điều Công Ðồng này đã quyết định, nhất là trong Sắc
Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục.
Ðể có thể hoàn
thành công việc truyền giáo của Giáo Hội địa phương, cần có những thừa tác viên
đủ khả năng, được chuẩn bị đúng lúc và thích hợp với hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội
địa phương. Thực vậy, con người càng ngày càng tập trung thành từng nhóm, vì thế
các Hội Ðồng Giám Mục rất nên thiết lập những kế hoạch chung để tổ chức đối thoại
với những nhóm người đó. Nếu trong một vài miền có những nhóm người không muốn
đón nhận đức tin công giáo vì không thể thích ứng với hình thức đặc biệt mà
Giáo Hội tại đó đã mặc lấy thì ước mong phải lo liệu một phương thức đặc biệt với
hoàn cảnh đó 4,
cho đến khi tất cả các Kitô hữu có thể đoàn tụ thành một cộng đoàn duy nhất.
Còn nếu Tòa Thánh có sẵn những nhà truyền giáo để thực thi mục đích này, thì mỗi
Giám Mục phải mời gọi hoặc sẵn sàng đón nhận họ vào giáo phận mình, và ủng hộ
công cuộc của họ một cách hữu hiệu.
Ðể nhiệt tâm
truyền giáo đó được nẩy nở nơi đồng bào mình, Giáo Hội trẻ trung rất nên tham
gia vào công cuộc truyền giáo phổ quát của Giáo Hội càng sớm càng hay, bằng
cách sai chính những nhà truyền giáo của mình đi rao giảng Phúc Âm khắp nơi
trên hoàn cầu, dù mình còn thiếu giáo sĩ. Thực vậy mối thông hiệp cùng toàn thể
Giáo Hội kể như là hoàn tất khi chính các Giáo Hội trẻ trung cũng tích cực tham
gia và hoạt động truyền giáo nơi các dân tộc khác.
21. Cổ võ việc tông đồ
giáo dân. Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là
dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích
thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm 32*.
Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một
dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết
lập Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo
trưởng thành.
Thật vậy, các
tín hữu giáo dân cùng một trật hoàn toàn thuộc về Dân Chúa và về xã hội trần
gian: họ thuộc về một dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của họ; họ đã bắt đầu
thông dự những kho tàng văn hóa của dân tộc nhờ việc giáo huấn, liên kết với đời
sống dân tộc bằng nhiều mối dây xã hội khác nhau, cộng tác vào tiến bộ riêng của
dân tộc qua nghề nghiệp của họ, cảm thấy những vấn đề của dân tộc như là những
vấn đề của chính họ và cố gắng giải quyết. Lại nữa, họ còn thuộc về Chúa Kitô,
vì họ được tái sinh trong Giáo Hội bằng đức tin và phép Rửa, để nhờ đời sống mới
và việc làm mới, họ là của riêng Chúa Kitô 5,
để mọi sự qui phục Thiên Chúa trong Chúa Kitô và sau cùng để Thiên Chúa là mọi
sự trong mọi người 6.
Nhiệm vụ chính của
giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô, làm chứng bằng đời sống
và lời nói trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường
nghề nghiệp. Thật vậy, họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theo hình
ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện của chân lý 7.
Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hóa của
quê hương, theo truyền thống của dân tộc mình. Chính họ phải hiểu biết nền văn
hóa đó, sửa chữa, bảo tồn, và cải tiến theo những hoàn cảnh mới, và sau cùng phải
hoàn tất nó trong Chúa Kitô, để niềm tin vào Chúa Kitô và đời sống Giáo Hội
không còn xa lạ với xã hội họ sống, nhưng bắt đầu thấm nhiễm và cải hóa xã hội
đó. Họ phải liên kết với đồng bào mình bằng tình bác ái chân thành, để trong
cách sống của họ xuất hiện một mối dây mới về hiệp nhất và về liên kết đại đồng
đã được bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Kitô. Họ cũng phải gieo rắc đức tin vào
Chúa Kitô giữa những người có liên lạc với họ trong đời sống nghề nghiệp; điều
bó buộc này càng khẩn thiết hơn vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận
biết Chúa Kitô nhờ các giáo dân sống gần họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân
phải được chuẩn bị để cộng tác trực tiếp hơn với hàng Giáo Phẩm trong việc hoàn
tất sứ mệnh đặc biệt là loan báo Phúc Âm và truyền thông giáo lý Kitô giáo ngõ
hầu Giáo Hội mới khai sinh thêm vững mạnh.
Vậy các thừa tác
viên của Giáo Hội phải quí trọng việc tông đồ khó khăn này của giáo dân. Các
ngài phải huấn luyện sao cho giáo dân, với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, ý
thức về trách nhiệm của mình đối với tất cả mọi người. Các ngài phải dạy dỗ họ
thật sâu xa về mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ dẫn họ những phương pháp thực hành, và
sát cánh với họ trong những lúc khó khăn, theo tinh thần của Hiến Chế về Giáo Hội
và Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân.
Vì thế, trong
khi vẫn giữ đúng chức vụ và trách nhiệm riêng của Chủ Chăn và của giáo dân,
toàn thể Giáo Hội trẻ trung phải trở thành chứng tá duy nhất, sống động và vững
chắc về Chúa Kitô, để trở nên dấu chỉ rõ ràng của ơn cứu rỗi đã đến với chúng
ta trong Chúa Kitô.
22. Khác biệt trong hiệp
nhất. Lời Chúa là hạt giống, vừa nẩy mầm trong đất màu mỡ thấm nhuần sương
thiêng, vừa thu hút biến đổi và tiêu hóa mầu mỡ đó, để sau cùng mang lại nhiều
hoa trái 33*.
Thật vậy, tương tự như chương trình Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ trung, khi đang
được bén rễ trong Chúa Kitô và xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, qua một cuộc
trao đổi kỳ diệu, thu nhận tất cả những sự phong phú của các Dân Tộc đã được
trao cho Chúa Kitô làm gia nghiệp 8.
Các Giáo Hội đó phải rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan
và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những
gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân
sủng của Ðấng Cứu Chuộc và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu 9.
Ðể đạt tới ý định
đó, thì trong mỗi vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa, như người ta thường
nói, cần phải thúc đẩy việc suy tư về thần học, để nhờ ánh sáng Thánh Truyền của
toàn thể Giáo Hội mà khám phá thêm những gì Thiên Chúa đã mạc khải qua hành động
và ngôn từ của Ngài, đã được ghi chép trong Sách Thánh và đã được các Giáo Phụ
và Quyền Giáo Huấn giải thích. Như thế sẽ nhận thấy rõ ràng hơn những đường lối
nào là đức tin có thể tìm gặp lý trí, một khi đã dựa vào triết học hay lẽ khôn
ngoan của các dân tộc, và những phương thức nào có thể hòa hợp các phong tục,
quan niệm đời sống và trật tự xã hội với lối sống đã được Chúa mạc khải. Nhờ đó
sẽ mở ra những con đường để thích nghi sâu xa hơn trong mọi lãnh vực của đời sống
Kitô giáo. Nhờ đường lối hành động đó, mọi hình thức chủ nghĩa hòa đồng và chủ
nghĩa cá thể sai lạc sẽ bị loại trừ, đời sống Kitô giáo sẽ được thích nghi với
tinh thần và đặc tính của từng nền văn hóa 10,
những truyền thống đặc thù và những đặc tính riêng của mỗi gia đình dân tộc nhờ
được ánh sáng Phúc Âm chiếu soi, sẽ được đón nhận vào sự hiệp nhất công giáo.
Sau cùng, các Giáo Hội địa phương mới mẻ với những truyền thống tốt đẹp của
mình sẽ có một địa vị riêng trong khi hiệp thông cùng Giáo Hội mà vẫn duy trì
nguyên vẹn Quyền Tối Cao của Tòa Phêrô, tòa lãnh đạo toàn thể tập đoàn bác ái 11.
Vậy ước mong, và
hơn nữa điều này hoàn toàn thích hợp là các Hội Ðồng Giám Mục ở những vùng rộng
lớn cùng chung một nền văn hóa xã hội hiệp nhất với nhau thế nào để có thể đồng
tâm hợp ý theo đuổi ý định thích nghi đó.
Chú Thích:
28* Hai số 19 và
20 trước kia thuộc chương 2, trong đó Giáo Hội địa phương (riêng biệt) được xem
như một kết thúc của hoạt động truyền giáo không hơn không kém. Nhưng vì các
Giám Mục xứ truyền giáo can thiệp, nên hai số đó được để riêng thành một chương
đầy đủ ý nghĩa. Hành động này quy định rõ ràng quy chế của một Giáo Hội trẻ
trung trên đà trưởng thành, dù còn cần các Giáo Hội khác trợ giúp. Các Giáo Hội
trẻ không phải là những nhóm người công giáo chung quanh Giáo Hội phổ quát,
nhưng tăng trưởng trong Giáo Hội phổ quát và như thế cũng góp phần vào đặc tính
vừa duy nhất vừa khác biệt của Giáo Hội Công Giáo. Phương diện mới này dĩ nhiên
có những hậu quả. Giáo Hội phổ quát không những lo lắng cách riêng nhưng còn phải
biết nghe và quan tâm đến các yêu sách của các Giáo Hội trẻ.
29* Các Giáo Hội
trẻ phải tiến đến sự trưởng thành và phải trưởng thành, vì sự viên mãn hay kết
quả của việc vun trồng Giáo Hội là Giáo Hội trưởng thành. Vun trồng Giáo Hội địa
phương là công trình của một đời sống tuần tự như sự tăng trưởng của cây cối
hay của con người; khó mà quy định một cách chính xác lúc nào một Giáo Hội mới
bắt đầu trưởng thành. Ðoạn thứ nhất phác họa những nét chính yếu của một Giáo Hội
trưởng thành.
30* Ðoạn thứ hai
và những đoạn tiếp nói rõ một Giáo Hội trẻ trung có thể trưởng thành bằng những
phương thế nào.
1 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 838.
2 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 11. - N.t., Sắc lệnh về việc
Ðào Tạo Linh Mục, số 2.
31* Giáo Hội địa
phương hay Giáo Hội riêng biệt, theo bản văn là toàn thể các Giáo Hội "địa
phương" trong một miền hay trong một nước nhất định; danh gọi đó chỉ tất cả
các giáo phận hay những giáo khu trong một nước. Cả số 20 nhấn mạnh một Giáo Hội
mới trưởng thành có bổn phận phải biến thành một Giáo Hội truyền giáo chủ động
và phải hoạt động, truyền giáo trong các vùng chung quanh hay ngay cả ở nước
ngoài.
3 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 25: AAS 57 (1965), trg 29.
4 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 10: để công việc mục vụ đặc biệt
cho những đoàn thể xã hội khác nhau được dễ dàng, phải tiên liệu thiết lập các
Giám chức biệt hạt trong mức độ sự tổ chức đứng đắn của việc tông đồ đòi hỏi.
32* Cả số 21 diễn
tả vai trò giáo dân trong Giáo Hội trẻ: biểu dương đức tin, truyền giáo cách ý
thức, quy mô, hữu hiệu. Việc tông đồ giáo dân này cũng là một bằng chứng Giáo Hội
trẻ đã trưởng thành.
5 Xem 1Cor
15,23.
6 Xem 1Cor
15,28.
7 Xem Eph 4,24.
33* Bằng chứng
cuối cùng của một Giáo Hội trẻ trung trưởng thành là đem các giá trị văn hóa
riêng biệt của một dân tộc vào Giáo Hội. Phương pháp đồng hóa và sáp nhập được
diễn tả trong số 22. Ở đây các vấn đề phần lớn được khảo cứu theo ánh sáng mạc
khải. Nhờ các Giáo Hội địa phương thích nghi sâu xa với các quốc gia, nên Giáo
Hội phổ quát mới được sáng ngời bằng sự khác nhau trong duy nhất. Tính cách duy
nhất này còn được bảo đảm nhờ một đức tin, một tình bác ái, một đời sống bí
tích, một quyền cai trị tối cao.
8 Xem Tv 2,8.
9 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 13: AAS 57 (1965), trg 17-18.
10 Xem Phaolô
VI, Diễn từ đọc trong lễ phong thánh cho các Vị Tử Ðạo
11 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 13: AAS 57 (1965), trg 18.
Chương IV: Các Nhà Truyền Giáo 34*
23. Ơn gọi truyền giáo. Dù
mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin 1,
nhưng Chúa Kitô luôn gọi, trong số các môn đệ Người, những kẻ chính Người muốn,
để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân 2.
Vì thế nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng tùy ý ban phát các đặc sủng để mưu lợi ích
chung 3,
Chúa Kitô linh ứng ơn kêu gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời
thúc đẩy trong Giáo Hội có những tổ chức 4
đảm nhận như một bổn phận riêng nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm 35*
của toàn thể Giáo Hội.
Do đó, những người
có năng khiếu bẩm sinh thích ứng, đủ khả năng tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng
lãnh nhận công cuộc truyền giáo, đều được kể là có ơn gọi đặc biệt 5,
36*
dù họ là người địa phương hay ngoại quốc, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân.
Ðược quyền bính
hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa
Chúa Kitô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ được chọn để thi
hành 6
như là những thừa tác viên của Phúc Âm, "để việc phụng hiến dân ngoại làm
lễ vật được chấp nhận và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần" (Rm 15,16).
24. Ðường tu đức của nhà
truyền giáo. Tuy nhiên, con người phải đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa mà
hoàn toàn dấn thân Phục vụ Phúc Âm 37*,
chứ không nghe theo xác thịt và máu mủ 7.
Nhưng sự đáp lại này không thể thực hiện nếu không được Chúa Thánh Thần thúc đẩy
và củng cố. Thật vậy, kẻ được sai đi phải thấm nhuần đời sống và sứ mệnh của Ðấng
đã "tự hủy mình mà nhận lấy thân phận tôi tớ" (Ph 2,7). Do đó, họ phải
sẵn sàng để suốt đời đứng vững trong ơn gọi của mình, phải từ bỏ mình và những
gì mình có từ trước đến nay và "trở nên mọi sự cho mọi người" 8.
Trong khi rao giảng
Phúc Âm giữa muôn dân, nhà truyền giáo phải mạnh dạn và tin tưởng làm cho người
ta nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô mà họ là sứ giả, đến nỗi trong Người, họ dám
nói như phải nói 9,
và không xấu hổ về ô nhục của thập giá. Theo gương Thầy mình, Ðấng hiền lành và
khiêm nhượng trong lòng, họ phải tỏ ra ách Người êm ái và gánh Người nhẹ nhàng 10.
Họ phải làm chứng về Chúa của họ bằng đời sống Phúc Âm đích thực 11,
đầy kiên nhẫn, đại lượng, nhân hậu, yêu mến chân thành 12,
và nếu cần, họ sẽ đổ máu ra. Họ sẽ nài xin Thiên Chúa lòng can đảm và sức mạnh
để nhận ra nguồn vui sung mãn trong nhiều thử thách khổ tâm và thiếu thốn cực độ
13.
Họ phải xác tín rằng đức vâng phục là sức mạnh đặc biệt của những thừa tác viên
của Chúa Kitô, Ðấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại.
Những nhà rao giảng
Phúc Âm đừng hờ hững với ân sủng đã lãnh nhận mà phải tự canh tân tâm trí mỗi
ngày 14.
Vì thế, các Ðấng Bản Quyền và Bề Trên phải hội họp các nhà truyền giáo vào những
thời gian nhất định, để họ được củng cố bằng niềm cậy trông của ơn gọi, và được
canh tân trong thừa tác vụ tông đồ; lại cũng nên lập các cơ sở thích nghi với mục
đích này.
25. Huấn luyện đời sống
thiêng liêng và luân lý. Ðể đảm nhận công tác cao trọng đó, nhà truyền giáo
tương lai phải được huấn luyện đặc biệt về đời sống thiêng liêng và luân lý 15.
Thực vậy, họ phải mau mắn khởi xướng, kiên trì hoàn tất công việc, bền chí
trong khó khăn, nhẫn nại và can đảm chịu đựng nỗi cô quạnh, sự mệt nhọc và những
cố gắng vô hiệu. Họ sẽ đến cùng mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao
dung, tình nguyện lãnh nhận nhiệm vụ được giao phó, quảng đại thích nghi cả với
những phong tục khác thường của các dân tộc và những điều kiện sinh hoạt đổi
thay, đồng tâm, tương ái cộng tác với anh em và mọi người đang hiến thân cho
cùng một công việc, để theo gương cộng đoàn thời các Tông Ðồ, họ cùng với các
tín hữu họp thành một con tim và một tâm hồn duy nhất 16.
Ngay trong thời
kỳ huấn luyện, những tâm hướng đó phải được chuyên tâm thực hành, trau dồi và
phát triển, nuôi dưỡng bằng đời sống thiêng liêng. Thấm nhuần đức tin sống động
và đức cậy vững vàng, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện; phải được
nung đúc bằng tinh thần can đảm, yêu thương và độ lượng 17;
phải học quen tự túc trong mọi hoàn cảnh 18;
phải lấy tinh thần hy sinh mà mang trên mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để sự sống
Chúa Giêsu tác động trong những người họ được sai đến 19;
vì lòng nhiệt thành với các linh hồn, họ phải tự nguyện hy sinh mọi sự và tận
hiến chính bản thân cho các linh hồn 20,
để như vậy họ "gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành
nhiệm vụ hằng ngày" 21.
Như thế, vâng theo ý Ðức Chúa Cha, họ sẽ cùng với Chúa Kitô tiếp tục sứ mệnh của
Người dưới quyền phẩm trật trong Giáo Hội, và sẽ cộng tác vào mầu nhiệm cứu rỗi.
26. Huấn luyện giáo lý và
làm tông đồ. Như những thừa tác viên xứng đáng của Chúa Kitô, những ai được sai
đến với các dân tộc phải được nuôi dưỡng "bằng lời lẽ đức tin và giáo lý
lành thánh" (1Tm 4,6) mà họ sẽ múc lấy, trước hết từ Thánh Kinh, trong khi
đào sâu Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Ðấng họ phải rao giảng và làm chứng.
Bởi vậy, mọi nhà
truyền giáo - linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân - đều phải được chuẩn bị và đào
tạo theo hoàn cảnh riêng của mỗi người để khỏi thiếu những khả năng đáp ứng với
những đòi hỏi của công việc mai sau 22.
Ngay từ đầu, việc huấn luyện giáo thuyết cho họ phải được tổ chức thế nào để vừa
bao hàm tính cách phổ quát của Giáo Hội vừa gồm sự dị biệt của các dân tộc. Ðiều
đó cũng có giá trị đối với các môn học mà họ phải trau dồi để hoàn thành thừa
tác vụ, cũng như đối với những khoa học hữu ích khác, giúp họ có kiến thức
chung thuộc về quá khứ cũng như trong hiện tại về các dân tộc, các nền văn hóa,
các tôn giáo. Như thế nghĩa là bất cứ ai sẽ đến với dân tộc khác, phải hết sức
mến chuộng di sản, tiếng nói và phong tục của dân tộc đó. Nhà truyền giáo tương
lai trước hết cần phải miệt mài học hỏi khoa truyền giáo, tức là thấu hiểu giáo
thuyết và những quy tắc của Giáo Hội về hoạt động truyền giáo, biết đường lối
mà các nhà rao giảng Phúc Âm đã từng trải qua bao thế kỷ, và cả tình trạng truyền
giáo hiện thời, cùng những phương pháp hiện nay được coi là hiệu nghiệm hơn cả 23.
Mặc dầu việc
giáo dục toàn hảo này chú tâm đặc biệt đến phương diện mục vụ, nhưng cũng phải
chú ý tới việc đào tạo tinh thần tông đồ một cách đặc biệt và có hệ thống cả về
giáo thuyết lẫn thực hành 24.
Phải có một số rất
đông nam nữ tu sĩ được học hỏi và chuẩn bị kỹ lưỡng về nghệ thuật dạy giáo lý để
họ có thể cộng tác vào việc tông đồ một cách đắc lực hơn nữa.
Cả những người
chỉ đảm nhận một phần công tác truyền giáo trong một thời gian cũng cần phải được
huấn luyện tương xứng với hoàn cảnh của họ.
Những loại huấn
luyện này phải được bổ túc ở chính những nơi mà họ được sai tới, để các nhà
truyền giáo hiểu biết rộng rãi hơn về lịch sử, cơ cấu xã hội và tập quán của
các dân tộc, thấu triệt trật tự luân lý, luật lệ tôn giáo và cả những ý tưởng
thâm sâu mà theo truyền thống thiêng liêng, các dân tộc có quan niệm về Thiên
Chúa, về vũ trụ và về con người 25.
Do đó, họ phải học biết tiếng nói đến mức độ có thể xử dụng thông thạo và trôi
chảy, như thế họ tìm thấy đường lối đến với tâm trí và con tim con người một
cách dễ dàng hơn 26.
Ngoài ra, họ phải được khai tâm đúng đắn về những nhu cầu mục vụ riêng biệt.
Cũng phải có một
số nhà truyền giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn tại những Học Viện Truyền Giáo,
hoặc những Phân Khoa hay Ðại Học khác để họ có thể thi hành những trách vụ đặc
biệt một cách hữu hiệu hơn 27,
và nhờ sự uyên bác của mình mà có thể giúp đỡ những nhà truyền giáo khác trong
việc truyền giáo, nhất là trong thời đại chúng ta với nhiều khó khăn đồng thời
cũng nhiều thuận tiện. Lại nữa, cũng rất mong ước các Hội Ðồng Giám Mục Miền có
sẵn trong tay nhiều nhà chuyên môn như thế và xử dụng kiến thức, kinh nghiệm của
họ một cách hữu hiệu trong những nhu cầu của chức vụ mình. Cũng nên có những
người biết xử dụng thông thạo các dụng cụ kỹ thuật và truyền thông xã hội mà mọi
người phải quý chuộng tầm quan trọng đặc biệt của chúng.
27. Các hội thừa sai. Tuy
tất cả những điều đó đều hoàn toàn cần thiết cho bất cứ ai được sai đến với các
dân tộc, nhưng từng cá nhân khó có thể thực sự đạt tới được. Hơn nữa, vì kinh
nghiệm đã chứng minh rằng chính công việc truyền giáo không thể do từng người
riêng rẽ chu toàn được, nên những người có cùng một ơn kêu gọi sẽ hợp thành những
Tổ Chức, 38*
để nhờ chung sức với nhau, họ được huấn luyện một cách thích hợp và theo đuổi
công việc đó nhân danh Giáo Hội và theo ý muốn của hàng Giáo Phẩm. Từ nhiều thế
kỷ nay, những Tổ Chức này đã mang gánh nặng của tháng ngày và của nóng nực, đã
tự hiến trọn vẹn hoặc một phần cho công việc truyền giáo vất vả. Thường thường,
Tòa Thánh ủy thác cho họ việc rao giảng Phúc Âm cho những vùng đất rộng lớn, ở
đó họ tụ họp cho Thiên Chúa một dân tộc mới, một Giáo Hội địa phương liên kết
chặt chẽ với các chủ chăn mình. Ðối với các Giáo Ðoàn mà họ đã xây dựng bằng mồ
hôi và cả bằng máu mình, họ đem hết lòng nhiệt thành và kinh nghiệm để phục vụ
trong tinh thần cộng tác huynh đệ, hoặc bằng việc săn sóc các linh hồn, hoặc bằng
cách chu toàn những công tác đặc biệt nhằm lợi ích chung.
Ðôi khi họ sẽ đảm
nhận một số công tác khẩn cấp hơn cho cả một miền, chẳng hạn việc rao giảng
Phúc Âm cho những nhóm người hay những dân tộc, mà vì những lý do riêng, có lẽ
chưa nhận được, hoặc vẫn còn chống lại sứ điệp Phúc Âm 28.
Nếu cần, họ phải
sẵn sàng dùng kinh nghiệm mình mà huấn luyện và giúp đỡ những người hiến thân
trong một thời gian cho hoạt động truyền giáo.
Vì những lý do
trên và vì vẫn còn nhiều dân tộc phải được dẫn về với Chúa Kitô, nên những tổ
chức đó còn hết sức cần thiết.
Chú Thích:
34* Hoạt động
truyền giáo có bản tính và mục đích riêng biệt. Vì thế nó phải có những người
thợ được chỉ định và được đặc biệt chuẩn bị. Ðó là các vị truyền giáo. Có những
cái nhìn mơ hồ được phổ biến đó đây quan niệm rằng các nhà truyền giáo chỉ có
tính cách phụ thuộc, và làm lu mờ hình ảnh cũng như vai trò của họ. Nhưng các
Giám Mục xứ truyền giáo và với các ngài cả Công Ðồng mong ước rằng các nhà truyền
giáo phải được xác định một cách trọn vẹn, được diễn tả và khuyến khích qua một
sắc lệnh. Thật vậy, dù cả Giáo Hội phải truyền giáo, nhưng Thánh Kinh cũng cho
thấy có một số người được cắt đặt rao giảng Phúc Âm (CvTđ 13,2; Rm 1,1). Chủ đề
chương IV là ơn kêu gọi, ý niệm, vai trò và việc huấn luyện một nhà truyền
giáo.
1 CÐ Vat. II, Hiến
chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 21.
2 Xem Mc 3,13t.
3 Xem 1Cor
12,11.
4 "Tổ chức"
ở đây hiểu là các Dòng Tu, Hội Dòng, Tu Hội và các Hiệp Hội làm việc truyền
giáo.
35* Ở đây (ngay
chương này cũng như chương VI) danh từ truyền bá Phúc Âm hiểu theo nghĩa rộng
và bao hàm: việc truyền giáo, rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội, gọi tắt
là công việc truyền giáo.
5 Xem Piô XI,
Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 69-71. - Piô XII, Tđ.
Saeculo exeunte, 13-6-1940: AAS 32 (1940), trg 256; Tđ. Evangelii praecones,
2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 506.
36* Ðoạn này cho
ta một khái niệm đúng về nhà truyền giáo và hình như cải chính một ý tưởng
thông thường về nhà truyền giáo. Theo dân chúng, nhà truyền giáo là một người
da trắng, một người Âu Châu, một người lìa bỏ quê hương và văn minh của mình.
Những phương diện đó có thể đúng, nhưng không thiết yếu. Khi giải thích đoạn
này cho các Nghị Phụ, Ủy Ban đặc trách vấn đề truyền giáo đã nêu lên 5 yếu tố
trong khái niệm về nhà truyền giáo: nhà truyền giáo phải là: 1) người được tách
rời, nghĩa là được đại diện để thi hành một hoạt động chuyên biệt; 2) được Bản
Quyền Giáo Hội sai đi; 3) phải ra đi, nghĩa là mang Giáo Hội đến những nơi chưa
có Giáo Hội; 4) đến nơi xa, không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa địa lý, nhưng
theo nghĩa thiêng liêng: đi từ một nơi Giáo Hội được vun trồng đến một nơi ngoại
giáo, nơi mà Giáo Hội còn vắng mặt và phải được vun trồng; 5) để rao giảng Phúc
Âm như một sứ giả chân chính và thi hành mọi công việc của một vị truyền giáo.
Thật vậy, Sắc Lệnh nêu lên các đặc tính thiết yếu đó. Nếu vậy, những ai hội đủ
các yếu tố trên, đều là những nhà truyền giáo chân chính, dù họ là người địa
phương, ngoại quốc, linh mục, tu sĩ hay giáo dân.
6 Xem CvTđ 13,2.
37* Bức chân dung
vị truyền giáo được phác họa ra đây là theo mẫu Chúa Kitô. Vị truyền giáo biểu
lộ các đặc tính chính yếu của Người. Ðang khi cố gắng diễn tả hết sức hình ảnh
Chúa Kitô nơi mình thì vị truyền giáo đồng thời phải trở nên chính Người. Ngay
từ đoạn đầu, một chương trình vĩ đại cho vị truyền giáo đã được phác họa: hoàn
toàn ràng buộc vào việc rao giảng Phúc Âm sẵn sàng sống trong ơn gọi đó suốt đời,
khước từ chính bản thân và tất cả những gì mình có. Các yêu sách đó nặng nề đến
nỗi không ai có thể đáp ứng được nếu không có sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chúa
Thánh Thần.
7 Xem Gal 1,16.
8 Xem 1Cor 9,22.
9 Xem Eph
6,19tt.; CvTđ 4,31.
10 Xem Mt
10,29tt.
11 Xem Benedictô
XV, Tđ. Maximum illud 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 449-450.
12 Xem 2Cor
6,4tt.
13 Xem 2Cor 8,2.
14 Xem 1Tm 4,14;
Eph 4,23; 2Cor 4,16.
15 Xem Benedictô
XV, Tđ. Maximum illud 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 448-449. - Piô XII, Tđ.
Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951) trg 507.
Việc đào tạo các
linh mục truyền giáo cũng được CÐ Vat. II đề cập trong Sắc lệnh về việc Ðào Tạo
Linh Mục.
16 Xem CvTđ
2,42; 4,32.
17 Xem 2Tm 1,7.
18 Xem Ph 4,11.
19 Xem 2Cor
4,10tt.
20 Xem 2Cor
12,15tt.
21 CÐ Vat. II,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 41: AAS 57 (1965), trg 46.
22 Xem Benedictô
XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 440. - Piô XII, Tđ.
Evangelii praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507.
23 Benedictô XV,
Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 448. - Thánh Bộ Truyền Bá Ðức
Tin, Sắc lệnh 20-5-1923: AAS 15 (1923), trg 369-370. - Piô XII, Tđ. Saeculo
exeunte, 2-6-1940: AAS 32 (1940), trg 256. - n.t., Tđ. Evangelii praecones,
2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507. - Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum,
28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 843-844.
24 CÐ Vat. II, Sắc
lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục, số 19-21. - X. thêm Tông hiến Sedes Sapientiae với
những qui luật chung, 21-5-1956: AAS 48 (1956), trg 354-365.
25 Piô XII, Tđ.
Evangelii praecones: AAS 43 (1951), trg 523-524.
26 Benedictô XV,
Tđ. Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 448. - Piô XII, Tđ. Evangelii praecones:
AAS 43 (1951), trg 507.
27 Xem Piô XII,
Tđ. Fidei donum, 15-6-1957: AAS 49 (1957), trg 234.
38* Những Tổ Chức
truyền giáo dưới những hình thức khác nhau trong số này mang đầy đủ ý nghĩa, vì
chỉ có những tổ chức này mới có thể bảo đảm công trình chuẩn bị và thích nghi kỹ
thuật cho những nỗ lực truyền giáo. Tuy nhiên, những quả quyết đáng ca tụng đó
không giải quyết các vấn đề rất nghiêm trọng được đặt ra, nhất là trong thời đại
chúng ta, về cơ cấu của những tổ chức truyền giáo thuần túy, về những tương
quan với Giám Mục, với những thể thức hoạt động truyền giáo.
28 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục, số 10, chỗ nói về các giáo phận,
các giám mục biệt hạt, và các miền tương tự.
Chương V: Tổ Chức Hoạt Ðộng Truyền Giáo 39*
28. Nhập đề. Các Kitô hữu
vì có những ân huệ khác nhau 1,
nên mỗi người phải cộng tác vào Phúc Âm tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, tài năng
đặc sủng và chức vụ 2
của mình. Do đó tất cả mọi người, kẻ gieo và người gặt 3,
kẻ trồng và người tưới, phải hiệp nhất với nhau 4,
để "khi cùng nhau hướng về một mục đích cách tự do và trật tự" 5,
họ đồng tâm gắng sức xây dựng Giáo Hội.
Vì thế công việc
của những người rao giảng Phúc Âm và sự trợ giúp của các Kitô hữu khác phải được
hướng dẫn và tập trung thế nào, để trong mọi lãnh vực hoạt động và hợp tác truyền
giáo "mọi sự đều được thực hiện theo trật tự" (1Cor 14,40).
29. Tổ chức tổng quát. Vì
nhiệm vụ loan báo Phúc Âm cho toàn thế giới trước hết là việc của Giám Mục Ðoàn
6,
nên Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tức "Hội Ðồng Giám Mục thường trực để lo cho
toàn thể Giáo Hội" 7,
giữa những công tác có tầm quan trọng tổng quát khác 8,
phải đặc biệt lưu tâm đến hoạt động truyền giáo, một phận vụ rất quan trọng và
rất thánh thiện của Giáo Hội 9.
Ðể lo cho các xứ
truyền giáo và cho mọi hoạt động truyền giáo, phải có một Thánh Bộ duy nhất có
thẩm quyền, tức là "Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin"; Thánh Bộ này điều
khiển và phối hợp chính công cuộc truyền giáo cũng như sự hợp tác truyền giáo
trên toàn thế giới; tuy nhiên quyền của các Giáo Hội Ðông Phương vẫn còn nguyên
vẹn 10.
Vẫn biết Chúa
Thánh Thần có nhiều cách thúc đẩy tinh thần truyền giáo trong Giáo Hội Chúa, và
đôi khi đã đi trước hành động của những vị hướng dẫn đời sống Giáo Hội; tuy
nhiên, riêng về phần mình, Thánh Bộ này cũng phải phát động ơn kêu gọi và tinh
thần truyền giáo, nhiệt tâm và kinh nguyện cho các xứ truyền giáo, và phải
thông báo những tin tức chính xác và đầy đủ về những xứ đó. Thánh Bộ cũng phải
cổ võ và phân phối các nhà truyền giáo tùy nhu cầu khẩn cấp hơn của các miền.
Thánh Bộ lại phải sắp đặt kế hoạch hoạt động cho có quy củ, ban bố những tiêu
chuẩn hướng dẫn và những nguyên tắc thích nghi với việc rao giảng Phúc Âm, và
thúc đẩy công việc đó nữa. Thánh Bộ phải phát động và phối hợp việc đóng góp hữu
hiệu tiền trợ cấp và phân phát tùy theo nhu cầu hay lợi ích, theo diện tích,
theo số tín hữu và lương dân, theo số công tác và tổ chức cũng như theo số thừa
tác viên và nhà truyền giáo.
Hợp với Văn
Phòng cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, Thánh Bộ phải tìm đường lối và phương tiện
để tạo ra cũng như tổ chức sự cộng tác huynh đệ và cả việc hòa hợp với những kế
hoạch truyền giáo của các cộng đoàn Kitô giáo khác, hầu tẩy trừ các gương xấu
chia rẽ càng nhiều càng hay.
Bởi vậy Thánh Bộ
này cần phải vừa là phương tiện điều hành, vừa là cơ quan chỉ đạo sống động, biết
xử dụng những phương pháp khoa học và những phương tiện thích nghi với các hoàn
cảnh hiện đại, nghĩa là chú trọng đến các khảo cứu hiện thời về thần học,
phương pháp học và mục vụ truyền giáo.
Trong việc điều
hành Thánh Bộ này, phải có phần tích cực với phiếu quyết định của những đại biểu
được chọn trong số tất cả những người cộng tác vào công cuộc truyền giáo: đó là
các Giám Mục từ khắp hoàn cầu, sau khi đã lãnh ý các Hội Ðồng Giám Mục và những
vị Giám Ðốc các tổ chức và các Hội Giáo Hoàng, theo cách thức và quy tắc do Ðức
Giáo Hoàng ấn định. Tất cả những vị này được triệu tập theo định kỳ để thực thi
công việc điều hành tối cao của toàn thể công cuộc truyền giáo dưới quyền Ðức
Giáo Hoàng.
Thánh Bộ này
cũng phải có một Ủy Ban Cố Vấn thường trực, gồm những người chuyên môn, đầy kiến
thức và kinh nghiệm; trong các công việc của họ, những người này còn có nhiệm vụ
thu thập những tài liệu cần biết về hoàn cảnh địa phương của các miền và về tâm
tính của những nhóm người khác nhau, cũng như về những phương pháp cần phải áp
dụng cho việc rao giảng Phúc Âm và đưa ra những kết luận có nền tảng khoa học
cho công cuộc truyền giáo và việc cộng tác truyền giáo.
Những Hội Dòng Nữ,
cũng như các công cuộc địa phương giúp các xứ truyền giáo và cả những tổ chức
giáo dân, nhất là những tổ chức quốc tế, đều phải được đại diện một cách thích
đáng.
30. Tổ chức địa phương ở
các xứ truyền giáo. Ðể thi hành công cuộc truyền giáo này đạt tới mục đích và kết
quả, mọi người làm việc truyền giáo phải có một "con tim duy nhất và một
tâm hồn duy nhất" (CvTđ 4,32).
Ðức Giám Mục 40*
là vị chỉ huy và là trung tâm hiệp nhất việc tông đồ giáo phận, có nhiệm vụ
phát động, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo thế nào để duy trì và cổ
võ lòng nhiệt thành của những người tham gia vào công việc này. Hết mọi nhà
truyền giáo, kể cả những tu sĩ miễn trừ, phải phục quyền Ngài trong những công
tác nhằm thi hành việc tông đồ thánh 11.
Ðể phối hợp công việc tốt đẹp hơn, Ðức Giám Mục nếu có thể nên thiết lập Hội Ðồng
Mục Vụ, trong đó giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều được góp phần qua những đại biểu
được tuyển chọn. Ngoài ra, Giám Mục phải lo liệu để hoạt động tông đồ không chỉ
giới hạn cho những người đã tòng giáo, nhưng phải dành một phần nhân lực và vật
lực tương đương vào việc rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo.
31. Phối hợp hoạt động
trong miền. Các Hội Ðồng Giám Mục phải đồng lòng cứu xét những chuyện quan trọng
hơn và những vấn đề khẩn cấp hơn, nhưng không được xem nhẹ những dị biệt địa
phương 12.
Ðể khỏi phân tán nhân lực và vật lực còn thiếu thốn, và để khỏi gia tăng những
công cuộc không cần thiết, nên hợp lực thiết lập những công tác phục vụ lợi ích
chung, thí dụ chủng viện, các trường cao đẳng hay kỹ thuật, những trung tâm mục
vụ, giáo lý, phụng vụ và cả những trung tâm cho các phương tiện truyền thông xã
hội.
Cũng phải tùy tiện
mà thiết lập sự cộng tác như vậy giữa các Hội Ðồng Giám Mục khác nhau.
32. Phối hợp hoạt động của
các tổ chức. Cũng nên phối hợp hoạt động của các Tổ Chức hay Hội Ðoàn trong
Giáo Hội. Mọi tổ chức đó, bất cứ thuộc loại nào, trong bất cứ điều gì liên quan
đến chính hoạt động truyền giáo, đều phải tùy phục Ðấng Bản Quyền địa phương.
Vì thế, sẽ rất hữu ích nếu đi đến những hợp đồng riêng để qui định những liên lạc
giữa Ðấng Bản Quyền và vị Giám Mục của Tổ Chức.
Khi một địa hạt
được ủy thác cho một Tổ Chức nào, thì Bề Trên của Giáo Hội địa phương và của Tổ
Chức đó phải để tâm qui hướng mọi sự đến mục đích này là để cộng đoàn Kitô giáo
mới mẻ được phát triển thành một Giáo Hội địa phương; việc quản trị Giáo Hội
này sẽ được trao cho Chủ Chăn cùng với hàng giáo sĩ riêng của mình vào lúc thuận
tiện. Sau khi việc ủy thác một địa hạt chấm dứt, một hoàn cảnh mới sẽ phát
sinh, khi đó các Hội Ðồng Giám Mục và các Tổ Chức phải đồng lòng ấn định những
tiêu chuẩn hướng dẫn mối tương quan giữa các Ðấng Bản Quyền và các Tổ Chức 13.
Còn Tòa Thánh có nhiệm vụ phác họa những nguyên tắc tổng quát để theo đó mà ký
kết những hợp đồng miền, hoặc cả những hợp đồng riêng tư nữa.
Tuy các Tổ Chức
sẵn sàng tiếp tục công việc đã khởi xướng, bằng cách cộng tác vào các thừa tác
vụ thông thường là coi sóc các linh hồn, nhưng khi hàng giáo sĩ địa phương tăng
triển, phải trù liệu để các Tổ Chức theo mức độ thích hợp với mục đích mình, vẫn
còn trung thành với chính giáo phận bằng cách quảng đại lãnh nhận những công
tác đặc biệt hay một vùng nào đó trong giáo phận.
33. Phối hợp giữa các tổ
chức. Những Tổ Chức 41*
đang chăm lo công việc truyền giáo trong cùng một địa hạt phải tìm đường lối và
phương pháp phối hợp công tác. Vì thế rất cần phải có những Hội Ðồng Nam Tu và
Hiệp Hội Nữ Tu với sự tham gia của mọi tổ chức trong cùng một nước hay một miền.
Các Hội Ðồng này phải tìm xem có thể cùng nhau cố gắng làm được những gì, và phải
liên kết chặt chẽ với các Hội Ðồng Giám Mục.
Vì lý do tương tự,
tất cả những điều trên cũng nên được mang ra áp dụng vào việc cộng tác giữa những
Tổ Chức truyền giáo ngay tại quê hương, để có thể giải quyết các vấn đề và các
công cuộc chung một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn, chẳng hạn như việc huấn luyện
về giáo thuyết cho các nhà truyền giáo tương lai, những khóa học cho những nhà
truyền giáo, những liên lạc với chính quyền hay với những cơ quan quốc tế và
siêu quốc gia.
34. Phối hợp giữa các viện
khoa học. Một hoạt động truyền giáo được thực thi đúng đắn và có tổ chức chặt
chẽ đòi hỏi các thợ rao giảng Phúc Âm phải được chuẩn bị cho nhiệm vụ mình một
cách khoa học, nhất là để đối thoại với các tôn giáo và văn hóa ngoài Kitô
giáo. Họ phải được giúp đỡ một cách hữu hiệu ngay trong khi thi hành chức vụ;
do đó ước mong rằng: để giúp đỡ các xứ truyền giáo, cần có sự cộng tác huynh đệ
và quảng đại giữa những Tổ Chức khoa học đang nghiên cứu khoa truyền giáo và những
môn học hay nghệ thuật khác giúp ích cho các xứ truyền giáo như nhân chủng học,
ngôn ngữ học, lịch sử học, tôn giáo học, xã hội học, những nghệ thuật mục vụ và
những môn tương tự.
Chú Thích:
39* Công việc
truyền giáo thật vĩ đại, về phương diện địa lý cũng như về mục đích nhằm thực
hiện. Một công trình như thế muốn thành công, cần phải có tổ chức. Chương V đề
cập đến tổ chức này. Vì hoạt động truyền giáo là một bổn phận chính yếu của
Giáo Hội, nên có thể khảo sát việc tổ chức này trên ba phương diện: phổ quát,
theo miền và địa phương. Trên phương diện phổ quát, có vấn đề kế hoạch hóa và
điều khiển hoạt động truyền giáo tổng quát. Theo nguyên tắc cộng đoàn, trách
nhiệm rao giảng cho muôn dân là trách nhiệm của Giám Mục Ðoàn với Ðức Giáo
Hoàng (số 28; GH số 23). Nhưng trong thực tế các ngài hoạt động dưới hình thức
cụ thể nào? Theo Sắc Lệnh thì có hai cách: việc chỉ huy và điều khiển công việc
truyền giáo tổng quát là bổn phận của Ðức Thánh Cha với "Hội Ðồng Giám Mục
thường trực để lo cho toàn thể Giáo Hội". Trên phương diện quản trị và thi
hành, thì Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin chịu trách nhiệm với sự phê chuẩn của Ðức
Giáo Hoàng. Sắc Lệnh không quảng diễn điểm thứ hai này (số 29). Nhưng với Thánh
Bộ Ðức Tin thì có hai điểm được xác định: các Giám Mục hội viên phải được tuyển
chọn sau khi tham khảo ý kiến của các Hội Ðồng Giám Mục. Hơn nữa, các đại diện
của những người cộng tác vào việc truyền giáo phải góp phần tích cực với quyền
biểu quyết ngay cả trong Thánh Bộ. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi phải có một
cuộc cải tổ dựa trên nguyên tắc cộng đoàn.
1 Xem Rm 12,6.
2 Xem 1Cor 3,10.
3 Xem Gio 4,37.
4 Xem 1Cor 3,8.
5 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 18: AAS 57 (1965), trg 22.
6 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23: AAS 57 (1965), trg 28.
7 Xem Tự sắc
Apostolica Sollicitudo, 15-9-1965: AAS 57 (1965), trg 776.
8 Xem Phaolô VI,
Diễn từ ngày 21-11-1964 tại Công Ðồng: AAS 56 (1964), trg 1011.
9 Xem Benedictô
XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 39-40.
10 Nếu vì lý do
nào đó mà đến nay một số xứ truyền giáo vẫn còn tạm thời tùy thuộc vào nhiều
Thánh Bộ khác, thì phải làm thế nào để các Thánh Bộ đó có liên lạc với Thánh Bộ
Truyền Bá Ðức Tin, hầu có thể có một phương pháp cũng như một nguyên tắc hoàn
toàn cố định và đồng nhất trong việc tổ chức và điều khiển mọi xứ truyền giáo.
40* Trên bình diện
địa phương, chính Giám Mục là người phải điều khiển hoạt động truyền giáo (số
30). Trên phương diện miền, chính Hội Ðồng Giám Mục miền có trách nhiệm (số
31).
11 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 35, 4.
12 Xem n.t., số
36-38.
13 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 35, 5-6.
41* Vì trong các
xứ truyền giáo các tổ chức tôn giáo hay các tổ chức khác hoặc truyền giáo hoặc
có tính cách khoa học, thường đóng vai trò quan trọng, nên Sắc Lệnh cũng đề cập
đến việc sắp đặt cũng như phối hợp hoạt động truyền giáo của những tổ chức đó
(số 32-34). Những thỏa hiệp giữa những tổ chức truyền giáo và các Giám Mục địa
phương sẽ xúc tiến việc phối hợp hoạt động truyền giáo. Giữa các tổ chức truyền
giáo, phải có Ủy Ban để thỏa thuận đưa ra một vài phương thế chung, hầu phục vụ
việc truyền giáo. Sắc lệnh cũng nhấn mạnh cần phải biểu dương công giáo tính thật
sự của việc truyền giáo bằng cách vượt qua mọi tính cách riêng tư cũng như mọi
hình thức lấn áp quyền hành.
Chương VI: Sự Cộng Tác
35. Nhập đề. Vì toàn thể
Giáo Hội là truyền giáo và vì công việc rao giảng Phúc Âm là nhiệm vụ căn bản của
Dân Chúa, nên Thánh Công Ðồng mời gọi mọi người canh tân tự thâm tâm mình, để
khi đã tích cực ý thức trách nhiệm riêng trong việc truyền bá Phúc Âm, mọi người
góp phần vào công cuộc truyền giáo nơi Muôn Dân 42*.
36. Nhiệm vụ truyền giáo của
toàn Dân Thiên Chúa. Tất cả các Kitô hữu vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống,
được sáp nhập và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể,
nên họ 43*
có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để
Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay 1.
Vì thế, tất cả
con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải
hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào
công việc rao giảng Phúc Âm. Tuy nhiên, mọi người phải biết rằng bổn phận đầu
tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống
Kitô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha
nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng tinh thần mới và làm cho
Giáo Hội xuất hiện như là một dấu chỉ nổi lên giữa các dân 2,
là "ánh sáng thế gian" (Mt 5,14) và là "muối đất" (Mt
5,13). Chứng cứ đời sống này sẽ đem lại kết quả dễ dàng hơn, nếu cùng được thực
hiện chung với các nhóm Kitô giáo khác, theo tiêu chuẩn của Sắc Lệnh về sự Hiệp
Nhất 3.
Nhờ tinh thần đổi
mới này, các kinh nguyện và việc khổ hạnh sẽ được tự phát dâng lên Thiên Chúa,
để nhờ ơn thánh Ngài, công việc của các nhà truyền giáo mang lại kết quả, ơn
kêu gọi truyền giáo được phát sinh và những tài nguyên mà các xứ truyền giáo
đang cần đến sẽ được dồi dào.
Ðể tất cả và mỗi
một Kitô hữu biết rõ hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội trong thế giới, và để họ
nghe tiếng kêu gào của đám đông: "xin giúp chúng tôi" 4,
phải dùng cả những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại mà cung cấp những
tin tức truyền giáo để khi cảm thấy hoạt động truyền giáo là việc của mình, họ
mở rộng tâm hồn đáp ứng những nhu cầu rất bao la và thâm sâu của con người và
có thể giúp đỡ những người ấy.
Cũng cần phải phối
hợp các tin tức và cộng tác với các cơ quan quốc gia hay quốc tế.
37. Nhiệm vụ truyền giáo của
cộng đoàn Kitô giáo. Vì Dân Chúa sống trong các cộng đoàn, 44*
nhất là các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ và tỏ ra hữu hình một cách nào đó
trong các cộng đoàn trên, nên các cộng đoàn đó cũng phải minh chứng về Chúa
Kitô trước mặt Muôn Dân.
Ơn canh tân
không thể lớn lên trong các cộng đoàn nếu mỗi cộng đoàn không mở rộng phạm vi
bác ái đến tận cùng trái đất và không lo lắng cho những kẻ ở xa giống như cho
những người thuộc cộng đoàn mình.
Như thế toàn thể
cộng đoàn cầu nguyện, cộng tác và hành động giữa muôn dân nhờ những người con
đã được Thiên Chúa tuyển chọn vào chức vụ rất cao trọng này.
Cũng sẽ rất hữu
ích, nhất là để đừng xao lãng công việc truyền giáo phổ quát, nếu giữ được mối
liên lạc với những nhà truyền giáo xuất thân từ chính cộng đoàn, hoặc với một
giáo xứ hay giáo phận nào đó trong các xứ truyền giáo, để mối thông hiệp giữa
các cộng đoàn trở nên hữu hình và đi đến chỗ xây dựng cho nhau.
38. Nhiệm vụ truyền giáo của
Giám Mục. Tất cả các Giám Mục với tư cách là thành phần của Giám Mục Ðoàn kế vị
Tông Ðồ Ðoàn, được cung hiến không phải chỉ cho một giáo phận nào đó, mà là cho
phần rỗi của toàn thế giới. Mệnh lệnh của Chúa Kitô sai đi rao giảng Phúc Âm
cho mọi tạo vật 5
trước hết và trực tiếp nhắm tới các Ngài, cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô.
Do đó, giữa các Giáo Hội xuất phát một mối hiệp thông và cộng tác mà ngày nay rất
cần thiết để theo đuổi công cuộc rao giảng Phúc Âm. Nhờ sự thông hiệp này mỗi
Giáo Hội đều lo lắng cho tất cả các Giáo Hội khác, cho nhau biết những nhu cầu
riêng của mình, cùng nhau san sẻ của cải, vì việc bành trướng Thân Thể Chúa
Kitô là phần vụ của toàn thể Giám Mục Ðoàn 6.
Khi Giám Mục cổ
võ, phát động và điều khiển công cuộc truyền giáo trong giáo phận - mà Giám Mục
với giáo phận chỉ là một - chính là Giám Mục làm thể hiện tinh thần và nhiệt
tâm truyền giáo của Dân Chúa và có thể nói là thể hiện cách hữu hình, để toàn
thể giáo phận trở thành truyền giáo.
Các Giám Mục có
nhiệm vụ khuyến khích trong dân mình, nhất là giữa những kẻ đau yếu và khổ tâm,
những tâm hồn quảng đại dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện và việc khổ hạnh để cầu
cho công cuộc rao giảng Phúc Âm trên thế giới; sẵn lòng cổ võ ơn kêu gọi thanh
niên và giáo sĩ gia nhập các Tổ Chức truyền giáo, và cảm tạ Thiên Chúa khi Chúa
tuyển chọn một số người dấn thân vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội; khuyến
khích và giúp đỡ các Hội Dòng giáo phận để họ góp phần riêng vào các xứ truyền
giáo; phát động nơi tín hữu mình những công cuộc của các Tổ Chức truyền giáo,
và nhất là các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. Thực vậy, những hội này phải chiếm
chỗ nhất vì chúng là những phương tiện vừa để người công giáo, ngay từ tuổi
thơ, được thấm nhiễm cảm thức thực sự phổ quát và truyền giáo, vừa để khuyến
khích một cuộc quyên góp hữu hiệu những tiền trợ cấp cho tất cả các xứ truyền
giáo tùy theo nhu cầu từng nơi 7.
Vì ngày càng cần
nhiều thợ vườn nho Chúa và vì các linh mục giáo phận cũng ước ao ngày càng được
góp phần lớn hơn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, nên Thánh Công Ðồng rất
ước mong các Giám Mục, trong khi cân nhắc về việc thiếu linh mục rất trầm trọng
đang cản trở việc rao giảng Phúc Âm cho nhiều miền, hãy sai đến những giáo phận
thiếu giáo sĩ vài linh mục xuất sắc đã tự hiến để làm việc truyền giáo và đã được
chuẩn bị đầy đủ, để họ thi hành thừa tác vụ truyền giáo với tinh thần phục vụ
ít là trong một thời gian 8.
Ðể hoạt động
truyền giáo của các Giám Mục có thể thực thi một cách hữu hiệu hơn cho lợi ích
của toàn thể Giáo Hội, các Hội Ðồng Giám Mục nên điều khiển các công việc liên
quan đến việc tổ chức sự cộng tác trong miền.
Trong các Hội Ðồng,
các Giám Mục phải bàn về các linh mục thuộc hàng giáo sĩ giáo phận đang hiến
thân rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, về số tiền đóng góp hạn định, tương xứng với
những lợi tức riêng, mà mỗi giáo phận hằng năm buộc phải đóng góp cho công
trình tại các xứ truyền giáo 9,
về việc điều khiển và tổ chức những cách thức và phương tiện trực tiếp nâng đỡ
các xứ truyền giáo, về việc giúp đỡ và nếu cần, thiết lập các Tổ Chức truyền
giáo và các chủng viện giáo sĩ giáo phận cho các xứ truyền giáo, về việc cổ võ
những liên lạc chặt chẽ hơn giữa những Tổ Chức loại này với các giáo phận.
Cũng thế, các Hội
Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ thiết lập và phát động những công cuộc nhằm tiếp đón
trong tình huynh đệ và đem lòng chăm sóc mục vụ thích đáng mà giúp đỡ những người
vì lý do công vụ hay học hành, từ các miền truyền giáo đến trú ngụ. Nhờ họ mà
những dân tộc xa xôi trở nên gần gũi một cách nào đó, và là dịp rất tốt để các
cộng đoàn Kitô giáo lâu đời được đối thoại với những dân tộc chưa nghe nói đến
Phúc Âm, cùng tỏ bày cho họ gương mặt đích thực của Chúa Kitô trong nghĩa cử
yêu thương và giúp đỡ 10.
39. Nhiệm vụ truyền giáo của
Linh Mục. Các linh mục đóng vai trò Chúa Kitô và là cộng sự viên của hàng Giám
Mục trong ba phận vụ thánh 45*,
mà tự bản tính thuộc về sứ mệnh của Giáo Hội 11.
Vậy các ngài phải thấu hiểu sâu xa rằng đời sống các ngài cũng được cung hiến để
phục vụ các xứ truyền giáo. Vì nhờ thừa tác vụ riêng của mình, thừa tác vụ này
cốt yếu hệ tại Bí Tích Thánh Thể, bí tích kiện toàn Giáo Hội, các ngài thông hiệp
với Chúa Kitô là Ðầu và dẫn đưa kẻ khác đến sự thông hiệp này; do đó các ngài
không thể không cảm thấy rằng sự viên mãn của Thân Thể đến nay vẫn còn biết bao
thiếu sót, và do đó còn biết bao điều phải làm để Thân Thể ngày một lớn hơn. Vậy
các ngài phải sắp đặt công việc mục vụ thế nào để mưu ích cho việc bành trướng
Phúc Âm nơi những người ngoài Kitô giáo.
Các linh mục,
trong việc mục vụ, phải cổ võ và duy trì giữa tín hữu lòng nhiệt thành đối với
việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, bằng cách dạy giáo lý và giảng thuyết để
giáo huấn họ về nhiệm vụ của Giáo Hội phải loan báo Chúa Kitô cho Muôn Dân, bằng
cách dạy các gia đình Kitô hữu về sự cần thiết và vinh dự vun trồng ơn kêu gọi
truyền giáo nơi con trai con gái mình; bằng cách cổ võ nhiệt tâm truyền giáo
nơi thanh thiếu niên trong các trường và các hội đoàn công giáo để từ nơi họ,
xuất phát những nhà rao giảng Phúc Âm tương lai. Các ngài phải dạy tín hữu cầu
nguyện cho các xứ truyền giáo và đừng xấu hổ xin họ bố thí và trở nên như những
hành khất vì Chúa Kitô và vì phần rỗi các linh hồn 12.
Các giáo sư Chủng
Viện và Ðại Học phải dạy cho thanh thiếu niên biết hoàn cảnh đích thực của thế
giới và của Giáo Hội, để họ nhìn thấy nhu cầu rất cấp bách của việc rao giảng
Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo và để nuôi dưỡng nhiệt tâm của họ.
Trong khi dạy các môn tín lý, Thánh Kinh, luân lý và lịch sử, phải nêu rõ những
khía cạnh truyền giáo hàm chứa trong các môn ấy, để nhờ đó đào tạo cho các linh
mục tương lai một ý thức truyền giáo.
40. Nhiệm vụ truyền giáo của
Hội Dòng. Các Hội Dòng 46*
sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay đã và đang góp phần rất lớn vào
việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thánh Công Ðồng vui mừng nhìn nhận công
lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực được thực hiện để làm vinh
danh Chúa và phục vụ các linh hồn. Thánh Công Ðồng khuyến khích họ hãy cứ hăng
say theo đuổi công việc đã khởi sự, vì họ phải biết rằng sức mạnh của đức ái mà
ơn kêu gọi buộc họ phải thực thi một cách hoàn hảo hơn, thúc đẩy và buộc họ phải
có tinh thần và việc làm thực sự công giáo 13.
Các Hội Dòng sống
đời chiêm niệm góp phần rất lớn vào việc trở lại của các linh hồn nhờ những
kinh nguyện, việc khổ hạnh và thử thách, vì Thiên Chúa là Ðấng sai thợ đến gặt
lúa của Ngài theo lời ta cầu xin 14,
Ðấng mở rộng tâm hồn người ngoài Kitô giáo để họ lắng nghe Phúc Âm 15,
và làm cho lời cứu rỗi sinh hoa kết quả trong lòng họ 16.
Hơn nữa, xin các Hội Dòng đó lập các nhà dòng trong những xứ truyền giáo, như họ
đã làm khá nhiều, để ở đó, nhờ sống thích nghi với các truyền thống tôn giáo
đích thực của các dân tộc, họ tỏ cho những người ngoài Kitô giáo thấy một chứng
tá cao đẹp về uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa cũng như về sự hiệp nhất
trong Chúa Kitô.
Còn các Hội Dòng
sống đời hoạt động, hoặc theo đuổi mục đích hoàn toàn truyền giáo hoặc không, đều
phải thành thật tự vấn trước mặt Chúa xem mình có thể bành trướng hoạt động vào
việc mở rộng Nước Chúa nơi Muôn Dân không; xem mình có thể trao một số thừa tác
vụ cho những người khác để cống hiến sức lực mình cho các xứ truyền giáo không;
xem mình có thể khởi công hoạt động trong các xứ truyền giáo bằng cách thích
nghi Hiến Pháp của mình nếu cần, mà vẫn theo tinh thần của Vị Sáng Lập không;
xem các tu sĩ của mình có thể tùy sức tham gia vào hoạt động truyền giáo không;
xem cách sống thường xuyên của họ có phải là một chứng tá của Phúc Âm được
thích nghi với đặc tính và hoàn cảnh của dân chúng không.
Vì nhờ ơn Chúa
Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều Tu Hội triều, và hoạt động
của các tu hội ấy dưới quyền Giám Mục, có thể mang lại nhiều kết quả trong các
xứ truyền giáo về nhiều phương diện, như là dấu chỉ của sự tận hiến trọn vẹn
cho việc rao giảng Phúc Âm trên thế giới.
41. Nhiệm vụ truyền giáo của
giáo dân. Giáo dân 47*
cộng tác vào công cuộc rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội, đồng thời với tư cách chứng
nhân và khí cụ sống động 17
họ tham gia vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội, nhất là khi họ được Thiên Chúa
kêu gọi và được Giám Mục thu nhận để làm việc đó.
Trong những địa
hạt đã theo Kitô giáo, giáo dân tham gia vào việc rao giảng Phúc Âm bằng cách tự
khuyến khích và khích lệ người khác hiểu biết và yêu mến các xứ truyền giáo, cổ
võ ơn kêu gọi trong gia đình mình, trong các hội đoàn công giáo và trong các
trường học, dâng cúng mọi thứ của cải; như thế họ có thể trao tặng kẻ khác ơn đức
tin mà họ đã lãnh nhận nhưng không.
Còn trong những
địa hạt thuộc các xứ truyền giáo, giáo dân, hoặc ngoại kiều, hoặc địa phương,
phải dạy học trong các trường, phụ trách các việc trần thế, hợp tác vào hoạt động
giáo xứ hay giáo phận, thành lập và cổ võ các hình thức làm việc tông đồ giáo
dân, để tín hữu của các Giáo Hội trẻ trung được góp phần riêng mình vào đời sống
Giáo Hội càng sớm càng hay 18.
Sau cùng giáo
dân phải tự ý cộng tác trong lãnh vực kinh tế xã hội với các dân tộc trên đường
phát triển. Sự cộng tác này càng đáng khen ngợi nếu càng liên quan đến việc
thành lập các tổ chức thuộc những cơ cấu căn bản của đời sống xã hội hay để đào
tạo những người có trách nhiệm với quốc gia.
Cũng đáng đặc biệt
tán thưởng những giáo dân, trong các Ðại Học hay các Viện Khoa Học, biết dùng
những khảo cứu lịch sử hay khoa học tôn giáo mà cổ võ sự hiểu biết về các dân tộc
và các tôn giáo: như thế là họ giúp các nhà rao giảng Phúc Âm và chuẩn bị cuộc
đối thoại với những người ngoài Kitô giáo.
Họ cũng phải hợp
tác trong tình huynh đệ với các Kitô hữu khác, với những người ngoài Kitô giáo
và nhất là với các hội viên của những tổ chức quốc tế, nhưng phải luôn nhớ rằng
"việc xây dựng xã hội trần thế đặt nền tảng trong Chúa và quy hướng về Người"
19.
Ðể chu toàn tất
cả những phận vụ đó, giáo dân cần phải được chuẩn bị về kỹ thuật và đời sống
thiêng liêng tại những Học Viện chuyên khoa, để đời sống họ trở thành chứng tá
cho Chúa Kitô đối với những người ngoài Kitô giáo, như lời Thánh Tông Ðồ:
"Anh em đừng nêu gương xấu cho người Do Thái, cho Muôn Dân và cho Giáo Hội
Chúa, như chính tôi, tôi làm vừa lòng mọi người trong mọi sự mà không tìm tư lợi
gì cho tôi, chỉ mong giúp ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi" (1Cor
10,32-33).
Kết Luận
42. Lời chào mừng thân ái.
Các Nghị Phụ Công Ðồng, hiệp nhất cùng Ðức Giáo Hoàng, ý thức rất sâu xa về bổn
phận phải mở rộng Nước Chúa khắp nơi, hết lòng thân ái chào mừng tất cả những
người rao giảng Phúc Âm, nhất là những người chịu bách hại vì Danh Chúa Kitô và
chia xẻ những đau khổ của họ 20.
Như Chúa Kitô đã
cháy lửa yêu mến nhân loại thế nào thì các Ngài cũng nóng nảy yêu mến nhân loại
như vậy. Nhưng ý thức rằng chính Thiên Chúa khiến Nước Ngài đến trong thế gian,
các Ngài hiệp cùng tất cả các Kitô hữu cầu nguyện để nhờ sự cầu bầu của Trinh Nữ
Maria Nữ Vương các Tông Ðồ, cho muôn dân mau được đưa về nhận biết chân lý 21
để vinh quang Thiên Chúa đang chói lọi trên dung nhan Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa
Thánh Thần mà chiếu sáng cho hết mọi người 22.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
42* Giáo Hội là
Giáo Hội truyền giáo, chính vì thế trong chương này, Sắc Lệnh phân tích những
khả năng mà mọi năng lực trong Giáo Hội có thể mang lại cho công việc truyền
giáo.
43* Trước tiên ở
đây Sắc Lệnh quả quyết mỗi tín hữu có nhiệm vụ truyền giáo, vì họ đã được ghép
vào Nhiệm Thể Chúa Kitô qua ba bí tích gia nhập (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể).
Các phương thế được chỉ định là: ý thức trách nhiệm cá nhân, đời sống Kitô giáo
gương mẫu, cầu nguyện, tinh thần sám hối. Tiếp theo Sắc Lệnh đề cập tỉ mỉ đến
nhiệm vụ truyền giáo của các cộng đoàn Kitô hữu (số 37), các Giám Mục và Hội Ðồng
Giám Mục (số 38), các linh mục (số 39), các tu hội (số 40), và sau cùng giáo
dân (số 41). Tất cả các đoạn đó đều đầy đủ chi tiết cụ thể và thực tiễn.
1 Xem Eph 4,13.
2 Xem Is 11,12.
3 Xem CÐ Vat II,
Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 99.
4 Xem CvTđ 16,9.
44* Số 37 khuyến
khích cộng đoàn cộng tác vào việc truyền giáo trên lãnh vực giáo phận và giáo xứ.
Ở đây Sắc Lệnh khuyến dụ rằng cộng đoàn trong các nước công giáo hãy đảm đương
việc truyền giáo hay một phần việc truyền giáo bằng cách đặc biệt giúp đỡ về mọi
phương diện.
5 Xem Mc 16,15.
6 Xem CÐ Vat II,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23-24: AAS 57 (1965), trg 27-29.
7 Xem Benedictô
XV, Tđ. Maxium illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 453-454. - Piô XI, Tđ.
Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 71-73. - Piô XII, Tđ. Evangelii
Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 525-526. - n.t., Tđ. Fidei donum,
15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 241.
8 Xem Piô XII,
Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 245-246.
9 Xem CÐ Vat II,
Sắc Lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 6.
10 Xem Piô XII,
Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 245.
45* Ba phận vụ
là cai trị, thánh hóa và giáo huấn. Sắc Lệnh minh định sự cộng tác vào việc
truyền giáo có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh khác biệt của đời sống
linh mục: linh mục trong giáo xứ, linh mục giáo sư trong một trường học và nhất
là trong một chủng viện. Trong phạm vi hoạt động của mình, mỗi linh mục phải là
một nhà giáo dục cho các tín hữu có một ý thức truyền giáo.
11 Xem CÐ Vat
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 28: AAS 57 (1965), trg 34.
12 Xem Piô XI,
Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 72.
46* Công Ðồng ủy
thác cho các cơ sở tôn giáo nhiệm vụ nới rộng hoạt động truyền giáo, và nếu
chưa hoạt động gì, thì phải đảm nhận một công tác. Có kẻ nghĩ rằng các tu sĩ có
lẽ ít thích hợp trong việc xây dựng những giáo phận và nhất là đào tạo một hàng
giáo sĩ giáo phận, nhưng không có lý do nào biện minh cho một linh mục dòng
không thể vun trồng một Giáo Hội địa phương. Nhiều Giáo Hội địa phương trong những
nơi ngoại giáo là kết quả hoạt động do một nhóm tu sĩ đảm nhiệm.
13 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 44: AAS 57 (1965), trg 50.
14 Xem Mt 9,38.
15 Xem CvTđ
16,14.
16 Xem 1Cor 3,7.
47* Giáo dân là
một đoàn viên đúng nghĩa trong cộng đoàn dân Chúa, và vì thế người giáo dân
cũng được mời gọi giúp đỡ việc truyền giáo. Họ có thể giúp đỡ cách gián tiếp,
nhất là bằng lời cầu nguyện và phương tiện vật chất. Người giáo dân cũng có thể
là một nhà truyền giáo hy sinh cả thời giờ và đời sống, không lương bổng, phục
vụ một công tác chuyên biệt. Số 41 này quảng diễn những cách thức mà giáo dân
có thể cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.
17 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 33, 35: AAS 57 (1965), trg 39, 40-41.
18 Xem Piô XII,
Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 510-514. - Gioan XXIII,
Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 851-852.
19 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 46: AAS 57 (1965), trg 52.
20 Xem Piô XII,
Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 527. - Gioan XXIII, Tđ.
Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 864.
21 Xem 1Tm 2,4.
22 Xem 2Cor 4,6.
Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Ðời Sống Linh Mục - Presbyterorum
Ordinis
Lời Giới Thiệu
1. Việc soạn thảo
Sắc Lệnh về Chức
Vụ và Ðời Sống Linh Mục được công bố ngày 7-12-1965, áp ngày bế mạc Công Ðồng
Vaticanô II, đã được hầu hết các Nghị Phụ đồng thanh chấp nhận, vì trong số
2,394 phiếu chỉ có 4 phiếu trắng. Bản văn hiện tại là kết quả của công việc khó
khăn lâu dài đã khởi sự trước khi Công Ðồng khai mạc. Ủy Ban soạn thảo được Ðức
Giáo Hoàng Gioan XXIII chỉ định, đã soạn thảo tất cả 17 lược đồ về các vấn đề
khác nhau liên quan đến các linh mục. Một Ủy Ban mới gồm những nhà chuyên môn
do Công Ðồng chỉ định đã cố gắng thu tóm những lược đồ đó thành một lược đồ duy
nhất bàn về hàng giáo sĩ. Ðến tháng 12-1963, người ta còn đòi thay đổi lược đồ
đó thành một số những đề nghị chính xác và rõ ràng về các linh mục. Nhưng tới
tháng 10-1964, những đề nghị này đã bị bác bỏ trong một buổi họp vì còn nhiều
thiếu sót. Các Nghị Phụ đòi hỏi một bản văn sâu rộng hơn, thích hợp với chiều
hướng mới được khai mở trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội để đáp ứng đúng những
khát vọng của đa số linh mục đang quan tâm đến việc rao truyền Phúc Âm trong xã
hội tân thời.
Ủy Ban soạn thảo
lại tra tay vào việc và đệ trình lên các Nghị Phụ một dự thảo mới vào cuối kỳ họp
III của Công Ðồng. Nhờ những nhận xét của các Nghị Phụ trong khi thảo luận, bản
văn đã được thay đổi khá nhiều. Rồi tới kỳ họp IV của Công Ðồng, bản văn lại được
đem ra thảo luận từng đoạn, từng câu và được sửa đổi theo các đề nghị của các
Nghị Phụ để đi đến hình thức dứt khoát. Như thế, bản văn đã được sửa lại lần thứ
ba và cũng là lần cuối cùng.
Vài hàng lược sử
này giúp hiểu rõ tầm quan trọng của Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục.
Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội cũng như trong các Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ của
các Giám Mục, về việc Ðào Tạo Linh Mục và cả trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh
cũng đã bàn đến chức Linh Mục. Nhưng bằng một Sắc Lệnh đặc biệt, Công Ðồng muốn
phác họa rõ ràng chân dung của Linh Mục, người phải đem áp dụng những quyết định
của Công Ðồng không những theo sát từng chữ mà còn phải theo đúng tinh thần
công đồng nữa. Trách nhiệm của các Linh Mục thật rất khó khăn: các ngài đóng
"vai trò chính yếu trong việc canh tân Giáo Hội Chúa Kitô". Nhưng vai
trò này càng ngày càng trở nên khó khăn... "giữa những hoàn cảnh mục vụ và
tình trạng nhân loại luôn chịu những biến đổi sâu xa" (lời mở đầu).
2. Linh Mục
trong sứ mạng của Giáo Hội
Trong chương mở
đầu ngắn gọn nhưng rất súc tích, các Nghị Phụ Công Ðồng đã muốn trình bày bản
chất của hàng Linh Mục cũng như thân phận của các ngài trong thế giới. Chương
giáo thuyết này được đặt ngay đầu Sắc Lệnh có mục đích soi sáng những quảng diễn
tiếp theo về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục.
Danh từ
"hàng Linh Mục" đươc chọn với mục đích để chỉ định toàn thể hàng ngũ
Linh Mục. Chúa Giêsu đã cho toàn thể Dân Chúa tham dự vào chức linh mục của Người
nhưng Người còn muốn thiết lập những "thừa tác viên" của Người, những
người này nhớ bí tích Truyền Chức được quyền dâng thánh lễ, quyền tha tội và thực
hành chức vụ linh mục nhân danh Chúa Kitô.
Danh từ "Sứ
Mệnh" chỉ sứ mệnh mà các tông đồ và các vị thừa kế các ngài là các Giám Mục
đã lãnh nhận từ Chúa Kitô. Hàng Linh Mục dĩ nhiên lệ thuộc hàng Giám Mục. Nhưng
qua bí tích Truyền Chức, các Linh Mục trở thành cộng sự viên của các Giám Mục
trong việc rao truyền Phúc Âm.
Trong khi Công Ðồng
thảo luận, các Nghị Phụ đã tự hỏi nhiệm vụ nào là nhiệm vụ chính của Linh Mục
giữa hai nhiệm vụ phụng tự và rao truyền Phúc Âm? Câu trả lời được đúc kết theo
các ý kiến đã được đưa vào bản văn của Công Ðồng như ta thấy hiện nay là nhiệm
vụ rao truyền Phúc Âm và nhiệm vụ phụng tự liên hệ thiết yếu với nhau, vì tất cả
năng lực của việc rao truyền Phúc Âm phát xuất từ lễ Hy Sinh của Chúa Kitô và
nhiệm vụ này, theo Thánh Augustinô, nhằm đạt tới mục đích là làm cho "xã hội
và toàn thể cộng đoàn các Thánh được tiến dâng lên Thiên Chúa lễ Hy Tế phổ
quát..."
Ðể chu toàn sứ mệnh
trong Giáo Hội, các Linh Mục không thể sống tách biệt khỏi quần chúng mà các
ngài rao truyền Phúc Âm. Các ngài cũng không thể sống như người xa lạ với những
điều kiện sống của quảng đại quần chúng. Nhưng các ngài phải sống giữa nhân loại
theo gương Chúa Giêsu. Và chính khi noi theo gương sống của Chúa Giêsu, các
ngài lại không thể rập theo nếp sống thế tục. Ðược đặc trách rao truyền Phúc
Âm, các ngài phải làm cho mọi người nghe được tiếng nói của chính Chúa Kitô.
Chương này kết thúc bằng lời nhắn nhủ các Linh Mục phải thực hành những đức
tính nhân loại cần thiết cho các ngài để việc giao tế của các ngài với người
khác trở nên dễ dàng và hữu ích.
3. Thừa tác vụ của
Linh Mục
Chương nói về thừa
tác vụ của Linh Mục được chia thành 3 đoạn, lần lượt bàn về những chức vụ của
Linh Mục, về những tương quan giữa các Linh Mục và Giám Mục, giữa các Linh Mục
với giáo dân, và sau hết về việc phân phối các Linh Mục và về ơn thiên triệu
Linh Mục.
a) Cũng như với
các Giám Mục, đối với Linh Mục, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nhiệm vụ rao
truyền lời Chúa. Thực vậy, chính lời Chúa qui tụ Dân Chúa quanh bàn thờ. Cũng
chính nhờ lời giảng dạy mà các Linh Mục thực hiện nhiệm vụ truyền giáo chính yếu
của các ngài. Ðàng khác, Công Ðồng còn dự liệu nhiều phương thế để thực hiện việc
rao truyền lời Chúa theo những hoàn cảnh cụ thể của những người mà các Linh Mục
phải đem lời Chúa đến cho họ. Khi việc rao truyền lời Chúa chưa thể hiện được,
thì chính đời sống gương mẫu và gương sáng các ngài giữa lương dân đã là một
cách thế rao truyền lời Chúa.
Xét theo giá trị,
dâng thánh lễ cũng là một nhiệm vụ chính yếu của các Linh Mục (x. số 13) mà các
bí tích khác, các giáo vụ khác và các hoạt động tông đồ đều quy hướng về đó
trong mối liên hệ chặt chẽ. Bí tích Thánh Thể do đó là nguồn sống và là tột đỉnh
của việc rao truyền Phúc Âm.
Xét theo hoạt động,
các Linh Mục được tham dự vào việc điều hành mục vụ của Giám Mục, và theo phạm
vi quyền hạn của các ngài mà hành xử nhiệm vụ của chính Chúa Kitô Ðầu Nhiệm Thể
và là Ðấng Chủ Chăn. "Chính vì sự tăng trưởng thiêng liêng của Nhiệm Thể
mà các ngài hiến dâng toàn lực".
b) Ðoạn 2 cũng
có tầm quan trọng đặc biệt: đoạn này chứng tỏ rằng sứ mệnh của Giáo Hội trong
thế giới ngày nay không thể thành tựu nếu thiếu sự đoàn kết chặt chẽ giữa các
Linh Mục trong một giáo phận với vị Giám Mục của các ngài, giữa hàng Linh Mục với
nhau cũng như giữa các giáo dân với các Linh Mục và Giám Mục. Sắc Lệnh luôn
luôn nói đến "các Linh Mục". Công Ðồng dùng số nhiều khi nói về Linh
Mục, điều đó chứng tỏ không một "Linh Mục nào có thể hoàn thành sứ mệnh của
mình cách riêng rẽ, đơn độc".
c) Ðoạn 3 nói về
hai vấn đề thực tế: trước hết về việc phân phối các Linh Mục. Các Linh Mục được
truyền chức để phục vụ Giáo Hội phổ quát, nên không thể bị ràng buộc quá chặt
chẽ vào giáo phận của các ngài đến nỗi không thể được thuyên chuyển đến địa
phương khác. Việc tông đồ cần được thể hiện mọi nơi ngay cả những miền thiếu
Linh Mục; việc phân phối các Linh Mục vì thế phải tùy theo nhu cầu đòi hỏi. Sau
đó, Sắc Lệnh nói về trách nhiệm của các Linh Mục trong việc cộng tác để đào tạo
ơn thiên triệu nơi giới trẻ.
4. Ðời sống các
Linh Mục
Chương nói về đời
sống các Linh Mục cũng được chia làm 3 đoạn:
a) Ðoạn đầu quan
trọng hơn cả vì đoạn này nói về ơn gọi đến sự hoàn thiện của Linh Mục. Cũng như
tất cả các tín hữu, các Linh Mục được gọi đến bậc sống trọn lành thiêng liêng.
Nhưng sự thánh thiện của Linh Mục còn là một đòi hỏi phát sinh từ bí tích Truyền
Chức. Qua bí tích Truyền Chức, các ngài được liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô Ðầu
Nhiệm Thể để kiến tạo và xây dựng toàn Thân. Ðể làm nổi bật đời sống tu đức
riêng của Linh Mục, Sắc Lệnh dạy rằng sự thánh thiện của các Linh Mục liên hệ
thiết yếu với chức vụ của các ngài. Ðể chức vụ đó thực sự là nguồn mạch đời sống
thánh thiện, cần phải thỏa đáng các điều kiện: các ngài phải tỏ ra "dễ dạy"
với ơn thánh, biết lắng nghe theo tinh thần của Chúa Kitô, Ðấng đã hiến mang sống
mình cho các ngài và còn tiếp tục dìu dắt các ngài. Một khi hoạt động nhiệt
thành với tinh thần bác ái mục vụ các ngài sẽ ứng dụng trong chính đời sống của
các ngài lời Chúa mà các ngài rao truyền, các ngài cũng tự hiến thân cho Chúa
cùng với Thánh Lễ các ngài dâng để rồi hiến thân cho những người các ngài coi
sóc như những đấng chăn chiên thật.
Ðời sống Linh Mục
vì thế trở nên duy nhất và hòa hợp vì chức vụ của các ngài giúp sống nội tâm,
và đời sống nội tâm lại soi dẫn hoạt động tông đồ. Các ngài được mời gọi noi
gương Chúa Giêsu, Ðấng coi "của ăn của Người là làm theo Thánh Ý Ðấng đã
sai Người và hoàn thành công việc của Ngài".
b) Ðoạn 2 trình
bày những nhân đức chính và không thể khiếm khuyết nơi các Linh Mục như đức
khiêm nhường, vâng lời, bác ái, giữ luật độc thân, tinh thần khó nghèo giữa những
của cải vật chất và nhất là tự chọn đời sống khó nghèo thật.
c) Ðoạn 3 đề xướng
những phương thế thánh hóa Linh Mục, cần thiết để củng cố và phát triển đời sống
nội tâm. Ðoạn này dạy cho các Linh Mục thấy sự cần thiết phải duy trì và phát
huy khoa thần học, đặc biệt là khoa mục vụ. Sau hết nêu lên vài phương thế thực
tiễn để nâng đỡ nhu cầu vật chất của các Linh Mục.
5. Ðoạn kết của
Sắc Lệnh
Ðoạn kết của Sắc
Lệnh là một cái nhìn hiện thực về những điều kiện hiện tại chi phối chức vụ các
Linh Mục và về những điều kiện sống của các ngài mà đôi khi rất khó khăn. Thế
giới các ngài đang sống phô diễn trước mắt các ngài "bao tội lỗi nặng nề,
nhưng đồng thời cũng hứa hẹn nhiều khả năng phong phú".
Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Ðời Sống Linh Mục
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa IX Ngày 07
tháng 12 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Sắc Lệnh Về Chức
Vụ Và Ðời Sống Các Linh Mục
Presbyterorum
Ordinis
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời Mở Ðầu
1. Lời Mở Ðầu. Chức Linh Mục
trong Giáo Hội hết sức cao trọng, đó là điều Thánh Công Ðồng nầy đã nhiều lần
nhắc nhở cho hết mọi người 1.
Vả lại, trong công cuộc canh tân Giáo Hội, hàng Linh Mục giữ một vai trò tối
quan trọng và hơn nữa càng ngày càng khó khăn, nên thấy rằng đề cập rộng rãi và
sâu sắc hơn về các Linh Mục là việc rất hữu ích. Những điều nói đây áp dụng cho
hết mọi Linh Mục, nhất là cho những vị hiện đang coi sóc các linh hồn, và tùy
nghi ứng hợp cho các Linh Mục dòng. Thực vậy, do Chức Thánh và sứ mệnh lãnh nhận
nơi các vị Giám Mục, các Linh Mục được đặc cử để phụng sự Chúa Kitô, là Thầy,
là Linh Mục và là Vua; các ngài tham dự vào chức vụ của Người: ngày ngày kiến tạo
Giáo Hội ở trần gian thành Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh
Thần. Vì vậy, để nâng đỡ các ngài một cách hữu hiệu hơn trong chức vụ của mình
và để chuẩn bị cho đời sống các ngài thêm tốt đẹp giữa những hoàn cảnh mục vụ
và tình trạng nhân loại luôn chịu những biến đổi sâu xa, Thánh Công Ðồng này
tuyên bố và quyết định những điều sau đây.
Chương I: Linh Mục Trong Sứ Mệnh Của Giáo Hội
2. Bản tính của chức Linh
Mục. Chúa Giêsu "Ðấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần
gian" (Gio 10,36) và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu 2.
Người đã làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào sự xức dầu đó:
vì trong Người, mọi tín hữu hóa thành một chức tư tế thánh thiện và vương giả để
nhờ Chúa Kitô họ hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng, và tuyên
xưng quyền năng của Ðấng đã gọi họ từ chốn tối tăm đến ánh sáng diệu kỳ 3.
Do đó, không một chi thể nào mà không thông phần vào sứ mệnh của toàn thân,
trái lại mỗi một chi thể đều phải tôn vinh Chúa Giêsu trong tâm hồn 4
và phải dựa vào tinh thần tiên tri mà làm chứng về Người 5.
Tuy nhiên, để hợp
thành một thân thể duy nhất, trong đó "mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng"
(Rm 12,4), chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức
Thánh họ được trao quyền tế lễ và tha tội 6
trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Kitô họ chính thức thi hành chức vụ
Linh Mục cho loài người. Bởi vậy, Chúa Kitô đã sai các Tông Ðồ như chính Người
được Chúa Cha sai 7,
và rồi qua các Tông Ðồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các Giám Mục 8
cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ mệnh của Người, Người lại trao ban cho
các Linh Mục 9
chức vụ thừa hành nầy ở một cấp độ tùy thuộc, để một khi đã gia nhập hàng Linh
Mục, họ là những cộng tác viên của hàng Giám Mục 10,
chu toàn một cách tốt đẹp sứ mệnh tông đồ của Chúa Kitô trao phó.
Chức vụ Linh Mục
liên kết với chức Giám Mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa
Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, chức
Linh Mục của các ngài tuy dựa trên những Bí Tích khai sinh đời sống Kitô giáo,
nhưng lại được một Bí Tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh
Thần xức dầu: như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền
thay mặt Chúa Kitô là Ðầu mà hành động 11.
Vì được tham dự
vào chức vụ của các Tông Ðồ theo phận vụ mình, nên các Linh Mục được Thiên Chúa
ban ơn sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành
chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp
nhận và thánh hóa trong Chúa Thánh Thần 12.
Thật vậy, việc loan truyền Phúc Âm của các Tông Ðồ đã triệu tập và đoàn tụ Dân
Chúa, để tất cả những ai thuộc về dân này một khi đã được Chúa Thánh Thần thánh
hóa, sẽ tự hiến làm "lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên
Chúa" (Rm 12,1). Nhưng nhờ thừa tác vụ của các Linh Mục, lễ tế thiêng
liêng của các tín hữu được hoàn tất vì kết hợp với hy tế của Chúa Kitô, Ðấng
Trung Gian duy nhất; hy tế này nhờ tay các Linh Mục, nhân danh Giáo Hội, hiến
dâng một cách bí tích và không đổ máu trong phép Thánh Thể, cho tới khi Chúa lại
đến 13.
Chính việc tế lễ là điểm nhằm tới và hoàn tất của chức vụ Linh Mục. Thực vậy,
việc thi hành chức vụ của các ngài bắt đầu bằng việc rao giảng Phúc Âm, múc lấy
sức mạnh và năng lực từ Hy Tê Chúa Kitô, và qui hướng về việc "hiến dâng
lên Thiên Chúa toàn thể đô thị được cứu rỗi, đó là cộng đoàn và xã hội các
Thánh, như một lễ vật của toàn dân, nhờ vị Linh Mục Thượng Phẩm, cũng là Ðấng tự
hiến trong cuộc Tử Nạn vì chúng ta, để chúng ta trở nên Thân Thể của Người, là
Ðầu vô cùng cao cả" 14.
Bởi vậy, mục
đích mà các Linh Mục theo đuổi trong chức vụ và đời sống các ngài là phải tìm
kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô. Vinh danh này hệ tại việc mọi
người đón nhận công trình của Thiên Chúa đã được hoàn tất trong Chúa Kitô một
cách ý thức, tự do và biết ơn, lại biểu lộ công trình đó trong suốt cuộc đời
mình. Vì thế, khi cầu nguyện và tôn thờ cũng như khi giảng thuyết, khi dâng Hy
Lễ Thánh Thể và làm các Bí Tích cũng như khi thi hành những thừa tác vụ khác
giúp người ta, các Linh Mục đều qui hướng về việc làm vinh danh Thiên Chúa hơn,
đồng thời giúp con người tiến tới trong đời sống thiêng liêng. Tất cả những điều
đó bắt nguồn từ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô và sẽ được hoàn tất khi chính
Người lại đến trong vinh quang, vì khi đó Người sẽ trao Vương Quyền cho Thiên
Chúa là Cha 15.
1*
3. Ðiều kiện của các Linh
Mục ở thế gian. Ðược tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người để
lo việc Thiên Chúa hầu dâng những hiến vật và hy tế đền tội, các Linh Mục sống
với người khác như với anh em 16.
Thực vậy, chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Người được Chúa Cha sai đến với
loài người, đã ở giữa chúng ta và muốn nên giống chúng ta là anh em Người trong
mọi sự, ngoại trừ tội lỗi 17.
Các Thánh Tông Ðồ đã bắt chước Người, và Thánh Phaolô, vị Tiến Sĩ dân ngoại
"Ðấng được lựa chọn để rao giảng Phúc Âm của Thiên Chúa" (Rm1,1), chứng
thực rằng Người đã trở nên mọi sự cho mọi người để cứu chuộc mọi người 18.
Các Linh Mục Tân Ước, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó được tuyển chọn
ngay giữa Dân Chúa, nhưng không phải để tách biệt khỏi họ hoặc bất cứ một người
nào, mà để tận hiến làm công việc Chúa đã chọn họ làm 19.
Các ngài không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là
người ban phát một đời sống khác đời sống thế tục; tuy nhiên các ngài không thể
phục vụ nhân loại nếu lại sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại 20.
Chính thừa tác vụ của các ngài, vì mang một danh nghĩa đặc biệt, nên đòi buộc
các ngài không được theo thói thế gian 21;
nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài sống trong thế gian giữa loài người. Hơn nữa,
như các mục tử nhân lành, các ngài phải nhận biết các chiên của mình và còn tìm
cách dẫn về những chiên không thuộc đoàn này, để chúng cũng nghe tiếng Chúa
Kitô, hầu nên một đoàn chiên cùng một Người Chăn 22.
Ðể được thế, cần phải có nhiều đức tính mà xã hội loài người kính chuộng cách
chính đáng, như từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, say mê công chính, lịch
thiệp và những đức tính khác mà Thánh Phaolô Tông Ðồ khuyên nhủ khi Ngài nói:
"Tất cả những gì chân thật, là trong sạch, là công bằng, là thánh thiện,
là khả ái, danh thơm tiếng tốt, tất cả những gì là nhân đức, là hạnh kiểm đáng
khen, thì xin anh em hãy tưởng nghĩ đến" (Ph 4,8) 23.
2*
Chú Thích:
1 CÐ Vat II, Hiến
chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium: AAS 56 (1964), trg 97 tt; - Hiến
chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium: AAS 57 (1965), trg 5 tt; - Sắc lệnh về
nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục Christus Dominus; - Sắc lệnh về việc Ðào Tạo
Linh Mục Optatam Totius.
2 Xem Mt 3,16;
Lc 4,18; CvTđ 4,27; 10,38.
3 Xem 1P 2,5 và
9.
4 Xem 1P 3,15.
5 Xem Kh 19,10.
- CÐ Vat II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 35: AAS 57 (1965),
trg 40-41.
6 CÐ Trentô,
khóa XXIII, ch. 1 và đ. th. 1: Dz 957 và 961 (1764 và 1771).
7 Xem Gio 20,21.
- CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 18: AAS 57 (1965),
trg 21-22.
8 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 28: AAS 57 (1965) trg 33-36.
9 Xem n.v.t.
10 Xem Pont.
Rom., kinh Tiền Tụng lễ phong chức Linh Mục. Những lời này đã có trong
Sacramentarium Veronense: x.b. L.C. Mohlberg, Roma 1956, trg 122; và trong
Missale Francorum: x.b. L.C. Mohlberg, Roma 1957, trg 9; cũng thấy trong Liber
Sacramentorum Romanae Ecclesiae: x.b. L.C. Mohlberg, Roma 1960, trg 25; và
trong Pontificale Romano-Germanicum: x.b. Vogel-Elze, Città del Vaticano, 1963,
c.I, trg 34.
11 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 10: AAS 57 (1965), trg 14-15.
12 Xem Rm 15,16
bản Hy Lạp.
13 Xem 1Cor
11,26.
14 T. Augustinô,
De civitate Dei, 10,6 : PL 41, 284.
15 Xem 1Cor
15,24.
1* Mỗi phần tử
trong Dân Chúa đều tham dự vào chức Linh Mục của Chúa Kitô, vào sứ mạng của
Giáo Hội, nhưng không cùng một mức độ và phận vụ. Nhờ Bí Tích Truyền Chức, theo
hình ảnh vị Thượng Tế và Tiên Tri cả (GH 35) trở nên cộng sự viên của Giám Mục,
các Linh Mục được thánh hiến để rao truyền Phúc Âm, để cử hành việc phụng tự.
Khi giúp người khác tăng triển đời sống thần linh, các ngài hoạt động để Danh
Chúa được lan rộng.
16 Xem Dth 5,1.
17 Xem Dth 2,17;
4,15.
18 Xem 1Cor
9,19-23, bản Phổ Thông.
19 Xem CvTđ
13,2.
20 "Chính
những hoàn cảnh ngoại tại mà Giáo Hội đang sống lại thúc đẩy lòng hăng say tiến
tới trong đời sống thiêng liêng và luân lý. Thực vậy, Giáo Hội không thể ngồi
yên và lãnh đạm trước những đổi thay của thế giới loài người đang vây bọc Giáo
Hội và đang gây ảnh hưởng tới đời sống thực tế của Giáo Hội bằng trăm phương
nghìn cách, khiến cho Giáo Hội phải chiều theo một vài hoàn cảnh nào đó. Mọi
người đều biết rằng: Giáo Hội không tách biệt khỏi xã hội loài người, nhưng là
sống giữa xã hội loài người, cho nên con cái Giáo Hội không những chịu ảnh hưởng
của xã hội loài người, lại còn thấm nhiễm nền văn hóa, tuân theo luật lệ và
mang lấy những phong tục của xã hội này nữa. Mối liên hệ mật thiết với xã hội
loài người tạo cho Giáo Hội một tình trạng luôn luôn có những vấn đề phải giải
quyết, mà ngày nay những vấn đề này lại càng thêm trầm trọng (...) Thánh Phaolô
đã khuyên nhủ các Kitô hữu thời ngài: "Anh em đừng mang ách chung với những
người vô tín ngưỡng. Thực vậy sự công bằng đâu có hòa hợp với sự bất công? Xã hội
ánh sáng đâu có chung đụng với xã hội tối tăm?... Phần của tín hữu làm sao
chung phần với người vô tín ngưỡng? (2Cor 6,14-15). Vì thế, những ai lo việc
giáo dục và huấn luyện trong Giáo Hội ngày nay, cần phải nhắc nhở thanh thiếu
niên Công giáo nhận biết địa vị cao đẹp của họ, cũng như do đó bổn phận phải sống
giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hợp với lời Chúa Kitô đã cầu nguyện
cho các Tông Ðồ: "Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn
giữ họ khỏi sự dữ. Họ không thuộc về thế gian, như Con không thuộc về thế
gian" (Gio 17,15-16). Giáo Hội đã nhận lấy lời cầu nguyện đó làm của mình.
Tuy nhiên, phân biệt khỏi thế gian, như thế không có nghĩa là tách biệt khỏi thế
gian, cũng không phải là thờ ơ, sợ hãi hay miệt thị thế gian. Thực vậy, khi tự
phân biệt với nhân loại, không phải Giáo Hội chống đối thế gian, nhưng đúng
hơn, Giáo Hội kết hợp với, thế gian vậy.": Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam,
6-8-1964 : AAS 56 (1964), trg 627 và 638.
21 Xem Rm 12,2.
22 Xem Gio
10,14-16.
23 Xem T.
Polycarpô, Epist. ad Philippenses, VI, 1: "Hơn nữa, các linh mục phải có
lòng thương xót, nhân ái với mọi người, phải dẫn đưa những người lầm lạc, thăm viếng
những ai bệnh hoạn, không bỏ quên quả phụ, cô nhi hay người túng cực, một phải
luôn luôn lo làm điều thiện trước mặt Thiên Chúa và người ta, phải kiềm chế khỏi
mọi nóng giận, đón nhận mọi người, không phán đoán bất chính, phải giữ mình xa
lòng ham hố tiền tài, không quá vội tin chuyện xấu của người khác, cũng không
nên cứng rắn trong phán đoán, vì biết rằng tất cả chúng ta đều là những người tội
lỗi": x.b. F.X. Funk, Patres Apostolici, I, trg 273.
2* Các linh mục
sống giữa tha nhân, những người anh em của các ngài, để truyền đạt Sứ Ðiệp của
Chúa Kitô và đưa dẫn họ lại gần Chúa. Nhưng các ngài luôn tự cảnh giác để khỏi
vướng mắc tất cả những gì "thuộc thế gian này..." (Rm 12,2) vì điều
đó nghịch lại với tinh thần Chúa Kitô.
Chương II: Thừa Tác Vụ Của Linh Mục
I. Chức Vụ Của Linh Mục
4. Linh Mục, thừa tác viên
Lời Chúa. Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống 1;
lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các Linh Mục 2.
Thực vậy, không ai có thể được cứu rỗi nếu trước đó không có lòng tin 3
do đó các Linh Mục, vì là cộng sự viên của các Giám Mục, nên trước tiên có nhiệm
vụ loan báo cho mọi người Phúc Âm của Thiên Chúa 4,
để khi thi hành mệnh lệnh của Chúa: "Các con hãy đi khắp thế giới rao giảng
Phúc Âm cho mọi tạo vật" (Mc 16,15) 5,
các ngài thiết lập Dân Chúa và làm cho Dân Chúa càng ngày càng đông thêm. Thật
thế, chính lời cứu rỗi khơi động đức tin trong tâm hồn những người chưa tin và
nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các tín hữu; chính đức tin này đã khai sinh và
phát triển cộng đoàn tín hữu, như lời Thánh Tông Ðồ: "đức tin do nghe nói,
còn điều nghe nói thì bởi lời Chúa Kitô" (Rm 10,17). Do đó, các Linh Mục mắc
nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm 6
mà các ngài đã nhận được nơi Chúa. Vì thế, dù khi các ngài sống một đời sống tốt
lành giữa các dân ngoại để làm cho họ tôn vinh Thiên Chúa 7,
dù khi các ngài công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô cho
những người chưa tin, dù khi dạy giáo lý Kitô giáo hay giải thích giáo thuyết của
Giáo Hội, dù khi chăm lo nghiên cứu những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Chúa
Kitô: trong mọi trường hợp, phận sự của các ngài không phải là giảng dạy sự thông
biết của mình, nhưng là giảng dạy lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người
cải thiện và nên thánh 8.
Nhưng trong tình trạng thế giới ngày nay, lời giảng thuyết của Linh Mục thường
gặp rất nhiều khó khăn. Do đó để dễ lay chuyển tâm hồn thính giả, giảng thuyết
không phải chỉ là trình bày lời Chúa một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải
áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.
Như thế, có nhiều
cách thi hành chức vụ rao giảng tùy theo nhu cầu mỗi lúc mỗi khác của các thính
giả và tùy theo đặc sủng của các vị giảng thuyết. Nơi những miền hay những nhóm
người chưa theo Kitô giáo, chính nhờ nghe rao giảng Phúc Âm mà người ta đi tới
đức tin và lãnh nhận những Bí Tích ban ơn cứu rỗi 9.
Còn trong chính cộng đoàn Kitô giáo, nhất là đối với những người có vẻ ít hiểu
và ít tin những điều họ quen thực hành, cần phải rao giảng lời Chúa để dẫn họ đến
chịu các Bí Tích, vì đây là những Bí Tích đức tin, mà đức tin lại được phát
sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy 10,
điều này đặc biệt thể hiện trong phần phụng vụ lời Chúa khi cử hành Thánh Lễ,
trong đó lời loan truyền việc Chúa chịu chết và sống lại liên kết chặt chẽ với
câu đáp của dân chúng đang nghe và với chính việc hiến dâng mà Chúa Kitô đã
dùng để củng cố Tân Ước trong Máu Người, cũng như các tín hữu thông công vào việc
hiến dâng đó bằng lời cầu nguyện và bằng việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể 11.
3*
5. Linh mục, thừa tác viên
các bí tích và bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa là Ðấng Thánh Thiện và là Ðấng
Thánh Hóa duy nhất đã muốn nhận loài người làm cộng sự viên và trợ tá để họ
khiêm tốn giúp vào công việc thánh hóa. Vậy qua tay Ðức Giám Mục, các Linh Mục
được Thiên Chúa hiến thánh, để khi đã tham dự đặc biệt vào chức Linh Mục của
Chúa Kitô, thì trong lúc cử hành các việc thánh, các ngài hành động như những
thừa tác viên của Người, Ðấng không ngừng thi hành Chức Vụ Linh Mục trong Phụng
Vụ, nhờ Thánh Thần Người, để mưu ích cho chúng ta 12.
Thực vậy, nhờ Phép Rửa, các ngài dẫn đưa người ta vào Dân Chúa; nhờ Bí Tích Cáo
Giải, các ngài hòa giải tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội; nhờ dầu bệnh nhân,
các ngài xoa dịu người đau ốm; nhất là nhờ việc cử hành Thánh Lễ, các ngài hiến
dâng Hy Tế của Chúa Kitô cách bí tích. Như Thánh Ignatiô Tử Ðạo đã minh chứng
ngay từ thời Giáo Hội sơ khai 13,
trong khi thi hành các Bí Tích, các Linh Mục liên kết trong phẩm trật thánh với
vị Giám Mục vì những lý do khác nhau; và như thế các ngài nói lên được phần nào
sự có mặt của Giám Mục trong mỗi cộng đoàn tín hữu 14.
Tuy nhiên, cả những
Bí Tích khác cũng như các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các hoạt động tông đồ đều
gắn liền với Bí Tích Thánh Thể và qui hướng về đó 15.
Thật vậy, Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của
Giáo Hội 16,
đó chính là Chúa Kitô; Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta; Người là Bánh
Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sống
động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống. Như thế, Người mời gọi và dẫn
đưa con người hiến dâng chính mình, dâng những vất vả của mình và mọi tạo vật
làm một với Người. Bởi vậy, Phép Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn
thể công việc rao giảng Phúc Âm; vì các người dự tòng được dẫn đưa dần dần đến
việc tham dự Phép Thánh Thể; còn các tín hữu, những người đã mang ấn tín Rửa Tội
và Thêm Sức, sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thân Thể Chúa Kitô nhờ rước Thánh Thể.
Vì thế, Tiệc
Thánh Thể là trung tâm tụ họp của tín hữu mà vị Linh Mục là người chủ sự. Như
thế Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh Mục dạy tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật
chí thánh và hợp cùng của lễ đó hiến dâng lễ vật cuộc sống mình. Với tinh thần
của Chúa Kitô Chủ Chăn, các ngài dạy họ hết lòng thống hối xưng thú tội lỗi
mình với Giáo Hội qua Bí Tích Cáo Giải để càng ngày càng quay về gần Chúa hơn
khi nhớ lại lời Người: "Hãy hối cải vì Nước Trời đã đến gần" (Mt
4,17). Cũng thế, các ngài còn dạy họ tham dự những buổi cử hành Phụng Vụ Thánh,
để trong các nghi lễ đó họ biết cầu nguyện chân thành; tùy theo ân sủng và nhu
cầu của mỗi người các ngài hướng dẫn họ thực thi tinh thần cầu nguyện mỗi ngày
thêm hoàn hảo trong suốt đời sống; các ngài khuyến khích mọi người chu toàn nhiệm
vụ đấng bậc mình; còn đối với những ai hoàn thiện hơn, các ngài khích lệ họ biết
thực thi những lời khuyên Phúc Âm hợp với mỗi người. Cũng thế các ngài dạy tín
hữu biết dùng thánh thi và thánh ca mà chúc tụng Thiên Chúa trong lòng, biết
nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha vì mọi
ơn lành 17.
Những lời ca tụng
và tạ ơn mà các Linh Mục dâng lên, trong khi cử hành Thánh Lễ, chính các ngài
còn kéo dài suốt ngày trong các giờ Kinh Nhật Tụng, khi ấy các ngài nhân danh
Giáo Hội khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho toàn dân đã được trao phó cho các ngài và
cầu cho cả thế giới nữa.
Nhà cầu nguyện,
nơi để cử hành và cất giữ Thánh Thể Chí Thánh cũng như để tín hữu tụ họp và gặp
được sự nâng đỡ ủi an trong khi tôn sùng sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Ðấng
Cứu Chuộc chúng ta, Ðấng đã được hiến dâng vì chúng ta trên bàn tế lễ: nhà nầy
cần phải sạch sẽ, xứng hợp với việc cầu nguyện và những lễ nghi long trọng 18.
Chính nơi đây, chủ chăn và tín hữu được mời đến, để với lòng biết ơn, họ đáp lại
ân huệ của Ðấng đã dùng Nhân Tính mà không ngừng đổ tràn sự sống siêu nhiên vào
các chi thể của Thân Thể Người 19.
Các Linh Mục phải chăm lo trau dồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ việc
các ngài thi hành phụng vụ mà cộng đoàn Kitô hữu được trao phó cho các ngài biết
ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần mỗi ngày một hoàn hảo hơn. 4*
6. Linh mục, thầy dạy của
Dân Chúa. Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Ðầu và là Chủ Chăn theo phận vụ
mình, các Linh Mục nhân danh Giám Mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng
đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa
họ đến cùng Chúa Cha 20.
Ðể thi hành thừa tác vụ này cũng như các chức vụ khác, các Linh Mục được trao
ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo Hội 21.
Trong việc kiến thiết này, các Linh Mục phải theo gương Chúa mà đối xử rất nhân
đạo với hết mọi người. Tuy nhiên, khi dạy dỗ và khuyên bảo họ như những người
con rất yêu qúy 22,
các ngài phải đối xử với họ không phải theo sở thích loài người 23,
nhưng theo giáo thuyết và đời sống Kitô giáo đòi hỏi, như lời Thánh Tông Ðồ:
"Hãy nhấn mạnh khi thuận tiện cũng như khi bất tiện, hãy khiển trách, đe dọa,
khuyến khích, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ" (2Tm 4,2) 24.
Vì thế, với tư
cách là những người huấn luyện đức tin, các Linh Mục có nhiệm vụ, hoặc đích
thân hoặc nhờ người khác, lo cho mỗi tín hữu được hướng dẫn trong Chúa Thánh Thần
để vun trồng ơn gọi riêng của mình theo Phúc Âm, để có một đức ái chân thành và
linh hoạt, để được sự tự do mà Chúa Kitô đã dùng để giải thoát chúng ta 25.
Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ cũng không có ích
bao nhiêu, nếu chúng không hướng về việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng
thành Kitô giáo 26.
Ðể đạt đến sự trưởng thành đó, các Linh Mục phải giúp họ sáng suốt nhận ra
chính các biến cố lớn nhỏ, đâu là việc phải làm, đâu là ý Chúa muốn. Các ngài
cũng phải dạy các Kitô hữu để họ không chỉ sống riêng cho mình, nhưng theo những
đòi hỏi của luật bác ái mới, mỗi người phải tùy ơn nhận được mà phục vụ lẫn
nhau 27;
và như vậy, mọi người chu toàn nhiệm vụ của mình theo tinh thần Kitô giáo trong
cộng đoàn nhân loại.
Tuy mắc nợ với hết
mọi người, nhưng các Linh Mục phải đặc biệt săn sóc những người nghèo khổ và yếu
đuối được trao phó cho mình: vì chính Chúa đã tỏ ra là bạn hữu với họ 28
và coi việc rao giảng Phúc Âm cho họ là dấu hiệu cho công cuộc cứu thế 29.
Các Linh Mục cũng phải đặc biệt tận tâm theo dõi các thanh thiếu niên, ngay cả
những người đã có đôi bạn và những bậc phụ huynh, để ước gì họ họp thành những
nhóm bạn hữu biết giúp đỡ nhau sống đời Kitô giáo một cách dễ dàng và đầy đủ
hơn trong cuộc sống đầy khó khăn. Các Linh Mục cũng đừng quên các tu sĩ nam nữ,
vì họ là thành phần ưu tú trong nhà Chúa, họ đáng được coi sóc đặc biệt để được
tấn tới trong đàng thiêng liêng hầu giúp ích cho toàn thể Giáo Hội. Sau hết,
các ngài phải hết sức ân cần chăm sóc những người yếu đau và hấp hối bằng cách
thăm viếng và an ủi họ trong Chúa 30.
Vì thế, nhiệm vụ
của Chủ Chăn không phải chỉ thu hẹp trong việc coi sóc từng cá nhân tín hữu,
nhưng còn lan rộng tới việc huấn luyện một cộng đoàn Kitô hữu đích thực. Muốn
thế, tinh thần cộng đoàn đích thực này phải bao gồm không những Giáo Hội địa
phương mà cả Giáo Hội phổ quát nữa. Vì thế, cộng đoàn địa phương không những phải
lưu tâm đến việc chăm sóc các tín hữu của mình, nhưng một khi đã thấm nhuần nhiệt
tâm truyền giáo còn phải dọn đường cho mọi người đến với Chúa Kitô. Tuy nhiên,
cộng đoàn đặc biệt chú trọng đến các dự tòng và các tân tòng, họ phải được giáo
dục dần dần để hiểu biết và sống đời Kitô hữu.
Không một cộng
đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử
hành Phép Thánh Thể Chí Thánh: cho nên mọi nền giáo dục về tinh thần cộng đoàn
phải bắt đầu từ đó 31.
Nhưng việc cử hành này muốn được chân thành đầy đủ, thì một đàng phải đưa đến
những việc bác ái và tương trợ lẫn nhau, đàng khác phải dẫn tới các hoạt động
truyền giáo, và cả những hình thức minh chứng Kitô giáo nữa.
Ngoài ra, nhờ
bác ái, kinh nguyện, gương lành và những việc sám hối, cộng đoàn Giáo Hội thực
thi tình mẫu tử chân thực đối với những linh hồn phải được đưa về với Chúa
Kitô. Thực thế, cộng đoàn Giáo Hội hợp thành một khí cụ hữu hiệu để chỉ dẫn hoặc
mở đường cho những kẻ chưa tìm đến cùng Chúa Kitô và Giáo Hội Người, cũng như để
khích lệ, dưỡng nuôi và củng cố các tín hữu trên đường chiến đấu thiêng liêng.
Trong việc kiến
thiết cộng đoàn Kitô hữu, các Linh Mục không bao giờ phục vụ cho một chủ thuyết
hay một đảng phái nhân loại nào, nhưng vì là những vị rao giảng Phúc Âm và là
chủ chăn của Giáo Hội, các ngài lo lắng theo đuổi việc phát triển thiêng liêng
của Thân Thể Chúa Kitô. 5*
II. Liên Lạc Giữa Linh Mục Với Những Người Khác
7. Tương quan giữa Giám Mục
và Linh Mục. Tất cả các Linh Mục, hiệp nhất với các Giám Mục, đều tham dự cùng
một chức Linh Mục và thừa tác vụ duy nhất của Chúa Kitô; cho nên, chính tính
cách duy nhất của việc tấn phong và sứ mệnh đòi phải có sự hiệp thông phẩm trật
giữa các ngài và hàng Giám Mục 32;
đôi khi mối hiệp thông đó được biểu hiện một cách rất cao đẹp trong việc cùng cử
hành phụng vụ, và một cách minh nhiên trong khi cử hành Tiệc Thánh Thể 33.
Do đó, vì ơn Chúa Thánh Thần ban cho các Linh Mục khi lãnh nhận Chức Thánh, các
Giám Mục phải coi các ngài như những trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác
vụ, cũng như trong chức vụ dạy dỗ, thánh hóa và chăn dắt dân Chúa 34.
Ngay từ thời xa xưa của Giáo Hội, các văn kiện phụng vụ đã mạnh dạn công bố điều
đó khi long trọng cầu xin Chúa ban cho Linh Mục sắp thụ phong "tinh thần
ân sủng và khôn ngoan, để ngài giúp đỡ và điều khiển dân chúng với một tâm hồn
trong sạch" 35;
cũng như xưa trong sa mạc, tinh thần của Môisen đã lan truyền sang tâm trí của
bảy mươi người khôn ngoan 36
"để dùng họ như những trợ tá, ông dễ dàng cai trị đám quần chúng đông đúc
trong dân" 37.
Chính vì sự hiệp thông trong cùng một chức Linh Mục và thừa tác vụ, các Giám Mục
phải coi các Linh Mục như anh em và bạn hữu 38,
và hết sức lo lắng đến phần ích vật chất và nhất là thiêng liêng của các ngài.
Thực vậy, trước hết các ngài gánh lấy trọng trách thánh hóa các Linh Mục của
mình 39:
do đó các ngài phải hết sức chú tâm đến việc đào luyện liên tục các Linh Mục của
mình 40.
Các Giám Mục phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải hỏi han và đối thoại với các
Linh Mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và ích lợi cho giáo phận.
Nhưng để thực hiện điều đó, phải tùy theo phương thức thích hợp với những hoàn
cảnh và nhu cầu ngày nay 41,
tùy hình thức và tiêu chuẩn do quy luật ấn định, mà thành lập một hội đồng hay
một nguyên lão viện các Linh Mục 42,
đại diện cho Linh Mục Ðoàn, để có thể góp ý kiến giúp đỡ Giám Mục một cách hữu
hiệu hơn trong việc quản trị địa phận.
Phần các Linh Mục,
nên nhớ rằng: các Giám Mục lãnh nhận sung mãn Bí Tích Truyền Chức Thánh, nên phải
tôn trọng nơi các Ngài quyền bính của Chúa Kitô, Chủ Chăn tối cao. Vậy các Linh
Mục phải kết hiệp với Giám Mục bằng tình thương yêu chân thành và lòng vâng phục
43.
Ðược thấm nhuần tinh thần cộng tác, đức vâng phục của Linh Mục, đặt nền tảng
trên chính việc tham dự vào thừa tác vụ của Giám Mục, mà các Linh Mục đã lãnh
nhận khi chịu Bí Tích Truyền Chức Thánh và bài sai do Ðức Giám Mục trao 44.
Ngày nay, sự hiệp
nhất giữa các Linh Mục và các Giám Mục lại càng khẩn thiết hơn, vì trong thời đại
chúng ta, bởi nhiều lý do, các công cuộc tông đồ không những cần phải mang rất
nhiều hình thức khác nhau, nhưng thật ra còn cần phải vượt khỏi giới hạn giáo xứ
hay giáo phận. Vậy, không một Linh Mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mệnh của
mình một cách lẻ loi và hầu như riêng rẽ, nhưng phải hợp với các Linh Mục khác,
dưới sự điều khiển của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. 6*
8. Hiệp nhất và cộng tác
huynh đệ giữa các Linh Mục. Khi gia nhập hàng Linh Mục nhờ Bí Tích Truyền Chức
Thánh, tất cả các Linh Mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích;
nhưng đặc biệt trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền Giám Mục
của mình, các ngài hợp thành một Linh Mục Ðoàn duy nhất. Thực vậy, tuy giữ những
chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành một thừa tác vụ Linh Mục duy nhất
cho loài người. Thật thế, tất cả các Linh Mục đều được sai đi để cùng cộng tác
vào một công việc: hoặc thi hành thừa tác vụ ở giáo xứ hay liên xứ, hoặc giúp
vào công cuộc nghiên cứu khoa học hay dạy học, hoặc làm việc chân tay khi được
Giáo Quyền hữu trách chấp nhận và được coi là có lợi ích để chia xẻ số phận của
chính các công nhân, hoặc sau hết, chu toàn những công việc tông đồ khác, hay
những việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ. Nhưng tất cả các Linh Mục đều phải
hướng về mục đích duy nhất này là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô; việc này đòi hỏi
rất nhiều phận vụ khác nhau cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời
đại chúng ta. Bởi thế, điều rất quan trọng là tất cả các Linh Mục, triều cũng
như dòng, phải giúp đỡ nhau, để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý 45.
Vì vậy, mỗi vị liên kết với những thành phần khác nhau của Linh Mục Ðoàn bằng
những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ:
điều này đã được biểu hiện trong phụng vụ, ngay từ thời xa xưa, khi các Linh Mục
hiện diện được mời cùng với Giám Mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức, và
khi các ngài đồng tâm cùng cử hành Bí Tích Thánh Thể. Vậy, mỗi Linh Mục hiệp nhất
với các anh em Linh Mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi
hình thức, và như thế, thể hiện được sự hiệp nhất mà Chúa Kitô muốn cho các môn
đệ Người kết hợp nên một, để thế gian nhận biết Chúa Con đã được Chúa Cha sai 46.
Bởi vậy, những
Linh Mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các Linh Mục trẻ như những người em và
hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa
tác vụ; hơn nữa, các ngài nên cố gắng tìm hiểu tâm trạng của họ, dù khác với
tâm trạng mình, và theo dõi các công việc của họ với lòng nhân hậu. Cũng thế,
các Linh Mục trẻ phải kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi
cũng như phải bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc
các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài.
Trong tình thần
huynh đệ đó, các Linh Mục đừng quên lòng hiếu khách 47,
phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải 48,
nhất là phải chú tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải
và ngay cả những vị bị bách hại 49.
Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ họp nhau để tỉnh dưỡng tâm hồn, vì nhớ lại
những lời mà chính Chúa đã mời gọi các Tông Ðồ mệt mỏi: "Các con hãy đến
nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút" (Mc 6,31). Ngoài ra, để giúp nhau
vun trồng đời sống thiêng liêng và tri thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực
hơn trong thừa tác vụ, và để tránh những nguy hiểm có thể xẩy ra do sự cô đơn,
các Linh Mục phải cổ võ một đời sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó.
Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tùy những nhu cầu khác
biệt thuộc cá nhân hay mục vụ: như ở chung nơi nào có thể hoặc ăn chung, hoặc
ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên và định kỳ. Cũng nên thành lập và nhiệt
liệt khuyến khích các hội Linh Mục mà nội quy đã được giáo quyền hữu trách chuẩn
nhận, những hội này cổ võ các Linh Mục nên thánh trong khi thi hành thừa tác vụ
bằng cách tổ chức một đời sống thích hợp đã cùng nhau chấp nhận và bằng sự
tương trợ huynh đệ; như vậy những hội đó hướng về việc phục vụ toàn thể hàng
Linh Mục.
Sau hết, vì liên
kết với nhau trong chức Linh Mục như thế, nên các ngài phải biết rằng mình đặc
biệt có trách nhiệm đối với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các
ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Ðối với
những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác
ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho
các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em và bạn hữu đích thực của họ 7*.
9. Tương quan giữa Linh Muụ
và giáo dân. Các Linh Mục Tân Ước, tuy bởi Bí Tích Truyền Chức Thánh, thi hành
nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm Cha và làm Thầy trong Dân Chúa và cho
Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi Kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ Chúa
Kitô, được dự phần trong Nước Chúa nhờ ơn gọi của Người 50.
Thật vậy, cùng với tất cả những ai được tái sinh trong suối nước Rửa Tội, các
Linh Mục là những anh em giữa các anh em 51,
như chi thể của cùng một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô mà mọi người có nhiệm vụ
xây dựng 52.
Như vậy các Linh
Mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu
Kitô 53;
các ngài hợp tác với giáo dân và sống giữa môi trường của họ theo gương Thầy, Ðấng
đến ở giữa mọi người "không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng
sống mình thay cho nhiều người" (Mt 20,28). Các Linh Mục phải thành thật
nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo
Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người
có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo
dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh
nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động
nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại. Trong
khi nghiệm xem các tinh thần có phải từ Thiên Chúa đến hay không 54,
các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá, vui mừng mà nhận biết, và
chuyên cần phát triển những đặc sủng muôn hình của giáo dân, từ đặc sủng nhỏ bé
nhất đến đặc sủng cao cả nhất. Trong những đặc ân mà Thiên Chúa ban tràn đầy
trên các tín hữu, phải đặc biệt lưu tâm đến ơn lôi kéo một số giáo dân tiến xa
hơn trên đường thiêng liêng. Cũng thế, các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ
cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực
hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ tự ý đảm trách công việc
55.
Sau cùng, các
Linh Mục được đặt giữa giáo dân để dẫn đưa mọi người về hiệp nhất trong đức ái,
hãy "thương yêu nhau với tình bác ái huynh đệ, thi đua tôn trọng lẫn
nhau" (Rm 12,10). Vậy các ngài phải tìm cách hòa hợp các tâm trạng khác nhau,
để không ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn tín hữu. Các ngài là những người
bênh vực ích chung mà các ngài coi sóc nhân danh Giám Mục, và đồng thời là những
người can đảm bảo vệ chân lý để các tín hữu không bị lôi cuốn bởi bất cứ luồng
lý thuyết nào 56.
Các ngài phải đặc biệt lo lắng đến những kẻ đã xao lãng việc lãnh nhận các bí
tích, và những kẻ có lẽ đã mất đức tin; như những người chăn chiên nhân lành
các ngài đừng quên lui tới thăm nom họ.
Các ngài phải
lưu tâm đến những nguyên tắc về sự hiệp nhất 57
để đừng quên những anh em không được cùng chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Giáo
Hội.
Sau hết, các
ngài phải đặc biệt coi sóc tất cả những người chưa nhận biết Chúa Kitô là Ðấng
Cứu Chuộc mình.
Nhưng chính các
Kitô hữu phải ý thức rằng mình có trách nhiệm đối với các Linh Mục của mình, và
phải lấy lòng thảo hiếu mà đối xử với các ngài như những chủ chăn và như là cha
mình vậy; cũng thế, họ phải chia xẻ những nỗi lo âu của các ngài, giúp đỡ các
ngài bằng lời cầu nguyện và bằng việc làm càng nhiều càng hay, để các ngài có
thể thắng vượt những khó khăn một cách dễ dàng hơn, và chu toàn trách vụ của
mình một cách hữu hiệu hơn 58.
8*
III. Phân Phối Linh Mục Và Ơn Kêu Gọi Linh Mục
10. Phân phối Linh Mục để
lo cho toàn thể Giáo Hội. Ân huệ thiêng liêng mà các Linh Mục đã nhận lãnh
trong khi chịu chức, chuẩn bị cho các ngài không phải cho một sứ mệnh giới hạn
và thu hẹp nào đó, nhưng cho một sứ mệnh cứu rỗi rất rộng lớn và bao quát
"đến tận cùng trái đất" (CvTđ 1,8), vì bất cứ thừa tác vụ linh mục
nào cũng tham gia vào sứ mệnh rộng lớn và bao quát mà Chúa Kitô đã trao phó cho
các Tông Ðồ. Thực vậy, chức Linh Mục của Chúa Kitô mà các Linh Mục được tham dự,
cần phải hướng về mọi dân nước và mọi thời đại, không bị hạn chế bởi một ranh
giới, một dân tộc hay một thời đại nào, như đã được tiêu biểu cách huyền nhiệm
trong hình ảnh Melchiseđê 59.
Do đó các Linh Mục phải để tâm lo lắng cho tất cả các giáo hội. Bởi thế các
Linh Mục thuộc các giáo phận giàu ơn gọi hơn, khi được Ðấng Bản Quyền cho phép
hoặc khích lệ, hãy hăm hở tỏ ra sẵn sàng thi hành thừa tác vụ mình trong các địa
hạt, trong các xứ truyền giáo, hay trong những hoạt động bị sa sút vì thiếu
Linh Mục.
Ngoài ra, những
tiêu chuẩn về việc xuất nhập giáo phận phải được duyệt lại thế nào để, dầu phải
duy trì quy chế đã có từ lâu đời, nhưng vẫn đáp ứng được với những nhu cầu mục
vụ ngày nay một cách tốt đẹp hơn. Vậy nơi nào hoàn cảnh tông đồ đòi hỏi, thì cần
phải dễ dãi hơn trong việc phân phối các Linh Mục một cách thích hợp, cũng như
trong những công việc mục vụ chuyên biệt dành cho những môi trường xã hội khác
nhau để những công việc đó được hoàn thành trong một miền, một quốc gia, hoặc
trong bất cứ phần đất nào trên thế giới. Vậy để đạt mục đích đó, điều hữu ích
là có thể thiết lập những chủng viện quốc tế, những giáo phận đặc biệt, hoặc những
tổ chức tương tự khác, trong đó các Linh Mục có thể được bổ dụng hoặc gia nhập
để mưu cầu công ích cho toàn thể Giáo Hội, tùy theo những cách thức được ấn định
cho từng tổ chức và bao giờ cũng tôn trọng quyền lợi các Ðấng Bản Quyền địa
phương.
Nhưng khi gửi
các Linh Mục đến một địa hạt mới, nhất là khi các ngài chưa biết rõ ngôn ngữ và
phong tục của địa hạt đó, thì hãy hết sức lo liệu làm sao để đừng sai họ đi từng
người một, nhưng theo gương các môn đệ của Chúa Kitô 60,
hãy cho đi ít là từng hai hay ba người, để nhờ đó họ có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Cũng phải để tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng, sức khỏe tinh thần và thể xác
của các ngài; và nếu có thể, chuẩn bị cho các ngài nơi ở và những điều kiện để
làm việc tùy hoàn cảnh cá biệt của mỗi người. Cũng phải tiên liệu hết sức cho
những vị đi đến một dân tộc mới, chẳng những học biết đầy đủ ngôn ngữ của miền
này và hơn nữa những đặc tính tâm lý và xã hội của dân tộc mà các ngài muốn
khiêm tốn phục vụ, để dễ dàng cảm thông được với họ, theo gương Thánh Phaolô
Tông Ðồ, Ðấng đã có thể nói về mình: "Thật vậy, mặc dầu tôi tự do đối với
mọi người, nhưng tôi phục vụ hết thảy hầu làm ích cho nhiều người. Và với người
Do Thái, tôi trở nên như Do Thái, cốt sinh lợi cho Do Thái..." (1Cor
9,19-20). 9*
11. Quan tâm đến các ơn
kêu gọi làm Linh Mục. Chúa Giêsu, vị Chủ Chăn và Giám Mục của linh hồn chúng ta 61,
khi thiết lập Giáo Hội Người, đã muốn Dân mà Người đã chọn lựa và chuộc lại bằng
máu mình 62,
phải luôn luôn có các Linh Mục cho đến tận thế, để các Kitô hữu không bao giờ
giống như những con chiên không có người chăn 63.
Hiểu biết ý muốn của Chúa Kitô như thế và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, các
Tông Ðồ đã nhận thấy mình có nhiệm vụ chọn những thừa tác viên "có đủ khả
năng mà dạy lại cho người khác" (2Tm 2,2). Chắc chắn nhiệm vụ đó thuộc về
chính sứ mệnh Linh Mục, cho nên Linh Mục phải chia xẻ nỗi lo lắng của toàn thể
Giáo Hội, để Dân Chúa ở trần gian không bao giờ thiếu người làm việc. Nhưng vì
"thuyền trưởng và những khách đi tàu... cùng chung một số phận" 64,
nên toàn dân Kitô giáo phải được dạy dỗ để biết mình có nhiệm vụ phải cộng tác
bằng nhiều cách khác nhau: bằng lời cầu nguyện tha thiết cũng như bằng những
phương thế khác mà họ sẵn có 65
ngõ hầu Giáo Hội lúc nào cũng có những Linh Mục cần thiết để chu toàn sứ mệnh
Chúa trao phó. Vậy trước hết các Linh Mục phải hết sức để tâm trình bày cho các
tín hữu sự cao quý và cần thiết của chức Linh Mục; các ngài có thể làm cho họ
hiểu điều ấy bằng lời giảng dạy và bằng chứng tá đời sống, một đời sống bộc lộ
rõ ràng tinh thần phục vụ và niềm vui phục sinh đích thực; và sau khi thận trọng
phán đoán những ai hoặc còn trẻ hoặc đã trưởng thành, có đủ tư cách thi hành chức
vụ cao cả này, các ngài đừng quản ngại lo lắng và khó khăn mà giúp họ dọn mình
xứng đáng, cho đến một ngày kia, các Giám Mục có thể gọi họ mà họ vẫn hoàn toàn
tự do cả bên trong lẫn bên ngoài. Ðể đạt tới mục đích đó, phải chuyên cần và
khôn ngoan hướng dẫn về mặt thiêng liêng, vì đó là một điều ích lợi hơn cả. Các
phụ huynh, giáo chức và tất cả những ai tham gia một cách nào đó vào việc giáo
dục thiếu nhi và thanh thiếu niên, phải dạy chúng làm sao để một khi đã nhận biết
mối bận tâm của Chúa đối với đoàn chiên Người, cũng như khi nhìn đến những nhu
cầu của Giáo Hội, họ sẵn sàng quảng đại đáp lại lời Chúa gọi, như tiên tri xưa:
"Này con đây, xin hãy sai con" (Is 6,8). Nhưng tiếng Chúa gọi đây
không tới tai các Linh Mục tương lai một cách lạ thường như người ta tưởng. Thật
vậy, đúng hơn tiếng gọi đó phải được hiểu và nhận định qua những dấu hiệu mà hằng
ngày Chúa muốn dùng để tỏ ý Người cho các Kitô hữu khôn ngoan; các Linh Mục phải
cẩn thận cứu xét những dấu hiệu đó 66.
Do đó, hết sức
khuyến khích các ngài tham gia những hội cổ võ ơn kêu gọi trong giáo phận hay
trong toàn quốc 67.
Những bài giảng, những giờ giáo lý, những sách báo phải nêu cho người ta biết
rõ các nhu cầu của Giáo Hội địa phương cũng như của Giáo Hội hoàn cầu; phải
trình bày cách sống động ý nghĩa và sự cao quý của chức vụ Linh Mục, vì đây là
một chức vụ mang những trọng trách nặng nề nhưng đồng thời cũng tràn đầy hoan lạc,
và nhất là vì có thể chứng tỏ một bằng chứng cao cả nhất về tình yêu đối với
Chúa Kitô như các Giáo Phục dạy 68.
10*
Chú Thích:
1 Xem 1P 1,23;
CvTđ 6,7; 12,24. "Các Tông Ðồ đã rao giảng lời chân lý và đã khai sinh các
Giáo Hội": T. Augustinô, Enarr. in Ps. 44,23 : PL 36,508.
2 Xem Mal 2,7;
1Tm 4,11-13; 2Tm 4,5; Tt 1,9.
3 Xem Mc 16,16.
4 Xem 2Cor 11,7.
Những gì nói về các Giám Mục cũng có giá trị cho các Linh Mục với tư cách là cộng
tác viên của Giám Mục. Xem Statuta Ecclesiae Antiqua, c.3 (x.b. Ch. Munier,
Paris 1960 trg 79); Decretum Gratiani, c. 6, D. 88 (x.b. Friedberg, I, 307); -
CÐ Trentô Sắc lệnh De Reform., khóa V, ch.2, số 9 (Conc. Oec. Decreta, x.b.
Herder, Roma 1962, trg 645); khóa XXIV, ch.4, trg 739; - CÐ Vat II, Hiến chế
tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 25 : ASS 57 (1965), trg 29-31.
5 Xem
Constitutiones Apostolorum, II, 26,7: "(Các Linh Mục) hãy trở nên những vị
tiến sĩ thông thạo khoa học về Thiên Chúa, vì chính Chúa đã truyền cho chúng ta
khi Ngài phán: Các con hãy đi giảng dạy v.v...": x.b. F.X. Funk,
Didascalia et Constitutiones Apostolorum, I,
6 Xem Gal 2,5.
7 Xem 1P 2,12.
8 Xem lễ nghi
phong chức Linh Mục trong Giáo Hội Giacobit ở
9 Xem Mt 28,19;
Mc 16,16; - Tertullianô, De Baptismo, 14,2 (Corpus Christianorum, Series
10 Xem CÐ. Vat.
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrasanctum Concilium, 4-12-1963, số 35,2: A AS
56 (1964), trg 109.
11 Xem CÐ. Vat.
II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrasanctum Concilium, 4-12-1963, số 33, 35,
48, 52, trg 108-109, 113, 114.
3* Các linh mục
phải hết sức quan tâm tới lãnh vực xã hội và sự tiến hóa nơi môi trường hoạt động
của các ngài để có thể áp dụng hữu hiệu chân lý Phúc Âm vào những hoàn cảnh cụ
thể của đời sống. Các ngài truyền đạt đến mọi người giáo lý tinh tuyền của Giáo
Hội, đặc biệt là trong khi cử hành phụng vụ.
12 Xem n.t., số
7 (trg 100-101). - Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg
230.
13 T. Ignatiô Tử
đạo, Smyrn., 8, 1-2: x.b. F.X. Funk 6, trg 240. - Constitutiones Apostolorum,
VIII, 12,3: x.b. F.X. Funk. 496; VIII, 29,2, n.t., trg 532.
14 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57
(1965), 33-36.
15 Bí Tích Thánh
Thể là sự đúc kết tất cả đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của tất cả các bí
tích khác: T. Tôma, Summa Theol. III, q.73, a.3 c : xem Summa Theol. III, q.65,
a. 3.
16 Xem T. Tôma,
Summa Theol. III, q. 65, a. 3, ad 1; q. 79, a. 1, c, và ad 1.
17 Xem Eph
5,19-20.
18 Xem T.
Hieronymô, Epist., 114,2: "...chén thánh, khăn thánh và tất cả những gì
liên quan đến việc tôn sùng cuộc Tử Nạn của Chúa... vì được thông công với Mình
và Máu Chúa, nên phải được kính cẩn như chính Mình và Máu Người vậy": PL
22, 934. - Xem CÐ Vat. II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 4-12-1963, số 122-127:
AAS 56 (1964), trg 130-132.
19 "Hơn nữa,
các tín hữu đừng xao lãng việc năng viếng Mình Thánh Chúa; Mình Thánh Chúa phải
được cất giữ trong nhà thờ, tại một nơi xứng đáng nhất và hết sức vinh dự, theo
luật phụng vụ. Thực vậy, việc kính viếng Chúa Kitô hiện diện nơi đây là một dấu
chỉ biết ơn đối với Chúa Kitô, là bảo chứng tình yêu và là một việc tôn thờ
thích đáng": Phaolô VI, Tđ. Mysterium Fidei, 3-9-1965: AAS 57 (1965), trg
771.
4* Mọi cử hành
phụng vụ Thánh Lễ đều thuộc quyền Giám Mục (x. GH số 28) đó là lý do tại sao
các linh mục một khi đã được "tấn phong bởi Giám Mục" phải liên kết với
chức Giám Mục theo phẩm trật và phải nên như hiện thân của Giám Mục trong mỗi cộng
đoàn Kitô hữu.
20 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57
(1965), trg 33-36.
21 Xem 2Cor 10,8
; 13,10.
22 Xem 1Cor
4,14.
23 Xem Gal 1,10.
24 Xem
Didascalia, II, 34,3; II, 46,6; II 47, 1; - Constitutiones Apostolorum, II, 47,
1: x.b. F.X. Funk, Didascalia et Constitutiones, I, trg 116, 142 và 143.
25 Xem Gal 4,3 ;
5,1 và 13.
26 Xem T.
Hieronymô, Epist., 58,7: "Thành quách chói sáng ngọc ngà nào có ích chi, nếu
Chúa Kitô chết đói trong thân phận một người nghèo khổ?": PL 22,584.
27 Xem 1P 4,10
tt.
28 Xem Mt
25,34-45.
29 Xem Lc 4,18.
30 Có thể kể những
hạng người khác, ví dụ những người di cư, những dân du mục v.v... Vấn đề này được
đề cập đến trong Sắc Lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội
Christus Dominus, 28-10-1965.
31 Xem
Didascalia, II, 59, 1-3: "Khi dạy dỗ, hãy truyền bảo và khuyến dụ dân
chúng năng đến nhà thờ, đừng bao giờ vắng mặt, trái lại tụ họp nhau luôn, và đừng
xa lánh, vì như thế khiến Giáo Hội bị giảm thiểu và bớt mất một chi thể nơi
Thân Thể Chúa Kitô... Vậy, anh em là chi thể Chúa Kitô, chính anh em đừng phân
tán xa Giáo Hội chỉ vì không chịu hội hợp với nhau; anh em có Chúa Kitô là Ðầu,
Người đang hiện diện và thông hiệp với anh em theo như lời Người hứa; vì thế
chính anh em đừng khinh khi và khiến Ðấng Cứu Thế trở nên xa lạ với các chi thể
Người, đừng chia rẽ và phân tán Thân Thể Người..." :x.b. F.X. Funk, I, trg
170. - Phaolô VI, diễn văn trước một số giáo sĩ Ý tham dự Ðại Hội XIII Di aggiornamento
pastorale, 6-9-1963: AAS (1963), trg 750 tt.
5* Nhiệm vụ chăn
dắt đoàn chiên phải được coi như việc giáo dục đức tin và đức ái đối với mọi
người, nhất là những người yếu đuối cần giúp đỡ nhiều hơn. Ngoài ra còn mục
đích kiến tạo cộng đoàn Kitô hữu đích thực mà điều cốt yếu chính là tinh thần
truyền giáo.
32 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57
(1965), trg 35.
33 Xem
Constitutionem Ecclesiasticam Apostolorum, XVIII: Các Linh Mục là những kẻ đồng
tham dự các mầu nhiệm (symmystai) và đồng chiến đấu (synepemachoi) của các Giám
Mục: x.b. Th. Schermann, Die allgemeine Kirchenordnung, I,
34 Xem
Didascalia, II, 28, 4: x.b. F.X. Funk, trg 108. - Constitutiones Apostolorum,
II, 28, 4; II, 34, 3 : n.v.t., trg 109 và 117.
35 Const. Apost.
VIII, 16, 4: x.b. F.X. Funk, I, trg 523. - Xem Epistome Const. Apost., VI:
n.v.t., II, trg 80, 3-4. - Testamentum Domini: "...Xin Chúa ban cho người
này tinh thần ơn thánh, ơn khuyến dụ, ơn đại độ, và tinh thần linh mục... hầu
người này giúp đỡ và cai trị dân Chúa trong việc làm với lòng kính sợ và tâm hồn
trong trắng": bản dịch Latinh của I.E. Rahmani, Moguntiae 1899, trg 69. Ý
tưởng này cũng gặp trong Trad. Apost.: x.b. B. Botte, La Tradition Apostolique
de S. Hippolyte, Munster i. W. 1963, trg 20.
36 Xem Ds 11,
16-25.
37 Pont. Rom.
Kinh Tiền Tụng lễ phong chức Linh Mục; những lời ấy đã có trong Sacramentarium
Leonianum, Sacramentarium Gelasianum và Sacramentarium Gregorianum. Cũng gặp những
ý tưởng tương tự trong Phụng vụ Ðông Phương: xem Trad. Apost.: "...Xin
Chúa nhìn đến tôi tớ Chúa đây và khấn ban tinh thần ơn thánh và ơn khuyến dụ,
tinh thần linh mục, để tôi tớ Chúa giúp đỡ và cai trị dân Chúa với một tâm hồn
trong trắng, như Chúa đã nhìn đến dân Chúa chọn và đã ra lệnh cho Môisen tuyển
lựa những bô lão mà Chúa đã đổ tràn Thánh Thần Chúa, Thánh Thần mà Chúa đã ban
cho tôi tớ Chúa": theo bản dịch Latinh Verona, x.b. B. Botte, La Tradition
Apostolique de S. Hippolyte. Essai de reconstruction, Munster i. W. 1963, trg
20. - Const. Apost. VIII, 16, 4 :x.b. F.X. Funk I, trg 522, 16-17. - Epist.
Const. Apost. VI: x.b. F.X. Funk II trg 20, 5-7. - Testamentum Domini: bản dịch
Latinh của I. E. Rahmani, Moguntiae 1899, trg 69. - Euchologium Serapionis,
XXVII: x.b. F.X. Funk, Didascalia et Constitutiones II, trg 190, hàng 1-7. -
Ritus Ordinationis in ritu Maronitarum: bản dịch H. Denzinger, Ritus
Orientalium, II, Wurzburg, 1863, trg 161; - Trong số các Giáo Phục, có thể kể:
Theodorô Mopsuestenô, In 1Tim. 3,8 : x.b. Swete, II, trg 119-121. - Theodoretô,
Questiones in numeros, XVIII: PG 80, 369C-372 B.
38 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57
(1965), trg 35.
39 Xem Gioan
XXIII, Tđ. Sacerdotii Nostri primordia, 1-8-1959: AAS 51 (1959) trg 576. - T.
Piô X, huấn dụ giáo sĩ Haerent Animo, 4-8-1908 : S. Pii X Acta, q. IV (1908),
trg 237 tt.
40 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus,
28-10-1965, số 15 và 16.
41 Theo Giáo luật
hiện hành, Kinh sĩ hội Chính tòa như là "nguyên lão viện và ban cố vấn"
của Giám Mục (C.I.C., kh. 391) hoặc nếu không có, thì Hội đồng cố vấn giáo phận
thay thế (xem C.I.C., kh. 423-428). Tuy nhiên điều rất đáng mong ước là những tổ
chức ấy phải được chỉnh đốn lại cho thích hợp hơn với những hoàn cảnh và nhu cầu
hiện đại. Hội đồng Linh Mục dĩ nhiên khác Ủy Ban cố vấn mục vụ: về vấn đề này
có nói trong Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội
Christus Dominus, 28-10-1965, số 27, vì trong Ủy Ban cố vấn mục vụ có cả giáo
dân, và chỉ có thẩm quyền trong những gì liên quan đến hoạt động mục vụ. Về việc
các Linh Mục như là cố vấn của Giám Mục có thể xem Didascalia II, 28,4: x.b.
F.X. Funk, I, trg 108. - Const. Apost. II, 28,4: x.b. F.X. Funk, I, trg 109. -
T. Ignatiô Tử đạo, Magn. 6,1: x.b. F.X. Funk, trg 194; Trall., 3,1: x.b. F.X.
Funk, trg 204. Origenê, Contra Celsum III, 30: các Linh Mục là những cố vấn hay
là bouleytai: PG 11, 957D-960 A.
42 Ignatiô Tử đạo,
Magn., 6,1: "Cha van xin các con hãy chăm chú làm mọi sự trong bầu hòa khi
của Thiên Chúa, dưới quyền Giám Mục, Ðại diện Thiên Chúa, dưới quyền các vị
linh mục, đại diện hội đồng các Tông Ðồ, và dưới quyền các phó tế rất thân ái của
cha, vì những vị này được ủy thác phục vụ Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã ngự bên
Thiên Chúa từ trước khi có các thời đại, và đã xuất hiện vào cuối thời":
x.b. F.X. Funk, trg 195. - T. Ignatiô Tử đạo, Trall. 3,1: "Cũng vậy, mọi
người hãy kính trọng các vị phó tế như đối với Chúa Kitô, cũng như kính trọng
Giám Mục là hình ảnh Chúa Cha, các Linh Mục là nguyên lão viện của Thiên Chúa
và là hội đồng các Tông Ðồ: vì không có các đấng ấy, không thể nói đến Giáo Hội":
n.v.t., trg 204. - T. Hieronymô, In Isaiam, II, 3: PL 24,61 D: "Trong Giáo
Hội, chúng ta cũng có nguyên lão viện của chúng ta là hội đồng Linh Mục".
43 Xem Phaolô
VI, diễn văn tại đền Sixtine cho các cha xứ và các linh mục giảng thuyết mùa
chay ở Roma, 1-3-1965: AAS 57 (1965), trg 326.
44 Xem Const.
Apost. VIII, 47,39: "Các linh mục... không được làm gì mà không hỏi ý kiến
Giám Mục, vì chính Giám Mục là người mà Dân Chúa đã được ủy thác và Ngài phải
trả lẽ về những linh hồn được các linh mục coi sóc": x.b. F.X. Funk, trg
577.
6* Sự duy nhất
trong việc hiến thánh và trong sứ mệnh là lý do sâu xa tạo nên cộng đoàn phẩm
trật giữa Giám Mục và các linh mục và quy định mọi liên lạc hỗ tương: đó là
lòng quý trọng và tín nhiệm về phía Giám Mục đối với các linh mục đoàn cũng như
lòng thảo kính và vâng lời nơi các linh mục đối với Giám Mục của các ngài.
45 Xem 3Gio 8.
46 Xem Gio
17,23.
47 Xem Dth
13,1-2.
48 Xem Dth
13,16.
49 Xem Mt 5,10.
7* Nhờ Bí Tích
Truyền Chức, các linh mục trở nên anh em với nhau. Trong một giáo phận, tình
đoàn kết huynh đệ giữa các linh mục tạo thành "linh mục đoàn" của
Giám Mục địa phương. Dù "phận vụ" của các linh mục dòng và triều có sự
khác biệt, nhưng tất cả đều cùng chung một sứ mệnh, các ngài phải được nối kết
với nhau trong tình tương thân tương ái tông đồ.
50 Xem 1Th 2,12;
51 Xem Mt 23,8.
- "Muốn trở thành chủ chăn, thành người cha và thầy của mọi người, chúng
ta phải là anh em của họ": Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 58
(1964), trg 647.
52 Xem Eph 4,7
và 16. - Const. Apost. VIII, 1,20: "Giám Mục không nên chống các phó tế hoặc
linh mục, cũng như các linh mục không nên chống dân chúng, vì cả hai đều làm
thành một cộng đoàn": x.b. F.X. Funk, I, trg 467.
53 Xem Ph 2,21.
54 Xem 1Gio 4,1.
55 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium 21-11-1964, số 37: AAS 57 (1965),
trg 42-43.
56 Xem Eph 4,14.
57 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, 21-11-1964: AAS 57 (1965) trg
90 tt.
58 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 37 AAS 57 (1965),
trg 42-43.
8* Nhờ Bí Tích Rửa
Tội, các linh mục được gia nhập Dân Chúa, trở nên người anh em "của các
anh em". Nhờ Bí Tích Truyền Chúa, các ngài lãnh trách nhiệm lãnh đạo cộng
đoàn, nhưng các ngài phải sống như nô bộc biết đón nhận, lắng nghe và nhận ra
những đặc sủng nơi các tín hữu mà các ngài giúp khám phá ra trách nhiệm riêng của
họ. Các linh mục cần phải nhận thức bổn phận mình là phải hoạt động chung với họ
với tinh thần Bác ái trong việc phục vụ Giáo Hội.
59 Xem Dth 7,3.
60 Xem Lc 10,1.
9* Nền tảng giáo
lý về sự tùng phục hoàn toàn của các linh mục, nghĩ a là sẵn sàng đảm nhận bất
cứ chức vụ gì ở bất cứ nơi nào, hệ tại sự tham dự vào chức Linh Mục của Chúa
Kitô, vào sứ mệnh phổ quát mà Chúa đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Trách nhiệm của
các linh mục vì vậy cũng mang một trương độ phổ quát.
61 Xem 1P 2,25.
62 Xem CvTđ
20,28.
63 Xem Mt 9,36.
64 Pont. Rom. Lễ
phong chức Linh Mục.
65 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục Optatam Totius, 28-10-1965, số 2.
66 "Tiếng
Chúa gọi được biểu hiện bằng hai cách khác nhau, nhưng đều tuyệt diệu và đồng
quy: một là tiếng nói bên trong, đó là tiếng nói của ơn thánh, của Chúa Thánh
Thần, của một sức lôi cuốn nội tâm khôn tả, một tiếng nói âm thầm và quyền năng
của Chúa phát tỏa trong thâm cung con người không thể đo lường được; tiếng nói
khác từ bên ngoài, có tính cách nhân loại, khả giác, xã hội, luật pháp cụ thể,
đó là tiếng nói của thừa tác viên Lời Chúa có đầy đủ phẩm cách, là tiếng nói của
vị Tông Ðồ, của Phẩm Trật, một dụng cụ cần thiết đã được Chúa Kitô thiết lập và
muốn có như trung gian diễn ngữ sứ điệp của Ngôi Lời và giới luật của Thiên
Chúa. Về điều này, giáo lý công giáo đã cùng với Thánh Phaolô dạy rằng: "Nếu
không có Người giảng thuyết thì nghe biết làm sao được?... Ðức tin do nghe nói
(Rm 10,14 và 17)": Phaolô VI, huấn dụ ngày 5-5-1965: l'Osservatore Romano,
6-5-1965, trg 1.
67 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục Optatam Totius, 28-10-1965, số 2.
68 Các Giáo Phụ
dạy như thế khi chú giải những lời Chúa Kitô nói với Phêrô: "Con có yêu mến
Ta không?... Hãy chăn các chiên mẹ của Ta" (Gio 21,17): chẳng hạn T. Gioan
Kim Khẩu, De Sacerdotio, II, 2: PG 48, 633; - T. Gregoriô Cả, Reg. Past. Liber:
phần I, ch. 5: PL 77, 19A.
10* Các linh mục
cộng tác vào ơn thiên triệu linh mục mà Chúa đoái thương ban cho con người bằng
gương sống bản thân, bằng việc giáo huấn tín hữu và bằng cách nâng đỡ tinh thần
đối với những ứng viên ngưỡng vọng thiên chức linh mục.
Chương III: Ðời Sống Linh Mục
I. Các Linh Mục Ðược Mời Gọi Nên Hoàn Thiện
12. Nghĩa vụ sống thánh
thiện. Nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, các Linh Mục nên giống Chúa Kitô Linh Mục,
để như là thừa tác viên của Ðầu Nhiệm Thể và như những cộng tác viên của hàng
Giám Mục, các ngài xây dựng và kiến thiết toàn Thân Người là Giáo Hội. Ðành rằng
ngay từ khi được thánh hiến nhờ phép Rửa Tội, như mọi Kitô hữu, các ngài đã
lãnh nhận dấu tích và ân huệ của ơn gọi và ơn sủng cao trọng, dù bản tính nhân
loại yếu hèn 1,
các ngài vẫn có thể theo đuổi và phải theo đuổi sự hoàn thiện, đúng như lời
Chúa phán: "Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Ðấng
Hoàn Thiện" (Mt 5,48). Nhưng các Linh Mục còn có lý do đặc biệt phải đạt tới
sự hoàn thiện này, vì khi lãnh nhận Chức Thánh là các ngài được thánh hiến cho
Thiên Chúa theo một cách thức mới: các ngài trở nên những khí cụ sống động của
Chúa Kitô Linh Mục Ðời Ðời, để qua các thời đại, các ngài có thể tiếp tục công
việc kỳ diệu của Ðấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội con
người 2.
Do đó, khi đóng vai trò của chính Chúa Kitô theo cách của mình, mỗi Linh Mục
cũng nhận được những ơn riêng để trong khi phục vụ dân được trao phó cho ngài
và phục vụ toàn thể dân Chúa, ngài có thể dễ dàng theo đuổi sự hoàn thiện của đời
sống của Ðấng mà mình đóng vai, và để sự yếu đuối của xác thịt loài người được
lành mạnh nhờ sự thánh thiện của Ðấng vì chúng ta đã trở nên Linh Mục Thượng Phẩm
"thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi kẻ có tội" (Dth
7,26).
Chúa Kitô, Ðấng
Chúa Cha đã thánh hóa, thánh hiến và sai xuống trần gian 3
"đã hiến thân cho chúng ta hầu cứu chúng ta khỏi mọi tội ác và thanh tẩy một
dân đáng được Ngài chấp nhận và nhiệt thành với mọi việc lành" (Tit 2,14),
và như thế qua cuộc khổ nạn mà vào vinh quang 4.
Các Linh Mục cũng vậy, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến bởi việc xức dầu
và được Chúa Kitô sai đi, các ngài hãm dẹp những việc của xác thịt nơi chính bản
thân và hoàn toàn tận tâm phục vụ nhân loại; nhờ thế các ngài có thể tiến tới
trên đường thánh thiện mà các ngài đã được tô điểm trong Chúa Kitô, để thành
con người hoàn toàn 5.
Bởi đó, khi thi
hành thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần và của sự công chính 6,
các ngài được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, miễn là các ngài ngoan
ngoãn theo Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng ban sự sống và dẫn dắt các ngài. Thực vậy,
chính các ngài được kêu gọi đạt tới một đời sống hoàn thiện nhờ chính những
công việc thánh thiện hằng ngày, cũng như nhờ thi hành trọn vẹn thừa tác vụ khi
các ngài thông hiệp với Giám Mục và các Linh Mục khác. Vả lại, chính sự thánh
thiện của Linh Mục giúp các ngài rất nhiều trong việc chu toàn thừa tác vụ của
mình một cách hữu hiệu: thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi
qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những
việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng nghe theo sự thúc giục và hướng dẫn
của Chúa Thánh Thần hơn, bằng kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời
sống thánh thiện, để có thể nói như thánh Tông Ðồ rằng: "dù tôi sống,
nhưng không phải là tôi sống, mà thực ra Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal
2,20).
Vì thế, để đạt tới
những mục đích mục vụ trong việc canh tân bên trong Giáo Hội, để truyền bá Phúc
Âm cho tất cả thế giới cũng như để đối thoại với thế giới ngày nay, Thánh Công
Ðồng này tha thiết khuyên tất cả các Linh Mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp
mà Giáo Hội ban cho 7
để luôn luôn nỗ lực tiến cao hơn trên đường thánh thiện, nhờ đó các ngài trở
nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa 11*.
13. Việc thi hành 3 nhiệm
vụ Linh Mục đòi buộc và khuyến khích sự thánh thiện. Thành tâm và kiên nhẫn thi
hành chức vụ của mình trong tinh thần Chúa Kitô là phương pháp riêng giúp các
Linh Mục theo đuổi sự thánh thiện.
Vì là thừa tác
viên lời Chúa nên hằng ngày các ngài đọc và nghe lời Chúa mà các ngài sẽ phải dạy
lại cho người khác; vì nếu một khi tâm hồn các ngài đã cố gắng đón nhận lời
Chúa, thì càng ngày các ngài trở nên môn đệ hoàn thiện hơn của Chúa Kitô, như lời
Thánh Phaolô Tông Ðồ mới nói với Timotheô: "Con hãy tự giữ mình và hãy
chăm lo lời mình dạy: hãy cương quyết như vậy, điều đó sẽ khiến con tự cứu rỗi
con và cả những ai nghe lời con nữa" (1Tm 4,15-16). Thật vậy, khi tìm những
cách thích hợp nhất để có thể thông ban cho kẻ khác những điều mình đã chiêm niệm
8,
các ngài mới nếm được một cách ý vị hơn "những sự phong phú không thể khám
phá hết được của Chúa Kitô" (Eph 3,8) và sự khôn ngoan muôn mặt của Thiên
Chúa 9.
Nhớ rằng chính Chúa là Ðấng mở lòng 10
và sự cao cả không do các ngài nhưng đến từ quyền năng Thiên Chúa 11,
các ngài liên kết mật thiết hơn với Chúa Kitô là Thầy và được hướng dẫn bởi
Thánh Thần Người trong chính hành động trao ban lời Chúa. Như vậy, thông hiệp với
Chúa Kitô, các ngài thông phần vào tình yêu của Thiên Chúa mà mầu nhiệm tình
yêu đó đã giấu kín từ lâu đời 12
nay được mạc khải trong Chúa Kitô.
Như thừa tác
viên của những Việc Thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh Mục đặc biệt
đóng vai Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại;
và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi
cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật
xấu và dục vọng 13.
Công việc cứu chuộc chúng ta được liên tục 14
thực hiện trong mầu nhiệm Hiến Tế Thánh Lễ, trong đó các linh mục chu toàn chức
vụ trọng yếu nhất của mình; do đó, hết sức khuyến khích việc cử hành Thánh Lễ hằng
ngày dù các tín hữu không thể tới dự, vì đó là hành động của Chúa Kitô và của
Giáo Hội 15.
Như vậy, trong khi liên kết với hành động của Chúa Kitô Linh Mục, hằng ngày các
Linh Mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng,
tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Ðấng đã tự hiến làm lương
thực nuôi các tín hữu. Trong khi thi hành các Bí Tích, các ngài cũng hiệp nhất
với ý muốn và tình yêu của Chúa Kitô; và các ngài thể hiện sự hiệp nhất đó một
cách đặc biệt, khi tỏ ra hoàn toàn và luôn luôn sẵn sàng ban Bí Tích Cáo Giải mỗi
khi các giáo hữu thỉnh cầu một cách hợp lý. Trong khi các ngài đọc Kinh Nhật Tụng,
Giáo Hội mượn tiếng của các ngài để không ngừng cầu nguyện nhân danh toàn thể
nhân loại, và để kết hợp với Chúa Kitô, Ðấng "luôn luôn sống để cầu bầu
cho chúng ta" (Dth 7,25).
Là những vị cai
quản và chăn dắt Dân Chúa, các ngài được tình yêu của Chúa Chiên nhân lành thúc
đẩy hiến mạng sống cho con chiên 16,
và sẵn sàng hy sinh đến tột bậc, theo gương của nhiều Linh Mục, ngay cả trong
thời hiện đại, không quản ngại hiến mạng sống mình. Là những nhà giáo dục trong
đức tin và "được lòng can đảm bước vào nơi chí thánh nhờ Máu Chúa
Kitô" (Dth 10,19), các ngài tới gần Thiên Chúa "với một tấm lòng chân
thành tràn đầy đức tin" (Dth 10,22); các ngài gây niềm hy vọng vững vàng
cho các tín hữu của mình 17,
để nhờ chính sự khích lệ mà Thiên Chúa đã khích lệ các ngài, các ngài có thể an
ủi ho trong mọi cơn thử thách 18,
là những vị hướng dẫn cộng đoàn, các ngài thực hành việc khổ chế riêng biệt của
vị chăn dắt các linh hồn: từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi
nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi 19,
luôn tiến bộ hơn trong việc chu toàn hoạt động mục vụ cách hoàn hảo hơn và khi
cần, các ngài sẵn sàng đi vào những con đường mục vụ mới mẻ, dưới sự hướng dẫn
của Thánh Thần tình yêu, Ðấng thổi nơi nào Ngài muốn 20.
12*
14. Ðời sống Linh Mục thống
nhất và hòa hợp. Trong thế giới ngày nay, vì con người phải đối phó với biết
bao công việc và phải khổ tâm vì biết bao vấn đề khác nhau, lắm khi cần phải được
giải quyết cấp tốc, nên hay có tình trạng con người bị chi phối bởi nhiều vấn đề
khác nhau. Còn các Linh Mục, vì bị vướng mắc và phân tán bởi nhiều trách nhiệm
của chức vụ, nên không khỏi lo lắng tìm phương cách nào để có thể phối hợp đời
sống nội tâm của mình với những đòi hỏi của hoạt động bên ngoài. Việc thống nhất
đời sống này không thể được thực hiện nguyên bằng cách tổ chức hoàn toàn bên
ngoài các công việc của chức vụ hoặc bằng cách thực thi những việc đạo đức này,
tuy những việc này giúp phát triển sự thống nhất đời sống Linh Mục. Nhưng các
Linh Mục có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi các ngài theo gương Chúa
Kitô trong việc chu toàn chức vụ: lương thực của Người là làm theo ý muốn của Ðấng
đã sai Người, để Người hoàn thành công việc của mình 21.
Thực ra, Chúa
Kitô hành động qua các thừa tác viên của Người để luôn luôn dùng Giáo Hội thi
hành ý muốn của Chúa Cha trên trần gian, và vì vậy Người vẫn là nguyên lý và
nguồn mạch sự thống nhất đời sống của các ngài. Vậy, các linh mục phải thực hiện
việc thống nhất đời sống của mình bằng cách kết hợp với Chúa Kitô trong sự nhận
biết ý Chúa Cha và trong sự hiến thân cho đoàn chiên đã trao phó cho các ngài 22.
Như thế, nhờ thi hành những nhiệm vụ của Chúa Chiên nhân lành, và trong chính
khi thực thi bác ái mục vụ, các ngài tìm thấy mối dây hoàn thiện của Linh Mục
ràng buộc đời sống và hoạt động của mình làm một. Thật thế, bác ái mục vụ này 23
trước hết phát xuất từ Hiến Tế Thánh Lễ, do đó Hiến Tế Thánh Lễ là trung tâm và
là cội rễ của toàn thể đời sống Linh Mục, cho nên Linh Mục phải cố gắng thực hiện
trong tâm tư điều mình đã làm trên bàn tế lễ. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện
được, khi chính các Linh Mục nhờ cầu nguyện, luôn luôn đi sâu mãi vào mầu nhiệm
Chúa Kitô.
Ðể có thể kiểm
soát sự thống nhất đời sống cả trong những hoàn cảnh cụ thể, các ngài phải xét
đoán mọi hoạt động của mình cho biết rõ đâu là ý muốn của Thiên Chúa 24,
nghĩa là biết rõ những hoạt động đó có thích hợp với những tiêu chuẩn của sứ mệnh
Phúc Âm của Giáo Hội hay không. Thực vậy, ai trung thành với Chúa Kitô không thể
không trung thành với Giáo Hội. Do đó, đức bác ái mục vụ đòi hỏi các Linh Mục
không được chạy theo hư vô 25,
nhưng phải luôn luôn làm việc trong mối hiệp thông với các Giám Mục và với những
anh em linh mục khác. Có làm như thế, các Linh Mục mới tìm được sự thống nhất đời
sống của mình trong chính sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội, và như vậy các ngài mới
hiệp nhất với Chúa, và qua Người, với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, để có thể
tràn đầy an ủi và dư thừa hoan lạc 26.
13*
II. Những Ðòi Hỏi Thiêng Liêng Ðặc Biệt Trong Ðời Linh Mục
15. Khiêm tốn và vâng phục.
Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho chức vụ Linh Mục, phải kể đến tâm trạng
này, là bao giờ cũng sẵn sàng tìm ý muốn Ðấng đã sai mình chứ không phải tìm ý
riêng 27.
Thực ra công việc của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần tuyển chọn 28
các ngài để hoàn thành, vượt quá mọi năng lực và tầm mức khôn ngoan nhân loại;
vì "Thiên Chúa đã lựa chọn những gì yếu hèn trong thế gian để bêu xấu những
gì mạnh mẽ" (1Cor 1,27). Vậy ý thức những sự yếu hèn của mình, thừa tác
viên đích thực của Chúa Kitô khiêm tốn làm việc trong khi tìm xem điều gì đẹp
lòng Thiên Chúa 29
và như bị ràng buộc bởi Thánh Thần 30,
trong mọi sự ngài đều tuân theo ý của Ðấng muốn cho mọi người được cứu rỗi.
Ngài có thể khám phá và tuân theo ý muốn này trong những sự kiện hàng ngày bằng
cách khiêm tốn phục vụ cho mọi người được Thiên Chúa ủy thác cho mình qua các
nhiệm vụ riêng của mình cũng như qua những biến cố của đời sống.
Nhưng vì chức vụ
Linh Mục là chức vụ của chính Giáo Hội, nên chức vụ đó chỉ có thể được chu toàn
trong sự thông công phẩm trật của toàn thân thể. Vậy đức bác ái mục vụ thôi
thúc các Linh Mục đang hoạt động trong mối thông hiệp này biết hy sinh ý riêng
mình, qua việc vâng lời phục vụ Chúa và anh em, bằng cách lấy tinh thần đức tin
mà lãnh nhận và tuân theo những gì được Ðức Giáo Hoàng, Ðức Giám Mục của mình,
cũng như các Bề Trên khác truyền dạy và khuyên bảo, bằng cách hoàn toàn sẵn
lòng tự hiến và tự hiến hết mức 31
trong bất cứ chức vụ nào đã được trao phó cho mình dù là thấp kém và nghèo hèn.
Thật vậy, nhờ cách đó, các ngài duy trì củng cố sự hiệp nhất cần thiết với các
anh em ngài trong thừa tác vụ, và nhất là với những vị được Thiên Chúa đặt làm
nhà lãnh đạo hữu hình của Giáo Hội; nhờ thế, các ngài cộng tác vào việc xây dựng
Thân Thể Chúa Kitô, Thân Thể được lớn lên "bằng mọi mối khớp tương trợ"
32.
Sự vâng phục này đưa con cái Thiên Chúa tới sự tự do trưởng thành hơn: trong
khi vì bác ái thúc đẩy và để chu toàn chức vụ, các Linh Mục khôn ngoan tìm tòi
những con đường mới mẻ mưu ích hơn cho Giáo Hội, thì chính sự vâng phục đó tự bản
tính cũng còn đòi buộc các ngài phải tin tưởng đưa ra những sáng kiến, phải tha
thiết trình bày những nhu cầu của đoàn chiên được trao phó và luôn luôn sẵn
sàng tùng phục phán đoán của những vị thi hành các phận vụ chính yếu trong việc
điều khiển Giáo Hội Chúa.
Nhờ tự ý khiêm
nhượng và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm mà các Linh Mục nên giống Chúa
Kitô và có những cảm thức như Chúa Giêsu Kitô, Ðấng "tự hủy mình khi nhận
lấy thân phận tôi tớ... đã vâng lời cho đến chết" (Ph 2,7-8). Nhờ sự vâng
phục này Người đã chiến thắng và chuộc lại sự bất phục tùng của Adam, như Thánh
Tông Ðồ đã minh chứng: "vì một người không vâng phục mà muôn người hóa
thành tội nhân, thì cũng thế, vì một Ðấng phục tùng mà nhiều người được trở nên
công chính" (Rm 5,19). 14*
16. Chọn lựa và kính trọng
đời sống độc thân như một ân sủng. Sự chế dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời
đã được Chúa Kitô khuyến khích 33,
mà qua các thời đại và ngay cả ngày nay vẫn được một số đông Kitô hữu sẵn lòng
chấp nhận và tuân giữ một cách đáng khâm phục, thì hiện thời vẫn luôn được Giáo
Hội hết sức quý trọng trong đời sống Linh Mục. Thực vậy, nó là dấu chứng và đồng
thời là niềm khích lệ đức bác ái mục vụ và là nguồn mạch đặc biệt làm phát sinh
đời sống thiêng liêng phong phú trên thế giới 34.
Thực ra tự bản tính của chức Linh Mục không đòi buộc điều đó như đã thấy thực
hành trong Giáo Hội sơ khai 35
và trong truyền thống của Giáo Hội Ðông Phương. Trong các Giáo Hội đó, ngoài những
vị cùng với tất cả các Giám Mục, nhờ ơn thánh, đã giữ bậc độc thân, cũng còn có
những Linh Mục rất xứng đáng đã lập gia đình; thực vậy, khi khuyến khích bậc độc
thân Linh Mục, Thánh Công Ðồng này không hề có ý định thay đổi tập quán khác biệt
đang thịnh hành một cách chính đáng trong Giáo Hội Ðông Phương, và thân ái
khuyên nhủ tất cả những ai đã nhận lãnh chức Linh Mục và hiện đang sống đời đôi
bạn, hãy bền chí trong ơn gọi thánh và hoàn toàn quảng đại tiếp tục hy sinh đời
sống mình cho đoàn chiên được trao phó 36.
Nhưng bậc độc
thân có rất nhiều thuận tiện cho chức Linh Mục. Thật vậy, sứ mệnh toàn diện của
Linh Mục là tận hiến để phục vụ một nhân loại mới, mà Chúa Kitô Ðấng chiến thắng
sự chết đã phục hồi trong thế gian nhờ Thánh Thần Người và là một nhân loại đã
được sinh ra "không bởi khí huyết, không bởi ý muốn xác thịt, không bởi ý
muốn của nam nhân, nhưng bởi Thiên Chúa". (Gio 1,13). Nhờ đức trinh khiết
hay là bậc độc thân vì Nước Trời 37
các Linh Mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo được
kết hợp cách dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia xẻ 38,
tận hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài
người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh siêu nhiên;
như thế các ngài càng thích đáng lãnh nhận một cách bao quát hơn chức vụ làm cha
trong Chúa Kitô. Chính nhờ đó, các ngài tuyên bố trước mặt mọi người rằng mình
muốn tận hiến trọn vẹn cho công việc đã được trao phó, nghĩa là muốn đính ước
các tín hữu với một người bạn độc nhất và hiến dâng họ cho Chúa Kitô như một
trinh nữ thanh sạch 39;
như thế các ngài nhắc lại cuộc hôn nhân mầu nhiệm đã được Thiên Chúa thiết lập
và sẽ được tỏ lộ đầy đủ ở đời sau. Cuộc hôn nhân trong đó Giáo Hội chỉ có một vị
Hôn Phu duy nhất là Chúa Kitô 40.
Ngoài ra, các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày
nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó con cái sự sống lại không còn
dựng vợ gả chồng nữa 41.
Vì những lý do đặt
nền tảng trên mầu nhiệm Chúa Kitô và sứ mệnh của Người nên việc sống độc thân
trước tiên được khuyến khích cho các Linh Mục, rồi sau đã trở nên luật buộc
trong Giáo Hội Latinh cho tất cả những ai muốn chịu Chức Thánh. Thánh Công Ðồng
này phê chuẩn và xác định luật này một lần nữa đối với những ai muốn chịu chức
Linh Mục, vì Công Ðồng tin tưởng vào Chúa Thánh Thần là ơn độc thân, ơn rất
thích hợp với chức Linh Mục Tân Ước, sẽ được Chúa Cha rộng tay ban phát, miễn
là những người tham dự chức Linh Mục của Chúa Kitô qua Bí Tích Truyền Chúc cũng
như toàn thể Giáo Hội phải khiêm tốn và khẩn khoản nài xin. Thánh Công Ðồng này
cũng khuyên mọi Linh Mục vì tin tưởng vào ơn Chúa đã tự do và tự ý chấp nhận bậc
độc thân thánh thiện theo gương Chúa Kitô, hãy sống gắn bó với bậc đó bằng một
tâm hồn quảng đại và với tất cả con tim của mình. Xin họ hãy kiên nhẫn trung
thành trong bậc này và hãy nhìn nhận đó là ơn rất trọng đại mà Chúa Cha đã ban
cho mình và Chúa Con đã công khai tán thưởng, cũng như hãy nhớ đến 42
những mầu nhiệm cao cả được biểu lộ và thực hiện qua ơn độc thân. Chắc hẳn nếu
càng có nhiều người trong thế giới ngày nay nghĩ rằng sự chế dục hoàn toàn
không thể có được, thì các Linh Mục càng phải hiệp cùng với Giáo Hội mà khiêm
nhượng và kiên nhẫn hơn nữa để cầu xin ơn trung thành, vì Chúa không bao giờ từ
chối những người kêu xin. Ðồng thời các ngài lại phải luôn dùng mọi phương thế
siêu nhiên và tự nhiên mà mọi người sẵn có, nhất là các ngài hãy tuân giữ những
luật lệ khổ hạnh đã được kinh nghiệm của Giáo Hội chuẩn nhận và không kém cần
thiết trong thế giới ngày nay. Vì vậy Thánh Công Ðồng này không những yêu cầu
các Linh Mục mà còn kêu gọi tất cả các tín hữu hãy quý trọng ơn độc thân Linh Mục
cao quý này và hãy cầu xin cùng Chúa để chính Ngài luôn rộng tay ban phát dồi
dào ơn này cho Giáo Hội Ngài 15*.
17. Thái độ đối với trần
thế cũng như của cải vật chất và tình nguyện sống khó nghèo. Nhờ đời sống thân
hữu và huynh đệ giữa các Linh Mục với nhau và với những người khác, các ngài có
thể biết cách thẩm định và vun trồng những giá trị nhân bản và quý mến các tạo
vật tốt lành như những ơn phúc của Thiên Chúa. Tuy sống giữa thế gian nhưng các
ngài phải luôn biết rằng mình không thuộc về thế gian, như lời Chúa là Thầy
chúng ta đã phán dạy 43.
Vậy xử dụng trần gian như không xử dụng 44,
các ngài được tự do, sự tự do giải thoát các ngài khỏi mọi lo lắng hỗn loạn và
làm cho các ngài ngoan ngoãn nghe theo tiếng Chúa trong đời sống hằng ngày. Từ
sự tự do và ngoan ngoãn đó sẽ nảy sinh khả năng phân biệt thiêng liêng để nhờ
đó tìm ra thái độ đứng đắn đối với thế gian và của cải trần thế. Thực vậy, thái
độ đó rất quan trọng đối với các Linh Mục vì sứ mệnh Giáo Hội được hoàn tất giữa
trần gian và vì những của cải được tạo dựng lại rất cần thiết cho sự tiến bộ bản
thân của con người. Vậy các ngài phải cảm tạ Chúa Cha trên trời vì tất cả những
gì Ngài rộng ban cho để được sống xứng đáng. Tuy vậy, các ngài phải phân biệt
dưới ánh sáng đức tin tất cả những gì các ngài gặp thấy để một đàng biết xử dụng
một cách thích đáng những của cải theo ý muốn của Thiên Chúa, đàng khác biết gạt
bỏ những gì phương hại đến sứ mệnh của mình.
Thật vậy, vì
Chúa là "phần và là gia nghiệp" của mình (Ds 18,20), nên các Linh Mục
chỉ được xử dụng những của cải trần gian vào những mục đích mà giáo lý Chúa
Kitô và quy luật của Giáo Hội ấn định.
Về những của cải
của Giáo Hội nói riêng, các Linh Mục phải quản trị chúng theo bản chất chúng
đúng như tiêu chuẩn của giáo luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo
khi có thể, và các ngài phải luôn luôn nhằm xử dụng chúng vào những mục đích mà
Giáo Hội phải theo đuổi khi Giáo Hội làm chủ những của cải trần gian, nghĩa là
nhằm vào việc thờ phượng Chúa, cung cấp một mức sống xứng đáng cho hàng giáo
sĩ, cũng như thi hành những công cuộc tông đồ thánh thiện, hay những việc bác
ái, nhất là đối với những người nghèo túng 45.
Còn những của cải có được nhân dịp thi hành một vài nhiệm vụ nào đó của Giáo Hội,
trừ khi có luật ấn định cách khác 46,
các Linh Mục cũng như các Giám Mục trước hết phải dùng vào việc cấp dưỡng xứng
đáng cho mình và việc chu toàn những phận sự của đấng bậc mình, phần còn lại,
các ngài hãy dùng vào việc gây ích lợi cho Giáo Hội hoặc cho những công cuộc
bác ái. Bởi thế, các ngài không được coi chức vụ của Giáo Hội như một mối lợi,
cũng không được dùng những lợi tức để làm giàu cho gia đình mình 47.
Bởi vậy các Linh Mục không bao giờ được để tâm hồn dính bén của cải 48
nhưng phải luôn luôn tránh mọi tham lam và xa lánh mọi hình thức thương mại.
Hơn nữa, các
ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Chúa Kitô một cách rõ
ràng hơn và tận tụy hơn với chức vụ thánh. Thật vậy, dù giàu có, Chúa Kitô đã
trở nên nghèo hèn vì chúng ta để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên
giàu có 49.
Cũng thế, chính các Tông Ðồ đã làm gương chứng minh rằng: đã lãnh nhận ơn cách
nhưng không thì cũng phải ban phát cách nhưng không 50,
và các ngài đã biết sống khi được sung túc cũng như khi phải túng thiếu 51.
Việc xử dụng tài sản như thế theo gương đóng góp tài sản làm của chung đã được
tán thưởng trong lịch sử Giáo Hội sơ khai 52,
có thể mở một con đường dẫn tới bác ái mục vụ một cách tuyệt hảo và nhờ cách sống
này các Linh Mục có thể thực hiện một cách đáng khen ngợi tinh thần nghèo khó
đã được Chúa Kitô khuyến khích.
Vì thế, các Linh
Mục cũng như Giám Mục, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Ðấng đã xức dầu cho
Chúa Cứu Thế và sai đi giảng Phúc Âm cho người nghèo khó 53,
phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm xa cách người
nghèo khó, và hơn các môn đệ khác Chúa Kitô các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe
khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở thế nào để không
ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để không ai dù nghèo hèn đến đâu phải sợ
hãi không bao giờ dám lui tới 16*.
III. Những Phương Tiện Giúp Ðời Sống Linh Mục
18. Phương thế nuôi dưỡng
đời sống thiêng liêng. Ðể có thể sống kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Kitô
trong mọi cảnh ngộ cuộc đời, ngoài việc thực hành một cách ý thức thừa tác vụ của
mình, các Linh Mục còn hưởng nhờ những phương tiện chung và riêng, mới và cũ mà
Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng khơi dậy trong Dân Chúa và Giáo Hội hằng
khuyến khích đôi khi còn buộc dùng, để thánh hóa các chi thể mình 54.
Trong tất cả các phương thế thiêng liêng, quan trọng hơn cả là những hoạt động
giúp các Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng Ngôi Lời nơi Bàn Thánh Kinh và Bàn Thánh
Thể 55;
ai cũng biết rằng việc siêng năng lui tới bàn thánh quan trọng chừng nào cho việc
thánh hóa bản thân các Linh Mục.
Các thừa tác
viên của ân sủng bí tích kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế và là
Chúa Chiên nhờ chịu các phép Bí Tích cách hiệu quả, nhất là trong việc năng chịu
Bí Tích Cáo Giải, được chuẩn bị bằng sự xét mình hàng ngày, vì nó sẽ giúp nhiều
cho việc thật lòng trở về với tình yêu của Cha từ bị. Dưới ánh sáng đức tin được
nuôi dưỡng bằng việc đọc Sách Thánh, các ngài có thể tận tâm tìm kiếm những dấu
hiệu của thánh ý Chúa và những thúc đẩy của ơn thánh Ngài trong những biến cố
khác nhau của đời sống, và như thế ngày càng trở nên dễ dàng vâng phục sứ mệnh
đã nhận lãnh trong Chúa Thánh Thần hơn. Các ngài luôn tìm thấy gương mẫu lạ
lùng về sự dễ vâng phục đó nơi Ðức Trinh Nữ Maria, Người được Chúa Thánh Thần dẫn
dắt đã hiến toàn thân cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người 56;
các Linh Mục phải lấy lòng con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Ðức Trinh Nữ
Maria là Mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm vĩnh viễn, là Nữ Vương các Tông Ðồ và là Ðấng
bảo trợ thừa tác vụ Linh Mục.
Ðể trung thành
chu toàn thừa tác vụ của mình, các ngài phải chuyên tâm đàm đạo hằng ngày với
Chúa Kitô trong lúc viếng Mình Thánh Chúa và trong việc cá nhân tôn sùng phép
Thánh Thể Chí Thánh; các ngài hãy tự ý chăm lo việc tĩnh tâm thiêng liêng và mến
chuộng việc linh hướng. Bằng nhiều cách, nhất là bằng tâm nguyện vẫn được thực
hành trong Giáo Hội và bằng những hình thức kinh nguyện khác nhau tùy các ngài
tự ý lựa chọn, các Linh Mục tự luyện và cố tâm khẩn cầu Chúa ban cho mình một tinh
thần thờ phượng đích thực, nhờ đó các ngài cùng với dân được trao phó sẽ kết hiệp
mật thiết với Chúa Kitô là Ðấng Trung Gian của Giao Ước Mới, và như thế, họ có
thể kêu lên như những nghĩa tử "Abba, Cha" (Rm 8,15). 17*
19. Học hỏi và hiểu biết về
mục vụ. Trong nghi lễ truyền chức, Ðức Giám Mục khuyên bảo các Linh Mục hãy
"trưởng thành trong sự hiểu biết" và lời giáo huấn của các ngài phải
là "linh dược thiêng liêng cho Dân Chúa" 57.
Nhưng kiến thức của các thừa tác viên thánh cũng phải thánh vì nó phát xuất từ
nguồn mạch thánh và quy hướng về cùng đích thánh. Vì vậy, kiến thức đó trước hết
được rút ra từ việc đọc và suy gẫm Sách Thánh 58,
nhưng nó cũng được nuôi dưỡng hữu hiệu bằng việc nghiên cứu những tài liệu của
các Giáo Phụ, các Thánh Tiến Sĩ và các tài liệu khác của Thánh Truyền. Ngoài
ra, để trả lời thỏa đáng những vấn đề do người thời nay nêu lên, các Linh Mục
phải hiểu biết cho thấu đáo những tài liệu của Quyền Giáo Huấn, nhất là của các
Công Ðồng và của các Ðức Giáo Hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thần
học thời danh nhất và đã được thừa nhận.
Thực ra, trong
thời đại chúng ta, văn hóa nhân loại và ngay đến những khoa học thánh cũng tiến
thêm một bước mới, nên khuyên các Linh Mục hãy hoàn bị kiến thức của mình về
Thiên Chúa và về nhân loại một cách thích hợp và liên tục, và như thế, các ngài
tự chuẩn bị để đối thoại với những người đương thời một cách thích hợp hơn.
Ðể các Linh Mục
nghiên cứu dễ dàng hơn cũng như để học hỏi những phương pháp rao giảng Phúc Âm
và làm việc tông đồ một cách hiệu quả hơn, phải hết sức lo cho các ngài có những
phương tiện thích hợp, như tổ chức những khóa học tập hay những khóa hội thảo
tùy hoàn cảnh chung của từng địa hạt, thiết lập những trung tâm học hỏi mục vụ,
thành lập những thư viện và cắt đặt thích ứng những người có khả năng điều khiển
công việc học tập. Ngoài ra mỗi Giám Mục riêng biệt hay nhiều Giám Mục hợp lại,
phải cân nhắc để tìm ra phương cách thích hợp nhất, hầu tất cả các Linh Mục của
mình có thể lui tới khóa học, vào thời gian ấn định, nhất là một vài năm sau
khi chịu chức 59;
nhờ vậy, các ngài có dịp vừa để thâu nhận thêm những kiến thức đầy đủ hơn về
phương pháp mục vụ và khoa thần học, vừa để củng cố đời sống thiêng liêng và để
cùng trao đổi với anh em những kinh nghiệm tông đồ 60.
Cũng nên dùng những phương tiện này và những phương tiện thích nghi khác để đặc
biệt giúp đỡ những cha sở mới và những vị đã được chỉ định cho một công cuộc mục
vụ mới, hoặc những vị được sai đến một giáo phận hay một quốc gia khác.
Sau hết, các
Giám Mục nên lo liệu cho một số Linh Mục chuyên về các khoa học thánh để không
bao giờ thiếu các giáo sư đầy đủ khả năng đào tạo hàng Linh Mục, để giúp các
Linh Mục khác và các tín hữu lãnh nhận được nền giáo thuyết cần thiết, và để
khuyến khích sự tiến triển lành mạnh trong các môn học thánh, vì sự tiến triển
đó rất cần thiết cho Giáo Hội. 18*
20. Thù lao cân xứng. Nhờ
hiến thân phụng sự Thiên Chúa trong việc chu toàn nhiệm vụ được trao phó, các
Linh Mục được lãnh một số thù lao cân xứng vì "thợ đáng ăn lương của
mình" (Lc 10,7) 61
và "Chúa đã định liệu những ai rao giảng Phúc Âm được sống bởi Phúc
Âm" (1Cor 9,14). Bởi thế, nơi nào không có sẵn thù lao cân xứng cho các
Linh Mục, thì chính các tín hữu phải nhận lấy trách nhiệm lo cho các ngài được
những điều cần thiết hầu có một mức sống thích hợp và xứng đáng, bởi chính vì lợi
ích các tín hữu mà các ngài hy sinh hoạt động. Còn các Giám Mục phải nhớ nhắc
cho các tín hữu trách nhiệm này và phải lo liệu - hoặc vị nào cho giáo phận nấy,
hoặc tiện hơn là nhiều vị chung nhau cho một vùng - lập ra những quy luật giúp
bảo đảm đúng mức một số trợ cấp xứng đáng cho những vị đang thi hành hay đã thi
hành một vài chức vụ trong việc phục vụ Dân Chúa. Phần thù lao cấp phát cho mỗi
vị phải được ấn định hoặc tùy theo bản chất của chức vụ hoặc tùy theo hoàn cảnh
địa phương và thời gian. Nhưng phần thù lao căn bản phải đồng đều cho tất cả
các vị có cùng một hoàn cảnh, phải xứng hợp với hoàn cảnh của các ngài, và hơn
nữa phải giúp các ngài chẳng những có thể cấp một phần thù lao cân xứng cho những
kẻ hy sinh giúp việc các ngài, nhưng còn có thể tự mình giúp đỡ những kẻ thiếu
thốn vì một lý do nào đó; thực vậy, việc phục vụ kẻ nghèo khó ngay từ thuở ban
đầu đã được Giáo Hội luôn luôn nhiệt liệt tán thưởng. Ngoài ra, cũng phải lo liệu
làm sao cho phần thù lao này có thể giúp các Linh Mục hằng năm có một thời gian
nghỉ ngơi thích đáng và đầy đủ; các Giám Mục phải lo cho các Linh Mục có thể có
thời gian nghỉ ngơi đó.
Tuy nhiên, phải
dành tầm quan trọng bậc nhất cho chức vụ do các thừa tác viên thi hành. Vì thế,
hệ thống mệnh danh là "ân bổng" phải được bãi bỏ, hoặc ít ra phải được
cải tổ thể nào để phần ân bổng, nghĩa là quyền thụ hưởng những lợi tức bởi chức
vụ, được coi như chuyện phụ thuộc, và theo luật, phải nhường địa vị chính yếu
cho chính chức vụ của Giáo Hội, chức vụ mà từ nay phải được hiểu là bất cứ nhiệm
vụ nào được trao phó cách lâu bền để thi hành nhằm mục đích thiêng liêng.
21. Quỹ chung và bảo hiểm
xã hội. Phải luôn luôn nhớ đến gương mẫu của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai ở
Giêrusalem đã đặt "mọi sự làm của chung" (CvTđ 4,32) và "phân
phát cho mỗi người tùy nhu cầu" (CvTđ 4,35). Vì vậy, ít ra trong những miền
mà sự cấp dưỡng cho giáo sĩ tùy thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào việc dâng
cúng của các tín hữu, thì rất nên có một tổ chức giáo phận nào đó thu góp những
của dâng cúng nhằm mục đích này; tổ chức này do Giám Mục điều khiển với sự trợ
giúp của những Linh Mục được ủy nhiệm, cũng như của cả những giáo dân thông thạo
trong lãnh vực kinh tế nếu thấy là hữu ích. Ngoài ra, cũng ước mong rằng nếu có
thể nên thành lập một công quỹ trong mỗi giáo phận hay mỗi miền để nhờ đó các
Giám Mục có thể thỏa mãn các bổn phận khác đối với những người phục vụ Giáo Hội,
và trợ giúp những nhu cầu khác nhau trong giáo phận, và cũng nhờ đó các giáo phận
giàu hơn có thể giúp đỡ các giáo phận nghèo hơn để sự dư dật của giáo phận này
bù đắp cho sự thiếu thốn của giáo phận khác 62.
Công quỹ này phải được thiết lập trước hết do những của cải các tín hữu dâng
cúng, nhưng cũng còn do những nguồn lợi khác như đã được qui chế ấn định.
Ngoài ra, trong
các quốc gia mà sự bảo hiểm xã hội cho hàng giáo sĩ chưa được tổ chức cách
thích hợp, các Hội Ðồng Giám Mục hãy lưu ý đến giáo luật và dân luật mà lo liệu
cho có những tổ chức trong các giáo phận - và có thể liên kết những tổ chức với
nhau - hoặc những tổ chức được thiết lập cho nhiều giáo phận khác nhau, hoặc một
hội được thành lập cho toàn vùng; nhờ những tổ chức này và dưới sự chăm sóc của
Hàng Giáo Phẩm, việc bảo hiểm xã hội được dự liệu đầy đủ cho tổ chức mà người
ta thường gọi là tổ chức y tế dự phòng và cứu trợ, và dự liệu việc trợ cấp cân
xứng cho các Linh Mục bệnh tật, tàn phế và già yếu. Các Linh Mục phải giúp đỡ
các tổ chức được thành lập như thế với một tinh thần liên đới với anh em mình
và thông cảm những nỗi khổ tâm của họ 63.
Ðồng thời, chính vì không phải bận tâm đến tương lai, các ngài có thể hoàn toàn
tận hiến cho phần rỗi các linh hồn và thực hành đức khó nghèo trong tinh thần
Phúc Âm một cách hăng say hơn. Những vị có trách nhiệm phải cố gắng liên kết
các tổ chức như thế thuộc các quốc gia khác nhau để chúng thêm vững chắc và được
phổ biến rộng rãi hơn.
Kết Luận Và Khuyên Nhủ
22. Kết luận. Thánh Công Ðồng
này khi nhớ đến những hoan lạc của đời sống Linh Mục không thể quên được những
khó khăn mà các Linh Mục phải chịu trong những hoàn cảnh của đời sống hiện tại.
Thánh Công Ðồng cũng biết rằng tình trạng kinh tế, xã hội và ngay cả những
phong tục của con người đang thay đổi rất nhiều và bậc thang giá trị cũng đang
đảo lộn không ít trong trí phán đoán của con người; do đó, các thừa tác viên của
Giáo Hội và đôi khi ngay cả các Kitô hữu đều cảm thấy mình như xa lạ trong thế
giới này và áy náy tìm kiếm không biết phải dùng phương pháp, lời nói nào thích
hợp để có thể giao thiệp với đời. Thật vậy, những chướng ngại mới cho đức tin,
những việc làm bề ngoài xem ra vô ích, cũng như sự cô đơn cay đắng đã từng trải,
có thể dẫn các ngài đến chỗ nguy hiểm là làm cho các ngài chán ngán.
Nhưng thế giới
ngày nay được trao phó cho tình yêu và thừa tác vụ của các vị Chủ Chăn trong
Giáo Hội là thế giới mà Thiên Chúa hết sức yêu thương đến nỗi đã trao ban Con Một
của Ngài 64.
Thực ra, tuy bị nhiều tội lỗi chế ngự, thế giới ngày nay vẫn còn có những khả
năng lớn lao để hiến cho Giáo Hội những viên đá sống động 65
hầu cùng nhau xây dựng đền thờ Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần 66.
Khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội mở những con đường mới dẫn đến thế giới
ngày nay, thì chính Ngài cũng khởi xướng và khuyến khích những cải tổ thích hợp
cho chức vụ Linh Mục.
Các Linh Mục phải
nhớ rằng không bao giờ các ngài lẻ loi trong khi thi hành bổn phận, nhưng dựa
vào sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng và tin tưởng vào Chúa Kitô, Ðấng đã mời gọi
các ngài đến thông phần vào chức Linh Mục của mình, các ngài phải hết lòng tin
tưởng mà hiến thân cho chức vụ mình, vì biết rằng Thiên Chúa toàn năng có thể
ban cho các ngài thêm tình yêu 67.
Các ngài cũng phải nhớ rằng các anh em trong chức Linh Mục và ngay cả những tín
hữu trên toàn thế giới cũng là bạn hữu của mình. Thực vậy, mọi Linh Mục đều cộng
tác để chu toàn ý định cứu rỗi của Thiên Chúa - nghĩa là mầu nhiệm Chúa Kitô
hay là bí tích từ muôn đời đã được giấu kín trong Thiên Chúa 68
- ý định đó chỉ được thực hiện dần dần nhờ liên kết nhiều chức vụ khác nhau
trong việc xây dựng Thân Thể Chúa Kitô cho đến khi Thân Thể hoàn toàn triển nở.
Và tất cả những điều đó, vì được giấu kín với Chúa Kitô trong Thiên Chúa 69,
nên nhờ đức tin mà có thể nhận biết được rõ ràng. Thật vậy, các vị lãnh đạo Dân
Chúa phải bước đi trong đức tin, theo gương của Abraham trung thành, là người
đã lấy đức tin "vâng lời đi đến nơi mà mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: ngài đã
ra đi mà chẳng biết mình sẽ đi đâu" (Dth 11,8). Thực ra, người phân phát
các mầu nhiệm của Thiên Chúa có thể sánh với người gieo giống trong ruộng mà
Chúa đã nói "và người ấy ngủ hay thức, đêm cũng như ngày, hạt giống nảy mầm
và lớn lên, trong khi người ấy chẳng hay biết gì" (Mc 4,27). Hơn nữa, Chúa
Kitô đã nói "các con hãy vững tin, Thầy đã thắng thế gian" (Gio 16,33);
qua lời này, Người không hứa cho Giáo Hội Người một cuộc toàn thắng ở trần gian
này. Vậy Thánh Công Ðồng vui mừng vì mặt đất đã được hạt giống Phúc Âm gieo
vãi, nay đang sinh hoa kết quả ở nhiều nơi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,
Ðấng lấp đầy cả trái đất và khởi xướng trong tâm hồn nhiều Linh Mục và tín hữu
tinh thần truyền giáo đích thực. Về tất cả những điều đó, Thánh Công Ðồng rất
thân ái cám ơn mọi Linh Mục trên hoàn cầu: "Chúc tụng Ðấng Quyền Năng làm
được mọi sự cách phong phú hơn điều ta cầu xin hay hiểu biết, tùy theo quyền
phép mà Ngài thực hiện nơi chúng ta: chúc tụng vinh quang Ngài trong Giáo Hội
và trong Chúa Giêsu Kitô" (Eph 3,20-21). 19*.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp
thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1 Xem 2Cor 12,9.
2 Xem Piô XI,
Tđ. Ad catholici sacerdoitii, 20-12-1935 AAS: 28 (1936), trg 10.
3 Xem Gio 10,36.
4 Xem Lc 24,26.
5 Xem Eph 4,13.
6 Xem 2Cor
3,8-9.
7 Xem các văn kiện:
T. Piô X, Huấn dụ giáo sĩ Haerent animo, 4-8-1908: S. Pii X Acta, q. IV (1908),
trg 237 tt. - Piô XI, Tđ. Ad catholici sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936),
trg 5 tt. - Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 657
tt. - Gioan XXIII, Tđ. Sacerdotii Nostri primordia, 1-8-1959, AAS 51 (1959),
trg 545 tt.
11* Bí Tích Rửa
Tội và Bí Tích Truyền Chức là nền tảng của bậc trọn lành linh mục. Các linh mục
được mời gọi để trở thành những dụng cụ sống động của Chúa Kitô. Theo gương
Chúa Kitô chết và sống lại, các ngài cũng phải chết cho chính mình để sống trọn
vẹn cho tha nhân. Biết sống theo tinh thần của Chúa Kitô, các ngài có thể thánh
hóa bản thân trong chính chức vụ của mình.
8 Xem T. Tôma,
Summa Theol. II-II, q. 188, a7.
9 Xem Eph
3,9-10.
10 Xem CvTđ
16,14.
11 Xem 2Cor 4,7.
12 Xem Eph 3,9.
13 Xem Pont.
Rom. Lễ phong chức Linh Mục.
14 Xem Missale
Romanum, Lời nguyện trên lễ vật Chúa Nhật IX sau Hiện Xuống.
15 "Bất cứ
Thánh Lễ nào, dù Linh Mục cử hành một mình cũng không mang tính cách riêng tư,
nhưng đều là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội; thực vậy, Giáo Hội đã học
biết hiến dâng chính mình trong hy lễ mà Giáo Hội dâng như của lễ phổ quát và ứng
dụng sự cứu rỗi độc nhất và vô cùng của hy lễ Thánh Giá cho phần rỗi của toàn
thể thế giới. Mỗi một Thánh Lễ được cử hành, không phải chỉ dâng lên vì phần rỗi
một vài người nhưng còn cho toàn thế giới (...) Vậy Ta lấy tình cha con tha thiết
nhắn nhủ các Linh Mục là niềm vui lớn lao nhất và triều thiên của Ta trong
Chúa... các ngài hãy cử hành Thánh Lễ hàng ngày một cách xứng đáng và thành
kính": Phaolô VI, Tđ. Mysterium Fidei, 3-9-1965: AAS 57 (1965), trg
761-762. - Xem CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Saceosanctum Concilium,
4-12-1963, số 26 và 27: AAS 56 (1964), trg 107.
16 Xem Gio
10,11.
17 Xem 2Cor 1,7.
18 Xem 2Cor 1,4.
19 Xem 1Cor
10,33.
20 Xem Gio 3,8.
12* Trong khi
thi hành chức vụ, các linh mục được mời gọi kết hiệp với hoạt động của chính
Chúa Kitô, mà qua các ngài, Chúa hoàn thành sứ mệnh của chính Người là "Thầy
dạy": khi các linh mục biết đón nhận lời Chúa và truyền đạt cho tha nhân;
là "Chủ Tế": khi các ngài tự hiến toàn thân trong lúc cử hành Thánh Lễ;
là "Chủ Chăn": khi các ngài sống khổ hạnh theo đường lối riêng của đấng
bậc hướng dẫn các linh hồn, là những người sẵn sàng hy sinh cả đến mạng sống
mình.
21 Xem Gio 4,34.
22 Xem 1Gio
3,16.
23 "Chăn dắt
đoàn chiên của Chúa là chứng minh tình yêu của mình": T. Augustinô, Tract.
in Jo., 123,5 : PL 35, 1967.
24 Xem Rm 12,2.
25 Xem Gal 2,2.
26 Xem 2Cor 7,4.
13* Nguyên tắc
thống nhất đời sống linh mục là chính Chúa Kitô, Ðấng hoạt động qua các thừa
tác viên của Người để hoàn thành Thánh Ý Chúa Cha. Các linh mục được mời gọi kết
hiệp với Chúa trong việc tìm Thánh Ý Chúa Cha, các ngài phải luôn phản tỉnh
trong hoạt động để tìm biết đâu là ý Chúa (x. Rm 12,2).
27 Xem Gio 4,34;
5,30; 6,38.
28 Xem CvTđ
13,2.
29 Xem Eph 5,10.
30 Xem CvTđ
20,22.
31 Xem 2Cor
12,15.
32 Xem Eph
4,11-16.
14* Các linh mục
được mời gọi để có tâm hồn luôn sẵn sàng và khiêm nhường đối với thánh ý Chúa.
Là thừa tác viên đích thực của Chúa Kitô, các ngài phải ý thức được sự yếu hèn
của mình, phải nhận rõ sự cần thiết phải vâng lời để củng cố sự hiệp nhất với
anh em và với các vị thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội, để cộng tác trong việc xây
dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
33 Xem Mt 19,12.
34 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 42: AAS 57 (1965), trg 47-49.
35 Xem 1Tm
3,2-5; Tit 1,6.
36 Xem Piô XI,
Tđ. Ad catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936), trg 28.
37 Xem Mt 19,12.
38 Xem 1Cor
7,32-34.
39 Xem 2Cor
11,2.
40 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 42 và 44: AAS 57 (1965), trg
47-49 và 50-51. - Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu
Perfectae Caritatis, số 12.
41 Xem Lc
20,35-36. - Piô XI, Tđ. Ad Catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936), trg
24-28; - Tđ. Sacra Virginitas, 25-3-1954: AAS 46 (1954), trg 169-172.
42 Xem Mt 19,11.
15* Các Nghị Phụ
Công Ðồng chuẩn y và xác nhận luật độc thân của hàng giáo sĩ như một ân huệ
Chúa ban cho Giáo Hội Latinh. Ðời sống độc thân của giáo sĩ biểu lộ những động
lực đặt nền tảng trên mầu nhiệm Chúa Kitô và sứ mệnh của Người.
43 Xem Gio
17,14-16.
44 Xem 1Cor
7,31.
45 Xem CÐ
46 Ở đây, trước
tiên hiểu về những quyền lợi và tập quán hiện có nơi các Giáo Hội Ðông Phương.
47 CÐ
48 Xem Tv 62,11
(bản Phổ Thông 61).
49 Xem 2Cor 8,9.
50 Xem CvTđ
8,18-25.
51 Xem Ph 4,12.
52 Xem CvTđ
2,42-47.
53 Xem Lc 4,18.
16* Ðoạn này nói
về thái độ đứng đắn của linh mục về các giá trị nhân bản và những thực tại trần
thế, về việc xử dụng tài sản của Giáo Hội và về giá trị của đức khó nghèo theo
gương Chúa Kitô và các Tông Ðồ.
54 Xem C.I.C, kh
125 tt.
55 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu Perfectae Caritatis, số 7;
- Hiến chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, số 21.
56 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 65: AAS 57 (1965), trg 64-65.
17* Công Ðồng
đan cử những phương thế chung và riêng thích hợp với chức vụ mục vụ của các
Linh Mục. Bằng những phương thế khác nhau, các Linh Mục có thể thánh hóa bản
thân chính khi thi hành chức vụ mình và có thể kết hiệp mật thiết với Chúa
Kitô, Ðấng Trung Gian của Tân Ước.
57 Pontificale
Romanum, Lễ phong chức Linh Mục.
58 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, số 25.
59 Khóa học này
khác với khóa mục vụ phải tổ chức ngay sau khi thụ phong, đã nói trong Sắc lệnh
về việc Ðào Tạo Linh Mục Optatam Totius, số 22.
60 Xem CÐ Vat
II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus
Dominus, số 17.
18* Ðối với các
linh mục, việc học hỏi thêm, việc trao đổi liên tục về kiến thức và văn hóa phổ
thông rất cần thiết trong thời đại chúng ta. Thiếu tinh thần ấy, chức vụ của
các ngài không thể đáp ứng đúng với những đòi hỏi của thời đại trong việc rao
truyền Phúc Âm.
61 Xem Mt 10,10;
1Cor 9,7; 1Tm 5,18.
62 Xem 2Cor
8,14.
63 Xem Ph 4,14.
64 Xem Gio 3,16.
65 Xem 1P 2,5.
66 Xem Eph 2,22.
67 Xem Pont.
68 Xem Eph 3,9.
69 Xem
19* Toàn thể nội
dung của Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục là một trợ giúp được cống hiến
cho các Linh Mục trong những hoàn cảnh cụ thể chi phối chức vụ của các ngài.
Chúa Thánh Thần luôn thúc đẩy Giáo Hội khai mở những con đường mới và qua hoạt
động mục vụ, Ngài gợi lên những thích nghi cần thiết phải có.
(Trong chiều hướng
này, tham khảo thêm Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay).
Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo - Gravissimum Educationis
Lời Giới Thiệu
Chú ý đọc bản
Tuyên Ngôn về giáo dục, chúng ta sẽ cảm thấy những ấn tượng khá phức tạp buồn
vui lẫn lộn, vừa sung sướng vừa thất vọng. Phân tích sơ qua ta cũng đủ thấy được
những nguyên do rõ rệt gây ra những hậu quả trên.
Trước hết, bản
Tuyên Ngôn có một chất liệu rất là phong phú, một luồng thanh khí sôi bỏng làm
cho bản Tuyên Ngôn trở nên sống động, chứng tỏ rằng Cộng Ðồng đã ý thức đầy đủ
tính chất quan trọng cũng như tầm mức diễn tiến của vấn đề. Nhất là người ta ngỡ
ngàng trước mối thiện cảm chân thành và đáng phục của Giáo Hội đối với nỗ lực của
những ai đang theo đuổi một lý tưởng trùng hợp với niềm ưu tư liên lỉ của mình
là chu toàn sứ mệnh trần gian và vĩnh cửu của nhân loại.
Trong khi đó,
cách bố cục lại thiếu cân xứng và vững chắc. Người ta mong thấy một kiểu trình
bày khúc chiết hơn để độc giả có cảm tưởng đầy đủ và thoải mái như khi chiêm
ngưỡng một lâu dài kiên cố với những chi tiết tỉ mỉ, mỹ thuật.
Lịch sử
Ấn tượng lưỡng
diện trên thật dễ hiểu.
Ngày 17-11-1964
khi các Nghị Phụ thảo luận về lược đồ của bản Tuyên Ngôn này, đó chỉ là một bản
văn ngắn gọn, không có giá trị tổng quát bao nhiêu. Một số Nghị Phụ muốn thu
tóm thành một đoạn để đưa vào một sắc lệnh quan trọng khác; một số khác lại muốn
khai triển tư tưởng của Giáo Hội về vấn đề này một cách rộng rãi hơn. Trước
tình trạng tế nhị đó, đa số cố gắng đem sơ đồ ra biểu quyết để định hướng vấn đề,
sợ rằng nếu bác bỏ lại gặp phải một lược đồ còn nghèo nàn hơn. Vì thế thà chấp
nhận những cố gắng đáng kể về phương diện giáo dục do người đời đóng góp còn
hơn là tông huấn Divini Illius Magistri quá tách biệt với các định chế nhân loại.
Như vậy các ngài hy vọng có thể bổ túc thêm những gì cần thiết.
Ngày 20-11-1964,
bản văn được thông qua với 1,457 phiếu thuận, 419 phiếu chống và 3 phiếu trắng
trong số 1,879 Nghị Phụ hiện diện.
Tài liệu được
hoàn lại cho Ủy ban đặc trách. Ủy ban lại chỉ định một tiểu ban gồm có cha
Hoffer, thư ký ủy ban và nhiều vị thông thái khác như Robert Massi, Paul Dezza
v.v...
Từ 23 đến 30
tháng 3 năm 1965, trong khi soạn thảo dự án, tiểu ban đã lưu ý tất cả những lời
bình phẩm cũng như "gợi ý" của một số đông các Nghị Phụ gửi tới.
Nhưng bản văn mới lại quá phong phú, xa hẳn bản cũ cả về lượng lẫn nội dung.
Nhiều Nghị Phụ cho rằng làm như thế là không hợp pháp và cần duyệt xét lại cẩn
thận.
Rất may là không
xảy ra điều chi đáng tiếc cả và ngày 14-10-1965, văn kiện đã được chấp nhận với
1,912 phiếu thuận đối lại với 183 phiếu chống.
Sau cùng bản
Tuyên Ngôn đã được công bố với 2,290 phiếu thuận, chỉ có 35 phiếu chống.
Phân tích
Giờ đây chúng ta
hãy cùng nhau phân tích văn kiện trên:
1. Văn kiện này
dựa trên nguyên tắc của luật tự nhiên: mọi người đều có quyền hưởng một nền
giáo dục đầy đủ và xứng hợp với thiên chức làm người của mình, "mỗi ngày một
tham gia vào đời sống xã hội nhất là về kinh tế và chính trị một cách tích cực
hơn hầu có thể hưởng dụng di sản văn hóa thiêng liêng của nhân loại một cách dễ
dàng hơn" hợp với chức vị của người con Thiên Chúa.
Quyền này đã được
nhiều văn kiện chính thức của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận, xác định và khai triển.
Ðây là lần đầu tiên người ta dựa vào đó để bàn luận về các quyền hành của Giáo
Hội trong lãnh vực giáo dục. Căn cứ trên nguyên tắc, người ta có thể tố cáo lập
luận của Tông Huấn Divini Ilius Magistri là đã đặt nền tảng các hoạt động giáo
dục của Giáo Hội trên thực tại thần linh thuộc sứ mệnh mình. Tuy nhiên một khi
người ta chấp nhận ưu quyền tổ chức thiêng liêng của thế giới là lo lắng đến lợi
ích toàn diện cho mọi phần tử, đồng thời cũng là những con người của xã hội dân
sự, họ không thể chối bỏ quyền tối thượng của con người.
Một khi được hiểu
biết và chấp nhận, quyền này sẽ đem lại những hậu quả thiết thực như: việc đào
luyện những đức tính tự nhiên của một người công dân, phát triển những khả năng
trí thức và óc phán đoán, khai tâm cho biết những giá trị luân lý, biết nhận thức
và yêu mến Thiên Chúa, tiến tới ơn lãnh nhận đức tin, xây dựng xã hội trần thế
và mở rộng nước trời. Tóm lại, không có gì thuộc sứ mệnh con người trong mọi thời
đại mà lại ở ngoài phạm vi thực hành của quyền này.
Sau cùng, kể từ
Thông Ðiệp Mater et Magistra và Pacem in Terris của Ðức Gioan XXIII cũng như
Ecclesiam Suam của Ðức Phaolô VI, một âm điệu mới đã nhân tính hóa tiếng nói của
Giáo Hội cho thích hợp với xã hội dân sự mà không còn ai phủ nhận nguồn gốc thần
linh của nó.
2. Người ta hài
lòng khi thấy Giáo Hội được bành trướng trên những hậu quả thuộc lãnh vực giáo
dục nhờ vào "tiến bộ kỳ diệu về kỹ thuật, về các nghiên cứu khoa học",
trên "những kinh nghiệm mới và sự phát triển về các phương pháp giáo dục
và giáo huấn" và khi thấy Giáo Hội đòi hỏi mọi người phải được hưởng
"một nền giáo dục xứng hợp với nhu cầu của tâm linh và phái tính, với truyền
thống quốc gia hầu tiến đến một sự hợp nhất đích thực và một nền hòa bình trên
thế giới". Người ta sung sướng khi thấy có một số điều cấm đoán và xác định
tính cách bấp bênh của nhị nguyên thuyết từ lâu vẫn chủ trương tách biệt thể
xác với linh hồn, cộng đoàn quốc gia với cộng đồng quốc tế.
Bởi đó, Giáo Hội
không cón tự coi mình như là thẩm cấp duy nhất và là con đường độc nhất trong
việc tìm cách chu toàn sứ mệnh của con người nữa, vì không những Giáo Hội chấp
nhận những chiều hướng tuy khác mình nhưng cùng tiến tới một mục đích, mà còn
sung sướng được trông thấy nhiều công cuộc đem lại lợi ích thực sự cho con người.
Trước kia Giáo Hội
và thế giới dân sự vẫn cách biệt nhau, nhưng vì là con cái của cả hai xã hội
đó, ngày nay chúng ta sung sướng khi thấy họ hòa hợp lại với nhau để cùng gánh
vác những công việc nặng nề và cùng nỗ lực xây dựng một lâu đài độc nhất là sự
thành công của con người nay ở đời này cũng như sửa soạn cho cuộc sống vinh hiển
muôn đời.
3. Sau hết, văn
kiện đề cập tới những tổ chức thuộc về các hoạt động giáo dục như là học đường,
một "môi trường phát triển các khả năng, óc phán đoán và giúp khám phá những
di sản văn hóa của các thế hệ trước, đề cao các giá trị, chuẩn bị cho cuộc sống
chức nghiệp và biết thông cảm lẫn nhau".
Như thế học đường
vượt trên những chiều hướng vật chất và bao gồm tất cả các hệ thống có ảnh hưởng
trên chủ thể thụ huấn: gia đình "học đường đầu tiên dạy các đức tính xã hội"
và cách riêng là môi trường học đường với mọi "yếu tố" trực tiếp ảnh
hưởng ít nhiều như: thầy dạy, bạn bè, bản tín và phẩm chất của việc giáo dục,
các phương pháp cũng như tất cả các điều kiện khác giúp cho việc giáo dục thành
công: "trình độ học vấn, sức khỏe học sinh và qui chế học đường".
Trong quá khứ,
vì sự va chạm giữa hai quyền bính tôn giáo và thế tục đã gây nên một cuộc tranh
chiếm độc quyền học đường. Vì thế văn kiện nêu ra nguyên tắc tương trợ để loại
bỏ tệ đoan đó và chấp nhận người công dân có quyền đòi hỏi ít ra trong trường hợp
chính quyền thiếu sót, được tự do chọn lựa trường học cho con em hợp với tín
ngưỡng của họ.
Những vị có
trách nhiệm giáo dục chính thức trước hết phải kể tới các bậc phụ huynh. Nhưng
trong thực tế, vì việc giáo dục đòi hỏi những điều kiện vượt quá khả năng của mỗi
cá nhân, nên xã hội lại phải đảm nhiệm tổ chức "những gì cần thiết cho lợi
ích chung của con người": bảo đảm quyền lợi và bổn phận của các phụ huynh,
giúp đỡ họ, thiết lập các trường sở giáo dục.
Trên cương vị quốc
gia, nhà nước cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ tự nhiên này bằng cách phân phối
cho một cơ quan tối cao để tổ chức và điều hành đời sống của từng cá nhân trong
các nhóm người.
Bản Tuyên Ngôn
còn hàm chứa cả một ý niệm về giáo dục và huấn luyện những hoạt động nhằm thăng
tiến con người, từ việc dạy A B C cho người lớn tuổi, chăm sóc các trẻ bất thường
trong những cơ sở chuyên biệt, mở trường dạy văn hóa chuyên nghiệp và kỹ thuật
cho tới những cơ sở vĩ đại quảng bá nền văn hóa phổ thông hay khoa học chuyên
môn; những phân khoa thần học cũng có nhiệm vụ phải cố gắng giúp con người
thành công mỹ mãn trong cả hai chiều hướng tư nhiên và siêu nhiên.
Ba khía cạnh của
văn kiện chúng ta vừa phân tích tóm kết đại cương một cách khá trung thực ý hướng
của Thánh Công Ðồng đề cập đến một trong những vấn đề trọng yếu của thế giới
theo chiều hướng đầy đủ, phong phú và cao đẹp nhất.
Như vậy cũng đã
tạm đủ để chúng ta lưu tâm tới khía cạnh hào hứng nhất của vấn đề đã hình thành
tư tưởng của Giáo Hội về một điều kiện thiết yếu để cứu rỗi nhân loại.
Kết luận
Trước khi đọc
nguyên bản, chúng tôi ước mong mọi người đọc nó với tất cả tinh thần mà Ðức
Gioan XXIII, vị khởi xướng Công Ðồng, đã đề ra tức là chú ý đến những hiện trạng
của thế giới ngày nay. Trong khi chú thích một vài tư tưởng, chúng tôi đặc biệt
khai thác, duy trì và nhấn mạnh tới sự hòa hợp những viễn tượng hiện đang là mối
bận tâm của Giáo Hội và thế giới hôm nay với niềm hy vọng sẽ đem lại cho nhân
loại những thành quả thật mỹ mãn.
Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa VII Ngày 28
tháng 10 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Tuyên Ngôn về
Giáo Dục Kitô Giáo
Gravissimum
Educationis
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Lời mở đầu
Vai trò vô cùng
quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người và ảnh hưởng của nó luôn
gia tăng trên đà tiến triển của xã hội hiện nay đã được Thánh Công Ðồng đặc biệt
lưu ý 1.
Quả thực, hoàn cảnh của thời đại chúng ta làm cho việc giáo dục thanh thiếu
niên, ngay cả việc tiếp tục huấn luyện 1*
giới trưởng thành, trở nên ngày một dễ dàng và khẩn cấp hơn. 2*
Vì ý thức đầy đủ hơn về phẩm giá và bổn phận của mình, nên con người ao ước được
tham dự tích cực hơn vào đời sống xã hội, nhất là đời sống kinh tế và chính trị
2.
Những tiến bộ kỳ
diệu trong lãnh vực kỹ thuật và nghiên cứu khoa học, những phương tiện truyền
thông xã hội tân tiến hiến cho con người hoàn cảnh thuận tiện, nhờ đó con người
còn nhiều thời giờ nhàn rỗi, không vướng mắc công việc, dễ dàng tham dự vào gia
sản văn hóa và tinh thần, và bổ túc lẫn nhau nhờ những liên lạc mật thiết hơn
giữa các đoàn thể cũng như giữa chính các dân tộc.
Bởi đó khắp nơi
đều cố gắng đẩy mạnh công cuộc giáo dục mỗi ngày một hơn. Người ta thừa nhận những
quyền lợi căn bản liên hệ đến việc giáo dục của con người, 3*
nhất là của trẻ em và cha mẹ. Các quyền lợi ấy được xác định trong nhiều văn kiện
chính thức 3.
Trước con số học sinh gia tăng mau chóng, 4*
người ta gia tăng trường ốc và cải tiến học đường, thiết lập thêm những cơ sở
giáo dục khác. Các phương tiện giáo dục và giảng huấn được canh tân dựa vào những
kinh nghiệm mới. 5*
mặc dù đã có nhiều nỗ lực lớn lao để đem lại những lợi ích trên cho mọi người,
nhưng vẫn còn rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên chưa được hưởng sự huấn luyện
căn bản và biết bao người khác vẫn còn thiếu một nền giáo dục thích hợp để phát
huy chân lý và bác ái.
Vì vậy, để chu
toàn sứ mệnh mà Chúa là Ðấng sáng lập đã trao ban, là loan truyền mầu nhiệm ơn
cứu độ cho mọi người và thiết lập mọi sự trong Chúa Kitô, Mẹ Thánh Giáo Hội có
nhiệm vụ săn sóc toàn diện đời sống con người 6*,
kể cả đời sống trần tục, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa 4.
Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục. 7*
Do đó, Thánh Công Ðồng tuyên bố một số nguyên tắc căn bản về giáo dục Kitô
giáo, nhất là giáo dục học đường. Một Ủy Ban đặc biệt sau Công Ðồng phải giải
thích cặn kẽ và các Hội Ðồng Giám Mục phải thích nghi các nguyên tắc đó tùy
theo hoàn cảnh khác biệt tại mỗi địa phương.
1. Quyền hưởng một nền
giáo dục xứng hợp. Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi
tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng
một nền giáo dục 5
đáp ứng với sứ mệnh riêng 6,
8*
phù hợp với cá tính 9*
của từng phái 10*,
thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc 11*,
đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc
hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất 12*.
Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của
mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục
vụ khi đến tuổi trưởng thành 13*.
Bởi thế, phải để
ý đến những tiến triển 14*
của khoa tâm lý, sư phạm và giáo khoa, hầu giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát
triển điều hòa những năng khiếu thể xác, luân lý và tinh thần, ý thức dần dần
trách nhiệm cách rõ rệt hơn, nhờ luôn cố gắng trau dồi đúng mức đời sống cá
nhân và theo đuổi sự tự do chân chính, 15*
với lòng can đảm và kiên nhẫn lướt thắng mọi trở ngại. Phải tích cực và thận trọng
giáo dục chúng về phái tính 16*
tùy tứng lứa tuổi. Ngoài ra, phải huấn luyện cho chúng biết tham dự đời sống xã
hội, để sau khi được chỉ dẫn đầy đủ về những phương tiện cần thiết và thích hợp,
chúng có thể tích cực dấn thân 17*
vào những đoàn thể khác nhau của cộng đoàn nhân loại sẵn sàng đối thoại với người
khác cũng như hăng say hoạt động để góp phần thực hiện lợi ích chung.
Cũng vậy, Thánh
Công Ðồng còn tuyên bố rằng trẻ em và thanh thiếu niên có quyền được hướng dẫn
trong việc phê phán những giá trị luân lý theo lương tâm thẳng thắn, tự ý 18*
chấp nhận và tuân giữ những giá trị ấy và nhận biết yêu mến Thiên Chúa cách
hoàn hảo hơn. Vì thế Công Ðồng tha thiết mời gọi những nhà lãnh đạo các dân tộc
hãy hướng dẫn công việc giáo dục, hãy lo lắng sao cho giới trẻ không bao giờ bị
tước mất quyền lợi thiêng liêng ấy 19*.
Công Ðồng còn khuyên nhủ các con cái Giáo Hội hãy quảng đại hoạt động trong mọi
lãnh vực giáo dục, nhất là để có thể sớm đem lại những lợi ích của một nền giáo
dục và giáo huấn xứng hợp cho mọi người ở khắp nơi trên toàn thế giới 7.
2. Nền giáo dục Kitô giáo.
Mọi Kitô hữu 20*,
nhờ việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần, đã trở nên những tạo vật mới 8,
được gọi là con Thiên Chúa và quả thực như thế, nên có quyền hưởng một nền giáo
dục Kitô giáo. Nền giáo dục này không chỉ nhằm giúp con người được trưởng thành
như vừa trình bày, nhưng cốt yếu là nhằm giúp những người đã rửa tội ngày càng
ý thức hơn về hồng ân Ðức Tin đã nhận lãnh trong khi họ được hứơng dẫn để dần dần
hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi. Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng
Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Gio 4,23), nhất là qua việc cử
hành phụng vụ 21*,
cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh
thiện của chân lý (Eph 4,22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới
tuổi sung mãn của Chúa Kitô (x. Eph 4,13) và góp phần vào việc tăng trưởng của
Nhiệm Thể 22*.
Hơn nữa, vì ý thức được ơn kêu gọi của mình, chính họ phải tập thói quen minh
chứng niềm cậy trông của mình (x. 1P 3,15) cũng như phải giúp cải tạo thế giới
theo tinh thần Kitô giáo. Nhờ đó những giá trị tự nhiên sẽ góp phần vào lợi ích
của toàn thể xã hội 23*,
khi được hòa hợp vào viễn ảnh toàn vẹn của con người được Chúa Kitô cứu chuộc 9.
Vì vậy Thánh Công Ðồng nhắc lại cho những Chủ Chăn hướng dẫn các linh hồn nhiệm
vụ rất quan trọng là phải thu xếp mọi sự để các tín hữu được hưởng nhờ nền giáo
dục Kitô giáo nhất là giới trẻ, niềm hy vọng của Giáo Hội 10.
3. Những người lãnh nhận
trách nhiệm giáo dục. Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ 24*
có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những
nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng 11.
Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được.
Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình
yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo
dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn
diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó gia đình là trường học
đầu tiên 25*
dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể. Nhưng đặc biệt trong gia
đình Kitô giáo, 26*
vì đã nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích hôn phối, nên cha mẹ phải dạy
dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến
tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Chính tại nơi
đây, con trẻ có kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh của nhân loại và về
Giáo Hội. Sau hết nhờ gia đình, chúng được hướng dẫn dần dần vào cộng đoàn nhân
loại cũng như vào Dân Thiên Chúa. Bởi vậy cha mẹ phải ý thức sâu xa tầm quan trọng
của gia đình Kitô giáo đích thực trong đời sống và đà thăng tiến của chính dân
Thiên Chúa 12.
Nhiệm vụ giáo dục
trước hết thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội.
27*
Thực vậy, ngoài những quyền lợi của cha mẹ và của những người được cha mẹ ủy
thác cho một phần công việc giáo dục, chắc chắn xã hội dân sự cũng còn có những
quyền lợi và bổn phận vì xã hội dân sự có nhiệm vụ tổ chức những gì đem lại lợi
ích chung trong phạm vi thế tục. Một trong những gì đem lại lợi ích chung trong
phạm vi thế tục. Một trong những bổn phận của xã hội dân sự là đẩy mạnh công cuộc
giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, như bảo vệ quyền lợi cha mẹ và những
người góp phần vào việc giáo dục và phải giúp đỡ họ trong công tác đó. Theo
nguyên tắc đồng trách nhiệm, khi cha mẹ và các đoàn thể khác thiếu sáng kiến,
xã hội dân sự phải kiện toàn công việc giáo dục, nhưng cũng phải để ý đến nguyện
vọng của cha mẹ. Ngoài ra còn phải thiết lập các trường ốc và cơ sở giáo dục
riêng theo lợi ích chung đòi hỏi 13.
Sau cùng với
danh nghĩa đặc biệt, Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục 28*
không những vì Giáo Hội là xã hội trần gian, phải được thừa nhận có khả năng
giáo dục, 29*
nhưng nhất là vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường
cứu rỗi, cũng như thông ban sự sống Chúa Kitô cho các tín hữu và luôn lo lắng
giúp đỡ họ đạt tới sự viên mãn của đời sống ấy 14.
Bởi vậy như một Người Mẹ, Giáo Hội có nhiệm vụ bảo đảm cho con cái một nền giáo
dục, đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần đời sống chúng, nhưng đồng thời cũng cổ
võ mọi dân tộc phát triển sự hoàn thiện toàn vẹn của con người, phục vụ lợi ích
của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn 15.
4. Phương thế của nền giáo
dục Kitô giáo. Ðể chu toàn nhiệm vụ giáo dục, Giáo Hội quan tâm đến tất cả các
phương thế thích hợp, đặc biệt là những phương thế riêng của mình. Trước hết là
việc giảng dạy giáo lý 16
nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa Kitô,
đưa đến việc ý thức và tham dự linh động vào mầu nhiệm phụng vụ 17,
khuyến khích hoạt động tông đồ. Nhưng Giáo Hội cũng tôn trọng và tìm cách đem
tinh thần mình thấm nhuần và nâng cao những phương thế khác 30*
thuộc di sản chung của nhân loại và góp phần lớn lao vào việc trau dồi tinh thần
và đào luyện con người, như các phương tiện truyền thông xã hội 18,
các tổ chức có mục đích tập luyện tinh thần và thể xác, các phong trào thanh
thiếu niên và nhất là các trường học.
5. Tầm quan trọng của học
đường. Trong tất cả các phương tiện giáo dục, học đường 31*
giữ một vai trò quan trọng đặc biệt 19,
vì học đường theo sứ mạng mình luôn lo lắng trau dồi các khả năng tinh thần, dẫn
vào gia sản văn hóa mà các thế hệ trước đã thu lượm được, phát huy nhận thức về
các giá trị, chuẩn bị đời sống nghề nghiệp, và khuyến khích niềm thông cảm lẫn
nhau trong khi cổ cõ tình thân hữu cộng đoàn giữa những học sinh khác biệt về
tâm linh và giai cấp. Hơn nữa học đường còn trở nên trung tâm hoạt động và tiến
triển, tại đây cần đến sự tham dự của gia đình, thầy dạy, mọi đoàn thể có mục
đích phát triển đời sống văn hóa, đời sống công dân và tôn giáo, cả chính quyền
cũng như toàn thể cộng đoàn nhân loại.
Như thế, thực
cao đẹp nhưng cũng thực nặng nề thiên chức của tất cả những ai giúp đỡ cha mẹ
chu toàn nhiệm vụ của họ và thay thế cộng đoàn nhân loại nhận lãnh chức vụ giáo
dục nơi học đường. Thiên chức này dòi phải có những tài năng đặc biệt về trí tuệ
và tâm hồn, được chuẩn bị hết sức kỹ càng, với thái độ sẵn sàng canh tân và
thích nghi không ngừng.
6. Nhiệm vụ và quyền lợi của
cha mẹ. Nhiệm vụ và quyền lợi đầu tiên bất khả nhượng của cha mẹ là giáo dục
con cái, nên họ phải được thực sự tự do trong việc lựa chọn trường học. Do đó,
vì có bổn phận bảo vệ và bênh vực quyền tự do của công dân, chính quyền khi chú
tâm đến công bằng phân phối 32*
phải lo phân chia những ngân khoản tài trợ chung sao cho cha mẹ có thể được thực
sự tự do lựa chọn trường học cho con cái theo lương tâm mình 20.
Ngoài ra chính
quyền còn có bổn phận lo liệu cho mọi công dân được tham dự thực sự vào nền văn
hóa và được huấn luyện thích đáng để thi hành nhiệm vụ và quyền lợi công dân. Bởi
thế chính quyền phải bảo đảm cho thanh thiếu niên được hưởng một nền giáo dục học
đường đầy đủ, phải quan tâm đến khả năng của nhà giáo và trình độ học vấn của học
sinh cũng như phải chăm sóc đến cả sức khỏe của chúng. Như thế chính quyền phải
phát triển toàn diện học chế, nhưng đừng quên nguyên tắc đồng trách nhiệm. Do
đó phải loại trừ mọi chế độ độc quyền học hiệu 33*,
vì tất cả mọi chế độ độc quyền thuộc loại này đều trái với quyền tự nhiên của
con người, cản trở sự tiến bộ và việc phổ biến văn hóa, làm tan loãng bầu khí
thuận hòa giữa các công dân và nghịch với thuyết đa dạng 34*
mà ngày nay đang thịnh hành tại nhiều cộng đoàn 21.
Do đó, Thánh
Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu hãy tự động góp phần vào việc khám phá những
phương pháp giáo dục thích hợp, cách tổ chức việc học hành và góp phần vào việc
đào tạo các giáo chức có khả năng giáo dục thanh thiếu niên một cách đúng đắn bằng
cách hỗ trợ họ, và nhất là qua các hội phụ huynh học sinh, phải theo dõi và
nâng đỡ mọi công việc của nhà trường, đặc biệt việc giáo dục luân lý được giảng
dạy nơi đó 22.
7. Giáo dục luân lý và tôn
giáo nơi học đường. Hơn nữa, ý thức sâu xa nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phải
ân cần lo lắng giáo dục mọi con cái mình về phương diện luân lý và tôn giáo.
Giáo Hội, bằng tấm lòng ưu ái và trợ giúp đặc biệt cần phải hiện diện cho biết
bao thanh thiếu niên đang được đào luyện trong các trường không công giáo. 35*
Sự hiện diện ấy được cụ thể hóa qua chứng từ đời sống của người giảng dạy và hướng
dẫn chúng, qua việc tông đồ của các bạn học 23,
và nhất là qua lời giảng dạy giáo lý cứu rỗi của những linh mục và giáo dân có
trách nhiệm bằng những phương pháp thích hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh, cùng với
việc giúp đỡ thiêng liêng bằng mọi sáng kiến thích nghi theo điều kiện thời
gian và sự việc.
Giáo Hội cũng nhắc
nhở cho cha mẹ nhiệm vụ quan trọng cố hữu của họ là phải lo liệu mọi sự và đòi
hỏi sao cho con cái họ có thể hưởng nhờ những trợ giúp ấy và được tấn tới trong
việc giáo dục theo tinh thần Kitô giáo và ăn nhịp với giáo huấn trần thế.
Ngoài ra Giáo Hội
còn ca ngợi những cơ quan cũng như các đoàn thể dân sự nào chủ trương thuyết đa
dạng trong xã hội hiện nay và chú tâm đến quyền tự do tôn giáo, giúp đỡ các gia
đình để việc giáo dục con cái nơi học đường được phù hợp với các nguyên tắc
luân lý và tôn giáo riêng của gia đình họ 24.
8. Trường Công Giáo. Giáo
Hội hiện diện đặc biệt trong lãnh vực học đường qua trường công giáo. 36*
Thực ra trường công giáo cũng theo đuổi những mục tiêu văn hóa và giáo dục nhân
bản cho thanh thiếu niên không kém gì các trường khác. Ðiều riêng biệt của trường
công giáo là có sứ mệnh tạo cho môi trường học đường một bầu khí 37*
sống động, thấm nhuần tự do và bác ái theo tinh thần Phúc Âm, giúp thanh thiếu
niên phát triển nhân cách mình đồng thời làm phát triển con người mới đã được
thành hình khi chịu phép rửa tội. Sau cùng, trường công giáo còn phải hướng nền
văn hóa chung của nhân loại vào việc loan truyền ơn cứu rỗi để cho các học sinh
dần dần nhận thức về thế giới, cuộc đời và con người nhờ ánh sáng đức tin soi
chiếu 25.
Như thế trong khi mở cửa tiếp nhận đúng mức những điều kiện của thời đại đương
tiến bộ, trường công giáo huấn luyện học sinh biết mưu cầu lợi ích cho xã hội
trần gian một cách hữu hiệu, và chuẩn bị cho chúng biết phục vụ để mở mang Nước
Chúa. Do đó, nhờ sống đời gương mẫu và tông đồ, chúng trở nên như men cứu rỗi
cho cộng đoàn nhân loại.
Thực vậy, trường
công giáo còn giữ một vai trò rất quan trọng trong hoàn cảnh chúng ta đang sống,
vì có khả năng góp phần lớn lao trong việc chu toàn sứ mệnh của Dân Thiên Chúa
và giúp cuộc đối thoại 38*
giữa Giáo Hội và cộng đoàn nhân loại nhằm đạt tới lợi ích cho cả đôi bên. Vì thế
Thánh Công Ðồng tuyên bố một lần nữa rằng Giáo Hội có quyền thiết lập và điều
khiển các trường thuộc các cấp và các ngành, như Quyền Giáo Huấn đã xác nhận
qua nhiều văn kiện 26.
Công Ðồng cũng nhắc lại rằng việc thi hành quyền lợi này sẽ đóng góp nhiều cho
việc bảo đảm tự do lương tâm và những quyền lợi của cha mẹ cũng như sự tiên bộ
của nền văn hóa 39*.
Tuy nhiên các
nhà giáo nên nhớ rằng họ là những nhân vật chính giúp cho trường công giáo thực
hiện được những chương trình và sáng kiến của mình 27.
Vậy họ phải được chuẩn bị 40*
hết sức chu đáo để lãnh hội những kiến thức đạo đời, được chứng thực do những
văn bằng tương xứng, cũng như phương thức giáo dục phù hợp với những phát minh
của thời đại tiến bộ. Các nhà giáo dục, nhờ liên kết với các bạn đồng nghiệp và
với các học sinh trong tình bác ái và thấm nhiễm tinh thần tông đồ, sẽ làm chứng
cho một vị Thầy duy nhất là Chúa Kitô bằng đời sống cũng như bằng lời giảng dạy.
Hãy cộng tác với nhau, nhất là với các bậc phụ huynh, và trong suốt thời gian
giáo huấn, hãy cùng với họ quan tâm đúng mức đến sự khác biệt phái tính 41*
và mục đích riêng của cả hai phái trong gia đình cũng như ngoài xã hội do Chúa
Quan Phòng đã đặt định. Hãy cố gắng khuyến khích học sinh làm việc riêng, 42*
và khi thời gian học tập chấm dứt, hãy tiếp tục liên lạc với chúng bằng những ý
kiến xây dựng, tình thân hữu và bằng việc thành lập các hiệp hội theo đúng tinh
thần của Giáo Hội. Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố rằng chức vụ của nhà giáo là một
hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta,
đồng thời là một phục vụ chính đáng cho xã hội. Công Ðồng còn nhắc nhở cho cha
mẹ công giáo bổn phận ký thác con em vào các trường công giáo nếu hoàn cảnh thời
gian và nơi chốn cho phép. Phải tùy khả năng nâng đỡ và hợp tác với các trường ấy
để mưu cầu lợi ích cho con em mình 28.
9. Các loại trường Công
Giáo. Tất cả các trường tùy thuộc Giáo Hội bằng bất cứ cách nào phải phù hợp với
hình ảnh của trường công giáo trên theo khả năng mình, dù có thề mang những
hình thức khác nhau tùy hoàn cảnh địa phương 29.
Hội Thánh rất khen ngợi những trường công giáo hâu nhận cả những học sinh không
công giáo, nhất là ở những miền thuộc các Giáo Hội tân lập.
Ngoài ra, khi
thiết lập và điều hành các trường công giáo, cần phải để ý đến những nhu cầu của
thời tân tiến. Vì thế, trong khi quan tâm đến các trường tiểu học và trung học
là nền tảng của việc giáo dục, người ta cũng phải chú trọng tới những trường do
hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi, chẳng hạn những trường chuyên nghiệp 30
và kỹ thuật 43*,
những viện giáo huấn cho lứa tuổi trưởng thành, cổ võ công tác cứu trợ xã hội,
và cả những nhà dành cho những người vì tàn tật cần được chăm sóc đặc biệt, những
trường sư phạm đào luyện giáo chức vừa về việc dạy giáo lý, vừa về những hình
thức giáo dục khác.
Thánh Công Ðồng
ân cần nhắc nhủ các Chủ Chăn của Giáo Hội cũng như mọi Kitô hữu đừng quản ngại
hy sinh giúp đỡ các trường công giáo chu toàn bổn phận ngày càng hoàn hảo hơn,
và nhất là quan tâm đến nhu cầu của những người thiếu thốn phương tiện vật chất,
thiếu tình thương, thiếu sự nâng đỡ của gia đình hoặc còn xa lạ với đức tin.
10. Phân khoa và đại học
Công Giáo. Giáo Hội cũng đặc biệt quan tâm đến những trường Cao Ðẳng, nhất là
những viện Ðại Học và Phân Khoa 44*.
Hơn nữa, đối với các trường hợp thuộc quyền, Giáo Hội ước mong tổ chức sao cho
mỗi môn được nghiên cứu tường tận theo những nguyên tắc riêng, phương pháp
riêng và quyền tự do riêng của việc nghiên cứu khoa học, để hiểu các môn học ấy
ngày càng sâu xa hơn, Và để một khi đã tìm hiểu thấu đáo những vần đề mới mẻ,
cũng như các công cuộc tìm tòi của thời đại đang tiến bộ, đồng thời theo đường
lối của các vị Tiến Sĩ Giáo Hội, nhất là thánh Tôma thành Aquina, người ta sẽ
nhận thức sâu xa hơn đức tin và lý trí cùng quy hướng về một mục đích duy nhất 31.
Như thế, tinh thần Kitô giáo sẽ hiện diện một cách công khai, vững mạnh và phổ
quát trong mọi nỗ lực đưa đến một nền văn hóa sâu xa hơn, và các học viên xuất
thân từ những trường ấy sẽ là những người có kiến thức vững chắc thực sự, sẵn
sàng đảm nhận mọi trọng trách trong xã hội và trở nên nhân chứng đức tin nơi trần
thế 32.
Tại các Ðại Học
Công Giáo không có Phân Khoa Thần Học, 45*
nên thành lập một Viện hay một giảng đường thần học 46*
để các sinh viên giáo dân cũng có thể lĩnh hội những bài giảng huấn thích hợp.
Các khoa học sở dĩ tiến bộ được là nhờ ở các cuộc khảo cứu chuyên biệt có giá
trị khoa học cao độ, nên các Ðại Học và các Phân Khoa Công Giáo phải hết sức
nâng đỡ các tổ chức nào có mục đích chính yếu là xúc tiến công cuộc khảo cứu
khoa học.
Thánh Công Ðồng
tha thiết khuyên nhủ các Viện Ðại Học và các Phân Khoa Công Giáo đã được phân
phối thích đáng tại các phần đất khác nhau trên hoàn cầu, phải phát triển làm
sao để nổi tiếng không phải nhờ số lượng mà nhờ ở phẩm chất của giáo huấn. Phải
dễ dãi trong việc thu nhận những sinh viên có nhiều triển vọng dù họ thuộc
thành phần kém may mắn, nhất là những người đến từ các quốc gia mới thành lập.
Vì tương lai của
xã hội và của chính Giáo Hội liên kết mật thiết với sự tiến bộ của các thanh
niên đang hấp thụ nền học vấn cao đẳng 33,
nên các Vị Chủ Chăn trong Giáo Hội không những chỉ săn sóc đến đời sống thiêng
liêng, mà còn phải chăm lo việc giáo dục tinh thần cho hết mọi sinh viên con
cái mình học tại các Ðại Học Công Giáo. Vì thế, sau khi tùy hoàn cảnh tham khảo
ý kiến các Giám Mục, các ngài hãy lo liệu thiết lập tại các Viện Ðại Học không
Công Giáo những cư xá và trung tâm Ðại Học Công Giáo. Ở đó, những linh mục, tu
sĩ và giáo dân được tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng, sẽ thường xuyên giúp đỡ
thanh niên đại học về phương diện tinh thần và trí tuệ. Các ngài cũng nên đặc
biệt quan tâm và khuyến khích những thanh niên ưu tú trong các Ðại Học Công
Giáo cũng như các Ðại Học khác để họ bước vào nghề giáo nếu thấy họ có khả năng
giảng huấn và nghiên cứu.
11. Phân khoa dạy các môn
học thánh. Giáo Hội đặt kỳ vọng vào hoạt động của các phân khoa dạy các môn học
thánh 34.
Vì thế, Giáo Hội ủy thác cho các phân khoa ấy một nhiệm vụ vô cùng quan trọng
là chuẩn bị sinh viên của mình, không những để họ tiến tới chức linh mục, nhưng
nhất là để họ hoặc giảng dạy tại các ghế giáo sư cao đẳng của Giáo Hội, hoặc cải
tiến các môn học nhờ việc nghiên cứu cá nhân hay để họ nhận lãnh những phần việc
khó khăn hơn trong nhiệm vụ tông đồ cho giới trí thức. Các phân khoa ấy cũng có
nhiệm vụ khảo cứu sâu xa mọi ngành khác nhau của các môn học thánh để mỗi ngày
một thấu hiểu tường tận hơn Mạc Khải Thánh, mở rộng hơn di sản khôn ngoan Kitô
giáo do các bậc tiền nhân truyền lại, phát động cuộc đối thoại với các anh em
ly khai, với các người ngoài Kitô giáo, và sau hết để giải đáp những vấn đề do
sự tiến bộ của các học thuyết đặt ra 35.
Vì thế, các Phân
Khoa Giáo Hội phải lo tu chỉnh những điều lệ cho hợp thời để phát triển mạnh mẽ
các khoa học thánh và những khoa học liên hệ. Phải sử dụng những phương pháp và
phương tiện tân tiến để hưởng các sinh viên đến những cuộc khảo cứu sâu rộng
hơn.
12. Hợp tác trong lãnh vực
giáo dục. Sự cộng tác 47*
ngày một khẩn thiết và đang được củng cố trong phạm vi giáo phận, quốc gia và
quốc tế cũng rất cần thiết trong lãnh vực học đường. Vì thế, bằng mọi cách, phải
lo liệu thế nào việc hợp tác giữa các trường công giáo với nhau được thuận lợi,
đồng thời vì ích lợi chung của cộng đồng nhân loại đòi hỏi, phải đẩy mạnh việc
hợp tác giữa chính các trường công giáo với các trường khác 36.
Càng liên kết và
cộng tác chặt chẽ với nhau, nhất là ở bậc Ðại Học, càng thu lượm được nhiều kết
quả. Vì thế trong mỗi Ðại Học, các Phân Khoa phải hợp tác với nhau, tùy theo mục
tiêu cho phép. Chính các Ðại Học cũng phải liên kết hỗ tương hành động, đồng thời
cổ võ những cuộc họp mặt quốc tế, phân phối với nhau việc nghiên cứu khoa học,
thông báo cho nhau những phát minh, trao đổi với nhau các giáo sư trong một thời
gian nào đó và phát huy những gì mang lại việc hỗ trợ lớn lao hơn.
Kết luận. Thánh
Công Ðồng tha thiết khuyên nhủ các thanh niên hãy ý thức nhiệm vụ cao cả của việc
giáo dục, hãy sẵn sàng nhận lãnh nhiệm vụ này với tâm hồn quảng đại, nhất là tại
những miền nào việc giáo dục thanh niên đang bị lâm nguy vì thiếu thầy dạy.
Thánh Công Ðồng
tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã tự hiến
theo tinh thần Phúc Âm dấn thân vào công cuộc trọng đại này là giáo dục trong
các trường thuộc mọi cấp và mọi ngành. Ðồng thời khuyến khích họ hãy quảng đại
và kiên tâm trong bổn phận đã lãnh nhận, nỗ lực vươn lên trong việc đào luyện học
sinh thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, trong khoa sư phạm và trong việc trau
dồi kiến thức, để họ không những đẩy mạnh cuộc canh tân bên trong Giáo Hội mà
còn duy trì và phát huy thêm sự hiện diện hữu ích của Giáo Hội trong thế giới
ngày nay nhất là trong giới trí thức.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng
chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1 Trong số nhiều
văn kiện giải thích tầm quan trọng của việc giáo dục, trước hết xem: -
Benedictô XV, Tông thư Communes Litteras, 10-4-1919: AAS 11 (1919), trg 172. -
Piô XI, Tđ Divini Illius Magistri, 31-12-1929: AAS 22 (1930), trg 49-86. - Piô
XII, Huấn từ cho thanh niên A.C.I. 20-4-1946; Discorsi e Radiomessaggi VIII,
trg 53-57. - Huấn từ cho các người cha gia đình nước Pháp, 18-9-1951: Discorsi
e Radiomessaggi XIII, tr 241-245. - Gioan XXIII, sứ điệp kỷ niệm 30 năm ban
hành Tđ Divini Illius Magistri, 30-12-1959: AAS 52 (1960), trg 57-59. - Phaolô
VI Huấn từ cho các hội viên F.I.D.A.E. (Federazione Istituti Dipendenti
dall'Autorità Ecclesiastica), 30-12-1963: Encicliche e Discorsi di S.S. Paolo
VI, I, Roma 1964, trg 601-603. Cũng nên xem Acta et Documenta Concilio
Oecumenico Vaticano II apparando, loại I, Antepraeparatoria, 1. III, trg
363-364, 370-371, 373-374.
1* Kiểu nói mới
diễn tả nghĩa vụ phải luôn giúp con người sống hợp thời vì họ có trách nhiệm sống
và làm việc trong một thế giới luôn tiến bộ nhanh chóng.
2* Dễ dàng hơn
vì các phương tiện phong phú, mới mẻ và hữu hiệu hơn - khẩn cấp hơn - vì nếu
không vậy thì sự sai biệt liên lỉ giữa người không được chuẩn bị, không được
giáo dục và nền văn minh luôn tiến bộ sẽ biến con người thành nạn nhân của văn
minh tiến bộ đó.
2 Xem Gioan
XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961:AAS 53 (1961), trg 413, 415-417, 424. -
Tđ Pacem in Terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 278t.
3* Các nguyên tắc
về vấn đề này đã được Cơ Quan Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc
(UNESCO) công bố ngày 20-11-1958 với 78 phiếu thuận, không có phiếu nào chống.
3 Xem Tuyên Ngôn
Quốc Tế Nhân Quyền (Déclaration des droits de l'homme) do Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp
Quốc chấp thuận ngày 10-12-1948 và xem Déclaration des droits de l'enfant,
20-11-1959; Protocole additionnel à la convention de sauvegarde des droits de
l'homme et des libertés fondamentales, Paris, 20-3-1952; về Tuyên Ngôn Quốc Tế
Nhân Quyền, xem Gioan XXIII, Tđ Pacem in Terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg
295t.
4* Ðâu đâu người
ta cũng thấy như thế và đó cũng là một điều đáng mừng. Tuy nhiên Cơ Quan Giáo Dục,
Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lại nhấm mạnh tới phẩm hơn là tới
lượng. Trong thực tế cơ quan này cho rằng phẩm chất rất thiếu sót, rõ ràng nhất
là sự yếu kém của hiệu năng nội tại (sự giảm bớt về bài học) và hiệu năng ngoại
tại (phẩm chất của việc nhận định sự thực). Những nguyên nhân chính yếu là do
trình độ thiếu sót của các giáo sư và do chương trình không thích hợp. - Tuyên
Ngôn có lý khi nhấn mạnh tới mặt trong của sự phát triển đó.
5* Sự chắc chắn
của những nguyên tắc tâm lý cho phép ta mạnh dạn áp dụng những kinh nghiệm đó
và hơn nữa, sự thành công của những cuộc cải cách còn khuyến khích ta làm như vậy.
Không cần phải nhắc lại ở đây tất cả những kinh nghiệm đó. Tuy nhiên cũng xin
nhắc đến những gì mà khoa sư phạm đã dùng tới như những lý thuyết về ích lợi,
những nguyên tắc về phối hợp luân lý và về việc tập trung tinh thần, việc tự hoạt
động, việc cá tính hóa, việc hoạt động tập thể và về việc tự chủ...
6* Tất cả đối tượng
lo âu của Giáo Hội là con người toàn diện, xác và hồn. Hiểu khác đi chính là phản
bội lại tư tưởng và sứ mạng của Giáo Hội.
4 Xem Gioan
XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 402. - CÐ Vat. II,
Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 21.
7* Người ta có
thể định nghĩa danh từ này rất nhiều cách, nhưng để gọi được là xác thực, các định
nghĩa đó phải có những đặc tính chung sau đây:
a. Giáo dục chỉ
có thể có nơi loài người.
b. Nó là hoạt động
của một hữu thể đối với một hữu thể khác.
c. Hoạt động này
được hướng tới một mục đích.
d. Mục đích đó
là đạt được một số tính chất đại cương giúp con người dẽ dàng đạt được lợi ích
của mình.
5 Piô XII, Sứ Ðiệp
truyền thanh, 24-12-1942: AAS 35 (1943), trg 12,19. Gioan XXIII, Tđ Pacem in
Terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 259t. Và xem những Tuyên Ngôn Nhân Quyền ở
ghi chú 3.
6 Xem Piô XI, Tđ
Divini Illius Magistri, 31-12-1929: AAS 22 (1930), trg 50t.
8* Theo Kant,
giáo dục phải phát triển nơi cá nhân tất cả sự toàn hảo mà họ có thể có.
9* Ðốivới Henri
Joly, giáo dục có mục đích giúp con ngùi hoàn toàn làm chủ và sử dụng đúng mức
tất cả mọi khả năng của mình.
10* Hình như những
khác biệt về hai phái có tính cách về lượng hơn là về phẩm. Nói theo sinh lý học,
trước thời kỳ dậy thì, con trai và con gái có một hình thái khá ngang nhau,
Nhưng sau đó thì hoàn toàn khác biệt, nhất là về những hình thái cân đối (chiều
cao và sức nặng, kích thước, xương chậu và vai...) (theo Heymans và Weinbey).
Trên lãnh vực tâm lý, những sự khác vẫn còn có tính cách về lượng và về sự
tương phản giữa đàn ông và đàn bà chỉ thu hẹp thành sự khác biệt về sự phát triển
theo lượng. Nhưng nói rằng không có những khác biệt quan trọng giữa hai phái
không có nghĩa là việc giáo dục và sự đối xử trong xã hội phải hoàn toàn giống
nhau đối với cả hai phái, vì vẫn còn có một kiểu mẫu đàn ông và một kiểu mẫu
đàn bà rất dễ phân tích.
11* Thuyết xã hội
học của Durkheim và Dewey muốn rằng giáo dục sửa soạn cho đứa bé thích ứng với
xã hội chính trị và môi trường riêng mà sau nầy nó sẽ sống. Giáo dục là hoạt động
của cả một cộng đoàn đối với một thế hệ để bảo đảm cho thế hệ đó tồn tại và
tăng trưởng không ngừng.
12* Aldous
Huxley cho rằng phải giáo hóa con người để có tự do, công bằng và hòa bình.
13* Ðây là bản
đúc kết tuyệt hảo của một bản tóm lược về những giáo thuyết khác nhau đối với vấn
đề giáo dục.
14* Biết bao tiến
triển đáng chú ý từ đầu thế kỷ này trên ba lãnh vực tâm lý, phương pháp kỹ thuật
giảng dạy.
15* Giả thuyết
là đã tự thắng mình, đã tự thoát khỏi lệ thuộc bản thân.
16* Trong xã hội
văn minh của chúng ta, người ta đã luôn luôn yên lặng khi đề cập đến vấn đề
này. Nhưng ngày nay người ta bó buộc phải nhận rằng phái tính là một hiện tượng
trọng yếu trong đời sống cá nhân và các dân tộc. Nhận biết sự cần thiết của việc
giáo dục phái tính chính là nhận thấy những biểu hiện liên lỉ của nó (sự bành
trướng quá lý tửng, khuynh hứng tìm kiếm nam tính hay nữ tính) và người ta có
thể hướng dẫn những biểu hiện đó theo một chiều hứng thích hợp với khung cảnh
luân lý của các xã hội văn minh.
17* Quan niệm
tuyệt hảo về con người, một sinh vật có trách nhiệm phải sống với và cho kẻ
khác hầu sống trọn vẹn đời sống của mình.
18* Trong vấn đề
luân lý, chỉ có sự tự ý chấp nhận là đáng kể vì nó giả thiết đã nhìn thấy, yêu
thích và tự do chọn lựa sự thiện.
19* Vì sự thành
công toàn diện của con người tùy thuộc ở việc kính trọng quyền ấy, và vì quyền
này nâng cao giá trị những quyền cao quý và chính yếu khác của con người, một
sinh vật thông minh và tự do.
7 Xem Gioan
XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 441t.
20* Với tư cách
là con người, các Kitô hữu có quyền hưởng một nền giáo dục đầy đủ và thích hợp.
Với tư cách là người đã được rửa tội, họ có quyền hưởng một nền giáo dục Kitô
giáo giúp họ xứng đáng đón nhận sự cung hiến tối cao cho nhân phẩm con người.
8 Xem Piô XI, Tđ
Divini Illius Magistri, n.v.t. trg 83.
21* Là một tập hợp
các lễ nghi để chu toàn việc kính thờ Thiên Chúa qua trung gian Chúa Kitô Cứu
Thế.
22* Chính là
Giáo Hội kết hiệp làm một với Chúa Kitô.
23* Ðịnh nghĩa vắn
tắt và tuyệt diệu về những bổn phận của người Kitô hữu đối với những giá trị tự
nhiên trong xã hội loài người.
9 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 36: AAS 57 (1965), trg 41t.
10 Xem CÐ Vat.
II, Sắc lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 12-14.
24* Tuyên ngôn
nói về cha mẹ trước khi nói tới gia đình vì chính do những người thuộc gia đình
mà Tuyên Ngôn chấp nhận quyền lợi và bổn phận là "những nhà giáo dục đầu
tiên và chính thức". - Ðiều này khác với Thông Ðiệp Divini Illius Magistri
nói nhiều về gia đình.
11 Xem Piô XI,
Tđ Divini Illius Magistri, n.v.t. trg 59t. Tđ Mit Brenender Sorge, 14-3-1937:
AAS 29 (1937), trg 164t. - Piô XII, Huấn từ cho đại hội toàn quốc lần đầu tiên
của Hiệp Hội Công Giáo các giáo chức Ý (A.I.M.C.), 18-9-1946: Discorsi e
radiomessaggi VIII, trg 218.
25* Thuở sơ khai
gia đình cung cấp mọi sự cho con người. Nhưng về sau tín ngưỡng được dành cho
tôn giáo, binh bị và tài phán được dành cho quốc gia, kinh tế được dành cho kỹ
nghệ, gia đình chỉ còn lại có chức vụ giáo dục.
Nhưng chính ra
chức vụ này lại bị hạn hẹp tùy thuộc vào khả năng giáo huấn của gia đình.
Vả lại, vì chức
vụ này có tính cách bảo tồn hơn là biến đổi, hay vì chính nó đã quá lỗi thời,
nên không đáp ứng được nhu cầu của cả thế giới hiện đại.
Vì phạm vi kinh
nghiệm quá nhỏ hẹp đầy những mãnh lực trái ngược đối chọi nhau, và người thanh
niên thường chưa được sửa soạn lại giữ nhiệm vụ quá quan trọng, nên gia đình
không duy trì được địa vị chính yếu như những thời xa xưa. Trẻ con không những
chỉ thích nghi với sự vật, nhưng cả với những sản phẩm kỹ nghệ và những sinh vật
chung quanh. Nó phản ứng lại bằng những cảm xúc sau này sẽ thành nhân cách của
nó. Thật ra, nền giáo dục gia đình chính nó không phải là tất cả. Ðúng hơn, nó
cộng tác vào một công cuộc vượt quá tầm sức của nó.
26* hầu như chỉ
có gia đình Kitô giáo còn giữ được học thuyết chân chính về luân lý, xã hội,
chính trị và tôn giáo. Các học thuyết đó thấm nhuần cuộc sống và gieo rắc ảnh
hưởng của gia đình, giống như những thời sơ khai khi tôn giáo còn đi liền với
thành thị và quốc gia, và nền giáo dục tôn giáo song song với nền giáo dục
chính trị và gia đình.
12 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11 và 35: AAS 57 (1965), trg 16 và 40t.
27* Trẻ con
không được thuộc về gia đình nữa, nhưng thuộc về xã hội hoặc quốc gia. Ðó là một
kỳ vọng thái quá trái ngược hẳn với những đòi hỏi thiết định của chính lương
tâm.
Nếu quốc gia có
giữ quyền kiểm soát thì đây là lý do: vì là cơ quan pháp luật tối cao, quốc gia
có nhiệm vụ bảo đảm để mọi người được huấn luyện về trí thức, nghề nghiệp, luân
lý và thiêng liêng cần thiết cho cuộc sống của họ.
13 Xem Piô XI,
Tđ Divini Illius Magistri, n.v.t. trg 63t. - Piô XII, Sứ điệp truyền thanh,
1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 200; Huấn từ cho đại hội toàn quốc lần đầu tiên của
Hiệp Hội Công Giáo các giáo chức Ý, 8-9-1946: Discorsi e Radiomessaggi VIII,
trg 218. - Về nguyên tắc đồng trách nhiệm, xem Gioan XXIII, Tđ Pacem in Terris,
11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 294.()
28* Tất cả đoạn
này đều lý luận về sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội bắt nguồn từ bản tính xã hội
nhân bản của mình và từ những quyền lợi của con người mà Giáo Hội có bổn phận
phải thăng tiến. Giáo Hội lãnh trách nhiệm thiêng liêng đối với các con cái
mình nơi Chúa Kitô.
29* Giáo Hội
cung cấp một phương tiện hết sức tốt đẹp để giáo dục con người. Giáo Hội xét tới
con người toàn diện thuộc mọi nghề nghiệp và mọi lứa tuổi. Hơn nữa, Giáo Hội
còn theo dõi con người qua các giai đoạn phát triển và cống hiến cho mỗi lứa tuổi
những phương thế giáo dục thích hợp. Ðối với trẻ thì có các tập quán và thần
thoại. - Ðối với những thanh niên thì có những bài học và sự nâng đỡ tuyệt hảo
về luân lý. - Ðối với những người trưởng thành thì có một thuyết mang lại những
giải đáp cho mọi vấn đề của cuộc sống.
14 Xem Tđ Divini
Illius Magistri, n.v.t. trg 53t, 56t. - Tđ Non abbiamo bisogno, 29-6-1931: AAS
23 (1931), trg 311t, - Piô XII, Thư của Quốc Vụ Khanh gởi cho tuần lễ xã hội Ý
lần thứ XXVIII, 20-9-1955: L'Osservatore Romano, 29-9-1955.
15 Giáo Hội ca tựng
các nhà cầm quyền dân sự địa phương, quốc gia và quốc tế ý thức những nhu cầu
khẩn thiết của thời đại hiện nay, hết sức cố gắng để mọi dân tộc có thể tham dự
vào việc giáo dục đầy đủ hơn và vào nền văn hóa của nhân loại. Xem Phaolô VI:
Diễn văn trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, 4-10-1965: AAS 57 (1965), trg
877-885.
16 Xem Piô XI, Tự
sắc Orbem catholicum, 29-6-1923: AAS 15 (1923), trg 327-329; Sắc lệnh Provido
Sane, 12-1-1935: AAS 27 (1935), trg 145-152. - CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Nhiệm Vụ
mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 13 và 14.
17 Xem CÐ Vat.
II, Hiến chế về phụng vụ Thánh, số 14: AAS 56 (1964), trg 104.
30* Là những
phương thế mà nền văn minh hiện đại sử dụng trong lãnh vực giáo huấn và lãnh vực
truyền thông xã hội.
18 Xem CÐ vat.
II Sắc lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, số 13 và 14: AAS 56 (1964),
trg 149t.
31* Hiện nay học
đường đã được xác định rõ trong vai trò tinh thần và xã hội. Thường thường người
ta nói tới vai trò thứ nhất mà quên không nhấn mạnh đến vai trò thứ hai. Theo định
nghĩa, nền giáo dục đích thực phải là giáo dục đại chúng, nghĩa là chuẩn bị
tinh thần cho con người tham gia vào việc điều hành xã hội bằng sự chiếm hữu được
các biểu tượng (biểu tượng về khoa học, kỹ thuật, lịch sử, chính trị, kinh tế,
nghệ thuật, tôn giáo, tắt một lời tất cả di sản văn hóa của nhân loại). Bí nhiệm
của học đừng chính là việc khởi sự tìm về những biểu tượng bao bọc tất cả những
tình cảm cao quý của nhân loại, để nhờ đó các đòi hỏi của tinh thần thật sự đực
thành hình.
19 Xem Piô XI,
Tđ Divini Illius Magistri, n.v.t. trg 76. - Piô XII, Huấn từ cho Hiệp Hội Giáo
Chức Công Giáo
32* Tuyên Ngôn
không đi ngược lại nguyên tắc ưu tiên về quyền hạn của quốc gia trong việc giáo
dục. Tuyên Ngôn chỉ đòi hỏi sự công bằng phân phối theo quyền của con người và
của người công dân.
20 Xem CÐ Giáo Tỉnh
Cincinnati III, năm 1961: Collectio Lacensis III, cột 1240, c/d. - Piô XI, Tđ
Divini Illius Magistri, n.v.t. trg 60, 63t.
33* Nguyên tắc
giữ độc quyền các học đường là: quốc gia là cơ quan của ý chỉ tập thể và nguyên
khởi của nhân loại, quốc gia có sứ mệnh đảm bảo vận mệnh ghi sẵn trong hiến
pháp dân tộc. Mục đích của quốc gia là gây được sự thuần nhất rõ rệt trong các
tâm thức, tình cảm, ý kiến và khát vọng của toàn tập thể. Do đó, giáo dục có mục
đích tạo nên một thứ quần chúng trong đó cá nhân bị đồng hóa và bị tiêu diệt.
Ðó là sự chối bỏ các quyền lợi của con người.
34* Ðể các sáng
kiến muốn thí nghiệm những điều ham thích được tự do phát triển, và nhờ những
kinh nghiệm đó, tất cả tập thể thêm phong phú.
21 Xem Piô XI,
Tđ. Divini Illius Magistri, n.v.t. trg 63. - Tđ. Non abbiamo bisogno,
29-6-1963: AAS 91931), trg 305. - Piô XII, Thư của Quốc vụ khanh gởi cho tuần lễ
xã hội lần thứ XVIII tại Ý, 20-9-1955: L'Osservatore Romano, 29-9-1955. -
Phaolô VI, Huấn từ cho Hiệp Hội thợ thuyền Kitô giáo Ý (A.C.L.I.), 6-10-1963:
Encicliche e Discorsi di Paolo VI, I, Roma 1964, trg 230.
22 Xem Gioan
XXIII, Sứ điệp kỷ niệm 30 năm ban hành Tđ. Divini Illius Magistri, 30-12-1959:
AAS 52 (1960), trg 57.
35* Chúng ta hãy
so sánh đoạn này với khoản 1374 trong giáo luật: "Trừ những trường hợp vi
phạm đã được biện minh, các thanh thiếu niên công giáo không được theo học những
trường không công giáo, trung lập, hoặc không phân biệt tôn giáo". Tuyên
Ngôn này của Công Ðồng đã tiến bộ biết bao khi nhìn nhận sự hiện diện của các
trẻ em công giáo nơi những học đường không công giáo như là một điều tự nhiên,
vì vấn đề là cha mẹ các trẻ em đó phải giúp đỡ vào để có một nền giáo dục Kitô
giáo. Vì thế "sự va chạm giữa Giáo Hội và thế giới ngoài Kitô giáo ngày
nay không còn độc hại như 50 năm trước đây nữa. Riêng phần Giáo Hội, Giáo Hội
đã chú ý nhiều hơn tới những nhu cầu của những người chưa biết Phúc Âm. Công Ðồng
đã cố ý đặt mình vào đúng trào lưu các đòi hỏi khẩn thiết của thế giới ngày
nay" (Edmond Vandermeersch SJ.).
23 Giáo Hội rất
quý trọng hoạt động tông đồ do các giáo sư và học sinh công giáo có thể thực hiện
được trong lãnh vực học đường.
24 Xem Piô XII,
Huấn từ cho Hiệp Hội Công Giáo
36* Trường học
công giáo không cần phải thành công nhiều về kinh tài hay số lượng, nhưng cần đầy
đủ dụng cụ nhất, hợp thời nhất xét về các phương pháp giáo dục và giáo huấn.
37* Công giáo tiến
hành như men trong bột, phải len lỏi vào các trường học này. Ngay cả ở Việt
25 Xem CÐ Giáo tỉnh
38* Là nhịp cầu
giao kết giữa Giáo Hội và xã hội trần thế, học đường Kitô giáo thể hiện sự hòa
hợp giữa khoa học và tôn giáo.
26 Xem đặc biệt
là các tài liệu trong ghi chú 1; hơn nữa, quyền lợi này của Giáo Hội đã được
nhiều Công Ðồng giáo tỉnh, cũng như những tuyên ngôn mới nhất được nhiều Hội Ðồng
Giám Mục công bố.
39* Những chú giải
ở trên đã minh chứng đầy đủ lời quả quyết này.
27 Xem Piô XI,
Tđ. Divini Illius Magistri, n.v.t. trg 80t. - Piô XII, Huấn từ cho Hiệp Hội
Giáo Chức Công Giáo trung học Ý (U.C.I.I.M.), 5-1-1944: Discorsi e
Radiomessaggi XV, trg 551-556. - Gioan XXIII, Huấn từ cho đại hội Hiệp Hội Công
Giáo các Giáo Chứa Ý (A.I.M.C.) lần VI, ngày 5-9-1959: Discorsi , Messaggi,
Colloqui, I, Roma 1960, trg 427-431.
40* Việc chuẩn bị
các nhà giáo dục chính là nền tảng cho nền văn hóa nhân bản. Sự chuẩn bị đó khởi
sự từ cấp sơ học, nhưng nhất là ở bậc trung học với những phát minh khoa học,
luân lý và thẩm mỹ bảo đảm cho họ một kiến thức phổ quát giúp vào việc giải
phóng tâm trí. Sau đó việc huấn luyện về tâm lý sư phạm sẽ giúp họ nhậy cảm trước
những vấn đề mà họ sẽ gặp phải trong sứ mạng dẫn dắt thanh thiếu niên. Sau
cùng, sự đào tạo luân lý và tôn giáo sẽ giúp họ thấy rõ lý tưởng siêu nhiên của
con người mà những tâm hồn được họ dìu dắt phải theo đó mà sống.
41*
42* Ðây là đặc
điểm của những phương pháp năng động hiện đại.
28 Xem Piô XII,
Huấn từ Hiệp Hội Giáo Chức Công Giáo trung học Ý (U.C.I.I.M.), 5-1-1954, n.v.t.
trg 555.
29 Xem Phaolô
VI, Huấn từ cho Cơ Quan Quốc Tế Giáo Dục Công Giáo (O.I.E.C.), 25-2-1964:
Encicliche e Discorsi di Paolo VI, II, Roma 1964, trg 232.
30 Xem Phaolô
VI, Huấn từ cho Hiệp Hội Công Giáo các Thợ Thuyền Ý (A.C.I.I.), 6-10-1963:
Encicliche e Discorsi di Paolo VI, I, Roma 1964, trg 229.
43* Lập ra nhiều
loại trường là để khai thác tối đa những khả năng cá nhân và nhằm tới sự điều
hòa các tiềm năng của con người trong quốc gia. Ðây là một trong những đặc tính
của nền văn minh hiện đại, không muốn để một tài nguyên nào của quốc gia bị uổng
phí.
44* Ðây là một
đoạn văn tuyệt diệu xác định vai trò giáo huấn cao đẳng của công giáo.
31 Xem Phaolô
VI, Huấn từ cho Ðại Hội Quốc Tế lần thứ VI về thuyết Tôma, 10-9-1965: AAS 57
(1965), trg 788-792.
32 Xem Piô XII,
Huấn từ cho giáo chức và sinh viên các trường cao đẳng Công Giáo Pháp,
21-9-1950: Discorsie Radiomessaggi XII, trg 219-221; - Thư gởi đại hội
"Pax Romana" lần thứ XXII, 12-8-1952: Discorsi e Radiomessaggi XIV,
trg 567-569. - Gioan XXIII, Huấn từ cho Liên Viện Ðại Học Công Giáo, 1-4-1959:
Discorsi, Messaggi, Colloqui, I, Roma 1960, trg 226-229; - Phaolô VI, Huấn từ
cho hội đồng giáo sư Ðại Học Công Giáo Milan, 5-4-1964: Encicliche e Discorsi
di Paolo VI, Roma 1964, trg 438-443.
45* Một trong những
mục đích của các phân khoa thần học là lưu truyền mãi mãi và cổ võ tư tưởng
công giáo trong thế giới bằng cách hướng dẫn luồng suy tư Kitô giáo.
46* Ðó là điều
kiện tối thiểu, vì nếu không được như vậy, các đại học Công Giáo cũng chỉ giống
như những đại học thông thường vì chỉ lo lắng tới những việc trần gian.
33 Xem Piô XII,
Huấn từ cho Hội Ðồng Giáo Sư và các sinh viên Ðại Học Roma, 15-6-1952: Discorsi
e Radiomessaggi XIV, trg 208: "Hướng đi của xã hội ngày mai trước hết căn
cứ trên não trạng và tâm thức của các Ðại Học hiện nay".
34 Xem Piô XI,
Tông hiến Deus Scientiarum Dominus, 24-5-1931: AAS 23 (1931), trg 245-247.
35 Xem Piô XII,
Tđ Humani Generis, 12-8-1950: AAS (1950), trg 568t, 578. - Phaolô VI, Tđ
Ecclesiam suam, phần III, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 637-659. - CÐ Vat. II, Sắc
lệnh về Hiệp Nhất: AAS 57, trg 90-107.
47* Sự phối trí
học đường ngày nay được cụ thể hóa đặc biệt chính là nhờ Cơ Quan Giáo Dục, Khoa
Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Tất cả các nền văn minh và các lý thuyết
đều gặp gỡ nhau tại đó, qua việc cộng tác quốc tế rất phong phú và dễ dàng; người
ta thi đua nhau trong mọi lãnh vực: vật chất và chính trị, luân lý và tinh thần
nhằm nâng cao mọi chủng tộc.
36 Xem Gioan
XXIII, Tđ Pacem in Terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 248 và các đoạn khác.
Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài
Kitô Giáo - Nostra Aetate
Lời Giới Thiệu
1. Soạn thảo
Tuyên Ngôn
Danh từ "các
tôn giáo ngoài Kitô giáo" trước hết bao hàm Do Thái giáo và Hồi giáo. Hai
tôn giáo này dù không chấp nhận thiên tính của Chúa Kitô và mầu nhiệm Ba Ngôi,
nhưng vẫn tôn thờ Thiên Chúa một cách chân chính. Danh từ trên còn ám chỉ các
tôn giáo ở Á Châu và Phi Châu như Phật giáo và Ấn giáo... cũng như tất cả các
hình thức tôn giáo khác.
Lúc đầu Công Ðồng
chỉ muốn thêm một chương vào Sắc Lệnh về Hiệp Nhất để nói lên lòng ưu ái của
Giáo Hội đối với dân Do Thái, nhất là vì những cuộc bách hại bất công trước kia
mà họ là nạn nhân. Trong diễn văn khai mạc tháng 9 năm 1963, Ðức Giáo Hoàng
Phaolô VI đã minh nhiên biểu lộ mối thiện cảm của Giáo Hội đối với dân Do Thái
và được cụ thể hóa bằng chuyến công du của ngài qua Thánh Ðịa vào tháng Giêng
năm 1964. Sau đó, mối thiện cảm trên lan rộng đến Hồi giáo và tất cả những hình
thức tôn giáo khác: ngày 17-3-1964 Ðức Giáo Hoàng đã thiết lập một văn phòng đặc
trách các vấn đề có liên quan đến những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Rồi trong
Thông điệp Ecclesiam Suam (6-8-1964) Ðức Thánh Cha còn biểu lộ lòng ao ước của
Giáo Hội muốn đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, một cuộc đối thoại
không che đậy chân lý. Trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội công bố ngày
21-11-1964, số 16, Công Ðồng đã manh nha một giáo thuyết sẽ được diễn tả cách tỉ
mỉ trong Tuyên Ngôn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo và được các Nghị Phụ phê
bình ngày 15-10-1965 và công bố ngày 28-10-1965 một ít lâu trước khi Công Ðồng
bế mạc ngày 8-12-1965.
2. Tầm quan trọng
của Tuyên Ngôn
Bản Tuyên Ngôn
này là tài liệu ngắn nhất trong các văn kiện Công Ðồng Vaticanô II công bố,
nhưng không phải vì thế bản Tuyên Ngôn kém quan trọng. Ngày 18-11-1964, Ðức Hồng
Y Bea đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đó như sau: "Ðây là lần đầu tiên
trong lịch sử Giáo Hội, một Công Ðồng đã long trọng trình bày các nguyên tắc
liên hệ đến các tôn giáo ngoài Kitô giáo... Ðây là vấn đề của hơn một tỷ người
chưa biết hay không nhìn nhận Chúa Kitô và công trình cứu rỗi của Người".
Trong thế giới
văn minh ngày nay có hai thái cực rất dễ nhận thấy ngay cả nơi các Kitô hữu: có
người quan niệm rằng các tôn giáo ngoài Kitô giáo là đối lập với Kitô giáo nên
phải bài bác; trái lại có kẻ chủ trương khuynh hướng hỗn hợp tôn giáo quan niệm
rằng mọi tôn giáo đều là những con đường cứu rỗi. Qua Tuyên Ngôn này, Giáo Hội
minh định rằng tất cả các dân tộc làm thành một cộng đoàn duy nhất (số 1). Giáo
Hội công nhận những giá trị luân lý và tôn giáo của các tôn giáo ngoài Kitô
giáo. Giáo Hội chắc chắn rằng tất cả những ai không vì lỗi riêng mình đã không
tiếp nhận Phúc Âm Chúa Kitô và đang tìm kiếm Chúa với một lòng chân thành đều
liên kết với dân duy nhất của Chúa bằng nhiều cách (GH 16).
Quí trọng các
tôn giáo ngoài Kitô giáo và ao ước thiết lập những tiếp xúc huynh đệ như thế,
không làm suy giảm sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là loan báo cho mọi người được
biết Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi chân thật. "Giáo Hội rao giảng và có bổn
phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "đường, sự thật và sự sống"
(Gio 14,6), nơi Người con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người
Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình" (số 2).
3. Nội dung của
Tuyên Ngôn
Bản Tuyên Ngôn
này không phải là một bài khảo luận, cũng không nhằm diễn tả các tôn giáo ngoài
Kitô giáo, càng không phải là một so sánh Kitô giáo với các tôn giáo. Tuyên Ngôn
không phân biệt giữa các hình thức và giáo phái của mỗi tôn giáo, như Phật giáo
hay Ấn giáo. Có rất nhiều hình thức tôn giáo khác được quy tụ trong danh từ
"các tôn giáo khác". Tuy dù trong thời đại chúng ta có những khuynh
hướng vô thần, nhưng giữa lòng các tôn giáo đó Công Ðồng đặt tất cả quan tâm đến
một số đông người chân thành tìm kiếm chân lý trong tôn giáo của họ theo ánh
sáng họ nhận lãnh.
Tuyên Ngôn chia
ra 5 tiết mục: phần mở đầu và đoạn kết nêu lên những nguyên tắc tổng quát; tiết
mục 2, 3, và 4 tuần tự đề cập đến các tôn giáo khác.
(1) Phần Mở Ðầu
Giáo Hội muốn cổ
võ tinh thần hiệp nhất và tình bác ái giữa loài người. Giáo Hội muốn xét đến
không phải những gì chia rẽ nhưng những gì hiệp nhất. Mọi người dều có nguồn gốc
nơi Thiên Chúa. Họ tự nêu lên những câu hỏi về nguồn gốc, về những hoàn cảnh sống
và mục đích tối hậu của họ. Tiết mục này có thể so sánh với số 3 trong Hiến Chế
mục vụ, ở đó Công Ðồng cũng diễn tả nỗi khắc khoải của mọi người và niềm ao ước
của Giáo Hội muốn cổ võ tinh thần nhất, tiếp tục công trình của Chúa Kitô Ðấng
đã đến để cứu rỗi chứ không phải để kết án, để phục vụ chứ không phải để được
phục vụ.
(2) Những Tôn
Giáo Ngoài Kitô Giáo
Hai Tôn Giáo lớn,
Phật giáo và Ấn giáo, liên quan mật thiết với đà tiến triển văn hóa, bao hàm
nhiều yếu tố như những động lực thúc đẩy những người theo hai tôn giáo đó và
các tôn giáo khác để họ tìm cách thỏa mãn một tâm tình sâu xa về tôn giáo mà tất
cả đều cảm thấy; đôi khi nhờ vậy, họ còn nhận ra có Ðấng Chí Tôn. Giáo Hội
không phủ nhận những gì chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó, nơi đó
đôi khi cũng bao hàm một tia sáng chân lý. Tuy nhiên, Giáo Hội muốn loan báo
Chúa Kitô (xem ở trên) và khuyến khích giáo dân thực hiện một cuộc đối thoại với
những người ngoài Kitô giáo, đồng thời cộng tác với những người theo tôn giáo
khác, nhưng phải biểu dương đức tin chân chính bằng gương sáng đời sống Kitô hữu
của mình.
(3) Hồi Giáo
Ðây là lần đầu
tiên trong Giáo Hội, qua một vài dòng vắn tắt, Công Ðồng ghi lại tất cả những
gì có tính cách tích cực trong Hồi giáo: sự thờ phượng Thiên Chúa Tạo Hóa, thái
độ tuân phục ý định Thiên Chúa của các tín hữu, lời cầu nguyện và việc sám hối
của họ, lòng tin tưởng vào Abraham. Dù không chấp nhận thiên tính của Chúa
Giêsu, người Hồi giáo vẫn tôn kính Người như một vị Ngôn Sứ và tôn sùng mẹ đồng
trinh của Người.
"Công Ðồng
còn khích lệ người Công giáo cố gắng để mọi người quên đi mối hận thù xưa kia
giữa người Công giáo và Hồi giáo, và trong niềm quý trọng lẫn nhau, hãy ý thức
nhiệm vụ chung nhằm lợi ích cho mọi người" (Hồng Y Koenig).
(4) Do Thái Giáo
Vấn đề Do Thái
giáo được đề cập dồi dào hơn, vì đây là nguồn gốc của Tuyên Ngôn về các tôn
giáo ngoài Kitô giáo. Vấn đề được bàn cãi lâu dài trước khi đúc kết thành bản
văn hiện nay. Khi suy niệm về mầu nhiệm của mình, Giáo Hội nhìn nhận có một
liên kết chặt chẽ với dân Do Thái trong Cựu Ước, với Môisen và các Ngôn Sứ. Dân
Do Thái là hình bóng Dân Chúa, đã sinh ra chính Chúa Kitô, các Tông Ðồ và những
tín hữu tiên khởi.
Giáo Hội tuyên bố
rằng không một lý do nào cho phép xem người Do Thái hiện thời như những người
có trách nhiệm giết Chúa Kitô, cũng như không phải tất cả người Do Thái thời đó
đều tham dự vào vụ án của Người, Ðấng đã cầu nguyện cho những ai vì không biết
mới lên án Người như thế.
Giáo Hội không đứng
trên phương diện chính trị, nhưng trên phương diện tôn giáo lên lên án tất cả mọi
hình thức bách hại, đàn áp dân Do Thái trong thời đại hiện nay.
Sau cùng, khi nhắc
lại rằng Chúa Kitô đã tự ý chấp nhận khổ nạn vì yêu thương: cuộc khổ nạn của
Người là nguồn suối phát sinh mọi ân sủng cứu độ cho tất cả mọi người, bản văn
kết thúc với niềm mong ước có một cuộc đối thoại thần học giữa người Công giáo
và Do Thái.
(5) Tình Huynh Ðệ
Phổ Quát
Bản Tuyên Ngôn kết
thúc bằng lời kêu gọi bác ái huynh đệ đối với mọi ngươì, vì tất cả được tạo dựng
giống hình ảnh thiên Chúa và là con cùng một Cha. Do đó, Giáo Hội bài bác tất cả
mọi sự kỳ thị và tranh chấp giữa con người do sự khác biệt về nòi giống, màu
da, giai cấp hay tôn giáo, vì như thế là đi ngược với tinh thần Chúa Kitô.
Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài
Kitô Giáo
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa VII Ngày 28
tháng 10 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Tuyên Ngôn về
liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo
Nostra Aetate
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
1. Lời mở đầu Trong thời đại
chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc
giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc
với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trong nhiệm vụ cổ võ sự hiệp nhất và yêu
thương giữa con người và nhất là giữa các dân tộc, trước tiên ở đây Giáo Hội đề
cập đến những điểm chung cho hết mọi người, và dẫn đến cuộc sống cộng đoàn.
Thật vậy, mọi
dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã
cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu 1. Họ
lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Ðấng vẫn hằng trải rộng sự quan
phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người 2,
cho đến khi những người được chọn hiệp nhất với nhau trong Thành Thánh, rạng ngời
ánh vinh quang Thiên Chúa, nơi muôn dân bước đi trong ánh sáng Ngài 3.
Con người mong đợi
các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những
bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: con người là gì? Ðời
người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Ðâu là nguyên nhân
và mục đích của đau khổ? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật sự? Cái chết,
sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, cái huyền nhiệm tối hậu
khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và
chúng ta hướng về đâu?
2. Các tôn giáo ngoài Kitô
giáo. Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm thức
về quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của
đời người, đôi khi còn thấy cả sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một
Người Cha. Cảm thức và sự nhìn nhận đó làm cho cuộc sống họ thấm nhuần ý nghĩa
tôn giáo. Phần các tôn giáo có liên quan mật thiết với tiến bộ văn hóa thì cố gắng
giải đáp những vấn đề trên bằng những ý niệm cao sâu và bằng thứ ngôn ngữ ngày
càng tinh tế. Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng, và
diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những
nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của
kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc
bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật giáo,
theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời
thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến
chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố gắng của riêng
mình hoặc bằng trợ lực của ơn trên. Cũng thế, các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều
cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương
thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và
luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.
Giáo Hội Công
Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo
đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động
và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác
nhau với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của
Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và
có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "đường, sự thật và
sự sống" (Gio 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung
mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình 4.
Vì thế, Giáo Hội
khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích
thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ
thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và
bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống
Kitô giáo.
3. Hồi giáo. Giáo Hội cũng
tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng
sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất 5,
đã từng đối thoại với con người. Họ chuyên tâm tuân phục cả những phán quyết bí
nhiệm của Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, như Abraham đã tuân phục, người mà đức
tin Hồi Giáo sẵn lòng noi theo. Họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa
nhưng lại tôn kính như vị Ngôn Sứ và kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Ðức
Maria và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày
phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ
tôn trọng đời sống luân lý và tôn thờ Thiên Chúa nhất là bằng cầu nguyện, bố
thí và ăn chay.
Mặc dầu trong
quá khứ, giữa Kitô hữu và Tín Ðồ Hồi Giáo có những mối bất hòa và hiềm thù nhau
không ít, Thánh Công Ðồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để
cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội,
thuần phong mỹ tục cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người.
4. Do Thái giáo. Tìm hiểu
mầu nhiệm Giáo Hội, Thánh Công Ðồng nhắc lại mối dây liên kết linh thiêng giữa
dân của Tân Ước và giòng tộc Abraham.
Thật vậy, Giáo Hội
Chúa Kitô nhận thực rằng, khởi điểm của đức tin Giáo Hội và việc Chúa tuyển chọn
Giáo Hội đã được tìm thấy nơi các Tổ Phụ, Môisen và các Ngôn Sứ theo như mầu
nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên xưng rằng mọi Kitô hữu đều là con
cái Abraham theo đức tin 6,
hàm chứa trong ơn gọi của vị Tổ Phụ này; cũng như sự cứu độ của Giáo Hội đã được
ám chỉ cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành của dân ưu tuyển ra khỏi đất nô lệ.
Vì thế, Giáo Hội không thể quên được rằng, nhờ dân đó, dân đã được Chúa đoái
thương ký giao ước xưa do lòng xót thương khôn tả của Ngài, nên Giáo Hội mới nhận
được mạc khải Cựu Ước và được nuôi dưỡng bằng rễ cây Ôliu tốt tươi, mà những
cành ôliu dại là các Chư Dân đã được tháp nhập vào 7.
Vì Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Hòa Bình của chúng ta, đã giao hòa dân Do Thái
và Chư Dân bằng thập giá và làm cho cả hai nên một nơi Người 8.
Giáo Hội cũng
luôn nhìn thấy trước mắt lời của Thánh Phaolô Tông Ðồ viết về anh em đồng chủng
của Ngài "là những người được thừa nhận làm nghĩa tử, được vinh quang, có
giao ước, luật pháp, lễ nghi, lời hứa, có các tổ phụ, và Chúa Kitô, theo xác thịt
cũng từ họ mà ra" (Rm 9,4-5), là con của Trinh Nữ Maria. Giáo Hội cũng nhớ
rằng các Tông Ðồ, nền móng và cột trụ Giáo Hội, cũng như rất nhiều môn đệ đầu
tiên của các ngài, những người loan báo Phúc Âm Chúa Kitô cho trần gian, đã
sinh ra từ dân tộc Do Thái.
Thánh Kinh làm
chứng Giêrusalem không nhận biết thời gian Chúa thăm viếng 9
mình và phần lớn dân Do Thái không tiếp nhận Phúc Âm; trái lại nhiều người còn
chống đối việc bành trướng Phúc Âm 10.
Tuy thế, theo lời Thánh Tông Ðồ, Thiên Chúa vẫn rất quý yêu người Do Thái vì Tổ
Phụ họ và Ngài không ân hận vì đã ban hồng ân và kêu gọi họ 11.
Cùng với các Ngôn Sứ và Vị Tông Ðồ, Giáo Hội chờ đợi ngày chỉ mình Chúa biết,
ngày mà mọi dân tộc đồng thanh kêu cầu Thiên Chúa và "sát cánh phượng thờ
Ngài" (Soph 3,9) 12.
Do đó, vì người
Do Thái và Kitô hữu cùng có chung một di sản tinh thần thật vĩ đại, nên Thánh
Công Ðồng muốn cổ võ, khuyến khích sự hiểu biết và kính trọng nhau, nhất là bằng
việc học hỏi Thánh Kinh, thần học và đối thoại trong tinh thần anh em.
Mặc dầu chính
quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa Kitô 13,
nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người
bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời
nay. Dù Giáo Hội là dân mới của Chúa, nhưng việc Chúa phế thải và nguyền rủa
người Do Thái không thể coi như là kết luận của Thánh Kinh. Vì thế, mọi người
phải lo làm sao để khi dạy giáo lý và khi rao giảng Lời Chúa, đừng dạy điều gì
không thích hợp với chân lý Phúc Âm và tinh thần Chúa Kitô.
Ðàng khác, Giáo
Hội vì luôn phi bác mọi cuộc đàn áp đối với bất cứ người nào, đồng thời nhớ
mình có di sản chung với người Do Thái, cũng như được thúc đẩy bởi đức ái đạo hạnh
của Phúc Âm chứ không phải vì lý do chính trị, nên Giáo Hội rất lấy làm đau
lòng vì sự ghen ghét, đàn áp, những hành động của chủ nghĩa bài Do Thái trong bất
cứ thời nào và do bất cứ ai đối với người Do Thái.
Vả lại, Chúa
Kitô như Giáo Hội đã và đang luôn luôn chủ trương, vì tội lỗi mọi người và do
tình thương vô biên, đã tình nguyện đón nhận khổ nạn và cái chết để mọi người
được ơn cứu độ. Vì thế bổn phận rao giảng của Giáo Hội là loan báo thập giá
Chúa Kitô như dấu hiệu tình yêu Chúa đối với hết mọi người và như nguồn mạch mọi
ân sủng.
5. Tình huynh đệ đại đồng.
Thực ra, chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi người nếu chúng ta
không muốn xử sự như anh em đối với một số người cũng được tạo dựng giống hình ảnh
Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên Chúa là Cha và giữa con người với anh
em mình có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: "Ai không yêu
thì không nhận biết Chúa" (1Gio 4,8).
Do đó, mọi lý
thuyết hay hành động đưa đến kỳ thị liên quan đến phẩm giá con người và những
quyền lợi bắt nguồn từ phẩm giá đó, kỳ thị giữa con người với nhau, giữa dân
này với dân khác, sẽ không còn nền tảng.
Vì thế, Giáo Hội
bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo,
vì thái độ ấy đối nghịch với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công Ðồng theo
chân Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, khẩn thiết kêu mời các Kitô hữu: "hãy
sống ngay lành giữa người lương dân" (1P 2,12), nếu có thể được, tùy khả
năng mà sống hòa thuận với hết mọi người 14
như những người con đích thực của một Cha trên trời 15.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng
chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
1 Xem CvSđ
17,26.
2 Xem Kn 8,1;
CvSđ 14,17; Rm 2,6-7; 1Tm 2,4.
3 Xem kh
21,23-24.
4 Xem 2Cor
5,18-19.
5 Xem T Gregoriô
VII, Epist III, 21 ad Anasir (Al-Nasir), regem Mauritaniae. x.b. E. Caspar in
MGH. Ep. sel. II, 1920, I, trg 288, 11-15: PL 148, 451 A.
6 Xem Gal 3,7.
7 Xem Rm
11,17-24.
8 Xem Eph
2,14-16.
9 Xem Lc 19,44.
10 Xem Rm 11,28.
11 Xem Rm
11,28-29. - Hiến chế tin lý về Giáo Hội Lumen gentium: AAS 57 (1965), trg 20.
12 Xem Is 66,23.
- Tv 65,4. - Rm 11,11-32.
13 Xem Gio 19,6.
14 Xem Rm 12,18.
15 Xem Mt 5,45.
Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo - Digitatis Humanae
Lời Giới Thiệu
Tuyên Ngôn về Tự
Do Tôn Giáo là một văn kiện đáng kể và quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, khai
mở một kỷ nguyên mới cho mối liên lạc của Giáo Hội với thế giới hiện đại.
Bản văn hình
thành rất phức tạp. Có đến sáu lược đồ được đệ trình cho các Nghị Phụ tranh luận,
sửa chữa để đúc kết thành bản văn chính thức. Chủ đề này đã tạo nên cuộc tranh
luận sôi nổi trong Công Ðồng và khiến thế giới ngoài Kitô giáo chú trọng đặc biệt
để tìm hiểu Giáo Hội thành thực đến mức nào trong nỗ lực cởi mở với thế giới
cũng như dành cho lược đồ này tầm quan trọng thế nào.
Khi trình bày lược
đồ cho các Nghị Phụ ở Công Ðồng, Ðức Cha De Smedt đã lưu ý đến nhiều lý do cổ
võ cho tuyên ngôn này. Trước hết là lý do "chân lý": Giáo Hội phải
truyền dạy và bênh vực quyền tự do tôn giáo vì đây là một chân lý Chúa Kitô đã ủy
thác cho Giáo Hội gìn giữ. Thứ đến, ngài nói tới lý do "bảo vệ":
chúng ta hiện sống trong một thời đại mà phân nửa nhân loại không có Tự Do Tôn
Giáo vì sự ngăn cản thiên hình vạn trạng của chủ nghĩa duy vật vô thần, nên
Giáo Hội có bổn phận phải bảo vệ quyền Tự Do này. Sau đó, ngài đề cập đến lý do
"sống chung hòa bình": trong một thời đại ngập tràn nhiều lý thuyết
khác biệt. Giáo Hội phải vạch đường lối hướng đến việc cộng tác với nhau nhiều
hơn và rộng lớn hơn. Sau cùng Ðức Cha đưa ra lý do "hiệp nhất": vì
nhiều người ngoài Công Giáo nghi ngờ Giáo Hội Công Giáo theo thuyết của
Machiavello, nghĩa là chỉ cổ động Tự Do Tôn Giáo nơi nào Công Giáo chỉ là thiểu
số, và coi thường hay từ chối quyền Tự Do đó khi ngươì Công Giáo chiếm đa số, bởi
thế Giáo Hội cần cố gắng làm sáng tỏ vấn đề.
Thực sự, nếu
Công Ðồng chỉ muốn nêu ra vài tiêu chuẩn hành động, chắc chắn bản văn sẽ dễ
dàng được tất cả các Nghị Phụ đồng ý. Nhưng công việc quả thật rất khó khăn, vì
ở đây Công Ðồng đưa ra vấn đề dựa vào những nền tảng giáo lý vững chắc. Và
riêng điểm này cũng đã là nan giải, vì nhiều quan điểm đối nghịch nhau có thể dễ
dàng phát khởi tính cách phức tạp của vấn đề; chẳng hạn như những kiểu giải
thích các văn kiện thuôc quyền Giáo Huấn ở các thế kỷ vừa qua, cũng như hoàn cảnh
văn hóa dị biệt của những cộng đoàn Công Giáo khác nhau mà các Nghị Phụ đại diện.
Nhất là còn phải tránh tất cả mọi nguy hiểm thuyết dửng dưng, của chủ trương xu
thời, cũng như của thuyết tương đối về vấn đề tôn giáo... Do đó, phải nêu rõ bổn
phận đi tìm chân lý của mỗi cá nhân và đồng thời vẫn bảo vệ quyền tự do thiết yếu
của họ trong công cuộc đi tìm chân lý ấy trên bình diện xã hội.
Một trong những
khó khăn lớn lao nhất là phải tìm ra một khía cạnh thích đáng đề cập vấn đề. Ý
niệm cổ truyền về sự "khoan dung" thì quá thiếu sót và tiêu cực. Còn
ý niệm về quyền của một lương tâm sai lầm (ý niệm rất thông thường trong thần học
luân lý) lại đòi hỏi nhiều tế nhị. Lý luận như thế có thể khiến cho lương dân
không thề nào hiểu được, vì nó giả thiết phải chuyển biến từ lãnh vực luân lý
sang lãnh vực pháp lý. Cuối cùng, các Nghị Phụ đã tìm gặp ý niệm nhân phẩm; và
dưới nhiều khía cạnh phụ thuộc khác nhau, ý niệm này đã trở thành nền tảng căn
bản duy nhất cho Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo.
Có thể nói rằng
tiến trình soạn thảo chậm chạp của bản Tuyên Ngôn đã đánh dấu một nỗ lực kiên
trì của Thánh Công Ðồng nhằm tránh việc đề cập vấn đề một cách quá tín lý. Ðồng
thời Tuyên Ngôn cố gắng dựa vào sứ mệnh đặc biệt mà Giáo Hội đã lãnh nhận nơi
Chúa Kitô để diễn tả phạm vi này là một phạm vi cần thiết cho hết mọi người
cũng như cho tất cả những cộng đoàn tôn giáo trong hành trình đi tìm chân lý, một
phạm vi đủ để Giáo Hội chu toàn sứ mệnh Chúa Kitô ủy thác.
Ngày 7 tháng 12
năm 1965, với 2,308 phiếu thuận và 70 phiếu chống, bản văn đã được các nghị Phụ
chấp thuận và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố là văn kiện thuộc Quyền
Giáo Huấn.
Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo
Thánh Công Ðồng
Chung Vaticanô II
Khóa IX Ngày 07
tháng 12 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ
Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với
Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi
Nhớ
Tuyên Ngôn về Tự
Do Tôn Giáo
Digitatis
Humanae
Bản dịch Việt Ngữ
của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Quyền Tự Do Tôn Giáo Của Cá Nhân Và Ðoàn Thể Trong Lãnh Vực
Tôn Giáo Là Một Quyền Tự Do Xã Hội Và Dân Sự 1*
Lời Mở Ðầu
1. Nhân phẩm càng ngày
càng được con người thời đại chúng ta ý thức mãnh liệt hơn 1,
và xã hội luôn gia tăng số người đòi hỏi cho mình trong khi hành động được hưởng
dụng quyền tự quyết và tự do nhận trách nhiệm, không bị một áp lực nào chi phối
nhưng do ý thức về bổn phận dẫn dắt 2*.
Cũng vậy, họ đòi hỏi công quyền phải được định giới theo thể thức pháp luật, để
cho phạm vi tự do chân chính của cá nhân cũng như đoàn thể không bị hạn hẹp quá
đáng. Sự đòi hỏi quyền tự do này trong xã hội nhân loại trước hết nhằm tới những
sản nghiệp tinh thần con người và nhất là quyền tự do hành đạo trong xã hội.
Thánh Công Ðồng Vaticanô này vì ân cần lo lắng đến những khát vọng tinh thần và
nhằm xác định xem chúng phù hợp với chân lý và công bình đến mức nào, nên tra cứu
Thánh Truyền và giáo thuyết của Giáo Hội để từ đó khám phá ra những điều mới
nhưng luôn luôn hòa hợp với những điều cũ.
Vì thế, trước hết
Thánh Công Ðồng tuyên bố 3*
rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, để nhờ đó, trong khi
phụng thờ Ngài, con người có thể được cứu rỗi và hạnh phúc trong Chúa Kitô.
Chúng tôi tin rằng Tôn Giáo chân thật, duy nhất này tồn tại trong Giáo Hội Công
Giáo và Tông Truyền. Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi
người, khi Người phán cùng các Tông Ðồ: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn
dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; hãy dạy dỗ họ vâng giữ
mọi điều Thầy đã truyền cho các con" (Mt 28,19020). Vậy mọi người đều có
nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và
Giáo Hội Người, và khi nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ.
Cũng thế, Thánh
Công Ðồng còn tuyên bố rằng những bổn phận này liên quan đến lương tâm con người
cũng như ràng buộc lương tâm con người, và chân lý tự nó có sức mạnh ép buộc chứ
không dựa trên một uy quyền nào khác, sức mạnh ấy ăn sâu vào các tâm hồn một
cách vừa êm dịu vừa mãnh liệt. Hơn nữa, vì tự do tôn giáo, sự tự do mà con người
đòi hỏi trong khi thi hành nhiệm vụ phụng thờ Thiên Chúa, có nghĩa là không bị
một áp bức nào trong xã hội dân sự ràng buộc, nên sự tự do đó bảo toàn được
nguyên vẹn giáo lý truyền thông công giáo về bổn phận luân lý của con người
cũng như của các đoàn thể đối với tôn giáo chân thật và Giáo Hội duy nhất của
Chúa Kitô. Vả lại, khi bàn về tự do tôn giáo, Thánh Công Ðồng muốn khai triển học
thuyết của các vị Giáo Hoàng gần đây nhất về những quyền lợi bất khả xâm phạm của
con người cũng như về cơ cấu pháp lý của xã hội.
Chú Thích:
1* Những chữ
dùng trong Tuyên Ngôn đều được ân nhắc cẩn thận, và chúng xác định giá trị đúng
đắn của văn kiện. Bản Tuyên Ngôn đề cập trực tiếp đến phương diện pháp luật,
nghĩa là đến mối liên lạc giữa các chủ thể trong xã hội, chứ không đặt vấn đề bản
tính của tự do hoặc phân loại tự do.
Từ ngữ "quyền"
được Thánh Công Ðồng sử dụng ở đây ám chỉ một quyền lợi đặt căn bản trên chính
bản tính của con người, chứ không phải phát sinh do sự khôn ngoan chính trị của
một chính quyền nào. Và cách nói "trong lãnh vực tôn giáo" được Thánh
Công Ðồng chọn lựa với ý định làm nổi bật quyền tự do lựa chọn trong vấn đề tôn
giáo, kể cả thuyết vô thần.
Sau cùng, sự tự
do ở đây không phải là tự do trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người,
nhưng là một sự tự do xã hội. Cũng thế, khi tự hạn định tự do trong dân luật, bản
Tuyên Ngôn sẽ không đi vào vấn đề liên lạc giữa tín hữu và giáo quyền. Dĩ nhiên
bên trong Giáo Hội, vẫn giữ sự kính trọng quyền tự do, nhưng Giáo Hội lại có một
bản tính sâu xa, một mục đích và một trật tự pháp lý riêng biệt nữa.
1 Xem Gioan
XXIII, Tđ Pacem in terreis, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 279; n.v.t. trg 265.
- Piô XII, Nuntius radiophonicus, 24-12-1944: AAS 37 (1945), trg 14.
2* Phần lý luận
và lịch sử được đề cập trước phần mạc khải (số 9-15). Như thế, Công Ðồng muốn hết
mọi người có thể nhận thức được vấn đề. Khi nêu lên ở phần đầu ý thức tiệm tiến
về nhân phẩm con người và niềm khát vọng tự do dân sự đối với việc thi hành quyền
tự do tôn giáo, bản Tuyên Ngôn công nhận rằng quyền tự do tôn giáo, theo nghĩa
hẹp, chính là một ý niệm có tính cách pháp lý được nhìn nhận trong công quyền
hiện đại.
3* Sự tuyên xưng
đức tin này cốt để tránh những hiểu lầm có thể có đối với ý nghĩa bản Tuyên
Ngôn này. Nhưng như bản Tuyên Ngôn sẽ biểu lộ, giáo thuyết về một tôn giáo độc
nhất và chân thật nói ở đây không "giao thoa" với giáo thuyết về tự
do tôn giáo.
I. Quan Ðiểm Tổng Quát Về Tự Do Tôn Giáo
2. Ðối tượng và nền tảng của
tự do tôn giáo. Thánh Công Ðồng Vaticanô này tuyên bố con người có quyền tự do
tôn giáo 4*.
Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách 5*
của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý
nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương
tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động
riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn
chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự
được xây dựng trên phẩm giá con người 6*,
một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được 2.
Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp
nhận là một quyền lợi dân sự.
Xét theo phẩm
giá, mọi người, vì là những nhân vị nghĩa là có trí khôn và ý chí tự do, nên phải
chịu trách nhiệm về cá nhân mình 7*.
Vì thế, do bản tính tự nhiên thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc,
con người phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ
cũng phải tin theo chân lý đã nhận biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình
theo những đòi hỏi của chân lý. Tuy nhiên, con người không thể chu toàn bổn phận
đó một cách thích hợp nếu không được hưởng dụng sự tự do tâm lý đồng thời được
đặc miễn đối với sức cưỡng bách bên ngoài 8*.
Vậy quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính con người, chứ không
phải trên thái độ chủ quan của con người. Vì ngay cả những người không chu toàn
nhiệm vụ tìm kiếm và tuân theo chân lý, vẫn còn quyền đặc miễn này, và không ai
được ngăn cản việc hành xử quyền ấy nếu trật tự công cộng chính đáng vẫn được bảo
đảm.
3. Tư do tôn giáo và mối
tương quan tất yếu giữa con người với Thiên Chúa. Những điều trên đây còn sáng
tỏ hơn nữa đối với những ai chấp nhận khuôn mẫu tối thượng của đời sống con người
là chính luật vĩnh cửu, khách quan và phổ cập của Thiên Chúa. Qua luật này,
Ngài xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như các hướng đi của cộng
đoàn nhân loại trong ý định đầy khôn ngoan và thương mến của Ngài 9*.
Ngài đã cho con người được tham dự vào lề luật của Ngài, để con người, nhờ sự
an bài yêu thương của Thiên Chúa quan phòng, ngày càng có thể nhận biết chân lý
không hề đổi thay 3.
Vì thế, mỗi người đều có bổn phận, và do đó, có quyền tìm kiếm chân lý trong
lãnh vực tôn giáo, để họ dùng những phương tiện thích đáng mà phán đoán đúng đắn
và chân thật theo lương tâm một cách khôn ngoan.
Tuy nhiên phải
tìm kiếm chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con
người, tức là bằng việc tự do tìm kiếm, bằng lời giảng dạy hay giáo huấn, bằng
trao đổi và đối thoại. Nhờ đó, con người bày tỏ cho nhau biết chân lý mà mình
tìm được hay nghĩ là đã tìm được, hầu giúp đỡ lẫn nhau trong việc tìm kiếm chân
lý. Một khi đã tìm thấy chân lý, mỗi người phải tự mình xác nhận và vững mạnh
tin theo.
Thực ra, nhờ
lương tâm, con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của lề luật Chúa. Họ
phải trung thành tuân theo lương tâm ấy trong mọi hoạt động của mình hầu tiến tới
Thiên Chúa là cùng đích. Vì vậy, không ai bị cưỡng bách hành động trái với
lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo tiếng lương tâm nhất là
trong lãnh vực tôn giáo. Vì việc hành đạo, tự bản chất, trước hết ở tại những
hành vi ý chí và tự do bên trong, hướng con người thẳng tới Thiên Chúa. Những
hành vi này không thể bị một quyền bính thuần nhân loại nào ép buộc hay ngăn cản
4.
Ðàng khác, chính bản tính xã hội của con người đòi hỏi phải diễn tả những hành
vi tôn giáo bên trong ra bên ngoài, thông truyền cho nhau trong lãnh vực tôn
giáo, tuyên xưng đạo của mình dưới hình thức cộng đoàn.
Vậy chối bỏ quyền
tự do hành đạo của con người nơi xã hội, trong trường hợp trật tự công cộng vẫn
được bảo đảm, tức là nhục mạ con người và trật tự mà Thiên Chúa đã ấn định cho
con người.
Hơn nữa theo bản
chất, những hành vi tôn giáo nào còn giúp con người tự ý hướng tới Thiên Chúa một
cách riêng tư hay công khai đều vượt trên phạm vi trần thế và thời gian của sự
vật. Bởi vậy, quyền bính dân sự, vì mục đích riêng biệt là phục vụ công ích trần
thế, nên phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo của người công dân. Nhưng
nếu tự ý hướng dẫn hay ngăn cản hành vi tôn giáo, thì quyền bính này phải nói
là đã vượt quá những giới hạn của mình.
4. Tự do của cộng đoàn tôn
giáo. Quyền tự do hay quyền đặc miễn khỏi mọi cưỡng bách trong lãnh vực tôn
giáo được nhìn nhận cho mỗi cá nhân, thì cũng phải được chấp nhận trong khi họ
hành động chung với nhau 10*
vì bản tính xã hội của con người cũng như bản chất của tôn giáo đều đòi phải có
những cộng đoàn tôn giáo.
Vậy, nếu không
phương hại đến những đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng, về pháp lý các cộng
đoàn này phải được tự do 11*
để hoạt động theo những quy luật riêng, công khai phụng thờ Ðấng Tối Cao giúp đỡ
các tín hữu trong việc thực thi đời sống tôn giáo, nuôi dưỡng họ bằng giáo lý,
phát triển các tu hội, trong đó các phần tử cộng tác với nhau để tổ chức đời sống
riêng theo những nguyên tắc tôn giáo của họ.
Các cộng đoàn
tôn giáo cũng có quyền đòi các cơ quan lập pháp, hành pháp dân sự không có quyền
ngăn cản việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các viên chức riêng
của mình, việc liên lạc với giáo quyền và những cộng đoàn tôn giáo ở những nơi
khác trên hoàn cầu, việc thiết lập các cơ sở tôn giáo cũng như thu hoạch và quản
trị những tài sản thích hợp.
Các cộng đoàn
tôn giáo cũng có quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng
lời nói và bằng chữ viết mà không bị cấm cản. Nhưng trong khi truyền bá và đem
thực hành đức tin tôn giáo, phải luôn luôn tránh mọi hành động có tính cách ép
buộc, thuyết phục bất chính hay kém ngay thẳng, nhất là đối với những người chất
phác và nghèo túng. Hành động như thế là lạm dụng quyền lợi của mình và xâm phạm
quyền lợi của người khác.
Ngoài ra, tự do
tôn giáo còn có nghĩa là các cộng đoàn tôn giáo không bị ngăn cản trong việc tự
do biểu lộ các hiệu năng riêng của giáo thuyết mình trong việc tổ chức xã hội
và làm cho toàn thể sinh hoạt nhân loại được sống động. Sau hết, theo bản tính
xã hội của con người, cũng như theo bản chất của tôn giáo, con người có quyền tự
do hội họp hay thành lập những hiệp hội giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội
do cảm thức tôn giáo thúc đẩy.
5. Tự do tôn giáo của gia
đình. Mỗi gia đình, với tư cách là xã hội được hưởng quyền lợi riêng biệt và
tiên quyết, có quyền tự do tổ chức đời sống tôn giáo trong gia đình mình, dưới
sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ cũng có quyền ấn định việc giáo dục cho con cái
theo tôn giáo mình tin tưởng. Vì thế, quyền bính dân sự phải chấp nhận quyền tự
do thực sự của cha mẹ trong việc lựa chọn trường học và những phương tiện giáo
dục khác, và không có quyền vì lẽ được tự do lựa chọn mà bắt họ phải chịu đựng
những gánh nặng bất công dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngoài ra, quyền lợi của
cha mẹ sẽ bị xâm phạm, nếu con cái họ bị cưỡng bách theo học những môn học
không đáp ứng với niềm xác tín về tôn giáo của họ, hay bắt phải theo một lề lối
giáo dục duy nhất hoàn toàn loại bỏ việc giáo dục tôn giáo.
6. Cần quan tâm đến tự do
tôn giáo. Lợi ích chung của xã hội 12*
bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội nhằm giúp con người có thể
tiến tới sự hoàn bị của chính mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Lợi ích ấy hệ
tại đặc biệt vào việc bênh vực những quyền lợi và bổn phận của con người 5.
Vì thế, tùy cách thế riêng, các công dân, đoàn thể xã hội, quyền bính dân sự
cũng như Giáo Hội và các cộng đoàn tôn giáo khác đều có nhiệm vụ lo lắng đến
quyền tự do tôn giáo theo như nhiệm vụ của mình đối với công ích.
Nhiệm vụ thiết yếu
của quyền bính dân sự là bảo vệ và phát huy những quyền lợi bất khả xâm phạm của
con người 6.
Do đó, quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi
công dân bằng những đạo luật chính đáng và những phương tiện thích hợp khác, phải
tạo nên những điều kiện thuận lợi giúp phát triển đời sống tôn giáo. Nhờ đó,
các công dân có thể thực sự hưởng dụng những quyền lợi và chu toàn những nhiệm
vụ đối với tôn giáo, đồng thời xã hội sẽ được hưởng nhờ những lợi ích của công
lý và hòa bình, phát sinh do lòng trung thành con người đối với Thiên Chúa và
thánh ý Ngài 7.
Ðối với những
dân tộc, vì hoàn cảnh riêng, mà đặc biệt chỉ chấp nhận một cộng đoàn tôn giáo
nào đó theo thể chế pháp lý của quốc gia 13*,
thì đồng thời cũng phải nhìn nhận và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đối với tất
cả các công dân và cộng đoàn tôn giáo.
Sau hết, quyền
bính dân sự phải lo liệu sao cho quyền được bình đẳng trên phương diện pháp lý
của các công dân, là quyền liên quan đến công ích xã hội, không bao giờ bị xâm
phạm dù cách công khai hay kín đáo vì những lý do tôn giáo, cũng như phải tránh
mọi sự chia rẽ giữa các công dân.
Do đó, công quyền
không được phép dùng bạo lực, đe dọa hay những phương tiện khác để bắt buộc người
dân phải tuyên xưng hay chối bỏ một tôn giáo nào, hoặc ngăn cản không cho họ
gia nhập hay rời bỏ một cộng đoàn tôn giáo. Công quyền sẽ đi ngược với ý định của
Thiên Chúa và những quyền lợi thiêng liêng của cá nhân cũng như của gia đình
các dân tộc, nếu dùng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào để tiêu diệt hay cấm
đoán một tôn giáo trong toàn thể nhân loại, trong một miền hay một nhóm người
nào đó.
7. Những giới hạn của tự
do tôn giáo. Vì quyền tự do trong lãnh vực tôn giáo được thi hành trong xã hội
loài người, nên việchưởng dụng quyền này cần phải dựa theo một vài quy tắc hướng
dẫn 14*.
Trong khi hưởng
dụng mọi quyền tự do, nguyên tắc luân lý phải tuân giữ là trách nhiệm cá nhân
và đoàn thể: khi hành xử những quyền lợi của mình, cá nhân cũng như đoàn thể,
phải tuân giữ luân lý nghĩa là phải quan tâm đến quyền lợi của ngươì khác, cũng
như những bổn phận của mình đối với tha nhân và lợi ích chung của mọi người. Phải
đối xử với mọi người theo lẽ công bình và tình nhân loại.
Ngoài ra, xã hội
dân sự có quyền tự vệ chống lại những lạm dụng có thể nẩy sinh dưới chiêu bài tự
do tôn giáo. Ðặc biệt, quyền bính dân sự phải bảo lãnh việc tự vệ này. Tuy
nhiên, quyền bính dân sự cũng không được thi hành cách độc đoán hay thiên vị một
phe phái nào, nhưng phải dựa theo những quy tắc pháp lý, phù hợp với trật tự
luân lý khách quan. Những quy tắc ấy cần phải có, để bảo vệ hữu hiệu và dung
hòa được quyền lợi của mọi công dân, bảo đảm đúng mức nền an ninh công cộng
đích thực khả dĩ giúp mọi người sống chung trong công bằng chân chính, và bảo vệ
được nền luân lý chung. Tất cả những điều đó tạo nên phần chính yếu của lợi ích
chung và được gọi là trật tự công cộng 15*.
Ngoài ra, cần phải duy trì tập quán về tự do trọn vẹn trong xã hội, theo đó,
con người phải được tự do đến mức tối đa và chỉ bị hạn chế trong trường hợp khẩn
thiết mà thôi.
8. Huấn luyện con người biết
thực thi tự do tôn giáo. Con người thời đại chúng ta thường bị nhiều áp lực
khác nhau dồn ép và bị đe dọa mất quyền tự do phán đoán theo quan điểm cá nhân.
Ðàng khác, nhiều người dường như có khuynh hướng dựa vào tự do mà chối bỏ mọi sự
lệ thuộc và coi nhẹ việc vâng lời phải lẽ.
Vì thế, Thánh
Công Ðồng Vaticanô này khuyến khích mọi người, nhất là những ai có sứ mạng giáo
dục kẻ khác, hãy cố gắng đào tạo nên những con người biết vâng phục quyền bính
hợp pháp và yêu chuộng sự tự do đích thực trong khi tuân giữ trật tự luân lý.
Hãy cố gắng đào tạo nên những con người biết tự phán đoán các sự việc dưới ánh
sáng chân lý, biết hành động với tinh thần trách nhiệm và cố gắng theo đuổi những
điều chân thật và công bằng, bằng cach tự ý cộng tác với người khác.
Vậy tự do tôn
giáo cũng phải giúp đỡ và hướng dẫn con người để khi chu toàn nhiệm vụ của mình
trong đời sống xã hội, con người sẽ hành động với nhiều ý thức trách nhiệm hơn.
Chú Thích:
4* Ðây là xác
quyết quan hệ và long trọng nhất của toàn văn kiện. Ðoạn này tổng hợp những yếu
tố nòng cốt của văn kiện.
5* Ðối tượng của
quyền tự do tôn giáo không cấu tạo bởi nội dung của những niềm tin tôn giáo; lý
do là vì nếu một niềm tin tôn giáo chứa đựng những yếu tố sai lầm, thì như vậy
có nghĩa là công nhận quyền tuyên xưng điều lầm lạc và quyền làm điều xấu. Ðối
tượng này cũng không thể định nghĩa theo chiều hướng của một khả năng luân lý để
làm một điều gì. Bản văn muốn tránh ý nghĩa ấy để khỏi đề cập tới lý thuyết về
quyền của lương tâm sai lầm.
Vậy đối tượng của
quyền tự do tôn giáo được định nghĩa cách tiêu cực như là một đặc miễn. Sự đặc
miễn khỏi áp lực là một đối tượng chính đáng hoàn toàn phù hợp với phẩm giá con
người. Từ lâu, giáo thuyết công giáo luôn chấp nhận quyền không bị sự cưỡng
bách chi phối. Còn quyền không bị ngăn cản thì mới được chấp nhận ở thời đại hiện
tại.
6* Có một số Nghị
Phụ quan niệm quyền tự do tôn giáo như một quyền công dân thông thường được
phép chấp nhận tùy theo công ích và đặt nền tảng trong một hoàn cảnh lịch sử
xác định nào đó. Nếu hoàn cảnh lịch sử đổi thay, quyền tự do này có thể mất
theo.
2 Xem Gioan
XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 260-261. - Piô XII,
Nuntius radiophonicus, 24-12-1942, AAS 35 (1943), trg 19. - Piô XI, Tđ, Mit
brennender Sorge, 14-3-1937: AAS 29 (1937), trg 160. - Leô XIII, Tđ Libertas
praestantissimum, 20-6-1888; Acta Leonis XIII, 8 (1888), trg 237-238.
7* Lý trí, ý chí
tự do, trách nhiệm luân lý là những yếu tố cấu tạo của con người: chúng là nền
tảng và căn nguyên của tự do tôn giáo. Ðoạn này nhấn mạnh về bản tính con người
cách tổng quát ngay trước khi đi tìm chân lý. Theo đó, quyền đặc miễn này tồn tại
trong mọi người, ngay cả nơi những người không chu toàn bổn phận tìm kiếm chân
lý, vì chưng, họ vẫn giữ nguyên vẹn bản tính có khả năng theo đuổi mục đích
này, và là một bản tính được tạo dựng vì mục đích ấy.
Lý chứng này của
Thánh Công Ðồng có thể được mọi người chấp nhận, ngay cả những người vô tín ngưỡng.
8* Không những
không có mâu thuẫn giữa tự do tôn giáo và bổn phận đi tìm chân lý, mà hơn thế tự
do tôn giáo lại đặt nền tảng trên bổn phận đi tìm chân lý. Ðàng khác chính bổn
phận này đòi hỏi phải có tự do tôn giáo.
9* Lý chứng của
số 7 được Thánh Công Ðồng nhắc lại cách dứt khoát hơn, Ðồng thời, các Nghị Phụ
nhấn mạnh tới tương quan giữa con người với Thiên Chúa là Chân Lý hằng hữu.
Chúng ta đạt được sự hiểu biết về Thiên Chúa và về lề luật của Ngài nhờ việc
tìm kiếm riêng (số 3a), nhờ lời dạy bảo và đối thoại (số 3b), nhất là nhờ mệnh
lệnh của lương tâm (số 3c).
3 Xem T. Tôma,
Summa theologica, I-II, q. 91, a. 1; q. 93, a. 1-2.
4 Xem Gioan
XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 270. - Phaolô VI,
Nuntius radiophonicus, 22-12-1964: AAS 57 (1965), trg 181-182. - T. Tôma, Summa
theologica, I-II, q. 91, a. 4c.
10* Ở đây, Thánh
Công Ðồng đề cập tới lãnh vực chủ thể xã hội. Ngoài cá nhân, chủ thể được hưởng
quyền tự do này còn là những tập thể tôn giáo, được xem như những chủ thể đích
thực và trực tiếp theo luật (số 4). Các gia đình cũng là những chủ thể xã hội
hưởng quyền này.
11* Vì thế, nếu
không có phương hại đến đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng, quyền tự do
tôn giáo phải được bảo vệ nơi các cộng đoàn. Ở những số kế tiếp, các Nghị Phụ ấn
định tầm mức rộng rãi của quyền tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm: 1) đời sống
nội tâm (số 4b,c). - 2) quyền tuyên xưng đức tin cách công khai (số 4d). - 3)
quyền điều hành những hoạt động và qui chế thuộc lãnh vực trần thế theo ánh
sáng giáo lý riêng.
12* Giữa những
quyền lợi của con người mà Quốc gia dân chủ hiện đại có trách nhiệm phải bảo vệ,
bằng cách tạo nên những điều kiện xã hội thích hợp cho việc thi hành những quyền
lợi đó, phải kể cả quyền tự do tôn giáo hiểu theo ý nghĩa của bản Tuyên Ngôn. Như
vậy, Quốc gia tự căn bản, có cùng những nhiệm vụ trong lãnh vực tôn giáo cũng
như đã có đối với các quyền lợi khác của con người.
Do đó, Quốc gia
phải: 1) công nhận và tôn trọng quyền này (số 6c). - 2) bảo vệ bằng pháp luật
(số 6b). - 3) phát huy (số 6b). - 4) hạn chế sự thi hành quyền dó trong trường
hợp những yếu tố căn bản của công ích bị xúc phạm (số 7).
Văn kiện phác họa
một mẫu Quốc gia; dĩ nhiên Quốc gia ấy không được coi như là quốc gia trung lập
hay "ngoại đạo". Ðúng ra đó là một mẫu quốc gia mà người ta gọi là
"trần thế", theo nghĩa không có quyền thẩm định về những giá trị tinh
thần hay về nội dung các tín ngưỡng. Tuy nhiên, Quốc gia đó có bổn phận phải thừa
nhận và tôn trọng các giá trị này; và vì thế cũng phải gắng sức lo liệu cho mọi
công dân khỏi thiếu các phương tiện để vun trồng và thấm nhiễm các giá trị ấy.
5 Xem Gioan
XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 417; n.t, Tđ Pacem
in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 273.
6 Xem Gioan
XXIII, Tđ, Pacem in terris, 11-3-1963: AAS 55 (1963), trg 273-274, Piô XII,
Nuntius radiophonicus, 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 200.
7 Xem Leô XIII,
Tđ Immortale Dei, 1-11-1885: AAS 18 (1885), trg 161.
13* Ở đây, Thánh
Công Ðồng ám chỉ đến những quốc gia theo quốc giáo. Các Nghị Phụ công nhận tính
chất bất hợp pháp của các quốc gia như thế.
Tuy nhiên, cách
nói "về hoàn cảnh riêng" của Công Ðồng cho chúng ta hiểu rằng quốc
giáo chỉ là tình trạng pháp lý do một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định và cá
biệt tạo ra. Vì vậy, các quốc gia đó phải nhận biết những giới hạn cần thiết của
mình.
14* Các Nghị Phụ
đề cập tới bổn phận và giới hạn của quyền bính ở các quốc gia theo quốc giáo.
Ðoạn này rất tế nhị do những lạm dụng có thể xảy ra vì quyền giới hạn này.
Thánh Công Ðồng
đưa ra hai qui luật: qui luật luân lý (số 7b) và qui luật pháp lý (số 7c).
15* Do nhiều Hiến
pháp của các quốc gia tân tiến, và những văn kiện quốc tế gợi ý, Thánh Công Ðồng
nhìn nhận rằng ý niệm "trật tự công cộng" sẽ được xem như là tiêu chuẩn
khách quan cho những can thiệp của quyền bính quốc gia. Trật tự công cộng mà
hình luật qui chiếu, là phần chính yếu của lợi ích chung, phải được đảm bảo sao
cho đời sống xã hội xứng đáng với phẩm giá con người.
Công quyền có
quyền và bổn phận bảo vệ trật tự đó bằng cách cấm đoán và ngăn cản mọi hành vi
phương hại nhiều đến công ích.
Dĩ nhiên, các
Nghị Phụ không muốn nói đến bất cứ một loại trật tự công cộng nào, nhưng là một
trật tự xã hội thích hợp với trật tự luân lý khách quan và đặt nền tảng trên sự
công bình chân thực.
Như thế, chúng
ta nhận thấy rằng, khi nói tới việc đề cao và bảo vệ quyền tự do tôn giáo (số
6), công ích phải được quan niệm rộng rãi hết sức. Thế nhưng, khi phải hạn chế
quyền tự do đó, Thánh Công Ðồng lại đắn đo và để ý tới những yếu tố căn bản của
lợi ích chung đó. Bởi vì, việc đảm bảo và duy trì những yếu tố ấy rất cần thiết
cho đời sống xã hội. Cách cụ thể, chúng ta nhận thấy chính hình luật được soạn
thảo dựa theo trật tự công cộng.
II. Tự Do Tôn Giáo Dưới Ánh Sáng Mạc Khải 16*
9. Giáo lý về tự do tôn
giáo bắt nguồn từ Mạc Khải. Những điều Thánh Công Ðồng Vaticanô nầy tuyên bố về
tự do tôn giáo của con người, được xây dựng trên nhân phẩm, mà nhờ kinh nghiệm
của bao thế hệ, lý trí con người ngày càng thấy rõ những đòi hỏi của nhân phẩm ấy.
Hơn nữa, giáo lý về tự do tôn giáo còn bắt nguồn từ Mạc Khải của Thiên Chúa,
nên người Kitô hữu càng phải thành kính tuân theo. Mặc dầu không minh nhiên xác
nhận quyền tự do khỏi mọi cưỡng bách bên ngoài trong phạm vi tôn giáo, Mạc Khải
cũng đã cho thấy nhân phẩm với toàn thể tầm mức rộng lớn của nó. Mạc Khải còn
chứng tỏ rằng Chúa Kitô đã tôn trọng quyền tự do của con người trong khi họ thi
hành bổn phận tin vào lời Chúa và dạy cho chúng ta biết tinh thần mà những đồ đệ
của một vị Thầy như thế phải nhận biết và tuân theo trong mọi lãnh vực. Tất cả
những điều trên làm sáng tỏ những nguyên tắc chung là những nguyên tắc đặt nền
tảng cho học thuyết về tự do tôn giáo của bản Tuyên Ngôn này. Nhất là tự do tôn
giáo trong xã hội hoàn toàn phù hợp với tự do trong hành vi đức tin Kitô giáo.
10. Hành vi đức tin phải
được tự do. Một trong những điểm chính yếu của học thuyết công giáo, được chứa
đựng trong lời Chúa và hằng được các Giáo Phụ giảng dạy 8,
là con người phải tự ý đáp lại lời Chúa trong đời sống đức tin. Do đó, không ai
bị cưỡng bách phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn 9.
Thật vậy, tự bản chất, hành vi đức tin là một hành vi tự ý, vì dù được Chúa
Kitô, Ðấng Cứu Thế, giải thoát và được mời gọi trở nên dưỡng tử nhờ Chúa Giêsu
Kitô 10,
con người cũng không thể tin theo Thiên Chúa, Ðấng tự mạc khải, nếu sau khi được
Chúa Cha lôi cuốn 11,
họ không tin phục Thiên Chúa trong tự do và hợp lý. Vì vậy, trong lãnh vực tôn
giáo, loại trừ mọi thứ cưỡng bách về phía con người là điều hoàn toàn phù hợp với
bản chất của đức tin. Bởi đó, ý nghĩa tự do tôn giáo sẽ góp phần không nhỏ vào
việc tạo nên hoàn cảnh thuận lợi, trong đó, con người có thể dễ dàng được mời gọi
vào đức tin Kitô giáo, tự ý đón nhận và bày tỏ đức tin ấy một cách nhiệt thành
trong cả cuộc sống.
11. Cách hành động của
Chúa Kitô và các Tông Ðồ. Quả thực Thiên Chúa mời gọi con người phụng thờ Ngài
trong tinh thần và chân lý. Do đó, con người bị ràng buộc nơi lương tâm chứ
không hề bị cưỡng bách. Thực vậy, Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do
chính Ngài tạo nên, phẩm giá ấy phải được hưởng tự do và được hướng dẫn theo
phán đoán của chính con người. Ðiều này hoàn toàn nổi bật nơi Chúa Kitô, nơi
Người, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và những đường lối của mình một cách
trọn hảo 17*.
Quả thật, Chúa Kitô là Thầy và là Chúa chúng ta 12,
chính Người là Ðấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng 13,
nên Người đã kiên nhẫn lôi kéo và mời gọi các môn đệ 14.
Quả thật, người đã trợ giúp và chứng thực lời giảng thuyết của Người bằng những
phép lạ để khơi dậy và củng cố lòng tin của những thính giả chứ không phải tạo
áp lực cưỡng ép họ 15.
Thực sự Người đã quở mắng những thính giả cứng lòng tin, nhưng Người dành quyền
luận phạt cho Thiên Chúa trong ngày thẩm phán 16.
Khi sai các Tông
Ðồ đi khắp thế gian, Người phán: "Ai tin và chịu phép Rửa Tội thì sẽ được
rỗi, còn ai không tin sẽ bị đoán phạt" (Mc 16,16). Khi nhận thấy cỏ lùng
được gieo lẫn vào lúa, chính Người đã dạy: cứ để cả hai cùng mọc lên cho đúng
mùa gặt sẽ xảy ra khi thời gian viên mãn 17.
Vì không muốn là một Ðấng Thiên Sai làm chính trị, dùng sức mạnh để cai trị 18,
nên Người thích tự xưng là Con Người, đến "để phục vụ và hiến mạng sống
mình làm giá chuộc muôn dân" (Mc 10,45). Người đã tỏ ra là một Tôi Tớ hoàn
hảo của Thiên Chúa 19,
"Người sẽ chẳng bẻ gẫy cây sậy đã giập, chẳng tắt ngọn đèn đang tàn"
(Mt 12,20). Người đã thừa nhậnquyền bính dân sự và những quyền lợi liên hệ, Người
đã truyền phải nộp thuế cho Caesar, đồng thời Người dạy bảo một cách rõ ràng phải
tuân giữ những quyền tối thượng của Thiên Chúa: "Của Caesar hãy trả cho
Caesar, còn của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" (Mt 22,21). Sau cùng,
Người đã hoàn tất việc mạc khải khi chu toàn công cuộc cứu chuộc trên thập giá,
nhờ đó Người đã đem lại cho con người ơn cứu rỗi, và sự tự do đích thực.
Người đã làm chứng
cho chân lý 20.
Nhưng Người không muốn dùng sức mạnh để bắt buộc những kẻ đối lập phải tin
theo. Quả thức, Nước Người được bảo vệ không phải do bạo lực 21,
nhưng được bền vững do việc làm chứng và đón nghe chân lý, được bành trướng nhờ
tình yêu, tình yêu mà Chúa Kitô khi bị treo trên thập giá đã kéo mọi sự đến với
Người 22.
Các Tông Ðồ được
Chúa Kitô dùng lời nói và gương sáng dạy bảo cũng đã đi theo con đường ấy. Từ
thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ Chúa Kitô đã không dùng hành động áp bức và
những mưu mô bất xứng với Phúc Âm, nhưng trước hết, các ngài đã dùng sức mạnh của
lời Chúa để dẫn đưa con người trở về tin nhận Chúa Kitô 23.
Các ngài đã mạnh dạn loan truyền cho mọi người biết ý định của Thiên Chúa Cứu
Chuộc, "Ðấng muốn cho hết mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân
lý" (1Tim 2,4). Nhưng đồng thời các ngài cũng tôn trọng những người yếu đuối,
mặ dù họ đang sống trong lầm lạc và tỏ cho họ biết "mỗi người chúng ta đều
phải trả lẽ trước nhan Thiên Chúa" như thế nào (Rm 14,12) 24
và phải hết sức tuân theo lương tâm mình. Cũng như Chúa Kitô, các Tông Ðồ luôn
chú tâm làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, các ngài còn thừa
can đảm rao giảng "lời Chúa với lòng tin tưởng" (CvSđ 4,31) trước mặt
dân chúng và các nhà cầm quyền 25.
Các ngài xác tín rằng chính Phúc Âm thực là sức mạnh Thiên Chúa nhằm cứu rỗi mọi
kẻ tin theo 26.
Vì thế, từ khước
mọi "khí giới nhục thể" 27,
noi gương hiền lành và khiêm nhượng của Chúa Kitô, các ngài đã rao giảng lời
Chúa với tất cả lòng tin tưởng vào sức mạnh thần linh của lời ấy, để phá tan mọi
quyền lực chống lại Thiên Chúa 28,
giúp mọi người trở về đức tin và vâng phục Chúa Kitô 29.
Cũng như Thầy mình, các Tông Ðồ đã nhìn nhận chính quyền hợp pháp: "Mọi
người hãy tùng phục quyền trên. Ai chống đối quyền bính tức chống lại mệnh lệnh
Thiên Chúa" (Rm 13,1-2) 30.
Ðồng thời, các ngài cũng không sợ phải phản đối công quyền khi công quyền phản
lại thánh ý Thiên Chúa: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn người ta" (CvSđ
5,29) 31.
Trải qua mọi thế hệ và khắp mọi nơi trên trái đất, biết bao vị tử đạo và tín hữu
đã đi theo con đường ấy.
12. Giáo Hội theo chân
Chúa Kitô và các Tông Ðồ. Vì vậy, trung thành với chân lý Phúc Âm Giáo Hội noi
theo con đường của Chúa Kitô và của các Tông Ðồ, khi nhìn nhận và bênh vực quan
điểm tự do tôn giáo như một quan điểm phù hợp với phẩm giá con người và những
gì Thiên Chúa đã mạc khải. Qua dòng thời gian, Giáo Hội vẫn duy trì và truyền dạy
giáo thuyết đã nhận lãnh nơi Thầy Chí Thánh và các Tông Ðồ. Mặc dầu đời sống của
Dân Thiên Chúa, trải qua những cuộc thăng trầm của lịch sử nhân loại lữ thứ, một
đôi khi cũng có những phương cách hành động ít thích hợp, hay hơn nữa trái với
tinh thần Phúc Âm, tuy nhiên giáo lý Giáo Hội luôn dạy rằng không ai cưỡng ép
phải tin.
Men Phúc Âm đã
hoạt động lâu dài trong các tâm hồn và giúp nhiều cho con người đến nỗi, qua
dòng thời gian, con người nhận biết sâu xa hơn về phẩm giá của mình, và xác tín
thêm rằng trong lãnh vực tôn giáo, con người trong xã hội phải được bảo đảm
thoát khỏi mọi cưỡng bách do loài người.
13. Tự do của Giáo Hội.
Trong số những điều có liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, và ngay cả đến lợi
ích của xã hội trần thế, những điều cần phải được tôn trọng mọi nơi và mọi đời
cũng như phải được bảo vệ khỏi mọi bất công, thì chắc chắn điều quan trọng nhất
là Giáo Hội phải được toàn quyền tự do hành động tương xứng với việc đem ơn cứu
rỗi cho mọi người 32.
Vì thế chính sự tự do này là linh thiêng, sự tự do mà Con Một Thiên Chúa đã
trang điểm cho Giáo Hội, một Giáo Hội được mua chuộc bằng chính Máu Người 18*.
Sự tự do ấy là của riêng Giáo Hội cho nên những ai chống báng tự do này tức là
chống lại ý định Thiên Chúa. Quyền tự do của Giáo Hội là nguyên tắc căn bản cho
mọi liên lạc giữa Giáo Hội và chính quyền cũng như toàn thể cơ cấu dân sự.
Trong xã hội
loài người và đối với bất cứ công quyền nào, Giáo Hội đòi cho mình quyền tự do
với tư cách mình là một quyền bính thiêng liêng do Chúa Kitô thiết lập, và thừa
lệnh Thiên Chúa, đã lãnh nhiệm vụ đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo
vật 33.
Giáo Hội cũng đòi cho mình quyền tự do vì Giáo Hội cũng là một xã hội gồm những
người có quyền sống trong xã hội dân sự theo những giới luật của đức tin Kitô
giáo 34.
Thế nên, nơi nào
thể chế tự do tôn giáo thịnh hành, nghĩa là không những được công bố bằng lời
nói hay được phê chuẩn qua các đạo luật nhưng còn được đem ra thực hành cách
thành thực, thì ở đó Giáo Hội mới tìm được những điều kiện vững chắc, trên
nguyên tắc cũng như trong thực hành, khả dĩ bảo đảm sự độc lập cần thiết hầu
chu toàn sứ mệnh của Thiên Chúa, và giao quyền càng ngày càng tha thiết đòi hỏi
phải có sự độc lập này trong xã hội 35.
Ðồng thời các Kitô hữu cũng như các người khác đều được hưởng quyền công dân để
không bị ngăn cản hành động theo lương tâm trong đời sống của mình. Như thế, tự
do của Giáo Hội luôn hòa hợp với tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo này phải được
coi là quyền lợi của mọi người và của mọi cộng đoàn và phải được chấp nhận
trong thể chế pháp lý.
14. Sứ mệnh của Giáo Hội.
Ðể vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa: "Hãy dạy dỗ muôn dân" (Mt
28,19). Giáo Hội Công Giáo phải làm việc không quản khó nhọc: "để lời Chúa
được lan rộng và sáng tỏ" (2Th 3,1).
Vì thế, Giáo Hội
tha thiết xin các con cái mình, trước hết "hãy van nài, cầu nguyện, khẩn
khoản và tạ ơn cho hết mọi người... Ðó là điều tốt đẹp và hợp tôn ý Thiên Chúa,
Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Ðấng muốn cho hết mọi người được cứu rỗi và nhận biết
chân lý" (1Tm 2,1-4).
Tuy nhiên, trong
việc huấn luyện lương tâm, các Kitô hữu phải luôn chú trọng đến giáo lý thánh
thiện và vững chắc của Giáo Hội 36.
Thật vậy, theo ý định của Chúa Kitô, Giáo Hội Công Giáo là thầy dạy chân lý và
có nhiệm vụ loan báo và truyền dạy chân lý là Chúa Kitô một cách chính thức, đồng
thời phải lấy uy quyền mình mà công bố và xác nhận những nguyên tắc thuộc phạm
vi luân lý, phát sinh tự bản tính con người. Ngoài ra, các Kitô hữu phải khôn
ngoan tiếp xúc với những người ngoài Kitô giáo, "trong Chúa Thánh Thần,
trong đức ái không giả dối, trong lời chân thật" (2Cor 6,6-7). Phải cố gắng
tỏa ánh sáng sự sống với tất cả lòng tin tưởng vững chắc 37
và lòng can đảm của người tông đồ, cho dù phải đổ máu.
Bởi thế, mỗi một
môn đệ đều có bổn phận quan trọng đối với Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh của mình,
là phải luôn luôn tìm cách thấu hiểu chân lý mà Người đã trao ban, phải trung
thành loan truyền và can đảm bảo vệ, nhưng không được dùng những phương tiện
trái với tinh thần Phúc Âm. Nhưng đồng thời, vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, họ
hãy lấy tình thương, sự khôn ngoan và lòng kiên nhẫn để đối xử với những kẻ còn
sống trong lầm lạc hoặc chưa nhận biết đức tin 38.
Vì vậy, phải quan tâm đến những bổn phận đối với Chúa Kitô, là Ngôi Lời ban sự
sống phải được loan truyền; đồng thời, phải chú ý đến những quyền lợi của con
người cũng như đến mức độ ơn thánh mà Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô ban cho những
ai được mời gọi để tự ý nhận lãnh và tuyên xưng đức tin.
15. Kết luận. Hẳn nhiên phải
công nhận là thời nay con người khát mong được tự do tuyên xưng tôn giáo mình một
cách riêng tư cũng như công khai 19*.
Hơn nữa, họ còn muốn tự do tôn giáo phải được hầu hết các hiến pháp công bố như
một dân quyền và phải được các văn kiện quốc tế long trọng chấp nhận 39.
Tuy nhiên, có
nhiều chế đọ, mặc dù đã chấp nhận quyền tự do phụng tự nơi Hiến Pháp, nhưng
chính các cơ quan công quyền lại luôn tìm cách bắt người dân phải xa lìa tôn
giáo họ tin theo và làm cho đời sống các cộng đoàn tôn giáo trở nên vô cùng bấp
bênh và gặp nhiều trở ngại.
Trong niềm hân
hoan chào đón những dấu hiệu tốt đẹp của thời đại này, nhưng đồng thời cũng phải
đau lòng nói lên những sự kiện đáng tiếc, Thánh Công Ðồng khuyên nhủ những người
công giáo và nài xin tất cả mọi người hãy để ý xem quyền tự do tôn giáo cần thiết
như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình nhân loại.
Quả thực, người
ta nhận thấy rằng mọi dân tộc ngày càng hiệp nhất với nhau hơn và mọi người
ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, dù có khác biệt nhau về văn hóa và
tín ngưỡng. Sau cùng, người ta cũng nhận thấy mỗi cá nhân ý thức hơn về trách
nhiệm mình. Do đó, để thiết lập và củng cố giữa nhân loại mối tương giao ôn hòa
và thuận hảo, điều cần thiết là khắp nơi trên hoàn cầu, tự do tôn giáo phải được
bảo vệ nhờ sự hỗ trợ hữu hiệu của luật pháp, cũng như những bổn phận và quyền lợi
tối thượng của con người trong việc sống đạo giữa xã hội phải được tôn trọng.
Ước mong Thiên
Chúa cũng là Cha mọi người, làm cho gia đình nhân loại sau khi đã cẩn thận tuân
giữ thể chế tự do tôn giáo trong xã hội, được đạt tới tự do cao cả vĩnh cửu
"dành cho vinh quang con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21), nhờ ơn sủng Chúa
Kitô và quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Tất cả và từng
điều đã được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng
chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả
kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những
gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả
sáng.
Roma, tại Ðền
Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám
Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ
ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
16* Tự do tôn
giáo theo nghĩa chuyên môn là một khái niệm pháp lý đặc thù ở thời đại chúng
ta. Khái niệm này không được nói rõ trong Mạc Khải, nhưng nó bắt nguồn và được
minh chứng từ đó; thực vậy giáo thuyết này đặt nền tảng trên nhân phẩm con người,
một nhân phẩm chỉ được hiểu trọn vẹn nhờ ánh sáng Mạc Khải.
8 Xem Lactantiô,
Divinarum Institutionum, c V, 19: CSEL 19, trg 463-464; Pl 6,614 và 616 (ch
20). - T. Ambrosiô, Epistola ad Valentianum Imp, Ep 21: Pl 16, 1005. - T Augustinô,
Contra litteras Petiliani, c. II, ch. 83: CSEL 52, trg 112; PL43, 315. - Xem C.
23, vấn đề 5, ch 33 (x.b. Friedberg, cột 939). - N.t. Epist. 23: PL 33, 98. -
N.t, Epist. 34: PL33, 132. - N.t. Epist 35: PL 33, 135. - T. Gregoriô cả,
Epistola ad Virglitum et Theodorum episcopos Massiliae Galliarum, Registrum
Epistolarum, I, 45: MGH Epist, 1, trg 72: PL 77, 510-511 (c I, thư 47). - N.t.
Epistola ad Joannem Episcopum Constantinopplitanum, Registrum, Epistolarum,
III, 52: MGH Epist, I trg 210; PL 77, 649(c III, thư 33). - Xem D 45, ch 1
(x.b. Friedberg cột 160). - CÐ Tolet IV, ch 57; Mansi 10,633. - Xem D. 45, ch.
5 (x.b. Friedberg, cột 161-162). - Clémentê III, X, V, 6,9 (x.b. Friedberg, cột
774), Innocentiô III, Epistola ad Arelatensem Archiepiscopum, X, III, 42, 3
(x.b. Friedberg, cột 646).
9 Xem CIC, kh.
1351. - Piô XII, Huấn từ cho các Vị Cao Cấp cũng như các viên chức và tòng sự
khác của Tòa Thượng Thẩm Roma, 6-10-1946: AAS 38 (1946), trg 394. - N.t. Tđ,
Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 243.
10 Xem Eph 1,5.
11 Xem Gio 6,44.
17* Chúng ta có
thể ngạc nhiên khi thấy Thánh Công Ðồng không đề cập gì tới Cựu Ước. thực ra,
có nhiều yếu tố của Cựu Ước đã được rút ra làm điểm tựa cho giáo thuyết của
Tuyên Ngôn. Tuy nhiên Thánh Công Ðồng không đem vào bản văn những chi tiết trực
tiếp liên quan tới tình trạng lịch sử rõ ràng của Do Thái.
Thánh Công Ðồng
nhắc đến phương cách hành động của chính Chúa Kitô và của các tông đồ qua hai
khía cạnh: về sự tôn trọng lương tâm và sự tự do đón nhận đức tin; về hai quyền
bính cũng như hai phạm vi thẩm quyền riêng biệt. Chúng ta có thể nghĩ đúng rằng,
sự phân biệt giữa hai quyền bính này, trên bình diện lịch sử là động lực quyết
định cho sự xuất hiện của lương tâm và của đòi hỏi tự do để được xem như quyền
lợi trong lãnh vực tôn giáo.
12 Xem Gio
13,13.
13 Xem Mt 11,29.
14 Xem Mt
11,28-30; Gio 6,67-68.
15 Xem Mt
9,28-29; Mc 9,23-24; 6,5-6. - Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964, AAS 56
(1964), trg 642-643.
16 Xem Mt
11,20-24; Rm 12,19020; 2Th 1,8.
17 Xem Mt 13,30
và 40-42.
18 Xem Mt
4,8-10; Gio 6,15.
19 Xem Is
42,1-4.
20 Xem Gio
18,37.
21 Xem Mt
26,51-53; Gio 18,36.
22 Xem Gio
12,32.
23 Xem 1Cor
2,3-5; 1Th 2,3-5.
24 Xem Rm
14,1-23; 1Cor 8,9-13; 10,23-33.
25 Xem Eph
6,19-20.
26 Xem Rm 1,16.
27 Xem 2Cor
10,4; 1Th 5,8-9.
28 Xem Eph
6,11-17.
29 Xem 2Cor
10,3-5.
30 Xem 1P
2,13-17.
31 Xem CvSđ
4,19-20.
32 Xem Leô XIII,
Thư Officio sanctissimo, 22-12-1887), AAS 20 (1887) trg 269. - N.t. Thư Ex
litteris, 7-4-1887: AAS 19 (1886), trg 465.
18* Nhờ sứ mệnh
của Chúa Kitô trao phó, Giáo Hội có thêm danh hiệu độc quyền và thánh thiện
trong việc đòi hỏi tự do tôn giáo. Dưới khía cạnh thiêng liêng này, đặc quyền
này thuộc về Giáo Hội và duy nhất cũng như trước nhất cho Giáo Hội mà thôi.
Nhưng nếu xét theo nội dung của quyền tự do này thì chắc chắn quyền của Giáo Hội
cũng là quyền lợi của mọi người về tự do tôn giáo.
33 Xem Mc 16.15;
Mt 28,18-20. - Piô XII, Tđ Summi Pontificatus, 20-10-1939: AAS 31 (1939), trg
445-446.
34 Xem Piô XII,
Thư Firmissimam Constantiam, 28-3-1937: AAS 29 (1937), trg 196.
35 Xem Piô XII,
Huấn từ Ci riesce, 6-12-1953: AAS 45 (1953), trg 802.
36 Xem Piô XII,
Nuntius radiophonicus, 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 270-278.
37 Xem CvSđ
4,29.
38 Xem Gioan
XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 299-300.
19* Sau khi đã
nói với con cái mình (số 14), Thánh Công Ðồng trong bản Tuyên Ngôn muốn lên tiếng
với hết mọi người, nghĩa là với lớp thính giả mà Giáo Hội đã mong ước nhắm tới
ngay từ đầu.
39 Xem Gioan
XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 295-296.
Phụ Lục
Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng
I. Một Vài Khái Niệm Về Các Công Ðồng
A. Ðịnh Nghĩa
Công Ðồng:
Công Ðồng là gì?
Ðó là câu hỏi mà thiết tưởng cần được trả lời trước hết.
Một cách tổng
quát Công Ðồng là một hội nghị gồm các Giám Mục cùng một số chức vị trong Giáo
Hội chính thức nhóm họp với mục đích bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc
giáo lý hoặc qui luật của Giáo Hội.
Có những cấp bậc
Công Ðồng khác nhau, được kể trong hai loại tổng quát: Công Ðồng phổ quát và
Công Ðồng riêng. Công Ðồng phổ quát còn được gọi là Công Ðồng Chung. Theo pháp
chế hiện hành của Giáo Hội, Công Ðồng Chung là một hội nghị toàn thể các Giám Mục
của Giáo Hội, được triệu tập do và dưới thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng. Từ ngữ
"chung" được dịch từ một tỉnh từ Hy Lạp mang ý nghĩa "thuộc về mọi
phần đất có người ở": nghĩa là chỉ toàn thể thế giới.
Trước Công Ðồng
Vaticanô II, chỉ có những Giám Mục tông tòa mới có quyền tham dự Công Ðồng
Chung. Nhưng ngày nay, Sắc lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục xác định lại: "Thánh
Công Ðồng chế định: mọi Giám Mục đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung, vì là
thành phần của cộng đoàn Giám Mục" (GM 4). Thứ đến, được gọi là Công Ðồng
riêng, một hội nghị gồm các Giám Mục của khu vực nào đó trong Giáo Hội. Công Ðồng
riêng được gọi là Ðại Công Ðồng, nếu hội nghị gồm các Giám Mục của nhiều giáo tỉnh
khác nhau, dưới quyền chủ tọa của Sứ Thần Tòa Thánh. Nếu chỉ có các Giám Mục của
một giáo tỉnh, dưới quyền chủ tọa của Tổng Giám Mục hay một Giám Mục thâm niên
công vụ, thì Công Ðồng được gọi là Công Ðồng tỉnh. Ngoài ra, chúng ta còn có thể
kể thêm vài loại khác như Công Ðồng toàn quốc, Công Ðồng toàn miền, v.v...
Chúng ta còn thấy
có những hội nghị Giám Mục khác, chẳng hạn như các thượng hội đồng. Thượng hội
đồng giáo phận được dùng để chỉ những phiên họp của vị Giám Mục giáo phận với
hàng giáo sĩ của mình. Còn thượng hội đồng Giám Mục là một hội nghị, được thành
lập ngay sau Công Ðồng Vaticanô II, gồm những Giám Mục được chọn trong số các
Giám Mục toàn thế giới, do chính Ðức Giáo Hoàng triệu tập, với mục đích cùng
tìm hiểu và cố vấn cho Ngài trong những vấn đề có tính cách thời sự của Giáo Hội.
B. Thẩm quyền của
Công Ðồng:
Công Ðồng giữ thẩm
quyền tối thượng trong Giáo Hội. Nền tảng này dựa vào chính ý muốn của Chúa
Kitô là Ðấng đã ban quyền cho các Tông Ðồ và những người kế vị các Ngài, để dạy
dỗ và điều khiển Giáo Hội.
Công Ðồng Chung
là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Thực ra, đó chính là
Giám Mục Ðoàn qui tụ về một nơi. Những sắc lệnh giáo lý của Công Ðồng này giữ một
giá trị giáo thuyết rất cao: với một vài điều kiện, chúng thành bất khả ngộ.
Những sắc lệnh
Công Ðồng có thể chia làm hai loại: giáo lý hoặc qui luật. Sắc lệnh về qui luật
đề cập đến luật lệ, tập quán, nghi lễ v.v... Sắc lệnh về giáo lý nhằm ngay đến
giáo lý mạc khải, làm sáng tỏ những điểm còn nghi ngờ, xác quyết những chân lý
bị lạc giáo chối từ v.v... Vì thế, trong những sắc lệnh về loại này, chúng ta
thấy có những "định thức". Gọi là định thức, những công thức ngắn về
một điểm của giáo lý, hoặc xác quyết một chân lý, hoặc lên án một lạc giáo, và
kết thúc bằng phán quyết "tuyệt thông". Giáo lý ở các định thức thuộc
về tín điều: chối bỏ sẽ bị liệt vào hàng lạc giáo.
C. Các Công Ðồng
trong lịch sử:
Trước hết chúng
ta nói đến Công Ðồng "Giêrusalem". Ðó là cuộc hội nghị của các Tông Ðồ
và những môn đồ khác, vào khoảng năm 48-50 (x. CvSđ 15). Giáo Hội sơ khai đã bắt
đầu tổ chức hội nghị công đồng rất sớm, vì thực sự đó chính là sự thể hiện tính
cách cộng đoàn của Giám Mục. Ngay trước thời kỳ thanh bình dưới đời vua
Constantinô, đầu thế kỷ thứ IV, cũng đã có Công Ðồng Elvira (Tây Ban Nha), nổi
tiếng trong quyết nghị công bố luật độc thân giáo sĩ. Sau đó, do lệnh vua
Constantinô, Công Ðồng Arles (Pháp) được nhóm họp để chống lại lạc giáo Ðonatô.
Cũng chính vị Hoàng Ðế này triệu tập Công Ðồng Chung thứ nhất ở Nicea (Nikaia)
vào năm 325.
Bảy Công Ðồng
Chung đầu tiên đã có một thẩm quyền đặc biệt: ngày nay Giáo Hội Ðông Phương và
Tây Phương cũng như nhiều người Tin Lành đều nhìn nhận. Tất cả bảy Công Ðồng đó
đều được triệu tập do hoàng đế (hay nữ hoàng) chứ không do Ðức Giáo Hoàng: và
đôi khi chống lại Ðức Giáo Hoàng, như Công Ðồng Chung thứ II thành
Constantinopla. Thẩm quyền của những Công Ðồng Chung đó dựa vào sự chấp nhận của
Giáo Hội phổ quát, bởi Giáo Hội nhìn thấy ở đó sự phản chiếu trung thành của Mạc
Khải. Sau đây là danh sách:
1. Công Ðồng
Nicea (Nikaia) năm 325: thành phần tham dự gồm khoảng 300 Giám Mục Ðông Phương,
4 Giám Mục Tây Phương, với 2 linh mục Roma giữ chức vụ sứ thần cho Ðức Giáo
Hoàng Silvester I. Công Ðồng lên án lạc giáo Ariô, và định tín rằng Ngôi Lời đồng
bản tính với Ðức Chúa Cha.
2. Công Ðồng
Constantinopla I, năm 381: do Hoàng Ðế Theođosiô triệu tập. Khoảng 186 Giám Mục
Ðông Phương tham dự. Không có một Giám Mục Tây Phương nào. Ðức Giáo Hoàng Ðamasô
không được phép chủ tọa. Công Ðồng lên án lạc giáo Maceđôniô, và tuyên bố thiên
tính của Chúa Thánh Thần.
3. Công Ðồng
Êphesô, năm 431: do Hoàng Ðế Theođosiô II triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng
250 Giám Mục Ðông Phương, 1 Giám Mục Tây Phương và 1 phó tế thành Carthagô,
cùng với 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Celestinô I (2 Giám Mục và 1 linh mục).
Công Ðồng lên án 2 thủ lãnh lạc giáo: Nestoriô và Pelagiô. Công Ðồng tuyên bố Ðức
Maria là Mẹ Thiên Chúa, và xác định sự Ngôi hiệp nơi Chúa Kitô.
4. Công Ðồng
Calceđonia (Khalkedon), năm 451. Hoàng Ðế Marcianô đứng ra triệu tập. Thành phần
tham dự: có lẽ khoảng 600 Giám Mục Ðông Phương, 2 Giám Mục Phi Châu và 3 Sứ thần
của Ðức Giáo Hoàng Lêô I (2 Giám Mục và 1 linh mục). Công Ðồng lên án thủ lãnh
lạc giáo Eutiches, và tuyên bố Chúa Kitô có một ngôi vị và hai bản tính.
5. Công Ðồng
Constantinopla II, năm 553, do Hoàng Ðế Giustinianô I triệu tập. Thành phần
tham dự: khoảng 150 Giám Mục Ðông Phương, 8 Giám Mục Phi Châu. Ðức Giáo Hoàng
Vigiliô không muốn tham dự (mặc dầu Ngài có mặt ở Constantinopla cùng với 16
Giám Mục La tinh). Công Ðồng lên án "Ba Giảng Thuyết" tức các tác giả:
Origenes, Theođoretô và Ibas.
6. Công Ðồng
Constantinopla III, năm 680. Thành phần tham dự: 165 Giám Mục Ðông Phương, 6
Giám Mục Tây Phương, và 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Agathon (2 linh mục và 1
phó tế). Công Ðồng lên án lạc giáo nhị-tính-nhất-ý và dạy rằng Chúa Kitô có 2 ý
chí.
7. Công Ðồng
Nicea II (Nikaia), năm 787. Hơn 300 Giám Mục Ðông Phương và 2 Sứ thần của Ðức
Giáo Hoàng Hadrianô I (1 linh mục hạt trưởng và 1 linh mục) tham dự. Công Ðồng
lên án phái chủ trương bác bỏ việc tôn kính ảnh tượng.
Ðối với 7 Công Ðồng
vừa kể trên, người ta không đặt vấn đề nghi ngờ về giá trị. Nhưng với Công Ðồng
thứ 8 mà chúng ta sắp nói đến, có nhiều bất đồng ý kiến.
8. Công Ðồng
Constantinopla IV: Theo Công Giáo, Công Ðồng được nhóm họp năm 870, do Hoàng Ðế
Basiliô triệu tập, có 102 Giám Mục Ðông Phương, 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng
Hađrianô II (2 Giám Mục và 1 phó tế). Công Ðồng lên án Ðức Thượng Phụ Photios.
Nhưng theo Giáo Hội Ðông Phương, Công Ðồng này đã bị Công Ðồng năm 880 hủy bỏ,
và đây mới thực là Công Ðồng Chung giá trị.
Sau đây chúng ta
sẽ kể đến những Công Ðồng nhóm họp ở Tây Phương; không có Giáo Hội Ðông Phương
tham dự, trừ ở hai Công Ðồng Lyon và Firenze (Florentinô).
9. Công Ðồng
Lateranô I, năm 1123. Ðức Giáo Hoàng Callitô II triệu tập, và gồm 300 Giám Mục
Tây Phương tham dự. Công Ðồng bàn luận về vấn đề "ban chức".
10. Công Ðồng
Lateranô II, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô II triệu tập vào năm 1139. Khoảng
1,000 nhân vật tham dự. Công Ðồng lên án các giáo phái ly khai, và đề cập tới vấn
đề qui luật.
11. Công Ðồng
Lateranô III, năm 1179, do Ðức Giáo Hoàng Alexanđrô III triệu tập. 300 Giám Mục
và 400 giáo sĩ tham dự. Công Ðồng bàn về việc bầu Giáo Hoàng, và lên án lạc
giáo Albigenses (hoặc Cathari).
12. Công Ðồng
Lateranô IV, năm 1215, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô III triệu tập. Thành phần
tham dự: 412 Giám Mục và 388 giáo sĩ. Công Ðồng lên án lạc giáo Albigeois, và
các lạc giáo do P. de Vaux và do Joachim khởi xướng.
13. Công Ðồng
Lyon I, năm 1245, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô IV triệu tập, với sự tham dự của
140 Giám Mục và nhiều giáo sĩ. Công Ðồng cách chức Hoàng đế Frederic II.
14. Công Ðồng
Lyon II, năm 1274, do Ðức Giáo Hoàng Gregoriô X triệu tập. Thành phần tham dự:
khoảng 500 Giám Mục và 570 giáo sĩ (có Thánh Tôma và Thánh Bonaventura) với
Hoàng Ðế Ðông Phương Michael Paleologô. Công Ðồng bàn luận về vấn đề hiệp nhất
giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương.
15. Công Ðồng
Vienne, năm 1321, do Ðức Giáo Hoàng Clementê V triệu tập. Người ta không rõ
thành phần tham dự: có người cho là 114, người khác bảo 300. Công Ðồng hủy bỏ
dòng tu Ðền Thờ và lên án lạc giáo do Lambert de Bègue chủ xướng.
16. Công Ðồng
Constance, từ năm 1414 đến 1418, do Hoàng Ðế Segismunđô triệu tập, với sự tham
dự của 32 Hồng Y, 183 Giám Mục, 100 linh mục và 350 giáo sĩ. Công Ðồng bãi nhiệm
3 Ðức Giáo Hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây
Phương, lên án Wiclef và Huss. Sau hết, Công Ðồng chọn Giáo Hoàng Martinô V.
17. Công Ðồng
Firenze, từ năm 1438 đến 1445, do Ðức Giáo Hoàng Eugentiô IV triệu tập. Ðều
tiên Công Ðồng nhóm ở Basel, sau rời về Ferrara và cuối cùng ở Firenze. Thành
phần tham dự: 150 Giám Mục Tây Phương, với 30 Giám Mục Ðông Phương. Các Giám Mục
tham dự ký một bản công thức hiệp nhất.
18. Công Ðồng
Lateranô V, năm 1512-1517, do Ðức Giáo Hoàng Giuliô II triệu tập, gồm 115 Giám
Mục Tây Phương. Công Ðồng bàn về vấn đề canh tân Giáo Hội và lên án những nhà
tân thuyết Aristoteles (Neo-aristotelismô).
19. Công Ðồng
Triđen, từ năm 1545 đến 1563, do Ðức Giáo Hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc đầu
70 Giám Mục tham dự và lúc cuối có 252 Giám Mục, với nhiều giáo sĩ khác. Công Ðồng
lên án giáo phái Tin Lành và tuyên bố nhiều định tín khác. Công Ðồng ra lệnh
canh tân Giáo Hội.
20. Công Ðồng
Vaticanô I, năm 1870, do Ðức Giáo Hoàng Piô IX triệu tập, với sự tham dự của
747 Giám Mục. Công Ðồng lên án thuyết duy lý và thuyết chủ trương Giáo Hội Pháp
độc lập. Công Ðồng tuyên bố tính cách bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng.
21. Công Ðồng
Vaticanô II, do Ðức Gioan XXIII triệu tập và kết thúc ở thời Ðức Phaolô VI.
Ngoài những Công
Ðồng Chung kể trên, chúng ta biết còn có nhiều Công Ðồng riêng ảnh hưởng lớn
lao trong Giáo Hội, như Công Ðồng Cathagô (do Thánh Cyprianô khởi xướng năm
256) và Công Ðồng Toleđô. Trong thời Trung Cổ, các Công Ðồng và Thượng Hội Ðồng
được triệu tập rất thường.
II. Công Ðồng Vaticanô II
A. Vaticanô II,
một ý nghĩ cá nhân của Ðức Gioan XXIII:
Nguồn tin Ðức
Giáo Hoàng Gioan XXIII loan báo triệu tập Công Ðồng đã làm cho toàn thế giới ngạc
nhiên; hầu như không một ai chờ đón và nghĩ tới sự kiện đó. Lúc đó là ngày 25
tháng Giêng năm 1959. Ðức Giáo Hoàng và một vài Hồng Y đến tham dự một nghi lễ
tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô ngoại thành. Sau buổi lễ, trong một
phòng khách của tu viện cạnh thánh đường, khi ngỏ lời với các Hồng Y, Ðức Thánh
Cha nói Ngài đã có ý định triệu tập một Công Ðồng Chung, một Thượng Hội Ðồng
giáo phận Roma và muốn cải tổ giáo luật.
Lúc đó, người ta
bắt đầu nói đến một "Công Ðồng Hiệp Nhất" mọi Kitô hữu; thực vậy
chính Ðức Thánh Cha muốn Công Ðồng trở thành một lời mời gọi đến hiệp nhất.
Cũng ngày 25 tháng Giêng năm 1959, Ðức Gioan XXIII bế mạc tuần lễ hiệp nhất, và
bốn ngày sau Ngài đã tuyên bố về Công Ðồng như sau: "Chúng ta hãy hiệp nhất
với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa". Tinh thần hiệp nhất đã trở
nên niềm hy vọng và là động lực hướng dẫn cho Công Ðồng, cũng như sau này sẽ là
một trong những thành quả hiển nhiên nhất của Công Ðồng.
Ý nghĩ triệu tập
Công Ðồng là một linh ứng đặc biệt của Ðức Gioan XXIII. Ngài không thổ lộ với
ai, cũng như chưa có ai đề nghị cho ngài ý tưởng đó. Hơn thế, lúc ấy người ta
nghĩ rằng các Công Ðồng sẽ không còn cần thiết nữa. Sau Công Ðồng Vaticanô I với
định tín ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng, nhiều người đã ngầm chấp nhận
"luận đề" của Bismark cho rằng từ nay Công Ðồng trở nên vô ích. Và
trong suốt thế kỷ sau Công Ðồng Vaticanô I, uy quyền Giáo Hoàng vươn dần tới chỗ
độc tôn đến nỗi ai cũng công nhận rằng ngay cả quyền giáo huấn thông thường của
Giáo Hoàng vẫn là "mực thước của đức tin" cho tín hữu thực hành. Bởi
thế, do ơn quan phòng, Ðức Gioan XXIII, "vị Giáo Hoàng chuyển tiếp",
như người ta vẫn gọi thế, đã đưa Giáo Hội thoát xa "duy giáo hoàng thuyết",
để đến gần với "nguồn Phúc Âm" hơn.
B. Tổng luận về
Công Ðồng Vaticanô II:
Vaticanô I phải
chấm dứt vào ngày 20 tháng 10 năm 1870, khi giáo phận Roma bị sát nhập vào
vương quốc Ý. Công Ðồng đành đình hoãn vô thời hạn. Chương trình các vấn đề bàn
cãi còn dang dỡ. Tối thượng quyền và ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng là những
vấn đề không nằm trong chương trình ban đầu, lại được Công Ðồng định tín trước;
còn nhiều tiết mục quan trọng khác về Giáo Hội, nhất là về vấn đề truyền giáo,
về nhiệm vụ các Giám Mục v.v... chưa được bàn cãi tới. Vì thế, Công Ðồng
Vaticanô I là một Công Ðồng đã ngưng trệ nhưng chưa hoàn tất.
Ðức Piô IX, Ðức
Leô XIII và cả Ðức Piô X hình như đã không nghĩ tới việc tiếp tục và hoàn tất
Công Ðồng. Sau trận đại chiến, Ðức Piô XI đã quan tâm đến vấn đề: trong Thông
Ðiệp đầu tiên Ubi arcano (23-12-1922), ngài có đề cập tới vấn đề tiếp tục tiến
hành công việc còn dang dỡ của Công Ðồng (AAS 14 (1922) 692). Ngài đã đề cử một
ủy ban để tìm hiểu các văn kiện của Công Ðồng Vaticanô I và tìm cách thức tiến
hành.
Rồi đến Ðức Piô
XII, ngay khi vừa nhận chức Giáo Hoàng, ngài đã được Hồng Y Ruffini đề nghị tiếp
tục Công Ðồng. Ðã có một nhóm chuyên viên làm việc trong nhiều năm với mục đích
chuẩn bị Công Ðồng, cho tới khi Ðức Piô XII băng hà.
Ðức Gioan XXIII
đã tiếp tục. Tuy nhiên, điều mới mẻ nơi ngài là ý định triệu tập Công Ðồng
không phải phát sinh từ việc học hỏi các tài liệu, nhưng từ những nhu cầu cấp
bách thực tế của Giáo Hội. Và đó cũng là hướng đi đặc biệt của Vaticanô II.
Thông thường,
Công Ðồng là một giải đáp của Giáo Hội trước một khủng hoảng rõ ràng, chẳng hạn
một lạc giáo hay một cuộc ly khai v.v... Thế nhưng vào năm 1959, người ta có cảm
tưởng rằng Giáo Hội không phải bận tâm về một khó khăn nào: không có lạc giáo,
không có bách hại. Hơn thế, uy quyền Giáo Hội lớn mạnh hơn lúc nào hết. Tuy
nhiên, phải nhìn thẳng vào bề mặt của Giáo Hội, người ta mới nhận thấy rằng hơn
bao giờ hết. Giáo Hội đang đương đầu với những vấn nạn cực kỳ khó khăn. Từ
Vaticanô I, thế giới đã đổi thay còn nhanh hơn 19 thế kỷ qua. Cuộc cách mạng
khoa học và kỹ thuật đã có hấp lực hướng về viễn ảnh tương lai, mà đối với họ,
hình như đang ở trong tầm tay. Con người đặt trọn niềm hy vọng của mình nơi thế
giới vật chất này, vì đối với họ, những hứahẹn của các tôn giáo đều tan vỡ.
Nhưng đồng thời và hơn bao giờ hết, con người lại cảm thấy luôn bị đe dọa do
chính những khám phá của họ: hiểm nguy tiêu diệt của bom nguyên tử, bầu khí thiếu
lành mạnh và nhiễm độc của môi trường văn minh, chiến tranh liên lỉ...
Ðang khi đó, các
Kitô hữu, thành phần thiểu số của thế giới, lại chia rẽ hơn bao giờ hết. Giáo Hội
Công Giáo đã mất đi những cơ hội truyền giáo hứa hẹn nhất, và đau đớn vì những
rạn nứt nội bộ không ngừng xảy ra nơi các xứ Kitô giáo lâu đời.
Vì sự hiệp nhất
Kitô hữu đã trở nên hết sức cần thiết. Nhưng sự hiệp nhất không thể đương nhiên
thành tựu, mà trái lại chính người Kitô hữu phải bắt đầu và khởi sự đi dần tới
hiệp nhất. Bởi vậy, cần phải thay đổi nhiều và "tự cải hóa"...
Những vấn đề ấy
là những lý do đủ để khai mở một Công Ðồng.
1. Giai đoạn tiền
chuẩn bị (từ 17-5-1959 đến 5-6-1960)
Công Ðồng bao giờ
cũng là công việc rất quan trọng, cho nên ngay cả công cuộc chuẩn bị, người ta
cũng phải sửa soạn trước. Do đó có giai đoạn được gọi là "tiền chuẩn bị".
Trong giai đoạn
này, người ta có thể theo hai phương pháp làm việc: hoặc tiếp tục công trình của
Vaticanô I, hay khởi sự từ những vấn đề mới. Trong phương pháp thứ hai, người
ta còn có thể bàn luận những đề mục do Tòa Thánh Roma đề nghị hay hỏi ý kiến
các Giám Mục về những đề mục. Phương pháp thứ hai được áp dụng cho giai đoạn
này của Công Ðồng Vaticanô II.
Ðể thực hiện việc
này Ðức Gioan XXIII đã đề cử một Ủy Ban do Hồng Y Tarđini làm chủ tịch. Và đây
là lần đầu tiên trong lịch sử, các Nghị Phụ Công Ðồng tương lai được tham khảo
ý kiến (ở Công Ðồng Vaticanô I, chỉ có 35 Giám Mục được hỏi ý kiến). Các Ðại Học
cũng được thăm dò. Hơn thế, một sự kiện chưa từng có là không có vấn đề giới hạn
các đề mục. Con số trả lời lên tới 2,109, làm thành 8 quyển. Tổng kết gồm 8,972
đề nghị.
Ðể khai triển những
đề nghị trên, Ðức Giáo Hoàng ra tự sắc Superno Dei nutu ngày 5-6-1960, ngày Lễ
Hiện Xuống, trong đó, ngài thành lập 12 Ủy Ban và 3 Văn Phòng. Các Ủy Ban này
tương đương với những Thánh Bộ của Giáo Triều Roma, cũng có một bộ trưởng tướng
ứng. Ủy Ban Trung Ương do chính Ðức Giáo Hoàng làm Chủ Tịch, và Tổng Thư Ký lúc
đó là Ðức Cha Felici, sau này trở thành Tổng Thư Ký của Công Ðồng. Thành phần
các Ủy Ban được tuyển chọn trong toàn thế giới, mặc dầu phần đông thuộc Âu
Châu, vì lý do tài chánh và kỹ thuật.
Còn về tên gọi của
Công Ðồng, người ta bàn cãi không biết đó có phải là một Công Ðồng khác, hay là
kế tiếp Vaticanô I. Cuối cùng, vào ngày 7 tháng 12 năm 1959, Ðức Giáo Hoàng
chính thức đặt tên là Vaticanô II.
2. Quá trình
giai đoạn chuẩn bị (từ 14-11-1960 đến 11-10-1962)
Ngày 14-11-1960,
Ðức Giáo Hoàng đọc diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị trước 33 Hồng Y và hàng
trăm Giám Mục: mục đích của Công Ðồng là "đem lại chân giá trị cho tư tưởng
con người, cũng như cho đời sống nhân loại và Kitô giáo", trong một tinh thần
biết tìm về nguồn và biết vâng theo Chúa Thánh Thần (AAS 59 (1960) 1004-1014).
Ngay trước khi
khai mạc, các Ủy Ban đã phải làm việc ngày đêm. Họ lo soạn thảo các lược đồ hội
nghị. Ðể hoàn thành một lược đồ, các thành phần của Ủy Ban phải họp lại với nhau,
dưới quyền chủ tọa của một Hồng Y; bên họ luôn có những nhà chuyên môn tài giỏi.
Trong 8 quyển chứa đựng các đề nghị, họ phải chọn lựa ra những chất liệu căn bản,
dựa theo tầm quan trọng và theo con số những người đề nghị v.v...
Sau đó, họ bàn
cãi để đi đến chấp nhận cách tổng quát những đề tài và những tiêu chuẩn làm việc.
Thế rồi, để tiến hành công việc, các chất liệu lại được phân chia thành những
tiểu đề do các tiểu ban hoặc các nhóm chuyên viên đảm trách.
Các nhóm và tiểu
ban này một lần nữa sẽ đúc kết các tiểu dề và phân thành chương, rồi cuối cùng
soạn thành một bản sơ thảo. Bản sơ thảo này sẽ được chính tiểu ban soạn thảo
bàn cãi một lần nữa, tu bổ lại, hoặc có khi loại bỏ. Sau đó, tiểu ban sẽ soạn lại
một sơ thảo mới. Khi tiểu ban đã đồng ý, bản sơ thảo sẽ được cho in và gởi đến
mọi thành phần của Ủy Ban và các cố vấn; những vị này sẽ gởi nhận xét đến tiểu
ban. Một số các cố vấn; những vị này sẽ gởi nhận xét đến tiểu ban. Một số các
nhà chuyên môn sẽ tìm hiểu các nhận xét đó, sắp xếp và chuyển về cho các thành
phần tiểu ban. Tiểu ban sẽ xem xét các nhận xét, chấp thuận hay loại bỏ. Cuối
cùng lược đồ sẽ được Ủy Ban nhóm họp lại bàn cãi tự do và bỏ phiếu quyết định.
Một lược đồ đã
được Ủy Ban chấp thuận còn phải đệ trình lên Ủy Ban Trung Ương. Ủy Ban này do
chính Ðức Giáo Hoàng chủ tọa, được coi như một tiểu Công Ðồng: gồm nhiều Hồng
Y, Thượng Phụ và Giám Mục... của 57 quốc gia. Lại có một tiểu ban đặc biệt
chuyên xem xét các lược đồ thuộc các Ủy Ban khác nhau để tránh sự lập lại chất
liệu.
Khi một lược đồ
được đệ trình, Ủy Ban Trung Ương sẽ cẩn thận duyệt xét, để xem có đáp ứng đủ với
những tiêu chuẩn đã ấn định hay không. Sau đó Ủy Ban sẽ bỏ phiếu: đồng ý, không
đồng ý, hay đồng ý với vài sửa đổi. Nếu hơn một phần ba không đồng ý, lược đồ bị
loại bỏ; và Ủy Ban có trách nhiệm phải soạn thảo một lược đồ khác. Nếu được chấp
thuận, lược đồ sẽ được đệ trình lên Ðức Giáo Hoàng, và chính Ngài sẽ quyết định
cho đem trình bày với các Nghị Phụ ở Công Ðồng.
Thành quả của những
công việc lâu dài này là 70 dự án được chấp thuận, làm thành 2,060 trang giấy
in. Tuy nhiên, các chất liệu vẫn còn quá bao la, nên đòi hỏi phải lược tóm hơn
nữa.
3. Kỳ họp đầu
tiên của Công Ðồng (từ 11-10 đến 8-12-1962)
Trong Tông Hiến
Humanae Salutis (ngày 25-12-1961), Ðức Giáo Hoàng quyết định triệu tập Công Ðồng
vào năm 1962; và ngày giờ chính xác để khai mạc được ấn định trong Tự Sắc
Concilium (ngày 2-2-1962).
Có tất cả 2,904
Nghị Phụ được mời gọi tham dự, và con số các Nghị Phụ có mặt lên rất cao (trong
các lần họp, nhiều nhất là 2,449 vị và ít nhất là 2,086 vị tham dự). Vài ngày
trước khi khai mạc, Ðức Thánh Cha đã hành lương đến Loretto và Assisi (vào ngày
4-10-1962) để cầu xin Ơn Trên.
Trong bài diễn
văn khai mạc, Ðức Gioan XXIII đã đưa ra những tôn chỉ hướng dẫn Công Ðồng: cởi
mở với thế giới; thông cảm chứ không lên án tuyệt thông; xót thương hơn là khắt
khe; nhận chân rằng thế giới cũng rất nhậy cảm, không chấp nhận sai lầm: loan
truyền Phúc Âm với niềm hy vọng hơn là với tâm trạng của "những tiên tri
loan báo sự dữ".
Khoảng thời gian
từ ngày 13 đến 20-10, các Nghị Phụ tuyển chọn những thành phần các ủy Ban Công
Ðồng. Mỗi Ủy Ban gồm 16 thành phần tuyển chọn và 9 thành phần do Ðức Giáo Hoàng
chỉ định. Vị chủ tịch chính là Hồng Y chủ tịch của Ủy Ban trong giai đoạn chuẩn
bị, do Ðức Giáo Hoàng đề cử. Có tất cả 10 Ủy Ban, cộng với Hội Ðồng chủ tịch điều
hành, Ủy Ban đặc vụ và Văn Phòng thống nhất. Tất cả các thành phần là 273 Nghị
Phụ: 54 vị thuộc Âu Châu, 66 vị thuộc Mỹ Châu, 38 vị thuộc Á Châu, 12 vị thuộc
Phi Châu và 3 vị thuộc Ðại Dương Châu.
Ngày 20 tháng
10, trong phiên họp khoáng đại lần thứ ba, Công Ðồng đã gởi "một sứ điệp
cho thế giới". Sau đó, các Nghị Phụ bắt đầu công việc theo các lược đồ đề
nghị. Bảy lược đồ đã được phân phát cho các Nghị Phụ, và các Ngài bắt đầu lược
đồ về Phụng Vụ. Những cuộc bàn luận không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì có nhiều
giờ phút thật căng thẳng, giằng co. Cuối cùng vào ngày 14 tháng 11 lược đồ đầu
tiên này được bỏ phiếu và được chấp thuận với 2,162 phiếu thuận, và 46 phiếu chống.
Công Ðồng đã đạt được một bước thắng lợi.
Ngay sau đó, cuộc
bàn cãi được tiếp tục với lược đồ về các nguồn mạc khải. Ðây là vấn đề gai góc
hơn vì tầm quan trọng của nó trong lãnh vực thần học. Có một nguồn hay hai nguồn?
Ðó là vấn đề, và thực tế hai trường phái thần học đều phải đương đầu trước khó
khăn của quan niệm về "mạc khải", về "chân lý", về
"linh ứng", về "thánh truyền" và về những tương quan của
chúng. Các ý kiến bênh vực hay chống đối đã được phát biểu trong bầu không khí
thật sôi động và căng thẳng. Nhưng rồi lược đồ bị đa số bác bỏ và Ðức Giáo
Hoàng đã phải gởi trả về cho Ủy Ban liên hệ.
Ngày 23 tháng
11, các Nghị Phụ đề cập tới lược đồ về phương tiện truyền thông xã hội, nhưng
cũng bị gởi trả về cho ủy Ban soạn thảo để sửa lại. Lược đồ về hiệp nhất các
Kitô hữu cũng bị bác bỏ, lý do là vì lược đồ này chỉ được Ủy Ban phụ trách các
Giáo Hội Ðông Phương soạn thảo, đang khi đáng lý nó thuộc thẩm quyền của Ủy Ban
về hiệp nhất. Và chính Ủy Ban này cũng đang soạn thảo một lược đồ. Lại nữa, một
Ủy Ban thần học khác lại cũng đề cập đến vấn đề hiệp nhất này trong một lược đồ
về Giáo Hội. Cuối cùng, các Nghị Phụ bỏ phiếu tổng hợp cả ba lại thành một lược
đồ duy nhất về vấn đề này.
Vào cuối tháng
11, các Nghị Phụ lại nhận được một lược đồ về Giáo Hội (123 trang), gồm cả một
chương về Ðức Trinh Nữ Maria. Một số Nghị Phụ muốn bàn luận ngay về chương này;
nhưng vì các lý do hiệp nhất và giáo hội học, lược đồ về Giáo Hội được khởi sự
bàn cãi ngay từ chương đầu vào ngày 1 tháng 12 năm 1962. Cuộc bàn cãi mang lại
nhiều lợi ích và chuẩn bị cho công việc giữa hai kỳ họp.
Ở cuối kỳ họp,
các Nghị Phụ nhận thấy rằng chất liệu còn quá bao la, số lược đồ lại tăng lên tới
73, và nếu so sánh với tất cả những Công Ðồng trước, số trang tài liệu của các
lược đồ đã nhiều hơn gấp ba lần. Vì thế, Ðức Giáo Hoàng quyết định rút lại còn
20 lược đồ. Các Nghị Phụ có chín tháng để lo đúc kết các lược đồ này và soạn thảo
công việc cho kỳ họp tới.
Nhưng trong thời
gian đó, Ðức Gioan XXIII, Người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, đã được cất
về Trời. Ðức Hồng Y Montini lên ngôi Giáo Hoàng kế vị, lấy danh hiệu Phaolô VI.
4. Kỳ họp thứ
hai (từ 29-9 đến 4-12-1963)
Có những dư luận
đối nghịch nhau về vị Tân Giáo Hoàng. Nhiều người cho rằng Ngài "bảo thủ",
một số khác tiên đoán Ngài thuộc phái "cấp tiến". Người ta có cảm tưởng
những hướng đi đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của ngài nằm trong con đường
"bảo thủ". Nhưng về sau, mọi người mới nhận ra tinh thần của ngài vượt
trên mọi thành kiến và còn tiến xa hơn cả Ðức Gioan XXIII: Ngài cải tổ lại các
qui tắc của Công Ðồng để đem đến nhiều hiệu năng hơn; Ngài mạnh dạn tuyên bố chỉnh
đốn lại giáo triều Roma vào ngày 21-9-1963, đó là điều Ðức Gioan XXIII không
dám nghĩ tới.
Trong bài diễn
văn khai mạc, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cụ thể hóa chương trình làm việc của
Công Ðồng; ngài tuyên bố: "Thánh Công Ðồng phải đào sâu giáo lý về chức
Giám Mục, về những nhiệm vụ và những liên lạc của chức vụ đó với Phêrô".
Giáo lý cần trở nên thiết thực và thích ứng hơn. Ngài nói đến "những anh
em bất hòa (chứ không phải "ly khai") là những người được kêu mời để
trở nên đồng tâm nhất trí với Giáo Hội"; và một điều được xem là táo bạo,
mới lạ chưa từng có từ bao nhiêu thế kỷ qua đó là chính Ðức Giáo Hoàng lên tiếng
cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của những anh em bất hòa này vì những lỗi
lầm của Giáo Hội Roma trong việc chia rẽ Kitô giáo.
Phiên họp bắt đầu
với những bàn cãi về lược đồ Giáo Hội. Lược đồ được chấp thuận như là nền tảng
cho các cuộc tranh luận sau này, với 2,301 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Trong
suốt thời gian tranh luận, phiên họp đã có những lúc thật căng thẳng, những cuộc
bênh vực cũng như những cuộc chống đối đều rất dữ dội, đến nỗi lúc đó người ta
gọi là "cơn sốt tháng 10". Sau cùng, vào cuối tháng 10, các Nghị Phụ
bỏ phiếu quyết định về "vấn đề Ðức Maria": lược đồ về Ðức Trinh Nữ được
sát nhập vào lược đồ về Giáo Hội với 1,114 phiếu thuận và 1,074 phiếu chống.
Ngày 5 tháng 11,
lược đồ về "các Giám Mục và sự điều khiển giáo phận" được đưa ra bàn
luận. Khái niệm và sự thực thi "cộng đoàn tính của các Giám Mục" đã gây
ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Rồi từ ngày 18 đến 21 tháng 11, các Nghị
Phụ đi đến một vấn đề tế nhị, quan trọng và sôi nổi nhất: vấn đề hiệp nhất.
Chương về những người Do Thái do Ðức Hồng Y Bea viết đã bị các Nghị Phụ Ả Rập
chống đối mãnh liệt. Chương về tự do tôn giáo, được Ðức Cha De Smedt trình bày
khéo léo, cũng là đối tượng của cuộc bàn cãi sôi nỗi nhất.
Trong thời gian
đó, Sắc Lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội và những đề nghị tu chỉnh của
Hiến Chế về Phụng Vụ được bỏ phiếu. Ngày 4 tháng 12, sau Thánh Lễ, các Nghị Phụ
đã bỏ phiếu và cả hai đều được chấp thuận. Sau đó Ðức Thánh Cha chính thức công
bố các văn kiện được chấp thuận. Trước đó theo luật qui định thì công thức ban
hành sẽ là: "Ta ra sắc lệnh, thiết lập và phê chuẩn... với sự chấp thuận của
Thánh Công Ðồng" (kh 46). Như thế có nghĩa là chính Ðức Giáo Hoàng công bố
và Công Ðồng chỉ có việc chấp nhận, và như vậy "cộng đoàn tính" của
các Giám Mục vẫn còn là một vấn nạn. Bởi đó, Ðức Phaolô VI đã sử dụng một công
thức khác: "Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế... này đều được
các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao
ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính... Chúng Tôi phê chuẩn...". Ðó là một
bước tiến biểu lộ tính cách cộng đoàn của các Giám Mục.
Cho tới cuối kỳ
họp lần thứ hai này, chương trình dự định vẫn chưa được hoàn thành. Bốn lược đồ
về Giáo Hội, về Giám Mục, về Giáo Dân và về Hiệp Nhất kéo dài từ kỳ họp đầu
tiên và cho đến kỳ họp này vẫn còn nhiều phần chưa được giải quyết.
5. Giai đoạn giữa
kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba
Vào cuối kỳ họp
thứ hai người ta có cảm tưởng Công Ðồng như thất bại. Và cuộc hành hương của Ðức
Giáo Hoàng đến Palestina ngày 4 và 5 tháng 1 năm 1964, đối với nhiều người, đó
là một chuyến đi nhằm thoái thác công trình dang dở.
Tuy nhiên, thực
sự thì lúc đó tình trạng phải được coi là đáng lạc quan hơn.
Dĩ nhiên, còn rất
nhiều công việc phải làm, và các Nghị Phụ bắt đầu thực hiện chương trình mà người
ta gọi là "Dopfner", và đó cũng chính là ý kiến trước kia của Ðức Hồng
Y Montini. Theo chương trình đó, tất cả các lược đồ của Công Ðồng sẽ được bố cục
lại dựa theo một trục chính là Giáo Hội.
Trong thực tế,
các Nghị Phụ vẫn giữ nguyên các lược đồ quan trọng như lược đồ về Giáo Hội,
Giám Mục, Giáo Dân, Mạc Khải, Hiệp Nhất và "Lược đồ XIII" rất nổi tiếng.
Những lược đồ khác đều được rút gọn thành những đề mục ngắn. Các ủy Ban, nhất
là Ủy Ban Thần Học, đã làm việc cách tuyệt hảo, đã cộng tác với nỗ lực của Ðức
Giáo Hoàng để đem lại can đảm và hy vọng cho Công Ðồng (diễn văn của Ðức Giáo
Hoàng cho hàng Giám Mục Ý ngày 14-3-1964, và Thông điệp Ecclesiam suam).
6. Kỳ họp thứ ba
(từ 14-9 đến 21-11-1964)
Kỳ họp được khai
mạc bằng một Thánh Lễ đồng tế, là kết quả đầu tiên của việc canh tân phụng vụ.
Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Thánh Cha một lần nữa xác quyết giáo lý về
tính cách cộng đoàn của Giám Mục. Qui luật của Công Ðồng lại được sửa đổi cho
thích hợp trong việc thẩm định quyền của các Nghị Phụ điều hành. Các Nghị Phụ
phải báo trước 5 ngày những ý kiến muốn phát biểu trong các phiên họp, với mục
đích tránh những ý kiến lập lại; các Hồng Y cũng mất đặc ân phát biểu không cần
báo trước v.v... Nhờ đó các công việc tiến hành nhanh hơn. Trong kỳ họp đầu
tiên, có 33 điểm được bỏ phiếu, ở kỳ họp thứ hai có 94 và trong kỳ họp thứ ba
này có 150 điểm được chung quyết.
Phiên họp bắt đầu
với những tranh luận về chương VII của lược đồ Giáo Hội nói đến sự cánh chung.
Ðề mục này đã được chính Ðức Gioan XXIII đề nghị, với mục đích minh chứng bộ mặt
siêu việt hơn của Giáo Hội. Nhưng rồi cuộc tranh luận đã đưa tới thất vọng: chỉ
có 17 diễn giả phát biểu và một số Nghị Phụ lại không thấu triệt được vấn đề.
Từ ngày 16 đến
ngày 18 tháng 9, Công Ðồng đề cập trở lại đề mục về Ðức Trinh Nữ, chương sau
cùng của lược đồ về Giáo Hội. Bản văn lại phải tu chỉnh vì phần đầu của đề mục
bị chống đối quá mạnh; cũng chỉ có 33 Nghị Phụ phát biểu về vấn đề này, vì sự
khe khắt của luật phát biểu.
Nhiệm vụ mục vụ
của Giám Mục được bàn cãi từ ngày 13 đến 23 tháng 9. Nhờ đã sửa đổi ở các lần
tranh luận trước, bản văn này được các Nghị Phụ bàn cãi và chấp thuận dễ dàng
hơn.
Từ ngày 23 đến
28 tháng 9, các Nghị Phụ bàn cãi lần thứ hai về Tự Do Tôn Giáo. Trước kia, đề mục
này là chương thứ ba của lược đồ Hiệp Nhất, bây giờ đã trở thành một Tuyên Ngôn
riêng biệt. Có thể nói đây là một vấn đề gây nhiều ngộ nhận, nghi ngờ và dè dặt
nhất. Thông thường trên nguyên tắc các nhà thần học vẫn chủ trương rằng sự lầm
lẫn tôn giáo của những người ngoài công giáo đều bị kết án; nhưng theo hoàn cảnh
thực tế người ta cảm thấy cần có sự khoan hồng, nhượng bộ và chấp nhận. Các ý
kiến bênh vực và bác bỏ của các Nghị Phụ rất sôi nổi và xung khắc nhau. Dư luận
bên ngoài cũng chia làm hai phe và hồi hộp theo dõi. Ðồng thời, các Nghị Phụ
cũng tranh luận nẩy lửa "về những người Do Thái". Cuối cùng các Nghị
Phụ quyết định bỏ phần tố cáo "tội giết Thiên Chúa" của toàn dân Do
Thái, cũng như bãi bỏ tất cả những đoạn nào mang ý nghĩa kết án tương tự đối với
các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Ngày 30 tháng 9,
Công Ðồng bàn lại lược đồ về Mạc Khải; cuộc tranh luận kéo dài tới ngày 6 tháng
10. Khi lược đồ này bị bác bỏ ở kỳ họp đầu tiên và không được nhắc tới ở kỳ họp
thứ hai, người ta cứ nghĩ rằng vấn đề có lẽ thông qua. Nhưng Ðức Phaolô VI
cương quyết cho soạn thảo lại lược đồ vì nó có tầm mức quan trọng về thần học
cũng như về hiệp nhất. Ðức Hồng Y Ottaviani và Bea hợp tác với nhau trong việc
soạn thảo. Và trong kỳ họp thứ ba này, cuộc tranh luận đã đem lại nhiều đề nghị
mới, giúp cho lược đồ hoàn mỹ hơn. Tuy thế, lược đồ này vẫn chưa được bỏ phiếu.
Ngày 7 tháng 10,
Công Ðồng đề cập tới lược đồ về Tông Ðồ Giáo Dân. Phải nói rằng Giáo Hội Tây
Phương đã quên lãng giáo dân, những thành phần của dân Thiên Chúa. Ngay cả những
văn kiện chính thức cũng chấp thuận phân chia Giáo Hội thành hai cấp, như trong
"Tự điển biện giáo Ðức Tin Công Giáo": Truyền lệnh là quyền của hàng
giáo sĩ và vâng lời là bổn phận của giáo dân (DAFC, bộ II, cột 1769). Vaticanô
II là Công Ðồng đầu tiên đề cập tới vấn đề này, và các Nghị Phụ đã hăng say bàn
luận: có đến 65 lần phát biểu ý kiến, và còn nhiều đề nghị viết khác. Tuy
nhiên, vì bản văn chưa mỹ mãn, các Nghị Phụ quyết định sẽ hoàn tất trong kỳ họp
sau.
Lược đồ về Linh
Mục đã được rút ngắn thành một vài tiểu đề, và được bàn cãi từ ngày 13 đến 15
tháng 10; nhưng lại phải gởi trả về cho Ủy Ban liên hệ vì có tới 930 phiếu chống
với 1,199 phiếu thuận. Sau đó các Nghị Phụ khảo cứu lược đồ về các Giáo Hội
Công Giáo Ðông Phương, từ ngày 15 đến 20 tháng 10. Lược đồ được chấp thuận.
Ngày 20 tháng
10, Công Ðồng bắt đầu cuộc bàn cãi về lược đồ XIII sẽ trở thành Hiến Chế Mục Vụ
về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Ðây là vấn đề quan trọng nhất trong kỳ họp
thứ ba này và được thế giới hồi hộp theo dõi. Các nghị Phụ đã thành thật nhìn
nhận sự chia cách của Giáo Hội với thế giới, và cảm thấy cần phải góp phần giải
quyết những vấn nạn của xã hội; nhưng các Ngài không biết phải làm thế nào. Lược
đồ được khen ngợi nhiều nhưng cũng bị chỉ trích mạnh mẽ. Tính cách pháp chế tuyệt
đối trong nhiều giới luật của Giáo Hội bị đã kích và chê bai. Các Nghị Phụ yêu
cầu đời sống các giáo sĩ nên mang sắc thái đơn giản hơn theo tinh thần Phúc Âm.
Các Ngài đề cập tới những vấn đề sôi nổi như quyền lợi của nhân vị con người, sự
điều hòa sinh sản, sự chênh lệch trầm trọng về văn hóa và kinh tế trong thế giới
v.v... Bản văn của lược đồ bị bác bỏ; và Công Ðồng thành lập một hội đồng với mục
đích soạn thảo lại lược đồ, để đem ra bàn cãi trong kỳ họp tới và cũng là kỳ họp
sau cùng của Công Ðồng.
Trong lúc lược đồ
XIII còn dang dỡ, vào ngày 6-11-1964 chính Ðức Giáo Hoàng đã đến Ðại Hội Ðường
và bằng những lời khen ngợi, Ngài giới thiệu lược đồ về Truyền Giáo. Nhưng sau
nhiều cuộc tranh luận, các Nghị Phụ đã thẳng tay bác bỏ lược đồ khái quát gồm
14 mệnh đề đó, bởi quá cô đọng và giản lược đối với tầm mức lớn lao của công việc
truyền giáo. Sự kiện này đã cho chúng ta hai bài học đáng nhớ: sự tự do của
Thánh Công Ðồng đối với Ðức Giáo Hoàng, và mối quan tâm đối với công việc truyền
giáo.
Trong những ngày
sau hết của kỳ họp, các Nghị Phụ đã bắt tay làm việc gấp rút về những lược đồ
ngắn. Từ ngày 10 đến 11 tháng 11, lược đồ về Dòng Tu được bàn luận và được chấp
thuận với 1,155 phiếu thuận và 882 phiếu chống; nhưng lại có tới 1,000 đề nghị
tu chỉnh, và như vậy đòi hỏi phải duyệt xét lại lược đồ. Ngày 12, 14, 16 và 17
tháng 11, các Nghị Phụ bàn về lược đồ Chủng Viện, và dầu có những phê bình khắt
khe, lược đồ vẫn được chấp thuận với 2,117 phiếu thuận và 41 phiếu chống. Ngày
17, 18 và 19 tháng 11, lược đồ về Giáo Dục Kitô Giáo được đưa ra và được chấp
thuận dễ dàng. Trong phiên họp cuối cùng, các Nghị Phụ bàn tới bản văn ngắn nhất
nói về các Bí Tích, hay đúng hơn về qui luật hôn phối. Nhưng vì không đủ thời
giờ, các Nghị Phụ gởi trả bản văn lại cho Ðức Giáo Hoàng. Bởi vậy, không có sắc
lệnh của Công Ðồng về vấn đề này.
Trong buổi lễ kết
thúc kỳ họp, ngày 21 tháng 11, Thánh Công Ðồng đã công bố ba văn kiện: Hiến Chế
về Giáo Hội, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất và Sắc Lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông
Phương. Dịp này, Ðức Giáo Hoàng chính thức tuyên bố Ðức Maria là Mẹ Giáo Hội,
và loan báo kỳ họp tới sẽ là kỳ họp kết thúc.
Nhìn lại thành
tích của kỳ họp thứ ba này, người ta phải nhìn nhận có một bầu khí bi quan vây
phủ, vì những nguyên do đáng chú ý. Trước hết, bản chú thích sơ khởi được thêm
vào Hiến Chế Giáo Hội dường như làm giảm giá trị của bản văn Công Ðồng. Thứ đến,
19 đề nghị tu chỉnh của Ðức Giáo Hoàng xen kẽ vào Sắc Lệnh về Hiệp Nhất tạo cho
niềm hy vọng hiệp nhất bớt hứng khởi. Ðàng khác, người ta cũng cảm thấy hơi bất
bình vì sự trì hoãn việc chung quyết lược đồ về Tự Do Tôn Giáo. Sau cùng, việc
Ðức Giáo Hoàng tuyên bố nhận Ðức Maria làm Mẹ Giáo Hội không được tham khảo ý
kiến của Thánh Công Ðồng và có nguy hiểm gây đụng chạm anh em Tin Lành.
Tuy nhiên, về
phương diện tích cực, kỳ họp này cũng đã đem lại những thành quả mỹ mãn: các
văn kiện giá trị được công bố, những lược đồ còn lại được cải tiến khả quan sẵn
sàng chuẩn bị cho kỳ họp tới; vì thế, bầu không khí bi quan cảm thấy lúc đầu
tan biến dần dần với thời gian.
7. Kỳ họp thứ tư
(từ 14-9 đến 8-12-1965)
Trong bài diễn
văn khai mạc kỳ họp, Ðức Phaolô VI loan báo quyết định thành lập Thượng Hội Ðồng
Giám Mục. Quyết định này đã gây ngạc nhiên cho mọi người. Ngày hôm sau, trong
phiên họp khoáng đại lần thứ 128, Tự Sắc "Apostolica Sollicitudo" được
long trọng đọc trước Thánh Công Ðồng, dưới sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng. Ðây
là một bước tiến đáng kể trên con đường canh tân Giáo Hội.
Sau đó, cuộc
tranh luận bắt đầu với lược đồ về Tự Do Tôn Giáo. Lần này tình thế có vẻ lạc
quan hơn. Tuy nhiên, lược đồ cũng phải qua nhiều khó khăn vì các Nghị Phụ chống
đối vẫn đưa ra những lý luận cũ. Kết cuộc, vào ngày 21 tháng 9 các Nghị Phụ thử
bỏ phiếu lược đồ, và kết quả cho thấy 1,997 phiếu thuận, 224 phiếu chống, 1 phiếu
bất hợp lệ.
Sau đó, các Nghị
Phụ đề cập tiếp lược đồ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Trước kia, các Nghị
Phụ đã chấp thuận cách tổng quát vấn đề này, nhưng các Ngài đòi hỏi phải thay đổi
nhiều, và kết quả lần này cho thấy lược đồ đã đổi mới, nhất là về kết cấu và mạch
văn (nguyên văn của lược đồ bằng Pháp ngữ và do Ðức Cha Haubtmann viết). Lược đồ
bây giờ được gọi tên là "Hiến Chế Mục Vụ", và đây là một tựa đề mới
trong lịch sử các Công Ðồng, mặc dầu có nhiều Nghị Phụ chỉ muốn gọi là "Sắc
Lệnh". Và thực sự Hiến Chế đã bị một số Nghị Phụ tố cáo có tính cách lạc
quan ngây thơ với thái độ im lặng trước những hậu quả của tội lỗi. Một số khác
cho rằng Hiến Chế có tính cách quá Tây Phương, quá lý thuyết trong vấn đề vô thần,
và quan niệm về "thế giới" không minh bạch. Một bản kiến nghị gồm 334
Nghị Phụ ký tên thỉnh nguyện thêm vào Hiến Chế một khoản lên án rõ ràng chủ
thuyết cộng sản. Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng chấm dứt các tranh luận về vấn đề
này, nhưng cho mãi cuối kỳ họp, lược đồ mới được hoàn tất và chung quyết.
Ngày 7 tháng 10,
Công Ðồng bàn đến Sắc Lệnh về Truyền Giáo. Lược đồ được soạn thảo lại và chỉ
còn 5 chương. Quan điểm thần học về sứ mệnh truyền giáo là công trình của cha
Y. Congar và J. Ratzinger, đặt nền tảng trên Giáo Hội học của Hiến Chế về Giáo
Hội. Bản văn về cải tổ Thánh Bộ Truyền Bá Ð ức Tin (số 27; bản văn chung quyết
là số 29) đã được ủy ban phụ trách thay đổi, và trở thành đối tượng cho những
cuộc bàn cãi sôi nổi ở nghị trường. Ngày 12 tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu thuận
trên nguyên tắc bản văn ấy với 2,070 phiếu thuận và 15 phiếu chống.
Ngày 13 tháng
10, vấn đề Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục được đưa ra bàn luận, với bản tường
trình của Ðức Cha Marty.
Trong suốt thời
gian này, các Nghị Phụ lần lượt bỏ phiếu chung quyết các bản văn đã bàn cãi và
chấp thuận.
Ngày 6 tháng 10,
Sắc Lệnh về Giám Mục được bỏ phiếu chấp thuận với 2,167 phiếu thuận và 14 phiếu
chống. Ngày 11 tháng 10, Sắc Lệnh về đời sống Dòng Tu được chấp thuận do 2,161
phiếu, có 13 phiếu chống. Ngày 13 tháng 10 các Nghị Phụ chấp thuận Sắc Lệnh về
Ðào Tạo Linh Mục với 2,196 phiếu thuận, 15 phiếu chống và 1 phiếu bất hợp lệ.
Ngày hôm sau tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo được bỏ phiếu thuận với 1,912 phiếu
và 183 phiếu chống (Tuyên Ngôn này đã gặp sự chống đối gắt gao của nhiều Nghị
Phụ Châu Mỹ La Tinh và Indonesia). Cùng ngày, Ðức Hồng Y Bea đọc bản tường
trình lược đồ về Các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo, và cuộc bỏ phiếu ngay sau đó với
kết quả 1,763 phiếu thuận, 250 phiếu chống, 10 phiếu bất hợp lệ.
Ngày 28 tháng
10, khóa VII được khai mạc. Dịp này, Ðức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ đồng tế
cùng với 24 Nghị Phụ (trong số này có Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình) và
nhân danh "Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và cả vị là Cha, Con và Thánh Thần",
Ngài chính thức công bố 5 văn kiện đã được chấp thuận.
Ðức Cha De Smedt
một lần nữa giới thiệu Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo; cuộc bỏ phiếu diễn ra
trong vòng 2 ngày và cuối cùng bản văn được chấp thuận nhưng với 1,640 đề nghị
tu chỉnh. Ngày 29 tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu, và 27 phiếu chống. Từ ngày 9
đến 10 tháng 11, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu cho Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân. Công
Ðồng có bàn cãi một "quan điểm" về các ân xá, và có nhiều ý kiến gay
gắt chống lại quan điểm chính thức của Giáo Hội. Nhưng xem ra giới thẩm quyền
đã ngăn cản cuộc tranh luận. Cuối cùng Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân được chấp thuận
với đa số phiếu tuyệt đối: 2,201 phiếu thuận với 2 phiếu chống.
Từ ngày 10 đến
12 tháng 11, Sắc Lệnh về Truyền Giáo được bỏ phiếu chấp thuận với đa số tuyệt đối,
ngoại trừ vấn đề cải tổ Thánh bộ truyền bá Ðức Tin (số 29) có tới 712 đề nghị
tu chỉnh. Kế đó, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu chấp thuận Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời
Sống các Linh Mục (bỏ phiếu 15 lần). Như vậy, đến lúc này, Công Ðồng đã thu lượm
được kết quả của công việc lâu dài. Ngày 15 tháng 11, các Nghị Phụ lại được
nghe đọc 2 bản tường trình về Hiến Chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, do Ðức
Cha Garrone và Ðức Cha Mc. Grath viết; sau đó các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp nhận.
Trong khóa VIII ngày 18 tháng 11, Ðức Giáo Hoàng công bố 2 văn kiện mới: Hiến
chế về Mạc Khải và Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân.
Vào thời gian cuối
Công Ðồng, công việc được giới hạn trong vấn đề xem xét lại các đề nghị tu chỉnh
của 4 văn kiện còn lại. Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo vẫn còn gặp nhiều khó
khăn. Nhóm Coetus internationalis patrum (các Nghị Phụ bảo thủ) đã cho đó là một
trong những "thành phần gây bế tắc cho công trình chung", và ngày 18
tháng 11 đã cho in một truyền đơn nhằm chống lại tuyên ngôn đó, đồng thời họ
cũng đệ đơn lên Ðức Giáo Hoàng để phản đối. Kế đến, hai bản văn về Truyền Giáo
và về Linh Mục được đưa ra xem xét; cả hai được chấp thuận dễ dàng hơn (trừ số
29 của Sắc Lệnh Truyền Giáo vẫn còn khúc mắc).
Bản văn sau cùng
được bỏ phiếu quyết định Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Ủy
Ban liên hệ đã phải làm việc tối đa để sửa đổi Hiến Chế vì có đến 2,247 đề nghị
tu chỉnh.
Tuy thế, sau những
cố gắng tu chỉnh, tất cả những văn kiện kể trên đều đã sẵn sàng để được bỏ phiếu
quyết định, và để được công bố, trong khóa IX, vào ngày 7 tháng 12.
Những ngày sau hết
của Công Ðồng được đánh dấu bằng những sự kiện mang ý nghĩa hiệp nhất đáng nhớ.
Ngày 4 tháng 12, Ðức Cha Felici, Tổng thư ký Công Ðồng, đọc một sứ điệp ca ngợi
và tin tưởng của tất cả các quan sát viên gởi đến các Nghị Phụ, trong đó họ đặc
biệt thán phục tinh thần hiệp nhất của các Ngài. Trong khi ấy, tại Vương Cung
Thánh Ðường Thánh Phaolô, cùng với các quan sát viên ngoài Công Giáo, Ðức Giáo
Hoàng đã dự một lễ nghi cầu cho hiệp nhất. Tinh thần hiệp nhất đạt tới mức độ
tuyệt vời khi Ðức Phaolô VI ở Roma và Ðức Thượng Phụ Athenagoras ở Istambul,
vào ngày 7 tháng 12, đã cùng một lúc xóa bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, một nguyên
do phát sinh sự ly khai vào năm 1054. Chính sự kiện này cũng đã là thành quả tốt
đẹp và giá trị nhất của Công Ðồng!
C. Một vài đặc
điểm tiêu biểu của Công Ðồng Vaticanô II
Với mục đích
giúp thấu triệt hơn Công Ðồng quan trọng này, chúng ta nêu ra đây một vài đặc
điểm tiêu biểu:
1. Công Giáo
tính
Chưa có một Công
Ðồng nào đã tạo được tính cách "Công Giáo" đầy đủ như Vaticanô II.
Hãy tạm miễn bàn vấn đề "giáo lý về công giáo tính" mà chỉ đề cập đến
các sự kiện. Chưa có một Công Ðồng nào đã đề cập tới nhiều vấn đề phức tạp và
phong phú cùng với những tầm mức rộng rãi như vậy. Chỉ cần nhìn vào những con số
biểu trưng, chúng ta cũng có đủ lý do để xác nhận sự kiện này.
Trước hết chúng
ta nói đến thành phần các Nghị Phụ. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử mà chúng
ta có quyền quả quyết rằng toàn thế giới có mặt ở Công Ðồng. Con số các Nghị Phụ
được triệu tập là 3,058, trong đó có 129 Bề Trên Tổng Quyền các dòng. Trong kỳ
họp đầu tiên, có 2,449 Nghị Phụ tham dự trong số 2,904 vị được triệu tập, như vậy
tỉ số tham dự là 84.34%. Ở kỳ họp thứ hai, có 2,488 Nghị Phụ đến tham dự, trong
số 3,022 vị được triệu tập, tức 82.34% tham dự. Và trong số 3,074 vị được mời
cho kỳ họp thứ ba, có mặt 2,466 Nghị Phụ, nghĩa là 80.23% tham dự. Cuối cùng ở
kỳ họp thứ bốn, trong số 3,093 vị được triệu tập, có 2,625 Nghị Phụ đến Công Ðồng,
và như thế tỉ số tham dự lên tới 84.88%. Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng
đại đa số thành phần Giám Mục Ðoàn đã tham dự Công Ðồng.
Nếu xét qua nguồn
gốc địa dư, chúng ta thấy rằng các Nghị Phụ từ khắp năm châu trên toàn thế giới
đều tựu về: 1,060 vị ở Âu Châu, 408 Nghị Phụ ở Á Châu, 351 ở Phi Châu, 416 ở Bắc
Mỹ, 89 ở Trung Mỹ, 531 ở Nam Mỹ, và 74 vị ở Ðại Dương Châu.
Trong các phiên
họp, có tất cả 695 Nghị Phụ lên tiếng tại nghị trường. Tổng cộng tất cả, các
ngài đã nói tới 2,234 lần; trong đó các Nghị Phụ Pháp 231 lần, các Nghị Phụ Ðức
141 lần, các Nghị Phụ Ba Lan 75 lần v.v..., các Nghị Phụ Việt Nam lên tiếng 16
lần. Nghị Phụ được xem là hùng biện nhất là Hồng Y Ruffini, ngài lên tiếng 36 lần.
Trong thời gian
họp Công Ðồng có 253 Nghị Phụ qua đời, và cùng lúc có 296 người được tấn phong
Giám Mục.
Ngoài sự tham dự
của các Nghị Phụ, chúng ta còn phải kể đến sự có mặt của những phần tử khác của
Dân Chúa. Trước hết phải nói đến các nhà chuyên môn, vì họ đã tích cực góp phần
cho công việc có kết quả. Ðược đề cử từ giai đoạn chuẩn bị Công Ðồng, các nhà
chuyên môn này đã tham gia vào công việc của các Ủy Ban, trong việc soạn thảo
các lược đồ, thăm dò ý kiến của các Giám Mục v.v... Con số các nhà chuyên môn
lên tới 460 vị, gồm 235 linh mục giáo phận, 45 tu sĩ Dòng Tên, 42 tu sĩ Ða
Minh, 15 tu sĩ Phanxicô, 12 đan sĩ Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm, 6 tu sĩ Biển Ðức, 5 tu
sĩ Dòng Don Boscô, với nhiều thành phần Tu Hội và giáo dân.
Công Ðồng cũng
kêu mời nhiều Cha Sở, với tư cách là cộng tác viên thân cận của các Giám Mục.
Thực sự họ chỉ được mời gọi sau các dự thính viên giáo dân. Trong kỳ họp thứ
ba, có tất cả 39 vị, chia ra: Hoa Kỳ và Ý mỗi nước 5 vị; Tây Ban Nha, Pháp,
Canađa, Ðức, mỗi nước 4 vị; Argentina, Úc, Brazil, Liban, mỗi nước 2 vị; Bỉ, Nhật,
Mexicô, Hòa Lan, Palestina, mỗi nước 1 vị. Ở kỳ họp thứ bốn con số các cộng tác
viên này lên tới 45 vị. Và ngày 27 tháng 10 năm 1965, cha sở Thomas Fall, thuộc
giáo phận Philadelphia Hoa Kỳ, lên tiếng trước nghị trường.
Các giáo dân được
mời tham dự với tư cách là những dự thính viên. trong thời gian chuẩn bị cho kỳ
họp thứ hai, Ðức Giáo Hoàng đã đề cử một nhóm gồm 13 giáo dân cả nam lẫn nữ giới,
được chọn lựa trong các tổ chức tông đồ quốc tế Công Giáo. Ở kỳ họp cuối cùng,
số dự thính viên này lên tới 42. Ngoài ra, còn có sự tham dự của 10 nữ tu dự
thính. sau cùng, để đại diện cho gia đình Kitô giáo hai vợ chồng Mexicô, J.
Alvarez Icaza, được mời tham dự. Tất cả các dự thính viên giáo dân này đã lên
tiếng 6 lần ở Công Ðồng, và đã góp ý kiến về nhiều vấn đề cho các Ủy Ban.
2. Tinh thần hiệp
nhất
Một trong những
ý tưởng chính yếu của Ðức Gioan XXIII khi ngài triệu tập Công Ðồng Vaticanô II
là nỗ lực nối lại vòng dây thân ái giữa các Kitô hữu. Chúng ta nhận thấy Công Ðồng
đã đạt được mục đích này, qua những văn kiện giáo lý và các cuộc gặp gỡ thân
thiện từ bầu khí Công Ðồng.
Thật vậy, Sắc Lệnh
về Hiệp Nhất, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo và Tuyên Ngôn về các Tôn Giáo ngoài
Kitô giáo đều nhấn mạnh đến tinh thần hiệp nhất. Quan niệm mới mẻ này cũng xuất
hiện ở Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, nhất là ở Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong
thế giới ngày nay, khi Công Ðồng đề cập tới thái độ phải có của Giáo Hội đối với
thế giới.
Tìm hiểu qua những
ý kiến của các Nghị Phụ phát biểu ở nghị trường, chúng ta cũng thấy các ngài ý
thức rõ rệt tinh thần này.
Sau hết, một
sáng kiến đã tạo được thành quả tốt đẹp cho mối dây hiệp nhất, đó là việc mời
các quan sát viên ngoài Công Giáo. Sáng kiến này do Ðức Hồng Y Ben khởi xướng
và chính Ngài đã cố gắng can thiệp với Ủy Ban Trung Ương Chuẩn Bị Công Ðồng.
Sau đó ít lâu, Hội Ðồng Thế Giới các Giáo Hội (CME) đã mời 5 quan sát viên Công
Giáo đến tham dự Ðại Hội Quốc Tế ở Tân Ðề Ly, với sự chấp thuận của Giáo Triều Roma,
mặc dầu gặp nhiều khó khăn. Dựa vào đó, Văn Phòng Hiệp Nhất gởi lời mời các
quan sát viên ngoài Công Giáo đến tham dự Công Ðồng. Ban đầu, một số giáo hội từ
chối; nhưng cuối cùng sau thời gian đắn đo, họ đã gởi các đại diện đến Công Ðồng.
Như vậy, trong kỳ họp đầu tiên, con số quan sát viên ngoài Công Giáo được gởi tới
là 46 người, cộng với 8 quan sát viên do Văn Phòng mời: họ đại diện cho 17 Giáo
Hội và Cộng Ðồng Kitô Giáo. Ở kỳ họp thứ hai, có 59 quan sát viên đại diện và 9
vị do Văn Phòng mời. Trong kỳ họp thứ ba, có 70 quan sát viên đại diện và 13 do
Văn Phòng mời. Ở kỳ họp cuối cùng, con số quan sát viên ngoài Công Giáo lên tới
90, cộng với 16 người do Văn Phòng mời; và họ đại diện cho 29 Giáo Hội và Cộng
Ðồng Kitô Giáo.
D. Một vài con số
tiêu biểu trong công việc của Công Ðồng
Ðể ý thức được
công trình vĩ đại của Công Ðồng, chúng ta lược nhìn qua vài con số tiêu biểu nhất.
Trước hết, chúng
ta nói đến các cuộc bỏ phiếu. Có tất cả 538 cuộc bỏ phiếu toàn phần hay từng phần:
33 lần được tổ chức ở kỳ họp đầu tiên, 94 lần ở kỳ họp thứ hai, 150 lần ở kỳ họp
thứ ba và 261 lần ở kỳ họp cuối cùng.
Ủy Ban ấn loát của
Tòa Thánh phải làm việc ngày đêm. Ở giai đoạn tiền chuẩn bị, họ đã phát hành 19
quyển sách và mỗi quyển gồm 2,000 bản. Tổng cộng các lần phát hành các lược đồ,
câu hỏi thăm dò, các bản tường trình, các đề nghị tu chỉnh v.v... mỗi thứ 3,000
bản, lên tới 40 triệu trang. Ngoài ra có khoảng 16 triệu trang khác được in cho
các Nghị Phụ sử dụng. Tổng cộng: 150 tấn giấy in. Ðài phát thanh Vaticanô cũng
đã làm việc ngày đêm liên miên để thâu băng các phiên họp của Công Ðồng; và để
hoàn tất, các chuyên viên đài đã tiêu thụ tới 712 cuốn băng, dài 284,000 mét.
Như vậy, các con
số ghi được khả dĩ cho chúng ta thấy tầm mức khổng lồ của các công việc ở Công
Ðồng.
E. Những ý hướng
chính yếu của Vaticanô II
Bất cứ Công Ðồng
nào cũng đều xoay quanh một trục ý thức hệ: hoặc lên án một lạc giáo, hoặc định
tín một tín điều. Chẳng hạn ở Công Ðồng Calcedonia, trục ý thức hệ là Kitô học,
và ở Vaticanô I là vấn đề tối thượng quyền của Ðức Giáo Hoàng. Vậy với Vaticanô
II, đâu là trục ý thức hệ? Ðể có thể có câu trả lời chính xác, dĩ nhiên chúng
ta phải chờ đợi lịch sử trong tương lai phê phán. Thế nhưng, hiện tại với những
viễn ảnh trông thấy của giai đoạn hậu Công Ðồng, chúng ta cố gắng đưa lên vài
điểm chính yếu và chắc chắn làm nền tảng cho Công Ðồng.
1. Vaticanô II:
một Công Ðồng của Giáo Hội nói về Giáo Hội
Giáo Hội là
trung tâm điểm cho mọi giáo lý của Vaticanô II. Thật vậy, đây là lần đầu tiên
trong lịch sử một Công Ðồng bận tâm về đề mục này: Giáo Hội đi tìm định nghĩa
cho chính mình.
Dĩ nhiên, như
chúng ta đã biết, Ðức Gioan XXIII tha thiết lưu tâm tới vấn đề hiệp nhất các
Kitô hữu. Nhưng đồng thời ngài cũng biết rằng Công Ðồng này chưa có thể là một
Công Ðồng tái tạo sự hiệp nhất theo đúng nghĩa; vì trên bước đường hiệp nhất,
Giáo Hội sẽ gặp không biết bao nhiêu chướng ngại vật và vượt qua được những chướng
ngại vật ấy là một điều không thể thực hiện được một sớm một chiều.
Bởi thế, ngài đã
quan niệm rằng trước hết phải đổi mới bộ mặt của Giáo Hội, làm tươi trẻ lại các
cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của Giáo Hội, sao
cho hợp với nhựa sống luôn mới mẻ của Phúc Âm. Lúc đó, theo Ðức Thánh Cha,
chúng ta mới có quyền nói với các anh em ly khai rằng: "Ðây, Giáo Hội thật
của Chúa Kitô, xin anh em hãy nhìn vào, hãy chiêm ngưỡng, vì đó cũng chính là
Giáo Hội của anh em. Vậy chúng ta hãy hiệp nhất với nhau".
Bởi vậy, Thánh
Công Ðồng đã lưu tâm đặc biệt tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, không những vì tầm
quan trọng của nó, nhưng Hiến Chế này còn là ánh sáng chiếu soi cho các văn kiện
khác. Các văn kiện được công bố không theo lược đồ có sẵn của Ủy Ban soạn thảo,
nhưng được kết tạo bằng những đề nghị của các Nghị Phụ mà đời sống nội tâm của
Thánh Công Ðồng đã thôi thúc các Ngài chọn lựa và xếp đặt cho thích hợp theo
suy tư của các ngài về Giáo Hội.
Giáo Hội do đó
được định nghĩa dựa theo các hình ảnh khác nhau của Thánh Kinh. Giáo Hội trước
tiên là Dân Thiên Chúa, định nghĩa này bao hàm các khía cạnh xã hội và lịch sử
của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, vì Giáo Hội muốn làm nổi bật khía
cạnh Kitô học, và huyền nhiệm của mình. Giáo Hội là Nước Thiên Chúa để diễn tả
tính cách cánh chung và nhiều hình ảnh khác được ám chỉ Giáo Hội như đoàn chiên
của Chúa Kitô, cánh đồng, công trình kiến trúc, gia đình của Thiên Chúa, đền thờ
của Chúa Thánh Thần. Sau hết, Giáo Hội được quan niệm như Hiền Thê của Chúa
Kitô, để cho thấy sự khác nhau cũng như sự thân mật của Giáo Hội với vị Hôn Phu
là Chúa Giêsu.
Chúng ta có thể
nói tất cả những văn kiện của Vaticanô II xoay quanh vấn đề Giáo Hội. Hiến Chế
về Giáo Hội là một văn kiện Công Ðồng còn lại, cách trực tiếp hay gián tiếp, đề
cập tới đời sống của Giáo Hội. Thật vậy, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh nhằm diễn tả
nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội; các Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục và các Giáo
Hội Công Giáo Ðông Phương có mục đích minh định chức vụ điều khiển của Giáo Hội
và Hiến Chế về Mạc Khải cũng như Tuyên Ngôn về Giáo Dục đều muốn giải thích quyền
Giáo Huấn của Giáo Hội. Lại nữa, để phác họa các chức bậc cũng như cách sống
khác nhau trong Giáo Hội, Công Ðồng đã ban hành nhiều văn kiện khác: hai Sắc Lệnh
về đời sống và đào tạo Linh Mục đề cập đến các Linh Mục; các dòng tu có Sắc Lệnh
về Dòng Tu và giáo dân có Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân. Cuối cùng, một số văn
kiện khác đề cập tới sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc Lệnh về Hiệp Nhất nhằm diễn tả mối
liên lạc với các người ngoài Kitô giáo. Sau hết, với toàn thể thế giới nói
chung, Công Ðồng ban hành Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay
và Tuyên Ngôn về các phương tiện truyền thông xã hội.
Như thế, chúng
ta không do dự khi nói rằng Giáo Hội là trung tâm điểm của Vaticanô II.
2. Vaticanô II:
Công Ðồng của tự do và đối thoại
Nói lên điều
này, chúng ta không muốn ám chỉ rằng những Công Ðồng khác thiếu tự do hoặc thiếu
tinh thần đối thoại; vì thực ra Công Ðồng nào tự nó cũng đã là một cuộc đối thoại
rồi. Ðiều mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là Vaticanô II được coi là Công Ðồng
đầu tiên đã biết sử dụng sự tự do như một đề mục để dạy dỗ và lấy tinh thần đối
thoại với người ngoài làm chương trình. Ở đây chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng
sự tự do sung mãn này không phải là không có nền tảng Thánh Truyền; không một
Nghị Phụ nào nghi ngờ các tín lý cổ truyền của Giáo Hội.
Nhiều nhà thần học
chủ trương rằng sự bàn cãi lại một vài "chân lý", một số quan niệm và
một số thái độ được coi là cổ truyền của Giáo Hội là một vấn đề không thể chấp
nhận được nên khi soạn thảo các lược đồ, họ đã mặc nhiên đem tất cả vào bản văn
vì coi như những điều chắc chắn. Thế nhưng các Nghị Phụ đã tự do bác bỏ chủ
trương đó, vì đối với các ngài, một số các điều ấy vẫn phải được đem ra mổ xẻ lại.
Hơn thế nữa, các Nghị Phụ cũng đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị sửa đổi của
chính Ðức Giáo Hoàng và ngay cả một lược đồ mà Ðức Giáo Hoàng khuyến khích chấp
thuận.
Trong cuộc tranh
luận về tự do tôn giáo, lần đầu tiên Thánh Công Ðồng đã minh chứng cho thế giới
thấy rằng Giáo Hội không úp mở cũng như không e ngại khi phải đề cập tới tự do,
bởi chính nhân phẩm của con người đòi hỏi điều đó. Giáo Hội cố gắng thoát ra khỏi
"pháo đài" của mình, khỏi "chủ trương khép kín huy hoàng" của
mình, để đối thoại và thông cảm với anh em Kitô hữu, với các tôn giáo khác và
ngay với anh em vô thần. Giáo Hội nhìn nhận và kính trọng những giá trị, những
nền văn hóa khác nhau cũng như các hệ thống chính trị khác nhau của thế giới.
Vaticanô II là
Công Ðồng đầu tiên không có đề mục nào lên án tuyệt thông. Ðây là nét độc đáo của
Công Ðồng này trong lịch sử Giáo Hội.
3. Vaticanô II:
Công Ðồng Mục Vụ
Ðức Gioan XXIII
mong mỏi Công Ðồng này sẽ là Công Ðồng "mục vụ". Ngài không muốn Công
Ðồng dề cập tới vấn đề lên án tuyệt thông cũng như không bận tâm đến các tín điều.
Thực tế, dầu Công Ðồng có hai Hiến Chế Tín Lý (Hiến Chế về Giáo Hội và về Mạc
Khải), đó cũng chỉ là những điều được xác định lại, chứ không có một tín điều
nào mới.
Dĩ nhiên, nếu cần,
Thánh Công Ðồng phải nhắc lại những chân lý tín lý và phải bác bỏ các sai lầm
trong các văn kiện. Nhưng hướng đi của Công Ðồng nhằm ở Mục Vụ. Thay vì đưa ra
các qui tắc từ những suy luận tiên thiên nơi các "nguyên lý vĩnh cửu",
Thánh Công Ðồng đã đi tìm những tiêu chuẩn hướng dẫn thuộc loại đoàn sủng mới
nơi những trạng huống thực tại.
Trong tinh thần
đó và để dung hòa các khía cạnh trái ngược nhau của các vấn đề, thay vì dùng
công thức "hoặc là... hoặc là...", Thánh Công Ðồng chọn công thức
"cả... cả...". Như vậy Công Ðồng có thể giảm bớt tình trạng chú trọng
đến khía cạnh này mà lãng quên những khía cạnh kia, như Giáo Hội đã gặp phải
trong quá khứ. Trong mức độ đứng đắn, Công Ðồng đã tìm dung hòa cả tối thượng
quyền Giáo Hoàng cả cộng đoàn tính của các Giám Mục. Công Ðồng đã đặt đúng chỗ
cả hàng giáo phẩm cả hàng giáo dân, đã giữ quân bình giữa cả Giáo Hội phổ quát
cả Giáo Hội địa phương, giữa cả các giá trị tu trì cả các giá trị phàm trần...
Sau hết tinh thần
mục vụ thể hiện rõ rệt nhất trong chiều hướng chung của Thánh Công Ðồng khi chủ
trương không chống lại một phần tử nào nhưng nhằm lợi ích cho mọi người, khi
Giáo Hội trình bày tất cả sứ mệnh của mình dưới ánh sáng tinh thần phục vụ,
Giáo Hội nhận mình như nữ tì, như kẻ được sai đến đem ơn cứu độ cho nhân loại.
4. Vaticanô II:
nguồn sáng mới
Công Ðồng không
mang lại một tín điều nào mới. Thế nhưng, trong những văn kiện đã công bố, Công
Ðồng tạo được một đặc điểm độc đáo khi nỗ lực xác định rõ một số khía cạnh của
kho tàng chân lý. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một vài nét điển hình cho đặc điểm
này.
Trước hết Công Ðồng
đã trình bày một nền thần học về Chúa Thánh Thần, mà từ lâu hầu như bị lãng
quên trong Giáo Hội Tây Phương. Việc này được xem là công lao của các Nghị Phụ
Ðông Phương. Chẳng hạn ở các văn kiện về Giáo Hội (ví dụ các số 4, 19, 48) và về
Truyền Giáo (ví dụ số 4), Công Ðồng đã trình bày rõ ràng quan điểm này. Thứ đến,
trong thần học về Mạc Khải, Công Ðồng lại đưa ra một quan niệm mới về chân lý của
Thánh Kinh và về linh ứng (x. MK 11).
Nhưng phải nhìn
vào quan điểm thần học về Giáo Hội, chúng ta mới thấy rõ những ánh sáng huy
hoàng của Công Ðồng. Sự trở về với cộng đoàn tính giám mục, quan niệm về Giáo Hội
như bí tích cứu rỗi, như dân Thiên Chúa, hay thái độ mới đối với thế giới
v.v... đều là những ánh sáng độc đáo. lại nữa, Công Ðồng cũng đã giải chiếu ánh
sáng mới cho tính cách bí tích của hàng GiámMục, cho chức phó tế. Sau cùng, với
các bí tích khác. Công Ðồng đã thực sự đem đến bộ mặt mới, sáng sủa. Công Ðồng
đã quan niệm bí tích Giải Tội là sự hòa giải không những với Thiên Chúa mà còn
với Giáo Hội. Bí Tích Hôn Phối được nhấn mạnh hơn ở khía cạnh tình yêu nhân loại
và các mục đích chính yếu; Công Ðồng cũng đưa ra qui chế mới cho các cuộc hôn
nhân tạp giáo v.v... Trong bí tích Thánh Thể, Công Ðồng đã khéo léo đổi mới các
nghi thức Thánh Lễ. Còn về quan điểm thần học chủ trương giáo lý mới về
"chức linh mục phổ quát nơi mọi giáo dân", thì chúng ta cần phải đợi
thời gian mới thấy kết quả. Sau hết, tính cách cánh chung là một ánh sáng mới
được đưa vào trong tất cả các lãnh vực thần học, ví dụ khía cạnh cánh chung của
Giáo Hội lữ hành (x. GH ch 7), của hoạt động truyền giáo (x. TG 9) của đời sống
dòng tu (x. GH 44) v.v...
III. Có Thể Có Vaticanô III Không?
Ðặt câu hỏi
trên, chúng ta không nghĩ rằng Công Ðồng Vaticanô II đã lỗi thời. Nhưng ý kiến
của chúng ta được nêu lên có mục đích tìm hiểu chỗ đứng hiện tại của Công Ðồng
này trong lịch sử Giáo Hội.
Ngày hôm nay,
hơn bao giờ hết, một Công Ðồng phải được quan niệm như là một bổ túc cho Công Ðồng
trước và trở thành nhịp cầu để nối kết Công Ðồng mới trong tương lai. Thế giới
tiến bộ nhanh chóng và Giáo Hội cần thích ứng không ngừng theo dòng lịch sử, nếu
Giáo Hội không muốn lùi bước. Ðàng khác, ngay từ Công Ðồng Nicea, trong định thức
số 5, Giáo Hội cũng đã đòi hỏi rằng các Giám Mục trong một giáo tỉnh phải họp
nhau mỗi năm hai lần. Dĩ nhiên, nguyên tắc điều khiển giáo tỉnh theo thể chế
Công Ðồng nói ở đây phải hòa hợp với tối thượng quyền của Giáo Hoàng trong những
phạm vi thuộc toàn thể Giáo Hội: tuy nhiên tính cách cộng đoàn của Giám Mục được
Vaticanô II cổ võ nói lên phương thức làm việc theo thể chế Công Ðồng từng thịnh
hành trong nhiều thời đại trước.
Vào thế kỷ thứ
XIX, vì quan tâm tìm kiếm một bảo đảm vững chắc cho giáo lý của Giáo Hội, Công
Ðồng Vaticanô I lúc đó đã đi tới định tín quyền bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng.
Do định tín ấy, người ta đã lầm tưởng rằng thời đại Công Ðồng đã chấm dứt. Thế
rồi, trong thời đại hiện tại của chúng ta, vì nhu cầu của tính cách cộng đoàn
Giám Mục đòi hỏi, Giáo Hội đã thiết lập các Thượng Hội Ðồng Giám Mục rồi cũng
vì đó, nhiều người hiện nay nghĩ rằng không cần thiết phải triệu tập các Công Ðồng
Chung nữa. Họ đã lầm tưởng, một lầm tưởng sâu xa. Thực ra Công Ðồng Vaticanô II
đã khai mào những viễn ảnh mới, báo hiệu cho một Công Ðồng trong tương lai để bổ
túc, cũng như Vaticanô II đã làm nhiệm vụ bổ túc cho Công Ðồng trước.
Nhìn vào thực tại,
chúng ta thấy rằng nếu Vaticanô II đã cố gắng dung hòa sự chia cách giữa Giáo
Hoàng và Giám Mục thì cũng cần phải có một Công Ðồng trong những ngày sắp tới để
tìm lại mức quân bình cho hàng Giám Mục với hàng linh mục mà thực tế đang cách
biệt trầm trọng. Nói tổng quát hơn, cần đến một Công Ðồng trong tương lai để
tìm ra những dây liên lạc chân thực giữa giáo sĩ và giáo dân, nghĩa là có mục
đích tìm hiểu và đề cập đến các vấn đề liên quan tới linh mục và giáo dân, cũng
như Vaticanô II đã đặt vấn đề ấy với các Giám Mục.
Hơn nữa, ý hướng
hiệp nhất của Vaticanô II chỉ mới ở những bước đầu. Công Ðồng này đã rộng mở những
cánh cửa mới để có lẽ với cố gắng của một Công Ðồng trong tương lai, những ai
còn ở ngoài Giáo Hội sẽ vào trong Giáo Hội. Sự hiện diện của "các quan sát
viên" ở Công Ðồng Vaticanô II tiên báo sự tham dự của toàn thế giới trong
một Công Ðồng mới hoàn toàn hiệp nhất, ở đó tính cách Công Giáo sẽ đạt tới sung
mãn. Rồi nếu các cộng đoàn anh em ly khai là những Giáo Hội chân thật, họ sẽ cần
hiện diện thực sự với Giáo Hội chúng ta. Hơn thế nữa, bởi vì các Giám Mục các
Giám Mục Chính Thống cũng là những người kế vị thật của các Tông Ðồ, không có
lý do gì họ lại không có quyền đến họp vớ anh em thật của họ, với người kế vị
Thánh Phêrô, trong một Công Ðồng thật sự hiệp nhất mà chúng ta mong ước.
Chúng ta đặt trọn
niềm hy vọng vào sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tất cả chúng
ta đều tiến theo con đường tươi đẹp nhất, cho dầu nẻo đường đó có thể không phù
hợp với những tính toán nhân loại và giới hạn của chúng ta.
Sứ Ðiệp Của Công Ðồng Gửi Ðến Tất Cả Mọi Người
I. Sứ Ðiệp Của Công Ðồng Nhân Dịp Khai Mạc (29-10-1962)
1. Chúng tôi muốn
gửi sứ điệp cứu độ, tình yêu và hòa bình đến tất cả mọi người, đến mọi dân tộc,
sứ điệp đã được Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đem đến cho thế giới
và giao phó cho Giáo Hội Người.
Chính vì mục
đích đó, theo lời mời gọi của Ðức Giáo Hoàng khả kính Gioan XXIII và "đồng
tâm nhất trí trong kinh nguyện cùng với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu", chúng
tôi, những người kế vị các Sứ Ðồ, đã qui tụ nơi đây trong sự hiệp nhất của một
Ðoàn Thể Sứ Ðồ mà người đứng đầu là Ðấng kế vị Thánh Phêrô.
2. Ước gì khuôn
mặt của Ðức Giêsu Kitô tỏa chiếu! Trong Nghị Hội Công Ðồng này, dưới sự hướng dẫn
của Chúa Thánh Thần, chúng tôi quyết tìm cách canh tân chính mình chúng tôi để
"càng ngày chúng tôi càng nên trung thành hơn với Phúc Âm của Ðức
Kitô". Chúng tôi sẽ chuyên tâm trình bày chân lý của Thiên Chúa cho con
người thời đại, một chân lý toàn vẹn và thuần khiết để họ có thể hiểu được dễ
dàng và nhiệt tâm gắn bó với chân lý đó.
Ý thức trách nhiệm
chủ chăn, chúng tôi muốn đáp ứng những nhu cầu của mọi người tìm kiếm Chúa,
"đang mò mẫm cố tìm với hy vọng khám phá ra được Ngài và quả thực Ngài
không xa cách mỗi người chúng ta" (CvTđ 17,27).
Chính vì thế,
vâng theo ý định của Ðức Kitô Ðấng đã nộp mình chịu chết "hầu tự hiến cho
mình một Giáo Hội không vết nhơ hay nét nhăn... nhưng thánh thiện và tinh tuyền"
(Eph 5,27), chúng tôi sẵn sàng hiến trọn con người chúng tôi cho công cuộc canh
tân tinh thần này để Giáo Hội, từ các thủ lãnh cho đến các phần tử, chứng tỏ
cho thế giới thấy khuôn mặt đáng yêu của Ðức Kitô tỏa chiếu trong tâm hồn chúng
ta "để làm rạng ngời vinh quang của Thiên Chúa" (2Cor 4,6).
3. Thiên Chúa đã
quá yêu thương thế gian. Chúng tôi tin rằng Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến
nỗi đã ban Con mình hầu cứu rỗi thế gian, giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội
lỗi, "giao hòa cả vạn vật với Cha Người, thiết lập hòa bình nhờ bửu huyết
đổ ra nơi thập giá Người", nhờ đó chúng ta trở thành "con của Thiên
Chúa, theo danh hiệu cũng như thực sự là thế". Người đã sai đến cho chúng
ta Thánh Thần Người từ nơi Cha, để cho chúng ta sống bằng chính cuộc sống thần
linh của Người trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với những người anh em
chúng ta khiến tất cả nên một trong Ðức Kitô.
4. Nhưng thay vì
làm chúng ta quay lưng lại với những nghĩa vụ trần thế, việc chúng ta gắn bó với
Ðức Kitô trong Ðức Tin, Ðức Cậy và Ðức Ái lại khiến chúng ta dấn toàn thân vào
việc phục vụ những người anh em chúng ta, theo gương Thầy đáng kính "Ðấng
không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ" (Mt 20,28). Chính vì thế, Giáo
Hội được thiết lập không để cai trị nhưng để phục vụ. "Người đã trao ban mạng
sống mình vì chúng ta và chúng ta cũng phải giao phó mạng sống chúng ta vì anh
em" (1Gio 3,16).
Ngoài ra, khi hy
vọng những công việc của Công Ðồng làm cho ánh sáng đức tin trở nên rực rỡ hơn
sống động hơn, chúng tôi ước mong tạo được một sự canh tân tinh thần và từ đó
đem lại một niềm hứng khởi lý thú làm phong phú gia tài nhân loại trong những
phát minh khoa học, tiến bộ kỹ thuật và phổ biến văn hóa.
5. Tình yêu Ðức
Kitô thúc đẩy chúng tôi. Từ khắp mọi dân tộc trên mặt đất chúng tôi đến đây
mang theo với mình những nỗi khốn quẫn về vật chất cũng như tinh thần, những khổ
đau và khát vọng của các dân tộc đã được giao phó cho chúng tôi. Chúng tôi hằng
chú ý đến những vấn đề đang bao vây họ. Trước tiên chúng tôi muốn đem sự săn
sóc ân cần đến tận những người hèn mọn nhất, bần cùng nhất và yếu kém nhất.
Theo gương Ðức Kitô, chúng tôi thương xót đám đông dân chúng đang phải khổ đau
vì đói kém, vì khốn cùng, vì dốt nát. Chúng tôi hằng nhìn đến tất cả những người,
vì thiếu sự trợ giúp đầy đủ, hiện chưa thể đạt tới mức sống xứng hợp với con
người.
Vì thế, khi bắt
tay vào việc, chúng tôi sẽ rất chú trọng đến tất cả những gì có liên quan đến
phẩm giá con người, những gì góp phần vào sự hiệp thông thực sự giữa các dân tộc.
"Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng tôi" (2Cor 5,14) "Nếu ai thấy
người anh em mình lâm cơn túng thiếu mà lại khép kín cửa lòng với người anh em,
thì làm gì còn tình yêu của Thiên Chúa nơi mình?" (1Gio 3,17).
6. Hai vấn đề
chính yếu. Trong sứ điệp truyền thanh ngày 21-09-1962, Ðức Giáo Hoàng Gioan
XXIII đã đặc biệt nhấn mạnh đến hai điểm:
Ðiểm thứ nhất là
vấn đề hòa bình giữa các dân tộc. Ai lại không gớm ghét chiến tranh? Ai lại
không hết sức khao khát hòa bình? Giáo Hội cũng vậy và còn hơn hết mọi người vì
Giáo Hội là mẹ tất cả mọi người. Qua tiếng nói của các Giáo Hoàng, Giáo Hội
không ngừng tuyên bố lòng yêu mến hòa bình, thiện chí xây dựng hòa bình và hết
lòng cộng tác vào mọi nỗ lực chân thành nhằm kiến tạo hòa bình. Giáo Hội hết sức
làm việc để các dân tộc xích lại gần nhau, hiểu biết nhau và kính trọng lẫn
nhau. Chính Công Ðồng này, với những dị biệt kỳ lạ về chủng tộc, về quốc gia và
về ngôn ngữ lại không phải là chứng từ sống động, là dấu chỉ hữu hình cho một cộng
đoàn yêu thương huynh đệ hay sao? Chúng tôi khẳng quyết rằng tất cả mọi người đều
là anh em dù thuộc bất cứ chủng tộc hay quốc gia nào.
Ðiểm thứ hai, Ðức
Giáo Hoàng chú trọng đến công bằng xã hội. Giáo thuyết được trình bày trong
thông điệp Mẹ và Thầy chứng tỏ rõ ràng hơn bao giờ hết Giáo Hội trở thành cần
thiết cho thế giới hiện đại để tố giác những bất công và những bất bình đẳng trắng
trợn, để tái tạo một bậc thang đúng đắn cho các giá trị, làm cho đời sống trở
thành nhân bản hơn theo những nguyên tắc của Phúc Âm.
7. Sức mạnh của
Thánh Thần. Chắc hẳn chúng tôi không có những phương tiện kinh tế cũng như
không có thế lực trần gian, nhưng chúng tôi đặt niềm tin tưởng nơi sức mạnh của
Thánh Thần mà Chúa Giêsu Kitô đã hứa ban cho Giáo Hội. Vì thế, với lòng khiêm
cung và nhiệt thành, chúng tôi kêu mời không phải chỉ những anh em mà chúng tôi
đang phục vụ với tư cách chủ chăn nhưng cũng kêu mời tất cả những anh em tin
vào Ðức Kitô và tất cả mọi người thiện chí "mà Thiên Chúa muốn cứu thoát
và đưa dẫn tới chỗ nhận biết chân lý" (1Tim 2,4). Ước gì tất cả đều kết hiệp
với chúng tôi trong công cuộc xây dựng ngay tại trần gian này một xã hội công bằng
hơn và huynh đệ hơn. Bởi vì ý định của Thiên Chúa là muốn nước của mình chiếu tỏa
phần nào trên mặt đất nhờ đức ái như một hình bóng của vương quốc vĩnh cửu.
Giữa một thế giới
còn đang quá xa cách hòa bình mình mong đợi, còn đang lo âu trước những đe dọa
đè nặng bởi những tiến bộ kỹ thuật tự chúng rất đáng khâm phục nhưng cũng nguy
hại bao lâu chúng không qui chiếu vào một lề luật luân lý cao hơn, ước gì bừng
lên ánh sáng của niềm hy vọng lớn lao vào Ðức Giêsu Kitô, Vị Cứu Tinh duy nhất
của con người chúng ta.
II. Sứ Ðiệp Của Công Ðồng Nhân Dịp Bế Mạc (8-12-1965)
Ð.G.H. Phaolô VI
tuyên đọc
Nhập Ðề
8. Chư huynh
đáng kính,
Giờ lên đường,
giờ giải tán đã điểm. Lát nữa, Chư huynh sẽ từ giã nghị hội Công Ðồng để trở về
gặp gỡ nhân loại, mang về cho nhân loại tin vui của Phúc Âm Ðức Kitô và của việc
canh tân Giáo Hội mà chúng ta đã làm từ bốn năm nay.
Ðây là giờ phúc
độc nhất, giờ phút đầy ý nghĩa và phong phú vô cùng! Trong cuộc đại hội hoàn cầu,
ở một thời gian và một địa điểm đặc biệt này, chúng ta thấy qui tụ lại tất cả
quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ vì ở đây tụ họp lại toàn thể Giáo Hội Ðức
Kitô, với truyền thống lịch sử của mình với các Công Ðồng, các Tiến Sĩ, và các
Thánh của mình. Hiện tại: vì chúng ta đang từ giã nhau để đi về gặp gỡ thế giới
ngày nay, một thế giới với các khốn cùng, đau thương và tội lỗi của nó nhưng
cũng có giá trị và nhân đức của mình. Sau cùng, tương lai: với tiếng gọi khẩn cấp
của các dân tộc đang mong mỏi công bình, với ý chí muốn xây dựng hòa bình và với
khát vọng ý thức hay vô ý thức về một đời sống cao đẹp hơn, đời sống mà chính
Giáo Hội Chúa Kitô hiện có thể và đang muốn mang lại cho họ.
9. Chúng tôi thấy
như từ khắp nơi trên thế giới đang vọng về tiếng xôn xao tuy mơ hồ nhưng lớn
lao của tất cả những người hướng nhìn về Công Ðồng và lo lắng hỏi chúng ta: các
ngài lại không nói lời nào với chúng tôi sao...? Vâng chúng tôi đây là những
nhà cầm quyền, những nhà trí thức, những người lao động, những nhà nghệ sĩ...?
Chúng tôi, những phụ nữ, những thanh niên, những người đau ốm và nghèo khổ, các
ngài không có lời nào cho chúng tôi sao?
Những tiếng gọi
thiết tha ấy phải được đáp lại. Chính vì tất cả mọi tầng lớp nhân loại mà Công
Ðồng làm việc từ bốn năm nay; chính vì muốn dành cho họ nên "Hiến chế về
Giáo Hội trong thế giới ngày nay" đã được soạn thảo và hôm qua chúng tôi
đã ban hành giữa những tiếng hoan hô nhiệt liệt của Chư Huynh.
10. Từ cuộc suy
niệm lâu dài của chúng ta về Chúa Kitô và về Giáo Hội Người, giờ đây phải thốt
lên tiếng nói đầu tiên, loan báo nền hòa bình và sự cứu độ cho bao đám đông
đang mong đợi. Trước khi từ biệt, Công Ðồng muốn hoàn thành chức vụ tiên tri
này. Công Ðồng muốn diễn tả "Tin Mừng" mà Công Ðồng mang đến cho toàn
thế giới bằng những sứ điệp vắn và trong một ngôn ngữ mọi người có thể hiểu dễ
dàng. Tin mừng này sẽ được một vài Vị trong những phát ngôn viên có thẩm quyền
của Công Ðồng nhân danh Chư Huynh nói chuyện với toàn thể nhân loại.
Hồng Y A.
Liénart tuyên đọc:
Gửi Các Nhà Cầm
Quyền
11. Trong giờ
phút long trọng này, chúng tôi, những Nghị Phụ trong Công Ðồng thứ 21 của Giáo
Hội Công Giáo sắp sửa từ giã nhau sau bốn năm cầu nguyện và làm việc, ý thức trọn
vẹn về sứ mạng của mình đối với nhân loại, chúng tôi trân trọng và tín cẩn ngỏ
lời với những vị hiện đang cầm trong tay vận mệnh của mọi người trên địa cầu,
cùng hết mọi người đang cầm quyền bính trên trần gian.
Chúng tôi lớn tiếng
tuyên bố: chúng tôi kính trọng quyền hành và chủ quyền của quí vị, chúng tôi
tôn trọng chức vụ của quý vị. Chúng tôi nhìn nhận những pháp luật chính đáng của
quí vị, chúng tôi quí chuộng người làm ra cũng như người áp dụng những luật ấy.
Nhưng chúng tôi có một lời chí thánh để nói với quí vị, đó là: chỉ một mình
Thiên Chúa là cao cả. Chỉ một mình Thiên Chúa là nguyên thủy và là cứu cánh. Chỉ
một mình Thiên Chúa là nguồn gốc của quyền bính và là nền tảng các luật lệ của
quí vị.
12. Chính quí vị
có nhiệm vụ phải cổ võ cho nền trật tự và hòa bình giữa mọi người trên trái đất.
Nhưng xin đừng quên: Thiên Chúa chân thực và hằng sống là Cha mọi người. Và
chính Chúa Kitô, người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa đã đến nói cho chúng ta biết
điều ấy và dạy cho chúng ta biết tất cả đều là anh em với nhau. Chính Người là
thợ cao cả của trật tự và hòa bình thế giới vì chính Người hướng dẫn lịch sử
nhân loại và chỉ một mình Người mới có thể khiến các tâm hồn từ khước những dục
vọng xấu xa, mầm mống phát sinh ra chiến tranh và đau khổ. Chính Người là Ðấng
chúc lành cho cơm bánh của nhân loại, thánh hóa việc làm và những vất vả của
nhân loại, mang lại cho nhân loại những niềm vui mà quí vị không thể mang lại
cũng như làm cho họ vũng mạnh lại trong những đau thương mà quí vị không thể an
ủi được.
13. Trong xã hội
thế trần và hữu hạn của quí vị, Chúa Kitô xây dựng cách nhiệm mầu xã hội tinh
thần và vĩnh cửu của Người tức là Giáo Hội của Người, vậy Giáo Hội mong muốn gì
ở quí vị, sau hai ngàn năm biến chuyển thăng trầm về mọi phương diện trong mối
bang giao với quí vị, những người nắm quyền lực trần gian? Ngày nay Giáo Hội cầu
mong gì ở quí vị? Giáo Hội đã nói nguyện vọng ấy cho quí vị trong một bản văn
quan trọng của Công Ðồng: Giáo Hội chỉ yêu cầu quí vị để tự do: tự do tin và
rao giảng niềm tin của mình, tự do yêu mến Thiên Chúa và phụng sự Ngài, tự do sống
và mang đến cho mọi người sứ điệp về sự sống. Xin đừng kiêng sợ Giáo Hội: Giáo
Hội theo gương chủ mình nên hoạt động mầu nhiệm của Giáo Hội không dẫm chân lên
những đặc quyền của quí vị nhưng để cứu nhân loại khỏi sự tàn tạ oan nghiệt, biến
đổi nó, đổ đầy niềm hy vọng, chân lý và vẻ đẹp.
Xin hãy để Chúa
Kitô thi hành công việc tinh luyện xã hội này! Xin đừng đóng đinh Người lại một
lần nữa: việc đó là phạm thánh vì Người là Con Thiên Chúa; đó cũng là tự sát vì
Ngài là Con Người. Xin để yên chúng tôi, những thừa tác viên khiêm tốn của Người,
đừng cản trở chúng tôi trong việc gieo rắc khắp nơi "tin mừng" của
Phúc Âm hòa bình, tin mừng đã được chúng tôi nghiền ngẫm trong suốt thời kỳ
Công Ðồng. Dân chúng của quí vị sẽ là những người đầu tiên được hưởng ơn ích
tin mừng hòa bình này vì Giáo Hội nhằm đào tạo cho quí vị những người công dân
liêm chính biết yêu chuộng hòa bình và tiến bộ.
Trong ngày long
trọng bế mạc các phiên hội của Công Ðồng Chung lần thứ 21 này, Giáo Hội, qua tiếng
nói của chúng tôi, xin gửi tới quí vị tình thân hữu, ý chí phục vụ và những
năng lực tinh thần cũng như đạo đức của mình. Giáo Hội xin gửi đến tất cả quí vị
sứ điệp cứu độ và chúc lành. Xin hãy tiếp nhận sứ điệp ấy trong cùng một tinh
thần như đã được gửi đi, nghĩa là với một tấm lòng hoan hỉ, chân thành và xin
quí vị cũng chuyển tới tất cả dân chúng của quí vị.
Hồng Y P. Léger
tuyên đọc:
Gửi Giới Trí Thức
14. Công Ðồng đặc
biệt gửi lời chào kính tới những người kiếm tìm chân lý, những nhà tư tưởng và
khoa học, những nhà thám hiểm vũ trụ, lịch sử và con người. Xin chào thăm tất cả
quí vị, những người lữ hành đang tiến về ánh sáng, cả những người đã đứng lại dọc
đường vì mệt mỏi hoặc thất vọng vì tìm không thấy.
Tại sao chúng
tôi lại chào kính đặc biệt quí vị? Bởi vì tất cả chúng tôi đây, những giám mục,
Nghị Phụ Công Ðồng, chúng tôi cũng đang ngóng tìm chân lý. Nỗ lực của chúng tôi
trong bốn năm qua là gì, nếu không phải là một cuộc tìm kiếm chú ý hơn và đào
sâu sứ điệp chân lý đã được giao phó cho Giáo Hội, một nỗ lực lắng nghe thuần
thục và chăm chú hơn trước tiếng nói của Thần Chân Lý?
Vì thế chúng tôi
không thể không gặp gỡ quí vị. Con đường quí vị cũng là con đường của chúng
tôi. Ðường lối quí vị cũng không bao giờ xa lạ với những đường lối chúng tôi.
Chúng tôi là những người bạn đồng hành cùng được kêu gọi để tìm kiếm như quí vị,
cùng chia sẻ mệt nhọc với quí vị, cùng chung tiếng thán phục những thành quả của
quí vị, và nếu cần, có thể khích lệ khi quí vị nản chí và thất bại.
15. Vì thế chúng
tôi có một sứ điệp gửi tới quí vị. Sứ điệp ấy như sau: xin hãy tiếp tục tìm kiếm
và đừng bao giờ nản chí, thất vọng vì không tìm được chân lý! Xin hãy nhớ tới lời
người bạn thân thiết của quí vị là Thánh Augustinô: "Hãy tìm kiếm với ước
muốn gặp thấy, và gặp thấy với ước muốn kiếm thêm mãi"! hạnh phúc cho những
ai đã gặp thấy chân lý nhưng vẫn còn kiếm tìm thêm mãi để đổi mới, để đào sâu
chân lý và mang chân lý tới cho người khác. Hạnh phúc cho những ai dù chưa gặp
gỡ chân lý, nhưng vẫn thành tâm tiến tới chân lý: mong họ tìm ánh sáng ngày mai
nhờ ánh sáng hôm nay, cho đến lúc chan hòa ánh sáng.
Xin cũng đừng
quên: suy nghĩ là một việc cao cả, nhưng trước hết là một nhiệm vụ. Bất hạnh
thay cho những người cố tình nhắm mắt trước ánh sáng! Suy nghĩ còn là một trách
nhiệm: bất hạnh thay cho những người làm tinh thần mờ tối bằng trăm ngàn thủ đoạn
khiến họ chán nản, kiêu căng, lầm lẫn và sai lệch! Nguyên tắc căn bản của những
nhà khoa học là gì nếu không phải là: cố gắng suy nghĩ đúng?
16. Ðể giúp suy
nghĩ đúng, chúng tôi đến cống hiến quí vị ánh sáng của cây đèn mầu nhiệm là đức
tin, không phải để làm quẩn chân hay làm chói mắt quí vị. Ðấng trao gởi ánh
sáng đức tin cho chúng tôi là vị tôn sư của tư tưởng và chúng tôi là những đệ tử
khiêm tốn của Người, chỉ một mình Người đã nói và có quyền nói: "Ta là ánh
sáng thế gian. Ta là đường, là sự thật và là sự sống".
Lời nói trên đây
có liên hệ đến quí vị. Nhờ ơn Thiên Chúa, cái khả năng hòa đồng sâu xa giữa
khoa học chân chính và đức tin chân chính có lẽ không bao giờ lại hiện rõ hơn
ngày hôm nay vì cả hai điều phục vụ cho chân lý duy nhất. Xin đừng ngăn cản cuộc
gặp gỡ quí báu này! Xin hãy tín nhiệm đức tin, vốn là người bạn thân của trí tuệ!
Xin hãy để ánh sáng đức tin soi sáng quý vị ngõ hầu nắm được chân lý, toàn thể
chân lý. Ðó là lời cầu chúc, sự khích lệ và hy vọng mà các Nghị Phụ trên khắp
thế giới họp Công Ðồng tại Roma gửi tới quí vị trước giờ phút chia tay.
Hồng Y L.
Suénens tuyên đọc:
Gửi Giới Văn Nghệ
Sĩ
17. Giờ đây,
chúng tôi xin ngỏ lời với quí vị văn nghệ sĩ, những người say mê và phục vụ cái
đẹp: quí vị là những thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, điều khắc gia, kiến trúc sư, nhạc
sĩ, diễn viên cũng như chuyên viên kịch nghệ và điện ảnh... Qua tiếng nói của
chúng tôi, Công Ðồng Giáo Hội xin ngỏ lời với toàn thể quí vị: nếu yêu chuộng
nghệ thuật chân chính thì quí vị là bạn hữu của chúng tôi.
Ðã từ lâu, Giáo
Hội liên kết với quí vị. Quí vị đã xây dựng và trang hoàng những đền thờ, suy
tôn các tín điều, làm giàu cho phụng vụ của Giáo Hội. Quí vị đã giúp đỡ Giáo Hội
diễn tả sứ điệp thánh của mình ra ngôn ngữ hình thể và sắc thái, khiến cho thế
giới vô hình có thể được cảm nhận.
18. Ngày nay
cũng như trong quá khứ, Giáo Hội vẫn cần đến quí vị và hướng về quí vị. Qua tiếng
nói của chúng tôi, Giáo Hội ngỏ lời cùng quí vị: xin đừng để tan vỡ mối liên kết
phong phú tột bực. Xin đừng chối từ đem tài năng ra phụng sự chân lý Thiên
Chúa. Xin đừng đóng cửa tinh thần quí vị trước hơi thở của Thánh Thần Chúa!
Thế giới chúng
ta sống ngày nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp,
cũng như sự thật mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa
trái quí giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho
họ thông cảm nhau khi thán phục nhau. Công trình ấy là do bàn tay của quí vị...
19. Ước mong những
bàn tay ấy được thanh sạch, vô vị lợi! Xin hãy nhớ rằng quí vị là những người bảo
vệ cái đẹp trong thế giới: mong rằng chỉ điều đó cũng đủ khiến quí vị vượt qua
những thị hiếu phù du không có giá trị đích thức, đủ khiến quí vị tránh tìm những
lối diễn tả dị kỳ và bất nhã.
Ước chi lúc nào
và chỗ nào quí vị cũng vẫn xứng đáng với lý tưởng mình để rồi sẽ xứng đáng với
Giáo Hội, mà ngày hôm nay qua tiếng nói của chúng tôi, xin gửi đến quí vị sứ điệp
thân hữu, cứu độ, ân phúc và chúc lành.
Hồng Y L. Duval
tuyên đọc:
Gửi Giới Phụ Nữ
20. Giờ đây
chúng tôi xin ngỏ lời với nữ giới thuộc hết mọi thành phần: các thiếu nữ, các
người vợ, người mẹ, các quả phụ, cả những người đồng trinh đã dâng mình cho
Chúa và các người ở độc thân: tất cả quí vị chiếm một nửa đại gia đình nhân loại.
Như quý bà và chị
em đã biết, qua các thời đại, Giáo Hội hãnh diện vì đã làm vẻ vang và giải
phóng người phụ nữ, đã làm nổi bật trong sự khác biệt phái tính sự bình đẳng
căn bản của Nữ giới với Nam giới.
Nhưng bây giờ đã
đến lúc sứ mệnh người nữ được thể hiện hoàn toàn. Ðây là lúc người phụ nữ có một
ảnh hưởng, một sự phát huy và một quyền lực từ trước đến nay chưa từng có trong
xã hội.
Vì thế, trong
khi nhân loại đang trải qua một biến động sâu xa như lúc này, những phụ nữ thấm
nhuần tinh thần Phúc Âm có thể giúp đỡ rất nhiều cho nhân loại thoát khỏi sự
suy đồi.
21. Quý bà và chị
em bao giờ cũng góp phần bảo vệ gia đình, tuôn chảy nguồn yêu thương và dưỡng dục
trẻ thơ. Quý bà và chị em hiện diện lúc mầu nhiệm sự sống bắt đầu và ủi an
trong giờ cuộc đời chấm dứt. Nền kỹ thuật của chúng ta có thể trở nên vô nhân đạo
nên xin quý bà và chị em hãy hòa giải con người với sự sống. Nhất là chúng tôi
tha thiết thỉnh cầu quý bà và chị em hãy săn sóc đến tương lai của giống nòi
chúng ta. Hãy giữ tay người đàn ông lại nếu trong một phút điên cuồng họ muốn
tiêu hủy nền văn minh nhân loại.
Hỡi các người vợ,
người mẹ gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại trong lòng tổ ấm
gia đình, xin truyền thụ cho con trai con gái quý bà những truyền thống của cha
ông chúng ta, đồng thời chuẩn bị cho chúng một tương lai xa vời. Các bà hãy
luôn nhớ là nhờ con cái nên người mẹ góp phần vào tương lai, một tương lai có lẽ
mắt quý bà sẽ không được nhìn thấy.
Cả những chị em ở
độc thân nữa, xin ý thức rằng chị em có thể chu toàn trọn vẹn sứ mệnh phục vụ của
mình. Xã hội khắp nơi đang kêu gọi chị em, ngay các gia đình cũng không thể
sinh hoạt nếu gạt bỏ sự trợ giúp của những người không lập gia đình.
Nhất là những
người đồng trinh đã dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà chủ nghĩa ích kỷ
và sự ham tìm khoái lạc muốn trở nên qui luật sống, chị em hãy duy trì đức
trong sạch, lòng vô vị lợi và tinh thần đạo đức. Chúa Giêsu, Ðấng đã ban cho
tình yêu vợ chồng trọn vẹn ý nghĩa của nó cũng đã đề cao sự từ khước tình yêu
nhân loại này khi nó hướng về tình yêu vô biên và nhằm phục vụ mọi người.
Sau cùng, hỡi những
người đang bị thử thách, quý bà và chị em đang đứng thẳng dưới chân thánh giá
như Ðức Maria, biết bao lần trong lịch sử, quý bà và anh chị em đã mang lại cho
người đàn ông sức mạnh để chiến đấu tới cùng, đã giúp họ làm chứng nhân ngay cả
tử vì đạo, một lần nữa xin hãy giúp họ can đảm làm những công cuộc lớn, đồng thời
biết kiên nhẫn và biết bắt đầu bằng những công việc nhỏ.
22. Hỡi tất cả
phụ nữ, quý bà và chị em biết cách làm cho chân lý trở nên êm ái, dịu dàng, dễ
hiểu, xin hãy chuyên chú làm cho tinh thần Công Ðồng được thấm nhập vào cơ cấu,
trường học, gia đình và đời sống hằng ngày.
Hỡi các phụ nữ
trên toàn thế giới thuộc Kitô giáo hay vô tín ngưỡng, sự sống đã được giao phó
cho quý vị trong phút giây lịch sử nghiêm trọng này, quý bà và chị em có nhiệm
vụ cứu vãn nền hòa bình thế giới.
Hồng Y P.
Zoungrana tuyên đọc:
Gửi Giới Lao Ðộng
23. Trong suốt
Công Ðồng này, chúng tôi, các Giám Mục Công Giáo khắp năm châu, đã cùng nhau
suy nghĩ những vấn đề nghiêm trọng trong số bao nhiêu đề tài khác đặt ra trước
lương tâm nhân loại do những điều kiện kinh tế xã hội của thế giới ngày nay, vấn
đề sống chung giữa các quốc gia, vấn đề võ trang, chiến tranh và hòa bình.
Chúng tôi hoàn toàn ý thức rằng cách thức giải quyết những vấn đề này có thể ảnh
hưởng đến đời sống cụ thể của nam nữ công nhân trên khắp thế giới. Vì thế, sau những
phiên thảo luận, chúng tôi mong ước gửi đến tất cả anh em lao động một sứ điệp
tín cẩn, hòa bình và thân hữu.
Hỡi những người
con rất thân mến, thoạt tiên xin hãy yên trí rằng Giáo Hội hiểu biết những nỗi
thống khổ, cuộc tranh đấu, niềm hy vọng của anh em. Giáo Hội rất khâm phục những
đức tính làm cho tâm hồn anh em nên cao đẹp, đó là lòng can đảm, sự tận tụy,
lương tâm nghề nghiệp, lòng yêu chuộng công bình. Giáo Hội nhìn nhận đầy đủ những
sự phục vụ lớn lao anh em đã mang lại cho xã hội khi mỗi người ở địa vị mình,
và đôi khi trong những địa vị khiêm tốn nhất, bị khinh rẽ nhất, Giáo Hội rất
hài lòng và xin cảm tạ anh em qua tiếng nói của chúng tôi.
24. Trong những
năm vừa qua, Giáo Hội không ngừng lưu tâm đến những vấn đề càng ngày càng phức
tạp của thế giới lao động. Tiếng vọng từ trong hàng ngũ lao động đối với những
thông điệp vừa qua của các Ðức Giáo Hoàng đã chứng tỏ tâm hồn người lao động
ngày nay hòa hợp mật thiết với các vị lãnh đạo tinh thần cao cả nhất của mình.
Ðức Gioan XXIII,
Ðấng làm giàu cho gia tài Giáo Hội bằng những sứ điệp trứ danh, đã tìm ra được
ngôn ngữ thấu đến tâm hồn anh em. Nơi con người của ngài, ngài đã làm sáng tỏ tất
cả tình yêu của Giáo Hội đối với người lao động cũng như đối với chân lý, công
bình, tự do, bác ái, là những nền tảng xây dựng hòa bình thế giới.
25. Cũng trong
tinh thần ấy, chúng tôi cũng muốn được tỏ bày lòng yêu mến của Giáo Hội đối với
anh em, những người lao động, và với tất cả lòng xác tín chân thành, chúng tôi
xin nói với anh em rằng: Giáo Hội là bạn của anh em. Xin hãy tín cẩn vào Giáo Hội!
Trong quá khứ, những hiểu lầm đáng tiếc đã kéo dài quá lâu sự nghi kỵ và sự bất
đồng giữa chúng ta; Giáo Hội và giới thợ thuyền đều phải đau khổ vì việc đó.
Ngày nay, giờ hòa giải đã điểm, và nhờ tinh thần của Công Ðồng Giáo Hội mời gọi
anh em hoan hỉ cử hành giờ đó với tất cả sự tin tưởng thành thực.
Giáo Hội luôn
luôn cố tìm để hiểu rõ anh em hơn. Nhưng anh em cũng phải tìm hiểu Giáo Hội là
gì đối với anh em, những người lao động, những tay thợ chính yếu đang thực hiện
các biến đổi lạ lùng cho thế giới ngày nay. Anh em quá biết rằng: nếu một luồng
linh khí mãnh liệt không phổ vào những biến đổi này, chúng ta sẽ trở thành tai
họa cho nhân loại thay vì mang lại hạnh phúc cho họ. Không phải hận thù sẽ cứu
vớt thế giới! Không phải chỉ có cơm bánh trần gian có thể làm no thỏa cơn đói của
con người!
Vì thế, hãy đón
nhận sứ điệp của Giáo Hội. Hãy đón nhận đức tin được Giáo Hội hiến dâng cho anh
em để soi đường dẫn lối. Ðó là đức tin của vị kế nghiệp Thánh Phêrô và của hai
ngàn Giám Mục họp lại nơi Công Ðồng, đó là đức tin của toàn dân Chúa. Mong Ðức
Tin ấy soi sáng cho anh em, dẫn lối cho anh em, làm cho anh em hiểu biết Chúa
Giêsu, bạn đồng lao với anh em, là Thầy và là Ðấng Cứu Ðộ của toàn thể nhân loại.
Hồng Y P.
Méouchi tuyên đọc:
Gửi Người Nghèo,
Bệnh Tật Và Ðau Khổ
26. Ðối với tất
cả các bạn, những anh em đang bị thử thách, đang bị đau khổ dày vò dưới muôn
hình vạn trạng. Công Ðồng xin gửi đến một sứ điệp đặc biệt.
Công Ðồng cảm thấy
anh em đang ngóng nhìn về mình với những con mắt cầu khẩn, sáng rực vì cơn sốt
hoặc đờ đẫn vì mệt nhọc, những cái nhìn dò hỏi đang vô vọng tìm hiểu tại sao
con người lại đau khổ hay đang lo âu tự hỏi xem bao giờ và tự đâu sẽ có nâng đỡ.
Anh em rất thân
mến, chúng tôi cảm thấy rất sâu đậm những lời rên siết và than thở của anh em
đang vang lên trong lòng những người cha và chủ chăn của chúng tôi, chúng tôi
càng buồn sầu khi nghĩ rằng mình không thể mang lại sức khỏe thể xác cũng như sự
thuyên giảm đau đớn bên ngoài cho anh em như các bác sĩ, y tá và tất cả những
người săn sóc bệnh nhân đang cố gắng tận tình cứu chữa.
27. Nhưng chúng
tôi có một cái gì sâu xa hơn, quí giá hơn để mến tặng anh em, một chân lý duy
nhất có thể trả lời cho mầu nhiệm đau khổ và mang lại cho anh em sự an ủi chân
thật: đó là đức tin và sự kết hiệp với con người đau khổ là Chúa Kitô, Con
Thiên Chúa, Ðấng bị đóng đinh vì tội lỗi cũng như để cứu rỗi chúng ta.
Chúa Kitô đã
không diệt trừ đau khổ. Người cũng không muốn vén lên hoàn toàn chiếc màn mầu
nhiệm của đau khổ cho chúng ta: Người lại nhận đau khổ cho mình và vì thế đã
quá đủ cho chúng ta hiểu rõ giá trị của đau khổ.
Hỡi tất cả anh
em, những người đang cảm thấy thập giá đè nặng, những người nghèo túng, bị bỏ
rơi, những người đang khóc lóc, đang bị bách hại vì sự công chính, những người
không được ai nói đến, những người đau khổ vô danh, xin hãy lấy lại can đảm.
Anh em là những người được ưu đãi trong nước Chúa, nước có hy vọng, hạnh phúc
và sự sống. Anh em là những người em của Chúa Kitô đau khổ và nếu anh em muốn,
anh em cùng cứu vớt thế gian với Người.
Ðó là học thuyết
Kitô giáo về đau khổ, học thuyết duy nhất mang lại bình an. Xin biết chắc chắn
rằng anh em không cô độc, không bị loại trừ, bị bỏ rơi hoặc bị coi là vô dụng.
Trái lại anh em là những người được Chúa Kitô kêu gọi, là hình ảnh sống động và
trong suốt của Chúa. Nhân danh Chúa, Công Ðồng âu yếm chào thăm anh em, cảm ơn
và đoan chắc với anh em về tình thân hữu, về sự giúp đỡ của Giáo Hội và chúc
phúc lành cho anh em.
Hồng Y G.
Agagianian tuyên đọc:
Gửi Giới Trẻ
28. Sau hết Công
Ðồng muốn gửi cho các bạn thanh niên và thiếu nữ toàn thế giới bức sứ điệp sau
cùng vì chính các bạn sắp được nhận lấy ngọn đuốc từ tay phụ huynh và sẽ sống
trong thế giới vào lúc diễn ra những biến đổi vĩ đại nhất của lịch sử. Chính các
bạn, trong khi thừa hưởng phần tốt nhất của gương sáng và giáo huấn nơi cha mẹ
cũng như thầy dạy, các bạn đang tiến tới việc kiến tạo xã hội ngày mai: các bạn
sẽ tự cứu được mình hay sẽ bị tiêu diệt cùng với xã hội ấy.
Ròng rã bốn năm
qua, Giáo Hội đã làm việc để làm trẻ lại khuôn mặt mình, sao cho mỗi ngày một
phù hợp với ý định của Ðấng sáng lập, Ðấng Hằng Sống Cao Cả là Chúa Kitô muôn đời
trẻ trung. Vào phút chót cuộc "duyệt lại đời sống" quan trọng này,
Giáo Hội hướng về các bạn. Chính cho những người trẻ các bạn, phải, đặc biệt
cho các bạn mà Giáo Hội qua Công Ðồng vừa thắp lên một ánh sáng: ánh sáng soi
cho tương lai, tương lai đời các bạn.
29. Giáo Hội lưu
tâm muốn cho xã hội các bạn sắp thiết lập biết tôn trọng phẩm giá, tự do, quyền
lợi của con người, cũng là chính con người các bạn.
Giáo Hội đặc biệt
lưu tâm làm sao cho xã hội này sẽ để cho cái kho tàng luôn luôn cổ kính và luôn
luôn mới mẻ là đức tin được nảy nở, và sao cho tâm hồn các bạn có thể tự do tắm
gội trong ánh sáng tốt lành của nó. Giáo Hội tin tưởng rằng: các bạn sẽ gặp được
một sức mạnh và một niềm vui lớn lao đến độ các bạn sẽ không bị quyến rũ như một
số đàn anh, buông mình theo những triết thuyết ích kỷ và khoái lạc, thất vọng
và hư vô, đồng thời đứng trước chủ nghĩa vô thần, hiện tượng của suy nhực và
già cỗi, các bạn có thể củng cố lòng mình tin tưởng ở đời và tin chân lý làm
cho đời sống có một ý hướng: đó là xác tín có một Thiên Chúa công bình và tốt
lành.
30. Chính nhân
danh Thiên Chúa và Con Ngài là Chúa Giêsu, chúng tôi khuyên các bạn hãy mở rộng
tâm hồn ra tới mọi chiều hướng của thế giới, lắng nghe tiếng gọi của các anh em
và đem những nghị lực trẻ trung ra phục vụ cho họ.
Hãy chiến đấu chống
mọi ích kỷ. Hãy chống lại, đừng tự buông thả theo các bản năng hung bạo và hận
thù, là mầm mống gây nên chiến tranh và biết bao điều khốc hại khác. Xin hãy đại
độ, trong sạch, kính cẩn và chân thành. Xin hãy đem nhiệt huyết ra xây dựng một
thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới của đàn anh các bạn!
Giáo Hội nhìn đến
các bạn với lòng đầy tín cẩn và yêu thương. Vốn mang một dĩ vãng lâu dài và hằng
sống động trong mình đồng thời luôn luôn đi tới sự hoàn thiện nhân loại qua thời
gian cũng như vừa tiến tới những chân trời sau cùng của lịch sử và sự sống.
Giáo Hôi là sự trẻ trung đích thực của thế giới. Giáo Hội mang vốn liếng làm
nên sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ: đó là khả năng biết hoan hỉ trước những gì
mới bắt đầu, biết cho đi mà không mong trả lại, biết tự đổi mới và ra đi tìm những
chinh phục mới. Xin hãy nhìn Giáo Hội và các bạn sẽ khám phá ra khuôn mặt Chúa
Kitô, vị anh hùng chân chính, khiêm tốn và khôn ngoan, vị ngôn sứ của chân lý
và tình yêu, là bạn đường và bạn thân của người trẻ. Nhân danh chính Chúa Kitô
chúng tôi chào thăm, khuyên nhủ và chúc lành cho các bạn.
Nhân kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II
(11/10/1962-11/10/2002)
Dấu Ấn Công Ðồng
Vatican II Tại Một Ðịa Phương
Con số 40 hay được
dùng trong Kinh Thánh. Nó nói lên những thời gian có ý nghĩa về lịch sử cứu độ.
Xin trích dẫn một số trường hợp.
Tiếng nói của
con số 40.
Ông Maisen ở
trên núi Xinai 40 ngày đêm (Xh 24,18).
Dân Israel đi
trong sa mạc suốt 40 năm (Ðnl 8,2).
Vua David cai trị
Israel trong thời gian 40 năm (2 Sb 29,27).
Vua Salômôn trị
vì toàn thể Israel tại Giêrusalem trọn 40 năm (2 Sb 9,30).
Bài ca bà Ðơvora
và ông Barắc kết thúc bằng câu: Và lãnh thổ bình an 40 năm (Tl 5,31).
Ông Êli chết,
sau khi làm thủ lãnh xét xử Israel 40 năm (1 Sm 4,28).
Tiên tri Êlia đi
suốt 40 ngày đêm tới Khôrếp là núi của Thiên Chúa (1 V 19,8).
Chúa Giêsu ăn
chay ròng rã 40 đêm ngày trong hoang địa (Mt 4,1-2).
Các sự kiện kể
trên gợi ý cho tôi hiểu: Thời gian 40 ngày đêm hay 40 năm là một hành trình của
một sứ mạng.
Theo cách hiểu
đó, tôi nhìn lại Công đồng Vatican II. Công đồng này đã khai mạc phiên họp đầu
tiên vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 do Ðức Thánh Cha Gioan XXIII. Từ đó đến
tháng 10 năm 2002 này thời gian đã chẵn 40 năm.
Ðối với chúng
ta, 40 năm qua là một hành trình đưa Công đồng Vatican II vào cuộc sống. Các đề
tài mà Công đồng muốn chúng ta đưa vào cuộc sống có thể lược tóm vào bốn nhiệm
vụ:
(1) Nhiệm vụ Hội
Thánh nhận thức về chính mình. (2) Nhiệm vụ đổi mới Hội Thánh. (3) Nhiệm vụ tìm
kiếm sự hiệp nhất giữa những người cùng tin theo Ðức Kitô. (4) Nhiệm vụ đối thoại
với mọi người.
Ðể góp phần làm
tốt các nhiệm vụ trên, chúng ta nên tìm chỉ dẫn của Công đồng. Riêng tôi, do
nhu cầu và với kinh nghiệm tu đức cũng như mục vụ, tôi quan tâm nhiều hơn đến mấy
chỉ dẫn sau đây của Công đồng.
Tập trung vào Ðức
Kitô, Ðấng cứu độ loài người.
Ðể khai mạc kỳ họp
thứ hai vào ngày 29/9/1963, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố hướng đi căn bản
của Công đồng là tập trung vào Ðức Kitô, Ngài nói: "Ðức Kitô là nguyên lý
của chúng ta, là con đường của chúng ta, là đích điểm của chúng ta. Chính từ
Người mà chúng ta đến, chính trong Người mà chúng ta lên đường, chính để đến với
Người mà chúng ta rảo bước".
Trong 40 năm
qua, sự tập trung vào Ðức Kitô, theo sự chỉ dẫn của Công đồng, đã góp phần đổi
mới Hội Thánh. Thay vì tản mác, lòng đạo nhiều người đã thực sự qui tụ vào Ðức
Kitô. Thay vì mang tên một Ðức Kitô trên lý thuyết, lòng đạo nhiều người đã thực
sự mang sự sống được chia sẻ từ Ðấng cứu chuộc nhân loại. Một Ðức Kitô hiện diện
như ánh sáng trong đêm tăm tối, như lương thực trong cơn đói khổ, như nước mát
trong cơn khát lả, như nguồn cứu chữa trong cơn hoạn nạn, như sự sống lại trong
cõi chết tuyệt vọng. Ðức Kitô đến cứu độ, chỉ với điều kiện là người ta nhận
mình bệnh tật, muốn được lành mạnh, muốn đón nhận Người, muốn trú ẩn nơi Người,
thực sự tin Người là tình yêu cứu độ, như chính Người đã quả quyết:
"Ta là cửa"
(Ga 10,9).
"Ta là mục
tử nhân lành" (Ga 10,11).
"Ta là sự sống
và là sự sống lại" (Ga 11,25).
"Ta là đường,
là sự thực và là sự sống" (Ga 14,6).
"Ta là cây
nho thật" (Ga 15,1).
"Ta là ánh
sáng thế gian" (Ga 9,5).
"Ta là bánh
trường sinh" (Ga 6,34).
"Ta là bánh
từ trời xuống" (Ga 6,41).
Một lòng đạo tập
trung như vậy vào Ðức Kitô sẽ đích thực là Kitô hữu, là đúng Phúc Âm. Một lòng
đạo tập trung vào Ðức Kitô sẽ giúp cho việc đối thoại với Hội Thánh Tin Lành,
và các giáo phái cùng tin vào Ðức Kitô được dễ dàng hơn.
Tha thiết với Lời
Chúa.
Cùng với việc hô
hào tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô, Công đồng kêu gọi mọi tín hữu hãy tha thiết
với Lời Chúa. "Mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh
Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn Lời Chúa có một sức mạnh
và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho
con cái Giáo Hội. Lời Chúa là lương thực linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng,
tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội".
"Vì thế, tất
cả các giáo sĩ, nhất là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận
phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với
Thánh Kinh, nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho
tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được uỷ
thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành "kẻ huênh hoang rao giảng lời
Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng"
(Hiến chế về Mạc Khải).
Những thao thức
trên đây của Công đồng về vai trò của Lời Chúa đã có những vang vọng tích cực
trong nhiều tâm hồn tại Việt Nam ta.
Càng ngày Lời
Chúa càng đi sâu vào đời sống đạo. Như cầu nguyện với Lời Chúa, chia sẻ Lời
Chúa, học hỏi Lời Chúa, đọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa, tôn vinh Lời Chúa.
Lời Chúa đã thay
đổi sâu xa não trạng người có đạo chúng ta. Với gương sáng Ðức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II cầu nguyện cho hoà bình chung với các tôn giáo bạn, Lời Chúa đã mở rộng
lòng trí ta, để biết có cái nhìn kính trọng đối với nhiều giá trị thiêng liêng
của các tôn giáo khác. Với gương sáng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công khai
xin lỗi nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo về những lỗi lầm trong quá khứ, Lời Chúa
đã dẫn lòng trí ta bước sâu xuống đức khiêm nhường, để biết nhìn nhận những sai
sót của mình đối với nhiều nền văn hoá, nhiều tôn giáo và nhiều dân tộc.
Với những gương
sáng đó và nhiều gương sáng khác, Lời Chúa đã giúp chúng ta phấn đấu với chính
mình, để trở thành những con người hoà giải, xây dựng hoà bình, liên đới.
Sáng tạo sự hiện
diện của Tin Mừng giữa thế gian.
"Tự bản chất,
Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của
Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha" (Sắc lệnh về
Truyền giáo).
Truyền giáo thường
được hiểu là bổn phận riêng của những người được chọn và được sai đi, để chuyên
về công việc đó. Nhưng nói chung, mọi tín hữu đều có bổn phận truyền giáo. Ít
ra bằng sự hiện diện của mình giữa môi trường mình sinh sống.
Theo Công đồng dạy,
thì để sự hiện diện của chúng ta có tính cách truyền giáo, chúng ta phải là con
người cầu nguyện, có một đời sống thiêng liêng và luân lý tốt, biết đến với mọi
người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, với lòng nhiệt thành, tự nguyện
hy sinh và tận hiến cho các linh hồn. Ðể được như vậy, chúng ta gia tăng tình
yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày.
Hiểu những chỉ dẫn
trên đây, tôi thấy bí quyết truyền giáo trong mọi thứ hiện diện chính là lửa
tông đồ. Phải có nhiều lửa tông đồ trong trái tim ta. Không phải các giáo lý,
các lý thuyết, các lý lẽ sẽ chuyển tải được Tin Mừng vào lòng người. Nhưng
chính lửa mến Chúa yêu người sẽ thúc bách ta. Chính lửa tình yêu mới đốt lên được
sự khát khao chia sẻ Tin Mừng và đón nhận Tin Mừng.
Khi lòng ta đầy
lửa tông đồ, ta sẽ nhạy bén với những thời cơ. Và ngay trong những hoàn cảnh
khó khăn nhất, nếu lòng ta bừng cháy lửa tông đồ, ta sẽ biết sáng tạo những
cách làm chứng cho tình yêu Chúa một cách âm thầm mà hữu hiệu.
Tại Việt Nam hôm
nay, không thiếu những sáng tạo truyền bá Tin Mừng. Ta có thể không biết đến những
sáng tạo đó. Nhưng không biết đâu có nghĩa là không có. Nhiều việc rất nhỏ, nhiều
cộng đoàn rất nhỏ, đang là những dòng sông nhỏ âm thầm chuyên chở Tin Mừng vào
các tâm hồn, đặc biệt là các tâm hồn khó nghèo, đơn sơ.
Những dòng sông
nhỏ này là những tình thương âm thầm của những người bé mọn. Họ thể hiện lời Ðức
Thánh Cha Phaolô VI nói về Hội Thánh của Công đồng Vatican II: "Ðó là Hội
Thánh yêu thương. Hội Thánh yêu thương với một trái tim mục tử, với một trái
tim đại kết, với một trái tim mở ra về phía mọi người, kể cả về phía những ai bắt
bớ Hội Thánh. Công đồng này, thay vì kết án chống lại ai, sẽ chỉ có những tình
cảm nhân ái và bình an" (14/9/1965).
Trên đây là ba dấu
ấn Công đồng Vatican II, mà tôi nhận thấy trong nếp sống đạo tại Việt Nam hôm
nay. Nơi có nhiều, nơi có ít. Tất nhiên, Công đồng không phải chỉ có thế. Nhưng
nơi nào, người nào có được như thế, kể cũng đã đáng được tôn vinh.
Sau 40 năm, Công
đồng Vatican II vẫn còn mới. Chúng ta không dừng lại ở những cái mới đó. Chúng
ta sẽ vừa tiếp tục triển khai những cái mới của Công đồng, vừa nắm bắt những vấn
đề mới phát sinh từ sau Công đồng. Và đó là một nhiệm vụ cũng phải đặt ra cho
hành trình đi về phía trước.
Năm nay, đúng
ngày kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II, đã xảy ra một sự kiện đáng kể cho
Giáo Hội Việt Nam.
Ðó là ngày
11/10/2002 tại thủ đô Hà Nội, phái đoàn Toà Thánh đã có những gặp gỡ với Ban
Tôn Giáo của Nhà Nước Việt Nam, để thông báo về dự kiến bổ nhiệm một số nhân sự
cho Giáo Hội Việt Nam.
Sự kiện này gợi
ý cho tôi nghĩ tới trách nhiệm tế nhị về liên đới và cộng tác với Toà Thánh mà
tinh thần Công đồng Vatican II muốn Hội Thánh địa phương nói chung và từng giáo
phận có liên hệ nói riêng phải quan tâm. Cộng tác nhất là trong việc giúp thăm
dò tâm lý, tham khảo ý kiến và đề cử ứng viên thích hợp sẽ lãnh nhận trọng
trách đứng đầu cộng đoàn dân Chúa, để việc xây dựng hiệp nhất và loan báo Tin Mừng
được hữu hiệu. Bởi vì, theo tinh thần Công đồng Vatican II, dấu ấn của Giáo Hội
địa phương cũng rất quan trọng. Ðịa phương chịu phần lớn trách nhiệm về sự tồn
vong và hưng thịnh của mình.
Tới đây, tôi ái
ngại nhớ tới lời Chúa trong Thánh vịnh, mà Phụng vụ giờ kinh đọc lên hàng ngày:
"Suốt 40 năm, dòng giống này làm Ta chán ngán. Chúng sẽ không được vào chốn
yên nghỉ của Ta" (Tv 94,10-11). Với lời trên đây, Chúa muốn đánh thức
lương tâm chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II, chúng ta nên
khiêm tốn xét mình và chân thành sám hối vì những trì trệ và sai lạc, nếu có, đối
với Công đồng Vatican II.
Ðức Cha GB. Bùi
Tuần
Nhân kỷ niệm 40
năm Công đồng Vatican II
(11/10/1962-11/10/2002)
Vài Nét Về Công Ðồng Vaticanô II Nhân Kỷ Niệm 40 Năm Ngày
Khai Mạc Công Ðồng
(11/10/1962-11/10/2002)
Công đồng
Va-ti-can II khai mạc đúng ngày hôm nay, 11.10.2002, cách đây 40 năm về trước.
Trong 40 năm đó, đã có biết bao chuyển biến giữa lòng Hội Thánh, cũng như biết
bao thay đổi trong tương quan giữa Hội Thánh và thế giới.
Chúng ta cùng ôn
lại những nét lớn của một Công đồng đã và sẽ còn mãi ghi đậm dấu ấn trong đời sống
cá nhân cũng như cộng đoàn của các Ki-tô hữu.
Lý Do Triệu Tập
Có thể xếp các
lý do vào 2 loại: xa và gần. Tâm điểm để đo cự ly ở đây chính là Hội Thánh, vừa
hiểu như một cơ chế hữu hình, có phẩm trật, có chiều kích xã hội, vừa là một cộng
đoàn tín hữu hiệp thông trong đức ái với Chúa Ki-tô là Thủ Lãnh, và hiệp thông
với nhau như những chi thể liên kết với đầu, có những giá trị tâm linh, vượt khỏi
tiêu chí lượng định tự nhiên.
Lý do xa
Một là, từ ngày
Công đồng Va-ti-can I kết thúc vào năm 1870 đến đầu thập niên 1960, đã có quá
nhiều thay đổi trong tương quan chính trị, kinh tế và xã hội quốc tế. Nhân loại
đã qua 2 cuộc thế chiến, bản đồ thế giới được vẽ lại cho nhiều quốc gia xuất hiện
hoặc biến mất. Thế giới không chỉ được quan niệm như xưa theo địa dư gồm 5 châu
4 biển, mà nay còn bị phân cực bắc-nam, kỹ nghệ-nông nghiệp, tư bản-cộng sản, một
thế giới đa dạng, đa nguyên về chính trị, kinh tế.
Hai là, mối
tương quan giữa Hội Thánh và xã hội cũng không còn giản đơn như trước. Châu Âu
từ lâu là một lục địa tiêu biểu cho văn minh phương Tây dưới ảnh hưởng sâu đậm
của Ki-tô giáo, giờ đã trở thành một cộng đồng đa dạng, đa nguyên, kết quả của
những giao tiếp kinh tế, chiến tranh, và chính trị. Từ các thuộc địa, tài
nguyên thiên nhiên, của cải vật chất, vốn liếng con người, và cả những kho tàng
văn hóa, triết lý, tôn giáo bản địa được đem về: một xã hội đa dạng, đa nguyên
về văn hóa, và tôn giáo.
Ba là, ngoài ra,
quan niệm tách rời nhà nước khỏi nhà thờ càng lúc càng có chiều hướng biến
thành thái độ đối kháng, nếu không muốn nói là thù nghịch, một hố sâu không dễ
gì lấp đầy. Người ta có thể cho là vì xã hội đã văn minh, tiến bộ hơn về khoa học,
kỹ thuật, trình độ tư duy đã chững chạc, độc lập hơn, nên không còn chấp nhận bị
chèn ép, kềm hãm dưới ảnh hưởng của thần quyền. Thậm chí, người ta còn tìm thấy
nguyên nhân chính của phản ứng dữ dội đó là từ thái độ bảo thủ, lạc hậu, đồng
thời đầy tính cách cha chú và độc đoán của Hội Thánh trong suốt nhiều thế kỷ.
Xét cho cùng, tất
cả những lý do xa đó không phải là hoàn toàn không có tác động thúc đẩy Hội
Thánh tự kiểm điểm, nhận ra sự thật, để chấn chỉnh, cải tổ và canh tân. Bởi vì
nhiệm vụ của Hội Thánh, do Chúa Ki-tô ủy thác, vẫn luôn là một dấu chỉ, là bí
tích của Tin Mừng Cứu Ðộ cho thế giới. Bởi vì "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu
và lo lắng của con người ngày nay, nhứt là của người nghèo và những ai đau khổ,
cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và
không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng các
tín hữu." Nhưng chính ơn gọi nên thánh, qua tiến trình không ngừng hoán cải
và nhiệm vụ thánh hóa, qua việc cử hành các mầu nhiệm Chúa Ki-tô của Hội Thánh,
là lý do gần, lý do chính, lý do cấp bách, khiến Hội Thánh phải có một cuộc duyệt
xét, cải tổ và canh tân toàn bộ, toàn diện.
Lý do gần
Lý do thứ nhứt
là để hoàn tất công trình còn dở dang của Công đồng Va-ti-can I. Công đồng
Va-ti-can I phải kết thúc giữa chừng ngày 20 tháng 10 năm 1870, do giáo phận
Rô-ma bị sát nhập vào vương quốc Ý. Nhiều đề tài quan trọng của công đồng (như
vấn đề truyền giáo, nhiệm vụ các giám mục) chưa kịp bàn thảo, phải tạm xếp lại.
Có vấn đề không nằm trong chương trình nghị sự ban đầu (như vấn đề ơn bất khả
ngộ), lại được giải quyết trước.
Lý do thứ hai là
để cổ võ sự hiệp nhứt trong Hội Thánh. Vào thời điểm trước ngày Ðức Thánh Cha
Gio-an 23 triệu tập Công đồng Va-ti-can II, tình trạng rạn nứt trong các miền đất
cứ sở lâu đời của Ki-tô giáo trở nên trầm trọng, trong lúc xét về số lượng và tầm
ảnh hưởng, Hội Thánh đang càng ngày càng bị giảm thiểu thành một đàn chiên nhỏ
bé.
Lý do thứ ba là
để củng cố lại đời sống tâm linh của Hội Thánh. Sau Công đồng Va-ti-can I, Hội
Thánh hình như trở nên cứng rắn trong nề nếp kỷ luật, khuôn phép, nhưng thiếu hẳn
sức sống tươi trẻ, sinh động của Tin Mừng. Giáo Hội cần tìm trở lại nguồn mạch
Lời Chúa, cần đổi mới toàn diện theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Lý do thứ tư là
để mở rộng hoạt động truyền giáo. Lý do hiện hữu của Giáo Hội, như ý muốn của
Chúa Ki-tô, chính là để truyền giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. "Vô
phúc cho tôi nếu tôi không truyền giảng Tin Mừng của Chúa!" Lời của Thánh
Phao-lồ cũng chính là tâm niệm của Hội Thánh. Với những chuyển biến của tình
hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên thế giới vào thời điểm bấy giờ,
công cuộc phúc âm hóa các dân tộc trở nên một đòi hỏi rất gay gắt, đồng thời là
thách đố lớn lao chưa từng thấy.
Ai Triệu Tập
Vị giáo hoàng có
công suy tư, cầu nguyện, tham khảo ý kiến các thành phần trong Hội Thánh, chuẩn
bị, và quyết định triệu tập Công đồng Va-ti-can II, chính là Ðức Thánh Cha
Gio-an 23.
Khi được bầu làm
giáo hoàng vào ngày 20.10.1958, Ðức Thánh Cha Gio-an 23 đã 76 tuổi, cái tuổi cổ
lai hy, lại là một người hiền lành, ít nổi danh so với nhiều vị hồng y, giám mục
khác. Trong khi đó, vị tiền nhiệm của người là Ðức Thánh Cha Pi-ô 12 đã rất lừng
lẫy danh tiếng trong và ngoài Hội Thánh. Bởi đó, ai cũng xem Ðức Gio-an 23 như
một nhân vật giao thời, đóng vai trò chuyển tiếp, để chờ đợi một vị giáo hoàng
kế tiếp có khả năng tạo nên vĩ nghiệp cho Hội Thánh.
Quả thật, Ðức
Gio-an 23 đã đóng vai trò trung chuyển hết sức hoàn chỉnh, vượt ngoài sức tưởng
tượng của con người. Với quyết định triệu tập Công Ðồng Va-ti-can II, bằng tông
hiến "Humanae Salutis" Ơn Cứu Ðộ Loài Người, ban hành ngày
25.12.1961, gây sửng sốt cho cả Hội Thánh và thế giới, người đúng là nhịp cầu
(từ La ngữ gọi đức giáo hoàng là pontifex, có nghĩa là người thợ bắc cầu), đưa
Hội Thánh và thế giới nhích lại gần nhau.
Quá Trình Chuẩn
Bị
Trong thời gian
chuẩn bị từ 17.05.1959 đến 11.10.1962, Ðức thánh cha Gio-an 23 đã cử Ðức Hồng Y
Tardini làm chủ tịch Ủy ban trù bị, thu nhận ý kiến, đề nghị của các tham dự
viên trong Công đồng sẽ nhóm họp. Tổng kết có 2,190 tờ phúc đáp, gồm 8,972 ý kiến,
đề nghị, được đóng lại thành 8 quyển sách. Cần lưu ý là thời Công đồng
Va-ti-can I, chỉ có 35 vị giám mục được tham khảo ý kiến.
Ðể nghiên cứu kỹ
lưỡng các ý kiến và đề nghị trên, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,
05.06.1960, Ðức thánh cha ra tự sắc "Superno Dei Nutu" Lịnh Truyền Tối
Thượng Của Thiên Chúa, thành lập 12 Ủy ban và 3 Văn phòng, tương ứng với các
phòng, bộ của Tòa Thánh.
Ngày 07.12.1959,
Ðức thánh cha chính thức đặt tên cho Công đồng sẽ nhóm họp là Va-ti-can II.
Danh xưng này cho thấy ý hướng của Hội Thánh muốn thực hiện hoàn hảo công trình
của Công đồng Va-ti-can I.
Ngày 14.11.1960,
Ðức thánh cha đọc diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị trước sự hiện diện của
33 vị hồng y, và hàng trăm vị giám mục. Ðức thánh cha nhấn mạnh: "Mục đích
của Công đồng là đem lại giá trị chân thật cho tư tưởng con người, cũng như cho
đời sống nhân loại và đời sống Ki-tô giáo, trong tinh thần trở về nguồn và vâng
phục Chúa Thánh Linh."
Trong khi đó,
các ủy ban trù bị của Công đồng đã chuẩn bị sẵn sàng các lược đồ, hoặc dự án,
hoặc đề cương, xác định những vấn đề sẽ được thảo luận trong Công đồng, đệ
trình lên Ðức thánh cha xin phê chuẩn. Kết quả có 70 đề cương, gồm 2,060 trang
tài liệu, được chấp thuận đưa vào chương trình nghị sự của các vị tham dự Công
đồng.
Diễn Tiến Công Ðồng
Công đồng
Va-ti-can khai mạc ngày 11.10.1962, tại vương cung thánh đường Thánh Phê-rô,
theo quyết định của Ðức thánh cha Gio-an 23 trong tự sắc "Concilium"
Công Ðồng, ban hành ngày 02.02.1962.
Trong tổng số
2,904 vị đại biểu được mời đến dự công đồng, thông thường số hiện diện cao nhứt
là 2,449 vị, và thấp nhứt là 2,086 vị.
Ðức thánh cha
Gio-an 23 nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc 5 tôn chỉ của Công đồng Va-ti-can
II:
1. Cởi mở với thế
giới
2. Thương xót
hơn là lên án
3. Từ tâm hơn là
khắt khe
4. Nhìn nhận thế
giới có sự nhạy cảm đối với chân lý
5. Truyền giảng
một Tin Mừng hy vọng hơn là công bố những tai họa
Kỳ họp thứ 1 kéo
dài đến ngày 08.12.1962.
Ngày 03.06.1963,
Ðức Gio-an 23 được Chúa gọi về trời. Ðức Thánh Cha Phao-lồ VI lên kế vị ngày
21.06 cùng năm, và tiếp tục lãnh đạo công việc của vị tiền nhiệm.
Từ ngày 29.09 đến
04.12.1963 là kỳ họp thứ 2 của Công đồng.
Từ ngày 14.09 đến
21.11.1964, Công đồng nhóm phiên họp thứ 3.
Ngày 14.09.1964,
Công đồng bắt đầu phiên họp thứ 4, cũng là phiên cuối cùng, và kết thúc vào
ngày 08.12 cùng năm ấy.
Thành Quả Công Ðồng
Ðã có rất nhiều
sách vở viết về Công đồng Va-ti-can II, khen có, chỉ trích cũng có. Thậm chí,
người ta còn quy trách cho Công đồng tất cả mọi nhiễu nhương, mọi tai ương xảy
ra trong Hội Thánh, kể từ khi các nghị quyết của Công đồng đi vào cuộc sống.
Nhưng có điều chắc chắn là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của tinh
thần canh tân - hòa giải do Công Ðồng Va-ti-can II thổi vào Hội Thánh, đem lại
một sức sống mới, giúp Dân Chúa sẵn sàng bước vào thiên niên kỷ thứ 3.
Ðã qua 40 năm rồi,
từ ngày Công đồng khai mạc, và gần 37 năm Công đồng bế mạc. Nhưng có lẽ, cần phải
có thêm thời gian nữa để thăm dò cho thấu đáo chiều kích tâm linh sâu thẳm của
Công đồng Va-ti-can II, nhứt là để sống cho hết, cho trọn tinh thần của Công đồng.
Lời nhận định
sau đây của Ðức thánh cha Gio-an Phao-lồ II phải chăng cách nào đó đã đem lại
công lý cho Công đồng Va-ti-can II, khi vị thủ lãnh của Hội Thánh gọi Công đồng
là "một biến cố do Chúa quan phòng":
"Công đồng
Va-ti-can II là một biến cố do Chúa quan phòng, qua đó Hội Thánh khởi sự chuẩn
bị khẩn trương cho dịp Ðại Toàn Xá của thiên niên kỷ thứ hai. Tuy cũng tương tự
như các Công đồng trước đây, nhưng Công đồng này lại hết sức khác biệt. Ðây là
một Công đồng có tiêu điểm là Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Người, và đồng thời
hướng tấm lòng ra với thế giới. Tâm tình cởi mở này là một đáp ứng theo Tin Mừng
trước những thay đổi gần cận trong thế giới, bao gồm cả những cảm nghiệm gây
hoang mang một cách sâu xa xảy ra trong thế kỷ 20, một thế kỷ mang đầy thương
tích của 2 trận thế chiến, của các trại tập trung, và của những cuộc thảm sát
ghê rợn. Tất cả những biến cố đó chứng tỏ hết sức mạnh mẽ rằng thế giới cần được
thanh tẩy, thế giới cần phải hoán cải.
Công đồng
Va-ti-can II thường được coi như khởi điểm của một thời kỳ mới trong đời sống Hội
Thánh. Ðiều này quả đúng như vậy. Tuy nhiên, cũng khó mà coi nhẹ sự kiện là
Công đồng đã rút tỉa được rất nhiều điều từ những kinh nghiệm và suy tư của thời
đại vừa mới đi qua trước đó, đặc biệt là từ di sản trí thức do Ðức Pi-ô 12 để lại.
Trong lịch sử Hội Thánh, cái "cũ" và cái "mới" luôn quấn
quyện chặt chẽ với nhau. Cái "mới" trưởng thành nhờ cái
"cũ", và cái "cũ" đạt tới tầm vóc hoàn mỹ nơi cái "mới".
Ðó chính là điều ứng dụng cho Công đồng Va-ti-can II và cho hoạt động của các vị
giáo hoàng có quan hệ với Công đồng này, bắt đầu với Ðức Gio-an 23, tiếp tục với
Ðức Phao-lồ VI và Ðức Gio-an Phao-lồ I, cho tới vị giáo hoàng đương nhiệm.
Những gì các vị
giáo hoàng này đã thực hiện trong, cũng như sau thời gian diễn ra Công đồng,
khi thực thi Huấn quyền, cũng như lúc hoạt động mục vụ, chắc chắn đã góp phần rất
ý nghĩa cho việc chuẩn bị một mùa xuân mới của đời sống Ki-tô giáo, sẽ được tỏ
hiện qua dịp cử hành Ðại Toàn Xá, nếu mọi Ki-tô hữu biết vâng phục tác động của
Chúa Thánh Thần.
Trong khi không
hề hạn chế tính cách nghiêm khắc của Thánh Gio-an Tẩy giả trong lời giảng thống
hối và hoán cải trên bờ sông Giô-đan, Công đồng quả đã bộc lộ một điều gì đó của
vị Ngôn sứ cựu trào, thẳng thắn chỉ rõ cho người thời nay thấy rằng Chúa Giê-su
Ki-tô là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, là Ðấng Cứu Chuộc loài người,
và là Chúa của lịch sử. Trong thời gian nhóm họp Công đồng, chính do khát vọng
được sống thủy chung trọn vẹn với Ðức Chúa của mình, Hội Thánh đã tự chất vấn về
căn tính, và tái khám phá chiều sâu huyền nhiệm của chính mình, trong tư cách
là Nhiệm Thể và Tân Nương của Chúa Ki-tô. Khiêm cung lắng nghe Lời Chúa, Hội
Thánh tái xác quyết về ơn gọi nên thánh dành cho tất cả mọi thành phần Dân
Chúa. Hội Thánh đưa ra những tiên liệu cho một cuộc cải tổ phụng vụ, cội nguồn
và thượng đỉnh của đời sống Ki-tô giáo; thúc đẩy việc canh tân nhiều lãnh vực
trong đời sống Dân Chúa, ở mức độ toàn cầu cũng như địa phương; nỗ lực cổ võ
các ơn gọi Ki-tô hữu khác nhau, từ giáo dân cho đến tu sĩ, từ tác vụ phó tế cho
đến linh mục và giám mục; và đặc biệt, tái khám phá tính cộng đoàn của các giám
mục, diễn ngữ đặc sắc để chỉ việc phục vụ đàn chiên do các giám mục thực hiện,
trong mối hiệp thông với người kế vị Thánh Phê-rô. Dựa vào nền tảng sâu xa của
công cuộc canh tân này, Công đồng mở rộng cõi lòng ra với các Ki-tô hữu thuộc
những danh xưng khác, với tín đồ của các tôn giáo khác, và với tất cả mọi người
thuộc thời đại chúng ta. Chưa từng có một Công đồng nào đề cập rõ ràng như vậy
về vấn đề hiệp nhứt Ki-tô giáo, về đối thoại với các tôn giáo không phải là
Ki-tô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của Cựu Ước và dân tộc Ít-ra-en, về phẩm giá
lương tâm của mỗi con người, về nguyên lý tự do tôn giáo, về những truyền thống
văn hóa dị biệt, trong đó Hội Thánh đang thừa hành sứ mạng truyền giáo, và về
những phương tiện truyền thông xã hội.
Toàn bộ giáo huấn
vô cùng phong phú của Công đồng và âm điệu thôi thúc trong cách trình bày nội
dung đạo lý ấy tạo thành một lời công bố về những thời điểm mới. Các vị nghị phụ
đã ngỏ lời bằng ngôn từ của Tin Mừng, ngôn từ của Bài giảng trên Núi và Tám Mối
Phúc. Sứ điệp Công đồng giới thiệu Thiên Chúa trong uy quyền tuyệt đối của một
vì vương chủ thống trị vạn sự, song cùng lúc cũng cho thấy Người là Ðấng bảo đảm
cho các thực tại trần thế được hưởng quyền tự chủ thật sự.
Bởi vậy, cách
chuẩn bị tốt đẹp nhứt để chào mừng thiên niên kỷ mới không gì hơn là việc lặp lại
cam kết quyết tâm áp dụng trung thành hết sức giáo huấn của Công đồng Va-ti-can
II vào đời sống mỗi cá nhân và toàn thể Hội Thánh. Chính ra, với Công đồng
Va-ti-can II, nói theo nghĩa rộng nhứt của từ ngữ, thì công cuộc chuẩn bị trực
tiếp mừng năm Ðại Toàn xá 2000 đã được bắt đầu rồi. Nếu như chúng ta so sánh với
việc cử hành phụng vụ, thì có thể nói việc cử hành Mùa Vọng mỗi năm rất gần gũi
với tinh thần của Công đồng. Vì lẽ, Mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn chúng ta gặp gỡ Ðấng
đã có, hiện có, và sẽ đến."
Ðôi Ðiều Cảm
Nghĩ
Ðúng như nhận
xét của Ðức thánh cha Gio-an Phao-lồ II: "Công đồng Va-ti-can II đã mở ra
một thời kỳ mới trong đời sống Hội Thánh."
Ðây là thời đại
của tự do dành cho con cái Thiên Chúa, của việc phụng tự trong Thần Khí và Chân
Lý, của tình yêu đoàn kết và hiệp nhứt giữa những anh chị em cùng tin Chúa
Ki-tô là Ðấng Cứu Thế, của một nhiệt tâm tông đồ, dấn thân vào công cuộc truyền
giảng Tin Mừng mới mẻ cho thế giới.
Những thế hệ
Ki-tô hữu sinh trưởng trong thời kỳ hậu Công đồng Va-ti-can II, dầu có cảm nhận
ra điều này hay không, vẫn đang thực sự thụ hưởng hoa trái phong phú và tốt
lành phát sinh từ một trong những Công đồng vĩ đại nhứt của lịch sử Hội Thánh.
Radio Veritas
Asia, ngày 10.10.2002
Phan-xi-cô
Xa-vi-ê Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
Kỷ niệm 40 năm kết thúc Công đồng Vatican đệ nhị
08.12.1965 -
08.12.2005
Ðức Mẹ Maria,
hình ảnh nguyên thủy của Giáo Hội Công Giáo và gương mẫu niềm tin.
Kỷ niệm 40 năm kết
thúc Công đồng Vatican đệ nhị, 08.12.1965 - 08.12.2005.
Ngày 08.12.1965,
Ðức cố thánh cha Phaolô đệ lục đã long trọng cử hành thánh lễ mừng kính Ðức Mẹ
Maria vô nhiễm nguyên tội ở quảng trường Thánh Pherô. Và dịp này đã long trọng
tuyên bố kết thúc Công đồng Vatican đệ nhị, kéo dài từ 11.10.1962 đến
08.12.1965:
"In nomine
Domini Jesu Christi ite in pace! "
"Nhân danh
Chúa Giêsu Kitô chúng ta lên đường bằng an!".
Biến cố lịch sử
này cùng với những hiến chế, nghị quyết đổi mới trong Giáo hội Công giáo của
thánh công đồng là kim chỉ nam không chỉ cho đời sống cơ cấu Giáo hội, mà còn
ghi khắc sâu đậm nơi tâm hồn người tín hữu Công giáo.
Một làn gió mới
của đức Chúa Thánh Thần thổi vào trong đời sống Giáo hội toàn cầu, cùng lòng đạo
đức cung kính Ðức Mẹ Maria được củng cố phát triển sâu rộng.
Thánh Công đồng
trong hiến chế về Giáo Hội số 62 đã nói về vai trò chỗ đứng của Ðức Mẹ Maria nằm
ngay trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội, chứ không đứng ngoài bên lề
biến cố cứu chuộc. Thánh Công đồng viết:
"Ðức trinh
nữ Maria trong lòng Giáo hội là người bầu cử, người trợ giúp, người bênh vực
che chở và trung gian. Ðiều này được hiểu rằng, tước hiệu phẩm giá và vai trò
hiệu năng của Chúa Giêsu không vì thế bị suy giảm, bị thêm vào... Ðó là vai trò
thứ yếu của Ðức Mẹ Maria, mà Giáo hội không ngần ngại tuyên xưng. Giáo hội hằng
cảm nghiệm rõ điều đó và hằng ôm ấp trong tâm hồn niềm tin, Ðức mẹ Maria giữ
vai trò là người mẹ gìn giữ che chở hằng cùng liên kết với Chúa Giêsu, Ðấng là
người trung gian và cứu chuộc con người" (Giáo Hội trong thế giới ngày nay
số 62).
Thánh Công đồng
Vaticano đệ nhị kết thúc vào ngày lễ đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội mang ý nghĩa
sâu thẳm cùng muốn nói lên:
Ðức Mẹ Maria là
hình ảnh nguyên thủy của Giáo hội và là gương mẫu cho đời sống niềm tin vào
Chúa.
Trong Kinh thánh
Ðức Mẹ Maria không hề nói về mình. Phúc âm ghi lại: Maria gìn giữ Lời Chúa
trong tâm hồn mình.
Ðức Mẹ Maria như
thế là gương mẫu niềm tin vào Chúa cho người tín hữu Chúa Kitô. Là gương mẫu niềm
tin, chứ không là phao cứu độ sau cùng.
Ở những nơi hành
hương kính Ðức Mẹ Maria như bên Međjugore, bên Fatima, bên Lộ-đức... có những
người tín hữu không chỉ chăm chú đọc kinh lần hạt hay ca hát, đốt nến mừng kính
Ðức Mẹ Maria, mà họ còn qùy gối trên nền gạch đá lết đi từ đàng xa đến gần tòa
tượng Ðức Mẹ Maria.
Hình ảnh này nói
lên tấm lòng tin tưởng thành kính sâu xa của họ đặt hết niềm cậy trông phó thác
vào Thiên Chúa qua lời bầu cử của Ðức Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa và mẹ của con người
nơi trần thế.
Hình ảnh này
cũng nói lên họ đang là người lữ hành trên đường niềm tin đến với Chúa, qua
gương mẫu niềm tin và nhờ sự phù hộ che chở của Ðức Mẹ Maria.
Hình ảnh này muốn
nói lên tâm tình cầu nguyện hướng về cùng Chúa của họ. Nhưng không biết phải cầu
nguyện thế nào cho đúng, cho phải. Nên họ đọc kinh lần hạt, ca hát mừng kính,
thắp sáng cây nến, xin Ðức Mẹ chuyển lời cầu xin than thở của họ tới Thiên
Chúa.
Hình ảnh này là
hình ảnh thường ngày trong cuộc sống gia đình: người con, nhất là nơi em bé bạn
trẻ, thường chạy đến với mẹ mình. Tâm tình nói cùng mẹ những điều mong muốn
cùng những thầm kín riêng tư đời mình. Vì tin rằng mẹ là người bênh vực che chở
mang đến niềm ủi an, sự âu yếm đùm bọc cho mình.
Trong đời sống đạo
giáo niềm tin cũng không khác gì. Chúng ta ai cũng cần trạm bến bờ bình an,
giúp đỡ che chở cho tâm hồn đời sống hôm nay và ngày mai.
Lm. Nguyễn Ngọc
Long
Công Ðồng Vaticanô II: Một Hành Ðộng Của Lòng Tin
Công Ðồng : một
biến cố
Công Ðồng
Va-ti-ca-nô II đã bế mạc được bốn mươi năm (1965-2005) Những biến động sâu xa
Công Ðồng gây ra trên mọi địa hạt vẫn còn vang âm trong Hội thánh. Dù muốn dù
không, ai cũng phải công nhận Công Ðồng là một biến cố đặc biệt trong sinh hoat
của Hội thánh, là dấu chỉ chứng tỏ bàn tay can thiệp của Chúa Thánh Thần, và là
hành động không thể chối cãi của lòng tin.
Thật vậy, khi
nghe Ðức Giáo hoàng Gio-an XXIII loan báo Công Ðồng sẽ được nhóm họp, rất ít
người tin rằng điều ấy có thể xẩy ra. Nhưng với lòng tin không lay chuyển, Ðức
Gio-an XXIII đã làm được điều đó.
Hoạt động của
Chúa Thánh Thần
Sự hiện diện
cũng như sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh là điều chắc chắn, vì
chính Chúa Giêsu, trước khi về Trời đã hứa với các môn đệ: "Khi nào Thần
Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn". (Ga. 16,13). Sự
ra đi của Người là điều tất yếu để các môn đệ và Hội thánh, đạt tới mức trưởng
thành, một khi đức tin được tinh luyện, qua mọi gian lao thử thách và những cám
dỗ của sự đời.
Cũng như những
đoàn thể xã hội khác, Hội thánh sống trong trần gian đã trải qua những giai đoạn
hình thành, tăng triển, ngưng đọng rồi tiến hóa theo một diễn biến được qui định
bởi những luật tất nhiên của xã hội như lên, xuống, mạnh, yếu, hay, dở v.v...
Nhưng có điều khác là qua mọi biến thiên đó, Hội thánh có thể bị suy giảm hay
được tăng tiến, mà không bao giờ bị triệt tiêu, như Lịch sử đã chứng minh và chứng
kiến bao sự tan vỡ và sụp đỗ của những quốc gia uy hùng, hay những nền văn minh
rực rỡ, đi từ những đế quốc cường thịnh tới những nền học thuật tinh vi như đế
quốc Ba tư, La mã hay văn minh Ai cập, Hy la v.v... Hội thánh đã đứng vững và
còn trường tồn cho tới ngày nay, tuy trải qua nhiều cơn sóng gió do thời cuộc đảo
điên gây nên như những cơn bách hại, hay do những biến động nội tại như sự bất
đồng ý kiến về các tín điều hay sự bất tòng quyền Tòa Thánh của những nhà cải
cách tôn giáo muốn ly khai với Hội thánh Rô-ma.
Một sự kiện ý
nghĩa
Ðó phải chăng là
một sự kiện lịch sử chứa đầy ý nghĩa và một hiện tượng sáng ngời chứng tỏ tính
cách tại thế và siêu thế của Hội thánh. Vì tại thế, Hội thánh đã không tránh được
những khủng hoảng, tranh chấp và chịu luật đào thải tự nhiên của thời gian (mòn
mỏi, chán nản, đổi thay). Vì siêu thế, Hội thánh đã kịp thời đương đầu nổi với
mọi thử thách và tàn phá, bất kỳ bởi đâu tới, để xuất hiện như một cộng đồng rộng
lớn, luôn luôn biết thích nghi và đổi mới tùy theo giai đoạn lịch sử và nhu cầu
thời đại. Sức trường tồn của Hội thánh quả là một điều đáng ngạc nhiên. Sức trường
tồn đó là do Chúa Thánh Thần tiếp vận, vì Người là nguồn sống bất tận của Hội
thánh, như Chúa Giê-su nói: "Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết
những điều sẽ xảy đến.". (Ga. 16,13) Hội thánh có thể làm cho mình tươi trẻ
lại nhờ các Công Ðồng. Vậy Công Ðồng Va-ti-ca-nô II là một hành động của đức
tin theo nghĩa nào?
Thiên Chúa Ba
Ngôi : nguyên lý làm cho Hội thánh tươi trẻ lại
Trong hiến chế
Lumen Gentium, chương 1 có bàn về mầu nhiệm Hội thánh. Mầu nhiệm này bắt nguồn
từ đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định cho
con người được tham dự vào đời sống thần linh của Người và do đấy được hưởng hạnh
phúc không cùng: "Người đã định nâng con người lên, cho hiệp thông với đời
sống thần linh của Người" (Lumen Gentium số 2).
Vì thế, mầu nhiệm
về Hội thánh được tiềm ẩn nơi Thiên Chúa từ đời đời. Nơi Thiên Chúa, thời gian
triển diễn không cùng, nên không chia thành quá khứ, tương lai mà chỉ có hiện tại:
hiện tại đời đời. Hiện tại đời đời này ở nơi Thiên Chúa là một mùa xuân không
cùng vì Thiên Chúa không bao giờ già nua, cằn cỗi. Chính sự trường xuân của Người
Chúa là sức mạnh hồi xuân cho Giáo hội: "Thày sẽ cầu xin Chúa Cha và Người
sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi". (Ga.
14,16)
Lời hứa hiện diện
này chính là bảo đảm trường tồn cho Hội thánh
Tuy nhiên, cũng
như mọi đoàn thể, cơ cấu, tổ chức trước sau đều đi tới chỗ dần mòn hao hụt, cần
được "sửa sai", "xét lại" hay điều chỉnh. Hội thánh đã đi
vào con đường đó, để tránh cảnh già nua, tàn tạ. Trong lịch sử Hội thánh, các
Công Ðồng đã làm công việc hồi xuân này, cùng với sức hộ giúp của Chúa Thánh Thần,
kể từ Công Ðồng Ni-xê, Công-tăng-ti-nốp tới Va-ti-ca-nô ngày nay. Mỗi Công Ðồng
phản ánh một thời đại và đáp ứng một nhu cầu. Công Ðồng Tren-tô biểu lộ khuynh
hướng tự vệ để "chống lại" phong trào Cải Giáo do Thệ phản khởi xướng
và trả lời cho một thiếu sót: giáo sĩ không được huấn luyện đầy đủ, chặt chẽ.
Công Ðồng
Va-ti-ca-nô II cũng không đi ngoài con đường chung của các Công Ðồng trước là
phản ánh thời đại và đáp ứng nhu cầu. Thời đại ta là thời đại kỹ thuật cơ khí,
giàu sang chen lẫn với nghèo khổ, mọi việc đều diễn ra theo tốc độ và óc đấu
tranh. Con người ngày nay quá ham mới, chuộng lạ, thích tiến mau đi lẹ trong mọi
địa hạt, nhưng cũng dễ bực bội bất mãn, hay chống lại trật tự cổ truyền, muốn
vùng lên thoát khỏi mọi ràng buộc với luật lệ uy quyền. Thành ra tâm lý của người
thời nay cũng đa đoan, phức tạp. Việc truyền giáo vấp phải nhiều trở ngại lớn
lao. Nhiều người mất ý thức về tội lỗi, tự mãn và quá tin vào quyền lực của con
người, hoài nghi sự hiện hữu của Thiên Chúa, phủ nhận siêu nhiên, tìm hưởng thụ
cuộc đời một cách vô hạn định, bận tâm với những chuyện cụ thể trong đời thường,
khiến cho Hội thánh phải đương đầu với một tình trạng khó khăn chán nản dường
như tuyệt vọng, nếu xét theo quan điểm loài người. Nhưng vì tin vào sức hoạt động
âm thầm, bền bỉ của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đã không nản chí. Mà quả thực, nếu
chỉ tin ở mình, chắc chắn nhiều lần Hội thánh đã phải thất vọng.
Vì thế, Hội
thánh đã lấy Chúa Thánh Thần làm nguyên lý hồi xuân của mình, dựa vào ý định
thành lập của Chúa Giê-su cùng với với lời hứa che chở của Người, qua sự hướng
dẫn, đổi mới của các nhà lãnh đạo trong Giáo hội như Ðức Gio-an XXIII, Phao-lô
VI, Gio-an Phao-lô II và các vị như thánh Biển Ðức, thánh Ða Minh, thánh
Phan-xi-cô At-xi-di, thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na, thánh I-nhã, thánh
An-Phong, thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su v.v... và các thánh tử đạo, cũng như
những sáng kiến cùng sưu tầm khảo cứu của các nhà thần học, chú giải kinh
thánh, tu đức, phụng vụ từ trước tới nay và còn tiếp tục mãi.
Làn gió đổi mới
của Công đồng Va-ti-ca-nô II
Khi triệu tập
Công đồng, Ðức Cố Giáo Hoàng XXIII đã mong ước được nhìn thấy những kết quả bất
ngờ của một mùa xuân mới trong Hội thánh. Lòng ước mong của ngài đã được đáp lại
bằng những thành quả, đúc kết trong các hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn của Công
Ðồng về rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh hoạt của Hội thánh cùng mối tương
giao với thế giới hiện đại mà tiêu biểu là hiến chế về Giáo hội (Lumen
Gentium), Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium Spes), vấn đề tự do tôn
giáo (Dignitatis humanae), Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium). Một tinh thần mới
đã nổi lên soi sáng tâm trí các vị lãnh đạo cao cấp trong Hội thánh và ảnh hưởng
đến cách thế cảm nghĩ của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ðó là tinh thần cởi mở,
thông cảm, đối thoại, đón nhận, hòa đồng. Hội thánh đã không ngại mở cửa nhìn
ra thế giới và để cho thế giới nhìn vào. Những cuộc công du của Ðức Phaolô VI
sang Jérusalem, Bombay, Nữu ước, Fatima và những quan sát viên ngoài công giáo
được mời tham dự Công đồng và nhất là những chuyến công du của Ðức cố Giáo
Hoàng Gio-an Phao-lô II đi khắp thế giới phải chăng đã chứng tỏ khuynh hướng đi
tới và đón nhận của Hội thánh? Tinh thần này đã giải thoát một số lớn người
công giáo khỏi mặc cảm, sợ hãi và biến họ đang từ thế tự vệ chuyển sang thế chủ
động, sáng kiến, dấn thân vào việc xây dựng xã hội trần gian, chọn đất đứng
chung với những người khác trong xã hội, dù họ không phải là công giáo, để nhận
cuộc một cách lương thiện. Không thể kể hết ra đây một cách cặn kẽ tất cả những
nỗ lực áp dụng tinh thần của Công Ðồng diễn ra khắp nơi trên thế giới. Chỉ biết
rằng một cơn chuyển mình vĩ đại đã lay động Hội thánh, dưới sức manh của Chúa
Thánh Thần, tuy chưa đồng đều ở khắp nơi.
Trở về nguồn
Có người hốt hoảng
khi chứng kiến cơn chuyển mình đó. Tất nhiên thế nào cũng có những người đi ra
ngoài ý muốn của Công Ðồng, nhưng không phải vì thế mà ta có quyền hoài nghi
công lao của các Nghị Phụ và giá trị của những bản văn Công Ðồng, bằng chứng là
bộ mặt của Hội thánh đã đổi mới. Hội thánh đã trở về nguồn để tìm lại khởi hứng
sâu xa ban đầu và nhờ đó trung thành với sứ mệnh của mình hơn. Thành ra, đổi mới
ở đây không phải đoạn tuyệt với dĩ vãng mà chính là nối liền dĩ vãng đã được
xây dựng trên truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: "Công đồng đã suy
ngẫm truyền thống và học thuyết của Giáo hội, để rút ra cái mới mà vẫn phù hợp
với cái cũ" (Dignitatis humanae I).
Trở về nguồn,
trung thành với truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: đó là những ý tưởng
chỉ đạo trong việc hồi xuân của Hội thánh.
Bởi vậy, trở về
nguồn cũng là trở về với Tin Mừng, với các thánh Giáo Phụ. Tin Mừng đã điều khiển
và chi phối đời sống của các tín hữu lúc ban đầu: "Tất cả các tín hữu hợp
nhất với nhau và để mọi sự làm của chung" (Cv. 2,44). Các thánh Tông Ðồ là
những vị đã sống trọn vẹn tinh thần Tin Mừng đó và truyền lại cho các tín hữu từ
đời này qua đời khác, tạo thành một truyền thống. Các thánh Giáo Phụ là những vị
được thừa hưởng trực tiếp di sản tinh thần của Chúa Kitô do các thánh Tông Ðồ
và các thánh soạn sách Tin Mừng viết ra, rồi tiếp tục truyền lại cho con cháu đến
mãi đời ta ngày nay. Tất cả đều đã góp phần để xây nên truyền thống cho Giáo hội.
Nước ở gần nguồn
bao giờ cũng trong và mạnh hơn. Bởi vậy, càng gần Tin Mừng: nguồn mạch sự sống
bởi Chúa Kitô ban ra, đời sống của Hội thánh càng mạnh và càng được bảo đảm về
giá trị đích thực của những điều mình giảng dạy bấy nhiêu: "Ai cũng rõ,
trong Kinh thánh, dù là Tân ước, Tin Mừng xứng đáng trổi vượt hơn cả vì đó là lời
chứng tối hảo về cuộc đời và Giáo huấn của Ngôi lời nhập thể, Ðấng Cứu chuộc
ta" (Dei Verbum số 18).
Thật không lạ gì
khi thấy thời buổi này, Hội thánh nhiệt liệt cổ võ việc học hỏi và tôn sùng Lời
Chúa (Dei Verbum số 25) cũng như khuyến khích việc nghiên cứu tư tưởng và hành
động của các thánh Giáo phụ (tủ sách Sources chrétiennes), vì đó chính là con
đường chắc chắn bảo đảm cho sự hồi xuân, nối liền dĩ vãng với hiện tại trong mối
liên tục sống động. Sự tiếp nối hiện tại với dĩ vãng phong phú và thánh thiện của
Hội thánh trong những thế kỷ đầu khiến cho Hội thánh một đàng vừa trung thành với
tinh thần cổ truyền, đàng khác lại mạnh mẽ uyển chuyển trong các thích nghi, đổi
mới về hình thức bên ngoài cho hợp với thời đại mình sống, để đáp ứng lại những
nhu cầu thúc bách đang chờ đợi mình. Vì thế, trong Sắc lệnh Perfectae caritatis
bàn về sự đổi mới và thích nghi đời sống tu trì với thế giới hiện tại, Công đồng
đã khuyên các tu sĩ: "Sự đổi mới thích hợp cuộc đời tu trì đòi phải luôn
luôn trở về nguồn mạch của mọi đời sống Kitô hữu và khởi hứng nguyên thủy của
các dòng tu, đồng thời thích ứng cho hợp với những điều kiện sinh hoạt trong xã
hội hiện thời" (Perfectae caritatis, 2).
Ðổi mới
Thực ra, Công Ðồng
Va-ti-ca-nô II đã đổi mới Hội thánh. Nhưng, sự đổi mới đó không hệ tại việc bày
ra những điều mới cho bằng nói lại những điều cũ một cách mới mẻ. Vấn đề cốt yếu
là trình bày nội dung đức tin một cách trung thực, với một bộ áo ngôn ngữ
"hợp thời trang". Mối bận tâm này đã làm cho Hội thánh chú ý nhiều
hơn đến cách cảm nghĩ của người hiện đại, và cố gắng tìm hiểu họ ngay chính
trong những khát vọng, phấn khởi cùng băn khoăn xao xuyến của họ, với niềm cảm
thông, gần gũi. Vì vậy, Công Ðồng đã thúc đẩy người công giáo phải hòa mình với
người khác: "Muốn làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu, tín hữu phải lấy
lòng thương yêu trọng kính kết hiệp với mọi người, coi mình là thành phần trong
xã hội, tham dự vào đời sống văn hóa, xã hội, nhờ những cuộc trao đổi và hiệp
thương với nhau" (Ad Gentes số 11).
Từ bốn mươi năm
qua, Công đồng đã ảnh hưởng vào tâm trí nhiều người, tạo ra một mẫu người mới
không quá khích, không bảo thủ nhưng sống theo tinh thần mới mẻ của Công Ðồng,
biểu lộ qua lối nhìn và sống trung thành với những đòi hỏi của Ðức tin.
Giáo hội cần những
mẫu người này để phổ biến sâu rộng làn gió hồi xuân do Công đồng Vatican II
khơi động.
Nhưng, nếu
"một con én không làm nên mùa xuân" thì một số người, dù thiết tha với
tinh thần Công Ðồng đến mấy cũng không tạo nổi mùa xuân cho Giáo hội, đành rằng
Công Ðồng đã khai xuân và Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn làm việc hồi xuân cho
Giáo hội. Ta vẫn tin có Chúa Ba Ngôi hằng khai diễn mùa xuân cho Giáo hội mỗi
khi cần thiết, nhưng nếu chỉ như vậy thì mùa xuân mới được khai diễn mà chưa có
phần hưởng ứng. Quả thực, như thánh Âu-tinh nói: "Chúa đã dựng nên ta mà
không cần có ta, nhưng để cứu chuộc ta, Người lại cần ta cộng tác và hưởng ứng".
Kết luận
Vì thế, mọi người
đều phải đón nhận và hít thở không khí hồi xuân mà Công đồng Va-ti-ca-nô II đã
đem lại cho Hội thánh, bằng cách học tập, tìm hiểu những tài liệu Công Ðồng rồi
đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày, ngõ hầu tạo nên những mẫu người tín hữu
thích hợp cho thời đại chúng ta. Những điều đã nói, những việc đã làm ở Công Ðồng
thiết tưởng chưa quan trọng và tối cần cho bằng những điều phải nói, những việc
phải làm, sau thời Công đồng chấm dứt như chúng ta đang sống hiện nay.
Vì nhận thấy tầm
quan trọng của thời hậu Công đồng, Ðức Phaolô VI đã ra nhiều chỉ thị, đọc nhiều
diễn văn hô hào, thúc đẩy và khuyên cáo mọi người phải coi chừng, áp dụng
nghiêm chỉnh giáo huấn của Công Ðồng. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, một Hội đồng
Thượng đỉnh các Giám Mục đã được triệu tập tại Roma (29-9-1967) bàn về nhiều vấn
đề cụ thể liên quan đến đức tin. Ngoài ra, theo sáng kiến riêng của từng nước
hay miền, các vị giám mục cũng họp thành Hội Ðồng Giám Mục để lo bàn về những vấn
đề mục vụ đặt ra cho địa phương mình. Có thể nói Công Ðồng cũng là một hình thức
xuất hiện của Chúa ở thời đại ta hay một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, nói được rằng
đón nhận Công đồng cũng là đón nhận Chúa.
"Công Ðồng
sẽ là một lễ Hiện xuống mới mong đợi từ lâu, làm cho Giáo hội giàu thêm những
sinh lực thiêng liêng mới và chiếu giãi hơn nữa tình mẫu tử và ảnh hưởng lành mạnh
của Hội thánh trên mọi địa hạt sinh sống của con người. Công Ðồng sẽ là một bước
nhảy vọt của Nước Chúa Ki-tô trong trần gian, một lời tuyên dương mới mẻ, sâu
xa mạnh mẽ về tin vui giải thoát, là sự minh xác quyền lợi tối cao của Thiên
Chúa Vạn Năng, là tình huynh đệ nhân loại trong bác ái, là hòa bình trên dương
thế đoan hứa cho những người được Chúa yêu thương" (A.A.S.LVb. 1963 trang
39-40).
Nhưng, đừng quên
hồi xuân là trở về cái khí xuân tươi mát thuở ban đầu của Hội thánh, tìm trong
chất rượu cũ men vị ngây ngất làm say sưa lòng người đi tìm chân lý. Do đấy, hồi
xuân không phải là chạy theo thị hiếu nhất thời mau qua của thời đại như những
thứ thời trang; cũng không phải bày ra những điều mới lạ hấp dẫn, kỳ quặc, lố bịch
như những nhãn hiệu quảng cáo giật gân mà chính là đốt cháy lên ngọn lửa mến
yêu sốt sắng, biết sáng kiến trong sự trung thành với Chúa Kitô là Sự thật muôn
đời mới mẻ, là Lời hằng sống nói ra không cùng của Thiên Chúa và Ngọn suối hồi
xuân vô tận của lòng người.
Ngoài ra, mọi
người còn cần xác tín mạnh mẽ: muốn Giáo hội tiến bộ, ai nấy phải đồng tâm nhất
trí với nhau và phải nghe "tiếng Chúa Thánh Thần phán bảo trong Hội
thánh" (Ap. 2,7) hơn là nghe tiếng mình hay tiếng người trần gian. Ðó là
tiếng của những ai được "ơn chắc chắn rao giảng Chân lý" (St. Irénée,
Adv. Haer. IV, 26; P.G. VII, 1058).
LM. Ðỗ Xuân Quế
Tổng Kết Thành Quả của Hiến Chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng
của Công Ðồng Vaticanô II
Hội Nghị tại
Vatican để Tổng Kết Thành Quả của Hiến Chế Mục Vụ "Vui Mừng và Hy Vọng"
của Công Ðồng Vaticanô II.
Tin Vatican (VIS
16/03/2005) - Chiều Thứ Tư, ngày 16 tháng 3 năm 2005, Hội Ðồng Tòa Thánh Công
Lý và Hòa Bình, đã khai mạc Hội Nghị kéo dài Ba Ngày, tại Phòng Họp Thượng Hội
Ðồng Giám Mục, bên trong nội Thành Vatican, theo chủ đề: "Lời mời gọi thực
hiện sự Công Bằng: Phần Gia Tài của Hiến Chế Mục Vụ "Vui Mừng và Hy Vọng"
40 năm sau khi được công bố."
Năm Thuyết Trình
Viên trình bày về năm khía cạnh khác nhau của hiến chế mục vụ "Vui Mừng và
Hy Vọng".
Ðức Hồng Y
Claudio Hummes, Tổng Giám Mục Sao Paolo, Brazile, thuyết trình về những nền tảng
thần học và giáo hội học của hiến chế; Giáo Sư Andrêa Riccardi, sáng lập viên Cộng
Ðoàn Thánh Egidio, trình bày khía cạnh lịch sử của Hiến Chế; Ông Rubens
Ricupero, cựu Tổng Giám Ðốc của Chương Trình Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và
Phát Triển, thuyết trình về đề tài: "Lời kêu gọi thực hiện sự công bằng
trong lãnh vực trật tự chính trị"; Ông Guy Pognon, người Bênin, Phi Châu,
nói về đề tài: "Lời Kêu Gọi thực hiện công bằng trong lãnh vực Kinh Tế";
Giáo Sư Helen Alvare, thuộc đại học công giáo Hoa Kỳ, nói về vai trò của gia
đình trong trật tự xã hội".
Ba ngày Hội Nghị
được tổ chức thành Phiên Họp Khoáng Ðại và Thảo Luận Theo Từng Nhóm. Các tham dự
viên nhắm đến việc khảo sát mục tiêu của giáo huấn xã hội của Công Ðồng Vatican
II qua những suy tư về những nền tảng triết học và thần học của truyền thống dấn
thân xã hội của Giáo Hội Công Giáo, cũng như nhờ qua suy tư về sứ mạng của Giáo
Hội trong lãnh vực xã hội. Vấn đề cần được trả lời là Giáo Hội đã đáp trả như
thế nào trước những dấu chỉ của thời đại và những vấn nạn to lớn thuộc lãnh vực
kinh tế, chính trị, xã hội, như hiện tượng toàn cầu hóa, sự nghèo cùng, nền hòa
bình thế giới, hiện tượng di dân, nạn khủng bố, tinh thần tiêu thụ.
(Ðặng Thế Dũng)
Mạc Khải Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Khác Theo Ánh Sáng Công
Ðồng Vaticanô II
Linh Mục A. H.
Kishi Hidesshi
Hiệu trưởng Ðại
Học Công Giáo Eishi tại Osaka, Nhật Bản
(Cha A. H. Kishi
Hidesshi là Hiệu trưởng Ðại Học Công Giáo Eishi tại Osaka, Nhật Bản. Ngài đã
theo học tại Montréal, Canada, và đậu tiến sĩ với luận đề "Spiritual
consciousness in zen from Thomistic Theological Point of view").
Mạc Khải Kitô
Giáo và Các Tôn Giáo Khác Theo Ánh Sáng Công Ðồng Vaticanô II.
Công Ðồng
Vaticanô II, khi cứu xét (một cách tỉ mỉ hơn) thái độ của Giáo Hội đối với các
tôn giáo ngoài Kitô giáo, đã đưa ra bản Tuyên Ngôn "Nostra Actate".
Nguyên tắc căn bản thể hiện qua bản Tuyên Ngôn này là: đối với nhân loại, Thiên
Chúa là nguồn gốc độc nhất và đồng thời cũng là cứu cánh sau cùng. Bởi đó, tất
cả mọi người, Kitô hữu cũng như không Kitô hữu, đều lệ thuộc vào Thiên Chúa
Quan Phòng. Trong bài trình bày ngắn ngủi này, chúng tôi không có ý định giải
thích bản Tuyên Ngôn, mà chỉ muốn dựa vào bản Tuyên Ngôn đó và một số tài liệu
khác của Công Ðồng để nhận định về những mối tương quan giữa Mạc Khải Kitô giáo
và tất cả các tôn giáo khác.
I. Chân Lý của
các Tôn Giáo
Trong những tôn
giáo đươc chọn làm tiêu biểu trong bản Tuyên ngôn, thì Ấn độ giáo, Phật giáo, rồi
đến Hồi giáo và Do thái giáo được đặc biệt quan tâm hơn cả. Ðối với Ấn độ giáo,
Phật giáo và các tôn giáo khác, bản Tuyên ngôn viết: "Giáo hội Công giáo
không hề bác bỏ những gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo đó. Với
một niềm kính trọng thành thật. Giáo hội xem xét những cách thức hành động và
những lối sống; những luật lệ và những giáo lý đó, mặc dầu về nhiều điểm có khác
với những điều chính Giáo hội tuân giữ và đề nghị, nhưng thường mang lại tia
sáng của Chân lý (radium illius Veritatis) chiếu soi hết mọi người" (N.A.
số 2).
Thật sự, những lời
nói đó của bản Tuyên ngôn có nghĩa gì? Người ta có thể nghĩ rằng Công Ðồng, khi
dùng những lời lẽ đó, đã nhìn nhận các tôn giáo khác cũng mang lại một ánh
sáng, mặc dầu đó không phải là ánh sáng toàn vẹn của Chân lý, và tuy vậy, đó
cũng là một ánh sáng phát xuất từ Ðấng chính là Chân lý.
Trong Hiến chế Mục
vụ (Gaudium et Spes), chúng ta thấy có những đoạn văn quan trọng liên hệ với điều
vừa được trình bày. Thật vậy, Hiến chế quả quyết: "Bởi vì có nội giới mà
con người hơn tất cả mọi vật. Con người trở về với nội giới sâu xa đó là khi
con người trở về với chính mình, nơi mà Thiên Chúa Ðấng thấy tận tâm can, đang
chờ đợi, con người, và nơi mà con người tự quyết định lấy vận mạng của mình dưới
con mắt của Thiên Chúa" (G.S. số 14).
Như thế, Công Ðồng
chứng tỏ rằng Thiên Chúa thấu suốt lòng con người và Người đang ở đó chờ đợi.
Theo truyền thống
lâu đời của Kitô giáo, sự kiện này minh chứng rõ ràng thật sự có một "ánh
sáng bên trong", có "Thiên Chúa" ở giữa loài người. Giáo huấn
này rất giống với ý niệm Nội tại tuyệt đối là một ý niệm căn bản nơi các người
Ðông phương. Thiên Chúa ở tận đáy lòng con người, theo kiểu nói của Hiến chế,
có nghĩa là Thiên Chúa chính là "chân lý sâu xa của sự vật" (ipsa
produndarei veritas). Như thế, việc Thiên Chúa ở trong lòng mọi người tự nhiên
có nghĩa là Người biểu lộ chân lý trong tất cả các tôn giáo. Trong bài tựa, Hiến
chế nói: "Vậy, khi Công Ðồng tuyên bố sứ mạng của con người là rất cao cả
và quả quyết rằng con người mang trong mình mầm mống Thiên Chúa..." (G.S.
số 3).
Chỉ căn cứ vào sự
kiện có mầm mống Thiên Chúa trong lòng mọi người, cũng có thể quả quyết rằng mọi
người có thể đạt tới chân lý. Nếu mọi người không nương dựa vào Thiên Chúa ở
trong lòng mình thì họ không thể tìm thấy Thiên Chúa. Con đường đưa người ta đến
Thiên Chúa luôn luôn là con đường nội tâm đó. Các tôn giáo khác giảng dạy con
đường đó. Chúng ta phải xác định rằng Thiên Chúa chiếu giải chân lý trong các
tôn giáo khác bởi vì các tôn giáo đó chỉ dạy con đường ấy.
Nếu chúng ta
nghiên cứu, dầu chỉ là những yếu tố của Giáo lý Phật giáo và Ấn độ giáo mà
thôi, chúng ta cũng sẽ nhận thấy rằng các giáo lý đó chứa đựng nhiều chân lý
khiến chúng ta phải ngạc nhiên và không khỏi thán phục. Chắc chắn, trong các
giáo huấn đó, người ta sẽ tìm thấy những ý niệm: "Hữu thể" -
"Thiên Chúa" - "Ðấng tuyệt đối" và sẽ có kinh nghiệm về
Thiên Chúa.
Trong Ấn độ
giáo, "Ðấng Tuyệt Ðối" chính là Ðấng người ta không thể biết được, là
Ðấng người ta không thể đặt tên được, và theo kểu nói của Yâjnavalkya, là Ðấng
mà người ta chỉ có thể gọi được là "Netti, Netti" (không phải như thế,
không phải như thế).
Trong Phật giáo
Ðại thừa, thực thể cuối cùng chính là cái không thể tả được, - "là cái hư
vô", "cái rỗng không" và ngoài những từ ngữ đó ra, không có một
từ ngữ nào khác để diễn tả thực thể đó. Hơn nữa, chính tất cả những từ ngữ đó
cũng chỉ là những kiểu diễn tả bất toàn. Ðó là tất cả những gì để chỉ thực thể
độc nhất và tối hậu.
Trong Kitô giáo
cũng vậy: vì Thiên Chúa là Ðấng không thể biết được, Ðấng không thể gọi tên được,
nên chính kiểu nói "Thiên Chúa" cũng chỉ là một danh từ tạm thời mà
thôi.
Hiến chế Gaudium
et Spes còn lưu ý: ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là được Thiên
Chúa mời gọi thông phần với Người (G.S. số 19).
Chắc chắn trong
các tôn giáo khác, người ta cũng có thể thông phần với Thiên Chúa. Theo phương
diện thần học mà nói, người ta không thể quả quyết rằng những kinh nghiệm đó về
Thiên Chúa chỉ hoàn toàn có tính cách tự nhiên; trái lại, những kinh nghiệm đó
có thể là siêu nhiên nhờ ân sủng của Thiên Chúa.
Nếu con người là
hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei) (Cf Gn 1,27), nếu trong con người có mầm mống
Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa ở tận đáy lòng con người và nếu Thiên Chúa có thể
ban ân sủng, con người, dầu thuộc về các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, cũng có
thể đạt tới chân lý. Một bằng chứng đầy đủ chứng minh cho lời quả quyết trên
là, trong lịch sử các tôn giáo tây phương cũng như đông phương, có những người
đã sống qua con đường huyền bí "Via Negativa" đó.
Chính Hữu Thể
tuyệt đối, siêu việt đã mạc khải mầu nhiệm đó trong đáy lòng con người.ngày
nay, chúng ta phải mở mắt nhìn nhận rằng tính chất chân lý thực sự thể hiện một
phần trong tất cả các tôn giáo, tính chất đó có thể nói được là tính chất Kitô
giáo của Chân lý.
II. Sự tuyệt hảo
của Mạc Khải Kitô Giáo
Quả quyết có
Chân lý trong các tôn giáo khác như vừa nói, có trái với sự tuyệt hảo của mạc
khải Kitô giáo hay không? Về điểm này, trước tiên chúng ta cần lưu ý tới giáo
huấn của Công Ðồng.
Bản Tuyên ngôn
(Nostra Aetate), sau khi đã nhìn nhận trong các tôn giáo khác có tia sáng của
Chân lý chiếu soi mọi người (Cf N.A. số 2), liền thêm: "Tuy nhiên Giáo hội
rao giảng và còn phải mãi mãi kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "Ðường,
là Sự Thật và là Sự Sống" (Jn 14,6) trong Người mọi người gặp thấy đời sống
tôn giáo trọn hảo (plenitudo vitae religiosae), trong Người Thiên Chúa đã giao
hòa với vạn vật" (N.A. số 2).
Theo Công Ðồng,
nhìn nhận tính chất Chân lý hàm chứa trong các tôn giáo khác không đi ngược lại
với sứ mệnh đặc biệt của Giáo hội là "rao giảng Chúa Kitô mãi mãi".
Hơn nữa, Công Ðồng đã nói trong Chúa Kitô có đời sống tôn giáo trọn hảo. Hiến
chế Gaudium et Spes mạnh mẽ tuyên xưng với thánh Tông đồ (cf. Act 4,12) rằng
ngoài danh Chúa Kitô, không một danh hiệu nào khác có thể đem lại ơn cứu rỗi
cho con người: "Giáo hội tin tưởng rằng dưới bầu trời, không còn một danh
hiệu nào khác có thể cứu thoát con người. Giáo hội cũng tin rằng Chúa Kitô vừa
là khởi đầu, là trung tâm và là cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại: Người
là Chúa và Thầy của mình" (G.S. số 10). Chắc chắn, Chúa Kitô là trung tâm
của Vũ trụ, là khởi đầu và là cùng đích. Ngoài Chúa Kitô, không có ơn cứu rỗi.
Phải tuyên xưng điều dó ngay cả trong thời buổi tân tiến này.
Hiến chế Tín lý
Thiên Chúa Mạc khải (Dei Verbum) dạy bảo chúng ta rằng Chúa Kitô là "sụ
sung mãn của toàn thể mạc khải" (D.V. s61 2) và thêm "ta không còn phải
đợi chờ một mạc khải công khai nào khác nữa cho đến khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, xuất hiện trong vinh quang" (D.V. số 4).
Bởi đó, tính chất
tuyệt hảo và sung mãn của Mạc khải Kitô giáo là một Chân lý được Công Ðồng dạy
bảo một cách rõ ràng. Nói tóm lại, Công Ðồng đã nêu ra tính chất Chân lý của
Kitô giáo.
III. Các tương
quan giữa Mạc khải Kitô giáo và mạc khải của các tôn giáo khác
Phán Ðoán Thần Học
Như đã nói, Công
Ðồng nhìn nhận trong các tôn giáo khác có một phần Chân lý và đồng thời cũng
tuyên xưng chỉ trong Kitô giáo mới có Mạc khải tuyệt hảo. Làm thế nào giải
thích những mối tương quan giữa hai điều quả quyết đó? Chắc chắn không phải là
chuyện dễ. Tuy nhiên, vấn đề lại thật quan trọng đối với chúng ta là những người
đang sống trong thời buổi tân tiến này. Bởi vì, hiện thời, chúng ta thuộc
"số ít" so với đám đông các tín đồ ngoài Kitô giáo và tất cả những
người vô tín ngưỡng, kể cả những người lãnh đạm.
Vấn đề có thể rất
đơn giản, nếu người ta coi Chân lý hàm chứa trong các tôn giáo khác như là Chân
lý thuộc trật tự tự nhiên, và, có thể nói, như là một sự kiện không vượt khỏi
Chân lý triết học, hay hơn nữa, như là một kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa
không xa mấy chủ nghĩa thần bí triết học thuộc trật tự tự nhiên. Nói cách khác,
bởi vì Mạc khải Kitô giáo là một thực tế thuộc trật tự siêu nhiên, cho nên Chân
lý trong các tôn giáo khác là một thực tế thuộc trật tự tự nhiên. Vì Mạc khải
và Chân lý trong các tôn giáo, khác nhau về chiều hướng, nên, nếu người ta phân
biệt rõ ràng hai thực tế như thế, liệu trong thế giới này, người ta có thể nhận
biết thực tế tôn giáo sâu xa nhất không?
Tôi xin trả lời
là không. Người ta không thể chối cải rằng, cho đến bây giờ, lối tư tưởng như
thế đã được phổ biến và đặc biệt, đó lại là thái độ căn bản của việc truyền giáo
ở Ðông phương. Ðó là một sự kiện mà người ta không có thể nhắm mắt làm ngơ. Về
điểm này, đây là một suy tư cần được lưu ý. Theo bài báo Moines chrétiens en
Inde do André Monestier viết trong một tạp chí công giáo (Cf. Ecclesia, Paris,
mai 1967, 83-92), Cha Monchanin, khi đề cập về việc truyền bá Tin Mừng cho những
xứ Á châu, có đưa ra những nhận xét cột trụ sau đây: trước hết, phải nhìn nhận
rằng trước đây người ta đã luôn luôn rao giảng Phúc âm cho Á châu một cách đối
nghịch với tôn giáo của các dân tộc Á châu; trái lại chúng ta phải nhìn nhận rằng,
trong khi chấp nhận truyền thống văn hóa ở Ðông phương, đặc biệt là ở Ấn độ, có
một giá trị rất lớn, chúng ta có thể một phần nào đó diễn tả thần học công giáo
bằng những từ ngữ của Vedan ta; sau hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng việc hiểu
biết chính Thiên Chúa mới thật là quan trọng, chứ không phải việc hiểu biết một
cái gì về Người, và chúng ta phải chấp nhận rằng cần phải khám phá ra, nhờ Chúa
Thánh Thần, sự hiện diện tàng ẩn của Chúa Kitô trong tất cả các tôn giáo khác,
ngay từ lúc mới khai sinh thế giới.
Chúng ta không
thể phân chia một Thiên Chúa duy nhất thành hai được: Thiên Chúa trong các tôn
giáo khác đồng thời cũng là Thiên Chúa của Mạc khải; thiên Chúa của Mạc khải đồng
thời cũng là Thiên Chúa trong các tôn giáo khác. Tuy nhiên, đó không phải là một
sự trộn lẫn hai trật tự tự nhiên và siêu nhiên. Không, chúng ta vẫn phân biệt
rõ ràng hai trật tự đó. Giữa chúng có một sự phân cách, một vực thẳm, một sự
phân biệt rõ ràng. Và dầu vậy, tôi không nghĩ rằng trật tự siêu nhiên tách lìa
khỏi trật tự tự nhiên.
Có lẽ người ta
có thể minh chứng điều đó bằng phép ẩn dụ, nhờ hai vòng đồng tâm hay hai hình cầu
đồng tâm. Trật tự siêu nhiên bao gồm trật tự tự nhiên. Trung tâm của hai trật tự
đó là Thiên Chúa. Thiên Chúa trong trật tự siêu nhiên đồng thời cũng là Thiên
Chúa trong trật tự tự nhiên. Có đường từ trật tự siêu nhiên dẫn đến trật tự tự
nhiên, nhưng không có đường từ trật tự tự nhiên đưa tới trật tự siêu nhiên. Chỉ
có "ân sủng" là nguyên lý siêu nhiên tiên khởi của Thiên Chúa mới có
thể làm được việc đó. Nói tóm lại, thế giới hiện hữu này vừa là thế giới tự
nhiên vừa là thế giới siêu nhiên. Cả hai thế giới này cũng có chung một tiêu điểm.
Việc không thể
diễn tả được Ðấng Tuyệt đối trong các tôn giáo khác rõ ràng minh chứng rằng
không có đường từ trật tự tự nhiên đưa đến trật tự siêu nhiên. Sự hiểu biết Ðấng
Tuyệt đối vượt khỏi giới hạn của trí tuệ tự nhiên. Bởi đó, trực giác là kinh
nghiệm siêu trí thức trở nên cần thiết. Trí tuệ tự nhiên không thể hiểu biết Ðấng
Tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Sự không thể hiểu biết đó chính là trực giác rằng
Thiên Chúa thuộc về trật tự siêu nhiên.
Thật sự, nếu Ðấng
Tuyệt Ðối thuộc trật tự tự nhiên, thì chắc chắn trí tuệ tự nhiên phải hiểu biết
Người. Khi đó trực giác siêu trí thức thiêng liêng sẽ không còn cần thiết nữa.
Phù hợp với nhận
xét đó, lược đồ của Cha Garrigou Lagrange chứng minh có Chân lý siêu nhiên, thật
rất có ý nghĩa.
Chân lý siêu
nhiên được minh chứng ngay cả ngoài phạm vi Mạc khải theo phương diện chất thể
và trong một trật tự thấp kém hơn:
Về phương diện
tiêu cực, nghĩa là, theo phương diện tự nhiên, người ta không thể hiểu được trật
tự Chân lý trong Thiên Chúa,
Về phương diện
tích cực, nghĩa là con người tự nhiên muốn được hạnh phúc hoàn toàn và xác tín
rằng mình đạt được hạnh phúc đó nhờ trực giác bản tính Thiên Chúa (Cf. Garrigou
Lagrange OP. De Deo Uno, Marietti, Roma, 1950, t. 269).
Nếu như thế, người
ta có thể vấn nạn: có phải tất cả các tôn giáo khác đều đưoơc coi là siêu nhiên
hết không? Xin thưa là không. Chúng tôi không quả quyết rằng tất cả các tôn
giáo đều trực tiếp là những tôn giáo siêu nhiên hết thảy.
Thật ra, chúng
tôi muốn nói là; Thiên Chúa siêu nhiên đã mạc khải nhiều Chân lý siêu nhiên
ngay trong các tôn giáo khác; còn con người, ngay trong các tôn giáo khác, cũng
có thể có một kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa siêu nhiên. Ðiều đó có nghĩa là
những Chân lý hàm chứa trong các tôn giáo khác, theo bản chất của nó, cũng là
những Chân lý Kitô giáo.
IV. Kết Luận
Trong các tôn
giáo khác, Thiên Chúa đã tự mạc khải một phần và bằng nhiều cách khác nhau,
nhưng, trong Mạc khải Kitô giáo, Người đã chỉ nói một lần và một cách đầy đủ,
chung quyết. mạc khải trong Chúa Kitô là Mạc khải toàn hảo.
Như Hiến Chế
"Thiên Chúa mạc khải" (Dei Verbum) đã nói, cho đến ngày Chúa Kitô trở
lại trong vinh quang, người ta không nên chờ đợi một Mạc khải công khai, mới lạ
nào khác nữa. Trong Mạc khải, con người tìm thấy hình ảnh nguyên vẹn Chân lý được
tìm kiếm trong các tôn giáo khác. Ðó là một sự kiện toàn Chân lý hàm chứa trong
các tôn giáo khác.
Trong Mạc khải
Kitô giáo, con người không tìm thấy những gì trái ngược với các Chân lý trong
các tôn giáo. Chân lý trong các tôn giáo khác không đối nghịch với Mạc khải
Kitô giáo. (Nói tóm lại, đó chỉ là một). Nội dung của chúng, với tính cách là
Chân lý, đều bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.
Chúa Kitô đã trở
nên mọi sự cho mọi người. Người là khởi đầu và là chung cánh. Người là Cùng
đích và là Nguyên thủy. Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế của mọi người. Ngoài Chúa
Kitô ra, ở dưới thế này, không còn một danh hiệu nào khác có thể đem lại ơn cứu
rỗi. Các tôn giáo khác chỉ có thể phát triển toàn vẹn trong Mạc khải mà thôi.
(Giuse Nguyễn
Chính chuyển dịch Việt ngữ từ Tuyển Tập BS non Chn số 10 tháng 3 năm 1969)
(Trích dẫn từ
Tuyển Tập Thần Học số 7 tháng 1 năm 1971)
Vai trò của người giáo dân Việt Nam dưới ánh sáng Công Ðồng
Vatican II trong môi trường xã hội Việt Nam thực tại
Vai trò của người
giáo dân Việt Nam dưới ánh sáng Công Ðồng Vatican II trong môi trường xã hội Việt
Nam thực tại.
Như chúng ta được
biết Công Ðồng chung Vatican II được long trọng khai mạc vào ngày 11 tháng 10
Năm 1960 và bế mạc ngày 8 tháng 12 năm 1965.
"Ngày 14
tháng 9 năm 1965, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã mở đầu phiên họp thứ 4 của Công Ðồng
bằng một bài giảng thuyết đáng phải được giữ lại trong ký ức chúng ta. Người
nói: "Công Ðồng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng Giáo Hội chúng ta là một
Giáo Hội được xây dựng trên sự hiệp nhất đức tin và phổ quát tính của tình
yêu... Và tình yêu của chúng ta ở đây đã tiếp nhận và sẽ tiếp nhận các hình thức
biểu thị mang đặc tính Công Ðồng này. Giáo Hội Công Giáo lúc đó đang làm gì?...
Giáo Hội đã yêu... đã yêu bằng một quả tim mục vụ. Giáo Hội đã yêu bằng một quả
tim truyền giáo,... và Giáo Hội đã yêu bằng một quả tim đại kết...". (Bài
giảng tại Công Ðồng Vatican II).
"Ngày nay,
người ta nói nhiều về một Giáo Hội trong tranh luận. Nói đúng ra là Công Ðồng
Vatican II đang mời gọi chúng ta tranh luận trong Giáo Hội. Là một Giáo Hội
trong tranh luận bao hàm cả mối nguy hiểm tập trung những cái nhìn của chúng ta
vào chính chúng ta. Ðúng hơn, chúng ta hãy nói về tranh luận trong Giáo Hội.
Công Ðồng đã thực hiện cuộc tranh luận ấy. Trong khi khẳng định tính giám mục
đoàn, Công Ðồng đã cho phép lập lên ở mọi cấp độ, những cấu trúc Synode, từ
Synode Roma đến các hội đồng linh mục và đến các hội đồng mục vụ trong các giáo
phận chúng ta. Biết bao nhiêu địa điểm đối thoại tập hợp các tham dự viên đồng
nhất cùng một quy chế, một sứ vụ hoặc một thừa tác vụ, vẫn hoàn toàn mở rộng tới
cả các chuyên viên, các quan sát viên Kitô và tới cả các khách mời khác biệt nhất
như Công Ðồng đã làm trước đây vậy.
Giáo xứ cũng có
một kinh nghiệm lớn trong những lĩnh vực đó. Sự cộng tác linh mục, giáo dân với
nhau đã từ lâu là một thực tại, dù cho đây đó cũng gặp một vài khó khăn tạm thời,...
Dù thế nào đi nữa thì cuộc đối thoại này cũng phải được theo đuổi, được ưu
tiên, và nhất là muốn cho chính đối thoại đó nên như phần tử cấu tạo nên đời sống
Giáo Hội. Việc mọi người tham dự vào đối thoại này cũng là một dấu chỉ cho xã hội
đương thời của chúng ta". (Trích trong: Vui mừng và hy vọng - 40 năm sau
Công Ðồng, của Ðức Cha Anrê Acrampe - Tổng Giám Mục Besancon).
Vậy đề tài mà
tôi được vinh dự trình bày ở đây là một trong những đề tài khá quen thuộc đã được
đề cập tới ở những lĩnh vực khác nhau với các ý nghĩa khác nhau và do nhiều Ðấng
bậc lỗi lạc trong Giáo Hội, và vẫn còn mời gọi chúng ta đào sâu.
Nhưng vốn biết bản
thân không đủ khả năng bước vào cuộc tranh luận đó, nên tôi chỉ đề cập tới nó
như một chứng nhân lịch sử trước và sau Công Ðồng Vatican II ở cả hai miền, chủ
yếu là miền Bắc trong đất nước Việt Nam. Vậy nên đề tài của tôi trình bày sẽ là
vai trò của người giáo dân Việt Nam dưới Ánh sáng Công đồng Vatican II trong
môi trường xã hội Việt Nam thực tại.
Do hoàn cảnh đặc
biệt của đất nước nhiều năm bị chia đôi, nhất là trong thời gian diễn ra Công đồng,
chúng ta bắt buộc phải nói tới vai trò của người giáo dân ở các miền Nam Bắc
khác nhau.
Trước khi có
Công đồng Vaticanô II, tôi chỉ xin giới hạn từ năm 1945 trở đi, nhất là từ năm
1945 Miền bắc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở
vào dưới chính quyền Sài Gòn.
Vai trò của người
giáo dân Việt Nam miền Bắc trước Công đồng.
Nói chung, vai
trò đó được tượng trưng bằng hình ảnh quen thuộc nổi tiếng: Hình ảnh kim tự
tháp, "trong đó có sự phân biệt nền tảng giữa giáo sĩ với giáo dân: giáo
sĩ nắm trọn mọi quyền hành, còn giáo dân chẳng có gì. Hồng y Gasquet kể giai
thoại sau: ngày kia ở giai đoạn tiền Công đồng, một người dự tòng hỏi một linh
mục Công giáo về vị thế của người giáo dân trong Giáo Hội. Vị linh mục điềm
nhiên trả lời: giáo dân có 2 vị thế trong Giáo hội: Thứ nhất quì gối trước bàn
thờ; thứ hai ngồi trên ghế, vị Hồng y dí dỏm nói thêm người ta quên mất vai trò
thứ ba là: móc ví lấy tiền để công đức cho nhà thờ". (Sứ vụ người giáo dân
trong thời đại mới trong hội thảo Sống Ðạo theo cung cách Việt Nam, tác giả Lm.
Nguyễn Thái Hợp, trang 114).
Ở các nước Âu
châu, nền văn minh tôn trọng giá trị con người, địa vị giáo dân còn như vậy thì
ở Việt Nam trong xã hội mang chút ít phong kiến chịu ảnh hưởng của Nho giáo,
thường tôn sùng kính trọng quá mức đối với Bề trên, thì vai trò và địa vị của
người giáo dân trước Công đồng sẽ ra sao?
Tôi còn nhớ khi
làm linh mục đi làm lễ ở một xứ ngoại thành Hà Nội, trao đổi công việc với ban
chánh trương trùm trưởng, thấy họ tự ti, tự hạ quá đáng đến chỗ mất hết sáng kiến,
nực cười.
Tôi hỏi một vị
trùm ở xứ:
- Mai lễ Chúa nhật
các ông thích làm lễ mấy giờ?
- Thưa theo ý
cha mọi đàng.
- Sau lễ có đi
rước kiệu như mọi khi không?
- Thưa theo ý
Cha mọi đàng.
- Sau lễ có dùng
bữa như mọi khi không?
- Thưa theo ý
Cha mọi đàng.
Tôi hơi bực mình
vì có ý hỏi đùa ông,
Có thể họ bị ảnh
hưởng về một số nền thần học lạc hậu trước Công đồng cho nên có thái độ:
- Khinh thường
các sự việc thế gian.
- Sống co cụm
trong các khu vực công giáo.
- Kỳ thị các tôn
giáo khác v.v...
Cũng trong thời
kỳ đó, vai trò của các giáo dân miền Nam cũng gần giống như đồng bào của họ ở
miền Bắc, song nhờ vào tiếp xúc nhiều với nền văn hóa xứ tây âu, nhiều thành phần
tri thức hơn, nhiều hội đoàn tiên tiến trong Giáo Hội như Công giáo tiến hành,
Thanh lao công v.v... Người giáo dân cải thiện vai trò và vị trí của mình trong
Giáo Hội địa phương.
Giai đoạn 1954 tới
1975 trong đó có giai đoạn diễn ra Công đồng chung Vaticanô II 1960 - 1965.
A- Miền Bắc xã hội
chủ nghĩa, chế độ bao cấp thịnh hành, nên người giáo dân Việt Nam ít nhiều khó
tìm được vai trò đúng đắn của mình trong Giáo Hội.
Vô tri bất mộ,
suốt thời gian Công đồng diễn ra cũng như sau đó một tháng, hầu như ánh sáng của
Công đồng không lọt tới được miền Bắc, ngay cả tới hàng giáo sĩ, chưa nói tới
hàng ngũ giáo dân. Sau khi Công đồng bế mạc tới 3, 4 năm, tôi đang dạy tại Ðại
Chủng Viện Hà Nội mới được một vị trong Mặt Trận Tổ Quốc T.P. Hà Nội cho một cuốn
sách tài liệu về các bản văn Công đồng bằng tiếng pháp, sau khi đã ca ngợi hướng
đi đúng đắn và tiến bộ của Công đồng Vatican II, phải đợi tới khi Ðức Tổng Giám
Mục giáo phận Hà Nội Giuse M. Trịnh Văn Căn tham dự Thượng Hội đồng thế giới về
Giáo lý trở về mang được một số sách nói về Công đồng, nhất là sau khi đất nước
thống nhất vào năm 1975, những thông tin tốt đẹp của Công đồng được phổ biến
cho giáo dân miền Bắc trong các nhà thờ, các lớp giáo lý, sự đi lại giao lưu giữa
giáo dân hai miền Nam-Bắc, tất cả đã đóng góp cho các giáo dân miền Bắc thấy
vai trò của họ: là sống tính cách trần thế của họ giữa cuộc đời, dấn thân phục
vụ con người, nhất là con người nghèo khổ, tôn trọng những giá trị của các thực
tại trần gian, đoàn kết yêu thương đối thoại với các tôn giáo, nhiệm vụ truyền
giáo v.v... Nhưng do thiếu thốn các linh mục trầm trọng ở miền Bắc, thiếu người
hướng dẫn tốt, thiếu sách vở, nên tình trạng người giáo dân Việt Nam ở miền Bắc
ý thức được việc làm của mình trong Giáo Hội địa phương và nhất là đem ra sống
thực tế trong xã hội, ở mức độ yếu kém.
Ðàng khác do một
số giáo dân vào Nam học tập không thấu đáo về những điểm tiến bộ của Công đồng
chung Vatican II đem về phổ biến cho giáo dân nên gây ra tình trạng lộn xộn,
tranh dành quyền lợi với hàng giáo sĩ và với nhau.
Dẫu thế, cuộc sống
của người giáo dân miền Bắc mặc dù sống trong hoàn cảnh không nhiều thuận lợi
nhưng nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, đã có những nét tốt đẹp khác phù hợp
với nội dung Công đồng chung Vatican II: như đức tin sống mạnh mẽ, lòng trung
thành tuyệt đối với Giáo Hội, sự sùng kính mãnh liệt đối với Ðức Mẹ Maria.
Trong bài phát biểu tại Thượng Hội Ðồng thế giới về giáo dân, tôi đã từng nói:
"Giáo dân Việt Nam đã sống các lý tưởng của Công đồng trước khi biết đến
Công đồng theo đúng câu phương ngôn Latinh: Primum vivere, Deinde Philosophare:
"Ðầu tiên là sống trước đã rồi triết lý sau". Và trong bài phát biểu
khác ở Thượng Hội Ðồng thế giới về Á châu, tôi tả vẽ hình ảnh một người mẹ công
giáo Việt Nam đầu đội thúng gạo, tay trái dắt con nhỏ, tay phải cầm tràng hạt lần
kính Ðức Mẹ, và trích câu nói của nhà văn, đại ý:
"Ðạo đức mê
tín đến như vậy làm sao cải tạo được, mọi cố gắng ở đây đều như hòn đá ném xuống
ao tù, mặt ao đầy váng có tan ra trong chốc lát, rồi lại khép vào đâu vẫn hoàn
đấy".
Sức sống của người
giáo dân Việt Nam miền Bắc là như vậy.
B- Vai trò của
giáo dân miền Nam.
Chúng tôi không
đề cập tới khía cạnh chính trị của vấn đề để khỏi phải gọi ai là ngụy quân ngụy
quyền như Cha Thiện Cẩm đã có lần viết trên tập san Công Giáo Và Dân Tộc, song
phải khách quan mà nói.
Những giai đoạn
từ 1954 tới khi thống nhất, cả những năm hiện tại, người giáo dân miền Nam sống
trong một xã hội mở ra thế giới bên ngoài.
Ðã mở cửa thì phải
chịu hậu quả tốt xấu. Ðón làn gió mát thời cũng hứng chịu những ruồi muỗi bay
vào.
Những nếp sống
xa đọa của thế giới hưởng thụ đã tràn vào phá hoại không ít những gia đình giáo
dân Việt Nam, nhất là đám thanh niên nam nữ, làm lung lay những khung mộng của
nền lễ giáo.
Nhưng cũng làn
gió mới thổi từ Công đồng Vatican II đã đến Việt Nam nhờ vào cánh cửa rộng mở
này. Các Giám Mục có thể tới dự các phiên họp Công đồng. Các sách vở báo chí
thông tin về Công đồng được phổ biến rộng rãi. Cuốn sách dịch công phu của Học
viện Ðà lạt mang ánh sáng Công đồng đến cho dân Chúa ở Việt Nam suốt mấy chục
năm qua, tạo điều kiện cho giáo dân ý thức được rõ rệt vai trò để dấn thân phục
vụ kết quả hơn do tính cách thế trần của họ.
Các hội đoàn
giáo dân xuất hiện ngày càng nhiều và làm cho sự phục vụ, dấn thân thêm đa dạng
và kết quả.
Ngày nay, các
khách tới thăm miền Nam đều ca ngợi một Giáo hội Việt Nam đầy sức sống. Hội
đoàn có những sinh hoạt phong phú, các lớp học về Tôn Giáo đa dạng, các dòng tu
hội đoàn dấn thân hoạt động hiệu quả. Tuy còn một số khó khăn nhất định, song
hàng ngũ giáo dân đã ý thức được vai trò của mình trong Giáo Hội với xã hội và
đem ra thực hiện để xây dựng sự hưng thịnh ngày nay.
Trong các lớp
đàn anh tre già nhưng vẫn còn cứng cựa, còn măng non mọc lên cũng chứa chan sức
trẻ. Họ chính là chủ lực cho Giáo Hội phía Nam, còn là kho dự trữ để tiếp tế
cho anh em phía Bắc.
Chúng tôi được
biết rõ các giáo dân miền Bắc vào Nam lập nghiệp, song cũng là để học hỏi về
giáo lý, tu đức, sinh hoạt hội đoàn ngày càng đông, và cũng khích lệ các anh chị
em giáo dân trong Nam bằng cách này cách khác quan tâm và nỗ lực giúp đỡ anh chị
em mình, đón ánh sáng Công đồng, sống đúng vai trò của mình trong Giáo Hội và
xã hội.
C- Ngày nay
trong một đất nước hoàn toàn thống nhất
Ngày nay trong một
đất nước hoàn toàn thống nhất, đã thoát khỏi quan liêu bao cấp, mở rộng nhiều mặt
về kinh tế, chính trị v.v... chúng tôi mong muốn câu nói: "Miền Nam đi trước
về sau (về mặt chính trị) và miền Bắc đi trước về sau (về mặt tôn giáo) không
thành sự thực.
Các giáo dân miền
Nam đã ý thức vai trò của mình được ánh sáng Công đồng Vaticanô II và đóng vai
trò đó mạnh mẽ trong xã hội ngày nay được tạo mọi điều kiện tốt hơn nữa để công
cuộc phục vụ dấn thân với tính thế trần của họ.
Các giáo dân miền
Bắc nói chung vẫn còn mu mơ trong ý thức vai trò của mình dưới ánh sáng Công đồng
Vatican II, còn yếu kém hơn trong việc thực hiện vai trò đó trong Giáo Hội và
xã hội. Một lý do quan trọng nhất là họ thiếu hướng dẫn, thiếu học tập, nói
chung thiếu sách vở, thiếu thầy dạy. Ðiều này rất khó khắc phục với nhân sự hiếm
hoi như lá mùa thu và yếu kém ở miền Bắc. Ðiều mong ước là được các chuyên viên
về giáo lý, về các hội đoàn giáo dân từ miền Nam công khai được ra giúp đỡ anh
em mình ở miền Bắc. Ðất nước ta đã thống nhất mở ra trong nhiều lãnh vực, chúng
ta đón các giáo sư, các chuyên viên quốc tế giảng dạy ở Việt Nam, tạo điều kiện
cho các cuộc giao lưu mọi miền trong đất nước, vậy tại sao vẫn "bế quan tỏa
cảng" đối với các vấn đề tôn giáo.
Ðây là lúc chứng
tỏ năng lực hữu hiệu của Ủy Ban Ðoàn Kết và các Ủy ban làm cầu nối trong xã hội,
không nên để tình trạng "bí quá" phải "làm chui" vừa tác hại
nhiều mặt và nhiều phía.
- Về phía các tổ
chức, hội đoàn, việc xử dụng giáo dân trong các cơ cấu nên rộng rãi hơn. Ủy Ban
đoàn kết là của ai, gồm những ai, tôi nghĩ, có thể là một hình thức nào đó giúp
giáo dân sống tính cách trần thế của mình, không nên chỉ do hàng giáo sĩ tham
gia điều khiển. Tôi nghe dịp thành lập Ủy Ban đoàn kết trong giáo phận Xuân Lộc,
có tới 100 linh mục đăng ký tham gia, còn "chỗ" đâu dành cho giáo
dân!!!
- Ngay về phía
Giáo Hội, cũng cần có sự mạnh dạn rộng rãi hơn, nhất là lòng tin vào người giáo
dân. Họ là số đông trong Giáo Hội nhưng rất ít người là bè rối bè đảng hơn các
Ðấng các bậc. Các Hội nghị dành cho giáo dân, các phái đoàn đi "phó"
hội không nên chỉ gồm có Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ mà dành ít nhiều chỗ
cho giáo dân.
Ðại hội giới trẻ
mỗi năm của Việt Nam ở thế giới thành phần giáo dân cũng quá ít, luôn chỉ giữ
vai trò phụ: hát hò, múa nhảy, không có cơ hội phát huy khả năng là sứ ngôn của
Chúa Kitô theo Bí Tích Rửa Tội.
Mấy lần công du
nước ngoài, tôi gặp các bạn bè năm châu đều ca ngợi Việt Nam chúng ta có ổn định
an ninh trật tự, nhất là khéo tổ chức các hội nghị lớn thành công tốt đẹp như:
Tiger Cup, Sea game 22, Agribankcup, Cộng đồng nói tiếng Pháp, Asean, Assam
v.v... nhưng họ chê tôi là lạc hậu: "Ông là Chủ Tịch Ủy Ban giáo dân mà
không tổ chức được một hội nghị nào mang tầm vóc quốc tế như: Ðại Hội giới trẻ ở
Paris, Tôrôntô, Rôma, Philipin, thậm chí nơi rất ít Công giáo như Thái Lan, Ấn
Ðộ v.v... Ở Việt Nam, tại thủ đô Hà Nội có sân Mỹ đình có thể dùng làm nơi diễn
ra các cuộc Hội nghị an toàn, trật tự, an ninh... mà sân đó cũng ít người thuê
trong năm.
Tôi nghe lời trở
về, đề cập điều đó với các vị có trách nhiệm, được các vị trả lời: "Xưa
nay không có thói quen đó. Phải đợi".
Từ đó đến nay, 3
năm trôi qua, chúng tôi sắp sửa đón tiếp vị Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo Tòa thánh
Vatican sang thăm Việt Nam và dự định phong chức cho gần 100 linh mục miền Bắc.
Con số người tham dự sẽ rất đông, dự liệu có thể 40 đến 50 ngàn người. Ðức Tổng
Giám Mục Hà Nội cũng đề nghị xin giúp cho thuê sân Mỹ đình để giải quyết các vấn
đề trật tự giao thông, an ninh ổn định, và cũng một câu trả lời: "Xưa nay
chưa có thói quen. Hãy đợi đấy". Hay là các vị chưa thực sự tin vào giáo
dân Công giáo Việt Nam. Hãy điểm lại các vi phạm luật lệ, an ninh trật tự từ
khi đất nước thống nhất cho tới nay: có thể là rất ít người Công giáo so với
các tổ chức và cộng đoàn khác.
Tôi cũng tâm đắc
với bài báo của cụ Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đăng trên báo Tuổi trẻ số
96/2005, ra ngày 30/4/2005 có đoạn viết: "Nhìn những cháu bé đang chơi với
nhau ấy, làm sao có thể phân biệt được cháu nào là con Quốc Gia, cháu nào là
con Cộng Sản (tôi xin thêm: cháu nào là theo đạo Công giáo, hay Phật giáo
v.v...). Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nhất trí với tôi: "Chỉ có người
lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt ấy".
Nhất là chúng ta
đánh giá thế nào về suy nghĩ của Thủ Tướng đương nhiệm:
Mùa Xuân năm
2000, Ban Thường vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tới chào Thủ tướng Phan Văn Khải,
chúng tôi được nghe Thủ tướng nói: "Nơi nào có đồng bào (giáo dân) công
giáo sống, nơi đó ít có nếp sống tiêu cực, xì ke ma túy, nơi đó có an toàn và
giữ dìn trật tự an ninh tốt".
Chúng tôi cám ơn
Thủ tướng và xin Ngài tạo mọi điều kiện cho chúng tôi giúp đỡ giáo dân duy trì
và phát triển nếp sống tốt lành đó.
Ngày nay giáo
dân Việt Nam ý thức được vai trò của mình dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, vẫn
còn rực sáng soi trên mọi nẻo đường, đang và sẽ làm cho cuộc sống của giáo dân
"tốt đời tươi đạo". Tôi muốn đổi câu nói thường ngày "tốt đời đẹp
đạo" lại thành "tốt đời tươi đạo", vì câu đối trên không chỉnh
trong lãnh vực văn chương, nhất là dưới ánh sáng của Công Ðồng Vatican II: giáo
dân Việt Nam phải lạc quan yêu đời, tôn trọng thực tại trần thế sống đạo tươi
vui như những bông hoa tươi rực rỡ muôn màu, như các các bạn trẻ xinh tươi, hứa
hẹn một cuộc sống sáng tươi. Chúng ta hãy nghe lời khuyên của các Ðức Giám Mục
trong bức thư mục vụ năm 2005 gửi cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam: "Trong
một xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, Kitô hữu phải tập và nêu gương sống
ngay thẳng. Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự sống con người, Kitô hữu
quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn hóa sự sống. Trong một xã hội chạy theo lợi
nhuận, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, gạt người nghèo sang bên lề cuộc sống...
Kitô hữu được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương".
Ðúng như nghị
quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam
khóa IX: "Vì tôn giáo chính là nhu cầu tinh thần đang và sẽ tồn tại cùng
dân tộc".
+ GM F.X. Nguyễn
Văn Sang
Giám Mục Thái
Bình
(Bài diễn thuyết
ngày 15/9/2005 của Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang)