THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN

BÀI VIẾT MỚI

MẸ MARIA LỆNH CHO TA DÙNG PHƯƠNG PHÁP CỨU RỖI LÀ LẦN HẠT



Có người chê đó là phương thế tầm thường và dễ dàng. Suy luận ấy nhắc lại câu truyện tổng tư lệnh Naaman mắc bệnh cùi được Ngôn Sứ Elisê bảo: muốn được lành chỉ tắm 7 lần ở Sông Hòa Giang. Ông tướng khinh phương thuốc quá tầm thường, đùng đùng nổi giận ra về. Bộ hạ can: giá vị tiên tri bảo ngài làm một điều khó, ngài cũng phải làm, huống chi đây là một việc quá dễ. Nghe phải, ông tướng đã không cho đây là một việc quá dễ. Nghe dễ và đã được cứu hai phần hồn xác (II Vua 5,1-19).

 
Tắm sông 7 lần là việc tầm thường và hơi chán, nhưng được người của Chúa chỉ dạy đã trở nên thuốc thần. Thiên Chúa đã thường dùng nhan nhản những phương tiện quá tầm thường để làm vô số công việc tuyệt diệu.
 
Romano Guardini, văn hào lỗi lạc nước Đức đã viết: Trong việc lần hạt MÂN CÔI, tác động lặp đi lặp lại làm cho người ta dễ rơi vào hành động máy móc và nhàm chán. Nhưng có phải bản chất của tràng hạt MÂN CÔI là đem đến nhàm chán không? Trước hết, nếu xét các kinh đọc, ta sẽ thấy tái hiện cả một lịch sử cứu độ... Tất cả những mầu nhiệm ấy đang được áp dụng vào ta. Ta trông ơn Chúa giúp đỡ khi sống và trong lúc chết. Rồi ta hợp với các Thiên Thần ngợi khen danh Chúa Ba Ngôi. Lời kinh nguyện của ta không bi lạc lõng trong giây phút này, nhưng cùng hòa âm với muôn vật từ khởi thủy trời đất. Và đây, cả cuộc đời Chúa Cứu Thế được tái diễn trong 15 suy gẫm vắn tắt. Ta sẽ được làm chứng cho lịch sử Cứu Độ và thông phần vào ơn Cứu Chuộc. Cách cầu nguyện cao trọng ấy mà bị ta coi thường sao?...
 
Khi hai người thương nhau, người ta không đem khoe tình yêu nơi công cộng. Họ không bắt nhau phải ăn ở cao sang rồi tìm những lời hoa mỹ xưng tụng lẫn nhau. Những loại tình yêu ấy, nếu có, chỉ là những thứ tình yêu giả tạo, ích kỷ và hướng về sự tan rã. Trái lại những tình yêu chân chính, họ âm thầm sống với nhau. Họ không chán phải lặp lại chữ yêu. Càng nói đến chữ yêu bao nhiêu, họ càng say sưa bấy nhiêu.
 
Đối với Đức Maria là Mẹ ta, một người Mẹ yêu thương và quyền thế, làm sao ta có thể nhàm chán khi nhắc đến tên Mẹ, đến tước hiệu của Mẹ và tình yêu Mẹ? Vậy lý do sâu xa làm ta không quí trọng lối cầu nguyện do Mẹ chỉ dạy đúng là vì ta thiếu tình yêu đối với Mẹ, ta chưa học hiểu đủ về Mẹ, ta chưa hiểu được bản chất cao sang đích thực của con người được tiêu biểu nơi Mẹ và nơi Con Mẹ.
 
GIAI THOẠI: HAI ẤN KIỀU THỌ ÂN MẸ LA VANG
 
Cha Giuse Trần Văn Trang là một linh mục nhân đức và học biết rộng. Ngài là tác giả nhiều sách tương đối giá trị, một trong những vị đã từ đầu có công lưu bút tích về Đức Mẹ La Vang. Sau Giáo Sĩ Bomin, tác giả những dòng lịch sử La Vang đăng trong Niên sử Truyền Bá Đức Tin năm 1901, cha Trang đã viết cuốn “Tự Tích Tôn Kính Đức Mẹ La Vang”, xuất bản năm 1923 tại Qui Nhơn.
 
Ngài đã kể lại nhiều ơn lạ mà Đức Linh Mẫu ở Núi Đồi Việt Nam, đã ban cho nhiều người.
 
Theo ngài, sau đây là những ơn lạ đã được ban cho hai người Ấn Độ.
 
Đầu năm 1922, ông Lesages, quán ở Pođichéry thuộc Ấn Quốc, được bổ nhiệm đến Sở Quân Thuế An Thành, gần Huế. Hai vợ chồng Lesages rất đạo đức, ngoài tập quán lần hạt MÂN CÔI hằng ngày còn có thói quen mời các linh mục Việt Nam và ngoại quốc lân cận đến dùng cơm tại nhà.
 
Ngày kia, trong số thực khách có cha già Luận. Ông bà Lesages đến cúi đầu xin cha đáng kính cầu nguyện cho được sinh con vì là vợ chồng son, trên mười năm rồi. Cha Luận hứa sẽ cầu nguyện và khuyên ông bà nên cầu cùng Đức Mẹ La Vang ban cho ơn ấy.
 
Hai ông bà hành hương đến nơi linh địa cầu xin ban cho ơn lạ. Đức Mẹ nhậm lời...
 
Độ nửa tháng sau, một người đồng hương và bạn thân Lesages là ông S. Sanjivy đến thăm. Bấy giờ ông này giữ chức lục sự Tòa Án Đà Nẵng.
 
Ông bà kể cho khách ơn lạ Đức Mẹ La Vang đã ban và ca ngợi sự linh ứng của Đức Trinh Nữ ở chốn Núi Đồi Việt Nam.
 
Ông S. Sanjivy chăm chỉ nghe. Hiện ông đang phải bối rối như tơ vò, vì đang là nạn nhân của một vụ kiện lớn. Nếu ông không được trắng án trong vụ tố tụng này, ông phải mất chức, bị nhục nhã và tương lai sẽ vô cùng đen tối. Chính ông chánh án cũng bảo trước: “Nếu ông bạn không khéo biện bác và để người ta chứng minh đủ bằng cớ thì dù tôi là bạn đồng nghiệp cũng không cứu nổi”.
 
Ông S. Sanjivy liền nài nỉ bạn lần hạt cầu nguyện và dẫn mình đến La Vang để xin ơn cứu thoát đại họa.
 
Một toán 5 người Ấn Kiều và đoàn tuỳ tùng ăn mặc sang trọng đã đến nơi linh địa. Cha Bạch và cha Chuyên đã tiếp đón phái đoàn hành hương ngoại quốc này.
 
Phái đoàn đến quỳ dưới chân Đức Mẹ xuất hiện và cầu nguyện rất sốt sắng.
 
Vài ba tháng sau, ông Lesages, ông bà S. Sanjivy đem vô số đèn nến tới nhà thờ thắp sáng choang để tạ ơn Đức Mẹ.
 
Ngày hôm sau, ông S. Sanjivy thân hành đến gặp cha Trang, bấy giờ làm chánh xứ Phú Ngấn, xin dâng 5 đồng làm lễ tạ ơn Đức Mẹ La Vang (5 đồng năm 1922 có lẽ mua được 2 lượng vàng).
 
Người Ấn thuật lại đầu đuôi sự việc cho cha nghe như đã kể trên và kết luận:
 
- Thật con đã nhờ ơn Đức Mẹ La Vang mà khỏi bị án một cách lạ lùng. Nếu không, con đã bị thải hồi và phải vô cùng nhục nhã. Vậy xin cha dâng lễ tạ ơn Đức Mẹ cho con.
Sau đó ông S. Sanjivy xin cha Trang một bản lịch sử La Vang để phổ biến bằng ngoại ngữ.
 
Lời Nguyện
 
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin giữ trong con một tâm hồn trẻ thơ tinh tuyền trong suốt như một dòng suối. Xin đem đến cho con một tâm hồn đơn sơ, không vướng mang chất chứa sầu muộn. Một tâm hồn cao đẹp để hiến dâng, luôn rộng mở cho cảm thông nhân ái. Một tâm hồn trung tín quảng đại, không hay quên bất cứ việc thiện nào, không oán hờn dẫu mảy may sự ác. Xin cho một tâm hồn dịu hiền, khiêm nhượng, biết yêu thương không mong chờ đáp trả. Vui sướng để được xóa mờ nơi con tim bằng hữu, trước tình yêu Con Chí Thánh Mẹ. Một tâm hồn bao la và bất khuất, không một vô ơn nào đóng lại, không sự thờ ơ nào làm chán nản. Một tâm hồn say đắm vinh quang Chúa Kitô, nứt rạn vì tình yêu Ngài, và vết thương chỉ được hàn gắn khi lên đến trời.

Trích từ “Sách Tháng Mân Côi” của Linh mục Giuse Nguyễn Tri Ân, OP.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT NỔI BẬT