THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

BÀI VIẾT MỚI

5 phút Lời Chúa - Tháng 2/2023

 



01/02/23 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,1-6

 

NGÔN SỨ BỊ TỪ CHỐI

“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4)

Suy niệm: ‘Bụt nhà không thiêng!’ Câu tục ngữ nói lên não trạng ‘sính ngoại’: Hàng nội dù chất lượng có tốt cũng bị coi thường. Dân làng Na-da-rét dù có ngạc nhiên về lời giảng dạy khôn ngoan và những phép lạ của Đức Giê-su, họ không thể chấp nhận “bác thợ, con bà Ma-ri-a”, người đồng hương với họ, lại là một ngôn sứ! Họ phẫn nộ tẩy chay Ngài (x. Lc 4,28-30) không chỉ vì ghen ăn tức ở, mà còn vì một lý do sâu xa hơn: “họ không tin Ngài” (Mc 6,6). Với cặp mắt định kiến, họ coi Ngài chỉ như một người phàm mà họ tưởng rằng đã quá rõ lai lịch. Họ không tin nhận Ngài chính là Đấng Ki-tô, được Thiên Chúa sai đến. Ơn cứu độ, do đó, cũng không thể thấm vào lòng họ được.

Mời Bạn: Cái nhìn đầy thành kiến khiến người ta không thể nhận ra giá trị tốt đẹp đích thực nơi người khác, nói chi đến việc tin nhận mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Cần lắm một thái độ chân thành, khiêm tốn, biết lắng nghe, đối thoại. Để xoá bỏ óc thành kiến nguy hiểm ấy, cần nhớ rằng mình có thể sai lầm, và cũng nhớ rằng những sự việc bình thường nhất, những con người bé mọn nhất cũng có thể là dấu chỉ dẫn chúng ta đến chân lý của Chúa.

Sống Lời Chúa: Thay vì nghĩ xấu, nói xấu người khác, bạn tìm khám phá những ưu điểm nơi họ, nhất là nơi những người mà bạn vốn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến. Chúa đã sống kiếp khó nghèo ở giữa chúng con. Xin cho chúng con luôn cư xử tôn trọng với mọi người nhất là với những người bé nhỏ khó nghèo.


02/02/23 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh
Lc 2,22-40

 

LỄ VẬT THANH KHIẾT

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)

Suy niệm: Chúa Giê-su là “lễ vật thanh khiết, lễ vật thánh thiện, lễ vật tinh tuyền” (KNTT I) được tiến dâng trong đền thánh cho Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lv 11,44-45). Những người tham gia vào cuộc dâng hiến này, Đức Ma-ri-a, thánh cả Giu-se, rồi đến cụ ông Si-mê-on và cụ bà An-na, nhờ được chạm đến Đức Giê-su, “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69), mà cũng được thánh hiến. Hành động dâng Chúa trong đền thánh này đã khơi dậy một cảm hứng và mở ra một lời mời gọi cho biết bao người nam, người nữ tiếp nối dâng mình để được thánh hiến cho Thiên Chúa, để thuộc trọn về Ngài trong đời sống tu trì.

Mời Bạn: Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bạn đã được thánh hiến và được mời gọi giữ tâm hồn thanh khiết để hiến dâng đời mình cho Chúa hầu sinh ích cho tha nhân. Bạn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn để bạn toả ánh sáng cho những người xung quanh qua đời sống bác ái yêu thương phục vụ. Lễ nến là tên gọi khác của ngày lễ hôm nay. Bạn chấp nhận tiêu hao chính mình như ngọn nến và kiên trì tín thác vào Chúa để chia sẻ cho tha nhân cảm nghiệm cuộc sống thân tình của Chúa ở với bạn.

Sống Lời Chúa: Dâng mình cho Chúa trong đời thường bằng cách dành thời gian trong ngày, xếp lại mọi việc khác để chỉ sống thân tình với Chúa mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hiệp với lễ dâng của Chúa trên bàn thờ, con xin hiến dâng chính mình với những hy sinh âm thầm để cầu nguyện cho ngày càng có nhiều người dâng mình phụng sự Chúa và phục vụ mọi  người. Amen.


03/02/23 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo
Mc 6,14-29

 

TRƯỢT DÀI TRÊN TỘI

“Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu.” (Mc 6,16)

Suy niệm: Vua Hê-rô-đê không làm chủ được lòng mê đắm sắc dục, đã phạm tội ngoại tình và loạn luân bằng việc chiếm đoạt vợ anh mình là bà Hê-rô-đi-a làm vợ. Thấy cảnh bại hoại vô luân này, Gio-an, với tư cách là một ngôn sứ trung thành, đã can ngăn nhà vua: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Lời nói này tố cáo tội lỗi đáng xấu hổ của nhà vua, đã đụng chạm đến tự ái sĩ diện của ông, nên ông đã tống ngục Gio-an. Ông phạm thêm tội lạm quyền và bất công. Chưa dừng lại, tội ác kéo theo tội ác. Vì đắm chìm trong tửu sắc yến tiệc, mê mẩn với trò ca hát nhảy múa, vua Hê-rô-đê đã nhắm mắt hứa liều với cô vũ nữ con gái bà Hê-rô-đi-a: “Con muốn xin gì, dù nửa nước ta cũng cho.” Dưới sự xúi bẩy nham hiểm đầy thù hận của bà mẹ lăng loàn, cô đã xin cái đầu của Gio-an Tẩy giả đặt trên mâm. Một lần nữa vì sĩ diện, vì lời hứa trước mặt bá quan văn võ, Hê-rô-đê đã nhúng tay vào một tội ác tày trời nữa: sát hại người vô tội, mà lại là một ngôn sứ.

Mời Bạn: Như chiếc xe lao dốc không phanh thì càng ngày càng lao nhanh, buông thả phạm tội rồi sẽ trượt dài trên tội. Chuyện vua Hê-rô-đê là bài học đau đớn cho thấy thế nào là sa đi ngã lại trong vòng tội lỗi. Bởi thế, để tránh tội, tốt nhất hãy xa tránh dịp tội, là nguyên nhân, cơ hội đưa đến phạm tội.

Sống Lời Chúa: Trong kinh Lạy Cha chúng ta đọc: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.” Hãy tránh xa chước cám dỗ để khỏi sa vào cám dỗ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trước những cơn cám dỗ hấp dẫn, chúng con thường té ngã. Xin ban cho chúng con biết cảnh giác những nguyên nhân sinh ra tội để có thể vượt qua được cơn cám dỗ.


04/02/23 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,30-34

 

THEO NHỊP ĐIỆU CUỘC SỐNG

“Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)

Suy niệm: Một người đốn củi thuê mải mê làm việc, tưởng sẽ kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng, sau ba ngày làm việc anh bị chủ sa thải. Chỉ vì mải làm, anh quên mài dụng cụ, khiến năng suất càng ngày càng giảm sút. Cũng vậy, đời sống gồm có hai nhịp: hoạt động và nghỉ ngơi; đó là gặp gỡ, thờ phượng Chúa và gặp gỡ, phục vụ con người. Ta không thể làm việc với năng suất cao nếu không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Tương tự, ta không thể sống đạo tốt nếu không có thời gian tiếp xúc với Chúa, sống mối tương giao thân tình với Ngài trong thinh lặng. Sau khi các môn đệ kết thúc hành trình truyền giáo, Đức Giê-su nhắc các ông dành thời gian “mài dụng cụ,” để hoạt động tông đồ được khởi sắc hơn.

Mời Bạn: Bạn chỉ có thể phục vụ người khác trong vui tươi và với lòng yêu mến khi bạn tiếp xúc với Đấng là nguồn sự sống, để nhận sức mạnh nâng đỡ của Ngài. Bạn dễ nóng giận, gắt gỏng, có khi vì bạn đánh mất sự quân bình giữa hai nhịp điệu này trong cuộc sống. Bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi bên Chúa để Ngài tái tạo năng lượng tươi trẻ cho hoạt động tông đồ và sự quân bình cho đời sống thiêng liêng của bạn.

Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, tâm sự thân tình riêng tư với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi bị rã rời vì trăm công nghìn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và lo âu, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Ngài. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được nhờ mang đôi cánh thần kỳ cầu nguyện. (Rabbouni)


05/02/23 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – A
Mt 5,13-16

 

SỨ MỆNH NGƯỜI KI-TÔ HỮU

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,14)

Suy niệm: Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, người Ki-tô hữu lãnh nhận ánh sáng đức tin của Đức Ki-tô Phục sinh. Như vậy từ đây họ được kêu mời phải trở nên toàn thiện mỗi ngày, dù lớn hay bé, dù làm bất cứ công việc gì, sứ mệnh của người Ki-tô hữu là phải mang ánh sáng của Chúa Ki-tô thấm nhập vào môi trường mình đang sống. Trong chuyến tông du tại Bồ Đào Nha (ngày 11-14/05/2010) ĐTC Bênêđitô XVI đã nhắc lại sứ điệp này khi ngài thúc đẩy công cuộc phúc âm hoá mới trong thế giới tục hoá hôm nay: thay vì chấp nhận một hình thức đầu hàng lặng lẽ khi đức tin bị đặt ra bên lề cuộc sống và ngay cả còn bị nhạo báng nữa,” người Ki-tô hữu phải trở thành “những chứng nhân ngời sáng đức tin của họ trong những địa hạt chính yếu của xã hội: đó là gia đình, văn hóa, nền kinh tế và chính trường.”

Mời Bạn: Chúng ta được đặt giữa thế giới này như ngọn đèn để trên giá. Để sống ơn gọi là ánh sáng, chúng ta phải toả sáng bằng một đời sống chứng nhân thấm nhuần tinh thần phục vụ, yêu thương của Tin Mừng tại bất cứ nơi đâu mà chúng ta có mặt.

Chia sẻ: Đức Thánh Cha nói: “Hãy nói cho mọi người hay rằng trở thành bạn hữu với Chúa Giêsu là một điều tốt đẹp và đi theo Người là điều rất đáng làm.” Bạn có thể làm gì để thực hiện điều đó?

Sống Lời Chúa: Làm một việc đậm chất Tin Mừng như tha thứ cho kẻ xúc phạm mình, sống công bằng trung thực, tôn trọng bảo vệ sự sống…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn ý thức và nỗ lực thi hành sứ vụ Chúa trao là thắp sáng cho trần gian ánh sáng của sự sống mới, ánh sáng Nước Trời.


06/02/23 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo
Mc 6,53-56

 

QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC KI-TÔ

Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm vào tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,56)

Suy niệm: Lời đầu tiên trong Kinh Tin Kính là lời tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng. Đức Giê-su Ki-tô trong khi thi hành sứ vụ cứu thế đã thể hiện quyền năng qua nhiều phép lạ để chứng tỏ rằng Ngài thực sự là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Để dẹp yên sóng gió, Ngài phán một lời, “gió liền tắt, biển lặng như tờ” (Mc 4,39). Chúa truyền cho ma quỷ xuất khỏi người bị chúng ám, chúng liền tuân lệnh (x. Mc 9,25-26). Chúa gọi người chết chôn trong mồ, người ấy liền sống dậy, đi ra (x. Ga 11,43-44). Còn hôm nay, kẻ đau người bệnh, “bất cứ ai chạm đến Người thì đều được khỏi.”

Mời Bạn: Chúa Giê-su vẫn mời gọi và trao cho chúng ta cơ hội đến với Ngài để Ngài chạm đến chúng ta. Để cho Lời Chúa chạm đến tâm hồn, chúng ta được chữa lành, được tẩy sạch tội lỗi (x. Mc 2,1-12). Chúa còn chạm đến chúng ta khi chúng ta rước Thánh Thể là Bánh hằng sống, nhờ đó, chúng ta được nuôi dưỡng, được sống đời đời.

Sống Lời Chúa: Siêng năng rước lễ, chuyên cần đọc và suy niệm Lời Chúa, hằng ngày dành thời giờ cầu nguyện tâm tình với Chúa, đó là những phương thế giúp chúng ta hôm nay “chạm” tới Chúa Giê-su. Xin cho ơn ích chúng ta hưởng nhờ khi “chạm” tới Ngài, chúng ta được thánh hóa, được chữa lành trong hành trình theo Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành con vì con trông cậy nơi Ngài, xin cứu vớt và giải thoát con khỏi những bệnh tật phần xác và những đam mê yếu đuối trong tâm hồn. Amen.


07/02/23 thứ ba tuần 5 tn
Mc 7,1-13

 

thờ chúa với cả tấm lòng

Chúa Giê-su nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.” (Mc 7,8)

Suy niệm: Các bé mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo cũng đã biết phải rửa tay trước khi ăn. Nhưng ở đây không phải các tông đồ không biết bài học vệ sinh thân thể sơ đẳng đó. Việc rửa tay ở đây là một cử chỉ tượng trưng nói lên ý nghĩa tinh thần, chẳng hạn như Phi-la-tô rửa tay có ý nói ông không chịu trách nhiệm trong việc kết án Chúa Giê-su. Việc rửa tay trước bữa ăn theo tập tục Do Thái là một nghi thức nhằm nói lên ước muốn thanh tẩy tâm hồn. Các ông Pha-ri-sêu và kinh sư coi trọng các nghi thức đó, nhưng chỉ làm theo hình thức, còn trong lòng thì không có chút tâm tình hoán cải nào. Thế nên Chúa mới khiển trách họ thờ kính Chúa bằng môi bằng miệng mà tâm hồn thì xa Chúa. Từ chỗ thờ kính Chúa cách giả dối ngoài môi miệng đến chỗ “gạt bỏ điều răn Thiên Chúa để duy trì truyền thống của người phàm” không xa bao nhiêu.

Mời Bạn: Chúng ta ngỡ ngàng đến độ kinh hoàng khi thấy người ta có thể đưa ra nhiều lý lẽ, luật lệ để biện minh cho việc khủng bố, phá thai, để gây chiến, để áp bức bất công, cho nhiều người. Nhưng bạn cũng nhớ rằng những tội ác tày trời vi phạm điều răn Chúa dạy đều đã bắt đầu từ lối sống giả dối. Là con cái Chúa và là anh chị em với nhau, mời bạn hãy thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng, đối đãi với nhau cũng với tất cả tấm lòng, dẫu có vì thế mà bạn phải vác thập giá cho nhau vì nhau.

Sống Lời Chúa: Xét mình để nhận ra lối sống giả dối và loại bỏ hẳn chúng ra khỏi cuộc sống của bạn.

Cầu nguyện: Chúa đã kêu gọi con làm con cái Chúa. Xin giúp con dám sống và dám liều thân cho công bằng và sự thật.


08/02/23 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Th. Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-ni
Mc 7,14-23

 

CẦN XEM XÉT CÕI LÒNG

“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)

Suy niệm: Năm 1543, N. Copernicus, một giáo sĩ (canon) kiêm nhà thiên văn, xuất bản cuốn sách “Về sự xoay vòng của các thiên thể” trình bày một lý thuyết mới được mệnh danh là ‘cuộc cách mạng Copernicus’: trái đất xoay quanh mặt trời, làm giới thiên văn học sững sờ, đảo lộn mọi kiến thức khoa học thiên văn thời đó. Có lẽ những người Do Thái thời Chúa Giê-su cũng có tâm trạng như thế khi Chúa tuyên bố đảo ngược quan niệm về sự thanh sạch của họ: “Chính cái từ con người xuất ra, - chứ không phải từ ngoài vào - là cái làm cho con người ra ô uế.” Sự ô uế, xấu xa không từ bên ngoài vào, càng không phải tự bản chất của sự vật, mà là từ bên trong nội tâm, do ý hướng xấu của con người gán cho chúng. Thế nên muốn được thanh sạch phải tẩy rửa từ bên trong, từ nội tâm con người.

Mời Bạn: “Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai bẻ thước mà đo lòng người.” Đam mê, dục vọng, sự ác thường được người ta che đậy bằng nhiều lớp vỏ bên ngoài như sự sang trọng, danh tiếng, quyền lực, hay vị trí xã hội... để không ai biết được cái lõi bên trong họ. Còn bạn, những lớp vỏ nào đang che chắn cho bạn? Bạn được mời gọi đối diện với sự thật lương tâm, rồi bóc dần chúng ra trước mặt Chúa và hoán cải nội tâm.

Sống Lời Chúa: Cuối mỗi ngày, bạn dành thời gian kiểm điểm ý hướng nào đã lái ý nghĩ, lời nói, việc làm của bạn sa vào chỗ xấu xa; bạn ăn năn sám hối và xin Chúa tha thứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con không chỉ giữ luật Chúa bề ngoài, mà còn biết sống thành tâm bên trong, vì Chúa chỉ ưa thích những ai sống chân thành và ngay chính. Amen.


09/02/23 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Mc 7,24-30

 

TIN THÌ SẼ ĐƯỢC

Đức Giê-su nói với người đàn bà (xứ Xy-ri): “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” (Mc 7,27-28)

Suy niệm: Con Thiên Chúa làm người không phải để làm phép lạ, mà là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,29-39). Vì thế, rất nhiều lần Ngài từ chối làm phép lạ. Nhưng có khi Ngài lại chấp nhận, vì lời cầu xin và lòng tin của những người đến xin Ngài. Như trường hợp tại tiệc cưới Ca-na, khi mà giờ của Chúa chưa đến, nhưng vì lòng tin của Đức Ma-ri-a mà ‘giờ ấy’ thay đổi và phép lạ đã xảy ra (x. Ga 2,1-12). Câu chuyện Tin Mừng kể hôm nay cũng thế. Người phụ nữ gốc dân ngoại đến xin Chúa chữa lành cho con gái của bà: Dù Chúa nói với bà những lời thật chói tai: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con,” nhưng bà vẫn kiên trì nài van và Chúa đã nhậm lời mà trừ quỷ ra khỏi con gái của bà.

Mời Bạn: Câu chuyện hôm nay là bằng chứng xác thực cho điều Chúa Giê-su khẳng định: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Bạn thử đặt mình vào hoàn cảnh của người phụ nữ đứng trước Chúa Giê-su và nghe những lời thật ‘chói tai’ như thế, bạn có tiếp tục nài van không? Bạn ghi nhớ lời trong thư thánh Gia-cô-bê: “Đức tin phải vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1,3).

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bạn cầu xin Chúa điều gì, bạn làm một việc hy sinh hãm mình để dâng lên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, biết rằng, mọi sự đều có thể đối với những ai có lòng tin, nhưng xin nâng đỡ đức tin còn yếu đuối của con. Amen.


10/02/23 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 7,31-37

 

làm việc tốt đẹp của chúa

Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7,37)

Suy niệm: Một số học giả nhận xét dân ta có tinh thần tôn giáo cao độ nhưng đồng thời cũng pha lẫn óc thực dụng. Điều đó được thể hiện qua nét tâm lý thường tình: mỗi khi có những “sự cố, vấn đề” đụng chạm đến cuộc sống như bị bệnh hoạn tật nguyền chẳng hạn, thì “hữu sự vái tứ phương”, thầy thuốc nào cũng chạy chữa, thần phật nào cũng cúng vái, đền chùa nào cũng khấn xin. Dân Do Thái cũng mang tâm trạng đó: có ai đau ốm tật nguyền đều đem đến Chúa Giê-su mong được chữa lành. Phúc Âm Mác-cô ghi lại tâm trạng “kinh ngạc” kèm theo lời tán tụng: “Ngài làm việc mọi việc đều tốt đẹp” như một lời vang vọng từ sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp.” Hiểu được điều này chúng ta mới nhận thấy Chúa Giê-su chứng tỏ thần tính của mình khi Ngài thực thi sứ vụ cứu thế như một cuộc sáng tạo mới: Ngài không chỉ chữa lành thân xác, cứu giúp những nhu cầu thể chất mà còn phục hồi con người toàn diện và biến đổi họ thành con người mới trong Nước Thánh Tẩy.

Mời Bạn: Hãy nhìn lên thập giá để tìm gặp “Đấng chữa lành”, nơi đó, chúng ta gặp được Đức Ki-tô, Đấng có khả năng chữa lành những thương tích, đặc biệt là những thương tích do tội lỗi gây ra là tiêu huỷ nơi chúng ta cuộc sống đời đời với Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tiếp tục “những việc tốt đẹp của Thiên Chúa” bằng việc phục vụ nhằm nâng cao phẩm giá con người nhất là nơi người nghèo, bị bỏ rơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con góp phần bày tỏ vinh quang của Chúa qua những công việc bác ái yêu thương của chúng con với anh em đồng loại.


11/02/23 THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức
Mc 8,1-10

 

THẾ GIỚI KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐÓI

“Thầy chạnh lòng thương đám đông vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn.” (Mc 8,2)

Suy niệm: Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giê-su đã ba ngày nay để nghe Ngài giảng. Có lẽ thời gian kéo dài vượt quá dự kiến, chút lương khô đi đường cũng đã cạn. Họ đói. Thế là Chúa lại chạnh lòng thương và Ngài ngưng công việc giảng dạy để lo chuyện ăn uống cho họ trước khi giải tán họ về nhà. Chúa không muốn cho ai phải đói; vì thế “cho kẻ đói ăn” để cho mọi người có điều kiện sống xứng hợp với nhân phẩm, đó là công việc của lương tri và còn là mệnh lệnh của tình bác ái nữa.

Mời Bạn: Thống kê năm 2022 của tổ chức “Food for Life” (tạm dịch: Ăn Để Sống) cho biết hơn 800 triệu người trên thế giới hiện nay sống trong cảnh đói ăn thường xuyên, nghĩa là cứ chín người trên trái đất này có một người không đủ ăn để có một cuộc sống khoẻ mạnh. Nước ta được kể là đang phát triển, vẫn còn đó biết bao người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, tiền không có để đi học; trong khi đó, vẫn có những người ăn uống xa xỉ phung phí; có những người “đánh bạc triệu đô,” đánh cờ ăn thua vài tỷ bạc một ván. Sự chông chênh đó có làm bạn nhức nhối? Chung quanh bạn có ai đang túng thiếu hơn bạn mà bạn chưa tìm cách chia sẻ không?

Chia sẻ: Làm thế nào để việc bạn cho đi không trở thành việc của kẻ trên bố thí cho kẻ dưới, hoặc cho tay này lấy lại tay kia, nhưng là một sự chia sẻ trong yêu thương, cảm thông và tôn trọng?

Sống Lời Chúa: Luôn dành một khoản trong số thu nhập của bạn để dành vào việc giúp những ai lầm than cơ nhỡ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những anh chị em đói nghèo bất hạnh.


12/02/23 chúa nhật tuần 6 tn – a
Mt 5,17-37

 

công chính hơn

“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

Suy niệm: Các kinh sư và biệt phái là những người giữ luật rất đúng, và cũng rất kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe. Là bậc thầy trong dân, thay vì dạy dân sống tinh thần của Giao Ước thì, qua cách sống của mình, họ làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn lề luật. Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ không dừng lại ở những việc làm vụ hình thức mà phải “công chính hơn” tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); cụ thể là:

-       sâu xa hơn, không chỉ bề ngoài mà tận trong tâm hồn: có lòng giận ghét đã là giết người, có ý muốn ngoại tình đã là ngoại tình trong tư tưởng rồi.

-       bao dung hơn: không còn “mắt đền mắt, răng đền răng,” nhưng đưa cả má phải khi bị vả má trái.

-       triệt để hơn: nếu mắt, tay nên dịp tội cho mình thì hãy chặt nó đi.

Mời Bạn: Quan niệm sai lầm và hẹp hòi về đức công chính vẫn tiếp tục trong chúng ta, nếu bạn và tôi vẫn cứ coi việc sống đạo chỉ là đi nhà thờ, xem lễ và giữ những việc luật buộc. Đức công chính của người môn đệ Chúa Ki-tô đòi hỏi chúng ta vượt qua những hình thức bên ngoài để đạt đến điều cốt lõi là “Mến Chúa yêu người.”

Chia sẻ: Hành vi, cử chỉ nào của bạn và cộng đoàn đang cần “công chính hơn”?

Sống Lời Chúa: Làm việc bổn phận hoặc việc bác ái với lòng yêu mến chứ không vì bắt buộc hoặc vì lý do gì khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con tự mãn vì đã giữ những gì luật buộc, nhưng xin giúp con biết làm mọi việc chỉ vì mến Chúa và yêu người.


13/02/23 THỨ HAI TUẦN 6 TN
Mc 8,11-13

 

ĐỨC GIÊ-SU, DẤU LẠ TỪ TRỜI

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)

Suy niệm: Chuyện kể rằng một vị thánh đang chầu Thánh Thể thì có người vào báo tin ở ngoài đang xảy ra một phép lạ và người ta kéo tới xem đông lắm. Vị thánh đã trả lời ở đây cũng đang diễn ra một phép lạ vĩ đại, đó là chính Chúa Giê-su hiện diện trong nhà chầu, nơi bí tích Thánh Thể và ngài đang chiêm ngắm. Người Do Thái đòi Chúa Giê-su làm một dấu lạ trên trời, nhưng chính Ngài là dấu lạ đang ở trước mặt họ thì họ không nhận biết: Ngài sẽ là Dấu Lạ đích thực cho họ, “dấu lạ Gio-na,” qua cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Biết bao phép lạ lớn lao Chúa đã thực hiện không phô trương ồn ào, mà kín đáo tế nhị, âm thầm khiêm tốn. Làm cho nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana, làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, Chúa đã làm như một việc bình thường, tự nhiên tới mức không ngờ! Và giờ đây, ngày ngày, Ngài vẫn hiện diện trong Lời của Ngài, trong bí tích Thánh Thể; bạn có ý thức sự hiện diện đó chưa?

Chia sẻ: Chúa Ki-tô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể nhưng lại có vẻ thầm lặng và quá tầm thường; điều đó có làm bạn quên lãng hoặc coi thường “dấu lạ” bí tích này không?

Sống Lời Chúa: Trong tuần dành thời gian đến chầu Thánh Thể ít là một lần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con nhưng nhiều khi con không nhận biết; và con cứ mãi tìm kiếm một giải pháp theo kiểu thế gian mà quên hành động trong sự kết hiệp với Chúa. Xin cho chúng con nhận ra rằng chỉ có Chúa Giê-su là dấu chỉ đích thực mang lại ơn cứu độ cho con mà thôi. Amen.


14/02/23 THỨ BA TUẦN 6 TN
Th. Xy-ri-lô, đan sĩ và Mê-tô-đi-ô, giám mục
Mc 8,14-21

 

ANH EM CHƯA HIỂU Ư?

“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (Mc 8,17-18)

Suy niệm: Trên thuyền, chỉ còn lại một chiếc bánh nhỏ không đủ cho thầy trò qua bữa. Các môn đệ áy náy và tranh luận xem ai là người chịu trách nhiệm về việc này. Qau sự việc này, Chúa Giê-su trách các môn đệ kém lòng tin, và Ngài dạy các ông hiểu thêm về quyền năng và sứ mạng của Ngài. Vừa hôm nào đây, họ đã chẳng chứng kiến Chúa khiến cho 7 chiếc bánh sau khi nuôi ăn no nê bốn ngàn người vẫn còn dư bảy thúng sao? Mà đây đâu phải lần đầu Ngài làm phép lạ bánh ra nhiều như thế! Đối với Ngài, thiếu bánh là chuyện nhỏ, chỉ đáng sợ khi thiếu niềm tin. Các môn đệ dường như thiếu cả Chúa, khi họ quên rằng Ngài đang ở ngay giữa họ.

Mời Bạn: Những cuộc cãi vã hằng ngày giữa chúng ta, trong các cộng đoàn, đặc biệt trong đời sống gia đình, dường như cũng thường xoay quanh vấn đề “thiếu” này. Thiếu tiền bạc, thiếu cơm áo, thiếu cửa nhà, thiếu tiện nghi… Chúng ta muốn tìm cho ra “thủ phạm” để rồi làm cho nhau đau khổ. Nhưng cái chúng ta thiếu thật sự lại là tình yêu, dẫn đến việc thiếu niềm tin và cuối cùng thiếu Chúa. Chúng ta hành xử như là chúng ta có thể tự mình lo liệu mọi việc và đẩy Chúa ra bên lề cuộc sống của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Chúa cũng muốn nói với bạn hôm nay: “Anh em chưa hiểu sao?” Mỗi người hãy tự trả lời với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được “nghe” và được “thấy” bằng đức tin, để chúng con luôn hiểu được Chúa yêu thương chúng con dường nào và mong ước chúng con đáp trả bằng một cuộc sống tin yêu và phó thác.


15/02/23 THỨ TƯ TUẦN 6 TN
Mc 8,22-26

 

CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC TIN

Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. (Mc 8,22)

Suy niệm: Anh mù ở Bết-xai-đa hẳn là rất mong muốn được sáng mắt. Nhưng ước mong đó có lẽ đã không thành hiện thực nếu anh không được những người bạn dẫn tới gặp Đức Giê-su. Tiến trình được chữa lành của anh cũng trải qua nhiều giai đoạn. Thoạt tiên, khi anh được Chúa dắt ra khỏi làng, “nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh,” lúc ấy anh chỉ thấy lờ mờ. Rồi Chúa lại đặt tay trên anh lần nữa, và “anh thấy tỏ tường mọi sự”.

Mời Bạn: Tiến trình sáng mắt của anh mù Bết-xai-đa cũng là tiến trình đức tin của mỗi người chúng ta. Chúng ta được dẫn đến gặp gỡ Ngài qua những trung gian: được cha mẹ bồng ẵm đến lãnh nhận bí tích Rửa tội khi còn sơ sinh hay qua lời giới thiệu của bạn bè, của người yêu…; hoặc cũng có thể sau một biến cố trong cuộc đời. Bước khởi đầu đó khai mở cho chúng ta con mắt đức tin nhưng lúc đó, mới chỉ thấy mờ mờ. Mỗi người cần được Đức Ki-tô “đặt tay lần nữa” để trưởng thành trong đức tin với lời tuyên xưng của chính bản thân mình. Tiến trình này chỉ hoàn tất khi chúng ta hưởng kiến Chúa ở đời sau, lúc chúng ta nhìn thấy tỏ tường mọi sự: “Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Mời bạn tự vấn: Tôi có được đức tin cá vị của riêng mình chưa? Hay vẫn còn là một đức tin thời thơ ấu, đức tin dựa vào người khác, vào đám đông?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, hãy tìm gặp Chúa Giê-su bằng việc suy niệm Lời Chúa, để Lời Chúa hướng dẫn đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con hồng ân đức tin. Xin cho chúng con biết bồi đắp đức tin ấy để mỗi ngày chúng con càng kết hiệp thân tình với Chúa hơn. Amen.


16/02/23 THỨ NĂM TUẦN 6 TN
Mc 8,27-33

 

KI-TÔ, ĐẤNG ĐƯỢC XỨC DẦU

Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả  lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8,29)

Suy niệm: Trong cuộc sống xã hội, cần biết được người này, người kia là ai để có thể cư xử xứng hợp với mức độ tương quan hoặc tầm ảnh hưởng của người ấy với mình, và trong xã hội. Các môn đệ đã tường trình khá đầy đủ về cái nhìn của dư luận cho rằng Thầy mình là ai. Nhưng trong mối tương quan Thầy-trò giữa Đức Giê-su và các môn đệ, như thế là chưa đủ. Ngài muốn các ông xác định Ngài là ai không phải theo dư luận bên ngoài mà là trong tương quan thân tình giữa họ với Ngài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu trả lời của Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô”, nghĩa là Con Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha xức dầu, đó mới nói lên căn tính đích thực của Ngài, mà Ngài – ít là trong lúc này – muốn giữ kín như một bí mật riêng tư mà chỉ các môn đệ, những người thân thiết với Ngài biết mà thôi.

Bạn thân mến! Chúa Giê-su cũng đang đặt câu hỏi với mỗi người chúng ta: “Phần con, con bảo Thầy là ai?” Mỗi người chúng ta hãy trả lời Ngài bằng câu trả lời của chính mình, câu trả lời phản ánh được mối tương quan giữa mình với Đức Ki-tô thân thiết như thế nào, và đồng thời câu trả lời đó cũng nói lên chúng ta sẵn sàng tham gia vào sứ mạng cứu thế với Ngài như thế nào.

Sống Lời Chúa: Rước lễ, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa là phương thế tuyệt hảo để sống thân tình với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con tìm biết Chúa nhiều hơn không chỉ qua sách vở, phương tiện truyền thông, qua dư luận, mà còn bởi chính kinh nghiệm gặp gỡ riêng tư của chúng con với Chúa, ngõ hầu chúng con có đủ sức mạnh kiếm tìm Nước Thiên Chúa.


17/02/23 THỨ SÁU TUẦN 6 TN
Bảy thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Mc 8,34-9,1

 

ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA

Chúa nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)

Suy niệm: Chúa Giê-su đặt ra điều kiện gắt gao không phải là Ngài muốn làm khó những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài. Từ xưa tới nay, có việc tuyển chọn ứng viên cho một chức vụ hay công việc nào mà không có điều kiện? Chúa Giê-su nêu rõ điều kiện của Ngài gồm hai vế: - từ bỏ chính mình; - vác thập giá mình. Hai vế đều quan trọng và bổ túc cho nhau, và nhất là đều đòi phải thực hiện cách triệt để và ở mức cao nhất. Điều kiện như thế sẽ là bất khả thi nếu như chính Đức Ki-tô đã không đi bước trước để cứu độ chúng ta và làm gương cho chúng ta. Quả thật Ngài đã từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, hoàn toàn trút bỏ vinh quang” để “mang lấy thân nô lệ” sinh ra làm người; và rồi Ngài đã vâng phục Chúa Cha để vác thập giá và rồi “chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Mời Bạn: Từ bỏ cái tôi và vác thập giá của mình: điều kiện là duy nhất, nhưng mỗi người đều có một cái “tôi” riêng phải từ bỏ, mỗi người cũng có thập giá riêng phải vác, không ai giống ai; mỗi người mỗi cảnh sống nhưng tất cả đều chung một con đường đi theo Đức Ki-tô. Điều kiện theo Chúa không phải là khẩu hiệu trên giấy mà phải được thực hiện cụ thể, sát sườn ngay trong cuộc sống đời thường của mỗi người.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khi cầu nguyện, bạn xin Chúa soi sáng để biết: đâu là điều tôi phải từ bỏ và đâu là thập giá tôi phải vác hôm nay. Và bạn xin Chúa giúp bạn thực hành y như vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám từ bỏ cái tôi tham lam, ích kỷ, kiêu căng để vác thập giá là những hy sinh khó nhọc con gặp trên đường phục vụ anh em. Amen.


18/02/23 THỨ BẢY TUẦN 6 TN
Mc 9,2-13

 

HIẾN MÌNH ĐỂ BIẾN HÌNH

Từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7)

Suy niệm: Hoạ sĩ Van Gogh nhận định: “Một tiều phu hay một thợ mỏ nghèo nhất cũng có những thoáng cảm hứng khiến anh ta cảm thấy gần như ở thiên đàng.” Thật vậy, ai cũng có những giây phút biến hình với những niềm vui bất ngờ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ba môn đệ được diễm phúc chứng kiến một thoáng biến hình ngắn ngủi của Thầy mình: khuôn mặt rực sáng vinh quang, y phục rực rỡ trắng tinh… Chính thái độ kiên quyết hiến mình cho Chúa Cha, đi trên con đường khổ nạn để cứu muôn người (x. Mc 8,31), đã đẹp lòng Chúa Cha, và Cha đã cho Con được biến hình trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Khi Con đã hoàn toàn hiến mình qua cuộc khổ nạn, Cha sẽ cho Con hoàn toàn biến hình trong vinh quang Phục Sinh.

Mời Bạn: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Ta-bo, mà là trèo lên núi Can Vê cùng với Chúa Giê-su” (th. Tê-rê-xa Hài Đồng). Khuôn mặt, tâm hồn bạn bừng sáng hơn sau mỗi nghĩa cử hiến mình cho đồng loại, qua từng hành vi từ bỏ cái tôi ích kỷ, cầu an, để sống cho người và yêu Chúa hơn. Tôi có cảm nhận mình được biến hình bừng sáng nhờ cử chỉ hiến mình không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành vài phút soi lại trong tấm gương Lời Chúa xem khuôn mặt mình bừng sáng hay tăm tối hơn để điều chỉnh cho hợp với tư cách người con yêu dấu của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi lần con nhìn Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp gỡ Chúa.


19/02/23 CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – A
Mt 5,38-48

 

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Ukraina và Nga là hai nước láng giềng, có nhiều điểm chung về phong tục, tôn giáo, đã từng hợp chung là một nước thời Liên Xô, thế mà nay rơi vào thảm trạng chiến tranh, huynh đệ tương tàn. Câu chuyện Ca-in giết em là A-ben trong sách Sáng Thế được tái hiện cách thật kinh hoàng. Con người có phẩm giá cao quý vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, vì thế tất cả đều là anh em với nhau, và là con cùng một Cha trên trời (x. Mt 23,8-9). Vì thế, không có chuyện coi ai đó là kẻ thù, và nếu có ai bị coi là kẻ thù, thì Chúa dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi anh em” (Mt 5,43). Không chỉ đưa ra giáo huấn, nhưng Chúa còn làm chứng bằng việc hiến thân chịu chết trên thập giá là tha thứ cho cả những kẻ sỉ nhục và đóng đinh giết Chúa. “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Pl 2,16).

Mời Bạn: “Lịch sử nhân loại là một lịch sử chiến tranh” (Mike Love). Có hận thù ghen ghét thì mới có chiến tranh. Nhiều người đang coi chiến tranh là chuyện bình thương, khi chấp nhận sống chung với cơn lũ quét của hận thù, tranh chấp. Bạn có bị cuốn vào dòng xoáy hận thù ấy không? Bạn có sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm bạn không? Bạn hãy loại bỏ những tư tưởng, lời nói gây oán thù, bất hoà, chia rẽ trước khi chúng bùng nổ ra hành động.

Sống Lời Chúa: Thực hành điều trong kinh “Thương người mười bốn mối”: “Tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hiến thân chịu chết để thứ tha tội lỗi chúng con. Xin cho chúng con cũng biết thành tâm tha thứ cho nhau. Amen.


20/02/23 THỨ HAI TUẦN 7 TN
Th. Phan-xi-cô Mác-tô và Gia-xin-ta Mác-tô
Mc 9,14-29

 

PHẢI CẦU NGUYỆN MỚI ĐƯỢC!

Khi Chúa Giê-su vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” (Mc 9,28-29)

Suy niệm: Mọi quốc gia đều có ngân sách quốc phòng rất lớn, để mua sắm, chế tạo những vũ khí ngày càng tối tân hầu trang bị cho quân đội của mình. Họ làm như thế với một lý do biện minh chính đáng: chỉ để tự vệ thôi! Bởi vì một nước được vũ trang đầy đủ thì mới giữ được an toàn lãnh thổ của mình; nhưng nếu địch quân có vũ khí mạnh hơn thì có nguy cơ thất thủ (x. Lc 11,21-22). Trong cuộc chiến thiêng liêng, các môn đệ hôm nay đang lâm vào tình huống nan giải: Chúa đã ban cho các ông quyền trừ quỷ thế mà sao các ông lại không trừ nổi tên quỷ hung tợn đang hành hạ dằn vặt cậu bé trai kia? Chính Chúa đã can thiệp trừ tên quỷ đó và Ngài giải thích lý do thất bại: không phải các ông không có vũ khí tối tân hùng hậu, nhưng vì thiếu cầu nguyện nên các ông đã không thể thực hiện quyền năng trừ quỷ mà Chúa ban cho.

Mời Bạn: Ma quỷ đang hoành hành trong thế giới này qua biết bao nhiêu tội ác xảy ra hằng ngày. Chúng cũng đang tấn công bạn bằng biết bao nhiêu cơn cám dỗ. Chúa đã ban ơn thánh hoá cho bạn nhưng bạn sẽ không thể đứng vững được nếu không huấn luyện mình bằng đời sống cầu nguyện. Chúa đã tiết lộ cho bạn bí quyết để chiến thắng ma quỷ đó. Cầu nguyện là việc ưu tiên số một cho đời sống thiêng liêng của mình. Phải cầu nguyện mới được, bạn ạ!

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc dành thời gian cầu nguyện mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.


21/02/23 THỨ BA TUẦN 7 TN
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 9,30-37

 

TIÊN BÁO KHỔ NẠN

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9,31)

Suy niệm: Các chính thể độc tài thường xiết chặt việc kiểm duyệt để chỉ lọc ra những thông tin kinh tế, xã hội, chính trị… có lợi nhằm tránh những căng thẳng, hoang mang, xáo trộn,… có thể xảy ra. Điều này khiến ta khó có được cái nhìn chân thực về thực tại. Chúa Giê-su thì khác hẳn, Ngài thẳng thắn nói rõ sự thật với những ai muốn theo Ngài. Ngài không muốn người ta hiểu sai về bản chất con người, sứ mệnh, bổn phận thi hành theo ý Chúa Cha của Ngài. Vì thế, dù bị người khác – ngay cả các môn đệ – không đồng tình, Ngài vẫn tiên báo cuộc Khổ nạn với những điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến cho mình, thế nhưng lại kèm theo lại một kết thúc có hậu: cuộc phục sinh khải hoàn. Nói trước như vậy để các ông không vấp ngã, hoảng sợ, nhưng chuẩn bị tinh thần đón nhận, rồi dần dần đi vào cuộc phục sinh với Thầy mình. 

Mời Bạn: Đã hiểu biết thân phận, sứ mạng của Chúa Giê-su rồi, liệu bạn có dám chấp nhận dấn thân cho Ngài trong tư cách là Ki-tô hữu hay không?

Sống Lời Chúa: Với tư cách Ki-tô hữu ấy, bạn sẽ gặp nhiều sự chống đối, hiểu lầm, bị loại trừ bởi xã hội, bạn bè và ngay cả người thân trong gia đình mình nữa. Nhưng bạn cũng được an ủi rất nhiều, vì “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,21).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã gọi con làm môn đệ Chúa. Ước chi lời dạy và gương sáng của Chúa thúc đẩy con hăng say dấn bước trên con đường theo Chúa cho đến cùng. Amen.


22/02/23 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18

 

SỐNG MÙA CHAY

“Khi anh làm việc lành phúc đức… cầu nguyện… ăn chay…Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo.” (Mt 6,1.5)

Suy niệm: Hôm nay, Giáo Hội khai mạc mùa Chay thánh, là nhịp mạnh của đời sống đạo. Đây là thời gian Chúa tuôn đổ ân sủng và lòng từ bi chan chứa trên con người tội lỗi. Trong mùa này, người Ki-tô hữu được mời gọi cùng Chúa Ki-tô bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ, thế gian, xác thịt (ba thù) bằng các phương thế siêu nhiên là cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Như Chúa Ki-tô ở trong sa mạc 40 ngày, người Kitô hữu cũng vào “sa mạc” của lòng mình, để âm thầm, kín đáo duyệt lại và làm mới các mối tương quan: (1) với Chúa: gắn bó hơn bằng việc cầu nguyện có phẩm và lượng; (2)  với mình: kềm hãm các đam mê, khát vọng bằng chay tịnh, khổ chế; (3) với tha nhân: yêu thương hơn qua việc chia sẻ vật chất và tinh thần.

Mời Bạn: Mỗi năm, bạn có mùa Chay để canh tân các mối tương quan trên. Bạn hãy tận dụng thời cơ: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.” Ước gì bạn đừng để mỗi ngày mùa Chay qua đi mà không tiến thêm một bước trên đường thiêng liêng.

Chia sẻ: Nhóm, gia đình, đoàn thể tôi sẽ làm gì để sống mùa Chay thánh này?

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ giữ chay cách nghiêm túc, để chứng tỏ lòng tôi khao khát Chúa, muốn tiết chế dục vọng xác thịt để tinh thần vươn cao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hàng năm Chúa ban cho chúng con 40 ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ này để học biết Đức Ki-tô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ. Amen.

     (Lời nguyện Chúa Nhật I mùa Chay)


23/02/23 THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Th. Pô-li-cáp, giám mục, tử đạo
Lc 9,22-25

 

TÔI VÁC THÁNH GIÁ

Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)

Suy niệm: Sau lời tiên báo thương khó, Đức Giê-su đề cập ngay đến điều kiện các môn đệ phải có để theo Ngài. Chúa không chỉ nói với nhóm Mười Hai, mà còn với tất cả những ai đang đi sau Ngài. Điều kiện ấy là vác thập giá của mình hằng ngày. Thánh giá của mỗi người đều có dấu riêng, kết liên với kinh nghiệm và cuộc đời. Đức Hồng Y Martini nói: cũng như có hàng ngàn kiểu cầu nguyện, thì cũng có hàng ngàn cách tiếp cận với thánh giá và sống với thánh giá. Mỗi người có cách của mình để đảm đương thánh giá trên vai. Đó là đảm đương những bổn phận hằng ngày cách kiên trì, dù lắm khi rất nhàm chán. Dĩ nhiên, không có thánh giá nào mà không có sức nặng; chẳng có thánh giá nào mà không đòi nỗ lực, gắng sức. Chỉ có điểm chung cho mọi người môn đệ là không để thánh giá đè bẹp hay bỏ cuộc. Tất cả được kêu gọi tiến bước theo Chúa, mang cuộc đời mình theo Ngài.

Mời Bạn: Bên cạnh Đức Giê-su có hai tên trộm cướp vác thập giá và đang đi, có khi theo Đức Giê-su, lại có khi đi trước Ngài. Xét bề ngoài, họ đáp ứng đủ những đòi hỏi của Đức Giê-su. Tiếc thay lòng họ chưa muốn đi theo Ngài! Còn bạn thì sao?

Chia sẻ: Thánh giá của bạn là việc bổn phận có làm bạn nhàm chán vì sự đều đều của nó không?

Sống Lời Chúa: Bạn làm những công việc bổn phận mà không than vãn, trách móc. Bạn dâng hy sinh đó cho Chúa khi dự Thánh Lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nâng đỡ con để con trung thành vác thánh giá theo Chúa, dù lắm khi con tưởng chừng không thể đứng lên tiếp tục tiến bước.


24/02/23 THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt 9,14-15

 

CHO NIỀM VUI RẠNG RỠ

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9,15)

Suy niệm: Thường tình khi dự tiệc cưới, ai cũng ăn mặc tươm tất để bày tỏ niềm vui với cô dâu chú rể; không ai đến đến dự tiệc với bộ mặt “đưa đám,” trong y phục nhếch nhác. Niềm vui trong tiệc Thánh Thể còn đòi hỏi người tín hữu thể hiện gấp bội và sâu đậm hơn thế nữa. Bởi trong thánh lễ, Thiên Chúa mời nhân loại đến dự đại yến tiệc Ngài dọn, một tiệc cưới đã chuẩn bị từ ban đầu và suốt chiều dài lịch sử nhân loại, một tiệc cưới mà cao lương mỹ vị là chính Mình và Máu Ngài, và niềm vui cho người dự tiệc không chỉ là được thứ tha tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa, mà còn được phục hồi sự sống và sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Vì thế, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt và cách trang phục của người tín hữu diễn tả đức tin vững chãi và cảm nghiệm sâu xa hạnh phúc được tham dự thánh lễ. Một linh hồn được cứu rỗi luôn tràn trề niềm vui. Lo âu, buồn rầu, bi quan rõ ràng tương phản với niềm vui trong Tiệc Thánh.

Mời Bạn: Bạn có sống niềm vui của Hội Thánh khi tham dự yến tiệc Thiên Chúa dọn cho nhân loại trong thánh lễ không? Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chuẩn bị xứng đáng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn mỗi khi dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.

Sống Lời Chúa: Nếu bạn sống đời thánh hiến vì Nước Trời, mời bạn bày tỏ niềm vui tận hiến khi dự thánh lễ; nếu bạn sống ơn gọi gia đình, mời bạn tham dự thánh lễ và dâng hiến gia đình của bạn cho Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa biến đổi những chum nước lã của cuộc đời con thành rượu ngon khi con đến dự Tiệc Thánh.


25/02/23 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Lc 5,27-32

 

NIỀM VUI TỪ BỎ MỌI SỰ

Đức Giê-su bảo ông Lê-vi: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy theo Người. (Lc 5,27-28)

Suy niệm: “Niềm vui lớn nhất cuộc đời là làm những gì người ta bảo là bạn không thể làm được” (W. Gagebot). Không ai dám nghĩ ông Lê-vi, kẻ bị coi là tội lỗi công khai, vào một ngày đẹp trời sẽ bỏ đống tiền lại ở bàn thu thuế và hoán cải đổi đời! Thế nhưng, chỉ cần ánh mắt và tiếng gọi của Đức Giê-su, ông đã làm được điều không tưởng: bỏ cái nghề bất chính hái ra tiền để đi theo Ngài. Kỳ lạ một điều là bỏ nhưng vui! Vui đến độ sau đó ông mở tiệc lớn đãi Đức Giê-su và cũng để mừng sự kiện ông dám bỏ mọi sự đi theo Ngài. Qua bữa tiệc này, ông cũng muốn giới thiệu các đồng nghiệp bất chính của mình với Đức Giê-su, để họ sẽ nhận được niềm vui đổi đời từ cuộc gặp gỡ này như mình.

Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian thanh luyện tâm hồn bằng cách từ bỏ tất cả những gì đang kéo ghì, dán chặt bạn vào vòng xoay của một cuộc đời đi ngược với quỹ đạo yêu thương của Chúa. Chẳng hạn: lối sống đua đòi theo bạn bè xấu, cuộc sống tiêu cực cầu an hoặc hưởng thụ ích kỷ, thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm việc đến nỗi chểnh mảng bổn phận với gia đình… Bạn thấy mình phải từ bỏ điều gì trong mùa Chay này?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ dành vài phút xét xem: lâu nay mình đang bị cuốn hút vào vòng xoáy hay “lỗ đen” của thói hư tật xấu nào, rồi hứa với Chúa sẽ cố gắng từ bỏ trong mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ánh mắt nhân lành và tiếng gọi lôi cuốn của Chúa đã giúp Lê-vi từ bỏ cái nghề tội lỗi để bước theo Chúa. Xin cho chúng con, trong mùa Chay này, cũng nhạy bén nhận ra ánh mắt và lời mời gọi của Chúa và quảng đại đáp lại. Amen.


26/02/23
CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – A
Mt 4,1-11

 

VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN!

Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ. (Mc 1,13)

Suy niệm: Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật việc Chúa Giê-su bị Satan cám dỗ trong hoang địa lúc khởi đầu rao giảng để đối chiếu với việc ông bà nguyên tổ bị cám dỗ trong vườn địa đàng thuở hoang sơ. Khác một điều, bà E-và đã thất bại, còn Chúa Giê-su thì đã chiến thắng. “Vạn sự khởi đầu nan” với thất bại của ông bà nguyên tổ. Khi Chúa Giê-su đến để thiết lập một khởi đầu mới, tình hình còn tồi tệ hơn vì “sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Thế nhưng, trong thân phận con người Chúa Giê-su đã chiến thắng “tên cám dỗ”. Đó là tấm gương để chúng ta soi mà sống trọn mùa Chay với lòng tin tưởng và với quyết tâm chiến thắng tội lỗi.

Mời Bạn: Khi chúng ta ăn chay, hãm mình, cầu nguyện… thì ma quỉ cũng gia tăng cám dỗ chúng ta đi ngược lại bằng những lời hứa hẹn đường mật nhưng thực chất đều là những cái bánh vẽ không hơn không kém. Bạn hãy nhớ lại những kinh nghiệm bại trận vì nghe theo lời dụ dỗ của ma quỉ xem nó đem lại gì cho cuộc sống của bạn. Trống rỗng? Day dứt? Hụt hẫng? Hối hận?...

Chia sẻ: Đâu là những “chiến thuật” ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa? Và đối với bạn, ma quỷ dùng chiến thuật nào?

Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm lời này khi gặp cám dỗ: “Con chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của con!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chiến đấu chống lại những khuynh hướng xấu trong con nhân mùa Chay này. Và trong Chúa, con tin tưởng mình cũng sẽ chiến thắng, như Chúa đã thành công vì Chúa luôn làm theo ý của Chúa Cha. Amen.


27/02/23 THỨ HAI TUẦN 1 MC
Mt 25,31-46

 

BẮT ĐẦU TỪ ĐIỀU NHỎ BÉ CHO NGƯỜI NHỎ BÉ

Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là không làm cho chính ta vậy.(Mt 25,45)

Suy niệm: Ba việc đạo đức chính yếu trong Mùa Chay là ăn chay, cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo khó. Người nghèo khó được Chúa Giê-su quan tâm, yêu thương cách đặc biệt, đến độ Ngài tự đồng hóa mình với chính họ: làm phúc cho họ là làm phúc cho Ngài, lơ là không làm điều lành cho họ là tránh né làm điều lành cho Ngài. Điều phúc, việc lành ta làm không phải là điều gì cao xa, tầm cỡ vĩ mô, nhưng là những gì rất cụ thể, nhỏ bé trong đời thường: cho ăn, uống, tặng quần áo, cho chỗ trọ, thăm viếng, thăm nuôi với người đói, khát, mình trần, đau yếu, tù tội. Ngài muốn dạy ta những nghĩa cử yêu thương nhỏ bé với những con người bé nhỏ trong xã hội, những người không có gì để đền đáp lại. Đó là giá trị của hành vi “thi ân bất cầu báo” mà Mùa Chay đề cao.

Mời Bạn: Có thể bạn đã nhiều lần thấy người khác hay chính mình thực hiện các nghĩa cử bác ái này, đặc biệt trong cơn đại dịch vừa qua. Hẳn bạn cũng đã đau lòng khi biết nhiều kẻ lợi dụng trẻ em, người nghèo khổ, kẻ không còn gì để mất… để làm giàu bất chính trên xương máu của họ, những anh chị em “bé nhỏ” của Chúa. Thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, bạn hãy  thắp lên ngọn lửa yêu thương cụ thể cho họ.

Sống Lời Chúa: Tôi ghi nhớ và hành động theo Lời Chúa hôm nay để luôn được xếp là chiên ở bên phải Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ghi khắc Lời Chúa dạy hôm nay. Xin đổi lòng những người quá ham lợi lộc vật chất mà đánh mất lòng nhân ái, nghĩa đồng bào trong xã hội chúng con.


28/02/23 THỨ BA TUẦN 1 MC
Mt 6,7-15

 

GỌI THIÊN CHÚA LÀ CHA

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời... xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” (Mt 6,9.12)

Suy niệm: Khởi đầu Mùa Chay, Giáo hội mời gọi con cái mình đi vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa cũng như với nhau bằng cầu nguyện. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp nhất, kiểu mẫu cho việc cầu nguyện. Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, cũng là Cha của chúng ta. Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta được đắm mình trong tình phụ tử, cũng như mở rộng mối tương quan huynh đệ với mọi người, vì hết thảy đều là con cái của Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con.” Hơn nữa, ta còn là anh em với nhau, bởi được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giê-su Ki-tô là “Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo.” Như thế, lời kinh Lạy Cha là lời kinh của người môn đệ Chúa Ki-tô: với Cha là con thảo, với nhau là anh em. “Anh Cả Giê-su” dạy “yêu đến cùng” bằng lời tha thứ trên thập giá, nên chúng ta được mời gọi áp dụng lời kinh Lạy Cha vào cuộc sống mình, để không còn giữ bất kỳ sự oán giận nào từ trong sâu thẳm trái tim, và thanh thản cùng với mọi người cất lên lời kinh “Lạy Cha chúng con...

Mời bạn: Những tổn thương mà các con kinh nghiệm có thể cám dỗ các con rút lui khỏi người khác, quay lại nơi chính mình và nuôi dưỡng những cảm xúc oán giận, nhưng đừng bao giờ ngừng lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi tha thứ” (CV 165). Mời bạn chia sẻ về một kinh nghiệm tha thứ mà bạn đã thực hiện hay đã nhận được. Theo bạn, sự tha thứ có phải là một ân ban, hay đó chỉ là ‘nghĩa vụ’ làm dịu lương tâm?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho người đang mắc lỗi với bạn.

Cầu nguyện với kinh Lạy Cha.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT